Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

20/07/2021

Coi chừng : Cắt nguồn sống của dân nghèo sẽ phải trả giá cao

Nhiều tác giả

Phó phường Trần Lê Hữu Thọ tới tận lò bánh mì xử phạt 

Nguồn : RFA, 20/07/2021

********************

Nghịch lý chống dịch

Trần Phi Tuấn, Tiếng Dân, 18/07/2021

Dân Sài Gòn hơn 10 triệu người, mỗi ngày bình thường xơi hết 12.000 con heo, nếu tính trung bình mỗi con 100 kí.

saigon1

Tổng sản lượng thịt heo VietGAP mà VISSAN cung ứng ra thị trường dự kiến đạt khoảng 70 tấn/ngày.

Chợ đầu mối Hóc Môn cung cấp khoảng 80% số thịt heo cho dân Sài Gòn, và dân các tỉnh xung quanh cũng lên chợ này mà mua thịt.

Hai chợ đầu mối có chức năng tương tự : Bình Điền ở quận 8, nông sản Tam Bình ở Thủ Đức lâm vào cảnh tương tự.

Vậy mà, 3 chợ này bị đóng.

Câu hỏi đặt ra : Vậy thì lúc này đưa hàng về các chợ truyền thống như thế nào ?

Như để tiếp lời, các chợ cứ lần lượt "ngưng hoạt động". Tính cả 3 chợ đầu mối thì tổng cộng có 191 chợ đã ngưng (không kể chợ tạm đã đóng trước đó), và chỉ còn 46 chợ còn bán hàng.

Hệ thống chợ và các tiệm tạp hóa, tức kênh bán hàng truyền thống (GT), cung cấp đến 70% hàng hóa bán lẻ cho Thành phố Hồ Chí Minh. 30% còn lại được phân phối qua kênh bán hàng hiện đại (MT), gồm các siêu thị, cửa hàng tiện lợi, trung tâm thương mại.

Thành phố đã chặt đứt đi 70% năng lực cung ứng hàng hóa để dồn vào 30% còn lại, không quá tải mới là điều lạ, không hết hàng mới là bất thường, giá không tăng mới là hi hữu.

Sự tự tin của không ít người trong đêm trước phong tỏa ngồi ở nhà chê trách dân tình đổ xô đi mua hàng, rằng mai mình đi sẽ "một mình 10 chợ", một người bao cả siêu thị thịt cá ê hề, rau xanh ngập lối… đã chẳng mấy chốc biến mất.

Chuỗi cung ứng đã bị "dương tính" ! Hàng thiếu ! Dân xếp hàng, càng ngày càng dài… Ở Bà Rịa, nông dân khóc đỏ mắt tìm người để bán hành chỉ 10k. Ở Sài Gòn, dân đỏ mắt đi tìm 100k không có mà mua !

Các mẹ, các chị tiểu thương người hé cửa lén lút, kẻ ôm rổ rau, mẹt tôm vừa bán vừa canh. Người đi mua cũng ngó nghiêng sợ bị phạt 2 triệu !

Nhìn các chợ bị giăng dây, rào chắn im lìm… mà thấy xót thương !

Đóng chợ đã là điều sai lầm. Đóng luôn quán ăn, vốn dĩ có thể chia lửa cho bao nhiêu gia đình, lại là quyết định khó hiểu. Đóng luôn các lò bánh mì, bánh bao thì không thể hiểu nổi.

Ai đời, dân chuyên thì ngồi ở nhà, dân không chuyên như bưu điện, nhà thuốc, cửa hàng mỹ phẩm… này nọ thì lại đi bán rau.

Tiểu thương rành sáu câu về bán chợ, vỉa hè, lề đường thì bị cấm, lôi xềnh xệch về phường như tội đồ, còn mấy anh máy lạnh bày rau củ quả ra vỉa hè bán thì lại được phong anh hùng giải cứu.

Chuyện bao tử của hơn 10 triệu dân Sài Gòn phồn vinh bị thách thức, chưa nói đến những sang chấn tinh thần của biết bao người đang trong khu cách li, phong tỏa…

Nó rối như vừa ăn canh hẹ vừa học triết học kiểu "tư bản ko thể xuất hiện từ lưu thông và cũng ko thể xuất hiện ở bên ngoài lưu thông. Nó phải xuất hiện trong lưu thông và đồng thời ko phải trong lưu thông" vậy.

Có rất nhiều sự khó hiểu như vậy trong thời gian qua, như những cuộc đổ xô đi tiêm vắc xin, đổ xô đi xét nghiệm, đổ xô đi mua hàng, đổ xô trình giấy thông hành, đổ xô đi tỉnh đón đưa về… đụng đâu cũng thấy rối, đổ chỗ này, xô chỗ kia…

Những lúc như thế này lại càng nhớ giai thoại ông Sáu Dân hôm triệu tập ông Lữ Minh Châu, bà Ba Thi, ông Năm Ẩn họp, rồi tuyên bố : "Hôm nay, tất cả các anh, chị ngồi đây phải nghĩ kế để làm cho dân thoát đói. Ai không có kế thì tôi không cho về. Tôi sẽ nhốt ở đây…"

Cùng tắc biến, biến tắc thông, một "tổ buôn lậu gạo" do chính quyền thành lập đã ra đời, và dân Sài Gòn thoát được cơn đói vào năm 1979.

Đổi Mới từ 1986 đến nay… cũng đã quá lâu rồi !

Phép thử nhà nước phân phối hàng hóa, lương thực thực phẩm đã là bài học thương đau thời bao cấp, và công cuộc đổi mới đã đưa nền kinh tế "hướng đến" thị trường trong mấy chục năm qua. Ai có thể mua hàng tận gốc, phân phối đến tận ngọn một cách nhanh chóng, thuận tiện như bấy lâu này giỏi hơn các thương nhân, doanh nghiệp ?

Giờ thật khó mà trông chờ vào Sở Công thương và Quản lý thị trường.

Thôi đành khen ai văn hay chữ tốt đã nghĩ ra 3 tại chỗ, 2 địa điểm, 1 cung đường nghe rất chi là văn, rất chi là thơ vậy !

