Đồng chí Thích Ba Vàng thuộc chi bộ nào ?
Gió Bấc, RFA, 21/08/2022
Trận cúng vong năm 2019, đồng chí Nhặt Tiền ghi điểm làm đồng chí Ba Vàng mất chức, nhưng lần tái đấu này e rằng Nhặt Tiền thua trắng mắt. Ngay Hòa thượng cấp trên Nhặt Tiền còn bối rối không dám nói Ba Vàng thuộc chi bộ nào thì tầm vóc trí tuệ khôn hơn bò của Nhặt Tiền làm sao thắng được !
Cơ ngơi chùa Ba Vàng ở Quảng Ninh - Ảnh minh họa
Cuộc chiến Nam Nhặt Tiền thọc gậy Bắc Ba Vàng tuần qua gây bão trên mạng internet lấn lướt cả những vụ nổ bí hiểm trên đảo Crimea và những sân bay, kho đạn nằm trên đất Nga. Công phu kinh tài tâm linh của hai sự đều thâm hậu. Nhặt Tiền có doanh nghiệp Đạo Phật Ngày Nay thì Thích Ba Vàng cũng có công ty Ba Vàng với dự án du lịch tâm linh ở Quảng Nam.
Trong đại dịch, Ba Vàng dám liều mạng chơi lớntổ chức tụ tập cả ngàn người cúng hóa giải nạn dịch cúm virus corona không xin phép Nhà nước địa phương (1).
Thích Nhặt Tiền tổ chức cho Tăng đoàn chùa Giác Ngộ làm lễ cầu nguyện cho vaccine Nanocovax được lưu hành (2).
May mà Phật tổ Như lai không chứng đắc, nếu không chưa biết giờ này dân số Việt Nam còn lại bao nhiêu.
Chiêu thức khác nhau nhưng cùng pháp môn, chung tổ đường gom nhặt nên biết nhau quá rõ, hiểu thấu tận tâm can. Ấy vậy mà năm 2019, Ba Vàng đang triển khai dự án cúng dường giải oan gia trái chung ngon trớn kiếm hàng tỷ đồng mỗi ngày, bị báo chí phanh phui, Nhặt Tiền cũng đã một lần chọc gậy bánh xe. Ba Vàng mới thu vài trăm tỷ đã phải ngưng, còn bị lột lon cách chức, chịu quê độ ngồi sám hối 49 ngày.
Lần này nhân Vu Lan, Ba Vàng mở hội doanh thu cúng dường sớt bát lấy tiền, cũng bị Nhặt Tiền đâm chọt là làm "không phù hợp".
Tuy dưới cơ về phẩm trật, lại vừa mới bị lột lon chức sắc cấp trung ương, địa phương đủ cở, Ba Vàng nhất định không chịu thua. Ba Vàng lên facebook nêu đích danh Nhặt Tiền, vạch áo cho giang hồ mạng xem lưng nào là các chùa nơi Nhặt Tiền làm Phó Trưởng ban Ban Trị sự, "cũng tổ chức khất thực với sự tham gia của nhiều chư Tôn đức Tăng Ni từ Trung ương Giáo hội đến Ban Trị sự các cấp, trực tiếp nhận tiềп cúng dường của Phật tử như chùa Chăntarăngsây (quận 3) ngày 12/2/2013, tổ đình Vạn Thọ (quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh) ngày 11/8/2013, chùa Kiều Đàm (Thành phố Thủ Đức) ngày 12/6/2022, chùa Bửu Quang (Thành phố Thủ Đức) nhân đại lễ Phật đản PL.2566 - DL.2022… (3).
Phong cách khẩu chiến từ bi hỉ xả của các đồng chí sư quốc doanh quả thật hấp dẫn thu hút chúng sinh vào cuộc.
Nhà giáo Chu Mộng Long đã sáng tác mẫu biếm luận theo phong cách kiếm hiệp của Kim Dung với tựa đề "Đại chiến cao tăng" về cuộc quyết đấu của hai cao tăng Thích Nhặt Tiền và Thích Thái Vong đặc tả bản chất của cuộc khẩu chiến ganh ăn tức ở mà nguyên nhân khởi đầu như sau :
"Chuẩn bị cho Đại lễ Vu Lan, triều đình ra mật chỉ, giao phó cho Giáo hội Thiếu Lâm thu gom tiền vàng trong dân. Tiền vàng trong dân còn rất nhiều, mặc dù đại dịch cuốn phăng 30 ngàn người về Âm phủ. Triều đình bất lực khi đã để sai nha nhổ lông vịt nhổ cả nắm gây hiệu ứng kêu la. Thiếu Lâm tự nhận trách nhiệm nhổ cách nào vịt không kêu mà còn thích nhổ lông.
Giáo hội sai Thích Nhặt Tiền vào nam trụ trì Nam Thiếu Lâm. Lại sai Thích Thái Vong tiếp tục củng cố Bắc Thiếu Lâm. Cả hai đều là cao tăng danh bất hư truyền. Người đời truyền tụng : Bắc Thái Vong, Nam Nhặt Tiền. Mỗi bên hùng cứ một phương.
Thích Thái Vong bắc loa kêu gọi dân : "Càng nghèo càng phải cúng dường thì mới hết nghèo". Thích Nhặt Tiền cũng bắc loa kêu gọi đại gia : "Càng làm ăn bất chính càng phải cúng dường mới thành chánh quả"… (4).
Kèm theo bài viết còn có cả ảnh minh họa do cộng đồng mạng chế tác.
Cuộc đấu càng sôi nổi, trung ương giáo hội quốc doanh sau 10 ngày im hơi lặng tiếng không còn ngậm miệng ăn tiền mãi được mà phải ú ớ chấn chỉnh cho ra vẻ nghiêm trang
Ngày 19/8, báo chí nhà nước đồng loạt đưa tin : Hòa thượng Thích Gia Quang, Phó Chủ tịch Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Viện trưởng Phân viện nghiên cứu Phật học Việt Nam tại Hà Nội cho biết cúng dường ở chùa Ba Vàng những ngày qua là chưa chuẩn.
