Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

03/09/2021

Cách chống dịch của Việt Nam : vô nhân đạo và vô cảm

Nguyễn Lân Thắng - Nguyễn Ngọc Già - Song Chi

Thái độ

Nguyễn Lân Thắng, RFA, 03/09/2021

Việt Nam ta là đất nước có truyền thống ăn xin từ bao đời nay. Đừng có vội rồ lên tự ái, mà hãy xem lại cái đất nước này đã nhận bao nhiêu viện trợ từ bao nhiêu nước trên thế giới trong suốt gần 100 năm qua. Hết từ Nga, Mỹ, Tàu, Ấn Độ cho đến Đông Âu, Tây Âu và cả nhiều nước vùng Vịnh giàu có.

xin1

Việt Nam tiếp nhận thêm 3 triệu liều vắc-xin Covid-19 do Hoa Kỳ hỗ trợ thông qua Cơ chế COVAX

Đói thì phải xin thôi, cũng không có gì phải xấu hổ lắm. Đói mà. Chuyện sinh tồn mà. Nhưng xin các anh chị gần xa, đặc biệt là các anh chị fan hâm mộ đội tuyển Việt Nam lưu ý một số vấn đề này. 

Hiện nay đảng và nhà nước ta đang vật lộn ở tuyến đầu cùng với các lực lượng y tế để chống dịch, sức người đã bỏ ra không biết nhiêu mà kể. Nhưng không có sức của, là bao nhiêu loại vaccine, bao nhiêu loại thuốc điều trị covid, bao nhiêu vật tư y tế, bao nhiêu máy thở, bao nhiêu bồn chứa oxy, bao nhiêu bệnh viện dã chiến thì công sức con người trong công cuộc chống dịch này chỉ như muối bỏ bể, như dã tràng xe cát bể Đông.

Trong muôn vàn khó khăn đó, thủ tướng chính phủ cùng các ban ngành đoàn thể đã phải chạy vạy, phải vận động hết sức mình đến từng quốc gia trên thế giới, gõ cửa từng tập đoàn, công ty dược ở khắp mọi nơi, hòng xin mua, xin vay, xin viện trợ, xin cứu trợ nguồn vật lực quan trọng để cứu nước nhà.

Thế mà, chỉ vì hơn thua trong một cuộc thể thao, các anh các chị nam thanh nữ tú khắp mọi miền tổ quốc đã lũ lượt kéo nhau vào làm loạn ở khắp các trang mạng xã hội của ban tổ chức, của trọng tài nước người ta. 

Đồng ý là có thể có những oan ức nào đó cho đội tuyển yêu quý của các anh các chị. Nhưng thái độ và cách phản ứng của các anh các chị, nhân danh quốc gia, nhân danh dân tộc trong thời điểm khó khăn này có lợi hay không ? Hay những hành động đó là cú hất bỏ tàn nhẫn mọi nỗ lực ngoại giao của chính phủ trong công cuộc vận động chống dịch covid đầy khó khăn này.

Đã đi xin thì phải có thái độ tốt. Các anh các chị có sẵn lòng mở túi ra bố thí cho một kẻ huênh hoang, hống hách, đứng chống nạnh chửi khắp thiên hạ hay không ?

Sau đại dịch này, sẽ có rất nhiều trẻ mồ côi, nhiều công ty phá sản, nhiều đổ vỡ trong xã hội. Sẽ cần rất nhiều tài lực, nhiều nỗ lực để xây dựng lại đất nước kiệt quệ này. Việt Nam lấy đâu ra nữa những thứ đó, nếu không phải là sự giúp đỡ từ bên ngoài ? Hơn bao giờ hết, tôi cúi xin các anh chị gần xa hiểu rằng : Việt Nam sẽ nhận được sự giúp đỡ gì, không phải chỉ từ thái độ của Nhà nước, mà còn phần lớn từ thái độ của mỗi người dân chúng ta.

Có nhiều quốc gia, dù rất nhỏ bé, dù chẳng bao giờ chạm chân được đến vòng loại giải vô địch bóng đá thế giới, nhưng dân người ta sướng, nước người ta bình yên, và trong thảm hoạ đại dịch này không có ai phải chết vì đói. Ấy là vì người ta biết điều gì là quan trọng, là sống còn trong cuộc đời này. Thua một trận đấu chẳng sao, nhưng họ không chấp nhận để thua trong cuộc đời này.

