Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

05/08/2021

Trung Quốc của Tập Cận Bình : chuông gọi hồn ai ?

Minh Anh - Thùy Dương

Tập Cận Bình và những chiến lược kiến tạo thế giới

Minh Anh, RFI, 05/08/2021

Đằng sau nét mặt có vẻ hiền từ là một con "quái thú" chính trị, một chính khách Pháp đã có nhận định như thế. Tập Cận Bình, lên cầm quyền từ năm 2013, sẵn sàng làm tất cả để biến Trung Quốc thành một cường quốc hàng đầu thế giới vào năm 2049, năm kỷ niệm 100 năm ngày thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Đổi lại, xã hội Trung Quốc phải chấp nhận chịu sự giám sát chặt chẽ của Đảng cộng sản.

tcb1

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong buổi tiệc chào mừng các nhà lãnh đạo đến tham dự diễn đàn Vành đai và Con đường, tại Đại Lễ Đường Nhân Dân, Bắc Kinh, ngày 26/04/2019.  AP - Nicolas Asfouri

"Giấc mơ Trung Hoa" : Một sứ mệnh lịch sử ?

Nhiệm kỳ của Tập Cận Bình được kiến tạo xung quanh điều được gọi là "Giấc mơ Trung Hoa". Nhưng sự phát triển kinh tế và chính trị này, trước hết phải bằng con đường chủ nghĩa chuyên chế, nhằm tạo dựng một sự ổn định. Một nhiệm vụ lớn cho Đảng cộng sản Trung Quốc. Ông François Bougon, tác giả tập sách "Trong suy nghĩ Tập Cận Bình", trên đài Arte cho rằng đây cũng chính là cách để Tập Cận Bình khẳng định lại vai trò và tính chính đáng của Đảng cộng sản.

 "Ông ấy tìm cách xây dựng một tính chính đáng mới cho chế độ cộng sản, vốn dĩ không còn mang tính cách mạng nữa. Người ta không còn ở thời kỳ Mao, giai đoạn mà mục tiêu chính là làm cách mạng thường trực để đi đến chủ nghĩa cộng sản. Ông ấy cũng không có được tính chính đáng của Đặng Tiểu Bình, người cam kết mang lại sự giầu sang cho người dân Trung Quốc. Thế nên, giờ đây, cần phải tìm ra một tính chính đáng mới. Và tính chính đáng mới này, ông ấy đã tìm thấy trong lòng chủ nghĩa dân tộc và do vậy cần phải nâng cao giá trị của tất cả những gì mang lại sự vĩ đại cho đất nước". 

Tập Cận Bình cho rằng giai đoạn "ẩn mình chờ thời" đã qua, Trung Quốc giờ phải đảm trách vai trò lãnh đạo thế giới. Để thực hiện giấc mơ này, cần phải khơi dậy tinh thần dân tộc. Tập Cận Bình không ngừng nhắc lại những giai đoạn lịch sử được cho là "nhục nhã" nhất : Sự sụp đổ của đế chế Trung Hoa, Cuộc chiến thuốc phiện…

Thế nên, ở trong nước, Tập Cận Bình vạch hẳn một kế hoạch đại thống nhất đất nước cả trên bình diện lãnh thổ, sắc tộc và hệ tư tưởng. Và "trong giấc mơ Trung Hoa của Tập Cận Bình, đất nước Trung Quốc chỉ có một bản sắc duy nhất, và sẽ không có một sự khác biệt nào. Mọi sự khác biệt là sẽ không được dung thứ", bà Dilnur Reyhan, chủ tịch Viện Duy Ngô Nhĩ tại Châu Âu trên Arte lưu ý. 

Và bước đi đầu tiên của sự hợp nhất đó bắt đầu bằng chính sách đồng hóa cưỡng bức sắc dân chính Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, tiệt trừ phe dân chủ ở Hồng Kông và mơ một ngày nào đó, chiếm lại đảo Đài Loan, trên thực tế độc lập từ năm 1949.

