Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Luật pháp Việt Nam nghiêm cấm mọi hoạt động mê tín dị đoan nhằm đảm bảo trật tự xã hội và nếp sống văn minh xã hội chủ nghĩa. Theo đó, mê tín, dị đoan được hiểu là sự mù quáng, tin vào thần thánh, ma quỷ, định mệnh, v.v… không có cơ sở khoa học. Với đồng chí Thích Ba Vàng, nhiều năm qua mượn áo thầy tu, mượn danh Phật Giáo rao giảng, gieo rắc niềm tin sai trái trục lợi tiền cúng dường. Khái niệm nhân quả, nghiệp báo mang tính quy luật của Phật học đã bị Ba Vàng diễn giải xuyên tạc thành chuyện ma quỷ. Đức Phật là biểu trưng cho lòng từ bi, giác ngộ bị biến thành loại thần linh chuyên nhận tiền cúng dường ban bố quyền năng sống chết, phúc họa cho con người. Sự lừa bịp của Thích Thái Trúc Minh là cố ý và mang tính hệ thống

bavang1

Trụ trì chùa Ba Vàng - sư Thích Trúc Thái Minh giảng Pháp thoại có tựa đề "Chuyện quá khứ và những lời nguyện". Chùa Ba Vàng

Không chỉ chuyện thỉnh vong, cúng oan gia trái chủ lừa bịp cưỡng đoạt hàng chục tỉ đồng của người cả tin, Trúc Minh còn dàn dựng nhiều trò bỉ ổi khác để mê hoặc người dân. Chuyện chùa Ba Vàng "cứu sống" chàng trai "mặt ngựa" là điển hình của trò lừa bịp này.

Từ năm 2013 đến nay, website Chùa Ba Vàng đăng ba bài viết với nhiều hình ảnh và clip kèm theo về đề tài này. Đó là "Chùa Ba Vàng : Nơi "cứu sống" chàng trai "mặt ngựa" và cũng là nơi "chứng kiến" anh xây dựng hạnh phúc lứa đôi", "Cậu bé "khối u mặt ngựa" ngày nào, nay đã có được hạnh phúc nhờ ánh sáng Phật Pháp", "Khởi duyên từ câu chuyện cậu bé "mặt ngựa" - chàng trai xa xứ tìm được ánh sáng nhiệm màu của Phật Pháp". Theo các bài này thì "Chàng trai "mặt ngựa" Lê Trung Tuấn thoát khỏi ranh giới sinh tử nhờ tu tập tại chùa Ba Vàng"

Nguyên em Lê Trung Tuấn sinh năm 1998, ở thị trấn Bến Sung, huyện Như Thanh, tỉnh Thanh Hóa) Năm 11 tuổi, em mắc một căn bệnh hiếm, có khối u mọc trên khuôn mặt. Khối u mỗi ngày lớn, choán hết hộp sọ của Tuấn, đẩy hai mắt của Tuấn ra xa. Mặt Tuấn biến dạng, một tai bị điếc, một mắt bị mờ, khứu giác bị ảnh hưởng. Người ta gọi Tuấn là cậu bé "không khuôn mặt" hay "cậu bé mặt ngựa". Gia đình đã đưa em đi khám khắp nơi nhưng các bác sĩ đều lắc đầu vì đây là căn bệnh hiểm nghèo hiếm gặp, khả năng tử vong cao và ngoài khả năng phẫu thuật tại Việt Nam.

Bài viết trên trang Chùa Ba Vàng nhấn mạnh là : "bác sĩ McKay McKinnon - người được mệnh danh là "có bàn tay vàng", chuyên gia ung bướu hàng đầu thế giới cũng phải bó tay và không thể tiến hành ca phẫu thuật"

Một huyền thoại được dựng lên, Tuấn cùng bố đến Ba Vàng. Sư Phụ cùng chư Tăng làm lễ khai thị và biết nguyên nhân trong tiền kiếp khiến kiếp này Tuấn phải chịu quả báo đau khổ. Trong đêm đó, Sư Phụ được Đức Quan Âm Bồ Tát báo mộng sẽ cứu sống được Tuấn.

Tuấn và gia đình tích cực tu tập, tụng kinh, bái sám, tác phước hồi hướng, nhất tâm niệm Phật, làm các việc phúc thiện, nghe Pháp,...Gia đình Tuấn được Cô Phạm Thị Yến cùng tất cả các Phật tử của các đạo tràng trợ duyên tu tập và tài chính trong bốn tháng liên tục. Sau hơn bốn tháng, vào ngày 23/7/2013, một sự thay đổi rất nhiệm màu trong khối u của Tuấn : từ một khối u to bằng quả bưởi mà đã nhỏ lại đáng kể, liên tục chảy mủ máu thì nay không còn,...

Sau khi tái khám và nhận thấy khối u có sự chuyển biến rõ rệt, bác sĩ McKay McKinnon - người từng bó tay với căn bệnh của Tuấn đã đồng ý tiến hành phẫu thuật miễn phí cho Tuấn. Vậy là nhờ tu tập Phật Pháp mà phúc lành tăng trưởng nên bệnh căn thuyên giảm, nghiệp bệnh chuyển hóa, khối u đã đỡ hơn, tinh thần vững vàng, sức khỏe bảo đảm để chuẩn bị bước vào ca phẫu thuật do bác sĩ nước ngoài trực tiếp tiến hành. (1)

Huyền thoại của chùa Ba Vàng có hai chi tiết dối trá quan trọng là lúc đầu khối u của Tuấn lớn, bác sĩ McKay McKinnon không dám mổ, nhờ Ba Vàng cúng bái giải nghiệp khối u nhỏ lại bác sĩ mới dám mổ và mỗ thành công. Người ta đâm thắc mắc đã thiêng đến mức ấy sao Ba Vàng không cúng cho khỏi hẳn cần chi đến y học, bác sĩ can thiệp. Thực tế huyền thoại này ra sao ?

Theo báo Dân Trí, phát hiện hoàn cảnh thương tâm của em Tuấn, báo đăng tải thông tin, rất nhiều cá nhân, tổ chức hảo tâm và đội ngũ các y bác sĩ trong và ngoài nước tìm mọi cách để cứu chữa. Cuối cùng, giữa tháng 7/2013, Tuấn đã được Chuyên gia u bướu người Mỹ McKay McKinnon và GS TS Nguyễn Thanh Liêm mổ bóc tách thành công khối u. Ca mổ được tài trợ 100% bởi bệnh viện Đa khoa quốc tế Vinmec cùng các tổ chức, tập đoàn, cá nhân.

"Không những bóc tách thành công khối u trên mặt, Chuyên gia u bướu người Mỹ McKay McKinnon đã tiếp tục sang Việt Nam thêm ba lần nữa để phẫu thuật, tái tạo lại khuôn mặt cho cậu bé đáng thương này". (2)

Như vậy hoàn toàn toàn không có chuyện bác sĩ McKay McKinnon lần đầu từ chối không mỗ, đến khi khối u nhỏ lại mới dám mổ. Ngược lại, trang web của bệnh viện Vinmec còn nhấn mạnh rằng càng về sau khối u càng lớn hơn và nguy hiểm hơn. "Sau bốn năm, khối u ác tính đã phá hủy một phần xương sọ, xoang trán, ăn sâu vào nền sọ, chèn ép vào thần kinh thị giác và ảnh hưởng đến tuyến yên dọa nghiêm trọng đến tính mạng".

"9h30 ngày 23/7/2013, bác sỹ McKay McKinnon và ekip mổ tại Vinmec bao gồm GS TS Nguyễn Thanh Liêm và các đồng nghiệp đã tiến hành ca phẫu thuật đặc biệt này. Đúng như tiên lượng của GS Liêm, do khối u quá lớn và thời gian mổ kéo dài tới chín tiếng nên bệnh nhân mất rất nhiều máu. Vinmec đã phải truyền liên tục bảy lít máu gồm năm lít hồng cầu và hai lít huyết tương tươi cho Tuấn trong suốt ca phẫu thuật". (3)

Chùa Ba Vàng đã đánh tráo, cướp công của các nhà khoa học, tấm lòng hảo tâm của cộng đồng biến thành câu chuyện mê tín đánh lừa công chúng. Phật là đấng trí tuệ chứ không phải vị thần linh có quyền năng trị bệnh. Quan Thế Âm là vị bồ tát biểu trưng cho hạnh lắng nghe, yêu thương thấu hiểu người khác chứ không có quyền năng như trong tiểu thuyết Tây Du Ký. Lấy thành công của y học gán ghép cho chuyện linh thiêng theo tiểu thuyết, chứng minh cho tà pháp giải oan, giải nghiệp cúng vong là mượn Phật để làm trò mê tín dị đoan.

Điều đáng nói là dù có bao nhiêu cơ quan quản lý Ban Tôn Giáo, Giáo Hội, Bộ Thông Tin Truyền Thông,… với hệ thống giáo luật, pháp luật chặt chẽ, hàng chục bài viết, clip truyền bá mê tín của chùa Ba Vàng đã bị các nhà khoa học lên tiếng phản đối, vẫn sinh sôi lan tràn trên không gian mạng gieo rắc nọc độc, niềm tin sai lạc cho hàng triệu con người suốt từ năm 2013 đến nay. Đó có phải là sự bao che ?

Đình đám hơn nữa là vụ chùa Ba Vàng trưng bày "xá lợi tóc Đức Phật" gây xôn xao dư luận. Vấn đề mà đại chúng quan tâm và cần Giáo Hội, Ban Tôn giáo Chính phủ trả lời không phải là chuyện xử lý đồng chí Thích Thái Trúc Minh như thế nào mà cần khẳng định đây là xá lợi tóc Đức Phật thật hay chỉ là cỏ Pili. Điều này hết sức quan trọng vì nó thể hiện quan niệm cơ bản về cách nhìn, cách tiếp cận đối với hình tượng Đức Phật như là biểu tượng của trí tuệ từ bi hay là một xác ướp huyền thoại vẫn sinh tồn sau 2600 năm ? Phật Giáo Việt Nam đem đến cho phật tử con đường giải thoát bằng trí tuệ hay đồng hóa với các đạo phù thủy, bùa chú ?

bavang2

Đại đức Thích Trúc Thái Minh (trái) cầm "xá-lợi tóc Đức Phật" chùa Ba vàng trưng bày. Hình : Báo Giác Ngộ

Chừng như hiểu được tầm quan trọng này, trong cuộc họp tại trụ sở Ban Tôn giáo Chính phủ ngày 4-1, đại diện Bộ Ngoại giao cũng đã báo cáo về việc Bộ Ngoại giao đã gửi văn bản tới Đại sứ quán Việt Nam tại Myanmar để xác định nguồn gốc về "xá lợi tóc Đức Phật" được cho là Thượng tọa Sayadaw U Wepulla, trụ trì chùa Parami và Bảo tàng Xá lợi Phật Quốc tế Parami mang tới trưng bày tại chùa Ba Vàng. (4)

Đây là động thái tích cực rất đáng hoan nghênh. Thế nhưng, mấy tháng sau, khi cơ quan chức năng ra quyết định xử lý thì câu hỏi quan trọng ấy không hề được giải đáp. Bộ Ngoại Giao im lặng, còn các cơ quan khác thì tuyên bố hết sức ất ơ, lấp liếm.

UBND TP Uông Bí (tỉnh Quảng Ninh) quyết định xử phạt hành chính đối Thích Trúc Thái Minh 7,5 triệu đồng "vì tổ chức trưng bày triển lãm hiện vật được gọi là "xá lợi tóc Đức Phật" khi không gửi thông báo tới cơ quan nhà nước có thẩm quyền".

Cổng thông tin điện tử tỉnh Quảng Ninh cho rằng "chùa Ba Vàng tổ chức rước, trưng bày cái gọi là "xá lợi tóc Phật" cho nhân dân chiêm bái và một số hoạt động là chưa đúng quy định của luật về chủ thể cũng như thời gian đăng ký theo Luật Tín ngưỡng, tôn giáo và Nghị định số 162 ngày 30-12-2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo…".

Đây là cái lỗi hoàn toàn hình thức, do không xin phép chính quyền còn việc sư Ba Vàng có lừa đảo công chúng, dối Phật, bán sỉ bán lẻ Đức Phật thu tiền cúng dường hay không thì lại làm ngơ.

Hội đồng Trị sư nhận định các hoạt động trưng bày "xá lợi tóc Đức Phật" của Đại đức Thích Trúc Thái Minh làm ảnh hưởng nghiêm trọng niềm tin Phật giáo, tín tâm của Phật tử về Giáo hội Phật giáo Việt Nam". (5)

Ảnh hưởng niềm tin là như thế nào ? Nhiều người trong đó có cả quan chức đã tin sái cổ đã tự hào mân mê vuốt ve tóc Phật. Nếu bảo vật trấn quốc của nước bạn, một phần thân thể thiêng liêng của Đức Phật mà ai cũng có thể mân mê như vậy thì đáng tự hào chứ có gì ảnh hưởng ?

Đặc biệt là sau vụ lừa đảo mang tầm quốc tế như vậy giáo hội vẫn hết sức nhẹ nhàng nâng niu đồng chí Ba Vàng, chỉ cấm tổ chức sự kiện quốc tế trong vòng một năm. Nhờ vậy, Ba Vàng rầm rộ tổ chức khóa tu mùa hè cho học sinh thu hút hàng chục ngàn em để tiếp tục truyền bá về vong báo oán, nghiệp từ nhiều kiếp trước.

Mới đây, mạng xã hội lan truyền một video trong khóa tu mùa hè của chùa Ba Vàng có xuất hiện cảnh quay một nữ sinh K.L, bị co giật. Sư thầy Ba Vàng cho rằng em gái đã tạo nghiệp với vong trong 14 kiếp trước. "oan gia" Phạm Thị Yến thuyết giảng như chuyện trong phim kinh dị, oan gia trái chủ của K.L là một vong linh - một cô gái rất đẹp trong làng. Do kiếp trước K.L khởi ý, rủ vong linh, khiến nó làm việc ác nên kiếp này vong linh oán và thành oan gia trái chủ của K.L.

"Dưới phần bình luận video về màn thuyết giảng tại Khóa tu mùa hè của chùa Ba Vàng, hàng nghìn comment của các vị phụ huynh bày tỏ lo lắng trước việc nhiều em nhỏ lắng nghe và tin tưởng vào câu chuyện về nghiệp duyên kiếp trước này". (6)

Màn trình diễn ma thuật sống động trực tiếp trước hàng ngàn em học sinh tham dự khóa tu và được lan truyền trên mạng hàng năm qua sẽ gây tác hại như thế nào với trí óc non nớt của thế hệ trẻ ? Làm thế nào để giải độc, tẩy xóa những chấm mực đen đã gieo rắc vào tâm hồn thơ dại, trí óc trong trắng của các em ? 

Chính quyền từ tỉnh đến TP Quảng Ninh không ai nghĩ đến điều đó. Người ta chỉ bao biện, bảo vệ cho sư Ba Vàng và phủi trách nhiệm của mình. Ông Nguyễn Đăng Kiên - Trưởng ban Tôn giáo tỉnh Quảng Ninh – trả lời báo chí "qua xác minh thì video clip đó đúng là của chùa Ba Vàng nhưng từ năm 2019. Liên quan đến video clip này, sư trụ trì chùa Ba Vàng Thích Trúc Thái Minh cũng đã bị các cơ quan liên quan xử lý theo quy định". (7)

Điều 320 Bộ luật hình sự năm 2015 được sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định về tội hành nghề mê tín dị đoan như sau :

1.Người nào dùng bói toán, đồng bóng hoặc các hình thức mê tín, dị đoan khác đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm. (8)

Với từng ấy hành vi bán Phật, mua vong giải nghiệp, đồng chí Thích Ba Vàng đã đủ yếu tố cấu thành tội hành nghề mê tín dị đoan chưa ? Ai bảo kê ? Vì sao các cơ quan từ trung ương đến địa phương cứ ngắc ngứ bao che để sư liên tục khuynh loát xã hội, tác yêu tác quái lừa dọa người nhẹ dạ cả tin thu tiền cúng dường ? Bao nhiêu người sẽ tiếp tục hoan hỉ bị lừa ? Tội ác của sư Ba Vàng còn gieo rắc đến bao giờ ?

Gió Bấc

Nguồn : RFA, 25/06/2024

Tham khảo :

1. https://chuabavang.com/chua-ba-vang-noi-cuu-song-chang-trai-mat-ngua-va-...

2. https://dantri.com.vn/tam-long-nhan-ai/su-hoi-sinh-ky-dieu-cua-cau-be-kh...

3. https://www.vinmec.com/vi/tin-tuc/hoat-dong-benh-vien/phau-thuat-thanh-c...

4. https://laodong.vn/thoi-su/bo-ngoai-giao-dang-xac-dinh-nguon-xa-loi-toc-duc-phat-tai-chua-ba-vang-1288860.ldo

5. https://nld.com.vn/tru-tri-chua-ba-vang-thich-truc-thai-minh-bi-phat-75-trieu-dong-196240126192518502.htm

6. https://cafef.vn/bat-ngo-ket-qua-xac-minh-video-thuyet-giang-nghiep-kiep...

7. https://laodong.vn/xa-hoi/ban-ton-giao-quang-ninh-tra-loi-vu-video-clip-...

8. https://luatduyhung.com/toi-hanh-nghe-me-tin-di-doan/

Additional Info

  • Author Gió Bấc
Published in Diễn đàn

Ba Vàng vắng khách

Tuấn Khanh, thuymyrfi.blogspot, 19/02/2024

Bức ảnh mới, đang lan truyền trên mạng cho thấy sân Chùa Ba Vàng vắng lặng khác thường trong những ngày đầu năm mới Giáp Thìn. Điều chưa thấy bao giờ trước đây, cho đến khi ngọn cỏ Pili ngọ nguậy và được bái lạy.

bavang1

Bức ảnh mới, đang lan truyền trên mạng cho thấy sân Chùa Ba Vàng vắng lặng khác thường trong những ngày đầu năm mới Giáp Thìn.

Hệ thống công nghiệp cúng dường với những nhà lãnh đạo quốc doanh Phật được đắp tô, có lẽ ắt đã vấp phải sự tức giận và từ chối của người dân, đặc biệt là các tín đồ phía Bắc, vốn hồn nhiên và dễ tin đã quy tụ về đây suốt một thời gian dài. Sự trống trải, lạnh tanh khác thường lệ như loạt hình cho thấy, là một lời đáp trả im lặng nhưng có sức mạnh gấp ngàn lần những bài hoằng pháp ồn ào giả tạo, hối thúc con tin tín ngưỡng dâng nộp tiền.

Một người bạn ở miền Bắc kể rằng trước đây, bà của cô ta thức dậy là chỉ muốn lên chùa ngay, rồi có bao nhiêu tiền gom góp được là cũng để dành đem cúng dường.

Cô nói cả nhà rất khổ tâm nhưng không thể nào cản được, vì bà cứ khư khư nói thầy dạy rằng cúng dường là có phúc cho cả nhà.

Sau sự kiện chuyện lừa siêu cấp quốc dân về ngọn cỏ Pili - mặc dù có đánh tiếng là sẽ điều tra đến tận gốc, và Giáo hội Quốc Doanh Phật cũng nói lu loa mơ hồ để giúp chạy chữa trong văn bản kỷ luật ông Thích Trúc Thái Minh - người bà của cô đã không còn đến chùa Ba Vàng như thường lệ. Mà bắt đầu tìm đến những ngôi chùa nhỏ, như một cách để chữa vết thương của lòng tin bị xúc phạm.

Trên các trang mạng cũng có những bài hùng hồn, như seeding quảng cáo phim Việt Nam, đăng lại hình ảnh huy hoàng của chùa Ba Vàng vào năm 2023 với sân chùa ngập kín người, mập mờ mô tả sự nô nức của tín hữu với chùa Ba Vàng năm 2024 luôn vẫn như ngày nào.

Những hình ảnh vắng lặng của chùa Ba Vàng xuất hiện trên cách trang mạng năm nay, kể cả lối đi dài dằng dặc vào chùa không có bóng người, được nói là hình ảnh từ trước mùng 8 Tết. Nhưng đây cũng là một điều cũng chưa có tiền lệ, theo nhận định trên trang Facebook của nhà văn Phạm Lưu Vũ "hỏi chuyện các hàng quán, thì họ cho biết sự thật hoàn toàn ngược lại. Không có chuyện "biển người", không có việc "chen chúc"…

Nhưng riêng câu chuyện mùng 8 Tết Giáp Thìn, mà báo Tuổi Trẻ chạy bài "biển người" phải sử dụng ảnh cũ năm 2023, là câu hỏi được nhiều người đặt ra.

bavang00

Có khó gì cho một bức ảnh đông đúc người dự hội ngày mùng 8, như chùa Ba Vàng cho phát livestream, mà báo phải làm ảnh giả ? Phân tích về điều này, cũng dễ nhận ra : đây chính là bài ca ngợi được đặt hàng viết trước, để quảng bá cho Ba Vàng trước giờ G. Nhưng có thể vì đỏ mắt không kiếm được hình ảnh "biển người" nào khả dĩ để minh họa, nên đành phải dùng ảnh cũ.

Lễ hội mùng 8 ở chùa Ba Vàng với quy mô tín đồ được hẹn trước để livestream, là chuyện cứu nguy danh dự vào phút 89 cho tờ báo. Nhưng cũng để lộ rằng những khoảng trống trong sân Ba Vàng trước đó, là điều có thật cần phải được che đi, nhường chỗ cho phông màn đỏ rực về sau.

Sự vĩ đại không có thật nó sẽ sớm trở thành trò hề. Giá trị giả chỉ bán thêm được đôi ba lá sớ, dăm bảy lời cầu siêu. Nhưng hãy cùng nghĩ xem, nếu không có "chỉ đạo" nào đó để cứu khổ cứu nạn truyền thông cho chùa Ba Vàng, ắt đã không có những bài báo giả tạo về sự rầm rộ lễ hội ở chùa Ba Vàng năm nay.

Hoang tin cứu chùa Ba Vàng như các trang báo điện tử lúc này, không hề để cứu ông Bụt hay nhà sư nào ở đó. Mà rõ là cưỡng tín để cứu dòng tiền của ngành công nghiệp cúng dường đang vào ngày tắc mạch.

Tuấn Khanh

(Tựa bài do Thụy My đặt lại)

Nguồn : thuymyrfi.blogspot, 19/02/2024

**************************

Ba Vàng mùa lễ hội

Phạm Lưu Vũ, 19/02/2024

Báo Tuổi Trẻ đã lộ mặt là công cụ truyền thông của Ba Vàng khi đăng ảnh "biển người" chen chúc đi chùa Ba Vàng vào ngày mồng Tám tháng Giêng vừa qua.

bavang4

Lấy ảnh chụp năm Quý Mão (2023), quảng cáo cho năm Giáp Thìn (2024) để đánh lừa dư luận, khiến không ít người buồn cho căn bệnh u mê của đám đông, đã không tỉnh ngộ trước sự lừa bịp trắng trợn của tên trọc Thích Trúc Thái Minh trong vụ "Xá lợi tóc", và những bài "thuyết pháp" sặc mùi quảng cáo, con buôn… để đánh lừa phật tử của gã.

Sự thật hoàn toàn không phải như thế. Rất nhiều người đã tỉnh ngộ. Một bạn vừa gửi cho tôi mấy clip, quay sáng hôm nay, mồng Mười tháng Giêng năm Giáp Thìn, vẫn đang mùa lễ hội, mà những con đường dẫn vào Ba Vàng, bãi xe Ba Vàng vắng như chùa… Bà Đanh.

Hỏi chuyện những bảo vệ, và những người làm trong chùa về sự thật ngày mồng Tám vừa qua, họ đều e ngại không dám nói. Mới hay Ba Vàng là lãnh địa riêng của tên trọc giả chúa tể kia. Nhưng hỏi chuyện các hàng quán, thì họ cho biết sự thật hoàn toàn ngược lại. Không có chuyện "biển người", không có việc "chen chúc"…

Nhân đây, có người khuyên, rằng không nên bêu xấu các ma tăng, vì họ làm thì họ chịu, mình nói ra, không những sẽ gây cái nhìn xấu về đạo Phật, mà còn tạo… "khẩu nghiệp".

Đây chính là luận điệu của lũ ma tăng, của những tên trọc như Thích Trúc Thái Minh, Thích Chân Quang… Họ luôn lôi "khẩu nghiệp" ra để dọa người khác. Thế còn chính họ, thuyết những bài "pháp" hủy báng đạo Phật, khiến phật tử ngày càng u mê… thì họ không sợ "khẩu nghiệp" chăng ?

Vạch mặt lũ ma tăng không hề "gây cái nhìn xấu" về đạo Phật. Bởi vì đạo Phật là con đường tiến hóa của mọi trí tuệ tới Vô Thượng Bồ Đề, vốn bất sinh bất diệt, bất cấu bất tịnh, bất tăng bất giảm. Dẫu lũ ma tăng phá Pháp kia có nhiều như cát sông Hằng, thì đạo Phật cũng không hề suy suyển mảy may.

Tu sĩ không thể đứng ngoài luật pháp thế gian, nhiều "đại đức" đã ra tòa, vào lò… thì cũng không thể đứng ngoài dư luận. Không có "vùng cấm" dư luận cho các tu sĩ. Vùng cấm ấy là do chính họ tự đặt ra, và ảo tưởng về nó, cho nên họ mới ngày càng càn rỡ như thế. Vạch mặt tà sư là công việc Hộ Pháp, là công đức vô lượng, là hạnh Bồ Tát, vì giúp cho nhiều người không bị tà sư lừa bịp... Và không chỉ có vậy, mà còn "độ" cho chính các tà sư, giúp cho họ cơ hội để tỉnh ngộ, đỡ nghiệp nặng cho chính họ.

Những người tin Phật, theo Phật chớ e ngại điều này. Phải coi việc "độ" cho chính các tu sĩ là việc cần thiết, là hạnh Bồ Tát của mình. Người phát tâm Bồ Đề, dẫu mình chưa thành đạo, thì cũng phải phát nguyện độ cho tất cả mọi chúng sinh, Kinh đã nói rõ ràng như thế. Người có hạnh kiểm cỡ trung bình khá ở thế tục còn biết : "lo trước cái lo của thiên hạ, vui sau cái vui của thiên hạ"… huống hồ người theo hạnh Bồ Tát ?

Tất cả mọi chúng sinh ở đây là bao gồm cả tam giới, trong đó có cả… Trời. Nghĩa là đối với hạnh Bồ Tát, thì đến Trời cũng còn không ra ngoài đối tượng cần phải "độ", huống hồ mấy tên trọc phàm tục không lo chuyện tu hành, mà chỉ lo xây chùa to, lo làm rõ nhiều "phật sự", lo kiếm càng nhiều càng ít tiền của "cúng dường" kia.

Phạm Lưu Vũ

Nguồn : thuymyrfi.blogspot, 19/02/2024

**************************

Thời chùa Ba Vàng vắng lặng

Tuấn Khanh, RFA, 19/02/2024

Bức ảnh mới, đang lan truyền từ trang facebook của nhà văn Phạm Lưu Vũ ở Hà Nội, cho thấy sân Chùa Ba Vàng vắng lặng khác thường trong những ngày đầu năm mới Giáp Thìn. Điều chưa thấy bao giờ trước đây, cho đến khi ngọn cỏ Pili ngọ nguậy và được bái lạy.

bavang2

Câu chuyện mùng 8 Tết Giáp Thìn, mà báo Tuổi Trẻ chạy bài "biển người" phải sử dụng ảnh cũ năm 2023, là câu hỏi được nhiều người đặt ra.

Hệ thống công nghiệp cúng dường với những nhà lãnh đạo quốc doanh Phật được đắp tô, có lẽ ắt đã vấp phải sự tức giận và từ chối của người dân, đặc biệt là các tín đồ phía Bắc, vốn hồn nhiên và dễ tin đã quy tụ về đây suốt một thời gian dài. Sự trống trải, lạnh tanh khác thường lệ như loạt hình cho thấy, là một lời đáp trả im lặng nhưng có sức mạnh gấp ngàn lần những bài hoằng pháp ồn ào giả tạo, hối thúc con tin tín ngưỡng dâng nộp tiền.

Một người bạn ở miền Bắc kể rằng trước đây, bà của cô ta thức dậy là chỉ muốn lên chùa ngay, rồi có bao nhiêu tiền gom góp được là cũng để dành đem cúng dường. 

Cô nói cả nhà rất khổ tâm nhưng không thể nào cản được, vì bà cứ khư khư nói thầy dạy rằng cúng dường là có phúc cho cả nhà. 

Sau sự kiện chuyện lừa siêu cấp quốc dân về ngọn cỏ Pili - mặc dù có đánh tiếng là sẽ điều tra đến tận gốc, và Giáo hội Quốc Doanh Phật cũng nói lu loa mơ hồ để giúp chạy chữa trong văn bản kỷ luật ông Thích Trúc Thái Minh - người bà của cô đã không còn đến chùa Ba Vàng như thường lệ, mà bắt đầu tìm đến những ngôi chùa nhỏ, như một cách để chữa vết thương của lòng tin bị xúc phạm.

Trên các trang mạng cũng có những bài hùng hồn, như seeding quảng cáo phim Việt Nam, đăng lại hình ảnh huy hoàng của chùa Ba Vàng vào năm 2023 với sân chùa ngập kín người, mập mờ mô tả sự nô nức của tín hữu với chùa Ba Vàng năm 2024 luôn vẫn như ngày nào.

Những hình ảnh vắng lặng của chùa Ba Vàng xuất hiện trên các trang mạng năm nay, kể cả lối đi dài dằng dặc vào chùa không có bóng người, được nói là hình ảnh từ trước mùng 8 Tết, nhưng đây cũng là một điều cũng chưa có tiền lệ, theo nhận định trên trang facebook của nhà văn Phạm Lưu Vũ "hỏi chuyện các hàng quán, thì họ cho biết sự thật hoàn toàn ngược lại. Không có chuyện "biển người", không có việc "chen chúc"…

Nhưng riêng câu chuyện mùng 8 Tết Giáp Thìn, mà báo Tuổi Trẻ chạy bài "biển người" phải sử dụng ảnh cũ năm 2023, là câu hỏi được nhiều người đặt ra.

Có khó gì cho một bức ảnh đông đúc người dự hội ngày mùng 8, như chùa Ba Vàng cho phát livestream, mà báo phải làm ảnh giả ? Phân tích về điều này, cũng dễ nhận ra : đây chính là bài ca ngợi được đặt hàng viết trước, để quảng bá cho Ba Vàng trước giờ G. Nhưng có thể vì đỏ mắt không kiếm được hình ảnh "biển người" nào khả dĩ để minh hoạ, nên đành phải dùng ảnh cũ. 

Trên trang facebook có tên Nghiêm Sỹ Cường, anh ghé qua chùa Ba Vàng vào ngày mùng 10 Tết, mọi thứ im ỉm. Anh hỏi thử những người bàn hàng ven đường vào chùa "thế hôm mồng 8 Tết, mọi người đến có đông không các bác ?", những quán hàng quanh chùa đều trả lời "hôm đó thứ Bảy, chỉ hơn thế này chút thôi. Mấy năm trước, vào những ngày này còn tắc cả đường, năm nay giảm 80, 90%". 

Lễ hội mùng 8 ở chùa Ba Vàng với quy mô tín đồ được hẹn trước để livestream, là chuyện cứu nguy danh dự vào phút 89 cho tờ báo, nhưng cũng để lộ rằng những khoảng trống trong sân Ba Vàng trước đó, là điều có thật cần phải được che đi, nhường chỗ cho phông màn đỏ rực về sau.

Trên trang facebook có tên Nghiêm Sỹ Cường, anh ghé qua chùa Ba Vàng vào ngày mùng 10 Tết, mọi thứ im ỉm. Anh hỏi những người bàn hàng ven đường vào chùa "thế hôm mồng 8 Tết, mọi người đến có đông không các bác ?", những quán hàng quanh chùa đều trả lời "hôm đó thứ Bảy, chỉ hơn thế này chút thôi. Mấy năm trước, vào những ngày này còn tắc cả đường, năm nay giảm 80, 90%". 

Sự vĩ đại không có thật nó sẽ sớm trở thành trò hề. Giá trị giả chỉ bán thêm được đôi ba lá sớ, dăm bảy lời cầu siêu. Nhưng hãy cùng nghĩ xem, nếu không có "chỉ đạo" nào đó để cứu khổ cứu nạn truyền thông cho chùa Ba Vàng, ắt đã không có những bài báo giả tạo về sự rầm rộ lễ hội ở chùa Ba Vàng năm nay. 

Hoang tin cứu chùa Ba Vàng như các trang báo điện tử lúc này, không hề để cứu ông Bụt hay nhà sư nào ở đó, mà rõ là cưỡng tín để cứu dòng tiền của ngành công nghiệp cúng dường đang vào ngày tắc mạch.

Tuấn Khanh

Nguồn : RFA, 19/02/2024

***********************

Người dân đổ về chùa Ba Vàng cầu bình an dịp Tết, tỉnh Quảng Ninh yêu cầu nhà chùa không nhận linh vật lạ

RFA, 18/02/2024

Hàng vạn người dân đã đổ về chùa Ba Vàng ở tỉnh Quảng Ninh vào ngày 17/2 để chiêm bái cầu bình an nhân dịp Tết Nguyên đán nhưng vào ngày 18/2 chính quyền tỉnh đã yêu cầu nhà chùa không tiếp nhận công đức các linh vật lạ, ngoại lai. Trong khi đó, một số trang mạng xã hội tại Việt Nam ngày 18/9 lại loan truyền các hình ảnh cho thấy chùa Ba Vàng vắng bóng khách vào trước ngày mùng 8 Tết. Đài Á Châu Tự Do chưa thể kiểm chứng sự khác biệt này. 

bavang1

Người dân đổ về chùa Ba Vàng, Quảng Ninh vào dịp Tết - Thanh Niên via chùa Ba Vàng

Chùa Ba Vàng nổi tiếng trong dân chúng Việt Nam là chùa lớn với nhiều hoạt động dành cho cả trẻ em lẫn người lớn. Nhưng điều khiến dư luận và báo chí thời gian qua chú ý nhiều hơn là hai vụ gồm cúng "oan gia trái chủ" và "xá lợi tóc Đức Phật".

Vụ "oan gia trái chủ bị báo chí trong nước phát giác năm 2019 khi nhà chùa thu tiền của hàng ngàn người dân để làm các lễ cũng này. Số tiền được báo trong nước điều tra ước tính lên đến hàng trăm tỷ đồng mỗi năm.

Vụ "xá lợi tóc Đức Phật" xảy ra vào tháng 12 năm ngoái khi nhà chùa trưng bày cái mà chùa gọi là một sợi tóc của Đức Phật đang cử động thu hút hàng ngàn người đến xem. Nhà chùa cho biết cọng tóc này được mượn từ một chùa ở Myanmar nơi có "xá lợi tóc Đức Phật".

