Có công bằng không khi khen thưởng ngành công an trong chống dịch Covid-19 ?
Hôm 11 tháng 10 năm 2021, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh ký thay Thủ tướng một loạt quyết định tặng bằng khen cho những tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống dịch Covid-19. Theo đó, có đến 31/34 tổ chức được khen thưởng thuộc ngành công an ; 24/33 cá nhân được khen thưởng là công an.
Công an Việt Nam. Ảnh chụp tại Hà Nội ngày 27 tháng 2 năm 2019. Reuters
Điều 1 Quyết định số 1698/QĐ-TTg ngày 11/10/2021 nêu rõ : Tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho 31 tập thể và 23 cá nhân thuộc Bộ Công an đã có xuất sắc trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.
Ông Vũ Minh Đức, cựu quân nhân QĐND Việt Nam, chia sẻ với RFA suy nghĩ của ông về việc này :
"Tôi thấy nó vô lý. Nhiệm vụ chống dịch là của toàn xã hội. Trong đó phải nhắc đến ngành y tế là đầu tiên. Những nhân viên y tế là những người bỏ công sức, trí tuệ, thời gian và hy sinh cá nhân, gia đình trong thời gian chống chọi với đại dịch vừa qua.
ViệcThủ tướng ra quyết định khen thưởng mà số đông là lực lượng vũ trang thì tôi thấy nó không hợp lý chút nào hết. Lực lượng này cũng là tuyến đầu nhưng không phải là lực lượng chính cốt yếu trong chống dịch. Họ chỉ là người hỗ trợ các chính sách, các biện pháp của Nhà nước đưa ra thôi. Việc khen thưởng như thế là không công bằng khi đề cao lực lượng công an lên như thế."
Theo ông Đức, không chỉ trong chống dịch mà hầu hết các sinh hoạt trong xã hội, lực lượng công an luôn luôn được đề cao vì họ là lực lượng bảo vệ chế độ này.
Ông Quang, một người dân hiện ở Sài Gòn, nêu quan điểm của mình với RFA :
"Trước hết, để biết cá nhân, tổ chức được khen thưởng có đúng hay không thì phải được vai trò của từng tổ chức, cá nhân trong vấn đề chống dịch. Theo tôi, vai trò đầu tiên trong chống dịch là đội ngũ y, bác sĩ bởi đây là lĩnh vực sức khỏe con người. Chăm sóc sức khỏe con người có bác sĩ, y tá, điều dưỡng và những người liên quan trong ngành y tế.
Nói tóm lại, vai trò đầu tiên phải được kể là ngành y tế chứ không phải là công an hay quân đội. Công an hay quân đội chỉ là lực lượng hỗ trợ về mặt an ninh trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chống dịch mà thôi.
Bên có công nhiều không được khen thưởng xứng đáng, trong khi bên có công ít thì được khen thưởng nhiều sẽ gây bất bình trong xã hội. Điều này làm tổn thương tình cảm của người dân đối với chính quyền.Mình không cần nói nhiều, nhưng qua con số đó đã nói lên phần nào Nhà nước này quá coi trọng ngành công an. Chính ngành này coi mình là lá chắn của chế độ khi để khẩu hiệu "còn Đảng còn mình" trong các văn phòng công an".
Trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Công an có dòng chữ màu đỏ : "Lực lượng Công an nhân dân - Lá chắn phòng, chống dịch Covid-19 - Thanh bảo kiếm bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội".
Việt Nam bị cho là chống dịch bằng công an, bằng nghị quyết khi những người dân lên tiếng phản đối cách chống dịch không hợp lý, phản khoa học của chính phủ thì lập tức bị xử phạt, thậm chí bị bắt giam.
Có thể kể trường hợp ông Phan Hữu Điệp Anh bị khởi tố theo Điều 331 Bộ Luật Hình sự, do đăng tin : "bức xúc trước cách thức chống dịch Covid-19 của chính quyền, một người dân đã phẫn uất, ngay giữa đường bức bách… tự thiêu". Hay vụ ba người dùng mạng xã hội tại Lâm Đồng bị Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh này phạt hành chính 30 triệu đồng với nguyên nhân được nói do tung tin sai sự thật về dịch Covid-19 trên mạng xã hội.
Mới đây, Chính phủ yêu cầu Bộ Công an và Bộ Thông tin và Truyền thông phải xử lý nghiêm những người đưa tin lên mạng xã hội bị cho là xuyên tạc, tin giả, tin xấu, chống phá công tác phòng chống dịch, gây nghi ngờ, mất đoàn kết, ảnh hưởng đến tâm lý của các lực lượng tham gia phòng, chống dịch...
Facebooker Nguyễn Anh Tuấn hôm 4 tháng 9 năm 2021 viết trên danh khoản cá nhân của mình :
"Đành rằng giao cho công an chống dịch, với Đảng, Nhà nước ta là thượng sách. Công an và lực lượng vệ tinh tai mắt của nó thì đông khủng, lên tới cả triệu người (Hàng năm tiêu tốn lượng ngân sách gấp 10 lần ngành Y tế). Vốn dĩ nó đông như vậy là bởi bên cạnh chức trách thông thường, là bảo vệ Pháp luật, thì nhiệm vụ chính là "thanh kiếm và lá chắn của chế độ".
Giao cho công an nhiệm vụ chống dịch (đường nhiên là kèm theo tiền và quyền lợi), vừa là khai thác lực lượng thiện chiến sẵn có, phát huy sở trường phong toả, bắt nhốt, vừa là để vỗ về giữ vững tinh thần cho lực lượng bảo vệ chế độ nòng cốt nhất này, sẵn sàng trước các nguy cơ biến động xã hội thời đại dịch.
Nhưng hiện thực thành quả sau gần hai năm "chống dịch" thì đang rõ ràng là phũ phàng quá. Ai cũng thấy, cứ cái đà này thì tan hoang đất nước…"
Công an nhân dân Việt Nam được coi là một lực lượng vũ trang trọng yếu của Đảng và Nhà nước ; là nòng cốt trong sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia và giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, tuyệt đối trung thành với Đảng, luôn luôn ý thức "còn Đảng thì còn mình". Khẩu hiệu "còn Đảng, còn mình" là một nguyên tắc lớn trong đạo đức cách mạng của ngành công an Việt Nam.
Chiều 17 tháng 11 năm 2020, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc xin ý kiến đại biểu Quốc hội về hai nội dung liên quan đến dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.
Theo dự án luật trình Quốc hội, Bộ Công an muốn thống nhất lực lượng bảo vệ dân phố, dân phòng, công an bán chuyên trách hiện nay thành lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Trung bình mỗi thôn có một tổ bảo vệ an ninh trật tự cơ sở từ năm đến 10 người thì toàn quốc có khoảng 1.500.000 người tham gia lực lượng này. Báo cáo thẩm tra chỉ ra con số biên chế của lực lượng này hiện nay là 700.000 người. Nếu luật được thông qua với quân số lên tới 1.500.000 người thì sẽ tăng thêm khoảng 800.000 người.
Thiếu tướng Sùng Thìn Cò (Hà Giang), nguyên Phó Tư lệnh Quân khu 2 đặt câu hỏi với Bộ trưởng Công an rằng, bây giờ lực lượng công an quá đông, một tỉnh ít nhất phải từ 3.000 đến 4.000 công an chính quy, giờ lại thêm nhiều lực lượng nữa, chẳng lẽ lực lượng chính quy không đủ để nắm được tình hình, xử lý tình hình hay sao ?
Dù chính quyền Việt Nam chưa bao giờ công bố chính thức quân số của lực lượng công an, được coi là bí mật quốc gia, nhưng trong bài phát biểu trước Hội đồng Nhân quyền của Liên Hiệp Quốc vào tháng 6 năm 2014, cựu cán bộ ngoại giao Đặng Xương Hùng nói rằng : "trung bình cứ 18 người là có một người làm việc cho an ninh với mục đích duy nhất là theo dõi mọi công dân và đàn áp nhân quyền. Lãnh đạo chế độ đã thề là sẽ đập tan từ trứng nước mọi nhen nhúm thành lập các nhóm đối lập."
Diễm Thi
Diễm Thi, RFA, 27/10/2021
Võ Hàn Lam, VNTB, 17/09/2021
"Quan điểm của Thủ tướng và bài học kinh nghiệm của quốc tế cũng như của nhiều địa phương nước ta trong các đợt chống dịch cho thấy chỉ có xét nghiệm thần tốc mới có thể bóc tách F0 ra cộng đồng, cùng đó kết hợp quản lý cách ly, khoanh vùng tránh lây nhiễm ra cộng đồng sẽ tránh được giãn cách kéo dài".
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long đã có phát biểu nhấn mạnh như trên ở cuộc họp chiều 14/9/2021 của Tiểu ban Y tế của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19. Vì đeo đuổi ‘bóc tách F0 ra cộng đồng’ nên nhiều tỉnh, thành đã phải liên tục gia hạn các lệnh giãn cách, ‘ai ở đâu ở yên đó’, khiến mọi công việc sản xuất, lưu thông hàng hóa đình đốn.
Hệ lụy của ‘ai ở đâu cứ mãi ở yên đó’
Trước đó, ở Hội nghị trực tuyến sơ kết về công tác phòng, chống dịch Covid-19 với các tỉnh, thành phố đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ và triển khai thực hiện Nghị quyết số 86 của Chính phủ về các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19, tổ chức ngày 15/8/2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh yêu cầu xét nghiệm nhanh, khoanh vùng ổ dịch và quyết tâm tách F0 ra khỏi cộng đồng trong thời gian giãn cách.
Một số ghi nhận về cụ thể thiệt hại từ chuyện đeo đuổi chính sách zero-covid của Bộ Y tế Việt Nam.
Công ty cổ phần Dệt may Đầu tư thương mại Thành Công (TCM), doanh thu tháng 7/2021 đạt 14,5 triệu USD (gần 330 tỷ đồng), giảm 2,7% so với cùng kỳ năm trước ; lãi sau thuế 672.933 USD (15,3 tỷ đồng), giảm 47% ; So với tháng 6/2021, công ty bị giảm 29% về lợi nhuận.
Doanh thu tháng 8/2021 của TCM đạt 10,5 triệu USD ; lợi nhuận sau thuế âm 282.425 USD. TCM cho biết, do tình hình dịch bệnh phức tạp, trong tháng 8, công ty thực hiện làm việc giãn cách nên năng suất lao động ngành may không đạt kế hoạch, cộng với chi phí hoạt động theo phương thức "3 tại chỗ" cao, dẫn đến biên lợi nhuận gộp không cao và lợi nhuận sau thuế bị lỗ trong tháng này.
Lũy kế 8 tháng, doanh thu của TCM đạt 106 triệu USD, cao hơn 4% so với cùng kỳ năm 2020 và hoàn thành 59% kế hoạch năm 2021 ; lợi nhuận lũy kế sau thuế đạt 5,5 triệu USD, tương ứng với việc hoàn thành 44,4% kế hoach năm 2021.
Hiện TCM đã nhận đơn hàng đến cuối năm 2021 và quý 1/2022. Tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh, mặc dù công ty tổ chức làm việc theo phương thức "3 tại chỗ" nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu đơn hàng.
Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), thiếu hụt nguồn nhân lực sẽ là thách thức lớn cho ngành trong quý 3/2021. Các doanh nghiệp dệt may hiện đang nhận được nhiều đơn hàng của khách hàng Hoa Kỳ, EU. Nhưng để yên tâm sản xuất trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến khó lường như hiện nay, vấn đề mấu chốt của ngành dệt may vẫn là chích vắc xin cho công nhân.
Nhà máy để sản xuất chứ không phải để làm ‘nhà ở’
Theo khảo sát của Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) tính tới cuối tháng 8/2021, chỉ có khoảng 30 – 40% doanh nghiệp thủy sản tại các tỉnh thành miền Nam hoạt động được "3 tại chỗ" – gọi tắt của sản xuất, cách ly, ăn nghỉ tại chỗ.
Có khoảng 30 – 40% doanh nghiệp không đủ thực hiện "3 tại chỗ" đã phải ngừng sản xuất, số phần trăm còn lại đã tạm dừng sản xuất để tổ chức lại nhà máy để thực hiện "3 tại chỗ". Với những nhà máy thực hiện được phương án này thì lượng công nhân có thể huy động được khoảng từ 30 – 50% tổng số lượng lao động, số còn lại nghỉ việc hoặc nghỉ không lương, công suất chế biến đã giảm từ 50 – 60% so với trước. Ước tính, công suất chung của cả vùng đã giảm từ 60 – 70%.
Tiền Giang, Cần Thơ, Hậu Giang, Đồng Tháp là các tỉnh có số lượng doanh nghiệp thủy sản ngừng hoạt động hoàn toàn, hoặc tạm ngừng sản xuất nhiều nhất để tổ chức lại thực hiện "3 tại chỗ".
Tính tới cuối tháng 8/2021, có tới 40 – 50% các đơn hàng bị giao trễ hẹn và có khoảng 10-15% các đơn hàng bị hủy. Ngoài ra, nhiều nhà nhập khẩu đã tỏ thái độ quan ngại cho rằng, trước mắt vẫn giữ đơn hàng nhưng có thể cân nhắc tới việc tìm nguồn cung thay thế.
Theo các doanh nghiệp được VASEP khảo sát, trường hợp doanh nghiệp được trở lại sản xuất bình thường sau khi nới lỏng giãn cách như từ trung tuần tháng chín này, thì khả năng lấy được các đơn hàng cho mùa lễ cuối năm cũng rất hạn chế.
Ngoài ra, cước phí vận chuyển của các hãng tàu hiện nay vẫn rất cao tăng từ 2 đến 10 lần và chưa có sự điều chỉnh phù hợp, thêm vào đó việc ‘book container’, ‘book tàu’ cũng gặp nhiều khó khăn khi doanh nghiệp hoàn toàn thụ động về thời gian, và cước tàu nên đã ảnh hưởng rất lớn đến kế hoạch vận chuyển và giá thành sản phẩm thủy sản, làm ảnh hưởng kế hoạch kinh doanh, uy tín của doanh nghiệp và sự cạnh tranh của thủy sản Việt Nam.
Không quá khó để thấy rằng dân chúng cũng cạn tiền vì không đi lại, buôn bán kinh doanh được, doanh nghiệp thì đóng cửa, giải thể mỗi tháng tầm 10.000 công ty.
Các nhà đầu tư nước ngoài bỏ vốn làm ăn ở Việt Nam đã rục rịch chuẩn bị chuyển đơn hàng, hoạt động sang nước khác trong bối cảnh giãn cách xã hội vẫn chặt cứng như hiện nay, và chưa biết khi nào dỡ bỏ để có thể hoạt động bình thường lại.
Bac Pham & Bennett Murray, Khánh An, VNTB, 17/09/2021
Đặng Thanh Hằng, 27 tuổi, chủ tiệm nail thở dài khi kể lại vận may bất ngờ đảo chiều khi Covid-19 hoành hành ở tại Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố lớn nhất Việt Nam.
"Giờ tôi phá sản rồi. Bao nhiêu tiền mẹ con tôi tích góp trong những năm qua đã mất hết", cô nói.
Hằng, quê ở Cần Thơ, đồng bằng sông Cửu Long, đã dành toàn bộ số tiền tiết kiệm được để mở cửa tiệm. Cô cùng 4 người bạn thuê mặt tiền trên một con đường ở quận 7 vào tháng 4 trước khi đợt covid thứ 4 bùng phát tại Việt Nam vào ngày 27/4.
Việt nam đã ngăn chặn thành công tất cả các đợt bùng phát Covid cho đến thời điểm đó, chỉ với một vài đợt phong toả cục bộ làm gián đoạn hoạt động bình thường một thời gian ngắn trong năm qua.
Tuy nhiên, biến thể Delta đã xâm nhập vào và bắt đầu lan nhanh ở miền nam Việt Nam vào tháng 5.
Ngày 31 tháng 5, tất cả các dịch vụ không thiết yếu đã bị đóng cửa ở Thành phố Hồ Chí Minh, nhưng các biện pháp giãn cách xã hội mới không ngăn chặn được sự lây lan.
Chính phủ đã cấm gần như mọi người dân đi ra khỏi vào ngày 20 tháng 8, và giao cho quân đội giao thực phẩm đến các hộ gia đình.
Theo Bộ Y tế, Việt Nam đã ghi nhận gần 11.500 ca nhiễm Covid-19 mới vào ngày 12/9, nâng tổng số lên 613.375 ca với 12790 trường hợp tử vong.
Trong khi một số hạn chế đã được nới lỏng trong những ngày gần đây, số người chết trung bình hàng ngày trong bảy ngày vẫn ở mức gần 300. Tỉ lệ người chết vì Covid-19 chiếm khoảng 2,5% và cao hơn tỷ lệ tử vong của thế giới là 0,4% do nghèo đói và hệ thống chăm sóc sức khỏe bị quá tải.
Tính đến ngày 11 tháng 9, hơn 27 triệu người trên tổng dân số 98 triệu người được tiêm 1 mũi vắc xin. Với gần 4,7% dân số được tiêm chủng đầy đủ, Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng thấp nhất ở Châu Á, nếu không nói là trên toàn thế giới.
Ngày nay, các chủ doanh nghiệp như Hằng không còn có lựa chọn khi nhà nước bắt đầu thừa nhận virus sẽ còn tồn tại Việt Nam.
"Tôi không đủ tiền thuê nữa nên mới trả lại mặt bằng và thuê một phòng trọ nhỏ tạm sống qua ngày", chị Hằng ước tính thiệt hại khoảng 4.000 USD.
Theo khảo sát của Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân do Nhà nước kết hợp với VnExpress thực hiện từ ngày 12 đến 22/8, gần 70% trong số hơn 21.000 doanh nghiệp được khảo sát đã đóng cửa vĩnh viễn phần lớn là do chuỗi cung ứng bị đứt gãy.
Số doanh nghiệp còn lại cho biết đang phải chật vật để duy trì cho tới tận sang năm nếu tình hình không được cải thiện như nhiều người dự kiến.
Thiếu tướng Vũ Quốc Bình, bác sĩ, nguyên Cục trưởng Cục Quân y Việt Nam cho biết những sơ suất gần đây của cơ quan chức năng đã dẫn đến tình trạng "rối ren". Sự tự tin quá mức từ thành công ban đầu trong việc ngăn chặn đại dịch đã đã tạo ra sự tự mãn.
"Ban đầu chúng tôi nghĩ mình là số một trong cuộc chiến chốn dịch bệnh, nhưng cuối cùng, Việt Nam hiểu rằng mình đã sai", ông nói và cho biết thêm rằng cho phép tụ tập đông người trước khi bùng phát dịch bệnh như hiện nay là điều sai lầm.
"Thời điểm đó, Việt Nam có rất ít ca nhiễm trong khi thế giới đang bùng phát dịch lớn dẫn đến tâm lý chủ quan, cho phép tụ tập đông người", ông nói và cho biết thêm rằng chính phủ không ưu tiên tiêm phòng khi số ca nhiễm còn thấp.
"Thay vì tập trung vào vắc-xin, chúng tôi chủ yếu tập trung vào việc giãn cách xã hội", ông nói về các kế hoạch dự phòng của nhà nước trước khi dịch bùng phát và nhà nước "nghĩ rằng họ giỏi hơn các nước khác" do chiến thắng được Covid -19 trong năm đầu tiên của đại dịch.
Ngày 28 tháng 8, Việt Nam đã đột ngột đảo ngược chiến lược "zero Covid" trong những thừa nhận rằng "chúng ta không thể kiểm soát dịch hoàn toàn và phải thích ứng và có cách ứng phó phù hợp với tình hình".
Ba ngày sau, ông Chính nhắc lại cách tiếp cận mới, nói rằng Việt Nam "không thể sử dụng các biện pháp cách ly và phong toả mãi được", khi đề cập về tác hại sinh kế.
Ông Bình cho rằng trong khi việc giãn cách xã hội vẫn tiếp tục theo một số hình thức thì cách tiếp cận hiện tại là quá triệt để.
Ông nói : "Áp dụng giãn cách xã hội/ cách ly cực đoan ở một số địa phương sẽ có tác động xấu đến nền kinh tế.
Tháng trước, Ngân hàng Thế giới đã giảm mức tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) dự kiến hàng năm của Việt Nam xuống 4,8%.
Kinh tế Việt Nam đã tăng trưởng với tốc độ mạnh mẽ đến 5,64% trong sáu tháng đầu năm 2016.
Bác sĩ Tuấn Nguyễn, giáo sư y học dự đoán Đại học Công nghệ Sydney, Úc, cho biết tình hình sức khỏe cộng đồng ở Việt Nam không khác gì ở Úc, Úc cũng có số ca bệnh thấp thế giới trước khi xuất hiện biến thể Delta.
Ông nói : "Tôi nghĩ chính phủ [Việt Nam] phải chấp nhận thực tế, và thực tế đó là virus sẽ ở lại với chúng ta mãi mãi, cũng giống như nhiều loại virus khác trong những năm qua.
"Cứ mỗi ca được xác định qua xét nghiệm thì có lẽ còn 6-7 trường hợp chưa xác định được. Vì vậy, số lượng các ca được báo cáo mỗi ngày trên các phương tiện truyền thông không có nhiều ý nghĩa", ông nói thêm.
Ông Tuấn đồng ý rằng tiêm chủng là chìa khóa để hạn chế sự lây lan của Covid-19, đồng thời nói rằng hệ thống chăm sóc sức khỏe phải được tăng cường với các loại thuốc trị Covid như Remdesivir và Molnupiravir. Theo ông số người chết đột ngột tăng đột biến một phần là do nguồn cung cấp y tế không đủ.
"Khi dịch bùng phát ở đỉnh điểm, tình trạng thiếu giường ICU (cấp cứu hồi sức) giảm mạnh và nguồn cung cấp oxy tại các bệnh viện công. Một số loại thuốc hiệu quả không được dùng rộng rãi tại các bệnh viện, hạn chế khả năng điều trị bệnh nhân nặng", ông Tuấn nói.
Ông nói thêm : "Với những gì đã xảy ra ngay sau đợt bùng phát dịch mới nhất, có vẻ như chính phủ đã không chuẩn bị tốt cho việc gia tăng số ca Covid-19 như vậy.
Bên cạnh việc tăng cường nguồn cung vắc xin, Thiếu tướng Bình cho biết cả nước cần phải nâng cao năng lực xét nghiệm và tiếp tục với chiến lược "5K" hiện tại.
Ông nói thêm rằng những người bị nhẹ không nhất thiết phải nhập viện vì có thể bị nhiễm trùng bệnh viện và lây chéo.
Nhưng một số biện pháp giãn cách xã hội, chẳng hạn như cấp giấy phép đi đường rõ ràng là phản tác dụng, ông nói.
"Dân phải tập trung chỗ giấy phép đi đường, khi đi đường lại bị dừng xe kiểm tra, làm tăng nguy cơ lây bệnh", ông nói và cho rằng cần phải ưu tiên tiêm chủng.
Ông Bình nói : "Vắc xin phải được xem là giải pháp ưu tiên hàng đầu, và mọi biện pháp, hình thức giãn cách xã hội là cần thiết, nhưng không phải ưu tiên số một mà là ưu tiên số hai.
Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới công bố ngày 24/8, GDP của Việt Nam dự kiến sẽ tăng khoảng 4,8% vào năm 2021, mặc dù trước đây Việt Nam đã đạt kết quả kinh tế tốt trong nửa đầu năm nay.
Dự báo này thấp hơn hai phần trăm so với dự báo do Nhóm Ngân hàng Thế giới đưa ra vào tháng 12 năm 2020 do các tác động kinh tế tiêu cực của làn sóng Covid-19 đang diễn ra.
"Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ vẫn tích cực trong năm nay nhưng sẽ thấp hơn 4%, thay vì 4,7% như dự báo của Ngân hàng Thế giới vì dữ liệu của Ngân hàng Thế giới được thu thập từ trước ngày 20/7, trước khi đợt bùng phát thứ tư của dịch Covid-19, "ông Lê Đăng Doanh, cố vấn kinh tế cấp cao đã nghỉ hưu của 5 thủ tướng Việt Nam cho biết.
Ông nói thêm : "Nhiều hoạt động sản xuất và xuất khẩu đã bị ảnh hưởng tiêu cực do lệnh cấm vận, và một loạt hoạt động bị hạn chế như vận chuyển và thậm chí mua hàng trong nước.
Đối với Hằng, chủ tiệm nail tại Thành phố Hồ Chí Minh, bất kỳ sự thay đổi nào về chính sách hiện nay đều đã quá muộn. Khi bị nhốt trong căn phòng trọ nhỏ mà cô chuyển đến sau khi đóng cửa tiệm, cô nghĩ về những gì cô sẽ làm khi được phép ra phố lại.
Cô chắc rằng cô sẽ phải từ bỏ cuộc sống ở thành phố và làm lại từ đầu ở Cần Thơ.
"Giờ tôi chỉ còn biết đợi đến khi Thành phố Hồ Chí Minh dỡ bỏ phong tỏa rồi sẽ về quê sinh sống, vì ở đây tôi không biết làm gì".
"Tôi không muốn dùng từ" thất bại "để nói về cách điều hành nền kinh tế, nhưng có thể thấy chúng ta chưa thành công do những tồn tại và yếu kém trong thời gian gần đây", ông Doanh nói.
Khánh An dịch
Nguồn : VNTB, 17/09/2021
Các nhà bán lẻ, ngành dệt may cân nhắc chuyển sản xuất từ Việt Nam sang lại Trung Quốc
RFA, 17/09/2021
Một số công ty dệt may, da giày vốn đã chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam trong thời gian qua, nay phải cân nhắc dời nhà máy của họ trở lại Trung Quốc do tác động nặng nề của đại dịch Covid-19 ở Việt Nam.
Các nhà bán lẻ, ngành dệt may cân nhắc chuyển sản xuất từ Việt Nam sang lại Trung Quốc. -AP
Quartz hôm 16 tháng 9 cho biết, nhiều nhà kinh doanh bày tỏ quan ngại về thách thức trong chuỗi cung ứng khi các biện pháp phòng chống Covid-19 đã khiến các nhà máy trên khắp Việt Nam phải đóng cửa.
CNBC đưa tin nhà đầu tư BTIG tuần qua đã hạ cấp cổ phiếu của Nike vì những khó khăn nghiệm trọng trong sản xuất. Rủi ro đã tăng lên đối với một số thương hiệu khác, theo các nhà phân tích và đầu tư.
Các công ty nước ngoài trong những năm qua lo chuyển hoạt động sản xuất ra khỏi Trung Quốc đưa sang các quốc gia Đông Nam Á lân cận. Mục đích vừa để khai thác lao động rẻ hơn ở các nước đó vừa để né tránh thuế quan áp đặt trong cuộc chiến thương mại của chính quyền Trump với Trung Quốc. Việt Nam là một trong những điểm đến phổ biến nhất trong khu vực thời gian qua.
Nguồn : RFA, 17/09/2021
*********************
Thu Trân, VNTB, 16/09/2021
Nhơn vụ anh Chính họp phòng chống dịch trực tuyến mới lòi ra sự yếu kém của lãnh đạo địa phương, lòi ra bi nhiêu thì nghe các facebooker hăng hái tường thuật hết rồi. Không thấy lạ, mà thấy bình thường, bình thường từ trong cơ chế.
Đừng bao giờ ngạc nhiên khi một cán bộ có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ ngành Xây dựng đảng phát biểu rất lơ ngơ về những vấn đề khác
Đơn giản là giàn lãnh đạo các cấp ở nước ta, phần lớn là những hạt giống đỏ được quy hoạch từ thời chống Pháp chống Mỹ, từ đời ông đời cha đến đời con đời cháu đời chắt đời chít ; không thì cũng dây mơ rễ má kiểu này kiểu kia hoặc do chạy chọt mà ra.
Mỗi lần đại hội đại hiếc, dù biết là đã được quy hoạch, nhưng đương sự cũng phải chuẩn bị bao la phong bì để cảm ơn những đầu phiếu. Dà, chuẩn bị rải phong bì hàng tỷ cho một cái ghế to là chuyện bình thường. Cho nên có chức cũng khổ lắm, lao tâm khổ tứ đủ điều.
Khi cái ghế có được không do dân bầu, không xuất phát từ tâm tài đức thật sự, mà chủ yếu do các mối quan hệ trong một xã hội chuyên giải quyết các vấn đề bằng các mối quan hệ- thì đừng đòi hỏi vấn đề năng lực lãnh đạo, năng lực cán bộ.
Chuyện học giả bằng thật ; chuyện đặt ra một cái hệ chuyên về thạc sĩ, tiến sĩ các ngành Mác- Lê nin, ngành Xây dựng đảng… cũng làm khổ các quan chức có các bằng kiểu này.
Nói đúng ra, việc thấm nhuần chủ nghĩa cộng sản khoa học để trở thành một người cốt cán vừa hồng vừa chuyên để phục vụ chế độ cũng tốt, nhưng mọi người đừng quên rằng, ba cái bằng cấp chính trị này là kỹ năng, chứ không phải trình độ học vấn. Cho nên, đừng bao giờ ngạc nhiên khi một cán bộ có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ ngành Xây dựng đảng phát biểu rất lơ ngơ về những vấn đề khác.
Khi người ta bày đặt chuẩn hoá trình độ ngoại ngữ cho cán bộ, có rất nhiều chuyện cười ra nước mắt. Rất ít cán bộ to của ta dùng được tiếng Anh.
