Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

06/08/2021

Khả năng chống dịch Covid-19 của Việt Nam hết còn khoác lác

Nhiều tác giả

Đợt dịch Covid-19 thứ 4 thách thức năng lực chế độ và niềm tin của người dân

Phạm Quý Thọ, RFA, 02/08/2021

Kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát từ đầu năm 2020 đến ngày 1/8/2021, Việt Nam đã ghi nhận hơn 150 nghìn ca nhiễm, hơn 38 nghìn người khỏi bệnh, gần 11 nghìn bệnh nhân đang điều trị và gần 1,5 nghìn ca tử vong. Riêng Thành phố Hồ Chí Minh chiếm khoảng 62% tổng số ca nhiễm Covid-19. Trong những ngày gần đây, số ca nhiễm và số tử vong tăng nhanh. Đợt dịch thứ 4, gây ra tới 98% tổng số ca nhiễm và tử vong, được cho là "nguy hiểm nhất" bắt đầu từ ngày 27/4/2021 đang diễn ra "rất phức tạp" khi xuất hiện biến thể Delta có khả năng lây lan nhanh, ít triệu chứng để nhận biết, thời gian ủ bệnh ngắn và dễ gây tử vong.

dich1

Công an đứng cạnh một chốt kiểm soát phòng dịch Covid-19 ở Hà Nội hôm 29/7/2021 - AFP

Ba đợt dịch trước dù kéo dài hơn một năm và kết quả chống dịch Covid-19 được "ca ngợi", nhưng đã không lường được sự thay đổi của dịch với những tình huống phức tạp và kéo dài, bởi vậy đã không phản ánh đầy đủ về năng lực của chính quyền và niềm tin từ người dân – yếu tố quyết định chiến thắng đại dịch. Khái quát về các giải pháp chống dịch gồm : Kích hoạt "tình trạng thời chiến", sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, ưu tiên sử dụng biện pháp hành chính với "5 K" là biểu tượng, nhanh chóng huy động nhân lực và vật lực, đặc biệt trong những lĩnh vực biệt lập và ngắn hạn.

Chiến dịch phản ánh lợi thế và sự quyết tâm của chế độ đảng cộng sản toàn trị. Các văn bản pháp lý chống dịch được Chính phủ thực thi gồm Chỉ thị 15 ban hành ngày 27/3/2020, Chỉ thị 16 (31/3/2020) và 19 (24/4/2020) theo các cấp độ nghiêm ngặt khác nhau. Chỉ thị 16 ở mức cao nhất và nhấn mạnh cách tiếp cận về giãn cách xã hội, phong toả, truy vết nghi lây nhiễm F0 để điều trị ở bệnh viện và tiếp xúc gần F1 để cách ly tập trung trong các cơ sở được chuẩn bị trước. Sáu bài học kinh nghiệm trong công tác phòng chống dịch được Bộ Y tế tổng kết ngày 16/4, trong đó chủ yếu là các giải pháp thiên "hành chính" nêu trên, nhưng đã thiếu các kịch bản với quy mô lớn và tính chất phức tạp hơn mang tính khả thi, ngoài ra chiến lược vắc-xin đã bị coi nhẹ.

Tại Thành phố Hồ Chí Minh – hiện là trung tâm dịch của đợt 4, sự bùng phát lây lan dịch bệnh trong cộng đồng, số ca lây nhiễm và tử vong tăng nhanh khiến cho phương châm "4 tại chỗ" (chỉ huy, lực lượng, phương tiện, vật tư và hậu cần tại chỗ) chống dịch đã không thể đáp ứng trước thực trạng "rất phức tạp". Các cấp độ "thít chặt" tăng dần được áp dụng, từ Chỉ thị 11 của Ủy ban Nhân dân đến Chỉ thị 16 và mới đây là Chỉ thị 16+, nghĩa là kéo dài hơn và nghiêm ngặt hơn như kể từ cuối tháng 7/2021 người dân bị cấm đi lại từ 18h tối đến 6h được áp dụng cho toàn thành phố. Ngoài ra, 18 tỉnh thành phố miền tây Nam Bộ đang áp dụng Chỉ thị 16, nhiều tỉnh thành khác số ca lây nhiễm trong cộng đồng cũng đang có xu hướng tăng. Thủ đô Hà Nội đã vừa áp dụng Chỉ thị 16…

