Quy hoạch nhân sự : Góp thêm họa cho đại dịch !
Trân Văn, VOA, 06/08/2021
Cứ đối chiếu cả diễn biến lẫn tác động của đợt dịch Covid-19 thứ tư tại Việt Nam đến dân sinh, kinh tế, xã hội, với các chỉ đạo về phòng, chống dịch, cũng như thực thi, chắc chắn sẽ thấy, việc lựa chọn – bổ nhiệm nhân sự lãnh đạo hệ thống chính trị, hệ thống công quyền từ trung ương đến địa phương đã khiến tai họa do đại dịch tăng nhiều lần…
Ông Phạm Minh Chính.
Bởi không dễ liệt kê đủ và đặc biệt là rất khó để lựa chọn những dẫn chứng tiêu biểu trong vô số dẫn chứng, có lẽ tốt nhất là so sánh các tuyên bố của ông Phạm Minh Chính – nhân vật vừa là Ủy viên Bộ chính trị, đại biểu Quốc hội, vừa là Thủ tướng để minh họa nhân sự đã góp phần khiến hậu quả của đại dịch trở thành nghiêm trọng thế nào…
***
Ngày 8 tháng 7, khi dịch Covid-19 tại Thành phố Hồ Chí Minh đã trở thành nghiêm trọng tới mức cần phải tiến hành phong tỏa toàn thành phố này (thực hiện Chỉ thị 16), hôm sau, ông Chính, trong vai trò vừa là người lãnh đạo hệ thống chính trị, vừa là người lãnh đạo hệ thống công quyền tại Việt Nam yêu cầu chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh phải thực hiện nghiêm các biện pháp trong Chiến lược phòng, chống dịch mà hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam đã đề ra và thực thi từ năm ngoái là "truy vết, cưỡng bức cách ly, khoanh vùng (cô lập khu vực có dịch)". Theo chỉ đạo của ông Chính, toàn hệ thống phải tiếp tục"đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng" (1).
Nói cách khác, ông Chính nói riêng và hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam nói chung, tiếp tục gạt bỏ tất cả cảnh báo của các chuyên gia dịch tễ, y tế, kinh tế về hậu quả của những biện pháp cực đoan khi dịch đã lan rộng, cũng như những khuyến nghị về việc nên áp dụng các biện pháp khoa học hơn, hữu hiệu hơn…
Cuối cùng thì chính thực tế chứng minh, cả ông Chính lẫn hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam đều sai, hậu quả thì như mọi người đã biết và đang thấy. Một số viên chức hữu trách thừa nhận :Đặt truy vết lên hàng đầu không còn phù hợp (2) ! Do vậy, chẳng riêng F1, ngay cả F0 cũng cho cách ly tại nhà vì tỉ lệ lây nhiễm, tỉ lệ tử vong trong các khu cách ly tăng chóng mặt, hệ thống y tế quá tải. Hôm 30 tháng 7, trong cuộc họp giữa chính phủ với lãnh đạo các tỉnh, thành phố, chính phủ thú nhận, thúc đẩy đeo đuổi "truy vết" là lý do khiếnmột số địa phương xét nghiệm quá thoải mái dẫn tới lãng phí tiền bạc và nhân lực(3)…
Ông Chính phản ứng ra sao khi thực tế cho thấy, yêu cầu"đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng" của chính ông khiến mọi thứ tồi tệ hơn ? Theo tường thuật của hệ thống truyền thông chính thức, ông vẫn… đặc biệt quan tâm, chỉ đạo rất quyết liệtnhưng lần này là… về vấn đề thu dung và nghiên cứu phân loại nhanh F0 theo tình trạng bệnh (rất nhẹ, nhẹ, nặng, rất nặng, cấp cứu) để có biện pháp quản lý phù hợp với năng lực cách ly và tập trung nguồn lực điều trị. Cụ thể, phân loại người nhiễm thành các tầng điều trị một cách khoa học, hợp lý, sát thực tế. Nhẹ, rất nhẹ có thể điều trị ở tuyến xã, huyện hoặc nghiên cứu điều trị thí điểm F0 không có triệu chứng tại nhà một cách an toàn, trên cơ sở thực tiễn và kinh nghiệm của thế giới, còn nặng, rất nặng thì chuyển lên tuyến trên(4) !
