Phiếm đàm ‘tiền chùa’
Lê Tự Do, VNTB, 01/08/2023
"Tiền chùa mà" là cách nói dân dã mỗi khi muốn nói đến việc ai đó sẵn sàng tiêu xài phung phí. Đó là từ lóng của nghĩa bóng. "Tiền chùa" nghĩa đen là tiền công đức do người dân cúng dường, đóng góp cho chùa.
Tiền công đức lâu nay không được kiểm toán, không công khai để người dân biết tiền đó được sử dụng thế nào…
Có thể thấy, từ lóng "tiền chùa" được sử dụng mang tính châm biếm, giễu cợt nhiều hơn là yếu tố tích cực, nhân văn với những giá trị tốt đẹp mà bá tánh đã đóng góp công đức cho nhà chùa. Cốt lõi ở đây là tiền chùa chính là tiền công đức mà khách thập phương và Phật tử cúng dường, đóng góp cho nhà chùa được sử dụng vào mục đích gì và chi tiêu như thế nào ?
Theo nghĩa của cụm từ "tiền chùa", đó là tài sản của chùa hợp pháp do khách thập phương và các Phật tử đóng góp, cúng dường. Giới luật nhà chùa do đức Phật chỉ dạy đã nói rất rõ về việc sử dụng tài sản của chùa. Ở trong chùa, tất cả việc ăn uống tiêu dùng, dù nhỏ nhặt đều phải tiết kiệm và giữ gìn, vì đó là tiền do đàn tha tín thí thành tâm cúng dường.
Tôi từng được nghe một vị sư thầy chia sẻ rằng : "Có bao giờ mọi người suy nghĩ vì sao Phật tử lại muốn phát tâm cũng dường cho các sư không ? Là bổn phận chăng ?
Không, với họ đó chính là niềm kính tín Tam bảo, vì mến Tăng. Họ xem hình bóng Tăng bảo thay đức Phật truyền trao giáo pháp, với hy vọng cuộc đời sẽ bớt đau khổ. Họ kính Tăng vì họ biết Tăng đoàn đang khoác trên mình pháp phục của Phật, cúng dường Tăng vì mong muốn sẽ được phước đức – người dâng vật quý là mong phước lành".
Thế nhưng xem chừng cách nghĩ đó của vị sư thầy còn tùy vào "địa phương tính" trong cách thể hiện niềm kính tín Tam Bảo.
Ở miền Bắc, dịp Tết cổ truyền tại một số ngôi chùa nổi tiếng như chùa Nôm (Hưng Yên), chùa Phật Tích, đền Bà Chúa Kho (Bắc Ninh)… lượng người đổ về hành lễ mỗi ngày lên tới hàng chục ngàn người. Dịch vụ đổi tiền lẻ vì thế cũng nhộn nhịp.
Đổi tiền lẻ vì khách hành hương muốn "đặt lễ" qua chuyện rải tiền, nhét tiền vào tay hay miệng tượng Phật để xin lộc (?!).
Ở miền Nam, khách thập phương lễ chùa, dù cúng nhiều hay ít, thường kín đáo xếp tiền lại, có người thì bỏ tiền trong bao lì xì rồi bỏ vào khe hở ở miệng thùng, không phải tiền lẻ và tất nhiên người nghèo thì bỏ vào thùng theo khả năng của họ. Ở những nơi có đặt mâm lễ thì Phật tử cũng chẳng để tiền vào mâm, nếu có thì chỉ là tiền vàng mã. Có nhiều người đến chùa chỉ thắp nhang, lạy Phật và cầu nguyện, chẳng cúng thì cũng chẳng sao.
Việc quản lý tiền công đức, đóng góp của người dân cho xây dựng, tu bổ chùa chiền trên thực tế không phải chùa nào cũng làm tốt. Có những chùa để xảy ra những việc khá tai tiếng.
Năm 2014, trên mạng xã hội, báo chí đã rộ lên thông tin nhà sư Thích Thanh Cường, trụ trì chùa Cương Xá, huyện Tứ Kỳ, Hải Dương, đi xe Maybach, sở hữu Iphone 6, điện thoại Vertu…và khoe cả những tài sản mình có bằng tiền Phật tử biếu, tặng trên facebook cá nhân.