Ông Thủ tướng chính phủ đã nêu ra "những hạn chế" về phòng chống dịch Covid-19 trong cuộc họp trực tuyến của Chính phủ với 21 tỉnh, thành tối ngày 23/7/2021. Tình hình "rất phức tạp" của đợt dịch này đang thách thức năng lực của chế độ và niềm tin của người dân vào chế độ.

dich2

Vỉa hè ở Thành phố Hồ Chí Minh bị chăng dây ngăn khi thành phố thực hiện lệnh phong toả và giới nghiêm hôm 26/7/2021. AP

Năng lực của chế không chỉ thể hiện qua quyền lực được tập trung thế nào, mà còn là chính quyền trung ương và địa phương cần có tầm nhìn chính sách, kiến thức chuyên môn, kỹ năng thực thi và sự công bằng để đưa ra những đánh giá tốt nhất hiện có. Ngoài ra, năng lực còn là nguồn lực sẵn có để chống dịch – cái mà chúng ta đang thiếu để đáp ứng tình hình dịch bệnh sẽ còn tiếp diễn căng thẳng.

Việc trao đặc quyền điều hành đã được trao cho chính quyền một cách nhanh chóng để đối phó với tình trạng khẩn cấp về dịch bệnh Covid-19 hiện nay. Đảng CS đã ban hành chỉ thị chủ trương chống dịch, Quốc hội đã thông qua cơ chế đặc thù ngay tại Kỳ họp thứ nhất vừa qua, cho phép Chính phủ áp dụng các biện pháp "chưa từng có trong luật" để chống dịch. Và Chính phủ đã thành lập các tổ công tác đặc biệt của thủ tướng tại trung tâm dịch…. Nhưng việc sử dụng hiệu quả quyền lực được trao còn phụ thuộc trước hết vào sự tin tưởng của người dân.

Các chốt chặn có thể nhanh chóng được dựng lên với nhiều lực lượng tham gia, nhưng nếu quyền lực rơi vào tay những kẻ lơ là với công vụ hoặc có thói quen "độc đoán", thì cách xử lý kiểu như "bánh mỳ không phải là thực phẩm thiết yếu" hay hành vi thô bạo của chúng với người dân sẽ là cách đánh mất niềm tin nhanh nhất.

Việc quan tâm đến người dân, người lao động nghèo trong vùng phong toả cần đặt lên hàng đầu trong chống dịch. Đứt gãy nguồn cung ứng hàng hoá thiết yếu đã ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống của họ. Thiếu cơ chế bình đẳng, chủ động trong cứu trợ dẫn đến sự phân biệt đối xử giữa cư dân trong và ngoài tỉnh cũng gây ra "nghẽn cục bộ" và những phiền phức, vất vả cho hàng đoàn người "chạy dịch về quê".

Việc hỗ trợ trực tiếp cho người dân, lao động nghèo và doanh nghiệp bộc lộ sự thiếu cơ chế tiếp cận minh bạch. Sự "thất bại chính sách" từ gói hỗ trợ 62 nghìn tỷ đồng, được Thủ tướng chính phủ ký từ tháng 4/2020, chứng tỏ "sự lúng túng" trong thực thi và bị níu kéo bởi tâm lý "có thể bị đối tượng lợi dụng" hoặc "sợ trách nhiệm". Gói hỗ trợ mới 26 nghìn tỷ đồng từ 7/2021 là chưa đủ với quy mô dịch bệnh và tầm nhìn về hiệu quả dài hạn. 

Linh hoạt thực hiện mục tiêu kép có thể là cần thiết đối với từng địa bàn tuỳ thuộc vào đặc thù, chẳng hạn thích hợp với các khu công nghiệp ở Bắc Giang, nhưng không với Bình Dương. Tuy nhiên, trong mọi tình huống, sự an toàn trước dịch bệnh và sự tự nguyện của người lao động cần được đặt lên hàng đầu….

Chiến lược vắc-xin đã thay đổi quan niệm các biện pháp hành chính "tốn kém" mà không quyết định thắng dịch. Cơ chế mua, thành lập Quỹ Vắc-xin với sự huy động từ cộng đồng doanh nghiệp và người dân, sản xuất vắc-xin trong nước và ngoại giao vắc-xin được thúc đẩy mạnh. Tuy nhiên, cần có cơ chế nghiêm ngặt phòng ngừa và kiểm soát trục lợi và công khai, minh bạch cách tiếp cận như xét nghiệm, tiêm phòng vắc-xin. Việc triển khai tiêm còn chậm dù đã có vắc-xin, ngoài ra, sự ưu ái cho cháu của "ông ngoại" luôn là hình ảnh phản cảm, gây bức xúc dư luận.

