Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

15/08/2022

Trụ trì chùa Ba Vàng đi khất thực hay đi "kiếm tiền" ?

Ngọc Lan

Khất thực là một phép tu

Khất thực là một sinh hoạt thường nhật của tăng đoàn thời đức Phật. Đó là một cách hành trì, một hạnh nguyện của các vị xuất gia theo Phật giáo nam truyền (nguyên thủy). Khất thực là phương cách có thể đem lại nhiều lợi lạc thiết thực cho vị khất sĩ cũng như Phật tử cúng dường ; là cách truyền bá và duy trì Phật pháp hiệu quả thông qua hình ảnh tăng đoàn hành khất. 

chua1

Đại đức Thích Trúc Thái Minh ôm bình bát nhận tiền của bá tánh : không phải là "khất thực" của Phật giáo Nam tông hay Bắc tông…

 Tuy nhiên truyền thống khất sĩ ngày nay cũng có nhiều biến đổi trong các tông phái. Đa phần các tu sĩ Phật giáo không mấy phải "trì bình bát khất thực" với phương thức "một bát cơm ngàn nhà" nữa.

Bởi dẫu ở chùa họ vẫn nhận sự dâng cúng của phật tử và cộng đồng tín Phật, các nhà hảo tâm… để sinh sống và tu tập giải thoát. Vì thế, về bản chất, họ vẫn là khất sĩ : Trên xin giáo pháp của Phật để nuôi tâm; dưới xin vật thực của chúng sinh để nuôi thân và giáo hóa; chữ Hán biểu thị bằng câu, "Thượng cầu Phật đạo, hạ hóa chúng sinh".

Hiểu một cách dung dị hơn, hạnh đi trì bình khất thực hằng ngày là nhà sư thọ vật thí của bá tánh, nhờ đó mà nuôi sống một cách chơn chánh, giản dị, nhà Sư được sự nhắc nhở rõ rệt hằng ngày ý nghĩa ơn xã hội. Rồi tự xét mình mà siêng năng tu học, giữ gìn tịnh hạnh, để duy trì đạo đức hầu góp phần xây dựng hạnh phúc cho xã hội, phải làm những gì để khỏi phải phạm là kẻ vong ân xã hội.

Trụ trì chùa Ba Vàng đi khất thực hay đi "kiếm tiền" ?

Mùa Vu Lan này, khá bất ngờ khi mạng xã hội đăng tải hình ảnh Đại đức Thích Trúc Thái Minh, trụ trì chùa Ba Vàng ôm bình bát đi khất thực, và có cả clip nhà sư này đã nhận tiền bạc trong lần "trì bình bát khất thực" này.

Công tâm mà nói chuyện "trì bình bát khất thực" kiểu đó là quen thuộc lâu nay ở chùa Ba Vàng, điều đó khác hẳn với "trì bình bát khất thực" của hệ phái khất sĩ thuộc Phật giáo Nam tông.

Đơn cử, trên trang web của chùa Ba Vàng trong bản tin phát hành ngày 29/5/2022 (nhằm 29 tháng 4, Nhâm Dần) cho biết "sư phụ Thích Trúc Thái Minh" đã ôm bình bát nhận "cúng dường" trong một chương trình sinh hoạt khóa sinh ngay tại chùa Ba Vàng.

Liên quan về các hình ảnh những tu sĩ của chùa Ba Vàng "trì bình bát khất thực", một nhà báo chuyên trách về Phật giáo đưa ra lưu ý rằng trì bình khất thực là truyền thống tốt đẹp được truyền thừa của chư Phật ba đời. Thể theo truyền thống đó, tại miền Nam trước 1975, Đức Tổ sư Minh Đăng Quang đã khơi nguồn và tiếp nối mạng mạch, làm người con khất sĩ đem đạo vào đời bằng hạnh nguyện du phương, hạ mình để đi xin ăn tu học, không sống trong sự tự ngã, chấp ta và của ta, mà sống chung cùng tất cả, theo tinh thần lục hòa cộng trụ.

Thế nhưng ngày nay do nhu cầu lợi dưỡng của một số người, đã biến pháp môn Khất thực của Phật giáo trở thành nguồn lợi kinh tế của bản thân mình bằng các hình thức như : khất thực quá giờ ngọ, khi đi mang dép, mặc áo dài, nhận tiền, bình bát nhôm, dáng đi thô tháo, vận động cúng dường…

Khi đi trì bình thì không đi vào chỗ đông người, tránh chen lấn như trong chợ chẳng hạn, và không nhận tiền bạc, gạo thóc. Vật thí, nếu bố thí ít thì vui thích thọ lãnh ít, nếu cho nhiều thì chỉ thọ lãnh vừa đủ để sống qua ngày mạnh khỏe tu hành lập công bồi đức. Nhà sư cũng không đi cổ động tiền bạc trong bá tánh để về cất chùa hay làm việc nào khác.

