Trong mọi tình huống "tự diễn biến, tự chuyển hóa" không đâu nguy hiểm bằng trong hai lĩnh vực an ninh và quốc phòng, vì sự tồn vong của chế độ cộng sản Việt Nam hoàn toàn lệ thuộc vào Công an và Quân đội.
Vì vậy, Công an đã cảnh báo : "Hiện nay, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" là nguy cơ hết sức nghiêm trọng đối với sự tồn vong, vững mạnh của đất nước ta, diễn ra ở nhiều lĩnh vực, trong đó có quốc phòng, an ninh. Đây thực sự là một hiểm họa tiềm tàng, một loại kẻ thù giấu mặt, một thứ "giặc nội xâm" nguy hiểm, cần được nhận diện, ngăn ngừa, đấu tranh" (Công an Nhân dân, 26/09/2022).
Ba mức độ tự diễn biến - tự chuyển hóa
Vậy tình trạng này thể hiện trong cán bộ, đảng viên Công an và Quân đội như thế nào ?
Đầu tiên, theo báo Công an Nhân dân, là những người "có biểu hiện của "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trên lĩnh vực quốc phòng, an ninh có thái độ thiếu tin tưởng vào khả năng, sức mạnh quốc phòng, an ninh trong bảo vệ Tổ quốc".
Tại sao lại có sự chuyển hướng nghiêm trọng này trong "lực lượng vũ trang nhân dân" ? Bởi vì Việt Nam thời cộng sản bây giờ "không có đồng minh quân sự", căn cứ theo Chính sách Quốc phòng "4 không" gồm :
1) không tham gia liên minh quân sự ;
2) không liên kết với nước này để chống nước kia ;
3) không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ Việt Nam để chống lại nước khác ;
4) không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế".
Nhưng trong tình hình "hội nhập" hiện nay của thế giới, lập trường quốc phòng của Việt Nam đã bị chỉ trích là "không thực tế". Phản ứng lại, báo Công an Nhân dân viết :
"Nhưng đáng buồn thay, một số kẻ đã vội quên đi những chiến thắng oanh liệt được đánh đổi bằng hi sinh, xương máu của các thế hệ cha anh.
Nhìn lại sự kiện giàn khoan Hải Dương 981 năm 2014, khi tình hình biên giới, biển, đảo có diễn biến phức tạp, nhạy cảm, những người này thể hiện sự bi quan, hoang mang. Một số quay sang phê phán đường lối xử lý của Đảng, Nhà nước ta. Thậm chí có quan điểm còn cho rằng, Việt Nam là nước nhỏ nên cần phải nhượng bộ, "chấp nhận" theo sự sắp đặt của các nước lớn".
Công an Nhân dân cho rằng : "Những biểu hiện ấy dẫn đến sự lệch lạc trong nhìn nhận, xem xét các vấn đề về quốc phòng, an ninh ; làm ảnh hưởng tới sức mạnh chiến đấu của lực lượng vũ trang và đối sách của Đảng, Nhà nước".
Vụ Hải Dương 981
Nhắc lại vụ Hải Dương 981 là nhắc lại sự yếu kém của Hải quân Việt Nam. Vụ này xẩy ra từ ngày 2/5 đến ngày 16/7/2014.
Bách khoa Toàn thư ghi lại : "Ngày 2/5/2014, giàn khoan được Trung Quốc đưa đến tọa độ 15°29′58″Bắc - 111°12′1″Đ ông [13] , cách đảo Tri Tôn (Trung Quốc gọi là đảo Trung Kiến, thuộc quần đảo Hoàng Sa và đang là đối tượng tranh chấp chủ quyền giữa Việt Nam và Trung Quốc) 17 hải lý (khoảng 30 km) về phía nam, cách đảo Hải Nam 180 hải lý về phía nam, cách đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi , Việt Nam) khoảng 120 hải lý về phía đông [4] . Đảo Tri Tôn cũng như toàn bộ quần đảo Hoàng Sa hiện đang do Trung Quốc kiểm soát từ sau trận Hải chiến Hoàng Sa năm 1974 với Việt Nam Cộng Hòa ".
Diễn biến lực lượng đôi bên được viết tiếp : "Phía Việt Nam có 29 tàu của Cảnh sát biển và Kiểm ngư, không có tầu quân sự. Trung Quốc có 86 tàu và máy bay. Trong số đó, có các loại tàu : tàu quân sự ; tàu hải cảnh ; tàu hải giám ; tàu hải tuần ; tàu ngư chính ; tàu kéo cứu hộ ; tàu vận tải ; tàu dầu và tàu cỏ vỏ sắt ; bao gồm tàu Hộ vệ tên lửa số hiệu 534 ; tàu tên lửa tấn công nhanh mang số hiệu 752, 753, 754 ; và tàu tuần tiễu săn ngầm mang số hiệu 786, tàu Hải giám 7028, tàu Hải cảnh 46001.
Các tàu Trung Quốc vây thành vòng bảo vệ giàn khoan hoạt động. Các tàu Việt Nam chạy vòng vòng bên ngoài. Thỉnh thoảng có đấu vòi rồng (phun nước áp suất mạnh) và va chạm. Cả hai bên đều tố cáo bên kia cố tình đâm húc tàu của mình nhiều lần".
Đến ngày 16/7/2014, phía Trung Quốc tự ý rút giàn khoan và nói "đã hoàn tất cuộc thăm dò"
Tuy hai nước không có giao tranh đổ máu, nhưng Việt Nam cũng không dám nghênh chiến với lực lượng hùng mạnh của Trung Quốc.