Ngày xưa, khi bằng ABC còn thông dụng, hầu hết cán bộ đều có bằng ABC. Giờ vụ ABC bỏ rồi, không biết quý vị khai bằng gì. Lâu quá không cập nhật không biết.
Mình có quen bà thứ trưởng, một chữ tiếng Anh bẻ đôi cũng không biết, nói "yes no" cũng rất ngại ngùng – mà thôi, dân bưng biền chỉ biết ruộng vườn và tay súng tay cày đánh Mỹ mà nhét tiếng Anh vào miệng người ta làm gì, vậy mà vẫn phải nhét vì "chuẩn hoá".
Bà thứ trưởng đang họp quốc hội, địa phương kêu về thi lấy bằng C tiếng Anh, thi thiệt, vô ký tên điểm danh, chép đáp án đưa sẵn, xong bay ra Hà Nội họp tiếp. Bằng C đàng hoàng, có ai thắc mắc kiểm tra "phôi phiếc" này nọ cũng là nghiêm chỉnh ! Chẳng biết để làm gì !
Trình độ thực chất là một nhẽ. Nhẽ quan trọng là kỹ năng làm lãnh đạo cũng trớt quớt luôn.
Nếu cần, nhân dịp anh Chính đương nhiệm thủ tướng, đề nghị giảm tần suất họp, chỉ còn khoảng 10% so với trước nay thì vừa ; tăng họp trực tuyến cho các bố sợ nhục trước toàn dân mà cập nhật tình hình, mà làm ăn nghiêm chỉnh.
Còn ra cái thể thống gì trước vài triệu dân tỉnh mình khi thủ tướng hỏi cái gì cũng không biết. Thế là hoàn hồn, thế là phải làm việc nghiêm chỉnh thôi. Nhờ làm báo, mình được tiếp xúc thường xuyên với các quan to, nhiều khi phỏng vấn, có hẹn đàng hoàng, các bố cũng chẳng nắm được gì, thanh minh do họp tối ngày sáng đêm.
Mà thật, đây là lý do thật. Cái đất nước gì mà họp nhiều hơn hành, hầu như rất ít quan chịu khó sắp xếp thời giờ thị sát dân, cho nên hỏi cái gì cũng không biết là vậy. Trình độ hạn chế, lại quen thói quan liêu nên họp hành là an toàn nhất.
Họp chỉ ngồi nghe người ta nói, xong rồi chỉ đạo, chỉ đạo chung chung đúng bài thì an toàn, chớ dại mà "phá rào" này nọ coi chừng chết. Nên cuộc họp các cấp các loại thường chỉ có một màu. Riết rồi nhà báo "nhờn mặt", nhiều khi đi họp, chỉ cần nắm nội dung chính, chưa xong họp đã biết lãnh đạo sẽ chỉ đạo gì, làm tin trước ngon lành, xong rồi dọt.
Thủ tướng sốt ruột, yêu cầu Kiên Giang, Tiền Giang chấn chỉnh công tác phòng chống dịch - VTV4, 13/09/2021
Lãnh đạo trình độ hạn chế, bận họp hành suốt ngày, lười đi thực tế… thì các thứ dựa vào ai ? Chuyên viên. Trong bộ máy công quyền của Việt Nam, chuyên viên là quan trọng bậc nhất. Coi họp trực tuyến với thủ tướng vừa rồi thì biết, chuyên viên quăng bài quăng phao cho lãnh đạo lia lịa mà lãnh đạo còn không biết chỗ nào mà đọc.
Rất nhiều lần mình phỏng vấn lãnh đạo mà hóa ra là phỏng vấn chuyên viên. Muốn phỏng vấn vấn đề gì, cứ a lô trao đổi trước với lãnh đạo, lãnh đạo kêu viết câu hỏi gửi chuyên viên là xong. Khi trúc trắc vấn đề gì trong bài phỏng vấn cũng trao đổi lại với chuyên viên. Chuyên viên chấp bút hết, đưa lãnh đạo duyệt một lần cuối cùng là OK. Vậy cho nó lành. Chứ phỏng vấn trực tiếp thì lãnh đạo ngại lắm, nhiều khi bị nhà báo truy đuổi ráo riết mà không nắm được gì hết cũng kỳ !
Nói đi cũng phải nói lại, trong vạn vì sao lấp lánh trên bầu trời lãnh đạo nước ta, cũng có nhiều vị rất ô-kê.
Phỏng vấn chú Sáu Dân (cố thủ tướng Võ Văn Kiệt) rất tuyệt. Ngoài việc đáp ứng nội dung phỏng vấn một cách rất căn cơ, rất ngon lành, chú còn chỉ ra nhiều vấn đề rất hay chung quanh nội dung phỏng vấn cho nhà báo nắm bắt và học hỏi.
Cánh nhà báo vẫn thường sung sướng bảo nhau, mỗi lần được gặp chú là một lần được đi học. Bên cạnh đó, cũng có nhiều cán bộ cấp xã cấp huyện cấp tỉnh nắm bắt vấn đề rất tốt, làm việc với họ rất dễ chịu, không có chuyên viên ngồi cạnh lật bài lật phao chạy té khói. Nhưng tiếc, số "nhiều tốt" này chẳng là bao trong số cán bộ hằng hà hiện nay.
Rất khoái anh Chính chỗ : "Anh báo cáo với tôi không lật tài liệu, không lật sách được không ?". Đấy cũng là cái điều dân muốn. Cán bộ mà không sâu sát dân, không hiểu dân ; muốn nói cái gì cũng phải lật tư liệu, lật sách thì "cán bộ" làm gì ? Mong anh Chính có nhiều cuộc "rượt đuổi, truy vết" cán bộ quan liêu, lười biếng, yếu kém… nhiều hơn nữa, cho dân nhờ.
Thu Trân
Nguồn : VNTB, 16/09/2021
***********************
Phạm Lê Đoan, VNTB, 15/09/2021
Vì sao y tế Sài Gòn sụp đổ ?
Việt Nam luôn khẳng định đầy tự hào là đất nước có cả hệ thống chính trị cùng tham chiến trong đại dịch Covid. Gọi là hệ thống chính trị, là vì tham chiến có phía hành chính Đảng – mà đại diện là Tỉnh ủy/Thành ủy, và cơ quan hành chính dân sự với đại diện là Ủy ban nhân dân tỉnh/thành.
Một bác sĩ ngoại khoa từng làm việc ở bệnh viện Chợ Rẫy không giấu cảm xúc phẫn uất : "Nếu dàn cán bộ nhà nước, bao gồm lãnh đạo ngành y tế, có trình độ, có kiến thức, có tâm làm việc, thì đã không phải điều các bác sĩ, nhân viên y tế cả nước vào Sài Gòn hỗ trợ chống dịch.
Nếu họ có trình độ, và có tâm làm việc vì dân, vì nước, thì hệ thống y tế hùng hậu của Thành phố Hồ Chí Minh đã không sụp đổ dễ dàng khi số nhiễm vẫn còn đang rất nhỏ so với các nước khác, và không có con số tử vong cao chất ngất, thuộc loại hàng đầu thế giới.
Họ chỉ biết làm theo lệnh, như một nô lệ, trong khi lẽ ra, họ mới là người quyết định cái mệnh lệnh đó nên được ra như thế nào. Nhưng không, tâm thức nô lệ của họ ăn sâu đến mức, họ không dám đề xuất nhà nước công nhận liệt sĩ cho cán bộ y tế chết trong khi làm nhiệm vụ, chỉ vì người đó không nhiễm virus viêm phổi Vũ Hán…".
Có một giai đoạn mà truyền thông nhà nước ngại ngần nhắc tới ca tử vong trong các bản tin Covid hàng ngày, nếu có thì cũng chỉ lấp lửng. Đó là tháng 8/2021, tháng tang tóc nhất ở Sài Gòn, những cái chết lặng lẽ cứ dồn dập, trung bình mỗi ngày có hơn 300 ca tử vong.
Theo lệnh quan trên từ Hà Nội, chính quyền đã nhốt dân khi dịch bắt đầu lan rộng, thời điểm mà người bệnh mặc sức kêu cứu vẫn không thể nhập viện, người được cấp cứu thì đã quá trễ do ngăn đường, mạng lưới y tế quá tải… Bác sĩ, nhân viên y tế dù đã nổ lực, tận tâm họ cũng đành bất lực nhìn bệnh nhân lần lượt ra đi trong đau đớn. Những cái chết này đúng ra chỉ một phần là do Covid, phần còn lại do cách con người đối phó với dịch.
Trách nhiệm này thuộc về ai thì lịch sử sẽ phán xét. Một giai đoạn đau thương nhất mà người Sài Gòn sẽ ghi nhớ mãi, chỉ sau biến cố Tết Mậu Thân.
Ai sẽ chịu trách nhiệm về sự thất bại của hệ thống chính trị ?
Một nhà văn đang sống ở Sài Gòn, nói rằng khi mang tên là cuộc chiến, thì hậu chiến cần phải có một tòa án binh thật sòng phẳng cho công trạng và tội ác, khi ông đặt thẳng vấn đề "Tại sao quá nhiều người chết ? Ai sẽ chịu trách nhiệm ?"
"Ở thời điểm cuối tháng 7, tôi ứa nước mắt khi coi một clip quay tại quận 10, một người đàn ông trung niên khóc lóc, năn nỉ và cả chống đối khi mẹ ông bị bắt lên xe cứu thương chờ sẵn vì bà bị dương tính, người con la to là phải theo vô bệnh viện để chăm sóc mẹ, nhưng ông âm tính nên không được chấp nhận. Lực lượng y tế gọi công an và người đàn ông gần như quỳ xuống lề đường khi bà mẹ già ôm cái giỏ nhỏ, run rẩy lên xe cứu thương.
Vào giữa tháng 8, một bác sĩ viết trên báo rằng không cho người thân theo chăm sóc người bệnh, nhứt là bệnh nhân già yếu là một sai lầm nghiêm trọng. Ông cho rằng người chăm sóc có thể bị dương tính theo, nhưng đi 2 có khả năng cao là về 2, còn đi 1 là người già yếu, bệnh nền thì có thể về 0. Nhưng khi đó, không ai nghe ông.
Một cháu 17 tuổi bị dương tính, đưa vô bệnh viện dã chiến vào giữa tháng 8 kể với tôi rằng những người già, mà cháu gọi là ông ngọai, bà ngoại chết khá nhiều không phải vì Covid mà vì tuyệt vọng, cô đơn, khủng hoảng và kiệt sức vì đói bởi không thể tự ăn các suất cơm hộp. Các bác sĩ, nhân viên y tế phục vụ tận tình đến kiệt sức nhưng không xuể. Hiện cháu đã âm tính, trở thành tình nguyện viên trong bệnh viện dã chiến, vì như cháu nói : đau lòng lắm chú ơi, họ như bà ngoại của con !
Hiện nay tỷ lệ tử vong đã giảm, và khi F0 được chăm sóc tại nhà chắc chắn sẽ giảm mạnh. Nhưng ai sẽ chịu trách nhiệm về những cái chết trước đây ?"
Những chia sẻ kể trên, có lẽ dễ dàng tìm thấy ở rất nhiều nơi của Sài Gòn.
Việc chậm chuyển hướng chiến lược khi dịch bùng phát ở Sài Gòn và các tỉnh vùng ven với chủng Delta, vẫn cách ly F1, truy lùng F0 thay vì tập trung phương án làm giảm tử vong đã làm kiệt sức ngành y tế, tiêu tốn hàng núi tiền bạc của ngân sách và xã hội.
Cụ thể dẫn chứng, sau gần 100 ngày phong toả ở Thành phố Hồ Chí Minh và hơn 1 tháng ở Hà Nội, sức chịu đựng của nền kinh tế đã vượt ngưỡng giới hạn. Đến cuối tháng 8/2021, số liệu Tổng cục Thống kê ghi nhận có 85.500 doanh nghiệp đã rời bỏ thị trường, và các chuyên gia dự báo nếu tình trạng đóng băng tiếp tục diễn ra, thì sẽ có tới 100.000 doanh nghiệp phá sản.
Nhiều doanh nghiệp FDI buộc phải chuyển đơn hàng sang các nước khác. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ vừa đệ đơn kêu cứu. Hơn 6.000 chữ ký của chủ doanh nghiệp và người lao động ngành hàng bán lẻ và F&B vừa gửi thư kiến nghị tập thể tới lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh…
Với tất cả tình cảnh trên, nếu như vẫn khẳng định chuyện cả hệ thống chính trị cùng tham chiến, cho thấy dường như là sự bất lực (hay bất tài ?) của người đứng đầu Bộ Chính trị đang rất cần sự dũng cảm của ‘phê và tự phê’.
Và cũng xin nhớ rằng, hào kiệt đời nào cũng có !
Phạm Lê Đoan
Nguồn : VNTB, 15/09/2021
******************
Viết từ Sài Gòn, RFA, 06/09/2021
Một câu hỏi đặt ra : Có bao nhiêu doanh nghiệp và cá mập bất động sản Việt Nam đang là sân sau của Trung Quốc ? Và, khi tất cả các mũi nhọn kinh tế Việt Nam bị đóng băng do giãn cách, giới nghiêm thì việc gì sẽ xảy ra ? Liệu có bàn tay cố vấn hay chỉ đạo nào từ Trung ương cộng sản Trung Quốc trong việc thiết lập mô hình giãn cách tại thành phố Sài Gòn (rất giống với mô hình Vũ Hán năm 2020, cũng đầy chết chóc và rên xiết) rồi sau đó mang y mô hình này ra siết chặt thủ đô Hà Nội ?
Người Trung Quốc nhập cảnh trái phép vào Việt Nam trong bối cảnh dịch bệnh không chỉ là hành vi phạm tội mà còn là "tội ác" / BBC - Ảnh minh họa
Bởi, nếu không giải quyết ba câu hỏi này, chắc chắn Việt Nam sẽ rơi vào tay Trung Quốc một sớm một chiều. Việt Nam khác hẳn với Đài Loan, mặc dù Đài Loan là quốc gia bị Trung Quốc công khai ghép vào lãnh thổ, đưa vào cơ chế quản lý hành chính nhưng Đài Loan không bị thao túng kinh tế, đặc biệt, trong lĩnh vực đất đai, kinh doanh địa ốc, gần như sạch bóng Trung Quốc. Điều này hoàn toàn khác với Việt Nam, một quốc gia độc lập nhưng lại bị phụ thuộc nặng nề vào kinh tế Trung Quốc và đặc biệt, lĩnh vực địa ốc bị dính câu Trung Quốc quá nặng.
Trong khi đó, những ngày Sài Gòn bị bó gối, kinh tế đang có xu hướng kiệt quệ, Hà Nội cũng bắt đầu mỏi sau gần hai năm đối phó với dịch, 61 tỉnh thành còn lại, chỉ có Cao Bằng tuyên bố chưa có ca nào vì Cao bằng giữ giãn cách ngay từ đầu và kinh tế Cao Bằng thì hình như không có ảnh hưởng gì mấy đến nền kinh tế quốc gia. Các thành phố trọng điểm, nói như cựu Thủ tướng Phúc là "các đầu tàu kinh tế" đang có nguy cơ suy sụp.
Từ đầu năm đến nay, theo tổng hợp từ các báo nhà nước, đã có đến hơn 85.000 doanh nghiệp lớn, nhỏ đã chính thức đóng cửa và chạm nguy cơ tuyên bố phá sản nay mai do ảnh hưởng dịch bệnh và giãn cách xã hội. Và, khi các doanh nghiệp tự thân, các "tư bản dân tộc" này đóng cửa thì liền sau đó, có những doanh nghiệp mà doanh nhân chủ chốt của nó được cho là sân sau của Trung Quốc bắt đầu nổi lên với hai hoạt động chính là làm từ thiện và ra sức công phá các nhóm nghệ sĩ đã làm từ thiện. Song song với việc này là ngoài khơi Việt Nam, Trung Quốc tuyên bố kiểm soát giao thông hàng hải trên Biển Đông. Có thể nói rằng hiện tại, quốc gia đang lâm nguy với hai mũi ngoại công và nội kích.
Thử đặt câu hỏi : Ai đang đứng sau những kế hoạch giãn cách, cách ly xã hội mà trên thực tế là siết chặt giới nghiêm và đẩy thành phố Sài Gòn đến chỗ như đang thấy hiện tại ? Và, tại sao không phải là các thành phố khác mà Sài Gòn, Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ, Bình Dương là những nơi bị vỡ trận nặng nề do Covid-19 bùng phát (sau khi người ta tổ chức đón lễ 30 tháng 4 và 1 tháng 5, rồi sau đó là một kì bầu cử hết sức vô nghĩa, phi lý ngay giữa lúc dịch đang hoành hành mà lẽ ra, kì bầu cử này phải được bầu bằng điện tử hoặc có thể dời lại một, hai năm nữa sau khi mọi thứ đã ổn định) ? Và, hai cái lễ kia có phải là bước đệm cho kì bầu cử đầy tai ương mà sau đó chưa đầy một tháng, ngày 31 tháng 5, thành phố Sài Gòn phải đóng cửa, siết chặt giới nghiệp cho đến hôm nay ?
Liệu có bàn tay nào từ Trung ương cộng sản Trung Quốc đứng sau cuộc bầu cử kia hay không ? Và liệu có bàn tay nào từ Cục Tình báo Hoa Nam đứng sau những đòn đánh thẳng vào giới showbiz Việt, một giới được xem là có khả năng chi phối giới trẻ Việt Nam mạnh nhất, có thể động viên, kêu gọi hoặc chi phối giới trẻ Việt Nam ở các thế hệ 19x, 20x ? Liệu khi các ngôi sao này bị khán giả quay lưng, khi nền kinh tế bị đổ vỡ, khi đời sống nhân dân bị kiệt quệ, và các nhà doanh nghiệp sân sau Trung Quốc nổi lên như một cứu tinh quốc gia thì chuyện gì sẽ xảy ra ? Và trong Ban Cố vấn chống dịch, liệu có một bàn tay nào đó đang thao túng và chỉ đạo toàn bộ các hoạt động bấy lâu nay ?
Và điều đáng sợ nhất, hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam (và cả một số ngân hàng) đều phụ thuộc rất lớn vào Trung Quốc, từ việc giao thương hàng hóa cho đến tín chấp bất động sản vay vốn. Giả sử các doanh nghiệp này tuyên bố phá sản thì các tín chấp có dính đến yếu tố Trung Quốc sẽ được giải quyết ra sao ? Trả nợ bằng cách nào khi nền kinh tế sụp đổ ? Chỉ riêng đường sắt Cát Linh – Hà Đông, Việt Nam đã nợ Trung Quốc bao nhiêu tỉ USD ? Và còn bao nhiêu công trình xã hội, công trình nhà nước, công trình phúc lợi xã hội của Việt Nam đang nợ vốn Trung Quốc ? Khi nền kinh tế Việt Nam không còn khả năng trả nợ thì Việt Nam giải quyết các khoản nợ này như thế nào với Trung Quốc ? Liệu, luận điệu "phải cứu nền kinh tế Việt Nam" bằng cách tăng cường các mối quan hệ với quốc gia đàn anh, tăng cường giao lưu kinh tế, xuất khẩu nông sản để tồn tại có phải là cái cớ để người Trung Quốc có cơ hội làm mưa làm gió trong tư thế chủ nợ tại Việt Nam ?
Và nếu tình trạng này xảy ra, thì người Việt khoan vội vui mừng khi Hoa Kỳ thuê đất 99 năm để xây Đại sứ Quán tại Hà Nội. Bởi lúc đó, không chừng quĩ đất này cũng sẽ bị chuyển nhượng để trả nợ cho Trung Quốc, thu các khoản chi phí của người Mỹ là người Trung Quốc. Bởi ngay lúc này, nếu Việt Nam bị động, yếu ớt, rệu rã về kinh tế và hỗn loạn chính trị, thì ngay tức khắc, đây sẽ là miếng mồi ngon cho cả Mỹ và Trung Quốc, bởi chúng ta đã rơi vào luật chơi của đại dương trong tư thế của cá cơm, cá ngừ trước sự gờm nhau giữa cá mập và cá voi.
Với tình trạng hiện tại, khi mà quân đội phải chi phối quá nặng cho việc "an dân" ở các thành phố lớn, đời sống kinh tế ngày càng lụn bại, mũi nhọn chủ chốt lúc này là nông nghiệp đang bị khóa chặt do đại dịch, các hoạt động sản xuất và lưu thông hàng hóa thiết yếu chỉ nhỏ giọt, hoạt động xuất khẩu bị đình trệ… thì nguy cơ nền kinh tế Việt Nam kiệt quệ đang đến rất gần.
Đáng tiếc là trước đây Việt Nam từng được xếp trong nhóm đầu bảng xếp hạng phòng chống dịch của thế giới, lúc đó, New Zealand, Việt Nam và Đài Loan (Trung Quốc) nằm trong top 3 các nước và vùng lãnh thổ xử lý đại dịch Covid-19 hiệu quả nhất trên thế giới theo xếp hạng của Viện Nghiên cứu Lowy của Australia thì đến nay, con số do Nikkei ASIA tuyên bố, Việt Nam rơi vào vị trí 121 trong bảng xếp hạng các quốc gia phòng chống dịch Covid-19 trên thế giới. Một bước nhảy lùi cả thế kỉ, thật đáng sợ !
Nhưng, dường như các hành xử chủ quan, duy ý chí không những không giảm bớt mà còn tăng cường, nặng nề hơn. Từ việc phân vùng xanh, vùng đỏ, chặn dân và hành xử hổ báo ở một số nơi, thậm chí bất chấp mọi thứ quyền của con người, xông thẳng vào nhà, đập vỡ cửa bắt chủ nhà đi cách ly khi nghi người đó là F1 (trường hợp xảy ra ở Nghệ An). Và đáng sợ hơn cả là chính sách tuyên truyền đầy sắt máu, thù hận, biến những người nhiễm bệnh trở thành thần chết, bóng ma ôn dịch và có thể bị chính người thân, cộng đồng của mình xua đuổi, hất hủi (ngay trong Chỉ thị 16 qui định "người cách ly người", một kiểu pháp điển hóa bóng ma ôn dịch ở người thân, người trong gia đình, làm cho người xa lánh người).
Chưa đủ, thêm chuyện giấy tờ đi đường, đủ các loại giấy tờ, đủ các kiểu tiêu cực trong giấy tờ và hầu hết các loại giấy tờ ban hành đều có chung một xu hướng là khóa ở mức cao nhất các hoạt động kinh tế trong nước. Như vậy, nhà nước, chính phủ đã đi đến hai kết quả thấy rõ : Người dân quay mặt với cộng đồng bởi bóng ma ôn dịch và thỏa hiệp với các hoạt động bắt bớ, khủng bố tinh thần, biến nạn nhân bị nhiễm dịch thành kẻ nguy hiểm của xã hội. Khóa chặt các hoạt động kinh tế và đưa quân đội vào cuộc để một mặt phòng chống các thế lực dân chủ nổi dậy, phòng chống tình trạng nhân dân nổi dậy cướp kho thóc vì đói, bức bách. Và quản lý, điều hành các vùng theo kiểu chuồng trại.
Tôi tin rằng nhà nước, chính phủ không cố tình đẩy nhân dân, đất nước đến tình trạng hiện tại, và cũng chẳng có nhà nước, chính phủ nào đủ dại dột để đạp đổ nền kinh tế, phá nát lòng dân. Bởi làm vậy, chết trước tiên sẽ là nhà nước, chính phủ. Nhưng, sự lo lắng về một thứ âm mưu nào đó đã lồng ghép trong chiến dịch phòng chống dịch bệnh tại Việt Nam để đẩy dần đất nước đến chỗ bệ rạc, phụ thuộc và cuối cùng là nô lệ cho Trung Quốc không phải là không có cơ sở !
Chỉ có một cách duy nhất để cứu căn nhà đang cháy của chúng ta : Rút bỏ ngay tức khắc các ống nước chữa lửa vốn chứa hóa chất gây cháy và thay ngay các vòi nước được lấy từ sông ngòi, ao hồ, thậm chí cả những thau nước cộng hưởng để chữa cháy, để cứu căn nhà đang dần lớn lửa và có nguy cơ thiêu rụi nếu gặp gió. Nếu không kịp thời làm vậy, mối nguy nô lệ Trung Quốc đang rình rập chúng ta !
Viết từ Sài Gòn
Nguồn : RFA, 06/09/2021 (VietTuSaiGon's blog)
Sarah Johnson and Nhung Nguyen, VNTB, 14/09/2021
Sau khi lệnh phong tỏa nghiêm ngặt nhất cho đến nay được áp dụng tại Thành phố Hồ Chí Minh, Trần Thị Hảo (*), một công nhân nhà máy, cho biết rằng chính phủ sẽ cung cấp thực phẩm cho cô và gia đình đầy đủ – nhưng hai tháng nay họ chỉ ăn ít hơn cơm với nước mắm.
Việt Nam từng chống Covid thành công nhưng khi người dân không thể rời khỏi nhà ngay cả để mua thức ăn vì phong tỏa gần đây khiến hàng chục nghìn người bị đói.
Cô đã bị cho nghỉ việc không lương vào tháng 7, trong khi chồng cô là thợ hồ không có việc làm nhiều tháng nay. Cô đang thiếu tiền thuê nhà và tiền thuê tháng tiếp theo cũng sắp tới hạn phải trả.
Cô nói : "Tôi đang cố gắng cầm cự càng lâu càng tốt nhưng tôi không biết chuyện gì sẽ xảy ra nữa, Tôi không biết làm sao để diễn đạt cảm xúc của mình thành lời. Tôi muốn hỏi tại sao không có hỗ trợ".
"Chính phủ nói rằng họ sẽ giúp đỡ những người như tôi nhưng không có gì hết. Tất cả mọi người quanh tôi đều đang chật vật".
Cô Hảo không phải là người duy nhất. Thành phố lớn nhất của Việt Nam đang bị phong tỏa, người dân không được phép ra khỏi nhà ngay cả khi đi mua đồ ăn Các hạn chế hiện tại có thể kéo dài đến ngày 15 tháng 9 với đề xuất nối lại hoạt động kinh tế .
Ngay cả trước khi có lệnh ở nhà vào ngày 23 tháng 8, Hảo cũng như hàng triệu người khác, đã lâm vào cảnh nợ nần chồng chất. Chính phủ đã hứa sẽ cung cấp thức ăn cho người dân và điều quân đội để giúp cung cấp thực phẩm và vặt dụng cần thiết cho dân, nhưng rất nhiều người không nhận được gì. Tuần trước, báo chí Việt Nam đưa tin rằng hơn 100 người ở một quận đã biểu tình phản đối vì không được cứu trợ.
Việt Nam đã được ca ngợi là sự thành công trong việc chống dịch trên toàn cầu. Khi các quốc gia trên thế giới thương tiếc những người đã chết và áp đặt các lệnh cấm vận trên toàn quốc, chính phủ Việt Nam đã ngăn chặn virus nhờ các biện pháp kiểm dịch nghiêm ngặt, truy tìm nguồn liên hệ và phong tỏa địa phương. Đến đầu tháng 5, Việt Nam ghi nhận dưới 4.000 ca nhiễm và 35 ca tử vong .
Giờ đây, biến thể Delta đang gây náo loạn ở Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận. Tháng rồi ghi nhận 299.429 ca mắc mới và 9.758 ca tử vong trong nước. Tại Thành phố Hồ Chí Minh, số người chết chiếm 4,2% ; mỗi ngày thành phố có hơn 200 người chết và 5.000 ca nhiễm mới. Tỉnh Bình Dương cũng có con số tương tự.
Khi các quy định hạn chế chặt chẽ hơn dần được áp dụng kể từ đầu tháng 6, người nghèo là đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Các nhà máy và chợ phải đóng cửa kéo theo hàng nghìn người thất nghiệp. Tài xế taxi, người bán hàng rong, công nhân nhà máy và thợ hồ vốn đã cận nghèo đã không thể kiếm tiền nhiều tháng trời và ở trong những khu nhà ở chật chội và đông đúc ở các điểm nóng Covid.
Số liệu thống kê chính thức cho biết chỉ riêng tại Thành phố Hồ Chí Minh đã có 3-4 triệu người đã rơi vào tình trạng khó khăn về tài chính do đại dịch.
Các tổ chức xã hội dân sự nhận với hàng chục nghìn yêu cầu cứu trợ thực phẩm mỗi ngày và không thể đáp ứng đủ nhu cầu. Ngân hàng thực phẩm Việt Nam, một doanh nghiệp xã hội do doanh nhân Nguyễn Tuấn Khôi điều hành, đang hỗ trợ 10.000 người mỗi ngày. Trang web và các kênh truyền thông xã hội của Ngân hàng Thực phẩm nhận được yêu cầu trợ cấp nhiều gấp đôi hoặc gấp ba lần.
Ông Khôi cho biết số yêu cầu trợ cấp bắt đầu tăng từ tháng trước, nhưng tăng vọt trong hai tuần qua, "Đại dịch này đã ảnh hưởng đến khả năng phục hồi của người dân. Việc phong tỏa hoàn toàn đã khiến nguồn cung cấp thực phẩm bị gián đoạn. Chúng tôi và các tổ chức từ thiện khác đang gặp khó khăn trong việc tiếp cận những người cần giúp đỡ. Nhu cầu cần được trợ cấp là rất lớn".