Hòa thượng Thích Gia Quang lý giải rất lủng củng là "Phật giáo ở Việt Nam gần như không có việc khất thực này, việc khất thực thường có ở dòng Phật giáo Nam Tông. Ngày xưa có vấn nạn giả sư thì họ mới đi khất thực. Còn việc cúng dường, thường thì ai biết tới chùa thì họ mang đến tùy tâm thôi, chứ không đi khất thực rồi nhận tiền. Xã hội bây giờ nhiều việc mà thực ra Đức Phật của chúng ta đã dự đoán được trước. Đó là vấn nạn tín ngưỡng bị biến dạng, biến tướng".
Không bàn đến việc lôm cơm phật pháp của các đồng chí sư quốc doanh. Vấn đề quan trọng là đồng chí Hòa thượng Thích Gia Quang đã tiết lột một bí mật tày trời "chùa Ba Vàng không thuộc quản lý của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, cũng không tham gia vào Ban trị sự Giáo hội Phật giáo địa phương mà trực tiếp chính quyền địa phương quản lý".
Khi Báo VietnamNet đặt vấn đề : Một ngôi chùa không thuộc quản lý của tổ chức tôn giáo nào có không đúng với Hiến chương của Giáo hội ? Hòa thượng Thích Gia Quang giải thích rõ thêm : "Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam quy định, trước năm 1975 tất cả các chùa đều thuộc Giáo hội, sau năm 1975 thì cũng chỉ khuyến khích các chùa tham gia vào Giáo hội, gia nhập vào danh bạ của Giáo hội. Tuy nhiên, việc không vào các tổ chức tôn giáo như của Ba Vàng thì rất hãn hữu, hàng nghìn chùa mới có một chùa như thế, ở Việt Nam rất ít" (5).
Đây là điều cực kỳ bí mật bất ngờ vì bấy lâu nay, ngay cổng tam quan đồ sộ của chùa Ba Vàng đã ghi rõ dòng chữ "Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh- Chùa Ba Vàng" (ảnh) lẽ nào đây là bảng giả hoặc ghi sai.
Ai cũng biết rằng dưới chính quyền nhà sản thì mọi tôn giáo chỉ có thể hoạt động với vai trò một tổ chức ngoại vi của Đảng. Về danh nghĩa là Giáo hội quốc doanh trực thuộc Mặt trận Tổ quốc, về mặt nhà nước có Ban Tôn giáo quản lý nhưng quyền lực giám sát trực tiếp là cơ quan an ninh tôn giáo. Những chùa không gia nhập giáo hội sẽ bị san bằng như chùa Liên Trì ở Thủ Thiêm, thầy Thích Không Tánh và bao Hòa thượng, Thượng tọa, cao tăng của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất không gia nhập giáo hội quốc doanh đã bị tù đày như Hòa thượng Huyền Quang, Quảng Độ. Gần đây nhất là cụ ông Lê Tùng Vân chỉ vì tu tại gia, không đăng ký với giáo hội quốc doanh mà bị hàm oan, bị kết án oan về những nguyên cớ không đâu.
Nếu không thuộc giáo hội quốc doanh, không có sự lãnh đạo tài tình của Đảng, Ba Vàng không có cục đất chọi chim chứ đừng mơ chuyện đạt nhiều kỷ lục về chùa to nhà rộng và tự tung tự tác vẻ chuyện thu tiền.
Hơn thế nữa, ngược dòng thời gian, tháng 7/2019, sau vụ kỷ luật Đại đức Thích Trúc Thái Minh, với tư cách là Phó Chủ tịch Hội đồng Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trưởng Ban trị sự Phật giáo tỉnh Quảng Ninh, Thượng tọa Thích Thanh Quyết cho biết : "Tại cuộc họp của Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, tôi đã báo cáo về tình hình và nhận trách nhiệm trước Giáo hội về sự việc chùa Ba Vàng, Quảng Ninh. Tuy nhiên, trước đó năm 2015, Ban Trị sự Phật giáo Quảng Ninh đã nhiều lần nhắc nhở, có công văn gửi lên Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, các cơ quan quản lý nhà nước. Tôi nhận thấy, lẽ ra phải xử lý kiên quyết hơn nữa để các cơ quan vào cuộc, nhưng để xảy ra sự việc này, tôi xin chịu trách nhiệm"… (6).
Như vậy, phải chăng thời điểm 2019, chùa Ba Vàng vẫn còn thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam và chịu sự quản lý trực tiếp của Giáo hội tỉnh Quảng Ninh và đến nay lại ly khai ?
Một tình tiết khác cho thấy câu nói "chùa Ba Vàng không thuộc quản lý của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, cũng không tham gia vào Ban trị sự Giáo hội Phật giáo địa phương mà trực tiếp chính quyền địa phương quản lý" không hợp lý. Năm 2019, báo chí nhà nước từng đang ý kiến ông ông Nguyễn Mạnh Hà, Chủ tịch UBND Thành phố Uông Bí cho biết : "Chùa Ba Vàng xây dựng hoành tráng với kinh phí bao nhiêu, họ không báo cáo chính quyền địa phương. Toàn bộ việc sử dụng đất, xây dựng… theo quy định, chính quyền địa phương không thu khoản thuế nào. Nguồn tiền đổ vào chùa gồm các khoản như : công đức, cúng dường, giọt dầu… những điều này chỉ những người trong chùa mới biết"... (7).
Công trình chùa Ba Vàng hoành tráng rộng hàng chục ha, kinh phí xây dựng hàng trăm tỉ, nguồn thu hàng năm hàng trăm tỷ. Nếu chùa Ba Vàng do chính quyền địa phương quản lý thì tại sao Chủ tịch Thành phố Uông Bí lại không nắm được những chuyện rất cơ bản này ?
Bên cạnh những bí hiểm bất ngờ đó lại nổi lên vấn đề rất rõ là uy lực, quyền lực của Thích Thái Trúc Minh và chùa Ba Vàng rất lớn mà tầm mức vượt lên ngoài chức trách của giáo hội quốc doanh.
