Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Theo báo cáo từ Bộ Tài chính được truyền thông nhà nước loan tải mới đây, chỉ 15.000 di tích trong cả nước, gồm chùa chiền, cơ sở tín ngưỡng… đã thu về 4.100 tỷ đồng tiền công đức trong năm 2023. Đây là số tiền thực thu của một nửa số lượng di tích hiện có trên cả nước mà thôi, bởi hiện Việt Nam có hơn 31.000 di tích.

congduc1

Ảnh minh họa những người lễ chùa - AFP

Bộ Tài chính đánh giá việc quản lý tiền công đức, tài trợ tại các di tích đã và đang có sự chuyển biến tích cực theo hướng công khai, minh bạch kể từ khi Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 04/2023. Tuy vậy, cũng theo Bộ này, đa số báo cáo của địa phương cho rằng số liệu báo cáo thu, chi tiền công đức, tài trợ của các di tích, kể cả di tích xếp hạng quốc gia đặc biệt mới chỉ phản ánh một phần, chưa đầy đủ.

Bà Phương Diên, một Phật tử nói với RFA nhận định của bà :

"Số tiền đó quá lớn. Nếu kêu gọi từ thiện để xây dựng trường học, đường xá, cầu cống thì người ta không đóng góp số tiền lớn như thế đâu. Người dân đã bị u mê khi nghĩ rằng cúng vào chùa, được Phật chứng giám thì mới được phước nhiều.  

Đức Phật không phải là thần thánh. Đức Phật không mê tín dị đoan. Chỉ là nhân quả. Một số ngôi chùa tạo ra Đức Phật như một vị thánh nên người dân u mê, nghĩ rằng Đức Phật sẽ ban phước khi cúng vào chùa nhiều tiền. Nó không mang ý nghĩa của từ thiện, bởi từ thiện xuất phát từ tấm lòng thương người, làm việc gì cho chúng sanh không bao giờ mong cầu việc đó sẽ trở lại với mình, tức cho đi không mong nhận lại.

Thực sự khi các vị thầy đi tu, trước hết họ nghĩ là họ sẽ bỏ tham, sân, si. Nhưng khi họ làm trụ trị ngôi chùa nào đó, họ được chúng sanh lễ bái, xưng tụng thì bản ngã của họ lên cao, cái tham của họ bắt đầu trở lại. Lúc đó họ cần có nhiều tiền để xây dựng chùa cho thiệt lớn như một đế chế của mình. Đó là mục tiêu của một số chùa, và chắc chắn có sự bảo kê của chính quyền".

Cũng trong năm 2023, trụ trì chùa Ba Vàng là đại đức Thích Trúc Thái Minh đã ký văn bản báo cáo về quản lý, thu chi tiền công đức tới UBND Thành phố Uông Bí. Văn bản cho thấy, trong hơn một tháng, từ ngày 19/3 đến ngày 30/4, số tiền công đức, tài trợ cho di tích, hoạt động lễ hội của chùa Ba Vàng là hơn 4,1 tỉ đồng. Con số này không bao gồm tiền công đức, tài trợ cho hoạt động tôn giáo, bởi theo lập luận của trụ trì chùa Ba Vàng thì tiền công đức, tài trợ cho hoạt động tôn giáo là vấn đề nội bộ của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, không cần phải báo cáo.

Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện từng nhận xét, vụ chùa Ba Vàng báo hiệu một chương rất đen tối của lịch sử Phật Giáo Việt Nam :

"Qua hiện tượng chùa Ba Vàng và một số chùa khác thì tôi thấy là đạo Phật của Việt Nam đang đến hồi mạt pháp và làm rối loạn tâm linh, rối loạn lòng người và báo hiệu một chương rất đen tối của lịch sử Phật Giáo Việt Nam.

Cho đến bây giờ thì càng ngày lòng tin của con người trong cuộc sống hiện tại không còn nữa. Chưa bao giờ các vấn đề về băng hoại giá trị truyền thống rạn nứt như bây giờ, cho nên người dân không tìm được sự an ủi, niềm tin nơi trần thế thì họ phải tìm kiếm trong tôn giáo.

Chính những người trong những ngôi chùa như vậy kết hợp với những quan chức cấp tỉnh và kết hợp với những đại gia lợi dụng sự yếu đuối, sự, mê lầm đó của dân chúng để họ trục lợi".

Tiền cúng dường, tiền công đức bị nhiều người gọi là "doanh thu" của chùa và chuyện tu hành bị coi là một nghề, bởi số tiền kiếm được quá nhiều. Dư luận còn nhớ câu chuyện Đại đức Thích Thanh Toàn ở chùa Nga Hoàng hoàn tục và xin giữ lại tài sản hơn 300 tỷ đồng, sau tai tiếng "gạ tình" phóng viên báo Phụ Nữ vào năm 2019. Đây là số tiền Đại đức Thích Thanh Toàn có được chỉ sau 10 năm "tu hành".

Một người dân Sài Gòn nêu quan điểm của ông với RFA sáng 27/6 :

"Cái chữ "công đức" bây giờ không còn giữ nguyên nghĩa tốt đẹp từ ngàn xưa khi đạo Phật được truyền vào Việt Nam, mà nó ngày càng biến tướng như một sự mua bán - cúng tiền càng nhiều thì càng tạo phước. Đây là một suy nghĩ tai hại cho phẩm giá làm người. Nó thui chột cái thiện tâm. Nó không khác gì một món tiền hối lộ cả, cúng cho nhiều vô thì được nhiều phước. Đây là một tội lỗi rất lớn của rất nhiều ông trụ trì tác oai tác quái hàng chục năm qua. Họ đầu độc chúng sanh rất nặng.

Tiền công đức đúng là chỉ dùng để tôn tạo, sửa chữa chùa ; tạo những cảnh quan tôn nghiêm, an lành cho chúng sanh, chứ không phải dùng để làm những việc mà họ không thể báo cáo công khai minh bạch.

Rất nhiều người khoác áo tu hành hiện nay đầy hết từ tham, sân, si cho tới thất tình lục dục. Họ dùng cái đầu trọc và bộ áo nâu sòng với những lời đạo đức giả nhằm lừa gạt chúng sanh chẳng khác gì bọn lừa đảo chuyên nghiệp. Số tiền hơn 4000 tỷ đồng, nhìn dưới góc độ xã hội Việt Nam hôm nay thì nó là một thứ doanh thu ; là một sự mua bán những trò mê tín dị đoan".

Người dân này nói thêm, số lượng đền, chùa, miếu mạo hiện nay quá lớn nhưng không chứng minh được người Việt Nam hôm nay có lòng nhân ái hoặc lòng từ bi; nó tạo ra xung đột về lương tri làm người thông qua con số hàng chục ngàn đền chùa miếu mạo.

Nguồn : RFA, 27/06/2024

Additional Info

  • Author RFA tiếng Việt
Published in Việt Nam

Phiếm đàm ‘tiền chùa’

Lê Tự Do, VNTB, 01/08/2023

"Tiền chùa mà" là cách nói dân dã mỗi khi muốn nói đến việc ai đó sẵn sàng tiêu xài phung phí. Đó là từ lóng của nghĩa bóng. "Tiền chùa" nghĩa đen là tiền công đức do người dân cúng dường, đóng góp cho chùa.

bavang1

Tiền công đức lâu nay không được kiểm toán, không công khai để người dân biết tiền đó được sử dụng thế nào…

Có thể thấy, từ lóng "tiền chùa" được sử dụng mang tính châm biếm, giễu cợt nhiều hơn là yếu tố tích cực, nhân văn với những giá trị tốt đẹp mà bá tánh đã đóng góp công đức cho nhà chùa. Cốt lõi ở đây là tiền chùa chính là tiền công đức mà khách thập phương và Phật tử cúng dường, đóng góp cho nhà chùa được sử dụng vào mục đích gì và chi tiêu như thế nào ?

Theo nghĩa của cụm từ "tiền chùa", đó là tài sản của chùa hợp pháp do khách thập phương và các Phật tử đóng góp, cúng dường. Giới luật nhà chùa do đức Phật chỉ dạy đã nói rất rõ về việc sử dụng tài sản của chùa. Ở trong chùa, tất cả việc ăn uống tiêu dùng, dù nhỏ nhặt đều phải tiết kiệm và giữ gìn, vì đó là tiền do đàn tha tín thí thành tâm cúng dường.

Tôi từng được nghe một vị sư thầy chia sẻ rằng : "Có bao giờ mọi người suy nghĩ vì sao Phật tử lại muốn phát tâm cũng dường cho các sư không ? Là bổn phận chăng ?

Không, với họ đó chính là niềm kính tín Tam bảo, vì mến Tăng. Họ xem hình bóng Tăng bảo thay đức Phật truyền trao giáo pháp, với hy vọng cuộc đời sẽ bớt đau khổ. Họ kính Tăng vì họ biết Tăng đoàn đang khoác trên mình pháp phục của Phật, cúng dường Tăng vì mong muốn sẽ được phước đức – người dâng vật quý là mong phước lành".

Thế nhưng xem chừng cách nghĩ đó của vị sư thầy còn tùy vào "địa phương tính" trong cách thể hiện niềm kính tín Tam Bảo.

Ở miền Bắc, dịp Tết cổ truyền tại một số ngôi chùa nổi tiếng như chùa Nôm (Hưng Yên), chùa Phật Tích, đền Bà Chúa Kho (Bắc Ninh)… lượng người đổ về hành lễ mỗi ngày lên tới hàng chục ngàn người. Dịch vụ đổi tiền lẻ vì thế cũng nhộn nhịp.

Đổi tiền lẻ vì khách hành hương muốn "đặt lễ" qua chuyện rải tiền, nhét tiền vào tay hay miệng tượng Phật để xin lộc (?!).

Ở miền Nam, khách thập phương lễ chùa, dù cúng nhiều hay ít, thường kín đáo xếp tiền lại, có người thì bỏ tiền trong bao lì xì rồi bỏ vào khe hở ở miệng thùng, không phải tiền lẻ và tất nhiên người nghèo thì bỏ vào thùng theo khả năng của họ. Ở những nơi có đặt mâm lễ thì Phật tử cũng chẳng để tiền vào mâm, nếu có thì chỉ là tiền vàng mã. Có nhiều người đến chùa chỉ thắp nhang, lạy Phật và cầu nguyện, chẳng cúng thì cũng chẳng sao.

Việc quản lý tiền công đức, đóng góp của người dân cho xây dựng, tu bổ chùa chiền trên thực tế không phải chùa nào cũng làm tốt. Có những chùa để xảy ra những việc khá tai tiếng.

Năm 2014, trên mạng xã hội, báo chí đã rộ lên thông tin nhà sư Thích Thanh Cường, trụ trì chùa Cương Xá, huyện Tứ Kỳ, Hải Dương, đi xe Maybach, sở hữu Iphone 6, điện thoại Vertu…và khoe cả những tài sản mình có bằng tiền Phật tử biếu, tặng trên facebook cá nhân.

"Do có tinh thần cầu thị, nhận ra lỗi lầm nên Thường trực Ban Trị sự không cảnh cáo sư thầy Thích Thanh Cường trước toàn Giáo hội Phật giáo tỉnh Hải Dương, không bãi miễn chức vụ Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam huyện Tứ Kỳ, cho giữ nguyên cương vị trụ trì chùa Cương Xá" – một nội dung thông cáo báo chí của vụ việc "xài tiền chùa" có cái kết "viên mãn" của "happy end" như vậy từ Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Hải Dương.

…Giờ có thể là câu chuyện của chùa Ba Vàng như cách mà chùa này đang "lách luật" khi được Bộ Tài chính yêu cầu về báo cáo số liệu "tiền công đức".

Lê Tự Do

Nguồn : VNTB, 01/08/2023

***********************

Tiền công đức cho nhà chùa hay cho nhà sư ?

Phạm Lê Đoan, VNTB, 31/07/2023

Chùa Ba Vàng chỉ thực hiện báo cáo quản lý thu chi tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội. Còn tiền công đức, tài trợ cho hoạt động tôn giáo "là vấn đề nội bộ của Giáo hội Phật giáo Việt Nam", không công khai.

bavang2

Nếu như lợi dụng lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo để trục lợi thì phải có biện pháp xử lý để bảo vệ đạo lý của tôn giáo.

"Tiền công đức, tài trợ cho hoạt động tôn giáo là vấn đề nội bộ của Giáo hội Phật giáo Việt Nam" – lập luận này của chùa Ba Vàng dường như hợp lý, vì khái niệm "tiền công đức cho di tích" trong thông tư của Bộ Tài chính. Theo đó, chùa Bà Vàng dẫn điểm b, khoản 3, điều 1 thông tư 04 của Bộ Tài chính hồi tháng 1-2023 về quản lý thu chi tiền công đức có quy định : "Thông tư này không điều chỉnh quản lý, thu chi tiền công đức, tài trợ cho hoạt động tôn giáo".

Cũng từ lập luận trên nên Ban quản lý danh thắng tâm linh Yên Tử cũng chỉ báo cáo được số tiền ở hòm công đức, tiền người dân ghi công đức với ban quản lý chứ không báo cáo được số tiền công đức đặt trên ban thờ và tiền công đức trực tiếp cho các nhà tu hành.

Thắc mắc cần được trả lời bằng quy định của pháp luật quốc gia chứ không phải "chuyện nội bộ tôn giáo", đó là "tiền công đức cho nhà chùa hay cho nhà sư" ?

Vụ việc nhà sư xin hoàn tục có pháp danh Thích Thanh Toàn, nguyên trụ trì chùa Nga Hoàng, xã Hợp Châu, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc, là một đơn cử cho việc minh bạch mang tính bắt buộc cho yêu cầu kiểm toán khoản tài chính gọi là "tiền công đức".

Giữa năm 2019 có thông tin đại đức Thích Thanh Toàn (sinh năm 1976, quê ở Quảng Trị), trụ trì chùa Nga Hoàng từ năm 2008, vướng nghi vấn gạ tình nữ phóng viên.

Trong cuộc họp chiều 5/10/2019, đại đức Thích Thanh Toàn gửi tờ trình đến Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Vĩnh Phúc xin xả giới, hoàn tục.

Cũng trong buổi họp này, một clip ghi lại nội dung buổi sám hối, nhận lỗi, trong đó đại đức Thích Thanh Toàn nói : "Lâu nay con làm tổn thất oai đức của các ngài thì con sám hối suốt đời không hết, nhưng nói thật với quý ngài, tất cả là cạm bẫy. Nếu mình tránh cạm bẫy này sẽ có cạm bẫy khác. Con sẽ nguyện đời đời kiếp kiếp con hộ pháp chứ. Không phải đời này đâu mà đời đời, kiếp kiếp, tu sỹ cũng được, cư sỹ cũng được.

Nhưng bây giờ, con xin quý ngài là trang trại con quá lớn, tượng pháp quá lớn. Bây giờ mình bán cho ai và chuyển như thế nào ? Thế thôi ! Con cũng có nhiều chỗ ở chứ không phải một chỗ.

Còn chùa 800m2 đấy thì con vui vẻ, các ngài sao cũng được, nhưng bây giờ cái tài sản của con là con nguyện, con mua, con không làm gì cả, chỉ làm để nuôi các cháu ăn học, các người trong bệnh viện. Con xin các ngài giúp cho con cái đấy thôi. Nếu tính tài sản thì khoảng 2 – 300 tỷ đấy, con xin các ngài !

Còn các ngài chi như thế nào, tốt cho Giáo hội, không mất cái gì của Giáo hội, không mất cái gì của đạo pháp. Cái đấy xã hội cần ngàn lần, cả cả tỷ lần con cũng không sám hối hết".

Sư Toàn giải thích rằng trong quá trình trụ trì tại chùa Nga Hoàng, ông có vay nợ một số nơi để kiến thiết, tu bổ ngôi chùa. Nay muốn giữ lại những mảnh đất mua của người dân để trang trải công nợ.