Để củng cố quyền lực, Tập Cận Bình mở chiến dịch chống tham nhũng quy mô lớn "đả hổ, diệt ruồi" nhắm vào mọi tầng lớp xã hội. Đây cũng là cơ hội để Tập Cận Bình bắn đi một thông điệp mạnh mẽ cho xã hội Trung Quốc, theo đó, không một sự chệch hướng ý thức hệ nào được dung thứ. Nhờ vào những cuộc thanh trừng lớn như vậy, Trung Quốc đã nhanh chóng nghiêm chỉnh đi theo Tập Cận Bình trong sứ mệnh lịch sử này.

Những chiếc bẫy nợ và những con ngựa thành Troy

Ở bên ngoài, Tập Cận Bình cho khởi động dự án Những Con đường tơ lụa mới. Đây thật sự là một công cụ kinh tế hữu hiệu giúp Bắc Kinh "tránh né được thế mạnh của Mỹ, và gậm mòn dần những cơ sở hậu thuẫn của phương Tây trên thế giới", theo như quan sát của nhà Trung Quốc học, Jean-Pierre Cabestan, trường đại học Baptiste Hồng Kông. 

Trong tầm nhìn dài hạn quan trọng này, Tập Cận Bình có một chiến lược áp dụng cực kỳ "uyển chuyển" tùy theo từng đối tượng hợp tác. Với những nước nghèo, Tập Cận Bình đề xuất cho vay những khoản cần thiết để phát triển cơ sở hạ tầng. Nhưng những đề nghị "đôi bên cùng có lợi", cám dỗ được ít nhất khoảng 60 quốc gia, đôi khi lại là những chiếc bẫy nợ khổng lồ, và cái giá phải trả có thể đi đến mất quyền kiểm soát một phần chủ quyền lãnh thổ. Bài học điển hình là Sri Lanka, đã phải nhượng quyền kiểm soát một cảng biển lớn cho Trung Quốc với một thời hạn là 99 năm.

Đến Châu Âu, Tập Cận Bình không có cùng một cách tiếp cận, có những bước đi thận trọng vì đó là những nền dân chủ lớn, những quốc gia công nghiệp phát triển. Tập Cận Bình một mặt cho mua lại những cơ sở hạ tầng chiến lược như cảng biển Pirée của Hy Lạp, cảng hàng không dân dụng Toulouse ở Pháp, rồi sau này bán lại và đề nghị nhiều chương trình trao đổi hợp tác trong mọi lĩnh vực.

Mặt khác, Tập Cận Bình ra sức thiết lập một mạng lưới chính khách thân Trung Quốc, cho phép phát tán hình ảnh tích cực của đất nước ở phương Tây. Người ta có thể thấy trong số này có các nhân vật như cựu thủ tướng Anh David Cameron, cựu thủ tướng Pháp Jean-Pierre Raffarin... 

Thái độ "có vẻ thân thiện" này của Tập Cận Bình, khiến nhiều lãnh đạo Châu Âu tranh nhau trải thảm đỏ, gia tăng các cuộc gặp gỡ với Tập Cận Bình nhằm thu hút đầu tư Trung Quốc. Trong chiến lược này, Tập Cận Bình ra sức tìm kiếm "những con ngựa thành Troy", và đó cũng là "những gót chân Achille" Châu Âu như Hy Lạp, Hungary, Serbia… Bị phụ thuộc kinh tế vào Trung Quốc, những nước này có nguy cơ bị lệ thuộc cả về chính trị. 

Cũng trên đài Arte, ông Stein Ringen, nhà chính trị học trường đại học Oxford, tác giả tập sách "Nhà độc tài hoàn hảo : Trung Quốc thế kỷ 21" nhận định : "Trung Quốc có thể sử dụng sức mạnh kinh tế của họ để cản trở mọi chỉ trích có liên quan đến chính bản thân chế độ. Thứ mà họ muốn xuất khẩu, chính là tầm ảnh hưởng và điều mà họ muốn có được trước hết, chính là sự im lặng. Họ muốn ngăn chặn mọi bình phẩm khó nghe và chúng ta thừa nhận chính sách đối ngoại của họ."

