Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

17/09/2021

Lãnh đạo chống dịch tồi dở : kém tài năng hay cố tình phá hoại kinh tế ?

Nhiều tác giả

Doanh nghiệp Việt tiếp tục bị thiệt hại nặng nề vì chính sách ‘bóc tách F0 khỏi cộng đồng’

Võ Hàn Lam, VNTB, 17/09/2021

Đeo đuổi chính sách ‘bóc tách F0 ra cộng đồng’ khiến mọi công việc sản xuất, lưu thông hàng hóa đình đốn.

doanhnghiep1

"Quan điểm của Thủ tướng và bài học kinh nghiệm của quốc tế cũng như của nhiều địa phương nước ta trong các đợt chống dịch cho thấy chỉ có xét nghiệm thần tốc mới có thể bóc tách F0 ra cộng đồng, cùng đó kết hợp quản lý cách ly, khoanh vùng tránh lây nhiễm ra cộng đồng sẽ tránh được giãn cách kéo dài".

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long đã có phát biểu nhấn mạnh như trên ở cuộc họp chiều 14/9/2021 của Tiểu ban Y tế của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19. Vì đeo đuổi ‘bóc tách F0 ra cộng đồng’ nên nhiều tỉnh, thành đã phải liên tục gia hạn các lệnh giãn cách, ‘ai ở đâu ở yên đó’, khiến mọi công việc sản xuất, lưu thông hàng hóa đình đốn.

Hệ lụy của ‘ai ở đâu cứ mãi ở yên đó’

Trước đó, ở Hội nghị trực tuyến sơ kết về công tác phòng, chống dịch Covid-19 với các tỉnh, thành phố đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ và triển khai thực hiện Nghị quyết số 86 của Chính phủ về các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19, tổ chức ngày 15/8/2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh yêu cầu xét nghiệm nhanh, khoanh vùng ổ dịch và quyết tâm tách F0 ra khỏi cộng đồng trong thời gian giãn cách.

Một số ghi nhận về cụ thể thiệt hại từ chuyện đeo đuổi chính sách zero-covid của Bộ Y tế Việt Nam.

Công ty cổ phần Dệt may Đầu tư thương mại Thành Công (TCM), doanh thu tháng 7/2021 đạt 14,5 triệu USD (gần 330 tỷ đồng), giảm 2,7% so với cùng kỳ năm trước ; lãi sau thuế 672.933 USD (15,3 tỷ đồng), giảm 47% ; So với tháng 6/2021, công ty bị giảm 29% về lợi nhuận.

Doanh thu tháng 8/2021 của TCM đạt 10,5 triệu USD ; lợi nhuận sau thuế âm 282.425 USD. TCM cho biết, do tình hình dịch bệnh phức tạp, trong tháng 8, công ty thực hiện làm việc giãn cách nên năng suất lao động ngành may không đạt kế hoạch, cộng với chi phí hoạt động theo phương thức "3 tại chỗ" cao, dẫn đến biên lợi nhuận gộp không cao và lợi nhuận sau thuế bị lỗ trong tháng này.

Lũy kế 8 tháng, doanh thu của TCM đạt 106 triệu USD, cao hơn 4% so với cùng kỳ năm 2020 và hoàn thành 59% kế hoạch năm 2021 ; lợi nhuận lũy kế sau thuế đạt 5,5 triệu USD, tương ứng với việc hoàn thành 44,4% kế hoach năm 2021.

Hiện TCM đã nhận đơn hàng đến cuối năm 2021 và quý 1/2022. Tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh, mặc dù công ty tổ chức làm việc theo phương thức "3 tại chỗ" nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu đơn hàng.

Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), thiếu hụt nguồn nhân lực sẽ là thách thức lớn cho ngành trong quý 3/2021. Các doanh nghiệp dệt may hiện đang nhận được nhiều đơn hàng của khách hàng Hoa Kỳ, EU. Nhưng để yên tâm sản xuất trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến khó lường như hiện nay, vấn đề mấu chốt của ngành dệt may vẫn là chích vắc xin cho công nhân.

Nhà máy để sản xuất chứ không phải để làm ‘nhà ở’

Theo khảo sát của Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) tính tới cuối tháng 8/2021, chỉ có khoảng 30 – 40% doanh nghiệp thủy sản tại các tỉnh thành miền Nam hoạt động được "3 tại chỗ" – gọi tắt của sản xuất, cách ly, ăn nghỉ tại chỗ.

Có khoảng 30 – 40% doanh nghiệp không đủ thực hiện "3 tại chỗ" đã phải ngừng sản xuất, số phần trăm còn lại đã tạm dừng sản xuất để tổ chức lại nhà máy để thực hiện "3 tại chỗ". Với những nhà máy thực hiện được phương án này thì lượng công nhân có thể huy động được khoảng từ 30 – 50% tổng số lượng lao động, số còn lại nghỉ việc hoặc nghỉ không lương, công suất chế biến đã giảm từ 50 – 60% so với trước. Ước tính, công suất chung của cả vùng đã giảm từ 60 – 70%.

Tiền Giang, Cần Thơ, Hậu Giang, Đồng Tháp là các tỉnh có số lượng doanh nghiệp thủy sản ngừng hoạt động hoàn toàn, hoặc tạm ngừng sản xuất nhiều nhất để tổ chức lại thực hiện "3 tại chỗ".

Tính tới cuối tháng 8/2021, có tới 40 – 50% các đơn hàng bị giao trễ hẹn và có khoảng 10-15% các đơn hàng bị hủy. Ngoài ra, nhiều nhà nhập khẩu đã tỏ thái độ quan ngại cho rằng, trước mắt vẫn giữ đơn hàng nhưng có thể cân nhắc tới việc tìm nguồn cung thay thế.

Theo các doanh nghiệp được VASEP khảo sát, trường hợp doanh nghiệp được trở lại sản xuất bình thường sau khi nới lỏng giãn cách như từ trung tuần tháng chín này, thì khả năng lấy được các đơn hàng cho mùa lễ cuối năm cũng rất hạn chế.