Không những không thừa nhận đã sai, Thủ tướng còn nhấn mạnh. Các ý kiến đều thống nhất đánh giá, thời gian qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Ban chấp hành trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, của đồng chí Tổng bí thư, các đồng chí lãnh đạo chủ chốt, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự hưởng ứng, đồng tình, ủng hộ của nhân dân và doanh nghiệp, chúng ta đã nỗ lực hết sức mình để đối phó dịch bệnh và đã đạt được một số thành tựu bước đầu, có nhiều tín hiệu tích cực,đồng thời lưu ý phải"hết sức tránh quan liêu, xa dân", không để tiêu cực, lãng phí, tham nhũng trong phòng chống dịch, triển khai tiêm vaccine bảo đảm an toàn, hiệu quả !
Hóa ra bất chấp các cảnh báo, khuyến nghị của cả chuyên gia lẫn góp ý của dân chúng thuộc nhiều giới, khăng khăng buộc các cấp thừa hành phải"đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng" không phải là "quan liêu, xa dân" ? Vừa xin dân góp tiền mua vaccine, vừa vung tiền vào những chuyện đã vô bổ còn gia tăng rủi ro như "truy vết, cưỡng bức cách ly", phun hóa chất khử khuẩn ngoài trời và vào người (5) chẳng lẽ là đúng đắn, không… "lãng phí" và nhờ vậy tránh được chuyện tạo điều kiện đểngăn chặn tiêu cực, tham nhũng trong phòng chống dịch ?
NếuBan chấp hành trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đồng chí Tổng bí thư, các đồng chí lãnh đạo chủ chốt, và cả hệ thống chính trị đừngchỉ đạo sát sao, không cùng vào cuộc như vừa qua, số ca nhiễm, số người chết có tăng hay sẽ giảm như các chuyên gia từng phân tích khi đưa ra các cảnh báo và khuyến nghị ?
Tương tự, dân sinh, kinh tế, xã hội có hỗn loạn, suy kiệt như đang thấy hay ổn định hơn ? Chẳng lẽ thực trạng tồi tệ như đã biết lại là thành tựu bước đầu và là những tín hiệu tích cực ? Thêm bao nhiêu ca nhiễm, bao nhiêu người chết, cần bao nhiêu doanh nghiệp kiệt sức, ngưng hoạt động thì sẽ tuyên bố thành công mỹ mãn ?
Không may cho người Việt là Ủy viên Bộ Chính trị, đại biểu Quốc hội, Thủ tướng Phạm Minh Chính nói riêng và hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam nói chung rất nhất quán trongchỉ đạo cũng nhưvào cuộc. Chẳng hạn như cách đối xử với nạn dân từ nhiều nơi, bỏ trú xứ về quê lánh nạn.
Ngày 16 tháng 7, giữa lúc thiên hạ sững sờ trước cảnh nạn dân bất kể đói, khát, phải ăn bờ, ngủ bụi, tuy thiếu phương tiện vận chuyển vẫn lũ lượt dắt díu nhau lánh nạn, ông Chính chỉ đạo :Các tỉnh, thành phải phối hợp với Thành phố Hồ Chí Minh lập kế hoạch chuyên chở người lao động về địa phương, thực hiện quy định cách ly, phòng chống dịch và chuẩn bị điều kiện cần thiết khác theo tinh thần hỗ trợ tối đa, không gây khó khăn, phiền hà cho dân và các tổ chức liên quan, không để tình trạng quy trình, thủ tục phức tạp, kéo dài(6).