Dư luận thế giới, kể cả Hoa Kỳ vào thời điểm này đã lên án hành động của Trung Quốc, nhưng không có nước nào lên tiếng đứng hẳn về phía Việt Nam trong tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc ở Biển Đông.
Việc này đã làm nẩy sinh yêu cầu và lời khuyên Việt Nam nên tìm kiếm đồng minh để nương nhờ trong trường hợp bị Trung Quốc tấn công ở vùng biển này lần nữa. Trung Quốc đã kiểm soát 8 vị trí trong Quần đảo Trường Sa của Việt Nam, sau cuộc tấn công ngày 14/03/1988 gồm :
Cụm Nam Yết : Đá Chữ Thập - Đá Ga Ven - Đá Lạc
Cụm Sinh Tồn : Đá Gạc Ma - Đá Tư Nghĩa
Cụm Trường Sa : Đá Châu Viên
Cụm Bình Nguyên : Đá Vành Khăn
Tuy nhiên, báo Công an Nhân dân ngày 26/09/2022 đã chỉ trích lời khuyên tìm đồng minh như "mất niềm tin vào đảng", đồng thời chỉ trích mục đích của yêu cầu là : "Theo hướng dựa vào bên ngoài, xa rời nguyên tắc độc lập, tự chủ. Họ muốn đi theo các nước lớn để nhận được sự giúp đỡ về vũ khí, trang bị kỹ thuật nhằm gia tăng sức mạnh bảo vệ Tổ quốc".
Vì vậy, báo Công an Nhân dân lên giọng phê bình : "Đây là suy nghĩ phiến diện, một chiều, có thể gây ra mối nguy hại về lâu dài cho đất nước. Bởi lẽ, trên thế giới đã có việc nước nhỏ dựa vào nước lớn để trợ giúp về vũ khí, quân sự. Tuy nhiên, sự trợ giúp này không phải là "miễn phí", mà còn kèm theo những yêu cầu, đòi hỏi từ nước lớn nên thường dẫn tới yếu tố gây mất ổn định chính trị, thậm chí nguy cơ xảy ra xung đột, chiến tranh".
Kinh nghiệm xương máu
Lập luận này của báo Công an Nhân dân phải chăng đã phản ảnh những kinh nghiệm xương máu trong bang giao gập ghềnh giữa Việt Nam và Trung Quốc trong thời gian chiến tranh, và trong cuộc chiến biến giới dài 10 năm 1979-1989 giữa hai nước ?
Vì vậy ở Việt Nam, đã có những "lão thành cách mạng" và trí thức lên tiếng khuyến cáo Đảng phải biết "chọn mặt" mà "gửi vàng" để bảo vệ Tổ quốc.
Tuy nhiên quan điểm góp ý hay "kiến nghị" của hai tầng lớp này đã bị lên án là "suy thoái tư tưởng chính trị", như báo Công an Nhân dân đã lên lớp rằng : "Đây là mức độ biểu hiện, phản ánh rõ ràng tính chất trầm trọng và đặc biệt nguy hiểm của "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trên lĩnh vực quốc phòng, an ninh. Nội dung thông tin và luận điệu xuyên tạc trên lĩnh vực quốc phòng - an ninh hiện nay hết sức đa dạng, với nhiều biểu hiện khác nhau. Chủ yếu vẫn là : đòi phi chính trị hóa Quân đội và Công an, phủ nhận nguyên tắc Đảng lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt đối với lực lượng vũ trang và sự nghiệp quốc phòng, an ninh ; xuyên tạc mục đích của các hợp đồng mua bán vũ khí, trang bị cho Quân đội và Công an".
Báo này cũng "tự ca" : "Với vai trò là lực lượng vũ trang nhân dân, "thanh kiếm và lá chắn" bảo vệ Đảng, Nhà nước và nhân dân, Công an Nhân dân có vị trí đặc biệt quan trọng trong cuộc đấu tranh chống "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trên lĩnh vực quốc phòng - an ninh. Ý thức sâu sắc về trách nhiệm của mình, lực lượng Công an Nhân dân đã thực hiện và hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị quan trọng. Đã chủ động phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn và vô hiệu hóa nhiều âm mưu, hoạt động phá hoại của các thế lực thù địch ; tổ chức có hiệu quả công tác đấu tranh, phản bác các luận điệu xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các quan điểm sai trái, thù địch".
Tuy nhiên, mặt trái của thành công là những yếu kém không che giấu được về nhiều mặt như báo này nhìn nhận : "Bên cạnh những kết quả đạt được, cuộc đấu tranh chống "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" của lực lượng Công an Nhân dân vẫn còn một số hạn chế, nhất là trong công tác quản lý cán bộ, bảo vệ chính trị nội bộ còn bộc lộ sơ hở, có nơi để xảy ra một số vụ việc cán bộ, chiến sĩ vi phạm kỷ luật của Đảng, của ngành, gây dư luận xấu, ảnh hưởng đến uy tín, danh dự, truyền thống của lực lượng. Trong công tác và chiến đấu, một số cán bộ, chiến sĩ còn có tư tưởng trung bình chủ nghĩa, thiếu ý chí rèn luyện, phấn đấu vươn lên, thậm chí có biểu hiện phai nhạt lý tưởng, suy thoái về phẩm chất đạo đức, lối sống".