Ngoài ra, cước phí vận chuyển của các hãng tàu hiện nay vẫn rất cao tăng từ 2 đến 10 lần và chưa có sự điều chỉnh phù hợp, thêm vào đó việc ‘book container’, ‘book tàu’ cũng gặp nhiều khó khăn khi doanh nghiệp hoàn toàn thụ động về thời gian, và cước tàu nên đã ảnh hưởng rất lớn đến kế hoạch vận chuyển và giá thành sản phẩm thủy sản, làm ảnh hưởng kế hoạch kinh doanh, uy tín của doanh nghiệp và sự cạnh tranh của thủy sản Việt Nam.

Không quá khó để thấy rằng dân chúng cũng cạn tiền vì không đi lại, buôn bán kinh doanh được, doanh nghiệp thì đóng cửa, giải thể mỗi tháng tầm 10.000 công ty.

Các nhà đầu tư nước ngoài bỏ vốn làm ăn ở Việt Nam đã rục rịch chuẩn bị chuyển đơn hàng, hoạt động sang nước khác trong bối cảnh giãn cách xã hội vẫn chặt cứng như hiện nay, và chưa biết khi nào dỡ bỏ để có thể hoạt động bình thường lại.

Võ Hàn Lam

Nguồn : VNTB, 17/09/2021

***********************

Cái giá của khủng hoảng Covid ở Việt Nam

Bac Pham & Bennett Murray, Khánh An, VNTB, 17/09/2021

Thành công chống Covid trước đây của Việt Nam đã thất bại do tình trạng không rõ ràng, thiển cận và thiếu vắc-xin nghiêm trọng

doanhnghiep2

Một người đàn ông (C) nhận vắc-xin coronavirus AstraZeneca Covid-19 tại Hà Nội vào ngày 10 tháng 9 năm 2021. Ảnh: AFP / Nhac Nguyen

Đặng Thanh Hằng, 27 tuổi, chủ tiệm nail thở dài khi kể lại vận may bất ngờ đảo chiều khi Covid-19 hoành hành ở tại Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố lớn nhất Việt Nam.

"Giờ tôi phá sản rồi. Bao nhiêu tiền mẹ con tôi tích góp trong những năm qua đã mất hết", cô nói.

Hằng, quê ở Cần Thơ, đồng bằng sông Cửu Long, đã dành toàn bộ số tiền tiết kiệm được để mở cửa tiệm. Cô cùng 4 người bạn thuê mặt tiền trên một con đường ở quận 7 vào tháng 4 trước khi đợt covid thứ 4 bùng phát tại Việt Nam vào ngày 27/4.

Việt nam đã ngăn chặn thành công tất cả các đợt bùng phát Covid cho đến thời điểm đó, chỉ với một vài đợt phong toả cục bộ làm gián đoạn hoạt động bình thường một thời gian ngắn trong năm qua.

Tuy nhiên, biến thể Delta đã xâm nhập vào và bắt đầu lan nhanh ở miền nam Việt Nam vào tháng 5.

Ngày 31 tháng 5, tất cả các dịch vụ không thiết yếu đã bị đóng cửa ở Thành phố Hồ Chí Minh, nhưng các biện pháp giãn cách xã hội mới không ngăn chặn được sự lây lan.

Chính phủ đã cấm gần như mọi người dân đi ra khỏi vào ngày 20 tháng 8, và giao cho quân đội giao thực phẩm đến các hộ gia đình.

Theo Bộ Y tế, Việt Nam đã ghi nhận gần 11.500 ca nhiễm Covid-19 mới vào ngày 12/9, nâng tổng số lên 613.375 ca với 12790 trường hợp tử vong.

Trong khi một số hạn chế đã được nới lỏng trong những ngày gần đây, số người chết trung bình hàng ngày trong bảy ngày vẫn ở mức gần 300. Tỉ lệ người chết vì Covid-19 chiếm khoảng 2,5% và cao hơn tỷ lệ tử vong của thế giới là 0,4% do nghèo đói và hệ thống chăm sóc sức khỏe bị quá tải.

Tính đến ngày 11 tháng 9, hơn 27 triệu người trên tổng dân số 98 triệu người được tiêm 1 mũi vắc xin. Với gần 4,7% dân số được tiêm chủng đầy đủ, Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng thấp nhất ở Châu Á, nếu không nói là trên toàn thế giới.

Ngày nay, các chủ doanh nghiệp như Hằng không còn có lựa chọn khi nhà nước bắt đầu thừa nhận virus sẽ còn tồn tại Việt Nam.

"Tôi không đủ tiền thuê nữa nên mới trả lại mặt bằng và thuê một phòng trọ nhỏ tạm sống qua ngày", chị Hằng ước tính thiệt hại khoảng 4.000 USD.

Theo khảo sát của Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân do Nhà nước kết hợp với VnExpress thực hiện từ ngày 12 đến 22/8, gần 70% trong số hơn 21.000 doanh nghiệp được khảo sát đã đóng cửa vĩnh viễn phần lớn là do chuỗi cung ứng bị đứt gãy.

Số doanh nghiệp còn lại cho biết đang phải chật vật để duy trì cho tới tận sang năm nếu tình hình không được cải thiện như nhiều người dự kiến.

Thiếu tướng Vũ Quốc Bình, bác sĩ, nguyên Cục trưởng Cục Quân y Việt Nam cho biết những sơ suất gần đây của cơ quan chức năng đã dẫn đến tình trạng "rối ren". Sự tự tin quá mức từ thành công ban đầu trong việc ngăn chặn đại dịch đã đã tạo ra sự tự mãn.

"Ban đầu chúng tôi nghĩ mình là số một trong cuộc chiến chốn dịch bệnh, nhưng cuối cùng, Việt Nam hiểu rằng mình đã sai", ông nói và cho biết thêm rằng cho phép tụ tập đông người trước khi bùng phát dịch bệnh như hiện nay là điều sai lầm.

"Thời điểm đó, Việt Nam có rất ít ca nhiễm trong khi thế giới đang bùng phát dịch lớn dẫn đến tâm lý chủ quan, cho phép tụ tập đông người", ông nói và cho biết thêm rằng chính phủ không ưu tiên tiêm phòng khi số ca nhiễm còn thấp.