Trong 20 năm làm từ thiện nhưng ông Khôi chưa bao giờ trải qua chuyện như vậy. Ông nói : "Người Việt Nam đã trải qua những ngày khó khăn nhất trong vài tuần qua. Tôi chưa bao giờ thấy số lượng người chết và mất mát như vậy và tôi nghĩ sẽ không bao giờ chứng kiến điều đó. Trước đại dịch, chúng tôi có đói nghèo, nhưng ít ra nhiều cũng cũng dễ mua được đồ ăn. Tôi sinh ra sau chiến tranh, vì vậy những khó khăn vì chết chóc và cái đói là điều chúng tôi chỉ nghe và đọc trong sách. Giờ tôi mới hiểu được sự vất vả".
Saigon Children, nơi giúp đỡ những thanh thiếu niên có hoàn cảnh khó khăn được học hành và đi làm,cũng bị cuốn vào. Damien Roberts, giám đốc tổ chức từ thiện, nói : "Thông thường chúng tôi xây dựng trường học, thực hiện những nhu cầu đặc biệt. Bây giờ 90% công việc của chúng tôi là cứu trợ Covid. [Cái đói] đang lan rất rộng trong lúc này.
"Tôi không biết con số nhưng chúng tôi đã giúp được 16.000 người trong tám tuần qua và chúng tôi hầu như chỉ mới chạm một chút vào phần nổi".
Ứng dụng nhắn tin Zalo và SOSmap.net mỗi ứng dụng đưa tin hàng chục nghìn người cần trợ giúp trên toàn thành phố.
Chính quyền thành phố, kể từ ngày 26 tháng 8, đã cung cấp gói hỗ trợ bao gồm 1,2-1,5 triệu đồng và một túi thực phẩm thiết yếu cho hơn 1,2 triệu người gặp khó khăn. Thành phố đang đề xuất chi thêm 9,2 tỷ đồng để hỗ trợ người dân bị phong tỏa.
Song song với nạn đói là hệ thống y tế trở nên quá tải. Bệnh viện đang thiếu nhân sự, không đủ thuốc men, ôxy chỉ có cầm chừng. Trên mạng xã hội tràn ngập chuyện người kêu cứu mà không nhận được cứu trợ, và những bức ảnh và video đáng lo ngại về hàng xe dài ở lò hỏa táng và những người đổ gục trên đường phố.
Bác sĩ Trần Hoàng Đăng Khoa, bác sĩ hồi sức tích cực của một bệnh viện điều trị những ca bệnh nặng nhất của Covid, phụ trách 14 bệnh nhân trong mỗi ca và đã kiệt sức. Ông nói, 700 giường luôn kín chỗ, mỗi ngày lại có thêm nhiều ca hơn ; một nửa trong số những người mà anh chữa trị đã chết.
"Hệ thống y tế của chúng tôi không được chuẩn bị cho điều này và chúng tôi chưa đạt đến đỉnh dịch", ông nói. "Chúng tôi thiếu thốn mọi thứ – nhân viên, thuốc men và máy thở – nhưng tôi không biết phải đổ lỗi cho ai".
Theo Tiến sĩ Nguyễn Thu Anh, chuyên gia y tế công cộng của Viện Nghiên cứu Y khoa Woolcock tại Hà Nội, tình hình hiện nay cũng phản ánh sự chậm trễ đối với chương trình tiêm chủng của Việt Nam. Bà nói : "Tỷ lệ chấp nhận tiêm vắc xin cao, nhưng chúng tôi không có đủ vắc xin trong nước. Bất kể cam kết từ các nhà cung cấp vắc xin, cũng như Covax, số lượng vắc xin đến thực tế thấp hơn so với dự kiến".
Theo Bộ Y tế, đến ngày 1 tháng 9, Việt Nam đã triển khai 20 triệu liều vắc xin Covid-19 . Chỉ 3,6% trong số 75 triệu người trưởng thành đã nhận hai mũi tiêm. Tại Thành phố Hồ Chí Minh, với dân số ước tính từ 10 đến 13 triệu, 5,8 triệu người trưởng thành đã tiêm mũi đầu tiên và 337.134 người đã tiêm cả hai mũi. Theo một tuyên bố của Bộ Y tế hồi tháng 6, chương trình tiêm chủng bị chậm trễ là do bộ máy quan liêu cồng kềnh bao vây .
Các nỗ lực đang tập trung vào Thành phố Hồ Chí Minh, nhưng như bà Thu Anh nói, virus đã lây lan. "Vấn đề là chúng tôi đang cố gắng phân bổ vắc xin cho Thành phố Hồ Chí Minh. Số lượng phân bổ cho các tỉnh khác là khá ít, vì vậy đó là một thách thức khác".
Ở các thành phố khác, dịch vụ chăm sóc sức khỏe và cơ sở hạ tầng còn tồi tệ hơn nhiều, và các bác sĩ cũng như chuyên gia lo ngại về ảnh hưởng của Covid đối với các cộng đồng ở đó.
Trong căn phòng 15 mét vuông ở Thành phố Hồ Chí Minh, Hảo cùng chồng và đứa con trai tám tuổi phải ở luôn trong một khu nhà có hàng trăm công nhân nhà máy khác. Cô rất muốn được quay lại làm việc. Kỳ học mới sắp bắt đầu trực tuyến nhưng cô không có máy tính và hiện giờ việc học của con cô sẽ phải tạm ngưng lại.
"Tôi thậm chí không thể nghĩ về việc học của con tôi bây giờ, "cô nói. "Tôi đang phải lo kiếm ăn ngày mai và lo tiền thuê tháng này".
Bên kia thành phố, Nguyễn Lâm Ngọc Trúc, 21 tuổi, cũng cần đi kiếm tiền trở lại. Cô sống trong một khu ổ chuột bên bờ sông cùng với 30-40 gia đình khác. Trúc bán hàng rong cho sinh viên nhưng đã phải ở nhà từ tháng 6. Bố mẹ và anh trai cô cũng bị thất nghiệp. Họ sống được nhờ được gạo và mì gói của các tổ chức từ thiện và hàng xóm.
Trong khu phố cô sống có rất nhiều người dân nhập cư, nhiều người không có hộ khẩu/đăng ký và do đó không được quản lý và vô hình đối với chính quyền.
"Chính phủ nên giữ lời hứa sẽ hỗ trợ người dân", cô nói. "Họ nên cung cấp thực phẩm cho mọi người dân. Không ai nói cho chúng tôi biết chuyện gì đang xảy ra".
Sarah Johnson & Nhung Nguyen
Nguyên tác : ‘Hunger was something we read about’ : lockdown leaves Vietnam’s poor without food, The Guardian, 08/09/2021
Khánh An dịch
Nguồn : VNTB, 14/09/2021
(*) Tên đã được thay đổi để bảo vệ danh tính
*********************
VNTB, 14/09/2021
Khi chính phủ chật vật ngăn chặn đợt bùng phát virus corona nguy hiểm nhất trong khu vực, người dân và các công ty nước ngoài tại thành phố lớn nhất Việt Nam đang chuẩn bị cho việc gia hạn các hạn chế mà họ đang phải tuân thủ kể từ ngày 31 tháng 5. Chính quyền sẽ sớm quyết định liệu có nên kéo dài thời hạn phong tỏa nghiêm ngặt thêm sau thời hạn ban đầu là ngày 15 tháng 9 hay không.
Theo số liệu của Nikkei Asia tổng hợp, tỷ lệ tử vong trong ngắn hạn ở Thành phố Hồ Chí Minh là 4,95% vào thứ Tư, so với 2,6% của Việt Nam nói chung. Đây là tỷ lệ giữa số ca tử vong do Covid-19 trung bình trong bảy ngày so với số ca tử vong trung bình trong bảy ngày của 10 ngày trước đó.
Tỷ lệ tử vong của thành phố cao nhất khu vực. Tỷ lệ tử vong ngắn hạn ở Campuchia là 2,38% trong khi Thái Lan là 1,34% mặc dù vương quốc này đang chống chọi với đợt bùng phát virus tồi tệ nhất cho đến nay, với khoảng 15.000 ca mắc mới mỗi ngày, theo Our World in Data.
Tính đến thứ Sáu, Thành phố Hồ Chí Minh đã tổng cộng tích lũy có 11.472 ca tử vong do Covid-19 trên tổng số 14.745 ca tử vong trên toàn quốc. Nhìn chung, thành phố này chiếm khoảng 78% số ca tử vong do Covid của cả nước kể từ cuối tháng 4 khi làn sóng hiện tại xảy ra.
Covid-19 bùng phát ngay cả khi Việt Nam đang cố đẩy nhanh quá trình tiêm chủng. Tính đến thứ Hai, theo số liệu của Bộ Y tế Thành phố Hồ Chí Minh đã tiêm chủng đầy đủ cho 8,6% dân. Con số này cao hơn cả con số 3,5% của cả nước. Mặc dù vậy, tỷ lệ tử vong của thành phố vẫn cao nhất nước.
Tỷ lệ tử vong gia tăng đã khiến chính quyền phải triển khai các lực lượng như quân đội, tại Thành phố Hồ Chí Minh kể từ ngày 23 tháng 8 để thực thi các hạn chế nghiêm ngặt về Covid. 9 triệu dân thành phố được yêu cầu "ở đâu ở yên đó " cho đến ít nhất là ngày 15 tháng 9, thời điểm đó chính quyền trung ương ở Hà Nội hy vọng sẽ kiểm soát được dịch.
Tuy nhiên, tình hình tại Thành phố Hồ Chí Minh không mấy có dấu hiệu cải thiện. Thành phố đã có 7.539 ca nhiễm mới vào thứ Sáu, trong tổng số 13.306 ca trên toàn quốc. "Thành phố Hồ Chí Minh vẫn là tâm dịch lần này, với số ca mắc tích lũy chiếm khoảng 48,3% tổng số ca bệnh trên toàn quốc. Tổ chức Y tế Thế giới cho biết trong "Báo cáo tình hình Covid-19 ở Việt Nam", số ca mắc trung bình hàng ngày tăng 21,3% so với tuần trước, với trung bình 5.746 ca được báo cáo mỗi ngày trong tuần".
"Delta đang chiếm ưu thế hơn trong các đợt dịch bùng phát gần đây", WHO cho biết, đồng thời đổ lỗi cho chủng virus có khả năng lây truyền cao lần đầu tiên được phát hiện ở Ấn Độ gây ra đại dịch đang hoành hành ở Thành phố Hồ Chí Minh.
"Chỉ có 5% quốc gia và khu vực trên thế giới có tỷ lệ tử vong cao như vậy ", Tuan V. Nguyen, một thành viên tại Nghiên cứu Y tế và Sức khỏe Quốc gia Australia, nói với Nikkei Asia hôm thứ Năm.
Ông Tuấn cho biết, mạng lưới bệnh viện của thành phố đã bị quá tải do bệnh nhân Covid-19 khi lý giải cho việc số ca tử vong ở Thành phố Hồ Chí Minh cao hơn so với các thành phố khác. Ông nói thêm : "Tôi nghĩ rằng việc thiếu phối hợp trong hệ thống chăm sóc sức khỏe và thiếu các nguồn lực góp phần làm tăng số ca tử vong có thể ngăn ngừa được.
Mặc dù chương trình tiêm chủng của thành phố đã được đẩy nhanh kể từ ngày 21/6, nhưng vẫn phải cần thời gian để vắc xin có hiệu lực, ông Tuấn nói.
Với việc thành phố bị phong tỏa kể từ ngày 31 tháng 5, sự lo lắng ở người dân thành phố Hồ Chí Minh đang gia tăng. Tại một sự kiện phát trực tuyến hiếm có vào thứ Hai, Chủ tịch UBND Thành phố mới, ông Phan Văn Mai, đã nói chuyện với người dân đang phải đối mặt với một thiếu lương thực do phong tỏa nghiêm ngặt.
"Ông yêu cầu dân ai ở đâu ở yên đó, nhưng không cung cấp thức ăn. Chúng tôi chỉ hít không khí sống thôi sao ?", Thuy Huynh cho biết trên Facebook.
"Thưa ông chủ tịch, tại sao số vụ mới cứ tăng, thay vì giảm ? Các biện pháp hạn chế có hiệu quả không ? Nếu không, điều gì sẽ diễn ra tiếp theo ?", Van Vu, một người dân khác, nói trong sự kiện phát trực tiếp.
"Ông Mãi ơi, làm sao mà mỗi ngày có 7.000 hay 8.000 ca mới được báo cáo ? Khi nào tôi có thể đi làm ? Giờ tôi đang chết đói rồi", một người dân khác là Hương Đỗ Văn nói.
Nhà chức trách sẽ sớm quyết định có gia hạn phong tỏa sau ngày 15 tháng 9 hay không. Đặng Tâm Chánh, một nhà phân tích chính trị tại Thành phố Hồ Chí Minh, cho rằng họ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc âm thầm nới lỏng các quy tắc, từng bước một. Ông nói : "Người dân phải hạ thấp mức sống, trong khi nỗi lo về Covid-19 vẫn còn".
Theo ông Dương Quốc Chính, một chuyên gia chính trị tại Hà Nội, thành phố có thể dỡ bỏ một phần các hạn chế ở một số quận có ít ca nhiễm hơn. Việc dỡ bỏ lệnh giới nghiêm được áp dụng kể từ ngày 26 tháng 7 cũng là một khả năng. Nhưng cũng có thể sẽ kéo dài phong tỏa thêm ít nhất hai tuần sau ngày 15 tháng 9. Ông nói : "Cần có thời gian để [Thành phố Hồ Chí Minh] tiêm liều vắc xin đầu tiên cho hơn 80% người dân trên 18 tuổi".
Ông Chính cảnh báo, phong tỏa kéo dài có thể tạo ra bất ổn xã hội. "Tầng lớp lao động Thành phố Hồ Chí Minh không có thói quen tiết kiệm. Nhiều người trong số họ chỉ có thể sống một tuần mà không có thu nhập hàng ngày,"ông nói. Người nghèo có thể xuống đường.
Trong khi đó, các doanh nghiệp như các nhà sản xuất nước ngoài đang hoạt động tại Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận bị gián đoạn hoạt động. Đại diện các công ty Hoa Kỳ bày tỏ quan ngại về khả năng duy trì hoạt động của họ tại Việt Nam trong cuộc gặp với Thủ tướng Phạm Minh Chính vào ngày 4/9 tại Hà Nội.
Thông tin chi tiết của cuộc đàm phán không được tiết lộ nhưng những người tham gia, như hãng sản xuất chip Intel và công ty đồ thể thao Nike, đã nêu ra một số vấn đề liên quan đến chuỗi cung ứng, vận chuyển và an sinh cho người lao động, theo truyền thông nhà nước. Dahiya Tripti, một quan chức của Intel Products Việt Nam, từ chối bình luận về cuộc đàm phán.
Tại buổi làm việc, Thủ tướng Chính phủ đã tìm cách trấn an doanh nghiệp, ông nói : "Đây chỉ là những khó khăn tạm thời. Tôi đã giao các cơ quan liên quan nghiên cứu, xây dựng phương án khôi phục kinh tế để thích ứng an toàn với đại dịch trên tinh thần sản xuất phải an toàn thì mới sản xuất an toàn".
Nhóm doanh nghiệp Châu Âu cũng bày tỏ lo lắng tương tự. Hôm thứ Năm, các thành viên của EuroCham Việt Nam đã tổ chức một cuộc họp với chính phủ, với Chủ tịch Alain Cany nói "Các thành viên của chúng tôi bị ảnh hưởng rất lớn vì các biện pháp [Covid-19] hiện tại… đặc biệt là việc phong tỏa ở miền Nam".
Ông Cany chỉ ra động thái của một số công ty ở Việt Nam dịch cuyển sang nước khác, và cho biết : "Dữ liệu của chúng tôi cho thấy cho đến nay gần 1/5 số công ty đã chuyển một số hoạt động sản xuất ra nước ngoài, 16% công ty nữa sẽ cân nhắc làm như vậy trong tương lai".
"Nhiều lao động nhập cư từ các tỉnh đã bỏ việc, rời Thành phố Hồ Chí Minh", ông Dương Quốc Chính nói.
Thành phố Hồ Chí Minh chiếm 22,3% tổng sản phẩm quốc nội của Việt Nam và đóng góp 27,5% vào ngân sách nhà nước từ năm 2011 đến năm 2019.
"Hậu quả về kinh tế và xã hội [của Covid-19] sẽ gây ra bất ổn và làm mất uy tín về mặt chính trị của chính phủ", ông Dương Quốc Chính cảnh báo.
Nguồn : Nikkei Asia Review
**********************
‘Thẻ xanh, thẻ vàng’ : Biến tướng giấy đi đường mùa dịch Covid-19 ?
Diễm Thi, RFA, 14/09/2021
Thành phố Hồ Chí Minh dự kiến áp dụng ‘thẻ xanh, thẻ vàng Covid-19’ để kiểm soát mức độ tham gia xã hội của người dân, doanh nghiệp khi mở cửa, phục hồi kinh tế. Thẻ xanh sẽ cấp cho người đã khỏi bệnh hoặc người tiêm đủ hai mũi vắc xin dưới 65 tuổi, không bệnh nền ; người đã khỏi bệnh hoặc người đã tiêm đủ hai mũi vắc xin trên 65 tuổi, có bệnh nền, suy giảm miễn dịch. Thẻ vàng được cấp cho người tiêm một mũi vắc xin.
Một con đường ở Hà Nội bị chặn để ngăn ngừa sự lây lan Covid-19 - AFP
Các chuyên gia cho rằng việc đưa tiêu chí tiêm vắc xin vào cấp thẻ xanh, thẻ vàng là hợp lý, nhưng việc đưa tiêu chí bệnh nền và suy giảm miễn dịch là bất hợp lý, bởi làm sao thực hiện một quy định chung đối với việc xác định bệnh nền hay suy giảm miễn dịch ?
Lên tiếng với truyền thông Nhà nước, Phó Giáo sư Tiến sĩ Đỗ Văn Dũng, Trưởng Khoa y tế công cộng, Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh, nhận định :
"Không nên đưa tiêu chí bệnh nền hoặc suy giảm miễn dịch vào việc phân loại nhóm nguy cơ để hạn chế hoạt động của người dân khi bình thường mới. Thứ nhất, rất khó để có thể thực hiện một quy định cứng đối với việc xác định bệnh nền hay suy giảm miễn dịch. Thứ hai, bệnh nền hay suy giảm miễn dịch là chuyện cá nhân của mỗi người, Nhà nước không nên quản họ khi họ đã tự nguyện tiêm chủng đầy đủ. Đừng vì họ có bệnh này bệnh kia, dù đã tiêm chủng mà ra quy định làm ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của họ".
Với người dân, họ không tin chính quyền có thể làm được điều mà chính quyền vừa công bố, bởi Nhà nước đã mất kiểm soát từ nhiều phía. Bà Th., Phó giám đốc và là Trưởng ban phòng chống dịch bệnh của một công ty dệt may ở Thành phố Hồ Chí Minh, nêu kinh nghiệm thực tế từ cá nhân bà để chứng minh Nhà nước thực sự không kiểm soát được ai đã tiêm một mũi vắc xin, ai đã tiêm đủ hai mũi vắc xin.
Bà kể, bà được tiêm mũi một theo chỉ tiêu của công ty. Sau đó doanh nghiệp tạm đóng cửa theo Chỉ thị 16 nên bà tiêm mũi hai theo tiêu chuẩn của phường. Khi kiểm tra dữ liệu trên hệ thống, nơi tiêm ngừa mũi hai hoàn toàn không có thông tin bà đã tiêm mũi một. Bà kết luận :
"Người thì ở đây mà chích ở phương trời nào đó thì làm sao mà khai báo được ? Mà đã không khai báo được thì làm sao có thẻ ? vậy thì họ sẽ bắt người ta xếp hàng khai báo để ra cấp một tờ giấy khác chứ còn làm sao nữa, bởi không làm được bằng computer thì sẽ làm bằng tay. Thì lúc đó lại lây lan dịch bệnh.
Hàng bao nhiêu triệu người được chích mũi một, mũi hai thì sẽ có từng đó con người có thẻ xanh, thẻ vàng. Vài ba bữa nữa phải có chốt để kiểm soát. Rồi chừng đó con người dồn ứ tại hàng trăm chốt chặn. Như thế lại bùng lên một đợt dịch nữa.
Vấn đề người dân được ra ngoài không phụ thuộc vào việc được chích bao nhiêu mũi vắc-xin. Cấp cho người ta cái thẻ xanh, thẻ vàng không thay đổi được cục diện chống dịch, mà thay đổi là có kiểm soát được dịch bệnh hay không. Cho thẻ xanh nhưng không kiểm soát được dịch thì lại thu lại thẻ à ? Từ hôm dịch bùng phát đến nay cứ như thế".
Bà Th. tin rằng, chỉ vài hôm nữa, chính quyền lại ‘đẻ’ ra thêm một cái thẻ khác rồi mọi người lại chen lấn khai báo để được cấp.
Chốt chặn khắp nơi. Ảnh minh họa. AFP
Theo kế hoạch của Thành phố Hồ Chí Minh, việc phục hồi kinh tế sẽ trải qua ba giai đoạn. Giai đoạnmột dự kiến từ 16 tháng 9 đến 31 tháng 10, người có thẻ xanh được tham gia tất cả hoạt động xã hội, trừ các hoạt động giải trí. Người có thẻ vàng được tham gia một số lĩnh vực.
Giai đoạn hai dự kiến từ 31 tháng 10 năm nay đến 15 tháng 1 năm 2022, thành phố sẽ mở rộng các hoạt động được phép cho người có thẻ xanh gồm : trung tâm thương mại ; trung tâm tập luyện thể dục thể thao ; hoạt động vui chơi giải trí ngoài trời ; dịch vụ ăn uống có quy mô nhỏ và đảm bảo giãn cách theo quy định.
Đến giai đoạn ba dự kiến sau 15 tháng 1 năm 2022, thành phố mở cửa tất cả hoạt động nền kinh tế. Đối với hoạt động karaoke, vũ trường, quán bar, massage, bắt buộc người tham gia phải có thẻ xanh.
Nhà báo Nguyễn Ngọc Già cho rằng, cách đưa vào sử dụng thẻ xanh, thẻ vàng này hoàn toàn bất khả thi. Giả sử 99% người dân được cấp thẻ xanh thì điều quan trọng nhất là họ cũng không thể nào vượt qua khỏi hàng trăm chốt chặn để kiểm tra. Như vậy thì nó sẽ gây ách tắc và ngưng trệ mọi hoạt động của một thành phố. Hơn nữa, thẻ vàng cấp cho người chỉ mới được tiêm một mũi vắc xin. Đây là trách nhiệm của Nhà nước. Không lo đủ thuốc cho dân cần, lại đẩy trách nhiệm và cái khó cho dân là một Nhà nước vô trách nhiệm. Ông phân tích :
"Cái cách đưa ra ý tưởng thẻ xanh thẻ vàng chỉ là biến tướng của một loại giấy đi đường mới chứ không giải quyết được gì hết. Bởi cái quan trọng nhất là lưu thông, giao thông trong thành phố. Cái tư tưởng của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam nó gây ra cái nghịch lý như vậy do cái tư duy của họ. Họ nhìn Thành phố Hồ Chí Minh như một cái xác chết chứ không phải một cơ thể sống theo đúng như hai yếu tố quan trọng nhất của triết học, đó là mọi sự vật và hiện tượng đều phải vận động và tác động lẫn nhau và tác động đa chiều.
Từ cái đó, cộng thêm cái tư duy chia nát thành phố, chốt chặn khắp nơi cho thấy tầm nhìn của họ không qua nổi cánh cổng một làng quê nông nghiệp cách đây cả trăm năm. Áp dụng vào cho ngày hôm nay là hoàn toàn bất khả thi và tôi nhìn thấy sự thất bại.
Nói một câu ngắn gọn thì cách chống dịch nói chung và việc đề ra thẻ xanh thẻ vàng nói riêng là một cách làm việc phản khoa học, chống lại quy luật phát triển của xã hội loài người".
Tuy Thành phố Hồ Chí Minh đang nghiên cứu cơ chế cấp thẻ xanh, thẻ vàng Covid cho người dân nhưng tại buổi tọa đàm Kiểm soát dịch bệnh tối 12 tháng 9, Phó chủ tịch ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Dương Anh Đức thừa nhận, sau 15 tháng 9 thành phố chưa thể nới lỏng giãn cách xã hội theo thẻ xanh, thẻ vàng.
Trong khi Thành phố Hồ Chí Minh chưa thể kiểm soát dịch bệnh thì tại Hà Nội, ủy ban Nhân dân thành phố này hôm 6 tháng 9 ban hành Công điện số 20, đặt mục tiêu trước ngày 15 tháng 9 phải kiểm soát tình hình dịch bệnh Covid-19 nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Hà Nội bị cho là đang lập lại sai lầm của Thành phố Hồ Chí Minh khi cho toàn dân thần tốc xét nghiệm cũng như chích ngừa. Theo thông tin từ trang web của Chính phủ, để hoàn thành mục tiêu lấy mẫu xét nghiệm và tiêm chủng vắc xin ngừa Covid-19 cho người dân, các quận, huyện trên địa bàn Thành phố Hà Nội với sự hỗ trợ của 11 tỉnh thành, đơn vị, đã thần tốc vào cuộc. Tính đến trưa ngày 11 tháng 9, nhiều địa phương hoàn thành hơn 50% mục tiêu, cá biệt có quận đã lấy xong 100% số mẫu theo kế hoạch đưa ra.
Lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh thật là dân chi phụ mẫu
Nguyễn Minh Quân, RFA, 14/09/2021
Ngày 15/9, theo chủ trương trước kia, lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh cho biết là thời điểm có thể mở cửa lại một số hoạt động kinh tế của TP, song song với việc áp dụng thẻ đi đường vắc-xin tương ứng (thẻ xanh, thẻ vàng). Hiện Thành phố Hồ Chí Minh đã gần bao phủ mũi một vắc-xin, mũi hai cũng đã chiếm… nên người dân và doanh nghiệp cực kỳ mong chờ nới lỏng để có thể ra đường đi làm kiếm tiền.
Hình chế của người dân. Facebook
Bất quá : Cái ảnh chế hài hước ở trên thay thế đủ cho thông báo của lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh vào hai ngày cuối cùng trước khi hết hạn đợt giới nghiêm lần thứ hai này (lần một từ 23/8 đến… ; lần 2…). Nhiều người cười òa, nhiều người thì bật… chửi !
Nhớ lại "tin đồn" mới vừa khoảng 10 ngày trước, người dân không thể không cảm thán : "Đồn thật đúng… như lời".
Tin đồn đó nói gì ?
Nó nói Thành phố Hồ Chí Minh sẽ mở cửa dần dần nhưng không thể trước cuối tháng 9, tuy vậy sẽ chỉ thông báo tiếp tục kéo dài phong tỏa từng hai tuần một để người dân đỡ sốc. Trước mắt đến 15/9 sẽ thí điểm mở cửa lại một số hoạt động.
Vào ngày 05/9, Phó Ban chỉ đạo phòng chống dịch Thành phố Hồ Chí Minh, ông Phạm Đức Hải lên báo phủ nhận "tin đồn" này. Chỉ sau đó vài ngày, Chủ tịch Thành phố Hồ Chí Minh trả lời chính thức trong buổi live stream với người dân Thành phố chủ trương đó là có thật.
Chủ tịch Thành phố Hồ Chí Minh trả lời chính thức trong buổi livestream với người dân Thành phố sẽ mở cửa dần dần nhưng không thể trước cuối tháng 9 là có thật.
Vài ngày nay, tất cả các phường xã ráo riết tiêm vắc-xin cho người dân. Mọi giấy tờ trước đó đều được bỏ qua hết, không cần tin nhắn, chứng minh nhân dân, hộ khẩu thường trú hay tạm trú, có bảo hiểm y tế hay không… người dân được thông báo đến các địa điểm công cộng để tiêm nhanh chóng.
Động thái này càng khiến nhiều người tin vào lời hứa sau 15/9 sẽ được cấp thẻ xanh và thẻ vàng vắc-xin để tái kiến thiết.
Rồi đến hôm qua thì cũng chính Chủ tịch Thành phố Hồ Chí Minh nói "sẽ giãn cách thêm một thời gian".
Lời nói theo đúng nguyên tắc sandwich (tin dễ nghe trước, tin khó nghe ở giữa, cuối cùng lại là một lớp khen ngợi động viên), rất uyển chuyển :
Theo dõi các động thái của lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh, tôi cảm tưởng các vị xem người dân là con trẻ, lúc nào cũng lo sợ chúng không đủ hiểu biết nên người làm lãnh đạo thành phố phải chu toàn lo giùm, nghĩ giùm, tính toán giùm. Hơn thế còn phải chặn trước chặn sau để người dân khỏi bị tổn thương tinh thần. Kiểu như thông báo cái rẹt sẽ tiếp tục phong tỏa một tháng nữa thì trái tim non nớt của đồng bào sẽ vỡ tan rỉ máu mất, nên phải dùng chính sách nước ấm nấu ếch để huấn luyện từ từ. Con ếch bị luộc trong nồi nước ấm dần lên nên không nhận thấy nguy hiểm, cứ an tâm ngồi yên cho đến lúc bị luộc chín.
Tấm lòng đó không phải của người làm cha mẹ, một mực phụ mẫu chi dân thì là cái gì ?
Nói trên báo điện tử Zing ngày 14/9/2021, Phó Giáo sư Tiến sĩ Đỗ Văn Dũng ở Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng : "trước khi mở cửa nền kinh tế, Thành phố Hồ Chí Minh cần có hệ thống giám sát dịch - 'chiếc đồng hồ đo tốc độ' để biết lộ trình mở cửa của Thành phố có phù hợp hay không".
