Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

22/07/2021

Quan điểm địa chính trị của các đại cường về : Đông Nam Á, thương mại, tự trị

Thanh Hà, Lưu Tường Quang, Minh Anh

Để tranh giành ảnh hưởng với Trung Quốc, Mỹ coi Đông Nam Á là trọng tâm trong chiến lược an ninh

Thanh Hà, RFI, 22/07/2021

Kể từ ngày 23/07/2021, bộ trưởng quốc phòng Mỹ lên đường công du ba nước Đông Nam Á. Sau chặng dừng tại Alaska, tướng Lloyd Austin lần lượt viếng thăm Singapore, Việt Nam và Philippines. Theo giới quan sát, chính quyền Biden củng cố sự hiện diện của Mỹ trong khu vực vào lúc cuộc đọ sức tranh giành ảnh hưởng với Trung Quốc trong vùng Đông Nam Á gia tăng. 

diachinh1

Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Lloyd Austin phát biểu trước báo giới tại Lầu Năm Góc, Washington, ngày 21/07/2021. AP - Kevin Wolf

Qua chuyến công du đầu tiên đến Đông Nam Á ngay đầu nhiệm kỳ, bộ trưởng quốc phòng Mỹ, tướng Lloyd Austin, muốn chứng tỏ Washington quan tâm đến việc tăng cường hiện diện ở Đông Nam Á, trấn an các nước trong vùng rằng chính quyền Biden "không làm ngơ và cũng không xem nhẹ" các đối tác khu vực này. Thêm vào đó, như nhà nghiên cứu Aaron Jed Rabena, một thành viên Viện Nghiên Cứu Quan Hệ Quốc Tế Phililippines, được báo South China Morning Post trích dẫn, đây là một bằng chứng mới cho thấy "giờ đây Hoa Kỳ phối hợp với các đồng minh và đối tác để làm đối trọng với ảnh hưởng của Trung Quốc tại Đông Nam Á", thuyết phục các nước trong khu vực về một giải pháp khác, giảm bớt mức độ lệ thuộc vào dự án Một Vành Đai Một Con Đường của Bắc Kinh. 

Singapore, Việt Nam và Philippines là những đầu cầu quan trọng của Mỹ trong khu vực. Trả lời báo South China Morning Post, Greg Poling giám đốc cơ quan an ninh hàng hải AMTI thuộc Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược và Quốc Tế CSIS của Mỹ, giải thích lãnh đạo Lầu Năm Góc đã chọn ba quốc gia nói trên trong khu vực vì những lý do khác nhau. Singapore là một "đối tác an ninh quan trọng nhất của Hoa Kỳ". Đối với Việt Nam, trong bối cảnh đang đọ sức với Trung Quốc thì trong mắt Washington, Việt Nam có vị trí gần gũi với Mỹ hơn cả. 

Nhìn đến Philippines, quốc gia này là đồng minh lâu đời nhất của Hoa Kỳ nhưng lại là nơi mà "cửa ngõ ra vào của Mỹ đang bị đe dọa nghiêm trọng" sau nhiều lần Manila dọa đình chỉ thỏa thuận quân sự với Washington. Cụ thể là chính quyền của tổng thống Duterte từ tháng 2/2020 liên tục dọa hủy thỏa ước VFA ký từ năm 1998. Đây là một thỏa thuận thăm viếng quân sự quy định một khung pháp lý cho việc Hoa Kỳ đưa quân đến Philippines tiến hành các cuộc tập trận chung. Trước thái độ càng lúc càng hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông, VFA lại càng mang tính chiến lược hơn bao giờ hết. 

Cũng báo South China Morning Post trong ấn bản ngày 20/07/2021 trích dẫn nhiều chuyên gia cho rằng có triển vọng đối thoại giữa lãnh đạo Lầu Năm Góc với các đối tác Philippines lần này không quá gay gắt. Tổng thống Rodrigo Duterte tuy có dọa đình chỉ VFA với Hoa Kỳ với hy vọng xích lại gần với Bắc Kinh để tranh thủ các nguồn đầu tư của Trung Quốc, thế nhưng mọi việc không diễn ra theo ý muốn của ông Duterte.