Hai tuần sau, hôm 31 tháng 7, ông Chính ra lệnh cho chính quyền các địa phương :Tuyệt đối không để người dân di chuyển khỏi nơi cư trú từ sau ngày 31 tháng 7 tới khi hết giãn cách (7). Tuy lệnh này có kèm yêu cầu :Tổ chức hỗ trợ, cung cấp ngay, đủ lương thực, thực phẩm cho tất cả những người lao động nghèo, mất thu nhập, không còn dự trữ. Không để người dân nào thiếu ăn, thiếu mặc. Tổ chức hỗ trợ y tế cần thiết cho mọi người dân nhưng đến nay, đã có bao nhiêungười lao động nghèo, mất thu nhập, không còn dự trữ thực sự đượchỗ trợ, cung cấp ngay, đủ lương thực, thực phẩm từ chính quyền chứ không phải từ những người giàu từ tâm ?
Những ai sẽ chịu trách nhiệm và ông Chính có nằm trong số phải chịu trách nhiệm liên đới khi càng ngày càng nhiều người uổng mạng vì bị nhiễm Covid-19 trong các khu cách ly hay vì cần cấp cứu do mắc những bệnh khác song không nhận đượchỗ trợ y tế cần thiết bởi bất cập, bất nhất trong chỉ đạo và thực thi các giải pháp phòng, chống dịch ?
***
Nếu đọc kỹ những tuyên bố của ông Chính trong cuộc họp giữa chính phủ với lãnh đạo các tỉnh, thành phố vào ngày 30 tháng 7, người ta hẳn phải tự hỏi, tại sao trước đó hai ngày, ông Chính thừa nhận phải xem lại, phải thay đổivấn đề thu dung và nghiên cứu phân loại nhanh F0 theo tình trạng bệnh,không hăm hở truy vết theo kiểu"đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng" để cưỡng bức cách ly nữa, mà vẫn khẳng địnhcông tác phòng chống dịch bệnh đang đi đúng hướng, các chủ trương, đường lối, chính sách, quy trình rất nhất quán, rõ ràng, bám sát thực tiễn. Chẳng lẽ cứ là Thủ tướng thì có thể phủi tay, giũ sạch trách nhiệm khihạn chế, bất cập lớn nhất là khâu tổ chức thực hiện ?
Vai trò của Thủ tướng - người đứng đầu hệ thống công quyền là gì – khicác chủ trương, đường lối, chính sách, quy trình rất nhất quán, rõ ràng, bám sát thực tiễn song việc tổ chức thực hiện có nơi, có lúc chưa đạt hiệu quả, thậm chí còn trì trệ ? Thừa nhận hay không thì rõ ràng việc Thủ tướng – nhân vật lãnh đạo chính phủ - chuyển trách nhiệm của mình trong phòng, chống dịch bệnh sang những cá nhân lãnh đạo hệ thống công quyền các tỉnh, thành phố, có quan hệ nhân – quả với những bi kịch nhưthế nào là "thiết yếu", cái gì là… "thiết yếu", cho nạn dân qua hay chặn họ lại… khiến mức độ trầm trọng của thảm kịch tăng không ngừng.
Thủ tướng như thế thì Chủ tịch các tỉnh - thành phố, Chủ tịch các quận – huyện, Chủ tịch các phường – xã, tất nhiên cũng sẽ như thế, không giống như thế mới là khác thường. Đó cũng là lý do vì sao, trước nay, nhân sự lãnh đạo hệ thống chính trị, hệ thống công quyền từ trung ương đến địa phương luôn luôn phải được qui hoạch. Đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu. Quy mô, sự khốc liệt của thảm họa có như thế nào thì hệ thống chính trị, hệ thống công quyền cũng như thế và vẫn như thế !
