Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

23/07/2021

"Thế lực thù địch" nào lợi dụng dịch bệnh để phá Việt Nam ?

Thanh Trúc

Hà Nội lên án "thế lực thù địch" lợi dụng dịch bệnh để phá Việt Nam

Báo đài Việt Nam lại lên tiếng chỉ trích một số đối tượng phản động và các trang thông tin "lề trái" là đã lợi dụng Covid-19 để tăng cường chống phá Đảng Nhà nước, gây chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc. Diện mạo các thế lực  hay cá nhân thù địch như thế nào mà Việt Nam cứ gọi tên đổ tội như thế ?

"Nhiều thế lực thù địch, phần tử phản động đang lợi dụng tình hình dịch Covid-19 để tung những tin đồn thất thiệt, gây hoang mang dư luận và ảnh hưởng đến công cuộc phòng, chống dịch", là những câu chữ đậm nét trên trang thông tin VOV.VN  của Nhà nước Việt Nam hôm 21/7.

so1

Người dân trong khu phong tỏa vì dịch bệnh Covid-19 ở Thành phố Hồ Chí Minh nhận thực phẩm qua rào chắn hôm 20/7/2021-Reuters

Bài viết trên VOV.VN còn dẫn thống kê từ Cục An ninh Chính trị Nội bộ, thuộc Bộ Công An, rằng từ đầu tháng 7/2021 đến nay  hơn 100 bài viết có nội dung liên quan đến dịch Covid-19 xuất hiện trên các đài báo nước ngoài (BBC, RFA, Việt Nam Thời báo…). Theo VOV, chủ yếu các bài viết này là xuyên tạc công cuộc phòng chống dịch của Nhà nước, kích động để gây chia rẽ giữa người dân và chính quyền.

Vẫn theo cáo buộc trên VOV.VN, tiếng nói chính thức của Đảng và Nhà nước Việt Nam, một số tài khoản mạng xã hội của các tổ chức phản động bên ngoài như Việt Tân, Nhật Ký Yêu Nước... và các tài khoản khác âm mưu đăng tải thông tin sai sự thật, không chỉ gây hoang mang dư luận mà còn khiến công cuộc phòng chống đại dịch của Việt Nam bị ảnh hưởng xấu.

Những tin sai lạc mà VOV chỉ ra, thí dụ "Từ 0h ngày 15/7, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ giới nghiêm, ngưng tất cả các ngành nghề, cấm người dân di chuyển ra ngoài", hoặc "Lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh đã nhiễm Covid-19", hay là hình ảnh nhiều thi thể nạn nhân trong bệnh viện chụp ở Indonesia thì lại bị các đối tượng ‘phản động’ đưa lên mạng rồi gán cho là chụp tại bệnh viện Chợ Rẫy, Thành phố Hồ Chí Minh.

Cũng trong ngày 21/7, nguồn từ Công an thành phố Hồ Chí Minh cho hay An Ninh Mạng và Phòng Chống Tội Phạm Công Nghệ Cao, tức PA5, được lệnh rà soát, xác minh, nhận diện những tài khoản mạng xã hội trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, đã từng và còn đang thực hiện hành vi xuyên tạc liên quan đến công tác phòng chống dịch Covid-19 của thành phố ; đồng thời phải phối hợp với các cơ quan chức năng của Thành phố để xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.

Công an Thành phố Hồ Chí Minh còn khuyến cáo người dân tỉnh táo, đề cao cảnh giác, không chia sẻ, bình luận những thông tin về dịch bệnh chưa được kiểm chứng cũng như chưa được cơ quan chức năng xác nhận.

so2

Ảnh chụp màn hình bài báo trên VOV.

Người dân nghĩ sao khi trang mạng VOV.VN loan tin này ?

"Thôi đi, Sài Gòn tui đang khiếp đảm trước cả chục hay cả trăm ca lây nhiễm mỗi ngày, khổ sở với cách giăng dây chận đường ngõ này ngõ nọ, chưa kể chạy thức ăn muốn chết từng ngày, lấy đâu ra mà phản động phản điếc. Mấy lãnh đạo ngon thì làm ơn lo mạnh tiêm chủng cho dân lẹ đi, trên mạng sẽ khen mấy lãnh đạo nức nở liền".