Yêu cầu về "tiền nhà chùa – tiền nhà sư" mà đại đức Thích Thanh Toàn đặt ra cũng có cái lý, bởi pháp luật Việt Nam hiện không thừa nhận nhà chùa có tư cách pháp nhân có quyền sở hữu tài sản, nên trong các giao dịch mua bán tài sản thì buộc phải có cá nhân là vị sư trụ trì đứng tên sở hữu.

Trong khi đó, người đi tu thì phải phục vụ cho chùa và cộng đồng, và ông sư trụ trì, giống như một giám đốc trong một công ty, chỉ là đại diện cho chủ sở hữu tập thể chứ không phải là chủ sở hữu.

Và nếu thuận với cách đặt vấn đề như trên thì cần thiết đến yêu cầu của kiểm toán. Bởi về nguyên tắc, nguồn lực tại các cơ sở thờ tự, đền chùa là một loại quỹ công cần phải có cơ chế kiểm soát và phải được kiểm toán.

Ở đây, người viết quan niệm rằng có cả hệ thống của lĩnh vực tôn giáo. Nếu như lợi dụng lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo để trục lợi thì phải có biện pháp xử lý để bảo vệ đạo lý của tôn giáo. Nên để cho những đơn vị, tổ chức đó kiểm soát lấy.

Tuy nhiên, ở xã hội bao giờ nếu muốn duy trì được uy tín của mình thì cần phải công khai, minh bạch những gì mà người dân tự nguyện đóng góp. Bất kỳ tổ chức, đơn vị nào làm được việc này thì sẽ tạo được niềm tin của cộng đồng ; bao gồm cả tổ chức Giáo hội Phật giáo Việt Nam, và cụ thể là chùa Ba Vàng.

Nếu thực sự "tiền công đức là cho nhà chùa chứ không phải cho nhà sư", thì trước mắt Giáo hội Phật giáo Việt Nam phải có cách làm như thế nào, phải công khai công khai thông tin đó. Bởi, tiền công đức ở chùa vốn dĩ của người dân đóng góp.

Vấn đề công đức trong nhà chùa trước đây chỉ là giọt dầu, chén nước, bây giờ còn có thêm các khoản Phật tử đóng góp cho tôn tạo, đúc chuông, đổ tượng, các chương trình từ thiện… do đó cần phải minh bạch đúng với bản chất của tôn giáo.

Phạm Lê Đoan

Nguồn : VNTB, 31/07/2023

*********************

Đúng là … tiền chùa

Ngọc Lan, VNTB, 30/07/2023

Báo cáo dành nhiều thời lượng cho việc phân tích để đi đến kết luận là chùa Ba Vàng chỉ báo cáo việc quản lý thu chi tiền công đức, tài trợ cho di tích, hoạt động lễ hội, không báo cáo tiền công đức, tài trợ cho hoạt động tôn giáo và tiền công đức, tài trợ cho nhà tu hành.

bavang3

Đại đức Thích Trúc Thái Minh đã vận dụng các điều luật để… lách đầy ngoạn mục về yêu cầu minh bạch tài chính tiền chùa.

Cụ thể, chùa Bà Vàng dẫn điểm b, khoản 3, điều 1 thông tư 04 của Bộ Tài chính hồi tháng 1/2023 về quản lý thu chi tiền công đức có quy định : "Thông tư này không điều chỉnh quản lý, thu chi tiền công đức, tài trợ cho hoạt động tôn giáo".

Tiếp theo, công văn của Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam gửi các chùa hướng dẫn việc thực hiện thông tư về quản lý tiền công đức của Bộ Tài chính có ghi : "Thông tin cung cấp khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu là thông tin về quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích, hoạt động của lễ hội, không phải là thông tin về tiếp nhận, quản lý, sử dụng tiền công đức, tài trợ cho hoạt động tôn giáo và tiền công đức, tài trợ cho nhà tu hành".

Chùa Ba Vàng cũng dẫn quyết định về thí điểm kiểm tra tiền công đức tại các di tích lịch sử – văn hóa, đình chùa trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh của Bộ Tài chính hồi tháng 4 có quy định : nội dung kiểm tra là "việc tiếp nhận, quản lý và sử dụng tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội".

Vì vậy chùa chỉ báo cáo tiền công đức cho di tích và hoạt động lễ hội, còn "tiền công đức, tài trợ cho hoạt động tôn giáo là vấn đề nội bộ của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, được quản lý theo quy định của giáo hội".

Về hình thức lập luận, các diễn giải của chùa Ba Vàng mang đến cảm giác dường như các khoản thu chi về tiền bạc của tôn giáo nằm ngoài pháp luật về tài chính, ví dụ như luật phòng chống rửa tiền.

Đơn cử, một clip trên kênh youtube của trang Việt Nam Thời Báo có nội dung về đoàn nhà sư với người dẫn đầu là Thích Trúc Thái Minh đang đi khất thực trên đường phố Gifu ở Nhật Bản.

"Thể theo lời thỉnh cầu của các đạo tràng Phật tử xa xứ chùa Ba Vàng tại Nhật Bản, đồng thời trên cương vị là Phó Trưởng Ban Phật giáo Quốc tế Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, trong thời gian tới, Sư Phụ Thích Trúc Thái Minh sẽ có chuyến hoằng Pháp tại đất nước mặt trời mọc, gặp gỡ và chia sẻ Phật Pháp cho các Phật tử cũng như những người yêu mến đạo Phật, có lòng tin tâm linh nhân quả" – trích thông cáo báo chí trên trang web của nhà sư Thích Trúc Thái Minh.

Theo tường thuật của bài viết trên trang Việt Nam Thời Báo, phái đoàn của nhà sư Thích Trúc Thái Minh ở chuyến công du Nhật Bản rất đông, bao gồm cả những tín đồ tháp tùng.

Các chi phí cho chuyến đi này có nguồn gốc tài chính ra sao, đó là điều chịu sự điều chỉnh của luật phòng chống rửa tiền.

Ngờ vực trên nằm trong một nội dung của báo cáo được công bố hồi đầu năm nay, có tên "Nhận diện 7 thủ đoạn "rửa tiền" được tội phạm sử dụng trong giai đoạn hiện nay".

bavang4

bavang5

bavang6

Được đánh số thứ tự 3 trong báo cáo trên, viết (trích) : Kể từ năm 2015, khi Nghị định 70/2014/NĐ-CP của Chính phủ về hướng dẫn thực hiện Pháp lệnh ngoại hối được sửa đổi, bổ sung có hiệu lực không còn quy định về giới hạn mức chuyển ngoại tệ của người cư trú là công dân Việt Nam cho thân nhân ở nước ngoài (thay vì chỉ cho phép một công dân Việt Nam có nhu cầu trợ cấp cho thân nhân ở nước ngoài chỉ được phép chuyển, mang ngoại tệ tối đa không quá 5.000 USD cho một người hưởng trợ cấp – theo quy định tại Quyết định 1437/2001/QĐ-NHNN về mua, chuyển, mang ngoại tệ ra nước ngoài của người cư trú là công dân Việt Nam), thông qua nền tảng trực tuyến, bọn tội phạm che giấu mục đích rửa tiền bất hợp pháp với mạng lưới gây quỹ qua mạng "hợp pháp" hoặc đi du lịch".

Diễn giải nội dung trên, luật sư T.T. nêu ví dụ như một trường hợp ở quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh đi du lịch sang Bồ Đào Nha, thông qua luật sư bên đó để mở tài khoản tại Bồ Đào Nha. Cá nhân sở hữu tài khoản này với tư cách là khách du lịch, tham gia vào một tổ chức từ thiện tại Bồ Đào Nha, yêu cầu người nhà chuyển nhanh hơn 2.000 euro ra nước ngoài.

"Vì không bị giới hạn qua nền tảng giao dịch trực tuyến như vậy, các đối tượng lợi dụng kẽ hở này để rửa tiền thì có kiểm soát được không ?", luật sư T.T. đặt nghi vấn.

Ngọc Lan

Nguồn : VNTB, 30/07/2023

****************************

Chùa Ba Vàng báo cáo thu hơn 4,1 tỷ đồng công đức trong hơn một tháng

Lê Tân, VnExpress, 29/07/2023

Từ ngày 19/3 đến 30/4, chùa Ba Vàng cho biết nhận được hơn 4,1 tỷ đồng tiền công đức, tài trợ cho di tích, hoạt động lễ hội và đã chi hết cho từ thiện.

bavang7

Hàng chục nghìn người đến chùa Ba Vàng vào những ngày đầu năm năm 2023. Ảnh : Chùa Ba Vàng

Trong báo cáo gửi UBND Thành phố Uông Bí ngày 28/7, trụ trì chùa Ba Vàng, đại đức Thích Trúc Thái Minh giải thích vì sao chỉ báo cáo trong hơn một tháng, thay vì cả năm 2022 và 4 tháng đầu năm 2023 như quyết định của Bộ Tài chính về thí điểm kiểm tra tiền công đức tại các di tích lịch sử - văn hóa, đình chùa trên địa bàn Quảng Ninh.

Theo nhà chùa, Thông tư 04 về quản lý thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích, hoạt động lễ hội có hiệu lực từ ngày 19/3/2023. Trước thời điểm này, cơ sở tôn giáo không tách riêng các loại tiền công đức. Do "thông tư có hiệu lực pháp luật cao hơn quyết định của Bộ Tài chính" nên chùa Ba Vàng báo cáo kể từ ngày 19/3 đến ngày 30/4.

Đại diện chùa Ba Vàng giải thích Thông tư 04 và công văn hướng dẫn của Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam không quy định việc quản lý, thu chi tiền công đức, tài trợ cho hoạt động tôn giáo và nhà tu hành.

"Tiền công đức, tài trợ cho hoạt động tôn giáo là vấn đề nội bộ của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, được quản lý theo quy định của Giáo hội, phù hợp với giáo luật của Đức Phật và pháp luật của nhà nước", báo cáo nêu. Do đó nhà chùa chỉ báo cáo tiền công đức, tài trợ cho di tích, hoạt động lễ hội trong hơn một tháng là 4,16 tỷ đồng.

Trụ trì chùa Ba Vàng cho biết khoản tiền trên đã được chi hết cho các hoạt động từ thiện từ ngày 13/4 đến 14/7, trong đó có ủng hộ làm nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo của tỉnh Điện Biên, chương trình xóa nhà tạm dột nát của Thành phố Uông Bí, chương trình mổ mắt cho người nghèo huyện Na Hang (Tuyên Quang)...

Trước đó ngày 21/7, Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Phạm Minh Chính kết quả thí điểm kiểm tra quản lý tiền công đức tại các di tích lịch sử - văn hóa, đình chùa Quảng Ninh năm 2022. Đoàn kiểm tra gồm đại diện Bộ Tài chính, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Ban Tôn giáo Chính phủ thuộc Bộ Nội vụ.

Theo Bộ Tài chính, đa số di tích có nhà sư trụ trì chỉ báo cáo nguồn thu từ khoản tiền trong hòm công đức. Trong khi đó, một số khoản công đức dưới hình thức đặt lễ, chuyển khoản, theo đánh giá của người dân vốn cao hơn tiền bỏ hòm công đức, lại không được đề cập. Như tại Yên Tử, theo Ban quản lý Di tích và rừng quốc gia Yên Tử, từ năm 2007 đến tháng 4/2023, tổng thu từ hòm công đức là 287 tỷ đồng, thấp hơn nhiều so với tổng chi là 638 tỷ đồng.

Tổng thu của các di tích ở Quảng Ninh năm 2022 gần 71 tỷ đồng, không bao gồm các khoản công đức, tài trợ bằng hiện vật, công trình xây dựng, chỉ bằng 40-60% của năm 2019. Còn trong 4 tháng đầu năm nay, tổng số thu là 61 tỷ đồng, gần bằng số thu cả năm 2022; tổng chi là hơn 29 tỷ đồng.

Bộ Tài chính cho biết mới tổng hợp từ báo cáo của chưa đến một nửa cơ sở thuộc diện cần kiểm tra. Sau khi loại trừ số địa điểm không có công đức, vẫn còn trên 50 di tích "không có số liệu báo cáo thu chi, trong đó có chùa Ba Vàng".

Lê Tân

Nguồn : VnExpress, 29/07/2023

****************************

Uông Bí đề nghị chùa Ba Vàng báo cáo bổ sung về tiền công đức

Thiên Điểu, Tuổi Trẻ online, 24/0/2023

Ngày 24/7, UBND thành phố Uông Bí đã ban hành văn bản gửi trụ trì chùa Ba Vàng đề nghị báo cáo bổ sung công tác quản lý tiền công đức, sau khi nhà chùa khẳng định không nhận được văn bản đề nghị báo cáo hồi tháng 5.

bavang8

Văn bản của UBND Thành phố Uông Bí ngày 24-7 đề nghị chùa Ba Vàng báo cáo bổ sung

Trong văn bản do Phó chủ tịch UBND Thành phố Uông Bí Nguyễn Văn Thành ký ngày 24/7 nêu rõ ngày 23/5 thành phố có văn bản gửi chùa Ba Vàng , đề nghị báo cáo về quản lý tiền công đức.

Tuy nhiên (sau khi báo chí đưa tin theo báo cáo của Bộ Tài chính gửi Phó thủ tướng Lê Minh Khái và Thủ tướng Phạm Minh Chính ngày 21/7 cho biết chùa Ba Vàng và hơn 50 chùa ở Quảng Ninh không có báo cáo quản lý tiền công đức - PV), tới nay chùa Ba Vàng khẳng định không hề nhận được văn bản đề nghị chùa báo cáo, cũng không có đoàn kiểm tra nào đến làm việc.

Vì vậy, để có cơ sở tổng hợp, báo cáo bổ sung Sở Tài chính Quảng Ninh, Bộ Tài chính, UBND Thành phố Uông Bí đề nghị trụ trì chùa Ba Vàng chỉ đạo, báo cáo nội dung quản lý tiền công đức  tại chùa theo đề cương, biểu mẫu gửi kèm.

Thành phố Uông Bí đề nghị thời gian báo cáo gửi trước ngày 28/7, đề nghị trụ trì chùa Ba Vàng quan tâm, phối hợp thực hiện.

Cũng ngày 24/7, chùa Ba Vàng ra thông báo thứ hai trên trang web của nhà chùa, tiếp tục khẳng định thông tin chùa Ba Vàng không báo cáo tiền công đức là sai sự thật.

Trước đó, ngày 21/7, Bộ Tài chính đã có báo cáo gửi Phó thủ tướng Lê Minh Khái và Thủ tướng Phạm Minh Chính về kết quả thực hiện thí điểm kiểm tra việc quản lý tiền công đức tại các di tích lịch sử - văn hóa, đình chùa trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh năm 2022 và bốn tháng đầu năm 2023.

Theo báo cáo, có 50 di tích không có số liệu báo cáo tiền công đức, trong đó có chùa Ba Vàng ở Uông Bí thuộc di tích cấp tỉnh, được đánh giá là ngôi chùa có số thu công đức cao.

Liên quan tới trách nhiệm báo cáo minh bạch thu chi tiền công đức, trong báo cáo của Bộ Tài chính có dẫn khoản 2, điều 18 thông tư số 04/2023/TT-BTC quy định tổ chức, cá nhân là chủ sở hữu hoặc được giao quản lý, sử dụng di tích có trách nhiệm "cung cấp kịp thời thông tin khi được cơ quan chức năng có thẩm quyền yêu cầu theo quy định của pháp luật".

Theo Bộ Tài chính, việc báo cáo này chỉ nhằm mục đích tỏ rõ sự minh bạch trong quản lý tiền công đức tại các di tích, để người dân đã tin càng thêm tin tưởng.