"Do có tinh thần cầu thị, nhận ra lỗi lầm nên Thường trực Ban Trị sự không cảnh cáo sư thầy Thích Thanh Cường trước toàn Giáo hội Phật giáo tỉnh Hải Dương, không bãi miễn chức vụ Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam huyện Tứ Kỳ, cho giữ nguyên cương vị trụ trì chùa Cương Xá" – một nội dung thông cáo báo chí của vụ việc "xài tiền chùa" có cái kết "viên mãn" của "happy end" như vậy từ Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Hải Dương.
…Giờ có thể là câu chuyện của chùa Ba Vàng như cách mà chùa này đang "lách luật" khi được Bộ Tài chính yêu cầu về báo cáo số liệu "tiền công đức".
Lê Tự Do
Nguồn : VNTB, 01/08/2023
***********************
Tiền công đức cho nhà chùa hay cho nhà sư ?
Phạm Lê Đoan, VNTB, 31/07/2023
Chùa Ba Vàng chỉ thực hiện báo cáo quản lý thu chi tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội. Còn tiền công đức, tài trợ cho hoạt động tôn giáo "là vấn đề nội bộ của Giáo hội Phật giáo Việt Nam", không công khai.
Nếu như lợi dụng lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo để trục lợi thì phải có biện pháp xử lý để bảo vệ đạo lý của tôn giáo.
"Tiền công đức, tài trợ cho hoạt động tôn giáo là vấn đề nội bộ của Giáo hội Phật giáo Việt Nam" – lập luận này của chùa Ba Vàng dường như hợp lý, vì khái niệm "tiền công đức cho di tích" trong thông tư của Bộ Tài chính. Theo đó, chùa Bà Vàng dẫn điểm b, khoản 3, điều 1 thông tư 04 của Bộ Tài chính hồi tháng 1-2023 về quản lý thu chi tiền công đức có quy định : "Thông tư này không điều chỉnh quản lý, thu chi tiền công đức, tài trợ cho hoạt động tôn giáo".
Cũng từ lập luận trên nên Ban quản lý danh thắng tâm linh Yên Tử cũng chỉ báo cáo được số tiền ở hòm công đức, tiền người dân ghi công đức với ban quản lý chứ không báo cáo được số tiền công đức đặt trên ban thờ và tiền công đức trực tiếp cho các nhà tu hành.
Thắc mắc cần được trả lời bằng quy định của pháp luật quốc gia chứ không phải "chuyện nội bộ tôn giáo", đó là "tiền công đức cho nhà chùa hay cho nhà sư" ?
Vụ việc nhà sư xin hoàn tục có pháp danh Thích Thanh Toàn, nguyên trụ trì chùa Nga Hoàng, xã Hợp Châu, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc, là một đơn cử cho việc minh bạch mang tính bắt buộc cho yêu cầu kiểm toán khoản tài chính gọi là "tiền công đức".
Giữa năm 2019 có thông tin đại đức Thích Thanh Toàn (sinh năm 1976, quê ở Quảng Trị), trụ trì chùa Nga Hoàng từ năm 2008, vướng nghi vấn gạ tình nữ phóng viên.
Trong cuộc họp chiều 5/10/2019, đại đức Thích Thanh Toàn gửi tờ trình đến Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Vĩnh Phúc xin xả giới, hoàn tục.
Cũng trong buổi họp này, một clip ghi lại nội dung buổi sám hối, nhận lỗi, trong đó đại đức Thích Thanh Toàn nói : "Lâu nay con làm tổn thất oai đức của các ngài thì con sám hối suốt đời không hết, nhưng nói thật với quý ngài, tất cả là cạm bẫy. Nếu mình tránh cạm bẫy này sẽ có cạm bẫy khác. Con sẽ nguyện đời đời kiếp kiếp con hộ pháp chứ. Không phải đời này đâu mà đời đời, kiếp kiếp, tu sỹ cũng được, cư sỹ cũng được.
Nhưng bây giờ, con xin quý ngài là trang trại con quá lớn, tượng pháp quá lớn. Bây giờ mình bán cho ai và chuyển như thế nào ? Thế thôi ! Con cũng có nhiều chỗ ở chứ không phải một chỗ.
Còn chùa 800m2 đấy thì con vui vẻ, các ngài sao cũng được, nhưng bây giờ cái tài sản của con là con nguyện, con mua, con không làm gì cả, chỉ làm để nuôi các cháu ăn học, các người trong bệnh viện. Con xin các ngài giúp cho con cái đấy thôi. Nếu tính tài sản thì khoảng 2 – 300 tỷ đấy, con xin các ngài !
