Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

19/07/2021

Bộ Tài chính muốn thu "tiền công đức" – bàn thêm về tài sản các tôn giáo

Văn Tâm, Thái Thanh, Nguyên Vũ

Lời tòa soạn : Sau tháng 4/1975, tất cả các giáo hội tôn giáo ở miền Nam hoặc bị giải tán hoặc bị kềm chế để không có thể hành đạo được. Riêng Giáo hội Phật giáo Việt Nam, còn gọi là Giáo hội Phật giáo quốc doanh, có toàn quyền sinh hoạt trong mọi lễ hội Phật giáo. Có thể nói Giáo hội Phật giáo Việt Nam được coi là đứa con cưng của chế độ cộng sản và mọi ưu đãi được dành cho giáo hội này. Nhiều chùa chiền, tượng hình và cơ sở Phật giáo lớn được xây dựng một cách nguy nga và đồ sộ như là cửa hiệu về quyền tự do tôn giáo ở Việt Nam.

Có một sự thật ít được biết đến là Giáo hội Phật giáo Việt Nam đặt dưới quyền lãnh đạo của Bộ Nội vụ và các chức sắc lãnh đạo đều do Bộ Công an chuẩn y và bổ nhiệm. Như vậy có thể nói gần như toàn bộ các vị sư trụ trì và quản lý chùa đều là cán bộ công an mặc áo cà sa.

Gần đây nảy sinh phong trào xây dựng những khu du lịch tâm linh mà những nhà đầu tư chính không ai khác hơn là những cán bộ đảng viên cao cấp trong Đảng cộng sản Việt Nam. Số tiền thu được từ những chùa chiền lớn và khu du lịch tâm linh này rất là đáng kể, và đây mới chính là vấn đề. Ai quản lý số tiền khổng lồ này, và được phân phối ra sao ? Chỉ Bộ Chính trị và Bộ Công an mới biết.

Việt Nam đang trải qua cơn đại dịch Covid, tất cả mọi sinh hoạt kinh tế và xã hội đều bị đình trệ, chính quyền mất nguồn thu cho ngân sách và đang gặp khó khăn lớn trong việc trả lương cho lực lượng công nhân viên chức nhà nước hàng tháng. Để giải quyết, Bộ Tài chính muốn sử dụng nguồn "tiền công đức" trong các chùa chiền thuộc Giáo hội Phật giáo quốc doanh có thể lên đến hàng trăm ngàn tỷ đồng, nghĩa là một số tiền rất lớn dư sức trả lương cho guồng máy công chức, an ninh và vũ trang.

Thật ra đòi hỏi của Bộ Tài chính rất là khiêm nhường. "Tiền công đức" trong các chùa chỉ là phần nổi của tảng băng, nó giống như tiền "boa" (tip/pourboire) để cảm ơn một dịch vụ đã cung cấp, một loại tiền vào cửa. Nguồn thu chính của các chùa là các buổi lễ cầu siêu (càng lâu, càng đông sư sãi thì càng đắt tiền), tiền lưu giữ tro cốt, tiền bán hoa và nhang đèn, tiền thuê cơ sở và chỗ bán đồ kỷ niệm, nhất là những khoảng "tiền công đức ký danh" (có ghi tên người cúng). Đề nghị của Bộ Tài chính có thể là chính đáng dưới con mắt của Đảng cộng sản vị chùa chỉ là những cơ sở vật chất do Đảng quản lý, nhưng những nhà sư, dù là sư quốc doanh, không hiểu như thế. Tất cả những số tiền đóng góp cho chùa la của họ và phải do họ quản lý. Điều này cho thấy, trước đồng tiền không ai chịu nhường ai, dù là công an giả dạng tu sĩ.

Chúng tôi đăng lại dưới đây những bài viết của Văn Tâm, Thái Thanh, Nguyên Vũ trên trang mạng Luật Khoa Tạp chí. Quí độc giả có thể liên lạc và ủng hộ Luật Khoa tạp chí qua địa chỉ : Cette adresse e-mail est protégée contre les robots spammeurs. Vous devez activer le JavaScript pour la visualiser..

NVH/TL

chua1

Lễ Khai hội chùa Bái Đính Xuân Canh Tý 2020 diễn ra với nhiều nghi lễ truyền thống. Ảnh : Đức Phương - TTXVN 

-----------------------

"Tiền công đức" : Vì sao nhà nước giằng co với nhà chùa

Văn Tâm, Luật Khoa, 17/07/2021

Lần hiếm hoi nhà chùa dùng Hiến pháp để đấu lý với nhà nước.

tien1

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự lễ khai mạc Lễ Phật đản năm 2019. Ảnh : Báo Chính phủ.

Từ cuối tháng 4/2021, một bản dự thảo thông tư của Bộ Tài chính liên quan đến tiền công đức đã nhận về hơn 1.333 góp ý, phần lớn là sự phản đối gay gắt từ giới Phật tử.

Dự thảo Thông tư hướng dẫn quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội nếu được bộ này thông qua sẽ thay đổi 180 độ về việc quản lý tiền công đức tại các ngôi chùa.

Một trong những quy định mà các nhà sư và giới Phật tử không tán thành là tiền công đức "không thuộc sở hữu cá nhân", tức là không thuộc sở hữu của các nhà sư.

Hòa thượng Thích Thanh Quyết, một chức sắc Phật giáo cao cấp và cũng là người từng bị chính quyền cho rằng giữ bí mật một phần tiền công đức tại chùa Yên Tử, đã trực tiếp lên tiếng phản đối dự thảo với Bộ Tài chính trước cả Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

"Tiền công đức được để lại toàn bộ cho cơ quan, đơn vị… quản lý và sử dụng di tích" là "không hợp hiến, hợp pháp", Hòa thượng Thích Thanh Quyết khẳng định.

tien2

Hòa thượng Thích Thanh Quyết cùng lãnh đạo tỉnh Bắc Giang tham gia lễ dựng cột chùa Tây Yên Tử tại huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang. Ảnh : Báo Bắc Giang.