Đặc biệt trong những "suy thoái biến chất này", không thấy nêu ra tệ nạn tham nhũng trong Công an. Tuy nhiên điều này không có nghĩa là "không có tham nhũng trong lực lượng Công an".
Diễn biến trong cán bộ - đảng viên
Bên cạnh Công an, tình trạng "tự diễn biến, tự chuyển hóa" cũng đã diễn ra trong nội bộ Quân đội. Báo Quốc phòng Toàn dân từng cảnh giác từ năm 2014 rằng : "Hội nghị Trung ương 4 (khóa XI) đã chỉ ra là : "Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có cả đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống". Các hiện tượng tham nhũng, lợi ích nhóm, mất đoàn kết nội bộ,… tuy đã được khắc phục một bước, nhưng vẫn còn diễn ra, làm cho lòng tin của một bộ phận nhân dân vào Đảng, Nhà nước bị giảm sút".
Đến ngày 16/08/2022, Tạp chí Cộng sản, cơ quan lý luận của Hội đồng Lý luận Trung ương thừa nhận : "Bên cạnh những kết quả đã đạt được, chúng ta cũng phải thẳng thắn nhận diện rõ những hạn chế, yếu kém, bất cập để nhanh chóng có những biện pháp khắc phục kịp thời, sát hợp, hiệu quả. Cụ thể là : Công tác tư tưởng có nơi, có lúc thiếu kịp thời, chưa sắc bén, tính thuyết phục chưa cao ; việc giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, đảng viên chưa thường xuyên ; một bộ phận đảng viên chưa nắm vững chủ trương, đường lối của Đảng. Việc học tập lý luận chính trị tuy có nhiều cố gắng nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu. Công tác thông tin, tuyên truyền một số đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước còn chưa kịp thời, hình thức chưa phong phú. Đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch có lúc, có nơi tính chiến đấu chưa cao, còn bị động, lúng túng. Việc dự báo, nắm bắt tình hình tư tưởng của cán bộ, đảng viên, tâm tư, nguyện vọng của nhân dân và định hướng dư luận xã hội có lúc chưa kịp thời. Kết quả thực hiện một số chủ trương của Đảng về quản lý báo chí, truyền thông, xuất bản, quản lý internet, mạng xã hội chưa đáp ứng yêu cầu. Vai trò của văn học, nghệ thuật trong công tác tư tưởng chưa được phát huy đầy đủ. Công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận chưa được quan tâm đúng mức, chưa đáp ứng yêu cầu ; một số vấn đề mới, khó, phức tạp thực tiễn đặt ra chưa được làm sáng tỏ".
Bài viết còn đi xa hơn khi thừa nhận : "Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức vẫn diễn biến phức tạp ; tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực... vẫn chưa được đẩy lùi có hiệu quả".
Cốt lõi của suy thoái
Vậy cốt lõi của suy thoái nằm ở chỗ nào ? Trước hết, hãy nghe Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nói : "Nhiều nơi, chi bộ chưa thể hiện được vai trò là hạt nhân chính trị, tiên phong, gương mẫu nên nhân dân chưa thực sự tin tưởng. Thậm chí có một bộ phận cán bộ, đảng viên còn suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa", vi phạm nguyên tắc, kỷ luật đảng, vi phạm pháp luật, làm giảm sút niềm tin của nhân dân đối với Đảng" (Diễn văn ngày 04/05/2022 tại Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII).
Điều được gọi là "tư tưởng chính trị" bao gồm chủ nghĩa Mác-Lênin - tư tưởng Hồ Chí Minh và "đường lối lãnh đạo của Đảng". Như vậy, khi cán bộ, đảng viên "suy thoái tư tưởng chính trị", có nghĩa họ đã xa đảng, không còn tin vào tuyên truyền của đảng về sự thành công của chủ nghĩa cộng sản nữa.
Vì vậy, cơ quan Tuyên giáo, có nhiệm vụ bảo vệ tư tưởng đảng viên để bào vệ chế độ đã cảnh giác rằng : "Sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ và những hành vi tham nhũng, tiêu cực của cán bộ, đảng viên, nhất là đảng viên giữ chức vụ cấp cao là con đường ngắn nhất và trực tiếp không chỉ hạ thấp mà thậm chí còn thủ tiêu vai trò chính trị, thực lực chính trị và uy tín chính trị của Đảng, Nhà nước" (Tuyên giáo, 23/03/2022).
Điều quan trọng là đã có một "bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên sa vào tình trạng này". Bằng chứng khi Tuyên giáo nhìn nhận : "Sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa", những hành vi tham nhũng, tiêu cực không còn là một khái niệm trừu tượng mà đã biểu hiện rất cụ thể trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có cả những người giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, cấp cao" (Tuyên giáo, 23/03/2022)
Chi tiết hơn, bài nói thẳng : "Thực tế cho thấy, những sự suy thoái nêu trên ngày càng diễn biến tinh vi, phức tạp với nhiều hình thức và mức độ khác nhau. Đó là hành vi lợi dụng quyền lực, biến quyền lực chính trị được nhân dân ủy thác thành "của riêng" để đổi chác, ban phát, mua bán... Bên cạnh đó là sự "a dua" "vào hùa" với những ý kiến lệch lạc, thiếu khách quan, thiếu toàn diện về sự nghiệp đổi mới của đất nước ; đòi đa nguyên, đa đảng ; xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước ; phản bội lại lợi ích quốc gia - dân tộc".