Bớt tự hào đi, cúi mặt xuống, cố mà sống sót. Mỗi con người, mỗi gia đình, mỗi dân tộc từ trước đến nay dù có ba chìm bảy nổi thế nào, rồi cũng chỉ hơn nhau do ở cái thái độ.

Nguyễn Lân Thắng

Nguồn : RFA, 03/09/2021

*********************

Phải sống chứ không phải sẽ sống

Nguyễn Ngọc Già, RFA, 03/09/2021

Người dân bắt gặp vô số những ý tưởng, những câu chữ "bóng bẩy" của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam trong việc chống đại dịch virus Trung Quốc hiện nay, thiển nghĩ không cần dẫn ra quá nhiều, như : "chống dịch như chống giặc", "không thắng không về", "mỗi phường xã là một pháo đài", v.v.

1song1

Phố cổ Hà Nội : Hàng loạt cửa hàng đóng cửa vì vắng khách

Mới đây, ông Nguyễn Kim Sơn - Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo cũng nối gót "bóng bẩy" bằng phát ngôn "Mỗi trường học là một pháo đài chống dịch" [1].

Cố tật của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam, kể từ ngày lập quốc luôn luôn "bóng bẩy" trong câu chữ mà không thấy tác hại của lộng ngôn và ngoa ngôn gây ra cho toàn xã hội trong suốt nhiều năm qua.

Thực tế hơn 76 năm qua tại miền Bắc Việt Nam và hơn 46 năm qua tại miền Nam Việt Nam, các thế hệ người Việt Nam đang chìm lỉm trong môi trường gian dối và phóng đại mọi vấn đề.

Ranh giới giữa tiếu lâm - hài hước và ngoa ngôn - lộng ngôn đã bị xóa nhòa. Quá trình biến cả xã hội Việt Nam trở thành "Vua Nói Dóc" trên thế giới, được khởi đầu bằng lịch sử ngụy tạo của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam, với chuyến hải hành từ chàng trai Nguyễn Tất Thành, trốn trên tàu Đô đốc Latouche-Tréville, vào cái ngày định mệnh cách đây tròn 110 năm về trước.

Sự khác biệt của người Việt Nam trong mắt thế giới, được biến thành những bảng chữ khuyến cáo cảnh giác và cảnh cáo về thói hư tật xấu xuất hiện tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, v.v đã bị chê bai, lên án từ lâu. Mặc dù, người Việt Nam chưa bao giờ có tự do nói chung và tự do về quyền bầu cử - ứng cử nói riêng nhưng buộc phải chịu chung, dưới tên gọi "quốc nhục". Nhân cách người Việt Nam cũng từ đó mài mòn và tụt dốc thê thảm !

Đứng trước đại dịch có một không hai trên thế giới trong 100 năm qua, nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam nhìn con virus nhỏ hơn sợi tóc đến 600 lần, như thể là vô số kẻ phản động hữu hình đang tấn công (chỉ riêng họ) từ mọi phía. Thế cho nên, họ loay hoay suốt nhiều tháng qua, với hậu quả thê thảm mà toàn dân Việt Nam đang gánh chịu và chưa thể thống kê nổi những thiệt hại vô cùng kinh khủng, từ cách chống dịch của họ.

Cách chống dịch của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam thất bại là điều mà nhiều người quan sát thấy trước. Cách chống dịch phản khoa học bằng những quyết định rất chủ quan theo cách của ông Võ Nguyên Giáp từng tuyên bố [2] "Bác bảo đánh là thắng" như trang báo Nhân Dân ra ngày 29 tháng Chín năm 2009 đưa tin.

Cách chống dịch ngày càng lạc lối hiện nay cũng xuất phát từ niềm tin chiến thắng vô cùng mù quáng, bởi chủ nghĩa Duy Tình gây ra, từ một nền y tế - y học lạc hậu, thiếu thốn thuốc men, thiết bị y tế trầm kha nhiều chục năm, qua cuộc chống dịch virus Trung Quốc càng bộc lộ rõ ràng đến mức không thể phủ nhận.