Trong cả hai vụ việc, trụ trì chùa là Đại đức Thích Trúc Thái Minh đều bị kỷ luật và phải sám hối.

Theo thông tin mới nhất từ truyền thông Nhà nước, Đoàn giám sát của Sở Văn hóa và thông tin Quảng Ninh đã đến kiểm tra, giám sát hoạt động tại chùa Ba Vàng trong dịp Tết và đã đề nghị chùa Ba Vàng tiếp tục thực hiện đúng quy định ; không tiếp nhận công đức các linh vật lạ, ngoại lai không phù hợp tại di tích.

Báo cáo của đoàn giám sát cho biết, trong dịp Tết vừa qua, chùa Ba Vàng đã đón khoảng 100.000 lượt khách đến tham quan, chiêm bái lễ Phật.

Cũng theo báo cáo, không có hiện tượng thu, đổi tiền lẻ để hưởng chênh lệch giá tại di tích, không có hiện tượng chèo kéo khách tham dự lễ hội sử dụng dịch vụ, sản phẩm tại đây, người dân đưa tiền vào các hòm công đức.

Hồi giữa năm ngoái, chùa Ba Vàng gửi báo cáo thu chi trong một tháng từ ngày 19/3 đến 30/4 tới UBND Thành phố Uông Bí (tỉnh Quảng Ninh), cho biết số tiền thu hơn bốn tỷ đồng vừa đủ số tiền chi phí. Theo báo cáo này, tổng thu công đức, tài trợ cho di tích, hoạt động lễ hội trong đúng một tháng của chùa là 4.164.500.000 đồng, bằng đúng tổng số chi.

Nguồn : RFA, 18/02/2024

Additional Info

  • Author Tuấn Khanh
Published in Diễn đàn

Sám hối và kỷ luật

Thích Trúc Thái Minh lại bị kỷ luật buộc sám hối và thậm chí nếu còn tái phạm thì sẽ bị "tẩn xuất". Đó là thông báo từ Giáo hội Phật giáo Việt Nam - Phật giáo Mậu dịch - đối với hành vi của Thích Trúc Thái Minh, trụ trì Chùa Ba Vàng mới đây : Dùng lá cỏ hình sợi lông đẻ lừa đảo bá tánh rằng đó là "Xá lợi tóc Phật".

bavang1

Đại Đức Thích Trúc Thái Minh ngồi thiền với chiếc điện thoại Vertu trong tay – Ảnh : Facebook Đào Bá Duy.

Đây không phải là lần thứ nhất Thích Trúc Thái Minh bị kỷ luật kiểu đó và càng không phải lần đầu tiên Thích Trúc Thái Minh lừa đảo thiên hạ. Những lần trước, màn lừa đảo có màu sắc mê tín dị đoan hơn nhiều, lợi dụng sự u mê của đám dân thiếu nhận thức và u mê, lợi dụng sự nuông chiều của luật pháp, lợi dụng sự quen biết, có mặt của các quan chức tai to mặt lớn ngầm đe dọa các thế lực khác theo kiểu : "Ta đây chẳng phải dạng vừa", hay "Mày biết bố mày đây là ai không" để hăm dọa kẻ tỉnh táo mà bất đồng, mê hoặc kẻ u mê mà sợ hãi.

Thế là hắn ta làm càn.

Đổi thay phương châm, giữ nguyên đường lối

Cái màn "thỉnh vong", "oan gia trái chủ"… với đầy những màu sắc mê tín lừa đảo thấy rõ mà nếu chỉ khoảng ba chục năm trước đây thôi thì cả ổ từ cha đến con, từ chồng đến vợ từ nội đến ngoại của Ba Vàng đã đi tù từ lâu. Nhưng, đó là cái thời mà "Cuộc cách mạng Văn hóa và tư tưởng" đang ở đỉnh cao, phương châm đường lối của đảng đang là diệt sạch, đốt sạch và bắt sạch những gì không theo đường lối vô thần của đảng. Còn bây giờ thì là lúc đảng đang "vận dụng Chủ nghĩa Mác - Lenin vào hoàn cảnh, thực tế Cách mạng Việt Nam".

Mà thực tế Việt Nam thì dù đảng làm cách nào, cũng không thể xóa bỏ được niềm tin trong dân chúng về một thế giới tâm linh, về một thế giới tinh thần. Thuở ấy, Đảng chủ trương rằng cứ phải là "Vật chất có trước, tinh thần có sau" chứ giờ đang đói mốc meo đứng không vững, ăn không đủ đầy cái dạ dày, mặc không che kín cái cần che thì làm gì có chuyện tinh thần, tâm linh, thần thánh.

Bởi theo đảng, chẳng có thần thánh nào sất ngoài tình thương của đảng, chỉ có đảng mới là tinh hoa nhân loại, mới là khoa học của mọi khoa học, là đạo đức, là văn minh"… Còn lại, chỉ có vứt, chỉ có là mê tín dị đoan, chỉ có lạc hậu và là sản phẩm của thế lực thù địch.

Thế nhưng bây giờ đã khác, đảng chợt thấy rằng : À thì ra là cũng là phương châm "vật chất có trước, tinh thần có sau" nhưng mấy tay sư sãi mang áo đảng và nhiệm vụ của an ninh giờ đây có phương pháp thực hiện tốt hơn, nhanh hơn và hiệu quả hơn. Đó là để "vật chất có trước" thay vì lao động sản xuất kiểu "Mỗi người làm việc bằng hai", kiểu "thắt lưng buộc bụng"… thì bây giờ sử dụng tâm linh giả có trước, và vật chất ắt đua nhau đổ về.

bavang2

Phật tử đầu tiên trong ảnh xúc động tâm sự khi gieo duyên cho mẹ về chùa và được cúng dường Sư Ph

Và đúng vậy thật, có doanh nghiệp nào chẳng làm cũng có ăn, ngồi không cũng đầy tiền như các doanh nghiệp tâm linh. Chẳng thấy những Chùa Hương, Bái Đính, Ba Vàng, Đền Trần… là những minh chứng cụ thể đó sao.

Cách đây đúng 10 năm, năm 2014, Trụ trì Chùa Hương khi về Giao ban Thành ủy Hà Nội đã cho biết rằng "Thượng tọa đang đau đầu, vì riêng tiền lẻ đã có đến tận 1.200 bao mà khách thập phương dâng cúng trong một lùa lễ hội năm đó".

Xin đừng giật mình, bởi đây là con số mà chính sư trụ trì đưa ra chứ không phải từ thế lực thù địch nào hết. Vâng, con số là 1.200 bao tải tiền mà là cách đây chục năm.

Người ta cũng ngạc nhiên là cái "Ấm đền Trần" Nam Định mà mỗi năm phải in đến cả hàng bao nhiêu tòa tàu hỏa chở đi mới đủ, để rồi đến mùa lễ hội thì người ta rình rập, chen chúc đến bẹp ruột, đổ ra hàng đống tiền để mới may ra cướp được một cái lấy làm phúc đức lắm.

Người ta cũng biết cái tờ sớ giải oan in lòe loẹt hàng loạt, bán đồng giá, in hàng đống bán ở Chùa Phúc Khánh của nhà sư Quốc Hội nổi tiếng Thích Thanh Quyết (Tục gọi là Thích Hành Quyết) với giá 150.000 đồng mà còn bảo : "Bán với giá đó nà nhà sư đã nỗ chỏng vó rồi".

Thế nên, chẳng có cái nào kiếm nhanh, một vốn ngàn lời bằng cái trò lừa đảo nhắm vào đám dân u mê nhưng lắm tiền.

Còn cái chuyện lắm tiền từ đâu thì để bàn lúc khác.

Thế nên, cuộc "Cách mạng tư tưởng và văn hóa" của đảng đã chuyển mình bước sang một giai đoạn mới, với phương châm và đường hướng mới.

Sở dĩ gọi là tâm linh giả, bởi với những màn này, thì chẳng cần phải hô hào tiêu diệt, chẳng cần phá đình, đốt chùa, chẻ đun tượng phật chi cho mệt lại mang tiếng. Chỉ cần một thời gian nữa thôi, thì coi như mọi thứ Phật giáo chân truyền, chính thống, tốt đẹp đưa đến sự bình an tâm hồn con người sẽ tự đào thải ra khỏi xã hội Việt Nam.

bavang3

Thích Nhật Từ ôm và cười tươi với Thượng tọa Thích Thanh Quyết

Thậm chí là xây chùa thật to, tượng đúc thật lớn nhưng với những màn như "Oan gia trái chủ", "Xá lợi tóc phật" cứ ngo ngoe không chịu đứng im như câu chuyện sợi lông bị chàng thần đèn "vuốt mãi không thẳng" trong chuyện dân gian thôi, rồi cúng vong, dâng sớ giải hạn, rồi xem ngày lành tháng tốt, thậm chí anh chàng sư Thích Nhật Từ ngoài việc ngồi xỉa xói bịa đặt nói xấu các tôn giáo khác, thì bày trò học theo tôn giáo khác như "Chứng hôn", làm phép bút cho học trò đi thi sẽ đậu, rồi "Cúng vacxin" nhằm nhờ thần phật bịt mắt Hội đồng Y khoa và Hội đồng đạo đức để đưa ba cái thứ bát nháo vào làm vắc xin chữa covid-19 lấy tiền thiên hạ chơi.

Thầy cứ làm vậy, xong là đút túi, còn vợ chồng chúng mày ra sao thì đừng bảo tại thầy, học trò thi rớt tại ngu không chịu học sao kêu tại thầy, còn vắc xin không được thông qua chỉ vì là thứ vớ vẩn chứ sao hỏi thầy, sao lại kêu thầy đến cúng. Ngu thì chết chứ bệnh tật gì. Thầy cứ theo đúng sách người xưa dạy : "Sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi".

Mà xét ra, thì những thứ này từ xưa đến nay, Phật giáo chân chính chưa hề nghĩ ra để kiếm tiền, hoặc họ có biết nhưng ngược lại hoàn toàn với Giáo lý nhà Phật, nên đã loại bỏ ra khỏi Giáo lý.

Và xem ra, cái màn này thì các sư quốc doanh thực hiện triệt để không cần thời gian hoặc khuyến khích.

Và như vậy, Phật giáo chân chính, tông truyền đã bị phá nát tận căn nguyên của nó, mục ruỗng từ thâm sâu, từ gốc rễ.

Rồi hẳn nhiên, khi đã mục ruỗng từ gốc rễ thì những quả sinh ra từ thân cây Phật giáo Quốc doanh ấy sẽ là những quả độc, quả đắng.

Không phải ngẫu nhiên mà liên tục những vụ sư ăn trộm chuông đi bán, sư chích hút ma túy, sư đưa gái về chùa, sư giết chết người tình rồi phi tang xuống sông, sự giết chết tình nhân vì không chịu nạo thai, rồi chôn trong vườn chùa… cho đến những vụ các Thượng tọa, đại đức tấn công tình dục ngay cả du khách đến thăm, thế mới có các biệt hiệu Thượng tọa Thích Tí Khí, Đại đức Thích Đồng Tính… Mới đây nhất là những đoạn video sư và ni cô thực hiện lời người xưa : "Nam mô bồ tát, hồ hòn. Ông sư bà vãi cuộn tròn lấy nhau" làm nóng rực cả cộng đồng mạng xã hội.

bavang4

Chưa hết, đội ngũ sư sãi ngày nay còn là tập hợp của đội ngũ các đồng chí chiến sĩ, sĩ quan trong "đội quân áo vàng", nhưng không phải áo vàng của CSGT hoặc áo vàng của các đồng chí ở đồn, mà là áo vàng, cà sa nơi cửa Phật được cấp khi được phân công, biệt phái từ cơ quan an ninh sang lĩnh vực tôn giáo. Ở đó, các đồng chí lợi dụng chức vụ và danh nghĩa của mình để chạy án với những phi vụ hàng triệu đola.

Và rồi khi sự việc bị đổ bể, thì các "sư" rất nhanh chóng hoan hỉ cởi luôn tu phục ra ngoài, chỉ có điều là "Xin giáo hội cho giữ lại tài sản hàng trăm tỷ" mà quá trình làm sư con kiếm được" như sư thầy "Thích Tý Khí" ở Chùa Nga Hoàng. Mà y kiếm được từ đâu ? Hẳn nhiên là từ việc kinh doanh Phật Giáo.

Và đến đó, thì Cách mạng văn hóa và tư tưởng đạt được những thành tựu vô cùng to lớn mà mấy chục năm trước đảng ta đã ra sức làm bằng mọi cách : đốt hết mọi đình chùa, miếu mạo, đuổi hết, bắt giam hàng ngũ sư sãi, đẩy sang thế lực thù địch mãi mà không xong.

Đến nay, chỉ cần mấy động tác, thế lực thù địch đã trở thành đồng chí, anh em của đảng trong phút chốc lịch sử.

Thế nhưng, cũng bởi nôn nóng lập công và chưa có phương án lâu dài, chưa có đường lối cách mạng chiếu soi là "Kiên trì và khôn khéo", nên thỉnh thoảng mới nảy sinh ra anh chàng Ba Vàng này gây khó cho hệ thống chính trị.

Bởi đánh thì không nỡ, mà để thì nhiều khi mang tiếng.

Nhìn về Tịnh thất Bồng Lai

Tin mới nhất cho biết là Thích Trúc Thái Minh đã bị phạt hành chính số tiền đến tận 7,5 triệu đồng. Chắc số tiền này phải bằng tiền đám gọi là Phật tử mua mấy nắm hoa cúc khi đến "diện kiến" sợi tóc Phật loăn xoăn đang ngoe nguẩy.

Từ Quảng Ninh xa xôi, nhìn về Tịnh thất Bồng Lai với những màn tiêu diệt bằng mọi cách những người tu hành ở đây, người ta thấy ở Việt Nam, riêng đối xử với những người tu hành dưới chân tượng Phật cũng có nhiều loại luật pháp khác nhau.

Nếu như ở Ba Vàng, hành động lừa đảo trắng trợn của Thích Trúc Thái Minh được sự tung hô, lôi kéo của hệ thống báo đảng, của chính hệ thống báo Chính phủ về "sợi lông - tóc Phật" để lôi kéo đám tín đồ u mê đến đó hàng chục ngàn người, rồi bị cộng đồng mạng vạch trần ra là lừa đảo, là bày trò khốn nạn kiếm tiền bá tánh, mà hệ thống công an ở Quảng Ninh, đứng đầu là Thiếu Tướng Đinh Văn Nơi - người được hệ thống báo chí nâng lên như một Bao Công, lại im re, không nhúc nhích.

Thì ở Long an, tại Tịnh Thất Bồng Lai, những người tu hành đã bị hệ thống báo chí rêu rao những tin tức truyền ra từ Công an rằng họ là cái ổ loạn luân, là lừa đảo, là phá phách… và sau đó là những màn đê tiện đối với những ông già đã 92 tuổi, đến những em bé còn thơ dại.

Thế rồi cưỡng bức lấy mẫu ADN, rồi khởi tố, rồi đưa ra tòa thì những cái tội mà báo chí, công an đưa ra biến mất để thay vào đó cái tội mà ai cũng có thể bị truy tố, kể cả Nguyễn Phú Trọng, đó là "Lợi dụng quyền tự do dân chủ".

bavang5

Những người tu hành tại Tịnh Thất Bồng Lai phải nhận hơn 23 năm tù với cáo buộc ‘lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tồ chức, công dân’ theo Điều 331, 

Họ có tội chỉ vì họ đi tu mà theo như ông già Lê Tùng Vân thì ông không thèm vào Giáo hội Phật giáo Quốc doanh, chỉ vì nó không xứng đáng với người tu hành chân chính.

Ở Tịnh thất Bồng Lai, đó là sức mạnh của cả hệ thống công an, công quyền đối với những người tu hành không theo "Định hướng xã hội chủ nghĩa".

Ở Ba Vàng, đó là sức mạnh của hệ thống chính trị của đất nước với những cánh tay âm thầm nâng đỡ với sức mạnh vô song và tiền bạc thì vô kể.

Đó là nguồn cơn của những hành vi lừa đảo trắng trợn, vi phạm luật pháp như chuyện đùa mà không hề hấn.

Bởi chẳng có ai trong hệ thống chính trị "vật chất quyết định ý thức ; này lại đi chặt đi bàn tay làm ra tiền của mình, dù đó là những đồng tiền bẩn thỉu và nhuốm mồ hôi, máu mủ của đồng bào.

Và đó là đặc điểm của hệ thống công quyền Việt Nam ngày nay.

J.B Nguyễn Hữu Vinh

Nguồn : RFA, 27/01/2024

Additional Info

  • Author JB Nguyễn Hữu Vinh
Published in Diễn đàn

Chùa Ba Vàng thờ tượng đại quan nhà Đường để đón Tập Cận Bình thăm Việt Nam ?

Chùa Ba Vàng của Đại đức Thích Trúc Thái Minh vốn dĩ đã có rất nhiều việc điều tiếng, nay lại càng điều tiếng hơn. Ngày 7/10, mạng xã hội ở Việt Nam lại dấy lên những chỉ trích đối với chùa Ba Vàng của Đại đức Thích Trúc Thái Minh ở Quảng Ninh. Lần này, dư luận quan tâm đến việc chùa Ba Vàng thờ một bức tượng, được cho là ông Vũ Hồn – một đại quan nhà Đường Trung Quốc, được cử sang cai trị Việt Nam thời kỳ Bắc thuộc.

chuabavang1

Tượng ông Vũ Hồn – một đại quan nhà Đường được thờ tại Chùa Ba Vàng

Năm 2019, ông Thích Trúc Thái Minh bị báo chí phát giác, với những điều tra được công bố công khai, xác định, chùa Ba Vàng tổ chức "giải vong" cho hàng ngàn người, thu về mỗi năm hàng trăm tỷ đồng. Sau khi vụ việc vỡ lở, Đại đức Thích Trúc Thái Minh đã bị bãi nhiệm tất cả các chức vụ trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam, và phải sám hối đại tăng.

Đến năm 2022, chùa Ba Vàng lại gây "bão" trên mạng xã hội vào dịp lễ Vu lan. Các hình ảnh và video cho thấy, Đại đức Thích Trúc Thái Minh cùng các đệ tử, liên tục, "miệt mài", gom tiền cúng dường của Phật tử. Sau đó, những clip video phản cảm này đã bị chính quyền yêu cầu gỡ khỏi mạng xã hội, vì cho rằng gây ảnh hưởng xấu trong dư luận.

Trở lại với việc chùa Ba Vàng và Thích Trúc Thái Minh cho thờ tượng ông Vũ Hồn. Trong một bức thư ngỏ đề ngày 7/10, ông Vũ Thế Khôi, đại diện cộng đồng họ Vũ (Võ) ở Hà Nội tiết lộ, tượng Vũ Hồn được nhà sư Thích Trúc Thái Minh, cùng ông Vũ Minh Giang, chủ tịch Hội đồng họ Vũ Việt Nam, đặt tại chùa Ba Vàng từ hôm 10/9.

Theo bức Thư ngỏ : "Quốc sử Trung Quốc và Việt Nam ghi : Kinh lược sứ triều Đường Vũ Hồn, năm 843 đã bị quân sĩ dưới quyền nổi dậy, đánh đuổi chạy biệt tích về Trung Quốc. Chính sử Việt Nam không viết một chữ nào về "chính tích tốt" của Vũ Hồn, như khách quan ghi nhận đối với một số quan cai trị khác người Trung Hoa. Ngược lại, "Đại Nam Quốc sử Diễn ca" của danh sĩ Phạm Đình Toái còn viết : "Những quan lại gặp Vũ Hồn, thành lâu lửa cháy dinh đồn quân reo"."

Đồng thời, ông Vũ Thế Khôi khẳng định, việc chùa Ba Vàng thờ tượng Vũ Hồn là "hành vi vi phạm Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo" và là "hành vi lợi dụng cơ sở tín ngưỡng của cộng đồng để ép buộc gây ra sự hiểu sai."

Không chỉ ông Vũ Thế Khôi, mà đa số dân cư mạng đã lên tiếng, yêu cầu ông Thích Trúc Thái Minh, ngay lập tức phải đưa tượng đại quan Trung Quốc – Vũ Hồn – ra khỏi chùa Ba Vàng.

Theo trang Wikipedia cho hay, "…Vũ Hồn là quan nhà Đường trong lịch sử Trung Quốc. Ông từng giữ chức An Nam Kinh lược sứ (người cai quản vùng An Nam đô hộ phủ thuộc thời Đường, bao gồm từ Hà Tĩnh trở ra Bắc và một phần tỉnh Quảng Tây). Ông Vũ Hồn sinh ngày 8 tháng 1 năm 804 và qua đời ngày 3 tháng 12 năm 853".

Bên dưới bài đăng về vụ việc này trên trang Facebook cá nhân của Tiến sĩ Hán Nôm Nguyễn Xuân Diện, có ý kiến cho rằng, "Trời ạ, thờ cả tướng giặc ngoại bang thì chỉ có Hán gian ! Hay Thích Trúc Thái Minh dựng tượng này để đón ông Tập Cận Bình sắp sang Việt Nam để ký hợp tác "Cộng đồng có chung vận mệnh" giữa hai nước."

Hay có những ý kiến còn nghi ngờ rằng, động thái đó là, "Một quỷ kế liên kết với Phật giáo nhằm đồng hóa, cũng gần giống như những kẻ đã ngang nhiên đưa tượng Quan Vân Trường vào đền Ngọc Sơn giữa thủ đô Hà Nội, thờ cúng cùng với Đức Thánh Trần Hưng Đạo. Thật ngạo mạn và bỉ ổi !"

Từ trước đến nay, công luận vẫn cho rằng, chùa Ba Vàng và Đại đức Thích Trúc Thái Minh liên tiếp dính các bê bối về tiền bạc, và có những khuất tất về tiền cúng dường của các Phật tử. Với triết lý kinh doanh "kiếm tiền bằng mọi giá", đó là điều hoàn toàn trái với triết lý của nhà Phật.

Báo Tuổi Trẻ hôm 8/3 cho biết, việc Đại đức Thích Trúc Thái Minh được bổ nhiệm làm Phó trưởng Ban Thông tin Truyền thông của Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Xin nhắc lại, dư luận xã hội lâu nay vẫn cho rằng, chủ sở hữu chùa Ba Vàng, là ba quan chức lãnh đạo cấp cao thuộc hàng "tứ trụ" của Đảng cộng sản Việt Nam, đã hùn vốn để kinh doanh tín ngưỡng, mà Thích Trúc Thái Minh chỉ là tấm bình phong, giờ đây lại phát giác ra việc chùa Ba Vàng thờ một bức tượng, được cho là ông Vũ Hồn – một đại quan nhà Đường Trung Quốc, sự việc gây kinh ngạc này có lẽ sẽ được dư luận quan tâm, theo dõi trong thời gian tới.

Trà My

Nguồn : Thoibao.de, 10/10/2023

Additional Info

  • Author Trà My
Published in Diễn đàn

Phiếm đàm ‘tiền chùa’

Lê Tự Do, VNTB, 01/08/2023

"Tiền chùa mà" là cách nói dân dã mỗi khi muốn nói đến việc ai đó sẵn sàng tiêu xài phung phí. Đó là từ lóng của nghĩa bóng. "Tiền chùa" nghĩa đen là tiền công đức do người dân cúng dường, đóng góp cho chùa.

bavang1

Tiền công đức lâu nay không được kiểm toán, không công khai để người dân biết tiền đó được sử dụng thế nào…

Có thể thấy, từ lóng "tiền chùa" được sử dụng mang tính châm biếm, giễu cợt nhiều hơn là yếu tố tích cực, nhân văn với những giá trị tốt đẹp mà bá tánh đã đóng góp công đức cho nhà chùa. Cốt lõi ở đây là tiền chùa chính là tiền công đức mà khách thập phương và Phật tử cúng dường, đóng góp cho nhà chùa được sử dụng vào mục đích gì và chi tiêu như thế nào ?

Theo nghĩa của cụm từ "tiền chùa", đó là tài sản của chùa hợp pháp do khách thập phương và các Phật tử đóng góp, cúng dường. Giới luật nhà chùa do đức Phật chỉ dạy đã nói rất rõ về việc sử dụng tài sản của chùa. Ở trong chùa, tất cả việc ăn uống tiêu dùng, dù nhỏ nhặt đều phải tiết kiệm và giữ gìn, vì đó là tiền do đàn tha tín thí thành tâm cúng dường.

Tôi từng được nghe một vị sư thầy chia sẻ rằng : "Có bao giờ mọi người suy nghĩ vì sao Phật tử lại muốn phát tâm cũng dường cho các sư không ? Là bổn phận chăng ?

Không, với họ đó chính là niềm kính tín Tam bảo, vì mến Tăng. Họ xem hình bóng Tăng bảo thay đức Phật truyền trao giáo pháp, với hy vọng cuộc đời sẽ bớt đau khổ. Họ kính Tăng vì họ biết Tăng đoàn đang khoác trên mình pháp phục của Phật, cúng dường Tăng vì mong muốn sẽ được phước đức – người dâng vật quý là mong phước lành".

Thế nhưng xem chừng cách nghĩ đó của vị sư thầy còn tùy vào "địa phương tính" trong cách thể hiện niềm kính tín Tam Bảo.

Ở miền Bắc, dịp Tết cổ truyền tại một số ngôi chùa nổi tiếng như chùa Nôm (Hưng Yên), chùa Phật Tích, đền Bà Chúa Kho (Bắc Ninh)… lượng người đổ về hành lễ mỗi ngày lên tới hàng chục ngàn người. Dịch vụ đổi tiền lẻ vì thế cũng nhộn nhịp.

Đổi tiền lẻ vì khách hành hương muốn "đặt lễ" qua chuyện rải tiền, nhét tiền vào tay hay miệng tượng Phật để xin lộc (?!).

Ở miền Nam, khách thập phương lễ chùa, dù cúng nhiều hay ít, thường kín đáo xếp tiền lại, có người thì bỏ tiền trong bao lì xì rồi bỏ vào khe hở ở miệng thùng, không phải tiền lẻ và tất nhiên người nghèo thì bỏ vào thùng theo khả năng của họ. Ở những nơi có đặt mâm lễ thì Phật tử cũng chẳng để tiền vào mâm, nếu có thì chỉ là tiền vàng mã. Có nhiều người đến chùa chỉ thắp nhang, lạy Phật và cầu nguyện, chẳng cúng thì cũng chẳng sao.

Việc quản lý tiền công đức, đóng góp của người dân cho xây dựng, tu bổ chùa chiền trên thực tế không phải chùa nào cũng làm tốt. Có những chùa để xảy ra những việc khá tai tiếng.

Năm 2014, trên mạng xã hội, báo chí đã rộ lên thông tin nhà sư Thích Thanh Cường, trụ trì chùa Cương Xá, huyện Tứ Kỳ, Hải Dương, đi xe Maybach, sở hữu Iphone 6, điện thoại Vertu…và khoe cả những tài sản mình có bằng tiền Phật tử biếu, tặng trên facebook cá nhân.

"Do có tinh thần cầu thị, nhận ra lỗi lầm nên Thường trực Ban Trị sự không cảnh cáo sư thầy Thích Thanh Cường trước toàn Giáo hội Phật giáo tỉnh Hải Dương, không bãi miễn chức vụ Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam huyện Tứ Kỳ, cho giữ nguyên cương vị trụ trì chùa Cương Xá" – một nội dung thông cáo báo chí của vụ việc "xài tiền chùa" có cái kết "viên mãn" của "happy end" như vậy từ Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Hải Dương.

…Giờ có thể là câu chuyện của chùa Ba Vàng như cách mà chùa này đang "lách luật" khi được Bộ Tài chính yêu cầu về báo cáo số liệu "tiền công đức".

Lê Tự Do

Nguồn : VNTB, 01/08/2023

***********************

Tiền công đức cho nhà chùa hay cho nhà sư ?

Phạm Lê Đoan, VNTB, 31/07/2023

Chùa Ba Vàng chỉ thực hiện báo cáo quản lý thu chi tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội. Còn tiền công đức, tài trợ cho hoạt động tôn giáo "là vấn đề nội bộ của Giáo hội Phật giáo Việt Nam", không công khai.

bavang2

Nếu như lợi dụng lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo để trục lợi thì phải có biện pháp xử lý để bảo vệ đạo lý của tôn giáo.

"Tiền công đức, tài trợ cho hoạt động tôn giáo là vấn đề nội bộ của Giáo hội Phật giáo Việt Nam" – lập luận này của chùa Ba Vàng dường như hợp lý, vì khái niệm "tiền công đức cho di tích" trong thông tư của Bộ Tài chính. Theo đó, chùa Bà Vàng dẫn điểm b, khoản 3, điều 1 thông tư 04 của Bộ Tài chính hồi tháng 1-2023 về quản lý thu chi tiền công đức có quy định : "Thông tư này không điều chỉnh quản lý, thu chi tiền công đức, tài trợ cho hoạt động tôn giáo".

Cũng từ lập luận trên nên Ban quản lý danh thắng tâm linh Yên Tử cũng chỉ báo cáo được số tiền ở hòm công đức, tiền người dân ghi công đức với ban quản lý chứ không báo cáo được số tiền công đức đặt trên ban thờ và tiền công đức trực tiếp cho các nhà tu hành.

Thắc mắc cần được trả lời bằng quy định của pháp luật quốc gia chứ không phải "chuyện nội bộ tôn giáo", đó là "tiền công đức cho nhà chùa hay cho nhà sư" ?

Vụ việc nhà sư xin hoàn tục có pháp danh Thích Thanh Toàn, nguyên trụ trì chùa Nga Hoàng, xã Hợp Châu, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc, là một đơn cử cho việc minh bạch mang tính bắt buộc cho yêu cầu kiểm toán khoản tài chính gọi là "tiền công đức".

Giữa năm 2019 có thông tin đại đức Thích Thanh Toàn (sinh năm 1976, quê ở Quảng Trị), trụ trì chùa Nga Hoàng từ năm 2008, vướng nghi vấn gạ tình nữ phóng viên.

Trong cuộc họp chiều 5/10/2019, đại đức Thích Thanh Toàn gửi tờ trình đến Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Vĩnh Phúc xin xả giới, hoàn tục.

Cũng trong buổi họp này, một clip ghi lại nội dung buổi sám hối, nhận lỗi, trong đó đại đức Thích Thanh Toàn nói : "Lâu nay con làm tổn thất oai đức của các ngài thì con sám hối suốt đời không hết, nhưng nói thật với quý ngài, tất cả là cạm bẫy. Nếu mình tránh cạm bẫy này sẽ có cạm bẫy khác. Con sẽ nguyện đời đời kiếp kiếp con hộ pháp chứ. Không phải đời này đâu mà đời đời, kiếp kiếp, tu sỹ cũng được, cư sỹ cũng được.

Nhưng bây giờ, con xin quý ngài là trang trại con quá lớn, tượng pháp quá lớn. Bây giờ mình bán cho ai và chuyển như thế nào ? Thế thôi ! Con cũng có nhiều chỗ ở chứ không phải một chỗ.

Còn chùa 800m2 đấy thì con vui vẻ, các ngài sao cũng được, nhưng bây giờ cái tài sản của con là con nguyện, con mua, con không làm gì cả, chỉ làm để nuôi các cháu ăn học, các người trong bệnh viện. Con xin các ngài giúp cho con cái đấy thôi. Nếu tính tài sản thì khoảng 2 – 300 tỷ đấy, con xin các ngài !

Còn các ngài chi như thế nào, tốt cho Giáo hội, không mất cái gì của Giáo hội, không mất cái gì của đạo pháp. Cái đấy xã hội cần ngàn lần, cả cả tỷ lần con cũng không sám hối hết".

Sư Toàn giải thích rằng trong quá trình trụ trì tại chùa Nga Hoàng, ông có vay nợ một số nơi để kiến thiết, tu bổ ngôi chùa. Nay muốn giữ lại những mảnh đất mua của người dân để trang trải công nợ.

Yêu cầu về "tiền nhà chùa – tiền nhà sư" mà đại đức Thích Thanh Toàn đặt ra cũng có cái lý, bởi pháp luật Việt Nam hiện không thừa nhận nhà chùa có tư cách pháp nhân có quyền sở hữu tài sản, nên trong các giao dịch mua bán tài sản thì buộc phải có cá nhân là vị sư trụ trì đứng tên sở hữu.

Trong khi đó, người đi tu thì phải phục vụ cho chùa và cộng đồng, và ông sư trụ trì, giống như một giám đốc trong một công ty, chỉ là đại diện cho chủ sở hữu tập thể chứ không phải là chủ sở hữu.

Và nếu thuận với cách đặt vấn đề như trên thì cần thiết đến yêu cầu của kiểm toán. Bởi về nguyên tắc, nguồn lực tại các cơ sở thờ tự, đền chùa là một loại quỹ công cần phải có cơ chế kiểm soát và phải được kiểm toán.

Ở đây, người viết quan niệm rằng có cả hệ thống của lĩnh vực tôn giáo. Nếu như lợi dụng lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo để trục lợi thì phải có biện pháp xử lý để bảo vệ đạo lý của tôn giáo. Nên để cho những đơn vị, tổ chức đó kiểm soát lấy.

Tuy nhiên, ở xã hội bao giờ nếu muốn duy trì được uy tín của mình thì cần phải công khai, minh bạch những gì mà người dân tự nguyện đóng góp. Bất kỳ tổ chức, đơn vị nào làm được việc này thì sẽ tạo được niềm tin của cộng đồng ; bao gồm cả tổ chức Giáo hội Phật giáo Việt Nam, và cụ thể là chùa Ba Vàng.

Nếu thực sự "tiền công đức là cho nhà chùa chứ không phải cho nhà sư", thì trước mắt Giáo hội Phật giáo Việt Nam phải có cách làm như thế nào, phải công khai công khai thông tin đó. Bởi, tiền công đức ở chùa vốn dĩ của người dân đóng góp.

Vấn đề công đức trong nhà chùa trước đây chỉ là giọt dầu, chén nước, bây giờ còn có thêm các khoản Phật tử đóng góp cho tôn tạo, đúc chuông, đổ tượng, các chương trình từ thiện… do đó cần phải minh bạch đúng với bản chất của tôn giáo.

Phạm Lê Đoan

Nguồn : VNTB, 31/07/2023

*********************

Đúng là … tiền chùa

Ngọc Lan, VNTB, 30/07/2023

Báo cáo dành nhiều thời lượng cho việc phân tích để đi đến kết luận là chùa Ba Vàng chỉ báo cáo việc quản lý thu chi tiền công đức, tài trợ cho di tích, hoạt động lễ hội, không báo cáo tiền công đức, tài trợ cho hoạt động tôn giáo và tiền công đức, tài trợ cho nhà tu hành.

bavang3

Đại đức Thích Trúc Thái Minh đã vận dụng các điều luật để… lách đầy ngoạn mục về yêu cầu minh bạch tài chính tiền chùa.