Đã lâu rồi, người ta ít nhắc tới từ technocracy – kỹ trị quá.

Trần Phi Tuấn

Nguồn : Tiếng Dân, 18/07/2021 

*********************

Vì sao chính sách ‘lockdown – phong thành’ kéo dài sẽ đẩy dân chúng vào khốn cùng ?

Nguyễn Nam, VNTB, 18/07/2021

Chỉ với 32 ký tự của ‘chapeau’ ở trên đã quá dư dã cho việc gây choáng váng cho người nghèo, khi họ không biết sẽ phải kiếm cái ăn ở đâu cho những ngày được gọi tên rất đơn giản là ‘giãn cách theo chỉ thị 16’.

danngheo1

Thủ tướng Chính phủ đồng ý áp dụng giãn cách theo chỉ thị 16 đối với 16 tỉnh thành phía Nam từ 0g ngày 19/7/2021, thời hạn 14 ngày, để chống dịch.

Chiều 17/7, báo chí đồng loạt đưa tin, Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ký văn bản hỏa tốc về việc áp dụng biện pháp giãn cách xã hội để phòng, chống dịch tại một số địa phương.

Theo đó, ngoài 3 tỉnh, thành đang áp dụng chỉ thị 16 là Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương và Đồng Nai, sẽ có thêm 16 tỉnh, thành giãn cách theo chỉ thị này để chống dịch gồm : Cần Thơ, Bình Phước, Tây Ninh, Bà Rịa – Vũng Tàu, Tiền Giang, Long An, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Bến Tre, Hậu Giang, An Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Cà Mau và Kiên Giang.

Thứ trưởng Bộ Công thương, ông Đỗ Thắng Hải được báo chí ghi nhận về cam kết của bộ này : "Chúng ta đã có kinh nghiệm áp dụng chỉ thị 16 tại một số nơi như Bắc Giang, Bắc Ninh, Thành phố Hồ Chí Minh. Xin khẳng định Chính phủ và các bộ ngành luôn đảm bảo đủ hàng phục vụ nhu cầu người dân. Mong người dân bình tĩnh, tin tưởng vào các chỉ đạo, hướng dẫn của các bộ ngành, địa phương, chúng tôi làm hết sức mình để bảo đảm nhu cầu thiết yếu của người dân".

Vậy kinh nghiệm đó là gì mà Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải đã phát biểu ‘hồn nhiên’ đến vậy ?

Đó là thực tế được ghi nhận ở bài báo "Đừng bình ổn thị trường trên giấy " đăng trên tờ Tuổi Trẻ số phát hành hôm 17/7. Bài báo cho biết, trong khi thị trường thực phẩm tại Thành phố Hồ Chí Minh trở nên căng thẳng hơn tuần nay, sau khi Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện giãn cách xã hội, nhiều bản tin về tình hình hàng hóa, giá cả được Bộ Công thương phát ra lại đều khẳng định nguồn hàng hóa dồi dào, giá cả ổn định, việc khan hàng sốt giá chỉ cục bộ một vài nơi…

Chỉ đến các bản tin ngày 15 và 16/7, tình trạng người dân tại Thành phố Hồ Chí Minh phải xếp hàng khi đi mua thực phẩm ở các siêu thị mới được ghi nhận với lý do quá nhiều người đi mua sắm, "giá các loại hàng trong siêu thị tăng nhẹ do chi phí vận chuyển tăng"… Những bản tin trước đó đều đưa ra những thông tin rất xa rời thực tế.

Chẳng hạn, tại bản tin ngày 14/7, bộ này cho biết thị trường Cần Thơ ổn định, siêu thị đủ hàng và không tăng giá… Tương tự, tại Đồng Nai cũng "không xảy ra hiện tượng đầu cơ, găm hàng". Trước đó, bản tin ngày 11/7 khẳng định Thành phố Hồ Chí Minh có lượng hàng hóa dồi dào, không có tình trạng khan hiếm, giá cả ổn định…

Trong thực tế, tràn ngập trên các mặt báo và những trang mạng xã hội là thông tin và hình ảnh người dân Thành phố Hồ Chí Minh phải sắp hàng vài giờ trước siêu thị chờ mua hàng, nhưng vào được siêu thị lại chỉ thấy các quầy kệ trống trơn. Nhiều người đội nắng sắp hàng lúc 12g trưa nhưng chỉ nhận được… phiếu hẹn đến 22g quay lại mua hàng !

Bên cạnh đó, thì câu hỏi đang là ám ảnh của dân chúng : buộc ở nhà, vậy tiền đâu để họ có thể xoay xở cho các chi phí ăn uống, tiền điện nước, tiền thuê trọ ?

Cũng có ý kiến phải chăng ‘lockdown’ khiến số ca tử vong Covid-19 tăng vì thật ra đây là những bệnh nhân có trong người những bệnh mãn tính, ‘lockdown’ khiến họ khó khăn hơn khi đi khám bệnh, và rồi bị ‘dính Covid’, họ dễ dàng bị suy sụp và nhập viện thì mọi chuyện trở nên muộn màng…

Đó là chưa kể – như xác nhận của lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh , "Phần lớn các ca mới những ngày qua đều trong khu cách ly. Chúng ta phải thẳng thắn nhìn nhận không loại trừ lây chéo ở những nơi này. Vì vậy, sắp tới phải giảm dần số ca F0 ở các khu cách ly, phong toả", Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Thành Phong nói, và cho rằng thống kê cho thấy 3 – 8% số ca trong khu cách ly do lây chéo, còn lại do ủ bệnh lâu.

Nguyễn Nam

Nguồn : VNTB, 18/07/2021

*********************

Lá thư Sài Gòn : 'Dân khổ vì cách chống dịch Covid-19'

Song May, BBC, 18/07/2021

Một tuần đã trôi qua kể từ khi Sài Gòn phong tỏa hoàn toàn theo Chỉ thị 16.