Còn các ngài chi như thế nào, tốt cho Giáo hội, không mất cái gì của Giáo hội, không mất cái gì của đạo pháp. Cái đấy xã hội cần ngàn lần, cả cả tỷ lần con cũng không sám hối hết".
Sư Toàn giải thích rằng trong quá trình trụ trì tại chùa Nga Hoàng, ông có vay nợ một số nơi để kiến thiết, tu bổ ngôi chùa. Nay muốn giữ lại những mảnh đất mua của người dân để trang trải công nợ.
Yêu cầu về "tiền nhà chùa – tiền nhà sư" mà đại đức Thích Thanh Toàn đặt ra cũng có cái lý, bởi pháp luật Việt Nam hiện không thừa nhận nhà chùa có tư cách pháp nhân có quyền sở hữu tài sản, nên trong các giao dịch mua bán tài sản thì buộc phải có cá nhân là vị sư trụ trì đứng tên sở hữu.
Trong khi đó, người đi tu thì phải phục vụ cho chùa và cộng đồng, và ông sư trụ trì, giống như một giám đốc trong một công ty, chỉ là đại diện cho chủ sở hữu tập thể chứ không phải là chủ sở hữu.
Và nếu thuận với cách đặt vấn đề như trên thì cần thiết đến yêu cầu của kiểm toán. Bởi về nguyên tắc, nguồn lực tại các cơ sở thờ tự, đền chùa là một loại quỹ công cần phải có cơ chế kiểm soát và phải được kiểm toán.
Ở đây, người viết quan niệm rằng có cả hệ thống của lĩnh vực tôn giáo. Nếu như lợi dụng lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo để trục lợi thì phải có biện pháp xử lý để bảo vệ đạo lý của tôn giáo. Nên để cho những đơn vị, tổ chức đó kiểm soát lấy.
Tuy nhiên, ở xã hội bao giờ nếu muốn duy trì được uy tín của mình thì cần phải công khai, minh bạch những gì mà người dân tự nguyện đóng góp. Bất kỳ tổ chức, đơn vị nào làm được việc này thì sẽ tạo được niềm tin của cộng đồng ; bao gồm cả tổ chức Giáo hội Phật giáo Việt Nam, và cụ thể là chùa Ba Vàng.
Nếu thực sự "tiền công đức là cho nhà chùa chứ không phải cho nhà sư", thì trước mắt Giáo hội Phật giáo Việt Nam phải có cách làm như thế nào, phải công khai công khai thông tin đó. Bởi, tiền công đức ở chùa vốn dĩ của người dân đóng góp.
Vấn đề công đức trong nhà chùa trước đây chỉ là giọt dầu, chén nước, bây giờ còn có thêm các khoản Phật tử đóng góp cho tôn tạo, đúc chuông, đổ tượng, các chương trình từ thiện… do đó cần phải minh bạch đúng với bản chất của tôn giáo.
Phạm Lê Đoan
Nguồn : VNTB, 31/07/2023
*********************
Đúng là … tiền chùa
Ngọc Lan, VNTB, 30/07/2023
Báo cáo dành nhiều thời lượng cho việc phân tích để đi đến kết luận là chùa Ba Vàng chỉ báo cáo việc quản lý thu chi tiền công đức, tài trợ cho di tích, hoạt động lễ hội, không báo cáo tiền công đức, tài trợ cho hoạt động tôn giáo và tiền công đức, tài trợ cho nhà tu hành.
Đại đức Thích Trúc Thái Minh đã vận dụng các điều luật để… lách đầy ngoạn mục về yêu cầu minh bạch tài chính tiền chùa.
Cụ thể, chùa Bà Vàng dẫn điểm b, khoản 3, điều 1 thông tư 04 của Bộ Tài chính hồi tháng 1/2023 về quản lý thu chi tiền công đức có quy định : "Thông tư này không điều chỉnh quản lý, thu chi tiền công đức, tài trợ cho hoạt động tôn giáo".
Tiếp theo, công văn của Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam gửi các chùa hướng dẫn việc thực hiện thông tư về quản lý tiền công đức của Bộ Tài chính có ghi : "Thông tin cung cấp khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu là thông tin về quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích, hoạt động của lễ hội, không phải là thông tin về tiếp nhận, quản lý, sử dụng tiền công đức, tài trợ cho hoạt động tôn giáo và tiền công đức, tài trợ cho nhà tu hành".