Cụ thể, chùa Bà Vàng dẫn điểm b, khoản 3, điều 1 thông tư 04 của Bộ Tài chính hồi tháng 1/2023 về quản lý thu chi tiền công đức có quy định : "Thông tư này không điều chỉnh quản lý, thu chi tiền công đức, tài trợ cho hoạt động tôn giáo".

Tiếp theo, công văn của Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam gửi các chùa hướng dẫn việc thực hiện thông tư về quản lý tiền công đức của Bộ Tài chính có ghi : "Thông tin cung cấp khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu là thông tin về quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích, hoạt động của lễ hội, không phải là thông tin về tiếp nhận, quản lý, sử dụng tiền công đức, tài trợ cho hoạt động tôn giáo và tiền công đức, tài trợ cho nhà tu hành".

Chùa Ba Vàng cũng dẫn quyết định về thí điểm kiểm tra tiền công đức tại các di tích lịch sử – văn hóa, đình chùa trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh của Bộ Tài chính hồi tháng 4 có quy định : nội dung kiểm tra là "việc tiếp nhận, quản lý và sử dụng tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội".

Vì vậy chùa chỉ báo cáo tiền công đức cho di tích và hoạt động lễ hội, còn "tiền công đức, tài trợ cho hoạt động tôn giáo là vấn đề nội bộ của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, được quản lý theo quy định của giáo hội".

Về hình thức lập luận, các diễn giải của chùa Ba Vàng mang đến cảm giác dường như các khoản thu chi về tiền bạc của tôn giáo nằm ngoài pháp luật về tài chính, ví dụ như luật phòng chống rửa tiền.

Đơn cử, một clip trên kênh youtube của trang Việt Nam Thời Báo có nội dung về đoàn nhà sư với người dẫn đầu là Thích Trúc Thái Minh đang đi khất thực trên đường phố Gifu ở Nhật Bản.

"Thể theo lời thỉnh cầu của các đạo tràng Phật tử xa xứ chùa Ba Vàng tại Nhật Bản, đồng thời trên cương vị là Phó Trưởng Ban Phật giáo Quốc tế Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, trong thời gian tới, Sư Phụ Thích Trúc Thái Minh sẽ có chuyến hoằng Pháp tại đất nước mặt trời mọc, gặp gỡ và chia sẻ Phật Pháp cho các Phật tử cũng như những người yêu mến đạo Phật, có lòng tin tâm linh nhân quả" – trích thông cáo báo chí trên trang web của nhà sư Thích Trúc Thái Minh.

Theo tường thuật của bài viết trên trang Việt Nam Thời Báo, phái đoàn của nhà sư Thích Trúc Thái Minh ở chuyến công du Nhật Bản rất đông, bao gồm cả những tín đồ tháp tùng.

Các chi phí cho chuyến đi này có nguồn gốc tài chính ra sao, đó là điều chịu sự điều chỉnh của luật phòng chống rửa tiền.

Ngờ vực trên nằm trong một nội dung của báo cáo được công bố hồi đầu năm nay, có tên "Nhận diện 7 thủ đoạn "rửa tiền" được tội phạm sử dụng trong giai đoạn hiện nay".

bavang4

bavang5

bavang6

Được đánh số thứ tự 3 trong báo cáo trên, viết (trích) : Kể từ năm 2015, khi Nghị định 70/2014/NĐ-CP của Chính phủ về hướng dẫn thực hiện Pháp lệnh ngoại hối được sửa đổi, bổ sung có hiệu lực không còn quy định về giới hạn mức chuyển ngoại tệ của người cư trú là công dân Việt Nam cho thân nhân ở nước ngoài (thay vì chỉ cho phép một công dân Việt Nam có nhu cầu trợ cấp cho thân nhân ở nước ngoài chỉ được phép chuyển, mang ngoại tệ tối đa không quá 5.000 USD cho một người hưởng trợ cấp – theo quy định tại Quyết định 1437/2001/QĐ-NHNN về mua, chuyển, mang ngoại tệ ra nước ngoài của người cư trú là công dân Việt Nam), thông qua nền tảng trực tuyến, bọn tội phạm che giấu mục đích rửa tiền bất hợp pháp với mạng lưới gây quỹ qua mạng "hợp pháp" hoặc đi du lịch".

Diễn giải nội dung trên, luật sư T.T. nêu ví dụ như một trường hợp ở quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh đi du lịch sang Bồ Đào Nha, thông qua luật sư bên đó để mở tài khoản tại Bồ Đào Nha. Cá nhân sở hữu tài khoản này với tư cách là khách du lịch, tham gia vào một tổ chức từ thiện tại Bồ Đào Nha, yêu cầu người nhà chuyển nhanh hơn 2.000 euro ra nước ngoài.

"Vì không bị giới hạn qua nền tảng giao dịch trực tuyến như vậy, các đối tượng lợi dụng kẽ hở này để rửa tiền thì có kiểm soát được không ?", luật sư T.T. đặt nghi vấn.

Ngọc Lan

Nguồn : VNTB, 30/07/2023

****************************

Chùa Ba Vàng báo cáo thu hơn 4,1 tỷ đồng công đức trong hơn một tháng

Lê Tân, VnExpress, 29/07/2023

Từ ngày 19/3 đến 30/4, chùa Ba Vàng cho biết nhận được hơn 4,1 tỷ đồng tiền công đức, tài trợ cho di tích, hoạt động lễ hội và đã chi hết cho từ thiện.

bavang7

Hàng chục nghìn người đến chùa Ba Vàng vào những ngày đầu năm năm 2023. Ảnh : Chùa Ba Vàng

Trong báo cáo gửi UBND Thành phố Uông Bí ngày 28/7, trụ trì chùa Ba Vàng, đại đức Thích Trúc Thái Minh giải thích vì sao chỉ báo cáo trong hơn một tháng, thay vì cả năm 2022 và 4 tháng đầu năm 2023 như quyết định của Bộ Tài chính về thí điểm kiểm tra tiền công đức tại các di tích lịch sử - văn hóa, đình chùa trên địa bàn Quảng Ninh.

Theo nhà chùa, Thông tư 04 về quản lý thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích, hoạt động lễ hội có hiệu lực từ ngày 19/3/2023. Trước thời điểm này, cơ sở tôn giáo không tách riêng các loại tiền công đức. Do "thông tư có hiệu lực pháp luật cao hơn quyết định của Bộ Tài chính" nên chùa Ba Vàng báo cáo kể từ ngày 19/3 đến ngày 30/4.

Đại diện chùa Ba Vàng giải thích Thông tư 04 và công văn hướng dẫn của Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam không quy định việc quản lý, thu chi tiền công đức, tài trợ cho hoạt động tôn giáo và nhà tu hành.

"Tiền công đức, tài trợ cho hoạt động tôn giáo là vấn đề nội bộ của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, được quản lý theo quy định của Giáo hội, phù hợp với giáo luật của Đức Phật và pháp luật của nhà nước", báo cáo nêu. Do đó nhà chùa chỉ báo cáo tiền công đức, tài trợ cho di tích, hoạt động lễ hội trong hơn một tháng là 4,16 tỷ đồng.

Trụ trì chùa Ba Vàng cho biết khoản tiền trên đã được chi hết cho các hoạt động từ thiện từ ngày 13/4 đến 14/7, trong đó có ủng hộ làm nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo của tỉnh Điện Biên, chương trình xóa nhà tạm dột nát của Thành phố Uông Bí, chương trình mổ mắt cho người nghèo huyện Na Hang (Tuyên Quang)...

Trước đó ngày 21/7, Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Phạm Minh Chính kết quả thí điểm kiểm tra quản lý tiền công đức tại các di tích lịch sử - văn hóa, đình chùa Quảng Ninh năm 2022. Đoàn kiểm tra gồm đại diện Bộ Tài chính, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Ban Tôn giáo Chính phủ thuộc Bộ Nội vụ.

Theo Bộ Tài chính, đa số di tích có nhà sư trụ trì chỉ báo cáo nguồn thu từ khoản tiền trong hòm công đức. Trong khi đó, một số khoản công đức dưới hình thức đặt lễ, chuyển khoản, theo đánh giá của người dân vốn cao hơn tiền bỏ hòm công đức, lại không được đề cập. Như tại Yên Tử, theo Ban quản lý Di tích và rừng quốc gia Yên Tử, từ năm 2007 đến tháng 4/2023, tổng thu từ hòm công đức là 287 tỷ đồng, thấp hơn nhiều so với tổng chi là 638 tỷ đồng.

Tổng thu của các di tích ở Quảng Ninh năm 2022 gần 71 tỷ đồng, không bao gồm các khoản công đức, tài trợ bằng hiện vật, công trình xây dựng, chỉ bằng 40-60% của năm 2019. Còn trong 4 tháng đầu năm nay, tổng số thu là 61 tỷ đồng, gần bằng số thu cả năm 2022; tổng chi là hơn 29 tỷ đồng.

Bộ Tài chính cho biết mới tổng hợp từ báo cáo của chưa đến một nửa cơ sở thuộc diện cần kiểm tra. Sau khi loại trừ số địa điểm không có công đức, vẫn còn trên 50 di tích "không có số liệu báo cáo thu chi, trong đó có chùa Ba Vàng".

Lê Tân

Nguồn : VnExpress, 29/07/2023

****************************

Uông Bí đề nghị chùa Ba Vàng báo cáo bổ sung về tiền công đức

Thiên Điểu, Tuổi Trẻ online, 24/0/2023

Ngày 24/7, UBND thành phố Uông Bí đã ban hành văn bản gửi trụ trì chùa Ba Vàng đề nghị báo cáo bổ sung công tác quản lý tiền công đức, sau khi nhà chùa khẳng định không nhận được văn bản đề nghị báo cáo hồi tháng 5.

bavang8

Văn bản của UBND Thành phố Uông Bí ngày 24-7 đề nghị chùa Ba Vàng báo cáo bổ sung

Trong văn bản do Phó chủ tịch UBND Thành phố Uông Bí Nguyễn Văn Thành ký ngày 24/7 nêu rõ ngày 23/5 thành phố có văn bản gửi chùa Ba Vàng , đề nghị báo cáo về quản lý tiền công đức.

Tuy nhiên (sau khi báo chí đưa tin theo báo cáo của Bộ Tài chính gửi Phó thủ tướng Lê Minh Khái và Thủ tướng Phạm Minh Chính ngày 21/7 cho biết chùa Ba Vàng và hơn 50 chùa ở Quảng Ninh không có báo cáo quản lý tiền công đức - PV), tới nay chùa Ba Vàng khẳng định không hề nhận được văn bản đề nghị chùa báo cáo, cũng không có đoàn kiểm tra nào đến làm việc.

Vì vậy, để có cơ sở tổng hợp, báo cáo bổ sung Sở Tài chính Quảng Ninh, Bộ Tài chính, UBND Thành phố Uông Bí đề nghị trụ trì chùa Ba Vàng chỉ đạo, báo cáo nội dung quản lý tiền công đức  tại chùa theo đề cương, biểu mẫu gửi kèm.

Thành phố Uông Bí đề nghị thời gian báo cáo gửi trước ngày 28/7, đề nghị trụ trì chùa Ba Vàng quan tâm, phối hợp thực hiện.

Cũng ngày 24/7, chùa Ba Vàng ra thông báo thứ hai trên trang web của nhà chùa, tiếp tục khẳng định thông tin chùa Ba Vàng không báo cáo tiền công đức là sai sự thật.

Trước đó, ngày 21/7, Bộ Tài chính đã có báo cáo gửi Phó thủ tướng Lê Minh Khái và Thủ tướng Phạm Minh Chính về kết quả thực hiện thí điểm kiểm tra việc quản lý tiền công đức tại các di tích lịch sử - văn hóa, đình chùa trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh năm 2022 và bốn tháng đầu năm 2023.

Theo báo cáo, có 50 di tích không có số liệu báo cáo tiền công đức, trong đó có chùa Ba Vàng ở Uông Bí thuộc di tích cấp tỉnh, được đánh giá là ngôi chùa có số thu công đức cao.

Liên quan tới trách nhiệm báo cáo minh bạch thu chi tiền công đức, trong báo cáo của Bộ Tài chính có dẫn khoản 2, điều 18 thông tư số 04/2023/TT-BTC quy định tổ chức, cá nhân là chủ sở hữu hoặc được giao quản lý, sử dụng di tích có trách nhiệm "cung cấp kịp thời thông tin khi được cơ quan chức năng có thẩm quyền yêu cầu theo quy định của pháp luật".

Theo Bộ Tài chính, việc báo cáo này chỉ nhằm mục đích tỏ rõ sự minh bạch trong quản lý tiền công đức tại các di tích, để người dân đã tin càng thêm tin tưởng.

Thiên Điểu

Nguồn : Tuổi Trẻ online, 24/07/2023

************************

Quảng Ninh : Chưa đến kiểm tra tiền công đức ở chùa Ba Vàng nhưng có gửi văn bản

Thiên Điểu, Lê Thanh, Tiến Thắng, Tuổi Trẻ online, 23/07/2023

Một đại diện nhà chức trách Thành phố Uông Bí xác nhận địa phương này chưa có đoàn đến kiểm tra tiền công đức tại chùa Ba Vàng như chùa này khẳng định, nhưng có gửi văn bản đề nghị báo cáo.

bavang9

Khóa tu mùa hè năm 2023 tại chùa Ba Vàng - Ảnh : Facebook Chùa Ba Vàng

Chùa Ba Vàng phủ nhận thông tin "không báo cáo" về tiền công đức

Ngày 23/7, một ngày sau thông tin Bộ Tài chính công bố kết quả kiểm tra tiền công đức, chùa Ba Vàng và hơn 50 chùa không báo cáo trên Tuổi Trẻ Online cũng như một số báo khác, chùa Ba Vàng (phường Quang Trung, Thành phố Uông Bí, Quảng Ninh) chính thức lên tiếng trên website của nhà chùa (chuabavang.com).

Đại đức Thích Trúc Thái Minh - trụ trì chùa Ba Vàng - cũng lên tiếng trên Cổng thông tin Phật giáo thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam, khẳng định thông tin chùa Ba Vàng không báo cáo thu chi tiền công đức là không đúng sự thật. 

Theo đó, không có một đoàn kiểm tra nào đến chùa Ba Vàng trực tiếp kiểm tra việc thu chi tiền công đức. Chùa Ba Vàng cũng không nhận được bất kỳ văn bản nào yêu cầu nhà chùa phải nộp báo cáo thu chi tiền công đức.

"Như vậy, không đoàn nào đến kiểm tra, không có yêu cầu nhà chùa nộp báo cáo thu chi tiền công đức thì cơ sở đâu mà cho rằng : chùa Ba Vàng không báo cáo thu chi tiền công đức ?", thông báo của chùa Ba Vàng nói.

Đại đức Thích Trúc Thái Minh kiến nghị Bộ Tài chính giải thích rõ tới công chúng việc này.

bavang10

Văn bản do Phó chủ tịch UBND Thành phố Uông Bí Nguyễn Văn Thành ký gửi chùa Ba Vàng đề nghị báo cáo thu chi tiền công đức

Quảng Ninh : Có gửi văn bản qua bưu điện

Về phản hồi của chùa Ba Vàng, nguồn tin của Tuổi Trẻ Online cho biết báo cáo của UBND Thành phố Uông Bí về việc kiểm tra quản lý tiền công đức tại các di tích lịch sử - văn hóa, đình, chùa cho thấy chùa Ba Vàng và một số di tích khác trên địa bàn Thành phố Uông Bí không có số liệu báo cáo.

Ngoài ra, nguồn tin cũng cung cấp văn bản do phó chủ tịch UBND Thành phố Uông Bí ký ngày 23/5 gửi Ban trị sự chùa Ba Vàng. Trong đó, UBND Thành phố Uông Bí đề nghị Ban trị sự chùa Ba Vàng báo cáo nội dung quản lý tiền công đức tại chùa theo đề cương, biểu mẫu gửi kèm. Thời gian báo cáo trước ngày 15/6.

Trả lời Tuổi Trẻ Online chiều 23/7, một đại diện thuộc đoàn kiểm tra việc quản lý tiền công đức tại các di tích lịch sử - văn hóa, đình, chùa trên địa bàn Thành phố Uông Bí xác nhận đoàn không đến kiểm tra tại chùa Ba Vàng. Nhưng Thành phố có gửi văn bản đề nghị Ban trị sự chùa Ba Vàng báo cáo nội dung quản lý tiền công đức hồi tháng 5, qua đường bưu điện.

Tuy nhiên tới nay chùa Ba Vàng lại khẳng định không nhận được văn bản, nên vị đại diện cho biết thành phố đang rà soát, kiểm tra lại.

Yên Tử : tiền công đức thấp vì phần lớn do nhà chùa thu không được tính

Về thông tin trong báo cáo của Bộ Tài chính gửi Thủ tướng cho biết "không tránh khỏi những băn khoăn về tính khách quan trong việc tiếp nhận, kiểm đếm tiền công đức tại khu di tích lịch sử và danh thắng cảnh Yên Tử" khi danh thắng quốc gia đặc biệt này mỗi năm đón hơn 2 triệu lượt khách mà số tiền công đức thu được lại khá thấp, một đại diện ban quản lý khu di tích cho biết không rõ con số hơn 2 triệu lượt khách tham quan mỗi năm mà Bộ Tài chính đưa ra dẫn theo nguồn nào. Ghi nhận của ban quản lý khu di tích này là hơn 1 triệu khách mỗi năm.

Ngoài ra, số tiền ban quản lý có thể quản lý và báo cáo là tiền công đức do khách góp tại các bàn ghi công đức và hòm công đức. Nhưng số này lại rất ít so với tiền giọt dầu mà khách thường đặt trực tiếp trên các ban thờ. Tiền này do nhà chùa thu chứ ban quản lý không được thu, không được ghi nhận vào báo cáo.

Thiên Điểu, Lê Thanh, Tiến Thắng

Nguồn : Tuổi Trẻ online, 23/07/2023

Additional Info

  • Author Lê Tự Do, Phạm Lê Đoan, Ngọc Lan, Lê Tân, Thiên Điểu, Lê Thanh, Tiến Thắng
Published in Diễn đàn

Phương thuốc vi diệu chữa tất cả bệnh tật của "thần y bắt ma"

Nguyễn Đại La, RFA, 29/06/2023

Dưới sự kinh doanh tài giỏi của Đại đức, trụ trì Thích Trúc Thái Minh chùa Ba Vàng, cơ sở tôn giáo này đã sinh ra một thần y có con mắt nhìn thấu quá khứ của tất cả chúng sinh, từ con người đến con sâu, con cóc, chó, gà, chuột. Thần y cũng chữa được tất cả các loại bệnh tật chỉ bằng vài ba phương pháp "vi diệu, rất vi diệu, cực kỳ vi diệu", mà gần như chẳng tốn kém. Lại có hiệu quả nhanh đến chóng mặt. Ví dụ người ba năm đau xương khớp đến nỗi đi lại trong nhà phải vịn vào đồ đạc mới di chuyển từng bước được, thần y chỉ chạm tay vào trong hai tiếng đã có thể bỏ vịn, đi thoăn thoắt.

batma1

Lễ sớt bát cúng dường đầu xuân tại sân chính điện chùa Ba Vàng vào năm 2022 (minh họa) - Chùa Ba Vàng

Trên tất cả các kênh truyền thông chính thức của vị phó trụ trì không chính thức chùa Ba Vàng này, có rất nhiều clip với "người thật, việc thật" việc bà chữa bệnh cho người khác. Vẫn là bà Phạm Thị Yến, thường gọi Yến "bắt ma".

"Vong leo lên đệm, nghe rõ cả tiếng kêu, thấy rõ đệm lún xuống, rung cả giường"

Người phụ nữ đau xương khớp vừa nhắc ở trên xưng tên là Nguyễn Thị Minh Huấn, ở tại số nhà 505 C4 Khu tập thể Nam Đồng Hà Nội. Trong clip quay lại, bà Huấn phải vịn vào các đồ vật trong nhà mới đi lại được, nhưng bước chân gượng gạo và cứng. Bà Huấn kể bà bị tiểu đường đã 30 năm. Khoảng ba năm nay, bà bị các bệnh ruột gan nóng không ngủ được, không ngồi yên được phải đi lại liên tục. Khoảng sáu, bảy tháng gần đây bà đi đại tiện nhiều lần trong một ngày, rất đau nhưng chỉ ra bọt và máu. Vợ chồng bà đã chữa chạy nhiều nơi : mổ cột sống ở Bệnh viện Việt Đức, đi khám bệnh ở bệnh viện Đống Đa, Bệnh viện Y học cổ truyền Quân đội, nhưng không nơi nào khám ra bệnh hay chữa khỏi bệnh. Bác sĩ chỉ nói là do di chứng tiểu đường lâu ngày.

Bà Huấn càng ngày càng yếu, chân tay mất cảm giác, đang đi lại trong nhà nhưng nhiều lúc rơi dép không biết.

Ông Nguyễn Văn Hợp là chồng bà Huấn được giới thiệu về chùa Ba Vàng học Phật pháp hai tháng và đã thỉnh oan gia trái chủ cho bà.

Kể bệnh với bà Yến "bắt ma", bà Huấn nói bà bị vong theo khoảng ba năm nay. Khi bà ngủ thì vong đặt tay vào mắt, đập tay vong ra thì hai ba ngày sau lặp lại. Vong còn sờ tay, sờ chân bà rồi vuốt vuốt.

- Nó trèo lên cả đệm, (khi nó trèo lên) mình nằm nghe cả đệm nó kêu cơ, thấy rõ đệm lún xuống, rung cả giường. Dần dần ngày càng nặng lên, mỗi ngày (nó) thay đổi một động tác, lúc thì (sờ, vuốt) chân, lúc thì (sờ, vuốt) thân trên, chuột rút, co hết cả bắp chân và bàn chân, chóng mặt… - bà Huấn tả chi tiết về những "vong linh" đang "theo bám, gây bệnh" cho bà.

- Vong linh ở đâu ra ? Đầu tiên là những con chó con gà mà bác trói trước kia để đi bán, nhưng trong đó có bảy vong linh là vong linh người. (Trong tiền kiếp) mình là chủ người ta là tớ, (bác) trói vào đánh đập khi người ta làm việc không đúng ý mình (nên bị báo oán bệnh tật như đã kể). Từ nay và nhiều kiếp về sau bác phải tu hành phật pháp, không được đánh người, không làm tổn thương người thì sẽ không bị trả quả thế này. Sau đó phải cúng dường nhá !- Bà Yến vừa nói làu làu vừa xoa một chút dầu hỏa lên đầu gối và bàn chân của bà Huấn.

"Thần y" dùng cả hai bàn tay vỗ cật lực vào đầu gối và bàn chân bà Huấn, nghe cả tiếng vỗ bành bạch rất to. Vỗ một lúc, cả đầu gối và bàn chân bà Huấn ửng đỏ rồi những đám bầm tím, thậm chí ngả sang đen nổi lên rải rác.

Đoạn tiếp theo trong video là cảnh bà Huấn bỏ hai tay ra, không vịn vào đồ vật trong nhà nữa nhưng vẫn đi lại khá dễ dàng.

- Đấy thấy chưa ? Sáu bảy tháng bệnh đại tiện toàn ra bọt, ba năm không đi lại được mà vỗ dầu hỏa hai tiếng bệnh khỏi ngay tức khắc đấy nhá-bà Yến hồ hởi.

Vong linh theo dầu hỏa chui ra khỏi cơ thể người bệnh

"Dầu hỏa vỗ vào sẽ trung hòa được cái độc, các cái vết đỏ tím đấy là độc tố thoát được ra ngoài đấy. Xong ăn dưa chuột vào sẽ rút toàn bộ cái độc đi. Vong linh nó cũng theo ra luôn đấy" - "thần y" kiêm bắt ma giải thích.

Vỗ dầu hỏa là phương thuốc tiêu trừ bách bệnh của bà Yến. Thậm chí Câu lạc bộ Cúc vàng của bà còn làm hẳn vài video clip có MC hẳn hoi, gọi là "bản tin Vỗ dầu hỏa". Nguyên tắc là đau ở đâu thì vỗ ở đó. Trong những video đăng trên các trang truyền thông của bà Yến, có hàng chục, thậm chí cả trăm người đang ngồi kéo quần lên đến đầu gối, hai tay thi nhau vỗ vào cơ thể mình hoặc vỗ cho người khác.

Chữa bệnh bằng phương pháp vỗ dầu hỏa (Phần 1)

Cũng rất theo nguyên tắc "người thật việc thật", video nào cũng phỏng vấn những tín đồ đang chữa bệnh bằng vỗ dầu. Trăm người như một, người nào cũng chìa chiếc chân hoặc tay tụ máu bầm tím nhiều nơi ra trước ống kính, nói họ đau nhức nhiều nơi và nhiều năm, đã chữa theo tây y và đông y, bấm huyệt, thuốc thang đủ chỗ nhưng không khỏi bệnh.

- Nghe người ta mách, bảo cứ đến chùa Ba Vàng là khỏi. Thật là lần đầu tiên (vỗ dầu) đau phát khóc, các cô (trong chùa) bảo phải phát nguyện cúng dường thì lần sau rất nhẹ, không thấy rát đau gì nữa.

Đến đoạn này tôi lại nhớ tha thiết "thần y" Võ Hoàng Yên - người đàn ông chuyên vỗ vào tai và kéo lưỡi để "chữa" câm điếc. Trong tất cả các clip do team của ông Yên post lên, người bệnh nào cũng lập tức khỏi ngay, nghe được, nói được chỉ sau vài cú vỗ cật lực. Người liệt thậm chí còn đứng dậy đi được. Như phép màu của Chúa tái hiện giữa đời thực !

Nhưng khi bà Nguyễn Phương Hằng bắt đầu lột mặt Võ Hoàng Yên thì ùn ùn kéo đến những bằng chứng cụ thể về việc không một bệnh nhân nào của ông Yên khỏi bệnh, còn chính "thần y" thì lặn sâu như cá trê lẩn xuống bùn, không dám sủi lên cái tăm nào. 

Dĩ nhiên rồi, các thông tin tuyên truyền do chính chủ thực hiện thì đều phải tự nói hay nói tốt. Chẳng ai đi phỏng vấn một bà cụ nói rằng các cô vỗ vào lưng tôi mạnh thế này thì tôi gãy xương mất, còn các vết tím đỏ chuyển sang đen là do bị vỗ mạnh quá nên xuất huyết dưới da, tụ máu-điều đứa trẻ con cũng biết. Vài hôm không vỗ thì các đám tụ máu sẽ tan dần, màu da bình thường như cũ. Còn việc cảm thấy cơ thể nhẹ nhõm dễ chịu hơn là vì nếu vỗ nhẹ và đều lên người thì cũng có tác dụng như massage cơ thể khiến máu lưu thông tốt hơn. Nhưng chắc chắn không thể dùng bôi dầu hỏa và vỗ bem bép lên người mà khiến xương khớp phục hồi, tim mạch tốt hơn, viêm da lành lại.

Không tin tìm Phật mà hỏi

Rất nghiêm túc, bà Yến khoe có thể dùng vỗ dầu hỏa chữa được các bệnh sau :

- Các bệnh về xương khớp, nhức mỏi người, đau cổ, vai, gáy, đau lưng, viêm khớp, tràn dịch khớp gối, rách bao khớp gối, thoái hóa đốt sống lưng, tê buốt tay chân, bong gân.

- Các bệnh u hạch, ung thư.

- Các bệnh viêm mũi dị ứng, bị mẩn ngứa dị ứng, côn trùng đốt.

- Các bệnh tại biến nhẹ, liệt dây thần kinh số 7.

- Các bệnh khác như tiền đình, đau nhức đầu, Parkinson, mất trí nhớ, Alzheimer, bệnh gout (bệnh gút), cảm cúm, cảm nhập sâu, sợ nước, sợ gió, viêm xoang, mắt nhìn bị nhiều hoa đốm và mờ mắt, nám mặt, giãn tĩnh mạch.

Ngoài ra, bà Yến còn hướng dẫn uống nước hành tỏi hay ép nước hành tây vào cơ thể để chữa ung thư.

Bà Yến nổ là bài vỗ dầu hỏa này với các bài thuốc khác đều do chính bà ta tự học hỏi được trong quá trình tu tập và trải nghiệm Phật pháp. Đây chính là câu trả lời được team kinh doanh chùa Ba Vàng chuẩn bị cho những ai tò mò hỏi vì sao không một ngày học y khoa mà dám đứng ra chữa toàn những bệnh hiểm hóc. Ừ đấy, không học y ngày nào nhưng được Đức Phật chỉ bảo vì chăm chỉ tập tu, có thiện duyên với Phật ! Ai không tin cứ tìm Phật mà hỏi.

Cứ lấy Phật ra làm bình phong thì ai núp vào sau cũng kín.

Dân Việt Nam nhiều người thích tin những sự thần bí huyền hoặc, nhất là sự thần bí huyền hoặc dưới đại danh Đức Phật. Nhất là lớp phụ nữ trung niên và lớn tuổi ở nông thôn hoặc tầng lớp bình dân thành thị, trình độ văn hóa thấp, không được luyện tập óc suy xét và phản biện, thì càng dễ u mê mù quáng và bị những người thông minh nhưng gian tâm xỏ mũi, lừa đảo.

Các bài "thuốc" của bà Phạm Thị Yến được rất nhiều người thử dùng, vì nguyên liệu rất rẻ tiền và dễ kiếm, hầu hết là thực phẩm ăn uống hàng ngày. Đã thế, lên chùa "chữa" bệnh và tham gia đạo tràng tu tập lại được miễn phí ăn, ở. Vui, hời đến thế còn gì. Chữa không hết bệnh cũng chẳng sao vì được lãi một chuyến đi chơi rồi. Còn nếu tình cờ, ngẫu nhiên mà giảm hay hết bệnh thì đội ngũ con nhang mê muội của chùa Ba Vàng lại thêm một gương mặt mới.

Sau tất cả các bài thuốc chia sẻ trên mạng, đội truyền thông của bà Yến/chùa Ba Vàng luôn cài cắm những câu nhắc nhở người bệnh nên đi khám tại bệnh viện, với các bác sĩ. Hành động này rất khôn (lỏi). Nhưng khôn mấy cũng chẳng bằng thật thà. Bản chất lừa đảo không thể giấu giếm : họ bắt buộc những người muốn "chữa" bệnh đọc đi đọc lại bài "bạch", trong đó nói rõ thân chủ hứa sẽ cúng một số tiền cụ thể vào chùa.

Nếu đã đọc, đã hứa mà không cúng, tức là tâm chưa thành khẩn tha thiết, Phật sẽ không gia hộ, vong linh chưa được trả nợ thì vẫn cứ hoành hành trong thân, gây bệnh tật mãi mãi.

Đọc kỹ vài bài chia sẻ, chúng ta sẽ phì cười khi có vài người thật thà khoe rằng sau khi cúng dường, lạy Phật, tham gia đạo tràng tu tập thì "đã gặp được bác sĩ giỏi chữa hết bệnh".

Rõ ràng đến vậy nhưng đội kinh doanh Thái Minh-Phạm Thị Yến vẫn vơ vào được đó chính là công của mình, nhờ cúng dường và tu tập nên vong linh mới tha cho thân chủ, bác sĩ mới chữa được bệnh. Nếu vong linh chưa tha thì đừng hòng.

Thế những trường hợp vỗ cả thùng phi dầu lửa, uống cả tấn hành tỏi, cúng dường hết cả gia sản và thỉnh vong đến bảy bảy bốn chín ngàn kiếp trước nhưng vẫn chết thì sao ?

Dễ ! Team Minh-Yến sẽ lên ngồi giảng pháp, trầm buồn nói đó là do định nghiệp, tức vận mệnh không thể thay đổi được của người ấy. Dù có làm gì cũng chết. Nhưng kiếp sau người ấy sẽ được đầu thai khỏe mạnh hơn, cuộc sống tốt hơn nhờ kiếp này đã kết duyên với tam bảo, đã cúng dường nhiệt tình.

Ai không tin cứ chờ người ấy đầu thai thì đến hỏi, xem thầy trụ trì-cô chủ nhiệm nói có đúng không !

Khoe giỏi, khoe tốt, thuốc rẻ, thuốc hay

Đấy chính là các đặc điểm để người dân dễ nhận ra các "thần y" lừa đảo kiểu Võ Hoàng Yên, Thích Tuệ Hải, Phạm Thị Yến.

Thường các "thần y" có các điểm chung sau :

- Là hoặc tự xưng tu sĩ hoặc cư sĩ theo đạo Phật, thường xuyên làm video giải thích Phật pháp, cách sống, cách tu theo Phật. Tỏ ra bản thân là người rất tài giỏi, biết nhiều hiểu rộng, thấu lời Phật, có tình bác ái bao la với tất cả nhân quần.

- Khoe chữa được tất cả bệnh tật chỉ sau vài giờ hoặc vài ngày, nhất là những bệnh hiểm hoặc bệnh nặng mà bác sĩ đã "chạy".

- "Phương thuốc" thường cực kỳ đơn giản, rẻ tiền và dễ tìm trong sinh hoạt tự nhiên. Nhưng phải do chính tay "thần y" chế biến, phối trộn hoặc gia hộ thì mới có tác dụng chữa bệnh. Nếu không còn làm hại người.

- Nguyên liệu chế "thuốc" rẻ, nhưng tổng tiền của cả bài "thuốc" rất đắt. Ví dụ thần y, thượng tọa Thích Tuệ Hải, trụ trì chùa Long Hương ở Đồng Nai bán các loại "Sữa ông Thầy", tương tamari với giá gấp năm bảy lần. Tổng cả bài thuốc người bệnh mua mỗi lần khoảng vài triệu đến vài chục triệu đồng.

Chữa bệnh "miễn phí" tại chùa Ba Vàng thì phải cúng dường, hoặc làm việc cho chùa không công.

Tu thế thì thích quá. Ngày mai tôi cũng đi tu !

Nguyễn Đại La

Nguồn : VOA, 29/06/2023

Tham khảo :

https://www.youtube.com/watch?v=eb-E9CXCvh4

https://phamthiyen.com/phuong-phap-chuyen-hoa-benh-ho-tro-nang-cao-suc-khoe

https://phamthiyen.com/liet-day-than-kinh-so-7-c3728.html

https://phamthiyen.com/tong-hop-cac-benh-duoc-chuyen-hoa-nho-phuong-phap-vo-dau-hoa-c3487.html

https://phamthiyen.com/benh-ung-thu-c4162.html

https://www.youtube.com/watch?v=7wviLY1S2EA

****************************

Yến "bắt ma"- Phó trụ trì không chính thức, trợ lý kinh doanh chùa Ba Vàng

Nguyễn Đại La RFA, 25/06/2023

Bà Phạm Thị Yến. Đó chính là nhân vật nguồn cơn trận khủng hoảng truyền thông năm 2019 của chùa Ba Vàng.

batma2

Bà Phạm Thị Yến trong một lần thuyết giảng - Y ouTube Câu Lạc Bộ Cúc Vàng

Tự xưng pháp danh là Tâm Chiếu Hoàn Quán. Được Phật tử của chùa Ba Vàng gọi là Cô chủ nhiệm (chủ nhiệm Câu lạc bộ Cúc vàng, gồm những Phật tử lớn tuổi của chùa Ba Vàng).

