Trước thái độ hung hăng, uy hiếp ngày càng lộ liễu của Trung Quốc về mặt chính trị, ngoại giao và kinh tế, đối với các quốc gia trong vùng và toàn thế giới, vai trò của các quốc gia tại Đông Nam Á càng trở nên quan trọng.
Quốc kỳ bên ngoài tòa nhà ASEAN tại Indonesia. Hình minh họa.
Chính sách đối ngoại thích hợp cho hoàn cảnh mỗi quốc gia là quan trọng, nhất là trước các hiểm họa bên ngoài. Nhưng để đối ngoại thì sức mạnh quốc gia phải có, và thế liên minh với các quốc gia trong vùng và quốc tế phải vững.
Chính trị quốc gia và quốc tế mang tính liền lạc. Nó không thể tách rời trong mọi thời đại, nhất là toàn cầu hóa và công nghệ thông tin như hiện nay.
Đông Nam Á bao gồm11 quốc gia thành viên : Miến Điện, Thái Lan, Lào, Campuchia, Việt Nam, Mã Lai, Singapore, Nam Dương, Phi Luật Tân, Brunei và Đông Timor (Timor-Leste).
Freedom House phân tích và cho điểm các quốc gia này về tự do toàn cầu, và tự do Internet, trong bản báo cáo năm 2021, như sau :
Bản phân tích và cho điểm về tự do toàn cầu và tự do internet 2021 của các quốc gia Đông Nam Á, do Freedom House thực hiện.
Ngoại trừ Timor-Leste được đánh giá là tự do, và Mã Lai, Nam Dương, Phi và Singapore là phần nào tự do, tất cả các nước còn lại đều độc tài bằng hình thức này hay khác.
Thể chế và văn hóa chính trị của một quốc gia mang tính sống còn của quốc gia đó. Khả năng cạnh tranh, khả năng quản lý những thay đổi lớn lao và cấp bách trong thời đại nay, và khả năng đối phó với mối đe dọa bên ngoài, có tính cách quyết định. Để có được khả năng này, nó đòi hỏi sức mạnh tập thể.
Sức mạnh của một tập thể, một tổ chức, hay một cộng đồng, không dựa vào một hay vài người quản lý, lãnh đạo. Nó phải là sức mạnh tổng hợp của từng cá nhân trong tập thể đó, và sự tương thuận, hòa hợp cho mục tiêu chung của tổng thể. Những công dân có ý thức, hiểu biết, và tinh thần trách nhiệm là yếu tố cần cho nền thịnh vượng chung. Trên nền tảng như thế, chỉ có thể chế chính trị dân chủ cấp tiến trong đó tôn trọng quyền con người, nhất là sự tự do của mỗi người, mới hình thành và phát triển được những công dân nói trên. Không có nhân quyền và nền tảng pháp quyền thì người dân không thể phát triển lành mạnh. Quốc gia cũng vậy.
Trong thời đại cạnh tranh chiến lược đang gia tăng cao mức như hiện nay, các nước như Trung Quốc, Nga và các thể chế độc tài vì quyền lợi mà bất chấp luật lệ, chuẩn mực và định chế (rules, norms and institutions). Trung Quốc luôn dùng các định chế quốc tế đểlàm bàn đạp cho mục tiêu của mình, như WTO, hay để vô hiệu hóa các nỗ lực nào đang cản trở bước tiến của mình, như khi làm một thành viên trongHội đồng Nhân quyền của Liên Hiệp Quốc. Vấn đề là, nếu các nước lớn không lên tiếng bảo vệ luật lệ, chuẩn mực và định chế, cũng như bảo vệ quyền lợi của các nước nhỏ, thì sau cùng những nước như Trung Quốc sẽ tự tung tự tác như chỗ không người, và các định chế quốc tế không còn giá trị nào nữa.
