Tin nổi không ? 18.981 người mất việc, 47 người được nhận trợ cấp thất nghiệp !
Võ Hàn Lam, VNTB, 23/07/2021
"Thành phố Hồ Chí Minh, mới 47 trong gần 19.000 người thất nghiệp nhận gói hỗ trợ từ nhà nước".
Đó là con số được thống kê của Hiệp hội Doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh (Hochiminhcity Union of Business Associations-HUBA), công bố vào sáng 21/7/2021.
Một liên quan khác, theo thông tin HUBA nhận được từ các Ban quản lý Khu công nghiệp và Khu chế xuất, khu công nghệ cao, Công viên phần mềm Quang Trung, thống kê chưa đầy đủ, có tổng cộng 391/716 doanh nghiệp đăng ký hoạt động theo nguyên tắc 3T (3 tại chỗ : cùng sản xuất tại chỗ, cùng ăn uống tại chỗ, cùng ngủ nghỉ tại chỗ).
Nhiều doanh nghiệp trong quá trình kiểm tra chưa đủ điều kiện 3T phải tạm dừng. Các doanh nghiệp vẫn tiếp tục chuẩn bị để khi đủ điều kiện sẽ tiếp tục hoạt động. Bình quân đạt khoảng trên 60% số doanh nghiệp hoạt động trong các khu. Quy mô hoạt động duy trì từ 30 – 50% nhân lực.
Liên quan đến việc đảm bảo 3T, Chủ tịch HUBA, ông Chu Tiến Dũng, cho biết doanh nghiệp gặp khó quanh các vấn đề như : không đủ mặt bằng bố trí, hệ thống vệ sinh công cộng phục vụ ở tại chỗ thiếu, hệ thống phục vụ ăn uống gặp nhiều khó khăn ; chỗ ngủ theo tiêu chuẩn 5K giãn cách 2m, ngăn cách từng người ; chuỗi cung ứng, kho bãi, hệ sinh thái sản xuất đồng bộ đứt gãy ; phương tiện vận tải, lưu thông nguyên liệu và hàng hóa…
Theo HUBA, trong 5 tháng đầu năm 2021, khi các doanh nghiệp đang trên đà phục hồi tăng trưởng sau những thiệt hại từ năm 2020 với xu hướng đơn hàng xuất khẩu triển vọng tích cực thì gặp đợt bùng phát dịch thứ 4.
Các khó khăn chính của các doanh nghiệp hiện tại được HUBA ghi nhận chủ yếu đến từ thiếu vốn kinh doanh, khó khăn về tiếp cận thị trường, khó khăn do phải thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, khó tiếp cận chính sách hỗ trợ của Nhà nước, khó khăn về thủ tục hành chính cũng nhu lao động và nguồn nhiên liệu.
Chính vì vậy, ông Chu Tiến Dũng nhận định khả năng đứt gãy chuỗi cung ứng nội địa ngày càng cao, do sự thiếu đồng bộ trong hệ sinh thái các chuỗi sản xuất cũng như thiếu đồng bộ và nhất quán về các chính sách của các địa phương. Điều này dẫn đến nguy cơ sau đại dịch thị trường trong nước của các doanh nghiệp sẽ bị cạnh tranh và có nguy cơ thu hẹp do các doanh nghiệp nước ngoài cạnh tranh, lấy mất thị trường trong giai đoạn cách ly, phòng chống dịch.
Ông Chu Tiến Dũng cũng lưu ý rằng diễn biến dịch bệnh Covid-19 còn rất phức tạp, chính vì vậy chưa thể đánh giá được hết các tác động xấu như thế nào nữa đối với doanh nghiệp.
"Thực hiện 3 tại chỗ nhưng không có nghĩa là đã an toàn tuyệt đối mà khả năng lây nhiễm vẫn có thể xảy ra. Vì vậy, các doanh nghiệp phải kiên trì nguyên tắc 5K và các biện pháp phòng chống dịch để không gây thiệt hại, tổn thất. Ngoài ra còn có các vấn đề về đời sống văn hóa tinh thần, sự sung đột tôn giáo, tín ngưỡng cũng như khác biệt sinh hoạt cá nhân trong khu 3 tại chỗ là vấn đề lớn các doanh nghiệp cũng đang lo lắng", chủ tịch HUBA cho hay như vậy.