Trân Văn
Nguồn : VOA, 06/08/2021
Chú thích :
(6) https://vnexpress.net/thu-tuong-khong-gay-kho-cho-nguoi-tu-tp-hcm-ve-que-4325589.html
***********************
Vì sao tỷ lệ tử vong vì Covid tại Việt Nam cao ?
Sự ngạo nghễ quá sớm của Việt Nam trong chống dịch đã vụt tắt và đọng lại là sự thụ động trong chiến lược chống dịch. Tổng số người được tiêm hai mũi vắc-xin Covid ở Việt Nam chiếm chưa tới 1% dân số và xếp trong nhóm chót bảng trên thế giới , chỉ hơn được vài nước Châu Phi như Nigeria, Congo hay Sudan.
Điều này góp phần dẫn tới tỷ lệ tử vong vì Covid lên tới trên 4% tổng số các ca đã có kết quả cuối cùng, cao hơn so với chỉ 1% ở ít nhất là hai nước ASEAN khác như sẽ được đề cập ở phần sau.
Không chỉ chiến lược vắc-xin của Việt Nam vỡ trận mà lòng người cũng ly tán vì vắc-xin. Người giàu có, giỏi quan hệ nhiều khả năng được tiêm trước trong khi rất nhiều người dị ứng với vắc-xin của Trung Quốc.
Trong khi đó với các cấp độ khác nhau, vắc-xin của Trung Quốc đã góp phần giúp Cam-pu-chia tiêm chủng được cho 34% dân số, Malaysia 23%, Lào gần 12%, Philippines 9.5%, Indonesia 8%, Brunei trên 7% và Thái Lan 6%.
190 triệu liều vắc-xin Trung Quốc
Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị hôm 4/8 được dẫn lời nói Trung Quốc đã cung cấp 190 triệu liều vắc xin cho 10 nước thành viên ASEAN dù đây là con số chưa được kiểm chứng.
Singapore không nằm trong số các nước ưa dùng vắc-xin của Trung Quốc nhưng mua được các loại vắc-xin của phương tây về tiêm hai mũi cho hơn 60% dân số. Nước ASEAN còn lại, Myanmar đã chủng ngừa toàn diện cho gần 3% dân số.
Như vậy cho tới nay Việt Nam vẫn là nước kém nhất trong số 10 nước ASEAN khi tiêm chủng hai mũi cho chưa tới 1% dân số.
Mặc dù hai loại vắc-xin của Trung Quốc, Sinopharm và Sinovac, không hiệu quả như Pfizer, Moderna hay AstraZeneca, cả hai đều nằm trong danh sách bảy vắc-xin đã được Tổ chức Y tế Thế giới phê duyệt cho chương trình tiêm chủng toàn cầu.
Cũng vì tính hiệu quả kém hơn của Sinopharm và Sinovac mà các nước như Indonesia và Thái Lan hiện đang đổi chiến lược tiêm vắc-xin cho người dân. Thay vì tiêm cả hai mũi vắc-xin Trung Quốc, người ta sẽ tiêm mũi thứ hai bằng vắc-xin AstraZeneca trong trường hợp Thái Lan và Moderna cho người dân ở Indonesia, theo BBC.
Một điều nữa cần nói là Sinopharm, loại Việt Nam vừa quyết định nhập về năm triệu liều, có hiệu quả tốt hơn Sinovac. Dù khả năng chống lây nhiễm kém hơn các vắc-xin của phương tây, hai loại vắc-xin Trung Quốc được cho là khá hiệu quả trong việc giảm các trường hợp nhiễm bệnh nặng và tử vong. Tuy nhiên đó là kết quả nghiên cứu đối với Covid xuất phát từ Vũ Hán chứ không phải biến thể từ Anh hay từ Ấn Độ.