Đó là điện thư của thính giả VTK  gởi cho RFA sau khi nghe tin này.

Độc giả N.H.Đ. gửi dòng cảm nghĩ qua mail cho đài như sau :

"Dân Thành phố Hồ Chí Minh chê bai gì mấy ông chống Covid-19 dở  đâu, chẳng lẽ kêu mấy ông tham khảo, nghe lời chuyên gia y tế là phản động sao, truyền tin cho nhau đi lấy đồ ăn tiếp tế là chống đối sao ? Nói vậy là áp đặt đó, kiểu ‘bánh mì không phải lhực phẩm thiết yếu đó’.  Riết rồi chẳng ai tin".  

Dân kêu mà bảo người ta phản động, chia rẽ đoàn kết dân tộc thì quả thực chế độ đang mất uy tín và đang sợ hãi trước những sai sót của mình, lời cựu phóng viên Tạp Chí Cộng Sản, nhà báo độc lập Nguyễn Vũ Bình :

"Nói lợi dụng, chống đối với chia rẽ dân tộc… các thứ chính là cái sai lầm, cái không có uy tín của Đảng và Nhà nước. Họ càng lo sợ hơn khi ứng phó với đại dịch thì cả những bất cập, những cái non yếu của hệ thống chính trị đã được phơi bày trên mặt xã hội".

"Đối với Nhà nước Việt Nam, mong muốn thay đổi, tiến bộ bị gọi là tấn công chế độ, là thế lực thù địch, đấy là chuyện bình thường. Nói sự thật thì mới thu hút được người dân, nhưng đối với Nhà nước đó là vấn đề". 

Ông Lê Thân, thành viên Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng, nơi qui tụ những nhân sĩ trí thức từng hoạt động cách mạng 46 năm trước, trình bày câu chuyện đằng sau bản tin của VOV.VN mà ông cho là nếu hợp tình hợp lý thì phải nói rằng :

"Chẳng thế lực thù địch gì đâu. Rõ ràng chống dịch một thời gian Nhà nước đã thấy những cái sai mà các bác sĩ, các chuyên gia nói ra. Thêm nữa làm theo kiểu cũ thì cũng làm không nỗi".

Ngay từ đầu, ông nói, mạng xã hội đã phản ánh lời khuyến của các chuyên gia về vấn đề F1, F0 :

"F1 thì cho về nhà tự trị, F0 không có biểu hiện thì cứ  về nhà. Tức là vấn đề nó đơn giản hơn để các bệnh viện không chỉ tập trung chống Covid mà còn lo bao nhiêu chuyện khác. Chứ do một hai người F1 và F0 mà cứ đem hết người tiếp xúc đi cách ly thì chỗ đâu mà chứa ? Tất nhiên không ai có thể sản xuất trong tình hình dịch bệnh tràn lan, cũng không ai sản xuất được khi bị ngăn sông cấm chợ, thực phẩm càng lúc càng lên giá, người dân không có tiền. Anh không nhìn thấy thực tế đó, chẳng qua bây giờ Nhà nước phải bắt đầu nghe lời các chuyên gia, bắt đầu phải thay đổi để làm sao cho phù hợp tình hình".

Không ai đi lợi dụng việc chống dịch để làm chuyện chống đối Nhà nước, xuyên tạc công cuộc phòng chống dịch như báo mạng Nhà nước cáo buộc, ông Lê Thân khẳng định :

"Chuyện chống dịch là cả thế giới này đề chống, nhiều nước cũng xấc bấc xang bang chứ đâu chỉ Việt Nam. So sánh ra thì Việt Nam cũng có thành công trong chừng mực nào đó, nhưng đáng lý sẽ thành công hơn nếu lắng nghe chuyên gia ngay từ ban đầu. Những ý kiến trên mạng người ta chê, người ta yêu cầu có sự thay đổi cách trị Covid thì hầu hết là những góp ý xây dựng. Tôi cho rằng những lập luận như xuyên tạc chống phá trên báo không có giá trị gì hết".