Thiên Điểu

Nguồn : Tuổi Trẻ online, 24/07/2023

************************

Quảng Ninh : Chưa đến kiểm tra tiền công đức ở chùa Ba Vàng nhưng có gửi văn bản

Thiên Điểu, Lê Thanh, Tiến Thắng, Tuổi Trẻ online, 23/07/2023

Một đại diện nhà chức trách Thành phố Uông Bí xác nhận địa phương này chưa có đoàn đến kiểm tra tiền công đức tại chùa Ba Vàng như chùa này khẳng định, nhưng có gửi văn bản đề nghị báo cáo.

bavang9

Khóa tu mùa hè năm 2023 tại chùa Ba Vàng - Ảnh : Facebook Chùa Ba Vàng

Chùa Ba Vàng phủ nhận thông tin "không báo cáo" về tiền công đức

Ngày 23/7, một ngày sau thông tin Bộ Tài chính công bố kết quả kiểm tra tiền công đức, chùa Ba Vàng và hơn 50 chùa không báo cáo trên Tuổi Trẻ Online cũng như một số báo khác, chùa Ba Vàng (phường Quang Trung, Thành phố Uông Bí, Quảng Ninh) chính thức lên tiếng trên website của nhà chùa (chuabavang.com).

Đại đức Thích Trúc Thái Minh - trụ trì chùa Ba Vàng - cũng lên tiếng trên Cổng thông tin Phật giáo thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam, khẳng định thông tin chùa Ba Vàng không báo cáo thu chi tiền công đức là không đúng sự thật. 

Theo đó, không có một đoàn kiểm tra nào đến chùa Ba Vàng trực tiếp kiểm tra việc thu chi tiền công đức. Chùa Ba Vàng cũng không nhận được bất kỳ văn bản nào yêu cầu nhà chùa phải nộp báo cáo thu chi tiền công đức.

"Như vậy, không đoàn nào đến kiểm tra, không có yêu cầu nhà chùa nộp báo cáo thu chi tiền công đức thì cơ sở đâu mà cho rằng : chùa Ba Vàng không báo cáo thu chi tiền công đức ?", thông báo của chùa Ba Vàng nói.

Đại đức Thích Trúc Thái Minh kiến nghị Bộ Tài chính giải thích rõ tới công chúng việc này.

bavang10

Văn bản do Phó chủ tịch UBND Thành phố Uông Bí Nguyễn Văn Thành ký gửi chùa Ba Vàng đề nghị báo cáo thu chi tiền công đức

Quảng Ninh : Có gửi văn bản qua bưu điện

Về phản hồi của chùa Ba Vàng, nguồn tin của Tuổi Trẻ Online cho biết báo cáo của UBND Thành phố Uông Bí về việc kiểm tra quản lý tiền công đức tại các di tích lịch sử - văn hóa, đình, chùa cho thấy chùa Ba Vàng và một số di tích khác trên địa bàn Thành phố Uông Bí không có số liệu báo cáo.

Ngoài ra, nguồn tin cũng cung cấp văn bản do phó chủ tịch UBND Thành phố Uông Bí ký ngày 23/5 gửi Ban trị sự chùa Ba Vàng. Trong đó, UBND Thành phố Uông Bí đề nghị Ban trị sự chùa Ba Vàng báo cáo nội dung quản lý tiền công đức tại chùa theo đề cương, biểu mẫu gửi kèm. Thời gian báo cáo trước ngày 15/6.

Trả lời Tuổi Trẻ Online chiều 23/7, một đại diện thuộc đoàn kiểm tra việc quản lý tiền công đức tại các di tích lịch sử - văn hóa, đình, chùa trên địa bàn Thành phố Uông Bí xác nhận đoàn không đến kiểm tra tại chùa Ba Vàng. Nhưng Thành phố có gửi văn bản đề nghị Ban trị sự chùa Ba Vàng báo cáo nội dung quản lý tiền công đức hồi tháng 5, qua đường bưu điện.

Tuy nhiên tới nay chùa Ba Vàng lại khẳng định không nhận được văn bản, nên vị đại diện cho biết thành phố đang rà soát, kiểm tra lại.

Yên Tử : tiền công đức thấp vì phần lớn do nhà chùa thu không được tính

Về thông tin trong báo cáo của Bộ Tài chính gửi Thủ tướng cho biết "không tránh khỏi những băn khoăn về tính khách quan trong việc tiếp nhận, kiểm đếm tiền công đức tại khu di tích lịch sử và danh thắng cảnh Yên Tử" khi danh thắng quốc gia đặc biệt này mỗi năm đón hơn 2 triệu lượt khách mà số tiền công đức thu được lại khá thấp, một đại diện ban quản lý khu di tích cho biết không rõ con số hơn 2 triệu lượt khách tham quan mỗi năm mà Bộ Tài chính đưa ra dẫn theo nguồn nào. Ghi nhận của ban quản lý khu di tích này là hơn 1 triệu khách mỗi năm.

Ngoài ra, số tiền ban quản lý có thể quản lý và báo cáo là tiền công đức do khách góp tại các bàn ghi công đức và hòm công đức. Nhưng số này lại rất ít so với tiền giọt dầu mà khách thường đặt trực tiếp trên các ban thờ. Tiền này do nhà chùa thu chứ ban quản lý không được thu, không được ghi nhận vào báo cáo.

Thiên Điểu, Lê Thanh, Tiến Thắng

Nguồn : Tuổi Trẻ online, 23/07/2023

Additional Info

  • Author Lê Tự Do, Phạm Lê Đoan, Ngọc Lan, Lê Tân, Thiên Điểu, Lê Thanh, Tiến Thắng
Published in Diễn đàn

Biển thủ ‘tiền công đức’ : chưa có vụ án nào ở Việt Nam

Phạm Lê Đoan, VNTB, 26/07/2023

‘Vụ trộm’ xảy ra tháng 12/2013 khi ban quản lý đền Hoàng Mười tổ chức đếm tiền công đức cuối năm.

congduc1

Biển thủ ‘tiền công đức’ ở Việt Nam vẫn dừng ở mức nghi vấn, dù đã từng có vụ việc cụ thể xảy ra.

Do tiền công đức ở đây khá lớn nên UBND xã Hưng Thịnh cử thêm một số cán bộ tài chính, thủ quỹ phối hợp với Ban quản lý để đếm tiền. Trong lúc mọi người đang đếm tiền, ông Nguyễn Đình Tường, phó ban quản lý phát hiện ông Dương Ngọc Hải (cán bộ ban tài chính xã) giấu một gói tiền trong người đem đến vùi dưới chăn trên một chiếc giường trong phòng đếm tiền.

Ngay sau khi ông Tường phản ánh, ban quản lý lập biên bản và tiến hành kiểm tra. Tổng số tiền trong gói tiền bị trộm là 20 triệu đồng. Ban quản lý tổ chức kiểm điểm, ông Hải thú nhận "đã bàn với một số anh em cất số tiền này để tết uống rượu". Sau đó ông Hải bị UBND xã kiểm điểm tiếp và đình chỉ việc đếm tiền thường niên ở đền Hoàng Mười.

Trước đó, tháng 6/2013, sau vụ ban quản lý cũ thuê xe chở bảy bao tiền công đức đi thuê doanh nghiệp Trung Long ở thành phố Vinh đếm bị phát hiện, UBND xã Hưng Thịnh giải tán ban quản lý cũ, thành lập ban quản lý mới. Hai hòm công đức cũng được thay bằng két sắt.

Bắt đầu từ năm 2014, đền ông Hoàng Mười tại xã Hưng Thịnh, huyện Hưng Nguyên, Nghệ An, đã thay ban quản lý mới, trung bình mỗi năm nộp ngân sách 11 tỷ đồng. Trong khi đó, từ năm 2002 – 2013, tổng số tiền ngân sách đền ông Hoàng Mười nộp là 1,5 tỷ. Số tiền nộp mỗi năm chênh lệch hàng trăm lần khiến nhiều người đặt ra câu hỏi về trách nhiệm của ban quản lý cũ, cũng như việc quản lý tiền công đức.

Phía ban quản lý cũ đưa ra lời giải thích : bảy bao tiền nêu trên không phải tiền công đức, mà gọi là tiền hành sai, tức tiền của người đi lễ để trên bàn thờ hoặc trên các con thú quý trong đền. Số tiền này dùng để chi tiền công cho người lau tro, quét bụi, thay nước… và trả công cho anh em trong ban quản lý vì 5% trong tổng tiền công đức không đủ.

Mười năm trước, tháng 6/2013, ông Đào Minh Tú, phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước, cho biết chỉ tính ở dịp lễ đầu năm, một ngôi chùa nhỏ trong khuôn viên chùa Hương đã thu được 6 tỷ đồng tiền lẻ. Với số tiền khổng lồ đó, nhà chùa không có khả năng kiểm đếm, buộc phải nhờ đến một chi nhánh ngân hàng ở địa phương đếm suốt một ngày mới xong.

Chuyện nhà chùa, nhà đền phải nhờ đến ngân hàng hay các công ty kiểm đếm tiền lẻ như vụ việc ở đền Hoàng Mười lúc đó không còn là chuyện lạ.

Như lời kể của ông Đào Minh Tú, chùa Hương (Hà Nội) dịp lễ đầu năm, người nhà chùa cứ cách giờ lại phải mang bao tải đi thu nhặt tiền lẻ được đặt trên các mâm cúng, voi chầu, bệ thờ… Hay suối Giải Oan (Yên Tử, Quảng Ninh), giếng Ngọc (đền Hùng, Phú Thọ)… đều lâm vào tình cảnh bị tắc nghẽn vì tiền lẻ. Đến nỗi nhiều năm nay, ban quản lý di tích đền Hùng đã phải làm một tấm lưới chặn tránh việc tiền lẻ rơi xuống giếng nước.

Rồi kể từ khi đền Trần (Nam Định) phục hồi nghi lễ rước kiệu ấn quanh hồ thì quan khách cũng có thói quen mới là ném tiền lẻ vào kiệu ấn lấy may. Cứ đến giờ kiệu ấn đi qua, hàng trăm khách mời có thẻ – chủ yếu là quan chức và người nhà – chen lấn để ném tiền. Thậm chí lực lượng an ninh bảo vệ cũng sẵn sàng giúp đỡ bằng cách tập hợp tiền lại rồi vò thành nắm lớn ném vào kiệu ấn.

Tại chùa Bái Đính (Ninh Bình), khách hành hương không chỉ nhét tiền lẻ vào tay, vào nếp áo mà còn nhét vào tai tượng Phật. Bất cứ chỗ nào có thể nhét tiền đều được tận dụng tối đa. Ngay tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám (Hà Nội) cũng phải chứng kiến cảnh du khách rải tiền lẻ cầu may trắng cả mái nhà Thái học.

Mười năm trước, tiền giọt dầu đặt trên các đĩa ở bệ thờ, nhét vào các địa điểm được coi là linh thiêng trong các chùa ở miền Bắc dù chỉ có mệnh giá 500 đồng, 1.000 đồng, ít khi vượt quá 5.000 đồng nhưng khi "tập kết" lại không hề là con số nhỏ. Và số bạc này ở năm 2023, chắc rằng con số còn gấp bội, khi mệnh giá thấp nhất hiện nay cho tiền giọt dầu là 2.000 đồng.

Không xảy ra chuyện biển thủ nào những khoản tiền trên, gần như là điều… không tưởng, bởi, quan sát các đại án tham nhũng đã, đang bị bóc gỡ cho thấy các đối tượng đã lợi dụng triệt để kẽ hở luật pháp để trục lợi.

Điều này dễ dàng nhận thấy qua vụ án kit-test Việt Á hoặc hàng loạt vụ giao đất trái luật, gây thất thoát tài sản công ở nhiều tỉnh, thành. Ngay cả khi pháp luật hình sự, tố tụng đã quy định kín kẽ nhưng cơ chế giám sát quyền lực đối với người thực thi pháp luật không chặt thì cũng bị lợi dụng để tham nhũng, tiêu cực.

Vụ án "chuyến bay giải cứu" đang xét xử, dù còn nhiều ẩn khuất, vẫn cho thấy quá rõ điều này.

Phạm Lê Đoan

Nguồn : VNTB, 26/07/2023

***************************

Rửa tiền và tham nhũng qua… thùng công đức ?

Ngọc Lan, VNTB, 25/07/2023

"Việc kiểm tra tổng thể vấn đề quản lý tiền công đức tại các di tích lịch sử – văn hóa, đình, chùa trên toàn quốc thực sự cần thiết, là dịp để tổng hợp, đánh giá đầy đủ hơn về hoạt động này" – Bộ Tài chính nêu quan điểm trong báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ.

congduc2

Liệu có thể rửa tiền qua phương thức ‘tiền công đức’ ở một số chùa chiền được xây dựng từ ‘tài trợ’ của cá nhân nào đó ?

Minh bạch tiền công đức

Đề xuất này xuất phát từ kết quả đợt kiểm tra tiền công đức tại các di tích, đình, chùa ở tỉnh Quảng Ninh do Bộ Tài chính tiến hành, vừa xong và báo cáo Thủ tướng.

Sau đợt kiểm tra với Quảng Ninh, Bộ Tài chính cho rằng đến nay chưa có báo cáo đánh giá tổng thể về hoạt động này trên phạm vi cả nước mà mới chỉ dừng ở phạm vi di tích, theo cách làm riêng của mỗi địa phương.

Nhà chức trách cho biết cả nước có 54.000 di tích các loại/hạng. Tại các di tích này, mỗi năm tổ chức khoảng 9.000 loại lễ hội ; trong đó có khoảng 7.000 lễ hội truyền thống, gần 1.400 lễ hội tôn giáo và hơn 400 lễ hội lịch sử, cách mạng. Tiền công đức vận động từ tín đồ, đạo hữu trong, ngoài nước và do bá tánh phát tâm cúng dường rất lớn nhưng lâu nay nguồn thu này không được kiểm toán, hầu như không bị buộc phải công khai, minh bạch.

Để giải quyết khoảng trống pháp lý đó, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 04/2023/TT-BTC hướng dẫn quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội, có hiệu lực thi hành từ ngày 19/3/2023. Theo văn bản pháp luật này thì tất cả các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo, dù nằm trong phạm vi địa bàn di tích được xếp hạng, được kiểm kê hay không, Nhà nước cũng không quản lý tiền công đức, mà người đại diện cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo tự quyết, tự chịu trách nhiệm.

Dường như đang có ít nhất hai lo ngại từ phía quản lý: tham nhũng tiền công đức, và rửa tiền vì hiện tại các chùa do doanh nghiệp bỏ tiền đầu tư kiểu "dự án tâm linh" đang phát triển theo hướng kinh doanh "bất động sản tâm linh" – chùa Ba Vàng, chùa Bái Đính ở miền Bắc là những đơn cử.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh có tổng số 450 di tích lịch sử – văn hóa, trong đó có 5 di tích quốc gia đặc biệt, 47 di tích cấp quốc gia, 70 di tích cấp tỉnh và 328 di tích đưa vào danh mục kiểm kê của địa phương.

Về thu, chi tiền công đức, tài trợ tại các di tích, năm 2022, tổng số thu là 70,8 tỷ đồng, không bao gồm các khoản công đức, tài trợ bằng hiện vật, công trình xây dựng.

Theo đánh giá của các chủ thể được giao quản lý di tích, năm 2022 là năm thứ ba liên tiếp chịu tác động của đại dịch Covid-19, số thu tiền công đức, tài trợ cả năm 2022 chỉ bằng khoảng 40% đến 60% số thu công đức, tài trợ năm 2019, thời điểm trước khi xảy ra đại dịch. Tổng số chi năm 2022 là 54,4 tỷ đồng.

Trong 4 tháng đầu năm 2023, tổng số thu là 61 tỷ đồng (không bao gồm các khoản công đức, tài trợ bằng hiện vật, công trình xây dựng), gần bằng số thu cả năm 2022. Tổng số chi là 29,4 tỷ đồng.

Chùa Ba Vàng : oan Thị Kính hay còn gì khác ?