Trước tình hình khan hiếm vắc-xin, Việt Nam dường như cũng đã chấp nhận phải dùng loại vắc-xin kém hiệu quả hơn để giảm các ca bệnh nặng và số người chết vì Covid. Đây rõ ràng không phải là giải pháp tối ưu nhưng nó là giải pháp duy nhất hiện có. Việt Nam cũng có thể thử nghiệm tiêm liều một bằng Sinopharm và liều hai bằng AstraZeneca, Pfizer hay Moderna.
Tỷ lệ tử vong tới 4,47% ở Việt Nam
Tính tới ngày 5/8, Việt Nam có tổng cộng 185.004 ca nhiễm và 124.248 ca đang được điều trị, theo VnExpress. Tổng số ca đã có kết quả cuối cùng là 60.760 trong đó 58.040 người khỏi và 2.720 tử vong. Tỷ lệ người chết như vậy là 4,47% (2.720/60.760). Tỷ lệ này cao hơn nhiều so với con số 1% ở Thái Lan và Malaysia. Nó cũng lớn hơn tỷ lệ 3,35% của Indonesia. Lý do có thể là bệnh viện quá tải không chữa trị kịp cộng với số người được chủng ngừa quá ít so với các nước khác. Cũng chưa rõ tỷ lệ phần trăm ca nhiễm chủng Ấn Độ ở Việt Nam so với các nước láng giềng ra sao. Chủng Delta có khả năng lây nhiễm nhanh cũng như dễ dẫn tới tử vong hơn.
Cả bảy loại vắc-xin được Tổ chức Y tế Thế giới khuyên dùng đều có khả năng giảm bệnh nặng và nhất là giảm số trường hợp tử vong ở các mức độ khác nhau. Điều nhiều bác sỹ đã khẳng định là tiêm bất cứ loại vắc-xin nào cũng tốt hơn là không tiêm. Nhưng không có loại vắc-xin nào là thần dược và loại bỏ hoàn toàn khả năng tử vong, nhất là đối với những người già yếu và có bệnh nền.
Không có gì khó hiểu khi không ít người Việt nói không với vắc-xin Trung Quốc. Tại Nga nhiều người còn trả tiền cho bác sỹ để lấy giấy đã tiêm vắc-xin trong khi thực tế họ chưa hề có giọt vắc-xin nào trong người. Khi con người không có niềm tin với một loại vắc-xin nào đó, hay thậm chí là với tất cả các loại vắc-xin Covid, thuyết phục người ta bảo vệ chính họ và cộng đồng không dễ như chúng ta nghĩ.
Nguyễn Hùng
Nguồn : VOA, 06/08/2021
*************************
Việt Nam và ‘không bỏ ai lại phía sau’ !
Trân Văn, VOA, 05/08/2021
Không bỏ ai lại phía sau – đã trở thành điều mà cả cựu Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (1) lẫn tân Thủ Tướng Phạm Minh Chính (2) thay nhau lập đi, lập lại từ khi Covid-19 bùng phát, trở thành đại dịch toàn cầu.
Không bỏ ai lại phía sau – đã trở thành điều mà cả cựu Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lẫn tân Thủ Tướng Phạm Minh Chính thay nhau lặp đi, lặp lại từ khi Covid-19 bùng phát
Tuy "no one left behind" có từ lâu và phổ biến ở phương Tây nhưng đó không phải khẩu hiệu. Đó là phương châm cả cho hoạch định chính sách phát triển kinh tế, xã hội lẫn trên chiến trường và theo sau luôn có đủ loại giải pháp nhằm "không bỏ ai lại phía sau"…
Còn tại Việt Nam, sau khi giới lãnh đạo hệ thống chính trị, hệ thống công quyền vay mượn ý tưởng của thiên hạ, bi bô như thế, thực tế cho thấy… đúng là không ai rớt lại phía saubởi tất cả đều tự phải rướn phía trước cho đến lúc kiệt sức !
***
Suốt bốn đợt dịch kéo dài từ năm ngoái đến nay, có người Việt nào không thấy thắt lòng khi đồng bào và cũng là đồng loại của mình khốn khổ, không thấy thổn thức khi"bầu" và "bí" hỗ trợ nhau bằng đủ mọi cách bởi"chung một giàn" ?