"Thay vì tập trung vào vắc-xin, chúng tôi chủ yếu tập trung vào việc giãn cách xã hội", ông nói về các kế hoạch dự phòng của nhà nước trước khi dịch bùng phát và nhà nước "nghĩ rằng họ giỏi hơn các nước khác" do chiến thắng được Covid -19 trong năm đầu tiên của đại dịch.

Ngày 28 tháng 8, Việt Nam đã đột ngột đảo ngược chiến lược "zero Covid" trong những thừa nhận rằng "chúng ta không thể kiểm soát dịch hoàn toàn và phải thích ứng và có cách ứng phó phù hợp với tình hình".

Ba ngày sau, ông Chính nhắc lại cách tiếp cận mới, nói rằng Việt Nam "không thể sử dụng các biện pháp cách ly và phong toả mãi được", khi đề cập về tác hại sinh kế.

Ông Bình cho rằng trong khi việc giãn cách xã hội vẫn tiếp tục theo một số hình thức thì cách tiếp cận hiện tại là quá triệt để.

Ông nói : "Áp dụng giãn cách xã hội/ cách ly cực đoan ở một số địa phương sẽ có tác động xấu đến nền kinh tế.

Tháng trước, Ngân hàng Thế giới đã giảm mức tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) dự kiến hàng năm của Việt Nam xuống 4,8%.

Kinh tế Việt Nam đã tăng trưởng với tốc độ mạnh mẽ đến 5,64% trong sáu tháng đầu năm 2016.

Bác sĩ Tuấn Nguyễn, giáo sư y học dự đoán Đại học Công nghệ Sydney, Úc, cho biết tình hình sức khỏe cộng đồng ở Việt Nam không khác gì ở Úc, Úc cũng có số ca bệnh thấp thế giới trước khi xuất hiện biến thể Delta.

Ông nói : "Tôi nghĩ chính phủ [Việt Nam] phải chấp nhận thực tế, và thực tế đó là virus sẽ ở lại với chúng ta mãi mãi, cũng giống như nhiều loại virus khác trong những năm qua.

"Cứ mỗi ca được xác định qua xét nghiệm thì có lẽ còn 6-7 trường hợp chưa xác định được. Vì vậy, số lượng các ca được báo cáo mỗi ngày trên các phương tiện truyền thông không có nhiều ý nghĩa", ông nói thêm.

Ông Tuấn đồng ý rằng tiêm chủng là chìa khóa để hạn chế sự lây lan của Covid-19, đồng thời nói rằng hệ thống chăm sóc sức khỏe phải được tăng cường với các loại thuốc trị Covid như Remdesivir và Molnupiravir. Theo ông số người chết đột ngột tăng đột biến một phần là do nguồn cung cấp y tế không đủ.

"Khi dịch bùng phát ở đỉnh điểm, tình trạng thiếu giường ICU (cấp cứu hồi sức) giảm mạnh và nguồn cung cấp oxy tại các bệnh viện công. Một số loại thuốc hiệu quả không được dùng rộng rãi tại các bệnh viện, hạn chế khả năng điều trị bệnh nhân nặng", ông Tuấn nói.

Ông nói thêm : "Với những gì đã xảy ra ngay sau đợt bùng phát dịch mới nhất, có vẻ như chính phủ đã không chuẩn bị tốt cho việc gia tăng số ca Covid-19 như vậy.

Bên cạnh việc tăng cường nguồn cung vắc xin, Thiếu tướng Bình cho biết cả nước cần phải nâng cao năng lực xét nghiệm và tiếp tục với chiến lược "5K" hiện tại.

Ông nói thêm rằng những người bị nhẹ không nhất thiết phải nhập viện vì có thể bị nhiễm trùng bệnh viện và lây chéo.

Nhưng một số biện pháp giãn cách xã hội, chẳng hạn như cấp giấy phép đi đường rõ ràng là phản tác dụng, ông nói.

"Dân phải tập trung chỗ giấy phép đi đường, khi đi đường lại bị dừng xe kiểm tra, làm tăng nguy cơ lây bệnh", ông nói và cho rằng cần phải ưu tiên tiêm chủng.

Ông Bình nói : "Vắc xin phải được xem là giải pháp ưu tiên hàng đầu, và mọi biện pháp, hình thức giãn cách xã hội là cần thiết, nhưng không phải ưu tiên số một mà là ưu tiên số hai.

Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới công bố ngày 24/8, GDP của Việt Nam dự kiến sẽ tăng khoảng 4,8% vào năm 2021, mặc dù trước đây Việt Nam đã đạt kết quả kinh tế tốt trong nửa đầu năm nay.

Dự báo này thấp hơn hai phần trăm so với dự báo do Nhóm Ngân hàng Thế giới đưa ra vào tháng 12 năm 2020 do các tác động kinh tế tiêu cực của làn sóng Covid-19 đang diễn ra.

"Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ vẫn tích cực trong năm nay nhưng sẽ thấp hơn 4%, thay vì 4,7% như dự báo của Ngân hàng Thế giới vì dữ liệu của Ngân hàng Thế giới được thu thập từ trước ngày 20/7, trước khi đợt bùng phát thứ tư của dịch Covid-19, "ông Lê Đăng Doanh, cố vấn kinh tế cấp cao đã nghỉ hưu của 5 thủ tướng Việt Nam cho biết.

Ông nói thêm : "Nhiều hoạt động sản xuất và xuất khẩu đã bị ảnh hưởng tiêu cực do lệnh cấm vận, và một loạt hoạt động bị hạn chế như vận chuyển và thậm chí mua hàng trong nước.

Đối với Hằng, chủ tiệm nail tại Thành phố Hồ Chí Minh, bất kỳ sự thay đổi nào về chính sách hiện nay đều đã quá muộn. Khi bị nhốt trong căn phòng trọ nhỏ mà cô chuyển đến sau khi đóng cửa tiệm, cô nghĩ về những gì cô sẽ làm khi được phép ra phố lại.

Cô chắc rằng cô sẽ phải từ bỏ cuộc sống ở thành phố và làm lại từ đầu ở Cần Thơ.

"Giờ tôi chỉ còn biết đợi đến khi Thành phố Hồ Chí Minh dỡ bỏ phong tỏa rồi sẽ về quê sinh sống, vì ở đây tôi không biết làm gì".