Sự quan tâm của người dân ở đô thị lớn nhất nước giờ luẩn quẩn quanh giá bó hành, bó rau ; nhà nào mua được rau, nhà nào không ; chỗ nào bán rau giá bình ổn như báo đài ra rả…

danngheo2

Những thứ gia vị tưởng chừng như không bao giờ thiếu ở Sài Gòn nay trở thành thứ quý hơn vàng, nhiều người đem cất tủ đá để ăn dần

Bên cạnh đó mọi người còn hỏi nhau chỗ nào bán bánh mì (không phải loại kẹp), lò bánh mì nào còn lén mở ?

'Đêm kỳ lạ trước ngày phong tỏa'

Nỗi khó chịu lớn nhất của người Sài Gòn hiện nay không phải là họ phải ngồi yên trong nhà "mới là yêu nước" theo khẩu hiệu, mà chính là… sự lưu thông phân phối thực phẩm tươi sống và đồ ăn thức uống chế biến sẵn bị cắt đứt gần như hoàn toàn !

Đêm 8/7. Đó là buổi tối kỳ lạ nhất ở Sài Gòn sau gần 2 năm Covid-19 xuất hiện.

Đợt giãn cách thứ 4 ở Sài Gòn trở nên không bình thường, khi buổi chiều - chỉ trước giờ G (giờ phong tỏa toàn thành phố theo Chỉ thị 16 có hiệu lực) chưa tới 8 tiếng đồng hồ, các báo đồng loạt đưa tin việc dừng dịch vụ ăn uống mang đi.

Có nghĩa là sau một tháng chỉ được bán mang đi, giờ nhà nước không còn cho phép như thế nữa, toàn bộ các quán ăn nhà hàng phải đóng cửa, không được phép chế biến thức ăn bán cho bất kỳ ai.

Trên đường trở về nhà lúc hơn 8h tối ngày 8/7, tôi nhìn thấy trước một quán chay trên đường Nguyễn Thị Minh Khai Quận 3 có hai người phụ nữ khệ nệ mang những bọc to chứa rau củ ra khỏi nhà hàng chất lên xe gắn máy.

Lệnh đóng cửa quán ăn nhà hàng (nói tránh là dừng dịch vụ ăn uống mang đi) đưa ra vội vã trước giờ G khiến cho nhiều người kinh doanh dịch vụ này xoay sở không kịp với mớ hàng thực phẩm tồn trữ.

Đi ngang mấy tiệm bán bánh mì, bán mì, bán soup… chỗ nào cũng đông người chờ để vét mua những gì còn lại. Chưa bao giờ người dân Sài Gòn nháo nhào vì lo tìm cách trữ thực phẩm như ngày 8/7.

Họ gọi đêm 8/7 là "đêm giao thừa" và việc chen lấn trong các siêu thị mua thực phẩm dự trữ là "đi chợ Tết", nhưng không có gì giống như vậy khi cảm giác lo lắng bao trùm.

Hơn 9 giờ tối, tôi cũng kịp tha về 8 ổ bánh mì (không nhân), một tô mì đặc biệt, và dừng chân trước một quán bánh tráng nướng sáng đèn ở đầu một con hẻm để mua 3 cái bánh tráng nướng, thứ mà tôi chưa bao giờ ăn.

Và thật ngạc nhiên là để có 3 cái bánh tráng nướng, tôi phải đợi gần cả tiếng đồng hồ, cho dù chỉ đến sau một người khách.

Cái thứ bánh ăn chơi giá 20 ngàn đồng được làm khá tỷ mẩn bởi hai cô gái, một trẻ một trung niên.

Họ thay phiên nhau nướng chiếc bánh trên bếp lửa than, lần lượt trét topping lên bánh như trứng gà, hành lá, chà bông gà hay xúc xích cắt nhỏ rồi nhẹ nhàng xoay trở chiếc bánh.

Trong khi chờ đợi, tôi gọi một ly sữa ca cao nóng và tìm chỗ ngồi khuất ngoài sân để tháo khẩu trang nhấm nháp thứ nước uống ưa thích.

Tôi không dám trò chuyện với người bán như thói quen mọi lần. Thay vì cảm giác nhẹ nhõm trong những lúc một mình cà phê, tôi chỉ thấy tâm trạng mình bồn chồn, nặng trĩu, vì không biết hai tuần tới sẽ ra sao ?

Tôi nhớ lại vẻ mặt ngẩn ngơ của em gái tối nay khi hỏi tôi : Thế là từ ngày mai mình không mua được bánh mì hay bún phở để ăn sáng hả chị ?

Tôi nhớ lại vẻ biết ơn của cô tôi, khi cô cảm ơn về mấy cái bánh mì không nhân mà tôi mang đến. Sài Gòn vốn bao la các hàng quán ăn uống, ngày mai không còn điều đó nữa, sẽ ra sao ?

Cái bánh tráng nướng tôi mua được lần đầu tiên hóa ra ngon vô cùng. Vị ngon của thứ mà mình biết sẽ không còn tìm thấy vào ngày mai nữa.

Tôi nhớ lời hẹn của cô gái bán hàng : "Sau dịch cô lại đến mua nhé." Tôi nhớ lời than của họ : "Quán mướn, tiền thuê vẫn phải trả mà giờ không được phép bán nữa thì chỉ có nước ăn mì gói sống qua ngày thôi cô."

Khi rau quả trở thành 'hàng cấm'

Hai ngày sau, khoảng chiều Chủ Nhật tôi ra ngoài để đi mua rau. Chưa bao giờ mà việc mua rau và bán rau lại lấm la lấm lét giống mua hàng cấm như hiện nay !

Đặt hàng trên mạng Bách Hóa Xanh thấy không có rau, tôi đi ngang cửa hàng Bách Hóa Xanh, Mini Stop, Vinmart, Coopmart đều thấy hàng dài người đứng chờ để được vào nên ngán ngẩm thử đi đến chợ.

Chợ đóng cửa, không gian chung quanh vắng đến lạnh. Nhìn kỹ thì vẫn thấy một hai nhà gần chợ thò ra tí rau nên mừng quá chạy lại.

Người bán đã gói sẵn từng thứ, nói mua gì thì thẩy ra nhưng lại hối chị lấy nhanh nhanh lên rồi đi đi cho, không thôi công an họ thấy thì phạt chết tiền. Trả 200 ngàn đồng để nhận về ít rau ăn khoảng hai ngày mà mừng còn hơn cái gì.