Một thông tin khác khá bất ngờ đó là mới có 47 trong gần 19.000 người thất nghiệp nhận gói hỗ trợ từ chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh.
Dẫn số liệu được chia sẻ từ Sở Lao động, thương binh và xã hội, HUBA cho biết, tổng số tiền đã chi theo gói hỗ trợ quy định tại Nghị quyết 09 của Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đến ngày 18-7 là 387.821.390.000 đồng cho 5 đối tượng.
Trong đó, riêng hộ kinh doanh cá thể đã giải quyết hỗ trợ cho 4.434 hộ trên tổng số 29.571 hộ kinh doanh toàn thành phố, đạt 15%. Nhóm tiểu thương, buôn bán tại chợ đã hỗ trợ 4.363 hộ trên tổng số 25.604 điểm sạp, đạt 17%.
Nhóm thứ 3 là những người lao động bị chấm dứt hợp đồng nhưng không đủ điều kiện để hưởng trợ cấp thất nghiệp. Nhóm này theo số liệu của Sở Lao động, thương binh và xã hội Thành phố Hồ Chí Minh chỉ mới hỗ trợ được 47 trường hợp trên tổng 18.981 người lao động bị chấm dứt hợp đồng nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp đợt này, đạt 0,25%.
Đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh cũng cho hay, đến nay, chưa có thông tin về việc doanh nghiệp được vay để trả lương cho người lao động bị ngừng nghỉ việc theo Nghị quyết 68 của Chính phủ.
Võ Hàn Lam
Nguồn : VNTB, 23/07/2021
***********************
Việt Nam chi ít nhất trong việc hỗ trợ dân chúng vượt qua đại dịch Covid
Ngọc Vân, VNTB, 22/07/2021
Nhà nước có khả năng cứu trợ dân chúng, nhưng không làm. Có phải vì dân là nguồn thu, không phải là chỗ chi ?
Cán bộ trực chốt dặn dò gia đình và chúc họ lên đường bình an. Ảnh : Tuổi trẻ Công an huyện Ninh Phước.
Một gia đình bốn mẹ con đạp xe từ Đồng Nai về quê ở tận… Nghệ An vì mất việc (1). Một số phụ nữ lên mạng để lên án nhà nước cứu trợ sai đối tượng. Có thể có người cho rằng đó là những hình ảnh cục bộ, không phản ánh được hình ảnh của một nhà nước vì dân. Vì vậy, tôi đã tìm hiểu nỗ lực cứu trợ dân chúng của một số chính quyền khác trong vùng Đông Nam Á.
Việt Nam, qua hai đợt cứu trợ, đã chi 88 ngàn tỷ VND, tương đương khoảng 4 tỷ USD (2,3). Để thấy được độ lớn của các gói cứu trợ này, người ta có thể tính giá trị của chúng theo phần trăm độ lớn của nền kinh tế. GDP (tổng giá trị sản phẩm nội địa) của Việt Nam là 271 tỷ USD vào năm 2020 (4). Như vậy, số tiền cứu trợ trên tương đương khoảng 1,5% GDP của Việt Nam.
Trong khi đó, Singapore chi khoảng 20% GDP để cứu trợ dân chúng trong đại dịch này (5).
Có thể có người cho rằng Singapore là nước giàu, không thể so sánh với họ. Dù xin lưu ý rằng con số 1,5% đã tính theo tỷ lệ của nền kinh tế – do đó, khó có thể phân biệt nước giàu hay nước nghèo – tôi xin so sánh với các gói cứu trợ của một số nước Đông Nam Á khác.
Thái Lan, nước có nền kinh tế trị giá khoảng 502 tỷ USD (6), chi hơn 30 tỷ USD (7) để cứu trợ dân chúng. Như vậy, họ đã chi 6% GDP.
Indonesia, một nền kinh tế có GDP 1.060 tỷ USD (8), chi 48 tỷ USD (9). Như vậy, họ đã chi 4,5% GDP để cứu trợ dân của họ.
Malaysia, GDP 336 tỷ USD (10), chi 36 tỷ hay 11% GDP (11) cho việc cứu trợ.