Bà Yến là một tồn tại đặc biệt, vô cùng đặc biệt tại chùa Ba Vàng.

Phó trụ trì không chính thức, nhân vật quan trọng số hai chỉ sau trụ trì

Như bà Yến tự thuật và các thông tin đào xới của báo chí năm 2019, bà Phạm Thị Yến sinh năm 1970, trước kia làm nghề thợ may, chuyên sửa quần áo tại chợ Hạ Long 2 (Thành phố Hạ Long, Quảng Ninh). Bà có chồng và hai con trai. Thông tin trên trang phamthiyen.com nói "bà kết hôn với chồng vì rất ấn tượng với tâm hiếu nghĩa của ông".

Vẫn trên phần giới thiệu : "Tuy có cuộc sống hạnh phúc nhưng vì nguyện Bồ đề làm lợi ích cho mọi người, cô quyết định rời xa gia đình và nhận được sự đồng thuận của chồng con".

Năm 2017, bà Yến và chồng ly hôn sau một thời gian bà rời gia đình lên sống tại chùa Ba Vàng.

Chị gái và chồng của bà Yến thì cho hay : Bà Yến không hề có năng lực siêu nhiên để thỉnh vong, cảm nhận, tương tác được với oan hồn, vong linh kiếp trước gì cả. Bà cũng không bị bệnh ung thư rồi đến chùa Ba Vàng tu tập để chữa bệnh như chính bà từng nói. Chồng bà nói với báo chí : do bà Yến nhiều lần tuyên truyền mê tín dị đoan, ông khuyên giải nhiều lần không được nên bất đồng và dẫn đến ly hôn.

Chị gái của bà Yến thì kể do thất vọng sau một vụ đầu tư thất bại, mất hàng trăm triệu nên lúc ấy bà Yến hay tìm đến chùa Ba Vàng để tịnh tâm. Sau một thời gian, bà Yến ly hôn, lên ở luôn trên chùa Ba Vàng.

Chẳng ai ngờ chỉ ít năm sau, bà Yến bắt đầu nổi lên như cồn trong cộng đồng những người tin tưởng vào trình độ thỉnh vong giải nghiệp ở chùa Ba Vàng. Với sự hà hơi tiếp sức tột độ của trụ trì Thích Trúc Thái Minh, bà Yến xuất hiện như một bậc chân tu làu thông Phật pháp, một á thần có thể nhìn xuyên thời gian về ngàn ngàn kiếp trước của tất cả mọi người, một thầy thuốc có đôi tay kim cương chữa lành đủ thứ bệnh từ vẩy nến đến ung thư, liệt dây thần kinh đến xương khớp mà bệnh viện chính thống bó tay.

Bà Yến là sự tồn tại vô cùng đặc biệt, vì không hề được học tập về Phật pháp nhưng thời lượng và sự tự tin khi giảng Phật pháp cho đại chúng của bà chỉ có thể so sánh với chính sư trụ trì Thích Trúc Thái Minh.

Chùa Ba Vàng có cả trăm tăng ni, đại đức. Nhưng ngoài sư Minh, không một tu sĩ chính thức nào xuất hiện giảng pháp, pháp thoại hay hướng dẫn Phật tử tu tập. Còn bà Yến chỉ là một Phật tử, ngoài chức danh chủ nhiệm Câu lạc bộ - là một tổ chức tự phát có tính tự nguyện trong một cộng đồng - thì không hề có chức danh nào trong chùa Ba Vàng, nhưng sau bất cứ buổi giảng pháp nào của sư trụ trì thì luôn luôn đến lượt bà Yến vô cùng hiên ngang lên chính điện ngồi hướng dẫn tu tập và thực hành Phật pháp cho đại chúng.

Bà Yến cũng chính là người trực tiếp thỉnh vong hồn báo oán, giải nghiệp, giải thích các hiện tượng tâm linh, chữa đủ thứ bệnh tật… qua hàng trăm video clip.

Đệ tử ruột nên mọi trò đều sao chép thầy y hệt.

Kể cả cái cách hết lời tự ca ngợi bản thân trên trang web của mình.

Triết lý của thầy trò "Yến bắt ma" : Mọi sự do ma

Trang Phamthiyen.com có những thông tin gì ?

- Kỳ lạ u nang buồng trứng xuất huyết biến mất sau bảy ngày làm công quả tại khóa tu mùa hè chùa Ba Vàng.

- Người yêu phụ bạc, từng muốn tự tử : cô gái tìm lại được hạnh phúc nhờ một giấc mơ kỳ lạ. Bài này kể về cô gái tên Ngọc, có người yêu đi nước ngoài du học rồi yêu người khác. Ngọc bị sốc, muốn tự tử. Sau đó "Vào cuối năm 2018, một ngày lang thang trên mạng, Ngọc tình cờ gặp được một video chia sẻ ngắn về Phật Pháp của Cô Phạm Thị Yến (…). Tuy nhiên, lúc này, bạn chưa có ấn tượng gì đặc biệt về Cô. Mệt mỏi, bạn ngủ thiếp đi lúc nào không hay biết. Bỗng trong giấc mơ, có một người phụ nữ xuất hiện và mỉm cười hiền từ, nói với Ngọc rằng : "Nếu gặp chuyện hay gặp khó khăn gì, hãy về đây chia sẻ với Cô nhé". Ngọc cảm thấy năng lượng tâm linh thiện lành tỏa ra từ người phụ nữ ấy (…). Chợt tỉnh dậy khỏi giấc mơ, Ngọc nhớ ra, người phụ nữ đó không ai khác chính là Cô Phạm Thị Yến mà lúc sáng bạn đã xem được video chia sẻ của Cô trên mạng. Ngọc nghĩ, chắc chắn đây phải là yếu tố tâm linh kết nối giữa bạn với Cô, v.v.

Bài viết chốt lại bằng việc cô Ngọc đến chùa Ba Vàng và gặp được bà Yến ngoài đời thực, xúc động rơi nước mắt, rồi theo bà Yến tu tập, gặp được người yêu hợp ý, tiến đến hôn nhân.

- Hành trình hạnh phúc : khỏi bệnh ung thư biểu mô tuyến giáp thể nhú di căn hạch nhờ Phật pháp. Clip này ca ngợi sự nhiệm màu sau 12 ngày tu tập kết hợp với sử dụng phương pháp uống nước hành tỏi do bà Yến hướng dẫn, khối u bên trái của người bệnh đã từng thuộc diện TI-RADS3 giảm xuống còn TI-RADS2. Với kết quả chuyển biến đó, khối u bên trái sẽ không cần phải phẫu thuật nữa.

- Chuyện thật khó tin : hai khối u màng não, ba tổn thương thứ phát hiếm gặp biến mất nhờ vào phương thuốc lạ.

- Con trai tâm tính bất thường trong 10 năm : chuyển hóa sau 49 ngày tu tập.

- Tiêu biến khối u di căn vào phổi nhờ tu tập Phật pháp.

Gần 20 năm sống chung với bệnh dị ứng : chuyển hóa sau một ngày Pháp đàn Lương hoàng bảo sám.

- Oan gia trái chủ : sự thật và cách hóa giải.

- Cách giải nghiệp tự kỷ ; giải nghiệp bị bệnh Down và bại não ; nghiệp thất thoát tài sản ; nghiệp hai vợ chồng khắc khẩu ; nghiệp không có người yêu ; nghiệp bị bệnh ung thư.

Bà Yến giảng giải người bệnh ung thư là do kiếp trước làm cho người khác uất ức tận cùng, còn lại là sát mạng chúng sinh nhiều. Mấu chốt giải nghiệp vẫn là cả nhà quy y tam bảo, phát nguyện cúng dường. Những người bị các khối u lớn và ác thì tiền kiếp là những người xuất gia tu tập nhưng phạm phải Ba-la-di tội (các trọng tội như dâm dục, trộm cắp, giết người, vọng ngữ…). Người nhà của họ trong kiếp hiện tại chính là tòng phạm của họ trong kiếp đó.

- Trong nhà có quỷ dự báo trùng tang phải làm sao ?

- Chồng thoát khỏi bóng đen cờ bạc sau 26 năm nhờ vợ tu tập Phật pháp.

- Âm binh, bùa ngải và cách hóa giải.

Bà Yến giải thích âm binh là những vong linh, cô hồn vất vưởng được người khác đưa đến để làm hại chúng ta. Sau đó như thường lệ trong tất cả các trường hợp, bà Yến kể một câu chuyện chẳng ai kiểm chứng được : có nhà kia (là nhà ai, tên họ gì, ở đâu - người viết ?) mang theo bùa chú là hòn đá để trong một bát gạo, đi đâu cũng phải đi theo. Sau một thời gian thì nhờ bà Yến phá giải. Bà Yến kể mang về chùa rồi quên, nhưng đến sáng hôm sau thì bị nhức đầu, "là do các chúng đi theo bùa chú này phá, nên (bà Yến phải) khai thị cho nó rồi cho nó phát tâm tu hành. Người bị yểm bùa là do tâm mình đang sở hữu các suy nghĩ ác, việc làm ác, có tâm ý ác hại ganh đua nên mới bị các chúng ác theo".

Chưa dọa Phật tử đủ sợ, bà Yến bồi thêm : "Bùa có thể là một ly nước uống hoặc bất cứ vật gì. Muốn giải bùa thì quy y tam bảo, cúng dường hồi hướng cho các chúng".

Với những người thỉnh oan gia trái chủ, bà phán người này hàng trăm kiếp trước từng phá tổ chim, bắt chim con rất nhiều nên kiếp này bị phá nhà phá cửa. Người kia hàng chục kiếp trước từng gạt gẫm tình cảm của người khác nên kiếp này phải sống cô đơn, yêu ai cũng không thành. Trong miệng bà Yến, không một người nào có kiếp trước tốt đẹp, sống tử tế cả. Tất cả đều từng sát sinh, giết người, hành hạ chúng sinh, làm quan thì ức hiếp lừa dối dân chúng, đi buôn thì lừa đảo khách hàng, làm chị thì đánh mắng ngược đãi em út, làm chủ nhà thì đi giết chuột…

Mặc bộ áo nâu, "Yến bắt ma" nói cứ tuồn tuột, và sau rốt đều kết bằng việc oan hồn đòi trả các món nợ kiếp trước. Lạ thay, tất cả các món nợ từ tình cảm, thân thể, việc làm ăn buôn bán, tình thân cha mẹ con cái hay hàng xóm bạn bè… đều được "oan hồn" quy ra tiền tươi thóc thật, có cả số lẻ, do chính những nhân viên của Chùa xướng lên.

Ngoài ra, thân chủ còn phải tự nguyện cúng dường cho chùa Ba Vàng một số tiền khác, để thỉnh chư tăng hồi hướng công đức.

Cả trụ trì Thích Trúc Thái Minh lẫn "Yến bắt ma" đều luôn tỏ vẻ thanh cao rằng chư tăng chùa Ba Vàng rất đạo hạnh, ăn ngày một bữa, ngủ ngồi trong rừng, mặc ba y (một áo, một quần, một tấm vải đắp quấn). Còn cúng dường là việc tạo phúc cho người đem tiền tài vật chất đi cúng chứ không phải cho chư tăng, nên chư tăng không cần tiền của mọi người. Thế nhưng cả hai nhiều lần công khai đến mức trắng trợn thúc giục Phật tử cúng dường ngay và cúng thật nhiều.

Ma quỷ, vong hồn cái gì cũng không sợ, chỉ sợ… tiền !

Ví dụ khi có người hỏi cúng dường cầu siêu cho cha mẹ thì bao nhiêu mới đủ, bà Yến trách người này hỏi như thế là tính toán. Rồi bà nói toẹt : Muốn cho cha mẹ sinh vào cõi trời thì phải làm hết khả năng của mình, nếu có thể cúng được 500 nghìn thì cúng 500 nghìn, có khả năng cúng 50 triệu thì cúng 50 triệu. Đặc biệt, Phật tử buộc phải cúng vào chùa Ba Vàng, chứ "cúng cho chùa khác thì cũng tạo được phước báu nhưng không biết là phước gì (!) và nghiệp cũng có thể được giải nhưng đến bao giờ giải hết thì không biết" !

Sư Minh còn chịu khó sưu tầm một câu chuyện gì đó nói rằng ông Áp ba la xê ếch nào đó ở thời của Phật do đã đem cả ngôi nhà của gia đình đi cúng dường nên đã được rất nhiều phước báu.

Thế nhưng số tiền tỷ tỷ mà vào năm 2016 sư Minh đã nhận cúng dường của rất nhiều người để xây chùa Ba Vàng tại Quảng Nam (sau đó bị ngưng do vi phạm đất rừng phòng hộ) thì chả ai nghe sư nói đã hồi hướng thế nào cho Phật tử cả.

Một vị tăng trong chùa Ba Vàng kể (giấu tên) với báo chí : Tất cả tiền cúng dường đều do sư trụ trì kiểm đếm, sau đó giao lại cho Phòng kế toán. Tăng ni trong chùa ai có việc cần dùng thì đến Phòng kế toán viết giấy, nhận tiền.

Ngoài sư Minh, chẳng ai kiểm soát được việc chi tiêu nguồn tiền hàng trăm tỷ mỗi năm này.

Việc anh trai của sư Thích Trúc Thái Minh đứng tên lập công ty Khu du lịch thiền Trúc Lâm - Quảng Nam, kêu gọi bá tánh quyên tiền xây chùa Ba Vàng Quảng Nam, là hành động kinh doanh chùa chiền, rành rành trái với Phật pháp. Nhưng thực sự ông anh trai chỉ là người đứng tên hộ. Ông chủ thật sự của công ty chính là sư Thích Trúc Thái Minh ?

Dù sao, sư Minh là thầy tu chuyên nghiệp nên cũng có thể chấp nhận để ông sống bằng tiền bá tánh. Thế nhưng bà Yến chỉ là Phật tử nhưng không hề lao động để sống, mà vẫn ăn mặc sắm sửa đắt tiền… thì nguồn tiền ấy từ đâu ra ? Có phải chính từ túi tiền của các Phật tử nhẹ dạ, hoặc quá u mê và mù quáng nên để cho bị họ lừa gạt hay không ?

Chắc chắn trong hàng chục ngàn người từng bỏ tiền thỉnh vong giải nghiệp ở chùa Ba Vàng đã có nhiều người nhận ra sự thật này. Nhưng có lẽ vì nói ra thì xấu hổ, nên họ im lặng.

Nhưng im lặng chính là tiếp tay cho tội lỗi.

batma3

Các em học sinh tại một khóa tu mùa hè ở Chùa Ba Vàng. Hình : Chùa Ba Vàng

Cặp bài trùng bắt ma đang nhồi sọ trẻ em những lối nghĩ lạnh người

Đáng sợ nhất là mớ kiến thức núp danh Phật pháp nhưng kỳ thực rất tạp nham và chỉ nhằm mục đích cốt lõi là lừa tiền và lừa sức lao động của Phật tử mà ông Vũ Minh Hiếu và bà Phạm Thị Yến ra sức ca diễn bày trò, lại đang được nhiều ông bố bà mẹ hồn nhiên nhồi vào đầu con cái mình.

Bà Yến từng giảng giải cho các Phật tử rằng gia đình là mối quan hệ oán kết, là chỗ trả nghiệp, có trái mấy cũng phải yên, không được nói lời chân thật, không bao giờ được sống là chính mình. Chỉ có trong môi trường Phật tử thì mới sống được chân thật, đúng pháp.

Trong khóa tu mùa hè dành cho thanh thiếu niên đang được chùa Ba Vàng tổ chức, không ít em bé hết sức vui mừng khi được thấy "Cô chủ nhiệm" ngoài đời thực. Có những bé khoe "Ngày nào con cũng xem video của cô cùng với cha mẹ con, con rất yêu quý cô".

Không biết có cha mẹ nào vui sướng khi nghe con lặp lại Cô chủ nhiệm rằng gia đình của mình chỉ là nơi con và cha mẹ trả những oán kết kiếp trước cho nhau hay không ?

Và lạy Trời, lạy Phật ! Một đứa trẻ được nhồi sọ từ bé rằng bất cứ ai bị bệnh, bị tai nạn, gặp chuyện không may… đều là do họ từng sát sinh, từng sống ác trong kiếp trước, nó có thể hình thành lòng nhân ái, từ tâm hay không ? Hay nó sẽ hả hê nghĩ rằng do họ đã làm ác thì phải trả giá, thế là đáng đời ? Nếu chính cha mẹ, ông bà, anh chị em, bạn thân… của nó bị bệnh, bị tai nạn hay gặp chuyện không may, nó cũng sẽ nghĩ đấy chính là quả báo của họ, vì thế chẳng cần cảm thông hay giúp đỡ.

Nhưng chỉ cần có tiền cúng vào chùa thì mọi sự ác đều được xóa bỏ.

Cứ lối nghĩ ấy tăng dần cấp độ, sẽ hình thành một lứa thanh thiếu niên lạnh lùng nhưng u mê, vừa mê tín vừa thực dụng. Thiếu tỉnh táo suy xét nhưng thừa mù quáng để bị người ta dắt mũi và tống tiền còn lạy gập người xuống xin được đội ơn.

Đáng thắc mắc là tất cả các chứng cớ của việc tuyên truyền mê tín dị đoan cũng như lừa đảo Phật tử để lấy tiền đều tồn tại sờ sờ trên rất nhiều trang truyền thông của chùa Ba Vàng, của sư Minh lẫn của bà Yến "bắt ma".

Thế nhưng tại sao lần này chưa thấy giới chức lãnh đạo nào của Giáo hội Phật giáo Việt Nam lên tiếng chấn chỉnh, giải oan cho Phật pháp và các tăng ni chân chính ?

Nguyễn Đại La

Nguồn : VOA, 25/06/2023

Tham khảo :

https://www.baogiaothong.vn/ba-pham-thi-yen-chua-ba-vang-muon-xin-loi-me-nu-sinh-giao-ga-noi-gi-d415623.html

https://phamthiyen.com/oan-gia-trai-chu-la-gi-1-c4502.html

https://phamthiyen.com/khoi-benh-ung-thu-bieu-mo-tuyen-giap-the-nhu-di-can-hach-c4371.html

https://phamthiyen.com/bai-16-thuc-hanh-tru-niem-trong-bon-phan-tu-tap-tai-rung-lan-2-c2965.html

https://phamthiyen.com/phap-thoai-tai-khoa-tu-tren-rung

https://www.youtube.com/watch?v=zhvm_AhwX7Q

https://www.youtube.com/watch?v=O3kd-oOz2iQ

https://www.youtube.com/watch?v=5ozkMO6F19c

************************

Tiền, quyền, danh, lợi gồm đủ, ai "buôn lậu" Phật thành công bằng Thích Trúc Thái Minh ?

Nguyễn Đại La, RFA, 25/06/2023

Theo giới thiệu trên trang web chùa Ba Vàng, sư Thích Trúc Thái Minh, thế danh là Vũ Minh Hiếu, sinh năm 1967 tại Bắc Ninh, con thứ năm trong gia đình có bảy anh chị em.

batma4

Một buổi lễ ở Chùa Ba Vàng hôm 21/6/2023 Chùa Ba Vàng

Sư Minh tự giới thiệu "Vũ Minh Hiếu học hành giỏi từ nhỏ, được tuyển vào các lớp chọn, lớp chuyên của huyện, tỉnh, được đánh giá là người gần như hoàn thiện cả về đạo đức lẫn học thuật" (trích trang web).

Sau khi tốt nghiệp Đại học Kinh tế Quốc dân, Hiếu được giữ lại làm giảng viên. Sau năm năm giảng dạy tại trường, Hiếu chuyển sang Viện Nghiên cứu chế tạo máy thuộc Bộ Công nghiệp.

Sau cái chết của một người chị họ, Vũ Minh Hiếu trăn trở với những câu hỏi về sống/chết và rồi gặp được duyên khởi để xuất gia tu hành.

Năm 1999, Vũ Minh Hiếu xuống tóc, xuất gia tại Thiền viện Trúc Lâm Đà Lạt. Năm 2002, được cử ra miền Bắc để góp sức xây dựng Thiền viện Trúc Lâm Yên Tử. Năm 2007, về làm trụ trì chùa Ba Vàng, một ngôi cổ tự nhỏ bé và nghèo nàn, gồm hai kiến trúc cũ kỹ nằm trên 150 m2 ở lưng chừng núi Thành Đẳng, tại Thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh.

Năm 2014, sư Minh khánh thành chùa Ba Vàng mới trên diện tích 22 ha.

Chính điện chùa Ba Vàng mới rộng đến 4.600 m2, được công nhận là ngôi chính điện trên núi lớn nhất Đông Dương vào năm 2014.

Từng có một "dự án tập đoàn kinh doanh thương hiệu chùa Ba Vàng" ?

Con đường lớn từ trung tâm Thành phố Uông Bí đến chùa Ba Vàng được xây dựng, thu ngắn khoảng cách. Các kiến trúc hoành tráng liên tiếp xây dựng với phong cách phật giáo Nam Tông khác lạ với phong cách Bắc Tông phổ biến ở miền Bắc. Cùng với các hoạt động và lễ hội sôi động liên tiếp trong năm không bao giờ ngừng, chùa Ba Vàng được các tour du lịch chùa chiền đưa vào hàng đầu sổ trong danh sách "du lịch tâm linh".

Chính sư Thái Minh cũng tự hào kể về công trình biến chiếc chùa cũ nát thành một "trung tâm Phật học rất lớn trên diện tích 22 ha, trong đó một nửa là cây xanh và cảnh quan.

Tổng kinh phí xây dựng chùa được cho biết khoảng 280 tỷ đồng vào thời điểm đó. Toàn bộ là tiền công đức từ Phật tử, người dân và các doanh nghiệp cùng các nhà hảo tâm khắp nơi.

Năm 2016, có một dự án tên Khu du lịch tâm linh thiền Trúc Lâm - Quảng Nam được động thổ khởi công xây dựng tại thôn Đại An, xã Tam Đại, huyện Phú Ninh (Quảng Nam). Công trình này được công bố có tổng kinh phí 1.000 tỷ đồng, chia làm nhiều giai đoạn.

Phối cảnh của khu này giống hệt chùa Ba Vàng ở Quảng Ninh.

Doanh nghiệp huy động tiền bá tánh để xây dựng chùa Ba Vàng Quảng Nam là công ty trách nhiệm hữu hạn Ba Vàng Quảng Nam. Chủ doanh nghiệp tên Vũ Minh Đức, quê quán tại thôn Ngọc Quan, xã Lâm Thao, huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh.

Ông Đức chính là anh ruột của sư Thích Trúc Thái Minh (Vũ Minh Hiếu).

Cho nên không lạ gì khi tại lễ động thổ khởi công, đích thân trụ trì chùa Ba Vàng Quảng Ninh là sư Minh đã trực tiếp đứng ra nhận tiền và hiện vật do nhiều nhà hảo tâm, tập thể và cá nhân ủng hộ đến hàng tỷ đồng và nhiều hiện vật có giá trị.

Thế nhưng, sau đó ít lâu, công ty Ba Vàng Quảng Nam bất ngờ dừng dự án với lý do gặp một số khó khăn vướng mắc.

Cũng phải, vì đất mà họ định xây chùa và làm du lịch tâm linh lại nằm trong diện tích rừng phòng hộ hồ thủy điện Phú Ninh.

Sở Xây dựng tỉnh Quảng Nam cho biết, khi tổ chức lễ động thổ, công ty Ba Vàng Quảng Nam chưa được cấp giấy phép xây dựng, cũng chưa làm các thủ tục thuê đất hoặc chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định.

Đến năm 2018, công ty ngừng hoạt động.

Tuy nhiên, số tiền sư Minh đã nhận cúng dường thì không có thông tin nào về việc hoàn trả cho người đóng góp.

Tại sao một nhà sư luôn mồm cao rao về pháp tu khổ hạnh "ăn ngày một bữa, chỉ có ba y (một áo, một quần, một tấm vải quàng), rách lại vá, ngủ ngồi trong rừng" lại dính vào việc kinh doanh của thế tục ?

Chùa chiền là nơi tu tập và hành pháp, tại sao lại thương mại hóa thành khu du lịch tâm linh ?

Nếu dự án thành công, tăng ni trong chùa nên gọi là nhân viên kinh doanh hay người xuất gia cầu Đạo ? Lợi nhuận sẽ được phân bổ như thế nào ?

Chỉ có thể nói, sư trụ trì Thích Trúc Thái Minh quả không hổ danh sinh viên xuất sắc ngành Kinh tế. Chỉ với cái đầu trọc, mớ lý thuyết sai bậy núp danh Phật pháp rặt mùi đe dọa Phật tử để moi tiền từ các nỗi đau khổ của họ, sư Minh đã thành công vang dội trong kinh doanh chùa, buôn lậu Phật pháp. Chỉ vỏn vẹn chưa đến chục năm, tay trắng dựng nên sự nghiệp có giá trị hàng ngàn tỷ đồng, luôn dồi dào nguồn lao động không công u mê mù quáng đến hàng ngàn người, và đang leo lên các chức vụ cao nhất của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Tiền, quyền, lợi danh gồm đủ. Thử hỏi có tổng tài nào ngoài đời thường so sánh nổi với sư ?

Cứ cúng tiền thì chấp cả oan hồn báo oán

Vào năm 2019, khi sự kiện chùa Ba Vàng dụ dỗ và bắt ép Phật tử cúng tiền để thỉnh oan gia trái chủ chữa bệnh hay giải quyết trục trặc trong cuộc sống bùng nổ trên truyền thông, trang web Chuabavang.com đã không còn các clip pháp thoại hay trạch pháp về vong linh báo oán hay nghiệp ác kiếp trước nữa. Tuy nhiên, đó chỉ là động thái giả vờ một cách rất qua quýt.

Sau khi tái hoạt động, trên trang đầu tiên không hề có các từ nhạy cảm như oan gia trái chủ, nhưng lại có hẳn một topic mang tên Câu chuyện chuyển nghiệp.

Bấm vào topic này là cả một thế giới ma tà, vong hồn báo oán, mụn ghẻ mặt người, nghiệp báo, oan gia trái chủ… muôn hình vạn dạng, đủ kiểu tác quái và đòi nợ, chữa những bệnh tật nặng nề và dai dẳng, từ nghèo khổ, con cái bất hiếu, nghiện rượu, hay gia đình lục đục đến công ăn việc làm tốt đẹp và hòa thuận. Cứ các căn/chứng bệnh càng kỳ lạ, trầm trọng, nhất là đã chạy chữa khắp Đông Tây y tốn nhiều tiền nhưng không khỏi thì cứ đến chùa Ba Vàng là sạch làu bệnh tật, vạn việc đều thông.

Hàng trăm video lừa đảo và truyền bá mê tín dị đoan để trục lợi này vạch rõ bộ mặt của sư Thích Trúc Thái Minh.

Video nào cũng được quay dựng chuyên nghiệp, theo một cách thức duy nhất : bệnh nhân và người thân của họ tự thuật bệnh trạng cũng như diễn tiến chữa bệnh trước mặt một số tăng ni của chùa và vài Phật tử khác. Người thì bị vẩy nến lở khắp lưng cổ đầu mặt tay chân từ năm 14 tuổi, ngứa ngáy điên cuồng, gãi bật máu khắp người khiến tự ti phải nghỉ học từ sớm. Cha mẹ đã vay 300 triệu chữa bệnh cho con nhưng chỉ giảm được một thời gian lại tái phát nặng hơn. Bác sĩ thì nói bệnh này chữa dân gian chứ chữa Tây y không khỏi. Chữa thuốc Tây thì bị dị ứng sưng miệng lên.

Người mẹ kể diễn tiến tiếp theo như chuyện thần thoại :

- Lúc ấy con của con nó buông luôn rồi, nó bảo đến đâu thì đến chứ con không chữa nữa. Con cũng quá nản chí rồi, hôm ấy con thắp một nắm hương to con ra quỳ giữa sân. Con khấn xin Phật thương thì chữa khỏi bệnh cho con của con thì nghe tiếng nói trong không trung là phải thỉnh oan gia trái chủ. Lúc ấy con chưa biết gì về oan gia trái chủ. Sáng hôm sau con đi công việc thì tự nhiên gặp một Phật tử của chùa, người ta nói bệnh này đến chùa Ba Vàng thỉnh oan gia trái chủ là hết.

Người mẹ kể tiếp : Sau đó bà sắp xếp lên chùa Ba Vàng tu tập và xin vào đạo tràng. Con trai bà vẫn ở quê. Nhưng chỉ đến đêm tu tập thứ hai, bà gọi điện về hỏi thăm thì con trai đã nói "Cơ thể con như là một người khác rồi". Bà và chồng tăng lòng tin, tiếp tục dốc lòng tu tập. Sau 49 ngày tu tập và 108 ngày cầu khỏi dịch bệnh, "điều vi diệu" đến với toàn thể gia đình bà : tự dưng có người khác mách có bác sĩ chữa khỏi bệnh này. Bà đem con đến chữa thì con bà dùng được thuốc Tây, không còn bị dị ứng nữa, mặc dù trước kia từng bị. Kết quả bệnh hết hẳn, da lành và bắt đầu mọc da non.

Con bà kể vào đêm tu tập thứ hai của mẹ thì toàn thân anh ta ngứa phá ra, gãi toàn thân chảy máu xong đến sáng thì nhẹ nhõm hẳn, không ngứa nữa, các nốt lở bắt đầu se lại.

Như cởi tấm lòng, sư Thích Trúc Thái Minh cười rạng rỡ như đóa hoa đang được tắm trong ánh hào quang của mười phương chư phật. Sư cho xem hình ảnh trước và sau khi lành da, đồng thời nhắc đi nhắc lại và nhấn mạnh các chi tiết quan trọng nhất gồm :

- Chữa đông tây y lâu năm, tốn tiền nhiều nhưng không khỏi.

- Vừa tu tập tại chùa Ba Vàng đến đêm thứ hai thì bệnh đã thay đổi theo chiều hướng tốt lên đến vi diệu, như phép lạ.

- Gia đình rất quyết chí, có bao nhiêu tiền, kể cả tiền được quyên góp cho cháu chữa bệnh đều đem cúng dường chùa cả.

- Sau khi được chứng kiến sự thay đổi, cả nhà trao trọn niềm tin vào Phật pháp, vào chùa Ba Vàng.

Sư Minh nhấn mạnh :

  • Phật pháp rất nhiệm màu. (…) Phải tu tập để tăng phước, oan gia hết nghiệp báo với mình thì họ bỏ đi thôi, mình hết khổ. Oan gia (nhập về) báo oán, nếu họ không tác động nữa thì thuốc mới có tác dụng. Nếu không càng bôi thuốc thì càng loét. Thứ hai là họ ngăn cản mình tìm được thầy thuốc tốt, chỉ toàn gặp thầy thuốc vớ vẩn.
  • batma5
  • Đại đức Thích Trúc Thái Minh. Chùa Ba Vàng

Để tăng thêm niềm tin cho Phật tử, sư Minh kể tiếp :

- Có người bị bệnh gan vào Bệnh viện Bạch Mai người vàng như củ nghệ, men gan lên không biết là mấy trăm rồi, cô vợ điện thầy vào bệnh viện. Sau khi thầy lên thì thỉnh oan gia trái chủ ngay trong bệnh viện luôn cho chú, thỉnh xong một lúc men gan xuống luôn.

Sau đó người nhà lập đàn thỉnh, khỏi hoàn toàn, mừng lắm nhưng sư phụ (danh xưng tự xưng của sư Minh) bảo oan gia trái chủ chưa một lần khỏi hết đâu. Cô vợ chủ quan không tu tập nữa thì mấy ngày hôm sau (chồng) lại bị lại.

Tất cả các câu chuyện đều có lưu ý quan trọng nhất, có tính quyết định, là thí chủ phải hết sức dốc lòng tác phước cúng dường thì mới chuyển được nghiệp ác.

- Thí chủ rất chí thành, chí tâm, chí thiết, có bao nhiêu tiền đều đem cúng dường tất cả. Các trường hợp được người khác quyên góp, tặng tiền để chữa bệnh cũng không giữ lại đồng nào mà đều đem cúng dường. Như thế vong hồn báo oán mới thấy mình thật sự có tâm tu tập, nếu không họ thấy mình vừa giảm bệnh đã hết thì họ thấy ghét họ báo oán tiếp - Sư Minh nhắc đi nhắc lại.

Bác sĩ Tùng, Giám đốc Bệnh viện đa khoa Quốc tế Thành phố Hạ Long là ai ?

Một trường hợp khác được đặc biệt nêu gương, là thanh niên trẻ bị khối u cực lớn ở mặt, bắt đầu từ giữa hai mắt khiến mắt đẩy ra xa nhau, kéo dài đến hết cằm và nhô ra bên trên. Người nhà cho biết đi sinh thiết ở bệnh viện được kết quả là khối ung thư ác tính, bác sĩ quyết định trả về.

Bố con họ và sư Minh cùng thuật lại câu chuyện, vẫn với phong cách thần thoại quen thuộc của chùa Ba Vàng :

- Lúc đó là giáp Tết, gia đình xác định là cái tết cuối cùng của cháu thì nhận được một cuộc điện thoại của một người ở Hạ Long, nói nên xuống gặp để tìm phương pháp chữa cho cháu. Lúc ấy gia đình rất mơ hồ Phật pháp.

(Người ấy là) bác Tùng là Giám đốc Bệnh viện Quốc tế Hạ Long và cũng là Phật tử chùa Ba Vàng. Nhân duyên đến từ đây, năm 2013. Gia đình thỉnh oan gia trái chủ và được biết kiếp trước con mình là đồ tể sát sinh hại vật giết hại trâu bò dê ngựa nên kiếp này phải chịu nghiệp báo. Bác Tùng cùng các Phật tử chùa Ba Vàng hướng dẫn đến chùa thỉnh oan gia trái chủ để trả nghiệp báo và chữa bệnh, làm lễ khai thị cầu siêu oan gia trái chủ. Sau đó hàng tháng bốn ngày lên chùa nghe pháp, sám hối, làm công quả, cúng dường tiền tài. Sau hơn bốn tháng tu tập thì bệnh tình thuyên giảm dần, khối u trước kia rất lớn và chảy máu mủ liên tục thì giờ nhỏ lại và không chảy máu mủ nữa.

