Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

22/07/2021

Sức mạnh quân sự : Lợi thế ngả về Trung Quốc hay Hoa Kỳ ?

Pierre-Antoine Donnet

Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã đầu tư nhiều và liên tục để hiện đại hóa lực lượng vũ trang. Tham vọng của Bắc Kinh là đạt thế thượng phong về quân sự so với các nước khác trên thế giới. Nhờ thế, quân đội Trung Quốc đã đạt được những bước tiến đầy ấn tượng.

quansu1

Khu trục hạm mang tên lửa dẫn đường USS John Finn (DDG 113) tiếp cận tàu sân bay USS Theodore Roosevelt (CVN 71) ngày 14/01/2021.   Petty Officer 1st Class Christop

Thế nhưng, trong bài viết "Năng lực quân sự : Trung Quốc và Mỹ, nước nào có lợi thế ?" đăng trên trang mạng Châu Á The Asialyst ngày 20/07/2021, tác giả Pierre-Antoine Donnet nhận định Trung Quốc chưa thể cạnh tranh với Mỹ về sức mạnh quân sự, dù là bây giờ hay trong một thời gian dài nữa. RFI giới thiệu bài viết trên trang mạng The Asialyst dưới dạng hỏi đáp.

Trung Quốc bị coi là mối đe dọa chính cho Mỹ trong những thập niên tới đây ? Tại sao ?

Bắc Kinh có nhiều nỗ lực quân sự đến mức một vị tướng của Mỹ đã gọi Trung Quốc là "mối đe dọa chính trong những thập niên tới đây" đối với Hoa Kỳ. Trong một phiên điều trần trước Quốc Hội hồi năm 2017 để được bổ nhiệm làm chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, tướng Joseph Dunford từng nói, đối với ông, "những mối đe dọa nghiêm trọng nhất" vẫn là "những mối đe dọa chưa xuất hiện".

Trong một phiên điều trần khác trước Ủy ban Lực lượng Vũ trang của Thượng Viện, vào ngày 26/09/2017, tướng Joseph Dunford xác định mối đe dọa đó chính là Trung Quốc, trong khi nhiều người vào thời điểm đó coi Bắc Triều Tiên, thậm chí cả Nga và Iran mới là mối đe dọa lớn nhất đối với Washington. Vị tướng này phát biểu : "Nếu nhìn đến năm 2025 và tính đến dân số và tình hình kinh tế, tôi nghĩ rằng Trung Quốc rất có thể sẽ là mối đe dọa lớn nhất" đối với Hoa Kỳ.

Tướng Joseph Dunford giải thích : "Trung Quốc đã tập trung vào việc hạn chế khả năng thể hiện sức mạnh của chúng ta (nước Mỹ) và nhằm làm suy yếu các quan hệ đồng minh của chúng ta ở Thái Bình Dương (…) Trung Quốc dường như tích cực tăng chi tiêu quân sự" để trang bị cho lực lượng vũ trang của họ "các khả năng có thể làm suy yếu các lợi thế công nghệ chính của Hoa Kỳ".

Vậy lực lượng bộ binh của Trung Quốc hiện giờ ra sao, về quân số cũng như chất lượng ?

Lục quân Trung Quốc đông về số lượng nhưng ít được trang bị và huấn luyện. Năm 2020, chi tiêu quân sự của Mỹ là 778 tỷ đô la, cao nhất thế giới về ngân sách quân sự và ở mức vượt rất xa so với các nước khác. Nhưng Washington không được lãng phí thời gian, bởi ngân sách quân sự của Trung Quốc năm nay lại tăng 6,8% sau khi tăng liên tục trong hai thập kỷ vừa qua.

Trung Quốc hiện giờ giữ kỷ lục thế giới về quân số tại ngũ : 2 triệu người vào năm 2019. Về phía Mỹ, Lầu Năm Góc đã đệ trình lên Quốc Hội ngân sách cho năm 2022 và dự kiện số binh lính tại ngũ là 1,35 triệu.

Thế nhưng, điều quan trọng không phải là quân số mà là bao nhiêu người trong số họ đã lĩnh hội được các kỹ thuật chiến tranh tinh vi nhất. Chúng ta thấy là quân lính Trung Quốc hoặc được trang bị lỗi thời hoặc không thể chiến đấu hiệu quả do không được huấn luyện một cách thích đáng. Tuy nhiên, Bắc Kinh đã không thụ động khoanh tay đứng nhìn. Chính phủ Trung Quốc đã giải ngân để phát triển và chế tạo các loại vũ khí tự động cho bộ binh.

Trong khi đó, theo tạp chí Mỹ Forbes, Mỹ có 6.333 xe bọc thép, nhiều thứ hai thế giới, chỉ sau Nga. Còn số xe thiết giáp của Trung Quốc là 5.800.

Nhưng về không quân, Mỹ có ở thế áp đảo so với Trung Quốc hay không ?

Nếu nói đến lực lượng không quân, thì sự vượt trội của Hoa Kỳ lấn át hẳn Trung Quốc. Theo một báo cáo năm 2021 của Lực lượng Không quân Thế giới (World Air Forces) được tạp chí Flight Global công bố, Mỹ có 13.000 chiến đấu cơ, trong đó có các máy bay chiến đấu F-35 Lightning và Raptor F-22, những loại chiến đấu cơ đáng gờm nhất trên toàn thế giới.

