Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

26/07/2021

Tiền công đức : Cách nào để nhà chùa đấu lại với nhà nước ?

Văn Tâm

Cuộc chiến xoay quanh chiếc hòm công đức của nhà chùa không có lời giải đơn giản.

congduc1

Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong buổi viếng chúc mừng ông Nguyễn Xuân Phúc nhậm chức chủ tịch nước vào ngày 13/5/2021. Ảnh : Hoàng Hùng.

Các cuộc khẩu chiến và bút chiến giữa nhà nước và nhà chùa về tiền công đức đang ở nấc thang cao nhất từ trước đến nay.

Nếu dự thảo của Bộ Tài chính được thông qua, nhiều ngôi chùa có doanh thu "khủng" của giáo hội nằm trong các quần thể di tích sẽ bị kiểm soát thu chi khắt khe.

Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã lên án  hành động này của nhà nước là "giải thiêng" tiền công đức.

"Dự thảo […] không hợp hiến, không hợp pháp, không phù hợp với truyền thống văn hóa dân tộc, không tôn trọng niềm tin, giáo lý và lễ nghi tôn giáo", giáo hội khẳng định.

Tuy nhiên, Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo năm 2016  được giáo hội ủng hộ hết mình lại có quy định cấm lợi dụng hoạt động tôn giáo để trục lợi. Căn cứ vào bộ luật này, chính phủ đã ban hành nghị định  giao Bộ Tài chính quản lý tiền công đức vào năm 2018.

Sớm hay muộn, Bộ Tài chính cũng sẽ chạm đến chiếc hòm công đức của nhà chùa. Giáo hội có thể dùng cách nào để hóa giải nan đề này ?

Tai tiếng sắp thành tai họa

Báo chí nhiều năm qua liên tục phanh phui các đền, chùa có dấu hiệu "mờ ám" trong công tác quản lý tiền công đức. Việc này đã gây áp lực không nhỏ lên nhà nước.

Áp lực này ngày một nặng hơn khi các nhà sư thuộc giáo hội lúc nào cũng tay bắt, mặt mừng với các quan chức chính quyền.

Năm 2013, Giáo sư Ngô Đức Thịnh, khi còn là ủy viên của Hội đồng Di sản Quốc gia, cho rằng  có những nơi thu hàng chục tỷ tiền công đức mỗi năm nhưng không được ghi vào sổ sách.

Ông cũng cho biết nhiều đền chùa dù thu được tiền công đức lớn vào thời điểm đó nhưng di tích lại không được tu bổ.

Hiện nay, việc tu bổ các di tích có chuyển biến nhưng vẫn còn tồn tại rất nhiều vấn đề .

Ví dụ gần đây nhất là vào tháng 4/2021, nhà sư trụ trì di tích quốc gia Chùa Đậu ở Hà Nội bị thanh tra  vì tự ý xây dựng công trình bê-tông trong khuôn viên ngôi chùa cổ. Ban Quản lý di tích của ngôi chùa là cán bộ cấp xã bị quy trách nhiệm trong sai phạm này.

Hình ảnh của nhà chùa trong mắt một bộ phận công chúng đã thay đổi theo chiều hướng tiêu cực. Chùa to, tượng cao giờ đây là biểu hiện của "kinh doanh tâm linh" và "chùa BOT".

congduc2

"Khu văn hóa tâm linh Tây Yên Tử" vẫn đang được xây dựng trên diện tích 13,8 ha tại tỉnh Bắc Giang với bốn cụm chùa. Chính quyền tỉnh Bắc Giang hy vọng công trình này có thể mang nguồn thu về du lịch. Ảnh : Báo Công an Nhân dân.

Nhà nước và nhà chùa tại Việt Nam đều đang có những vấn đề rất nan giải.

Xung đột liên quan đến quản lý tiền của các tổ chức tôn giáo không phải là vấn đề của riêng Việt Nam. Đài Loan, nơi khá tương đồng về mặt sinh hoạt tôn giáo với Việt Nam, cũng đang đối mặt với các thách thức tương tự. Tuy nhiên, một số lãnh đạo tôn giáo nước này đã nhìn xa hơn các nhà sư Việt Nam.

Đài Loan : Không để ban hành luật tôn giáo

Người dân Đài Loan có đời sống tâm linh không kém gì người dân Việt Nam. Nếu Việt Nam có 16 tôn giáo chính thức thì Đài Loan có đến 27 tôn giáo chính thức. Tổng số đền chùa ở nước này vào năm 2013 là 12.083. Trong khi đó, theo một bài viết của Vụ trưởng Vụ Phật giáo được đăng trên trang Phật giáo Bình Dương, Việt Nam hiện có khoảng 17.000 ngôi chùa.

