Có công bằng không khi khen thưởng ngành công an trong chống dịch Covid-19 ?
Hôm 11 tháng 10 năm 2021, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh ký thay Thủ tướng một loạt quyết định tặng bằng khen cho những tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống dịch Covid-19. Theo đó, có đến 31/34 tổ chức được khen thưởng thuộc ngành công an ; 24/33 cá nhân được khen thưởng là công an.
Công an Việt Nam. Ảnh chụp tại Hà Nội ngày 27 tháng 2 năm 2019. Reuters
Điều 1 Quyết định số 1698/QĐ-TTg ngày 11/10/2021 nêu rõ : Tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho 31 tập thể và 23 cá nhân thuộc Bộ Công an đã có xuất sắc trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.
Ông Vũ Minh Đức, cựu quân nhân QĐND Việt Nam, chia sẻ với RFA suy nghĩ của ông về việc này :
"Tôi thấy nó vô lý. Nhiệm vụ chống dịch là của toàn xã hội. Trong đó phải nhắc đến ngành y tế là đầu tiên. Những nhân viên y tế là những người bỏ công sức, trí tuệ, thời gian và hy sinh cá nhân, gia đình trong thời gian chống chọi với đại dịch vừa qua.
ViệcThủ tướng ra quyết định khen thưởng mà số đông là lực lượng vũ trang thì tôi thấy nó không hợp lý chút nào hết. Lực lượng này cũng là tuyến đầu nhưng không phải là lực lượng chính cốt yếu trong chống dịch. Họ chỉ là người hỗ trợ các chính sách, các biện pháp của Nhà nước đưa ra thôi. Việc khen thưởng như thế là không công bằng khi đề cao lực lượng công an lên như thế."
Theo ông Đức, không chỉ trong chống dịch mà hầu hết các sinh hoạt trong xã hội, lực lượng công an luôn luôn được đề cao vì họ là lực lượng bảo vệ chế độ này.
Ông Quang, một người dân hiện ở Sài Gòn, nêu quan điểm của mình với RFA :
"Trước hết, để biết cá nhân, tổ chức được khen thưởng có đúng hay không thì phải được vai trò của từng tổ chức, cá nhân trong vấn đề chống dịch. Theo tôi, vai trò đầu tiên trong chống dịch là đội ngũ y, bác sĩ bởi đây là lĩnh vực sức khỏe con người. Chăm sóc sức khỏe con người có bác sĩ, y tá, điều dưỡng và những người liên quan trong ngành y tế.
Nói tóm lại, vai trò đầu tiên phải được kể là ngành y tế chứ không phải là công an hay quân đội. Công an hay quân đội chỉ là lực lượng hỗ trợ về mặt an ninh trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chống dịch mà thôi.
Bên có công nhiều không được khen thưởng xứng đáng, trong khi bên có công ít thì được khen thưởng nhiều sẽ gây bất bình trong xã hội. Điều này làm tổn thương tình cảm của người dân đối với chính quyền.Mình không cần nói nhiều, nhưng qua con số đó đã nói lên phần nào Nhà nước này quá coi trọng ngành công an. Chính ngành này coi mình là lá chắn của chế độ khi để khẩu hiệu "còn Đảng còn mình" trong các văn phòng công an".
Trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Công an có dòng chữ màu đỏ : "Lực lượng Công an nhân dân - Lá chắn phòng, chống dịch Covid-19 - Thanh bảo kiếm bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội".
Việt Nam bị cho là chống dịch bằng công an, bằng nghị quyết khi những người dân lên tiếng phản đối cách chống dịch không hợp lý, phản khoa học của chính phủ thì lập tức bị xử phạt, thậm chí bị bắt giam.
Có thể kể trường hợp ông Phan Hữu Điệp Anh bị khởi tố theo Điều 331 Bộ Luật Hình sự, do đăng tin : "bức xúc trước cách thức chống dịch Covid-19 của chính quyền, một người dân đã phẫn uất, ngay giữa đường bức bách… tự thiêu". Hay vụ ba người dùng mạng xã hội tại Lâm Đồng bị Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh này phạt hành chính 30 triệu đồng với nguyên nhân được nói do tung tin sai sự thật về dịch Covid-19 trên mạng xã hội.