Còn theo báo cáo năm 2020 của China Military Power, Trung Quốc có khoảng hơn 2.500 phi cơ, trong đó có khoảng 2.000 máy bay chiến đấu. Chiến đấu cơ tinh vi nhất của Trung Quốc là J-20, còn được gọi là Mighty Dragon, được thiết kế để cạnh tranh với chiến đấu cơ F-22 của Mỹ. Nhưng khả năng cạnh tranh của loại máy bay chiến đấu này của Trung Quốc vẫn chưa được chứng minh, bởi cho đến nay vẫn chưa có cuộc chiến nào xảy ra giữa hai đối thủ J-20 của Trung Quốc và F-22 của Mỹ.

Hai nước cũng đang nghiên cứu để sản xuất máy bay ném bom mới. Trung Quốc đã có oanh tạc cơ Tây An (Xian) H-20. Còn Hoa Kỳ thì đã phát triển máy bay ném bom tàng hình B-21 Raider thế hệ mới.

Thế còn tàu sân bay và kho vũ khí hạt nhân của Trung Quốc có sánh được với Hoa Kỳ hay không ?

Các tàu sân bay của Trung Quốc đã lỗi thời còn kho vũ khí nguyên tử của Trung Quốc thì không thể sánh bằng Mỹ. Hải quân có vai trò quan trọng đối với Trung Quốc và nước này có số tàu chiến nhiều nhất thế giới : 360 tàu so với con số 297 của Hoa Kỳ. Thế nhưng, về lĩnh vực này cũng vậy, số lượng không làm nên chất lượng. Mỹ có nhiều ưu thế hơn Trung Quốc, với tổng cộng 11 tàu sân bay vận hành bằng năng lượng hạt nhân, mỗi tàu sân bay có chỗ cho hơn 60 chiến đấu cơ cất cánh nhờ hệ thống phóng tối tân. Còn Trung Quốc chỉ có hai tàu sân bay được trang bị động cơ đẩy thông thường và dễ nhận thấy. Đó là các tàu sân bay Liêu Ninh (Liaoning) và Sơn Đông (Shandong), vốn dĩ vận hành dựa trên công nghệ lạc hậu, lỗi thời có từ những năm 1980 và chỉ có thể chứa tối đa 24 hoặc 36 máy bay chiến đấu J-15.

Cũng cần nói đến kho vũ khí hạt nhân của Hoa Kỳ và Trung Quốc. Một lần nữa, Trung Quốc không thể sánh với Hoa Kỳ. Mỹ có khoảng 5.800 đầu đạn hạt nhân, trong đó có 1.400 đầu đạn hạt nhân trong tình trạng báo động thường trực và sẵn sàng được phóng vào bất cứ lúc nào, so với con số 250-350 đầu đạn hạt nhân của Trung Quốc.

Trung Quốc còn có những điểm yếu quân sự nào khác ?

Ngành công nghiệp vũ khí Trung Quốc trong những năm qua gặp khó khăn về chế tạo các loại vũ khí mới. Theo một nghiên cứu của cơ quan tư vấn Mỹ Rand Corporation, có 3 lĩnh vực mà Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc phải đối mặt với những hạn chế : thiết bị bán dẫn thế hệ mới, tàu ngầm tàng hình và động cơ máy bay tiêm kích.

Chính vì thế hệ thống vũ khí của Trung Quốc "chậm nhiều năm" so với Mỹ. Máy bay chiến đấu J-20 và J-31 của Trung Quốc so với chiến đấu cơ F-22 và F-35 của tập đoàn Mỹ Lockheed Martin là một ví dụ : máy bay Trung Quốc bị máy bay Mỹ vượt rất xa.

Nhưng chúng ta cũng cần lưu ý về những phát biểu gần đây của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Vào ngày 01/07/2021, phát biểu tại quảng trường Thiên An Môn ở trung tâm thủ đô Bắc Kinh nhân kỷ niệm 100 năm thành lập đảng Cộng Sản Trung Quốc, ông Tập đã dọa là bất cứ nước nào dám liều lĩnh uy hiếp Trung Quốc sẽ "sứt đầu mẻ trán và đổ máu". Đó là điều đáng suy ngẫm !

Pierre Antoine Donnet

Nguyên tác : Puissance militaire : entre la Chine et les Etats Unis, qui a l'avantage ?, Asialyst , 20/07/2021

Thùy Dương lượt dịch

Nguồn : RFI, 22/07/2021

Pierre Antoine Donnet là cựu thông tín viên của hãng tin Pháp AFP, tác giả của khoảng 15 cuốn sách về Trung Quốc, Nhật Bản, Tây Tạng, Ấn Độ và những thách thức lớn ở Châu Á. Vào năm 2020, Pierre-Antoine Donnet cho xuất bản cuốn sách về vai trò lãnh đạo thế giới - cuộc đụng độ giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ (Le leadership mondial en question - L'affrontement entre la Chine et et les Etats-Unis, Nhà xuất bản Aube).

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Pierre-Antoine Donnet, Thùy Dương
Read 571 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)