Sự "bóng bẩy" trong cách chống dịch của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam không thể cải thiện tình hình dịch bịnh mà chỉ làm lòng dân ngao ngán thêm, ngay từ chiếc áo sơ mi ướt sũng mồ hôi của ông Thủ tướng Phạm Minh Chính, vốn chỉ hiện diện với tư cách lao động chân tay, vốn không cần đến kiến thức quản trị quốc gia và chuyên môn y khoa cho chống dịch virus Trung Quốc. Người dân cũng chưa hề thấy sự nhiệt tâm và lòng chan chứa yêu thương chúng dân, được thể hiển thô kệch như thế trên toàn thế giới, từ bất kỳ một nguyên thủ quốc gia nào cả.

Trên 2 nền tảng quan trọng nhứt của Triết học, bao gồm :

  1. Mọi sự vật/hiện tượng đều vận động.
  2. Mọi sự vật/hiện tượng đều tác động lẫn nhau và tác động đa chiều.

 Từ đó, dễ thấy những biện pháp chống dịch của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam, đang nhìn mọi thứ hoàn toàn đứng yên (bóc tách F0 như cô Tấm ngồi lựa gạo lúa ra làm đôi mới được đi xem hội, cách ly triệt để với bạo lực khủng khiếp, cấm đoán ra đường và nhốt dân một cách thô thiển - thô bạo v.v.). Cũng từ đó, nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam nhìn sự vật/hiện tượng không hề tác động lẫn nhau và tác động đa chiều mà họ đang cố tình cắt đứt hoàn toàn mối liên hệ giữa người dân với nhau, cũng như cắt rời mối liên hệ vốn không tách rời giữa Cái Riêng và Cái Chung trong xã hội, điển hình như : Đi siêu thị, đi chợ, đi xét nghiệm theo yêu cầu, giành các loại vắc-xin chích v.v Nếu cần kể thêm, cách gọi là "đi chợ giùm" của hàng chục ngàn chú bộ đội, xuất hiện tràn lan trên các trang báo, càng khiến người dân chê cười, tựa như cái thời với bài hát [3] "Lê Anh Nuôi" do ca sĩ nổi tiếng – Nghệ sĩ nhân dân Trần Hiếu trình bày, gây tiếng vang ngay từ lần xuất hiện đầu tiên, trong xã hội miền Bắc lúc bấy giờ với "quyết tâm chính trị" hào hùng một thuở. "Anh Nuôi" của bộ đội cụ Hồ một thuở hiện nay đang sống lại, trong dáng vóc thời đại internet càng khiến câu thơ : "mua vui cũng được một vài trống canh" của đại thi hào Nguyễn Du thêm mai mỉa, trong sự ê chề của dân chúng.

Từ hai yếu tố Triết học căn bản mà dễ hiểu nhứt như nói trên, cộng thêm :

- Kinh tế phi thị trường (diễn đạt thành kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa)

- Văn hóa nông nghiệp lạc hậu.

- Chính trị độc đảng toàn trị.

Toàn bộ 5 yếu tố quan trọng nhứt này (tức là 2 yếu tố Triết Học mang tính chi phối toàn diện và 3 yếu tố thuộc về kinh tế - chính trị - xã hội học) đã làm cho "công cuộc chống dịch như chống giặc" của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam thất bại hiển nhiên như toàn dân đang chứng kiến, với lượng người chết từ đại dịch virus Trung Quốc cao nhứt thế giới ở mức 12.138 người chết so với 486.727 số người bị coi là nhiễm, theo số liệu mới nhứt [4].

Thất bại với cái giá quá lớn và thê thảm hiện nay cũng do bởi nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam không chịu và không biết nhìn nhận thấu đáo trên tổng thể toàn xã hội, vốn phải là một cơ thể sống chứ không phải một xác chết !

Đã quá muộn để nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam chấm dứt những ý tưởng, những khẩu hiệu "bóng bẩy" vốn không thể giải quyết vấn đề một cách khoa học và đúng với quy luật tự nhiên cũng như quy luật xã hội.