Chẳng riêng mạng xã hội, hệ thống truyền thông chính thức cũng đầy những lời tán thán trước vô số thông tin, hình ảnh chứng tỏ, bất kể thế nào, mức độ tai họa trầm trọng và tương lai chưa biết ra sao thì nạn dân vẫn giúp nhau, "người vẫn thương người" !
Tuy nhiên sự sẻ chia hết sức tử tế ấy vẫn không đủ để nâng đỡ nhiều nạn dân, khiến họ an tâm về tương lai của chính họ và gia đình họ. Hàng triệu, hàng triệu người đã rời bỏ trú xứ, lên đường về quê lánh nạn. Đàn ông, phụ nữ, người già, kể cả trẻ thơ… ra đi bằng mọi cách : Phần lớn dùng xe hai bánh gắn máy nhưng cũng không ít người đạp xe, đi bộ ! Không ít người phải vượt qua quãng đường hàng ngàn cây số… May mắn cho họ và cũng là may mắn cho xứ sớ này là đã có hàng ngàn, hàng chục ngàn người tham gia tiếp sức : Tặng thực phẩm, nước uống, tặng tiền, cho xăng, giúp sửa xe… Nhiều người Việt hai lần ứa nước mắt, một lần cho những nghịch cảnh và một lần nữa trước tình thương !
Song tình thế đã khác. Nếu theo dõi diễn biến mạng xã hội. Nhiều người, nhiều giới, kể cả doanh giới vốn tận lực"chia ngọt, sẻ bùi" cũng đã kiệt sức. Chẳng cá nhân, nhóm, doanh nghiệp nào đủ khả năng tiếp ứng đồng bào của mình ròng rã nhiều tháng !
Giữa bối cảnh Covid-19 lan tràn, sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh đình đốn, chính phủ hoan hỉ khoe… nguồn thu vẫn tăng ! Hồi cuối tháng 5, Tổng cục Thuế loan báo :Bất chấp dịch, nguồn thu cho ngân sách trong năm tháng đầu năm tăng 120% so với cùng kỳ năm ngoái (3). Đầu tháng 7, Bộ Tài chính cho biết thêm :Thu ngân sách trong sáu tháng đầu năm nay bằng 57,7% dự tóan, tăng 15,3% so với cùng kỳ năm 2020, trong khi chi (bao gồm cả chi cho hoạt động phòng, chống dịch) chỉ khoảng 41,2% dự toán.Nói cách khác, dù đã phong tỏa nhiều nơi trong sáu tháng đầu năm, trong đó có Thành phố Hồ Chí Minh, nhiều người, nhiều giới khốn đốn, chi tiêu của chính phủ vẫn… thấp hơn gần 10% so với dự chi(4).
Năm ngoái, khi dân chúng lẫn doanh giới vất vả vật lộn với đủ loại khó khăn do dịch Covid-19, chính phủ Việt Nam từng loan báo, sẽ chi 62.000 tỉ hỗ trợ nhưng cuối cùng, 62.000 tỉ này trở thành thứ mà dân chúng mỉa mai, muốn có thì… lên TV mà nhận !
Thượng tuần tháng 7 năm nay, tại cuộc họp báo công bố khoản hỗ trợ mới trị giá 26.000 tỉ, Bộ trưởng Lao động – Thương binh – Xã hội phân bua, sở dĩ gói hỗ trợ 62.000 tỉ bị mỉa mai vì nhiều tiêu chí chặt chẽ, nhiều thủ tục, thời gian xem xét có khi phải cả tháng, nhanh cũng mất 10 ngày, song giờ, quyết định hỗ trợ mới sẽ rút ngắn thời gian, thủ tục chỉ còn bốn ngày, thêm ba ngày để giải ngân, nghĩa là trong vòng tối đa bảy ngày, tiền hỗ trợ sẽ đến tay người cần được giúp bởi… làm chậm là có lỗi với dân, làm sai thì có tội với dân(5)… Sắp bảy lần của bảy ngày nhưng đã có bao nhiêu cá nhân, gia đình được hỗ trợ từ gói hỗ trợ mà chính phủ tuyên bố là… táo bạo chưa từng cóấy ?
