Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

13/05/2017

Chủ nghĩa thân hữu, tự chuyển hóa đã len lỏi vào công tác cán bộ

Thụy Du

Chủ nghĩa thân hữu, mối quan hệ dòng họ, "lợi ích nhóm" trong công tác cán bộ là biểu hiện của "tự diễn biến", "tự chuyển hóa", đe dọa sự tồn vong của Đảng...

Quy trình không có lỗi, lỗi là do người thực hiện

Hàng loạt các vụ bổ nhiệm, thăng tiến "thần tốc" được phát hiện tại một số địa phương trong thời gian vừa qua, thu hút sự chú ý của dư luận.

Bên cạnh đó, hàng loạt cán bộ, nguyên cán bộ cấp cao cũng bị kỷ luật nặng vì có vi phạm về công tác quản lý, trong đó có việc đề bạt, bổ nhiệm cán bộ vi phạm.

Sự buông lỏng quản lý và không loại trừ "lợi ích nhóm" trong công tác cán bộ dẫn tới việc một số cá nhân như Trịnh Xuân Thanh, Vũ Đức Thuận cùng nhiều doanh nhân khác vẫn ung dung về làm sếp Bộ, ngành sau khi khiến doanh nghiệp có vốn nhà nước thua lỗ, gây thất thoát tài sản rất lớn.

Một số ý kiến cho rằng, bên cạnh việc xử lý nghiêm khắc vi phạm của một số cán bộ vi phạm trong việc đề bạt, bổ nhiệm, cơ quan có trách nhiệm cần sớm "bịt" lỗ hổng trong công tác tổ chức cán bộ.

thanhuu1

Ông Trịnh Xuân Thanh (trái) và ông Vũ Đức Thuận thời còn đương chức PVC. Ảnh đăng trên Báo Tiền Phong.

Theo ông Nguyễn Tiến Dĩnh, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, việc cán bộ yếu kém, vi phạm nhưng vẫn được cất nhắc, bổ nhiệm vào nhiều vị trí cao, quan trọng trong hệ thống chính quyền là biểu hiện của "chủ nghĩa thân hữu", dòng họ.

"Chủ nghĩa thân hữu, dòng họ biểu hiện ở việc hàng loạt địa phương (Hải Phòng, Hải Dương...) bị phát hiện có tình trạng cả nhà làm quan. 

Hoặc việc Bộ Công thương đưa Trịnh Xuân Thanh về Bộ, sau khi ông này có lỗi/trách nhiệm trong việc gây thua lỗ tại Tổng Công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí (PVC).

Việc ông Vũ Huy Hoàng thiếu gương mẫu, có biểu hiện vụ lợi trong việc tiếp nhận, bổ nhiệm và điều động con trai làm kiểm soát viên Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam ; tham gia Hội đồng quản trị và giữ chức Phó Tổng giám đốc Sabeco, chính là biểu hiện rõ nhất của chủ nghĩa thân hữu, dòng họ", ông Nguyễn Tiến Dĩnh chia sẻ với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam hôm 10/5.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ cũng cho rằng, sự tồn tại của "chủ nghĩa thân hữu", mối quan hệ dòng họ, "lợi ích nhóm" trong công tác cán bộ chính là biểu hiện của sự "tự diễn biến", "tự chuyển hóa", đe dọa sự lãnh đạo của Đảng, sự tồn tại của chế độ.

"Điều này tạo điều kiện để cho những thành phần kém đức, kém tài lọt vào bộ máy quản lý nhà nước.

Tôi cho rằng, nếu rà soát lại các đơn vị hành chính từ Trung ương tới địa phương, sẽ còn rất nhiều cán bộ yếu kém, chứ không chỉ dừng lại ở những vụ việc vừa bị báo chí phát hiện vừa qua", ông Nguyễn Tiến Dĩnh nhận định,

Vị nguyên lãnh đạo Bộ Nội vụ cũng đưa ra cảnh báo về "lợi ích nhóm" trong công tác cán bộ.

"Lợi ích nhóm trong công tác cán bộ đang len lỏi trong công tác cán bộ, tại nhiều địa phương trên cả nước

Điều này dẫn đến việc bổ đề bạt, bổ nhiệm cán bộ không đúng quy trình, đưa người kém năng lực vào các vị trí lãnh đạo.

Đây cũng là tiền đề của tham nhũng, bè phái, gây chia rẽ, mất đoàn kết nội bộ...

Còn người có đức, có tài có khi lại bị loại khỏi bộ máy vì "lợi ích nhóm", phe cánh trong công tác cán bộ", ông Dĩnh nhân định.

Từ nhũng vi phạm về công tác cán bộ nói trên, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho rằng, sự giám sát, sức chiến đấu của tổ chức Đảng đối với những vi phạm về công tác cán bộ ở một số cơ quan nhà nước có vấn đề, thậm chí rất yếu kém.