Qua các con số này, có thể nói chính quyền Việt Nam là một trong những nước chi ít nhất cho việc hỗ trợ dân chúng trong đại dịch.
Nhà nước có khả năng chi nhiều hơn không ? Tôi tin rằng có.
Thứ nhất, trong 5 tháng đầu năm 2021, số vốn đầu tư của Nhà nước là 133 ngàn tỷ VND (13), tương đương khoảng 6 tỷ USD. Có tiền để đầu tư, có lẽ phải có tiền để cứu trợ. Có tiền đầu tư lâu dài, không có tiền để lo việc cấp bách trước mắt ? Lạ.
Thứ hai, nợ công của Việt Nam vào năm 2016 đã là 416 tỷ USD (12), nếu có phải vay thêm khoảng 10 tỷ (khoảng 2% tổng số nợ trên) nữa để cứu trợ, chắc không phải là một gánh nặng quá lớn.
Hơn nữa, các nước khác được liệt kê ở trên có thể làm được. Tại sao Việt Nam lại không ?
Nếu Nhà nước có khả năng cứu trợ dân chúng, nhưng không làm, thì lý do là gì ? Có phải vì dân là nguồn thu, không phải là chỗ chi ? Nếu như vậy, có phải vì dân không ?
Ngọc Vân
Nguồn : VNTB, 23/07/2021
Tham khảo :
https://tuoitre.vn/4-me-con-dap-xe-ve-nghe-an-dang-cho-tau-ve-que-20210720001312007.htm
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/vnd26000bil-package-a-trust-test-07142021102206.html
https://tradingeconomics.com/vietnam/gdp
https://www.bbc.com/vietnamese/forum-52859947
https://tradingeconomics.com/thailand/gdp
https://www.aseanbriefing.com/news/thailand-issues-new-covid-19-stimulus-package-to-accelerate-investments/
https://tradingeconomics.com/indonesia/gdp
https://vietnamfinance.vn/neu-no-cong-la-431-ty-usd-ai-tra-no-cho-dnnn-thua-lo-2017052916334373.htm
https://tradingeconomics.com/malaysia/gdp
http://www.mpi.gov.vn/Pages/tinbai.aspx?idTin=50204&idcm=188
***********************
Bác Đoàn Ngọc Hải tài trợ đưa gia đình 4 người đạp xe từ Đồng Nai về Nghệ An bằng ô tô
MoliStar, 20/07/2021
Sự việc mới đây một gia đình vì không có tiền thuê xe về quê trong dịch Covid-19, cả nhà 4 người đã cùng nhau dắt díu trên 2 chiếc xe đạp từ Đồng Nai về Nghệ An khiến nhiều người bỡ ngỡ.
Mới đây, sự việc hoàn cảnh khó khăn của 4 mẹ con chị N.T.H. (50 tuổi) vào tầm 15g30 chiều ngày 19/7 đã gây "bão" cộng đồng mạng. Ngay khi thông tin 4 mẹ con chị H. quê ở Nghi Lộc (Nghệ An) và đi làm thuê ở Trảng Bom, Đồng Nai được chia sẻ đã tạo ra làn sóng trên mạng xã hội và lan truyền với tốc độ rộng rãi.
Lý do 4 người cùng nhau dắt díu trên 2 chiếc xe đạp cũ do đợt dịch Covid-19 kéo dài, 4 mẹ con thất nghiệp, không có tiền trang trải cuộc sống nên tất cả quyết định đạp xe về quê.
Được biết, trong vòng 11 ngày đạp xe, mẹ con chị đã đi khoảng 282 km từ Trảng Bom đến Ninh Phước của Ninh Thuận. Trung bình mỗi ngày đi được khoảng 25,6 km.
Đoạn đường từ Trảng Bom về quê ngoại Nghi Lộc (Nghệ An) dài gần 1.500 km nên mẹ con chị còn phải vượt 1.100 km mới về đến nhà. Nếu đạp xe với tốc độ như thế này, 4 mẹ con phải mất gần 40 ngày mới tới nơi.