Con đường tu tập và thăng tiến của đồng chí trụ trì chùa Ba Vàng rất thần tốc. Mới quy y năm 2007, chỉ một thời gian ngắn đã ghế trên ngồi tót sỗ sàng cùng lúc nhiều chức vụ từ trung ương đến nhiều địa phương khác nhau, những chức vụ mà rất rất nhiều vị cao tăng tu tập cả đời vẫn chưa có được.
Cũng trong thời điểm ấy, Thượng tọa Thích Thanh Quyết chia sẻ với báo chí một bí mật khác về việc bổ nhiệm chức trụ trì cho Đại đức Thái Minh là theo diện ưu tiên. Bởi, Quảng Ninh là tỉnh có vùng biển, vùng núi, hải đảo, theo đó, Giáo hội Phật giáo Việt Nam rất quan tâm tạo điều kiện cho các chức sắc vùng biên giới, hải đảo. Một số điểm ưu tiên, ví dụ : một vị chức sắc đứng đầu tỉnh có vùng biên giới, vùng sâu, vùng xa lên Thượng tọa sẽ được lên chức trước 3 năm, kể cả những đàn giới, không yêu cầu về số lượng…" (8).
Người tu mà được xét phong chức ưu tiên theo địa bàn biên giới hải đảo nghe sao có mùi chính trị giống như bố trí cán bộ quân đội công an. Cộng đồng mạng có thông tin cho rằng đồng chí Thích Ba Vàng mang hàm đại tá.
Ngay trong vụ cúng vong đình đám năm 2019, cách xử lý kỷ luật cũng rất bất thường. Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam ra nghị quyết nhất trí bãi nhiệm tất cả chức vụ của đại đức Thích Trúc Thái Minh trong Giáo hội, bao gồm : Ủy viên dự khuyết Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam ; Phó ban Thông tin truyền thông của Giáo hội Phật giáo Việt Nam ; Phó ban thường trực Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Lai Châu ; Ủy viên thường trực Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Quảng Ninh.
Tuy nhiên, Thích Trúc Thái Minh vẫn đảm nhiệm chức vụ trụ trì chùa Ba Vàng ở Quảng Ninh. Chức vụ để xẩy ra sai phạm ở ngay nơi diễn ra sai phạm vẫn được giữ nguyên.
Ngay lần này cũng vậy. Việc đồng chí Ba Vàng tu theo pháp môn Thiền Lâm Yên Tử của Đại Thừa mà lại hành lễ khất thực theo Nam Tông đã là sai pháp, khất thực mà thu tiền lại càng sai. Cái sai này là tiếp nối của việc cúng vong thu tiền ba năm trước, nói nghiêm túc là tái phạm.
Hành vi ấy gây bão dư luận nhơ nhuốc cho giáo hội quốc doanh. Nếu nghiêm túc theo pháp giới thì giáo hội phải cho Sư Ba Vàng làm lễ Tần Suất hoàn tục về đời phát triển sự nghiệp kinh doanh. Ấy vậy mà ngay cả tiến sĩ Nhặt Tiền cũng chỉ mới dám khều nhẹ là "làm không đúng". Đồng chí Phó Chủ tịch Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng chỉ dám nói là chưa chuẩn.
Về mặt xã hội đây là vụ lợi dụng tôn giáo trục lợi đình đám tầm cở quốc gia nhưng ông Phạm Tuấn Đạt - chủ tịch UBND Thành phố Uông Bí chỉ cử đoàn kiểm tra của Thành phố đã kiểm tra hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng tại chùa Ba Vàng, đi kiểm tra thường niên. Đoàn đề nghị chùa Ba Vàng rút kinh nghiệm trong việc đưa các video lên mạng xã hội gây ảnh hưởng không tốt.
Ngoài ra, đoàn cũng đề nghị nhà chùa gỡ bỏ video về lễ sớt bát cúng dường trong ngày lễ Vu lan tổ chức ngày 7/8 (tức 10/7 âm lịch) trên mạng xã hội (9).
Rỏ là lần xáp chiến này Nhặt Tiền thua trắng mắt dù cho sai phạm lợi dụng tôn giáo để trục lợi với hơn 10.000 người của Ba Vàng là có thật chứ không phải là vụ "bắt quả tang" ấm ớ không vật chứng, nhân chứng như vụ Tịnh Thất Bồng Lai. Lời mắng chửi kẻ vạch của Thích Ba Vàng nặng gấp triệu lần mấy chữ như con bò.
Không phải công an Uông Bí, Quảng Ninh non nghiệp vụ, hoặc kém nhiệt tình hơn công an Đức Hòa.
Vấn đề là đồng chí Nhặt Tiền tuổi hạ tuy cao nhưng tuổi đảng chưa chắc đã bằng, chức đạo đã lên đến Thượng tọa nhưng cấp hàm chưa chắc bằng đại tá Ba Vàng. Cùng làm nhiệm vụ lừa đám dân mê tín gom tiền nhưng sứ mạng đồng chí Ba Vàng quan trọng hơn, trấn nhậm biên giới hải đảo.
Ngay đồng chí Phó Chủ tịch Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam còn ú ớ không biết Ba Vàng trực thuộc chi bộ nào. Chủ tịch Thành phố Uông Bí khóa trước còn không biết thùng tiền Ba Vàng lớn nhỏ. Chủ tịch Thành phố Uông Bí đương nhiệm chỉ dám thỏ thẻ yêu cầu rút kinh nghiệm. Chứng tỏ uy thế Ba Vàng là rất lớn, nhiệm vụ Ba Vàng là quan trọng. Cấp trên chống lưng cho Ba Vàng càng quan trọng hơn. Nhặt Tiền càng cố đấm ăn xôi càng dễ bị quy tội làm mất đoàn kết nội bộ. Với Đảng, mất đoàn kết nội bộ rất dễ vô lò !
Gió Bấc
Nguồn : RFA, 21/08/2022
1. https://zingnews.vn/chua-ba-vang-to-chuc-cung-virus-corona-chua-xin-phep...
2. http://www.vsam1040.com/vi-vn/tin-tuc/tin-viet-nam/%E2%80%98su-quoc-doan...