Vậy nguyên nhân cán bộ đã xuống cấp ở chỗ nào ?
Tuyên giáo trả lời : "Nguyên nhân chủ quan là chủ yếu, bắt nguồn từ chủ nghĩa cá nhân, từ việc bản thân cán bộ, đảng viên thiếu tu dưỡng, rèn luyện ; lập trường tư tưởng không vững vàng ; sa vào chủ nghĩa cá nhân, quên mất trách nhiệm, bổn phận trước Đảng, trước dân. Nguyên tắc tập trung dân chủ bị buông lỏng, nguyên tắc tự phê bình và phê bình thực hiện không nghiêm. Việc nghiên cứu, sửa đổi, ban hành cơ chế, chính sách, luật pháp thích ứng với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa chưa kịp thời. Quản lý cán bộ, đảng viên còn lỏng lẻo. Đánh giá, sử dụng, bố trí cán bộ còn nể nang, cục bộ. Công tác kiểm tra, giám sát, giữ gìn kỷ cương, kỷ luật ở nhiều nơi chưa thường xuyên, không nghiêm túc…".
Như vậy là hỏng toàn diện rồi còn gì nữa. Với những chứng hư tật xấu tồn tại năm sau cao hơn năm trước và thường xuyên như thế thì ông Nguyễn Phú Trọng và Đảng cộng sản Việt Nam có còn xứng đáng để tự nhận mình là "lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội" hay không ?
Phạm Trần
(18/10/2022)
Trong phiên tòa, khi được tự bào chữa, ông Thăng nói :
"Khả năng khi bố mất chắc bị cáo khó được gặp mặt trước lúc đi xa… Nếu bị xét xử trong hai vụ án, bị cáo không biết còn sống để đủ thời gian thụ án không", ông nói và cho hay từ năm 2006 đến nay thường xuyên phải uống thuốc vì nhiều bệnh.
Ông Đinh La Thăng. Ảnh : internet
"Bị cáo chỉ mong được chết tại nhà, trong vòng tay người thân, gia đình, bạn bè ; được thành con ma tự do, không phải con ma tù. Bị cáo xin lỗi Đảng, nhân dân, xin lỗi các thế hệ cán bộ công nhân ngành dầu khí, ảnh hưởng tới truyền thống ngành vì những sai phạm của mình", ông trầm giọng.
"Tuyệt đối trung thành với Đảng, nhân dân, tuyệt đối tin tưởng vào lãnh đạo của Đảng, Tổng bí thư, tin vào đường lối xử lý công tâm, khách quan, bình đẳng toàn diện…".
-------------
Mình thấy rất thất vọng với các anh em, nhưng không thấy bất ngờ về kết cục này. Anh em ra tòa không dám hiên ngang đấu lý như các anh em lãnh đạo doanh nghiệp tư nhân như Bầu Kiên, Thắm Ocean, đương nhiên càng không thể so sánh với anh em "phản động". Anh Thanh, anh Thăng ra tòa toàn ôn nghèo kể khổ, đổ lỗi cho người này, tổ chức kia, cuối cùng vẫn là "tuyệt đối trung thành với đảng, với Tổng bí thư …". Vậy bản lĩnh chính trị của các anh ở đâu, lý tưởng đổi mới, chuyển hóa… của các anh ở đâu ?
Hóa ra từ trước tới giờ các anh kéo bè kéo cánh chẳng qua thuần túy dựa trên quyền lợi cá nhân, chứ làm gì có phe cải cách, phỏng ạ ? Bây giờ, khi đứng trước khả năng phải làm ma trong ngục, các anh mới nức nở khóc, xin lỗi đảng, xin lỗi nhân dân. Cái gọi là cải cách đó chỉ là cải cái cách các anh kiếm tiền cho nhanh, cho nhiều mà thôi, cần lao có được hưởng lợi gì đâu ?
Vậy mà các anh làm cho biết bao anh em dân chủ cả tin, đặt "niềm tin chiến lược" vào các anh, cổ vũ cho các anh, cho phe thân Mỹ, chống Tàu, hi vọng các anh chuyển hóa để dân chủ hóa từ nội bộ đảng, để Việt Nam thoát Tàu… Các anh em dân chủ đã sáng mắt ra chưa ? "Đồng chí" Đinh La Thăng tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo tài tình của đảng, của "đồng chí" Tổng bí thư đấy nhé. Tại sao các anh lại "tự chuyển hóa" nhanh như vậy ? Đang từ phe "cải cách" lại nhảy phắt sang phe "bảo thủ" sau có 1-2 tuần ?.
Lý do rất đơn giản. Chắc là do các anh đã thỏa thuận được với đảng, với Tổng bí thư, là "ngoan thì sống, chống thì chết". Thế nên chắc chắn, như tôi đã dự đoán, chả có anh nào trung kiên đâu, nhập kho là khai tuốt tuột, từ quân đến tướng, đến anh em đồng chí, miễn sao được giảm án. Các anh làm gì có lý tưởng cách mạng, như các vị tiền bối cộng sản hay các anh em dân chủ như Trần Huỳnh Duy Thức, Nguyễn Văn Lý… Các anh cũng chẳng có được tính khí khái giang hồ như bầu Kiên, Thắm Ocean, dám làm dám chịu.