Chùa Ba Vàng cũng dẫn quyết định về thí điểm kiểm tra tiền công đức tại các di tích lịch sử – văn hóa, đình chùa trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh của Bộ Tài chính hồi tháng 4 có quy định : nội dung kiểm tra là "việc tiếp nhận, quản lý và sử dụng tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội".
Vì vậy chùa chỉ báo cáo tiền công đức cho di tích và hoạt động lễ hội, còn "tiền công đức, tài trợ cho hoạt động tôn giáo là vấn đề nội bộ của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, được quản lý theo quy định của giáo hội".
Về hình thức lập luận, các diễn giải của chùa Ba Vàng mang đến cảm giác dường như các khoản thu chi về tiền bạc của tôn giáo nằm ngoài pháp luật về tài chính, ví dụ như luật phòng chống rửa tiền.
Đơn cử, một clip trên kênh youtube của trang Việt Nam Thời Báo có nội dung về đoàn nhà sư với người dẫn đầu là Thích Trúc Thái Minh đang đi khất thực trên đường phố Gifu ở Nhật Bản.
"Thể theo lời thỉnh cầu của các đạo tràng Phật tử xa xứ chùa Ba Vàng tại Nhật Bản, đồng thời trên cương vị là Phó Trưởng Ban Phật giáo Quốc tế Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, trong thời gian tới, Sư Phụ Thích Trúc Thái Minh sẽ có chuyến hoằng Pháp tại đất nước mặt trời mọc, gặp gỡ và chia sẻ Phật Pháp cho các Phật tử cũng như những người yêu mến đạo Phật, có lòng tin tâm linh nhân quả" – trích thông cáo báo chí trên trang web của nhà sư Thích Trúc Thái Minh.
Theo tường thuật của bài viết trên trang Việt Nam Thời Báo, phái đoàn của nhà sư Thích Trúc Thái Minh ở chuyến công du Nhật Bản rất đông, bao gồm cả những tín đồ tháp tùng.
Các chi phí cho chuyến đi này có nguồn gốc tài chính ra sao, đó là điều chịu sự điều chỉnh của luật phòng chống rửa tiền.
Ngờ vực trên nằm trong một nội dung của báo cáo được công bố hồi đầu năm nay, có tên "Nhận diện 7 thủ đoạn "rửa tiền" được tội phạm sử dụng trong giai đoạn hiện nay".
Được đánh số thứ tự 3 trong báo cáo trên, viết (trích) : Kể từ năm 2015, khi Nghị định 70/2014/NĐ-CP của Chính phủ về hướng dẫn thực hiện Pháp lệnh ngoại hối được sửa đổi, bổ sung có hiệu lực không còn quy định về giới hạn mức chuyển ngoại tệ của người cư trú là công dân Việt Nam cho thân nhân ở nước ngoài (thay vì chỉ cho phép một công dân Việt Nam có nhu cầu trợ cấp cho thân nhân ở nước ngoài chỉ được phép chuyển, mang ngoại tệ tối đa không quá 5.000 USD cho một người hưởng trợ cấp – theo quy định tại Quyết định 1437/2001/QĐ-NHNN về mua, chuyển, mang ngoại tệ ra nước ngoài của người cư trú là công dân Việt Nam), thông qua nền tảng trực tuyến, bọn tội phạm che giấu mục đích rửa tiền bất hợp pháp với mạng lưới gây quỹ qua mạng "hợp pháp" hoặc đi du lịch".
Diễn giải nội dung trên, luật sư T.T. nêu ví dụ như một trường hợp ở quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh đi du lịch sang Bồ Đào Nha, thông qua luật sư bên đó để mở tài khoản tại Bồ Đào Nha. Cá nhân sở hữu tài khoản này với tư cách là khách du lịch, tham gia vào một tổ chức từ thiện tại Bồ Đào Nha, yêu cầu người nhà chuyển nhanh hơn 2.000 euro ra nước ngoài.
"Vì không bị giới hạn qua nền tảng giao dịch trực tuyến như vậy, các đối tượng lợi dụng kẽ hở này để rửa tiền thì có kiểm soát được không ?", luật sư T.T. đặt nghi vấn.