Ông Dũng đưa ra một số ví dụ về các chỉ dấu đánh giá tình hình. Ví dụ yếu tố quan trọng để kiểm soát ca tử vong là thành phố phải đảm bảo hệ thống điều trị, khám chữa bệnh đáp ứng được sự gia tăng số ca bệnh ở một mức độ nào đó.
Ông Dũng cho biết theo kinh nghiệm quốc tế, tỷ lệ giường trống an toàn là 25%, hay nói cách khác, số bệnh nhân nhập viện chỉ chiếm 75% năng lực của ngành y tế. Khoảng trống còn lại là để xử trí các tình huống bất ngờ phát sinh.
Và con số 75% là năng lực của ngành y tế Thành phố Hồ Chí Minh trong điều kiện làm việc bình thường, không phải vay mượn nhân lực từ nơi khác, cũng không phải vắt kiệt sức như hiện tại.
Số giờ làm việc của nhân viên y tế trực tiếp điều trị trong các bệnh viện điều trị Covid-19 tại Thành phố Hồ Chí Minh vào khoảng 6-8 tiếng/ngày. Đây là điều kiện làm việc rất lao lực vì họ phải trùm bộ đồ bảo hộ kín bưng trong thời tiết nóng ẩm, không thể cởi ra để ăn uống hay thực hiện các nhu cầu vệ sinh. Vì mỗi lần cởi là một lần khử khuẩn nghiêm ngặt từ đầu đến chân, vứt bỏ bộ đồ bảo hộ giá vài trăm ngàn đồng. Đồ bảo hộ thì không hề dư dật, nhiều bệnh viện vẫn liên tục xin quyên góp từ cộng đồng, doanh nghiệp và người dân mới có.
Cả nước Việt Nam hiện tại cứ mỗi ngày mắc thêm 11.000-12.000 ca bệnh, chết khoảng 200-300 người, tỷ lệ tử vong cao hơn trung bình của thế giới. Cho nên dù ngành y tế không cho biết cụ thể khả năng chịu đựng của họ nhưng chắc chắn đây là con số quá tải nhiều lần.
Đó là chưa kể Bộ Y tế đã nắm được con số thật hay chưa. Số bệnh nhân chết ở ngoài bệnh viện có được đưa vào hệ thống thống kê hay không, không ai biết.
Đã quá tải nhiều lần thì chắc chắn vẫn còn phải phong tỏa nghiêm ngặt để tránh lây lan ra nhiều nữa, khiến hệ thống y tế hoàn toàn sụp đổ.
Đồng hồ tốc độ như ông Dũng nói, về y tế, tức phải xác định rõ với nhân lực, trang thiết bị, thuốc men… của các địa phương trọng điểm như Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ… thì tối đa chịu đựng được bao nhiêu ca nhiễm, ca tử vong. Con số nào thì nằm trong khả năng kiểm soát ? Con số nào là báo hiệu nguy cơ, từng mức độ nguy cơ đến đâu ? Bao nhiêu thì mở hết, mở một phần, hạn chế toàn bộ, phong tỏa, giới nghiêm… tương ứng với xanh, vàng, da cam, đỏ ?
Đấy là nói rất đại khái về y tế.
Về sức chống chịu của nền kinh tế cũng phải minh bạch từng ngành, từng địa phương tương tự như vậy.
Trên cơ sở đó, Nhà nước lập ra một bản đồ cảnh báo dịch đi kèm với các biện pháp xã hội tương ứng công khai để doanh nghiệp và người dân ai cũng theo dõi, tự tính toán và dự phòng cho cuộc sống và công việc của mình.
Đáng tiếc là chẳng ai cho người dân và doanh nghiệp biết các con số ấy cả.
Dường như trong dịch bệnh này, dù đã kéo dài hai năm trường thì vẫn chỉ có các nhân viên y tế trực tiếp điều trị bệnh là nhân tố hoạt động mạnh mẽ nhất. Còn các bộ ngành chủ quản mọi mặt khác, họ không liên quan thì phải. Một Bộ giao thông vận tải cho đến tháng thứ tư cách ly xã hội vẫn dồn hết tâm lực bận bịu với QR code, luồng xanh, chốt giao thông mỗi tỉnh một phách rối bời. Một Bộ nông nghiệp, một Bộ Công thương loay hoay làm được việc tăng sức mua mãnh liệt cho các "chợ đen" trên mạng, nâng giá thực phẩm ở thị trường tiêu thụ trọng điểm lên hai ba lần, song song đó đạp giá nông sản ở vùng sản xuất xuống sát đất. Một Bộ thông tin truyền thông chỉ cung cấp những thông tin tươi vui lên báo chí, khiến người dân muốn biết tình hình thực tế thì loạn xà ngậu không biết tìm ở đâu, tin vào nguồn nào. Một Bộ quan trọng nhất là Bộ Y tế và đặc biệt là Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh thì như mới hút cần xong, tham mưu những chủ trương chống dịch cách xa thực tế đến không biết đường nào nói, thậm chí nói dối không chớp mắt "chưa thấy tình hình thiếu ô-xy ở người bệnh trong cộng đồng". Một dàn lãnh đạo quận huyện, thành phố (trừ một số rất nhỏ) thậm chí không hề biết địa phương mình có đặc điểm dân cư, kinh tế, xã hội ra sao để đề ra các quyết sách chống dịch trên địa bàn, cho mãi đến khi cấp trên dẫn theo đi "thị sát" mới ồ lên hóa ra dịch lây ở trong ngõ hẻm, hóa ra nên phát túi thuốc cho người dân tự điều trị ở nhà khi triệu chứng nh ẹ. Một bộ máy công quyền cồng kềnh với đủ các ngành, các lĩnh vực từ trung ương đến tận phường xã, nhưng mọi vấn đề nhỏ bằng cái tăm đều được đẩy ngược lên trực tiếp các phó thủ tướng và thủ tướng.
Ấy vậy mà họ vẫn lên báo chí chỉ đạo hết sách lược nọ đến sách lược kia.
Không ai trong số những vị ấy dốt cả. Họ đều học cao, được đào tạo ở tây, nhiều năm phấn đấu lăn lộn trong chính trường mới có thể được bổ nhiệm trọng trách. Sở dĩ họ quan liêu, (giả vờ) mờ mịt như vậy là vì để yên thân. Đi họp đầy đủ, cấp trên nói gì cứ dạ đều, nhưng bước ra khỏi cuộc họp cái gì cũng không làm. Không làm thì không có lỗi. Khiển trách vài câu chứ cách chức được sao ? Còn người nào hăng hái, có trách nhiệm, có lương tâm công chức nhảy vào cái chảo lửa chống dịch lăn lộn thì chắc chắn làm mười việc cũng có một việc không đúng, lúc ấy chẳng phải để hở cái ghế thơm ngon cho một đám thèm thuồng đang đợi đã lâu sao ?
Đáng tiếc, lớp con cái lại không thấu được nỗi khổ tâm đó. Chúng một mực không tin.
Mở cửa quán ăn cho bán mang đi ư ?
Không làm !
Tiền đâu xét nghiệm cứ ba ngày một lần, nhà cửa đâu để nuôi nhân công "ba tại chỗ", shipper đâu để mà giao hàng đi ? Thực phẩm thì vừa khó mua vừa đắt. Đã thế chỉ cho giao đi nội trong quận. Một món ăn đội lên chi phí gấp ba lần, tô bún bò đến tay người ăn giá trung bình 100.000 đ, một ngày liệu bán được mấy tô mà cả gan mở ra bán ?
Nên thôi các quan bác nói gì thì nói, chúng em nằm yên nín thở tiếp cho qua con trăng này. Xin gạo nhà nước ăn với nước mắm cũng được, chờ bao giờ các bác thực sự ban lệnh cho ra đường kiếm ăn thì chúng em nhúc nhích. Chứ đánh bạc với các bác, đảm bảo cả nhà chúng em thua.
Lại nói về tấm lòng phụ mẫu.
Nhìn vào con số nhiễm vẫn đến bốn năm ngàn ca, số tử vong tuy giảm nhưng vẫn còn giữa 200-250 ca mỗi ngày, người nào theo dõi tư duy chống dịch của Việt Nam đều hiểu chắc chưa thể 15/9 này mở cửa thẻ xanh thẻ vàng gì ráo trọi. Là vì hai con số nói trên vẫn ở mức quần cho nhân viên y tế chạy ná thở. Lực lượng y tế cả nước vào chống dịch giúp Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Tiềng Giang… đã nhiều tháng, giờ họ phải rút dần về để giữ sức. Lại đưa lực lượng các vùng khác vào để thay thế.
Bà Lê Thị Hờ Rin, Bí thư quận 6, vừa chia sẻ về quyết định "xé rào" của Quận 6 bằng một câu cực đỉnh : Không thể thấy có cách cứu dân mà không làm.
Và đó là quyết định chủ động phát thuốc kháng viêm, kháng đông cho F0 điều trị tại nhà vào thời điểm Sài Gòn có số ca tử vong rất cao và chưa hề có hướng dẫn dùng thuốc cho F0 điều trị tại nhà.
Đúng quy trình thì nữ bí thơ sẽ chờ quy trình. Để nếu có gì sai còn có cái "đúng quy trình" mà vin.
RFA, 13/09/2021
Ngọc Hà thấy vô cùng bực mình. Ai đó đã dựng thêm một lớp rào chắn khác bên ngoài ngôi nhà của chị ở trung tâm Hà Nội, kèm với cái rào chắn đã được chính quyền địa phương dựng lên vài ngày trước. Lớp rào kép chặn lối chính vào tổ dân phố nơi chị và hàng chục hộ dân đang sinh sống.
- AFP
Không ai dám vượt rào chắn vì mọi người đều biết chỉ cách đó vài trăm mét có một chốt kiểm tra - nơi các tình nguyện viên trẻ kiên quyết yêu cầu những người đi đường dừng lại và trình giấy phép. Những người không có giấy phép đi đường sẽ bị phạt tới hai triệu đồng (chừng 90 đô la).
Và vì thế, lớp rào chắn tự làm bằng ván gỗ cũ và các tấm nhựa sóng và bìa cứng nằm nguyên dưới cơn mưa rào tháng 9 như một sự nhắc nhở không vui vẻ về cuộc khủng hoảng Covid-19 đang diễn ra ở Hà Nội.
Chị Hà thật may mắn khi được làm việc tại nhà. Trong cùng khu của chị, có hàng trăm người khác phải làm việc ở bên ngoài. Rất khó khăn họ mới có được giấy phép đi đường và rồi mỗi sáng, họ phải len lỏi qua chốt kiểm soát, chen chân trước khu vực rào chắn và chấp nhận rủi ro có thể bị lây nhiễm chéo.
Hà Nội đang được phân chia thành các "vùng" với nhiều màu sắc khác nhau. Trong "vùng xanh" – vùng không phát hiện ca Covid nào - người dân vẫn có thể đi lại tự do nhưng ở "vùng đỏ" - nơi có các trường hợp Covid như nơi Hà sống, mọi thứ đều bị hạn chế. Cô chỉ có thể ra ngoài mua đồ ăn ba lần một tuần và tổ dân phố nơi cô ở, giờ đây, ở một góc độ nào đó, đã trở thành một trại tù.
Bà mẹ hai con ngoài 50 tuổi, hiền lành, đã gần như phải hét vào mặt lãnh đạo tổ dân phố : "Nếu có cháy thì sao ? Hay cấp cứu ? Các vị có nghĩ rằng người ốm sẽ ra khỏi cáng và nhảy qua được cái rào chắn này ?".
Chị Hà không phải là người duy nhất tức giận và thất vọng về cách chính phủ chống dịch.
Hà Nội đang gánh chịu đợt bùng phát Covid mới – đợt dịch thứ 4 - với hàng chục ca bệnh mỗi ngày. Kể từ cuối tháng Tư năm nay, 3.700 người dân thủ đô đã có kết quả xét nghiệm dương tính với vi-rút SARS-CoV-2. Số ca nhiễm bệnh của cả nước hiện đã vượt quá con số 600.000, trong đó một nửa là từ Thành phố Hồ Chí Minh - tâm dịch lớn nhất. Số người chết đã vượt quá 15.000 người so với 35 ca cách đây khoảng một năm.
Việc tiêm chủng đang diễn ra với tốc độ rất chậm, chủ yếu là do thiếu vắc-xin. Tính đến ngày 9/9/2021, chỉ có 3,9% dân số đã tiêm đủ cả hai mũi.
Làn sóng Covid thứ tư này đặc biệt đáng lo ngại vì sự xuất hiện của biến thể Delta rất dễ lây lan. Nó cũng cho thấy sự thiếu chuẩn bị của toàn bộ hệ thống trong việc đối phó với một trong những thảm họa y tế cộng đồng cấp bách và nghiêm trọng nhất trong thời hiện đại.
"Chúng ta đã trở nên quá tự mãn sau những đợt bùng phát ban đầu [năm ngoái]" - một bác sĩ kỳ cựu ở Thành phố Hồ Chí Minh nói. Vị bác sĩ này muốn giấu tên này để tránh gặp rắc rối với chính quyền.
"Chính phủ nghĩ rằng việc ngăn chặn vi-rút lần này cũng dễ dàng. Chúng ta đã có cả năm nhưng không có sự chuẩn bị nào về nguồn lực y tế và mua sắm vắc-xin" – ông nói tiếp và thêm rằng :
"Nó thực sự cho thấy Chính phủ không có hiểu biết đầy đủ về con vi-rút này cũng như về đại dịch".
Kết cục là chính quyền các cấp ban hành các chính sách chậm trễ, không đầy đủ và thường rối rắm. Không thể không từng nghe thấy rằng một chỉ thị được ban hành vào cuối buổi chiều và được rút lại ngay trong đêm hôm đó. Hoặc những mệnh lệnh không được cân nhắc thấu đáo khiến người dân bối rối.
Phân bua về một số sai lầm chính sách gần đây, Chủ tịch Hà Nội Chu Ngọc Anh cho rằng tình hình hiện nay là "mới và chưa từng có tiền lệ" nhưng "chúng tôi sẽ tiếp tục lắng nghe và điều chỉnh".
Ngày 29/8/2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính dường như đã phát tín hiệu rằng Việt Nam sẵn sàng chuyển hướng từ chiến lược "Không Covid" đã lạc hậu sang một cách tiếp cận mới phù hợp hơn. Phát biểu tại một cuộc họp của Chính phủ, ông nói : "Chúng ta xác định cuộc chiến này còn lâu dài, phải sống chung với dịch bệnh, không thể khống chế tuyệt đối".
Mười ngày sau, vẫn chưa có gì thể hiện chính sách "sống chung với Covid" của Thủ tướng Chính.
Các nhà chức trách trên khắp cả nước vẫn đang theo dõi và truy vết các ca dương tính cũng như tiến hành xét nghiệm trên quy mô lớn tại các điểm nóng nhằm "tách các F0 ra khỏi cộng đồng" - đây là ngôn từ chính thức được sử dụng để chỉ các trường hợp nhiễm Covid đã được xác nhận.
Truy vết và cách ly - các biện pháp đã đóng góp vào thành công ngăn chặn dịch bênh Covid của Việt Nam vào năm ngoái - vẫn còn đang được sử dụng phổ biến. Tuy nhiên, giờ đây, chúng đã dẫn đến sự bất bình rộng rãi của công chúng.
Một video clip được gửi đến Đài Á Châu Tự do (RFA) ghi lại hình ảnh một người đàn ông ở thành phố Cà Mau bị cảnh sát mặc sắc phục khống chế và đưa lên ô tô để chở đi vì ông này không chịu làm xét nghiệm. Người đàn ông dẫy đạp và la hét : "Gãy tay tôi rồi ! Bộ tôi cướp của giết người hay gì ?".
Trong một đoạn clip khác, người dân ở một khu vực ở quận Bình Tân, Thành phố Hồ Chí Minh phản đối nỗ lực phong tỏa toàn bộ một xóm trọ vì được cho là có khoảng 100 trường hợp F0 ở đây. Một người đàn ông được nghe nói : "Mấy anh tính giết hết người dân trong này ?".
Trong một trường hợp nghiêm trọng hơn, chính quyền địa phương ở huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa, đã quyết định khóa cổng nhà của gần 400 người dân thuộc một làng trong 14 ngày chỉ vì một số người trong số họ đã tiếp xúc với những người đã tiếp xúc với các ca nghi nhiễm.
Theo vị bác sĩ kỳ cựu tại Thành phố Hồ Chí Minh, các biện pháp kiềm chế dịch bệnh nghiêm ngặt và "không tôn trọng người dân" hiện vẫn đang được áp dụng.
Đại biểu quốc hội Lưu Bình Nhưỡng, được báo chí trong nước dẫn lời cảnh báo rằng các nhà chức trách "đừng lấy lý do vì phòng chống dịch mà đi ngược lại với quan điểm của nhà nước pháp quyền, các quy định của Hiến pháp, Pháp luật. Điều này người dân không đồng thuận".
Ông Nhưỡng kêu gọi các cơ quan chức năng cải thiện phúc lợi của người dân và hỗ trợ những người đang gặp khó khăn vì Covid. Phong tỏa được thực hiện ở nhiều nơi, người dân đã và đang kêu ca về việc thiếu thức ăn và các dịch vụ thiết yếu. Nhưng việc phân phối nguồn cung cấp có vấn đề, thậm chí ở ngay cả trong các cơ sở cách ly và điều trị Covid do Chính phủ điều hành.
Những hình ảnh gây sốc từ một bệnh viện dã chiến ở tỉnh Bình Dương, gần Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy hàng trăm bệnh nhân Covid đang tranh giành thức ăn. Là một trong những bệnh viện dã chiến lớn nhất Việt Nam, được xây dựng sau khi các bệnh viện chính thống trở nên quá tải, nhưng bệnh viện này cũng bị thiếu điện và nước.
Hai tuần trước, lần đầu tiên kể từ khi chiến tranh Việt Nam kết thúc, quân đội đã được đưa đến Thành phố Hồ Chí Minh để hỗ trợ những người dân đang bị cách ly của thành phố. Bộ đội và công an đã và đang giúp tiếp tế các nhu yếu phẩm nhưng đồng thời cũng thực thi quy định yêu cầu người dân không ra khỏi nhà.
Việc triển khai quân đội được các nhà phân tích đánh giá là một bước đi thông minh vì lực lượng được sự tín nhiệm và tin cậy cao ở Việt Nam - một quốc gia đã trải qua nhiều cuộc chiến tranh. Tuy nhiên, sự hiện diện của quân phục và súng ống trên đường phố cũng có thể cho thấy chính quyền nhận thức được sự bất bình ngày càng tăng của công chúng.
Tình trạng bất ổn là cực kỳ hiếm xảy ra ở Việt Nam và Chính phủ nước này rất tự hào về việc duy trì ổn định chính trị và xã hội. Nhưng khi số trường hợp mắc Covid có dấu hiệu giảm, mặc dù còn chậm, cần gia tăng quan tâm tới những người đã mất kế sinh nhai vì đại dịch.
"Đêm khuya, ở những góc phố vắng, gầm cầu, cổng bệnh viện, đã lại xuất hiện những người vô gia cư với dáng vẻ còn tiều tụy hơn trước nhiều lần. Xẩm tối và tảng sáng, Hà Nội đã xuất hiện những chợ cóc kiểu du kích, nơi mà người bán và người mua vừa vội vã vừa lén lút tranh thủ đến từng phút" - một người viết chuyên mục nổi tiếng, Phạm Gia Hiền, viết trên tờ báo mạng nổi tiếng VnExpress về những gì anh thấy những ngày này ở Hà Nội.
"Đó là những giọt nước đầu tiên sánh ra khỏi miệng ly [chứa đựng sự kiên nhẫn của người dân]".
Nguồn : RFA, 13/09/2021
Sau ba tháng vật lộn với nhiều biện pháp vô thiên vô pháp nhằm đối phó với đợt bùng phát mới của Covid, một xu hướng sai lầm nguy hiểm khác đã trỗi dậy, đó là xu hướng "công an trị" trong chống dịch ở Việt Nam.
Một chốt kiểm soát dịch tại thị trấn Đạo Đức.
Trước khi Sài Gòn gần như "thất thủ" và Hà Nội phải giành quyền chỉ đạo chống Covid-19 cho Trung ương, xã hội dân sự ở Việt Nam đã cảnh báo nguy cơ "chính trị hoá" công tác chống dịch. Lúc bấy giờ các trang mạng xã hội đã sớm phân tích những sai lầm của chủ trương "chính trị là thống soái" [1]. Sau ba tháng vật lộn, một xu hướng sai lầm nguy hiểm khác đang trỗi dậy, đó là xu hướng "công an trị" trong chống dịch.
Bức xúc trước các biện pháp quân phiệt là tâm tư bị dồn nén thành chất vấn mang tính phản kháng công khai của nhiều người dân và hộ dân, kể cả một số cơ quan trung ương trên địa bàn nội đô, khi nghe phổ biến "Chỉ thị 20" của UBND thành phố. Truyền thông trong nước cho hay, Chỉ thị nói trên giao cho Công an cấp giấy đi đường, được đưa ra do Chủ tịch UBND Thành phố Chu Ngọc Anh ký ngày 3/9. UBND Thành phố Hà Nội phân ba vùng phòng, chống dịch Covid-19 thực hiện từ 6h ngày 6/9 đến 6h ngày 21/9/2021.
Chỉ thị 20 biến người dân thủ đô thành phạm nhân, biến các thành phố, các quận huyện thành những trại tù lộ thiên khổng lồ.
Thủ đô như một nhà tù lộ thiên
Chỉ thị thượng dẫn trước sau cũng sẽ biến người dân thủ đô thành phạm nhân, biến các thành phố, các quận huyện thành những trại tù lộ thiên khổng lồ. Còn lực lượng công an ở các cấp trở thành những cai ngục, hay nói theo nghiệp vụ công an là các quản giáo chuyên nghiệp [2]. Một trong các quan ngại lớn nhất hiện nay được truyền thông trong nước nêu là việc người dân và doanh nghiệp bồn chồn và lo lắng về những hướng dẫn tù mù đối với việc xin và cấp giấy đi đường tại ba vùng đỏ-vàng-xanh khác nhau.
Xu hướng này gây bức xúc ngay cả đối với các lực lượng vũ trang. Ban đầu, giãn cách theo Chỉ thị 20 còn lên kế hoạch để công an cấp giấy phép đi làm cho cả các lực lượng vũ trang và các tác nghiệp ngoại giao trên địa bàn thành phố. May thay, biện pháp thái quá này đã gặp ngay những phản ứng gay gắt, nên ngay sau đó đã được ngấm ngầm bãi bỏ.
Một biểu hiện nổi bật khác của các biện pháp giãn cách thô bạo là chỉ trong một đêm 1/9, chính quyền thành phố Hà Nội tổ chức đưa hơn 1.300 người dân sống ở ngõ 328 và 330 đường Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân đi cách ly tập trung. Trong khi đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính trước đấy buộc phải thừa nhận, Việt Nam không thể thực hiện mãi việc cách ly, phong tỏa, thậm chí còn xác định Việt Nam sẽ phải sống chung với dịch.
Tình hình nghiêm trọng hiện nay đang là phép thử lớn nhất đối với năng lực cán bộ lãnh đạo. Sự yếu kém bộc lộ cả "trên và dưới", cả "tả và hữu". Một số lãnh đạo địa phương thiếu chuyên môn nhưng thừa "quyết liệt" để thực thi những biện pháp giãn cách "ai ở đâu ở yên đó" bằng cách ban hành quy định riêng. Ban phát hàng loạt các loại giấy phép con để ra đường, thậm chí chốt chặn bằng giây thép gai, trong khi nhiều cán bộ thừa hành cấp phường xã thiếu trách nhiệm, vô cảm, không có kế hoạch, phương án phòng chống dịch mặc dù đấy là những địa bàn nóng bùng phát dịch [3].
Điều đáng lo ngại nữa là khẩu hiệu "chống dịch như chống giặc" vẫn chưa được gỡ bỏ. Hoặc lệnh điều quân đội, đưa các đơn vị bộ đội vào các thành phố lớn, mà thực chất là đề phòng dẹp loạn, vẫn giữ nguyên. Đây là sự che đậy nỗi lo sợ đối với người dân, nhất là ở các khu công nghiệp, do bị bức bách quá có thể bạo động. Nguyên nhân chính của phong tỏa "cứng" cực đoan làm tê liệt kinh tế xã hội, phá vỡ chuỗi cung ứng, xâm phạm nghiêm trọng quyền công dân trong suốt thời gian qua, đó chính là việc đảng và nhà nước đã dồn trách nhiệm phòng dịch cho công an và bí thư đảng các địa phương.
Đành rằng giao cho công an chống dịch, với đảng/nhà nước đó là thượng sách. Công an và lực lượng vệ tinh tai mắt của nó thì đông khủng, lên tới cả triệu người (Lượng ngân sách gấp 10 lần ngành Y tế). Dùng "công an trị" vừa là khai thác lực lượng thiện chiến sẵn có, phát huy sở trường phong toả, bắt nhốt, vừa là để vỗ về giữ vững tinh thần cho lực lượng bảo vệ chế độ nòng cốt này, sẵn sàng trước các nguy cơ biến động xã hội thời đại dịch. Nhưng hiện thực thành quả sau gần 2 năm "chống dịch" thì đang rõ ràng là quá phũ phàng. Ai cũng thấy, cứ cái đà này thì đất nước sẽ tan hoang [4].
Doanh nghiệp nước ngoài phản ứng
Nền kinh tế lệ thuộc vào đầu tư FDI đang đứng trước nguy cơ đổ vỡ vì đứt gãy chuỗi cung ứng, tê liệt sản xuất. Các doanh nghiệp FDI đang doạ sẽ rời khỏi Việt Nam, để đầu tư công xưởng ở các nước đã sống chung tương đối khỏe mạnh với Covid. Nông dân thì không có cách nào bán được nông sản vì giao thông và thị trường tê liệt. Thương mại, dịch vụ, du lịch thì cơ bản là chết lâm sàng từ suốt một năm qua rồi. Trong khi hầu hết người dân thành thị đang mòn mỏi trong phong toả, chất lượng sống thấp tới chưa từng thấy. Tỉ lệ chết do covid cao hơn mức trung bình thế giới rất nhiều. Mà dịch thì không giảm !
Cộng đồng doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam đã có cuộc họp với Thủ tướng Phạm Minh Chính vào chiều tối ngày 9/9. Cuộc gặp trực tuyến kéo dài 4 giờ đồng hồ giữa lãnh đạo EuroCham, các đại sứ Châu Âu và Thủ tướng Phạm Minh Chính. Sau cuộc gặp, Chủ tịch EuroCham phát biểu trong một thông cáo : "Không có gì che dấu rằng đợt bùng phát thứ tư này đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động kinh doanh. Chỉ số Môi trường Kinh doanh EuroCham hiện đang ghi nhận tâm lý thấp nhất trong hơn một thập niên. Nếu tình trạng phong tỏa, giãn cách xã hội và hạn chế đi lại tiếp tục kéo dài hơn nữa, các dự án đầu tư mới có thể gặp rủi ro và các công ty có thể cân nhắc chuyển địa điểm khác trong khu vực".
Gần 80% doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam có kết quả kinh doanh không tốt 3 tháng qua, trong đó 29% nói "rất tệ" do giãn cách kéo dài, theo kết quả khảo sát BCI do EuroCham công bố. Từ trước đến nay, các ngành sản xuất, đặc biệt là điện tử, hàng may mặc và giày dép cho các thương hiệu lớn trên toàn cầu, là một phần quan trọng của nền kinh tế Việt Nam và là nguồn cung cấp hàng triệu việc làm. Các doanh nghiệp Châu Âu kêu gọi các nhà chức trách đẩy nhanh việc tiêm phòng, đảm bảo hàng hóa lưu thông tự do, dễ dàng di chuyển của người lao động và xúc tiến các quy trình để các nhà đầu tư và lãnh đạo doanh nghiệp đã được tiêm phòng vào nước này.
Theo báo chí Việt Nam, EuroCham thông báo 18% doanh nghiệp EU tại Việt Nam đã chuyển đơn hàng sang nước khác, 16% đang được cân nhắc, nhưng chưa doanh nghiệp Châu Âu nào rời Việt Nam. Các doanh nghiệp EU tại Việt Nam đã kiến nghị Chính phủ sửa mô hình "3 tại chỗ", "1 cung đường, 2 điểm đến" đang khiến hầu hết doanh nghiệp khó khăn.
Ông Alain Cany kết luận : "Cũng cần nhấn mạnh sự cần thiết của việc triển khai tiêm chủng, ưu tiên những đối tượng có nguy cơ cao nhất để cho phép mở cửa dần dần các thành phố và tỉnh để các hoạt động thương mại có thể trở lại ; các quy định nhất quán, tập trung nhằm giảm bớt sự nhầm lẫn cho các công ty và đảm bảo hàng hóa lưu thông thông suốt ; cùng với việc hợp lý hóa và đơn giản hóa các yêu cầu hải quan". [5]
Trần Đông A
Nguồn : VOA, 13/09/2021
Các bài viết tham khảo :
[1] https://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/price-for-domineering-politics-06012021110315.html
[2] http://www.viet-studies.net/kinhte/Hanoi_Prison_trans.pdf
Thái độ
Nguyễn Lân Thắng, RFA, 03/09/2021
Việt Nam ta là đất nước có truyền thống ăn xin từ bao đời nay. Đừng có vội rồ lên tự ái, mà hãy xem lại cái đất nước này đã nhận bao nhiêu viện trợ từ bao nhiêu nước trên thế giới trong suốt gần 100 năm qua. Hết từ Nga, Mỹ, Tàu, Ấn Độ cho đến Đông Âu, Tây Âu và cả nhiều nước vùng Vịnh giàu có.