Cuộc chiến phòng chống dịch được xác định còn phức tạp và kéo dài nếu chưa tiêm vắc-xin đủ cho ít nhất 70% số dân. Hệ thống y tế tại Thành phố Hồ Chí Minh và 18 tỉnh miền Nam đang quá tải, thiếu trang thiết bị, nhân lực y tế… đang diễn ra và tình huống cách ly tại nhà có điều kiện đối với các ca F0 và F1 đang được triển khai…

Tóm lại, điều chủ yếu không phải chế độ có quyền lực chuyên chế đến đâu, mà mọi nỗ lực phòng chống dịch phải hướng tới người dân, không phân biệt địa vị xã hội, giàu nghèo, trong hay ngoài tỉnh..., tất cả phải bình đẳng, công khai tiếp cận về lương thực phẩm, gói cứu trợ, trợ giúp y tế và tiêm vắc-xin. Vắc-xin quyết định thắng đại dịch Covid-19, và niềm tin là điều quan trọng nhất quyết định số phận của chế độ xã hội.

Phạm Quý Thọ

Nguồn : RFA, 02/08/2021

**********************

Việt Nam - Covid-19 : Hà Nội kéo dài giãn cách xã hội thêm 2 tuần

Anh Vũ, RFI, 06/08/2021

Sau hai tuần thực hiện giãn cách xã hội chống dịch Covid-19 theo chỉ thị 16 của chính phủ Việt Nam, tình hình dịch vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, hôm nay, 06/08/2021, thủ đô Hà Nội quyết định kéo dài thêm 15 ngày áp dụng các quy định giãn cách xã hội.

dich3

Lực lượng xung kích tình nguyện huyện Ninh Phước ngày đêm trực chốt kiểm soát dịch tại thị trấn Phước Dân, nơi có nhiều điểm phong tỏa. Ảnh : TTXVN

Theo truyền thông Việt Nam, chiều ngày hôm nay, chủ tịch thành phố Hà Nội đã ký công điện hỏa tốc về quyết định tiếp tục thực hiện cách ly toàn xã hội đến 6h ngày 23/08 trên phạm vi toàn thành phố để phòng chống dịch Covid-19.

Trước tình hình dịch Covid-19 lây lan mạnh, thành phố Hà Nội đã thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ thị 16 của thủ tướng chính phủ và chỉ thị 17 của thành phố từ ngày 24/07 đến 07/08, theo đó người dân được yêu cầu ở trong nhà, chỉ ra đường khi thực sự cần thiết, ngừng mọi hoạt động không thiết yếu, thực hiện cách ly giữa các gia đình, cụm dân cư, địa phương. Tuy nhiên, số ca nhiễm mới trên địa bàn thành phố vẫn tiếp tục ở mức 50-70 ca mỗi ngày. Nhiều ca nhiễm mới xuất hiện trong cộng đồng nhưng không xác định được nguồn lây nhiễm. Tổng số ca nhiễm trên địa bàn thành phố Hà Nội trong đợt dịch thứ 4, tính từ ngày 27/4 đến ngày hôm nay, là trên 1.700 người.

Trước ngày hết hạn đợt giãn cách hiện tại, lãnh đạo thành phố Hà Nội đã họp sáng hôm nay và đánh giá "nguy cơ dịch bệnh của thành phố đang ở mức rất cao và khó lường" và "nguy cơ mắc trong cộng đồng có thể tăng lên trong một số ngày tới", theo trang mạng Vietnamnet.

Về tình hình chung của cả nước, dịch Covid-19 vẫn tiếp tục lây lan không kiểm soát được. Liên tiếp nhiều ngày qua, trung bình cả nước mỗi ngày ghi nhận trên 7.000 ca nhiễm mới, tâm dịch vẫn là thành phố Hồ Chí Minh với trên 4.000 ca mỗi ngày. Các ca nhiễm mới tiếp tục được phát hiện ở trên dưới 40 tình thành hàng ngày, chủ yếu tại các địa phương phía nam. Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã phải kéo dài thêm 2 tuần giãn cách xã hội.