Ngọc Lan
Nguồn : VNTB, 30/07/2023
****************************
Chùa Ba Vàng báo cáo thu hơn 4,1 tỷ đồng công đức trong hơn một tháng
Lê Tân, VnExpress, 29/07/2023
Từ ngày 19/3 đến 30/4, chùa Ba Vàng cho biết nhận được hơn 4,1 tỷ đồng tiền công đức, tài trợ cho di tích, hoạt động lễ hội và đã chi hết cho từ thiện.
Hàng chục nghìn người đến chùa Ba Vàng vào những ngày đầu năm năm 2023. Ảnh : Chùa Ba Vàng
Trong báo cáo gửi UBND Thành phố Uông Bí ngày 28/7, trụ trì chùa Ba Vàng, đại đức Thích Trúc Thái Minh giải thích vì sao chỉ báo cáo trong hơn một tháng, thay vì cả năm 2022 và 4 tháng đầu năm 2023 như quyết định của Bộ Tài chính về thí điểm kiểm tra tiền công đức tại các di tích lịch sử - văn hóa, đình chùa trên địa bàn Quảng Ninh.
Theo nhà chùa, Thông tư 04 về quản lý thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích, hoạt động lễ hội có hiệu lực từ ngày 19/3/2023. Trước thời điểm này, cơ sở tôn giáo không tách riêng các loại tiền công đức. Do "thông tư có hiệu lực pháp luật cao hơn quyết định của Bộ Tài chính" nên chùa Ba Vàng báo cáo kể từ ngày 19/3 đến ngày 30/4.
Đại diện chùa Ba Vàng giải thích Thông tư 04 và công văn hướng dẫn của Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam không quy định việc quản lý, thu chi tiền công đức, tài trợ cho hoạt động tôn giáo và nhà tu hành.
"Tiền công đức, tài trợ cho hoạt động tôn giáo là vấn đề nội bộ của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, được quản lý theo quy định của Giáo hội, phù hợp với giáo luật của Đức Phật và pháp luật của nhà nước", báo cáo nêu. Do đó nhà chùa chỉ báo cáo tiền công đức, tài trợ cho di tích, hoạt động lễ hội trong hơn một tháng là 4,16 tỷ đồng.
Trụ trì chùa Ba Vàng cho biết khoản tiền trên đã được chi hết cho các hoạt động từ thiện từ ngày 13/4 đến 14/7, trong đó có ủng hộ làm nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo của tỉnh Điện Biên, chương trình xóa nhà tạm dột nát của Thành phố Uông Bí, chương trình mổ mắt cho người nghèo huyện Na Hang (Tuyên Quang)...
Trước đó ngày 21/7, Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Phạm Minh Chính kết quả thí điểm kiểm tra quản lý tiền công đức tại các di tích lịch sử - văn hóa, đình chùa Quảng Ninh năm 2022. Đoàn kiểm tra gồm đại diện Bộ Tài chính, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Ban Tôn giáo Chính phủ thuộc Bộ Nội vụ.
Theo Bộ Tài chính, đa số di tích có nhà sư trụ trì chỉ báo cáo nguồn thu từ khoản tiền trong hòm công đức. Trong khi đó, một số khoản công đức dưới hình thức đặt lễ, chuyển khoản, theo đánh giá của người dân vốn cao hơn tiền bỏ hòm công đức, lại không được đề cập. Như tại Yên Tử, theo Ban quản lý Di tích và rừng quốc gia Yên Tử, từ năm 2007 đến tháng 4/2023, tổng thu từ hòm công đức là 287 tỷ đồng, thấp hơn nhiều so với tổng chi là 638 tỷ đồng.
Tổng thu của các di tích ở Quảng Ninh năm 2022 gần 71 tỷ đồng, không bao gồm các khoản công đức, tài trợ bằng hiện vật, công trình xây dựng, chỉ bằng 40-60% của năm 2019. Còn trong 4 tháng đầu năm nay, tổng số thu là 61 tỷ đồng, gần bằng số thu cả năm 2022; tổng chi là hơn 29 tỷ đồng.
Bộ Tài chính cho biết mới tổng hợp từ báo cáo của chưa đến một nửa cơ sở thuộc diện cần kiểm tra. Sau khi loại trừ số địa điểm không có công đức, vẫn còn trên 50 di tích "không có số liệu báo cáo thu chi, trong đó có chùa Ba Vàng".