Đài Loan cũng gặp thách thức không nhỏ về mặt quản lý với 1.984 quỹ tôn giáo và 2.353 các nhóm tôn giáo dân sự đăng ký hoạt động. Tuy nhiên, nước này không có một bộ luật chung về tôn giáo.

Trong 10 năm qua, các dự thảo bộ luật chung về tôn giáo, trong đó có quy định về kiểm toán và công khai báo cáo tài chính của các đền chùa, tổ chức tôn giáo, vẫn chưa được thông qua.

Các bản dự thảo này trước đây cũng bị các lãnh đạo tôn giáo phản đối vì diễn giải các khái niệm liên quan đến tôn giáo một cách hạn hẹp, hạn chế quyền tự do tôn giáo của công dân.

Những năm 1990, các tôn giáo mới trỗi dậy khiến một số lãnh đạo Phật giáo ở Đài Loan lo sợ ảnh hưởng đến uy tín của Phật giáo. Một số trường hợp lợi dụng tôn giáo để lừa đảo xuất hiện trong thời gian này.

Khi đó, Hòa thượng Tinh Vân (Hsing Yun), trụ trì của ngôi chùa đình đám Phật Quang Sơn tại Cao Hùng, đã ủng hộ ban hành một đạo luật chung để bảo vệ thanh thế của Phật giáo.

Tuy nhiên, các lãnh đạo Phật giáo khác đã phản đối ý định này. Họ cho rằng ban hành luật tôn giáo vì những vụ lừa đảo tôn giáo cá biệt là quá đáng.

Để tránh xảy ra xung đột giữa các nhóm tôn giáo, chính phủ tìm đến giải pháp thực dụng hơn.

Cuối những năm 1990, sau các thảm kịch quốc gia, chính phủ dần dần mở đường cho các tổ chức tôn giáo làm từ thiện. Tiền của công chúng tặng cho các tổ chức tôn giáo quay về với lợi ích công cộng, thông qua hệ thống giáo dục từ mẫu giáo đến đại học, các trường dạy nghề, bệnh viện, các hoạt động cứu trợ nhân đạo, v.v.

congduc3

Một bệnh viện đa khoa Phật giáo Tzu Chi của Tổ chức cứu trợ Phật giáo Tzu Chi tại Hoa Liên, Đài Loan. Tzu Chi (慈濟 – Từ Tế) là tổ chức từ thiện tôn giáo lớn nhất tại Đài Loan. Tổ chức có đến sáu bệnh viện tại Đài Loan với khoảng 8.600 nhân viên y tế. Ảnh : Tzu Chi.

Đài Loan đến nay vẫn không giám sát việc chi tiêu tiền bạc của các tổ chức tôn giáo. Bạn cũng có thể hoạt động tôn giáo tại nhà mà không cần phải đăng ký.

Tuy nhiên, để được miễn thuế thu nhập và các loại thuế liên quan, bạn phải đăng ký với chính quyền và gửi hồ sơ hàng năm về cách thức quản lý hoạt động tài chính (financial operations) chứ không phải là báo cáo tài chính được kiểm toán. Tín đồ sẽ được khấu trừ thuế thu nhập khi ủng hộ tiền, tài sản cho các tổ chức tôn giáo được công nhận.

Các tổ chức tôn giáo có thể sử dụng tiền cho hoạt động tôn giáo hay từ thiện mà không bị chính quyền giám sát, tức là không bị hạch toán. Việc thành lập các tổ chức từ thiện không phải là quy định bắt buộc đối với các tổ chức tôn giáo, nhưng một khi thành lập thì nó phải được quản lý tách biệt khỏi tổ chức tôn giáo. Tiền của tổ chức tôn giáo có thể dùng làm từ thiện, nhưng tiền từ thiện thì không được dùng vào hoạt động tôn giáo.

Việc chính quyền có giám sát các ngôi chùa ở Đài Loan hay không là câu chuyện chưa ngã ngũ. Báo cáo về các hoạt động thâm nhập và gây ảnh hưởng của Trung Quốc vào các đền chùa ở Đài Loan tiếp tục hâm nóng vấn đề công khai tài chính tại các cơ sở tôn giáo nước này trong năm 2020.

Nhiều nước khác : Tổ chức tôn giáo phải hạch toán

Khác với Đài Loan, các tổ chức tôn giáo ở Canada phải chấp hành thủ tục giám sát tài chính của nhà nước dành cho các tổ chức phi lợi nhuận (những tổ chức hoạt động không vì lợi nhuận, tất cả hoạt động đều hướng đến một cộng đồng cụ thể).

Các tổ chức này nếu có nguồn thu được đóng góp từ đại chúng (public sources) vượt quá 10.000 đô-la Canada sẽ phải trải qua quá trình hạch toán, nộp báo cáo tài chính, chịu giới hạn về nơi thanh lý tài sản, v.v.