Anh Vũ

**********************

Phản ứng của người dân khi Hà Nội gia hạn giãn cách thêm hai tuần do Covid-19

RFA, 06/08/2021

Ngày 6 tháng 8, Thành ủy Hà Nội, cơ quan cao nhất của Đảng Cộng Sản tại thành phố Hà Nội, ra quyết định kéo dài thời hạn giãn cách xã hội tại thành phố thêm 15 ngày, cho đến ngày 23 tháng 8.

dich4

Công an đứng canh tại một nơi chắn đường ở Hà Nội hôm 24/7/2021 / AP

Hà Nội bắt đầu đợt giãn cách xã hội lần này từ ngày 24 tháng 7, với việc gia hạn thêm 15 ngày thì thời gian giãn cách xã hội sẽ lên đến gần một tháng.

Trong thời gian giãn cách xã hội, người dân chỉ được ra khỏi nhà khi thực sự cần thiết, bao gồm : mua đồ ăn và dược phẩm, đi cấp cứu, hoặc khám chữa bệnh, đi tiêm chủng và các trường hợp khẩn cấp khác ; đi thực hiện công vụ, hoặc làm việc tại công sở, nhà máy, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu.

Theo thông báo, Công an Hà Nội đã xử phạt hàng trăm người vì vi phạm lệnh giãn cách xã hội, trong số những người bị phạt có những người ra đường để tập thể dục, điều này dấy lên tranh cãi về việc liệu lệnh cấm ra đường có quá khắt khe.

Anh Nguyễn Biên, một người dân Hà Nội cho RFA biết phản ứng của anh về lệnh gia hạn giãn cách xã hội :

"Nói chung là vì năm ngoái đã có thời gian hai tháng liền phải giãn cách xã hội, thì tôi thấy cái này nó chỉ là điều tương tự thôi.

Thế nhưng mà tôi thấy lo nhất là cái việc nếu mà mình cứ giãn cách như thế này, mình không có một cái chiến lược cụ thể gì, chỉ là giãn cách thôi trong khi đây lại là vi-rút chủng mới lây lan rất là kinh, thì không biết cái việc giãn cách thế này có giải quyết được không, nếu giãn thêm hai tuần nữa.

Và nếu tình trạng nó cứ tiếp tục diễn ra thế này thì thành phố sẽ giãn tiếp mãi mãi à ?"

Đối với những người đủ ăn đủ mặc thì giãn cách xã hội có nghĩa là các hoạt động thường nhật bị gián đoạn, nhưng với người nghèo thì hệ lụy của việc xã hội ngưng trệ lớn hơn rất nhiều.

Anh Biên nói thêm về vấn đề này :

"Cực kỳ nhiều trường hợp khó khăn bởi vì họ bị tắc ở Hà Nội không về quê được, bây giờ nhà trọ thì cũng không có tiền trả, rồi không có việc để làm, không có nọ kia các thứ.

Bởi vì dịch nên là họ sẽ bị khó khăn chồng chất như thế, mà bây giờ giãn cách hai tuần họ đã đói, họ đã không có việc làm, thu nhập và bắt đầu nợ nần rồi thì không biết giãn cách thêm hai tuần nữa, hoặc có thể thêm hai tháng nữa thì không biết những tình huống thế nó như thế nào, tại vì họ cũng không thể rời hà nội, không về tỉnh được. Đấy là cái mà tôi thấy rất là dở !"

RFA đã liên hệ được với một nhóm thiện nguyện chuyên hỗ trợ những người gặp khó khăn ở Hà Nội và được biết những đối tượng bị tác động nhiều nhất trong thời kỳ giãn cách xã hội này là những người tàn tật, những người làm nghề xe ôm, bán ve chai, và những người già cả.

Một người trong nhóm thiện nguyện trên cảm thán rằng "nếu tiếp tục giãn cách 15 ngày nữa thì nhiều người sẽ khổ lắm !"

Ngày 21 tháng 7, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội ra quyết định hỗ trợ người lao động, và người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố, cụ thể người lao động bị mất việc có thể được hỗ trợ 1,5 triệu đồng.

Tuy nhiên, để nhận được khoản hỗ trợ trên thì người dân phải trải qua thủ tục làm hồ sơ đề nghị, và chính sách này chỉ áp dụng đối với những người cư trú hợp pháp.

Theo thông tin của Bộ Y Tế, Hà Nội cho đến nay đã ghi nhận 2.069 ca nhiễm Covid-19, số ca tử vong là 25.