Giáo sư quan hệ quốc tế đại học Pennsylvania, Hoa Kỳ, Renato de Castro, ghi nhận : Trung Quốc không giữ lời hứa đầu tư 26 tỷ đô la vào Philippines như chính chủ tịch Tập Cận Bình đã cam kết. Trong khi đó, Washington cam kết giúp Philippines hiện đại hóa quân đội và tháng trước vừa thông qua quyết định cung cấp 2,5 tỷ đô la trang thiết bị quân sự cho quốc gia Đông Nam Á này.

Măt khác, tổng thống Duterte cũng có khuynh hướng đấu dịu, muốn dùng uy tín của Mỹ để "làm hạ nhiệt tình hình trong khu vực Biển Đông", như ghi nhận của nhà nghiên cứu Collin Koh, Viện quan hệ quốc tế Đông Nam Á tại Singapore. Nhà nghiên cứu này muốn nói đến sự hiện diện càng lúc càng đông của lực lượng du kích biển Trung Quốc trong các vùng lãnh hải của Philippines. 

Thế còn đối thoại Mỹ- Việt thì sao ? Giáo sư Carlyle Thayer, Học Viện quốc phòng Úc nhắc lại chính quyền Biden đã xác định Việt Nam là một "đối tác chiến lược ưu tiên" của Hoa Kỳ. Tướng Lloyd Austin đến Hà Nội lần này trong bối cảnh thuận lợi sau khi đôi bên vừa đạt được thỏa thuận liên quan đến hồ sơ Washington cáo buộc Việt Nam thao túng tiền tệ.

Tuần trước, trong cuộc điều trần tại Thượng Viện, Marc Knapper, người được tổng thống Biden đề cử làm đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam cho biết Mỹ có ý định nâng mức quan hệ với Việt Nam lên tầm "đối tác chiến lược". Giáo sư Thayer cho rằng cuộc tiếp xúc đầu tiên với các lãnh đạo ở Hà Nội nhằm tìm hiểu và dọ ý các lãnh đạo Việt Nam về khả năng đưa Việt Nam thành một đối tác chiến lược của Mỹ, đẩy mạnh hợp tác phòng thủ trong bối cảnh Trung Quốc bành trướng tại Biển Đông. 

Chuyên gia thuộc Học Viện quốc phòng Úc, Carlyle Thayer, nhắc lại chuyến công du đầu tiên của bộ trưởng quốc phòng Mỹ lẽ ra phải được tiến hành sớm hơn. Lãnh đạo Lầu Năm Góc từng dự trù đến Việt Nam nhân dịp tướng Austin đến Singapore dự diễn đàn an ninh khu vực hồi đầu tháng 6/2021 nhưng rồi sự kiện này đã bị hủy bỏ vì đại dịch Covid-19.

Ngoài Việt Nam, tuần trước ngoại trưởng Blinken đã họp qua cầu truyền hình với các đối tác ASEAN và một lần nữa lãnh đạo ngoại giao Hoa Kỳ đã nhấn mạnh đến tầm mức quan trọng của khu vực Đông Nam Á trong chiến lược Ấn Độ -Thái Bình Dương của Mỹ. Đây không chỉ là một thông điệp chính quyền Biden dồn dập nhắn gửi đến các đồng minh và đối tác Đông Nam Á của Hoa Kỳ mà chủ yếu là một tín hiệu mạnh Nhà Trắng nhắm thẳng đến Bắc Kinh. 

Thanh Hà

****************

Đối trọng Trung Quốc nhưng vẫn duy trì mối giao thương tốt đẹp : New Zealand đã làm gì ?

Lưu Tường Quang, Hoàng Hằng, RFI, 22/07/2021

Trong bối cảnh toàn cầu khi mà cục diện địa chính trị luôn thay đổi và xoay chiều, các mối quan hệ bang giao đều bị chi phối. Đặc biệt, từ khi Trung Quốc mang "giấc mộng Trung Hoa" xâm chiếm thế giới và sử dụng thế mạnh thương mại như một thứ vũ khí chiến lược đã tạo ra những phương cách đối trọng khác nhau giữa các quốc gia cho dù đồng minh hay thân hữu.

diachinh2

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tiếp thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern nhân chuyến thăm chính thức Bắc Kinh ngày 01/04/2019. AP - Kenzaburo Fukuhara

Không ngoại lệ, New Zealand và Úc tương đồng nhiều mặt, thân thiết trong mối quan hệ, đồng thuận trong các vấn đề chung, và có cùng đối tác thương mại lớn nhất là Trung Quốc song lại bất tương đồng khi tiếp cận vấn đề Bắc Kinh.