Chính phủ cho rằng quy định trên nhằm đảm bảo công khai, minh bạch cho các khoản thu của tổ chức, nghĩa là bạn có thể yên tâm hơn khi đóng góp tài chính cho những tổ chức này vì họ đã được chính phủ giám sát.

Tùy theo mức thu nhập mà các tổ chức tôn giáo với phạm vi hoạt động liên bang phải chịu các thủ tục giám sát cụ thể. Nhìn chung, các tổ chức tôn giáo phải thuê một kế toán công theo tiêu chuẩn của nhà nước để tiến hành kiểm toán.

Các tổ chức tôn giáo nước này không được tự động miễn thuế thu nhập như ở Mỹ, trừ khi đăng ký hoạt động từ thiện với nhà nước.

Một lợi ích khác khi tổ chức tôn giáo đăng ký hoạt động từ thiện tại Canada là được cấp biên lai khấu trừ thuế thu nhập cho người đóng góp.

Tại Mỹ, hoạt động tôn giáo được coi là một trong những lĩnh vực từ thiện đại chúng (public charity). Cục Thuế vụ miễn thuế thu nhập liên bang cho nhà thờ và các tổ chức tôn giáo nếu đủ điều kiện theo chính sách 501(c)(3) dành cho các tổ chức phi lợi nhuận.

Khác với các tổ chức phi lợi nhuận, các nhà thờ và tổ chức liên kết nhà thờ của Mỹ được miễn điền tờ khai 990 hàng năm của Cục Thuế vụ. Tức là họ không cần kê khai hàng năm về thu, chi tài chính.

Tại Hàn Quốc, dưới làn sóng chỉ trích nặng nề của công chúng đối với thu nhập khủng của các lãnh đạo tôn giáo, chính phủ nước này lần đầu sau 70 năm đã quyết định đánh thuế thu nhập lên tất cả những người hoạt động tôn giáo, kể từ tháng 1/2018.

Tờ Nikkei Asia cho biết, dù bị đánh thuế, các chức sắc, nhân viên của tổ chức tôn giáo tại Hàn Quốc vẫn có thể trả thuế thu nhập thấp hơn người dân bình thường.

Đài Loan, Hàn Quốc, Mỹ hay Canada là mô hình thích hợp cho Việt Nam ? Câu hỏi tưởng chừng đơn giản lại hóa ra rất phức tạp.

Việt Nam : Nhập nhằng quan hệ nhà chùa và nhà nước

Tôn giáo có sức ảnh hưởng mạnh mẽ đến công chúng. Một khi chính quyền (do một đảng phái lãnh đạo) quản lý tôn giáo thì cũng đồng nghĩa với việc tạo ra ảnh hưởng chính trị, ví dụ như thiên vị tổ chức tôn giáo này hơn tổ chức tôn giáo khác, từ đó củng cố quyền lực của mình.

Một trong những lý do Đài Loan không ra luật chung về tôn giáo là nhiều thành viên Viện Lập pháp (Quốc hội) không ưa việc chính quyền can thiệp vào vấn đề tôn giáo. Nguyên tắc của các thể chế dân chủ là tôn giáo và nhà nước cần tách biệt với nhau.

Trái lại, ở những thể chế toàn trị, kịch bản ưa thích của nhà cầm quyền là tôn giáo phải phục vụ mục tiêu chính trị.

Theo Giáo sư André Laliberté, trường Đại học Ottawa, Canada, để kiểm soát các đối thủ chính trị, các thể chế toàn trị thường để các quan chức có trách nhiệm giám sát hoạt động tôn giáo, từ đó cùng với các lãnh đạo tôn giáo duy trì một trật tự có lợi cho các bên.

Chính quyền Việt Nam cũng không thể cưỡng lại xu hướng này.

Chính quyền Việt Nam duy trì mối quan hệ nhập nhằng với các tổ chức tôn giáo. Ví dụ dễ thấy nhất là các chức sắc được sắp xếp ứng cử đại biểu Quốc hội, cơ sở tôn giáo chỉ được xây dựng trên đất nhà nước cấp, các hoạt động phong phẩm, bổ nhiệm chức việc phải được chính quyền đồng ý, v.v.

congduc4

Ông Xuân Thủy, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội đồng Nhà nước, tại hội nghị thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam năm 1981 tại Hà Nội. Từ đây, Phật giáo bị chia rẽ thành hai giáo hội (Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất). Ảnh : Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Chỉ quan sát trên báo chí cũng đủ thấy Giáo hội Phật giáo Việt Nam thường xuyên thể hiện mối quan hệ thân thiết, đồng thuận cao với các quyết định của chính quyền. Giáo hội có sự bảo trợ đặc biệt từ nhà nước. Vì vậy, những vụ tai tiếng liên quan đến tiền công đức tại các ngôi chùa cũng ảnh hưởng đến uy tín của nhà nước.