Con người sinh ra để sống, không phải để chuẩn bị sống - Một tư tưởng để đời trong tác phẩm Bác sĩ Zhivago của nhà văn Nga Boris Leonidovich Pasternak (1890–1960). Vì vậy, nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam hãy hiểu ra, những vẽ vời, hứa hẹn, từ những quyết sách, biện pháp cho việc chống đại dịch hiện nay, điều mà toàn bộ dân chúng Việt Nam đang cần là PHẢI SỐNG chứ không phải SẼ SỐNG. Nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam hãy chấm dứt dùng thời tương lai trong bối cảnh hàng chục ngàn doanh nghiệp đang thoi thóp thở từng ngày

Nguyễn Ngọc Già

Nguồn : RFA, 03/09/2021

Chú thích :

[1]  https://nld.com.vn/giao-duc-khoa-hoc/bo-truong-nguyen-kim-son-moi-truong

[2]  https://nhandan.vn/tin-tuc-su-kien/Kh%C3%B4ng-qu%C3%A2n-Nh%C3%A2n-d%C3%A

[3]  https://www.youtube.com/watch?v=NtUCcyy5qMo

[4]  https://ncov.moh.gov.vn/

**********************

Việt Nam càng chống dịch càng "toang", và người dân thì lãnh đủ hậu quả !

Song Chi, RFA, 30/08/2021

Khi đợt dịch thứ 4 bùng phát vào cuối tháng 4/2021, Việt Nam đã có khoảng thời gian đi sau các nước khác đến gần một năm rưỡi. Nhưng thay vì tận dụng khoảng thời gian vàng đó để học hỏi kinh nghiệm chống dịch từ các nước khác, thì do sự chủ quan, mà nhiều người châm biếm gọi là "tự sướng" với những kết quả kiềm chế dịch các đợt trước nên nhà cầm quyền Việt Nam đã không chuẩn bị gì cả. Từ việc đặt mua vaccine cho tới kịch bản nếu đại dịch bùng phát trở lại thì sẽ xử lý như thế nào. Kết quả, như chúng ta đều thấy, Việt Nam đã bị Covid-19 quật nặng. Và cứ nhìn vào tình hình diễn biến như hiện tại thì không ai có thể biết khi nào Việt Nam sẽ thoát ra khỏi đại dịch, khi hai điều kiện quan trọng nhất là vaccine và nguồn lực y tế đều thiếu và yếu. Vaccine, dù đã nhận được sự viện trợ hào phóng từ Hoa Kỳ, từ chương trình viện trợ nhân đạo quốc tế COVAX và các nước, nhưng vẫn chưa đủ vào đâu khi dân số Việt Nam là 96-97 triệu người.

song2

Cứ nhìn vào tình hình diễn biến như hiện tại thì không ai có thể biết khi nào Việt Nam sẽ thoát ra khỏi đại dịch

Có rất nhiều nguyên nhân nhưng những nguyên nhân chính khiến việc chống dịch ở Việt Nam càng chống càng thất bại, và người dân phải hứng chịu mọi hậu quả, không chỉ chết vì dịch mà còn chết vì đói, và bị "khủng bố" tinh thần bởi hàng loạt chủ trương sai lầm, hà khắc, trống đánh xuôi kèn thổi ngược, hở tí thì cấm, phạt của nhà cầm quyền. Đó là :

1. Ngạo nghễ, chủ quan

Như vừa nói ở trên, Việt Nam đã chủ quan không chuẩn bị gì, từ chiến lược vaccine cho tới làm sao để vừa phòng chống dịch cho hiệu quả, vừa để người dân có thể sống sót qua những ngày phong tỏa không có thu nhập, đồng thời kinh tế vẫn tiếp tục vận hành ở một mức độ nào đó, không bị đứt gãy giữa nguồn cung và cầu, đứt gãy sản xuất hoàn toàn v.v.Và cũng vì ngạo nghễ nên không thèm học bài học chống dịch, cách thức phong tỏa, quản trị quốc gia trong thời dịch từ các nước khác, cũng như bất chấp mọi ý kiến, mọi lời khuyến cáo của các bác sĩ, chuyên gia, người có kinh nghiệm ở trong hay ngoài nước, bất chấp dư luận, cứ làm theo ý mình, và nếu có học thì chỉ học duy nhất bài học chống dịch cực kỳ khắc nghiệt của Trung Quốc tại Vũ Hán !