Dù sao đi nữa, mình vẫn tin là có phe chuyển hóa trong đảng, nhưng chắc chắn không phải là những con người kể trên. Họ là những người khác, có thể công khai hay âm thầm đấu tranh cho một tương lai dân chủ, cho sự thay đổi của chế độ. Mình tin vào cách đấu tranh công khai của những trí thức từng nằm trong bộ máy như bà Chi Lan, ông Đăng Doanh, ông Tương Lai…(thành viên viện IDS trước đây) và những công chức bình thường âm thầm đọc, âm thầm dùng nick ảo để share, like Status của anh em dân chủ. Đó mới thực sự là chuyển hóa trong tư tưởng chứ không phải chuyển hóa trong dạ dày.
Dương Quốc Chính
Nguồn : Tiếng Dân, 14/01/2018
Chủ nghĩa thân hữu, mối quan hệ dòng họ, "lợi ích nhóm" trong công tác cán bộ là biểu hiện của "tự diễn biến", "tự chuyển hóa", đe dọa sự tồn vong của Đảng...
Quy trình không có lỗi, lỗi là do người thực hiện
Hàng loạt các vụ bổ nhiệm, thăng tiến "thần tốc" được phát hiện tại một số địa phương trong thời gian vừa qua, thu hút sự chú ý của dư luận.
Bên cạnh đó, hàng loạt cán bộ, nguyên cán bộ cấp cao cũng bị kỷ luật nặng vì có vi phạm về công tác quản lý, trong đó có việc đề bạt, bổ nhiệm cán bộ vi phạm.
Sự buông lỏng quản lý và không loại trừ "lợi ích nhóm" trong công tác cán bộ dẫn tới việc một số cá nhân như Trịnh Xuân Thanh, Vũ Đức Thuận cùng nhiều doanh nhân khác vẫn ung dung về làm sếp Bộ, ngành sau khi khiến doanh nghiệp có vốn nhà nước thua lỗ, gây thất thoát tài sản rất lớn.
Một số ý kiến cho rằng, bên cạnh việc xử lý nghiêm khắc vi phạm của một số cán bộ vi phạm trong việc đề bạt, bổ nhiệm, cơ quan có trách nhiệm cần sớm "bịt" lỗ hổng trong công tác tổ chức cán bộ.
Ông Trịnh Xuân Thanh (trái) và ông Vũ Đức Thuận thời còn đương chức PVC. Ảnh đăng trên Báo Tiền Phong.
Theo ông Nguyễn Tiến Dĩnh, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, việc cán bộ yếu kém, vi phạm nhưng vẫn được cất nhắc, bổ nhiệm vào nhiều vị trí cao, quan trọng trong hệ thống chính quyền là biểu hiện của "chủ nghĩa thân hữu", dòng họ.
"Chủ nghĩa thân hữu, dòng họ biểu hiện ở việc hàng loạt địa phương (Hải Phòng, Hải Dương...) bị phát hiện có tình trạng cả nhà làm quan.
Hoặc việc Bộ Công thương đưa Trịnh Xuân Thanh về Bộ, sau khi ông này có lỗi/trách nhiệm trong việc gây thua lỗ tại Tổng Công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí (PVC).
Việc ông Vũ Huy Hoàng thiếu gương mẫu, có biểu hiện vụ lợi trong việc tiếp nhận, bổ nhiệm và điều động con trai làm kiểm soát viên Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam ; tham gia Hội đồng quản trị và giữ chức Phó Tổng giám đốc Sabeco, chính là biểu hiện rõ nhất của chủ nghĩa thân hữu, dòng họ", ông Nguyễn Tiến Dĩnh chia sẻ với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam hôm 10/5.
Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ cũng cho rằng, sự tồn tại của "chủ nghĩa thân hữu", mối quan hệ dòng họ, "lợi ích nhóm" trong công tác cán bộ chính là biểu hiện của sự "tự diễn biến", "tự chuyển hóa", đe dọa sự lãnh đạo của Đảng, sự tồn tại của chế độ.
"Điều này tạo điều kiện để cho những thành phần kém đức, kém tài lọt vào bộ máy quản lý nhà nước.
Tôi cho rằng, nếu rà soát lại các đơn vị hành chính từ Trung ương tới địa phương, sẽ còn rất nhiều cán bộ yếu kém, chứ không chỉ dừng lại ở những vụ việc vừa bị báo chí phát hiện vừa qua", ông Nguyễn Tiến Dĩnh nhận định,
Vị nguyên lãnh đạo Bộ Nội vụ cũng đưa ra cảnh báo về "lợi ích nhóm" trong công tác cán bộ.
"Lợi ích nhóm trong công tác cán bộ đang len lỏi trong công tác cán bộ, tại nhiều địa phương trên cả nước
Điều này dẫn đến việc bổ đề bạt, bổ nhiệm cán bộ không đúng quy trình, đưa người kém năng lực vào các vị trí lãnh đạo.
Đây cũng là tiền đề của tham nhũng, bè phái, gây chia rẽ, mất đoàn kết nội bộ...
Còn người có đức, có tài có khi lại bị loại khỏi bộ máy vì "lợi ích nhóm", phe cánh trong công tác cán bộ", ông Dĩnh nhân định.
Từ nhũng vi phạm về công tác cán bộ nói trên, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho rằng, sự giám sát, sức chiến đấu của tổ chức Đảng đối với những vi phạm về công tác cán bộ ở một số cơ quan nhà nước có vấn đề, thậm chí rất yếu kém.
"Công tác cán bộ là công tác của Đảng. Nhưng một số đơn vị còn né tránh, nể nang, hữu khuynh, không đấu tranh với cái xấu, ngại va chạm.