Về tiền công đức, chính quyền Việt Nam áp dụng mô hình giao cho chính quyền địa phương quản lý di tích nói chung và nhà chùa nói riêng. Mỗi địa phương gần như có toàn quyền trong việc quản lý di tích.

Giáo sư Ngô Đức Thịnh cũng thừa nhận vấn đề này khi ông khẳng định một số cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo phải gây dựng quan hệ với chính quyền để đạt được lợi ích.

"Và muốn vụ lợi như vậy thì họ bằng nhiều cách lắm, kể cả việc họ có thể dựa vào lực lượng của chính quyền hay các nhà quản lý", giáo sư Thịnh nói với BBC News Tiếng Việt vào năm 2013.

congduc5

Sau 36 năm thành lập, vào năm 2016, Giáo hội Phật giáo Việt Nam được nhà nước trao tặng Huân chương Lao động Hạng nhất. Ảnh : Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Sự ra đời của nghị định năm 2018, giao Bộ Tài chính quản lý tiền công đức tại các di tích, rồi đến việc ban hành dự thảo thông tư gần đây, tất cả đều vấp phải phản ứng kịch liệt của giáo hội. Điều đó cho thấy thỏa thuận lợi ích giữa hai bên đang bị lung lay.

Nhà chùa có thể hóa giải nan đề này ?

Dự thảo gần gây của Bộ Tài chính dù chỉ nhắm đến các di tích nhà chùa nhưng tạo ra một vấn đề lớn cho Giáo hội Phật giáo.

Nếu dự thảo được thông qua, việc tổ chức quản lý tiền công đức tại các di tích sẽ được thống nhất, chính quyền địa phương khó có thể tự duy trì trật tự của riêng mình.

Tuy nhiên, bản dự thảo này không phải là vấn đề duy nhất của giáo hội.

Một mặt, giáo hội vẫn duy trì được một số lượng lớn tín đồ ủng hộ, ví dụ như có đến 1.333 ý kiến của Phật tử gửi đến Bộ Tài chính phản đối quy định quản lý tiền công đức. Mặt khác, cũng có một số lượng đáng kể công chúng nghi ngờ các hoạt động của nhà chùa.

Chính quyền có đang làm ngơ để các nhà sư tư lợi với tiền công đức hay không ? Đây là câu hỏi phổ biến trong công chúng.

Việc sử dụng tiền công đức như thế nào vẫn là một vấn đề chưa có lời giải. Nhà chùa sử dụng tiền công đức chỉ để dựng lên các đền đài hay nên dùng cho các hoạt động từ thiện, đâu mới là cách thức chi tiêu hợp lý ?

Nhà nước có thể không thích nhà chùa tham gia mạnh mẽ vào các hoạt động từ thiện vì lo ngại khả năng tôn giáo gia tăng ảnh hưởng đến công chúng. Tuy nhiên, công chúng chắc chắn sẽ ủng hộ việc này, và thanh thế đang dần mờ nhạt của nhà chùa có thể sẽ được cải thiện.

Mặt khác, quản trị một số lượng chùa chiền đồ sộ là một trong những thách thức của giáo hội. Thách thức này có lẽ tạo ra lỗ hổng về quản lý khiến các vụ việc liên quan đến tiền công đức bị báo chí phanh phui ngày càng phổ biến.

Thử so sánh cách thức quản lý giữa Phật giáo và Công giáo tại Việt Nam. Giáo hội Công giáo có mô hình quản lý chặt chẽ, với khoảng 4.500 giáo xứ (số liệu năm 2018). Các giáo xứ này được phân quyền quản lý theo 3 giáo tỉnh và 27 giáo phận. Trong khi đó, Giáo hội Phật giáo Việt Nam hiện có đến 14.500 ngôi chùa được phân quyền quản lý đến 63 tỉnh, thành. Trước năm 1975, Phật giáo khi thống nhất đã được phân quyền quản lý theo các miền của riêng mình.

Sau cùng, Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo năm 2016 là rào cản lớn nhất đối với Phật giáo. Bộ luật này cho Phật giáo một địa vị đáng kể khi loại bỏ các giáo phái mới đang trỗi dậy vô cùng mạnh mẽ ở Việt Nam. Tuy nhiên, đây cũng chính là chiếc vòng kim cô mà chính quyền dựa vào để quản lý mọi hoạt động tôn giáo. Chiếc vòng này khó có thể dùng kinh phật mà tháo ra được.

Văn Tâm

Nguồn : Luật Khoa, 26/07/2021

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Văn Tâm
Read 606 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)