Nhà sư cũng không được yêu cầu cho thức ăn chay hay mặn, ai muốn bố thí món chi tùy ý, tùy món ăn mình có. Như thế cái chánh nghĩa của hạnh trì bình khất thực mới được biểu dương đúng với tinh thần giới luật của Đức Phật và đem lại phước báu cho người bố thí.

chua2

Những tu sĩ của chùa Ba Vàng "trì bình bát khất thực"

Khi chùa chiền và tu hành là phương thức để kiếm tiền làm giàu

Một nhà báo chuyên trách mảng tôn giáo, nhận xét : "Tôi cho rằng ông trụ trì chùa này đã làm xấu đi rất nhiều về dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử. Một số khảo cứu lịch sử viết rằng thế kỷ thứ 12, xuất hiện đức vua Trần Nhân Tông, là Hương Vân Đầu Đà thọ trì 12 pháp đầu đà, mặc y, mang bát đi khất thực tận kinh thành Đồ Bàn của đức vua Chế Mân (Champa) để tìm sự bang giao hòa hiếu giữa 2 nước. Chứng tích, dấu ấn ấy chính là tượng đá trắng Hương Vân Đầu Đà mặc y vai trái tại chùa Hoa Yên và tượng vàng sừng sững, uy nghi của ngài tại đỉnh non mây trời Yên Tử hiện nay.

Như vậy, y bát khất thực ở đây có thể coi là một hình thức của giao hảo chính trị. Nay, hình ảnh khất thực nhận cúng dường được chủ động tổ chức qua tập hợp Phật tử, người dân quy tụ lại… điều đó cho thấy đây chỉ là hình thức vận động tiền của, vật phẩm phục vụ cho các sinh hoạt của chùa ấy, không may ý nghĩa của trì bình bát khất thực.

Quan sát hình ảnh trụ trì chùa Ba Vàng, tôi cho rằng dường như đang có sự pha lẫn giữa Bắc tông và Nam tông. Đáy bát của Phật giáo Bắc tông tự đứng được, không cần cái kiềng để đỡ như bát của Phật giáo Nam tông. So với bát của Phật giáo Bắc tông, thì bát Khất sĩ to gấp đôi. Với chu vi khoảng 0,6m và cao khoảng 0,12m, bát Khất sĩ vừa phải để sử dụng mà lại gọn vì không cần thêm một cái kiềng.

Để mang bát cần phải có túi đựng bát. Túi bát bằng vải màu vàng, tròn vừa với bát, có 2 nắp phủ, có quai đeo rộng 1 tấc và dài đến ngang thắt lưng khi mang túi lên vai. Túi bát được may bằng 8 miếng vải nhỏ xung quanh, trông như một hoa sen 8 cánh xinh đẹp được làm nên bởi những người hộ pháp thuần thành… Chư tăng khất sĩ mang túi bát bên vai phải, phía trong y thượng. Chư ni khất sĩ mang túi bát xéo từ vai trái qua hông bên phải và ở phía ngòai y thượng…

Không thể có chuyện vừa trì bình bát khất thực, vừa cười và "xoa đầu ban phép" như vị trụ trì chùa Ba Vàng mà hình ảnh đang loan trên mạng xã hội".

Có lẽ cơ quan quản lý tôn giáo của Nhà nước Việt Nam cần lưu ý về vấn đề kinh doanh tâm linh đang diễn ra tại chùa Ba Vàng, nơi từng vấp bê bối trong chuyện nhận tiền của bá tánh để "thỉnh vong giải oán".

Khi ấy, trên kênh Pháp thoại của chùa Ba Vàng, trong một clip, đại đức Thích Trúc Thái Minh khẳng định : "Phật dạy chúng ta biết bố thí và cúng dường. Mình cúng để giải bệnh, giải nghiệp của mình mà mình lại còn kêu sao ? Phật dạy các phật tử mất tiền đấy ! Phải mất tiền mới có phúc. Phật dạy bố thí đứng đầu trong lục độ. Chịu khó bố thí đi !".

Ngọc Lan

Nguồn : VNTB, 15/08/2022

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Ngọc Lan
Read 494 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)