2. Chính trị hóa việc chống dịch – Chống dịch với tư duy thời chiến thay vì tư duy khoa học

Ngay từ đầu cho tới giờ nhà cầm quyền vẫn cứ khăng khăng giương cao khẩu hiệu "chống dịch như chống giặc", với tinh thần "phải quyết thắng tới cùng", để cho đám quan chức vốn xuất thân từ công an, tình báo, hoặc tuyên giáo, không có kiến thức, kinh nghiệm về khoa học lên lãnh đạo việc chống dịch, đưa công an, rồi quân đội vào một số thành phố phía Nam kiểm soát tình hình, coi virus là…giặc, coi dân cũng là những kẻ thù tiềm tàng…Thay vì chống dịch với tư duy khoa học, đưa các chuyên gia, bác sĩ hàng đầu trong lĩnh vực dịch tễ học, vi trùng học…lên lãnh đạo việc chống dịch, còn chính phủ thì lùi lại, lắng nghe ý kiến của họ, lắng nghe ý kiến của dân.

3. Độc quyền chống dịch, luôn luôn muốn kiểm soát mọi thứ - Không tin dân

Cái gì cũng độc quyền, thậm chí chống dịch đảng cũng phải độc quyền, không muốn chia sẻ trách nhiệm cho các chuyên gia đã đành, việc cứu trợ cho dân cũng không muốn các tổ chức hoạt động dân sự, các tổ chức tôn giáo tham gia trừ phi dưới cái ô của Mặt trận Tổ Quốc hay các tổ chức của đảng ; mà nếu có cho phép được một lúc vì làm không xuể thì sau đó cũng lại giành lại, như đưa quân đội vào Sài Gòn giành cả công viêc đi chợ của shipper, công việc cứu trợ của các tổ chức, cá nhân thiện nguyện…

Chuyện đưa bộ đội từ nơi khác tới đi chợ, đi trao quà cứu trợ giùm, thay vì chích vaccine đầy đủ cho lực lượng shipper, những người làm công tác thiện nguyện để họ có thể tiếp tục công việc, tức là bắt đội ngũ chuyên nghiệp phải ngồi chơi xơi nước trong khi bộ đội từ xa tới không quen việc đi chợ, không rành đường xá, không biết thành phần dân chúng nào, ở đâu thực sự cần phải được hỗ trợ trước, chưa kể thành phố lại phải lo ăn ở cho bộ đội v.v.chỉ là một trong vô số quyết định, chủ trương sai lầm của nhà cầm quyền mà ngay từ đầu những người dân bình thường có đầu óc suy xét cũng nhận thấy. Nhưng nhà nước này vẫn cứ làm để rồi sau đó lại phải lẳng lặng trả lại công việc này cho đội ngũ shipper.

Tình trạng độc quyền cũng thể hiện qua việc trung ương cứ nhất định lãnh đạo toàn bộ việc chống dịch từ trên xuống dưới, trong khi chính quyền địa phương nắm tình hình rõ hơn thì lại phải tuân theo những Chỉ thị có phần máy móc, không sát với từng địa phương, điều đó đã dẫn tới việc chính quyền Sài Gòn có những bất đồng, căng thẳng với ông Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống dịch Covid-19. Kết quả là ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh bị mất chức, bị điều ra Hà Nội làm Phó Ban kinh tế trung ương ngồi chơi xơi nước, nhưng bản thân Vũ Đức Đam thì cũng không còn giữ chức vụ này mà đích thân ông Thủ tướng Phạm Minh Chính phải nhảy vào đảm nhiệm. Lẽ ra nên san sẻ bớt quyền lực cho các địa phương để những người tại chỗ nắm rõ tình hình chống dịch sát hơn nhưng đảng cộng sản thì luôn muốn tập trung quyền lực vào một mối, kiểm soát mọi thứ.