Không ở đâu, chiến lược gây ảnh hưởng của Bắc Kinh mạnh bằng ở Úc và New Zealand, hai quốc gia thí điểm cho phương pháp xâm nhập những nước dân chủ của Trung Quốc. Chính tại hai nước này, chính sách gây ảnh hưởng của Trung Quốc hoạt động tích cực nhất, từ trong lòng xã hội dân sự, giới doanh nhân, chính khách cho đến cả các trường đại học, theo như giải thích của ông Jean-Pierre Cabestan.

"Chiến lược mặt trận thống nhất của Đảng cộng sản là tìm cách tập hợp xung quanh mục tiêu của mình những lực lượng phi cộng sản bằng cách vô hiệu hóa họ, mua chuộc họ, hay làm cách nào đó biến họ thành những đồng minh khách quan cho mục tiêu cộng sản. Thế nên, Trung Quốc triển khai nhiều phương tiện để tìm cách tác động lên diện mạo chính trị trong lòng những nước khác, các nước đối tác. (...) Trung Quốc thực hiện điều đó bằng cách gây ảnh hưởng lên cộng đồng người Hoa hải ngoại, tài trợ cho các ứng viên nào ủng hộ Trung Quốc".

Châu Phi – châu lục đỏ và Biển Đông, sự đã rồi

Nhưng có lẽ chiến lược chinh phục thế giới của Tập Cận Bình gặt hái nhiều thành công nhất chính là tại Châu Phi. Hằng năm, Tập Cận Bình đều dành một vòng công du Châu lục đen này để đích thân ông quảng bá cho một mô hình chính trị mà Tập Cận Bình gọi là "giải pháp Trung Quốc". Theo đó, quyền đầu tiên của con người là quyền phát triển kinh tế. 

Trong vòng chưa đầy 10 năm, Trung Quốc đã cho Châu lục này vay đến 120 tỷ đô la. Trung Quốc thời Tập Cận Bình là đối tác kinh tế - chính trị với hơn phân nửa số nước Châu Phi. Để bảo đảm an ninh cho trao đổi thương mại với Châu lục đen này và duy trì sự trường tồn các đầu tư của Trung Quốc, Tập Cận Bình còn bước sang một ngưỡng khác mà không một nhà lãnh đạo tiền nhiệm nào dám vượt qua : Mở một căn cứ quân sự tại Djibouti, một trong những con đường thương mại tấp nập nhất của thế giới. Đây cũng là căn cứ quân sự ở nước ngoài đầu tiên của Trung Quốc. 

Trong "giấc mơ Trung Hoa" này, Tập Cận Bình luôn ao ước có một quân đội xếp hàng đầu thế giới. Giống Mao Trạch Đông, ông ấy nghĩ rằng sức mạnh nằm ở đầu họng súng. Kể từ khi lên cầm quyền, Tập Cận Bình liên tiếp biểu dương sức mạnh. Trên quảng trường Thiên An Môn, ông khai màn cho lễ diễu binh hoành tráng nhất mà Trung Quốc chưa từng biết đến. 

Để cảnh báo là ông đang bắt kịp, khắc phục sự chậm trễ về công nghệ, năm 2019 ông phô trương những chiếc tên lửa siêu thanh mang tính cách mạng có khả năng tránh được các ra-đa của Mỹ và nhiều loại tên lửa răn đe hạt nhân mới liên lục địa. Chỉ trong vòng 4 năm, Trung Quốc cho lắp ráp một số lượng lớn tầu chiến và tầu ngầm ngang ngửa với hải quân Pháp.

Christopher Johnson, cựu chuyên gia phân tích cho CIA, cố vấn về Châu Á cho Nhà Trắng phân tích : "Những gì mà chúng ta có thể thấy được chính là năng lực quân đội Trung Quốc ngày càng hoàn thiện, đáng gờm, có tính xâm lăng hơn và ngày càng hướng ngoại hơn. Đây sẽ là một thách thức lớn cho thế giới".