3. https://www.facebook.com/ThayThichTrucThaiMinh/posts/pfbid0deEFVYf83GVCe...
4. https://www.facebook.com/Chumonglong/posts/pfbid0oeTku5vcdP5UwPH4uMGQ3Qm...
5. https://lifehub.vn/giao-hoi-phat-giao-viet-nam-len-tieng-vu-cung-duong-o-chua-ba-vang-136108
6. hhttps://vnexpress.net/tru-tri-chua-ba-vang-bi-bai-nhiem-het-chuc-vu-o-gi...
7. https://www.baogiaothong.vn/nhung-su-that-bat-ngo-tu-chua-ba-vang-d41522...
8. https://vietnamnet.vn/tt-thich-thanh-quyet-toi-rat-buon-xin-nhan-trach-nhiem-vu-chua-ba-vang-516581.html
9. https://soha.vn/chua-ba-vang-go-bo-video-chu-tang-ni-nhan-tien-trong-le-vu-lan-20220816151125494.htm
**************************
Mối "tâm giao" ít ai biết giữa ông Chủ tịch nước và ông thầy "Thích Hốt Tiền" Chùa 3-Vàng
Bảo Trâm, Thoibao.de, 19/08/2022
Vừa qua cộng đồng mạng dậy sóng vì hành động ông sư trụ trì Chùa Ba Vàng dùng tay vơ tiền khi người dân thiếu hiểu biết dâng cúng cho ông ta dưới dạng "cúng dường". Đấy là những người dân tội nghiệp, họ gặp khó khăn trong cuộc sống, họ bế tắc trong làm ăn hay đơn giản là lòng tham muốn hối lộ trời phật để được phật ban ơn. Ơn đâu không thấy, chỉ thấy người dân mất tiền vô ích.
Trụ trì Chùa 3 Vàng "hốt tiền mỏi tay"
Việc kinh doanh dựa trên sự mê tín của người dân cần phải xem đó là trò lừa đảo. Nếu xem ông thầy lang "chữa bách bệnh" Võ Hoàng Yên lợi dụng sự mê tín của người dân để trục lợi là hành động vô đạo và vô pháp thì việc làm của ông thầy trụ trì Chùa Ba Vàng cũng cần phải được xem là thành phần như vậy.
Vừa qua một số trang facebook cá nhân phản đối mạnh mẽ hàng động hốt tiền của ông thầy chùa trụ trì Chùa 3 Vàng đã bị một số lực lượng giấu mặt báo cáo với facebook để những tiếng nói khai trí bị khóa. Điều này làm cho dư luận xã hội nghi ngờ đang có một lực lượng tương tự lực lượng 47 của nhà nước cộng sản chuyên báo cáo các trang facebook có tiếng nói phản biện.
Nhận xét về hiện tượng này, một số nhà phân tích giấu tên cho hay, cách chống trả lại tiếng nói công chính vạch trần nhóm thầy chùa trục lợi của ngôi chùa này đích thị là lực lượng được đào tạo bài bản. Họ nghiên cứu các điều luật của Youtube và Facebook rất kỹ để "khóa miệng" trong nhiều ngày hoặc đánh sập. Cho nên họ cho rằng, chính chính Đảng cộng sản hoặc những quan chức tầm cỡ ở Trung ương có lợi ích trong những trò kinh doanh này. Việc chỉ đạo một lực lượng phá hoại chuyên tấn công tài khoản youtube và facebook của người khác là cách hỗ trợ cho nhân vật chính hốt tiền người dân mê muội.
Có bạn đọc cho Thoibao.de một nhận xét rằng, ông thầy chùa trụ trì Chùa 3-Vàng nên được đổi tên lại thành "Thích Hốt Tiền" thì mới đúng với bản chất của ông này. Độc giả này bức xúc cho biết, người dân mê muội ít học họ cần được nói lời đạo lý của chính đạo nhà Phật và cần những lời khuyên để họ giữ đồng tiền để làm việc hữu ích hơn cho đời sống của họ thì ông thầy chùa này lại dùng những bài giảng sặc mùi mê tín để xúi họ mang tiền đến chùa để ông lùa hốt mà làm giàu. Đây là cách làm giàu bất chính cần phải loại bỏ nó khỏi xã hội văn minh. Bạn đọc ấy cho biết như thế.
Sự hậu thuẫn của lực lượng giấu mặt bị nghi là lực lượng 47 được biệt phái sang hỗ trợ cho ông thầy chùa "Thích Hốt Tiền" được củng cố khi người ta tìm hiểu biết được ông này toàn làm bạn với Ủy viên Bộ Chính Trị. Nhiều người cho rằng, không phải ông thầy chùa này quen biết rộng mà ông này thực sự là đảng viên được Đảng cử đi làm nhiệm vụ kinh doanh tâm linh cho Đảng, vì thế khi thấy việc kinh doanh khó khăn bởi dư luận thì sẽ có lực lượng giấu mặt chặn đứng những bài viết vạch trần ông thầy chùa "Thích Kinh Doanh" này. Đây chỉ là ý kiến nhận xét của nhà phân tích không phải là ý của Thoibao.de, tuy nhiên, ban biên tập Thoibao.de thấy có lý nên đưa lên cho bạn đọc tham khảo thêm. Và biết đâu đó là sự thật đang ẩn giấu bên trong Đảng cộng sản thì sao ?
Được biết, ngày 26/05/2016, tại khu vực rừng phòng hộ Phú Ninh, thôn Đại An, xã Tam Đại, huyện Phú Ninh, Công ty trách nhiêm hữu hạn Ba Vàng Quảng Nam tổ chức lễ động thổ khởi công xây dựng dự án Khu du lịch tâm linh thiền Trúc Lâm – Quảng Nam rất hoành tráng.