Theo lời kể của chị H. do thất nghiệp, không đủ tiền chi phí sinh hoạt nên các mẹ con quyết định về quê. Tuy nhiên, họ không đón được xe nên gom tiền mua 2 chiếc xe đạp cũ. Ngày 9.7, họ chất đồ lên 2 chiếc xe đạp và thay phiên chở nhau từ Trảng Bom về quê Nghệ An. Họ đến trạm kiểm soát Chung Mỹ vào trưa 19/7. Bộ đội trạm kiểm soát thuyết phục 4 mẹ con ở lại Ninh Thuận nhưng họ quyết định đạp xe về quê.
"Em chở mẹ, còn chị gái chở con chị ấy. Do phải chở người nên đi chậm, trung bình mỗi ngày đi được 30 cây số", Võ Thanh Bình, 28 tuổi, chia sẻ với phóng viên tối 19/7. Gia đình bốn người của anh gồm chị gái 30 tuổi, con của chị gái mới 12 tuổi và mẹ Bình 51 tuổi.
Bình cho biết, 10 ngày qua gia đình ăn trên đường, ngủ đường. Dọc đường có nhiều người biết hoàn cảnh nên giúp đỡ. Người cho cơm, bánh, cho hoa quả, có người giúp tiền. Đi qua các chốt kiểm dịch, gia đình đều được cán bộ tạo điều kiện cho qua. Các cán bộ ở chốt Chung Mỹ đã góp lại cho gia đình Bình một triệu đồng làm lộ phí, cùng nhiều đồ ăn, thức uống.
"Trên đường đi em thấy gia đình mình không phải khổ nhất. Chí ít nhà em còn có xe mà đi. Chúng em còn gặp nhiều người khác đeo ba lô, đi đi bộ quãng đường dài về nhà", Bình nói.
Thương cảm cho hoàn cảnh khó khăn của 4 mẹ con chị H., anh em cán bộ làm việc tại trạm đã chung sức quyên góp 1 triệu đồng cùng với bánh kẹo, thức ăn, nước uống và những lời chúc bình an cho 4 người.
"Nhìn bóng dáng bốn mẹ con xa dần, anh em vừa thương vừa đau xót vì những mảnh đời khó khăn giữa đại dịch", Thượng úy Nguyễn Hải Lý, một trong những chiến sĩ tại chốt kiểm soát, cho biết.
Ngay lập tức, mới đây, trên trang cá nhân của mình, bác Đoàn Ngọc Hải lại một lần nữa không làm cho người hâm mộ ông thất vọng khi đã chia sẻ bài viết về 4 mẹ con và mong cơ quan chức năng giúp cho họ về quê trên ô tô, mọi chi phí Quỹ vì đồng bào của bác Hải sẽ chịu toàn bộ.
"Kính gửi chỉ huy các chốt phòng chống dịch covid 19 dọc quốc lộ 1.
Nếu 04 người dân Nghệ An này đi trên 02 xe đạp đến chốt nào thì mong các anh giữ lại, thuê một xe ôtô đưa tất cả họ và 02 xe đạp lên xe ôtô đưa họ về đến tận nhà của họ tại Nghệ An, các anh chỉ huy gửi giúp cho họ mỗi người 500 ngàn đồng (04 người là 2 triệu đồng).
Tất cả tiền thuê xe ôtô và 2 triệu đồng các anh ứng cho họ, QUỸ VÌ ĐỒNG BÀO sẽ thanh toán với các anh ngay lập tức.
Tôi rất trân trọng những người lao động nghèo mà có tự trọng như họ (không xin xỏ ai) và họ quá ý chí và dũng cảm. Người lao động nghèo mà có ý chí, dũng cảm và có lòng tự trọng như họ cực kỳ hiếm.
Trân trọng !"
Cập nhật về tình hình của 4 mẹ con chị H., sau khi rời trạm kiểm soát, 4 giờ chiều 19/7, 4 người trong gia đình đã đạp xe vào ga Tháp Chàm. Sau khi họ khai báo, một số người dân đã đến ủng hộ và quyên góp tiền.
Nhiều người còn nhờ bà con gần nhà ga mang tiền ủng hộ: một nhân viên y tế được người nhà chuyển cho 1 triệu, anh Xuân Quân và người khác tặng 5 triệu... Với số tiền này, 4 mẹ con chị H. được mọi người khuyên về quê bằng tàu hỏa. Chuyến tàu sẽ khởi hành từ ga Tháp Chàm vào ngày 21/7 tới đây.