Lê Tân
Nguồn : VnExpress, 29/07/2023
****************************
Uông Bí đề nghị chùa Ba Vàng báo cáo bổ sung về tiền công đức
Thiên Điểu, Tuổi Trẻ online, 24/0/2023
Ngày 24/7, UBND thành phố Uông Bí đã ban hành văn bản gửi trụ trì chùa Ba Vàng đề nghị báo cáo bổ sung công tác quản lý tiền công đức, sau khi nhà chùa khẳng định không nhận được văn bản đề nghị báo cáo hồi tháng 5.
Văn bản của UBND Thành phố Uông Bí ngày 24-7 đề nghị chùa Ba Vàng báo cáo bổ sung
Trong văn bản do Phó chủ tịch UBND Thành phố Uông Bí Nguyễn Văn Thành ký ngày 24/7 nêu rõ ngày 23/5 thành phố có văn bản gửi chùa Ba Vàng , đề nghị báo cáo về quản lý tiền công đức.
Tuy nhiên (sau khi báo chí đưa tin theo báo cáo của Bộ Tài chính gửi Phó thủ tướng Lê Minh Khái và Thủ tướng Phạm Minh Chính ngày 21/7 cho biết chùa Ba Vàng và hơn 50 chùa ở Quảng Ninh không có báo cáo quản lý tiền công đức - PV), tới nay chùa Ba Vàng khẳng định không hề nhận được văn bản đề nghị chùa báo cáo, cũng không có đoàn kiểm tra nào đến làm việc.
Vì vậy, để có cơ sở tổng hợp, báo cáo bổ sung Sở Tài chính Quảng Ninh, Bộ Tài chính, UBND Thành phố Uông Bí đề nghị trụ trì chùa Ba Vàng chỉ đạo, báo cáo nội dung quản lý tiền công đức tại chùa theo đề cương, biểu mẫu gửi kèm.
Thành phố Uông Bí đề nghị thời gian báo cáo gửi trước ngày 28/7, đề nghị trụ trì chùa Ba Vàng quan tâm, phối hợp thực hiện.
Cũng ngày 24/7, chùa Ba Vàng ra thông báo thứ hai trên trang web của nhà chùa, tiếp tục khẳng định thông tin chùa Ba Vàng không báo cáo tiền công đức là sai sự thật.
Trước đó, ngày 21/7, Bộ Tài chính đã có báo cáo gửi Phó thủ tướng Lê Minh Khái và Thủ tướng Phạm Minh Chính về kết quả thực hiện thí điểm kiểm tra việc quản lý tiền công đức tại các di tích lịch sử - văn hóa, đình chùa trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh năm 2022 và bốn tháng đầu năm 2023.
Theo báo cáo, có 50 di tích không có số liệu báo cáo tiền công đức, trong đó có chùa Ba Vàng ở Uông Bí thuộc di tích cấp tỉnh, được đánh giá là ngôi chùa có số thu công đức cao.
Liên quan tới trách nhiệm báo cáo minh bạch thu chi tiền công đức, trong báo cáo của Bộ Tài chính có dẫn khoản 2, điều 18 thông tư số 04/2023/TT-BTC quy định tổ chức, cá nhân là chủ sở hữu hoặc được giao quản lý, sử dụng di tích có trách nhiệm "cung cấp kịp thời thông tin khi được cơ quan chức năng có thẩm quyền yêu cầu theo quy định của pháp luật".
Theo Bộ Tài chính, việc báo cáo này chỉ nhằm mục đích tỏ rõ sự minh bạch trong quản lý tiền công đức tại các di tích, để người dân đã tin càng thêm tin tưởng.
Thiên Điểu
Nguồn : Tuổi Trẻ online, 24/07/2023
************************
Quảng Ninh : Chưa đến kiểm tra tiền công đức ở chùa Ba Vàng nhưng có gửi văn bản
Thiên Điểu, Lê Thanh, Tiến Thắng, Tuổi Trẻ online, 23/07/2023
Một đại diện nhà chức trách Thành phố Uông Bí xác nhận địa phương này chưa có đoàn đến kiểm tra tiền công đức tại chùa Ba Vàng như chùa này khẳng định, nhưng có gửi văn bản đề nghị báo cáo.
Khóa tu mùa hè năm 2023 tại chùa Ba Vàng - Ảnh : Facebook Chùa Ba Vàng
Chùa Ba Vàng phủ nhận thông tin "không báo cáo" về tiền công đức
Ngày 23/7, một ngày sau thông tin Bộ Tài chính công bố kết quả kiểm tra tiền công đức, chùa Ba Vàng và hơn 50 chùa không báo cáo trên Tuổi Trẻ Online cũng như một số báo khác, chùa Ba Vàng (phường Quang Trung, Thành phố Uông Bí, Quảng Ninh) chính thức lên tiếng trên website của nhà chùa (chuabavang.com).