Việt Nam tiếp nhận thêm 3 triệu liều vắc-xin Covid-19 do Hoa Kỳ hỗ trợ thông qua Cơ chế COVAX
Đói thì phải xin thôi, cũng không có gì phải xấu hổ lắm. Đói mà. Chuyện sinh tồn mà. Nhưng xin các anh chị gần xa, đặc biệt là các anh chị fan hâm mộ đội tuyển Việt Nam lưu ý một số vấn đề này.
Hiện nay đảng và nhà nước ta đang vật lộn ở tuyến đầu cùng với các lực lượng y tế để chống dịch, sức người đã bỏ ra không biết nhiêu mà kể. Nhưng không có sức của, là bao nhiêu loại vaccine, bao nhiêu loại thuốc điều trị covid, bao nhiêu vật tư y tế, bao nhiêu máy thở, bao nhiêu bồn chứa oxy, bao nhiêu bệnh viện dã chiến thì công sức con người trong công cuộc chống dịch này chỉ như muối bỏ bể, như dã tràng xe cát bể Đông.
Trong muôn vàn khó khăn đó, thủ tướng chính phủ cùng các ban ngành đoàn thể đã phải chạy vạy, phải vận động hết sức mình đến từng quốc gia trên thế giới, gõ cửa từng tập đoàn, công ty dược ở khắp mọi nơi, hòng xin mua, xin vay, xin viện trợ, xin cứu trợ nguồn vật lực quan trọng để cứu nước nhà.
Thế mà, chỉ vì hơn thua trong một cuộc thể thao, các anh các chị nam thanh nữ tú khắp mọi miền tổ quốc đã lũ lượt kéo nhau vào làm loạn ở khắp các trang mạng xã hội của ban tổ chức, của trọng tài nước người ta.
Đồng ý là có thể có những oan ức nào đó cho đội tuyển yêu quý của các anh các chị. Nhưng thái độ và cách phản ứng của các anh các chị, nhân danh quốc gia, nhân danh dân tộc trong thời điểm khó khăn này có lợi hay không ? Hay những hành động đó là cú hất bỏ tàn nhẫn mọi nỗ lực ngoại giao của chính phủ trong công cuộc vận động chống dịch covid đầy khó khăn này.
Đã đi xin thì phải có thái độ tốt. Các anh các chị có sẵn lòng mở túi ra bố thí cho một kẻ huênh hoang, hống hách, đứng chống nạnh chửi khắp thiên hạ hay không ?
Sau đại dịch này, sẽ có rất nhiều trẻ mồ côi, nhiều công ty phá sản, nhiều đổ vỡ trong xã hội. Sẽ cần rất nhiều tài lực, nhiều nỗ lực để xây dựng lại đất nước kiệt quệ này. Việt Nam lấy đâu ra nữa những thứ đó, nếu không phải là sự giúp đỡ từ bên ngoài ? Hơn bao giờ hết, tôi cúi xin các anh chị gần xa hiểu rằng : Việt Nam sẽ nhận được sự giúp đỡ gì, không phải chỉ từ thái độ của Nhà nước, mà còn phần lớn từ thái độ của mỗi người dân chúng ta.
Có nhiều quốc gia, dù rất nhỏ bé, dù chẳng bao giờ chạm chân được đến vòng loại giải vô địch bóng đá thế giới, nhưng dân người ta sướng, nước người ta bình yên, và trong thảm hoạ đại dịch này không có ai phải chết vì đói. Ấy là vì người ta biết điều gì là quan trọng, là sống còn trong cuộc đời này. Thua một trận đấu chẳng sao, nhưng họ không chấp nhận để thua trong cuộc đời này.
Bớt tự hào đi, cúi mặt xuống, cố mà sống sót. Mỗi con người, mỗi gia đình, mỗi dân tộc từ trước đến nay dù có ba chìm bảy nổi thế nào, rồi cũng chỉ hơn nhau do ở cái thái độ.
Nguyễn Lân Thắng
Nguồn : RFA, 03/09/2021
*********************
Phải sống chứ không phải sẽ sống
Nguyễn Ngọc Già, RFA, 03/09/2021
Người dân bắt gặp vô số những ý tưởng, những câu chữ "bóng bẩy" của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam trong việc chống đại dịch virus Trung Quốc hiện nay, thiển nghĩ không cần dẫn ra quá nhiều, như : "chống dịch như chống giặc", "không thắng không về", "mỗi phường xã là một pháo đài", v.v.
Phố cổ Hà Nội : Hàng loạt cửa hàng đóng cửa vì vắng khách
Mới đây, ông Nguyễn Kim Sơn - Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo cũng nối gót "bóng bẩy" bằng phát ngôn "Mỗi trường học là một pháo đài chống dịch" [1].
Cố tật của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam, kể từ ngày lập quốc luôn luôn "bóng bẩy" trong câu chữ mà không thấy tác hại của lộng ngôn và ngoa ngôn gây ra cho toàn xã hội trong suốt nhiều năm qua.
Thực tế hơn 76 năm qua tại miền Bắc Việt Nam và hơn 46 năm qua tại miền Nam Việt Nam, các thế hệ người Việt Nam đang chìm lỉm trong môi trường gian dối và phóng đại mọi vấn đề.
Ranh giới giữa tiếu lâm - hài hước và ngoa ngôn - lộng ngôn đã bị xóa nhòa. Quá trình biến cả xã hội Việt Nam trở thành "Vua Nói Dóc" trên thế giới, được khởi đầu bằng lịch sử ngụy tạo của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam, với chuyến hải hành từ chàng trai Nguyễn Tất Thành, trốn trên tàu Đô đốc Latouche-Tréville, vào cái ngày định mệnh cách đây tròn 110 năm về trước.
Sự khác biệt của người Việt Nam trong mắt thế giới, được biến thành những bảng chữ khuyến cáo cảnh giác và cảnh cáo về thói hư tật xấu xuất hiện tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, v.v đã bị chê bai, lên án từ lâu. Mặc dù, người Việt Nam chưa bao giờ có tự do nói chung và tự do về quyền bầu cử - ứng cử nói riêng nhưng buộc phải chịu chung, dưới tên gọi "quốc nhục". Nhân cách người Việt Nam cũng từ đó mài mòn và tụt dốc thê thảm !
Đứng trước đại dịch có một không hai trên thế giới trong 100 năm qua, nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam nhìn con virus nhỏ hơn sợi tóc đến 600 lần, như thể là vô số kẻ phản động hữu hình đang tấn công (chỉ riêng họ) từ mọi phía. Thế cho nên, họ loay hoay suốt nhiều tháng qua, với hậu quả thê thảm mà toàn dân Việt Nam đang gánh chịu và chưa thể thống kê nổi những thiệt hại vô cùng kinh khủng, từ cách chống dịch của họ.
Cách chống dịch của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam thất bại là điều mà nhiều người quan sát thấy trước. Cách chống dịch phản khoa học bằng những quyết định rất chủ quan theo cách của ông Võ Nguyên Giáp từng tuyên bố [2] "Bác bảo đánh là thắng" như trang báo Nhân Dân ra ngày 29 tháng Chín năm 2009 đưa tin.
Cách chống dịch ngày càng lạc lối hiện nay cũng xuất phát từ niềm tin chiến thắng vô cùng mù quáng, bởi chủ nghĩa Duy Tình gây ra, từ một nền y tế - y học lạc hậu, thiếu thốn thuốc men, thiết bị y tế trầm kha nhiều chục năm, qua cuộc chống dịch virus Trung Quốc càng bộc lộ rõ ràng đến mức không thể phủ nhận.
Sự "bóng bẩy" trong cách chống dịch của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam không thể cải thiện tình hình dịch bịnh mà chỉ làm lòng dân ngao ngán thêm, ngay từ chiếc áo sơ mi ướt sũng mồ hôi của ông Thủ tướng Phạm Minh Chính, vốn chỉ hiện diện với tư cách lao động chân tay, vốn không cần đến kiến thức quản trị quốc gia và chuyên môn y khoa cho chống dịch virus Trung Quốc. Người dân cũng chưa hề thấy sự nhiệt tâm và lòng chan chứa yêu thương chúng dân, được thể hiển thô kệch như thế trên toàn thế giới, từ bất kỳ một nguyên thủ quốc gia nào cả.
Trên 2 nền tảng quan trọng nhứt của Triết học, bao gồm :
Từ đó, dễ thấy những biện pháp chống dịch của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam, đang nhìn mọi thứ hoàn toàn đứng yên (bóc tách F0 như cô Tấm ngồi lựa gạo lúa ra làm đôi mới được đi xem hội, cách ly triệt để với bạo lực khủng khiếp, cấm đoán ra đường và nhốt dân một cách thô thiển - thô bạo v.v.). Cũng từ đó, nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam nhìn sự vật/hiện tượng không hề tác động lẫn nhau và tác động đa chiều mà họ đang cố tình cắt đứt hoàn toàn mối liên hệ giữa người dân với nhau, cũng như cắt rời mối liên hệ vốn không tách rời giữa Cái Riêng và Cái Chung trong xã hội, điển hình như : Đi siêu thị, đi chợ, đi xét nghiệm theo yêu cầu, giành các loại vắc-xin chích v.v Nếu cần kể thêm, cách gọi là "đi chợ giùm" của hàng chục ngàn chú bộ đội, xuất hiện tràn lan trên các trang báo, càng khiến người dân chê cười, tựa như cái thời với bài hát [3] "Lê Anh Nuôi" do ca sĩ nổi tiếng – Nghệ sĩ nhân dân Trần Hiếu trình bày, gây tiếng vang ngay từ lần xuất hiện đầu tiên, trong xã hội miền Bắc lúc bấy giờ với "quyết tâm chính trị" hào hùng một thuở. "Anh Nuôi" của bộ đội cụ Hồ một thuở hiện nay đang sống lại, trong dáng vóc thời đại internet càng khiến câu thơ : "mua vui cũng được một vài trống canh" của đại thi hào Nguyễn Du thêm mai mỉa, trong sự ê chề của dân chúng.
Từ hai yếu tố Triết học căn bản mà dễ hiểu nhứt như nói trên, cộng thêm :
- Kinh tế phi thị trường (diễn đạt thành kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa)
- Văn hóa nông nghiệp lạc hậu.
- Chính trị độc đảng toàn trị.
Toàn bộ 5 yếu tố quan trọng nhứt này (tức là 2 yếu tố Triết Học mang tính chi phối toàn diện và 3 yếu tố thuộc về kinh tế - chính trị - xã hội học) đã làm cho "công cuộc chống dịch như chống giặc" của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam thất bại hiển nhiên như toàn dân đang chứng kiến, với lượng người chết từ đại dịch virus Trung Quốc cao nhứt thế giới ở mức 12.138 người chết so với 486.727 số người bị coi là nhiễm, theo số liệu mới nhứt [4].
Thất bại với cái giá quá lớn và thê thảm hiện nay cũng do bởi nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam không chịu và không biết nhìn nhận thấu đáo trên tổng thể toàn xã hội, vốn phải là một cơ thể sống chứ không phải một xác chết !
Đã quá muộn để nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam chấm dứt những ý tưởng, những khẩu hiệu "bóng bẩy" vốn không thể giải quyết vấn đề một cách khoa học và đúng với quy luật tự nhiên cũng như quy luật xã hội.
Con người sinh ra để sống, không phải để chuẩn bị sống - Một tư tưởng để đời trong tác phẩm Bác sĩ Zhivago của nhà văn Nga Boris Leonidovich Pasternak (1890–1960). Vì vậy, nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam hãy hiểu ra, những vẽ vời, hứa hẹn, từ những quyết sách, biện pháp cho việc chống đại dịch hiện nay, điều mà toàn bộ dân chúng Việt Nam đang cần là PHẢI SỐNG chứ không phải SẼ SỐNG. Nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam hãy chấm dứt dùng thời tương lai trong bối cảnh hàng chục ngàn doanh nghiệp đang thoi thóp thở từng ngày
Nguyễn Ngọc Già
Nguồn : RFA, 03/09/2021
Chú thích :
[1] https://nld.com.vn/giao-duc-khoa-hoc/bo-truong-nguyen-kim-son-moi-truong
[2] https://nhandan.vn/tin-tuc-su-kien/Kh%C3%B4ng-qu%C3%A2n-Nh%C3%A2n-d%C3%A
[3] https://www.youtube.com/watch?v=NtUCcyy5qMo
**********************
Việt Nam càng chống dịch càng "toang", và người dân thì lãnh đủ hậu quả !
Song Chi, RFA, 30/08/2021
Khi đợt dịch thứ 4 bùng phát vào cuối tháng 4/2021, Việt Nam đã có khoảng thời gian đi sau các nước khác đến gần một năm rưỡi. Nhưng thay vì tận dụng khoảng thời gian vàng đó để học hỏi kinh nghiệm chống dịch từ các nước khác, thì do sự chủ quan, mà nhiều người châm biếm gọi là "tự sướng" với những kết quả kiềm chế dịch các đợt trước nên nhà cầm quyền Việt Nam đã không chuẩn bị gì cả. Từ việc đặt mua vaccine cho tới kịch bản nếu đại dịch bùng phát trở lại thì sẽ xử lý như thế nào. Kết quả, như chúng ta đều thấy, Việt Nam đã bị Covid-19 quật nặng. Và cứ nhìn vào tình hình diễn biến như hiện tại thì không ai có thể biết khi nào Việt Nam sẽ thoát ra khỏi đại dịch, khi hai điều kiện quan trọng nhất là vaccine và nguồn lực y tế đều thiếu và yếu. Vaccine, dù đã nhận được sự viện trợ hào phóng từ Hoa Kỳ, từ chương trình viện trợ nhân đạo quốc tế COVAX và các nước, nhưng vẫn chưa đủ vào đâu khi dân số Việt Nam là 96-97 triệu người.
Cứ nhìn vào tình hình diễn biến như hiện tại thì không ai có thể biết khi nào Việt Nam sẽ thoát ra khỏi đại dịch
Có rất nhiều nguyên nhân nhưng những nguyên nhân chính khiến việc chống dịch ở Việt Nam càng chống càng thất bại, và người dân phải hứng chịu mọi hậu quả, không chỉ chết vì dịch mà còn chết vì đói, và bị "khủng bố" tinh thần bởi hàng loạt chủ trương sai lầm, hà khắc, trống đánh xuôi kèn thổi ngược, hở tí thì cấm, phạt của nhà cầm quyền. Đó là :
1. Ngạo nghễ, chủ quan
Như vừa nói ở trên, Việt Nam đã chủ quan không chuẩn bị gì, từ chiến lược vaccine cho tới làm sao để vừa phòng chống dịch cho hiệu quả, vừa để người dân có thể sống sót qua những ngày phong tỏa không có thu nhập, đồng thời kinh tế vẫn tiếp tục vận hành ở một mức độ nào đó, không bị đứt gãy giữa nguồn cung và cầu, đứt gãy sản xuất hoàn toàn v.v.Và cũng vì ngạo nghễ nên không thèm học bài học chống dịch, cách thức phong tỏa, quản trị quốc gia trong thời dịch từ các nước khác, cũng như bất chấp mọi ý kiến, mọi lời khuyến cáo của các bác sĩ, chuyên gia, người có kinh nghiệm ở trong hay ngoài nước, bất chấp dư luận, cứ làm theo ý mình, và nếu có học thì chỉ học duy nhất bài học chống dịch cực kỳ khắc nghiệt của Trung Quốc tại Vũ Hán !
2. Chính trị hóa việc chống dịch – Chống dịch với tư duy thời chiến thay vì tư duy khoa học
Ngay từ đầu cho tới giờ nhà cầm quyền vẫn cứ khăng khăng giương cao khẩu hiệu "chống dịch như chống giặc", với tinh thần "phải quyết thắng tới cùng", để cho đám quan chức vốn xuất thân từ công an, tình báo, hoặc tuyên giáo, không có kiến thức, kinh nghiệm về khoa học lên lãnh đạo việc chống dịch, đưa công an, rồi quân đội vào một số thành phố phía Nam kiểm soát tình hình, coi virus là…giặc, coi dân cũng là những kẻ thù tiềm tàng…Thay vì chống dịch với tư duy khoa học, đưa các chuyên gia, bác sĩ hàng đầu trong lĩnh vực dịch tễ học, vi trùng học…lên lãnh đạo việc chống dịch, còn chính phủ thì lùi lại, lắng nghe ý kiến của họ, lắng nghe ý kiến của dân.
3. Độc quyền chống dịch, luôn luôn muốn kiểm soát mọi thứ - Không tin dân
Cái gì cũng độc quyền, thậm chí chống dịch đảng cũng phải độc quyền, không muốn chia sẻ trách nhiệm cho các chuyên gia đã đành, việc cứu trợ cho dân cũng không muốn các tổ chức hoạt động dân sự, các tổ chức tôn giáo tham gia trừ phi dưới cái ô của Mặt trận Tổ Quốc hay các tổ chức của đảng ; mà nếu có cho phép được một lúc vì làm không xuể thì sau đó cũng lại giành lại, như đưa quân đội vào Sài Gòn giành cả công viêc đi chợ của shipper, công việc cứu trợ của các tổ chức, cá nhân thiện nguyện…
Chuyện đưa bộ đội từ nơi khác tới đi chợ, đi trao quà cứu trợ giùm, thay vì chích vaccine đầy đủ cho lực lượng shipper, những người làm công tác thiện nguyện để họ có thể tiếp tục công việc, tức là bắt đội ngũ chuyên nghiệp phải ngồi chơi xơi nước trong khi bộ đội từ xa tới không quen việc đi chợ, không rành đường xá, không biết thành phần dân chúng nào, ở đâu thực sự cần phải được hỗ trợ trước, chưa kể thành phố lại phải lo ăn ở cho bộ đội v.v.chỉ là một trong vô số quyết định, chủ trương sai lầm của nhà cầm quyền mà ngay từ đầu những người dân bình thường có đầu óc suy xét cũng nhận thấy. Nhưng nhà nước này vẫn cứ làm để rồi sau đó lại phải lẳng lặng trả lại công việc này cho đội ngũ shipper.
Tình trạng độc quyền cũng thể hiện qua việc trung ương cứ nhất định lãnh đạo toàn bộ việc chống dịch từ trên xuống dưới, trong khi chính quyền địa phương nắm tình hình rõ hơn thì lại phải tuân theo những Chỉ thị có phần máy móc, không sát với từng địa phương, điều đó đã dẫn tới việc chính quyền Sài Gòn có những bất đồng, căng thẳng với ông Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống dịch Covid-19. Kết quả là ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh bị mất chức, bị điều ra Hà Nội làm Phó Ban kinh tế trung ương ngồi chơi xơi nước, nhưng bản thân Vũ Đức Đam thì cũng không còn giữ chức vụ này mà đích thân ông Thủ tướng Phạm Minh Chính phải nhảy vào đảm nhiệm. Lẽ ra nên san sẻ bớt quyền lực cho các địa phương để những người tại chỗ nắm rõ tình hình chống dịch sát hơn nhưng đảng cộng sản thì luôn muốn tập trung quyền lực vào một mối, kiểm soát mọi thứ.
4. Đi ngược với lòng dân – Không co đời sống kinh tế và sinh mạng của dân ra gì
Chúng ta thấy nhà cầm quyền Việt Nam đã nhân danh chống dịch để càng vi phạm nhân quyền qua các biện pháp cấm, phạt cực đoan, không coi cuộc sống và sinh mạng của dân ra gì. Cái kiểu chống dịch mà Việt Nam học theo Trung Quốc nó nguy hiểm ở chỗ là họ khuyếch đại hóa nỗi sợ hãi, làm căng thẳng thêm tình hình để từ đó càng có cớ mà nhốt dân trong nhà, rồi đưa cả quân đội với súng ống, xe tăng, thiết giáp vào SG, lấy cớ là giúp dân chống dịch nhưng chủ yếu là nhằm ngăn ngừa mọi sự nỗi loạn từ người dân, hoặc mọi ý kiến, quyết định khác ý trung ương nếu có, của các chính quyền địa phương.
Tất cả là để nhằm giữ sự ổn định chính trị và giữ cái bề mặt "sạch sẽ" nghĩa là ai bị dương tính, bị nhiễm thì nhốt vào một chỗ mặc kệ lây chéo lẫn nhau, ai chết thì lẳng lặng đem đi thiêu, bây giờ là đi chôn tập thể, miễn sao trên bề mặt mọi thứ vẫn trong vòng kiểm soát và những con số về tình hình dịch bệnh vẫn "ở mức độ chấp nhận được" dù thực tế thì tồi tệ hơn rất nhiều !
Đó là chưa kể những chính sách bất công, bất hợp lý trong đối tượng ưu tiên chích vaccine, sự phân biệt vùng miền thay vì dồn tối đa nguồn vaccine, nguồn tài chính cho những tỉnh thành bị dịch nặng v.v khiến tình hình càng tệ hơn.
Tất cả là do : Thể chế độc tài + Sự dốt nát, duy ý chí, chỉ lo bảo vệ quyền lực của nhàn cầm quyền
Hầu như không có nước nào mà không bị đại dịch Covid-19, không có nước nào mà không có những quyết định sai lầm lúc này lúc khác, không có nước nào mà không có người chết, nhưng chỉ có một chế độ độc tài toàn trị thì mới có cái cách chống dịch như vậy.
Có một giai đoạn khi Trung Quốc, Việt Nam và một vài quốc gia Đông Á chưa thực sự là một nền dân chủ đầy đủ (full democracy) kìm chế dịch khá thành công trong khi Hoa Kỳ và các nước phương Tây lao đao vì dịch, nhiều người còn đặt câu hỏi phải chăng đứng trước những thảm họa lớn như thiên tai, dịch bệnh thì mô hình thể chế độc tài là có lợi hơn vì thống nhất từ trên xuống dưới và dễ ép buộc người dân theo ý mình. Trong khi chính phủ ở các nước dân chủ thì phải chịu sự chỉ trích tứ phía từ đối lập, báo chí truyền thông cho tới dân chúng, đồng thời người dân thì đã quen với việc được tự do nên khó mà ép họ.
Nhưng cuối cùng thì chúng ta đã thấy, mô hình dân chủ vẫn có những ưu điểm vững chắc. Thứ nhất, những người lãnh đạo của họ là do dân bầu lên và sẽ bị gạt bỏ nếu làm việc yếu kém, nên họ phải làm việc tốt. Thứ hai, sự chỉ trích sẽ giúp chính phủ điều chỉnh các chính sách, quyết định kịp thời. Quan trọng nhất, mọi chính sách luôn đặt quyền lợi, sinh mạng của con người lên trên hết, tự do, phẩm giá, nhân quyền của con người được tôn trọng. Ngay cả trong những ngày số người tử vong cao ngất ngưỡng, trong những ngày bị phong tỏa nghiêm ngặt nhất thì người dân ở các quốc gia này chỉ có một nỗi lo là dịch bệnh, còn kinh tế đã có nhà nước hỗ trợ đầy đủ, tinh thần không bị hoạch họe, xách nhiễu, khủng bố.
Nhìn lại cách chống dịch của nhà cầm quyền Việt Nam, vừa rất sai về mặt khoa học, vừa hà khắc, độc tài khiến cho đời sống người dân càng thêm tang thương, khốn khổ.
Chống dịch như chống giặc. Giặc đâu không thấy nhưng người dân phải trả giá bằng bao nhiêu thảm cảnh và sinh mạng. Hết sai lầm này đến sai lầm khác. Khiến nhà báo Trân Văn trên blog VOA phải viết "Chống dịch như giặc, chỉ mong đừng chống giặc như dịch". Phải, chống dịch sai lầm thì chết dân, kinh tế sụp. Còn chống giặc mà đi từ sai lầm này đến sai lầm khác như vậy thì chỉ có mất nước ! Đừng "ngạo nghễ" rằng mấy chục năm trước thắng Pháp thắng Mỹ thì bây giờ giặc nào cũng thắng.
Và sau bao nhiêu ngày hùng hục chống dịch với tinh thần phải thắng, bây giờ thì chính ông Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng thừa nhận là phải chung sống lâu dài với dịch. Chỉ có điều, các nước quyết định "sống chung với Covid-19" là sau khi họ đã lockdown dài hạn để có thời gian ngăn chặn tỷ lệ lây nhiễm lan nhanh trong cộng đồng và có thời gian chích ngừa cho dân, đến khi đạt được khoảng ít nhất 60% dân số được tiêm vaccine đầy đủ thì họ mới mở cửa. Vương quốc Anh là một trong những quốc gia như vậy, và đã mở cửa hoàn toàn trở lại từ ngày 19/7. Từ đó đến nay tỷ lệ người bị nhiễm vẫn cao, nhưng tỷ lệ bị nặng phải vào bệnh viện và tỷ lệ người chết thì thấp hẳn.
Sống chung với dịch là trong điều kiện như vậy. Và đừng quên trước đó nước Anh đã lockdown dài hạn mấy lần. Nhưng dù lockdown dài ngày, không có ai phải chết đói cả, không có ai phải cứu ai.
Còn Việt Nam, theo trang Our World in Data, tỷ lệ người được tiêm chủng đầy đủ hai mũi chỉ mới 2,4% dân số, còn theo WHO là 1,68%, Việt Nam hiện đang "đội sổ" về tỷ lệ tiêm chủng chống Covid so với các nước trong khu vực Đông Á và Đông Nam Á. Như vậy thì bao giờ người dân mới được chích đủ ít nhất 60% hay hơn để có thể sống chung với dịch ? Hay vì kinh tế lẫn một số đông dân chúng quá kiệt quệ dù chỉ mới lockdown chưa phải là lâu, nên các ông chuẩn bị dư luận để cứ mở cửa bất chấp sinh mạng của người dân ?
Từ khi đại dịch bùng phát trở lại tới giờ, nhà cầm quyền đã thí nghiệm đủ cách, đủ Chỉ thị chính sách khác nhau sáng đúng chiều sai mai lại đúng, bất chấp người dân lãnh đủ ! Không có gì ngạc nhiên nếu họ lại thí nghiệm liều lĩnh mở cửa bất chấp hậu quả. Sống chung với dịch, đúng, nhưng hãy chích ngừa đủ cho dân đi đã. Còn trong thời gian này khi chưa thể mở cửa thì phải cứu trợ cho dân, chấm dứt ngay mọi chính sách hà khắc, ngăn sông cấm chợ một cách không cần thiết, học theo cách các nước khác chống dịch, phong tỏa như thế nào chứ đừng chỉ nhất cử nhất động học theo Bắc Kinh.
Và dù dịch hay không thì người dân cũng phải được sống như Con Người chứ không phải như tù nhân, bị lùa đi cách ly tập trung ngay cả khi chỉ mới bị nhiễm nhẹ, bị chăng dây kẽm gai, bị khóa cửa ngõ, bị cấm đi ra khỏi nhà ngay cả đi mua thực phẩm, thuốc men, bị hoạnh họe, xách nhiễu đủ thứ, bị đẩy đến bần cùng, chết vì dịch và cả vì đói.
Từ Phật giáo cho tới Lão giáo đều dạy con người thuận theo lẽ trời, thuận theo tự nhiên mà sống thì mọi việc yên ổn, một cá nhân còn như thế, huống hồ điều hành quản trị một quốc gia mà cứ khăng khăng duy ý chí, đi ngược với quy luật tự nhiên, xu hướng thời đại, đi ngược với khoa học và cả lòng người làm sao mà thành công ?
Song Chi
Nguồn : RFA, 30/08/2021
Sự thay đổi đáng kinh ngạc trong quan hệ dân sự-quân sự phản ánh sự lo lắng của các nhà lãnh đạo ở Hà Nội lúc này như thế nào, khi đại dịch ngày càng gia tăng và số người chết tiếp tục tăng.
Quân đội xếp hàng trong lễ xuất quân gửi các bác sĩ quân y vào thành phố Hồ Chí Minh giúp chống dịch. Hình chụp tại Hà Nội hôm 23/8/2021 - AP
Hôm 20/8, Chính phủ Việt Nam thông báo việc triển khai quân đội trợ giúp ứng phó với Covid-19, chủng vi-rút Delta, tại thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận.
Đây là một thay đổi đáng kinh ngạc trong chính sách, phản ánh sự lo lắng của lãnh đạo ở Hà Nội vào lúc này khi mà đại dịch đang trở nên trầm trọng và số ca tử vong tiếp tục tăng cao. Đây là một thay đổi rõ ràng trong mối quan hệ quân - dân sự.
Năm 2020, Việt Nam đã là tiêu chuẩn vàng trong đối phó dịch bệnh Covid-19. Quốc gia này có số lượng cơ sở y tế hạn chế, nhưng khả năng của y tế cộng đồng ở hạng cao, cộng với kinh nghiệm ứng phó với vi-rút SARS và các loại chủng cúm khác trước kia. Chính phủ đã làm mọi điều đúng : cách ly nghiêm ngặt, truy vết kỹ lưỡng, gửi thông điệp về y tế cộng đồng một cách nhất quán và thẳng thắn cùng với lời kêu gọi tinh thần yêu nước.