Vì đâu mà việc buôn bán rau củ ở Sài Gòn lại trở nên như việc bán hàng cấm ? Sinh ra và lớn lên ở Sài Gòn, từ năm 10 tuổi tôi đã cầm tiền đi chợ cho cả nhà, gần 50 năm đi chợ, ngay cả thời bao cấp khốn khổ cũng không đến nỗi chẳng có rau mà mua và nếu có thì phải mua trong sợ hãi như vậy !

Giờ trên mạng thiên hạ đang khoe nhau nhà có rau.

Nhà nào có nhiều rau, thậm chí có vườn trồng rau và gia vị là nhà đó giàu có, một điều chưa từng có !

Trên mạng, các page treo bảng bán quần áo, bán áo dài may sẵn… giờ cũng rao bán rau ! Giá đắt hơn bình thường là chuyện có thể hiểu được vì hệ thống phân phối rau ở 3 chợ đầu mối và hơn 200 chợ truyền thống bị cắt đứt, chính quyền giao quyền phân phối thực phẩm vào các super market lớn nhỏ.

Đến tối ngày 16/7, tức 7 ngày sau, thay vì mở cửa chợ có kiểm soát, chính quyền lại đẩy thực phẩm vào các cửa hàng Con Cưng chuyên đồ dùng cho trẻ em và Guardian chuyên hàng hóa mỹ phẩm cho phụ nữ. Không hiểu nổi !

Một phần sợ vào siêu thị bị lây nhiễm, phần khác tôi chỉ muốn ủng hộ những cá nhân buôn bán nhỏ lẻ nên nhà hết sữa hay bao rác, tôi đến tiệm tạp hóa gần nhà và đi vào những con hẻm nhỏ vắng vẻ để tìm nơi bán rau.

Hóa ra, tiệm tạp hóa chả thiếu thứ gì và còn rẻ hơn siêu thị. Còn rau có thể tìm ở tiệm bán hoa, tiệm bán nước trái cây, quán ăn…. Dân Sài Gòn không đợi mọc rêu nơi xó nhà mà ai có nguồn cung thì bán thôi.

Bánh mì cũng là thứ dân Sài Gòn thèm mà không có để mua.

Chiều nay, một người bạn tôi đã kịp làm cả chục ổ và liều đem vài ổ đến nhà một người bạn trong nhóm. Tôi cũng may mắn được người cháu cho một túi bánh mì đông lạnh, khi nào ăn thì nướng lại. Nhưng tôi nghĩ mình nên tập làm bánh mì, khi không có vườn trồng rau thì phải tập làm bánh mì vậy !

Sức sống của người Sài Gòn tạm thời ngủ yên trong hai tuần, rồi sẽ lại hồi sinh để "cõng" chi phí dùm cho các tỉnh thành khác.

Số phận của Sài Gòn là như thế : tự mình phải vượt qua cơn đau để tiếp tục làm "anh hai" dẫn đầu chỉ tiêu nộp ngân sách quốc gia.

Song May

Nguồn : BBC, 18/07/2021

********************

Người dân tiếp tục căng thẳng với lệnh tiếp tục ‘ở yên trong nhà’

Hiền Lương, VNTB, 18/07/2021

Ngồi không mà ăn, núi cũng phải lở. Ông, bà mình dặn vậy rồi mà.

danngheo3

‘Ở yên trong nhà’ là đối mặt với đứt bữa, với nợ nần bủa vây của tiền điện, tiền nước, và có thể là cả tiền thuê nhà.

"Trong tình huống dịch bệnh tiếp tục diễn biến khó lường thì thành phố cũng lường trước đến chuyện sẽ tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16 trong một thời gian nữa" – Phó Bí thư thường trực Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi đã rào trước đón sau như vậy ở những lần họp báo vào mỗi buổi chiều.

Thậm chí, ông Phan Văn Mãi cũng xa gần nói rằng khi áp dụng giãn cách theo Chỉ thị 16, thì trong thời gian tối không loại trừ thêm việc "nâng lên mức phong tỏa ở rất nhiều địa bàn".

Đã làm không ra tiền, với thực tế đang diễn ra về tình hình hàng hóa, người lao động hiện đang rất lo lắng về việc giá cả các mặt hàng thiếu yếu tăng cao tại một số khu chợ. Trong khi đó, tại các siêu thị bình ổn giá, một số mặt hàng chưa đáp ứng kịp thời nhu cầu của người dân.

Thị trường tiếp tục xáo trộn, tiếc thay đó là vì các yêu cầu của thủ tục hành chính do Bộ Y tế đưa ra, và lại ‘bảo thủ’ khi công luận lên tiếng về những phi lý cả về mặt kiến thức y học.

Đó là câu chuyện dài tập của phiếu trả kết quả xét nghiệm test nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 được xem như "giấy thông hành" khi dịch Covid-19 đang gieo rắc sự sợ hãi, nỗi hoài nghi và nhân lên sự thoái thác, đùn đẩy ở nhiều nơi…

Ghi nhận tại chốt kiểm soát dịch liên ngành đặt tại xã Tân Đức, huyện Hàm Tân tỉnh Bình Thuận. Đây là một trong hai chốt mà tỉnh Bình Thuận thành lập để kiểm soát y tế ở hai đầu cửa ngõ ra vào địa phương, đoạn giáp Ninh Thuận và Đồng Nai từ ngày 7/7. Theo quy định, tất cả người đi/ đến/ về Bình Thuận phải có kết quả âm tính với Covid-19.

Một cảnh sát giao thông tại chốt cho biết tình trạng ùn ứ xe cộ hướng Thành phố Hồ Chí Minh chạy ra trong thời gian hiện nay là thường bắt đầu từ chiều hôm trước, kéo dài qua tỉnh Đồng Nai khoảng 7km.

Nguyên nhân là tất cả xe cộ di chuyển hướng này buộc phải dừng lại tại chốt để kiểm tra y tế tài xế và người trên xe. Nhiều tài xế ‘chôn chân’ từ rạng sáng đến trưa cùng ngày mới di chuyển được.