Chị H. (30 tuổi, con gái chị H.) cảm ơn mọi người đã giúp đỡ cho gia đình được về quê. "Bây giờ em chỉ muốn về quê. Gia đình em đã nhận đủ sự giúp đỡ của mọi người. Em xin cảm ơn mọi người", chị T. nói.
*********************
4 mẹ con đạp xe từ Đồng Nai về quê Nghệ An vì thất nghiệp do Covid-19
Không tiền trang trải tiếp cuộc sống ở Đồng Nai do ảnh hưởng dịch Covid-19, 4 mẹ con phải đạp xe về quê ở Nghệ An. Ông Nguyễn Xuân Quân (35 tuổi), là người quê ở Nghệ An, đang làm việc tại Ninh Thuận, biết chuyện đã liên lạc và tài trợ vé tàu giúp 4 mẹ con về quê.
Nguồn : Thanh Niên Online, 20/07/2021
************************
Gặp 4 mẹ con trước lúc lên tàu về quê, sau 10 ngày ròng rã đạp xe gần 300 km
Sau khi câu chuyện về 4 mẹ con bà Nguyễn Thị Hương (50 tuổi) cùng đạp xe ròng rã hơn 10 ngày từ Đồng Nai để về Nghệ An được chia sẻ trên mạng xã hội, một số nhà hảo tâm đã giúp mẹ con bà Hương được lên tàu về quê.
Nguồn : Tuổi Trẻ Online, 20/07/2021
************************
Về tới quê nhà Nghệ An, 4 mẹ con đạp xe từ Đồng Nai gửi lời cảm ơn tất cả mọi người
Đức Hoa, Tin Mới, 22/07/2021
Sau hơn 1 ngày đi tàu từ Ninh Thuận, 4 mẹ con bà Hương đã về đến ga Vinh. Tất cả 4 người sau đó đã được đưa đi cách ly trước khi về nhà.
Theo tin tức trên Doanh nghiệp và Tiệp thị, lúc 13h chiều nay (22/7), chuyến tàu SE8 đi từ ga Tháp Chàm (Ninh Thuận) đã đưa 4 người trong gia đình bà Nguyễn Thị Hương (50 tuổi, trú xóm 6, xã Nghi Xá, Nghi Lộc, Nghệ An) về đến ga Vinh an toàn.
2 chiếc xe đạp trước đó gia đình bà Hương sử dụng đạp xe về quê được tháo bánh và cho lên khoang tàu để mang về cùng. Ảnh : DNTT
Mất hơn 1 ngày đi trên tàu nên cả 4 người đều cảm thấy mệt mỏi. Tuy nhiên ai cũng vui mừng vì đã về đến quê hương nhanh hơn dự kiến.
Sau khi xuống ga Vinh, anh Võ Thanh Bình - con trai bà Hương tâm sự: "Bây giờ chỉ muốn về nhà nằm nghỉ cho khỏe rồi công việc khác tính sau. Nhưng hiện giờ gia đình em phải về khu cách ly tập trung tại xã. Khi hết thời hạn cách ly y tế mới về nhà. Về được đến quê là gia đình em vui lắm rồi".
Vừa cập bến ga Vinh, 4 mẹ con đạp xe từ Đồng Nai về Nghệ An đã được đi cách ly
Được biết, trước khi lên tàu về Nghệ An từ ga Tháp Chàm (Ninh Thuận), cả 4 người trong gia đình bà Hương đã được hỗ trợ làm test nhanh Covid-19 và cho kết quả âm tính.
Tuy nhiên, sau khi xuống đến ga Vinh, 4 mẹ con bà Hương vẫn phải thực hiện việc khai báo y tế trước khi rời sân ga. Bên phía bên ngoài, 1 chiếc xe cứu thương và 1 chiếc xe bán tải do UBND huyện Nghi Lộc bố trí đã chờ sẵn để đón cả 4 người về cách ly tập trung tại xã Nghi Xá.