Vì hiểu được tầm quan trọng của luật lệ, chuẩn mực và định chế trong chính trị quốc tế, nhất là khi chính mình và các quốc gia trong vùng đang bị thách thức bởi mối hiểm họa to lớn Trung Quốc, chính quyền Úc đã vạch rasách lược ngoại giao cho mình vào năm 2017. Chính sách Đối ngoại năm 2017kêu gọi nước Úc hỗ trợ một "Đông Nam Á ngày càng thịnh vượng, hướng ngoại, ổn định và kiên trì". Bộ Ngoại giao Úc DFAT đã tài trợ hơn 2 triệu đô la cho trường đại học hàng đầu của Úc Australian National University/ANU trong ba năm qua, từ năm 2018 đến 2020, để nghiên cứu chiến lược hỗ trợ một trật tự dựa trên luật lệ tại Đông Nam Á, có tên SEARBO (Supporting the Rules-Based Order in Southeast Asia).
Các học giả chuyên gia về chính trị học nhận định rằng, mặc dầu mục tiêu của dự án là để duy trì và phát huy một trật tự dựa trên luật lệ trong vùng, sự nghiên cứu cho thấy việc thúc đẩy xây dựng những cơ chế trong nước phục vụ cho một trật tự như vậy là vô cùng quan trọng. Nói cách khác, để có thể đối phó một cách chiến lược với các xu hướng phi cấp tiến/tự do ở phần lớn khu vực, Úc có thể tập trung nhiều hơn vào việc hỗ trợ, nuôi dưỡng các cấu trúc dân chủ toàn diện hơn, với tiềm năng mạnh mẽ hơn, để duy trì nhân quyền và pháp quyền ngay trong các quốc gia này. Sự kiên trì của các quốc gia này đối với những cường quốc muốn chơi trò chính trị lên nước mình nằm ở sự năng động của nền chính trị nội địa, và ở xã hội đó. Tính cách dân chủ, hay phi dân chủ, của một quốc gia sẽ ảnh hưởng lên khả năng của họ trong việc phản ứng với các thách thức trong vùng, kể cả cung cách quản lý dịch bệnh Covid-19 như đ ang xảy ra hiện nay.
Hiện nay, tại Đông Nam Á như Mã Lai, Nam Dương, Phi Luật Tân nói riêng, và vài nơi khác trên thế giới nói chung, các nhà lãnh đạo dân túy đã lên nắm quyền lực bằng tiến trình dân chủ, nhưng sau đó củng cố quyền lực bằng việc sử dụng luật và lệ/quy định (law and regulations) để coi thường, phá hoại chính tiến trình dân chủ.Rodrigo Duterte của Phi Luật Tân, hay Viktor Orban của Hungary, Janez Jansa của Slovenia, và Jaroslaw Kaczynski của Ba Lan, nhữnglãnh đạo dân túy tại Đông Âu, đang nắm quyền lực trong tay, tuy đang mất dần ảnh hưởng. Ở những nơi này, loại tin giả cố tình gây thiệt hại (disinformation) đã tràn lan trên mạng xã hội, trong đó một số được chính nhà nước bảo trợ. Nó đã trở thành thế lực đáng kể trong việc định hình câu chuyện chính trị được tường thuật, qua đó làm lợi cho kẻ đang nắm quyền. Điều này dẫn đến sự chia rẽ, phân hóa sâu sắc giữa người dân với nhau. Nó cản trở khả năng để đạt được sự đồng thuận chính trị, và làm tổn hại sự đoàn kết xã hội.
Ngoài chủ nghĩa dân túy, văn hóa chính trị chuyên chế lâu dài cũng là những cản trở to lớn cho sự phát triển của toàn quốc gia. Miến Điện, Thái Lan, Việt Nam, Campuchia, Lào v.v… là những điển hình. Cuộcđảo chánh của quân đội vào ngày 1 tháng 2 năm nay đã giết hại hơn 800 người và bỏ tù hơn 5 ngàn người cho đến nay. Sau khi mọi cuộc đối thoại thất bại và giải pháp chính trị chẳng đi về đâu, tình trạng đấu tranh võ lực giữa phe quân đội và hơn hai chục tổ chức võ trang sắc tộc (ethnic armed organizations/EAOs) có vẻ sẽ quyết định tương lai của nước này. Một thiểu số tham quyền cố vị đã đưa toàn nước Miến Điện đến tình cảnh bi đát như thế này, bất chấp mọi hậu quả có thể tiên đoán được.