Giáo hội Phật giáo Việt Nam thì nói rằng Bộ Tài chính đã không chủ động lấy ý kiến của giáo hội về dự thảo thông tư này, trong khi nó nhắm thẳng vào Phật giáo.

Dự thảo này có phải bất thình lình rơi xuống ? Vì sao lại có chuyện nhà nước giằng co tiền công đức với nhà chùa ?

Đối thoại không thành, ra nghị định, thông tư quản lý

Tranh chấp liên quan đến tiền công đức không phải là chuyện gì mới.

Tiền công đức là gì ? Theo cách hiểu xưa nay, đó là tiền do người đi chùa đóng góp, phổ biến nhất là tiền trong các hòm công đức. Tiền giọt dầu trên các bàn thờ Phật cũng được xem là tiền công đức.

Chính quyền một số tỉnh, thành từng đề nghị các ngôi chùa có doanh thu "khủng" phải công khai đầy đủ về thu, chi tiền công đức với chính quyền địa phương và các ban quản lý di tích, nhưng đều bị các nhà sư khước từ. Trong số các nhà sư này, không thể không nhắc đến Hòa thượng Thích Thanh Quyết.

Hòa thượng Thích Thanh Quyết là người dẫn đầu trong các cuộc tranh luận về quản lý tiền công đức. Điều này cũng dễ hiểu vì ông là trụ trì của những ngôi chùa ăn nên làm ra, trong đó có chùa Phúc Khánh tại Hà Nội, nổi tiếng với hoạt động cúng sao giải hạn, và đặc biệt hơn cả là chùa Yên Tử, nơi vua Trần Nhân Tông thành lập một dòng tu Phật giáo. Ngày nay, chùa Yên Tử là nơi hành hương nổi tiếng, thu hàng chục tỷ tiền công đứcmỗi năm.

Trong một lần tranh luận mới đây, Hòa thượng Thanh Quyết khẳng định Bộ Tài chính không có chức năng quản lý tiền công đức của nhà chùa.

Tuy nhiên, chắc ông không để ý đến một nghị định được ban hành vào năm 2018 đã trao quyền kiểm soát tiền công đức tại các di tích cho Bộ Tài chính.

Nghị định này được ban hành không lâu sau cuộc tranh cãi về quản lý tiền công đức ở ngôi chùa do Hòa thượng Thích Thanh Quyết trụ trì.

Vào tháng 3/2018, chính quyền thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh, cho rằng chùa Yên Tử công khai tiền công đức trong các hòm hàng năm nhưng tiền giọt dầu trên bàn thờ Phật thì giữ bí mật. Chính quyền đã cố gắng liên hệ với giáo hội để xin thông tin nhưng bất thành.

Mặt khác, cũng theo chính quyền, chùa Yên Tử chỉ trích 4% trong tổng số tiền công đức hàng năm cho Ban Quản lý Di tích và Rừng quốc gia Yên Tử, cùng với tiền hỗ trợ tổ chức lễ hội khoảng 400 đến 500 triệu đồng. Trong khi đó, nhà nước mỗi năm bỏ đến hơn 10 tỷ đồng để bảo vệ an ninh, chăm sóc rừng, bảo trì đường sá lên chùa, v.v.

tien3

Lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam và đại diện chính quyền dự khai hội Yên Tử năm 2018. Ảnh : VOV. Chú thích : Luật Khoa.

Đến tháng 8/2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ban hành Nghị định 110/2018/NĐ-CP quy định về quản lý và tổ chức lễ hội. Theo Điều 19.6 của Nghị định, "Bộ Tài chính hướng dẫn sử dụng việc quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội".

Dự thảo thông tư mà Bộ Tài chính đang lấy ý kiến không phải bất thình lình rơi xuống để bọc lấy các hòm công đức. Nó chính là quy định thi hành Điều 19.6 vừa nêu trên.

Tiền công đứclớn đến cỡ nào ?

Phật giáo là tôn giáo có số cơ sở tôn giáo nhiều nhất cả nước. Một cán bộ của Ban Tôn giáo Chính phủ dẫn thông tin của Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho biết Phật giáo có khoảng 17.000 ngôi chùa, trong đó khoảng 14.500 ngôi chùa thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Hiển nhiên, số tiền công đức thu được ở các ngôi chùa cao thấp khác nhau. Giáo hội chưa từng công bố thông tin về tổng số tiền công đức. Dưới đây là một vài lát cắt về nguồn thu này.

Năm 2017, có khoảng 500.000 người viếng đền Cửa Ông, di tích cấp quốc gia đặc biệt ở Quảng Ninh, thu về số tiền công đức khoảng 35 tỷ đồng.

Theo chính quyền tỉnh Quảng Ninh, di tích cấp quốc gia đặc biệt Yên Tử có khoảng 2 triệu khách viếng vào năm 2017. Báo Lao Động cho biết chùa Yên Tử cùng năm đó thu về khoảng 17,5 tỷ đồng ; năm cao nhất trước đó thu về khoảng 31 tỷ đồng.

Tuy nhiên, chính quyền thành phố Uông Bí đã đặt nghi vấn về số tiền công đức thực sự ở chùa Yên Tử.

Theo chính quyền, từ năm 2007 đến năm 2018, chùa Yên Tử đã chi gần 500 tỷ đồng riêng cho việc xây dựng các công trình Phật giáo. Trong khi đó, số tiền công đức mà nhà chùa công khai trong khoảng thời gian đó chỉ khoảng 242 tỷ đồng.

tien4

Tượng Phật Hoàng Trần Nhân Tông, có kinh phí xây dựng 120 tỷ đồng, là một trong những công trình mà chính quyền tỉnh Quảng Ninh liệt kê để đánh giá tiền công đức tại chùa Yên Tử. Ảnh : TTXVN.