Khi tin tức về các số liệu trên được công khai trên báo chí, đặc biệt là trong báo cáo có phần nhận xét rằng, "còn trên 50 di tích tại địa phương không có số liệu báo cáo tiền công đức, trong đó có chùa Ba Vàng (ở Uông Bí) thuộc di tích cấp tỉnh, được đánh giá có số thu công đức tốt", thì lập tức chùa Ba Vàng đã phát đi thông cáo cho rằng việc "báo chí đưa tin chùa Ba Vàng không báo cáo thu chi tiền công đức là hoàn toàn sai sự thật, gây tổn hại đặc biệt nghiêm trọng đến uy tín của chùa Ba Vàng nói riêng và Giáo hội Phật giáo Việt Nam nói chung".

Sáng sớm ngày 24/7/2023, tiếp tục có "Thông cáo số 2 : Chùa Ba Vàng tiếp tục khẳng định việc báo chí đưa tin "chùa Ba Vàng không báo cáo tiền công đức" là thông tin sai sự thật", trong đó có đoạn :

"Giả sử chùa Ba Vàng đã được giao – nhận "văn bản" đó nhưng không báo cáo thì tại sao UBND Thành phố Uông Bí không nhắc nhở, đôn đốc chùa Ba Vàng thực hiện ? Cho đến nay, chùa Ba Vàng không hề được UBND Thành phố Uông Bí nhắc nhở, đôn đốc thực hiện văn bản nào liên quan đến báo cáo thu chi tiền công đức. Giả sử tại thời điểm này, nếu cái gọi là "văn bản" đó được công bố thì cũng là văn bản lần đầu tiên chùa Ba Vàng nhìn thấy và không phải chịu trách nhiệm vì chưa từng biết đến sự tồn tại của nó.

Vì vậy, chùa Ba Vàng tiếp tục khẳng định việc báo chí đưa tin "chùa Ba Vàng không báo cáo tiền công đức" là thông tin hoàn toàn sai sự thật, xuyên tạc, gây hiểu nhầm chùa Ba Vàng không chấp hành pháp luật, làm mất uy tín của chùa Ba Vàng nói riêng và Giáo hội Phật giáo Việt Nam nói chung. Theo quy định tại khoản 4 Điều 40 Luật Báo chí năm 2016, "Cơ quan báo chí, người phỏng vấn và người trả lời phỏng vấn phải chịu trách nhiệm về nội dung thông tin đăng, phát trên báo chí".

Hồ sơ vụ việc hiện có ở nhiều tòa soạn cho thấy, ngày 23/5/2023, UBND thành phố Uông Bí đã có công văn gửi Ban trị sự chùa Ba Vàng với nội dung đề nghị báo cáo việc quản lý tiền công đức tại các di tích lịch sử văn hoá, đình, chùa trên địa bàn thành phố Uông Bí.

Công văn nói rằng trên cơ sở chỉ đạo của UBND tỉnh Quảng Ninh, UBND thành phố Uông Bí đã ban hành Quyết định số 2501/QĐ-UBND ngày 15/5/2023 về việc thành lập Đoàn kiểm tra đối với các di tích lịch sử – văn hoá, đình, chùa trên địa bàn thành phố (ngoài Khu di tích lịch sử và danh thắng Yên Tử đã được Đoàn kiểm tra liên Bộ thực hiện kiểm tra).

UBND thành phố Uông Bí đề nghị Ban Trị sự chùa Ba Vàng báo cáo nội dung quản lý tiền công đức tại chùa trước ngày 15/6/2023, để có cơ sở tổng hợp, báo cáo Sở Tài chính.

Chùa Ba vàng do đại đức Thích Trúc Thái Minh đứng đầu. Ông được nhiều người biết đến trong vụ cúng "oan gia trái chủ" bị báo chí phát giác hồi năm 2019. Báo chí Nhà nước đã có những điều tra được công bố công khai, xác định chùa Ba Vàng đã tổ chức "giải vong" cho hàng ngàn người, thu mỗi năm hàng trăm tỷ đồng từ người đến "thỉnh vong"…

Ngọc Lan

Nguồn : VNTB, 25/07/2023

************************

Thành phố Uông Bí đề nghị Chùa Ba Vàng bổ sung báo cáo về tiền công đức

RFA, 24/07/2023

Thành phố Uông Bí vào ngày 24/7 ban hành công văn đề nghị Chùa Ba Vàng trên địa bàn báo cáo bổ sung công tác quản lý tiền công đức tại chùa theo thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính về công tác trong lĩnh vực này.

congduc1

Chùa Ba Vàng - Dân Trí/BTC

Công văn vừa nêu được công khai trên Cổng thông tin điện tử của Thành phố Uông Bí. Theo công văn này, trước đó Thành phố Uông Bí thực hiện việc thành lập đoàn kiểm tra theo hai công văn : một do Ủy Ban Nhân Dân (UBND) tỉnh Quảng Ninh ký ngày 19/4/2023 và một do Sở Tài chính tỉnh ngày 15/5/2023 về việc báo cáo kết quả kiểm tra quản lý tiền công đức tại các di tích lịch sử-văn hóa, đình chùa theo quy định của Bộ Tài Chính.

Đến ngày 23/5, Thành phố Uông Bí ban hành công văn gửi đến các nơi liên quan, trong đó có Chùa Ba Vàng. Tuy vậy, Ban Trị sự của cơ sở tôn giáo có thu tiền công đức này phản hồi chưa nhận được công văn của Thành phố Uông Bí.

Thành phố Uông Bí cho biết đã chỉ đạo các phòng, ban liên quan kiểm tra quy trình chuyển nhận văn bản giữa các đơn vị ; và nay yêu cầu Chùa Ba Vàng bổ sung báo cáo công tác quản lý tiền công đức.

**************************

Chùa Ba Vàng và Bộ Tài Chính tranh cãi về việc báo cáo tiền công đức

RFA, 23/07/2023

Chùa Ba Vàng không báo cáo vấn đề thu, chi tiền công đức và nại lý do không hề được yêu cầu là không đúng.

congduc2

Các em học sinh tại một khóa tu mùa hè ở Chùa Ba Vàng. Chùa Ba vàng

Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính Hành chính Sự nghiệp (TT-HH-SN) thuộc Bộ Tài chính Việt Nam, bà Vũ thị Hải yến, vào chiều ngày 23/7 khẳng định như vừa nêu với truyền thông Nhà nước.

Theo lời bà Vũ thị Hải Yến, Bộ Tài chính có được thông tin về việc Chùa Ba vàng không báo cáo vấn đề thu, chi tiền công đức dựa trên báo cáo của Ủy ban Nhân dân (UBND) tỉnh Quảng Ninh. Cụ thể vào ngày 23/5, UBND Thành phố Uông Bí ra văn bản về việc kiểm tra quản lý tiền công đức tại các di tích lịch sử- văn hóa, đình chùa trên địa bàn thành phố. Ban Trị sự Chùa Ba Vàng là một trong những nơi nhận văn bản này do UBND Thành phố Uông Bí gửi đi.

Một nội dung trong văn bản gửi cho Ban Trị sự Chùa Ba vàng là trước ngày 15/6 phải có báo cáo nội dung quản lý tiền công đức tại chùa này.

Vào ngày 21/7 vừa qua, Bộ Tài chính gửi báo cáo đến Thủ tướng Phạm Minh Chính và Phó Thủ tướng Lê Minh Khái của Chính phủ Hà Nội về kết quả thực hiện thí điểm công tác kiểm tra việc quản lý tiền công đức tại các di tích lịch sử- văn hóa, đình chùa trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, và đề xuất kế hoạch kiểm tra tương tự trên phạm vi toàn quốc.

Trong báo cáo của Bộ Tài chính, Chùa Ba Vàng là một trong hơn 50 di tích không có dữ liệu báo cáo.

Chùa Ba Vàng liền có thông báo cho rằng không có đoàn điểm tra nào đến cơ sở này để trực tiếp kiểm tra việc thu, chi tiền công đức, cũng như không hề nhận được văn bản nào yêu cầu Chùa Ba Vàng nộp báo cáo thu, chi tiền công đức.

Ban Trị sự Chùa Ba Vàng trong thông báo còn nói báo chí Nhà nước đưa tin về việc cơ sở này không báo cáo thu, chi tiền công đức là hoàn toàn sai sự thật, gây tổn hại nghiêm trọng đến uy tín của Chùa Ba Vàng nói riêng và Giáo hội Phật giáo Việt Nam nói chung.

Chùa Ba vàng do Đại Đức Thích Trúc Thái Minh đứng đầu. Ông được nhiều người biết đến trong vụ cúng "oan gia trái chủ" bị báo chí phát giác hồi năm 2019. Báo Nhà nước đã có những điều tra được công bố công khai, xác định chùa Ba Vàng đã tổ chức "giải vong" cho hàng ngàn người, thu mỗi năm hàng trăm tỷ đồng từ người đến "thỉnh vong".

Sau khi vụ việc bị phát giác, Đại đức Thích Trúc Thái Minh đã bị bãi nhiệm tất cả các chức vụ trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam và phải sám hối đại tăng.

Vào năm 2022, Chùa Ba Vàng lại gây "bão" trên mạng xã hội nhân ngày lễ Vu lan báo hiếu được tổ chức tại chùa. Các hình ảnh và video cho thấy Đại đức Thích Trúc Thái Minh cùng các đệ tử liên tục gom tiền cúng dường của các phật tử nhân lễ này.

Sau đó, giới chức thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh, đã yêu cầu gỡ những video hoạt động cúng dường ở chùa Ba Vàng khỏi mạng xã hội vì gây ảnh hưởng không tốt.

Additional Info

  • Author Phạm Lê Đoan, Ngọc Lan, RFA tiếng Việt
Published in Việt Nam

Theo UBND Thành phố Uông Bí (Quảng Ninh), hàng năm địa phương này được trích lại 4% số tiền công đức tại Khu danh thắng Yên Tử. Trung bình mỗi năm số tiền công đức tại chùa Yên Tử vào khoảng 30 tỉ đồng. Và, với 4% được trích lại, thì mỗi năm, cơ quan nhà nước sẽ nhận được khoảng trên dưới 1 tỉ đồng.

congduc1

Thương mại hóa các hoạt động tâm linh vừa giúp tăng ngân sách nhà nước, vừa làm giàu cho cán bộ tha hoá.

Khi tâm linh được thương mại hóa trở thành nền công nghiệp siêu lợi nhuận

Tại Việt Nam hiện có 18.491 ngôi chùa và hàng chục nghìn ngôi đền, đình, miếu. Mỗi năm có khoảng 9.000 lễ hội diễn ra trên khắp cả nước, như vậy trung bình mỗi ngày trên dãy đất hình chữ S có tới 30 lễ hội. Số tiền mà hàng chục triệu tín đồ mộ đạo, du khách thập phương cúng dường lên tới hàng chục ngàn tỷ. 

Ước tính, những ngôi chùa lớn có thể thu được hàng trăm tỷ đồng mỗi mùa lễ, chùa nhỏ thì cũng thu vài chục tỷ mỗi năm. Ví dụ, tại lễ hội chùa Hương năm 2018, đã đón tổng số khoảng 1.440.000 lượt khách, số tiền thu được là 112 tỷ đồng. Với số tiền cúng dường khổng lồ thu được thì lãnh đạo nhà chùa có thể dễ dàng trở thành triệu phú đô la. Còn nhớ năm 2019, hòa thượng Thích Thanh Toàn (trụ trì chùa Nga Hoàng, huyện Tam Đảo, Vĩnh Phúc) sau khi bị tố "gạ tình nữ phóng viên" đã xin hoàn tục với khối tài sản cá nhân ước tính lên tới 200-300 tỉ đồng (nhờ đi tu).

Có thể nói nền công nghiệp tâm linh tại Việt Nam đang trở nên sôi động và hot hơn lúc nào hết. Một công thức thu tiền công đức dễ thấy nhất là phải xây tượng càng cao, chùa càng to, thì sẽ thu hút được càng nhiều khách thập phương tới cúng bái. Hàng loạt ngôi chùa siêu to khủng lồ như Bái Đính, Tam Chúc, Ba Vàng… được xây dựng nguy nga lộng lẫy còn hơn cung điện của các vương triều phong kiến ngày xưa.

Chẳng những "rộng, to, cao" mà các chùa hiện nay còn có thêm chi nhánh 1, chi nhánh 2, chẳng khác nào doanh nghiệp kinh doanh mở các đại lý phân phối hàng hoá. Trên website chùa Hoằng Pháp (Hóc Môn, Thành phố Hồ Chí Minh) công bố 46 cơ sở chi nhánh trên khắp cả nước. Tâm linh đang được thương mại hóa và dần trở thành một nền công nghiệp siêu lợi nhuận. Đặc biệt hơn nữa, số tiền công đức mà nhà chùa thu được lại không cần kiểm toán, đóng thuế hay báo cáo với cơ quan nào

congduc2

Thích Trúc Thái Minh (trụ trì chùa Ba Vàng) thu tiền cúng dường của người dân

Thí điểm ăn chia nhà chùa nhà nước

Tình hình các cơ sở kinh doanh tâm linh phát triển ồ ạt mà không tạo được nguồn thu cho ngân sách khiến cho nhà cầm quyền buộc phải vào cuộc. Mới đây, Thủ tướng chính phủ cho rằng việc quản lý tiền công đức của nhà chùa trước nay không được công khai, kiểm toán, và người dân cũng không biết số tiền này được sử dụng ra sao. Từ đó, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 04.2023, hiệu lực từ ngày 19/3, hướng dẫn quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội. Lấy thí điểm từ tỉnh Quảng Ninh, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong quý 2/2023.

Thông tư này quy định việc kiểm đếm, báo cáo tiền công đức hàng ngày hoặc hàng tuần ; hình thức chuyển tiền qua tài khoản của nhà chùa tại các ngân hàng, kho bạc nhà nước. Thông tư cũng buộc nơi tiếp nhận công đức bằng giấy tờ có giá hoặc kim khí quý, đá quý phải mở sổ ghi chép. Và nhiều quy định về việc người đại diện cơ sở tôn giáo tự quyết định và chịu trách nhiệm về tiếp nhận, quản lý, sử dụng tiền công đức.

Việc ban hành thông tư quản lý tiền công đức này phần nào giúp giải quyết tình hình "ngân sách nhà nước như dòng sông đã cạn", đồng thời minh bạch các nguồn thu từ tiền công đức. Tuy nhiên trong bối cảnh sâu mọt tham nhũng từ gốc đến ngọn hiện nay, công chức hoàn toàn có thể dễ dàng mốc nối để gian lận, biển thủ phần lớn số tiền này. Cũng có ý kiến cho rằng thông tư này sẽ làm gia tăng vấn nạn "đào núi – phá rừng – xây chùa – dựng tượng".

Theo nhiều nguồn dư luận thì những ngôi chùa lớn hiện nay đều có sự nhúng tay của cán bộ đảng viên cao cấp của Đảng cộng sản. Dân thường hoặc các sư sãi chân chính chỉ cần chặt một cái cây, xây một cái chuồng vịt cũng bị xử lý ; vậy thì ai có thể đào núi, phá rừng để xây dựng những ngôi chùa diện tích hàng chục hecta. Từ đó dẫn tới nhiều bình luận phản đối việc xây chùa thu phí tiếp tay cho tham nhũng này.

Tuy nhiên khi chứng minh được những đóng góp hiệu quả cho ngân sách, thì càng có nhiều lý do để đẩy mạnh quá trình thương mại hóa dịch vụ tâm linh. Một mặt, giúp nhà nước thu thuế từ nhà chùa để tăng ngân sách. Mặt khác, tạo cớ để quan chức thi nhau tiếp tay cho doanh nghiệp sân sau xây chùa dựng tượng làm giàu bằng "các khoản thu gian lận không chính thức". Vậy là, nhờ nền công nghiệp tâm linh mà được một công đôi việc, vừa góp phần vào ngân sách nhà nước, vừa làm giàu cho cán bộ tha hoá.