"Tôi không muốn dùng từ" thất bại "để nói về cách điều hành nền kinh tế, nhưng có thể thấy chúng ta chưa thành công do những tồn tại và yếu kém trong thời gian gần đây", ông Doanh nói.

Bac Pham & Bennett Murray

Nguyên tác : Counting the cost of Vietnam’s Covid meltdown, Asia Times, 14/09/2021

Khánh An dịch

Nguồn : VNTB, 17/09/2021

***********************

Các nhà bán lẻ, ngành dệt may cân nhắc chuyển sản xuất từ Việt Nam sang lại Trung Quốc

RFA, 17/09/2021

Mt s công ty dt may, da giày vn đã chuyn sn xut t Trung Quc sang Vit Nam trong thi gian qua, nay phi cân nhc di nhà máy ca h tr li Trung Quc do tác đng nng n ca đi dch Covid-19 Vit Nam.

doanhnghiep3

Các nhà bán lẻ, ngành dệt may cân nhắc chuyển sản xuất từ Việt Nam sang lại Trung Quốc. -AP

Quartz hôm 16 tháng 9 cho biết, nhiu nhà kinh doanh bày t quan ngi v thách thc trong chui cung ng khi các bin pháp phòng chng Covid-19 đã khiến các nhà máy trên khp Vit Nam phi đóng ca.

CNBC đưa tin nhà đu tư BTIG tun qua đã h cp c phiếu ca Nike vì nhng khó khăn nghim trng trong sn xut. Ri ro đã tăng lên đi vi mt s thương hiu khác, theo các nhà phân tích và đu tư.

Các công ty nước ngoài trong nhng năm qua lo chuyn hot đng sn xut ra khi Trung Quc đưa sang các quc gia Đông Nam Á lân cn. Mc đích va đ khai thác lao đng r hơn các nước đó va đ né tránh thuế quan áp đt trong cuc chiến thương mi ca chính quyn Trump vi Trung Quc. Vit Nam là mt trong nhng đim đến ph biến nht trong khu vc thi gian qua.

Nguồn : RFA, 17/09/2021

*********************

Năng lực cán bộ : đừng đòi hỏi nhiều !

Thu Trân, VNTB, 16/09/2021

Nhơn vụ anh Chính họp phòng chống dịch trực tuyến mới lòi ra sự yếu kém của lãnh đạo địa phương, lòi ra bi nhiêu thì nghe các facebooker hăng hái tường thuật hết rồi. Không thấy lạ, mà thấy bình thường, bình thường từ trong cơ chế.

doanhnghiep4

Đừng bao giờ ngạc nhiên khi một cán bộ có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ ngành Xây dựng đảng phát biểu rất lơ ngơ về những vấn đề khác

 Đơn giản là giàn lãnh đạo các cấp ở nước ta, phần lớn là những hạt giống đỏ được quy hoạch từ thời chống Pháp chống Mỹ, từ đời ông đời cha đến đời con đời cháu đời chắt đời chít ; không thì cũng dây mơ rễ má kiểu này kiểu kia hoặc do chạy chọt mà ra.

Mỗi lần đại hội đại hiếc, dù biết là đã được quy hoạch, nhưng đương sự cũng phải chuẩn bị bao la phong bì để cảm ơn những đầu phiếu. Dà, chuẩn bị rải phong bì hàng tỷ cho một cái ghế to là chuyện bình thường. Cho nên có chức cũng khổ lắm, lao tâm khổ tứ đủ điều.

Khi cái ghế có được không do dân bầu, không xuất phát từ tâm tài đức thật sự, mà chủ yếu do các mối quan hệ trong một xã hội chuyên giải quyết các vấn đề bằng các mối quan hệ- thì đừng đòi hỏi vấn đề năng lực lãnh đạo, năng lực cán bộ.

Chuyện học giả bằng thật ; chuyện đặt ra một cái hệ chuyên về thạc sĩ, tiến sĩ các ngành Mác- Lê nin, ngành Xây dựng đảng… cũng làm khổ các quan chức có các bằng kiểu này.

Nói đúng ra, việc thấm nhuần chủ nghĩa cộng sản khoa học để trở thành một người cốt cán vừa hồng vừa chuyên để phục vụ chế độ cũng tốt, nhưng mọi người đừng quên rằng, ba cái bằng cấp chính trị này là kỹ năng, chứ không phải trình độ học vấn. Cho nên, đừng bao giờ ngạc nhiên khi một cán bộ có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ ngành Xây dựng đảng phát biểu rất lơ ngơ về những vấn đề khác.

Khi người ta bày đặt chuẩn hoá trình độ ngoại ngữ cho cán bộ, có rất nhiều chuyện cười ra nước mắt. Rất ít cán bộ to của ta dùng được tiếng Anh.

Ngày xưa, khi bằng ABC còn thông dụng, hầu hết cán bộ đều có bằng ABC. Giờ vụ ABC bỏ rồi, không biết quý vị khai bằng gì. Lâu quá không cập nhật không biết.

Mình có quen bà thứ trưởng, một chữ tiếng Anh bẻ đôi cũng không biết, nói "yes no" cũng rất ngại ngùng – mà thôi, dân bưng biền chỉ biết ruộng vườn và tay súng tay cày đánh Mỹ mà nhét tiếng Anh vào miệng người ta làm gì, vậy mà vẫn phải nhét vì "chuẩn hoá".

Bà thứ trưởng đang họp quốc hội, địa phương kêu về thi lấy bằng C tiếng Anh, thi thiệt, vô ký tên điểm danh, chép đáp án đưa sẵn, xong bay ra Hà Nội họp tiếp. Bằng C đàng hoàng, có ai thắc mắc kiểm tra "phôi phiếc" này nọ cũng là nghiêm chỉnh ! Chẳng biết để làm gì !

Trình độ thực chất là một nhẽ. Nhẽ quan trọng là kỹ năng làm lãnh đạo cũng trớt quớt luôn.

Nếu cần, nhân dịp anh Chính đương nhiệm thủ tướng, đề nghị giảm tần suất họp, chỉ còn khoảng 10% so với trước nay thì vừa ; tăng họp trực tuyến cho các bố sợ nhục trước toàn dân mà cập nhật tình hình, mà làm ăn nghiêm chỉnh.