Theo tính toán của một chỉ huy tại chốt, cứ 1 phút có khoảng 7 loại xe di chuyển qua đây. Khi vào khai báo y tế, một tài xế phải mất khoảng 10 phút. Nếu tài xế đi từ vùng dịch đến mà không có giấy xét nghiệm âm tính, hoặc đã hết hạn buộc phải vào khu vực test nhanh tại chốt.

Quy trình test trung bình khoảng 30 phút. Nếu một tài xế từ lúc vào khai báo cho đến test nhanh kết thúc phải mất gần 45 phút.

Đó là lúc công việc suôn sẻ. Còn thời điểm đông người test cùng lúc sẽ mất rất nhiều thời gian nhưng phải làm. Trung bình một ngày tại chốt này có khoảng 3.800 lượt xe cộ vào khai báo y tế. Chỉ huy chốt cho biết thường xuyên quá tải kể cả sức người lẫn trang thiết bị vật tư y tế.

Không chỉ vậy.

Ông Nay Phi La – Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk, cho rằng việc đòi hỏi đại trà tất cả những ai qua chốt phải có giấy thông hành là một việc làm không cần thiết, và tỉnh này đã đề nghị Bộ Y tế có kiến nghị Thủ tướng thống nhất việc có cần áp dụng giấy thông hành khi qua chốt hay không.

Đến nay, chưa thấy bất cứ một thông tin nào về xử lý những bất cập đối với giấy thông hành Covid-19 như kể ở trên.

Vì tính cho đến chiều 16/7, dù Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) đã yêu cầu cho những xe không dừng đỗ được đi không cần giấy, thì tỉnh Bình Phước vẫn yêu cầu "có giấy thông hành thì thông chốt". Tại các chốt kiểm dịch, tỉnh này vẫn không tổ chức lấy mẫu, xét nghiệm test nhanh Covid-19 cho tài xế đường dài… Mà không qua được tỉnh Bình Phước thì sẽ rất khó để đi tiếp lên Tây nguyên.

Hiền Lương

Nguồn : VNTB, 18/07/2021

*********************

Ừ thì giãn cách, nhưng lao động bình dân sẽ ra sao ?

Hoàng Mai, VNTB, 18/07/2021

Chiều ngày 17/7/2021, nhiều người dân xôn xao với tin tức mà báo chí đưa ra, kèm theo đó là công văn hỏa tốc được ký bởi Thủ tướng Phạm Minh Chính vào cùng ngày, về vấn đề các tỉnh thành phía Nam giãn cách theo chỉ thị 16, từ 0g ngày 19/7.

danngheo4

26.000 tỷ đã tới tay bao nhiêu người dân ?

Xoay quanh vấn đề này, xuất hiện nhiều luồng ý kiến, đại đa số là vì vấn đề phòng chống dịch Covid-19 hiệu quả ở khu vực miền Nam, cho nên đều đồng tình. Tuy nhiên, trong số đó, cũng có không ít ý kiến cho rằng, nếu như tiếp tục giãn cách theo chỉ thị 16, với những quy định như đang áp dụng hiện nay ở khu vực Thành phố Hồ Chí Minh, nhiều người dân sẽ sinh sống ra sao ?

Để giải đáp cho vấn đề, theo trích dẫn từ bài báo đăng trên báo Tuổi Trẻ thì :

"Thủ tướng yêu cầu các bộ, cơ quan trung ương chủ động phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các địa phương để thực hiện nghiêm túc, hiệu quả chỉ thị 16, chú ý bảo đảm nguồn vật tư, trang thiết bị, nhân lực y tế, nhất là đội ngũ y bác sĩ, cán bộ, nhân viên y tế.

Đồng thời bảo đảm an ninh, an toàn, an sinh xã hội, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, không để bất cứ người dân nào thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu nhu yếu phẩm thiết yếu ; đặc biệt chú ý nâng cao hiệu quả điều trị, ưu tiên tối đa nguồn lực cho các ca bệnh nặng".

Thoạt nghe qua, là một cảm giác an tâm, bởi tất cả đã nằm trong tiên liệu trước.

Trước khi đưa ra quyết định toàn miền Nam cùng chung tay thực hiện chỉ thị 16, đã có sự tính toán trước không chỉ trong vấn đề vật tư, trang thiết bị hay nhân lực y tế mà còn là về an sinh, cuộc sống của người dân cũng như tình hình trật tự trị an. Tuy nhiên, làm việc đó như thế nào, ra sao, lại không được nói rõ.

"Thành phố Hồ Chí Minh vừa qua là một ví dụ đó. Không cần ngồi ở Việt Nam cũng thấy người dân rất tuân thủ quy định mà chính quyền địa phương đưa ra. Dù biết là khó khăn, là ảnh hưởng rất nhiều đến việc mưu sinh, đời sống của họ, nhưng họ vẫn chấp nhận hy sinh vì cái chung.

Có thể bạn thấy kéo dài thời gian thực hiện chỉ thị 16 thôi mà, có gì mà đáng lo, mấy ông cứ nói quá. Điều bạn nói có thể không sai nhưng nó không đúng với tất cả.

Với những người buôn gánh bán bưng, làm ngày nào sống ngày đó, dư dả một ít, để tiết kiệm, là mừng lắm rồi. Giờ đây, buôn bán không được, đi lại cũng khó khăn, một số công việc như vé số, xe ôm cũng tạm dừng. Không phải sống để ăn nhưng cần ăn để mà sống, giờ đây sẽ ra sao ? Không lẽ suốt ngày ăn mì gói, cháo gói ? Rồi sức khỏe sẽ như thế nào trước dịch bệnh Covid-19 này ?

Vận động chủ nhà giảm tiền trọ là một phương pháp, dù thực tế cũng có không ít chủ nhà trọ không cần vận động vẫn tự động giảm tiền trọ, nhưng dù sao đi chăng nữa, đó cũng chỉ là bớt một phần tiền ở, còn tiền ăn, tiền sinh hoạt, tiền điện – nước, tiền phòng bệnh tật, đủ thứ cái để lo.