Chính ở phía nam Trung Quốc, trên vùng Biển Đông và Thái Bình Dương mà Tập Cận Bình khẳng định sức mạnh quân sự khi liên tiếp biểu dương thế mạnh quân sự, đối diện với những căn cứ quân sự của Mỹ, hiện diện thường xuyên trong khu vực kể từ sau Đệ Nhị Thế Chiến. Với chính sách "sự đã rồi", Trung Quốc của Tập Cận Bình đang dần dần nuốt trọn biển đảo của các nước láng giềng, gây căng thẳng trong khu vực. 

Cuối cùng, với thế mạnh quân sự, Tập Cận Bình giờ sẵn sàng đối đầu với phương Tây trên địa bàn các định chế quốc tế và hướng dẫn một trật tự thế giới mới, khi dựa vào sức ảnh hưởng mới của mình : Thượng đỉnh tổ chức hợp tác an ninh Thượng Hải (OCS), với sự tham dự của Nga, các nước Trung Á, Ấn Độ, Pakistan, và một số đối tác tiềm tàng như Iran, Thổ Nhĩ Kỳ… 

Chuyên gia Jean-Pierre Cabestan phân tích : "Chiến lược của Tập Cận Bình để áp đặt một trật tự thế giới mới chính là đi bằng cả hai chân như là Mao đã từng nói đến, nghĩa là một mặt trở thành quốc gia có tầm ảnh hưởng nhiều hơn trong các tổ chức đa phương hiện có và mặt khác, thành lập những tổ chức đa phương mới, phi phương Tây, phỏng theo ý của Trung Quốc và đáp ứng được nhiều hơn cho những lợi ích và các giá trị của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa trên bình diện ý thức hệ."

Tập Cận Bình : "Big Brother"

Tập Cận Bình mơ ước áp đặt được mô hình trật tự thế giới mới bất lợi cho Châu Âu và Hoa Kỳ. Để thực hiện điều này, ông đề nghị xây dựng một sự thống nhất trên thế giới mà Trung Quốc là tâm lực hút. 

Và thế giới của Tập Cận Bình dựa trên một lời hứa chủ đạo : Giầu có thịnh vượng cho tất cả, nhưng đổi lại, để đạt được những mục tiêu trên, toàn bộ xã hội phải đi theo cùng một hướng mà không có đối kháng. Thế giới của Tập Cận Bình là một thế giới mà mọi tầng lĩnh vực xã hội đều đặt dưới sự kiểm soát và truyền thông trước hết phải là tiếng nói của Trung Quốc.

Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, nhất là trí thông minh nhân tạo, và với mật độ camera dầy đặc nhất thế giới, "Anh Cả - Big Brother" Tập Cận Bình giờ có thể theo dõi khắp nơi, biết được "nhất cử, nhất động" của mọi người dân. Và chiếc vòi kiểm duyệt Trung Quốc vẫn có thể vươn xa ra ngoài lãnh thổ, tự do ngôn luận vẫn có thể bị hạn chế.

Để kết thúc, xin dẫn lời tổng thống Mỹ Joe Biden : "Tôi biết rõ Tập Cận Bình từ rất lâu. Tôi có thể nói với quý vị rằng ông ấy không có ấy một mẩu xương dân chủ trong người. Nhưng ông ấy là một con người rất rất ma mãnh !"

Minh Anh

Nguồn : RFI, 05/08/2021

********************

Châu Âu gióng hồi chuông báo tử các Viện Khổng Tử của Trung Quốc ?

Thùy Dương, RFI, 06/08/2021

Kiểm duyệt, gây áp lực, thực hiện các hoạt động gián điệp... Trong những năm qua, Châu Âu đã phải hứng chịu nhiều sự cố nghiêm trọng do các Viện Khổng Tử của Trung Quốc gây ra.

tcb2

Viện Khổng Tử ở Pays de la Loire, Pháp. Ảnh tư liệu chụp năm 2011.  © wikimedia

Về mặt chính thức, đó là các trung tâm dạy ngôn ngữ và văn hóa Trung Quốc, tương tự như Alliance Française của Pháp hoặc Viện Goethe của Đức. Thế nhưng, chính phủ các nước thành viên Liên Hiệp Châu Âu và các nghị sĩ Châu Âu đã ý thức được sứ mệnh thực sự của các Viện Khổng Tử là thực hiện "quyền lực mềm" của Đảng cộng sản Trung Quốc.