Đại đức Thích Trúc Thái Minh - trụ trì chùa Ba Vàng - cũng lên tiếng trên Cổng thông tin Phật giáo thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam, khẳng định thông tin chùa Ba Vàng không báo cáo thu chi tiền công đức là không đúng sự thật.
Theo đó, không có một đoàn kiểm tra nào đến chùa Ba Vàng trực tiếp kiểm tra việc thu chi tiền công đức. Chùa Ba Vàng cũng không nhận được bất kỳ văn bản nào yêu cầu nhà chùa phải nộp báo cáo thu chi tiền công đức.
"Như vậy, không đoàn nào đến kiểm tra, không có yêu cầu nhà chùa nộp báo cáo thu chi tiền công đức thì cơ sở đâu mà cho rằng : chùa Ba Vàng không báo cáo thu chi tiền công đức ?", thông báo của chùa Ba Vàng nói.
Đại đức Thích Trúc Thái Minh kiến nghị Bộ Tài chính giải thích rõ tới công chúng việc này.
Văn bản do Phó chủ tịch UBND Thành phố Uông Bí Nguyễn Văn Thành ký gửi chùa Ba Vàng đề nghị báo cáo thu chi tiền công đức
Quảng Ninh : Có gửi văn bản qua bưu điện
Về phản hồi của chùa Ba Vàng, nguồn tin của Tuổi Trẻ Online cho biết báo cáo của UBND Thành phố Uông Bí về việc kiểm tra quản lý tiền công đức tại các di tích lịch sử - văn hóa, đình, chùa cho thấy chùa Ba Vàng và một số di tích khác trên địa bàn Thành phố Uông Bí không có số liệu báo cáo.
Ngoài ra, nguồn tin cũng cung cấp văn bản do phó chủ tịch UBND Thành phố Uông Bí ký ngày 23/5 gửi Ban trị sự chùa Ba Vàng. Trong đó, UBND Thành phố Uông Bí đề nghị Ban trị sự chùa Ba Vàng báo cáo nội dung quản lý tiền công đức tại chùa theo đề cương, biểu mẫu gửi kèm. Thời gian báo cáo trước ngày 15/6.
Trả lời Tuổi Trẻ Online chiều 23/7, một đại diện thuộc đoàn kiểm tra việc quản lý tiền công đức tại các di tích lịch sử - văn hóa, đình, chùa trên địa bàn Thành phố Uông Bí xác nhận đoàn không đến kiểm tra tại chùa Ba Vàng. Nhưng Thành phố có gửi văn bản đề nghị Ban trị sự chùa Ba Vàng báo cáo nội dung quản lý tiền công đức hồi tháng 5, qua đường bưu điện.
Tuy nhiên tới nay chùa Ba Vàng lại khẳng định không nhận được văn bản, nên vị đại diện cho biết thành phố đang rà soát, kiểm tra lại.
Yên Tử : tiền công đức thấp vì phần lớn do nhà chùa thu không được tính
Về thông tin trong báo cáo của Bộ Tài chính gửi Thủ tướng cho biết "không tránh khỏi những băn khoăn về tính khách quan trong việc tiếp nhận, kiểm đếm tiền công đức tại khu di tích lịch sử và danh thắng cảnh Yên Tử" khi danh thắng quốc gia đặc biệt này mỗi năm đón hơn 2 triệu lượt khách mà số tiền công đức thu được lại khá thấp, một đại diện ban quản lý khu di tích cho biết không rõ con số hơn 2 triệu lượt khách tham quan mỗi năm mà Bộ Tài chính đưa ra dẫn theo nguồn nào. Ghi nhận của ban quản lý khu di tích này là hơn 1 triệu khách mỗi năm.
Ngoài ra, số tiền ban quản lý có thể quản lý và báo cáo là tiền công đức do khách góp tại các bàn ghi công đức và hòm công đức. Nhưng số này lại rất ít so với tiền giọt dầu mà khách thường đặt trực tiếp trên các ban thờ. Tiền này do nhà chùa thu chứ ban quản lý không được thu, không được ghi nhận vào báo cáo.
Thiên Điểu, Lê Thanh, Tiến Thắng
Nguồn : Tuổi Trẻ online, 23/07/2023