Trong khi đó, cái gọi là hỗ trợ Covid-19 cho những người khó khăn, có chắc chắn những ai khó khăn đều được nhận không ? Đã giải ngân hết chưa ? Rồi 26.000 tỷ trao được bao nhiêu người ?

Một số người có thể thấy thêm thời gian chỉ thị 16 là bình thường như đối với một số lao động nghèo, lang thang cơ nhỡ, là khó khăn nhiều lắm chứ".

Hàng loạt vấn đề ở trên đang được đặt ra qua góc nhìn của giới lao động cần lao.

Có thể nói, người dân luôn sẵn sàng chung tay cùng chính phủ và chính quyền địa phương thực hiện chỉ thị 16 để đẩy lùi dịch Covid-19. Thế nhưng, cũng mong rằng, sẽ có chính sách an sinh thật sự rõ ràng và hiệu quả để người dân không quá cơ cực trong thời gian này…

Hoàng Mai

Nguồn : VNTB, 18/07/202

******************

Kịch bản thứ 4 mà Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh cố tình lảng tránh

Quang Nhựt, VNTB, 18/07/2021

Kịch bản thứ 4 bao trùm : người dân chỉ sống bằng không khí suốt cả 3 kịch bản, nhất là khi có thêm 16 tỉnh, thành cùng đồng loạt ‘bế môn’ ?

danngheo5

Chiều tối 16/7, tại cuộc giao ban trực tuyến với lãnh đạo các tỉnh, thành phố phía Nam về công tác phòng, chống dịch Covid-19, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, yêu cầu các địa phương phải nâng cao hơn nữa các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, giữ vững các vùng an toàn, chuẩn bị sẵn sàng cho tình huống xấu hơn, dịch lây lan rộng hơn.

Ông Phan Văn Mãi cũng đã đưa ra 3 kịch bản sau thời gian giãn cách xã hội theo chỉ thị 16.

Kịch bản thứ 1 là chính quyền thành phố kiểm soát được dịch Covid-19, lúc này sẽ xem xét lại việc thực hiện chỉ thị 16 ; có thể là chỉ thị 16 hay chỉ thị 15 hoặc chỉ thị 19.

Kịch bản thứ 2 là chính quyền chưa kiểm soát được và dịch vẫn gia tăng, lúc này sẽ tiếp tục chỉ thị 16 một thời gian, và có thể thực hiện gia giảm kiểu ‘drama’ 16+ ở một số địa bàn.

Kịch bản thứ 3 là dịch gia tăng mạnh mẽ, mất kiểm soát nên chính quyền phải tính đến tình huống phong tỏa với ‘biện pháp mạnh hơn’ – nhưng lại không nói rõ là biện pháp gì.

Theo ông Mãi – một chính khách vừa chân ướt chân ráo đến từ miệt sông nước Bến Tre, thì Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Thành phố Hồ Chí Minh đang nỗ lực thực hiện để đạt được mục tiêu theo kịch bản thứ 1. Tuy nhiên, trong tình hình dịch bệnh diễn biến khó lường, chính quyền cũng lường trước việc sẽ tiếp tục thực hiện chỉ thị 16 trong một thời gian nữa, sau khi hết 15 ngày giãn cách xã hội.

Kể từ ngày 9/7/2021, Thành phố Hồ Chí Minh đã trải qua hơn 1 tuần lễ dưới chỉ thị 16 của chính phủ. Trong thời gian qua, có thể nói, thành phố này đã "thay da đổi thịt" nhiều.

Những con đường luôn tràn ngập xe cộ qua lại, giờ đây vắng hoe, liệu chăng, nếu có, thì đó cũng là những xe cấp cứu hoặc xe buýt chở người bệnh đi cách ly, chữa trị.

Những con phố tấp nập hàng ăn, hàng quán thì giờ đây được thay bằng cảnh giăng dây, đóng cửa ở nhiều nơi. Những khu chợ buôn bán ở ngoài đường, luôn đông đúc người mua kẻ bán thì giờ đây là hình ảnh của chiếc lá bay theo chiều của một cơn gió thoảng qua, hay một vài chú chó đi lang thang ngoài đường, ở cái nơi là ngày xưa luôn tấp nập xe cộ.

Có thể nói, một tuần qua là một tuần khó khăn.

Khó khăn trên nhiều phương diện, từ công việc, đi lại cho đến lương thực, thực phẩm rồi hồi hộp rằng, trong vô vàn những con người đó, không biết rằng, mình có "vấp phải F0" nào hay không ?

Biết rằng, chính quyền rất nỗ lực trong việc đảm bảo nguồn hàng hóa, phục vụ cho người dân, song hễ mỗi khi có một ‘fake news’ xuất hiện, hình ảnh người người đứng xếp hàng, có lẽ, hoàn toàn không khó để bắt gặp.

Một tuần hơn trôi qua với nhiều vấn đề, vẫn chấp nhận khó khăn, chuẩn bị tinh thần cho tuần mới khi chỉ thị 16 vẫn còn đó. Thôi thì đã thông báo trước, có một ít thời gian để chuẩn bị từ vấn đề ăn uống cho đến công việc, biết rằng càng kéo lâu thì càng khó khăn, cũng đành chấp nhận.

Những ngày qua, mặc dù có tin tức trong thời gian dưới chỉ thị 16, số ca nhiễm trong cộng đồng đã có chiều hướng giảm (mặc dù ngày nào số ca nhiễm cũng như số ca đang điều tra dịch tễ là hoàn toàn không ít, vaccine thì hết dời ngày này tới ngày khác), thôi thì lạc quan mà nghĩ, có tín hiệu tích cực là điều đáng mừng rồi.

Thế nhưng, theo như lời ông Mãi, một kịch bản về chỉ thị 16 tiếp tục được thực thi, liệu rằng khi đó, sẽ như thế nào ?

Có thể sẽ là càng lúc càng khó khăn hơn. Tuần đầu, nhiều người còn có thể trụ được vì còn có thể ăn vào tiết kiệm.