Nếu như, Canberra nhấn chìm mối quan hệ xuống hố sâu mâu thuẫn bằng sự mạnh mẽ công khai lên án, chặn đứng mưu toan xâm nhập và can thiệp giảm thiểu tầm ảnh hưởng của Bắc Kinh ; thì dù nhận biết âm mưu, nhưng để giữ vững mối quan hệ song thương vốn có, Wellington lại đối kháng Bắc Kinh bằng chính sách ngoại giao được cho là uyển chuyển, nhiều màu sắc.

Vấn đề này được Luật sư – Nhà báo Lưu Tường Quang (*) phân tích trong cuộc trả lời phỏng vấn đài RFI tiếng Việt, mời quý vị theo dõi.

**********

RFI : RFI tiếng Việt cảm ơn ông đã dành thời gian cho cuộc phỏng vấn. Chúng ta biết, New Zealand là nước lớn thứ hai sau Úc, thuộc Châu Đại Dương, sớm có mối quan hệ bang giao thương mại với chính quyền Trung Quốc. Ông có thể cho biết những cột mốc đáng lưu ý trong chiều dài lịch sử mối quan hệ giữa Wellington và Bắc Kinh ?

Lưu Tường Quang : Là hai quốc gia đã phát triển thuộc Châu Đại Dương có nguồn gốc lịch sử và văn hóa tương đồng, vì vậy, chúng ta có thể nói New Zealand và Úc hầu như đồng nhịp trong phát triển mối bang giao với Trung Quốc. Tuy nhiên, New Zealand có tầm nhìn chiến lược của một nước nhỏ, chủ yếu là Vùng Nam Thái Bình Dương và Đông Á. Trong khi, Úc là một cường quốc kinh tế bậc trung, đứng hàng thứ 12 trên thế giới về mặt tổng sản lượng nội địa GDP, và là đồng minh gần gũi hơn với Mỹ, nên có tầm nhìn rộng khắp vùng Ấn Độ - Thái Bình Dương. Điểm chung giữa hai nước là vai trò thiết yếu của Trung Quốc đối với việc phát triển kinh tế của New Zealand và Úc trong hai thập niên đầu của thế kỷ thứ 21, khi Trung Quốc đã và đang trỗi dậy về kinh tế và quân sự.

Trong mối bang giao song phương này, một vài cột mốc đáng chú ý nhất, bao gồm Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) mà New Zealand và Trung Quốc đã ký hồi năm 2008. Hiệp ước này vừa được New Zealand và Trung Quốc cải tiến, nâng cấp hồi tháng 01/2021. New Zealand là thành viên đầu tiên của Tổ Chức OECD có một FTA với Trung Quốc. Trong khi, phải đến năm 2014, sau 10 năm thương thuyết, Úc mới đạt được một Hiệp ước FTA với Bắc Kinh. Có thể nói, tiến trình thương thuyết được nhanh hơn vì New Zealand cũng là quốc gia đầu tiên ký kết thỏa hiệp vào năm 1997 nhằm ủng hộ Bắc Kinh gia nhập Tổ Chức Thương mại Thế giới (WTO) và Trung Quốc trở thành hội viên WTO vào tháng 12/2001.

Năm 2014, để bang giao được đa dạng hơn từ kinh tế đến an ninh quốc phòng, New Zealand (và Úc) đã nâng cấp quan hệ với Trung Quốc lên mức Đối tác Chiến lược Toàn diện (Comprehensive Strategic Partnership). Đến năm 2017, New Zealand gia nhập sáng kiến "Một vành đai một con đường" (BRI) mà chủ tịch - tổng bí thư Tập Cận Bình đã phát động năm 2013.

RFI : New Zealand biện minh thế nào khi gia nhập dự án Một vành đai một con đường ?