Một số nước Châu Âu đã quyết định đóng cửa hoàn toàn các Viện Khổng Tử. Nhà nghiên cứu về Trung Quốc, Antoine-Pierre Donnet, đặt câu hỏi liệu xu hướng này có diễn ra ở khắp Châu Âu hay không. RFI giới thiệu, dưới dạng hỏi đáp, bài viết của nhà báo Donnet "Trung Quốc : Hướng tới hồi kết của các Viện Khổng Tử ở Châu Âu ?" đăng trên trang mạng Châu Á The Asialyst ngày 29/07/2021. 

Tại sao có thể nói đến hồi kết của các Viện Không Tử ở Châu Âu ? Mọi chuyện bắt đầu từ khi nào ?

Gần đây nhất, bộ trưởng Giáo Dục Đức, Anja Karliczek, đã báo động các trường đại học trong nước để họ chấm dứt hợp tác với các Viện Khổng Tử. Hoạt động của những Viện này bị giới hạn, chỉ được tổ chức các khóa học tiếng Hoa và giảng dạy về văn hóa Trung Quốc. Bộ trưởng Anja Karliczek nói : "Tôi không muốn ảnh hưởng của chính phủ Trung Quốc trong các trường đại học và xã hội của chúng ta. Chúng ta đã dành quá nhiều chỗ cho các Viện Khổng Tử này nhưng lại không làm đủ để xây dựng chuyên môn về Trung Quốc tại Đức". Đây chỉ là lời cảnh báo mới nhất trong một loạt lời cảnh báo như hồi chuông báo tử cho các Viện Khổng Tử ở Châu Âu, một công cụ quyền lực mềm của Bắc Kinh, trong khi điều này đã được thực hiện ở Hoa Kỳ từ trước.

Vào tháng 04/2021, Thụy Điển đã đóng cửa Viện Khổng Tử cuối cùng trên lãnh thổ của họ. Na Uy cũng làm như vậy hồi tháng 03/2020. Xu hướng này bắt nguồn từ một vụ bê bối lớn ở Bỉ. Vào năm 2019, Song Xining, giám đốc Viện Khổng Tử trực thuộc đại học Vrije Brussels (VUB), đã bị trục xuất khỏi Bỉ vì bị nghi ngờ đã sử dụng mạng lưới của mình làm gián điệp : Tuyển dụng sinh viên và những người trong giới kinh doanh phục vụ cho các cơ quan tình báo Trung Quốc. Khi bị thẩm vấn, người này đã phủ nhận mọi chuyện. Viện Khổng Tử này bị buộc đóng cửa vào năm 2021. Vụ việc làm dấy lên câu hỏi ở Châu Âu về việc liệu có phải các Viện Khổng Tử dường như tôn nghiêm và vô hại đó chỉ là cơ quan gián điệp của Bắc Kinh ? Và nếu vậy thì sao ?

Nhưng các Viện Khổng Tử "bám rễ" ở Châu Âu từ khi nào ?

Các Viện Khổng Tử ở Bỉ được thành lập vào năm 2016 với sự hợp tác của bộ Giáo Dục Trung Quốc. Các cơ sở này được giới thiệu là nơi khám phá, học ngôn ngữ và văn hóa Trung Quốc, đồng thời là cơ sở trao đổi và gặp gỡ giữa Trung Quốc và Bỉ, tập trung vào hợp tác trong lĩnh vực giảng dạy tiếng Hoa và đào tạo giáo viên ở Bỉ. Cơ quan an ninh Nhà nước trong nhiều năm đã lo ngại rằng đó là "một con ngựa gỗ thành Troie khổng lồ bên trong các trường đại học" của Bỉ. 