Tuần hai, vơi đi phần nào nhưng có lẽ cố gắng vẫn còn có thể cầm cự được. Nhưng thêm tuần ba hay thêm 15 ngày nữa, thật sự là một điều khó khăn. Rồi còn những người khuyết tật, những người bán vé số, chạy xe ôm…, chạy ăn hằng ngày đã khó, giờ đây còn chỉ thị 16, biết làm sao ?.

Người dân sẵn sàng chung tay phòng chống dịch Covid19 với chính quyền ; người dân sẵn sàng nghe theo những quy định chính quyền đưa ra, sẵn sàng tin tưởng và chấp nhận khó khăn.

Lên tiếng trước về ba kịch bản sau 15 ngày thực hiện chỉ thị 16 là một ghi nhận về tầm nhìn những cái sắp tới. Song, tại sao lại không có (hoặc không thông báo hay tờ báo không viết) về những kịch bản sắp tới cho vấn đề dân sinh khi thực hiện 3 kịch bản dịch sau thời gian giãn cách xã hội theo chỉ thị 16 ?

Vô tình ‘quên’ hay không để tâm, hoặc đơn giản vì lực bất tòng tâm ? !

Quang Nhựt

Nguồn : VNTB, 18/07/2021

********************

Covid-19 : Hà Nội bắt đầu phong tỏa từ ngày 19/7

RFA, 18/07/2021

Vào chiều ngày 18/7, UBND Thành phố Hà Nội có công điện, yêu cầu người dân từ 0 giờ ngày 19/7 ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết như đi công tác công vụ, làm việc tại cơ quan, công sở, nhà máy, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu được phép hoạt động, mua lương thực, thuốc men và các trường hợp khẩn cấp như y tế, thiên tai, thảm hoạ. Giới chức thành phố yêu cầu người dân thực hiện nghiêm 5k, giữ khoảng cách hai mét khi giao tiếp, không tụ tập quá năm người ở nơi công cộng.

danngheo6

Anh ninh gác bên ngoài một khu bị phong tỏa do Covid-19 ở Hà Nội hôm 12/7/2021 AFP

Theo Công điện mới, giới chức Thành phố cũng yêu cầu dừng tất cả mọi hoạt động kinh doanh dịch vụ không thiết yếu, các cửa hàng bán hàng ăn uống chỉ bán hàng mang về.

Công an thành phố được lệnh tiếp tục chỉ đạo, kiểm tra, bảo đảm 22/22 chốt hoạt động 24/24 giờ, kiểm tra, kiểm soát 100% người và phương tiện vào thành phố.

Vào chiều ngày 18/7, Sở Y tế Hà Nội thông báo thêm 27 ca mắc Covid-19 mới bao gồm ít nhất năm trường hợp chưa xác định được nguồn lây.

Kể từ ngày 29/4 đến nay, tức là từ khi đợt dịch thứ tư bùng phát, Hà Nội đã ghi nhận 427 trường hợp nhiễm Covid-19. Số ca tăng nhanh kể từ ngày 5/7 với 167 ca mới.

*********************

Cao điểm chống dịch và cuộc sống người nghèo

Lê Thiếu Nhơn, Văn Nghệ, 16/07/2021

Đô thị lớn nhất phương Nam đang trọng thương vì Covid-19 ! Đó là điều mà hầu hết người Việt Nam đều cảm nhận rất rõ ràng. Từ ngày 31/5, Thành phố Hồ Chí Minh áp dụng giãn cách xã hội theo chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ, đến ngày 9/7 thì mức độ kiểm soát tăng lên để triển khai áp dụng giãn cách xã hội theo chỉ thị 16. Nói cách khác, Thành phố Hồ Chí Minh phải phong tỏa để ngăn chặn diễn biến phức tạp của dịch Covid-19.

saigon2

Nhiều phần quà được các tổ chức, cá nhân, nhóm làm xã hội từ thiện trao tận tay người khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn trong những ngày dịch Covid-19.Ảnh : Anh Tuấn/TTXVN

Đã có nhiều nơi phong tỏa để chống dịch. Thế nhưng, khi Thành phố Hồ Chí Minh phong tỏa thì ai cũng biết rằng cuộc chiến với Covid-19 đã căng thẳng hơn, cam go hơn. Bởi lẽ, Thành phố Hồ Chí Minh là trung tâm mọi hoạt động giao thương và dịch vụ của cả nước. Thành phố Hồ Chí Minh trọng thương thì Việt Nam không thể khỏe mạnh.

Bộ Y tế đã có văn bản hướng dẫn về việc những người từ Thành phố Hồ Chí Minh đến các địa phương sẽ cách ly tại nhà 7 ngày rồi thực hiện xét nghiệm theo lịch trình. Thế nhưng, các tỉnh vẫn yêu cầu có giấy xét nghiệm âm tính mới cho vào địa phận. Có tỉnh đưa tiêu chí giấy xét nghiệm có giá trị trong vòng 7 ngày, có tỉnh đưa tiêu chí giấy xét nghiệm có giá trị trong vòng 5 ngày, và cũng có tỉnh đưa tiêu chí giấy xét nghiệm có giá trị trong vòng 3 ngày.

Vậy, thử hỏi, giấy xét nghiệm có ý nghĩa gì ? Xét theo góc độ y học, giấy xét nghiệm Covid-19 có kết quả âm tính, nghĩa là lúc ấy trở về trước thì đối tượng được xét nghiệm chưa nhiễm bệnh. Còn đối tượng được xét nghiệp có nhiễm bệnh hay không, kể từ khi rời khỏi khu vực lấy mẫu xét nghiệm, thì không thể nào phán đoán được. Nói cách khác, giấy xét nghiệm Covid-19 có kết quả âm tính chỉ có giá trị bảo chứng cho quá khứ, chứ không có giá trị bảo chứng cho tương lai. Vậy mà, kỳ lạ thay, giấy xét nghiệm lại trở thành giấy chứng nhận không lây nhiễm ngắn hạn ,để nhiều địa phương xem xét như một giấy thông hành cho người lao động. Xét nghiệm Covid-19 cũng có những trường hợp âm tính giả. Vì vậy, Bộ Y tế mới quy định thời biểu lấy mẫu xét nghiệm nhiều lần cho F1, F2 để tránh rủi ro xuất hiện những đối tượng được xét nghiệm chuyển qua dương tính ở những ngày tiếp theo.