Đây là nguy cơ của Đảng, Nhà nước và của chế độ.
Điều này cũng được thể hiện rõ trong 27 biểu hiện suy thoái "tự diễn biến", tự chuyển hóa" thể hiện tại Nghị quyết số 04-NQ/TW.
Sẽ rất nguy hại nếu cán bộ không đủ đức, đủ tài vẫn len lỏi vào các vị trí lãnh đạo trong các cơ quan công quyền.
Điều này rất dễ làm giảm lòng tin của nhân dân đối với cán bộ", ông Dĩnh cảnh báo.
Chống "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" về công tác cán bộ
Ông Nguyễn Tiến Dĩnh nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác cán bộ trong thực hiện xây dựng chỉnh đốn Đảng.
Đây là vấn đề then chốt để xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh.
"Vừa qua, Bộ Chính trị vừa có kết luận về việc sửa đổi, bổ sung một số nội dung quy định về công tác cán bộ theo quy trình 5 bước.
Đây là biện pháp quan trọng nhằm khắc phục những lỗ hổng trong công tác đề bạt, bổ nhiệm cán bộ.
Quy trình luôn luôn đúng. Vấn đề là người thực thi công tác cán bộ có thực sự khách quan, công bằng không ?
Nếu người thực thi quy trình công minh, thì cơ quan Nhà nước sẽ tìm được người có đủ tâm, đủ tầm", ông Dĩnh nói.
Ông Nguyễn Tiến Dĩnh - nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ (ảnh đăng trên Báo điện tử Vietnamnet.vn)
Trong vấn đề tuyển dụng, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ đề nghị cơ quan có thẩm quyền áp dụng rộng rãi việc tuyển dụng thông qua hình thức thi tuyển.
"Hiện nay chúng ta đã có cơ chế trong việc thi tuyển cán bộ công chức, thi tuyển chức danh lãnh đạo tại một số Bộ, ngành, địa phương, nhưng việc này chưa được áp tổ chức rộng rãi.
Chỉ có thi tuyển thì người ứng thi mới có thể bộc lộ hết
được tài năng, quan điểm, chính kiến, trình độ, thái độ, lập trường, tư tưởng của ứng cử viên. Qua đó chúng ta có cách nhìn nhận, đánh giá khách quan năng lực thí sinh.
Còn hiện tại, công tác cán bộ của chúng ta vẫn tập trung vào việc giới thiệu, xem xét làm quy trình...
Tuy nhiên, quy trình đề bạt, bổ nhiệm cán bộ, rất dễ bị "méo mó" vì các mối quan hệ thân hữu, lợi ích nhóm...
Ví dụ, nếu người được giới thiệu là con của một đồng chí Bộ trưởng, thì cấp dưới có dám từ chối bỏ phiếu ? Nhiều khi người ta bỏ phiếu cho đồng chí ấy vì sự nể nang chứ chưa hẳn người đó giỏi thật sự.
Do vậy, quy trình thì vẫn thực hiện đầy đủ, nhưng việc bỏ phiếu chưa chắc đã khách quan", ông Dĩnh nêu quan điểm.
Song song với việc tổ chức thi tuyển cán bộ, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ cũng cho rằng, cần có cơ chế kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc thi cử, nhằm hạn chế tiêu cực có thể xảy ra.
"Việc thi tuyển phải được thực hiện công khai minh bạch và có sự giám sát. Nếu không thực hiện tốt việc này, kết quả thi tuyển chưa hẳn phản ánh đúng năng lực của người trúng tuyển.
Tôi ví dụ về trường hợp thi tuyển của bà Trần Vũ Quỳnh Anh, nguyên là cán bộ Sở Xây dựng Thanh Hóa.
Nếu xem học lực thì bà này không có gì nổi trội, nhưng khi thi tuyển thì điểm lại rất cao.
Câu hỏi đặt ra là, việc thi tuyển đó có công khai minh bạch không ? có phản ánh đúng năng lực cá nhân không ? Việc kiểm tra giám sát bài thi như thế nào ?
Có trường hợp làm bài sẵn trước khi vào thi hay không ?
Do đó, bên cạnh việc tuyển dụng, bổ nhiệm thông qua thi tuyển, cần phải có cơ chế kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc thi cử này, nhằm tránh những tiêu cực", ông Nguyễn Tiến Dĩnh đề nghị.
Thụy Du
Nguồn : GDVN, 13/05/2017
Đảng Cộng sản Việt Nam không thể tự chuyển hóa
Cái đảng cộng sản chắc phải "đốn" lắm rồi. Hết hội nghị này tới hội nghị khác hô hào chỉnh đốn Đảng, rồi lại hô to hơn, phải tăng cường chỉnh đốn Đảng. Ông Nguyễn Phú Trọng lại mới họp một hội nghị cán bộ toàn quốc dạy dỗ cán bộ về tăng cường chỉnh đốn Đảng !
Đốn là đứa nào mà phải chỉnh đi chỉnh lại hoài như vậy ? Từ điển Hán Việt của Thiều Chửu, giải thích chữ Chỉnh đốn 整頓 : "sự gì, cái gì đã tán loạn lâu rồi mà lại sửa sang lại cho được như cũ gọi là chỉnh đốn". Nguyễn Phú Trọng đang lo chỉnh đốn Đảng bởi vì cái đảng của ông ta "đã tán loạn lâu rồi !". Và ông muốn sửa sang nó "cho được như cũ".