Theo thống kê của Luật Khoa, trong số 119 di tích cấp quốc gia đặc biệt hiện nay, có 15 chùa được công nhận trực tiếp, và ít nhất 13 ngôi chùa khác nằm trong các quần thể di tích cấp quốc gia đặc biệt.

Đối với di tích cấp quốc gia, Phật giáo hiện nay có gần 500 ngôi chùa đã được xếp hạng.

Việc Bộ Tài chính ra dự thảo thông tư gây tranh cãi có thể nhằm kiểm soát và thống kê con số tiền công đức một cách chính xác, vì họ cũng không biết số tiền này lớn đến đâu. Vấn đề là nhà nước có thật sự cần biết và kiểm soát tiền công đức ?

Ban quản lý di tích có nên quản luôn tiền công đức ?

Phật giáo có một số lượng lớn các ngôi chùa là di tích hoặc nằm trong các khu di tích được xếp hạng như vừa nêu. Những ngôi chùa này trước hết do nhà sư trụ trì quản lý. Bên cạnh đó, để đảm bảo di tích được gìn giữ theo Luật Di sản và các quy định liên quan thì còn có các ban quản lý di tích thường do nhà nước thành lập.

Đó chính là mắt xích giúp chính quyền nhúng bàn tay của mình vào hòm công đức.

Các ban quản lý của nhà nước dùng nguồn thu từ di tích để quản lý, sửa chữa, và duy trì di tích. Nguồn thu này cơ bản đến từ ba nguồn : phí tham quan, ngân sách nhà nước và nguồn xã hội hóa (tài trợ, tiền công đức, v.v.).

Nhiều ngôi chùa là di tích hoặc chùa nằm trong quần thể di tích thường có tiền công đức rất lớn. Chính quyền và các ban quản lý di tích cho rằng nguồn thu này chưa được quản lý, sử dụng hiệu quả vì nhà chùa toàn quyền kiểm soát.

Một số ủy ban nhân dân cấp tỉnh khi ban hành quy chế về quản lý di tích đã xem tiền công đức là nguồn thu xã hội hóa. 

Thành phố Hải Phòng quy định tiền công đức là nguồn thu xã hội hóa. Theo đó, nguồn thu này "phục vụ các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di tích", và phải chịu sự kiểm tra, giám sát của chính quyền.

Tỉnh Quảng Nam quy định sử dụng nguồn thu xã hội hóa ở các di tích rất rõ ràng : "nguồn xã hội hóa được tiếp nhận, quản lý, sử dụng […] trang trải các chi phí : Điện ; nước ; hương đèn ; vệ sinh ; đón tiếp khách tham quan ; bảo vệ, trông coi, bảo quản, tu bổ di tích, hoạt động từ thiện…".

Dù quy định như vậy nhưng trong thực tế, quyền hạn kiểm soát tiền công đức của chính quyền địa phương hay ban quản lý di tích không có tác động tới nhà chùa.

Đây có thể là lý do khiến dự thảo thông tư của Bộ Tài chính quy định rõ tiền công đức không thuộc sở hữu của các cá nhân (như trụ trì chùa). Đồng thời, dự thảo cũng quy định về việc kiểm soát toàn bộ tiền công đức từ khâu tiếp nhận đến việc sử dụng, như sử dụng hai khóa khác nhau, mở tài khoản cho tiền công đức, nội dung và mức chi tiêu bằng tiền công đức, v.v. 

tien5

Trụ sở Bộ Tài chính – cơ quan soạn thảo dự thảo thông tư liên quan đến tiền công đức của nhà chùa. Ảnh : VnExpress.

Nếu dự thảo này được thông qua, các nhà sư sẽ rời vào tình thế cầm tiền trong tay nhưng không được định đoạt chi tiêu. Điều này khiến giáo hội phải lên tiếng.

Giáo hội Phật giáo Việt Nam tuyên bố dự thảo thông tư của Bộ Tài chính đã đánh đồng giữa hai loại tiền công đức của nhà chùa và tiền tài trợ cho di tích, hoạt động lễ hội của ban quản lý di tích. Giáo hội sẽ kiên quyết bảo đảm tiền công đức chỉ do giáo hội và các nhà tu hành sở hữu và định đoạt.

Đáp lại sự phản ứng gay gắt của giáo hội và giới Phật tử, Bộ Tài chính khẳng định "dự thảo thông tư phù hợp với các quy định của pháp luật […] chứ không nhằm quản lý, thu hồi về ngân sách nhà nước hay can thiệp vào hoạt động nội bộ của tổ chức, cơ sở".

Đây có lẽ là cuộc giằng co gay gắt nhất giữa nhà chùa (Giáo hội Phật giáo Việt Nam) và nhà nước khi hai bên nhất quyết giành lấy chiếc hòm công đức.

Văn Tâm

Nguồn : Luật Khoa, 17/07/2021

************************

Tôn giáo tháng 6/2021 : Giáo hội Phật giáo Việt Nam quyết liệt bảo vệ tiền công đức

Thái Thanh, Luật Khoa, 15/07/2021

Phật tử, Giáo hội Phật giáo Việt Nam phản đối dự thảo thông tư của Bộ Tài chính về việc quản lý tiền công đức 

tien6

Phật tử Việt Nam (trái), Thời báo Tài chính. Xử lý ảnh : Luật Khoa.

Dự thảo thông tư của Bộ Tài chính được công bố vào ngày 28/4/2021 liên quan đến quản lý tiền công đức đã vấp phải sự phản đối kịch liệt từ Phật tử và Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Dự thảo này nhằm hướng dẫn quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội.