Rõ ràng, giấy xét nghiệm Covid-19 có kết quả âm tính hoàn toàn không phải "kim bài miễn dịch". Phương pháp tối ưu để đẩy lùi Covid-19 là 5K và vắc xin, chứ không phải nỗi hào hứng với giấy xét nghiệm. Những địa phương bắt buộc người lao động phải có giấy xét nghiệm, dường như không màng đến yếu tố y học, mà chỉ cốt đặt ra một loại rào cản mới có vẻ trang nghiêm và thuyết phục. Nhiều dịch vụ xét nghiệm Covid-19 lập tức bùng nổ với giá cả khá linh hoạt từ 300 nghìn đồng/lần đến 700 nghìn đồng/lần. Chưa cần đề cập đến khả năng có kiểm soát được giấy xét nghiệm bị làm nhái, làm giả hay không, thì riêng chi phí giấy xét nghiệm đã thêm gánh nặng cho người nghèo. Trong cao điểm dịch bệnh, không ai muốn di chuyển xa để làm việc, nếu đã đủ ăn đủ mặc. Những lao động bất đắc dĩ phải ra khỏi nhà mùa Covid-19 đều có kinh tế khá eo hẹp. Vậy mà, cứ 3 ngày, 5 ngày hoặc 7 ngày họ lại phải mất thêm tiền để làm giấy xét nghiệm, thì chật vật càng thêm chật vật, khốn khổ càng thêm khốn khổ.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính liên tục có những chuyến công tác vào Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam để chỉ đạo công tác chống dịch. Việc Thành phố Hồ Chí Minh phải áp dụng giãn cách xã hội theo chỉ thị 16 là một trong những sự kiện được Thủ tướng Phạm Minh Chính đặc biệt quan tâm và chia sẻ. Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh mỗi năm có 52 tuần, có thể hy sinh 2 tuần để đổi lại 50 tuần bình yên. Vì vậy, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Thành phố Hồ Chí Minh quyết liệt thực hiện các gói hỗ trợ chống dịch, vì các thủ tục đã giảm 2/3. Thủ tướng Phạm Minh Chính khuyến khích Thành phố Hồ Chí Minh cứ mạnh dạn làm, quan trọng dứt khoát không để bỏ sót, với tư tưởng chăm lo, không để người dân thiếu ăn thiếu mặc, thiếu các nhu yếu phẩm và đảm bảo bình đẳng khi tiếp cận các gói hỗ trợ. Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đề nghị Thành phố Hồ Chí Minh thành lập các trung tâm cứu trợ, tổ chức đường dây nóng và thông qua công nghệ, mạng xã hội để nắm bắt các khó khăn của người dân, những người yếu thế. Đồng thời, tổ chức các xe hàng lưu động vào tận các ngõ hẻm, đường phố gặp khó khăn để phục vụ nhân dân từng khu phố, tổ dân cư.

Sự gợi ý của người đứng đầu Chính phủ rõ ràng đã mở đường cho đô thị lớn nhất phương Nam triển khai "việc nhân nghĩa cốt ở yên dân". Mỗi ngày, Thành phố Hồ Chí Minh đóng góp cho ngân sách hơn 1000 tỷ đồng. Như vậy, hai tuần giãn cách thì Thành phố Hồ Chí Minh hoàn toàn có thể chi ra số tiền khoảng 14 nghìn tỷ đồng để hỗ trợ người dân đang vất vả chịu cảnh phong tỏa. Cao điểm chống dịch buộc phải hạn chế người dân ra khỏi nhà. Vì vậy, những đối tượng lao động tự do sẽ mất thu nhập. Họ là những người bán hàng rong, tài xế xe ôm, bán vé số dạo… Họ vốn không có khoản tiền dành dụm, hoặc nếu có cũng đã dè sẻn chi tiêu hết trong suốt thời gian virus corona thâm nhập vào Việt Nam hơn một năm qua. Hỗ trợ những người nghèo vượt qua được gieo neo thì chắc chắn cuộc chiến đẩy lùi Covid-19 cũng sẽ thành công như mong đợi.

Để người nghèo không bị đứt bữa, thì lương thực là bài toán cần đáp số đầu tiên. Thành phố Hồ Chí Minh đã cấp mã vận tải hàng hóa cho 2.800 xe vận tải ra vào các cảng, khu công nghiệp, chủ động phân luồng xanh, điều tiết từ xa bảo đảm lưu thông hàng hóa thông suốt. Thành phố Hồ Chí Minh cũng chủ động khai trương lại "siêu thị mini 0 đồng" tại 6 điểm cung cấp nhu yếu phẩm cho khoảng 16 nghìn người nghèo. Bên cạnh đó, Thành phố Hồ Chí Minh cũng quyết tâm không để bất kỳ người dân nào, trong đó cả những người không thuộc 6 nhóm đối tượng hỗ trợ theo nghị quyết 09/NQ-Thành phố Hồ Chí Minh, bị thiếu đói trong thời gian giãn cách xã hội.

Thành phố Hồ Chí Minh là trung tâm kinh tế của cả nước. Ở đó, có những người ngụ cư với hàng trăm nghề lao động tự do khác nhau, không chỉ góp phần tạo nên sức sống cho một thị trường năng động, mà còn cưu mang nhiều mảnh đời thân nhân nơi quê nhà. Hy sinh 2 tuần ngưng đọng tại Thành phố Hồ Chí Minh, đừng ngần ngại sử dụng nguồn lực tài chính chăm lo cho những mảnh đời khốn khó, để họ tin yêu cùng Thành phố Hồ Chí Minh và cả nước vun đắp 50 tuần bình yên như ý muốn của Thủ tướng Phạm Minh Chính.

Lê Thiếu Nhơn

Nguồn Văn nghệ số 29/2021, 16/07/2021

Lê Thiếu Nhơn là Nhà thơ trong Hội Nhà Văn Việt Nam

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Trần Phi Tuấn, Nguyễn Nam, Song May, Hiền Lương, Hoàng Lan, Quang Nhựt, Lê Thiếu Nhơn
Read 1087 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)