Phối cảnh dự án khu du lịch tâm linh Thiền Trúc Lâm Quảng Nam - Ông Chủ tịch nước từng muốn đưa chùa 3 – Vàng về Quảng Nam
Dự án sẽ được triển khai trên diện tích 200ha nằm trong đất rừng phòng hộ với tổng kinh phí đầu tư 1.000 tỉ đồng chia làm nhiều giai đoạn. Dự tính giai đoạn 1 đầu tư trên diện tích 67ha, kinh phí đầu tư 500 tỉ đồng, dự kiến hoàn thành sau 12 tháng thi công. Tuy nhiên sau đó dự án không thực hiện.
Theo thông tin Thoibao.de nhận được của một số người thạo tin là bởi nhiều Ủy viên Bộ Chính Trị đã mâu thuẫn với ông Thủ Tướng khi đó (là ông Chủ tịch nước hiện nay) về vấn đề ăn chia nên dự án đã dừng lại. Trong các Ủy viên Bộ Chính trị, ông "Thích Hốt Tiền" đã ngã về ông Phúc nhiều hơn làm cho miếng bánh kinh doanh sự mê tín không được chia chác đồng đều nên phải đạp đổ để không ai được ăn. Đấy là thông tin chúng tôi nhận được như vậy. Không biết thực hư thế nào, cần có thêm thời gian để quan sát thì sẽ rõ hơn.
Bảo Trâm
Nguồn : Thoibao.de, 19/08/2022
*********************
Mía sâu có đốt…
Nguyễn Nam, VNTB, 19/08/2022
Chuyện của hai ông pháp sư cũng chỉ là mía sâu có đốt, nhà dột có nơi…
Hai ông sư chửi nhau về việc cúng dường dù 2 ông đều nhận cúng dường. Ông Từ ra chiêu trước độp ông Minh, ông Minh phản công…
Việc hai ông sừng cồ chửi nhau giống y ca dao Việt Nam :
"Chuột chù chê khỉ rằng hôi
Khỉ trả lời rằng cả họ mày thơm".
Sáng 17/08/2022, trả lời phóng viên báo Dân Trí, Thượng tọa Thích Nhật Từ – phó trưởng ban Ban Trị sự kiêm trưởng Ban Phật giáo Quốc tế, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh, phó viện trưởng thường trực Học viện Phật giáo Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh, ủy viên Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam – cho biết, khất thực là cơ hội để những người yêu mến đạo Phật kết nhân duyên với các thành viên Tăng đoàn bằng cách cúng dường thức ăn. Sau khi nhận thức ăn, Tăng đoàn có thể sẽ bày tỏ lòng biết ơn bằng các bài pháp, chia sẻ ngắn.
Vị thượng tọa này cho biết, "Đức Phật đã quy định, khi khất thực sẽ không tiếp nhận tiền tài, hoa, chủ yếu gieo duyên cúng thức ăn. Do đó, việc cúng dường như ở chùa Ba Vàng là không phù hợp" (*).
Một nội dung tương tự cũng được báo điện tử VTC đăng cùng lúc với đồng nghiệp Dân Trí (**).
Sau một ngày một đêm, sáng 18/8, Đại đức Thích Trúc Thái Minh, trụ trì chùa Ba Vàng đã lên tiếng qua nhân danh "Ban quản trị" trên trang mạng facebook của ông : "Тhượng tọa Тhíсh Nhật Тừ nên nhìn lại chính mình trước khi phê phán сhùa Ba Vàng".
Rộng đường dư luận, và cũng hạn chế việc "đôi co" với nhóm truyền thông của Thượng tọa Thích Nhật Từ, biên tập viên trang Việt Nam Thời Báo xin lược trích nội dung của "Ban quản trị" tài khoản tích xanh chính chủ Thích Trúc Thái Minh :
"Trước khi phê phán chùa Ba Vàng một cách bất công, Тhượng tọa Тhíсh Nhật Тừ nên xem lại hành vi của chính mình. Ngày 19/01/2018, Тhượng tọa Тhíсh Nhật Тừ đã tổ chức "cổ xúy" lễ khất thực của chư Tăng trên đường phố cố đô Luang Prabang Lào – nơi chư Tăng nhận tiền cúng dường của hàng trăm Phật tử đến từ Việt Nam, Hàn Quốc, Thái Lan, Trung Quốc. Тhượng tọa Тhíсh Nhật Тừ cho rằng việc làm đó là "truyền thống văn hóa cao quý từ thời Đức Phật, không lựa chọn, không chê, không khen, ai dâng cúng cái gì tiếp nhận cái đó".
Trước khi phê phán chùa Ba Vàng một cách bất công, Тhượng tọa Тhíсh Nhật Тừ nên nghe lại phát ngôn của chính mình. Ngày 24/07/2019, trang Facebook chùa Giác Ngộ của Thượng tọa Thích Nhật Từ đăng bài "Hiểu về cúng trai phạn, trai Tăng…", trong đó khẳng định : "Ngày nay, do đặc điểm của đời sống hiện đại rất khác xưa nên cúng Trai tăng được phương tiện bằng cúng thực phẩm và một ít тiềп mặt (để chư Tăng Ni tùy nghi mua sắm các vật dụng cần thiết)".
Trước khi phê phán chùa Ba Vàng một cách bất công, Thượng tọa Thích Nhật Từ nên nhìn lại các chùa khác, nơi Thượng tọa làm Phó Trưởng ban Ban Trị sự, cũng tổ chức khất thực với sự tham gia của nhiều chư Tôn đức Tăng Ni từ Trung ương Giáo hội đến Ban Trị sự các cấp, trực tiếp nhận тiềп cúng dường của Phật tử như chùa Chantarangsay (quận 3) ngày 12/02/2013, tổ đình Vạn Thọ (quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh) ngày 11/08/2013, chùa Kiều Đàm (Thành phố Thủ Đức) ngày 12/06/2022, chùa Bửu Quang (Thành phố Thủ Đức) nhân đại lễ Phật đản PL.2566 – DL.2022.
Chùa Ba Vàng xin đặt câu hỏi tại sao Thượng tọa Thích Nhật Từ lại thất thường như vậy, phản bội chính mình và truyền thống khất thực tùy thí đắc thọ của Phật giáo ?"