Sự tham quyền cố vị của các chế độ độc tài thường được nguỵ trang dưới nhiều hình thức khác nhau. Nào là mối đe dọa đến nền an ninh quốc gia, hiểm họa của thế lực ngoại bang, hay ý đồ gây chia rẽ và phá hoại đoàn kết dân tộc v.v… Họ luôn chủ trương phải có kẻ thù, nên phải tạo ra kẻ thù ảo ngay cả khi không có, để tiếp tục chính nghĩa hóa vai trò của họ từ xưa đến nay. Trên thực tế, sự cầm quyền của họ bóp chết mọi tiềm năng, và mọi khả năng để quốc gia đó có cơ hội dân chủ hóa. Hun Sen, chẳng hạn, đã loại trừ hầu như gần hết các đảng đối lập có khả năng đe dọa sự cầm quyền của mình, nhất là Đảng Cứu Nguy Quốc Gia Campuchia (Cambodian National Rescue Party/CNRP), và dùng tòa án để chính thức giải tán đảng này từ cuối năm 2017. Một tá tướng lãnh trung thành tuyệt đối với Hun Sen đã vi phạm nhân quyền trầm trọng và hệ thống để duy trì quyền lực tại đây, trục lợi cho cá nhân và gia đình mình.
Đó là lý do vì sao một số nhà nghiên cứu gia về Đông Nam Á phân tích rằng các quốc gia này không phải đang trải nghiệm sự thoái trào dân chủ, mà thật ra là sự cố chấp kéo dài độc tài. Tại Miến Điện quân phiệt đã cai trị nước này hơn 50 năm nên di sản nó để lại còn mạnh. Sự thắng thế mạnh mẽ của Liên đoàn Quốc gia Dân chủ trong cuộc bầu cử năm 2020 làm cho họ sợ hãi. Chế độ cảm thấy sự từ chối, phủ nhận các di sản còn lại của mình, nên họ quyết định đảo chánh để sống còn.
Tất nhiên, sự phân hóa trong nền chính trị quốc gia đến từ nhiều thành phần xã hội. Theonghiên cứu về phân hóa chính trị tại Nam Á và Đông Nam Á của viện Carnegie Tài trợ cho Hòa bình Quốc tế vào tháng 8 năm 2020, phía lãnh đạo chính trị đương quyền thường đóng một vai trò quan yếu trong việc gia tăng sự chia rẽ. Họ không chỉ sử dụng những luận điệu phân hóa, mà về cơ bản hơn, chính họ tìm kiếm những thay đổi đối với hiện trạng. Phía đối lập cũng gây leo thang sự phân hóa bằng cách vũ khí hóa các cuộc biểu tình quần chúng hoặc đáp trả bằng các chiến thuật gây chia rẽ. Dù vậy, tuy giới lãnh đạo chính trị đóng vai trò quan trọng, họ cũng chỉ là một thành phần gây thêm phân hóa trong xã hội mà thôi. Các lực lượng mang tính cách cấu trúc và sâu sắc hơn (deeper, structural forces) - bao gồm các thành phần vận động chính trị xã hội xung quanh tôn giáo, cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu, chuyển đổi kinh tế, thiết kế hệ thống chính trị và những thay đổi liên quan đến truyền thông truyề n thống và xã hội - đã thúc đẩy gia tăng sự phân cực trên khắp Nam và Đông Nam Á.