Được Đảng cộng sản Trung Quốc thành lập vào năm 2004 và trực thuộc các trường đại học, các Viện Khổng Tử, theo các nhà quảng bá, là có sứ mệnh quyền lực mềm trên thế giới, tương tự như sứ mệnh của Alliance Française hoặc British Council. Thế nhưng, mọi chuyện chỉ không dừng ở đó. Các bộ phận giảng dậy tiếng Hoa nằm trong Viện Khổng Tử tuy trực thuộc bộ Giáo Dục Trung Quốc, nhưng thực ra nằm dưới sự quản lý của Hanban. Và Hanban có tham vọng ý thức hệ là "mở rộng ảnh hưởng của Đảng" và "quyền lực mềm của Trung Quốc". 

Dựa vào tiếng Trung và thư pháp, y học cổ truyền hoặc thơ ca, những trụ cột trong hoạt động của các Viện Khổng Tử, là đường hướng của Mặt Trận Thống Nhất của Đảng cộng sản Trung Quốc. Chiến lược gây ảnh hưởng của họ bao gồm đủ mọi thứ, từ điện ảnh tuyên truyền đến các hoạt động làm sai lệch thông tin về dịch bệnh Covid-19. Chủ tịch Hanban (tên đầy đủ Văn phòng Hội đồng Hán ngữ Quốc tế), là một quan chức cấp cao của chế độ cộng sản, ủy viên Bộ Chính Trị, đã được Tập Cận Bình giao thực hiện một thách thức : tiến hành một "cuộc cách mạng Khổng Tử" với mục tiêu đến năm 2020 thành lập được 1.000 Viện Khổng Tử. Hiện giờ, Trung Quốc đã có khoảng 500 Viện Khổng Tử tại 146 quốc gia. 

Tình hình các Viện Khổng Tử của Trung Quốc ở Tây phương hiện giờ ra sao ?

Tại Hoa Kỳ, sau những năm Donald Trump tấn công Trung Quốc trực diện, hơn một nửa trong số 110 Viện Khổng Tử đã phải đóng cửa. Phong trào đã được đẩy mạnh nhờ quyết định của Thượng Viện Mỹ về việc cấm cấp kinh phí cho các trường đại học có đặt Viện Khổng Tử, với lý do an ninh quốc gia.

Còn tại Liên Hiệp Châu Âu, vẫn có khoảng 50 Viện Khổng Tử đang hoạt động. Hồi tháng 12/2020, nghị sĩ Châu Âu Filip De Mast đã đệ trình lên Ủy Ban Châu Âu câu hỏi : "Ủy Ban có ý định yêu cầu 27 nước thành viên Liên Âu đóng cửa tất cả các Viện Khổng Tử hay không ?" Hồi đầu năm 2019, Công Đảng Anh đã khuyến nghị đình chỉ 29 thỏa thuận của các trường đại học trên toàn quốc trong khi chờ đợi một cuộc thẩm tra, đánh giá sâu rộng. Thụy Điển, nước Châu Âu đầu tiên làm như vậy, đã đóng cửa tất cả các Viện Khổng Tử trên lãnh thổ của họ. 

Nhưng ở Pháp thì ngược lại. Ít nhất 18 Viện Khổng Tử dường như vẫn đang hoạt động bình thường. Bắc Kinh đang gây ảnh hưởng sâu rộng ở các thành phố bậc trung. Cho dù mất một năm "đào tạo từ xa", các Viện Khổng Tử vẫn có rất nhiều dự án. Trước mùa hè năm 2021 đã có chiến dịch vận động cho "Cây cầu hướng đến tiếng Hoa", cuộc thi đã trao học bổng học tại Trung Quốc cho 50.000 người nước ngoài thuộc mọi quốc tịch. 

Phải chăng Liên Hiệp Châu Âu cuối cùng đã hiểu là Viện Khổng tử là công cụ tuyên truyền của Đảng cộng sản Trung Quốc ?