Trên trang cá nhân tích xanh chính chủ của Thượng tọa Thích Nhất Từ hôm 17/08/2022 có đăng bài thơ kiểu "thay lời muốn nói" liên quan đến vấn đề mà chùa Ba Vàng đang "đá xéo" :
Hạnh khất thực
Tay cầm bát, chân vững vàng trên đất
Từng bước đi, tâm chính niệm nhẹ nhàng
Mỗi buổi sáng đi vào làng khất thực
Nhận thức ăn, tặng Phật pháp cao siêu.
Không nhận tiền, không buổi chiều, buổi tối
Không vào chợ, không đứng mãi một nơi
Khi chân bước, tâm thảnh thơi an lạc
Sống an nhiên, tỉnh thức giữa dòng đời.
Khi hành khất là thực hạnh vô ngã
Khéo hóa duyên, gieo ruộng phước cho đời
Giúp mọi người bỏ luyến tham hưởng thụ
Sống cuộc đời hạnh phúc và lợi tha.
Khi hành khất, tâm rời xa chấp mắc
Buông vọng tâm, buông quá khứ, vị lai
Buông sở hữu, buông thế trần đắm nhiễm
Sống bình yên, bây giờ và tại đây.
Bát cơm hành khất, muôn nhà gieo duyên
Bước chân giáo hóa, không trụ nơi nao
Thương đời khổ đau, dấn thân không mệt
Xuân hạ thu đông, từng bước thong dong.
Thích Nhật Từ, ngày 17/08/2022
Sư phụ Minh uy trấn đất Bắc, thì sư phụ Từ thống lĩnh hùng cứ phương Nam. Tưởng đâu nước sông không đụng nước giếng, thế nhưng nhân tại sân chùa thân bất do kỷ, đao kiếm vô tình xui rủi hai sư phụ choảng nhau.
Thật không hổ danh là các bậc đại đại cao thủ. Sư phụ Minh ra một chiêu vừa ngọt sắc vừa êm ái, khác nào nhất dương chỉ họ Đoàn, cùng với đó còn tung hấp tinh đại pháp gia tăng cường độ trả chưởng về phía đối phương hệt như tiểu thuyết võ hiệp kỳ tình Kim Dung.
Trận này nhắm chừng vài trăm hiệp chắc chưa phân thắng bại. Ngân lượng náo loạn tăng lữ, rung chuyển chúng sinh, rúng động ta bà, thật muôn phần thống khoái.
Mà thôi, hãy xem chuyện của hai ông pháp sư ở trên trong mùa Vu Lan này, cũng chỉ là mía sâu có đốt, nhà dột có nơi…
Nguyễn Nam
Nguồn : VNTB, 19/08/2022
Chú thích :
(*)https://dantri.com.vn/xa-hoi/cung-duong-nhu-o-chua-ba-vang-la-khong-phu-hop-20220817092329184.htm
(**)https://vtc.vn/thuong-toa-thich-nhat-tu-cung-duong-nhu-o-chua-ba-vang-la-khong-phu-hop-ar694780.html
**********************
"Cúng dường" ở chùa Ba Vàng gây bão mạng và sự khuynh loát của Nhà nước trong Phật giáo Việt Nam
RFA, 19/08/2022
Các video về buổi lễ "sớt bát cúng dường" nhân ngày lễ Vu lan báo hiếu, được tổ chức tại chùa Ba Vàng gây "bão" mạng xã hội trong mấy ngày vừa qua. Phản ứng không chỉ vì các hình ảnh cúng dường bị cho là "phản cảm", mà còn vì đây là lần đầu tiên các vị lãnh đạo cấp cao của Phật giáo Việt Nam công khai đôi co, chỉ trích nhau. Sự vào cuộc chính quyền sau đó cũng khiến dư luận bàn tán thêm về sự kiện này.
RFA edit
Nhiều ý kiến tranh cãi
Hình ảnh trong các clip cho thấy Đại đức Thích Trúc Thái Minh, trụ trì chùa Ba Vàng ở Quảng Ninh cùng với nhiều đệ tử liên tục gom tiền cúng dường của các phật tử tham gia đã tạo ra nhiều quan điểm tranh cãi trái chiều.
Một phật tử có pháp danh là Quảng Thiện nói với RFA rằng bà đánh giá rất thấp các hoạt động của Chùa Ba Vàng. Bà cho rằng, ngay chính những người thuộc hàng giáo phẩm cao nhất ở đây cũng không hiểu hết giá trị của ngày lễ Vu lan hay ý nghĩa của việc khất thực :
"Vu lan là ngày của mẹ thì kể cả các quý thầy ở trong chùa có tổ chức một lễ hội gì cũng phải nhằm phục vụ hiếu sự, mà ở đây lại tổ chức một buổi lễ khất thực ngay trong ngày ngày báo hiếu.
Bàn sâu hơn về việc khất thực. "Khất" nghĩa là xin, còn "thực" có nghĩa là ăn. Nó có nghĩa hành khất để xin ăn.
"Khất thực" là xin ăn nhưng người ta cho tiền cũng lấy. Khất thực thì chỉ được phép nhận thức ăn từ người khác, đem về nếu gặp những người nghèo đói thì có thể cho lại họ. Nếu người ta cho tiền thì cũng không được phép nhận vì tiền không ăn được".
Một Hòa thượng có pháp danh là P.T, hiện đang tu tập tại một ngôi chùa trực thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam, cho biết nghi lễ cúng dường ở chùa Ba Vàng là lai giữa nghi thức truyền thống và nghi thức cúng dường tân thời. Hiện nay, nhiều người có xu hướng cúng tiền hơn là chỉ cúng vật thực, như vậy cũng là bình thường.
Theo vị hòa thượng này thì có lẽ, do nhiều người đã có định kiến sẵn với ông Thích Trúc Thái Minh sau vụ "Oan gia trái chủ", nên mới chỉ trích nhiều như vậy :
"Thực ra tôi thấy nó cũng không có gì đâu là phản cảm. Tôi nghĩ là một số người có sẵn thành kiến với thầy Thái Minh sau vụ "oan gia trái chủ" đó".