Hai vấn đề bị phản đối nổi bật của bản dự thảo liên quan đến tiền công đức, cụ thể là :

1) không cho phép sở hữu cá nhân đối với tiền công đức và

2) can thiệp vào việc quản lý tài chính (yêu cầu tổ chức tôn giáo phải mở tài khoản, quy định các khoản thu, chi ; yêu cầu báo cáo với nhà nước về các vấn đề tài chính liên quan đến tiền công đức).

Nhiều Phật tử đã góp ý về bản dự thảo này ngay trên trang web của Bộ Tài chính. Họ cho rằng việc cho, tặng tiền, tài sản cho các cơ sở thờ tự, nhà tu hành là quyền của họ và không đồng ý cho bên thứ ba nào can thiệp vào việc sử dụng và quản lý.

tien7

Người đi chùa bỏ tiền vào hòm công đức. Ảnh : Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Hội đồng Trị sự của Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho biết họ không được Bộ Tài chính lấy ý kiến trước về bản dự thảo.

Trong bản kiến nghị ngày 17/6/2021, Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho rằng nội dung dự thảo không hợp hiến, không hợp pháp, không đảm bảo quyền sở hữu. Ngoài ra, dự thảo còn "không bảo đảm sự bình đẳng của các tôn giáo trước pháp luật" khi dùng cách gọi "tiền công đức", vốn là thuật ngữ chỉ phổ biến ở Phật giáo.

Giáo hội Phật giáo cho rằng tiền công đức phải là sở hữu riêng của giáo hội và nhà tu hành thuộc giáo hội.

Giáo hội đề nghị nhà nước phải hủy bỏ toàn bộ các quy định về thu chi, quản lý tiền công đức, hoặc phải quy định rõ về tiền công đức đồng thời cam kết nhà nước sẽ không quản lý tiền công đức của các tổ chức, cơ sở tôn giáo và nhà tu hành.

Trong cuộc họp với Ban Tôn giáo Chính phủ vào ngày 30/6/2021, Bộ Tài chính cho biết dự thảo của họ phù hợp với quy định của pháp luật liên quan, và không có ý can thiệp vào nội bộ của các tổ chức, cơ sở tôn giáo.

Hội nghị trực tuyến về cơ chế quản lý, sử dụng đất cho mục đích tôn giáo

Vào ngày 3/6/2021 trong một cuộc họp với Ban Kinh tế Trung ương và Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ban Tôn giáo Chính phủ cho biết các vấn đề đất đai tôn giáo ngày càng phức tạp và cần những chính sách mới.

Theo báo cáo của Ban Tôn giáo Chính phủ, Luật Đất đai 2013 còn nhiều vướng mắc, bất cập trong việc quản lý đất đai của các tổ chức tôn giáo như về quy trình giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, việc sử dụng đất cho các hoạt động an sinh xã hội, xây dựng khu du lịch tâm linh, giải quyết mâu thuẫn về đất đai, v.v. 

Báo cáo này thừa nhận chính sách đất đai hiện tại "chưa có hướng giải quyết đối với đất đai tôn giáo phát sinh, trong khi xu thế của tôn giáo là phát triển, nên nhu cầu đất cho mục đích tôn giáo là có thực".

Theo Ban Tôn giáo Chính phủ, hiện nay có khoảng 29.801 cơ sở tôn giáo, tăng 5.801 cơ sở so với năm 2008, nhưng quỹ đất dành cho tôn giáo lại không tăng.

Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo năm 2016 và Luật Đất đai năm 2013 đang trong giai đoạn tổng kết. Đây là cơ hội cải tổ về chính sách đất đai cho các tổ chức tôn giáo.

Chính sách về đất đai là một trong những vấn đề hàng đầu về tự do tôn giáo ở Việt Nam. Dù đã có nhiều thay đổi về chính sách đất đai nói chung, nhưng chính quyền vẫn duy trì một chính sách mang tính phân biệt đối xử với các tổ chức tôn giáo.

Ngày kỷ niệm sáng lập Phật giáo Hòa Hảo : Công an tiếp tục lập chốt chặn an ninh tại trụ sở

Ngày 26/6/2021, ông Lê Quang Hiển, chức sắc thuộc Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo Thuần túy, cho biết công an tiếp tục lập chốt chặn an ninh như mọi năm để ngăn người đến trụ sở của giáo hội tại xã Long Giang (huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang) để dự lễ kỷ niệm ngày sáng lập.

tien8

Ảnh chụp các chốt chặn trước trụ sở Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo thuần túy. Nguồn : Facebook Lê Quang Hiển.

Chưa có báo cáo nào về hoạt động sách nhiễu của công an đối với các tín đồ của Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo Thuần túy.

Việc công an lập chốt chặn ngay tại trụ sở của Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo Thuần túy là hoạt động diễn ra thường xuyên vào các ngày lễ lớn để ngăn cản tín đồ tập trung.

Không chỉ đối với giáo hội, lực lượng an ninh cũng thường xuyên ngăn cản hoạt động sinh hoạt tôn giáo tại các cơ sở Phật giáo Hòa Hảo độc lập và nhà riêng của tín đồ. Các nhóm này bị chính quyền xem là tổ chức tôn giáo bất hợp pháp nên không được sinh hoạt tôn giáo tập trung.

Công an tỉnh Tuyên Quang : Vận động người dân không theo "tà đạo" Dương Văn Mình

Đầu tháng 6/2021, Công an tỉnh Tuyên Quang cho biết họ đã ra sức vận động 80 hộ dân người Mông ở thôn Cao Đường, xã Yên Thuận, huyện Hàm Yên không theo "tà đạo" Dương Văn Mình.