Sư Minh khoe công :

- Trụ trì sờ vào mũi (người bệnh) và mật thỉnh các oan gia trái chủ ra và thấy có một luồng khí từ người của người bệnh chạy qua người thầy. Sau đó thầy thỉnh hết chư tăng ni Phật tử lên chính điện cầu nguyện cho cháu. Ngay đêm hôm ấy Đức Quan Âm bồ tát báo mộng là cháu sẽ cứu sống được. Ngay sáng hôm sau thầy nói với cả gia đình nhà T., kiếp trước cháu chuyên mổ ngựa mở trâu nên (khối u trên mặt) giống mặt ngựa. Lúc đấy gia đình cháu hết lòng, tiền bạc, ai dâng cúng cái gì là cúng dường Tam Bảo hết để thỉnh oan gia trái chủ.

Sau đó thầy quyết định cho cháu đi mổ. Chính ông bác sĩ Mỹ ngày xưa trả cháu về để chờ chết thì lần này đã mổ được. Sau gần 10 tiếng phẫu thuật đã qua được giai đoạn khó khăn nhất.

"Bác sĩ Tùng, Giám đốc Bệnh viện đa khoa quốc tế Hạ Long", theo lời sư Minh là ai mà lại tin oan gia trái chủ ? Có thật có một bác sĩ như thế ?

Thế nhưng, liên quan đến "bác sĩ Tùng", chúng tôi chỉ tìm được một thông tin từ năm ghi nhận Phòng khám đa khoa tư nhân Cẩm Phả thuộc Chi nhánh công ty trách nhiệm hữu hạn Bệnh viện Quốc tế Hạ Long. Phòng khám này có địa chỉ ở Thành phố Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh, giám đốc tên là Phạm Tùng. Không có thông tin khác cho biết ông Phạm Tùng này có phải là bác sĩ hay không.

Ngoài ra không có bác sĩ Tùng nào khác gắn với tên Bệnh viện Quốc tế Hạ Long cả.

Còn chính bản thân bệnh viện Quốc tế Hạ Long thì lại là… một kiến trúc bị bỏ hoang suốt 10 năm nay tại phường Hùng Thắng, Thành phố Hạ Long.

Bệnh viện này có tổng mức đầu tư khoảng 70 triệu USD, được cấp phép xây dựng năm 2013. Tuy nhiên, nhà đầu tư chỉ xây dựng được 4/26 hạng mục công trình rồi bỏ hoang từ đó đến nay.

Vào tháng 8/2012, bệnh viện này từng bị Thanh tra Sở Y tế và Công an tỉnh Quảng Ninh xử phạt vì hành nghề khám, chữa bệnh khi chưa được cấp phép của cơ quan có thẩm quyền; kinh doanh thuốc chưa có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, chưa thực hiện các quy chế chuyên môn về dược.

Thông tin về nhân vật đầy uy tín "bác sĩ Tùng, giám đốc Bệnh viện Quốc tế Hạ Long, Phật tử chùa Ba Vàng" như thế đã rõ.

Có những bệnh nhân chia sẻ trong clip chứng minh sự thành công của việc thỉnh oan gia trái chủ tại chùa Ba Vàng sau đó cho biết : họ đi dự lễ tại chùa và được mời lên chia sẻ về quá trình tu tập, chữa bệnh. Họ có nói việc tập trung vào niềm tin Phật khiến tâm trí họ nhẹ nhõm hơn, nhưng kết quả chữa khỏi bệnh không phải do tu tập mà là thành tựu của các bác sĩ tại bệnh viện. Nhưng khi họ vừa nói đến nội dung cảm ơn các bác sĩ thì micro tắt phụt.

Sau khi video được cắt ghép chỉnh sửa, cuối cùng người xem u mê mù quáng chỉ thấy vô số bệnh nhân xuất thân đủ các giới trong xã hội, mắc đủ thứ trọng bệnh nhưng chỉ được chữa khỏi sau khi cúng oan gia trái chủ tại chùa Ba Vàng. Quá trình khỏi bệnh hay chuyển nghiệp đều vô cùng thần kỳ : Chỉ sau một đêm, hay sau một lời xướng danh Phật.

"Dân Quảng Ninh chết trong bão là do nghiệp kiếp trước"

Sự ngang nhiên của sư Thích Trúc Thái Minh chỉ vài năm sau khi dập đầu sám hối Đại tăng vì tuyên truyền và lừa đảo Phật tử về oan hồn báo oán, chỉ có thể gọi là lật lọng trắng trợn. Ông Minh giải thích về nguyên nhân bệnh ung thư :

- Oan gia trái chủ xâm nhập vào tế bào, khuếch trương lên làm căn cứ địa, biến thành ác tính chống lại chính cơ thể mình. Tại sao có tế bào kỳ lạ đến thế ? Dứt khoát phải có yếu tố tâm linh trong này. Các bệnh ác như bệnh ung thư chẳng hạn, phải có đến 95% là có yếu tố tâm linh trong đó. Rất nhiều trường hợp bị bệnh khi thỉnh oan gia trái chủ ra thì họ nói rất rõ là họ tác động vào cơ thể chúng ta như thế. Nếu giải được oán kết, chuyển hóa được nghiệp rồi thì lúc ấy chữa bệnh, uống thuốc mới tốt được. Có oan gia trái chủ nói rõ luôn là họ che bệnh luôn, không cho nhìn thấy bệnh, bác sĩ khám cũng không nhìn thấy bệnh. Pháp của nhà Phật trừ được ma tà, ma tà quỷ ám là có thật và rất nhiều nhưng truyền thông không nói lên.

Đỉnh điểm của sự để não đi xa này là sư Minh kết luận những người dân nạn nhân của nạn đói năm 1945 tại miền Bắc Việt Nam cũng chính là do họ từng sống độc ác vào các kiếp trước.

Ngay cả cơn bão và mưa lũ năm làm chết 17 người ở Quảng Ninh năm 2018 cũng được sư Minh vu cho "nghiệp" của dân Quảng Ninh và kể công : "Ngay khi mưa bão là lãnh đạo địa phương đã đến tìm và nhờ thầy giúp đỡ. Đáng lẽ chết 127 người nhưng thầy xin cho nên mới được như thế".

- Thầy đi Ấn Độ thấy dân Ấn đi xe rất liều nhưng họ rất ít bị tai nạn, dù đường sá rất kém, xe rất tồi. Còn dân mình tai nạn lia chia, chứng tỏ dân mình nghiệp sát rất lớn. Ví dụ kiếp trước mình bỏ đói người ta, cướp thực phẩm hay đốt cháy thực phẩm của người ta thì kiếp sau mình sẽ bị chết đói. Dân mình bị nạn đói năm Ất Dậu 1945 là phải có nghiệp đấy. Mình thì mình nói do chiến tranh các thứ nhưng thực sự là có nghiệp đấy chứ thực sự không phải tự nhiên mà chết thế đâu.

Xúc phạm đến mức liều lĩnh như vậy nhưng lần này, sư Thích Trúc Thái Minh không hề bị ai cảnh cáo hay nhắc nhở cả.

Nguyễn Đại La

Nguồn : VOA, 25/06/2023

Tham khảo :

https://dantri.com.vn/xa-hoi/benh-vien-ma-chuc-trieu-usd-giua-long-tp-ha-long-20220622083653268.htm

https://infodoanhnghiep.com/thong-tin/Chi-Nhanh-Cong-Ty-TNHH-Benh-Vien-Quoc-Te-Ha-Long-Phong-Kham-Da-Khoa-Tu-Nhan-Cam-Pha-97499-002.html

https://vnexpress.net/dai-duc-thich-truc-thai-minh-xin-loi-phat-tu-ca-nuoc-3902085.html

https://tuoitre.vn/tru-tri-chua-ba-vang-xin-loi-nguyen-sam-hoi.-49-ngay-2019032920322748.htm

https://tienphong.vn/vu-chua-ba-vang-chi-gai-va-chong-cu-ba-pham-thi-yen-noi-gi-post1099365.tpo

https://www.saostar.vn/sac-mau-cuoc-song/tru-tri-chua-ba-vang-ly-giai-con-bao-khien-17-nguoi-chet-o-quang-ninh-la-do-nghiep-cua-nguoi-dan-quang-ninh-4817565.html

https://laodong.vn/xa-hoi/chu-doanh-nghiep-ba-vang-huy-dong-tien-xay-chua-o-quang-nam-la-ai-665593.ldo

https://laodong.vn/xa-hoi/chu-doanh-nghiep-ba-vang-huy-dong-tien-xay-chua-o-quang-nam-la-ai-665593.ldo

https://lifestyle.zingnews.vn/video-tru-tri-ba-vang-quang-ninh-gap-mua-bao-la-nghiep-cua-dan-post928084.html

https://vietnamnet.vn/be-boi-chua-ba-vang-nhung-chuyen-dau-long-515772.html

http://daidoanket.vn/con-mot-chua-ba-vang-lien-quan-den-su-thich-truc-thai-minh-khoi-cong-da-lau-nhung-chua-xay-433191.html

https://nguoihanoi.com.vn/dai-duc-thich-truc-thai-minh-sau-song-gio-phat-tu-va-nhan-dan-biet-ve-chua-nhieu-hon-7395.html

https://vietnamnet.vn/be-boi-chua-ba-vang-nhung-chuyen-dau-long-515772.html

*************************

Trụ trì chùa Ba Vàng tái xuất thỉnh vong giải nghiệp ?

Nguyễn Đại La, RFA, 25/06/2023

Trong các đêm liên tục từ 02/6 đến 4/6/2023 nhằm 15/4, 16/4 và 17/6 Quý Mão, lần đầu tiên công chúng chứng kiến một đại lễ Phật đản được tổ chức rầm rộ, nhiều công sức, tiền bạc và thu hút đông người tham gia đến vậy tại cả hai nơi rất xa nhau : chùa Ba Vàng (Quảng Ninh) và huyện Minh Hóa (Quảng Bình).

batma6

Đại đức Thích Trúc Thái Minh và những người dự lễ tại trụ sở Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, huyện Minh Hóa trước khi vào chương trình Đại lễ - Chùa Ba Vàng

Trang web Chùa Ba Vàng cho biết trong hai ngày tổ chức đại lễ Phật đản tại chùa này đã có 70.000 người dân và Phật tử trong và ngoài nước, 200 giáo phẩm, các quan chức ngoại giao và Chính phủ từ cấp thứ trưởng trở lên của 13 nước trên thế giới cùng tham gia.

Đại lễ đánh dấu ngày trở lại của sư Thích Trúc Thái Minh

Quang cảnh buổi lễ đón mừng cùng đêm rước xe hoa quả thật chưa từng thấy trước đó. Dòng người ăn mặc hết sức rực rỡ với đủ loại trang phục của nhiều dân tộc và nhiều nước chen chúc kín mít mặt đường các con đường quanh chùa và thị xã Uông Bí gần như không còn kẽ hở. Vô vàn đèn màu lung linh, hàng hàng tượng Phật lấp lánh theo từng khối người được tổ chức bài bản chặt chẽ diễu hành trên các con đường, biển hoa và cờ Phật sắc màu với âm nhạc tưng bừng náo nức, đoàn người múa nhảy ca hát… Đây có lẽ là lần đầu tiên ngày lễ của một tôn giáo được tổ chức rộng rãi, quy mô, đông người tham gia đến như thế trong cả cơ sở thờ tự lẫn ngoài đường phố.

Trong hai ngày 3/6 và 4/6, đại lễ diễn ra tại huyện Minh Hóa cũng với quy mô khủng khiếp như vậy. Biển người hò reo kéo đi tràn đường phố theo đội hình lớp lang thứ tự, hô gọi chào mừng Đức Phật đản sinh và tiếng reo yeah kéo dài cuối câu. Đây không phải là ngôn ngữ và thói quen của người Việt, chứng tỏ những người tham gia lễ hội đã được tổ chức tập luyện vô cùng kỹ càng.

Minh Hóa là một huyện miền núi miền Trung nằm ven đường Trường Sơn, núi rừng bao bọc, vắng vẻ và nghèo nàn, người dân chủ yếu sống bằng ruộng rẫy. Nhưng ruộng rẫy cũng bạc màu và xơ xác, mỗi năm đều lũ lụt, nhà và ruộng trong thung lũng đều chìm sâu dưới nước. Nhắc đến Minh Hóa, hầu hết người đọc chỉ liên hệ nó với "đặc sản" "Nhà chống lũ" giúp dân Minh Hóa sống chung với lụt hàng năm.

Một đại lễ Phật giáo được tổ chức như ngày hội đường phố cho đông đảo tầng lớp nhân dân, có mặt của các quan chức và giáo phẩm Phật giáo từ nhiều nước đến như vậy, là sự kiện chưa từng có ở chốn rừng núi hẻo lánh này.

Cả hai sự kiện được truyền hình quốc gia đưa tin trong bản tin thời sự 7g tối, giờ vàng thời sự.

Địa danh chùa Ba Vàng và Quảng Bình khiến người quan tâm liên tưởng ngay đến bộ óc, bàn tay tổ chức và cái tài khéo gọi dòng tiền của một cái tên từng nổi bần bật trên báo chí và truyền thông cách đây bốn năm : Đại đức Thích Trúc Thái Minh.

Quả vậy, người ta nhìn thấy sư Thích Trúc Thái Minh trong hàng giáo phẩm diễu hành đi đầu đoàn người trên phố. Vẫn với sự khéo léo vốn có và ngày càng tăng, sư Minh đi ở hàng thứ hai, thứ ba, không chiếm toàn bộ sự chú ý và tò mò của người xem. Nhưng xâu chuỗi những sự kiện ở chùa Ba Vàng trước kia và hiện nay thì người quan sát có thể hiểu không sai, toàn bộ đại lễ hội Phật giáo phô trương và rầm rộ đến mức này chắc hẳn là sản phẩm của chính ông.

Đây có phải là món quà cho các vị lãnh đạo Phật giáo, đặc biệt ở Quảng Bình, để đánh dấu ngày tái xuất của sư Thích Trúc Thái Minh ?

batma7

Lễ Phật đản tại huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình vào ngày 3/6/2023. Chùa Ba Vàng

Nam mô một bồ đầy tiền

Sở dĩ tôi quan tâm đến cái tên Thích Trúc Thái Minh là vì chỉ mới bốn năm trước, ông đột nhiên được gần như cả nước biết đến sau loạt bài điều tra trên báo Lao Động.

Phóng viên của tờ báo này - vào vai một Phật tử của chùa Ba Vàng nơi sư Thái Minh là trụ trì - đi thỉnh oan gia trái chủ để chữa bệnh.

Theo báo Lao Động, chùa Ba Vàng có hẳn một khu nhà lớn dùng để thỉnh giải nghiệp.

Trong tất cả các pháp thoại của mình, sư Thích Trúc Thái Minh cùng những đồng sự tại chùa luôn luôn nhắc đi nhắc lại, nhấn mạnh và khẳng định rằng con người hễ gặp bất cứ trái ý nào trong cuộc sống thì đều do nghiệp báo, quả ác từ vô vàn kiếp trước để lại. Nghiệp báo là những hành động xấu, ác gây ra cho chúng sinh khác bao gồm cả người và mọi sinh vật. Những nghiệp ác chất chồng qua các kiếp, có thể đến hàng trăm ngàn, hàng triệu kiếp trước, tạo thành món nợ. Đến kiếp này những vong linh đã bị hành hạ hoặc gây chuyện xấu đó quay trở lại báo oán và đòi nợ nơi thân chủ, nên được gọi là trái chủ.

Ví dụ (theo sư Minh), người bị đau ở chân tay là do kiếp trước từng bẻ gãy chân tay của sinh linh khác. Người bị nhiều bệnh tật nặng là do kiếp trước từng sát sinh. Người bị mất vợ mất chồng là do kiếp trước từng phá nhà của chúng sinh, như phá tổ chim, phá tổ kiến, v.v.

Sư Thái Minh dẫn rất nhiều điển cố được cho là viết rõ trong Kinh Phật để chứng minh và liên tục khẳng định lập luận này.

Cách giải quyết tận gốc vấn đề, vẫn theo sư Minh, là thực hành việc thiện. Trong đó quan trọng nhất là tạo phước cúng dường cho chùa Ba Vàng và tu tập các khóa ở chùa, để các tăng trong chùa hồi hướng công đức cho người bị nghiệp báo và hóa giải oán kết do các oan hồn báo oán. Từ đó người bệnh sẽ tìm được thầy thuốc chữa khỏi, người có bất hòa với mẹ chồng thì được hòa thuận, người xích mích với đồng nghiệp, không tìm được nơi làm tốt sẽ được giải trừ hết tất cả các điều trái ý để đạt được viên mãn, thỏa nguyện v.v. Việc làm này gọi là thỉnh oan gia trái chủ.

Người có nhu cầu thỉnh oan gia trái chủ tại chùa Ba Vàng buộc phải trải qua nhiều bước ngặt nghèo, gồm trình chứng minh nhân dân thật, xem đi xem lại các clip nói về oan hồn báo oán, ký hàng loạt cam kết và buộc để lại toàn bộ thiết bị điện tử có khả năng ghi âm, ghi hình, không được cầm bất cứ thiết bị nào trước khi vào phòng thỉnh oan gia trái chủ.

Các tăng lữ của chùa sẽ mời gọi oan gia trái chủ lên để họ kể rõ người hiện tại từng làm các nghiệp ác như thế nào, sau đó oan hồn sẽ tổng hợp tất cả các món nợ lại và tính sổ. Ví dụ một phụ nữ bị đau xương khớp được oan hồn báo là do bốn kiếp trước hay giết mèo nên kiếp này bị vong mèo báo oán khiến đau nhức toàn thân. Một người buôn bán ế ẩm là do 12 kiếp trước phá việc buôn bán của người khác hoặc giết sinh linh nên kiếp này bị báo oán.v.v

Tuy nhiên, giải pháp cho tất cả vô vàn trái ý, bệnh tật, đau khổ… của tất cả mọi người đến chùa Ba Vàng đều quy về một mối : Thứ nhất, phải cúng dường cho chùa. Số tiền, theo sư Thái Minh "chính là số nợ của người có bệnh tật hoặc có điều trái ý, do các oan gia trái chủ hiện về đòi nợ". Còn chư tăng chỉ ăn ngày một bữa, mặc ba tấm áo, ngủ trong rừng, nên không lây dính gì đến số tiền này cả.

Thứ hai, nếu không có tiền để cúng vào chùa thì người đó phải làm công quả cho chùa trong vài tháng.

Cách đây bốn năm, theo điều tra của báo Lao động, tiền mà các oan hồn đòi con nợ cúng cho chùa Ba Vàng phổ biến vào khoảng 7-15 triệu đồng/người.

Chị Nguyễn Thị L. ở Thành phố Cẩm Phả từng kể với báo chí : các vong hồn "oan gia trái chủ" thông qua miệng sư tăng trong chùa "tố cáo" rằng họ tác động làm cho chị hay bị rét run vào buổi sáng sớm. Vẫn qua miệng sư tăng, các vong hồn này cho biết kiếp trước họ là con chuột trong gia đình chị. Nhưng gia đình keo kiệt, bỏn sẻn (ý là keo kiệt đến nỗi không cho chuột ăn hay sao-Người viết), còn chị thì cách đây sáu kiếp chính là thầy phù thủy luôn yểm bùa chú. Có những vong hồn là nạn nhân của chị. Họ nói có 38 hương linh (vong hồn) vào pháp hội cầu siêu tác động vào chị L, đòi chị chọn một trong hai cách : nếu thường xuyên lên chùa thì cúng dường 32 triệu đồng ; nếu không thường xuyên lên chùa thì cúng đến… 700 triệu đồng. Nếu không cúng dường, chị sẽ bị điên. Chùa cũng yêu cầu chị phải tu tập tại chùa một năm, chỉ cho phép về nhà 3 ngày để chuyển nghiệp. 

Vẫn theo thống kê sơ bộ của báo Lao Động cách đây bốn năm, mỗi tháng "dịch vụ" thỉnh vong giải nghiệp tại chùa Ba Vàng thu hút khoảng 4.000-5.000 người. Do mỗi lần chỉ được trình bày với vong đúng một vấn đề nên không ít người phải đi lại nhiều lần.

Tính ra, chỉ riêng thỉnh vong giải nghiệp, mỗi năm chùa Ba Vàng thu hàng trăm tỷ đồng, đồng thời có nguồn lao động không công vô cùng hùng hậu và bất tận nối tiếp nhau làm lụng tất cả các việc trong chùa.

Mô Phật, một công đôi việc, nhà chùa thật hoan hỉ hoan hỉ !

Nữ thánh chùa Ba Vàng : "Các anh hùng chiến sĩ đi đánh giặc là do kiếp trước mắc vào nghiệp sát sinh"

Một nữ nhân vật đặc biệt của chùa Ba Vàng khi thuyết giảng về nhân quả đã nói rằng cô gái nữ sinh bị hãm hiếp và giết chết khi đi giao gà cho mẹ chính là do các kiếp trước cô đã sát hại chúng sinh dã man và xâm hại thân thể, trinh tiết của người khác nên kiếp này phải chịu quả báo như vậy.

Sự việc như đám cháy rừng mùa khô được tưới thêm dầu.

Tiếp tục đà phán về nghiệp báo, "nữ thánh" nói trên bạo mồm phán luôn rằng các anh hùng chiến sĩ đi đánh giặc là do trong tiền kiếp cũng mắc vào nghiệp sát sinh nên bây giờ phải sinh ra thời chiến tranh loạn lạc (và phải đi chiến đấu-người viết).

- Nhưng thời sát sinh đó họ cũng làm ra nhiều phước báu nên tuy vẫn phải trả nghiệp nhưng hết kiếp này họ sẽ được chuyển nghiệp vì trong tâm họ làm đúng với pháp thiện là đang chống lại những người đến xâm lược, nên chỉ chịu quả báo nhẹ thôi (trích clip giảng pháp).

Nghe đoạn này tôi thực sự xoắn hết não. Chịu quả báo nhẹ mà đã là liệt sĩ, tức mất mạng rồi. Vậy nếu chịu quả báo nặng thì phải hy sinh đến mấy lần "thánh bà" mới chịu ? Mà bậc chân tu trí tuệ sao diễn đạt loằng ngoằng rối rắm tối mù, lúng ba lúng búng như ngậm hột thị vậy ?

Sau khi các clip này viral, chùa Ba Vàng lập tức trở thành trung tâm điểm bàn luận của cả người có tín ngưỡng lẫn người không có tín ngưỡng.

Hầu hết đều phẫn nộ.

Tháng 3/2019, Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam họp, kết luận các nghi lễ thỉnh vong, cúng oan gia trái chủ và một số hình thức tu tập khác tại chùa là không phù hợp với giáo lý nhà Phật và các quy định khác của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Họ ra kết luận yêu cầu trụ trì Thích Trúc Thái Minh chấm dứt tất cả các hình thức tu tập và nghi lễ này.

Sư Thái Minh tuy vẫn giữ được chức vụ trụ trì chùa Ba Vàng nhưng bị kỷ luật cách chức tất cả các chức vụ trong Giáo hội, gồm ủy viên dự khuyết Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam ; phó Ban thông tin truyền thông Giáo hội Phật giáo Việt Nam ; phó ban thường trực Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Lai Châu ; ủy viên thường trực Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Quảng Ninh.

Sư Minh thừa nhận sự việc tại chùa Ba Vàng đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới Phật giáo, đồng thời xin lỗi nhân dân, tăng ni, phật tử, tín đồ trên cả nước. Ông và tăng ni chùa Ba Vàng cũng phát nguyện sám hối Đại tăng 49 ngày với lãnh đạo Giáo hội, đại diện cho tăng ni cả nước.

Sám hối Đại tăng là hình thức kỷ luật rất nặng trong nội bộ Phật giáo, chỉ sau việc bị trục xuất ra khỏi Giáo hội.

Nhưng chỉ hơn ba năm sau, sư Thích Trúc Thái Minh đã có cú lội ngược dòng ngỡ ngàng.

Tháng 8/2022, vẫn đang trụ trì chùa Ba Vàng, sư Thái Minh "vùng dậy sáng lòa", được bổ nhiệm Phó trưởng Ban trị sự kiêm Trưởng Ban Phật giáo quốc tế tỉnh Quảng Bình.

Đến tháng ba năm nay, sư Thái Minh được bổ nhiệm chức vụ đã mất trước đó là Phó Trưởng ban phụ trách công tác bảo trợ, Ban thông tin truyền thông Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Dư luận một lần nữa sửng sốt.

Vì, trong suốt thời gian sư Minh và tăng ni chùa Ba Vàng tỏ ra vô cùng ăn năn và tự nguyện sám hối Đại tăng, thì mọi chiếc loa trong chùa vẫn đều đặn ra rả phát các clip, các bài pháp thoại về thỉnh vong, giải nghiệp, cúng oan gia trái chủ của sư Minh cũng như người phụ nữ đặc biệt đã nói ở trên.

Có lẽ khi sư Minh sám hối Đại tăng xong, đã công khai xin lỗi Phật tử và người dân về hành vi trái Phật pháp trên, cũng như đã trải qua mấy năm chịu kỷ luật cách mọi chức vụ trong giáo hội, thì đã thật sự ăn năn và sửa mình chăng ? Cho nên mới được phục hồi lại dần dần tất cả các chức vụ đã bị tước đi trước kia, và còn thêm chức mới ở tỉnh xa Quảng Bình nữa ?

Nguyễn Đại La

Nguồn : VOA, 25/06/2023

Tham khảo

https://www.facebook.com/watch/?v=2288278168161201 https://www.youtube.com/watch?v=2z4i0-VPMtA

https://www.youtube.com/shorts/Zn160o6JSsM

https://chuabavang.com/chu-tang-chua-ba-vang-nhan-tien-dung-hay-sai-d5714.html

https://www.youtube.com/watch?v=aoJv0eABNO8

https://www.youtube.com/shorts/Zn160o6JSsM

https://www.youtube.com/watch?v=0QRw_gdj7rY

Additional Info

  • Author Nguyễn Đại La
Published in Diễn đàn

Đồng chí Thích Ba Vàng thuộc chi bộ nào ?

Gió Bấc, RFA, 21/08/2022

Trận cúng vong năm 2019, đồng chí Nhặt Tiền ghi điểm làm đồng chí Ba Vàng mất chức, nhưng lần tái đấu này e rằng Nhặt Tiền thua trắng mắt. Ngay Hòa thượng cấp trên Nhặt Tiền còn bối rối không dám nói Ba Vàng thuộc chi bộ nào thì tầm vóc trí tuệ khôn hơn bò của Nhặt Tiền làm sao thắng được !

bavang1

Cơ ngơi chùa Ba Vàng ở Quảng Ninh - Ảnh minh họa

Cuộc chiến Nam Nhặt Tiền thọc gậy Bắc Ba Vàng tuần qua gây bão trên mạng internet lấn lướt cả những vụ nổ bí hiểm trên đảo Crimea và những sân bay, kho đạn nằm trên đất Nga. Công phu kinh tài tâm linh của hai sự đều thâm hậu. Nhặt Tiền có doanh nghiệp Đạo Phật Ngày Nay thì Thích Ba Vàng cũng có công ty Ba Vàng với dự án du lịch tâm linh ở Quảng Nam.

Trong đại dịch, Ba Vàng dám liều mạng chơi lớntổ chức tụ tập cả ngàn người cúng hóa giải nạn dịch cúm virus corona không xin phép Nhà nước địa phương (1).

Thích Nhặt Tiền tổ chức cho Tăng đoàn chùa Giác Ngộ làm lễ cầu nguyện cho vaccine Nanocovax được lưu hành (2).

May mà Phật tổ Như lai không chứng đắc, nếu không chưa biết giờ này dân số Việt Nam còn lại bao nhiêu.

Chiêu thức khác nhau nhưng cùng pháp môn, chung tổ đường gom nhặt nên biết nhau quá rõ, hiểu thấu tận tâm can. Ấy vậy mà năm 2019, Ba Vàng đang triển khai dự án cúng dường giải oan gia trái chung ngon trớn kiếm hàng tỷ đồng mỗi ngày, bị báo chí phanh phui, Nhặt Tiền cũng đã một lần chọc gậy bánh xe. Ba Vàng mới thu vài trăm tỷ đã phải ngưng, còn bị lột lon cách chức, chịu quê độ ngồi sám hối 49 ngày.

Lần này nhân Vu Lan, Ba Vàng mở hội doanh thu cúng dường sớt bát lấy tiền, cũng bị Nhặt Tiền đâm chọt là làm "không phù hợp".

Tuy dưới cơ về phẩm trật, lại vừa mới bị lột lon chức sắc cấp trung ương, địa phương đủ cở, Ba Vàng nhất định không chịu thua. Ba Vàng lên facebook nêu đích danh Nhặt Tiền, vạch áo cho giang hồ mạng xem lưng nào là các chùa nơi Nhặt Tiền làm Phó Trưởng ban Ban Trị sự, "cũng tổ chức khất thực với sự tham gia của nhiều chư Tôn đức Tăng Ni từ Trung ương Giáo hội đến Ban Trị sự các cấp, trực tiếp nhận tiềп cúng dường của Phật tử như chùa Chăntarăngsây (quận 3) ngày 12/2/2013, tổ đình Vạn Thọ (quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh) ngày 11/8/2013, chùa Kiều Đàm (Thành phố Thủ Đức) ngày 12/6/2022, chùa Bửu Quang (Thành phố Thủ Đức) nhân đại lễ Phật đản PL.2566 - DL.2022… (3).

Phong cách khẩu chiến từ bi hỉ xả của các đồng chí sư quốc doanh quả thật hấp dẫn thu hút chúng sinh vào cuộc.

Nhà giáo Chu Mộng Long đã sáng tác mẫu biếm luận theo phong cách kiếm hiệp của Kim Dung với tựa đề "Đại chiến cao tăng" về cuộc quyết đấu của hai cao tăng Thích Nhặt Tiền và Thích Thái Vong đặc tả bản chất của cuộc khẩu chiến ganh ăn tức ở mà nguyên nhân khởi đầu như sau :

"Chuẩn bị cho Đại lễ Vu Lan, triều đình ra mật chỉ, giao phó cho Giáo hội Thiếu Lâm thu gom tiền vàng trong dân. Tiền vàng trong dân còn rất nhiều, mặc dù đại dịch cuốn phăng 30 ngàn người về Âm phủ. Triều đình bất lực khi đã để sai nha nhổ lông vịt nhổ cả nắm gây hiệu ứng kêu la. Thiếu Lâm tự nhận trách nhiệm nhổ cách nào vịt không kêu mà còn thích nhổ lông.

Giáo hội sai Thích Nhặt Tiền vào nam trụ trì Nam Thiếu Lâm. Lại sai Thích Thái Vong tiếp tục củng cố Bắc Thiếu Lâm. Cả hai đều là cao tăng danh bất hư truyền. Người đời truyền tụng : Bắc Thái Vong, Nam Nhặt Tiền. Mỗi bên hùng cứ một phương.

Thích Thái Vong bắc loa kêu gọi dân : "Càng nghèo càng phải cúng dường thì mới hết nghèo". Thích Nhặt Tiền cũng bắc loa kêu gọi đại gia : "Càng làm ăn bất chính càng phải cúng dường mới thành chánh quả"… (4).

Kèm theo bài viết còn có cả ảnh minh họa do cộng đồng mạng chế tác.

Cuộc đấu càng sôi nổi, trung ương giáo hội quốc doanh sau 10 ngày im hơi lặng tiếng không còn ngậm miệng ăn tiền mãi được mà phải ú ớ chấn chỉnh cho ra vẻ nghiêm trang

Ngày 19/8, báo chí nhà nước đồng loạt đưa tin : Hòa thượng Thích Gia Quang, Phó Chủ tịch Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Viện trưởng Phân viện nghiên cứu Phật học Việt Nam tại Hà Nội cho biết cúng dường ở chùa Ba Vàng những ngày qua là chưa chuẩn.

Hòa thượng Thích Gia Quang lý giải rất lủng củng là "Phật giáo ở Việt Nam gần như không có việc khất thực này, việc khất thực thường có ở dòng Phật giáo Nam Tông. Ngày xưa có vấn nạn giả sư thì họ mới đi khất thực. Còn việc cúng dường, thường thì ai biết tới chùa thì họ mang đến tùy tâm thôi, chứ không đi khất thực rồi nhận tiền. Xã hội bây giờ nhiều việc mà thực ra Đức Phật của chúng ta đã dự đoán được trước. Đó là vấn nạn tín ngưỡng bị biến dạng, biến tướng".

Không bàn đến việc lôm cơm phật pháp của các đồng chí sư quốc doanh. Vấn đề quan trọng là đồng chí Hòa thượng Thích Gia Quang đã tiết lột một bí mật tày trời "chùa Ba Vàng không thuộc quản lý của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, cũng không tham gia vào Ban trị sự Giáo hội Phật giáo địa phương mà trực tiếp chính quyền địa phương quản lý".

Khi Báo VietnamNet đặt vấn đề : Một ngôi chùa không thuộc quản lý của tổ chức tôn giáo nào có không đúng với Hiến chương của Giáo hội ? Hòa thượng Thích Gia Quang giải thích rõ thêm : "Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam quy định, trước năm 1975 tất cả các chùa đều thuộc Giáo hội, sau năm 1975 thì cũng chỉ khuyến khích các chùa tham gia vào Giáo hội, gia nhập vào danh bạ của Giáo hội. Tuy nhiên, việc không vào các tổ chức tôn giáo như của Ba Vàng thì rất hãn hữu, hàng nghìn chùa mới có một chùa như thế, ở Việt Nam rất ít" (5).

Đây là điều cực kỳ bí mật bất ngờ vì bấy lâu nay, ngay cổng tam quan đồ sộ của chùa Ba Vàng đã ghi rõ dòng chữ "Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh- Chùa Ba Vàng" (ảnh) lẽ nào đây là bảng giả hoặc ghi sai.

bavang0

Ai cũng biết rằng dưới chính quyền nhà sản thì mọi tôn giáo chỉ có thể hoạt động với vai trò một tổ chức ngoại vi của Đảng. Về danh nghĩa là Giáo hội quốc doanh trực thuộc Mặt trận Tổ quốc, về mặt nhà nước có Ban Tôn giáo quản lý nhưng quyền lực giám sát trực tiếp là cơ quan an ninh tôn giáo. Những chùa không gia nhập giáo hội sẽ bị san bằng như chùa Liên Trì ở Thủ Thiêm, thầy Thích Không Tánh và bao Hòa thượng, Thượng tọa, cao tăng của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất không gia nhập giáo hội quốc doanh đã bị tù đày như Hòa thượng Huyền Quang, Quảng Độ. Gần đây nhất là cụ ông Lê Tùng Vân chỉ vì tu tại gia, không đăng ký với giáo hội quốc doanh mà bị hàm oan, bị kết án oan về những nguyên cớ không đâu.

Nếu không thuộc giáo hội quốc doanh, không có sự lãnh đạo tài tình của Đảng, Ba Vàng không có cục đất chọi chim chứ đừng mơ chuyện đạt nhiều kỷ lục về chùa to nhà rộng và tự tung tự tác vẻ chuyện thu tiền.