***
Nếu có hỗ trợ… táo bạo chưa từng có, chắc chắn cũng sẽ không có cảnh nhiều người Việt run rẩy vì đói, khát, vât vưởng, vật vờ do không còn nơi náu thân. Chắc chắn nhiều người Việt không ứa nước mắt khi phải chứng kiến đồng bào của mình lũ lượt rời bỏ trú xứ, chấp nhận ăn bờ, ngủ bụi để về quê tránh cả dịch lẫn cảnh đói, khát. Nếu có hỗ trợ… táo bạo chưa từng có, chắc chắn người Việt không phải tự thành lập những nhóm kiểu như… giúp thở vì nhiều đồng bào mắc dịch song không những không đủ nơi cứu chữa mà còn thiếu cả bình chứa oxy (6). Nếu có hỗ trợ… táo bạo chưa từng có cũng sẽ không có chuyện càng ngày càng nhiều nạn dân xin giúp táng cha mẹ, vợ con (7).
Làm sao có thể hỗ trợ… táo bạo chưa từng có khi cả ngân sách trung ương và ngân sách địa phương vừa bố trí kinh phí cho các nhiệm vụ chi phòng, chống dịch Covid-19, vừa phải bảo đảm cơ sở vật chất và các điều kiện cần thiết phục vụ công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa 15 và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026(5). Chưa kể hỗ trợ… táo bạo chưa từng có thì làm sao chính phủ còn cơ hội để khoe, bất chấp dịch, sáu tháng đầu năm nay, thu cho ngân sách vẫn tăng và giảm được chi ?
Sau ông Nguyễn Xuân Phúc, ông Phạm Minh Chính tiếp tục bi bô :Không bỏ ai lại phía sau- vì tất cả người Việt bất kể giàu – nghèo, đàn ông – đàn bà, người già – trẻ con bị đẩy vào tình thế phải ráng bươn lên phía trước bởi hệ thống chính trị này, hệ thống công quyền này không bận tâm đến ai. Hôm qua, chính quyền tỉnh Thừa Thiên – Huế đã chấp nhận đón nhận 23 cư dân Thừa Thiên – Huế về quê lánh nạn sau khi họ kêu cứu vì… không được về nhà. Một viên chức hữu trách của Thừa Thiên – Huế tuyên bốsẽ điều tra , xử lý những ‘chuyến xe 0 đồng’ (những chuyến xe do các doanh nghiệp vận tải thực hiện để giúp các nạn nhân về quê nhưng không lấy tiền)vì làm tình hình phức tạp hơn(8).
Không bỏ ai lại phía sautheo kiểu Việt Nam dường như là vì sẽ không còn ai ở phía sau. Không cố đi, thậm chí bò, trườn tới phía trước thì không còn cơ hội hiện hữu ở Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam sau đại dịch nữa !
Trân Văn
Nguồn : VOA, 05/08/2021
Chú thích :
(3) https://tuoitre.vn/ngan-sach-tang-thu-5-thang-dau-nam-2021-bat-chap-dich-20210531191351566.htm
(6) https://vnexpress.net/cha-de-atm-gao-lam-atm-oxy-cho-benh-nhan-4335660.html
(7) https://plo.vn/thoi-su/lanh-dao-chinh-phu-va-tphcm-vao-cuoc-tu-status-thay-co-oi-1005809.html
(8) https://plo.vn/xa-hoi/23-nguoi-hue-phai-cau-cuu-cong-an-da-nang-da-duoc-ve-hue-cach-ly-1005991.html