Không giống như Philippines hay Indonesia, những nước đã an ninh hóa các đối phó với dịch bệnh ngay từ đầu, cách ứng phó của Việt Nam được dẫn dắt bởi các giới chức trong lĩnh vực y tế cộng đồng. Các tướng của Việt Nam không được đặt vào vị trí chịu trách nhiệm đối với khủng hoảng y tế, định hình chính sách, phân bổ nguồn lực, hay tăng cường cách ly qua các biện pháp cưỡng bức. Indonesia và Philippines đã làm tất cả những điều đó, và, kết quả là, có số ca lây nhiễm và tử vong cao nhất khu vực.
Trong khi Quân đội Nhân dân Việt Nam (VPA) mở các doanh trại của mình cho trung tâm cách ly, và đóng vai trò nhất định trong việc phân phối sự trợ giúp cho cộng đồng, quân đội rõ ràng chỉ đóng vai trò hỗ trợ. Điều này đã nâng cao vị thế vốn đã cao của họ trong mắt công chúng.
Một người lính quân đội kiểm tra giấy tờ người đi đường ở một trạm kiểm soát Covid-19 tại Thành phố Hồ Chí Minh hôm 23/8/2021. AP
Kết quả là Việt Nam vượt qua năm thứ nhất của đại dịch một cách ngoạn mục. Đến tháng tư năm 2021, Việt Nam mới có 2.900 ca nhiễm và chỉ có 35 ca tử vong. Quốc gia này vẫn hầu như mở cửa, và là quốc gia duy nhất ở Đông Nam Á có tốc đốc tăng trưởng kinh tế dương trong năm 2020.
Điều này đã dẫn đến sự tự mãn. Việt Nam từ từ một cách đáng kinh ngạc trong việc ký các hợp đồng mua vắc-xin, phê duyệt vắc-xin (thậm chí ngay cả khi dùng trong trường hợp khẩn cấp), và đầu tư quá nhiều vào việc tự sản xuất bốn loại vắc-xin của mình thay vì tìm cách cho phép dùng vắc-xin nước ngoài sử dụng công nghệ mRNA mãi cho đến gần đây.
Cho đến lúc này, Việt Nam tiếp tục là quốc gia có tỷ lệ dân số được tiêm đủ hai mũi vắc-xin ngừa Covid-19 thấp nhất Đông Nam Á.
Thế rồi chủng Delta tấn công và các ca nhiễm gia tăng. Việt Nam đã ghi nhận hơn 355.000 ca kể từ tháng năm tới nay, và số ca mới hiện vẫn nằm ở mức từ 10.000 đến 12.000 mỗi ngày. Số ca tử vong do dịch bệnh đã tăng lên 9.014 trường hợp.
Dịch bệnh tập trung chủ yếu ở miền Nam, với hơn một nửa số ca nhiễm và 80% ca tử vong là ở Thành phố Hồ Chí Minh khiến hệ thống y tế quá tải.
Vì vậy có thông báo gây ngạc nhiên của Chính phủ về việc triển khai 10.000 quân vào Thành phố Hồ Chí Minh và các khu vực lân cận.
Quân khu 7 (thuộc Thành phố Hồ Chí Minh) và Quân khu 9 (khu vực Đồng bằng sông Cửu Long) kết hợp có các bệnh viện dã chiến và tổng cộng 2.300 nhân sự. 500 lính từ Quân khu 7 đã được gia tăng cho công tác phong toả từ ngày 23/8.
Chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh đã yêu cầu thêm 6.000 quân từ Quân khu 7, bao gồm cả quân chi viện cho công tác phong toả và phân phát thực phẩm tới các cộng đồng dân cần trợ giúp.
Quân số bổ sung đang được triển khai từ các quân khu khác bao gồm : Quân khu 5 (Đà Nẵng) gửi khoảng 500 bác sĩ và nhân sự. Quân đội thông báo là họ sẽ triển khai 1.000 nhân viên y tế quân đội từ miền Bắc (họ không nói cụ thể từ quân khu nào), bao gồm 120 bác sĩ từ trường đại học quân y và 180 sinh viên của trường này. Cho đến ngày 23/8, quân đội đã tăng gấp đôi số nhân viên y tế được triển khai vào miền Nam, cùng với 30 xe cứu thương quân đội.
Thêm vào đó, Quân khu 7 đang gia tăng việc triển khai nhân sự và 12 bác sĩ quân y vào tỉnh Long An, cửa ngõ vào Đồng bằng Sông Cửu Long.
Chỉ trong vài ngày, đã có thêm các thông tin cụ thể về vai trò được mở rộng của quân đội cùng với thông báo từ quân đội rằng họ đã đóng vai trò dẫn dắt trong việc cung ứng thực phẩm. Các đơn vị của quân đội hiện đang giúp việc hoả táng người chết đang quá tải ở thành phố. Chúng ta có thể trông đợi là sẽ có thêm quân được triển khai, đặc biệt là tới các thành phố lân cận. Bộ quốc phòng đã sử dụng đến 35.000 dân quân tự vệ.
Quân đội Nhân dân Việt Nam có tiếng ở Việt Nam là một trong các tổ chức chính trị đáng tin cậy nhất trong nước. Tuy nhiên, điều này sẽ rất đáng quan tâm trong mắt của công chúng trong tương lai.
Quân đội phân phát thực phẩm đến nhà người dân ở Thành phố Hồ Chí Minh hôm 24/8/2021. Reuters
Nó có thể củng cố thêm hình ảnh và chỗ đứng của quân đội. Họ vẫn rất chuyên nghiệp cho đến lúc này. Việc phân phát thực phẩm do họ thực hiện, nhất là tới các cộng đồng gặp khó khăn nhất, đã được ghi nhận kỹ trên truyền thông Nhà nước, củng cố mối quan hệ giữa quân và dân.
Nhưng điều này cũng không phải là đã được định trước và nó cũng bao gồm những rủi ro nhất định đối với chỗ đứng của quân đội.
Thứ nhất, quân đội có nhiệm vụ như cảnh sát trong quá khứ. Vào cuối những năm 1980 và đầu những năm 1990, Đảng cộng sản đã thông qua nghị định (CP-89) cho phép quân đội tham gia đàn áp nông dân biểu tình ở vùng Đồng bằng Sông Hồng và Tây Nguyên. Đó là vai trò và nhiệm vụ mà quân đội rõ ràng là không thích và đã lảng tránh, để những vấn đề an ninh nội địa nhất cho Bộ Nội Vụ.
Hình ảnh quân đội được trang bị vũ khí và những người lính cầm súng tại các điểm kiểm soát đã được phát tán nhanh trên mạng xã hội, làm dấy lên những phản ứng từ công chúng. Vì vậy, điều quan trọng là phải xem quân đội sẽ xử lý nhiệm vụ cảnh sát của họ ra sao.
Thứ hai, trong khi quân đội có được sự ủng hộ rộng khắp, họ cũng phải có trách nhiệm bảo vệ Đảng cộng sản trước nhất. Quân đội cố gắng gây dựng một hình ảnh độc lập nhưng là một quân đội của đảng. Thực sự thì điều này đã làm dấy lên những tranh luận gay gắt trong công chúng, đặc biệt là ngay trước Đại hội 12 vào năm 2016 và sau khi Đảng cộng sản dường như đã khuất phục trước Trung Quốc ở Biển Đông.
Nếu sự tức giận của công chúng đối với Chính phủ gia tăng khi lệnh phong toả được gia hạn thêm, liệu quân đội có bị đổ lỗi là đồng loã, bất chấp việc họ đã cung cấp những trợ giúp trong đại dịch ? Nếu không có gì khác thì việc quân đội được triển khai chỉ là một chỉ dấu cho sự thất bại của chính phủ.
Các nhà lãnh đạo quốc gia rõ ràng đang cảm thấy bất an. Việc Hà Nội liên tục can thiệp vào việc lãnh đạo chính trị ở Thành phố Hồ Chí Minh trong các năm qua, nhằm kiểm soát thành phố vốn có đầu óc độc lập này và là thành phố đóng góp nhiều nhất cho đất nước, làm nhiều người khó chịu. Chính phủ đã đồng thời ưu tiên cho bộ máy tuyên truyền với những câu chuyện rõ ràng là bịa đặt về các công nhân kiểu mẫu và gia tăng việc đàn áp các tiếng nói chỉ trích Chính phủ trong việc chống dịch. Truyền thông Nhà nước đã chỉ ra rất rõ là quân đội sẽ được sử dụng để giúp dập tắt bất cứ mối đe doạ nào xuất hiện nhân cơ hội hiện tại, nỗi lo ngại gia tăng cùng với chuyến thăm trong tuần này của Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris.
Nhưng nếu ai muốn thực sự nhìn thấy nỗi sợ của chính quyền, hãy chỉ nhìn vào việc quân đội Việt Nam nhận 200.000 liều vắc-xin từ Quân Giải phóng Nhân dân Trung Hoa. Sự chuyển giao đầu tiên giữa quân đội với quân đội từ một kẻ thù trong quá khứ đến người vốn có sự mất tin tưởng rất lớn trong công chúng, nói lên rất nhiều điều về sự trông đợi của chính quyền răng quân đội sẽ được triển khai nhiều hơn khi thêm nhiều phần của đất nước bị gia hạn phong toả.
Zachary Abuza
Nguyên tác : Double-Edged Sword: The Securitization of COVID Response in Vietnam, RFA, 24/08/2021
Nguồn : RFA, 24/08/2021
Zachary Abuza là giáo sư tại Trường Đại học Chiến tranh Quốc gia ở Washington và giảng dạy tại Đại học Georgetown. Quan điểm được trình bày trong bài này là của riêng Giáo sư Abuza, nó không phản ánh quan điểm của Chính phủ Mỹ hay Bộ quốc phòng Mỹ hay của trường Đại học Chiến tranh, Đại học Georgetown và Đài Châu Á Tự Do.
Việt Nam triển khai quân đội, áp đặt lệnh ‘ai ở đâu ở yên đấy’ giữa vòng xoáy tử vong Covid-19
VOA, 20/08/2021
Các nhà chức trách hôm 20/8 cho biết Việt Nam sẽ triển khai quân đội tại thành phố Hồ Chí Minh và cấm người dân rời khỏi nhà của họ, giữa lúc thành phố lớn nhất nước đang chuyển sang các biện pháp quyết liệt để làm chậm tỷ lệ tử vong đang gia tăng do virus corona gây ra.
Số ca tử vong và nhiễm Covid-19 tại Việt Nam vẫn gia tăng mạnh, bất chấp các biện pháp phong tỏa đã được áp dụng kéo dài nhiều tháng.
Chỉ thị cứng rắn nhất của Việt Nam được đưa ra trong bối cảnh số ca tử vong và nhiễm trùng tăng đột biến, bất chấp các biện pháp phong tỏa đã được áp dụng kéo dài nhiều tuần lễ tại trung tâm kinh tế-thương mại có 9 triệu dân này, là tâm điểm của đợt bùng phát dịch với số tử vong cao nhất tại Việt Nam.
"Chúng tôi yêu cầu mọi người ai ở đâu ở yên đấy, không được ra ngoài. Mỗi ngôi nhà, công ty, nhà máy phải là một pháo đài chống virus", ông Phạm Đức Hải, Phó cơ quan chống Covid-19 của thành phố, nói hôm 20/6.
Chính quyền cho biết đang chuẩn bị huy động cảnh sát và quân đội để thực thi phong tỏa và cung cấp thực phẩm cho người dân.
Cảnh sát với loa phóng thanh đã lái xe xung quanh các khu vực dân cư hôm 20/8 để hướng dẫn mọi người tuân theo các quy định và đảm bảo rằng nguồn cung cấp thực phẩm sẽ được cung cấp.
Bộ Quốc phòng có kế hoạch gửi ra 1.000 quân y và thiết bị y tế vào cuối tuần, theo một tài liệu quân sự mà Reuters đọc được.
Truyền thông nhà nước đưa tin, hôm 20/6, chính phủ cũng đã gia hạn các quy định hạn chế tại thủ đô Hà Nội thêm 15 ngày.
Tin tức về cuộc khủng hoảng Covid-19 ngày càng tồi tệ khiến cho thị trường cổ phiếu Việt Nam bị ảnh hưởng vào 20/8, với chỉ số lúc đóng cửa giảm sâu 3,3%.
Việt Nam được cho là khá chậm trong việc sản xuất vaccine.
Tính đến cuối tháng 4, Việt Nam vẫn được xem là một trong những nước phòng chống dịch hiệu quả nhất thế giới, với 35 ca hợp tử vong và chỉ hơn 2.900 ca nhiễm tính đến ngày 1/5.
Tuy nhiên, con số này đã tăng lên hơn 312.000 ca mắc và 7.150 ca tử vong, với khoảng một nửa số ca nhiễm và 80% số ca tử vong chỉ tính riêng ở thành phố Hồ Chí Minh.
Một nửa người dân Thành phố Hồ Chí Minh đã được tiêm ít nhất một liều vaccine Covid-19. Nhưng tại cuộc họp vào cuối ngày 19/8, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đồng thời yêu cầu các cơ quan chức năng tiến hành xét nghiệm hàng loạt tại đây.
Theo Reuters
Nguồn : VOA, 20/08/2021
*********************
Thanh Phương, RFI, 20/08/2021
Trong bối cảnh số ca nhiễm Covid mới ở Việt Nam lại phá kỷ lục, chính quyền thành phố Sài Gòn siết chặt hơn nữa các biện pháp giãn cách xã hội, với quy định là kể từ ngày 23/08/2021, người dân sẽ tuyệt đối bị cấm ra khỏi nơi ở. Đồng thời, chính quyền sẽ huy động đến công an và quân đội để bảo đảm việc tuân thủ lệnh mới, cũng như để phân phối lương thực cho người dân.
Các trường hợp Covid-19 gia tăng tại Việt Nam trong những tháng gần đây buộc nhiều nhà sản xuất phải tạm dừng hoạt động. Ảnh : Reuters
Theo các số liệu do bộ Y Tế công bố, hôm nay, 20/08/2021, số ca nhiễm Covid-19 mới trên toàn quốc đã lên đến mức 10.657 ca trong 24 giờ, một con số kỷ lục kể từ khi đại dịch bùng phát ở Việt Nam. Đa số trong khoảng hơn 320.000 ca nhiễm và khoảng hơn 7.500 ca tử vong trên toàn quốc là được ghi nhận trong vài tháng trở lại đây.
Trước tình hình dịch bệnh không suy giảm, chính quyền của thành phố Sài Gòn, tâm chấn hiện nay của đại dịch (chiếm đến 80% tổng số ca tử vong ở Việt Nam), đã phải triển hạn lệnh "giãn cách xã hội" thêm một tháng, cho đến 15/09. Nhưng do ca nhiễm mới vẫn tiếp tục có xu hướng tăng cao, chính quyền địa phương quyết định siết chặt hơn nữa các biện pháp phòng chống dịch.
Theo tin tờ Tuổi Trẻ, trong cuộc họp báo sáng nay, Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 Thành phố Hồ Chí Minh đã thông báo các giải pháp mới, theo đó kể từ ngày 23/08, người dân ở Sài Gòn phải đảm bảo việc thực hiện quy định về giãn cách xã hội, "ai ở đâu ở yên đó, nhà cách ly nhà, tổ dân phố cách ly tổ dân phố, khu phố cách ly với khu phố"... Tuy nhiên, chi tiết cụ thể của lệnh mới này chưa được công bố.
Theo lời ông Phạm Đức Hải, phó trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống dịch của thành phố, trong thời gian áp dụng lệnh mới, việc chích ngừa và xét nghiệm sẽ tiếp tục được thực hiện. Hiện giờ, hơn phân nữa người dân ở Sài Gòn đã được tiêm ít nhất là một liều vac-xin ngừa Covid-19.
Còn theo lời ông Phan Nguyễn Như Khuê, trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy, không có chuyện đóng cửa hoàn toàn như tin đồn, nhưng thành phố sẽ tiếp tục đẩy mạnh các biện pháp phòng chống "để tiến tới kiểm soát dịch ngày 15/09".
Theo hãng tin Reuters, hôm nay, xe công an với loa phóng thanh đã vòng quanh các khu phố để kêu gọi người dân tuân thủ lệnh mới và bảo đảm là lương thực sẽ được cung cấp đầy đủ. Một tài liệu mà Reuters đọc được cho biết là cuối tuần này bộ Quốc Phòng sẽ gởi 1.000 bác sĩ quân y và thiết bị y tế đến Sài Gòn.
Chính quyền nay huy động cả quân đội. Cụ thể, Cổng thông tin điện tử của chính phủ Việt Nam hôm nay cho biết là Sài Gòn giao Bộ Tư lệnh Thành phố, Công an Thành phố, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng Thành phố thành lập khoảng 200 "đội công tác đặc biệt để kiểm soát việc thực hiện giãn cách, hỗ trợ lương thực, thực phẩm đến tận tay người dân".
Còn theo tờ theo tờ Hà Nội Mới, Thường vụ Thành ủy Hà Nội vừa thông báo quyết định tiếp tục giãn cách xã hội ở thành phố thêm 2 tuần nữa, tức là cho đến ngày 06/09.
Thanh Phương
*********************
Việt Nam/Covid : Chính quyền đổ lỗi cho dân ‘lơ là, chủ quan’ làm dịch lây lan
VOA, 19/08/2021
Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính nói hôm 18/8 trong một cuộc họp tại trụ sở của chính phủ rằng việc phòng, chống dịch "vẫn chưa đạt như mong muốn" một phần vì "người dân còn chủ quan, lơ là", theo tường thuật của báo chí Việt Nam, trong đó có Thông tấn xã Việt Nam và các báo Tin Tức, Tuổi Trẻ.
Nguy cơ lây nhiễm Covid-19 do người dân chủ quan, lơ là phòng dịch
Nhận xét kể trên dẫn đến một số phản ứng bất bình trên mạng xã hội, theo quan sát của VOA. Bình luận về ý kiến của Thủ tướng Chính, giáo sư Mạc Văn Trang nói với VOA rằng "Đổ lỗi cho người dân là không đúng".
Báo chí nhà nước Việt Nam cho biết Thủ tướng Chính và các quan chức chủ chốt của chính phủ họp hôm 18/8 với Ban Dân vận Trung ương, Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên về công tác phòng, chống dịch Covid-19 và chăm lo đời sống cho nhân dân trong điều kiện dịch bệnh.
Trong cuộc họp, phía Ban Dân vận và Mặt trận Tổ quốc kiến nghị chính phủ có động thái để dẫn đến việc giảm giá điện, nước, xăng dầu, khí đốt, cước viễn thông..., góp phần hỗ trợ người dân trong mùa dịch bệnh ; bên cạnh đó là tháo gỡ thủ tục để những người bị mất việc hoặc bị gián đoạn công việc có thể nhanh chóng nhận tiền cứu trợ theo các gói hỗ trợ của nhà nước ; và cũng rất quan trọng là đẩy nhanh việc tiêm vắc-xin cho người dân ở các tỉnh, thành phố đang bị dịch bệnh nặng.
Thủ tướng Chính ghi nhận các ý kiến "có chất lượng, sát thực tế" của các đại biểu dự cuộc họp và yêu cầu các bộ, ngành liên quan tiếp thu, xem xét, báo chí Việt Nam thuật lại.
Đánh giá về dịch Covid-19, thủ tướng của Việt Nam nói tình hình hiện nay "còn rất nghiêm trọng".
Bản tin của Bộ Y tế nói đến chiều tối 19/8, Việt Nam có tổng cộng hơn 312.000 ca nhiễm kể từ đầu đại dịch, trong đó có 7.150 ca tử vong.
Thủ tướng Chính đưa ra nhận định rằng "việc phòng, chống dịch vẫn chưa đạt như mong muốn, nhất là tại thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía nam một phần do có lúc, có nơi người dân còn chủ quan, lơ là, mất cảnh giác", theo báo chí trong nước.
Về vai trò của phía các cơ quan nhà nước, Thủ tướng Chính cho rằng "công tác đôn đốc, kiểm tra, giám sát có lúc chưa nghiêm" và "sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương, các cấp có lúc, có nơi còn chưa chặt chẽ".
Cùng ngày 18/8, báo điện tử VnExpress trích dẫn ý kiến một số chuyên gia nói rằng số ca nhiễm trong cộng đồng gia tăng ở Thành phố Hồ Chí Minh là do "người dân chưa triệt để tuân thủ giãn cách".
Những người được VnExpress trích lời bao gồm bác sĩ Trần Văn Khanh, Giám đốc Bệnh viện Lê Văn Thịnh, thành viên Tổ chuyên gia Tư vấn Điều trị Covid-19 ; bác sĩ Trương Hữu Khanh, Cố vấn Khoa Nhiễm-Thần kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1 ; bác sĩ Calvin Q Trinh, Bệnh viện 1A ; phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Y tế dự phòng, Bộ Y tế.
Theo quan sát của VOA, có những người bày tỏ sự bất bình trên mạng xã hội về những nhận xét do Thủ tướng Chính và bài báo của VnExpress đưa ra.
Trong số những người đó, hai Facebooker Nguyễn Đình Bổn và Ngô Nguyệt Hữu có tổng cộng hàng trăng ngàn người theo dõi cho rằng dịch dã tràn lan, người dân đói kém mới phải liều mình, nếu nhà nước lo cho dân đủ sống, không ai ra đường làm gì, vì vậy, chính quyền cần phải nhìn nhận cái yếu kém của mình thay vì đổ lỗi cho dân.
Giáo sư Mạc Văn Trang, hiện sống ở Thành phố Hồ Chí Minh, có chung quan điểm rằng không nên quy lỗi cho người dân.
Ông Trang phân tích với VOA rằng công tác phòng, chống dịch của thành phố trong hơn 1 tháng rưỡi cho thấy họ máy móc về giãn cách xã hội, ngăn sông cấm chợ gây ra hỗn loạn, bức xúc trong nhân dân.
Chính quyền cũng đã làm ngược đời khi không chuẩn bị trước về hỗ trợ, cứu trợ cho những người khó khăn, không có thu nhập nên khi áp dụng lệnh giãn cách từ ngày 2-15/8, nhiều người dân không thể cầm cự và hốt hoảng sơ tán khỏi thành phố, giáo sư Trang nói.
Tuy nhiên, vẫn theo lời ông Trang, chính quyền không rút kinh nghiệm, do đó khi họ tuyên bố tiếp tục giãn cách từ 15/8-15/9, họ đã gây ra cơn hoảng loạn lần hai cho những người đã cố trụ qua đợt giãn cách lần trước nhưng giờ không thể tiếp tục cố nữa. Ông Trang nói :
"Thực ra đó là thiết quân luật, người ta đã đói không có gì ăn thì làm sao được. Cái lỗi đó chính là ở chính quyền. Chính quyền bối rối nên đưa ra những chủ trương nó ngược. Đáng lẽ khi tuyên bố có những giãn cách như thế thì đồng thời phải có hỗ trợ ngay thì người dân sẽ yên tâm. Ở đây lại giãn cách trước, 2 tháng không có gì cả, người ta hết tất cả các nguồn lực rồi, cho nên nhiều tình cảnh rất là thương tâm. Tôi nghĩ đổ tại người dân là không đúng. Cái này chính quyền phải xem lại".
Giáo sư Trang cũng chỉ ra một thực tế rằng những tiếng nói phản biện, chỉ trích của người dân và những người có ảnh hưởng trên mạng xã hội đối với các chính sách và hành động của chính quyền về phòng, chống dịch và lo an sinh cho người dân đang mang lại kết quả.
Theo giáo sư, tuy còn chậm nhưng chính quyền đã và sẽ khắc phục, thay đổi. Một ví dụ có thể thấy được là việc chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh giờ đây giúp vô điều kiện cho những người dân thiếu đói thay vì đòi hỏi họ phải có xác nhận về thất nghiệp hay phải có hộ khẩu, chứng nhận tạm trú, v.v…, ông Trang nói.
Báo chí Việt Nam tường thuật hôm 18/8 rằng Thành phố Hồ Chí Minh sẽ hỗ trợ cho tất cả những người dân rơi vào hoàn cảnh khó khăn, không để ai đói khổ, thiếu ăn, thiếu mặc. "Việc hỗ trợ là vô điều kiện, không phân biệt hộ khẩu" và dự kiến, mỗi người dân khó khăn sẽ được hỗ trợ "1 triệu đồng và 10 kg gạo", các báo cho biết.
Cũng ngày 18/8, chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh gửi văn bản tới chính phủ trung ương kiến nghị hỗ trợ cho thành phố gần 28 nghìn tỉ đồng và hơn 142 nghìn tấn gạo nhằm hỗ trợ hơn 4,7 triệu người lao động nghèo trong thời gian thành phố tiếp tục giãn cách xã hội, các bản tin trong nước cho hay.
Tính từ ngày 30/4/2021, sau gần năm tháng tấn công dập dịch Covid-19, nhà cầm quyền Việt Nam dưới sự lãnh đạo của thủ tướng Phạm Minh Chính xem ra đã nằm im phơi mình chờ dịch dập. Tinh thần cấp lãnh đạo đã hết khí thế tấn công mà lui về băng bó vết đạn tự bắn vào chân qua Chỉ thị 16. Lãnh đạo đang cuống cuồng sửa chữa những biện pháp chống dịch bất nhất, bất cập, bất nhân được thay thế và hủy bỏ liên tục đến không còn ra thể thống gì. Nếu có tâm lý hoảng sợ nào phủ chụp vào đại chúng thần tốc hơn con Covid-19 thì chính là năng lực xử lý khủng hoảng xã hội của nhà đương quyền.
Sài Gòn thiếu rau xanh, người dân hỗ trợ nhân lực thu gom và bốc xếp rau xà lách từ Đà Lạt chuyển về Sài Gòn - Ảnh minh họa
Chỉ thị 16/CT-TTg của chính phủ có hiệu lực thi hành bắt đầu từ 0 giờ ngày 9/7 trên toàn địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh trong 15 ngày. Trước đó đã râm ran trong dư luận chỉ thị sẽ được áp dụng tại Sài Gòn nhưng cấp lãnh đạo đã phủ nhận tin. Để rồi chỉ ba ngày sau, chỉ thị được ban hành. Chủ tịch UBND/TPHCM Nguyễn Thành Phong lên gân : phát huy tinh thần ‘mỗi người dân là một chiến sĩ ; mỗi gia đình, tổ dân phố, khu phố là một pháo đài chống dịch’ (Thanhuytphcm.vn 7/7).
Thực tế không phải vậy. Tiếng kèn xung phong đã thổi lên nhưng giặc Covid-19 không ngạo mạn như những tượng đài nghìn tỷ, nó lẩn trốn tài tình trong không khí người ta thở. Lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh cho ngưng ngay hoạt động vận chuyển hàng hóa, hành khách, giao dịch, giao tế, nhu cầu đi lại của dân Sài Gòn. Lãnh đạo đóng ngay 204/234 chợ truyền thống trên địa bàn thành phố. Cái chỉ thị duy lý bất kể đến ổn định xã hội và dân sinh đã bẽ gẫy dây chuyền cung ứng, tạo ra nạn khan hiếm thực phẩm giả tạo ở Sài Gòn. Trong khi thực phẩm rau củ ở các tỉnh lân cận phải đổ đống, ung thối, làm phân xanh, dân Sài Gòn không có rau ăn. Nông gia khóc ròng. Siêu thị, cửa hàng Bách Hóa Xanh tăng giá thực phẩm. Sài Gòn lên cơn sốt đáng sợ của Covid-19. Chỉ 8 ngày sau, ngày 17/7, Hà Nội quay ngược mũi nhọn chống dịch ‘hỏa tốc chỉ đạo bỏ quy định cấm vận chuyển hàng không thiết yếu’ (Báo Giao thông/bộ Giao thông Vận tải 17/7).
Chủ tịch UBND/TPHCM Nguyễn Thành Phong lên gân : phát huy tinh thần ‘mỗi người dân là một chiến sĩ ; mỗi gia đình, tổ dân phố, khu phố là một pháo đài chống dịch’
Lãnh đạo cấm mọi hoạt động bán vé số, dịch vụ ăn uống, giải trí, xe buýt, xe ôm, bán hàng rong… của hàng trăm ngàn con người mà không quan tâm đến trợ giúp an sinh xã hội. Nhà cầm quyền im lặng nhìn người dân tự phát tổ chức những quán cơm từ thiện đùm bọc lẫn nhau. Thiện nguyên viên cứu trợ phải vượt qua những chốt kiểm soát của tổ dân phố, xã phường và công an để đưa cơm cho người bị đói. Tức nước vỡ bờ. Ngày 9/7 bốn mẹ con nghèo khổ đạp xe về cội nguồn Nghệ An cách tỉnh Đồng Nai hơn 1300 cây số. Bốn mẹ con mở đầu cho cuộc tháo chạy hoảng loạn từ Sài Gòn về miền Bắc và cả về miền Tây. Ban đầu là dòng suối nhưng chỉ dăm ba ngày sau trở thành một dòng thác cách mạng của người chạy giặc/dịch Covid-19. Một trang sử bi hài hùng thời đại Hồ Chí Minh được viết trên từng cây số. Thêm một lần nữa nhà cầm quyền im lặng nhìn đoàn người tháo chạy dịch/giặc Covid-19 mãi đến ngưỡng cửa quê hương thì mới ra tay can thiệp. Nhà cầm quyền địa phương nhìn đoàn người chạy dịch/giặc có hình dạng con Covid-19 đáng sợ đã xua đuổi đoàn ‘hành hương’ trở về nơi xuất phát ! Vì áp lực của một cuộc khủng hoảng nhân đạo có thể xảy ra khi đoàn người chạy dịch ngủ lăn lóc lê la bên vệ đường, Hà nội ‘chỉ thị’ cho các lãnh đạo địa phương hủy bỏ lệnh đuổi người chạy dịch và sửa chữa lại các quy định để áp dụng có tình lý hơn.