Lưu Tường Quang : Thủ tướng Jacinda Ardern xác quyết, cả Trung Quốc và New Zealand đều có lợi. Theo tôi, New Zealand chỉ nhìn từ góc cạnh song phương và không quan tâm đúng mức sự bành trướng của Bắc Kinh về mặt địa lý chính trị toàn cầu. Chính điều này đã làm Bắc Kinh rất hài lòng, vì New Zealand là một quốc gia dân chủ phương Tây đầu tiên gia nhập, trong khi cho đến nay, Úc và Hoa Kỳ vẫn từ chối.

RFI : Mối quan hệ giữa New Zealand và Úc được khẳng định mật thiết như một gia đình và cả hai nước xem Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất. Ngoài ra, Wellington và Canberra cũng tương đồng trong cách ứng phó khi nhận thấy sự xâm nhập ngày một sâu rộng của Bắc Kinh vào khu láng giềng Nam Thái Bình Dương. Vậy, New Zealand có phương cách hành động như thế nào nhằm đối trọng sự bành trướng của Bắc Kinh trong khu vực này ?

Lưu Tường Quang : Hợp tác an ninh quốc phòng giữa hai nước đã phát triển sâu đậm và lâu dài hơn thể hiện qua Hiệp ước ANZUS, giữa Hoa Kỳ, Australia và New Zealand được ký vào năm 1951. Trong lĩnh vực hợp tác kinh tế, mãi đến năm 1983, New Zealand và Úc mới ký Hiệp định CER (Closer Economic Relationship) và đồng thời nỗ lực phát triển mối bang giao riêng với Trung Quốc. Kết quả, ngày nay Trung Quốc trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Úc cũng như của New Zealand.

Mỗi năm, Trung Quốc mua khoảng 25% hàng hoá và dịch vụ mà New Zealand xuất cảng ra toàn thế giới. Năm 2008, sau khi hai nước ký Hiệp định FTA, trị giá hàng hoá và dịch vụ mà New Zealand đã bán cho Trung Quốc tăng từ 4.4 tỷ đô la NZ lên đến 20.1 tỷ đô la NZ trong năm 2020. Tổng trị giá giao thương hai chiều là 33 tỷ đô la NZ. Rõ ràng, New Zealand đang hưởng tình trạng xuất siêu tốt đẹp, do đó có thể bị nhiều áp lực hơn từ phía Bắc Kinh. Tình trạng tương tự cũng đang xảy ra trong giao thương giữa Bắc Kinh và Canberra. Dù vậy, Bắc Kinh đã không áp lực Wellington mà còn "khen ngợi" chính sách ngoại giao "mềm dẻo" của New Zealand.

Một mặt, Bắc Kinh duy trì quan hệ lãnh đạo cấp cao với New Zealand. Thủ tướng Jacinda Ardern đã chính thức công du Bắc Kinh năm 2019 và được tổng bí thư Tập Cận Bình tiếp đón nồng hậu. Trong khi, từ năm 2018 đến nay, quan hệ từ cấp bộ trưởng đến thủ tướng giữa Trung Quốc và Úc bị "đông lạnh".

Mặt khác, khi Bắc Kinh mở rộng dự án "Một vành đai một con đường" để tạo ảnh hưởng tại Vùng Nam Thái Bình Dương, cả Úc và New Zealand đều phát động chính sách đối trọng. Cụ thể, Úc có phương án "Pacific Step-Up" và New Zealand với sách lược "Pacific Reset" do chính thủ tướng Jacinda Ardern phát động năm 2018.

Theo tài liệu bộ Ngoại giao New Zealand, "Pacific Reset" là một chính sách mới nhằm phát huy đối tác, sử dụng quyền lực mềm (kể cả viện trợ phát triển) với các đảo quốc Nam Thái Bình Dương. Tuy New Zealand không nêu đích danh Trung Quốc, nhưng đây là một sách lược để giúp New Zealand duy trì ảnh hưởng tại Nam Thái Bình Dương trước sự xâm nhập của Bắc Kinh. Tầm vóc có thể nhỏ hơn, những mục đích của "Pacific Reset" không khác gì kế hoạch "Pacific Step-Up" của Úc.

