Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

13/07/2021

Chính phủ Biden bác bỏ yêu sách Biển Đông của Trung Quốc

Matthew Lee

Chính phủ Biden hôm Chủ nhật đã ủng hộ việc bác bỏ của chính phủ tiền nhiệm đối với gần như tất cả các yêu sách hàng hải quan trọng của Trung Quốc ở Biển Đông. Chính quyền cũng cảnh báo Trung Quốc rằng bất kỳ cuộc tấn công nào nhằm vào Philippines trong khu vực điểm nóng ở Biển Đông sẽ khiến Mỹ phản ứng theo hiệp ước phòng thủ chung giữa Hoa Kỳ và Philippines.

biden1

Chính phủ Joe Biden nói rằng tất cả các yêu sách hàng hải bên ngoài vùng biển được quốc tế công nhận của Trung Quốc ở Biển Đông gần như là bất hợp pháp

Thông điệp cứng rắn từ Ngoại trưởng Antony Blinken được đưa ra trong một tuyên bố trước lễ kỷ niệm 5 năm ngày phán quyết của tòa án quốc tế có lợi cho Philippines, chống lại các yêu sách hàng hải của Trung Quốc xung quanh các quần đảo ở Biển Đông và các rạn san hô và bãi cạn lân cận. Trung Quốc bác bỏ phán quyết nầy.

Trước lễ kỷ niệm 4 năm ngày ra phán quyết vào năm ngoái, chính phủ tiền nhiệm của chính phủ hiện nay đã đưa ra ủng hộ phán quyết nhưng cũng nói rằng họ coi tất cả các yêu sách hàng hải của Trung Quốc ở Biển Đông gần như là bất hợp pháp bên ngoài vùng biển được quốc tế công nhận của Trung Quốc. Tuyên bố hôm Chủ nhật tái khẳng định lập trường đó.

Ngoại trưởng Blinken nói : "Không nơi nào trật tự hàng hải dựa trên luật lệ quốc tế bị đe dọa lớn hơn ở Biển Đông", Blinken nói, sử dụng ngôn ngữ tương tự như của vị tiền nhiệm của ông. Blinken cáo buộc Trung Quốc tiếp tục "ép buộc và đe dọa các quốc gia ven biển Đông Nam Á, đe dọa tự do hàng hải trên tuyến đường hàng hải toàn cầu quan trọng này".

"Hoa Kỳ tái khẳng định chính sách ngày 13 tháng 7 năm 2020 liên quan đến các tuyên bố chủ quyền hàng hải ở Biển Đông", ngoại trưởng Blinken nói, đề cập đến tuyên bố ban đầu của người tiền nhiệm của ông. "Chúng tôi cũng tái khẳng định rằng một cuộc tấn công vũ trang vào các lực lượng vũ trang, tàu công cộng hoặc máy bay của Philippines ở Biển Đông sẽ dẫn đến các cam kết phòng thủ chung của Hoa Kỳ".

Điều IV của Hiệp ước phòng thủ chung Hoa Kỳ-Philippines năm 1951 bắt buộc cả hai quốc gia phải viện trợ lẫn nhau trong trường hợp bị tấn công.

Trước tuyên bố của cựu ngoại trưởng Pompeo, chính sách của Hoa Kỳ là nhấn mạnh rằng các tranh chấp trên biển giữa Trung Quốc và các nước láng giềng nhỏ hơn của họ phải được giải quyết một cách hòa bình thông qua trọng tài do Liên Hợp Quốc hậu thuẫn. Sự thay đổi này không áp dụng đối với các tranh chấp về các đối tượng địa lý cao hơn mực nước biển, được coi là có bản chất "lãnh thổ".

Mặc dù Hoa Kỳ tiếp tục giữ thái độ trung lập trong các tranh chấp lãnh thổ, nhưng nước này đã đứng về phía Philippines, Brunei, Indonesia, Malaysia và Việt Nam một cách hiệu quả, tất cả đều phản đối việc Trung Quốc khẳng định chủ quyền đối với các khu vực biển xung quanh các đảo, đá ngầm và bãi cạn đang tranh chấp ở Biển Đông.

Trung Quốc đã phản ứng một cách giận dữ trước thông báo của chính quyền Hoa Kỳ năm 2016-2020 và có khả năng Trung Quốc sẽ tự cho là họ bị xúc phạm tương tự trước quyết định của chính quyền Biden trong việc giữ lại và củng cố các chính sách của chính phủ tiền nhiệm.

"Chúng tôi kêu gọi (Trung Quốc) tuân thủ các nghĩa vụ của mình theo luật pháp quốc tế, chấm dứt hành vi khiêu khích và thực hiện các bước để trấn an cộng đồng quốc tế rằng họ cam kết tuân thủ trật tự hàng hải dựa trên luật lệ tôn trọng quyền của tất cả các nước, lớn và nhỏ, " ngoại trưởng Blinken nói trong tuyên bố,

Trung Quốc đã bác bỏ phán quyết của tòa án mà họ đã gọi là "giả tạo" và từ chối tham gia tố tụng trọng tài quốc tế. Trung Quốc đã và đang tiếp tục chính sách bành trướng của họ bất chấp quyết định của phán quyết của tòa án quốc tế. Trung Quốc đã và đang thực hiện các hành động gây hấn đã đưa Trung Quốc vào tranh chấp lãnh thổ với Việt Nam, Philippines và Malaysia trong những năm gần đây.

Như tuyên bố năm ngoái của cựu ngoại trưởng Pompeo của Hoa Kỳ, thông báo hôm Chủ nhật được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc gia tăng về nhiều vấn đề, bao gồm đại dịch Covid-19, nhân quyền, chính sách của Trung Quốc ở Hồng Kông, Tân Cương và Tây Tạng và xung đột thương mại, đã khiến quan hệ của hai nước đã xuống rất thấp.

Trung Quốc tuyên bố chủ quyền gần như toàn bộ Biển Đông và thường xuyên phản đối bất kỳ hành động nào của quân đội Hoa Kỳ trong khu vực. Năm chính phủ khác tuyên bố chủ quyền toàn bộ hoặc một phần biển, qua đó khoảng 5 nghìn tỷ đô la hàng hóa được vận chuyển hàng hải mỗi năm.

Trung Quốc đã tìm cách củng cố các tuyên bố chủ quyền của mình trên biển bằng cách xây dựng các căn cứ quân sự trên đảo san hô, dẫn đến việc Hoa Kỳ điều tàu chiến của họ qua khu vực mà họ gọi là nhiệm vụ tự do hoạt động hàng hải. Hoa Kỳ không có tuyên bố chủ quyền đối với vùng biển này nhưng đã triển khai tàu chiến và máy bay trong nhiều thập niên để tuần tra và thúc đẩy tự do hàng hải và hàng không trên các tuyến đường thủy đông đúc nầy.

Matthew Lee

Nguyên tác : Biden backs Trump rejection of China's South China Sea claim, abcnews, 12/07/2021

Phạm Đình Bá dịch

Nguồn : VNTB, 12/07/2021

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Matthew Lee, Phạm Đình Bá
Read 444 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)