Sự phân hóa này dễ dàng dẫn đến sự xói mòn về dân chủ, và tự do. Như Freedom Housenhận xét. Báo cáo năm 2021 đánh dấu sự xuống cấp tự do toàn cầu trong suốt 15 năm qua.
Theo nghiên cứu SEARBO của đại học ANU thì các tổ chức xã hội dân sự mất đi khả năng tạo ra những thay đổi tích cực bởi vì họ bị các giới hạn về quy định từ chính quyền, và sự đàn áp hệ thống từ phía chính quyền. Những cuộc đàn áp trong những tháng qua từ chính quyền Prayut Chan-o-cha của Thái Lan, và đặc biệt của quân phiệt Miến đảo chánh đầu tháng 2 năm nay, đã gây nguy hại đáng kể về tình hình dân chủ trong vùng.
Cung cách quản lý quốc gia như thế sẽ ảnh hưởng lên sự vận hành quốc gia, kể cả đại dịch Covid-19. Những quốc gia nào cai trị một cách chia rẽ, dùng thủ thuật chia để trị, hoặc bưng bít thông tin và triệt tiêu phê bình, hay coi thường khả năng của các định chế quốc gia của mình, thì ảnh hưởng sẽ vô cùng tiêu cực. Rất có khả năng là sự phục hồi từ đại dịch tại đây sẽ chậm chạp và khó khăn. Trong khi đó, ngoại trừ một vài trường hợp ngoại lệ, đa số các quốc gia đối phó thành công với đại dịch là những nước có lãnh đạo quyết đoán, nhanh nhẹn, và minh bạch, cùng với các định chế nhà nước hiệu quả, và trên hết là được sự tín nhiệm rộng rãi trong người dân.
Xuyên suốt Đông Nam Á, các nhà nghiên cứu của SEARBO muốn chứng minh rằng các yếu tố căn bản của nền độc tài đang hiện hữu trong các nhà nước dân chủ, và ngược lại. Tức các yếu tố căn bản về dân chủ cũng phần nào được thể hiện trong các nền độc tài. Các chính quyền độc tài lâu dài đã trở nên khá điêu luyện trong việc nhượng bộ, là chiến thuật của họ nhất thời, để có thể tiếp tục duy trì quyền lực. Cho đến nay cách làm này của họ vẫn còn hữu hiệu.
Tình hình chính trị tại Đông Nam Á cho thấy một viễn ảnh không lạc quan chút nào về con đường cải tổ chính trị quốc gia tại ASEAN. Và tình hình chính trị trên bình diện quốc tế, và vai trò của ASEAN, vẫn cứ bất định. Cuộchọp thượng đỉnh của ASEAN vào cuối tháng 4 tại Nam Dương là để tìm giải pháp cho Miến Điện, chấm dứt cuộc khủng hoảng chính trị và bạo lực tại đây. Nhưng vì thái độ nửa vời, không muốn và không dám mạnh mẽ lên tiếng, nên cuối cùng nó cũng chẳng đi đến đâu cả. Nói cách khác, khi phần lớn các chế độ tại Đông Nam Á đang mang bản chất chuyên quyền và chủ trương duy trì quyền lực cai trị bằng mọi thủ đoạn thì ASEAN cũng không thể đưa ra bất cứgiải pháp thực tiễn và tối ưu nào cho Miến Điện. Sự liên minh lỏng lẻo này cũng không giúp ích gì được cho các nước Đông Nam Á đối phó với một nước Trung Quốc đang tìm mọi cách vô hiệu hóa ASEAN tại Biển Đông, hay các vấn đề địa chính trị khác. Những cuộc nghiên cứu như SEARBO, mang tính hàn lâm và giá trị, nhưng cũng sẽ là lý thuyết nếu phong trào dân chủ, nhân quyền của các tổ chức xã hội tại đây không thể vận dụng cho sự thay đổi nào của họ trong thời gian tới.
Phạm Phú Khải
Nguồn : VOA, 14/07/2021