Còn ra cái thể thống gì trước vài triệu dân tỉnh mình khi thủ tướng hỏi cái gì cũng không biết. Thế là hoàn hồn, thế là phải làm việc nghiêm chỉnh thôi. Nhờ làm báo, mình được tiếp xúc thường xuyên với các quan to, nhiều khi phỏng vấn, có hẹn đàng hoàng, các bố cũng chẳng nắm được gì, thanh minh do họp tối ngày sáng đêm.

Mà thật, đây là lý do thật. Cái đất nước gì mà họp nhiều hơn hành, hầu như rất ít quan chịu khó sắp xếp thời giờ thị sát dân, cho nên hỏi cái gì cũng không biết là vậy. Trình độ hạn chế, lại quen thói quan liêu nên họp hành là an toàn nhất.

Họp chỉ ngồi nghe người ta nói, xong rồi chỉ đạo, chỉ đạo chung chung đúng bài thì an toàn, chớ dại mà "phá rào" này nọ coi chừng chết. Nên cuộc họp các cấp các loại thường chỉ có một màu. Riết rồi nhà báo "nhờn mặt", nhiều khi đi họp, chỉ cần nắm nội dung chính, chưa xong họp đã biết lãnh đạo sẽ chỉ đạo gì, làm tin trước ngon lành, xong rồi dọt.

Thủ tướng sốt ruột, yêu cầu Kiên Giang, Tiền Giang chấn chỉnh công tác phòng chống dịch - VTV4, 13/09/2021

Lãnh đạo trình độ hạn chế, bận họp hành suốt ngày, lười đi thực tế… thì các thứ dựa vào ai ? Chuyên viên. Trong bộ máy công quyền của Việt Nam, chuyên viên là quan trọng bậc nhất. Coi họp trực tuyến với thủ tướng vừa rồi thì biết, chuyên viên quăng bài quăng phao cho lãnh đạo lia lịa mà lãnh đạo còn không biết chỗ nào mà đọc.

Rất nhiều lần mình phỏng vấn lãnh đạo mà hóa ra là phỏng vấn chuyên viên. Muốn phỏng vấn vấn đề gì, cứ a lô trao đổi trước với lãnh đạo, lãnh đạo kêu viết câu hỏi gửi chuyên viên là xong. Khi trúc trắc vấn đề gì trong bài phỏng vấn cũng trao đổi lại với chuyên viên. Chuyên viên chấp bút hết, đưa lãnh đạo duyệt một lần cuối cùng là OK. Vậy cho nó lành. Chứ phỏng vấn trực tiếp thì lãnh đạo ngại lắm, nhiều khi bị nhà báo truy đuổi ráo riết mà không nắm được gì hết cũng kỳ !

Nói đi cũng phải nói lại, trong vạn vì sao lấp lánh trên bầu trời lãnh đạo nước ta, cũng có nhiều vị rất ô-kê.

Phỏng vấn chú Sáu Dân (cố thủ tướng Võ Văn Kiệt) rất tuyệt. Ngoài việc đáp ứng nội dung phỏng vấn một cách rất căn cơ, rất ngon lành, chú còn chỉ ra nhiều vấn đề rất hay chung quanh nội dung phỏng vấn cho nhà báo nắm bắt và học hỏi.

Cánh nhà báo vẫn thường sung sướng bảo nhau, mỗi lần được gặp chú là một lần được đi học. Bên cạnh đó, cũng có nhiều cán bộ cấp xã cấp huyện cấp tỉnh nắm bắt vấn đề rất tốt, làm việc với họ rất dễ chịu, không có chuyên viên ngồi cạnh lật bài lật phao chạy té khói. Nhưng tiếc, số "nhiều tốt" này chẳng là bao trong số cán bộ hằng hà hiện nay.

Rất khoái anh Chính chỗ : "Anh báo cáo với tôi không lật tài liệu, không lật sách được không ?". Đấy cũng là cái điều dân muốn. Cán bộ mà không sâu sát dân, không hiểu dân ; muốn nói cái gì cũng phải lật tư liệu, lật sách thì "cán bộ" làm gì ? Mong anh Chính có nhiều cuộc "rượt đuổi, truy vết" cán bộ quan liêu, lười biếng, yếu kém… nhiều hơn nữa, cho dân nhờ.

Thu Trân

Nguồn : VNTB, 16/09/2021

***********************

Ai sẽ chịu trách nhiệm về cả chục ngàn ca tử vong liên quan dịch Covid ?

Phạm Lê Đoan, VNTB, 15/09/2021

Vì sao y tế Sài Gòn sụp đổ ?

Nếu viện dẫn Điều 4, Hiến pháp thì cá nhân chịu trách nhiệm về việc có đến chục ngàn ca tử vong liên quan dịch Covid, chính là đương kim Tổng bí thư Đảng mấy nhiệm kỳ liền.

doanhnghiep5

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp Vương Nghị, Ủy viên Quốc vụ, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc thăm chính thức Việt Nam và dự Phiên họp lần thứ 13 Ủy ban Chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam - Trung Quốc ngày 11/09/2021. Ảnh : Trí Dũng - TTXVN

Việt Nam luôn khẳng định đầy tự hào là đất nước có cả hệ thống chính trị cùng tham chiến trong đại dịch Covid. Gọi là hệ thống chính trị, là vì tham chiến có phía hành chính Đảng – mà đại diện là Tỉnh ủy/Thành ủy, và cơ quan hành chính dân sự với đại diện là Ủy ban nhân dân tỉnh/thành.

Một bác sĩ ngoại khoa từng làm việc ở bệnh viện Chợ Rẫy không giấu cảm xúc phẫn uất : "Nếu dàn cán bộ nhà nước, bao gồm lãnh đạo ngành y tế, có trình độ, có kiến thức, có tâm làm việc, thì đã không phải điều các bác sĩ, nhân viên y tế cả nước vào Sài Gòn hỗ trợ chống dịch.