Trần Quí Thường

Nguồn : VNTB, 19/03/2023

Additional Info

  • Author Trần Quí Thường
Published in Diễn đàn

Cuộc chiến xoay quanh chiếc hòm công đức của nhà chùa không có lời giải đơn giản.

congduc1

Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong buổi viếng chúc mừng ông Nguyễn Xuân Phúc nhậm chức chủ tịch nước vào ngày 13/5/2021. Ảnh : Hoàng Hùng.

Các cuộc khẩu chiến và bút chiến giữa nhà nước và nhà chùa về tiền công đức đang ở nấc thang cao nhất từ trước đến nay.

Nếu dự thảo của Bộ Tài chính được thông qua, nhiều ngôi chùa có doanh thu "khủng" của giáo hội nằm trong các quần thể di tích sẽ bị kiểm soát thu chi khắt khe.

Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã lên án  hành động này của nhà nước là "giải thiêng" tiền công đức.

"Dự thảo […] không hợp hiến, không hợp pháp, không phù hợp với truyền thống văn hóa dân tộc, không tôn trọng niềm tin, giáo lý và lễ nghi tôn giáo", giáo hội khẳng định.

Tuy nhiên, Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo năm 2016  được giáo hội ủng hộ hết mình lại có quy định cấm lợi dụng hoạt động tôn giáo để trục lợi. Căn cứ vào bộ luật này, chính phủ đã ban hành nghị định  giao Bộ Tài chính quản lý tiền công đức vào năm 2018.

Sớm hay muộn, Bộ Tài chính cũng sẽ chạm đến chiếc hòm công đức của nhà chùa. Giáo hội có thể dùng cách nào để hóa giải nan đề này ?

Tai tiếng sắp thành tai họa

Báo chí nhiều năm qua liên tục phanh phui các đền, chùa có dấu hiệu "mờ ám" trong công tác quản lý tiền công đức. Việc này đã gây áp lực không nhỏ lên nhà nước.

Áp lực này ngày một nặng hơn khi các nhà sư thuộc giáo hội lúc nào cũng tay bắt, mặt mừng với các quan chức chính quyền.

Năm 2013, Giáo sư Ngô Đức Thịnh, khi còn là ủy viên của Hội đồng Di sản Quốc gia, cho rằng  có những nơi thu hàng chục tỷ tiền công đức mỗi năm nhưng không được ghi vào sổ sách.

Ông cũng cho biết nhiều đền chùa dù thu được tiền công đức lớn vào thời điểm đó nhưng di tích lại không được tu bổ.

Hiện nay, việc tu bổ các di tích có chuyển biến nhưng vẫn còn tồn tại rất nhiều vấn đề .

Ví dụ gần đây nhất là vào tháng 4/2021, nhà sư trụ trì di tích quốc gia Chùa Đậu ở Hà Nội bị thanh tra  vì tự ý xây dựng công trình bê-tông trong khuôn viên ngôi chùa cổ. Ban Quản lý di tích của ngôi chùa là cán bộ cấp xã bị quy trách nhiệm trong sai phạm này.

Hình ảnh của nhà chùa trong mắt một bộ phận công chúng đã thay đổi theo chiều hướng tiêu cực. Chùa to, tượng cao giờ đây là biểu hiện của "kinh doanh tâm linh" và "chùa BOT".

congduc2

"Khu văn hóa tâm linh Tây Yên Tử" vẫn đang được xây dựng trên diện tích 13,8 ha tại tỉnh Bắc Giang với bốn cụm chùa. Chính quyền tỉnh Bắc Giang hy vọng công trình này có thể mang nguồn thu về du lịch. Ảnh : Báo Công an Nhân dân.

Nhà nước và nhà chùa tại Việt Nam đều đang có những vấn đề rất nan giải.

Xung đột liên quan đến quản lý tiền của các tổ chức tôn giáo không phải là vấn đề của riêng Việt Nam. Đài Loan, nơi khá tương đồng về mặt sinh hoạt tôn giáo với Việt Nam, cũng đang đối mặt với các thách thức tương tự. Tuy nhiên, một số lãnh đạo tôn giáo nước này đã nhìn xa hơn các nhà sư Việt Nam.

Đài Loan : Không để ban hành luật tôn giáo

Người dân Đài Loan có đời sống tâm linh không kém gì người dân Việt Nam. Nếu Việt Nam có 16 tôn giáo chính thức thì Đài Loan có đến 27 tôn giáo chính thức. Tổng số đền chùa ở nước này vào năm 2013 là 12.083. Trong khi đó, theo một bài viết của Vụ trưởng Vụ Phật giáo được đăng trên trang Phật giáo Bình Dương, Việt Nam hiện có khoảng 17.000 ngôi chùa.

Đài Loan cũng gặp thách thức không nhỏ về mặt quản lý với 1.984 quỹ tôn giáo và 2.353 các nhóm tôn giáo dân sự đăng ký hoạt động. Tuy nhiên, nước này không có một bộ luật chung về tôn giáo.

Trong 10 năm qua, các dự thảo bộ luật chung về tôn giáo, trong đó có quy định về kiểm toán và công khai báo cáo tài chính của các đền chùa, tổ chức tôn giáo, vẫn chưa được thông qua.

Các bản dự thảo này trước đây cũng bị các lãnh đạo tôn giáo phản đối vì diễn giải các khái niệm liên quan đến tôn giáo một cách hạn hẹp, hạn chế quyền tự do tôn giáo của công dân.

Những năm 1990, các tôn giáo mới trỗi dậy khiến một số lãnh đạo Phật giáo ở Đài Loan lo sợ ảnh hưởng đến uy tín của Phật giáo. Một số trường hợp lợi dụng tôn giáo để lừa đảo xuất hiện trong thời gian này.

Khi đó, Hòa thượng Tinh Vân (Hsing Yun), trụ trì của ngôi chùa đình đám Phật Quang Sơn tại Cao Hùng, đã ủng hộ ban hành một đạo luật chung để bảo vệ thanh thế của Phật giáo.

Tuy nhiên, các lãnh đạo Phật giáo khác đã phản đối ý định này. Họ cho rằng ban hành luật tôn giáo vì những vụ lừa đảo tôn giáo cá biệt là quá đáng.

Để tránh xảy ra xung đột giữa các nhóm tôn giáo, chính phủ tìm đến giải pháp thực dụng hơn.

Cuối những năm 1990, sau các thảm kịch quốc gia, chính phủ dần dần mở đường cho các tổ chức tôn giáo làm từ thiện. Tiền của công chúng tặng cho các tổ chức tôn giáo quay về với lợi ích công cộng, thông qua hệ thống giáo dục từ mẫu giáo đến đại học, các trường dạy nghề, bệnh viện, các hoạt động cứu trợ nhân đạo, v.v.

congduc3

Một bệnh viện đa khoa Phật giáo Tzu Chi của Tổ chức cứu trợ Phật giáo Tzu Chi tại Hoa Liên, Đài Loan. Tzu Chi (慈濟 – Từ Tế) là tổ chức từ thiện tôn giáo lớn nhất tại Đài Loan. Tổ chức có đến sáu bệnh viện tại Đài Loan với khoảng 8.600 nhân viên y tế. Ảnh : Tzu Chi.

Đài Loan đến nay vẫn không giám sát việc chi tiêu tiền bạc của các tổ chức tôn giáo. Bạn cũng có thể hoạt động tôn giáo tại nhà mà không cần phải đăng ký.

Tuy nhiên, để được miễn thuế thu nhập và các loại thuế liên quan, bạn phải đăng ký với chính quyền và gửi hồ sơ hàng năm về cách thức quản lý hoạt động tài chính (financial operations) chứ không phải là báo cáo tài chính được kiểm toán. Tín đồ sẽ được khấu trừ thuế thu nhập khi ủng hộ tiền, tài sản cho các tổ chức tôn giáo được công nhận.

Các tổ chức tôn giáo có thể sử dụng tiền cho hoạt động tôn giáo hay từ thiện mà không bị chính quyền giám sát, tức là không bị hạch toán. Việc thành lập các tổ chức từ thiện không phải là quy định bắt buộc đối với các tổ chức tôn giáo, nhưng một khi thành lập thì nó phải được quản lý tách biệt khỏi tổ chức tôn giáo. Tiền của tổ chức tôn giáo có thể dùng làm từ thiện, nhưng tiền từ thiện thì không được dùng vào hoạt động tôn giáo.

Việc chính quyền có giám sát các ngôi chùa ở Đài Loan hay không là câu chuyện chưa ngã ngũ. Báo cáo về các hoạt động thâm nhập và gây ảnh hưởng của Trung Quốc vào các đền chùa ở Đài Loan tiếp tục hâm nóng vấn đề công khai tài chính tại các cơ sở tôn giáo nước này trong năm 2020.

Nhiều nước khác : Tổ chức tôn giáo phải hạch toán

Khác với Đài Loan, các tổ chức tôn giáo ở Canada phải chấp hành thủ tục giám sát tài chính của nhà nước dành cho các tổ chức phi lợi nhuận (những tổ chức hoạt động không vì lợi nhuận, tất cả hoạt động đều hướng đến một cộng đồng cụ thể).

Các tổ chức này nếu có nguồn thu được đóng góp từ đại chúng (public sources) vượt quá 10.000 đô-la Canada sẽ phải trải qua quá trình hạch toán, nộp báo cáo tài chính, chịu giới hạn về nơi thanh lý tài sản, v.v.

Chính phủ cho rằng quy định trên nhằm đảm bảo công khai, minh bạch cho các khoản thu của tổ chức, nghĩa là bạn có thể yên tâm hơn khi đóng góp tài chính cho những tổ chức này vì họ đã được chính phủ giám sát.

Tùy theo mức thu nhập mà các tổ chức tôn giáo với phạm vi hoạt động liên bang phải chịu các thủ tục giám sát cụ thể. Nhìn chung, các tổ chức tôn giáo phải thuê một kế toán công theo tiêu chuẩn của nhà nước để tiến hành kiểm toán.

Các tổ chức tôn giáo nước này không được tự động miễn thuế thu nhập như ở Mỹ, trừ khi đăng ký hoạt động từ thiện với nhà nước.

Một lợi ích khác khi tổ chức tôn giáo đăng ký hoạt động từ thiện tại Canada là được cấp biên lai khấu trừ thuế thu nhập cho người đóng góp.

Tại Mỹ, hoạt động tôn giáo được coi là một trong những lĩnh vực từ thiện đại chúng (public charity). Cục Thuế vụ miễn thuế thu nhập liên bang cho nhà thờ và các tổ chức tôn giáo nếu đủ điều kiện theo chính sách 501(c)(3) dành cho các tổ chức phi lợi nhuận.

Khác với các tổ chức phi lợi nhuận, các nhà thờ và tổ chức liên kết nhà thờ của Mỹ được miễn điền tờ khai 990 hàng năm của Cục Thuế vụ. Tức là họ không cần kê khai hàng năm về thu, chi tài chính.

Tại Hàn Quốc, dưới làn sóng chỉ trích nặng nề của công chúng đối với thu nhập khủng của các lãnh đạo tôn giáo, chính phủ nước này lần đầu sau 70 năm đã quyết định đánh thuế thu nhập lên tất cả những người hoạt động tôn giáo, kể từ tháng 1/2018.

Tờ Nikkei Asia cho biết, dù bị đánh thuế, các chức sắc, nhân viên của tổ chức tôn giáo tại Hàn Quốc vẫn có thể trả thuế thu nhập thấp hơn người dân bình thường.

Đài Loan, Hàn Quốc, Mỹ hay Canada là mô hình thích hợp cho Việt Nam ? Câu hỏi tưởng chừng đơn giản lại hóa ra rất phức tạp.

Việt Nam : Nhập nhằng quan hệ nhà chùa và nhà nước

Tôn giáo có sức ảnh hưởng mạnh mẽ đến công chúng. Một khi chính quyền (do một đảng phái lãnh đạo) quản lý tôn giáo thì cũng đồng nghĩa với việc tạo ra ảnh hưởng chính trị, ví dụ như thiên vị tổ chức tôn giáo này hơn tổ chức tôn giáo khác, từ đó củng cố quyền lực của mình.

Một trong những lý do Đài Loan không ra luật chung về tôn giáo là nhiều thành viên Viện Lập pháp (Quốc hội) không ưa việc chính quyền can thiệp vào vấn đề tôn giáo. Nguyên tắc của các thể chế dân chủ là tôn giáo và nhà nước cần tách biệt với nhau.

Trái lại, ở những thể chế toàn trị, kịch bản ưa thích của nhà cầm quyền là tôn giáo phải phục vụ mục tiêu chính trị.

Theo Giáo sư André Laliberté, trường Đại học Ottawa, Canada, để kiểm soát các đối thủ chính trị, các thể chế toàn trị thường để các quan chức có trách nhiệm giám sát hoạt động tôn giáo, từ đó cùng với các lãnh đạo tôn giáo duy trì một trật tự có lợi cho các bên.

Chính quyền Việt Nam cũng không thể cưỡng lại xu hướng này.

Chính quyền Việt Nam duy trì mối quan hệ nhập nhằng với các tổ chức tôn giáo. Ví dụ dễ thấy nhất là các chức sắc được sắp xếp ứng cử đại biểu Quốc hội, cơ sở tôn giáo chỉ được xây dựng trên đất nhà nước cấp, các hoạt động phong phẩm, bổ nhiệm chức việc phải được chính quyền đồng ý, v.v.

congduc4

Ông Xuân Thủy, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội đồng Nhà nước, tại hội nghị thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam năm 1981 tại Hà Nội. Từ đây, Phật giáo bị chia rẽ thành hai giáo hội (Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất). Ảnh : Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Chỉ quan sát trên báo chí cũng đủ thấy Giáo hội Phật giáo Việt Nam thường xuyên thể hiện mối quan hệ thân thiết, đồng thuận cao với các quyết định của chính quyền. Giáo hội có sự bảo trợ đặc biệt từ nhà nước. Vì vậy, những vụ tai tiếng liên quan đến tiền công đức tại các ngôi chùa cũng ảnh hưởng đến uy tín của nhà nước.

Về tiền công đức, chính quyền Việt Nam áp dụng mô hình giao cho chính quyền địa phương quản lý di tích nói chung và nhà chùa nói riêng. Mỗi địa phương gần như có toàn quyền trong việc quản lý di tích.

Giáo sư Ngô Đức Thịnh cũng thừa nhận vấn đề này khi ông khẳng định một số cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo phải gây dựng quan hệ với chính quyền để đạt được lợi ích.

"Và muốn vụ lợi như vậy thì họ bằng nhiều cách lắm, kể cả việc họ có thể dựa vào lực lượng của chính quyền hay các nhà quản lý", giáo sư Thịnh nói với BBC News Tiếng Việt vào năm 2013.

congduc5

Sau 36 năm thành lập, vào năm 2016, Giáo hội Phật giáo Việt Nam được nhà nước trao tặng Huân chương Lao động Hạng nhất. Ảnh : Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Sự ra đời của nghị định năm 2018, giao Bộ Tài chính quản lý tiền công đức tại các di tích, rồi đến việc ban hành dự thảo thông tư gần đây, tất cả đều vấp phải phản ứng kịch liệt của giáo hội. Điều đó cho thấy thỏa thuận lợi ích giữa hai bên đang bị lung lay.

Nhà chùa có thể hóa giải nan đề này ?

Dự thảo gần gây của Bộ Tài chính dù chỉ nhắm đến các di tích nhà chùa nhưng tạo ra một vấn đề lớn cho Giáo hội Phật giáo.

Nếu dự thảo được thông qua, việc tổ chức quản lý tiền công đức tại các di tích sẽ được thống nhất, chính quyền địa phương khó có thể tự duy trì trật tự của riêng mình.

Tuy nhiên, bản dự thảo này không phải là vấn đề duy nhất của giáo hội.

Một mặt, giáo hội vẫn duy trì được một số lượng lớn tín đồ ủng hộ, ví dụ như có đến 1.333 ý kiến của Phật tử gửi đến Bộ Tài chính phản đối quy định quản lý tiền công đức. Mặt khác, cũng có một số lượng đáng kể công chúng nghi ngờ các hoạt động của nhà chùa.