Hơn thế nữa, ngược dòng thời gian, tháng 7/2019, sau vụ kỷ luật Đại đức Thích Trúc Thái Minh, với tư cách là Phó Chủ tịch Hội đồng Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trưởng Ban trị sự Phật giáo tỉnh Quảng Ninh, Thượng tọa Thích Thanh Quyết cho biết : "Tại cuộc họp của Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, tôi đã báo cáo về tình hình và nhận trách nhiệm trước Giáo hội về sự việc chùa Ba Vàng, Quảng Ninh. Tuy nhiên, trước đó năm 2015, Ban Trị sự Phật giáo Quảng Ninh đã nhiều lần nhắc nhở, có công văn gửi lên Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, các cơ quan quản lý nhà nước. Tôi nhận thấy, lẽ ra phải xử lý kiên quyết hơn nữa để các cơ quan vào cuộc, nhưng để xảy ra sự việc này, tôi xin chịu trách nhiệm"… (6).

Như vậy, phải chăng thời điểm 2019, chùa Ba Vàng vẫn còn thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam và chịu sự quản lý trực tiếp của Giáo hội tỉnh Quảng Ninh và đến nay lại ly khai ?

Một tình tiết khác cho thấy câu nói "chùa Ba Vàng không thuộc quản lý của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, cũng không tham gia vào Ban trị sự Giáo hội Phật giáo địa phương mà trực tiếp chính quyền địa phương quản lý" không hợp lý. Năm 2019, báo chí nhà nước từng đang ý kiến ông ông Nguyễn Mạnh Hà, Chủ tịch UBND Thành phố Uông Bí cho biết : "Chùa Ba Vàng xây dựng hoành tráng với kinh phí bao nhiêu, họ không báo cáo chính quyền địa phương. Toàn bộ việc sử dụng đất, xây dựng… theo quy định, chính quyền địa phương không thu khoản thuế nào. Nguồn tiền đổ vào chùa gồm các khoản như : công đức, cúng dường, giọt dầu… những điều này chỉ những người trong chùa mới biết"... (7).

Công trình chùa Ba Vàng hoành tráng rộng hàng chục ha, kinh phí xây dựng hàng trăm tỉ, nguồn thu hàng năm hàng trăm tỷ. Nếu chùa Ba Vàng do chính quyền địa phương quản lý thì tại sao Chủ tịch Thành phố Uông Bí lại không nắm được những chuyện rất cơ bản này ?

Bên cạnh những bí hiểm bất ngờ đó lại nổi lên vấn đề rất rõ là uy lực, quyền lực của Thích Thái Trúc Minh và chùa Ba Vàng rất lớn mà tầm mức vượt lên ngoài chức trách của giáo hội quốc doanh.

Con đường tu tập và thăng tiến của đồng chí trụ trì chùa Ba Vàng rất thần tốc. Mới quy y năm 2007, chỉ một thời gian ngắn đã ghế trên ngồi tót sỗ sàng cùng lúc nhiều chức vụ từ trung ương đến nhiều địa phương khác nhau, những chức vụ mà rất rất nhiều vị cao tăng tu tập cả đời vẫn chưa có được. 

Cũng trong thời điểm ấy, Thượng tọa Thích Thanh Quyết chia sẻ với báo chí một bí mật khác về việc bổ nhiệm chức trụ trì cho Đại đức Thái Minh là theo diện ưu tiên. Bởi, Quảng Ninh là tỉnh có vùng biển, vùng núi, hải đảo, theo đó, Giáo hội Phật giáo Việt Nam rất quan tâm tạo điều kiện cho các chức sắc vùng biên giới, hải đảo. Một số điểm ưu tiên, ví dụ : một vị chức sắc đứng đầu tỉnh có vùng biên giới, vùng sâu, vùng xa lên Thượng tọa sẽ được lên chức trước 3 năm, kể cả những đàn giới, không yêu cầu về số lượng…" (8).

Người tu mà được xét phong chức ưu tiên theo địa bàn biên giới hải đảo nghe sao có mùi chính trị giống như bố trí cán bộ quân đội công an. Cộng đồng mạng có thông tin cho rằng đồng chí Thích Ba Vàng mang hàm đại tá.

Ngay trong vụ cúng vong đình đám năm 2019, cách xử lý kỷ luật cũng rất bất thường. Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam ra nghị quyết nhất trí bãi nhiệm tất cả chức vụ của đại đức Thích Trúc Thái Minh trong Giáo hội, bao gồm : Ủy viên dự khuyết Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam ; Phó ban Thông tin truyền thông của Giáo hội Phật giáo Việt Nam ; Phó ban thường trực Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Lai Châu ; Ủy viên thường trực Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Quảng Ninh.

Tuy nhiên, Thích Trúc Thái Minh vẫn đảm nhiệm chức vụ trụ trì chùa Ba Vàng ở Quảng Ninh. Chức vụ để xẩy ra sai phạm ở ngay nơi diễn ra sai phạm vẫn được giữ nguyên.

Ngay lần này cũng vậy. Việc đồng chí Ba Vàng tu theo pháp môn Thiền Lâm Yên Tử của Đại Thừa mà lại hành lễ khất thực theo Nam Tông đã là sai pháp, khất thực mà thu tiền lại càng sai. Cái sai này là tiếp nối của việc cúng vong thu tiền ba năm trước, nói nghiêm túc là tái phạm.

Hành vi ấy gây bão dư luận nhơ nhuốc cho giáo hội quốc doanh. Nếu nghiêm túc theo pháp giới thì giáo hội phải cho Sư Ba Vàng làm lễ Tần Suất hoàn tục về đời phát triển sự nghiệp kinh doanh. Ấy vậy mà ngay cả tiến sĩ Nhặt Tiền cũng chỉ mới dám khều nhẹ là "làm không đúng". Đồng chí Phó Chủ tịch Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng chỉ dám nói là chưa chuẩn.  

Về mặt xã hội đây là vụ lợi dụng tôn giáo trục lợi đình đám tầm cở quốc gia nhưng ông Phạm Tuấn Đạt - chủ tịch UBND Thành phố Uông Bí chỉ cử đoàn kiểm tra của Thành phố đã kiểm tra hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng tại chùa Ba Vàng, đi kiểm tra thường niên. Đoàn đề nghị chùa Ba Vàng rút kinh nghiệm trong việc đưa các video lên mạng xã hội gây ảnh hưởng không tốt.

Ngoài ra, đoàn cũng đề nghị nhà chùa gỡ bỏ video về lễ sớt bát cúng dường trong ngày lễ Vu lan tổ chức ngày 7/8 (tức 10/7 âm lịch) trên mạng xã hội (9).

Rỏ là lần xáp chiến này Nhặt Tiền thua trắng mắt dù cho sai phạm lợi dụng tôn giáo để trục lợi với hơn 10.000 người của Ba Vàng là có thật chứ không phải là vụ "bắt quả tang" ấm ớ không vật chứng, nhân chứng như vụ Tịnh Thất Bồng Lai. Lời mắng chửi kẻ vạch của Thích Ba Vàng nặng gấp triệu lần mấy chữ như con bò.

Không phải công an Uông Bí, Quảng Ninh non nghiệp vụ, hoặc kém nhiệt tình hơn công an Đức Hòa.

Vấn đề là đồng chí Nhặt Tiền tuổi hạ tuy cao nhưng tuổi đảng chưa chắc đã bằng, chức đạo đã lên đến Thượng tọa nhưng cấp hàm chưa chắc bằng đại tá Ba Vàng. Cùng làm nhiệm vụ lừa đám dân mê tín gom tiền nhưng sứ mạng đồng chí Ba Vàng quan trọng hơn, trấn nhậm biên giới hải đảo.

Ngay đồng chí Phó Chủ tịch Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam còn ú ớ không biết Ba Vàng trực thuộc chi bộ nào. Chủ tịch Thành phố Uông Bí khóa trước còn không biết thùng tiền Ba Vàng lớn nhỏ. Chủ tịch Thành phố Uông Bí đương nhiệm chỉ dám thỏ thẻ yêu cầu rút kinh nghiệm. Chứng tỏ uy thế Ba Vàng là rất lớn, nhiệm vụ Ba Vàng là quan trọng. Cấp trên chống lưng cho Ba Vàng càng quan trọng hơn. Nhặt Tiền càng cố đấm ăn xôi càng dễ bị quy tội làm mất đoàn kết nội bộ. Với Đảng, mất đoàn kết nội bộ rất dễ vô lò !

Gió Bấc

Nguồn : RFA, 21/08/2022

1. https://zingnews.vn/chua-ba-vang-to-chuc-cung-virus-corona-chua-xin-phep...

2. http://www.vsam1040.com/vi-vn/tin-tuc/tin-viet-nam/%E2%80%98su-quoc-doan...

3. https://www.facebook.com/ThayThichTrucThaiMinh/posts/pfbid0deEFVYf83GVCe...

4. https://www.facebook.com/Chumonglong/posts/pfbid0oeTku5vcdP5UwPH4uMGQ3Qm...

5. https://lifehub.vn/giao-hoi-phat-giao-viet-nam-len-tieng-vu-cung-duong-o-chua-ba-vang-136108

6. hhttps://vnexpress.net/tru-tri-chua-ba-vang-bi-bai-nhiem-het-chuc-vu-o-gi...

7. https://www.baogiaothong.vn/nhung-su-that-bat-ngo-tu-chua-ba-vang-d41522...

8. https://vietnamnet.vn/tt-thich-thanh-quyet-toi-rat-buon-xin-nhan-trach-nhiem-vu-chua-ba-vang-516581.html

9. https://soha.vn/chua-ba-vang-go-bo-video-chu-tang-ni-nhan-tien-trong-le-vu-lan-20220816151125494.htm

**************************

Mối "tâm giao" ít ai biết giữa ông Chủ tịch nước và ông thầy "Thích Hốt Tiền" Chùa 3-Vàng


Vừa qua cộng đồng mạng dậy sóng vì hành động ông sư trụ trì Chùa Ba Vàng dùng tay vơ tiền khi người dân thiếu hiểu biết dâng cúng cho ông ta dưới dạng "cúng dường". Đấy là những người dân tội nghiệp, họ gặp khó khăn trong cuộc sống, họ bế tắc trong làm ăn hay đơn giản là lòng tham muốn hối lộ trời phật để được phật ban ơn. Ơn đâu không thấy, chỉ thấy người dân mất tiền vô ích.

bavang1

Trụ trì Chùa 3 Vàng "hốt tiền mỏi tay"

Việc kinh doanh dựa trên sự mê tín của người dân cần phải xem đó là trò lừa đảo. Nếu xem ông thầy lang "chữa bách bệnh" Võ Hoàng Yên lợi dụng sự mê tín của người dân để trục lợi là hành động vô đạo và vô pháp thì việc làm của ông thầy trụ trì Chùa Ba Vàng cũng cần phải được xem là thành phần như vậy.

Vừa qua một số trang facebook cá nhân phản đối mạnh mẽ hàng động hốt tiền của ông thầy chùa trụ trì Chùa 3 Vàng đã bị một số lực lượng giấu mặt báo cáo với facebook để những tiếng nói khai trí bị khóa. Điều này làm cho dư luận xã hội nghi ngờ đang có một lực lượng tương tự lực lượng 47 của nhà nước cộng sản chuyên báo cáo các trang facebook có tiếng nói phản biện.

Nhận xét về hiện tượng này, một số nhà phân tích giấu tên cho hay, cách chống trả lại tiếng nói công chính vạch trần nhóm thầy chùa trục lợi của ngôi chùa này đích thị là lực lượng được đào tạo bài bản. Họ nghiên cứu các điều luật của Youtube và Facebook rất kỹ để "khóa miệng" trong nhiều ngày hoặc đánh sập. Cho nên họ cho rằng, chính chính Đảng cộng sản hoặc những quan chức tầm cỡ ở Trung ương có lợi ích trong những trò kinh doanh này. Việc chỉ đạo một lực lượng phá hoại chuyên tấn công tài khoản youtube và facebook của người khác là cách hỗ trợ cho nhân vật chính hốt tiền người dân mê muội.

Có bạn đọc cho Thoibao.de một nhận xét rằng, ông thầy chùa trụ trì Chùa 3-Vàng nên được đổi tên lại thành "Thích Hốt Tiền" thì mới đúng với bản chất của ông này. Độc giả này bức xúc cho biết, người dân mê muội ít học họ cần được nói lời đạo lý của chính đạo nhà Phật và cần những lời khuyên để họ giữ đồng tiền để làm việc hữu ích hơn cho đời sống của họ thì ông thầy chùa này lại dùng những bài giảng sặc mùi mê tín để xúi họ mang tiền đến chùa để ông lùa hốt mà làm giàu. Đây là cách làm giàu bất chính cần phải loại bỏ nó khỏi xã hội văn minh. Bạn đọc ấy cho biết như thế.

Sự hậu thuẫn của lực lượng giấu mặt bị nghi là lực lượng 47 được biệt phái sang hỗ trợ cho ông thầy chùa "Thích Hốt Tiền" được củng cố khi người ta tìm hiểu biết được ông này toàn làm bạn với Ủy viên Bộ Chính Trị. Nhiều người cho rằng, không phải ông thầy chùa này quen biết rộng mà ông này thực sự là đảng viên được Đảng cử đi làm nhiệm vụ kinh doanh tâm linh cho Đảng, vì thế khi thấy việc kinh doanh khó khăn bởi dư luận thì sẽ có lực lượng giấu mặt chặn đứng những bài viết vạch trần ông thầy chùa "Thích Kinh Doanh" này. Đây chỉ là ý kiến nhận xét của nhà phân tích không phải là ý của Thoibao.de, tuy nhiên, ban biên tập Thoibao.de thấy có lý nên đưa lên cho bạn đọc tham khảo thêm. Và biết đâu đó là sự thật đang ẩn giấu bên trong Đảng cộng sản thì sao ?

Được biết, ngày 26/05/2016, tại khu vực rừng phòng hộ Phú Ninh, thôn Đại An, xã Tam Đại, huyện Phú Ninh, Công ty trách nhiêm hữu hạn Ba Vàng Quảng Nam tổ chức lễ động thổ khởi công xây dựng dự án Khu du lịch tâm linh thiền Trúc Lâm – Quảng Nam rất hoành tráng.

bavang2

Phối cảnh dự án khu du lịch tâm linh Thiền Trúc Lâm Quảng Nam - Ông Chủ tịch nước từng muốn đưa chùa 3 – Vàng về Quảng Nam

Dự án sẽ được triển khai trên diện tích 200ha nằm trong đất rừng phòng hộ với tổng kinh phí đầu tư 1.000 tỉ đồng chia làm nhiều giai đoạn. Dự tính giai đoạn 1 đầu tư trên diện tích 67ha, kinh phí đầu tư 500 tỉ đồng, dự kiến hoàn thành sau 12 tháng thi công. Tuy nhiên sau đó dự án không thực hiện.

Theo thông tin Thoibao.de nhận được của một số người thạo tin là bởi nhiều Ủy viên Bộ Chính Trị đã mâu thuẫn với ông Thủ Tướng khi đó (là ông Chủ tịch nước hiện nay) về vấn đề ăn chia nên dự án đã dừng lại. Trong các Ủy viên Bộ Chính trị, ông "Thích Hốt Tiền" đã ngã về ông Phúc nhiều hơn làm cho miếng bánh kinh doanh sự mê tín không được chia chác đồng đều nên phải đạp đổ để không ai được ăn. Đấy là thông tin chúng tôi nhận được như vậy. Không biết thực hư thế nào, cần có thêm thời gian để quan sát thì sẽ rõ hơn.

Bảo Trâm

Nguồn : Thoibao.de, 19/08/2022

*********************

Mía sâu có đốt…

Nguyễn Nam, VNTB, 19/08/2022

Chuyện của hai ông pháp sư cũng chỉ là mía sâu có đốt, nhà dột có nơi…

bavang3 

Hai ông sư chửi nhau về việc cúng dường dù 2 ông đều nhận cúng dường. Ông Từ ra chiêu trước độp ông Minh, ông Minh phản công…

Việc hai ông sừng cồ chửi nhau giống y ca dao Việt Nam :

"Chuột chù chê khỉ rằng hôi

Khỉ trả lời rằng cả họ mày thơm".

Sáng 17/08/2022, trả lời phóng viên báo Dân Trí, Thượng tọa Thích Nhật Từ – phó trưởng ban Ban Trị sự kiêm trưởng Ban Phật giáo Quốc tế, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh, phó viện trưởng thường trực Học viện Phật giáo Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh, ủy viên Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam – cho biết, khất thực là cơ hội để những người yêu mến đạo Phật kết nhân duyên với các thành viên Tăng đoàn bằng cách cúng dường thức ăn. Sau khi nhận thức ăn, Tăng đoàn có thể sẽ bày tỏ lòng biết ơn bằng các bài pháp, chia sẻ ngắn.

Vị thượng tọa này cho biết, "Đức Phật đã quy định, khi khất thực sẽ không tiếp nhận tiền tài, hoa, chủ yếu gieo duyên cúng thức ăn. Do đó, việc cúng dường như ở chùa Ba Vàng là không phù hợp" (*).

Một nội dung tương tự cũng được báo điện tử VTC đăng cùng lúc với đồng nghiệp Dân Trí (**).

Sau một ngày một đêm, sáng 18/8, Đại đức Thích Trúc Thái Minh, trụ trì chùa Ba Vàng đã lên tiếng qua nhân danh "Ban quản trị" trên trang mạng facebook của ông : "Тhượng tọa Тсh Nhật Тừ nên nhìn lại chính mình trước khi phê phán сhùa Ba Vàng".

Rộng đường dư luận, và cũng hạn chế việc "đôi co" với nhóm truyền thông của Thượng tọa Thích Nhật Từ, biên tập viên trang Việt Nam Thời Báo xin lược trích nội dung của "Ban quản trị" tài khoản tích xanh chính chủ Thích Trúc Thái Minh :

"Trước khi phê phán chùa Ba Vàng một cách bất công, Тhượng tọa Тсh Nhật Т nên xem lại hành vi của chính mình. Ngày 19/01/2018, Тhượng tọa Тсh Nhật Т đã tổ chức "cổ xúy" lễ khất thực của chư Tăng trên đường phố cố đô Luang Prabang Lào – nơi chư Tăng nhận tiền cúng dường của hàng trăm Phật tử đến từ Việt Nam, Hàn Quốc, Thái Lan, Trung Quốc. Тhượng tọa Тсh Nhật Т cho rằng việc làm đó là "truyền thống văn hóa cao quý từ thời Đức Phật, không lựa chọn, không chê, không khen, ai dâng cúng cái gì tiếp nhận cái đó".

Trước khi phê phán chùa Ba Vàng một cách bất công, Тhượng tọa Тсh Nhật Т nên nghe lại phát ngôn của chính mình. Ngày 24/07/2019, trang Facebook chùa Giác Ngộ của Thượng tọa Thích Nhật Từ đăng bài "Hiểu về cúng trai phạn, trai Tăng…", trong đó khẳng định : "Ngày nay, do đặc điểm của đời sống hiện đại rất khác xưa nên cúng Trai tăng được phương tiện bằng cúng thực phẩm và một ít тiềп mặt (để chư Tăng Ni tùy nghi mua sắm các vật dụng cần thiết)".

Trước khi phê phán chùa Ba Vàng một cách bất công, Thượng tọa Thích Nhật Từ nên nhìn lại các chùa khác, nơi Thượng tọa làm Phó Trưởng ban Ban Trị sự, cũng tổ chức khất thực với sự tham gia của nhiều chư Tôn đức Tăng Ni từ Trung ương Giáo hội đến Ban Trị sự các cấp, trực tiếp nhận тiềп cúng dường của Phật tử như chùa Chantarangsay (quận 3) ngày 12/02/2013, tổ đình Vạn Thọ (quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh) ngày 11/08/2013, chùa Kiều Đàm (Thành phố Thủ Đức) ngày 12/06/2022, chùa Bửu Quang (Thành phố Thủ Đức) nhân đại lễ Phật đản PL.2566 – DL.2022.

Chùa Ba Vàng xin đặt câu hỏi tại sao Thượng tọa Thích Nhật Từ lại thất thường như vậy, phản bội chính mình và truyền thống khất thực tùy thí đắc thọ của Phật giáo ?"

Trên trang cá nhân tích xanh chính chủ của Thượng tọa Thích Nhất Từ hôm 17/08/2022 có đăng bài thơ kiểu "thay lời muốn nói" liên quan đến vấn đề mà chùa Ba Vàng đang "đá xéo" :

Hạnh khất thực

Tay cầm bát, chân vững vàng trên đất

Từng bước đi, tâm chính niệm nhẹ nhàng

Mỗi buổi sáng đi vào làng khất thực

Nhận thức ăn, tặng Phật pháp cao siêu.

Không nhận tiền, không buổi chiều, buổi tối

Không vào chợ, không đứng mãi một nơi

Khi chân bước, tâm thảnh thơi an lạc

Sống an nhiên, tỉnh thức giữa dòng đời.

Khi hành khất là thực hạnh vô ngã

Khéo hóa duyên, gieo ruộng phước cho đời

Giúp mọi người bỏ luyến tham hưởng thụ

Sống cuộc đời hạnh phúc và lợi tha.

Khi hành khất, tâm rời xa chấp mắc

Buông vọng tâm, buông quá khứ, vị lai

Buông sở hữu, buông thế trần đắm nhiễm

Sống bình yên, bây giờ và tại đây.

Bát cơm hành khất, muôn nhà gieo duyên

Bước chân giáo hóa, không trụ nơi nao

Thương đời khổ đau, dấn thân không mệt

Xuân hạ thu đông, từng bước thong dong.

Thích Nhật Từ, ngày 17/08/2022

Sư phụ Minh uy trấn đất Bắc, thì sư phụ Từ thống lĩnh hùng cứ phương Nam. Tưởng đâu nước sông không đụng nước giếng, thế nhưng nhân tại sân chùa thân bất do kỷ, đao kiếm vô tình xui rủi hai sư phụ choảng nhau.

Thật không hổ danh là các bậc đại đại cao thủ. Sư phụ Minh ra một chiêu vừa ngọt sắc vừa êm ái, khác nào nhất dương chỉ họ Đoàn, cùng với đó còn tung hấp tinh đại pháp gia tăng cường độ trả chưởng về phía đối phương hệt như tiểu thuyết võ hiệp kỳ tình Kim Dung.

Trận này nhắm chừng vài trăm hiệp chắc chưa phân thắng bại. Ngân lượng náo loạn tăng lữ, rung chuyển chúng sinh, rúng động ta bà, thật muôn phần thống khoái.

Mà thôi, hãy xem chuyện của hai ông pháp sư ở trên trong mùa Vu Lan này, cũng chỉ là mía sâu có đốt, nhà dột có nơi…

Nguyễn Nam

Nguồn : VNTB, 19/08/2022

Chú thích :

(*)https://dantri.com.vn/xa-hoi/cung-duong-nhu-o-chua-ba-vang-la-khong-phu-hop-20220817092329184.htm

(**)https://vtc.vn/thuong-toa-thich-nhat-tu-cung-duong-nhu-o-chua-ba-vang-la-khong-phu-hop-ar694780.html

**********************

"Cúng dường" ở chùa Ba Vàng gây bão mạng và sự khuynh loát của Nhà nước trong Phật giáo Việt Nam

RFA, 19/08/2022

Các video về buổi lễ "sớt bát cúng dường" nhân ngày lễ Vu lan báo hiếu, được tổ chức tại chùa Ba Vàng gây "bão" mạng xã hội trong mấy ngày vừa qua. Phản ứng không chỉ vì các hình ảnh cúng dường bị cho là "phản cảm", mà còn vì đây là lần đầu tiên các vị lãnh đạo cấp cao của Phật giáo Việt Nam công khai đôi co, chỉ trích nhau. Sự vào cuộc chính quyền sau đó cũng khiến dư luận bàn tán thêm về sự kiện này.

bavang4

Thượng toạ Thích Nhật Từ nói hoạt động cúng dường ở Ba Vàng là "chưa phù hợp" - RFA edit

Nhiều ý kiến tranh cãi

Hình ảnh trong các clip cho thấy Đại đức Thích Trúc Thái Minh, trụ trì chùa Ba Vàng ở Quảng Ninh cùng với nhiều đệ tử liên tục gom tiền cúng dường của các phật tử tham gia đã tạo ra nhiều quan điểm tranh cãi trái chiều.

Một phật tử có pháp danh là Quảng Thiện nói với RFA rằng bà đánh giá rất thấp các hoạt động của Chùa Ba Vàng. Bà cho rằng, ngay chính những người thuộc hàng giáo phẩm cao nhất ở đây cũng không hiểu hết giá trị của ngày lễ Vu lan hay ý nghĩa của việc khất thực :

"Vu lan là ngày của mẹ thì kể cả các quý thầy ở trong chùa có tổ chức một lễ hội gì cũng phải nhằm phục vụ hiếu sự, mà ở đây lại tổ chức một buổi lễ khất thực ngay trong ngày ngày báo hiếu.

Bàn sâu hơn về việc khất thực. "Khất" nghĩa là xin, còn "thực" có nghĩa là ăn. Nó có nghĩa hành khất để xin ăn.

"Khất thực" là xin ăn nhưng người ta cho tiền cũng lấy. Khất thực thì chỉ được phép nhận thức ăn từ người khác, đem về nếu gặp những người nghèo đói thì có thể cho lại họ. Nếu người ta cho tiền thì cũng không được phép nhận vì tiền không ăn được".

Một Hòa thượng có pháp danh là P.T, hiện đang tu tập tại một ngôi chùa trực thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam, cho biết nghi lễ cúng dường ở chùa Ba Vàng là lai giữa nghi thức truyền thống và nghi thức cúng dường tân thời. Hiện nay, nhiều người có xu hướng cúng tiền hơn là chỉ cúng vật thực, như vậy cũng là bình thường.

Theo vị hòa thượng này thì có lẽ, do nhiều người đã có định kiến sẵn với ông Thích Trúc Thái Minh sau vụ "Oan gia trái chủ", nên mới chỉ trích nhiều như vậy :

"Thực ra tôi thấy nó cũng không có gì đâu là phản cảm. Tôi nghĩ là một số người có sẵn thành kiến với thầy Thái Minh sau vụ "oan gia trái chủ" đó".

Hồi năm 2019, chùa Ba Vàng bị báo chí trong nước phanh phui vụ tổ chức các lễ oan gia trái chủ. Trong đó có việc gọi vong, nhập hồn, phán số kiếp, buộc phải trả nợ cho vong bằng tiền do vong yêu cầu, thông qua hình thức quyên tiền công đức vào chùa Ba Vàng…

Với cương vị là trụ trì chùa Ba Vàng, ông Thích Trúc Thái Minh bị tạm đình chỉ tất cả các chức vụ trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam, phải sám hối đại tăng. 

Hai Thượng tọa đôi co trên mạng xã hội

Trả lời báo chí nhà nước hôm 17/8 về những video của chùa Ba Vàng, ông Thích Nhật Từ, Phó Trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh, khẳng định việc cúng dường như ở chùa Ba Vàng là "không phù hợp" và "cần tránh hiện tượng tương tự".

Đến ngày 18/8, trang Facebook của ông Thích Trúc Thái Minh đăng một bài viết có tiêu đề "Тhượng tọa Тhíсh Nhật Тừ nên nhìn lại chính mình trước khi phê phán сhùa Ba Vàng".

Nội dung bài viết dẫn lại những lần ông Thích Nhật Từ từng đi khất thực, cũng như phát biểu khuyến khích phật tử nên cúng dường bằng tiền thay vì thực phẩm theo truyền thống, đồng thời đặt câu hỏi rằng "tại sao Thượng toạ Thích Nhật Từ lại thất thường như vậy, phản bội chính mình và truyền thống khất thực tùy thí đắc thọ của Phật giáo ?

Việc hai vị tu sĩ của Giáo hội Phật giáo Việt Nam đôi co, lời qua tiếng lại công khai trên mạng xã hội là chuyện hiếm có ở Việt Nam.

Bình luận về vấn đề này, Hòa thượng P.T cho biết Thượng toạ Thích Nhật Từ có vai trò giống như là "người phát ngôn" của Giáo hội Phật giáo Việt Nam miền Nam. Cho nên, tất cả những sự kiện nào liên quan đến tôn giáo mà được phật tử quan tâm thì ông ta phải lên tiếng :

"Đó là vấn đề của hai "người lớn" nói chuyện với nhau. Vì họ là người có danh tiếng nên bất kỳ phát ngôn nào của họ cũng đều bị dòm ngó, soi xét.

Cụ Nhật Từ có cái khó của cụ. Nếu là người ngoài thì mình sẽ không hiểu được thế khó của cụ đâu. Cụ giống như là người phát ngôn của Giáo hội Phật giáo ở khu vực miền Nam.

Bây giờ chùa Ba Vàng đang tạo ra một cái scandal, chịu sự chỉ trích của người đời. Người ta đặt một dấu chấm hỏi là cái sự việc đó đúng hay sai, thì cụ Nhật Từ đang nằm trong một thế kẹt là buộc phải giải thích, không nói là không được".

Bài viết trên Facebook Thích Trúc Thái Minh còn cho biết việc khất thực cũng "góp phần cùng chính quyền thực hiện chính sách an sinh xã hội là đúng pháp Phật, đúng pháp luật, phù hợp với sinh hoạt Phật giáo trong và ngoài nước hiện nay. 

Phát biểu này làm cho phật tử Quảng Thiện đặt câu hỏi : 

"Ông ta còn bảo cho rằng việc cúng dường cho chùa phục vụ an sinh xã hội. Câu hỏi tôi muốn hỏi là từ bao giờ mà những người tu hành có trách nhiệm phải đóng góp tài chính để lo an sinh xã hội !

Cái mà các bậc chân tu cần phải đóng góp, quý báu hơn vàng bạc nữa là trau dồi trí tuệ và tôn trọng sự thật, giáo dục cho phật tử mở rộng lòng thương, tôn trọng sự sống, làm sao để cho phật tử hiểu rằng ông Phật gần nhất là "Phật tại tâm", thờ trang kính mẹ, yêu thương đồng loại và làm sao cho đạo đức xã hội tốt lên.

Cả hai ông Thích Nhật Từ và chùa Ba Vàng đều sân si, thị phi như nhau !"

Ngày 19/8, hòa thượng Thích Gia Quang, Phó Chủ tịch Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam có phát ngôn chính thức, vẫn khẳng định hoạt động cúng dường ở chùa Ba Vàng là "chưa chuẩn".

Đồng thời ông cũng cho biết chùa này không thuộc quản lý của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, không tham gia vào Ban trị sự Giáo hội Phật giáo địa phương mà do chính quyền địa phương trực tiếp quản lý.

bavang5

Phật tử dâng hoa cho sư thầy Thích Trúc Thái Minh - trụ trì chùa Ba Vàng ở Quảng Ninh - hôm 7/8/2022 nhân lễ Vu Lan. Hình : FB Chùa Ba Vàng

"Chính quyền kiểm soát mọi tôn giáo, không thoát được"

Sau khi những video được đăng tải trên trang Facebook page của chùa Ba Vàng, ngày 16/8, thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh thành lập đoàn kiểm tra các hoạt động tôn giáo ở ngôi chùa này.

Đoàn kiểm tra kết luận hoạt động "sớt bát cúng dường" được tổ chức đúng pháp luật. Tuy nhiên, những hình ảnh, video đăng trên mạng xã hội gây nhiều tranh cãi.

Do đó, UBND thành phố Uông Bí yêu cầu phải gỡ bỏ các video này trên mạng bởi trong đó có "hình ảnh sư nhận tiền phản cảm ở lễ Vu Lan". UBND thành phố Uông Bí cũng giao các cơ quan chức năng tăng cường quản lý các hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng tại các cơ sở thờ tự trên địa bàn thành phố.

Phía chùa Ba Vàng cho hay họ tiếp thu ý kiến và đồng ý gỡ bỏ những video nêu trên khỏi mạng xã hội.

Bình luận về sự việc chính quyền nhúng tay vào các hoạt động tôn giáo như vừa nêu, Hòa thượng P.T khẳng định luôn rằng chắc chắn mọi hoạt động tôn giáo ở Việt Nam, không chỉ riêng đạo Phật mà tất cả các tôn giáo khác, đều bị kiểm soát và giám sát. Nhưng nếu không gây chú ý thì các tu sĩ vẫn có thể sinh hoạt tôn giáo được :

"Chắc chắn là mọi hoạt động của mình đều bị kiểm soát và giám sát từ chính quyền, không thể thoát được. Chính quyền luôn theo dõi hoạt động của tất cả các tôn giáo để điều chỉnh các hoạt động của mình.

Ví dụ như khi tổ chức lễ Vu lan thì mình phải luôn luôn mời chính quyền và khi họ ra về thì mình vẫn phải có phong bì cho họ.

Nếu như mình hoạt động mà không gây ra sự chú ý thì cũng không ai đụng chạm gì tới mình".

Dự thảo sửa đổi Luật Tín ngưỡng tôn giáo đang được cChính phủ lấy ý kiến để thông qua trong thời gian tới bị cho là có những điều khoản bóp nghẹt tự do tôn giáo. Ví dụ như quy định các cơ sở tôn giáo phải phải thông báo vi chính quyền địa phương trước một năm tất cả tất cả các sinh hoạt tôn giáo dự trù sẽ diễn ra. Những người được phong phẩm, suy cử người làm chức sắc tôn giáo phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thông qua…

"Cánh tay đắc lực" của Tuyên giáo

Vị Hòa thượng còn nói với RFA rằng Giáo hội Phật giáo Việt Nam là một "cánh tay đắc lực" của ban Tuyên giáo. Điều này được chính các quan chức nhiều lần khẳng định với các chức sắc tôn giáo :

"Vừa qua, thầy mới dự Đại hội Chức sắc Tôn giáo (không muốn nói rõ địa phương vì lý do an toàn). Người ta (chính quyền - PV) nói rằng phải thực hiện "đại đoàn kết dân tộc, đoàn kết các tôn giáo" và tất cả tôn giáo là một thành phần không thể tách ri của bộ máy chính trị.

Người ta đưa mình lên cao lắm ! Nhưng mà thực ra thầy biết là người ta đưa mình lên như vậy chỉ để kiểm soát tất cả hoạt động của mình thôi".

Tín đồ tôn giáo lâu nay luôn bị chính quyền coi là thành phần nhạy cảm, theo vị hòa thượng P.T cho biết. Bởi tín đồ tôn giáo vừa đông, vừa sẵn sàng nghe theo lời lãnh đạo tinh thần, chứ chưa chắc đã theo chính quyền, cho nên chính sách của nhà nước là một mặt luôn phát biểu đề cao vai trò tôn giáo, nhưng mặt khác cũng tăng cường kìm kẹp, kiểm soát chặt các cơ sở tôn giáo.