Cảnh toán loạn trong đảng Cộng sản Việt Nam đã diễn ra từ mấy chục năm nay rồi nhưng đến đời Nguyễn Phú Trọng đã bùng nổ mạnh. Nguyễn An Dân đã mô tả cảnh tán loạn qua mấy chữ : Đảng bắn nhau ; Đảng bắn Dân ; Dân bắn lại Đảng !
Một vụ Dân bắn lại Đảng xẩy ra năm 2013, một "dân oan" là Đặng Ngọc Viết mặc quần áo nghiêm chỉnh, tay sách chiếc cặp đen thong dong vào trụ sở hành chánh thị xã Thái Bình bắn chết bốn cán bộ Trung tâm Phát triển quỹ đất Thành phố : Vũ Ngọc Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm ; và Bùi Đức Xuân, Vũ Công Cương và Nguyễn Thanh Dương. Giết người xong Đặng Ngọc Viết ra về, đến chiều tới cổng chùa Dục Dương bên cạnh nhà tự sát. Các nạn nhân là những người đang thi hành "dự án mở đường" qua khu vực đất nhà anh Viết, và gia đình anh không được bồi thường xứng đáng.
Vụ Đảng bắn nhau diễn ra tại Yên Bái năm nay. Đỗ Cường Minh, trưởng Chi cục Kiểm lâm Yên Bái, vào trụ sở thành phố bắn chết hai quan đầu tỉnh, bí thư Tỉnh ủy Phạm Duy Cường và Chủ tịch tỉnh kiêm Trưởng ban Tổ chức Ngô Ngọc Tuấn. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bay lên ngay coi xác rồi hứa điều tra. Phó thủ tướng Trương Hòa Bình gửi công văn chỉ đạo cơ quan công an khởi tố, điều tra, xác định nguyên nhân vụ. Bốn tháng hơn rồi, không còn nghe nói gì nữa.
Cảnh toán loạn gần đây nhất là vào tháng Chín, 2016 với những cuộc tháo chạy của những Trịnh Xuân Thanh, Vũ Đình Duy, Lê Chung Dũng, tất cả đều liên can tới các công ty dầu khí, những cái ổ chứa đầy tiền ; Thanh còn từng giữ chức phó chủ tịch tỉnh Hậu Giang. Cả ba người này đều đang bị nghi ngờ tham nhũng, bị điều tra hoặc bị truy tố, nhưng đều bình yên cao chạy xa bay ! Tán loạn bên trong và bên ngoài đảng ! Nguyễn Phú Trọng đang cầm đầu đảng, mà đảng thì được hiến pháp xác định toàn quyền "lãnh đạo nhà nước và xã hội" không làm được gì cả, chỉ còn sử dụng món "võ mồm !".
Nguyễn Phú Trọng đến nói chuyện với các cử tri của mình tại Đông Anh, Hà Nội, quê hương của cả ông Trọng và Trịnh Xuân Thanh. Ông dõng dạc tuyên bố : "Đã ra lệnh truy nã quốc tế với Trịnh Xuân Thanh và đang phối hợp với các nước bắt bằng được". Nhà báo tự do Người Buôn Gió kể chuyện trên rồi nhận xét : "Trọng bày tỏ sự cay cú, hằn học với Trịnh Xuân Thanh một cách trẻ con". Trong lúc đó Trịnh Xuân Thanh vẫn liên lạc với bạn ở Việt Nam, còn kể chuyện mình đang ở nước Đức như thế nào để đưa lên mạng, chẳng thấy lệnh truy nã quốc tế nào hết ! Người Buôn Gió kết luận rằng Trọng chỉ "phát biểu mị dân cho mình đỡ nhục vì không làm gì được Trịnh Xuân Thanh cả !".
Nhà báo Huy Đức cho rằng bản danh sách những người trong ngành Dầu Khí "có khả năng chạy trốn lên tới 192 nhân vật !" Quả thật là tán loạn ! Trọng "loay hoay với những kẻ đã cao chạy xa bay" không bắt được, bèn quay ra ra lệnh cách chức mấy quan chức đã nghỉ hưu rồi, không còn chức nào để cách nữa !
Một đảng viên là Giáo sư Trần Đình Sử, được tiếng là thận trọng, cũng phải buông lời phê phán : "chế độ ta đạt đến sự thối nát nhất trong các chế độ đã có và hiện có… Thật khủng khiếp !".
Bất lực trước những cảnh tán loạn đó, Nguyễn Phú Trọng quay ra "Chỉnh đốn Đảng !". Trọng đã từng hô hào chống tham nhũng để chỉnh đốn đảng. Ông Nguyễn Đăng Quang, cựu Đại tá Công an hiện nghỉ hưu ở Hà Nội nhận xét : "lãnh đạo Đảng càng hô hào chống tham nhũng, càng ra nhiều nghị quyết, chỉ thị chống tham nhũng, thì tham nhũng này lại càng khỏe ra càng mạnh lên !". Và ông kết luận : "đánh tham nhũng chống tham nhũng chẳng qua chỉ là đánh trận giả, bắn chỉ thiên là chính thôi !". Cần giải thích cho các bạn trẻ hiểu nghĩa, bắn chỉ thiên tức là đưa nòng súng ngược lên trời, đạn bắn bay lên trời chứ không trúng ai cả !