Nếu họ có trình độ, và có tâm làm việc vì dân, vì nước, thì hệ thống y tế hùng hậu của Thành phố Hồ Chí Minh đã không sụp đổ dễ dàng khi số nhiễm vẫn còn đang rất nhỏ so với các nước khác, và không có con số tử vong cao chất ngất, thuộc loại hàng đầu thế giới.

Họ chỉ biết làm theo lệnh, như một nô lệ, trong khi lẽ ra, họ mới là người quyết định cái mệnh lệnh đó nên được ra như thế nào. Nhưng không, tâm thức nô lệ của họ ăn sâu đến mức, họ không dám đề xuất nhà nước công nhận liệt sĩ cho cán bộ y tế chết trong khi làm nhiệm vụ, chỉ vì người đó không nhiễm virus viêm phổi Vũ Hán…".

Có một giai đoạn mà truyền thông nhà nước ngại ngần nhắc tới ca tử vong trong các bản tin Covid hàng ngày, nếu có thì cũng chỉ lấp lửng. Đó là tháng 8/2021, tháng tang tóc nhất ở Sài Gòn, những cái chết lặng lẽ cứ dồn dập, trung bình mỗi ngày có hơn 300 ca tử vong.

Theo lệnh quan trên từ Hà Nội, chính quyền đã nhốt dân khi dịch bắt đầu lan rộng, thời điểm mà người bệnh mặc sức kêu cứu vẫn không thể nhập viện, người được cấp cứu thì đã quá trễ do ngăn đường, mạng lưới y tế quá tải… Bác sĩ, nhân viên y tế dù đã nổ lực, tận tâm họ cũng đành bất lực nhìn bệnh nhân lần lượt ra đi trong đau đớn. Những cái chết này đúng ra chỉ một phần là do Covid, phần còn lại do cách con người đối phó với dịch.

Trách nhiệm này thuộc về ai thì lịch sử sẽ phán xét. Một giai đoạn đau thương nhất mà người Sài Gòn sẽ ghi nhớ mãi, chỉ sau biến cố Tết Mậu Thân.

Ai sẽ chịu trách nhiệm về sự thất bại của hệ thống chính trị ?

Một nhà văn đang sống ở Sài Gòn, nói rằng khi mang tên là cuộc chiến, thì hậu chiến cần phải có một tòa án binh thật sòng phẳng cho công trạng và tội ác, khi ông đặt thẳng vấn đề "Tại sao quá nhiều người chết ? Ai sẽ chịu trách nhiệm ?"

"Ở thời điểm cuối tháng 7, tôi ứa nước mắt khi coi một clip quay tại quận 10, một người đàn ông trung niên khóc lóc, năn nỉ và cả chống đối khi mẹ ông bị bắt lên xe cứu thương chờ sẵn vì bà bị dương tính, người con la to là phải theo vô bệnh viện để chăm sóc mẹ, nhưng ông âm tính nên không được chấp nhận. Lực lượng y tế gọi công an và người đàn ông gần như quỳ xuống lề đường khi bà mẹ già ôm cái giỏ nhỏ, run rẩy lên xe cứu thương.

Vào giữa tháng 8, một bác sĩ viết trên báo rằng không cho người thân theo chăm sóc người bệnh, nhứt là bệnh nhân già yếu là một sai lầm nghiêm trọng. Ông cho rằng người chăm sóc có thể bị dương tính theo, nhưng đi 2 có khả năng cao là về 2, còn đi 1 là người già yếu, bệnh nền thì có thể về 0. Nhưng khi đó, không ai nghe ông.

Một cháu 17 tuổi bị dương tính, đưa vô bệnh viện dã chiến vào giữa tháng 8 kể với tôi rằng những người già, mà cháu gọi là ông ngọai, bà ngoại chết khá nhiều không phải vì Covid mà vì tuyệt vọng, cô đơn, khủng hoảng và kiệt sức vì đói bởi không thể tự ăn các suất cơm hộp. Các bác sĩ, nhân viên y tế phục vụ tận tình đến kiệt sức nhưng không xuể. Hiện cháu đã âm tính, trở thành tình nguyện viên trong bệnh viện dã chiến, vì như cháu nói : đau lòng lắm chú ơi, họ như bà ngoại của con !

Hiện nay tỷ lệ tử vong đã giảm, và khi F0 được chăm sóc tại nhà chắc chắn sẽ giảm mạnh. Nhưng ai sẽ chịu trách nhiệm về những cái chết trước đây ?"

Những chia sẻ kể trên, có lẽ dễ dàng tìm thấy ở rất nhiều nơi của Sài Gòn.

Việc chậm chuyển hướng chiến lược khi dịch bùng phát ở Sài Gòn và các tỉnh vùng ven với chủng Delta, vẫn cách ly F1, truy lùng F0 thay vì tập trung phương án làm giảm tử vong đã làm kiệt sức ngành y tế, tiêu tốn hàng núi tiền bạc của ngân sách và xã hội.

Cụ thể dẫn chứng, sau gần 100 ngày phong toả ở Thành phố Hồ Chí Minh và hơn 1 tháng ở Hà Nội, sức chịu đựng của nền kinh tế đã vượt ngưỡng giới hạn. Đến cuối tháng 8/2021, số liệu Tổng cục Thống kê ghi nhận có 85.500 doanh nghiệp đã rời bỏ thị trường, và các chuyên gia dự báo nếu tình trạng đóng băng tiếp tục diễn ra, thì sẽ có tới 100.000 doanh nghiệp phá sản.

Nhiều doanh nghiệp FDI buộc phải chuyển đơn hàng sang các nước khác. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ vừa đệ đơn kêu cứu. Hơn 6.000 chữ ký của chủ doanh nghiệp và người lao động ngành hàng bán lẻ và F&B vừa gửi thư kiến nghị tập thể tới lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh…

Với tất cả tình cảnh trên, nếu như vẫn khẳng định chuyện cả hệ thống chính trị cùng tham chiến, cho thấy dường như là sự bất lực (hay bất tài ?) của người đứng đầu Bộ Chính trị đang rất cần sự dũng cảm của ‘phê và tự phê’.

Và cũng xin nhớ rằng, hào kiệt đời nào cũng có !