Công an tỉnh này cho rằng Việt Nam tôn trọng tự do tôn giáo, tín ngưỡng nhưng cũng nghiêm khắc xử lý hoạt động cuồng tín, trái với lợi ích của quốc gia, lôi kéo quần chúng chống chính quyền xã hội chủ nghĩa.

tien9

Một buổi vận động người dân không theo "tà đạo". Ảnh : Công an tỉnh Tuyên Quang.

Đạo Dương Văn Mình ra đời vào những năm 1980, trong đó chủ yếu là hoạt động cải biến các nghi lễ truyền thống cổ xưa của người Mông theo hướng tiến bộ hơn.

Đạo này thường xuyên xuất hiện trong các báo cáo quốc tế về tự do tôn giáo tại Việt Nam liên quan đến các vụ việc bị công an tấn công, tháo dỡ cơ sở thờ tự, sách nhiễu, trừng phạt tín đồ bằng án tù, v.v.

Theo Báo cáo Tự do Tôn giáo Quốc tế về Việt Nam năm 2020 của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, các lãnh đạo của đạo Dương Văn Mình cho biết chính quyền đã cho phép dùng một số "nhà đòn" để cất chứa dụng cụ làm tang lễ. [8] Nhà đòn là tên gọi của một trong những nơi sinh hoạt tôn giáo của đạo này mà chính quyền từng kiên quyết dỡ bỏ. Hơn 19 căn nhà đã bị tháo dỡ vào năm 2019.

Tuy nhiên, bài viết của Công an tỉnh Tuyên Quang cho thấy chính quyền kiên quyết chống đạo Dương Văn Mình. Bài viết gọi đạo này là tà đạo, thế lực thù địch, tổ chức bất hợp pháp và kiên quyết không để người dân tham gia.

Cách gọi này không chỉ áp dụng cho đạo Dương Văn Mình mà còn đối với nhiều tôn giáo mới đang nổi lên như một làn sóng đáng chú ý tại Việt Nam.

BPSOS : Giáo dân giáo xứ Cồn Dầu đã an cư như mong muốn sau 10 năm đấu tranh

Sau 10 năm đấu tranh gian khổ, giáo dân giáo xứ Cồn Dầu (thành phố Đà Nẵng) đã được chính quyền cho phép an cư xung quanh khu vực nhà thờ như mong muốn.

Tổ chức nhân quyền BPSOS cho biết đầu năm nay, chính quyền đã quy hoạch 170 lô đất quanh nhà thờ để các hộ dân từng tranh đấu được an cư như mong muốn của họ. Đã có khoảng 100 lô đất được cấp cho 50 hộ dân.

tien10

Dãy nhà của giáo dân đang xây quanh nhà thờ Cồn Dầu vào ngày 21/05/2021. Ảnh : Mach Song Media.

Sự kiện giáo xứ Cồn Dầu nổi lên vào năm 2010 khi chính quyền thành phố Đà Nẵng kiên quyết giải tỏa 4 thôn tại xã Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ, trong đó có thôn Công giáo Cồn Dầu, để xây dựng một khu du lịch sinh thái.

Quyết định giải tỏa không đạt được sự đồng thuận của giáo dân về giá đền bù cũng như khu vực tái định cư nên đã dẫn đến xung đột giữa hàng trăm hộ dân với chính quyền.

Trong 10 năm khiếu kiện, chính quyền đã tổ chức nhiều cuộc trấn áp, cưỡng chế khác nhau khiến nhiều người phải vượt biên để tị nạn. Nhiều vụ việc đụng độ với công an đã khiến người dân phải lãnh án tù, bị thương và sống trong tình trạng bất ổn.

Đến năm 2017, chính quyền thành phố mới đồng ý tiến hành điều chỉnh quy hoạch khu vực xung quanh nhà thờ Cồn Dầu thành khu vực tái định cư cho các hộ dân của giáo xứ.

Một nhóm người bị bắt vì liên quan đến tà đạo và phỉ báng chính quyền

Đầu tháng 6/2021, trang tin thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương cho biết Bộ Công an thông báo về việc bắt giữ một nhóm được cho là tà đạo và có hành vi phỉ báng lãnh đạo, đảng và nhà nước.

Bài viết cho biết nhóm này bị bắt theo Điều 331, Bộ luật Hình sự – tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Tuy nhiên, bài viết không nêu rõ bao nhiêu người bị bắt và danh tính của họ.

Bài viết cho biết nhóm này có tên là "Pháph môn cần khaii vữngh trụ luậth làm trính tâm" (Pháp môn cần khai vững trụ luật làm chính tâm) do một tài khoản Facebook có tên là "Mẹ Báich Nhiên" (Mẹ Bách Nhiên) lập ra và điều hành, bao gồm các hoạt động tâm linh như gia nhập nhóm, thờ cúng, cầu nguyện, v.v.

Đặc biệt, các thành viên sử dụng nhiều tài khoản mạng xã hội (Facebook và Youtube) để phổ biến các đoạn ghi hình chỉ trích lãnh đạo, đảng, và nhà nước với các hình thức như viết tội ác lên giấy rồi cắt nát tờ giấy bằng dao, kéo, rắc muối lên ảnh, nguyền rủa, v.v.

Trang tin của Bộ Công an chưa đưa ra thông báo chính thức cho vụ bắt giữ này.

Các tôn giáo mới đang phát triển mạnh mẽ ở Việt Nam dưới nhiều hình thức khác nhau. Những nhóm này thường hoạt động dựa vào mạng xã hội hoặc bí mật để tránh sự can thiệp của chính quyền.

"Đạo lạ" là gì ? Việt Nam có bao nhiêu "đạo lạ" ?

Vào tháng 6/2021, Ban Tôn giáo Chính phủ cho biết tính đến tháng 4/2021, Việt Nam có 85 "đạo lạ".

Những "đạo lạ" này còn được gọi là "tà đạo" – định nghĩa dành cho các nhóm, tổ chức tôn giáo bị chính quyền xem là hoạt động bất hợp pháp.

tien11

Các tài liệu liên quan đến giáo phái Thanh Hải Vô Thượng sư, một nhóm bị chính quyền xem là "tà đạo". Ảnh : Báo Công an Nhân dân.