Nguồn : RFA, 19/08/2022

************************

Giáo hội Phật giáo Việt Nam nói phải chấn chỉnh chùa Ba Vàng sau vụ lễ cúng dường nhận tiền

RFA, 19/08/2022

Đại diện Giáo hội Phật giáo Việt Nam mới đây vừa lên tiếng xác định lễ cúng dường nhận tiền từ phật tử của sư thầy Thích Trúc Thái Minh - trụ trì chùa Ba Vàng ở Quảng Ninh - là chưa chuẩn và Ban Tăng sự cần phải có sự chấn chỉnh đối với chùa này.

bavang6

Sư thầy Thích Trúc Thái Minh đi khất thực trong lễ cúng dường ở chùa Ba Vàng, Quảng Ninh hôm 7/8/2022 – Phật tử quỳ lạy trong khi hai tay cần tiền để đưa nhà sư - Facebook Chùa Ba Vàng

Truyền thông Nhà nước Việt Nam hôm 19/8 trích lời Hòa thượng Thích Gia Quang - Phó Chủ tịch Hội đồng trị sự, Trưởng Ban Thông tin truyền thông Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Viện trưởng Phân viện nghiên cứu Phật học Việt Nam tại Hà Nội - rằng, video cúng dường tại chùa Ba Vàng "không được chuẩn chỉ" đối với pháp khất thực trong Phật giáo.

"Khất thực như chùa Ba Vàng là theo Phật giáo Nam Tông. Tuy nhiên, theo Nam Tông thì người dân cúng dường chủ yếu là vật thực, còn tịnh tài (tiền) hầu như ít khi cúng. Ở Ba Vàng nhận cái đó, rồi cả hoa. Nói tóm lại, việc đó không chuẩn chỉ theo tinh thần Phật giáo" - Hòa thượng Thích Gia Quang nói.

Trước đó, nhân ngày lễ Vu Lan hôm 7/8, chùa Ba Vàng đã tổ chức lễ cúng dường. Các hình ảnh và video được chùa này đưa lên mạng và sau được lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội cho thấy sư thầy Thích Trúc Thái Minh đi khất thực, nhận tiền và hoa từ các phật từ trong khi các phật tử quỳ lậy rất cung kính.

Video đã gây ra những phản ứng trái chiều. Đã có những bình luận cho rằng việc một nhà sư nhận tiền như vậy không khác gì đi kinh doanh kiếm tiền, lợi dụng niềm tin tín ngưỡng của phật tử. Cũng có ý kiến ủng hộ hoạt động này của chùa Ba Vàng.

Đoạn video sau đó đã bị cơ quan chức năng Thành phố Uông Bí đề nghị lấy xuống. Lý do vì video đó có thể gây ảnh hưởng không tốt.

Đỉnh điểm trước khi Giáo hội Phật giáo của Nhà nước chính thức lên tiếng là bình luận và phản hồi giữa Thượng toạ Thích Nhật Từ và sư thầy Trích Trúc Thái Minh. Ông Thích Nhật Từ - trụ trì chùa Giác Ngộ ở Thành phố Hồ Chí Minh đồng thời là Ủy viên Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam - nói với báo chí rằng những điều mà chùa Ba Vàng làm trong lễ cúng dường là "chưa phù hợp văn hóa được Đức Phật quy định cho người xuất gia".

Ông Thích Trúc Thái Minh sau đó đã có phản bác trên trang Facebook cá nhân rằng : "Thượng toạ Thích Nhật Từ nên nhìn lại mình trước khi phê phán chùa Ba Vàng".

Nguồn : RFA, 19/08/2022

Additional Info

  • Author Bảo Trâm, Nguyễn Nam, RFA tiếng Việt
Published in Diễn đàn

Khất thực là một phép tu

Khất thực là một sinh hoạt thường nhật của tăng đoàn thời đức Phật. Đó là một cách hành trì, một hạnh nguyện của các vị xuất gia theo Phật giáo nam truyền (nguyên thủy). Khất thực là phương cách có thể đem lại nhiều lợi lạc thiết thực cho vị khất sĩ cũng như Phật tử cúng dường ; là cách truyền bá và duy trì Phật pháp hiệu quả thông qua hình ảnh tăng đoàn hành khất. 

chua1

Đại đức Thích Trúc Thái Minh ôm bình bát nhận tiền của bá tánh : không phải là "khất thực" của Phật giáo Nam tông hay Bắc tông…

 Tuy nhiên truyền thống khất sĩ ngày nay cũng có nhiều biến đổi trong các tông phái. Đa phần các tu sĩ Phật giáo không mấy phải "trì bình bát khất thực" với phương thức "một bát cơm ngàn nhà" nữa.

Bởi dẫu ở chùa họ vẫn nhận sự dâng cúng của phật tử và cộng đồng tín Phật, các nhà hảo tâm… để sinh sống và tu tập giải thoát. Vì thế, về bản chất, họ vẫn là khất sĩ : Trên xin giáo pháp của Phật để nuôi tâm; dưới xin vật thực của chúng sinh để nuôi thân và giáo hóa; chữ Hán biểu thị bằng câu, "Thượng cầu Phật đạo, hạ hóa chúng sinh".

Hiểu một cách dung dị hơn, hạnh đi trì bình khất thực hằng ngày là nhà sư thọ vật thí của bá tánh, nhờ đó mà nuôi sống một cách chơn chánh, giản dị, nhà Sư được sự nhắc nhở rõ rệt hằng ngày ý nghĩa ơn xã hội. Rồi tự xét mình mà siêng năng tu học, giữ gìn tịnh hạnh, để duy trì đạo đức hầu góp phần xây dựng hạnh phúc cho xã hội, phải làm những gì để khỏi phải phạm là kẻ vong ân xã hội.

Trụ trì chùa Ba Vàng đi khất thực hay đi "kiếm tiền" ?

Mùa Vu Lan này, khá bất ngờ khi mạng xã hội đăng tải hình ảnh Đại đức Thích Trúc Thái Minh, trụ trì chùa Ba Vàng ôm bình bát đi khất thực, và có cả clip nhà sư này đã nhận tiền bạc trong lần "trì bình bát khất thực" này.

Công tâm mà nói chuyện "trì bình bát khất thực" kiểu đó là quen thuộc lâu nay ở chùa Ba Vàng, điều đó khác hẳn với "trì bình bát khất thực" của hệ phái khất sĩ thuộc Phật giáo Nam tông.

Đơn cử, trên trang web của chùa Ba Vàng trong bản tin phát hành ngày 29/5/2022 (nhằm 29 tháng 4, Nhâm Dần) cho biết "sư phụ Thích Trúc Thái Minh" đã ôm bình bát nhận "cúng dường" trong một chương trình sinh hoạt khóa sinh ngay tại chùa Ba Vàng.

Liên quan về các hình ảnh những tu sĩ của chùa Ba Vàng "trì bình bát khất thực", một nhà báo chuyên trách về Phật giáo đưa ra lưu ý rằng trì bình khất thực là truyền thống tốt đẹp được truyền thừa của chư Phật ba đời. Thể theo truyền thống đó, tại miền Nam trước 1975, Đức Tổ sư Minh Đăng Quang đã khơi nguồn và tiếp nối mạng mạch, làm người con khất sĩ đem đạo vào đời bằng hạnh nguyện du phương, hạ mình để đi xin ăn tu học, không sống trong sự tự ngã, chấp ta và của ta, mà sống chung cùng tất cả, theo tinh thần lục hòa cộng trụ.

Thế nhưng ngày nay do nhu cầu lợi dưỡng của một số người, đã biến pháp môn Khất thực của Phật giáo trở thành nguồn lợi kinh tế của bản thân mình bằng các hình thức như : khất thực quá giờ ngọ, khi đi mang dép, mặc áo dài, nhận tiền, bình bát nhôm, dáng đi thô tháo, vận động cúng dường…

Khi đi trì bình thì không đi vào chỗ đông người, tránh chen lấn như trong chợ chẳng hạn, và không nhận tiền bạc, gạo thóc. Vật thí, nếu bố thí ít thì vui thích thọ lãnh ít, nếu cho nhiều thì chỉ thọ lãnh vừa đủ để sống qua ngày mạnh khỏe tu hành lập công bồi đức. Nhà sư cũng không đi cổ động tiền bạc trong bá tánh để về cất chùa hay làm việc nào khác.

Nhà sư cũng không được yêu cầu cho thức ăn chay hay mặn, ai muốn bố thí món chi tùy ý, tùy món ăn mình có. Như thế cái chánh nghĩa của hạnh trì bình khất thực mới được biểu dương đúng với tinh thần giới luật của Đức Phật và đem lại phước báu cho người bố thí.

chua2

Những tu sĩ của chùa Ba Vàng "trì bình bát khất thực"

Khi chùa chiền và tu hành là phương thức để kiếm tiền làm giàu

Một nhà báo chuyên trách mảng tôn giáo, nhận xét : "Tôi cho rằng ông trụ trì chùa này đã làm xấu đi rất nhiều về dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử. Một số khảo cứu lịch sử viết rằng thế kỷ thứ 12, xuất hiện đức vua Trần Nhân Tông, là Hương Vân Đầu Đà thọ trì 12 pháp đầu đà, mặc y, mang bát đi khất thực tận kinh thành Đồ Bàn của đức vua Chế Mân (Champa) để tìm sự bang giao hòa hiếu giữa 2 nước. Chứng tích, dấu ấn ấy chính là tượng đá trắng Hương Vân Đầu Đà mặc y vai trái tại chùa Hoa Yên và tượng vàng sừng sững, uy nghi của ngài tại đỉnh non mây trời Yên Tử hiện nay.

Như vậy, y bát khất thực ở đây có thể coi là một hình thức của giao hảo chính trị. Nay, hình ảnh khất thực nhận cúng dường được chủ động tổ chức qua tập hợp Phật tử, người dân quy tụ lại… điều đó cho thấy đây chỉ là hình thức vận động tiền của, vật phẩm phục vụ cho các sinh hoạt của chùa ấy, không may ý nghĩa của trì bình bát khất thực.

Quan sát hình ảnh trụ trì chùa Ba Vàng, tôi cho rằng dường như đang có sự pha lẫn giữa Bắc tông và Nam tông. Đáy bát của Phật giáo Bắc tông tự đứng được, không cần cái kiềng để đỡ như bát của Phật giáo Nam tông. So với bát của Phật giáo Bắc tông, thì bát Khất sĩ to gấp đôi. Với chu vi khoảng 0,6m và cao khoảng 0,12m, bát Khất sĩ vừa phải để sử dụng mà lại gọn vì không cần thêm một cái kiềng.

Để mang bát cần phải có túi đựng bát. Túi bát bằng vải màu vàng, tròn vừa với bát, có 2 nắp phủ, có quai đeo rộng 1 tấc và dài đến ngang thắt lưng khi mang túi lên vai. Túi bát được may bằng 8 miếng vải nhỏ xung quanh, trông như một hoa sen 8 cánh xinh đẹp được làm nên bởi những người hộ pháp thuần thành… Chư tăng khất sĩ mang túi bát bên vai phải, phía trong y thượng. Chư ni khất sĩ mang túi bát xéo từ vai trái qua hông bên phải và ở phía ngòai y thượng…

Không thể có chuyện vừa trì bình bát khất thực, vừa cười và "xoa đầu ban phép" như vị trụ trì chùa Ba Vàng mà hình ảnh đang loan trên mạng xã hội".

Có lẽ cơ quan quản lý tôn giáo của Nhà nước Việt Nam cần lưu ý về vấn đề kinh doanh tâm linh đang diễn ra tại chùa Ba Vàng, nơi từng vấp bê bối trong chuyện nhận tiền của bá tánh để "thỉnh vong giải oán".

Khi ấy, trên kênh Pháp thoại của chùa Ba Vàng, trong một clip, đại đức Thích Trúc Thái Minh khẳng định : "Phật dạy chúng ta biết bố thí và cúng dường. Mình cúng để giải bệnh, giải nghiệp của mình mà mình lại còn kêu sao ? Phật dạy các phật tử mất tiền đấy ! Phải mất tiền mới có phúc. Phật dạy bố thí đứng đầu trong lục độ. Chịu khó bố thí đi !".

Ngọc Lan

Nguồn : VNTB, 15/08/2022

Additional Info

  • Author Ngọc Lan
Published in Diễn đàn

‘Sư đảng viên’ Ba Vàng từng gom tiền xây chùa Quảng Nam rồi ‘biến’ (Người Việt, 28/03/2019)

Trụ trì chùa Ba Vàng đã từng mượn đất cho động thổ xây dựng dự án Khu Du lịch Tâm linh Thiền Trúc Lâm – Quảng Nam, hay còn gọi là chùa Ba Vàng Quảng Nam, ở huyện Phú Ninh hồi năm 2016, gom tiền các Mạnh Thường Quân quyên góp rồi… "biệt tăm".

su1

Động thổ xây dựng khu du lịch năm 2016, có mặt "sư đảng viên" Thích Trúc Thái Minh, đứng giữa, đeo kính trắng. (Hình : Tuổi Trẻ)

Theo báo Tuổi Trẻ ngày 28 tháng Ba, 2019, cho biết hồi ngày 26 tháng Năm, 2016, tại khu vực rừng phòng hộ Phú Ninh, xã Tam Đại, huyện Phú Ninh, Công Ty Trách Nhiệm Hữu Hạn Ba Vàng Quảng Nam tổ chức lễ động thổ khởi công xây dựng dự án Khu Du Lịch Tâm Linh Thiền Trúc Lâm – Quảng Nam (chùa Ba Vàng Quảng Nam) rất "hoành tráng".

Dự án sẽ được khai triển trên diện tích 200 hécta nằm trong đất rừng phòng hộ với tổng kinh phí đầu tư 1,000 tỷ đồng (hơn $43.1 triệu), dự kiến hoàn thành sau 12 tháng thi công.

Tại lễ khởi công, chủ đầu tư cho hay việc xây dựng chùa Ba Vàng Quảng Nam nhằm "thúc đẩy phát triển du lịch, bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng đạo đức con người đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng, đời sống tâm linh của người dân", làm nhiều người dân ở đây phấn khởi vì sắp có một dự án du lịch tâm linh lớn.

su2

Đồ án khu du lịch tâm linh thiền Trúc Lâm Quảng Nam. (Hình : Tuổi Trẻ)

Cũng tại buổi động thổ khởi công này, nhiều nhà hảo tâm, tập thể, cá nhân đã ủng hộ hàng tỷ đồng và nhiều hiện vật có giá trị để góp phần xây dựng chùa.

Trong đó, có những nhà hảo tâm đưa tận tay hàng trăm triệu đồng tiền mặt cho đại diện nhà đầu tư, một số trao bảng tượng trưng với số tiền rất lớn, có người tặng 1 tỷ đồng. Đáng chú ý, người trực tiếp đứng ra nhận số tiền và hiện vật trên chính là "sư đảng viên" Thích Trúc Thái Minh, trụ trì chùa Ba Vàng Quảng Ninh, ngôi chùa mà những ngày qua đang gây xôn xao dư luận bởi việc gọi vong, nhập hồn thông qua hình thức công đức.

Thế nhưng, sau lễ khởi công thì chủ đầu tư thông báo, báo cáo tỉnh Quảng Nam dừng thực hiện dự án do "gặp một số khó khăn, vướng mắc".

Theo báo Tuổi Trẻ, cho đến hiện tại, khoảnh đất mà chủ đầu tư đã làm lễ động thổ nằm bên cạnh hồ Phú Ninh vẫn để trống, người dân thả bò trên phần đất ấy và trồng keo con.

Ông Nguyễn Xuân Phước, giám đốc Ban Quản Lý Rừng Phòng Hộ Phú Ninh, cho biết phần đất mà chủ đầu tư làm lễ động thổ và toàn bộ diện tích dự kiến xây chùa vẫn là đất rừng phòng hộ, chưa được chuyển đổi mục đích sử dụng từ rừng phòng hộ sang đất xây dựng chùa chiền.

su3

"Sư đảng viên" Thích Trúc Thái Minh nhận văn bản tiền ủng hộ xây chùa. (Hình : Tuổi Trẻ)

"Họ xin mượn địa điểm là khoảnh đất trống ở rừng phòng hộ để làm lễ khởi công thôi chứ chẳng có văn bản gì hết, mình cũng thấy không ảnh hưởng gì nên để họ làm. Và từ khi làm lễ khởi công xong họ cũng chẳng làm gì hết, chưa tác động đến rừng phòng hộ khu vực này", ông Phước nói.

Trước việc dự án xây chùa trên dừng thực hiện, rất nhiều người dân và chính quyền địa phương bất ngờ. Do vậy từ năm 2017, Ban Thường Vụ Tỉnh ủy Quảng Nam và Ban Chỉ Đạo Công Tác Tôn Giáo đã có ý kiến đề nghị Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Quảng Nam phúc trình cho biết rõ nguyên nhân dự án dừng triển khai.

Đến tháng Tám, 2017, Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Quảng Nam có phúc trình giải đáp cho biết, trong quá trình khai triển dự án, chủ đầu tư gặp một số khó khăn, vướng mắc, như thủ tục pháp lý chuyển đổi mục đích sử dụng đất, bồi thường, giải tỏa mặt bằng, công tác bảo vệ môi trường, đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ khai triển dự án, nguồn vốn thực hiện. Trong đó, khó khăn lớn nhất là "không bảo đảm năng lực tài chính" nên chủ đầu tư báo cáo Ủy Ban Nhân Dân tỉnh không tiếp tục khai triển, dừng thực hiện dự án…

Điều đáng chú ý là sau khi chủ đầu tư dừng dự án này, dư luận cho rằng chủ đầu tư đã "vẽ" ra dự án để động thổ, khởi công rồi nhận tiền ủng hộ xây chùa của các nhà hảo tâm, bây giờ số tiền ấy đi đâu ? Và đến nay vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng. (Tr.N)

*******************

Chùa Ba Vàng : Đại đức Thái Minh ‘bị cách chức’, bà Phạm Thị Yến bị phạt (BBC, 26/03/2019)

Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam ra quyết định tạm đình chỉ mọi chức vụ trong Giáo hội của Đại đức Thích Trúc Thái Minh tại chùa Ba Vàng.

bavang1

Đại đức Thích Trúc Thái Minh

Thông cáo ngày 26/3 nói Hội nghị Ban Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam sẽ còn ra quyết định cách chức ông Minh sau đó.

Thông cáo nói trụ trì chùa Ba Vàng đã "vi phạm Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam làm tổn thương đến thanh danh Giáo hội, đến Tăng đoàn".

Đại đức Thích Trúc Thái Minh phải sám hối Đại Tăng, theo thông cáo chính thức.

Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam kết luận việc Đại đức Thích Trúc Thái Minh, trụ trì chùa Ba Vàng đã để cho Phật tử Phạm Thị Yến, pháp danh Tâm Chiếu Hoàn Quán đăng đàn thuyết pháp tại chùa Ba Vàng là "không đúng".

Giáo hội Phật giáo Việt Nam yêu cầu chùa Ba Vàng chấm dứt việc tổ chức lễ thỉnh oan gia trái chủ.

Ban Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam nói chùa Ba Vàng đã không đúng với nghi lễ Phật giáo truyền thống khi :

- tchức lễ thỉnh vong giải oan gia trái chủ,

- chữa bệnh cho người dân và phật tử có nhu cầu, trong nghi thức này có việc gọi vong, nhập hồn, phán số kiếp,

- quy định việc người đăng ký pháp thỉnh oan gia trái chủ buộc phải trả nợ cho vong bằng tiền do vong yêu cầu thông qua hình thức công đức vào chùa Ba Vàng, hoặc làm công quả lao động tại chùa Ba Vàng

Sau khi các báo Việt Nam, đặc biệt là báo Lao Động, đưa tin về "thỉnh vong giải nghiệp" diễn ra ở chùa Ba Vàng, chính quyền và giáo hội đã phản ứng.

UBND thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh, nói việc phật tử Phạm Thị Yến tuyên truyền giảng pháp "đang tiềm ẩn nguy cơ gây mất an ninh trật tự trên địa bàn, gây ra những bất bình trong dư luận nhân dân".

Nhà chức trách đã phạt bà Yến một khoản tiền 5 triệu VND, theo các báo Việt Nam hôm 26/03.

Cũng có tin bà Phạm Thị Yến bị công an Uông Bí không cho tạm trú nữa, và đã về nơi trú quán gốc là TP Hạ Long.

bavang2

Những lời 'giảng' của bà Phạm Thị Yến chùa Ba Vàng nói rằng Cao Mỹ Duyên, cô gái giao gà bị hãm hiếp, sát hại là do "ác nghiệp từ tiền kiếp" đã gây bức xúc lớn trong dư luận

Bức xúc trên mạng

Nhà báo, Facebooker Nguyễn Đức bình luận hôm 22/3 trên trang cá nhân :

"Ma tăng Chùa Ba Vàng đủ yếu tố cấu thành tội lợi dụng tín ngưỡng tôn giáo và lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Cúng một lễ oan gia mà bắt người dân nộp 950 triệu. Thật là cưỡng đoạt bá tánh vốn mê lầm tin lời ma sư.

Đây là đường dây lừa đảo trùm sò nhất bị lộ".

bavang3

Trang FB của Nguyễn Đức - Hình ảnh ĐứcĐỨC

"Tôi đã trao đổi với một số đại biểu quốc hội. Theo đó, các đại biểu đề nghị cơ quan chức năng vào cuộc điều tra hành vi vi phạm pháp luật của những kẻ mượn danh Phật, nhân danh đạo pháp để gây rối loạn, gieo mê tín u mê cho xã hội.

Để những kẻ mượn áo nhà sư trục lợi, làm bậy thì khác nào mặc nhiên cho tà đạo lên ngôi nhiễu loạn chúng sinh.

Họa này phải dẹp !"

bavang4

Người dân xếp hàng chờ đến lượt vào 'thỉnh vong' ở chùa Ba Vàng

"Start-up chùa"

Facebooker Ngọc Lan thì có cái nhìn hóm hỉnh, bình luận về chùa Ba Vàng dưới góc độ một 'start-up chùa'.

Chị nhận xét chùa này có hoạt động marketing "cực kỳ chuyên nghiệp, cả online, cả ofline", và biết nhìn ra cơ hội thị trường, "khai thác vào điểm yếu mù quáng của dân mình" và khôn ngoan tránh phải trả thuế khi tổ chức mô hình là chùa.

bavang5

Trang FB của Ngọc Lan - Hình ảnh Lan

"Họ nhìn ra cơ hội thị trưởng ở cái xứ này, họ khai thác vào điểm yếu mù quáng của dân mình. Khách hàng của họ có điểm yếu là hễ bị gì là tin do nghiệp, họ cung cấp gói giải nghiệp để khách hàng yên tâm.

Còn định giá chát, thì ông nào làm sản phẩm - dịch vụ cao cấp đều biết tâm lý "Đắt - sắt ra miếng". Quả là bậc thầy về tâm lý kinh doanh", Ngọc Lan viết.

Về người chủ trì chùa Ba Vàng, chị bình luận ông có khả năng "thuyết trình hơn cả đa cấp, trình vượt trội anh vũ trọc luôn. Vừa bán hàng mà không hề hạ mình, đứng trên đầu trên cổ khách hàng mà chốt sale.

"Đây là một mô hình doanh nghiệp đi đúng xu hướng kinh tế thị trường cần nhân rộng ở từng tỉnh, từng huyện", bài viết kết luận đầy châm biếm.

bavang6

Toàn cảnh chùa Ba Vàng

Ai bảo kê cho chùa Ba Vàng ?

Rất nhiều câu hỏi tiếp tục được đặt ra quanh vụ chùa Ba Vàng - ai cho phép xây chùa ? hoạt động 'thu tiền để thỉnh vong' của chùa có hợp pháp ? và nhất là ai là người chống lưng cho các hoạt động này ?

Bài viết có tựa đề "Ai bảo kê cho chùa Ba Vàng buôn tăng bán phật" của nhà báo Hoàng Hải Vân trên trang Facebook của ông được rất nhiều người bình luận và chia sẻ.

"Việc truyền bá mê tín dị đoan vong báo oán "mỗi năm thu trăm tỷ" của ngôi chùa Ba Vàng "kỷ lục Đông Dương" này là sự biến dị trơ tráo của tình trạng buôn tăng bán phật đang diễn ra khắp nơi. Việc lừa đảo trục lợi ở đây là rất khó chối cãi, cho nên cơ quan điều tra phải vào cuộc.

"Từ một ngôi chùa gỗ với một vài phế tích, chỉ trong vòng 10 năm người ta đã cho phép phá rừng để xây một ngôi chùa to hoành tráng trên diện tích hàng chục ngàn mét vuông thành "Ngôi chùa trên núi có chính điện lớn nhất Đông Dương" với số tiền trùng tu là gần 500 tỷ đồng (theo báo Nông thôn ngày nay).

"Giáo hội Phật giáo, dù là Trung ương, tỉnh hay trụ trì chùa Ba Vàng, đều không có khả năng tự mình phá rừng làm chùa. Cơ quan nào cho phép phá rừng ? Cơ quan nào cấp phép xây chùa ? Ai bảo kê cho các hoạt động lừa đảo phi pháp của ngôi chùa này ? Đó là các câu hỏi cần được các cơ quan bảo vệ pháp luật trả lời, nếu các cơ quan này muốn bảo vệ sự minh bạch của luật pháp, của chính sách tôn giáo và bảo vệ đồng bào Phật tử.

"Đây không phải là hoạt động tôn giáo hợp pháp. Đây rõ ràng là điển hình của sự lợi dụng tôn giáo để trục lợi. Các vị luật sư đừng nói do người nộp tiền đều tự nguyện nộp tiền nên không phạm tội hình sự nhé, dùng thần quyền đẩy người ta vào tròng để tước đoạt so với dùng thế quyền để tước đoạt không khác gì nhau đâu !"

bavang7

Trang FB của Hoàng Hải Vân - Hình ảnh Hoàng

Trong khi đó, trên mạng ngày 24/3 đã xuất hiện video phỏng vấn cựu thứ trưởng ngoại giao Việt Nam Nguyễn Thanh Sơn lên tiếng bênh vực chùa Ba Vàng.

Ông Sơn nói : "Tôi chưa một lần đến chùa Ba Vàng, chưa gặp Thầy Trúc Minh nhưng theo dõi rất nhiều bài trên mạng".

"Tôi đánh giá đây là hoạt động hiệu quả, hội tụ rất nhiều phật tử. Ngần ấy con người chịu đến nghe trong nhiều năm, chả nhẽ Thầy lừa được nhiều người thế", ông Sơn nói.

Chiều 20/3, sau khi giới truyền thông trong nước đồng loạt đưa tin về chùa Ba Vàng, Đại đức Thích Trúc Thái Minh đã có buổi "pháp thoại" phát sóng trực tiếp trên trang web lẫn mạng xã hội.

Ông cho rằng vì "chùa lớn, có tiếng trong tỉnh Quảng Ninh, cả nước và cả trên thế giới nên có những người ganh ghét, đố kỵ".

Về việc cầu thỉnh vong linh, sư thầy Thích Bảo Tiến, phụ trách pháp thỉnh oan gia trái chủ nói "Tất cả khổ đều do duyên, phật tử không nên than trời, trách đất mà phải đổ cho kiếp trước, cái nghiệp của mình nhưng do mình vô minh nên không biết".

Cùng ngày, Đại diện Giáo hội Phật giáo Việt Nam nói trong học thuyết Phật giáo không có chuyện thỉnh, giải oan gia trái chủ như Chùa Ba Vàng và lời lý giải của Phật tử Phạm Thị Yến cũng không đúng với giáo lý nhà Phật, trái đạo đức xã hội.

Sang ngày 25/03, thành phố Uông Bí có văn bản yêu cầu trụ trì chùa Ba Vàng chấm dứt các hoạt động 'thỉnh vong', 'cúng oan gia trái chủ' tại chùa này.

****************

Trụ trì chùa Ba Vàng bị đề nghị đình chỉ các chức vụ trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam (RFA, 26/03/2019)

Bị kết luận là "làm tổn thương đến thanh danh Giáo hội" Đại đức Thích Trúc Thái Minh, Trụ trì chùa Ba Vàng bị đề nghị đình chỉ các chức vụ hiện nay như Phó Trưởng Ban Thông tin Truyền thông Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam (Giáo hội Phật giáo Việt Nam), Phó Trưởng Ban thường trực Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Lai Châu.

bavang8

Đại đức Thích Trúc Thái Minh, trụ trì Chùa Ba Vàng, Quảng Ninh - Courtesy of FB Chùa Ba Vàng

Chiều 26/3, thông tin với báo giới sau cuộc họp kín kéo dài về vụ "thỉnh vong cúng oan gia trái chủ" ở ngôi chùa có chánh điện lớn nhất Việt Nam, Hòa thượng Thích Gia Quang - Phó chủ tịch kiêm Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam đọc thông báo như trên và từ chối trả lời thêm câu hỏi của báo chí.

Theo đó, việc sư thầy Thích Trúc Thái Minh để cho Phật tử Phạm Thị Yến đăng đàn thuyết pháp tại chùa Ba Vàng thời gian qua là không đúng, với tư cách là trụ trì chùa Ba Vàng phải chịu toàn bộ trách nhiệm về việc này. Giáo hội yêu cầu chùa Ba Vàng chấm dứt hoạt động thỉnh vong, cúng oan gia trái chủ.

Kết luận cũng nói, Đại đức Thích Trúc Thái Minh và chùa Ba Vàng đã vi phạm Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, làm tổn thương đến thanh danh Giáo hội, đến Tăng đoàn.

Do đó, Thường trực Hội đồng trị sự phía Bắc đề xuất Hòa thượng, Chủ tịch Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam ngay lập tức ra quyết định tạm đình chỉ mọi chức vụ trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam, trong khi chờ Hội nghị Ban thường trực Hội đồng trị sự ra quyết định cách chức theo đúng quy định tại Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam tu chỉnh lần thứ VI. 

Báo điện tử Vietnamnet dẫn lời của Hòa thượng Thích Gia Quang cho biết, trong buổi họp giao ban của Ban Trị sự thường trực Giáo hội Phật giáo Việt Nam phía Bắc xem xét về vụ việc tại chùa Ba Vàng, có sự tham gia của đại diện Ban Tôn giáo chính phủ và đặc biệt là đại diện Cục An ninh nội địa.

Sư thầy Thích Trúc Thái Minh - tên thật là Vũ Văn Hiếu hiện giữ các chức vụ : Ủy viên dự khuyết Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam (Giáo hội) ; Phó ban Thông tin truyền thông của Giáo hội ; Phó ban thường trực Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Lai Châu, Ủy viên thường trực Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Quảng Ninh, Trụ trì chùa Ba Vàng, Trụ trì chùa Diên Phúc.

Theo quyết định, ông Thích Trúc Thái Minh cũng phải sám hối trước Đại tăng, giao cho Thượng tọa Thích Thanh Quyết, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trưởng ban Giáo dục Phật giáo Trung ương, Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh làm Thầy giáo giới cho Đại đức Thích Trúc Thái Minh theo luật pháp.

**********************

Phật tử chùa Ba Vàng Phạm Thị Yến bị phạt 5 triệu đồng (RFA, 26/03/2019)

Bà Phạm Thị Yến, phật tử chùa Ba Vàng, vừa bị Ủy ban Nhân dân thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh xử lý hành chính hành vì vi phạm nếp sống văn hóa với mức phạt là 5 triệu đồng. Ông Nguyễn Mạnh Hà, Chủ tịch UBND thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh cho báo chí biết tại buổi họp báo hôm 26/3.

bavang9

Bà Phạm Thị Yến trong một lần thuyết giảng - Ảnh chụp màn hình Youtube Câu lạc bộ Cúc Vàng

Sáng ngày 26/3/2019, lãnh đạo thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức họp báo về vụ việc "thỉnh oan gia trái chủ ở chùa Ba Vàng" gây xôn xao dư luận thời gian qua mà không có sự tham gia của sư trụ trì Thích Trúc Thái Minh và bà Phạm Thị Yến, người xuất hiện trong các đoạn clip trên mạng xã hội.

Mạng báo Zing.vn, dẫn lời ông Nguyễn Mạnh Hà, Chủ tịch UBND thành phố Uông Bí cho biết, Phật tử Phạm Thị Yến, pháp danh Tâm Chiếu Hoàn Quán sẽ bị xử phạt 5 triệu vì "vi phạm nếp sống văn hóa" và sẽ xem xét xử lý hình sự thêm với bà này nếu có dấu hiệu lừa đảo.

Theo khoản 2 điều 15 của Nghị định 158 năm 2013 của Bộ Văn Hóa Thể Thao và Du lịch Việt Nam quy định phạt tiền từ 3 triệu đến 5 triệu đồng đối với một trong các hành vi như lợi dụng hoạt động lên đồng, xem bói, gọi hồn, xin xăm, xóc thẻ, yểm bùa, phù chú, truyền bá sấm trạng và các hình thức tương tự khác để trục lợi.

Hôm 20/3/2019, báo Người Lao Động đăng tải phóng sự với tiêu đề "Gọi vong chùa Ba Vàng - bí ẩn nguồn thu trăm tỉ" trong đó nêu ra những hoạt động ở ngôi chùa bề thế ở miền Bắc Việt Nam trong thời gian qua mà dư luận cho là mê tín dị đoan, cùng với việc đặt ra câu hỏi về số tiền thu của người dân đến cúng dường ở đây đi về đâu.

Đại đức Thích Trúc Thái Minh nhiều lần khẳng định, hoạt động "thỉnh oan gia trái chủ" ở chùa là đúng với chánh pháp theo Kinh Từ bi Thủy Sám, tuy nhiên Hòa thượng Thích Nhật Từ bác bỏ điều này và cho rằng đây không phải là kinh điển cho Phật Thích Ca Mâu Ni thuyết giảng.

Cũng trong cuộc họp báo, chính quyền Uông Bí cũng cho biết, bà Phạm Thị Yến là công dân sống tại thành phố Hạ Long. Lãnh đạo thành phố đã yêu cầu cơ quan chức năng rà soát các trường hợp tạm trú tại chùa Ba Vàng và yêu cầu bà Yến trở về nơi cư trú.

Bà Phạm Thị Yến đồng thời cũng là chủ tịch câu lạc bộ Cúc Vàng. Bà thường xuyên có các bài giảng được phát lại trên youtube. Một số bài giảng của bà Yến gần đây khiến dư luận bức xúc như khi bà nói việc cô gái giao gà bị hiếp và giết hại hồi Tết nguyên đán vừa qua là do đã phạm tội sát sinh trong kiếp trước, hay bà nói những anh hùng liệt sỹ hy sinh là vi nghiệp trong kiếp trước. Bà cũng có những video dạy chữa bệnh bằng cách bôi dầu hỏa lên người và cạo gió đến thâm tím người mà bà nói là để lôi hết độc ra ngoài.