RFA tiếng Việt

***********************

Thành phố Hồ Chí Minh có trên 2.000 ca tử vong, lò thiêu hoạt động 24/24

RFA, 06/08/2021

Theo trang thông tin về dịch bệnh của Bộ Y tế Việt Nam, tính đến ngày 6/8 Thành phố Hồ Chí Minh hiện có ít nhất 2.105 ca tử vong vì Covid-19 khiến lò thiêu phải hoạt động hết công suất.

dich5

Xét nghiệm Covid-1 ở Thành phố Hồ Chí Minh - AFP

Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Toàn Thắng hôm 5-8 cho hay, các bệnh nhân tử vong do Covid-19 tại thành phố được hỏa táng tại trung tâm hỏa táng Bình Hưng Hòa (Lò thiêu Bình Hưng Hòa) và lò đang hoạt động 24/24 giờ.

Theo Vietnam Plus, ông Nguyễn Đình Thắng phủ nhận chuyện tăng giá hỏa táng và từ chối nhận ca tử vong do Covid-19 tại Bình Hưng Hòa.

Ông Thắng cho biết thêm, sau khi hỏa táng, tro cốt sẽ được lưu trữ tại điểm lưu trữ của Công ty Môi trường đô thị, có dán đầy đủ thông tin của người mất đến khi gia đình có điều kiện nhận tro cốt sẽ giao lại.

Nếu người mất thuộc diện hộ nghèo, UBND thành phố sẽ chi ngân sách để hỗ trợ toàn bộ chi phí ở các khâu cho người dân, Giám đốc Sở TN&MT Thành phố Hồ Chí Minh cho biết.

Ngoài ra, Sở Y tế thành phố khẳng định, hiện nay chi phí cách ly, khám chữa bệnh cho bệnh nhân liên quan Covid-19 và những chi phí khác (trong trường hợp có bệnh nhân mất vì Covid-19) được miễn phí hoàn toàn.

RFA tiếng Việt

**********************

Việt Nam : Tiêm chủng quá chậm chạp, Covid hoành hành ở Sài Gòn

Thụy My, RFI, 04/08/2021

Chiến dịch tiêm chủng chống Covid-19 ở Việt Nam còn quá chậm chạp tại nhiều vùng, theo tuyên bố của bộ trưởng Y Tế hôm 03/08/2021 được Reuters trích dẫn, trong khi cả nước đang phải đối phó với đợt dịch tệ hại nhất từ trước đến nay.

dich6

Nhân viên y tế chờ được tiêm chủng AstraZeneca tại Bệnh viện các Bệnh Nhiệt đới Hải Dương, Việt Nam, ngày 08/03/2021. Reuters - Thanh Hue

Việt Nam đã thành công trong việc chống dịch năm ngoái. Nhưng đợt dịch mới do biến thể Delta gây ra đã khiến trên 170.000 người bị lây nhiễm kể từ cuối tháng Tư, tăng thêm áp lực cho chính quyền phải nhanh chóng triển khai chích ngừa Covid. Bộ trưởng Y Tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh, tiêm chủng từ nay phải là nhiệm vụ hàng đầu và khẩn cấp của các địa phương.

Số liệu của bộ Y Tế cho thấy chỉ mới có 700.000 người được tiêm chủng đủ hai liều, tức chưa đầy 1% trong tổng số 98 triệu dân Việt Nam, kể từ khi bắt đầu chiến dịch chích ngừa vào tháng Ba. Bảy triệu liều vac-xin đã được sử dụng, chiếm 42,5% số vac-xin đã nhận được cho đến nay.

Đợt dịch mới khiến một phần ba tỉnh thành Việt Nam phải hạn chế di chuyển, đặc biệt thành phố Hồ Chí Minh (Sài Gòn cũ) phải phong tỏa nghiêm ngặt. Kể từ 27/07, số ca mới bị nhiễm trên toàn quốc là 170.563. Số người tử vong vì Covid cho đến hôm qua là 2.071, trong đó trên 95% trong tháng vừa qua, có 463 bệnh nhân nặng và 20 bệnh nhân nguy kịch phải dùng ECMO. Chỉ riêng trong ngày hôm qua 03/08 đã có 8.429 ca dương tính mới, trong đó Sài Gòn chiếm 4.171 ca, mỗi ngày có hơn 5.000 cuộc gọi cấp cứu từ bệnh nhân Covid ở Sài Gòn.