Bắc Kinh không có phản ứng tiêu cực đối với "Pacific Reset" của New Zealand, ít nhất là một cách công khai. Nhưng lại công khai đả kích "Pacific Step-Up" của Úc như là một phần của chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Đường do Mỹ lãnh đạo. Đây có thể là một phần của chính sách chia để trị của Trung Quốc.

diachinh20

Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern và đồng nhiệm Trung Quốc Lý Khắc Cường trong một buổi lễ ký kết thỏa thuận hợp tác song phương tại Lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh ngày 01/04/2019. AP - Naohiko Hatta

RFI : Chúng ta có thể nhận thấy, sự khác biệt trong cách tiếp cận các vấn đề liên quan đến Bắc Kinh giữa Wellington và Canberra. Nếu như, Canberra mạnh miệng, thẳng thắn chỉ trích Bắc Kinh trong mọi vấn đề, thì Wellington lại do dự hoặc miễn cưỡng chỉ trích Bắc Kinh trong một số vấn đề chung. Điều này được cho là do bản sắc dân tộc và khái niệm về lợi ích khu vực chứ không phải xuất phát từ nỗi sợ hãi về sự trả đũa kinh tế từ Bắc Kinh. Luận điểm này được hiểu như thế nào, thưa ông ?

Lưu Tường Quang : Về mặt địa lý tự nhiên, New Zealand là một quốc gia Nam Thái Bình Dương và được che chở bởi Úc, một lục địa lớn hơn gấp bội nối liền Thái Bình Dương với Ấn Độ Dương. Tầm nhìn của New Zealand thu hẹp về mặt địa lý chính trị so với Úc, mặc dù cả hai đều có thể chế truyền thống tự do dân chủ vững chắc và thuộc nhóm các quốc gia phương Tây mà trước Đệ nhị Thế chiến do đế quốc Anh lãnh đạo và sau là Hoa Kỳ.

Có lẽ, vì truyền thống chính trị tự do dân chủ mà New Zealand đứng hẳn về phía dân chủ phương Tây trong thế kỷ thứ 20, còn được gọi là Thế kỷ của nước Mỹ. Theo đó, New Zealand đặt nặng vấn đề an ninh quốc phòng của riêng mình và chia sẻ lập trường chung của Thế giới Tự do trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh và sự đe dọa từ Thế giới Cộng sản sau Đệ nhị Thế Chiến.

Có thể chứng minh điều này qua hai thí dụ. Thứ nhất, vào năm 1951, Úc, New Zealand và Hoa Kỳ đã ký Hiệp Định ANZUS tại San Francisco nhằm mục đích hợp tác quốc phòng, sau khi chế độ Cộng sản được thiết lập tại Bắc Kinh năm 1949. Cùng năm 1951, Mỹ đã ký hiệp định hợp tác an ninh quốc phòng song phương với Philippines và Nhật Bản.

Thứ hai, do mối đe dọa từ Thế giới Cộng sản Quốc tế, đặc biệt từ Bắc Kinh, Tổ chức Liên Phòng Đông Nam Á (SEATO) được thành lập vào năm 1954 do Mỹ lãnh đạo cùng thành viên New Zealand và Úc. Nếu quay về thời điểm lịch sử này, Việt Nam Cộng Hoà, Cam Bốt và Lào, tuy không phải là thành viên nhưng vẫn được Tổ chức SEATO bảo vệ. SEATO không tồn tại lâu và được giải tán vào năm 1977, sau khi Việt Nam Cộng Hòa bị sụp đổ năm 1975.

Là một nước nhỏ, New Zealand đôi khi phải uyển chuyển để duy trì độc lập, ngay cả với đồng minh hoặc thân hữu. Thế kỷ thứ 21 là một thế kỷ toàn cầu hóa về mặt kinh tế và thế kỷ đa cực về mặt an ninh quốc phòng. Theo đó, nước Mỹ vẫn là cường quốc số một về mặt kinh tế và quân sự. Nhưng với sự trỗi dậy của Trung Quốc, Hoa Kỳ không còn vị thế độc tôn. Có lẽ, sau khi trở lại với Hiệp định ANZUS, do đó, trên nguyên tắc, được che chở dưới chiếc dù nguyên tử của Mỹ, New Zealand cảm thấy an toàn hơn trong chính sách cải thiện bang giao thương mại với Trung Quốc mà nền kinh tế New Zealand phụ thuộc.