Họ có thể là những tổ chức tôn giáo được truyền từ nước ngoài vào Việt Nam như Thanh Hải Vô Thượng Sư, Hội thánh Đức Chúa Trời hay các tôn giáo tự phát trong nước như Hội thánh Tin Lành Đấng Christ ở Tây Nguyên, đạo Dương Văn Mình ở miền núi phía Bắc, v.v.

Các đạo lạ này được xem là một phần của các hiện tượng tôn giáo mới tại Việt Nam nhưng có chiều hướng xấu, tiêu cực theo nhìn nhận của chính quyền.

Chính quyền Việt Nam vẫn chưa đưa ra định nghĩa chính thức về "tà đạo" hay "đạo lạ". Các lý do để trừng phạt những nhóm này thường được viện dẫn một cách chủ quan.

Chính quyền và báo chí đã liên tục tuyên truyền một cách thống nhất về "đạo lạ" dựa trên bốn đặc điểm chủ yếu sau đây.

Thứ nhất, sinh hoạt bí mật và không đăng ký hoạt động tôn giáo với chính quyền địa phương. Việc này được khắc họa như một cách trốn tránh pháp luật để thực hiện các hoạt động tôn giáo mờ ám, gây hại. Thực tế, những nhóm, tổ chức tôn giáo bị xem là "tà đạo" không thể đăng ký hoạt động tôn giáo với chính quyền địa phương. Họ phải hoạt động bí mật để tránh sự đàn áp của công an.

Thứ nhì, hoạt động của các nhóm này bị chính quyền cho là không củng cố hay cố tình phá hoại truyền thống dân tộc, trong đó phổ biến nhất là việc không thờ cúng tổ tiên. Bên cạnh đó, hoạt động của họ bị xem là ảnh hưởng đến an ninh trật tự như tụ họp tín đồ trái phép, và có hành vi chống đối nhà nước.

Thứ ba, để phủ nhận tính chính danh của các "đạo lạ", chính quyền tuyên truyền rằng các tổ chức, nhóm này vay mượn, tổng hợp, sửa đổi giáo lý của các tôn giáo chính thống thành của mình chứ không sáng tạo ra một giáo lý riêng biệt.

Thứ tư, chính quyền và báo chí ra sức tuyên truyền về hậu quả tiêu cực khi tham gia các tôn giáo mới và thực sự đã khiến công chúng có cái nhìn tiêu cực. Phổ biến nhất là dùng những trường hợp cá biệt để tuyên truyền hậu quả nặng nề về sức khỏe, tinh thần, tài chính cho người tham gia.

Tóm lại, chính quyền Việt Nam không coi hoạt động tôn giáo là hoạt động dân sự. Trong quan điểm của họ, tổ chức tôn giáo đứng ở giữa lằn ranh dân sự và chính trị, có trách nhiệm giúp nhà nước đảm bảo an ninh trật tự, giúp nhà nước trong việc vận động người dân thực hiện các chính sách. Vì thế, mọi hoạt động tôn giáo phải được thực hiện công khai, dưới sự giám sát của chính quyền (đó là lý do họ không cho phép sinh hoạt tôn giáo tại nhà riêng).

Việc người dân tham gia các tổ chức tôn giáo mới không phải chỉ xuất hiện trong những năm gần đây. Phật giáo Hòa Hảo và Cao Đài đều từng là những tôn giáo hoàn toàn mới vào đầu thế kỷ XX.

Thái Thanh

Nguồn : Luật Khoa, 15/07/2021

**********************

4 vấn đề đất đai gây bất công cho các tổ chức tôn giáo

Nguyên Vũ, Luật Khoa, 07/06/2021

Luật Đất đai hiện hành không cho các tổ chức tôn giáo chút quyền tự quyết nào.

tien12

Một cuộc xung đột liên quan đến tranh chấp đất tại Đan viện Thiên An năm 2017. Ảnh : Đan viện Thiên An.

Sau năm 1975, các giáo hội, giáo phái ở miền Nam lâm vào tình trạng khó khăn. Họ mất quyền định đoạt số phận của các cơ sở tôn giáo của chính mình.

Vì chính sách đất đai khắc nghiệt của "bên thắng cuộc", có những tu sĩ không nhà thờ, tăng ni không chùa chiền, tín đồ không nơi tụ họp.

Việc xây dựng một ngôi chùa hiện nay không còn dựa trên nhu cầu của giáo hội, mà dựa trên quyết định của chính quyền. Có những khu đất của nhà thờ bị chiếm giữ, chính quyền thà để cỏ phủ hoang chứ không trả lại. Có những giáo hội phải khẩn khoản xin chính quyền cấp đất để xây dựng cơ sở tôn giáo vì họ không có quyền tự mua.

Liệu bốn vấn đề trầm trọng về đất đai tôn giáo dưới đây có được Thủ tướng Phạm Minh Chính giải quyết trong dự án Luật Đất đai sửa đổi của mình ?

1. Đất cơ sở tôn giáo bị chính quyền chiếm giữ sau năm 1975

Một năm sau khi chủ tịch tỉnh Thừa Thiên – Huế tuyên bố sẽ "hồi sinh" công viên nước Hồ Thủy Tiên, công trình này vẫn còn nguyên vẻ hoang tàn. Hồ cạn trơ đáy. Cỏ mọc hoang. Không chủ đầu tư nào được công bố.

Khu đất có hồ Thủy Tiên nằm trên đồi Thiên An, từng do Đan viện Thiên An quản lý. Sau khi thu hồi khu đất này năm 1999, chính quyền giao cho một công ty nhà nước khai thác thành một khu vui chơi có thu phí trong 40 năm.