Chính quyền có đang làm ngơ để các nhà sư tư lợi với tiền công đức hay không ? Đây là câu hỏi phổ biến trong công chúng.

Việc sử dụng tiền công đức như thế nào vẫn là một vấn đề chưa có lời giải. Nhà chùa sử dụng tiền công đức chỉ để dựng lên các đền đài hay nên dùng cho các hoạt động từ thiện, đâu mới là cách thức chi tiêu hợp lý ?

Nhà nước có thể không thích nhà chùa tham gia mạnh mẽ vào các hoạt động từ thiện vì lo ngại khả năng tôn giáo gia tăng ảnh hưởng đến công chúng. Tuy nhiên, công chúng chắc chắn sẽ ủng hộ việc này, và thanh thế đang dần mờ nhạt của nhà chùa có thể sẽ được cải thiện.

Mặt khác, quản trị một số lượng chùa chiền đồ sộ là một trong những thách thức của giáo hội. Thách thức này có lẽ tạo ra lỗ hổng về quản lý khiến các vụ việc liên quan đến tiền công đức bị báo chí phanh phui ngày càng phổ biến.

Thử so sánh cách thức quản lý giữa Phật giáo và Công giáo tại Việt Nam. Giáo hội Công giáo có mô hình quản lý chặt chẽ, với khoảng 4.500 giáo xứ (số liệu năm 2018). Các giáo xứ này được phân quyền quản lý theo 3 giáo tỉnh và 27 giáo phận. Trong khi đó, Giáo hội Phật giáo Việt Nam hiện có đến 14.500 ngôi chùa được phân quyền quản lý đến 63 tỉnh, thành. Trước năm 1975, Phật giáo khi thống nhất đã được phân quyền quản lý theo các miền của riêng mình.

Sau cùng, Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo năm 2016 là rào cản lớn nhất đối với Phật giáo. Bộ luật này cho Phật giáo một địa vị đáng kể khi loại bỏ các giáo phái mới đang trỗi dậy vô cùng mạnh mẽ ở Việt Nam. Tuy nhiên, đây cũng chính là chiếc vòng kim cô mà chính quyền dựa vào để quản lý mọi hoạt động tôn giáo. Chiếc vòng này khó có thể dùng kinh phật mà tháo ra được.

Văn Tâm

Nguồn : Luật Khoa, 26/07/2021

Additional Info

  • Author Văn Tâm
Published in Diễn đàn

Lời tòa soạn : Sau tháng 4/1975, tất cả các giáo hội tôn giáo ở miền Nam hoặc bị giải tán hoặc bị kềm chế để không có thể hành đạo được. Riêng Giáo hội Phật giáo Việt Nam, còn gọi là Giáo hội Phật giáo quốc doanh, có toàn quyền sinh hoạt trong mọi lễ hội Phật giáo. Có thể nói Giáo hội Phật giáo Việt Nam được coi là đứa con cưng của chế độ cộng sản và mọi ưu đãi được dành cho giáo hội này. Nhiều chùa chiền, tượng hình và cơ sở Phật giáo lớn được xây dựng một cách nguy nga và đồ sộ như là cửa hiệu về quyền tự do tôn giáo ở Việt Nam.

Có một sự thật ít được biết đến là Giáo hội Phật giáo Việt Nam đặt dưới quyền lãnh đạo của Bộ Nội vụ và các chức sắc lãnh đạo đều do Bộ Công an chuẩn y và bổ nhiệm. Như vậy có thể nói gần như toàn bộ các vị sư trụ trì và quản lý chùa đều là cán bộ công an mặc áo cà sa.

Gần đây nảy sinh phong trào xây dựng những khu du lịch tâm linh mà những nhà đầu tư chính không ai khác hơn là những cán bộ đảng viên cao cấp trong Đảng cộng sản Việt Nam. Số tiền thu được từ những chùa chiền lớn và khu du lịch tâm linh này rất là đáng kể, và đây mới chính là vấn đề. Ai quản lý số tiền khổng lồ này, và được phân phối ra sao ? Chỉ Bộ Chính trị và Bộ Công an mới biết.

Việt Nam đang trải qua cơn đại dịch Covid, tất cả mọi sinh hoạt kinh tế và xã hội đều bị đình trệ, chính quyền mất nguồn thu cho ngân sách và đang gặp khó khăn lớn trong việc trả lương cho lực lượng công nhân viên chức nhà nước hàng tháng. Để giải quyết, Bộ Tài chính muốn sử dụng nguồn "tiền công đức" trong các chùa chiền thuộc Giáo hội Phật giáo quốc doanh có thể lên đến hàng trăm ngàn tỷ đồng, nghĩa là một số tiền rất lớn dư sức trả lương cho guồng máy công chức, an ninh và vũ trang.

Thật ra đòi hỏi của Bộ Tài chính rất là khiêm nhường. "Tiền công đức" trong các chùa chỉ là phần nổi của tảng băng, nó giống như tiền "boa" (tip/pourboire) để cảm ơn một dịch vụ đã cung cấp, một loại tiền vào cửa. Nguồn thu chính của các chùa là các buổi lễ cầu siêu (càng lâu, càng đông sư sãi thì càng đắt tiền), tiền lưu giữ tro cốt, tiền bán hoa và nhang đèn, tiền thuê cơ sở và chỗ bán đồ kỷ niệm, nhất là những khoảng "tiền công đức ký danh" (có ghi tên người cúng). Đề nghị của Bộ Tài chính có thể là chính đáng dưới con mắt của Đảng cộng sản vị chùa chỉ là những cơ sở vật chất do Đảng quản lý, nhưng những nhà sư, dù là sư quốc doanh, không hiểu như thế. Tất cả những số tiền đóng góp cho chùa la của họ và phải do họ quản lý. Điều này cho thấy, trước đồng tiền không ai chịu nhường ai, dù là công an giả dạng tu sĩ.

Chúng tôi đăng lại dưới đây những bài viết của Văn Tâm, Thái Thanh, Nguyên Vũ trên trang mạng Luật Khoa Tạp chí. Quí độc giả có thể liên lạc và ủng hộ Luật Khoa tạp chí qua địa chỉ : Cette adresse e-mail est protégée contre les robots spammeurs. Vous devez activer le JavaScript pour la visualiser..

NVH/TL

chua1

Lễ Khai hội chùa Bái Đính Xuân Canh Tý 2020 diễn ra với nhiều nghi lễ truyền thống. Ảnh : Đức Phương - TTXVN 

-----------------------

"Tiền công đức" : Vì sao nhà nước giằng co với nhà chùa

Văn Tâm, Luật Khoa, 17/07/2021

Lần hiếm hoi nhà chùa dùng Hiến pháp để đấu lý với nhà nước.

tien1

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự lễ khai mạc Lễ Phật đản năm 2019. Ảnh : Báo Chính phủ.

Từ cuối tháng 4/2021, một bản dự thảo thông tư của Bộ Tài chính liên quan đến tiền công đức đã nhận về hơn 1.333 góp ý, phần lớn là sự phản đối gay gắt từ giới Phật tử.

Dự thảo Thông tư hướng dẫn quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội nếu được bộ này thông qua sẽ thay đổi 180 độ về việc quản lý tiền công đức tại các ngôi chùa.

Một trong những quy định mà các nhà sư và giới Phật tử không tán thành là tiền công đức "không thuộc sở hữu cá nhân", tức là không thuộc sở hữu của các nhà sư.

Hòa thượng Thích Thanh Quyết, một chức sắc Phật giáo cao cấp và cũng là người từng bị chính quyền cho rằng giữ bí mật một phần tiền công đức tại chùa Yên Tử, đã trực tiếp lên tiếng phản đối dự thảo với Bộ Tài chính trước cả Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

"Tiền công đức được để lại toàn bộ cho cơ quan, đơn vị… quản lý và sử dụng di tích" là "không hợp hiến, hợp pháp", Hòa thượng Thích Thanh Quyết khẳng định.

tien2

Hòa thượng Thích Thanh Quyết cùng lãnh đạo tỉnh Bắc Giang tham gia lễ dựng cột chùa Tây Yên Tử tại huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang. Ảnh : Báo Bắc Giang.

Giáo hội Phật giáo Việt Nam thì nói rằng Bộ Tài chính đã không chủ động lấy ý kiến của giáo hội về dự thảo thông tư này, trong khi nó nhắm thẳng vào Phật giáo.

Dự thảo này có phải bất thình lình rơi xuống ? Vì sao lại có chuyện nhà nước giằng co tiền công đức với nhà chùa ?

Đối thoại không thành, ra nghị định, thông tư quản lý

Tranh chấp liên quan đến tiền công đức không phải là chuyện gì mới.

Tiền công đức là gì ? Theo cách hiểu xưa nay, đó là tiền do người đi chùa đóng góp, phổ biến nhất là tiền trong các hòm công đức. Tiền giọt dầu trên các bàn thờ Phật cũng được xem là tiền công đức.

Chính quyền một số tỉnh, thành từng đề nghị các ngôi chùa có doanh thu "khủng" phải công khai đầy đủ về thu, chi tiền công đức với chính quyền địa phương và các ban quản lý di tích, nhưng đều bị các nhà sư khước từ. Trong số các nhà sư này, không thể không nhắc đến Hòa thượng Thích Thanh Quyết.

Hòa thượng Thích Thanh Quyết là người dẫn đầu trong các cuộc tranh luận về quản lý tiền công đức. Điều này cũng dễ hiểu vì ông là trụ trì của những ngôi chùa ăn nên làm ra, trong đó có chùa Phúc Khánh tại Hà Nội, nổi tiếng với hoạt động cúng sao giải hạn, và đặc biệt hơn cả là chùa Yên Tử, nơi vua Trần Nhân Tông thành lập một dòng tu Phật giáo. Ngày nay, chùa Yên Tử là nơi hành hương nổi tiếng, thu hàng chục tỷ tiền công đứcmỗi năm.

Trong một lần tranh luận mới đây, Hòa thượng Thanh Quyết khẳng định Bộ Tài chính không có chức năng quản lý tiền công đức của nhà chùa.

Tuy nhiên, chắc ông không để ý đến một nghị định được ban hành vào năm 2018 đã trao quyền kiểm soát tiền công đức tại các di tích cho Bộ Tài chính.

Nghị định này được ban hành không lâu sau cuộc tranh cãi về quản lý tiền công đức ở ngôi chùa do Hòa thượng Thích Thanh Quyết trụ trì.

Vào tháng 3/2018, chính quyền thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh, cho rằng chùa Yên Tử công khai tiền công đức trong các hòm hàng năm nhưng tiền giọt dầu trên bàn thờ Phật thì giữ bí mật. Chính quyền đã cố gắng liên hệ với giáo hội để xin thông tin nhưng bất thành.

Mặt khác, cũng theo chính quyền, chùa Yên Tử chỉ trích 4% trong tổng số tiền công đức hàng năm cho Ban Quản lý Di tích và Rừng quốc gia Yên Tử, cùng với tiền hỗ trợ tổ chức lễ hội khoảng 400 đến 500 triệu đồng. Trong khi đó, nhà nước mỗi năm bỏ đến hơn 10 tỷ đồng để bảo vệ an ninh, chăm sóc rừng, bảo trì đường sá lên chùa, v.v.

tien3

Lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam và đại diện chính quyền dự khai hội Yên Tử năm 2018. Ảnh : VOV. Chú thích : Luật Khoa.

Đến tháng 8/2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ban hành Nghị định 110/2018/NĐ-CP quy định về quản lý và tổ chức lễ hội. Theo Điều 19.6 của Nghị định, "Bộ Tài chính hướng dẫn sử dụng việc quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội".

Dự thảo thông tư mà Bộ Tài chính đang lấy ý kiến không phải bất thình lình rơi xuống để bọc lấy các hòm công đức. Nó chính là quy định thi hành Điều 19.6 vừa nêu trên.

Tiền công đứclớn đến cỡ nào ?

Phật giáo là tôn giáo có số cơ sở tôn giáo nhiều nhất cả nước. Một cán bộ của Ban Tôn giáo Chính phủ dẫn thông tin của Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho biết Phật giáo có khoảng 17.000 ngôi chùa, trong đó khoảng 14.500 ngôi chùa thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Hiển nhiên, số tiền công đức thu được ở các ngôi chùa cao thấp khác nhau. Giáo hội chưa từng công bố thông tin về tổng số tiền công đức. Dưới đây là một vài lát cắt về nguồn thu này.

Năm 2017, có khoảng 500.000 người viếng đền Cửa Ông, di tích cấp quốc gia đặc biệt ở Quảng Ninh, thu về số tiền công đức khoảng 35 tỷ đồng.

Theo chính quyền tỉnh Quảng Ninh, di tích cấp quốc gia đặc biệt Yên Tử có khoảng 2 triệu khách viếng vào năm 2017. Báo Lao Động cho biết chùa Yên Tử cùng năm đó thu về khoảng 17,5 tỷ đồng ; năm cao nhất trước đó thu về khoảng 31 tỷ đồng.

Tuy nhiên, chính quyền thành phố Uông Bí đã đặt nghi vấn về số tiền công đức thực sự ở chùa Yên Tử.

Theo chính quyền, từ năm 2007 đến năm 2018, chùa Yên Tử đã chi gần 500 tỷ đồng riêng cho việc xây dựng các công trình Phật giáo. Trong khi đó, số tiền công đức mà nhà chùa công khai trong khoảng thời gian đó chỉ khoảng 242 tỷ đồng.

tien4

Tượng Phật Hoàng Trần Nhân Tông, có kinh phí xây dựng 120 tỷ đồng, là một trong những công trình mà chính quyền tỉnh Quảng Ninh liệt kê để đánh giá tiền công đức tại chùa Yên Tử. Ảnh : TTXVN.

Theo thống kê của Luật Khoa, trong số 119 di tích cấp quốc gia đặc biệt hiện nay, có 15 chùa được công nhận trực tiếp, và ít nhất 13 ngôi chùa khác nằm trong các quần thể di tích cấp quốc gia đặc biệt.

Đối với di tích cấp quốc gia, Phật giáo hiện nay có gần 500 ngôi chùa đã được xếp hạng.

Việc Bộ Tài chính ra dự thảo thông tư gây tranh cãi có thể nhằm kiểm soát và thống kê con số tiền công đức một cách chính xác, vì họ cũng không biết số tiền này lớn đến đâu. Vấn đề là nhà nước có thật sự cần biết và kiểm soát tiền công đức ?

Ban quản lý di tích có nên quản luôn tiền công đức ?

Phật giáo có một số lượng lớn các ngôi chùa là di tích hoặc nằm trong các khu di tích được xếp hạng như vừa nêu. Những ngôi chùa này trước hết do nhà sư trụ trì quản lý. Bên cạnh đó, để đảm bảo di tích được gìn giữ theo Luật Di sản và các quy định liên quan thì còn có các ban quản lý di tích thường do nhà nước thành lập.

Đó chính là mắt xích giúp chính quyền nhúng bàn tay của mình vào hòm công đức.

Các ban quản lý của nhà nước dùng nguồn thu từ di tích để quản lý, sửa chữa, và duy trì di tích. Nguồn thu này cơ bản đến từ ba nguồn : phí tham quan, ngân sách nhà nước và nguồn xã hội hóa (tài trợ, tiền công đức, v.v.).

Nhiều ngôi chùa là di tích hoặc chùa nằm trong quần thể di tích thường có tiền công đức rất lớn. Chính quyền và các ban quản lý di tích cho rằng nguồn thu này chưa được quản lý, sử dụng hiệu quả vì nhà chùa toàn quyền kiểm soát.

Một số ủy ban nhân dân cấp tỉnh khi ban hành quy chế về quản lý di tích đã xem tiền công đức là nguồn thu xã hội hóa. 