Bài báo trên mạng VOV.VN dẫn lời luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật Sư Thành phố Hồ Chí Minh, rằng mạng xã hội là phương tiện hiệu quả để thông tin, hướng dẫn biện pháp phòng chống Covid-19. Thế nhưng đó cũng lại là công cụ để những đối tượng xấu lợi dụng nhằm tuyên truyền sai sự thật, gây hoang mang bất ổn trong dân.

Ông nói hành vi đưa tin sai sự thật trên mạng xã hội có thể bị xử phạt vi phạm hành chính. Điều 101 Nghị định Chính phủ số 15/2020 ngày 3/2/2020 cũng quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử.

Trường hợp nặng hơn, người có hành vi đưa lên mạng máy tính, mạng viễn thông thông tin giả mạo, thông tin xuyên tạc về tình hình dịch bệnh Covid-19 có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Được hỏi điều gọi là những tin đồn thất thiệt trên mạng xã hội trong lúc này có phải là một dạng "tâm lý chiến nguy hiểm" như VOV.VN cảnh báo không, luật sư Đặng Đình Mạnh ở Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng đây là một sự gán ghép rất khiên cưỡng và trái thực tế :

"Trong hoàn cảnh dịch bệnh hết sức căng thẳng hiện nay ở Thành phố Hồ Chí Minh thì công chúng nhận thấy nhiều điều được thực hiện không nhất quán. Hôm nay thế này, ngày mai thế khác khiến cho mọi người rất là bất an.

Nhất là không phải chỉ Việt Nam chống dịch mà khắp thế giới đang chống dịch. Người ta đã có những giải pháp mà Việt Nam cần học tập thì đã có thể đối đầu với dịch bệnh rất tốt rồi.

Thế nhưng việc mà Việt Nam tự tạo cho mình một lối đi riêng bằng những biện pháp ta vẫn thường nghe như buộc phải cách ly, buộc phải chữa trị tập trung ở bệnh viện vân vân và vân vân… dẫn đến tình trạng quá tải. Nhất là trong tình hình lây nhiễm tăng và hầu như những cơ sở y tế không còn đảm đương được nữa. Do vậy người dân đã có những góp ý, những nhận xét về việc chính quyền đối phó với dịch bệnh".

Lẽ ra, luật sư Đặng Đình Mạnh nói tiếp, chính quyền nên đặt mình vào cương vị người dân, nên khách quan, vô tư đón nhận những ý kiến thậm chí trái ngược với chính sách đã có.

Vẫn theo lời ông, cáo buộc gán ghép phản ứng của dân với hành vi phạm pháp hoặc tâm lý chiến tức là triệt tiêu trí tuệ và tinh thần đóng góp xây dựng của dân chúng :

"Tôi nghĩ chính quyền nên lắng nghe hơn là cứ nghĩ những tiếng nói nghịch với mình là những tiếng nói thù địch chống phá gì đấy".

Tiếp lời luật sư Đặng Đình Mạnh, blogger Lê Thân của Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng cho rằng ông đồng ý với nhà báo độc lập Nguyễn Vũ Bình, rằng Nhà nước đang lo lắng và đang bộc lộ yếu điểm của mình qua bài báo trên VOV.VN :

"Tôi mới đọc một bài sau này của ông Lý Xuân Hải, trước là Tổng giám đốc ACB. Ông nói đã làm lãnh đạo mà thấy mình sai thì phải dám quyết định mình sai, còn hơn là không biết quyết định cái gì".   

Và dù có những lời nhận xét mạnh mẽ quyết liệt như vậy, ông Lê Thân nhấn mạnh là ông vẫn thấy tuyệt nhiên không có sự phản động hay chống đối mà là một lời góp ý chân thành.

Trên hết và cần thiết hơn hết, ông Lê Thân kết luận, Nhà nước nên cân nhắc lắng nghe dân chứ đừng dùng quyền lãnh đạo để buộc tội người góp ý.

Thanh Trúc

Nguồn : RFA, 23/07/2021

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thanh Trúc
Read 771 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)