4. Đi ngược với lòng dân – Không co đời sống kinh tế và sinh mạng của dân ra gì

Chúng ta thấy nhà cầm quyền Việt Nam đã nhân danh chống dịch để càng vi phạm nhân quyền qua các biện pháp cấm, phạt cực đoan, không coi cuộc sống và sinh mạng của dân ra gì. Cái kiểu chống dịch mà Việt Nam học theo Trung Quốc nó nguy hiểm ở chỗ là họ khuyếch đại hóa nỗi sợ hãi, làm căng thẳng thêm tình hình để từ đó càng có cớ mà nhốt dân trong nhà, rồi đưa cả quân đội với súng ống, xe tăng, thiết giáp vào SG, lấy cớ là giúp dân chống dịch nhưng chủ yếu là nhằm ngăn ngừa mọi sự nỗi loạn từ người dân, hoặc mọi ý kiến, quyết định khác ý trung ương nếu có, của các chính quyền địa phương.

Tất cả là để nhằm giữ sự ổn định chính trị và giữ cái bề mặt "sạch sẽ" nghĩa là ai bị dương tính, bị nhiễm thì nhốt vào một chỗ mặc kệ lây chéo lẫn nhau, ai chết thì lẳng lặng đem đi thiêu, bây giờ là đi chôn tập thể, miễn sao trên bề mặt mọi thứ vẫn trong vòng kiểm soát và những con số về tình hình dịch bệnh vẫn "ở mức độ chấp nhận được" dù thực tế thì tồi tệ hơn rất nhiều !

Đó là chưa kể những chính sách bất công, bất hợp lý trong đối tượng ưu tiên chích vaccine, sự phân biệt vùng miền thay vì dồn tối đa nguồn vaccine, nguồn tài chính cho những tỉnh thành bị dịch nặng v.v khiến tình hình càng tệ hơn.

Tất cả là do : Thể chế độc tài + Sự dốt nát, duy ý chí, chỉ lo bảo vệ quyền lực của nhàn cầm quyền

Hầu như không có nước nào mà không bị đại dịch Covid-19, không có nước nào mà không có những quyết định sai lầm lúc này lúc khác, không có nước nào mà không có người chết, nhưng chỉ có một chế độ độc tài toàn trị thì mới có cái cách chống dịch như vậy.

Có một giai đoạn khi Trung Quốc, Việt Nam và một vài quốc gia Đông Á chưa thực sự là một nền dân chủ đầy đủ (full democracy) kìm chế dịch khá thành công trong khi Hoa Kỳ và các nước phương Tây lao đao vì dịch, nhiều người còn đặt câu hỏi phải chăng đứng trước những thảm họa lớn như thiên tai, dịch bệnh thì mô hình thể chế độc tài là có lợi hơn vì thống nhất từ trên xuống dưới và dễ ép buộc người dân theo ý mình. Trong khi chính phủ ở các nước dân chủ thì phải chịu sự chỉ trích tứ phía từ đối lập, báo chí truyền thông cho tới dân chúng, đồng thời người dân thì đã quen với việc được tự do nên khó mà ép họ.

Nhưng cuối cùng thì chúng ta đã thấy, mô hình dân chủ vẫn có những ưu điểm vững chắc. Thứ nhất, những người lãnh đạo của họ là do dân bầu lên và sẽ bị gạt bỏ nếu làm việc yếu kém, nên họ phải làm việc tốt. Thứ hai, sự chỉ trích sẽ giúp chính phủ điều chỉnh các chính sách, quyết định kịp thời. Quan trọng nhất, mọi chính sách luôn đặt quyền lợi, sinh mạng của con người lên trên hết, tự do, phẩm giá, nhân quyền của con người được tôn trọng. Ngay cả trong những ngày số người tử vong cao ngất ngưỡng, trong những ngày bị phong tỏa nghiêm ngặt nhất thì người dân ở các quốc gia này chỉ có một nỗi lo là dịch bệnh, còn kinh tế đã có nhà nước hỗ trợ đầy đủ, tinh thần không bị hoạch họe, xách nhiễu, khủng bố.

Nhìn lại cách chống dịch của nhà cầm quyền Việt Nam, vừa rất sai về mặt khoa học, vừa hà khắc, độc tài khiến cho đời sống người dân càng thêm tang thương, khốn khổ.