Hiện nay, việc đóng cửa các Viện Khổng Tử là kết quả của thái độ bài Trung Quốc ngày càng tăng ở Châu Âu, cả trong công luận cũng như trong các chính phủ. Quả thực, chính phủ các nước đã hiểu rằng các Viện Khổng Tử không mang tính giáo dục mà chỉ đơn giản là công cụ tuyên truyền của chế độ Trung Quốc. Chẳng phải vào năm 2009, chính Lý Trường Xuân (Li Changchun), khi đó là lãnh đạo cơ quan tuyên truyền của Đảng cộng sản Trung Quốc, đã giải thích Viện Khổng Tử là một công cụ rất quý để "tuyên truyền ra nước ngoài" ? Và kết quả là những người tham gia các khóa học tại các Viện Khổng Tử không bao giờ được tranh luận về các đề tài khiến Trung Quốc nổi giận, như Tây Tạng, người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương hay sự đàn áp ở Hồng Kông. Đơn giản là những chủ đề đó nằm trong vùng cấm. 

Công luận Châu Âu cũng đã ngán ngẩm những nhà ngoại giao "chiến binh sói", những người không ngần ngại xúc phạm những ai ở Châu Âu dám chỉ trích đường hướng chính trị, tư tưởng của Đảng cộng sản Trung Quốc. Ngày 08/07/2021, Nghị Viện Châu Âu ở Bruxelles đã kêu gọi các lãnh đạo Liên Hiệp và các Nhà nước thành viên từ chối lời mời của Bắc Kinh tới dự Thế Vận Hội Mùa Đông 2022 nhằm phản đối việc Trung Quốc vi phạm nhân quyền ở Hồng Kông và Tân Cương. Kiến nghị của các nghị sĩ Châu Âu đã được thông qua với 578 phiếu thuận (29 phiếu chống và 73 người không bỏ phiếu), theo đó Châu Âu sẽ không hiện diện tại Thế Vận Hội Bắc Kinh nếu chính phủ Trung Quốc không cho thấy có sự cải thiện rõ ràng về tình hình nhân quyền ở Hồng Kông, trong vùng Tân Cương, Tây Tạng, Nội Mông và những nơi khác ở Trung Quốc. 

Tại Liên Âu, nước nào sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất ?

Trong số các nước thành viên Liên Hiệp Châu Âu, Đức là quốc gia mất mát nhiều nhất trong cuộc khủng hoảng niềm tin nghiêm trọng vào Bắc Kinh lần này. Hồi năm 2020, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Đức năm thứ 5 liên tiếp, trao đổi thương mại đạt 212,1 tỷ euro. Các doanh nghiệp Đức đã đầu tư vào Trung Quốc nhiều hơn các công ty của bất kỳ nước Châu Âu nào. Nhưng giờ đây, sự tỉnh thức này quá đột ngột và mạnh. 

Để chuẩn bị cho tương lai, bộ trưởng Karliczek giải thích rằng bộ Giáo Dục Đức tính đến việc đầu tư 24 triệu euro để "củng cố, tăng cường một khả năng độc lập trước Trung Quốc" tại các trường đại học và viện nghiên cứu của Đức. Bà nói : "Nước Đức cần nhiều hơn nữa những nhân tài am hiểu về văn hóa, ngôn ngữ, xã hội và lịch sử Trung Quốc". Đó là bởi vì, dù muốn hay không, Trung Quốc và Đức vẫn sẽ là những đối tác kinh tế quan trọng. Tuy nhiên, đường hướng chính sách đối ngoại của Đức có thể thay đổi chút ít sau khi bà Angela Merkel rời ghế thủ tướng vào tháng 9/2021 sau 16 năm cầm quyền. Thường được coi là "đối tác tốt nhất của Trung Quốc ở phương Tây", thủ tướng Merkel coi việc phát triển các quan hệ thương mại với Bắc Kinh là một ưu tiên, bất chấp sự cạnh tranh Trung-Mỹ. Trung Quốc sẽ phải xoay xở khi không có bà Merkel…

Thùy Dương

Nguồn : RFI, 06/08/2021

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Minh Anh, Thùy Dương
Read 794 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)