Chỉ chưa đầy 10 năm sau, dự án này đã tỏ ra kém hiệu quả, không thu hút được khách du lịch do nhiều hạng mục còn dang dở. Sau đó, dù đã thay đổi sang một chủ đầu tư khác, dự án vẫn dậm chân tại chỗ và bị bỏ hoang từ đó đến nay.

Cách Đan viện Thiên An chừng 16 cây số, có một khu đất khác nằm ngay trong lòng thành phố Huế đã vĩnh viễn mất đi dấu tích Công giáo lịch sử. Ở đó, tu viện hơn 100 năm tuổi bị biến thành một tòa nhà bình thường. Khu đất hiện tại là Học viện Âm nhạc Huế và Nhà hát Sông Hương, từng là Trường Trung học Tư thục Bình Linh (Lasan Pellerin) của những sư huynh Dòng Lasan. Chính quyền đã mượn và chiếm luôn ngôi trường từ sau năm 1975.

tien13

Ảnh : Dòng Lasan.

Tháng 12/2020, một tháng sau khi Tổng Giáo phận Sài Gòn ủy quyền cho linh mục chính xứ giáo xứ Thị Nghè đứng đơn kiện Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh để đòi lại một trường tiểu học, chính quyền thành phố đã trao lại cho giáo phận năm cơ sở tôn giáo bị thu hồi trước năm 1975. Tuy nhiên, đó vẫn là con số quá nhỏ so với tổng số cơ sở mà các tổ chức Công giáo ở miền Nam đã giao cho chính quyền. Theo lời Đức Hồng Y Phạm Minh Mẫn nói với hãng thông tấn Fides của Vatican năm 2009, riêng Tổng Giáo phận Sài Gòn đã mất đi gần 400 cơ sở giáo dục, y tế, từ thiện, nhân đạo sau năm 1975.

Đối với những giáo hội bản địa không có tiếng nói, như Phật giáo Hòa HảoCao Đài,Tôn giáo Baha’i, họ phải cam chịu bất công lớn về đất đai sau khi chính quyền cộng sản tiếp quản miền Nam. Những tổ chức tôn giáo này vĩnh viễn mất đi các cơ sở mà họ đã dày công gây dựng.

Năm 2008, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ban hành chỉ thị cho phép các cơ quan, tổ chức được nhà nước giao nhà, đất tiếp tục sử dụng các cơ sở tôn giáo nếu (họ) đang sử dụng đúng mục đích, hiệu quả; hoặc chính quyền địa phương sẽ xem xét trả lại cho các giáo hội tùy từng trường hợp. Tuy nhiên, chỉ thị này trên thực tế không có mấy tác động trong việc hoàn trả lại đất đai cho các tổ chức tôn giáo.

Năm 2015, Bộ Xây dựng thông báo tình hình khiếu nại đòi nhà, đất liên quan đến tôn giáo gia tăng mạnh, trong đó chủ yếu là đất tôn giáo bị chính quyền mượn hoặc trưng thu.

Mâu thuẫn về đất đai giữa các tổ chức tôn giáo và chính quyền là vấn đề quan trọng, không chỉ liên quan đến quyền lợi của các giáo hội, mà còn cả quyền lợi của hàng triệu tín đồ tôn giáo. Các cơ sở tôn giáo là nơi cầu nguyện, nơi mở lớp giáo lý, nơi hoạt động từ thiện, nơi an dưỡng cho tu sĩ, nơi sinh hoạt của cộng đồng, v.v.

Khi bạn đọc bài viết này, giáo dân giáo xứ An Hòa vẫn ngày ngày cầu nguyện cho khu đất từng là trường học của giáo xứ trước năm 1975 không bị chính quyền cho phân lô bán nền.

2. Tổ chức tôn giáo gặp khó khăn khi nhận chuyển nhượng đất từ tư nhân

Bạn có biết tôn giáo Baha’i được cấp phép tái hoạt động từ năm 2008 ? Đến năm 2014, sau sáu năm khẩn khoản xin chính quyền cấp nơi làm trụ sở hoạt động, yêu cầu của họ vẫn chưa được giải quyết.

Bạn có thể thắc mắc, vì sao thành viên tôn giáo Baha’i không tự mua đất để tái lập trụ sở của mình ?

Luật Đất đai hiện hành không cho phép chuyện này. Cụ thể, Điều 169, Khoản 1, Điểm g quy định rằng cơ sở tôn giáo chỉ được nhận quyền sử dụng đất thông qua việc nhà nước giao đất, căn cứ vào chính sách tôn giáo và quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của nhà nước.

Vì thế, tôn giáo Baha’i có ngân sách dồi dào như thế nào cũng không thể mua đất để tự dựng trụ sở, dù là tôn giáo đã được nhà nước công nhận. Việc tái lập hàng trăm văn phòng tôn giáo Baha’i như trước năm 1975 là một điều xa vời với chính sách đất đai hiện tại.

Vào năm 2020, giáo dân giáo xứ Đồng Đinh, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình đã phản ứng gay gắt trước cách hành xử của chính quyền về khu đất mà họ muốn tặng cho giáo xứ để mở rộng nhà thờ.

tien14

Tượng Đức Mẹ được đặt trong khuôn viên mà giáo dân Đồng Đinh đã vây lại bằng lưới thép. Ảnh : Giáo xứ Đồng Đinh.

Trước đó, giáo xứ Đồng Đinh đã gửi đơn đề bạt nguyện vọng của mình với chính quyền. Mặt trận Tổ quốc cấp huyện đã hướng dẫn người dân làm đơn trả lại đất cho chính quyền để chính quyền cấp lại cho giáo xứ.

