Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

07/08/2021

Ủy quyền lập pháp : vài bàn luận về thể chế chính trị hiện nay

Hoài Nguyễn

Điều này dường như chưa có tiền lệ.

Trong thông cáo báo chí về kết quả kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV – kỳ họp được gọi là chỉ diễn ra 9 ngày trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến hết sức phức tạp, khó lường, đã cho biết rằng Quốc hội đã có Nghị quyết nhằm "tạo cơ sở pháp lý để Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chủ động, linh hoạt hơn trong chỉ đạo, điều hành công tác phòng, chống dịch Covid-19, kịp thời kiểm soát, ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh".

lapphap1

Có luận bàn rằng một "ủy quyền lập pháp" đã được Quốc hội ‘trao’ cho Thủ tướng Phạm Minh Chính.

Quốc hội đã cho phép với lý do điều hành phòng, chống dịch Covid-19, Thủ tướng Phạm Minh Chính có quyền cắt giảm tối thiểu 50% kinh phí hội nghị, công tác trong và ngoài nước còn lại của các Bộ, cơ quan trung ương, địa phương, và tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên khác còn lại của năm 2021; thu hồi các khoản chi thường xuyên chưa thực sự cần thiết, chậm triển khai để bổ sung dự phòng ngân sách trung ương và ngân sách địa phương, tập trung cho công tác phòng, chống dịch.

Đồng thời, Quốc hội giao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết định và chịu trách nhiệm về việc thực hiện một số giải pháp cấp bách trong phòng, chống dịch như: áp dụng biện pháp hạn chế một số phương tiện, yêu cầu người dân không ra khỏi nơi cư trú trong khoảng thời gian nhất định, tại một số khu vực, địa bàn cần thiết; tổ chức các lực lượng để bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội trong vùng có dịch; biện pháp đặc biệt về thông tin liên lạc và sử dụng các phương tiện thông tin liên lạc và các biện pháp khác có thể áp dụng trong tình trạng khẩn cấp để ngăn chặn kịp thời dịch bệnh lây lan.

Thủ tướng Phạm Minh Chính được quyền ưu tiên sử dụng ngân sách nhà nước và huy động mọi nguồn lực hợp pháp khác cho công tác phòng, chống dịch.

Như vậy, xem ra Thủ tướng Phạm Minh Chính không phải chịu sự ràng buộc cứng nhắc của Luật Ngân sách Nhà nước (tu chỉnh năm 2020) trong điều hành quốc gia bối cảnh dịch bệnh Covid-19.

Phải chăng ở đây là một "ủy quyền lập pháp" được Quốc hội trao cho Thủ tướng chính phủ nhằm quản trị đất nước ‘thời chiến với giặc Covid’?

Trước Hiến pháp năm 2013, tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước ở thể chế đơn nguyên là theo nguyên tắc tập quyền xã hội chù nghĩa. Do đó, mô hình lập pháp của Việt Nam là mô hình Quốc hội có toàn quyền về lập pháp, không phân biệt rạch ròi nhiệm vụ, quyền hạn giữa lập pháp, hành pháp, tư pháp trong xây dựng pháp luật.

Trong lập pháp có hành pháp và trong hành pháp có lập pháp. Vì thế, trong các đạo luật, có nhiều điều luật Quốc hội giao cho Chính phủ cụ thể hóa, chi tiết hóa.

Văn bản luật đã có hiệu lực thi hành nhưng không đi vào cuộc sống vì chưa có các văn bản dưới luật cụ thể hóa. Lúc bấy giờ, luật do Quốc hội ban hành được gọi là "luật khung" hay "luật ống". Hay nói cách khác, đây là tình trạng ủy quyền lập pháp tràn lan, không dựa trên nguyên tắc phân quyền minh bạch giữa quyền lập pháp và quyền hành pháp trong xây dựng pháp luật.

Và cũng vì thế, có tình trạng văn bản quy phạm pháp luật dưới luật quy định trái và vượt quyền của luật, làm cho hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật mâu thuẫn, chồng chéo, vô hiệu hóa lẫn nhau.

Tình trạng này như một thói quen, một tập quán kéo dài cho đến ngày nay và vẫn còn ảnh hưởng đến hoạt động lập pháp và lập quy trong điều kiện mới, tức điều kiện quyền lực nhà nước được tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc: phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp.

Sở dĩ gọi Hiến pháp năm 2013 là một bước tiến mới về chất trong việc phân định thẩm quyền giữa các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp, vì trong hoạt động lập pháp của Quốc hội và hoạt động lập quy của Chính phủ đã có sự phân công trách nhiệm rõ ràng hơn qua Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (hiện tại là phiên bản tu chỉnh năm 2020).

Nghị quyết của Quốc hội khóa XV ủy quyền lập pháp cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng đã ấn định cụ thể sự giới hạn trong phạm vi chỉ đạo, điều hành phòng, chống dịch Covid-19, bao gồm các biện pháp áp dụng trong tình trạng khẩn cấp về dịch bệnh, các giải pháp và biện pháp chưa được pháp luật quy định hoặc khác với quy định của một số luật.

Thời hạn ủy quyền cũng được ấn định từ khi được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ I cho đến hết năm 2022, sau đó sẽ tổng kết công việc để báo cáo trong kỳ họp Quốc hội gần nhất.

Phải chăng một tiền lệ về "ủy quyền lập pháp" được bắt đầu, vì sự ủy quyền đó, bao gồm cả quyền ban bố các sắc luật hành pháp có giá trị như đạo luật để điều hành quốc gia trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 cùng các hệ lụy kéo theo từ dịch giã…

Hoài Nguyễn

Nguồn : VNTB, 07/08/2021

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Hoài Nguyễn
Read 622 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)