Phạm Lê Đoan

Nguồn : VNTB, 15/09/2021

******************

Tiếp tục giãn cách, đóng băng kinh tế là nộp Việt Nam cho Trung Quốc

Viết từ Sài Gòn, RFA, 06/09/2021

Một câu hỏi đặt ra : Có bao nhiêu doanh nghiệp và cá mập bất động sản Việt Nam đang là sân sau của Trung Quốc ? Và, khi tất cả các mũi nhọn kinh tế Việt Nam bị đóng băng do giãn cách, giới nghiêm thì việc gì sẽ xảy ra ? Liệu có bàn tay cố vấn hay chỉ đạo nào từ Trung ương cộng sản Trung Quốc trong việc thiết lập mô hình giãn cách tại thành phố Sài Gòn (rất giống với mô hình Vũ Hán năm 2020, cũng đầy chết chóc và rên xiết) rồi sau đó mang y mô hình này ra siết chặt thủ đô Hà Nội ?

giancach1

Người Trung Quốc nhập cảnh trái phép vào Việt Nam trong bối cảnh dịch bệnh không chỉ là hành vi phạm tội mà còn là "tội ác" / BBC - Ảnh minh họa

Bởi, nếu không giải quyết ba câu hỏi này, chắc chắn Việt Nam sẽ rơi vào tay Trung Quốc một sớm một chiều. Việt Nam khác hẳn với Đài Loan, mặc dù Đài Loan là quốc gia bị Trung Quốc công khai ghép vào lãnh thổ, đưa vào cơ chế quản lý hành chính nhưng Đài Loan không bị thao túng kinh tế, đặc biệt, trong lĩnh vực đất đai, kinh doanh địa ốc, gần như sạch bóng Trung Quốc. Điều này hoàn toàn khác với Việt Nam, một quốc gia độc lập nhưng lại bị phụ thuộc nặng nề vào kinh tế Trung Quốc và đặc biệt, lĩnh vực địa ốc bị dính câu Trung Quốc quá nặng.

Trong khi đó, những ngày Sài Gòn bị bó gối, kinh tế đang có xu hướng kiệt quệ, Hà Nội cũng bắt đầu mỏi sau gần hai năm đối phó với dịch, 61 tỉnh thành còn lại, chỉ có Cao Bằng tuyên bố chưa có ca nào vì Cao bằng giữ giãn cách ngay từ đầu và kinh tế Cao Bằng thì hình như không có ảnh hưởng gì mấy đến nền kinh tế quốc gia. Các thành phố trọng điểm, nói như cựu Thủ tướng Phúc là "các đầu tàu kinh tế" đang có nguy cơ suy sụp.

Từ đầu năm đến nay, theo tổng hợp từ các báo nhà nước, đã có đến hơn 85.000 doanh nghiệp lớn, nhỏ đã chính thức đóng cửa và chạm nguy cơ tuyên bố phá sản nay mai do ảnh hưởng dịch bệnh và giãn cách xã hội. Và, khi các doanh nghiệp tự thân, các "tư bản dân tộc" này đóng cửa thì liền sau đó, có những doanh nghiệp mà doanh nhân chủ chốt của nó được cho là sân sau của Trung Quốc bắt đầu nổi lên với hai hoạt động chính là làm từ thiện và ra sức công phá các nhóm nghệ sĩ đã làm từ thiện. Song song với việc này là ngoài khơi Việt Nam, Trung Quốc tuyên bố kiểm soát giao thông hàng hải trên Biển Đông. Có thể nói rằng hiện tại, quốc gia đang lâm nguy với hai mũi ngoại công và nội kích.

Thử đặt câu hỏi : Ai đang đứng sau những kế hoạch giãn cách, cách ly xã hội mà trên thực tế là siết chặt giới nghiêm và đẩy thành phố Sài Gòn đến chỗ như đang thấy hiện tại ? Và, tại sao không phải là các thành phố khác mà Sài Gòn, Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ, Bình Dương là những nơi bị vỡ trận nặng nề do Covid-19 bùng phát (sau khi người ta tổ chức đón lễ 30 tháng 4 và 1 tháng 5, rồi sau đó là một kì bầu cử hết sức vô nghĩa, phi lý ngay giữa lúc dịch đang hoành hành mà lẽ ra, kì bầu cử này phải được bầu bằng điện tử hoặc có thể dời lại một, hai năm nữa sau khi mọi thứ đã ổn định) ? Và, hai cái lễ kia có phải là bước đệm cho kì bầu cử đầy tai ương mà sau đó chưa đầy một tháng, ngày 31 tháng 5, thành phố Sài Gòn phải đóng cửa, siết chặt giới nghiệp cho đến hôm nay ?

Liệu có bàn tay nào từ Trung ương cộng sản Trung Quốc đứng sau cuộc bầu cử kia hay không ? Và liệu có bàn tay nào từ Cục Tình báo Hoa Nam đứng sau những đòn đánh thẳng vào giới showbiz Việt, một giới được xem là có khả năng chi phối giới trẻ Việt Nam mạnh nhất, có thể động viên, kêu gọi hoặc chi phối giới trẻ Việt Nam ở các thế hệ 19x, 20x ? Liệu khi các ngôi sao này bị khán giả quay lưng, khi nền kinh tế bị đổ vỡ, khi đời sống nhân dân bị kiệt quệ, và các nhà doanh nghiệp sân sau Trung Quốc nổi lên như một cứu tinh quốc gia thì chuyện gì sẽ xảy ra ? Và trong Ban Cố vấn chống dịch, liệu có một bàn tay nào đó đang thao túng và chỉ đạo toàn bộ các hoạt động bấy lâu nay ?

