Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

17/07/2021

Quốc hội nên họp bao nhiêu ngày trong mùa đại dịch ?

Trương Huy San - Ngọc Thành

Quốc hội chỉ nên họp 3 ngày

Trương Huy San, 17/07/2021

Thật là phi chính trị khi cả nước đang căng mình chống dịch mà Quốc hội - với nhiều đại biểu đang là lãnh đạo chủ chốt ở địa phương - lại cứ ngồi trong Hội trường Ba Đình hàng tuần.

qh1

Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường phát biểu tại cuộc họp báo về dự kiến chương trình kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV

Về mặt lý thuyết, Việt Nam đã có một nền cộng hòa đại nghị. Việc ngay sau Đại hội Đảng lần thứ XIII, như nhiều nền cộng hòa khác, Đảng cộng sản Việt Nam cho thay đổi các chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Chúng ta sẽ thấy việc thay đổi này là hoàn toàn bình thường nếu "cộng hòa đại nghị" vận hành trong một nền chính trị đa đảng chứ không chỉ vận hành đơn thuần "về lý thuyết".

Nửa đầu tháng 4/2021, Quốc hội khóa XIV đã thay thế những người không còn tham gia Bộ Chính trị hoặc Ban chấp hành trung ương khóa mới, trừ 4 vị trí cơ cấu chưa phải là đại biểu Quốc hội theo Hiến định. Cho dù trên thực tế, những nhân sự mới này sẽ tiếp tục vận hành bộ máy nhà nước cho tới sau Đại hội tới của Đảng thì về mặt lý thuyết, họ vẫn là nhân sự của Quốc hội khóa XIV. Và, cũng về mặt lý thuyết, họ phải được Quốc hội khóa XV bầu hoặc phê chuẩn lại tại kỳ họp thứ nhất, nghe nói diễn ra vào cuối tháng này.

Cho dù Quốc hội khóa XV có gần 60% đại biểu mới (296/499) thì tuyệt đại đa số vẫn là đại biểu của Đảng. Đảng chưa có ý định thay thế các chức danh chủ chốt mà Hiến pháp quy định là do Quốc hội bầu ("Bộ Ba", Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao) ; chỉ có 4 ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội được cơ cấu mới nhưng dạo tháng Tư chưa là đại biểu (thượng tướng Trần Quang Phương, trung tướng Trần Hồng Minh, bí thư tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Phú Cường và bí thư đảng ủy khối doanh nghiệp trung ương Y Thanh Hà Niê Kđăm).

Các chức danh Quốc hội phê chuẩn cũng ổn định, Chính phủ chỉ có 4 Phó Thủ tướng, không bổ sung vào chỗ khuyết của Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình.

Không còn thủ tục miễn nhiệm như hồi tháng Tư, và cũng không nên quá hình thức khi định thảo luận "số lượng Phó Chủ tịch quốc hội...". Hiến pháp chỉ quy định các chức danh phải do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn chứ không đòi Quốc hội phải dành thời gian thảo luận về những người mình sẽ bầu hoặc phê chuẩn ấy nhất là khi họ đều được sàng lọc qua các cấp đại hội của Đảng rồi.

Kỳ họp bỏ phiếu tín nhiệm giữa nhiệm kỳ mới thực chất và cần vai trò lớn hơn của Quốc hội. Các đại biểu chỉ nên lên hội trường để bỏ phiếu lần lượt các chức danh theo trình tự được ghi trong Hiến pháp. Các báo cáo thường niên cũng nên gửi văn bản trước hoặc sau cho đại biểu mang về đọc ở nhà. Quốc hội, vì thế, chỉ cần họp 3 đến 4 ngày là đủ.

Tập trung gần cả ngàn người (đại biểu và các cơ quan phục vụ...) trong một thời gian dài đã là trái với nguyên tắc chống dịch mà Hà Nội đang buộc người dân phải chấp hành. Trong khi nước sôi lửa bỏng, dân tình gặp nhiều khó khăn, nhiều địa phương đang phải căng mình chống dịch, mà Quốc hội vẫn "diễn đủ các màn" thì vừa càng thể hiện tính hình thức vừa, với dân, là vô cảm.

Trương Huy San

Nguồn : fb.osinhuyduc, 15/07/2021

PS : Trong 499 người trúng cử Quốc hội khóa XV : 151 đại biểu là phụ nữ (30,26%) ; 89 đại biểu là người dân tộc thiểu số (17,84%) ; 47 đại biểu dưới 40 tuổi (9,42%) ; 14 đại biểu là người ngoài Đảng (2,8%) ; 203 đại biểu khóa XIV tái cử hoặc đã từng là ĐBQuốc hội các khóa trước (40,68%) ; 296 đại biểu lần đầu tham gia Quốc hội (59,32%).

**************************

Quốc hội rút ngắn 5 ngày họp, cơ cấu 4 Phó Thủ tướng

Ngọc Thành, VOV.VN, 17/07/2021

Quốc hội sẽ bầu, phê chuẩn kiện toàn nhân sự các chức danh lãnh đạo Nhà nước; xem xét, thảo luận các báo cáo kinh tế - xã hội và quyết định nhiều vấn đề quan trọng khác.

qh2

Tổng Thư ký quốc hội Bùi Văn Cường trả lời báo chí tại cuộc họp báo

Chiều nay (17/7), Tổng Thư ký Quốc hội đã tổ chức họp báo về dự kiến chương trình Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV.

Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương, tuy nhiên, theo luật định chậm nhất 60 ngày sau cuộc bầu cử phải tiến hành Kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa mới. Kỳ họp đầu tiên với trọng tâm là kiện toàn nhân sự cấp cao Nhà nước nên các đại biểu sẽ họp tập trung, tiến hành bỏ phiếu kín.

Theo đó, Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV khai mạc vào ngày 20/7/2021 tại Nhà Quốc hội và bế mạc vào ngày 31/7/2021, rút ngắn 5 ngày so với dự kiến.

Kỳ họp lần này có vai trò rất quan trọng, đặt nền móng cho hoạt động của Quốc hội khóa XV, trong đó có nội dung Quốc hội sẽ tiến hành bầu, phê chuẩn kiện toàn nhân sự các chức danh lãnh đạo của các cơ quan Nhà nước; xem xét, thảo luận các báo cáo về kinh tế - xã hội và quyết định một số vấn đề quan trọng khác.

Cũng theo ông Bùi Văn Cường, Quốc hội sẽ bầu hoặc phê chuẩn 50 chức danh, trong đó khối Chính phủ sẽ kiện toàn 4 vị trí Phó Thủ tướng (giảm 1 Phó Thủ tướng) và nhân sự là các Phó Thủ tướng khóa XIV tái cử.

Phân tích thêm về công tác nhân sự, bà Nguyễn Thị Thanh – Trưởng Ban công tác đại biểu khẳng định, cán bộ hoạt động theo nhiệm kỳ nên việc kiện toàn nhân sự tại kỳ họp thứ nhất là đúng Hiến pháp, pháp luật. Hơn nữa, việc thực hiện các nghi lễ theo quy định cũng thể hiện sự cam kết thực hiện lời hứa của các chức danh cấp cao của bộ máy Nhà nước trước cử tri và đồng bào.

Về cơ cấu Chính phủ, sau khi xin ý kiến Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị và trên cơ sở cân nhắc tổng thể công tác cán bộ nhiệm kỳ qua, trước mắt Quốc hội sẽ bầu và phê chuẩn 27 chức danh, gồm Thủ tướng Chính phủ, 4 Phó Thủ tướng Chính phủ, 18 Bộ trưởng và 4 thủ trưởng cơ quan ngang bộ.

Tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội sẽ dành khoảng 3 ngày làm việc để xem xét, quyết định về công tác tổ chức, nhân sự, cụ thể : Xem xét, quyết định số Phó Chủ tịch Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội ; bầu Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội ; bầu Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Chủ nhiệm các Ủy ban của Quốc hội, Tổng Kiểm toán nhà nước.

Quốc hội tiến hành bầu Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch nước, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao ; quyết định cơ cấu tổ chức, số lượng thành viên Chính phủ ; phê chuẩn việc bổ nhiệm các Phó Thủ tướng, Bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ ; phê chuẩn danh sách Phó Chủ tịch và Ủy viên Hội đồng quốc phòng và an ninh (nếu có) ; phê chuẩn bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.

Theo quy định của Hiến pháp năm 2013, ngay sau khi được Quốc hội bầu, Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao sẽ làm Lễ tuyên thệ trước Quốc hội.

Ngoài ra, tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét các báo cáo: Đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm và các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng cuối năm 2021 ; công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020. Phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2019.

Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 05 năm giai đoạn 2021-2025 ; Kế hoạch tài chính 05 năm quốc gia giai đoạn 2021-2025 ; Kế hoạch vay, trả nợ công giai đoạn 2021-2025 ; Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 ; Chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới ; Giảm nghèo và An sinh xã hội bền vững giai đoạn 2021-2025 cũng được bàn thảo tại kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa mới.

Bên cạnh đó, Quốc hội sẽ nghe Hội đồng bầu cử quốc gia báo cáo tổng kết cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 và kết quả xác nhận tư cách đại biểu Quốc hội khóa XV; nghe Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV ; Xem xét, thông qua các Nghị quyết của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 ; Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2022 và việc thành lập Đoàn giám sát chuyên đề.

Quốc hội khóa XV, thời gian qua, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo các cơ quan của Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội chuẩn bị chu đáo nội dung, chương trình kỳ họp ; các điều kiện bảo đảm và phương thức tổ chức kỳ họp trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.

Tổng Thư ký Quốc hội cũng cho biết, do tình hình dịch bệnh phức tạp nên một số đại biểu Quốc hội là lãnh đạo chủ chốt ở tỉnh, thành phố có thể vắng mặt tại Kỳ họp để tập trung chỉ đạo công tác phòng chống dịch bệnh, bảo vệ an toàn tính mạng và sức khoẻ cho nhân dân. Ngoài ra, các đại biểu thuộc diện phải cách ly theo dõi y tế cũng được xem xét cho không tham gia kỳ họp lần này.

Ngọc Thành

Nguồn : VOV.VN, 17/07/2021

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Trương Huy San, Ngọc Thành
Read 526 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)