Về mặt song phương, New Zealand tin rằng thỏa hiệp nào mà New Zealand có thể đạt được với Bắc Kinh trước những quốc gia khác, New Zealand có thể được nhiều lợi nhuận hơn. Thực tế, điều này hầu như đã được xác minh với Hiệp định FTA 2008 và được nâng cấp vào đầu năm 2021.

Trong thời gian thương thuyết nâng cấp Hiệp định FTA 2008, New Zealand đã từ chối ký tên vào bản Thông cáo chung với Mỹ, Úc và vài quốc gia phương Tây khác nhằm kết án Bắc Kinh vi phạm nhân quyền tại Tân Cương và Hồng Kông. New Zealand cũng không đồng ý mở rộng phạm vi hoạt động của nhóm Five Eyes (Năm Đôi Mắt hay Ngũ Nhãn) trong việc thu thập và trao đổi tình báo giữa 5 thành viên là Mỹ, Canada, Vương Quốc Anh, Úc và New Zealand.

So với Úc, giao thương giữa Trung Quốc và New Zealand không hoặc chưa gặp trở ngại gì, nên thành viên chính phủ Jacinda Ardern có vẻ bạo miệng hơn đối với đồng nhiệm Úc. Hồi tháng 2/2021, bộ trưởng Thương Mại New Zealand, Damian O'connor đã khuyên người đồng nhiệm Úc, Dan Tehan là nên ‘kính trọng’ và có lời lẽ ngoại giao hơn với Trung Quốc. Tất nhiên, ông Dan Tehan đã không chấp nhận lời khuyên này. Cũng vậy, có vẻ như, thường được ngoại trưởng Vương Nghị tâng bốc, ngoại trưởng New Zealand, Nanaia Mahuta nghĩ rằng New Zealand có thể góp phần hòa giải giữa Bắc Kinh và Canberra.

Bên cạnh đó, ngược lại với Úc, khi phát biểu lập trường bang giao với Bắc Kinh, thủ tướng Jacinda Ardern chỉ nói : "có nhiều khác biệt giữa Trung Quốc và New Zealand mà New Zealand không thể hóa giải được".

Ngoài ra, để bảo vệ giao thương tốt đẹp với Trung Quốc, New Zealand chưa tuần tra Biển Đông hoặc đơn phương hoặc hợp tác với Hải quân Mỹ. New Zealand đã hoan nghênh quyết định ngày 16/07/2016 của Tòa án Trọng tài Quốc tế (PCA, The Hague) nhưng không hề nêu đích danh Trung Quốc, cũng chưa bao giờ kêu gọi đích danh Trung Quốc nên tuân thủ quyết định này trong vụ Philippines kiện Trung Quốc về Đường Lưỡi Bò 9 đoạn, khi Trung Quốc là bị đơn thua cuộc.

RFI : Về lâu dài, theo ông, New Zealand có đủ sức mạnh để một mặt duy trì mối quan hệ song thương tốt đẹp ; mặt khác vẫn có thể giữ vững lập trường độc lập, cứng rắn, mạnh mẽ góp tiếng nói chung cùng các đồng minh dân chủ phương Tây khác và Nhật Bản để chống lại một cường quốc bành trướng Trung Quốc ?

Lưu Tường Quang : New Zealand là một nước nhỏ nên ít khi bị coi là mối đe dọa cho một đối tác nào đó và tất nhiên không thể là mối đe dọa đối với một nước lớn như Trung Quốc. Cho đến nay, New Zealand đã khá thành công trong việc phát triển bang giao với Trung Quốc, nhất là trong lĩnh vực thương mại và kinh tế. Một mặt, có thể vì Bắc Kinh muốn sử dụng New Zealand như một tấm gương mà Úc nên noi theo trong bang giao song phương giữa Canberra và Bắc Kinh. Mặt khác, có thể vì New Zealand theo đuổi một chính sách ngoại giao uyển chuyển có nhiều sắc thái (nuance) và đôi khi ẩn dụ dưới dạng mơ hồ có chủ đích (intended ambiguity). Tuy vậy, đây chỉ là một vế trong bang giao song phương với Trung Quốc.