Và điều đáng sợ nhất, hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam (và cả một số ngân hàng) đều phụ thuộc rất lớn vào Trung Quốc, từ việc giao thương hàng hóa cho đến tín chấp bất động sản vay vốn. Giả sử các doanh nghiệp này tuyên bố phá sản thì các tín chấp có dính đến yếu tố Trung Quốc sẽ được giải quyết ra sao ? Trả nợ bằng cách nào khi nền kinh tế sụp đổ ? Chỉ riêng đường sắt Cát Linh – Hà Đông, Việt Nam đã nợ Trung Quốc bao nhiêu tỉ USD ? Và còn bao nhiêu công trình xã hội, công trình nhà nước, công trình phúc lợi xã hội của Việt Nam đang nợ vốn Trung Quốc ? Khi nền kinh tế Việt Nam không còn khả năng trả nợ thì Việt Nam giải quyết các khoản nợ này như thế nào với Trung Quốc ? Liệu, luận điệu "phải cứu nền kinh tế Việt Nam" bằng cách tăng cường các mối quan hệ với quốc gia đàn anh, tăng cường giao lưu kinh tế, xuất khẩu nông sản để tồn tại có phải là cái cớ để người Trung Quốc có cơ hội làm mưa làm gió trong tư thế chủ nợ tại Việt Nam ?

Và nếu tình trạng này xảy ra, thì người Việt khoan vội vui mừng khi Hoa Kỳ thuê đất 99 năm để xây Đại sứ Quán tại Hà Nội. Bởi lúc đó, không chừng quĩ đất này cũng sẽ bị chuyển nhượng để trả nợ cho Trung Quốc, thu các khoản chi phí của người Mỹ là người Trung Quốc. Bởi ngay lúc này, nếu Việt Nam bị động, yếu ớt, rệu rã về kinh tế và hỗn loạn chính trị, thì ngay tức khắc, đây sẽ là miếng mồi ngon cho cả Mỹ và Trung Quốc, bởi chúng ta đã rơi vào luật chơi của đại dương trong tư thế của cá cơm, cá ngừ trước sự gờm nhau giữa cá mập và cá voi.

Với tình trạng hiện tại, khi mà quân đội phải chi phối quá nặng cho việc "an dân" ở các thành phố lớn, đời sống kinh tế ngày càng lụn bại, mũi nhọn chủ chốt lúc này là nông nghiệp đang bị khóa chặt do đại dịch, các hoạt động sản xuất và lưu thông hàng hóa thiết yếu chỉ nhỏ giọt, hoạt động xuất khẩu bị đình trệ… thì nguy cơ nền kinh tế Việt Nam kiệt quệ đang đến rất gần.

Đáng tiếc là trước đây Việt Nam từng được xếp trong nhóm đầu bảng xếp hạng phòng chống dịch của thế giới, lúc đó, New Zealand, Việt Nam và Đài Loan (Trung Quốc) nằm trong top 3 các nước và vùng lãnh thổ xử lý đại dịch Covid-19 hiệu quả nhất trên thế giới theo xếp hạng của Viện Nghiên cứu Lowy của Australia thì đến nay, con số do Nikkei ASIA tuyên bố, Việt Nam rơi vào vị trí 121 trong bảng xếp hạng các quốc gia phòng chống dịch Covid-19 trên thế giới. Một bước nhảy lùi cả thế kỉ, thật đáng sợ !

Nhưng, dường như các hành xử chủ quan, duy ý chí không những không giảm bớt mà còn tăng cường, nặng nề hơn. Từ việc phân vùng xanh, vùng đỏ, chặn dân và hành xử hổ báo ở một số nơi, thậm chí bất chấp mọi thứ quyền của con người, xông thẳng vào nhà, đập vỡ cửa bắt chủ nhà đi cách ly khi nghi người đó là F1 (trường hợp xảy ra ở Nghệ An). Và đáng sợ hơn cả là chính sách tuyên truyền đầy sắt máu, thù hận, biến những người nhiễm bệnh trở thành thần chết, bóng ma ôn dịch và có thể bị chính người thân, cộng đồng của mình xua đuổi, hất hủi (ngay trong Chỉ thị 16 qui định "người cách ly người", một kiểu pháp điển hóa bóng ma ôn dịch ở người thân, người trong gia đình, làm cho người xa lánh người).

Chưa đủ, thêm chuyện giấy tờ đi đường, đủ các loại giấy tờ, đủ các kiểu tiêu cực trong giấy tờ và hầu hết các loại giấy tờ ban hành đều có chung một xu hướng là khóa ở mức cao nhất các hoạt động kinh tế trong nước. Như vậy, nhà nước, chính phủ đã đi đến hai kết quả thấy rõ : Người dân quay mặt với cộng đồng bởi bóng ma ôn dịch và thỏa hiệp với các hoạt động bắt bớ, khủng bố tinh thần, biến nạn nhân bị nhiễm dịch thành kẻ nguy hiểm của xã hội. Khóa chặt các hoạt động kinh tế và đưa quân đội vào cuộc để một mặt phòng chống các thế lực dân chủ nổi dậy, phòng chống tình trạng nhân dân nổi dậy cướp kho thóc vì đói, bức bách. Và quản lý, điều hành các vùng theo kiểu chuồng trại.

Tôi tin rằng nhà nước, chính phủ không cố tình đẩy nhân dân, đất nước đến tình trạng hiện tại, và cũng chẳng có nhà nước, chính phủ nào đủ dại dột để đạp đổ nền kinh tế, phá nát lòng dân. Bởi làm vậy, chết trước tiên sẽ là nhà nước, chính phủ. Nhưng, sự lo lắng về một thứ âm mưu nào đó đã lồng ghép trong chiến dịch phòng chống dịch bệnh tại Việt Nam để đẩy dần đất nước đến chỗ bệ rạc, phụ thuộc và cuối cùng là nô lệ cho Trung Quốc không phải là không có cơ sở !

Chỉ có một cách duy nhất để cứu căn nhà đang cháy của chúng ta : Rút bỏ ngay tức khắc các ống nước chữa lửa vốn chứa hóa chất gây cháy và thay ngay các vòi nước được lấy từ sông ngòi, ao hồ, thậm chí cả những thau nước cộng hưởng để chữa cháy, để cứu căn nhà đang dần lớn lửa và có nguy cơ thiêu rụi nếu gặp gió. Nếu không kịp thời làm vậy, mối nguy nô lệ Trung Quốc đang rình rập chúng ta !

Viết từ Sài Gòn

Nguồn : RFA, 06/09/2021 (VietTuSaiGon's blog)

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Võ Hàn Lam, Bac Pham & Bennett Murray, Khánh An, Thu Trân, Phạm Lê Đoan, Viết từ Sài Gòn
Read 493 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)