Bà Hương chia sẻ, về được đến đây là gia đình tôi mừng lắm rồi. Tất cả nhờ các nhà hảo tâm, các cơ quan chức năng và mọi người. Gia đình chúng tôi không biết nói gì hơn ngoài lời cảm ơn tới tất cả mọi người. Ảnh : DNTT
Trước đó, mạng xã hội đang liên tục chia sẻ hình ảnh 4 mẹ con đạp xe từ Đồng Nai trở về quê nhà Nghệ An. Theo thông tin từ Công an huyện Ninh Phước, lực lượng phòng chống dịch tại chốt kiểm soát Chung Mỹ thuộc thị trấn Phước Dân, H.Ninh Phước (Bình Thuận) đã bắt gặp hoàn cảnh khó khăn của 4 mẹ con đi trên 2 chiếc xe đạp trên đường về quê ở Nghệ An.
Không còn tiền trang trải cuộc sống sinh hoạt nên 4 mẹ con quyết định đánh liều đạp xe từ ở Trảng Bom, Đồng Nai về quê Nghệ An. Chuyến đi bắt đầu đi từ ngày 9/7, sau 10 ngày thì về đến Ninh Phước, Ninh Thuận.
Khi hỏi thăm tình hình sức khỏe mới biết 4 mẹ con là người Nghi Lộc, Nghệ An. Cả gia đình dắt nhau vào huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai để làm thuê. Tuy nhiên do ảnh hưởng của dịch Covid-19, 4 mẹ con không còn việc làm và cũng không còn tiền trang trải. Vì vậy 4 người trong gia đình họ quyết định vượt hơn 1.000 cây số để về quê.
Không có tiền để đi tàu hay xe ô tô về quê, cộng thêm điều kiện phòng dịch nghiêm ngặt nên 4 mẹ con quyết định đạp xe để trở về. Ảnh: FB
Thương cảm cho hoàn cảnh của 4 mẹ con, ông Đoàn Ngọc Hải đã lên tiếng giúp đỡ. Cụ thể trên trang cá nhân, nguyên Phó chủ tịch Quận 1 có tâm thư gửi các chốt phòng chống dịch Covid-19 trên Quốc lộ 1. Nếu 4 mẹ con gia đình chị đi xe đến chốt nào, mong các cán bộ giữ lại để ông thuê một xe ô tô đưa cả gia đình và 2 xe đạp về đến tận Nghệ An.
Bài đăng của ông Đoàn Ngọc Hải trên trang cá nhân. Ảnh chụp màn hình
Ngoài ra, ông còn mong các cán bộ có thể gửi giúp mỗi người trong gia đình số tiền 500 ngàn đồng. Toàn bộ tiền thuê xe và 2 triệu đồng gửi tặng sẽ được ông Hải trích ra từ quỹ Vì Đồng Bào.
Ông Hải cho biết bản thân rất trân trọng những người lao động nghèo mà có tự trọng như họ và họ quá ý chí và dũng cảm. "Người lao động nghèo mà có ý chí, dũng cảm và có lòng tự trọng như họ cực kỳ hiếm", ông chia sẻ trên trang cá nhân.
Tin mừng là trong buổi tối ngày 19/7, 4 mẹ con chị đã nhận được sự hỗ trợ kịp thời. Theo Thanh Niên, ông Nguyễn Xuân Quân (35 tuổi, quê ở Nghệ An, đang làm việc tại Ninh Thuận) đã liên lạc và hướng dẫn 4 mẹ con vào khu vực ga Tháp Chàm để được hỗ trợ mua vé tàu về quê.
Tại đây, ông Quân đưa 4 mẹ con vào Trạm y tế Tháp Chàm để xét nghiệm nhanh và cho kết quả âm tính với Covid-19. Ông Quân mua 4 vé tàu loại chỗ giường nằm, sẽ xuất phát 12 giờ 23 phút ngày 21/7 để trở về quê. Hiện tại, 4 mẹ con đang tạm nghỉ tại ga Tháp Chàm.
Khi được các mạnh thường quân đề nghị giúp đỡ, 4 mẹ con chị vô cùng xúc động nhưng đã từ chối các khoản hỗ trợ này. Chị cho biết bây giờ cả gia đình chỉ cố gắng được về quê, chỉ cần như vậy thôi. Còn lại số tiền hỗ trợ, gia đình chị xin được nhường lại cho những người còn đang kẹt lại thành phố.
Đức Hoa (t/h)