Thêm một lần nữa nhà cầm quyền im lặng nhìn đoàn người tháo chạy dịch/giặc Covid-19 mãi đến ngưỡng cửa quê hương thì mới ra tay can thiệp.
Tất cả những biến động bi hài này được diễn ra trong bối cảnh dịch bệnh không kiềm chế nổi. Trước đó, các lãnh đạo cao cấp đã dương dương tự đắc mình đồng da sắt khi trong một tháng năm 2020, đã không tìm ra một ca Covid-19 làm thuốc. Bệnh nhân 91 hiếm quý, phi công người Anh Stephen Cameron, 42 tuổi, của hãng Hàng Không Việt Nam, đã được sự hỗ trợ của cả nước, được toàn bộ y bác sĩ bệnh viện Chợ Rẫy túc trực cứu chữa tận tình 24/24. Thậm chí còn cho đầu bếp riêng nấu ăn để giúp anh nhanh chóng phục hồi. Việt Nam được khen ngợi có khả năng chữa trị Covid-19 giỏi nhất thế giới. Nhưng nếu nhìn vào số liệu hôm nay thì không phải thế.
‘Tính từ ngày 27/4 đến nay 11/8 trong số 228 990 người Việt Nam bị nhiễm Covid-19…’ (báo Nhân Dân) chỉ cần một phần nhỏ trong chi phí điều trị cho bệnh nhân 91, đã có thể giúp hàng ngàn người Việt Nam được hồi phục. Mạng người Việt Nam trở thành vô nghĩa trong một chiến dịch đánh bóng chế độ.
Từ con số nhiễm bệnh vài trăm ca trước 30/4 đến nay là 228 990 ca, trong đó có 511 ca đang nằm ở ICU là một chặng đường quá ngắn của 4 tháng. Dịch bệnh đã bùng phát dữ dội. Nhưng trước đó để trấn an dư luận, ngày 25/7 Bộ Y tế cho biết ‘tình hình dịch bệnh đã có những dấu hiệu tích cực. Tỷ lệ ca nhiễm sẽ có xu hướng "đi ngang" trong một vài ngày tới nếu TP HCM’…] (VnExpress.net 25/7/21).
Nếu số liệu nhà nước mà tin được, từ phát xuất điểm khoảng 500 ca nhiễm đến ngày 11/8, tức là chỉ 3 tuần sau đó, số ca mới lên đến 2.128. Biểu đồ phải ‘đi lên’ chứ không thể ‘đi ngang’. Covid-19 là con cua đỏ, cua ‘cách mạng’. Nó đi lên chứ không ‘đi ngang’.
Sự bùng nổ dịch bệnh có liên can đến cách phân loại người bị Covid-19 và biện pháp xử lý của giới hữu trách. F0 là người bị Covid-19 phải được cách ly và điều trị tại các cơ sở y tế. Nhưng biện pháp tập trung các F1 vào cơ sở cách ly thiếu thốn phương tiện và trang thiết bị y tế đã trở thành những ổ dịch. Chưa kể đến tác hại tâm lý của gia đình nạn nhân vì bị cách ly với người thân, nhất là trẻ em, đã góp phần gia tăng sự hoảng sợ. Ngày 14/7 Bộ Y tế hủy bỏ biện pháp cách ly tập trung F1 và đưa ra các yêu cầu cách ly, trang thiết bị y tế tại nhà cho F1, F2, F3.
Ngày 10/7, bí thư Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên buông giáp quy hàng khi ‘nói rằng đã đến lúc ông cần phải gặp trực tiếp các chuyên gia, nhà khoa học để lắng nghe các ý kiến độc lập…’ (TTO 10/7). Sau hai tuần hội họp trao đổi ý kiến, ngày 22/7, ông Nên cho lệnh phun 7 tấn thuốc khử khuẩn Cloramin B trên toàn thành phố Sài Gòn, Thủ Đức. Nhưng biện pháp chống dịch này đã đi ngược lại khuyến cáo Tổ chức Y tế Thế giới. Từ lâu WHO đã khuyến cáo việc phun thuốc khử khuẩn vào không gian rộng lớn chẳng những vô ích mà còn có hại đến con người. Theo chuyên gia môi trường Đào Nhật Đình ‘Cloramin B là chất tạo ra Clo hoạt tính khi pha với nước. Hàm lượng Clo cần phải có để khử khuẩn là từ 500mg/L trở lên.Trong khi đó hàm lượng Clo gây kích thích hệ hô hấp là 1-5mg/L trong không khí. Như vậy, khi phun vào không khí, chất khử trùng chính là chất độc đối với người’ (soha.vn).
Ông Nguyễn Văn Nên cho lệnh phun 7 tấn thuốc khử khuẩn Cloramin B trên toàn thành phố Sài Gòn, Thủ Đức.
Sau khi đã phun hết 7 tấn Cloramin B, ngày 2/8 Bộ Y tế yêu cầu ‘không phun hóa chất khử khuẩn ngoài trời và vào người do kém hiệu quả và ảnh hưởng xấu đến sức khỏe’ (Bộ Y tế, Cổng thông tin điện tử, 2/8). Cần phải lên án các chuyên gia, nhà khoa học xã hội chủ nghĩa là thế lực thù địch đã làm mất uy tín của một ủy viên trong bộ chính trị ở Hà Nội như bí thư Nguyễn Văn Nên.
Cuối cùng, Chỉ thị 16 giao quyền xử phạt cho các UBND xã phường, quận huyện nên các cán bộ cơ sở nồng cốt tùy tiện cấp giấy phạt. Biện pháp ‘sai đâu sửa đó’ của các cấp UBND là một cáo trạng dài. Chuyện một quan phó phường đã bắt giữ, xử phạt anh công nhân vì đã đi mua bánh mì, bị coi không phải là thực phẩm thiết yếu, đã gây bão trên trang mạng xã hội. Thêm vào đó, vì yêu cầu nghiêm ngặt người dân chỉ được ra đường khi cần thiết, các chính quyền địa phương đã có vô số quy định hành chánh thiếu sự bất nhất, thừa sự mâu thuẫn, chồng chéo lên nhau làm khổ dân. Giấy xét nghiệm Covid-19, giấy đi đường, giấy đi chợ, giấy công tác, giấy chứng minh nhân dân, giấy lái xe… Một người ra đường phải đếm lại bảo đảm có 5 loại giấy tờ tùy thân nếu không muốn bị phạt.
Ngày 23/7 thủ tướng Phạm Minh Chính trong một buổi họp trực tuyến với cấp thừa hành đã chỉ thị phải xiết chặt hơn nữa những biện pháp chống dịch. Kết quả, hiện tượng người dân quỳ lạy các hung thần áp dụng Chỉ thị 16 bắt đầu gây bão trên mạng.
Chiến lược chống dịch như cách ly, giản cách xã hội đã được áp dụng trên các quốc gia cùng bị đại dịch Covid-19. Nhưng chỉ ở Việt Nam mới sinh ra những tai họa mà thế giới chưa ai làm được. Chính phủ Phạm Minh Chính không thể biện minh cho sự yếu kém năng lực như là chưa có tiền lệ, như phải vừa học, vừa làm, vừa rút kinh nghiệm. Một nhà cầm quyền có bản lãnh và năng lực sẽ tỏa sáng rực rỡ khi bị thử thách. Ngược lại là nỗi nhục cho chế độ và cho 90 triệu người dân. Người ta thường nói lấy lửa thử vàng. Nếu lấy đại dịch Covid-19 làm lửa thử vàng, hình tượng các cấp lãnh đạo cộng sản Việt Nam đương nhiệm dưới lớp son thiếp vàng của tuyên giáo Trung ương chỉ toàn là đất sét.
Sơn Dương
(14/08/2021)
Quy hoạch nhân sự : Góp thêm họa cho đại dịch !
Trân Văn, VOA, 06/08/2021
Cứ đối chiếu cả diễn biến lẫn tác động của đợt dịch Covid-19 thứ tư tại Việt Nam đến dân sinh, kinh tế, xã hội, với các chỉ đạo về phòng, chống dịch, cũng như thực thi, chắc chắn sẽ thấy, việc lựa chọn – bổ nhiệm nhân sự lãnh đạo hệ thống chính trị, hệ thống công quyền từ trung ương đến địa phương đã khiến tai họa do đại dịch tăng nhiều lần…
Ông Phạm Minh Chính.
Bởi không dễ liệt kê đủ và đặc biệt là rất khó để lựa chọn những dẫn chứng tiêu biểu trong vô số dẫn chứng, có lẽ tốt nhất là so sánh các tuyên bố của ông Phạm Minh Chính – nhân vật vừa là Ủy viên Bộ chính trị, đại biểu Quốc hội, vừa là Thủ tướng để minh họa nhân sự đã góp phần khiến hậu quả của đại dịch trở thành nghiêm trọng thế nào…
***
Ngày 8 tháng 7, khi dịch Covid-19 tại Thành phố Hồ Chí Minh đã trở thành nghiêm trọng tới mức cần phải tiến hành phong tỏa toàn thành phố này (thực hiện Chỉ thị 16), hôm sau, ông Chính, trong vai trò vừa là người lãnh đạo hệ thống chính trị, vừa là người lãnh đạo hệ thống công quyền tại Việt Nam yêu cầu chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh phải thực hiện nghiêm các biện pháp trong Chiến lược phòng, chống dịch mà hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam đã đề ra và thực thi từ năm ngoái là "truy vết, cưỡng bức cách ly, khoanh vùng (cô lập khu vực có dịch)". Theo chỉ đạo của ông Chính, toàn hệ thống phải tiếp tục"đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng" (1).
Nói cách khác, ông Chính nói riêng và hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam nói chung, tiếp tục gạt bỏ tất cả cảnh báo của các chuyên gia dịch tễ, y tế, kinh tế về hậu quả của những biện pháp cực đoan khi dịch đã lan rộng, cũng như những khuyến nghị về việc nên áp dụng các biện pháp khoa học hơn, hữu hiệu hơn…
Cuối cùng thì chính thực tế chứng minh, cả ông Chính lẫn hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam đều sai, hậu quả thì như mọi người đã biết và đang thấy. Một số viên chức hữu trách thừa nhận :Đặt truy vết lên hàng đầu không còn phù hợp (2) ! Do vậy, chẳng riêng F1, ngay cả F0 cũng cho cách ly tại nhà vì tỉ lệ lây nhiễm, tỉ lệ tử vong trong các khu cách ly tăng chóng mặt, hệ thống y tế quá tải. Hôm 30 tháng 7, trong cuộc họp giữa chính phủ với lãnh đạo các tỉnh, thành phố, chính phủ thú nhận, thúc đẩy đeo đuổi "truy vết" là lý do khiếnmột số địa phương xét nghiệm quá thoải mái dẫn tới lãng phí tiền bạc và nhân lực(3)…
Ông Chính phản ứng ra sao khi thực tế cho thấy, yêu cầu"đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng" của chính ông khiến mọi thứ tồi tệ hơn ? Theo tường thuật của hệ thống truyền thông chính thức, ông vẫn… đặc biệt quan tâm, chỉ đạo rất quyết liệtnhưng lần này là… về vấn đề thu dung và nghiên cứu phân loại nhanh F0 theo tình trạng bệnh (rất nhẹ, nhẹ, nặng, rất nặng, cấp cứu) để có biện pháp quản lý phù hợp với năng lực cách ly và tập trung nguồn lực điều trị. Cụ thể, phân loại người nhiễm thành các tầng điều trị một cách khoa học, hợp lý, sát thực tế. Nhẹ, rất nhẹ có thể điều trị ở tuyến xã, huyện hoặc nghiên cứu điều trị thí điểm F0 không có triệu chứng tại nhà một cách an toàn, trên cơ sở thực tiễn và kinh nghiệm của thế giới, còn nặng, rất nặng thì chuyển lên tuyến trên(4) !
Không những không thừa nhận đã sai, Thủ tướng còn nhấn mạnh. Các ý kiến đều thống nhất đánh giá, thời gian qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Ban chấp hành trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, của đồng chí Tổng bí thư, các đồng chí lãnh đạo chủ chốt, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự hưởng ứng, đồng tình, ủng hộ của nhân dân và doanh nghiệp, chúng ta đã nỗ lực hết sức mình để đối phó dịch bệnh và đã đạt được một số thành tựu bước đầu, có nhiều tín hiệu tích cực,đồng thời lưu ý phải"hết sức tránh quan liêu, xa dân", không để tiêu cực, lãng phí, tham nhũng trong phòng chống dịch, triển khai tiêm vaccine bảo đảm an toàn, hiệu quả !
Hóa ra bất chấp các cảnh báo, khuyến nghị của cả chuyên gia lẫn góp ý của dân chúng thuộc nhiều giới, khăng khăng buộc các cấp thừa hành phải"đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng" không phải là "quan liêu, xa dân" ? Vừa xin dân góp tiền mua vaccine, vừa vung tiền vào những chuyện đã vô bổ còn gia tăng rủi ro như "truy vết, cưỡng bức cách ly", phun hóa chất khử khuẩn ngoài trời và vào người (5) chẳng lẽ là đúng đắn, không… "lãng phí" và nhờ vậy tránh được chuyện tạo điều kiện đểngăn chặn tiêu cực, tham nhũng trong phòng chống dịch ?
NếuBan chấp hành trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đồng chí Tổng bí thư, các đồng chí lãnh đạo chủ chốt, và cả hệ thống chính trị đừngchỉ đạo sát sao, không cùng vào cuộc như vừa qua, số ca nhiễm, số người chết có tăng hay sẽ giảm như các chuyên gia từng phân tích khi đưa ra các cảnh báo và khuyến nghị ?
Tương tự, dân sinh, kinh tế, xã hội có hỗn loạn, suy kiệt như đang thấy hay ổn định hơn ? Chẳng lẽ thực trạng tồi tệ như đã biết lại là thành tựu bước đầu và là những tín hiệu tích cực ? Thêm bao nhiêu ca nhiễm, bao nhiêu người chết, cần bao nhiêu doanh nghiệp kiệt sức, ngưng hoạt động thì sẽ tuyên bố thành công mỹ mãn ?
Không may cho người Việt là Ủy viên Bộ Chính trị, đại biểu Quốc hội, Thủ tướng Phạm Minh Chính nói riêng và hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam nói chung rất nhất quán trongchỉ đạo cũng nhưvào cuộc. Chẳng hạn như cách đối xử với nạn dân từ nhiều nơi, bỏ trú xứ về quê lánh nạn.
Ngày 16 tháng 7, giữa lúc thiên hạ sững sờ trước cảnh nạn dân bất kể đói, khát, phải ăn bờ, ngủ bụi, tuy thiếu phương tiện vận chuyển vẫn lũ lượt dắt díu nhau lánh nạn, ông Chính chỉ đạo :Các tỉnh, thành phải phối hợp với Thành phố Hồ Chí Minh lập kế hoạch chuyên chở người lao động về địa phương, thực hiện quy định cách ly, phòng chống dịch và chuẩn bị điều kiện cần thiết khác theo tinh thần hỗ trợ tối đa, không gây khó khăn, phiền hà cho dân và các tổ chức liên quan, không để tình trạng quy trình, thủ tục phức tạp, kéo dài(6).
Hai tuần sau, hôm 31 tháng 7, ông Chính ra lệnh cho chính quyền các địa phương :Tuyệt đối không để người dân di chuyển khỏi nơi cư trú từ sau ngày 31 tháng 7 tới khi hết giãn cách (7). Tuy lệnh này có kèm yêu cầu :Tổ chức hỗ trợ, cung cấp ngay, đủ lương thực, thực phẩm cho tất cả những người lao động nghèo, mất thu nhập, không còn dự trữ. Không để người dân nào thiếu ăn, thiếu mặc. Tổ chức hỗ trợ y tế cần thiết cho mọi người dân nhưng đến nay, đã có bao nhiêungười lao động nghèo, mất thu nhập, không còn dự trữ thực sự đượchỗ trợ, cung cấp ngay, đủ lương thực, thực phẩm từ chính quyền chứ không phải từ những người giàu từ tâm ?
Những ai sẽ chịu trách nhiệm và ông Chính có nằm trong số phải chịu trách nhiệm liên đới khi càng ngày càng nhiều người uổng mạng vì bị nhiễm Covid-19 trong các khu cách ly hay vì cần cấp cứu do mắc những bệnh khác song không nhận đượchỗ trợ y tế cần thiết bởi bất cập, bất nhất trong chỉ đạo và thực thi các giải pháp phòng, chống dịch ?
***
Nếu đọc kỹ những tuyên bố của ông Chính trong cuộc họp giữa chính phủ với lãnh đạo các tỉnh, thành phố vào ngày 30 tháng 7, người ta hẳn phải tự hỏi, tại sao trước đó hai ngày, ông Chính thừa nhận phải xem lại, phải thay đổivấn đề thu dung và nghiên cứu phân loại nhanh F0 theo tình trạng bệnh,không hăm hở truy vết theo kiểu"đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng" để cưỡng bức cách ly nữa, mà vẫn khẳng địnhcông tác phòng chống dịch bệnh đang đi đúng hướng, các chủ trương, đường lối, chính sách, quy trình rất nhất quán, rõ ràng, bám sát thực tiễn. Chẳng lẽ cứ là Thủ tướng thì có thể phủi tay, giũ sạch trách nhiệm khihạn chế, bất cập lớn nhất là khâu tổ chức thực hiện ?
Vai trò của Thủ tướng - người đứng đầu hệ thống công quyền là gì – khicác chủ trương, đường lối, chính sách, quy trình rất nhất quán, rõ ràng, bám sát thực tiễn song việc tổ chức thực hiện có nơi, có lúc chưa đạt hiệu quả, thậm chí còn trì trệ ? Thừa nhận hay không thì rõ ràng việc Thủ tướng – nhân vật lãnh đạo chính phủ - chuyển trách nhiệm của mình trong phòng, chống dịch bệnh sang những cá nhân lãnh đạo hệ thống công quyền các tỉnh, thành phố, có quan hệ nhân – quả với những bi kịch nhưthế nào là "thiết yếu", cái gì là… "thiết yếu", cho nạn dân qua hay chặn họ lại… khiến mức độ trầm trọng của thảm kịch tăng không ngừng.
Thủ tướng như thế thì Chủ tịch các tỉnh - thành phố, Chủ tịch các quận – huyện, Chủ tịch các phường – xã, tất nhiên cũng sẽ như thế, không giống như thế mới là khác thường. Đó cũng là lý do vì sao, trước nay, nhân sự lãnh đạo hệ thống chính trị, hệ thống công quyền từ trung ương đến địa phương luôn luôn phải được qui hoạch. Đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu. Quy mô, sự khốc liệt của thảm họa có như thế nào thì hệ thống chính trị, hệ thống công quyền cũng như thế và vẫn như thế !
Trân Văn
Nguồn : VOA, 06/08/2021
Chú thích :
(6) https://vnexpress.net/thu-tuong-khong-gay-kho-cho-nguoi-tu-tp-hcm-ve-que-4325589.html
***********************
Sự ngạo nghễ quá sớm của Việt Nam trong chống dịch đã vụt tắt và đọng lại là sự thụ động trong chiến lược chống dịch. Tổng số người được tiêm hai mũi vắc-xin Covid ở Việt Nam chiếm chưa tới 1% dân số và xếp trong nhóm chót bảng trên thế giới , chỉ hơn được vài nước Châu Phi như Nigeria, Congo hay Sudan.
Điều này góp phần dẫn tới tỷ lệ tử vong vì Covid lên tới trên 4% tổng số các ca đã có kết quả cuối cùng, cao hơn so với chỉ 1% ở ít nhất là hai nước ASEAN khác như sẽ được đề cập ở phần sau.
Không chỉ chiến lược vắc-xin của Việt Nam vỡ trận mà lòng người cũng ly tán vì vắc-xin. Người giàu có, giỏi quan hệ nhiều khả năng được tiêm trước trong khi rất nhiều người dị ứng với vắc-xin của Trung Quốc.
Trong khi đó với các cấp độ khác nhau, vắc-xin của Trung Quốc đã góp phần giúp Cam-pu-chia tiêm chủng được cho 34% dân số, Malaysia 23%, Lào gần 12%, Philippines 9.5%, Indonesia 8%, Brunei trên 7% và Thái Lan 6%.
190 triệu liều vắc-xin Trung Quốc
Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị hôm 4/8 được dẫn lời nói Trung Quốc đã cung cấp 190 triệu liều vắc xin cho 10 nước thành viên ASEAN dù đây là con số chưa được kiểm chứng.
Singapore không nằm trong số các nước ưa dùng vắc-xin của Trung Quốc nhưng mua được các loại vắc-xin của phương tây về tiêm hai mũi cho hơn 60% dân số. Nước ASEAN còn lại, Myanmar đã chủng ngừa toàn diện cho gần 3% dân số.
Như vậy cho tới nay Việt Nam vẫn là nước kém nhất trong số 10 nước ASEAN khi tiêm chủng hai mũi cho chưa tới 1% dân số.
Mặc dù hai loại vắc-xin của Trung Quốc, Sinopharm và Sinovac, không hiệu quả như Pfizer, Moderna hay AstraZeneca, cả hai đều nằm trong danh sách bảy vắc-xin đã được Tổ chức Y tế Thế giới phê duyệt cho chương trình tiêm chủng toàn cầu.
Cũng vì tính hiệu quả kém hơn của Sinopharm và Sinovac mà các nước như Indonesia và Thái Lan hiện đang đổi chiến lược tiêm vắc-xin cho người dân. Thay vì tiêm cả hai mũi vắc-xin Trung Quốc, người ta sẽ tiêm mũi thứ hai bằng vắc-xin AstraZeneca trong trường hợp Thái Lan và Moderna cho người dân ở Indonesia, theo BBC.
Một điều nữa cần nói là Sinopharm, loại Việt Nam vừa quyết định nhập về năm triệu liều, có hiệu quả tốt hơn Sinovac. Dù khả năng chống lây nhiễm kém hơn các vắc-xin của phương tây, hai loại vắc-xin Trung Quốc được cho là khá hiệu quả trong việc giảm các trường hợp nhiễm bệnh nặng và tử vong. Tuy nhiên đó là kết quả nghiên cứu đối với Covid xuất phát từ Vũ Hán chứ không phải biến thể từ Anh hay từ Ấn Độ.
Trước tình hình khan hiếm vắc-xin, Việt Nam dường như cũng đã chấp nhận phải dùng loại vắc-xin kém hiệu quả hơn để giảm các ca bệnh nặng và số người chết vì Covid. Đây rõ ràng không phải là giải pháp tối ưu nhưng nó là giải pháp duy nhất hiện có. Việt Nam cũng có thể thử nghiệm tiêm liều một bằng Sinopharm và liều hai bằng AstraZeneca, Pfizer hay Moderna.
Tỷ lệ tử vong tới 4,47% ở Việt Nam
Tính tới ngày 5/8, Việt Nam có tổng cộng 185.004 ca nhiễm và 124.248 ca đang được điều trị, theo VnExpress. Tổng số ca đã có kết quả cuối cùng là 60.760 trong đó 58.040 người khỏi và 2.720 tử vong. Tỷ lệ người chết như vậy là 4,47% (2.720/60.760). Tỷ lệ này cao hơn nhiều so với con số 1% ở Thái Lan và Malaysia. Nó cũng lớn hơn tỷ lệ 3,35% của Indonesia. Lý do có thể là bệnh viện quá tải không chữa trị kịp cộng với số người được chủng ngừa quá ít so với các nước khác. Cũng chưa rõ tỷ lệ phần trăm ca nhiễm chủng Ấn Độ ở Việt Nam so với các nước láng giềng ra sao. Chủng Delta có khả năng lây nhiễm nhanh cũng như dễ dẫn tới tử vong hơn.
Cả bảy loại vắc-xin được Tổ chức Y tế Thế giới khuyên dùng đều có khả năng giảm bệnh nặng và nhất là giảm số trường hợp tử vong ở các mức độ khác nhau. Điều nhiều bác sỹ đã khẳng định là tiêm bất cứ loại vắc-xin nào cũng tốt hơn là không tiêm. Nhưng không có loại vắc-xin nào là thần dược và loại bỏ hoàn toàn khả năng tử vong, nhất là đối với những người già yếu và có bệnh nền.
Không có gì khó hiểu khi không ít người Việt nói không với vắc-xin Trung Quốc. Tại Nga nhiều người còn trả tiền cho bác sỹ để lấy giấy đã tiêm vắc-xin trong khi thực tế họ chưa hề có giọt vắc-xin nào trong người. Khi con người không có niềm tin với một loại vắc-xin nào đó, hay thậm chí là với tất cả các loại vắc-xin Covid, thuyết phục người ta bảo vệ chính họ và cộng đồng không dễ như chúng ta nghĩ.
Việt Nam và ‘không bỏ ai lại phía sau’ !
Trân Văn, VOA, 05/08/2021
Không bỏ ai lại phía sau – đã trở thành điều mà cả cựu Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (1) lẫn tân Thủ Tướng Phạm Minh Chính (2) thay nhau lập đi, lập lại từ khi Covid-19 bùng phát, trở thành đại dịch toàn cầu.
Không bỏ ai lại phía sau – đã trở thành điều mà cả cựu Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lẫn tân Thủ Tướng Phạm Minh Chính thay nhau lặp đi, lặp lại từ khi Covid-19 bùng phát
Tuy "no one left behind" có từ lâu và phổ biến ở phương Tây nhưng đó không phải khẩu hiệu. Đó là phương châm cả cho hoạch định chính sách phát triển kinh tế, xã hội lẫn trên chiến trường và theo sau luôn có đủ loại giải pháp nhằm "không bỏ ai lại phía sau"…
Còn tại Việt Nam, sau khi giới lãnh đạo hệ thống chính trị, hệ thống công quyền vay mượn ý tưởng của thiên hạ, bi bô như thế, thực tế cho thấy… đúng là không ai rớt lại phía saubởi tất cả đều tự phải rướn phía trước cho đến lúc kiệt sức !
***
Suốt bốn đợt dịch kéo dài từ năm ngoái đến nay, có người Việt nào không thấy thắt lòng khi đồng bào và cũng là đồng loại của mình khốn khổ, không thấy thổn thức khi"bầu" và "bí" hỗ trợ nhau bằng đủ mọi cách bởi"chung một giàn" ?
Chẳng riêng mạng xã hội, hệ thống truyền thông chính thức cũng đầy những lời tán thán trước vô số thông tin, hình ảnh chứng tỏ, bất kể thế nào, mức độ tai họa trầm trọng và tương lai chưa biết ra sao thì nạn dân vẫn giúp nhau, "người vẫn thương người" !
Tuy nhiên sự sẻ chia hết sức tử tế ấy vẫn không đủ để nâng đỡ nhiều nạn dân, khiến họ an tâm về tương lai của chính họ và gia đình họ. Hàng triệu, hàng triệu người đã rời bỏ trú xứ, lên đường về quê lánh nạn. Đàn ông, phụ nữ, người già, kể cả trẻ thơ… ra đi bằng mọi cách : Phần lớn dùng xe hai bánh gắn máy nhưng cũng không ít người đạp xe, đi bộ ! Không ít người phải vượt qua quãng đường hàng ngàn cây số… May mắn cho họ và cũng là may mắn cho xứ sớ này là đã có hàng ngàn, hàng chục ngàn người tham gia tiếp sức : Tặng thực phẩm, nước uống, tặng tiền, cho xăng, giúp sửa xe… Nhiều người Việt hai lần ứa nước mắt, một lần cho những nghịch cảnh và một lần nữa trước tình thương !
Song tình thế đã khác. Nếu theo dõi diễn biến mạng xã hội. Nhiều người, nhiều giới, kể cả doanh giới vốn tận lực"chia ngọt, sẻ bùi" cũng đã kiệt sức. Chẳng cá nhân, nhóm, doanh nghiệp nào đủ khả năng tiếp ứng đồng bào của mình ròng rã nhiều tháng !
Giữa bối cảnh Covid-19 lan tràn, sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh đình đốn, chính phủ hoan hỉ khoe… nguồn thu vẫn tăng ! Hồi cuối tháng 5, Tổng cục Thuế loan báo :Bất chấp dịch, nguồn thu cho ngân sách trong năm tháng đầu năm tăng 120% so với cùng kỳ năm ngoái (3). Đầu tháng 7, Bộ Tài chính cho biết thêm :Thu ngân sách trong sáu tháng đầu năm nay bằng 57,7% dự tóan, tăng 15,3% so với cùng kỳ năm 2020, trong khi chi (bao gồm cả chi cho hoạt động phòng, chống dịch) chỉ khoảng 41,2% dự toán.Nói cách khác, dù đã phong tỏa nhiều nơi trong sáu tháng đầu năm, trong đó có Thành phố Hồ Chí Minh, nhiều người, nhiều giới khốn đốn, chi tiêu của chính phủ vẫn… thấp hơn gần 10% so với dự chi(4).