Thực tế, đằng sau bộ mặt thân hữu ấy, các tổ chức tình báo New Zealand cũng rất quan tâm về sự xâm nhập của Bắc Kinh vào sinh hoạt chính trị nội bộ của New Zealand. Học giả nổi tiếng của New Zealand chuyên về vấn đề Trung Quốc, giáo sư tiến sĩ Anne-Marie Brady cũng đồng tình như vậy. Và, chính phủ New Zealand không thể không biết việc này.

Để bảo vệ chủ quyền độc lập và quyền lợi quốc gia, theo tôi, New Zealand cần theo đuổi hợp tác đa phương, củng cố tư cách thành viên Hiệp định ANZUS ; tiếp tục vai trò trong nhóm Five Eyes ; đồng thời là thành viên của Diễn đàn Kinh tế Châu Á Thái Bình Dương (APEC), Hiệp định Tiến bộ và Toàn diện Hợp tác Kinh Tế xuyên Thái Bình Dương (CPTPP hay TPP-11) và Tổ chức RCEP (gồm 10 thành viên ASEAN và 5 đối tác là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand). Mặc dù, trong tương lai không xa, New Zealand có lẽ không thể được mời gia nhập Nhóm Tứ Cường Kim Cương (The Quad).

RFI : RFI tiếng Việt cảm ơn Luật sư - Nhà báo Lưu Tường Quang.

Hoàng Hằng thực hiện

Nguồn : RFI, 22/07/2021

(*) Luật sư - Nhà báo Lưu Tường Quang có mối quan tâm đặc biệt đến các vấn đề chính trị, ngoại giao tại Úc và các nước trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương. Ông là cựu Trưởng nhiệm SBS Radio (Head of SBS Radio), một Cơ quan Truyền thông Văn hóa Đa nguyên của Úc Châu.

***********************

Bắc Kinh có cách nhìn thế nào về vấn đề người "Kurdistan" ?

Minh Anh, RFI, 22/07/2021

Về lý thuyết, lập trường của Trung Quốc rất rõ ràng : Bắc Kinh không ủng hộ những phong trào đòi ly khai. Phân tích của Trung Quốc về vấn đề Kurdistan nhấn mạnh đến mối nguy hiểm của việc trao quyền tự trị : Tư tưởng ly khai được xem như là một yếu tố chiến tranh và khủng bố.

diachinh3

Một góc thành cổ Erbil, thủ phủ khu tự trị người Kurdistan ở Iraq, ngày 17/06/2020. AFP – Safin Hamed

Để phân tích mối quan hệ Trung Quốc – Kurdistan, nhà nghiên cứu Didier Chaudet, Viện Nghiên Cứu Pháp về Trung Á, trên tờ Diplomatie (số ra tháng 6-7/2021) tập trung vào mối quan hệ của Bắc Kinh với người Kurdistan tại Iraq, một vùng tự trị được Hiến Pháp Iraq công nhận.

Trong hồ sơ này, cũng giống như các hồ sơ Libya, Syria, hay Yemen, Trung Quốc một lần nữa tỏ ra rất thực dụng : Ngay từ năm 2005, người Kurdistan rõ ràng đã trở thành một lực lượng chính trị không thể phủ nhận tại Iraq. Mặt khác, vùng lãnh thổ do người Kurdistan kiểm soát tại Iraq có nguồn dầu khí dồi dào. Với sự sụp đổ của chế độ Saddam Hussein, người Kurdistan sở hữu đến 40% nguồn dự trữ dầu hỏa của đất nước.

Một điểm khác không thể bỏ qua : Việc duy trì quan hệ hữu nghị với Kurdistan ở Iraq là một cách thức tốt để gây áp lực với Thổ Nhĩ Kỳ, trong trường hợp nước này vẫn có tham vọng về một nhà nước chung cho tất cả các sắc dân nói tiếng Thổ (pan-turkism) và hậu thuẫn những phần tử ly khai Duy Ngô Nhĩ.