Chính quyền tuần trước loan báo sẽ đẩy nhanh chiến dịch tiêm chủng tại Sài Gòn, và từ nay thành phố tập trung cho việc giảm tử vong. Báo chí trong nước dẫn lời phó chủ tịch Dương Anh Đức cho biết trong tháng Tám thành phố này cần đến 5,5 triệu liều vac-xin và cần được cấp sớm. Thông tin Sài Gòn nhận được 1 triệu liều vac-xin Sinopharm của Trung Quốc do tập đoàn Vạn Thịnh Phát nhập về gây hoang mang cho người dân, nhưng hôm qua chính quyền thành phố trấn an không bắt buộc tiêm vac-xin Trung Quốc.

Sau Nhật Bản, Hoa Kỳ, Úc, hôm nay đến lượt chính phủ Anh tặng 415.000 liều vac-xin AstraZeneca cho Việt Nam. Khoảng 50 triệu liều Pfizer được đặt mua sẽ về đến Việt Nam trong ba tháng cuối năm. Cơ quan USAID cho biết 77 tủ cấp đông âm sâu (-75°C) để bảo quản vac-xin, quà tặng được bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ loan báo trong chuyến thăm vừa qua sẽ được giao cho Việt Nam vào đầu tháng Chín.

Việt Nam vốn tập trung mọi nguồn lực vào việc truy vết và cách ly trong những đợt dịch trước, nay chuẩn bị xét duyệt cho sử dụng Remdesivir, loại thuốc của Gilead Sciences dành cho bệnh nhân Covid. Sắp tới 500.000 lọ Remdesivir sẽ về đến Việt Nam. Favipiravir, một loại thuốc cũng tỏ ra hiệu quả trong việc chống Covid, cũng sẽ được xem xét cấp giấy phép.

Thụy My

******************

Covid-19 : Việt Nam tăng tốc tiêm chủng, tập trung chủ yếu cho Sài Gòn

Trọng Thành, RFI, 02/08/2021

Việt Nam đang trong làn sóng dịch Covid-19 lớn nhất từ trước đến nay. Tuyệt đại đa số các ca nhiễm mới tập trung tại Sài Gòn và các tỉnh lân cận. Chính quyền Việt Nam coi việc tăng tốc tiêm chủng, đặc biệt là các vùng dịch nặng là giải pháp chủ yếu giúp thoát khỏi đại dịch.

dich7

Trung tâm tiêm chủng ngừa Covid-19 đặt tại nhà thi đấu thể thao Trịnh Hoài Đức, Hà Nội, ngày 02/08/2021.  AFP – Nhac Nguyen

Theo sở Y Tế thành phố Hồ Chí Minh, ngày hôm qua, 01/08/2021, tổng cộng 144.970 liều vac-xin đã được tiêm tại Sài Gòn, tốc độ tăng gấp đôi so với mức trung bình của những ngày trước đó. Chính quyền TP HCM hôm 29/07 đã điều chỉnh chiến lược, hướng đến tiêm chủng khoảng 70% dân cư Sài Gòn trên 18 tuổi, ngày trước cuối tháng 8/2021.

Theo công văn khẩn của bộ Y Tế Việt Nam gửi đi hôm nay, tính đến ngày 31/07, trên cả nước chỉ mới có tổng cộng hơn 6 triệu liều vac-xin được sử dụng, chiếm 58% trên tổng số gần 11 triệu liều đã được phân bổ đến các cơ sở cho đến nay. 

Theo báo chí trong nước, tính từ tháng 2 đến ngày 02/08, Việt Nam đã tiếp nhận hơn 16 triệu liều vac-xin phòng Covid-19, bao gồm vac-xin AstraZeneca, Sputnik - V, Pfizer/BioNTech, Moderna, Vero Cell (tức vac-xin của hãng Sinopham, Trung Quốc).

Tổ chức tiêm chủng vừa nhanh chóng, hiệu quả, nhưng phải vừa bảo đảm an toàn và công bằng là thách thức rất lớn với Việt Nam hiện nay. Trong dư luận trong nước đang dấy lên nhiều tranh luận về việc người dân có quyền được từ chối hay không đối với các loại vac-xin mà cá nhân không muốn được chích ngừa.

Trọng Thành

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Phạm Quý Thọ, Anh Vũ, RFA, Thụy My, Trọng Thành
Read 991 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)