Năm ngoái, khi dân chúng lẫn doanh giới vất vả vật lộn với đủ loại khó khăn do dịch Covid-19, chính phủ Việt Nam từng loan báo, sẽ chi 62.000 tỉ hỗ trợ nhưng cuối cùng, 62.000 tỉ này trở thành thứ mà dân chúng mỉa mai, muốn có thì… lên TV mà nhận !
Thượng tuần tháng 7 năm nay, tại cuộc họp báo công bố khoản hỗ trợ mới trị giá 26.000 tỉ, Bộ trưởng Lao động – Thương binh – Xã hội phân bua, sở dĩ gói hỗ trợ 62.000 tỉ bị mỉa mai vì nhiều tiêu chí chặt chẽ, nhiều thủ tục, thời gian xem xét có khi phải cả tháng, nhanh cũng mất 10 ngày, song giờ, quyết định hỗ trợ mới sẽ rút ngắn thời gian, thủ tục chỉ còn bốn ngày, thêm ba ngày để giải ngân, nghĩa là trong vòng tối đa bảy ngày, tiền hỗ trợ sẽ đến tay người cần được giúp bởi… làm chậm là có lỗi với dân, làm sai thì có tội với dân(5)… Sắp bảy lần của bảy ngày nhưng đã có bao nhiêu cá nhân, gia đình được hỗ trợ từ gói hỗ trợ mà chính phủ tuyên bố là… táo bạo chưa từng cóấy ?
***
Nếu có hỗ trợ… táo bạo chưa từng có, chắc chắn cũng sẽ không có cảnh nhiều người Việt run rẩy vì đói, khát, vât vưởng, vật vờ do không còn nơi náu thân. Chắc chắn nhiều người Việt không ứa nước mắt khi phải chứng kiến đồng bào của mình lũ lượt rời bỏ trú xứ, chấp nhận ăn bờ, ngủ bụi để về quê tránh cả dịch lẫn cảnh đói, khát. Nếu có hỗ trợ… táo bạo chưa từng có, chắc chắn người Việt không phải tự thành lập những nhóm kiểu như… giúp thở vì nhiều đồng bào mắc dịch song không những không đủ nơi cứu chữa mà còn thiếu cả bình chứa oxy (6). Nếu có hỗ trợ… táo bạo chưa từng có cũng sẽ không có chuyện càng ngày càng nhiều nạn dân xin giúp táng cha mẹ, vợ con (7).
Làm sao có thể hỗ trợ… táo bạo chưa từng có khi cả ngân sách trung ương và ngân sách địa phương vừa bố trí kinh phí cho các nhiệm vụ chi phòng, chống dịch Covid-19, vừa phải bảo đảm cơ sở vật chất và các điều kiện cần thiết phục vụ công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa 15 và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026(5). Chưa kể hỗ trợ… táo bạo chưa từng có thì làm sao chính phủ còn cơ hội để khoe, bất chấp dịch, sáu tháng đầu năm nay, thu cho ngân sách vẫn tăng và giảm được chi ?
Sau ông Nguyễn Xuân Phúc, ông Phạm Minh Chính tiếp tục bi bô :Không bỏ ai lại phía sau- vì tất cả người Việt bất kể giàu – nghèo, đàn ông – đàn bà, người già – trẻ con bị đẩy vào tình thế phải ráng bươn lên phía trước bởi hệ thống chính trị này, hệ thống công quyền này không bận tâm đến ai. Hôm qua, chính quyền tỉnh Thừa Thiên – Huế đã chấp nhận đón nhận 23 cư dân Thừa Thiên – Huế về quê lánh nạn sau khi họ kêu cứu vì… không được về nhà. Một viên chức hữu trách của Thừa Thiên – Huế tuyên bốsẽ điều tra , xử lý những ‘chuyến xe 0 đồng’ (những chuyến xe do các doanh nghiệp vận tải thực hiện để giúp các nạn nhân về quê nhưng không lấy tiền)vì làm tình hình phức tạp hơn(8).
Không bỏ ai lại phía sautheo kiểu Việt Nam dường như là vì sẽ không còn ai ở phía sau. Không cố đi, thậm chí bò, trườn tới phía trước thì không còn cơ hội hiện hữu ở Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam sau đại dịch nữa !
Trân Văn
Nguồn : VOA, 05/08/2021
Chú thích :
(3) https://tuoitre.vn/ngan-sach-tang-thu-5-thang-dau-nam-2021-bat-chap-dich-20210531191351566.htm
(6) https://vnexpress.net/cha-de-atm-gao-lam-atm-oxy-cho-benh-nhan-4335660.html
(7) https://plo.vn/thoi-su/lanh-dao-chinh-phu-va-tphcm-vao-cuoc-tu-status-thay-co-oi-1005809.html
(8) https://plo.vn/xa-hoi/23-nguoi-hue-phai-cau-cuu-cong-an-da-nang-da-duoc-ve-hue-cach-ly-1005991.html
Đợt dịch Covid-19 thứ 4 thách thức năng lực chế độ và niềm tin của người dân
Phạm Quý Thọ, RFA, 02/08/2021
Kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát từ đầu năm 2020 đến ngày 1/8/2021, Việt Nam đã ghi nhận hơn 150 nghìn ca nhiễm, hơn 38 nghìn người khỏi bệnh, gần 11 nghìn bệnh nhân đang điều trị và gần 1,5 nghìn ca tử vong. Riêng Thành phố Hồ Chí Minh chiếm khoảng 62% tổng số ca nhiễm Covid-19. Trong những ngày gần đây, số ca nhiễm và số tử vong tăng nhanh. Đợt dịch thứ 4, gây ra tới 98% tổng số ca nhiễm và tử vong, được cho là "nguy hiểm nhất" bắt đầu từ ngày 27/4/2021 đang diễn ra "rất phức tạp" khi xuất hiện biến thể Delta có khả năng lây lan nhanh, ít triệu chứng để nhận biết, thời gian ủ bệnh ngắn và dễ gây tử vong.
Công an đứng cạnh một chốt kiểm soát phòng dịch Covid-19 ở Hà Nội hôm 29/7/2021 - AFP
Ba đợt dịch trước dù kéo dài hơn một năm và kết quả chống dịch Covid-19 được "ca ngợi", nhưng đã không lường được sự thay đổi của dịch với những tình huống phức tạp và kéo dài, bởi vậy đã không phản ánh đầy đủ về năng lực của chính quyền và niềm tin từ người dân – yếu tố quyết định chiến thắng đại dịch. Khái quát về các giải pháp chống dịch gồm : Kích hoạt "tình trạng thời chiến", sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, ưu tiên sử dụng biện pháp hành chính với "5 K" là biểu tượng, nhanh chóng huy động nhân lực và vật lực, đặc biệt trong những lĩnh vực biệt lập và ngắn hạn.
Chiến dịch phản ánh lợi thế và sự quyết tâm của chế độ đảng cộng sản toàn trị. Các văn bản pháp lý chống dịch được Chính phủ thực thi gồm Chỉ thị 15 ban hành ngày 27/3/2020, Chỉ thị 16 (31/3/2020) và 19 (24/4/2020) theo các cấp độ nghiêm ngặt khác nhau. Chỉ thị 16 ở mức cao nhất và nhấn mạnh cách tiếp cận về giãn cách xã hội, phong toả, truy vết nghi lây nhiễm F0 để điều trị ở bệnh viện và tiếp xúc gần F1 để cách ly tập trung trong các cơ sở được chuẩn bị trước. Sáu bài học kinh nghiệm trong công tác phòng chống dịch được Bộ Y tế tổng kết ngày 16/4, trong đó chủ yếu là các giải pháp thiên "hành chính" nêu trên, nhưng đã thiếu các kịch bản với quy mô lớn và tính chất phức tạp hơn mang tính khả thi, ngoài ra chiến lược vắc-xin đã bị coi nhẹ.
Tại Thành phố Hồ Chí Minh – hiện là trung tâm dịch của đợt 4, sự bùng phát lây lan dịch bệnh trong cộng đồng, số ca lây nhiễm và tử vong tăng nhanh khiến cho phương châm "4 tại chỗ" (chỉ huy, lực lượng, phương tiện, vật tư và hậu cần tại chỗ) chống dịch đã không thể đáp ứng trước thực trạng "rất phức tạp". Các cấp độ "thít chặt" tăng dần được áp dụng, từ Chỉ thị 11 của Ủy ban Nhân dân đến Chỉ thị 16 và mới đây là Chỉ thị 16+, nghĩa là kéo dài hơn và nghiêm ngặt hơn như kể từ cuối tháng 7/2021 người dân bị cấm đi lại từ 18h tối đến 6h được áp dụng cho toàn thành phố. Ngoài ra, 18 tỉnh thành phố miền tây Nam Bộ đang áp dụng Chỉ thị 16, nhiều tỉnh thành khác số ca lây nhiễm trong cộng đồng cũng đang có xu hướng tăng. Thủ đô Hà Nội đã vừa áp dụng Chỉ thị 16…
Ông Thủ tướng chính phủ đã nêu ra "những hạn chế" về phòng chống dịch Covid-19 trong cuộc họp trực tuyến của Chính phủ với 21 tỉnh, thành tối ngày 23/7/2021. Tình hình "rất phức tạp" của đợt dịch này đang thách thức năng lực của chế độ và niềm tin của người dân vào chế độ.
Vỉa hè ở Thành phố Hồ Chí Minh bị chăng dây ngăn khi thành phố thực hiện lệnh phong toả và giới nghiêm hôm 26/7/2021. AP
Năng lực của chế không chỉ thể hiện qua quyền lực được tập trung thế nào, mà còn là chính quyền trung ương và địa phương cần có tầm nhìn chính sách, kiến thức chuyên môn, kỹ năng thực thi và sự công bằng để đưa ra những đánh giá tốt nhất hiện có. Ngoài ra, năng lực còn là nguồn lực sẵn có để chống dịch – cái mà chúng ta đang thiếu để đáp ứng tình hình dịch bệnh sẽ còn tiếp diễn căng thẳng.
Việc trao đặc quyền điều hành đã được trao cho chính quyền một cách nhanh chóng để đối phó với tình trạng khẩn cấp về dịch bệnh Covid-19 hiện nay. Đảng CS đã ban hành chỉ thị chủ trương chống dịch, Quốc hội đã thông qua cơ chế đặc thù ngay tại Kỳ họp thứ nhất vừa qua, cho phép Chính phủ áp dụng các biện pháp "chưa từng có trong luật" để chống dịch. Và Chính phủ đã thành lập các tổ công tác đặc biệt của thủ tướng tại trung tâm dịch…. Nhưng việc sử dụng hiệu quả quyền lực được trao còn phụ thuộc trước hết vào sự tin tưởng của người dân.
Các chốt chặn có thể nhanh chóng được dựng lên với nhiều lực lượng tham gia, nhưng nếu quyền lực rơi vào tay những kẻ lơ là với công vụ hoặc có thói quen "độc đoán", thì cách xử lý kiểu như "bánh mỳ không phải là thực phẩm thiết yếu" hay hành vi thô bạo của chúng với người dân sẽ là cách đánh mất niềm tin nhanh nhất.
Việc quan tâm đến người dân, người lao động nghèo trong vùng phong toả cần đặt lên hàng đầu trong chống dịch. Đứt gãy nguồn cung ứng hàng hoá thiết yếu đã ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống của họ. Thiếu cơ chế bình đẳng, chủ động trong cứu trợ dẫn đến sự phân biệt đối xử giữa cư dân trong và ngoài tỉnh cũng gây ra "nghẽn cục bộ" và những phiền phức, vất vả cho hàng đoàn người "chạy dịch về quê".
Việc hỗ trợ trực tiếp cho người dân, lao động nghèo và doanh nghiệp bộc lộ sự thiếu cơ chế tiếp cận minh bạch. Sự "thất bại chính sách" từ gói hỗ trợ 62 nghìn tỷ đồng, được Thủ tướng chính phủ ký từ tháng 4/2020, chứng tỏ "sự lúng túng" trong thực thi và bị níu kéo bởi tâm lý "có thể bị đối tượng lợi dụng" hoặc "sợ trách nhiệm". Gói hỗ trợ mới 26 nghìn tỷ đồng từ 7/2021 là chưa đủ với quy mô dịch bệnh và tầm nhìn về hiệu quả dài hạn.
Linh hoạt thực hiện mục tiêu kép có thể là cần thiết đối với từng địa bàn tuỳ thuộc vào đặc thù, chẳng hạn thích hợp với các khu công nghiệp ở Bắc Giang, nhưng không với Bình Dương. Tuy nhiên, trong mọi tình huống, sự an toàn trước dịch bệnh và sự tự nguyện của người lao động cần được đặt lên hàng đầu….
Chiến lược vắc-xin đã thay đổi quan niệm các biện pháp hành chính "tốn kém" mà không quyết định thắng dịch. Cơ chế mua, thành lập Quỹ Vắc-xin với sự huy động từ cộng đồng doanh nghiệp và người dân, sản xuất vắc-xin trong nước và ngoại giao vắc-xin được thúc đẩy mạnh. Tuy nhiên, cần có cơ chế nghiêm ngặt phòng ngừa và kiểm soát trục lợi và công khai, minh bạch cách tiếp cận như xét nghiệm, tiêm phòng vắc-xin. Việc triển khai tiêm còn chậm dù đã có vắc-xin, ngoài ra, sự ưu ái cho cháu của "ông ngoại" luôn là hình ảnh phản cảm, gây bức xúc dư luận.
Cuộc chiến phòng chống dịch được xác định còn phức tạp và kéo dài nếu chưa tiêm vắc-xin đủ cho ít nhất 70% số dân. Hệ thống y tế tại Thành phố Hồ Chí Minh và 18 tỉnh miền Nam đang quá tải, thiếu trang thiết bị, nhân lực y tế… đang diễn ra và tình huống cách ly tại nhà có điều kiện đối với các ca F0 và F1 đang được triển khai…
Tóm lại, điều chủ yếu không phải chế độ có quyền lực chuyên chế đến đâu, mà mọi nỗ lực phòng chống dịch phải hướng tới người dân, không phân biệt địa vị xã hội, giàu nghèo, trong hay ngoài tỉnh..., tất cả phải bình đẳng, công khai tiếp cận về lương thực phẩm, gói cứu trợ, trợ giúp y tế và tiêm vắc-xin. Vắc-xin quyết định thắng đại dịch Covid-19, và niềm tin là điều quan trọng nhất quyết định số phận của chế độ xã hội.
Phạm Quý Thọ
Nguồn : RFA, 02/08/2021
Anh Vũ, RFI, 06/08/2021
Sau hai tuần thực hiện giãn cách xã hội chống dịch Covid-19 theo chỉ thị 16 của chính phủ Việt Nam, tình hình dịch vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, hôm nay, 06/08/2021, thủ đô Hà Nội quyết định kéo dài thêm 15 ngày áp dụng các quy định giãn cách xã hội.
Lực lượng xung kích tình nguyện huyện Ninh Phước ngày đêm trực chốt kiểm soát dịch tại thị trấn Phước Dân, nơi có nhiều điểm phong tỏa. Ảnh : TTXVN
Theo truyền thông Việt Nam, chiều ngày hôm nay, chủ tịch thành phố Hà Nội đã ký công điện hỏa tốc về quyết định tiếp tục thực hiện cách ly toàn xã hội đến 6h ngày 23/08 trên phạm vi toàn thành phố để phòng chống dịch Covid-19.
Trước tình hình dịch Covid-19 lây lan mạnh, thành phố Hà Nội đã thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ thị 16 của thủ tướng chính phủ và chỉ thị 17 của thành phố từ ngày 24/07 đến 07/08, theo đó người dân được yêu cầu ở trong nhà, chỉ ra đường khi thực sự cần thiết, ngừng mọi hoạt động không thiết yếu, thực hiện cách ly giữa các gia đình, cụm dân cư, địa phương. Tuy nhiên, số ca nhiễm mới trên địa bàn thành phố vẫn tiếp tục ở mức 50-70 ca mỗi ngày. Nhiều ca nhiễm mới xuất hiện trong cộng đồng nhưng không xác định được nguồn lây nhiễm. Tổng số ca nhiễm trên địa bàn thành phố Hà Nội trong đợt dịch thứ 4, tính từ ngày 27/4 đến ngày hôm nay, là trên 1.700 người.
Trước ngày hết hạn đợt giãn cách hiện tại, lãnh đạo thành phố Hà Nội đã họp sáng hôm nay và đánh giá "nguy cơ dịch bệnh của thành phố đang ở mức rất cao và khó lường" và "nguy cơ mắc trong cộng đồng có thể tăng lên trong một số ngày tới", theo trang mạng Vietnamnet.
Về tình hình chung của cả nước, dịch Covid-19 vẫn tiếp tục lây lan không kiểm soát được. Liên tiếp nhiều ngày qua, trung bình cả nước mỗi ngày ghi nhận trên 7.000 ca nhiễm mới, tâm dịch vẫn là thành phố Hồ Chí Minh với trên 4.000 ca mỗi ngày. Các ca nhiễm mới tiếp tục được phát hiện ở trên dưới 40 tình thành hàng ngày, chủ yếu tại các địa phương phía nam. Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã phải kéo dài thêm 2 tuần giãn cách xã hội.
Anh Vũ
**********************
Phản ứng của người dân khi Hà Nội gia hạn giãn cách thêm hai tuần do Covid-19
RFA, 06/08/2021
Ngày 6 tháng 8, Thành ủy Hà Nội, cơ quan cao nhất của Đảng Cộng Sản tại thành phố Hà Nội, ra quyết định kéo dài thời hạn giãn cách xã hội tại thành phố thêm 15 ngày, cho đến ngày 23 tháng 8.
Công an đứng canh tại một nơi chắn đường ở Hà Nội hôm 24/7/2021 / AP
Hà Nội bắt đầu đợt giãn cách xã hội lần này từ ngày 24 tháng 7, với việc gia hạn thêm 15 ngày thì thời gian giãn cách xã hội sẽ lên đến gần một tháng.
Trong thời gian giãn cách xã hội, người dân chỉ được ra khỏi nhà khi thực sự cần thiết, bao gồm : mua đồ ăn và dược phẩm, đi cấp cứu, hoặc khám chữa bệnh, đi tiêm chủng và các trường hợp khẩn cấp khác ; đi thực hiện công vụ, hoặc làm việc tại công sở, nhà máy, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu.
Theo thông báo, Công an Hà Nội đã xử phạt hàng trăm người vì vi phạm lệnh giãn cách xã hội, trong số những người bị phạt có những người ra đường để tập thể dục, điều này dấy lên tranh cãi về việc liệu lệnh cấm ra đường có quá khắt khe.
Anh Nguyễn Biên, một người dân Hà Nội cho RFA biết phản ứng của anh về lệnh gia hạn giãn cách xã hội :
"Nói chung là vì năm ngoái đã có thời gian hai tháng liền phải giãn cách xã hội, thì tôi thấy cái này nó chỉ là điều tương tự thôi.
Thế nhưng mà tôi thấy lo nhất là cái việc nếu mà mình cứ giãn cách như thế này, mình không có một cái chiến lược cụ thể gì, chỉ là giãn cách thôi trong khi đây lại là vi-rút chủng mới lây lan rất là kinh, thì không biết cái việc giãn cách thế này có giải quyết được không, nếu giãn thêm hai tuần nữa.
Và nếu tình trạng nó cứ tiếp tục diễn ra thế này thì thành phố sẽ giãn tiếp mãi mãi à ?"
Đối với những người đủ ăn đủ mặc thì giãn cách xã hội có nghĩa là các hoạt động thường nhật bị gián đoạn, nhưng với người nghèo thì hệ lụy của việc xã hội ngưng trệ lớn hơn rất nhiều.
Anh Biên nói thêm về vấn đề này :
"Cực kỳ nhiều trường hợp khó khăn bởi vì họ bị tắc ở Hà Nội không về quê được, bây giờ nhà trọ thì cũng không có tiền trả, rồi không có việc để làm, không có nọ kia các thứ.
Bởi vì dịch nên là họ sẽ bị khó khăn chồng chất như thế, mà bây giờ giãn cách hai tuần họ đã đói, họ đã không có việc làm, thu nhập và bắt đầu nợ nần rồi thì không biết giãn cách thêm hai tuần nữa, hoặc có thể thêm hai tháng nữa thì không biết những tình huống thế nó như thế nào, tại vì họ cũng không thể rời hà nội, không về tỉnh được. Đấy là cái mà tôi thấy rất là dở !"
RFA đã liên hệ được với một nhóm thiện nguyện chuyên hỗ trợ những người gặp khó khăn ở Hà Nội và được biết những đối tượng bị tác động nhiều nhất trong thời kỳ giãn cách xã hội này là những người tàn tật, những người làm nghề xe ôm, bán ve chai, và những người già cả.
Một người trong nhóm thiện nguyện trên cảm thán rằng "nếu tiếp tục giãn cách 15 ngày nữa thì nhiều người sẽ khổ lắm !"
Ngày 21 tháng 7, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội ra quyết định hỗ trợ người lao động, và người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố, cụ thể người lao động bị mất việc có thể được hỗ trợ 1,5 triệu đồng.
Tuy nhiên, để nhận được khoản hỗ trợ trên thì người dân phải trải qua thủ tục làm hồ sơ đề nghị, và chính sách này chỉ áp dụng đối với những người cư trú hợp pháp.
Theo thông tin của Bộ Y Tế, Hà Nội cho đến nay đã ghi nhận 2.069 ca nhiễm Covid-19, số ca tử vong là 25.
RFA tiếng Việt
***********************
Thành phố Hồ Chí Minh có trên 2.000 ca tử vong, lò thiêu hoạt động 24/24
RFA, 06/08/2021
Theo trang thông tin về dịch bệnh của Bộ Y tế Việt Nam, tính đến ngày 6/8 Thành phố Hồ Chí Minh hiện có ít nhất 2.105 ca tử vong vì Covid-19 khiến lò thiêu phải hoạt động hết công suất.
Xét nghiệm Covid-1 ở Thành phố Hồ Chí Minh - AFP
Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Toàn Thắng hôm 5-8 cho hay, các bệnh nhân tử vong do Covid-19 tại thành phố được hỏa táng tại trung tâm hỏa táng Bình Hưng Hòa (Lò thiêu Bình Hưng Hòa) và lò đang hoạt động 24/24 giờ.
Theo Vietnam Plus, ông Nguyễn Đình Thắng phủ nhận chuyện tăng giá hỏa táng và từ chối nhận ca tử vong do Covid-19 tại Bình Hưng Hòa.
Ông Thắng cho biết thêm, sau khi hỏa táng, tro cốt sẽ được lưu trữ tại điểm lưu trữ của Công ty Môi trường đô thị, có dán đầy đủ thông tin của người mất đến khi gia đình có điều kiện nhận tro cốt sẽ giao lại.
Nếu người mất thuộc diện hộ nghèo, UBND thành phố sẽ chi ngân sách để hỗ trợ toàn bộ chi phí ở các khâu cho người dân, Giám đốc Sở TN&MT Thành phố Hồ Chí Minh cho biết.
Ngoài ra, Sở Y tế thành phố khẳng định, hiện nay chi phí cách ly, khám chữa bệnh cho bệnh nhân liên quan Covid-19 và những chi phí khác (trong trường hợp có bệnh nhân mất vì Covid-19) được miễn phí hoàn toàn.
RFA tiếng Việt
**********************
Việt Nam : Tiêm chủng quá chậm chạp, Covid hoành hành ở Sài Gòn
Thụy My, RFI, 04/08/2021
Chiến dịch tiêm chủng chống Covid-19 ở Việt Nam còn quá chậm chạp tại nhiều vùng, theo tuyên bố của bộ trưởng Y Tế hôm 03/08/2021 được Reuters trích dẫn, trong khi cả nước đang phải đối phó với đợt dịch tệ hại nhất từ trước đến nay.
Nhân viên y tế chờ được tiêm chủng AstraZeneca tại Bệnh viện các Bệnh Nhiệt đới Hải Dương, Việt Nam, ngày 08/03/2021. Reuters - Thanh Hue
Việt Nam đã thành công trong việc chống dịch năm ngoái. Nhưng đợt dịch mới do biến thể Delta gây ra đã khiến trên 170.000 người bị lây nhiễm kể từ cuối tháng Tư, tăng thêm áp lực cho chính quyền phải nhanh chóng triển khai chích ngừa Covid. Bộ trưởng Y Tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh, tiêm chủng từ nay phải là nhiệm vụ hàng đầu và khẩn cấp của các địa phương.
Số liệu của bộ Y Tế cho thấy chỉ mới có 700.000 người được tiêm chủng đủ hai liều, tức chưa đầy 1% trong tổng số 98 triệu dân Việt Nam, kể từ khi bắt đầu chiến dịch chích ngừa vào tháng Ba. Bảy triệu liều vac-xin đã được sử dụng, chiếm 42,5% số vac-xin đã nhận được cho đến nay.
Đợt dịch mới khiến một phần ba tỉnh thành Việt Nam phải hạn chế di chuyển, đặc biệt thành phố Hồ Chí Minh (Sài Gòn cũ) phải phong tỏa nghiêm ngặt. Kể từ 27/07, số ca mới bị nhiễm trên toàn quốc là 170.563. Số người tử vong vì Covid cho đến hôm qua là 2.071, trong đó trên 95% trong tháng vừa qua, có 463 bệnh nhân nặng và 20 bệnh nhân nguy kịch phải dùng ECMO. Chỉ riêng trong ngày hôm qua 03/08 đã có 8.429 ca dương tính mới, trong đó Sài Gòn chiếm 4.171 ca, mỗi ngày có hơn 5.000 cuộc gọi cấp cứu từ bệnh nhân Covid ở Sài Gòn.
Chính quyền tuần trước loan báo sẽ đẩy nhanh chiến dịch tiêm chủng tại Sài Gòn, và từ nay thành phố tập trung cho việc giảm tử vong. Báo chí trong nước dẫn lời phó chủ tịch Dương Anh Đức cho biết trong tháng Tám thành phố này cần đến 5,5 triệu liều vac-xin và cần được cấp sớm. Thông tin Sài Gòn nhận được 1 triệu liều vac-xin Sinopharm của Trung Quốc do tập đoàn Vạn Thịnh Phát nhập về gây hoang mang cho người dân, nhưng hôm qua chính quyền thành phố trấn an không bắt buộc tiêm vac-xin Trung Quốc.
Sau Nhật Bản, Hoa Kỳ, Úc, hôm nay đến lượt chính phủ Anh tặng 415.000 liều vac-xin AstraZeneca cho Việt Nam. Khoảng 50 triệu liều Pfizer được đặt mua sẽ về đến Việt Nam trong ba tháng cuối năm. Cơ quan USAID cho biết 77 tủ cấp đông âm sâu (-75°C) để bảo quản vac-xin, quà tặng được bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ loan báo trong chuyến thăm vừa qua sẽ được giao cho Việt Nam vào đầu tháng Chín.
Việt Nam vốn tập trung mọi nguồn lực vào việc truy vết và cách ly trong những đợt dịch trước, nay chuẩn bị xét duyệt cho sử dụng Remdesivir, loại thuốc của Gilead Sciences dành cho bệnh nhân Covid. Sắp tới 500.000 lọ Remdesivir sẽ về đến Việt Nam. Favipiravir, một loại thuốc cũng tỏ ra hiệu quả trong việc chống Covid, cũng sẽ được xem xét cấp giấy phép.
Thụy My
******************
Trọng Thành, RFI, 02/08/2021
Việt Nam đang trong làn sóng dịch Covid-19 lớn nhất từ trước đến nay. Tuyệt đại đa số các ca nhiễm mới tập trung tại Sài Gòn và các tỉnh lân cận. Chính quyền Việt Nam coi việc tăng tốc tiêm chủng, đặc biệt là các vùng dịch nặng là giải pháp chủ yếu giúp thoát khỏi đại dịch.
Trung tâm tiêm chủng ngừa Covid-19 đặt tại nhà thi đấu thể thao Trịnh Hoài Đức, Hà Nội, ngày 02/08/2021. AFP – Nhac Nguyen
Theo sở Y Tế thành phố Hồ Chí Minh, ngày hôm qua, 01/08/2021, tổng cộng 144.970 liều vac-xin đã được tiêm tại Sài Gòn, tốc độ tăng gấp đôi so với mức trung bình của những ngày trước đó. Chính quyền TP HCM hôm 29/07 đã điều chỉnh chiến lược, hướng đến tiêm chủng khoảng 70% dân cư Sài Gòn trên 18 tuổi, ngày trước cuối tháng 8/2021.
Theo công văn khẩn của bộ Y Tế Việt Nam gửi đi hôm nay, tính đến ngày 31/07, trên cả nước chỉ mới có tổng cộng hơn 6 triệu liều vac-xin được sử dụng, chiếm 58% trên tổng số gần 11 triệu liều đã được phân bổ đến các cơ sở cho đến nay.
Theo báo chí trong nước, tính từ tháng 2 đến ngày 02/08, Việt Nam đã tiếp nhận hơn 16 triệu liều vac-xin phòng Covid-19, bao gồm vac-xin AstraZeneca, Sputnik - V, Pfizer/BioNTech, Moderna, Vero Cell (tức vac-xin của hãng Sinopham, Trung Quốc).
Tổ chức tiêm chủng vừa nhanh chóng, hiệu quả, nhưng phải vừa bảo đảm an toàn và công bằng là thách thức rất lớn với Việt Nam hiện nay. Trong dư luận trong nước đang dấy lên nhiều tranh luận về việc người dân có quyền được từ chối hay không đối với các loại vac-xin mà cá nhân không muốn được chích ngừa.
Trọng Thành