Thành phố Hải Phòng quy định tiền công đức là nguồn thu xã hội hóa. Theo đó, nguồn thu này "phục vụ các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di tích", và phải chịu sự kiểm tra, giám sát của chính quyền.

Tỉnh Quảng Nam quy định sử dụng nguồn thu xã hội hóa ở các di tích rất rõ ràng : "nguồn xã hội hóa được tiếp nhận, quản lý, sử dụng […] trang trải các chi phí : Điện ; nước ; hương đèn ; vệ sinh ; đón tiếp khách tham quan ; bảo vệ, trông coi, bảo quản, tu bổ di tích, hoạt động từ thiện…".

Dù quy định như vậy nhưng trong thực tế, quyền hạn kiểm soát tiền công đức của chính quyền địa phương hay ban quản lý di tích không có tác động tới nhà chùa.

Đây có thể là lý do khiến dự thảo thông tư của Bộ Tài chính quy định rõ tiền công đức không thuộc sở hữu của các cá nhân (như trụ trì chùa). Đồng thời, dự thảo cũng quy định về việc kiểm soát toàn bộ tiền công đức từ khâu tiếp nhận đến việc sử dụng, như sử dụng hai khóa khác nhau, mở tài khoản cho tiền công đức, nội dung và mức chi tiêu bằng tiền công đức, v.v. 

tien5

Trụ sở Bộ Tài chính – cơ quan soạn thảo dự thảo thông tư liên quan đến tiền công đức của nhà chùa. Ảnh : VnExpress.

Nếu dự thảo này được thông qua, các nhà sư sẽ rời vào tình thế cầm tiền trong tay nhưng không được định đoạt chi tiêu. Điều này khiến giáo hội phải lên tiếng.

Giáo hội Phật giáo Việt Nam tuyên bố dự thảo thông tư của Bộ Tài chính đã đánh đồng giữa hai loại tiền công đức của nhà chùa và tiền tài trợ cho di tích, hoạt động lễ hội của ban quản lý di tích. Giáo hội sẽ kiên quyết bảo đảm tiền công đức chỉ do giáo hội và các nhà tu hành sở hữu và định đoạt.

Đáp lại sự phản ứng gay gắt của giáo hội và giới Phật tử, Bộ Tài chính khẳng định "dự thảo thông tư phù hợp với các quy định của pháp luật […] chứ không nhằm quản lý, thu hồi về ngân sách nhà nước hay can thiệp vào hoạt động nội bộ của tổ chức, cơ sở".

Đây có lẽ là cuộc giằng co gay gắt nhất giữa nhà chùa (Giáo hội Phật giáo Việt Nam) và nhà nước khi hai bên nhất quyết giành lấy chiếc hòm công đức.

Văn Tâm

Nguồn : Luật Khoa, 17/07/2021

************************

Tôn giáo tháng 6/2021 : Giáo hội Phật giáo Việt Nam quyết liệt bảo vệ tiền công đức

Thái Thanh, Luật Khoa, 15/07/2021

Phật tử, Giáo hội Phật giáo Việt Nam phản đối dự thảo thông tư của Bộ Tài chính về việc quản lý tiền công đức 

tien6

Phật tử Việt Nam (trái), Thời báo Tài chính. Xử lý ảnh : Luật Khoa.

Dự thảo thông tư của Bộ Tài chính được công bố vào ngày 28/4/2021 liên quan đến quản lý tiền công đức đã vấp phải sự phản đối kịch liệt từ Phật tử và Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Dự thảo này nhằm hướng dẫn quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội.

Hai vấn đề bị phản đối nổi bật của bản dự thảo liên quan đến tiền công đức, cụ thể là :

1) không cho phép sở hữu cá nhân đối với tiền công đức và

2) can thiệp vào việc quản lý tài chính (yêu cầu tổ chức tôn giáo phải mở tài khoản, quy định các khoản thu, chi ; yêu cầu báo cáo với nhà nước về các vấn đề tài chính liên quan đến tiền công đức).

Nhiều Phật tử đã góp ý về bản dự thảo này ngay trên trang web của Bộ Tài chính. Họ cho rằng việc cho, tặng tiền, tài sản cho các cơ sở thờ tự, nhà tu hành là quyền của họ và không đồng ý cho bên thứ ba nào can thiệp vào việc sử dụng và quản lý.

tien7

Người đi chùa bỏ tiền vào hòm công đức. Ảnh : Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Hội đồng Trị sự của Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho biết họ không được Bộ Tài chính lấy ý kiến trước về bản dự thảo.

Trong bản kiến nghị ngày 17/6/2021, Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho rằng nội dung dự thảo không hợp hiến, không hợp pháp, không đảm bảo quyền sở hữu. Ngoài ra, dự thảo còn "không bảo đảm sự bình đẳng của các tôn giáo trước pháp luật" khi dùng cách gọi "tiền công đức", vốn là thuật ngữ chỉ phổ biến ở Phật giáo.

Giáo hội Phật giáo cho rằng tiền công đức phải là sở hữu riêng của giáo hội và nhà tu hành thuộc giáo hội.

Giáo hội đề nghị nhà nước phải hủy bỏ toàn bộ các quy định về thu chi, quản lý tiền công đức, hoặc phải quy định rõ về tiền công đức đồng thời cam kết nhà nước sẽ không quản lý tiền công đức của các tổ chức, cơ sở tôn giáo và nhà tu hành.

Trong cuộc họp với Ban Tôn giáo Chính phủ vào ngày 30/6/2021, Bộ Tài chính cho biết dự thảo của họ phù hợp với quy định của pháp luật liên quan, và không có ý can thiệp vào nội bộ của các tổ chức, cơ sở tôn giáo.

Hội nghị trực tuyến về cơ chế quản lý, sử dụng đất cho mục đích tôn giáo

Vào ngày 3/6/2021 trong một cuộc họp với Ban Kinh tế Trung ương và Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ban Tôn giáo Chính phủ cho biết các vấn đề đất đai tôn giáo ngày càng phức tạp và cần những chính sách mới.

Theo báo cáo của Ban Tôn giáo Chính phủ, Luật Đất đai 2013 còn nhiều vướng mắc, bất cập trong việc quản lý đất đai của các tổ chức tôn giáo như về quy trình giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, việc sử dụng đất cho các hoạt động an sinh xã hội, xây dựng khu du lịch tâm linh, giải quyết mâu thuẫn về đất đai, v.v. 

Báo cáo này thừa nhận chính sách đất đai hiện tại "chưa có hướng giải quyết đối với đất đai tôn giáo phát sinh, trong khi xu thế của tôn giáo là phát triển, nên nhu cầu đất cho mục đích tôn giáo là có thực".

Theo Ban Tôn giáo Chính phủ, hiện nay có khoảng 29.801 cơ sở tôn giáo, tăng 5.801 cơ sở so với năm 2008, nhưng quỹ đất dành cho tôn giáo lại không tăng.

Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo năm 2016 và Luật Đất đai năm 2013 đang trong giai đoạn tổng kết. Đây là cơ hội cải tổ về chính sách đất đai cho các tổ chức tôn giáo.

Chính sách về đất đai là một trong những vấn đề hàng đầu về tự do tôn giáo ở Việt Nam. Dù đã có nhiều thay đổi về chính sách đất đai nói chung, nhưng chính quyền vẫn duy trì một chính sách mang tính phân biệt đối xử với các tổ chức tôn giáo.

Ngày kỷ niệm sáng lập Phật giáo Hòa Hảo : Công an tiếp tục lập chốt chặn an ninh tại trụ sở

Ngày 26/6/2021, ông Lê Quang Hiển, chức sắc thuộc Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo Thuần túy, cho biết công an tiếp tục lập chốt chặn an ninh như mọi năm để ngăn người đến trụ sở của giáo hội tại xã Long Giang (huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang) để dự lễ kỷ niệm ngày sáng lập.

tien8

Ảnh chụp các chốt chặn trước trụ sở Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo thuần túy. Nguồn : Facebook Lê Quang Hiển.

Chưa có báo cáo nào về hoạt động sách nhiễu của công an đối với các tín đồ của Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo Thuần túy.

Việc công an lập chốt chặn ngay tại trụ sở của Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo Thuần túy là hoạt động diễn ra thường xuyên vào các ngày lễ lớn để ngăn cản tín đồ tập trung.

Không chỉ đối với giáo hội, lực lượng an ninh cũng thường xuyên ngăn cản hoạt động sinh hoạt tôn giáo tại các cơ sở Phật giáo Hòa Hảo độc lập và nhà riêng của tín đồ. Các nhóm này bị chính quyền xem là tổ chức tôn giáo bất hợp pháp nên không được sinh hoạt tôn giáo tập trung.

Công an tỉnh Tuyên Quang : Vận động người dân không theo "tà đạo" Dương Văn Mình

Đầu tháng 6/2021, Công an tỉnh Tuyên Quang cho biết họ đã ra sức vận động 80 hộ dân người Mông ở thôn Cao Đường, xã Yên Thuận, huyện Hàm Yên không theo "tà đạo" Dương Văn Mình.

Công an tỉnh này cho rằng Việt Nam tôn trọng tự do tôn giáo, tín ngưỡng nhưng cũng nghiêm khắc xử lý hoạt động cuồng tín, trái với lợi ích của quốc gia, lôi kéo quần chúng chống chính quyền xã hội chủ nghĩa.

tien9

Một buổi vận động người dân không theo "tà đạo". Ảnh : Công an tỉnh Tuyên Quang.

Đạo Dương Văn Mình ra đời vào những năm 1980, trong đó chủ yếu là hoạt động cải biến các nghi lễ truyền thống cổ xưa của người Mông theo hướng tiến bộ hơn.

Đạo này thường xuyên xuất hiện trong các báo cáo quốc tế về tự do tôn giáo tại Việt Nam liên quan đến các vụ việc bị công an tấn công, tháo dỡ cơ sở thờ tự, sách nhiễu, trừng phạt tín đồ bằng án tù, v.v.

Theo Báo cáo Tự do Tôn giáo Quốc tế về Việt Nam năm 2020 của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, các lãnh đạo của đạo Dương Văn Mình cho biết chính quyền đã cho phép dùng một số "nhà đòn" để cất chứa dụng cụ làm tang lễ. [8] Nhà đòn là tên gọi của một trong những nơi sinh hoạt tôn giáo của đạo này mà chính quyền từng kiên quyết dỡ bỏ. Hơn 19 căn nhà đã bị tháo dỡ vào năm 2019.

Tuy nhiên, bài viết của Công an tỉnh Tuyên Quang cho thấy chính quyền kiên quyết chống đạo Dương Văn Mình. Bài viết gọi đạo này là tà đạo, thế lực thù địch, tổ chức bất hợp pháp và kiên quyết không để người dân tham gia.

Cách gọi này không chỉ áp dụng cho đạo Dương Văn Mình mà còn đối với nhiều tôn giáo mới đang nổi lên như một làn sóng đáng chú ý tại Việt Nam.

BPSOS : Giáo dân giáo xứ Cồn Dầu đã an cư như mong muốn sau 10 năm đấu tranh

Sau 10 năm đấu tranh gian khổ, giáo dân giáo xứ Cồn Dầu (thành phố Đà Nẵng) đã được chính quyền cho phép an cư xung quanh khu vực nhà thờ như mong muốn.

Tổ chức nhân quyền BPSOS cho biết đầu năm nay, chính quyền đã quy hoạch 170 lô đất quanh nhà thờ để các hộ dân từng tranh đấu được an cư như mong muốn của họ. Đã có khoảng 100 lô đất được cấp cho 50 hộ dân.

tien10

Dãy nhà của giáo dân đang xây quanh nhà thờ Cồn Dầu vào ngày 21/05/2021. Ảnh : Mach Song Media.

Sự kiện giáo xứ Cồn Dầu nổi lên vào năm 2010 khi chính quyền thành phố Đà Nẵng kiên quyết giải tỏa 4 thôn tại xã Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ, trong đó có thôn Công giáo Cồn Dầu, để xây dựng một khu du lịch sinh thái.

Quyết định giải tỏa không đạt được sự đồng thuận của giáo dân về giá đền bù cũng như khu vực tái định cư nên đã dẫn đến xung đột giữa hàng trăm hộ dân với chính quyền.

Trong 10 năm khiếu kiện, chính quyền đã tổ chức nhiều cuộc trấn áp, cưỡng chế khác nhau khiến nhiều người phải vượt biên để tị nạn. Nhiều vụ việc đụng độ với công an đã khiến người dân phải lãnh án tù, bị thương và sống trong tình trạng bất ổn.

Đến năm 2017, chính quyền thành phố mới đồng ý tiến hành điều chỉnh quy hoạch khu vực xung quanh nhà thờ Cồn Dầu thành khu vực tái định cư cho các hộ dân của giáo xứ.

Một nhóm người bị bắt vì liên quan đến tà đạo và phỉ báng chính quyền

Đầu tháng 6/2021, trang tin thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương cho biết Bộ Công an thông báo về việc bắt giữ một nhóm được cho là tà đạo và có hành vi phỉ báng lãnh đạo, đảng và nhà nước.

Bài viết cho biết nhóm này bị bắt theo Điều 331, Bộ luật Hình sự – tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Tuy nhiên, bài viết không nêu rõ bao nhiêu người bị bắt và danh tính của họ.

Bài viết cho biết nhóm này có tên là "Pháph môn cần khaii vữngh trụ luậth làm trính tâm" (Pháp môn cần khai vững trụ luật làm chính tâm) do một tài khoản Facebook có tên là "Mẹ Báich Nhiên" (Mẹ Bách Nhiên) lập ra và điều hành, bao gồm các hoạt động tâm linh như gia nhập nhóm, thờ cúng, cầu nguyện, v.v.

Đặc biệt, các thành viên sử dụng nhiều tài khoản mạng xã hội (Facebook và Youtube) để phổ biến các đoạn ghi hình chỉ trích lãnh đạo, đảng, và nhà nước với các hình thức như viết tội ác lên giấy rồi cắt nát tờ giấy bằng dao, kéo, rắc muối lên ảnh, nguyền rủa, v.v.

Trang tin của Bộ Công an chưa đưa ra thông báo chính thức cho vụ bắt giữ này.

Các tôn giáo mới đang phát triển mạnh mẽ ở Việt Nam dưới nhiều hình thức khác nhau. Những nhóm này thường hoạt động dựa vào mạng xã hội hoặc bí mật để tránh sự can thiệp của chính quyền.

"Đạo lạ" là gì ? Việt Nam có bao nhiêu "đạo lạ" ?

Vào tháng 6/2021, Ban Tôn giáo Chính phủ cho biết tính đến tháng 4/2021, Việt Nam có 85 "đạo lạ".

Những "đạo lạ" này còn được gọi là "tà đạo" – định nghĩa dành cho các nhóm, tổ chức tôn giáo bị chính quyền xem là hoạt động bất hợp pháp.

tien11

Các tài liệu liên quan đến giáo phái Thanh Hải Vô Thượng sư, một nhóm bị chính quyền xem là "tà đạo". Ảnh : Báo Công an Nhân dân.

Họ có thể là những tổ chức tôn giáo được truyền từ nước ngoài vào Việt Nam như Thanh Hải Vô Thượng Sư, Hội thánh Đức Chúa Trời hay các tôn giáo tự phát trong nước như Hội thánh Tin Lành Đấng Christ ở Tây Nguyên, đạo Dương Văn Mình ở miền núi phía Bắc, v.v.

Các đạo lạ này được xem là một phần của các hiện tượng tôn giáo mới tại Việt Nam nhưng có chiều hướng xấu, tiêu cực theo nhìn nhận của chính quyền.

Chính quyền Việt Nam vẫn chưa đưa ra định nghĩa chính thức về "tà đạo" hay "đạo lạ". Các lý do để trừng phạt những nhóm này thường được viện dẫn một cách chủ quan.

Chính quyền và báo chí đã liên tục tuyên truyền một cách thống nhất về "đạo lạ" dựa trên bốn đặc điểm chủ yếu sau đây.