Hồi năm 2019, chùa Ba Vàng bị báo chí trong nước phanh phui vụ tổ chức các lễ oan gia trái chủ. Trong đó có việc gọi vong, nhập hồn, phán số kiếp, buộc phải trả nợ cho vong bằng tiền do vong yêu cầu, thông qua hình thức quyên tiền công đức vào chùa Ba Vàng…
Với cương vị là trụ trì chùa Ba Vàng, ông Thích Trúc Thái Minh bị tạm đình chỉ tất cả các chức vụ trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam, phải sám hối đại tăng.
Hai Thượng tọa đôi co trên mạng xã hội
Trả lời báo chí nhà nước hôm 17/8 về những video của chùa Ba Vàng, ông Thích Nhật Từ, Phó Trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh, khẳng định việc cúng dường như ở chùa Ba Vàng là "không phù hợp" và "cần tránh hiện tượng tương tự".
Đến ngày 18/8, trang Facebook của ông Thích Trúc Thái Minh đăng một bài viết có tiêu đề "Тhượng tọa Тhíсh Nhật Тừ nên nhìn lại chính mình trước khi phê phán сhùa Ba Vàng".
Nội dung bài viết dẫn lại những lần ông Thích Nhật Từ từng đi khất thực, cũng như phát biểu khuyến khích phật tử nên cúng dường bằng tiền thay vì thực phẩm theo truyền thống, đồng thời đặt câu hỏi rằng "tại sao Thượng toạ Thích Nhật Từ lại thất thường như vậy, phản bội chính mình và truyền thống khất thực tùy thí đắc thọ của Phật giáo ?
Việc hai vị tu sĩ của Giáo hội Phật giáo Việt Nam đôi co, lời qua tiếng lại công khai trên mạng xã hội là chuyện hiếm có ở Việt Nam.
Bình luận về vấn đề này, Hòa thượng P.T cho biết Thượng toạ Thích Nhật Từ có vai trò giống như là "người phát ngôn" của Giáo hội Phật giáo Việt Nam miền Nam. Cho nên, tất cả những sự kiện nào liên quan đến tôn giáo mà được phật tử quan tâm thì ông ta phải lên tiếng :
"Đó là vấn đề của hai "người lớn" nói chuyện với nhau. Vì họ là người có danh tiếng nên bất kỳ phát ngôn nào của họ cũng đều bị dòm ngó, soi xét.
Cụ Nhật Từ có cái khó của cụ. Nếu là người ngoài thì mình sẽ không hiểu được thế khó của cụ đâu. Cụ giống như là người phát ngôn của Giáo hội Phật giáo ở khu vực miền Nam.
Bây giờ chùa Ba Vàng đang tạo ra một cái scandal, chịu sự chỉ trích của người đời. Người ta đặt một dấu chấm hỏi là cái sự việc đó đúng hay sai, thì cụ Nhật Từ đang nằm trong một thế kẹt là buộc phải giải thích, không nói là không được".
Bài viết trên Facebook Thích Trúc Thái Minh còn cho biết việc khất thực cũng "góp phần cùng chính quyền thực hiện chính sách an sinh xã hội là đúng pháp Phật, đúng pháp luật, phù hợp với sinh hoạt Phật giáo trong và ngoài nước hiện nay.
Phát biểu này làm cho phật tử Quảng Thiện đặt câu hỏi :
"Ông ta còn bảo cho rằng việc cúng dường cho chùa phục vụ an sinh xã hội. Câu hỏi tôi muốn hỏi là từ bao giờ mà những người tu hành có trách nhiệm phải đóng góp tài chính để lo an sinh xã hội !
Cái mà các bậc chân tu cần phải đóng góp, quý báu hơn vàng bạc nữa là trau dồi trí tuệ và tôn trọng sự thật, giáo dục cho phật tử mở rộng lòng thương, tôn trọng sự sống, làm sao để cho phật tử hiểu rằng ông Phật gần nhất là "Phật tại tâm", thờ trang kính mẹ, yêu thương đồng loại và làm sao cho đạo đức xã hội tốt lên.
Cả hai ông Thích Nhật Từ và chùa Ba Vàng đều sân si, thị phi như nhau !"
Ngày 19/8, hòa thượng Thích Gia Quang, Phó Chủ tịch Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam có phát ngôn chính thức, vẫn khẳng định hoạt động cúng dường ở chùa Ba Vàng là "chưa chuẩn".
Đồng thời ông cũng cho biết chùa này không thuộc quản lý của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, không tham gia vào Ban trị sự Giáo hội Phật giáo địa phương mà do chính quyền địa phương trực tiếp quản lý.
Phật tử dâng hoa cho sư thầy Thích Trúc Thái Minh - trụ trì chùa Ba Vàng ở Quảng Ninh - hôm 7/8/2022 nhân lễ Vu Lan. Hình : FB Chùa Ba Vàng
"Chính quyền kiểm soát mọi tôn giáo, không thoát được"
Sau khi những video được đăng tải trên trang Facebook page của chùa Ba Vàng, ngày 16/8, thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh thành lập đoàn kiểm tra các hoạt động tôn giáo ở ngôi chùa này.
Đoàn kiểm tra kết luận hoạt động "sớt bát cúng dường" được tổ chức đúng pháp luật. Tuy nhiên, những hình ảnh, video đăng trên mạng xã hội gây nhiều tranh cãi.
Do đó, UBND thành phố Uông Bí yêu cầu phải gỡ bỏ các video này trên mạng bởi trong đó có "hình ảnh sư nhận tiền phản cảm ở lễ Vu Lan". UBND thành phố Uông Bí cũng giao các cơ quan chức năng tăng cường quản lý các hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng tại các cơ sở thờ tự trên địa bàn thành phố.
Phía chùa Ba Vàng cho hay họ tiếp thu ý kiến và đồng ý gỡ bỏ những video nêu trên khỏi mạng xã hội.