Chỉ có thể chống tham nhũng bằng cách bắn chỉ thiên bởi vì chính các quan cộng sản cũng công nhận rằng "đánh tham nhũng tức là ta lại đánh ta !" Hình ảnh bắn chỉ thiên giải thích được tại sao những người bị nghi tham nhũng như quý ông Trịnh Xuân Thanh, Vũ Đình Duy, Lê Chung Dũng đều thoải mái biến đi không để lại dấu vết !
Ông Nguyễn Phú Trọng vẫn được đàn em tôn xưng là giáo sư. Sau khi bắn chỉ thiên chống tham nhũng, giáo sư Trọng đã quay ra bắn tiếp vào "Tình trạng suy thoái" của đảng, nhắm thẳng vào hai mục tiêu : "tự diễn biến" và "tự chuyển hóa". Ông cảnh báo các cán bộ, đảng viên rằng những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ vẫn chưa được ngăn chặn, đẩy lùi". Đáng lo hơn là chúng "còn diễn biến tinh vi, phức tạp hơn, có thể gây ra những hậu quả khôn lường". Việc chống "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ là một "cuộc chiến đầy cam go", nhưng, ông nói, "không thể không làm, vì nó liên quan đến vận mệnh của Đảng và chế độ".
Điều ông Trọng nhấn mạnh là hai hiện tượng "tự diễn biến" và "tự chuyển hóa" nguy hiểm cho "vận mệnh của Đảng và chế độ" chứ ông không nói gì tới vận mệnh nước Việt Nam cả. Vận mệnh nước Việt Nam hiện nay là cá chết, biển chết, dân đói, trẻ em thất học, quân giặc xâm lăng đã chiếm biển, chiếm đảo, xây phi trường và căn cứ quân sự đe dọa hai ngàn cây số bờ biển. Nhưng tất cả những tai họa đó không đáng lo bằng sự kiện các đảng viên "tự diễn biến" và "tự chuyển hóa" ; cho nên ông Nguyễn Phú Trọng chẳng cần quan tâm !
Ông Trọng không quan tâm là phải, bởi vì chính những người đảng viên cộng sản tỉnh ngộ khi nhìn ra những sai lầm hại dân hại nước, chính họ đã tự chuyển hóa để đòi thay đổi. Những người đang "tự diễn biến" và "tự chuyển hóa" bây giờ chỉ noi theo các đàn anh đi trước, từ Hoàng Minh Chính, Trần Độ tới Tống Văn Công, đặt vận mệnh dân tộc lên trên vận mệnh Đảng và chế độ ! Họ không chấp nhận tiếp tục nhắm mắt, cúi đầu theo đảng cho nên họ mới lên tiếng đòi cho người dân Việt được sống tự do dân chủ, đòi phải cứng rắn đương đầu với kẻ thù xâm lăng cướp nước.
Những người tỉnh ngộ sớm nhìn thấy tai họa của đất nước, không phải chỉ là những tai họa vật chất như đất đai, rừng, biển và tài nguyên thiên nhiên. Tai họa lớn nhất là một dân tộc sống không có phương hướng. Họ phải tự chuyển hóa để nhìn rõ vấn đề đó. Kỹ thuật truyền thông hiện đại đã giúp nhiều người trao đổi với nhau dù không gặp mặt. Các thông tin và ý kiến truyền từ người này qua người khác, tạo ra những cộng đồng chính trị ảo trong đó các công dân tự ý thức mình có quyền đòi thay đổi. Mọi người trong cộng đồng này biết rằng kỹ thuật thông tin mới sẽ khiến cho các chính quyền, ở bất cứ nước nào, khó nói dối trá, khó ăn cắp của công, và khó giết người, như những cảnh ai bị gọi tới đồn công an một, hai ngày là chết !
Bất cứ người Việt Nam, một đảng viên cộng sản tỉnh táo nào, cũng phải thấy nếu không thay đổi thì quê hương sẽ tiếp tục chìm đắm trong cảnh nghèo thua kém các nước chung quanh, và chủ quyền đất nước mất dần vào tay ngoại bang. Các đảng viên không tự chuyển hóa phải thấy chính mình đang phản bội dân tộc ! Một "chế độ thối nát nhất trong các chế độ đã có và hiện có" ở nước Việt Nam và trên mặt trái đất, nếu nó còn tiếp tục cầm quyền thì sẽ đưa đất nước về đâu ?
Nhờ phương tiện thông tin mới, những người đã mất niềm tin vào dân tộc, mất niềm tin vào khả năng xây dựng lại quê hương bây giờ đang nuôi lại niềm tin, họ sẵn sàng đứng lên tự mình làm công việc thay đổi. Niềm tin đó có thể lan truyền trong giới thanh niên, giới trí thức, kể cả các đảng viên cộng sản. Nhờ thế, chính các đảng viên cũng sẽ muốn thay đổi. Làm sao họ có thể tiếp tục cúi đầu theo giáo sư Trọng "tiến lên chủ nghĩa xã hội" trong khi chính giáo sư từng nói rằng "Đến hết thế kỷ này không biết đã có chủ nghĩa xã hội hoàn thiện ở Việt Nam hay chưa !"
Đó là mối đe dọa trên vận mạng của đảng Cộng sản mà ông Nguyễn Phú Trọng muốn chỉnh đốn. Nhưng ông không thể nào bịt mắt, bịt tai tất cả các đảng viên để mình ông độc thoại mãi mãi.
Ngô Nhân Dụng
Nguồn : Người Việt, 23/12/2016