Nhưng sau khi nhận đất thì chính quyền cấp xã đã tuyên bố làm một con đập ngăn cách nhà thờ với phần đất của giáo dân. Giáo dân phản ứng dữ dội. Họ rào lưới thép, đặt bảy tượng thánh trong khu đất để chống lại sự bất nhất của chính quyền.

Năm 2017, một tổ nghiên cứu tôn giáo, trong đó có nhà báo Phạm Đoan Trang, đã đánh giá việc ngăn cấm hoạt động giao dịch dân sự về đất tôn giáo là bất bình đẳng và làm suy yếu tư cách pháp nhân tôn giáo.

3. Nơi đặt cơ sở tôn giáo phải được chính quyền cấp phép

Năm 2009, những tu sinh của Làng Mai bị đuổi ra khỏi chùa Bát Nhã (Lâm Đồng). Trước đó, ngôi chùa này được mở rộng ra để làm nơi tu tập, bảo trợ cho các tu sinh Làng Mai tại Việt Nam. Do không được cấp phép, việc xin chính quyền cấp đất để làm nơi tu tập riêng là không thể.

tien15

Tu viện Bát Nhã, Lâm Đồng từng là nơi sinh hoạt của tu sinh Làng Mai. Ảnh : chuahoanghiem.com

Làng Mai là pháp môn Phật giáo của Thiền sư Thích Nhất Hạnh. Đây là giáo phái nổi tiếng ở nước ngoài nhưng không được cấp phép hoạt động tại Việt Nam. Các tu sinh Làng Mai ở chùa Bát Nhã là những người đầu tiên và cũng là cuối cùng tu tập tại Việt Nam.

Ở miền Tây Nam Bộ, có những địa điểm sinh hoạt tôn giáo của các tín đồ Phật giáo Hòa Hảo độc lập thường xuyên bị công an sách nhiễu khi các tín đồ tụ họp. Công an cho rằng đó là những cơ sở tôn giáo bất hợp pháp. Điều này cũng thường xảy ra đối với những thánh thất Cao Đài độc lập.

Theo Luật Đất đai, việc cấp đất cho các cơ sở tôn giáo hiện nay không dựa trên nhu cầu của các tổ chức tôn giáo hay tín đồ mà dựa trên chính sách tôn giáo, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được Nhà nước phê duyệt.

Trong báo cáo nghiên cứu "The Collision Of Religion And The Vietnamese State" (Cuộc xung đột giữa tôn giáo và nhà nước Việt Nam) được công bố tháng 5/2021, tác giả Vo Quoc Hung Thinh cho rằng việc cấp phép, giao đất và xây dựng cơ sở tôn giáo của chính quyền nảy sinh nhiều lợi ích và tạo điều kiện hình thành chủ nghĩa thân hữu.

Tác giả Hung Thinh cũng cho rằng hầu hết các siêu dự án xây dựng chùa được phê duyệt gần đây không thuộc về các tổ chức tôn giáo thuần túy mà là những mối hợp tác nửa tôn giáo nửa thương mại, như chùa Lũng Cú, chùa Bái Đính, v.v.

Quyền sở hữu đất, xây dựng cơ sở tôn giáo gắn liền với hoạt động của các tổ chức tôn giáo. Việc chính quyền giữ quyền cấp đất, cấp phép xây dựng cơ sở tôn giáo là thông điệp mạnh mẽ rằng họ nắm trong tay quyền sinh, quyền sát đối với những tổ chức tôn giáo.

4. Khiếu nại về đất đai tôn giáo bị trì hoãn giải quyết

Trong Luật Đất đai 2013, các trường hợp tranh chấp đất mà một bên tranh chấp là tổ chức, cơ sở tôn giáo sẽ do chủ tịch UBND cấp tỉnh giải quyết (theo Điều 203, Khoản 3, Điểm b). Nếu không đồng ý với quyết định giải quyết, tổ chức tôn giáo có quyền khiếu nại lên Bộ Tài nguyên – Môi trường hoặc khởi kiện ra tòa án theo quy trình tố tụng hành chính.

Trên thực tế, việc khiếu nại về đất đai tôn giáo bị chính quyền địa phương và các cơ quan trung ương xử trí bằng cách im lặng, kéo dài hạn giải quyết, hoặc phân hóa nội bộ nhằm mục đích làm những người theo kiện mệt mỏi, bỏ cuộc hoặc tự tan rã.

tien16

Mặt trước (ảnh trên) và mặt sau (ảnh dưới) ngôi trường tiểu học của Đan viện Thiên An trước năm 1975. Ảnh : Đan viện Thiên An.

Đầu năm 2000, khi khiếu nại đất đai của Đan viện Thiên An chưa được giải quyết thấu đáo, chính quyền đã khởi công xây dựng trên đất mà đan viện tuyên bố quyền sở hữu. Nhiều năm qua, đan viện vẫn đang khiếu nại về ngôi trường tiểu học bị một đơn vị nhà nước chiếm từ sau năm 1975.

Ông Heiner Bielefeldt, báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc về quyền tự do tôn giáo và tín ngưỡng, cho rằng kiến nghị của các cộng đồng tôn giáo nói chung không được cơ quan hành chính hay tòa án Việt Nam đáp lại. Trong nhiều vụ việc, đơn kiến nghị bị chuyển trả về địa phương để xem xét lại, thời hạn giải quyết kéo dài, và cuối cùng rơi vào quên lãng.

Trong báo cáo về chuyến làm việc chính thức tại Việt Nam năm 2014, ông Heiner Bielefeldt ghi nhận rằng Việt Nam thiếu năng lực pháp lý khi giải quyết tranh chấp đất đai tôn giáo. Các cộng đồng tôn giáo được nhà nước công nhận cũng thất vọng về các thủ tục pháp lý kém hiệu quả.

Nguyên Vũ

Nguồn : Luật Khoa, 07/06/2021

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Văn Tâm, Thái Thanh, Nguyên Vũ
Read 742 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)