Đương nhiên, với những hệ quả tích cực từ sáng kiến "Một vành đai một con đường", việc cả Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ cùng bác bỏ tư tưởng ly khai là một điều quan trọng cho Ankara, nhất là vào lúc mối quan hệ với phương Tây đang lạnh giá. Nhưng mối quan hệ hữu hảo giữa Bắc Kinh và người Kurdistan ở Iraq mang lại một sự bảo đảm cho Trung Quốc trong tương lai, nhất là trong trường hợp quan hệ Mỹ - Thổ Nhĩ Kỳ nồng ấm trở lại.

Cuối cùng, người Kurdistan, tại Iraq cũng như ở Syria, đều được Trung Quốc xem như một lực lượng chủ đạo trong cuộc chiến chống quân thánh chiến xuyên quốc gia, nhất là tổ chức Nhà nước Hồi giáo IS. Bằng chứng cho cách nhìn này là người Trung Quốc hiện diện trong hàng ngũ người Kurdistan Syria để chiến đấu chống quân thánh chiến.

Thế nên, việc Trung Quốc thiết lập những mối quan hệ thân tình kể từ năm 2005 với những tác nhân chính trị Kurdistan – Iraq chính yếu cũng là lẽ thường tình. Người ta có thể nhận thấy, từ năm 2009, đầu tư của Trung Quốc trong các dự án khai thác dầu hỏa cũng như là cơ sở hạ tầng hay như viễn thông đã tăng đều. Năm 2014, vào lúc quân khủng bố Daesh hoạt động đặc biệt tích cực tại Iraq, Trung Quốc đã mở một tòa lãnh sự ở Erbil, thủ phủ của Kurdistan-Iraq, một hình thức bày tỏ tình đoàn kết của Bắc Kinh trước một kẻ thù chung.

Và cuộc khủng hoảng dịch tễ hiện nay, dịch Covid-19, rất có thể cho phép củng cố hơn nữa mối quan hệ song phương. Trong suốt giai đoạn tháng 3-4/2020, Trung Quốc đã biết cách thể hiện tình liên đới với Kurdistan-Iraq : Ngay từ ngày 08/3, chính phủ vùng tự trị đã nhận được 200 ngàn chiếc khẩu trang từ Bắc Kinh. Tiếp đến là các thiết bị bảo hộ cho nhân viên y tế, các bộ dụng cụ xét nghiệm Covid-19.

Các doanh nghiệp Trung Quốc có quan tâm đến khu vực cũng đến hỗ trợ cho Kurdistan-Iraq, như cung cấp khẩu trang, bộ xét nghiệm… Tổng lãnh sự Trung Quốc Ni Ruchi đã khôn khéo phô trương sự hậu thuẫn này trên các kênh truyền hình Kurdistan. Và vào lúc đại dịch hoành hành, Trung Quốc đã tăng cường sự hiện diện kinh tế : Tháng 9/2020, một nhà đầu tư Trung Quốc đã đề nghị Erbil cho xây dựng một điểm du lịch có diện tích rộng không dưới 2000m² trong lòng thủ phủ Kurdistan. Đến tháng Giêng năm 2021, thành phố Erbil chứng kiến lễ khởi công xây dựng một trung tâm thương mại to lớn nhờ vào nguồn tài chính của Trung Quốc.

Hệ quả là, người Kurdistan ngày càng xem Trung Quốc không còn như là một tác nhân kinh tế xa xôi, mà như là một trong số các cường quốc lớn cần phải sáng suốt xây dựng tình hữu nghị. Bắc Kinh đã khôn khéo gầy dựng ảnh hưởng tại vùng này mà vẫn không gây nguy hiểm cho mối bang giao với chính quyền trung ương Iraq. Điều này có được cũng nhờ vào việc chính quyền Donald Trump đã gây thất vọng cho người Kurdistan-Iraq khi từ chối ủng hộ họ trong cuộc trưng cầu dân ý đòi độc lập năm 2017 và tệ hơn nữa là việc bỏ rơi người Kurdistan-Syria.

Minh Anh

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thanh Hà, Lưu Tường Quang, Hoàng Hằng, Minh Anh
Read 708 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)