***********************

Tai tiếng vụ chùa cúng vong đặt ra câu hỏi về ‘tha hóa’ Phật giáo ở Việt Nam (VOA, 26/03/2019)

Gần mt tun nay, dư lun xã hi Vit Nam rúng đng và có nhiu tho lun v v n cư sĩ ti mt ngôi chùa thu nhng khon tin ln đ "thnh vong", "gii oán" cho nhng người đi chùa. T v vic do báo chí trong nước đưa ra ánh sáng, nhiu người đt câu hi phi chăng có s biến tướng, tha hóa ti nhng ngôi cha thuc Giáo hi Pht giáo Vit Nam.

taitieng1

Chùa Ba Vàng (Quảng Ninh) gp rc ri vì thu tin đ "gii vong"

Vụ bê bi được báo Lao Đng đưa tin trước tiên vào ngày 20/3 trong mt lot phóng s dài kỳ, và sau đó tiếp tc được tường thut trên nhiu báo đài khác như Soha, Pháp Luật Vit Nam, VTV, VTC.

Các bài phóng sự viết rng bà Phm Th Yến, n cư sĩ ti chùa Ba Vàng tnh Qung Ninh, thường "rao ging nhng chuyn hoang đường" cho rng nhng tai ha mà nhiu người gánh chu hin này là do li sng "tin kiếp" và "các vong linh báo oán gây ra".

Bất chp nhiu điu phi lý trong các li rao ging ca n cư sĩ 49 tui, vn có hàng chc ngàn người đến gp bà Yến mi năm đ "thnh vong", "gii oán", theo các bn tin. Bà Yến thu ca mi người t vài triu cho đến hàng t đng đ đi li vic bà "giúp" h thoát khi nhng xui xo, bnh tt, tin cho hay.

Qua tìm hiểu, VOA được biết vic làm ca n cư sĩ Phm Th Yến nhn được s đng tình t v sư tr trì chùa Ba Vàng, có pháp danh là Thích Trúc Thái Minh.

Theo các nguồn thông tin công khai, Đại đc Thích Trúc Thái Minh, 52 tui, tr thành tr trì chùa Ba Vàng hi năm 2007. Ông đã kêu gi pht t đóng góp cho vic xây dng li và m rng chùa gp nhiu ln t năm 2011. Sau đó 3 năm, chùa Ba Vàng t mt ngôi chùa g nh đã lp kỷ lc là "ngôi chùa trên núi có tòa chính đin ln nht Vit Nam (4.500 m2)".

Các bản tin trong nước nói v hòa thượng Thái Minh tng phát biu rng "có vong linh, ma qu đi theo người, gây bnh tt."... Trong khi đó, nhiu nhà tu hành khng đnh là thuyết "vong báo oán" không có trong giáo lý nhà Pht.

Nhà sư có pháp danh Huyn Không hiện tu ti mt ngôi chùa Ba Vì, Hà Ni, nói vi VOA :

"Trong đạo Pht không cho phép người ta làm cúng vong vi c cu siêu. 20 năm trước tôi đã lên án vic này. Càng ngày mê tín d đoan Vit Nam càng gây nên cho dân nhng cái mê mui, còn đi vi Phật giáo thì làm uế tp nhng người đang tu hành theo bát chính đo".

VOA quan sát thấy nhiu người Vit Nam bày t trên mng xã hi h rng "bàng hoàng", "phn n" v nhng gì din ra ti cha Ba Vàng. Báo chí trong nước nói hot đng ca bà Phm Th Yến mang lại "ngun thu c trăm t đng" cho ngôi chùa.

Viết trên trang cá nhân, nhà báo Hoàng Hi Vân gi s vic chùa Ba Vàng là "s biến d trơ tráo ca tình trng buôn tăng bán pht" không ch riêng ngôi chùa đó mà theo ông còn "đang din ra khp nơi".

Facebooker có hơn 92.000 người theo dõi này đt ra các câu hi "Cơ quan nào cp phép xây chùa ? Ai bo kê cho các hot đng la đo phi pháp ca ngôi chùa này ?" và nhn mnh "Đó là các câu hi cn được các cơ quan bo v pháp lut tr li, nếu các cơ quan này muốn bo v s minh bch ca lut pháp, ca chính sách tôn giáo và bo v đng bào Pht t".

taitieng2

Chùa Ba Vàng (Quảng Ninh) nhìn t ngoài

Trong khi đó, một nhà báo kỳ cu khác, ông Chu Vĩnh Hi, nêu quan đim cá nhân rng s vic ti chùa Ba Vàng nói riêng, và nhiu chùa chin khác trên đt nước Vit Nam nói chung, có nguyên nhân t vic chính quyn "chính trị hóa" Pht giáo.

"Phương châm Đo Pháp-Dân Tc-Ch Nghĩa Xã Hi ca Pht giáo là ngun cơn ca s tha hóa và biến tướng trong Pht giáo", ông Hi viết trên trang Facebook cá nhân.

Lâu nay, có những thông tin truyn ming cho rng nhiu nhà sưđảng viên Đng Cng sn Vit Nam, sĩ quan quân đi hoc sĩ quan công an.

VOA không có điều kin đ kim chng các thông tin đó mt cách đc lp. Tuy nhiên, hi tháng 3/2018, khi Hòa thượng Thích Thanh Sam viên tch, báo Nhân Dân ca đng đăng tiu s ca v hòa thượng có đon cho hay ông có huy hiu 50 năm tui đng.

Nhà báo Chu Vĩnh Hải đim li lch s rng trong thi kỳ Chiến tranh Vit Nam trước năm 1975, "nhng người cng sn đã tiến hành lôi kéo Pht giáo min Nam đng v phe mình, và h phn nào đã thành công". Tiếp đến, ông Hi nhn đnh là "gi đây chính quyn Hà Ni đang thành công trong việc thao túng Giáo hi Pht giáo Vit Nam".

Ông Hải nêu quan đim rng mt khi b thao túng như vy, "s tha hóa, biến tướng ca Giáo hi Pht giáo Vit Nam din ra là điu tt yếu". Và theo nhà báo kỳ cu này, s tha hóa, biến tướng đó "sẽ không bao gi dng li".

Các bài viết, quan đim do ông Hoàng Hi Vân và Chu Vĩnh Hi đưa ra được hàng trăm người khác chia s tiếp thông qua mng xã hi, vi hàng nghìn phn ng "yêu, thích".

Bình luận v mi liên quan gia hot đng chính tr và nhà tu hành Phật giáo, nhà sư Huyn Không nói vi VOA :

"Những người tu h ch tu theo Pht ch không dính đến nhng chuyn chính tr hoc nhng cái kinh tế đi theo. Nếu mà tu còn mang màu sc chính tr, hoc cho mt đng phái nào thì đy là nhng người tu gi. Phi đi theo Pht là Pht ca đi chúng, ch không phi là Pht ca mt đt nước nào hết".

Nhà sư nói thêm rng "Pht trong tâm" và nhng người xây chùa to "ch làm tn phước ca nhng pht t".

Trước nhng bài báo và ý kiến n ào ca dư lun v v bối chùa Ba Vàng, ti mt bui hp báo hôm 25/3, trung tướng Lương Tam Quang, người phát ngôn ca B Công an cho biết chính quyn tnh Qung Ninh, Trung ương Giáo hi Pht giáo Vit Nam, và Ban Tôn giáo Chính ph đã yêu cu kim tra v v vic. Trung tướng Quang nói thêm rng "trong quá trình kim tra, nếu có du hiu vi phm pháp lut s x lý theo đúng quy đnh".

Việt Nam có chưa đến 10% dân s là Pht t, theo cuc Tng điu tra Dân s và Nhà năm 2009. Tuy nhiên, cũng có mt s ước tính khác cho rng khoảng 45-50 triu người Vit Nam "có tín ngưỡng Pht giáo".

********************

"Chùa Ba vàng hóa số phận chính khách" (VNTB, 25/03/2019)

Chùa Ba Vàng – ngôi chùa tại Quảng Ninh đang làm mưa làm gió trên báo chí nhà nước lẫn quốc tế. Lần đầu tiên, ngôi chùa bị chỉ trích đích danh là "buôn vong, đi ngược giá trị Phật giáo", và thu hút sự chỉ trích mạnh mẽ của dư luận.

bavang1

Chùa Ba Vàng về đêm - Ảnh minh họa

Người đứng đầu Chùa Vàng, Đại đức Thích Trúc Thái Minh - trụ trì chùa Ba Vàng tuyên bố : chùa lớn nên bị ganh ghét, ngoại đạo ác hại. 

Nhưng trong một nguồn tin được truyền tải hẹp trên mạng xã hội, việc đánh chùa Vàng đã bắt đầu có kế hoạch từ năm trước và tăng tốc trong quý 1 năm 2019, và sẽ kéo dài đến hết năm 2019 cho đến khi ra một kết quả chính trị.

Kết quả chính trị là gì ?. Là một chuỗi hình ảnh có dính dáng đến một vị Ủy viên Bộ Chính trị, gương mặt sáng cho ngôi vị tứ trụ tương lai, ông Phạm Minh Chính. Và ông Phạm Minh Chính, Trung tướng công an, hiện đang giữ chức vụ Trưởng ban Tổ chức trung ương Đảng cộng sản Việt Nam. Và người khởi động phong trào đánh vào gương mặt chính trị hiện đang là người nằm trong tứ trụ.

Nhiều Facebooker nổi tiếng như Mai Quốc Ấn đã đặt câu hỏi về việc diệt trừ mê tín dị đoan thật, hay chỉ đơn thuần là chiêu trò trước Đại hội Đảng XIII.

Nếu xét theo chiêu trò chính trị, sự hạ bệ chính trị nhằm đạt được vị trí nhân sự chủ chốt trong tương lai được tận dụng khá triệt để. Từ khi quanlambao cho đến chandungquyenluc, đã cho thấy, sự đấu đá nội bộ nằm trong khối thống nhất lý thuyết mang tên Đảng cộng sản Việt Nam. Nhưng chùa Ba Vàng lần này đánh thẳng vào những điều mà đảng viên không được làm, mặc dù về mặt thực tế - những con người vô thần luôn hữu thần.

Trong tuyên bố mới đây, ông Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tuyên bố sự cẩn trọng về mặt nhân sự, mặc dù thời điểm Đại hội Đảng Đảng cộng sản Việt Nam 2 năm nữa mới được tiến hành. Chọn lọc nhân sự, không chỉ đề phòng việc lọt vào những con người tự chuyển biến – tự chuyển hóa, mà còn là về đạo đức của người cách mạng.

Hãy nhìn về cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Bắc Hà và bộ sậu của ông ta, những hình ảnh được Osin Huy Đức đưa lên để "đả phá" lại là hình ảnh đang ngồi chắp tay trước Phật giáo, còn cố Chủ tịch nước Trần Đại Quang là chuỗi tràng đeo trên cổ với sự khẩn cầu từ Phật. Trong khi đó, ông Nguyễn Phú Trọng, hình ảnh giao tiếp của ông là về Lý Thái Tổ. Có thể giải thích được là, ông Nguyễn Phú Trọng hoàn toàn vô thần, nhưng trên cả, là sự cẩn trọng trong duy trì đạo đức tối cao của người vô thần. Và khi ông Trọng, trong tay thâu vén quyền lực, cũng duy trì một thái độ nghiêm khắc đối với hệ đảng viên, đặc biệt đảng viên cao cấp trong nhãn quan vô thần của mình.

Trở lại vấn đề về chùa Ba Vàng, sự dồn dập của báo chí lần này dường như có chủ ý, và việc mạng xã hội có những hình ảnh ông Phạm Minh Chính với nhóm trụ trì của chùa Ba Vàng là một sự tác động dư luận. Sự sai phạm của chùa Ba Vàng có thể là tiền đề để mở ra các sai phạm về mặt chính trị của ông Chính trong tương lai, và điều này trở nên hệ trọng đối với một ngôi sao chính trị trước thềm Đại hội Đảng khóa XIII trước đó.

"Ngoại đạo ác hại", trở thành một hàm ý có thể mở rộng cho những đấu đá chính trị của Việt Nam.

Nhưng câu chuyện của quanlambao, chandungquyenluc, hay cả câu chuyện chùa Ba Vàng (nếu được xác thực trong tương lai) đã cho thấy một vấn đề rất rõ ràng trong nền chính trị Việt Nam hiện tại, đấy là mà những đảng viên ngồi trong Hội trường Ba Đình đều mang trong tì vết, và sự leo cao trong nền chính trị hiện tại hoàn toàn là những bước đi móc ngoặt, hoặc những chỗ dựa sai phạm mà bản thân các đảng viên đều ngầm biết nhau, chỉ đến khi "tiến thân" thì sai phạm đó được bộc lộ ra ngoài và trở thành gót chân Asin.

Điều thứ ba, Chùa với nguồn thu lợi nhuận hàng trăm ngàn tỷ đồng, và lành tính hơn so với BOT, nhưng giống như BOT, nó trở thành một sân sau cho các quan chức tiến nhanh và mạnh, tạo thành sự hợp lực giữa tiền và quyền. Nó là sự bắt tay giữa các lợi ích nhóm, và khi cần thì nó sẽ trở thành một nơi "hóa vàng" cho số phận chính trị của một cá nhân nào đó.

Một nền chính trị đấu đá, sáng tối xen kẻ, âm dương chằng chịt đã trở thành một kiểu mẫu của một nền cách mạng Việt trong thời đại mới.

An Viên

******************

Chùa Ba Vàng : Giáo hội Phật giáo Việt Nam hứa xử lý nghiêm nếu có sai phạm (RFA, 25/03/2019)

Giáo hội Phật giáo Việt Nam mới đây cho Thông tấn xã Việt Nam biết Giáo hội sẽ có hình thức xử lý nghiêm khắc nếu phát hiện những sai phạm được báo chí đưa liên quan đến vụ Chùa Ba Vàng do đại đức Thích Trúc Thái Minh trụ trì là đúng. Tuổi trẻ loan tin này hôm 25/3.

bavang2

Toàn cảnh chùa Ba Vàng. Photo : facebook chua Ba vang

Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho biết giáo hội đã có văn bản chỉ đạo Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh để tổ chức ngay buổi họp với đại đức Thích Trúc Thái Minh về vụ Chùa Ba Vàng bị tố cáo làm các lễ thỉnh vong.

Người đại diện giáo hội cho biết giáo hội sẽ họp vào ngày 26/3 để kiểm điểm những sự việc xảy ra và sẽ không nương nhẹ những hoạt động không đúng trong cơ sở thờ tự của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Những ngày gần đây, báo chí trong nước đồng loạt có những bài viết về hoạt động thỉnh vong tại Chùa Ba Vàng và cho biết hoạt động này đã đem lại cho chùa mỗi năm hàng trăm tỷ đồng.

Hôm 21/3, báo Pháp Luật cho biết hai năm trước Giáo hội Phật giáo tỉnh Quảng Ninh đã lên tiếng cảnh báo về hoạt động này khi có dư luận phản ánh về tình trạng gọi vong tại chùa.

Cụ thể, Giáo hội Phật giáo tỉnh Quảng Ninh lúc đó đã có văn bản báo cáo Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Quảng Ninh, đề nghị ngăn chặn hoạt động mê tín dị đoan diễn ra tại chùa Ba Vàng nhưng ý kiến của Giáo hội Phật giáo tỉnh Quảng Ninh rơi vào im lặng.

Ban Tôn giáo chính phủ hôm 22/3 đã lên tiếng về những hoạt động trục vong, gọi hồn ở chùa Ba Vàng, tỉnh Quảng Ninh là vi phạm luật tín ngưỡng, tôn giáo, không phù hợp với truyền thống và phải loại bỏ khỏi các cơ sở Phật giáo.

Trong khi đó, hôm 25/3, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Quảng Ninh cho biết, sở đã phối hợp với Công an tỉnh kiểm tra việc đăng ký và hoạt động các trang web của chùa Ba Vàng và bà Phạm Thị Yến, một phật tử của Chùa Ba Vàng, như chuabavang.com.vn ; phamthiyen.com ; thaythichtructhaiminh.com.

Theo đó, các trang thông tin này đều chưa chấp hành các quy định của pháp luật về đăng ký, sử dụng tên miền quốc tế và tổ chức hoạt động đối với các trang thông tin điện tử, chưa được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép hoạt động. Sở này yêu cầu các trang thông tin nêu trên chỉ được phép hoạt động trở lại khi đã được cấp phép, thông báo sử dụng theo quy định. Đại diện chùa Ba Vàng đã thừa nhận vi phạm trên.

****************

Chùa Ba Vàng đột ngột ngừng ‘gọi vong, cúng oan gia trái chủ’ (Người Việt, 24/03/2019)

Chùa Ba Vàng đột ngột ngừng "gọi vong, cúng oan gia trái chủ" sau mấy ngày dậy sóng dư luận vì bị báo chí trong nước xúm vào kể tội và bị nhà cầm quyền mở cuộc điều tra.

bavang8

Người thưa thớt trước cổng chùa Ba Vàng sau mấy ngày dậy sóng dư luận. (Hình : Kiến Thức)

Nhiều báo tại Việt Nam cho hay từ ngày 23 Tháng Ba, chùa Ba Vàng thuộc thành phố Uông Bí tỉnh Quảng Ninh thông báo với các phật tử về việc tạm thời dừng các hoạt động "gọi vong" để cúng "oan gia trái chủ".

Vì những lùm sùm dậy sóng dự luận hồi tuần qua, lượng người đổ về chùa Ba Vàng trong ngày Thứ Bảy 23 Tháng Ba, 2019 được ghi nhận là giảm hẳn, không còn cảnh chen chúc, đầy nghẹt người tới ghi danh để được "gọi vong".

Đồng thời, bà Phạm Thị Yến, người nổi tiếng trong các clip video "giảng pháp vong báo oán, oan gia trái chủ" để "thu tiền giải nghiệp" từ hàng triệu tới hàng chục triệu đồng, đã không còn thấy xuất hiện tại chùa Ba Vàng, theo tờ Thanh Niên. Trước phản ánh của báo chí, công an Uông Bí, "đang trong quá trình điều tra, củng cố hồ sơ và chưa triệu tập bà Yến".

Bà Phạm Thị Yến (chủ nhiệm câu lạc bộ Cúc Vàng chùa Ba Vàng) bị một số báo lôi đời tư của bà ra kể. Trước khi trở thành "người nhà chùa", bà vốn là một thợ may ở Hải Phòng, gia đình lục đục vì chuyện mê tin dị đoan dẫn đến ly dị, bỏ con cho chồng nuôi. Bà cũng bị một số báo thuật lại lời hai người chị của bà kể chuyện chính bà Yến cũng không giúp mẹ bà thoát chết dù đã đến chùa Ba Vàng chữa bệnh bằng "trục vong".

Nhiều báo dẫn văn bản của nhà cầm quyền thành phố Uông Bí buộc trụ trì chùa Ba Vàng "chấm dứt hoạt động không có trong danh mục hoạt động tôn giáo" vì "Việc tuyên truyền giảng pháp của phật tử Yến gây bất bình trong dư luận, tiềm ẩn nguy cơ gây mất an ninh trật tự trên địa bàn".

Việc "thỉnh vong, cúng oan gia trái chủ" không thấy liệt kê trong danh mục các hoạt động của chùa Ba Vàng gửi cho nhà cầm quyền cũng như tới cơ quan có nhiệm vụ theo dõi hoạt động tôn giáo là "Ban Tôn Giáo Chính Phủ", theo tờ Lao Động. Thêm nữa, cơ quan này nói các hiện tượng "trục vong", gọi hồn" không có trong truyền thống Phật giáo, nếu các cơ sở thờ tự Phật giáo thực hiện việc trên là đang vi phạm Luật tín ngưỡng, tôn giáo".

Mấy ngày qua, báo chí trong nước cũng dẫn lời viên chức cấp cao của Giáo hội Phật giáo được nhà cầm quyền công nhận, thường bị gọi là "Phật giáo quốc doanh" lên tiếng phủ nhận những nghi thức "trục vong" và đền tội cho cái "ác nghiệp" trong tiền kiếp bằng những số tiền nhiều khi nạn nhân không đủ khả năng chi trả, là không có trong giáo lý Phật giáo.

bavang9

Bà Phạm Thị Yến thuyết giảng tại chùa Ba Vang. (Hình : chùa Ba Vàng)

Đại đức Thích Trúc Thái Minh tên thật là Vũ Minh Hiếu, năm nay 52 tuổi, quê ở xã Lâm Thao huyện Lương Tài tỉnh Bắc Ninh. Ông tốt nghiệp Đại Học Kinh tế Quốc dân (Hà Nội), ở lại trường làm giảng viên một thời gian rồi "chuyển công tác về Viện Nghiên cứu chế tạo máy của Bộ Công Thương, được bầu làm bí thư Đoàn. "

Giữa năm 1998, ông đến Trúc Lâm Thiền Viện tại Đà Lạt làm lễ phát bồ đề tâm và đến tập sự xuất gia tại chùa Diên Phúc (Hà Tây cũ). Sau hai tháng thực tập, giữa năm 1999, ông trở lại Thiền Viện Trúc lâm Đà Lạt xin xuất gia, lấy pháp danh là Thích Trúc Thái Minh.

Năm 2001, sư Thái Minh quay ra Bắc, cùng góp sức xây dựng thiền viện Trúc lâm Yên Tử. Ông được Ban Lãnh Ðạo Thiền Viện cử làm tri khách tăng. Năm 2007, ông làm trụ trì chùa Ba Vàng cho đến nay.

Khi ông mới về làm trụ trì, chùa Ba Vàng chỉ là một chùa rất nhỏ. Nhưng ông có công "vận động" Phật tử "đóng góp" để xây dựng được một ngôi chùa khi khánh thành năm 2014 được mô tả là có chánh điện lớn nhất Đông Nam Á, lớn hơn hẳn những nước có truyền thống Phật giáo gần như quốc giáo như Thái Lan, Myanmar, Lào, Cambodia.

Đại đức Thích Trúc Thái Minh từng xác nhận trong một bài giảng pháp về "trục vong", giải oán, những tội lỗi trong tiền kiếp có hậu quả trong đời sống hiện tại cần phải được "giải nghiệp". Hoạt động "trục vong" có vể giống như hoạt động "gọi hồn", "lên đồng" qua một người khác "nhập" để kể lể.

Tờ Trí Thức Trẻ dẫn lời đại đức Thái Minh nói trong một buổi giảng pháp tuần qua rằng Chùa Ba Vàng là chùa lớn nên "bị ganh ghét, đố kỵ".

Một số báo cũng kể lại những quy định tu tập khác thường tại chùa Ba Vàng khiến nhiều tu sĩ phải bỏ đi. Ông Thái Minh cũng từng bị cấp trên của ông là ông hòa thượng Thích Thanh Quyết và nhà cầm quyền tỉnh "xử lý" sai phạm nhiều lần nhưng rồi "đâu lại vào đấy".

Theo tờ Đất Việt "Sau khi có nhiều thông tin phản ánh về "thỉnh vong, oan gia trái chủ", chùa Ba Vàng dừng hoạt đông này nhưng vẫn nhận đăng ký của các Phật tử. Điều này dẫn đến nghi vấn là rất có thể, hoạt động này rất có thể được rút vào "bí mật" vì "cá nhân nào có nhu cầu thực hiện "thỉnh vong, oan gia trái chủ" để chữa bệnh thì vẫn được cư sĩ phát cho tờ phiếu đăng ký, rồi nhà chùa sẽ chủ động liên lạc thông báo lại".

Vụ việc tại chùa Ba Vàng đến đây chắc vẫn chưa hết chuyện. (T.N)

********************

Chùa Ba Vàng ngưng làm lễ thỉnh vong (RFA, 24/03/2019)

Truyền thông trong nước hôm 24/3 cho biết chùa Ba Vàng ở Quảng Ninh vốn đang bị sức ép của dư luận về các lễ cúng "oan gia trái chủ" vừa quyết định ngưng tiếp nhận thỉnh vong và giải vong sau khi có công văn của Uỷ ban Nhân dân thành phố Uông Bí yêu cầu chùa chấm dứt hoạt động này.

bavang10

Hình ảnh một buổi lễ ở Chùa Ba Vàng, Quảng Ninh - Courtesy of FB Chùa Ba Vàng

Các báo trong nước cho biết, vào ngày 22/3, ông Phạm Tuấn Đạt, Phó Chủ tịch UBND thành phố Uông Bí (tỉnh Quảng Ninh) đã ký văn bản gửi trụ trì chùa Ba Vàng, yêu cầu chấm dứt hoạt động không có trong danh mục hoạt động tôn giáo. Công văn được báo chí trích nêu rõ : "qua rà soát và theo dõi, hoạt động tôn giáo diễn ra tại chùa Ba Vàng cơ bản thực hiện theo danh mục Chùa Ba Vàng đã đăng ký. Tuy nhiên còn có các hoạt động tín ngưỡng trong cơ sở tôn giáo chưa đúng với danh mục đăng ký với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền". Công văn viết tiếp "Cụ thể nghi thức thỉnh vong, cúng oan gia trái chủ, các hoạt động giảng pháp do Phật tử Phạm Thị Yến, chủ nhiệm câu lạc bộ Cúc Vàng, Phạt tử chùa Ba Vàng thực hiện. Việc tuyên truyền giảng pháp của Phật tử Yến gây bất bình trong dư luận nhân dân, tiềm ẩn nguy cơ gây mất an ninh trật tự trên địa bàn".

Cũng trong ngày 22/3, Ban Tôn giáo chính phủ cũng đã lên tiếng về các hoạt động thỉnh vong ở Chùa Ba Vàng, gọi đây là những hoạt động vi phạm luật tín ngưỡng, tôn giáo, không phù hợp với truyền thống và phải loại bỏ khỏi các cơ sở Phật giáo.

Trong ngày 24/3, trang chủ của Chùa Ba Vàng cũng không truy cập được. Thay vào đó, trang có dòng thông báo trang đang được xây dựng. Các kênh youtube và facebook của chùa hiện vẫn hoạt động bình thường.

Việc chùa Ba Vàng tổ chức các lễ thỉnh vong đã được thự hiện từ nhiều năm nay. Báo chí trong nước đã có nhiều bài về hoạt động này trong vài ngày gần đây, và tố cáo chùa đã thu hàng trăm tỷ đồng mỗi năm từ hoạt động này.

Sự việc được báo chí trong nước chú ý tới sau khi một đoạn video được lan truyền trên mạng cho thấy bà Phạm Thị Yến trong một buổi thuyết giảng các Phật tử nói rằng cô gái giao gà bị hiếp và giết hại hôm Tết nguyên đán vừa qua là do oan tiền kiếp. Những lời nói của bà Yến đã gây bất bình trong dư luận và khiến báo chí vào cuộc.

Hôm 21/3, Đại đức Thích Trúc Thái Minh, trụ trì chùa Ba Vàng tổ chức nói chuyện có quay trực tuyến với hàng trăm Phật tử, trong đó vị Đại đức nói rằng các lễ oan gia trái chủ ở chùa là có thật và là do nguyện vọng của người dân. Đại đức Thích Trúc Thái Minh cũng cáo buộc báo chí đã ghen ghét, vu khống nhà chùa.

Chùa Ba Vàng có từ thế kỷ thứ 18 nhưng đã được xây lại mới lại từ tháng 1/2011 và khánh thành vào tháng 3/2014, đồng thời nhận bằng kỷ lục "Ngôi chùa trên núi có Chính Điện lớn nhất Đông Dương", theo Vietnamnet.

Published in Việt Nam

Mỹ : ‘Việt Nam có thể mua thêm nhiều vũ khí Mỹ… nhưng kèm theo nhân quyền’ (VOA, 22/03/2019)

Ông Patrick Murphy, Phó trợ lý Ngoi trưởng M đc trách Đông Á và Thái Bình Dương, hôm 22/3 cho biết Hoa Kỳ s tiếp tc tăng cường năng lực hàng hi cho Vit Nam, đng thi thúc đy vn đ nhân quyn vi Hà Ni.

vn1

Ông Patrick Murphy, Phó trợ lý Ngoi trưởng M đc trách Đông Á và Thái Bình Dương.

Ông Murphy nói với các phóng viên : "Chúng tôi s tiếp tc các n lc tăng cường năng lc hàng hi ca Vit Nam. Điu này quan trng đi vi Vit Nam và vi khu vc. Cnh sát bin Việt Nam có th đóng góp nhiu cho khu vc".

Trả li mt phóng viên trong nước hi v vic M bán vũ khí sát thương cho Vit Nam, ông Murphy nói : "K t khi M d b lnh cm bán vũ khí sát thương cho Vit Nam, Vit Nam đã có th t do cân nhc vic mua vũ khí của M... Chúng tôi thy cơ hi hp tác vi Vit Nam trong mng này".

Ông nói với phóng viên Vit Nam qua đin thoi : "Hin nay Vit Nam có th t to đt mua thêm nhiu đơn hàng (vũ khí) hơn t M, nhưng còn v kế hoch mua và nhu cu mua vũ khí thì xin anh nên đt câu hi này vi chính ph Vit Nam".

Tuy nhiên, ông nói thêm : "Chúng tôi cũng xem xét các cơ hi mua bán này khi chúng tôi tiếp tc hp tác vi Vit Nam trong nhiu vn đ tng th và trao đi vi nhau mt cách thng thn v các khác bit gia hai nước chúng ta, bao gm c vn đ nhân quyn".

"Chúng tôi sắp có mt cuộc đi thoi nhân quyn vi Vit Nam. Và chúng tôi s nêu các khác bit này trong sut cuc đi thoi này".

Khi được hi v vn đ Bin Đông, nhà ngoi giao Hoa Kỳ nói : "V các hot đng t do hàng hi, Hoa Kỳ đã thc hin gn 30 cuc tun tra vào năm ngoái. Và theo chính sách này, chúng tôi sẽ tiếp tc cho tàu, máy bay đi tun tra, bt c khu vc nào mà lut quc tế cho phép".

*****************

Ban Tôn giáo chính phủ xác định chùa Ba Vàng vi phạm pháp luật (RFA, 22/03/2019)

Ban Tôn giáo chính phủ hôm 22/3 đã lên tiếng về những hoạt động trục vong, gọi hồn ở chùa Ba Vàng, tỉnh Quảng Ninh là vi phạm luật tín ngưỡng, tôn giáo, không phù hợp với truyền thống và phải loại bỏ khỏi các cơ sở Phật giáo.

vn2

Chùa Ba Vàng, Quảng Ninh, về đêm - Courtesy of chuabavang.com

Mấy ngày gần đây, trên mạng xã hội lan truyền những video clip rao giảng vong báo oán của bà Phạm Thị Yến, chùa Ba Vàng. Báo lao Động cũng có một phóng sự điều tra về vụ này với video clip kèm theo.

Truyền thông trong nước hôm 22/3 cho hay UBND TP Uông Bí yêu cầu công an thành phố dựa trên các video, clip để xác minh những người xuất hiện trong video, và bà Yến dự kiến sẽ bị công an triệu tập.

Báo Mới dẫn lời ông Nguyễn Mạnh Hà, Chủ tịch UBND TP Uông Bí nhận định việc rao giảng của chùa Ba Vàng là việc làm huyễn hoặc tâm linh. Đây là cơ hội để làm trong sạch lại hoạt động tại chùa Ba Vàng.

Hôm 21/3, Đại đức Thích Trúc Thái Minh, trụ trì chùa Ba Vàng tổ chức buổi nói chuyện trước hàng trăm phật tử, phát trực tiếp trên Facebook, thừa nhận việc tổ chức lễ oan gia trái chủ ở chùa là có thật. Việc các phật tử tham gia là tự nguyện và việc úng tiền khi lễ cúng oan gia trái chủ không phải do nhà chùa yêu cầu mà do phật tử tự nguyện cúng dường Tam Bảo và theo yêu cầu của vong.

Ông Nguyễn Mạnh Hà cho rằng việc nhà chùa thu tiền bằng cách gọi đó là "theo yêu cầu của vong" hay cúng dường Tam Bảo, tiền bỏ vào hòm công đức chứ nhà chùa không trực tiếp nhận là hành vi rất tinh vi, khó buộc tội.

*******************

Bộ Công an : Chậm hướng dẫn thi hành Luật An ninh mạng vì ‘phát sinh nhiều khó khăn’ (VOA, 22/03/2019)

Thứ trưởng B Công an, Thượng tướng Lê Quý Vương, hôm 22/3 nói vic xây dng d tho hướng dn thi hành Lut An ninh mng b chm tr vì "phát sinh nhiu khó khăn, vướng mc", trong đó "có nhiu ý kiến khác nhau" gia B Công an, B Quc phòng và B Thông tin Truyền thông.

vn3

Luật An ninh mng Vit Nam gp nhiu ch trích vì b cho là "vi phm quyn riêng tư" ca người s dng mng.

Giải thích ca Th trưởng B Công an được đưa ra trong bui làm vic vi T công tác ca Th tướng vào chiu 22/3, theo tường thut ca VnExpress.

Văn bản hướng dn thi hành Lut An ninh mng là mt trong ba văn bn mà B Công an được phân công chủ trì xây dng và phi trình chính ph trước ngày 1/10/2018. Tuy nhiên theo ông Vương, quá trình trin khai xây dng văn bn này đã phát sinh nhiu khó khăn, vướng mc vì đây là lĩnh vc mi liên quan đến nhiu b, ngành, t chc, doanh nghip, cá nhân… nên phải xin ý kiến nhiu ln và vi "nhiu đa ch".

"Hướng dn Lut có vn đ liên quan đến chc năng các B liên quan như B Quc phòng, B Thông tin Truyn thông… nên trong quá trình son tho gp khó khăn v thng nht quan đim, dn đến chm tr", VnExpress dn li Thượng tướng Vương nói.

Luật An ninh mng được Quc hi Vit Nam thông qua vào ngày 12/6/2018 vi gn 87% s phiếu ng h và bt đu có hiu lc t đu năm nay.

Tuy nhiên, đạo Lut gây tranh cãi này đã vp phi nhiu ch trích và phn đối d di t phía công chúng và các chính ph, t chc quc tế v mt s điu khon b cho là "vi phm quyn riêng tư" ca người s dng mng.

Cùng với nhng vn đ v nhân quyn, Lut An ninh mng hin đang là mt trong nhng tr ngi cho mi quan h của Việt Nam vi quc tế, đc bit trong lĩnh vc kinh tế.

Trong các cuộc đàm phán thương mi quc tế hay các phiên điu trn ti Liên Hip Quc, chính ph Vit Nam không ít ln b truy vn v kh năng s s dng Lut này đ kim soát thông tin và đàn áp những người bt đng chính kiến. Tuy nhiên, phía Vit Nam luôn khng đnh Lut là đ bo v an ninh quc gia và bo đm trt t, an toàn xã hi trên không gian mng và không kim soát hay làm l thông tin ca người s dng.

https://youtu.be/qVgR3vk60Ig?list=PL231429C17BE39E34

Published in Việt Nam
Trang 1 đến 2