Thứ nhất, sinh hoạt bí mật và không đăng ký hoạt động tôn giáo với chính quyền địa phương. Việc này được khắc họa như một cách trốn tránh pháp luật để thực hiện các hoạt động tôn giáo mờ ám, gây hại. Thực tế, những nhóm, tổ chức tôn giáo bị xem là "tà đạo" không thể đăng ký hoạt động tôn giáo với chính quyền địa phương. Họ phải hoạt động bí mật để tránh sự đàn áp của công an.

Thứ nhì, hoạt động của các nhóm này bị chính quyền cho là không củng cố hay cố tình phá hoại truyền thống dân tộc, trong đó phổ biến nhất là việc không thờ cúng tổ tiên. Bên cạnh đó, hoạt động của họ bị xem là ảnh hưởng đến an ninh trật tự như tụ họp tín đồ trái phép, và có hành vi chống đối nhà nước.

Thứ ba, để phủ nhận tính chính danh của các "đạo lạ", chính quyền tuyên truyền rằng các tổ chức, nhóm này vay mượn, tổng hợp, sửa đổi giáo lý của các tôn giáo chính thống thành của mình chứ không sáng tạo ra một giáo lý riêng biệt.

Thứ tư, chính quyền và báo chí ra sức tuyên truyền về hậu quả tiêu cực khi tham gia các tôn giáo mới và thực sự đã khiến công chúng có cái nhìn tiêu cực. Phổ biến nhất là dùng những trường hợp cá biệt để tuyên truyền hậu quả nặng nề về sức khỏe, tinh thần, tài chính cho người tham gia.

Tóm lại, chính quyền Việt Nam không coi hoạt động tôn giáo là hoạt động dân sự. Trong quan điểm của họ, tổ chức tôn giáo đứng ở giữa lằn ranh dân sự và chính trị, có trách nhiệm giúp nhà nước đảm bảo an ninh trật tự, giúp nhà nước trong việc vận động người dân thực hiện các chính sách. Vì thế, mọi hoạt động tôn giáo phải được thực hiện công khai, dưới sự giám sát của chính quyền (đó là lý do họ không cho phép sinh hoạt tôn giáo tại nhà riêng).

Việc người dân tham gia các tổ chức tôn giáo mới không phải chỉ xuất hiện trong những năm gần đây. Phật giáo Hòa Hảo và Cao Đài đều từng là những tôn giáo hoàn toàn mới vào đầu thế kỷ XX.

Thái Thanh

Nguồn : Luật Khoa, 15/07/2021

**********************

4 vấn đề đất đai gây bất công cho các tổ chức tôn giáo

Nguyên Vũ, Luật Khoa, 07/06/2021

Luật Đất đai hiện hành không cho các tổ chức tôn giáo chút quyền tự quyết nào.

tien12

Một cuộc xung đột liên quan đến tranh chấp đất tại Đan viện Thiên An năm 2017. Ảnh : Đan viện Thiên An.

Sau năm 1975, các giáo hội, giáo phái ở miền Nam lâm vào tình trạng khó khăn. Họ mất quyền định đoạt số phận của các cơ sở tôn giáo của chính mình.

Vì chính sách đất đai khắc nghiệt của "bên thắng cuộc", có những tu sĩ không nhà thờ, tăng ni không chùa chiền, tín đồ không nơi tụ họp.

Việc xây dựng một ngôi chùa hiện nay không còn dựa trên nhu cầu của giáo hội, mà dựa trên quyết định của chính quyền. Có những khu đất của nhà thờ bị chiếm giữ, chính quyền thà để cỏ phủ hoang chứ không trả lại. Có những giáo hội phải khẩn khoản xin chính quyền cấp đất để xây dựng cơ sở tôn giáo vì họ không có quyền tự mua.

Liệu bốn vấn đề trầm trọng về đất đai tôn giáo dưới đây có được Thủ tướng Phạm Minh Chính giải quyết trong dự án Luật Đất đai sửa đổi của mình ?

1. Đất cơ sở tôn giáo bị chính quyền chiếm giữ sau năm 1975

Một năm sau khi chủ tịch tỉnh Thừa Thiên – Huế tuyên bố sẽ "hồi sinh" công viên nước Hồ Thủy Tiên, công trình này vẫn còn nguyên vẻ hoang tàn. Hồ cạn trơ đáy. Cỏ mọc hoang. Không chủ đầu tư nào được công bố.

Khu đất có hồ Thủy Tiên nằm trên đồi Thiên An, từng do Đan viện Thiên An quản lý. Sau khi thu hồi khu đất này năm 1999, chính quyền giao cho một công ty nhà nước khai thác thành một khu vui chơi có thu phí trong 40 năm.

Chỉ chưa đầy 10 năm sau, dự án này đã tỏ ra kém hiệu quả, không thu hút được khách du lịch do nhiều hạng mục còn dang dở. Sau đó, dù đã thay đổi sang một chủ đầu tư khác, dự án vẫn dậm chân tại chỗ và bị bỏ hoang từ đó đến nay.

Cách Đan viện Thiên An chừng 16 cây số, có một khu đất khác nằm ngay trong lòng thành phố Huế đã vĩnh viễn mất đi dấu tích Công giáo lịch sử. Ở đó, tu viện hơn 100 năm tuổi bị biến thành một tòa nhà bình thường. Khu đất hiện tại là Học viện Âm nhạc Huế và Nhà hát Sông Hương, từng là Trường Trung học Tư thục Bình Linh (Lasan Pellerin) của những sư huynh Dòng Lasan. Chính quyền đã mượn và chiếm luôn ngôi trường từ sau năm 1975.

tien13

Ảnh : Dòng Lasan.

Tháng 12/2020, một tháng sau khi Tổng Giáo phận Sài Gòn ủy quyền cho linh mục chính xứ giáo xứ Thị Nghè đứng đơn kiện Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh để đòi lại một trường tiểu học, chính quyền thành phố đã trao lại cho giáo phận năm cơ sở tôn giáo bị thu hồi trước năm 1975. Tuy nhiên, đó vẫn là con số quá nhỏ so với tổng số cơ sở mà các tổ chức Công giáo ở miền Nam đã giao cho chính quyền. Theo lời Đức Hồng Y Phạm Minh Mẫn nói với hãng thông tấn Fides của Vatican năm 2009, riêng Tổng Giáo phận Sài Gòn đã mất đi gần 400 cơ sở giáo dục, y tế, từ thiện, nhân đạo sau năm 1975.

Đối với những giáo hội bản địa không có tiếng nói, như Phật giáo Hòa HảoCao Đài,Tôn giáo Baha’i, họ phải cam chịu bất công lớn về đất đai sau khi chính quyền cộng sản tiếp quản miền Nam. Những tổ chức tôn giáo này vĩnh viễn mất đi các cơ sở mà họ đã dày công gây dựng.

Năm 2008, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ban hành chỉ thị cho phép các cơ quan, tổ chức được nhà nước giao nhà, đất tiếp tục sử dụng các cơ sở tôn giáo nếu (họ) đang sử dụng đúng mục đích, hiệu quả; hoặc chính quyền địa phương sẽ xem xét trả lại cho các giáo hội tùy từng trường hợp. Tuy nhiên, chỉ thị này trên thực tế không có mấy tác động trong việc hoàn trả lại đất đai cho các tổ chức tôn giáo.

Năm 2015, Bộ Xây dựng thông báo tình hình khiếu nại đòi nhà, đất liên quan đến tôn giáo gia tăng mạnh, trong đó chủ yếu là đất tôn giáo bị chính quyền mượn hoặc trưng thu.

Mâu thuẫn về đất đai giữa các tổ chức tôn giáo và chính quyền là vấn đề quan trọng, không chỉ liên quan đến quyền lợi của các giáo hội, mà còn cả quyền lợi của hàng triệu tín đồ tôn giáo. Các cơ sở tôn giáo là nơi cầu nguyện, nơi mở lớp giáo lý, nơi hoạt động từ thiện, nơi an dưỡng cho tu sĩ, nơi sinh hoạt của cộng đồng, v.v.

Khi bạn đọc bài viết này, giáo dân giáo xứ An Hòa vẫn ngày ngày cầu nguyện cho khu đất từng là trường học của giáo xứ trước năm 1975 không bị chính quyền cho phân lô bán nền.

2. Tổ chức tôn giáo gặp khó khăn khi nhận chuyển nhượng đất từ tư nhân

Bạn có biết tôn giáo Baha’i được cấp phép tái hoạt động từ năm 2008 ? Đến năm 2014, sau sáu năm khẩn khoản xin chính quyền cấp nơi làm trụ sở hoạt động, yêu cầu của họ vẫn chưa được giải quyết.

Bạn có thể thắc mắc, vì sao thành viên tôn giáo Baha’i không tự mua đất để tái lập trụ sở của mình ?

Luật Đất đai hiện hành không cho phép chuyện này. Cụ thể, Điều 169, Khoản 1, Điểm g quy định rằng cơ sở tôn giáo chỉ được nhận quyền sử dụng đất thông qua việc nhà nước giao đất, căn cứ vào chính sách tôn giáo và quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của nhà nước.

Vì thế, tôn giáo Baha’i có ngân sách dồi dào như thế nào cũng không thể mua đất để tự dựng trụ sở, dù là tôn giáo đã được nhà nước công nhận. Việc tái lập hàng trăm văn phòng tôn giáo Baha’i như trước năm 1975 là một điều xa vời với chính sách đất đai hiện tại.

Vào năm 2020, giáo dân giáo xứ Đồng Đinh, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình đã phản ứng gay gắt trước cách hành xử của chính quyền về khu đất mà họ muốn tặng cho giáo xứ để mở rộng nhà thờ.

tien14

Tượng Đức Mẹ được đặt trong khuôn viên mà giáo dân Đồng Đinh đã vây lại bằng lưới thép. Ảnh : Giáo xứ Đồng Đinh.

Trước đó, giáo xứ Đồng Đinh đã gửi đơn đề bạt nguyện vọng của mình với chính quyền. Mặt trận Tổ quốc cấp huyện đã hướng dẫn người dân làm đơn trả lại đất cho chính quyền để chính quyền cấp lại cho giáo xứ.

Nhưng sau khi nhận đất thì chính quyền cấp xã đã tuyên bố làm một con đập ngăn cách nhà thờ với phần đất của giáo dân. Giáo dân phản ứng dữ dội. Họ rào lưới thép, đặt bảy tượng thánh trong khu đất để chống lại sự bất nhất của chính quyền.

Năm 2017, một tổ nghiên cứu tôn giáo, trong đó có nhà báo Phạm Đoan Trang, đã đánh giá việc ngăn cấm hoạt động giao dịch dân sự về đất tôn giáo là bất bình đẳng và làm suy yếu tư cách pháp nhân tôn giáo.

3. Nơi đặt cơ sở tôn giáo phải được chính quyền cấp phép

Năm 2009, những tu sinh của Làng Mai bị đuổi ra khỏi chùa Bát Nhã (Lâm Đồng). Trước đó, ngôi chùa này được mở rộng ra để làm nơi tu tập, bảo trợ cho các tu sinh Làng Mai tại Việt Nam. Do không được cấp phép, việc xin chính quyền cấp đất để làm nơi tu tập riêng là không thể.

tien15

Tu viện Bát Nhã, Lâm Đồng từng là nơi sinh hoạt của tu sinh Làng Mai. Ảnh : chuahoanghiem.com

Làng Mai là pháp môn Phật giáo của Thiền sư Thích Nhất Hạnh. Đây là giáo phái nổi tiếng ở nước ngoài nhưng không được cấp phép hoạt động tại Việt Nam. Các tu sinh Làng Mai ở chùa Bát Nhã là những người đầu tiên và cũng là cuối cùng tu tập tại Việt Nam.

Ở miền Tây Nam Bộ, có những địa điểm sinh hoạt tôn giáo của các tín đồ Phật giáo Hòa Hảo độc lập thường xuyên bị công an sách nhiễu khi các tín đồ tụ họp. Công an cho rằng đó là những cơ sở tôn giáo bất hợp pháp. Điều này cũng thường xảy ra đối với những thánh thất Cao Đài độc lập.

Theo Luật Đất đai, việc cấp đất cho các cơ sở tôn giáo hiện nay không dựa trên nhu cầu của các tổ chức tôn giáo hay tín đồ mà dựa trên chính sách tôn giáo, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được Nhà nước phê duyệt.

Trong báo cáo nghiên cứu "The Collision Of Religion And The Vietnamese State" (Cuộc xung đột giữa tôn giáo và nhà nước Việt Nam) được công bố tháng 5/2021, tác giả Vo Quoc Hung Thinh cho rằng việc cấp phép, giao đất và xây dựng cơ sở tôn giáo của chính quyền nảy sinh nhiều lợi ích và tạo điều kiện hình thành chủ nghĩa thân hữu.

Tác giả Hung Thinh cũng cho rằng hầu hết các siêu dự án xây dựng chùa được phê duyệt gần đây không thuộc về các tổ chức tôn giáo thuần túy mà là những mối hợp tác nửa tôn giáo nửa thương mại, như chùa Lũng Cú, chùa Bái Đính, v.v.

Quyền sở hữu đất, xây dựng cơ sở tôn giáo gắn liền với hoạt động của các tổ chức tôn giáo. Việc chính quyền giữ quyền cấp đất, cấp phép xây dựng cơ sở tôn giáo là thông điệp mạnh mẽ rằng họ nắm trong tay quyền sinh, quyền sát đối với những tổ chức tôn giáo.

4. Khiếu nại về đất đai tôn giáo bị trì hoãn giải quyết

Trong Luật Đất đai 2013, các trường hợp tranh chấp đất mà một bên tranh chấp là tổ chức, cơ sở tôn giáo sẽ do chủ tịch UBND cấp tỉnh giải quyết (theo Điều 203, Khoản 3, Điểm b). Nếu không đồng ý với quyết định giải quyết, tổ chức tôn giáo có quyền khiếu nại lên Bộ Tài nguyên – Môi trường hoặc khởi kiện ra tòa án theo quy trình tố tụng hành chính.

Trên thực tế, việc khiếu nại về đất đai tôn giáo bị chính quyền địa phương và các cơ quan trung ương xử trí bằng cách im lặng, kéo dài hạn giải quyết, hoặc phân hóa nội bộ nhằm mục đích làm những người theo kiện mệt mỏi, bỏ cuộc hoặc tự tan rã.

tien16

Mặt trước (ảnh trên) và mặt sau (ảnh dưới) ngôi trường tiểu học của Đan viện Thiên An trước năm 1975. Ảnh : Đan viện Thiên An.

Đầu năm 2000, khi khiếu nại đất đai của Đan viện Thiên An chưa được giải quyết thấu đáo, chính quyền đã khởi công xây dựng trên đất mà đan viện tuyên bố quyền sở hữu. Nhiều năm qua, đan viện vẫn đang khiếu nại về ngôi trường tiểu học bị một đơn vị nhà nước chiếm từ sau năm 1975.

Ông Heiner Bielefeldt, báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc về quyền tự do tôn giáo và tín ngưỡng, cho rằng kiến nghị của các cộng đồng tôn giáo nói chung không được cơ quan hành chính hay tòa án Việt Nam đáp lại. Trong nhiều vụ việc, đơn kiến nghị bị chuyển trả về địa phương để xem xét lại, thời hạn giải quyết kéo dài, và cuối cùng rơi vào quên lãng.

Trong báo cáo về chuyến làm việc chính thức tại Việt Nam năm 2014, ông Heiner Bielefeldt ghi nhận rằng Việt Nam thiếu năng lực pháp lý khi giải quyết tranh chấp đất đai tôn giáo. Các cộng đồng tôn giáo được nhà nước công nhận cũng thất vọng về các thủ tục pháp lý kém hiệu quả.

Nguyên Vũ

Nguồn : Luật Khoa, 07/06/2021

Additional Info

  • Author Văn Tâm, Thái Thanh, Nguyên Vũ
Published in Diễn đàn