Chống dịch như chống giặc. Giặc đâu không thấy nhưng người dân phải trả giá bằng bao nhiêu thảm cảnh và sinh mạng. Hết sai lầm này đến sai lầm khác. Khiến nhà báo Trân Văn trên blog VOA phải viết "Chống dịch như giặc, chỉ mong đừng chống giặc như dịch". Phải, chống dịch sai lầm thì chết dân, kinh tế sụp. Còn chống giặc mà đi từ sai lầm này đến sai lầm khác như vậy thì chỉ có mất nước ! Đừng "ngạo nghễ" rằng mấy chục năm trước thắng Pháp thắng Mỹ thì bây giờ giặc nào cũng thắng.

Và sau bao nhiêu ngày hùng hục chống dịch với tinh thần phải thắng, bây giờ thì chính ông Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng thừa nhận là phải chung sống lâu dài với dịch. Chỉ có điều, các nước quyết định "sống chung với Covid-19" là sau khi họ đã lockdown dài hạn để có thời gian ngăn chặn tỷ lệ lây nhiễm lan nhanh trong cộng đồng và có thời gian chích ngừa cho dân, đến khi đạt được khoảng ít nhất 60% dân số được tiêm vaccine đầy đủ thì họ mới mở cửa. Vương quốc Anh là một trong những quốc gia như vậy, và đã mở cửa hoàn toàn trở lại từ ngày 19/7. Từ đó đến nay tỷ lệ người bị nhiễm vẫn cao, nhưng tỷ lệ bị nặng phải vào bệnh viện và tỷ lệ người chết thì thấp hẳn.

Sống chung với dịch là trong điều kiện như vậy. Và đừng quên trước đó nước Anh đã lockdown dài hạn mấy lần. Nhưng dù lockdown dài ngày, không có ai phải chết đói cả, không có ai phải cứu ai.

Còn Việt Nam, theo trang Our World in Data, tỷ lệ người được tiêm chủng đầy đủ hai mũi chỉ mới 2,4% dân số, còn theo WHO là 1,68%, Việt Nam hiện đang "đội sổ" về tỷ lệ tiêm chủng chống Covid so với các nước trong khu vực Đông Á và Đông Nam Á. Như vậy thì bao giờ người dân mới được chích đủ ít nhất 60% hay hơn để có thể sống chung với dịch ? Hay vì kinh tế lẫn một số đông dân chúng quá kiệt quệ dù chỉ mới lockdown chưa phải là lâu, nên các ông chuẩn bị dư luận để cứ mở cửa bất chấp sinh mạng của người dân ?

Từ khi đại dịch bùng phát trở lại tới giờ, nhà cầm quyền đã thí nghiệm đủ cách, đủ Chỉ thị chính sách khác nhau sáng đúng chiều sai mai lại đúng, bất chấp người dân lãnh đủ ! Không có gì ngạc nhiên nếu họ lại thí nghiệm liều lĩnh mở cửa bất chấp hậu quả. Sống chung với dịch, đúng, nhưng hãy chích ngừa đủ cho dân đi đã. Còn trong thời gian này khi chưa thể mở cửa thì phải cứu trợ cho dân, chấm dứt ngay mọi chính sách hà khắc, ngăn sông cấm chợ một cách không cần thiết, học theo cách các nước khác chống dịch, phong tỏa như thế nào chứ đừng chỉ nhất cử nhất động học theo Bắc Kinh.

Và dù dịch hay không thì người dân cũng phải được sống như Con Người chứ không phải như tù nhân, bị lùa đi cách ly tập trung ngay cả khi chỉ mới bị nhiễm nhẹ, bị chăng dây kẽm gai, bị khóa cửa ngõ, bị cấm đi ra khỏi nhà ngay cả đi mua thực phẩm, thuốc men, bị hoạnh họe, xách nhiễu đủ thứ, bị đẩy đến bần cùng, chết vì dịch và cả vì đói.

Từ Phật giáo cho tới Lão giáo đều dạy con người thuận theo lẽ trời, thuận theo tự nhiên mà sống thì mọi việc yên ổn, một cá nhân còn như thế, huống hồ điều hành quản trị một quốc gia mà cứ khăng khăng duy ý chí, đi ngược với quy luật tự nhiên, xu hướng thời đại, đi ngược với khoa học và cả lòng người làm sao mà thành công ?

Song Chi

Nguồn : RFA, 30/08/2021

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Nguyễn Lân Thắng, Nguyễn Ngọc Già, Song Chi
Read 590 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)