Bình luận về sự việc chính quyền nhúng tay vào các hoạt động tôn giáo như vừa nêu, Hòa thượng P.T khẳng định luôn rằng chắc chắn mọi hoạt động tôn giáo ở Việt Nam, không chỉ riêng đạo Phật mà tất cả các tôn giáo khác, đều bị kiểm soát và giám sát. Nhưng nếu không gây chú ý thì các tu sĩ vẫn có thể sinh hoạt tôn giáo được :
"Chắc chắn là mọi hoạt động của mình đều bị kiểm soát và giám sát từ chính quyền, không thể thoát được. Chính quyền luôn theo dõi hoạt động của tất cả các tôn giáo để điều chỉnh các hoạt động của mình.
Ví dụ như khi tổ chức lễ Vu lan thì mình phải luôn luôn mời chính quyền và khi họ ra về thì mình vẫn phải có phong bì cho họ.
Nếu như mình hoạt động mà không gây ra sự chú ý thì cũng không ai đụng chạm gì tới mình".
Dự thảo sửa đổi Luật Tín ngưỡng tôn giáo đang được cChính phủ lấy ý kiến để thông qua trong thời gian tới bị cho là có những điều khoản bóp nghẹt tự do tôn giáo. Ví dụ như quy định các cơ sở tôn giáo phải phải thông báo với chính quyền địa phương trước một năm tất cả tất cả các sinh hoạt tôn giáo dự trù sẽ diễn ra. Những người được phong phẩm, suy cử người làm chức sắc tôn giáo phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thông qua…
"Cánh tay đắc lực" của Tuyên giáo
Vị Hòa thượng còn nói với RFA rằng Giáo hội Phật giáo Việt Nam là một "cánh tay đắc lực" của ban Tuyên giáo. Điều này được chính các quan chức nhiều lần khẳng định với các chức sắc tôn giáo :
"Vừa qua, thầy mới dự Đại hội Chức sắc Tôn giáo (không muốn nói rõ địa phương vì lý do an toàn). Người ta (chính quyền - PV) nói rằng phải thực hiện "đại đoàn kết dân tộc, đoàn kết các tôn giáo" và tất cả tôn giáo là một thành phần không thể tách rời của bộ máy chính trị.
Người ta đưa mình lên cao lắm ! Nhưng mà thực ra thầy biết là người ta đưa mình lên như vậy chỉ để kiểm soát tất cả hoạt động của mình thôi".
Tín đồ tôn giáo lâu nay luôn bị chính quyền coi là thành phần nhạy cảm, theo vị hòa thượng P.T cho biết. Bởi tín đồ tôn giáo vừa đông, vừa sẵn sàng nghe theo lời lãnh đạo tinh thần, chứ chưa chắc đã theo chính quyền, cho nên chính sách của nhà nước là một mặt luôn phát biểu đề cao vai trò tôn giáo, nhưng mặt khác cũng tăng cường kìm kẹp, kiểm soát chặt các cơ sở tôn giáo.
Nguồn : RFA, 19/08/2022
************************
Giáo hội Phật giáo Việt Nam nói phải chấn chỉnh chùa Ba Vàng sau vụ lễ cúng dường nhận tiền
RFA, 19/08/2022
Đại diện Giáo hội Phật giáo Việt Nam mới đây vừa lên tiếng xác định lễ cúng dường nhận tiền từ phật tử của sư thầy Thích Trúc Thái Minh - trụ trì chùa Ba Vàng ở Quảng Ninh - là chưa chuẩn và Ban Tăng sự cần phải có sự chấn chỉnh đối với chùa này.
– Phật tử quỳ lạy trong khi hai tay cần tiền để đưa nhà sư Facebook Chùa Ba Vàng
Truyền thông Nhà nước Việt Nam hôm 19/8 trích lời Hòa thượng Thích Gia Quang - Phó Chủ tịch Hội đồng trị sự, Trưởng Ban Thông tin truyền thông Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Viện trưởng Phân viện nghiên cứu Phật học Việt Nam tại Hà Nội - rằng, video cúng dường tại chùa Ba Vàng "không được chuẩn chỉ" đối với pháp khất thực trong Phật giáo.
"Khất thực như chùa Ba Vàng là theo Phật giáo Nam Tông. Tuy nhiên, theo Nam Tông thì người dân cúng dường chủ yếu là vật thực, còn tịnh tài (tiền) hầu như ít khi cúng. Ở Ba Vàng nhận cái đó, rồi cả hoa. Nói tóm lại, việc đó không chuẩn chỉ theo tinh thần Phật giáo" - Hòa thượng Thích Gia Quang nói.
Trước đó, nhân ngày lễ Vu Lan hôm 7/8, chùa Ba Vàng đã tổ chức lễ cúng dường. Các hình ảnh và video được chùa này đưa lên mạng và sau được lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội cho thấy sư thầy Thích Trúc Thái Minh đi khất thực, nhận tiền và hoa từ các phật từ trong khi các phật tử quỳ lậy rất cung kính.
Video đã gây ra những phản ứng trái chiều. Đã có những bình luận cho rằng việc một nhà sư nhận tiền như vậy không khác gì đi kinh doanh kiếm tiền, lợi dụng niềm tin tín ngưỡng của phật tử. Cũng có ý kiến ủng hộ hoạt động này của chùa Ba Vàng.
Đoạn video sau đó đã bị cơ quan chức năng Thành phố Uông Bí đề nghị lấy xuống. Lý do vì video đó có thể gây ảnh hưởng không tốt.
Đỉnh điểm trước khi Giáo hội Phật giáo của Nhà nước chính thức lên tiếng là bình luận và phản hồi giữa Thượng toạ Thích Nhật Từ và sư thầy Trích Trúc Thái Minh. Ông Thích Nhật Từ - trụ trì chùa Giác Ngộ ở Thành phố Hồ Chí Minh đồng thời là Ủy viên Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam - nói với báo chí rằng những điều mà chùa Ba Vàng làm trong lễ cúng dường là "chưa phù hợp văn hóa được Đức Phật quy định cho người xuất gia".
Ông Thích Trúc Thái Minh sau đó đã có phản bác trên trang Facebook cá nhân rằng : "Thượng toạ Thích Nhật Từ nên nhìn lại mình trước khi phê phán chùa Ba Vàng".
Nguồn : RFA, 19/08/2022