"Công tác cán bộ là công tác của Đảng. Nhưng một số đơn vị còn né tránh, nể nang, hữu khuynh, không đấu tranh với cái xấu, ngại va chạm.

Đây là nguy cơ của Đảng, Nhà nước và của chế độ.

Điều này cũng được thể hiện rõ trong 27 biểu hiện suy thoái "tự diễn biến", tự chuyển hóa" thể hiện tại Nghị quyết số 04-NQ/TW.

Sẽ rất nguy hại nếu cán bộ không đủ đức, đủ tài vẫn len lỏi vào các vị trí lãnh đạo trong các cơ quan công quyền.

Điều này rất dễ làm giảm lòng tin của nhân dân đối với cán bộ", ông Dĩnh cảnh báo.

Chống "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" về công tác cán bộ

Ông Nguyễn Tiến Dĩnh nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác cán bộ trong thực hiện xây dựng chỉnh đốn Đảng.

Đây là vấn đề then chốt để xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh.

"Vừa qua, Bộ Chính trị vừa có kết luận về việc sửa đổi, bổ sung một số nội dung quy định về công tác cán bộ theo quy trình 5 bước.

Đây là biện pháp quan trọng nhằm khắc phục những lỗ hổng trong công tác đề bạt, bổ nhiệm cán bộ. 

Quy trình luôn luôn đúng. Vấn đề là người thực thi công tác cán bộ có thực sự khách quan, công bằng không ?

Nếu người thực thi quy trình công minh, thì cơ quan Nhà nước sẽ tìm được người có đủ tâm, đủ tầm", ông Dĩnh nói.

thanhuu2

Ông Nguyễn Tiến Dĩnh - nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ (ảnh đăng trên Báo điện tử Vietnamnet.vn)

Trong vấn đề tuyển dụng, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ đề nghị cơ quan có thẩm quyền áp dụng rộng rãi việc tuyển dụng thông qua hình thức thi tuyển.

"Hiện nay chúng ta đã có cơ chế trong việc thi tuyển cán bộ công chức, thi tuyển chức danh lãnh đạo tại một số Bộ, ngành, địa phương, nhưng việc này chưa được áp tổ chức rộng rãi.

Chỉ có thi tuyển thì người ứng thi mới có thể bộc lộ hết

được tài năng, quan điểm, chính kiến, trình độ, thái độ, lập trường, tư tưởng của ứng cử viên. Qua đó chúng ta có cách nhìn nhận, đánh giá khách quan năng lực thí sinh.

Còn hiện tại, công tác cán bộ của chúng ta vẫn tập trung vào việc giới thiệu, xem xét làm quy trình...

Tuy nhiên, quy trình đề bạt, bổ nhiệm cán bộ, rất dễ bị "méo mó" vì các mối quan hệ thân hữu, lợi ích nhóm...

Ví dụ, nếu người được giới thiệu là con của một đồng chí Bộ trưởng, thì cấp dưới có dám từ chối bỏ phiếu ? Nhiều khi người ta bỏ phiếu cho đồng chí ấy vì sự nể nang chứ chưa hẳn người đó giỏi thật sự.

Do vậy, quy trình thì vẫn thực hiện đầy đủ, nhưng việc bỏ phiếu chưa chắc đã khách quan", ông Dĩnh nêu quan điểm.

Song song với việc tổ chức thi tuyển cán bộ, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ cũng cho rằng, cần có cơ chế kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc thi cử, nhằm hạn chế tiêu cực có thể xảy ra.

"Việc thi tuyển phải được thực hiện công khai minh bạch và có sự giám sát. Nếu không thực hiện tốt việc này, kết quả thi tuyển chưa hẳn phản ánh đúng năng lực của người trúng tuyển.

Tôi ví dụ về trường hợp thi tuyển của bà Trần Vũ Quỳnh Anh, nguyên là cán bộ Sở Xây dựng Thanh Hóa.

Nếu xem học lực thì bà này không có gì nổi trội, nhưng khi thi tuyển thì điểm lại rất cao.

Câu hỏi đặt ra là, việc thi tuyển đó có công khai minh bạch không ? có phản ánh đúng năng lực cá nhân không ? Việc kiểm tra giám sát bài thi như thế nào ?

Có trường hợp làm bài sẵn trước khi vào thi hay không ?

Do đó, bên cạnh việc tuyển dụng, bổ nhiệm thông qua thi tuyển, cần phải có cơ chế kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc thi cử này, nhằm tránh những tiêu cực", ông Nguyễn Tiến Dĩnh đề nghị.

Thụy Du

Nguồn : GDVN, 13/05/2017

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thụy Du
Read 1129 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)