Mới đây, Chính phủ yêu cầu Bộ Công an và Bộ Thông tin và Truyền thông phải xử lý nghiêm những người đưa tin lên mạng xã hội bị cho là xuyên tạc, tin giả, tin xấu, chống phá công tác phòng chống dịch, gây nghi ngờ, mất đoàn kết, ảnh hưởng đến tâm lý của các lực lượng tham gia phòng, chống dịch...
Facebooker Nguyễn Anh Tuấn hôm 4 tháng 9 năm 2021 viết trên danh khoản cá nhân của mình :
"Đành rằng giao cho công an chống dịch, với Đảng, Nhà nước ta là thượng sách. Công an và lực lượng vệ tinh tai mắt của nó thì đông khủng, lên tới cả triệu người (Hàng năm tiêu tốn lượng ngân sách gấp 10 lần ngành Y tế). Vốn dĩ nó đông như vậy là bởi bên cạnh chức trách thông thường, là bảo vệ Pháp luật, thì nhiệm vụ chính là "thanh kiếm và lá chắn của chế độ".
Giao cho công an nhiệm vụ chống dịch (đường nhiên là kèm theo tiền và quyền lợi), vừa là khai thác lực lượng thiện chiến sẵn có, phát huy sở trường phong toả, bắt nhốt, vừa là để vỗ về giữ vững tinh thần cho lực lượng bảo vệ chế độ nòng cốt nhất này, sẵn sàng trước các nguy cơ biến động xã hội thời đại dịch.
Nhưng hiện thực thành quả sau gần hai năm "chống dịch" thì đang rõ ràng là phũ phàng quá. Ai cũng thấy, cứ cái đà này thì tan hoang đất nước…"
Công an nhân dân Việt Nam được coi là một lực lượng vũ trang trọng yếu của Đảng và Nhà nước ; là nòng cốt trong sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia và giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, tuyệt đối trung thành với Đảng, luôn luôn ý thức "còn Đảng thì còn mình". Khẩu hiệu "còn Đảng, còn mình" là một nguyên tắc lớn trong đạo đức cách mạng của ngành công an Việt Nam.
Chiều 17 tháng 11 năm 2020, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc xin ý kiến đại biểu Quốc hội về hai nội dung liên quan đến dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.
Theo dự án luật trình Quốc hội, Bộ Công an muốn thống nhất lực lượng bảo vệ dân phố, dân phòng, công an bán chuyên trách hiện nay thành lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Trung bình mỗi thôn có một tổ bảo vệ an ninh trật tự cơ sở từ năm đến 10 người thì toàn quốc có khoảng 1.500.000 người tham gia lực lượng này. Báo cáo thẩm tra chỉ ra con số biên chế của lực lượng này hiện nay là 700.000 người. Nếu luật được thông qua với quân số lên tới 1.500.000 người thì sẽ tăng thêm khoảng 800.000 người.
Thiếu tướng Sùng Thìn Cò (Hà Giang), nguyên Phó Tư lệnh Quân khu 2 đặt câu hỏi với Bộ trưởng Công an rằng, bây giờ lực lượng công an quá đông, một tỉnh ít nhất phải từ 3.000 đến 4.000 công an chính quy, giờ lại thêm nhiều lực lượng nữa, chẳng lẽ lực lượng chính quy không đủ để nắm được tình hình, xử lý tình hình hay sao ?
Dù chính quyền Việt Nam chưa bao giờ công bố chính thức quân số của lực lượng công an, được coi là bí mật quốc gia, nhưng trong bài phát biểu trước Hội đồng Nhân quyền của Liên Hiệp Quốc vào tháng 6 năm 2014, cựu cán bộ ngoại giao Đặng Xương Hùng nói rằng : "trung bình cứ 18 người là có một người làm việc cho an ninh với mục đích duy nhất là theo dõi mọi công dân và đàn áp nhân quyền. Lãnh đạo chế độ đã thề là sẽ đập tan từ trứng nước mọi nhen nhúm thành lập các nhóm đối lập."
Diễm Thi
Diễm Thi, RFA, 27/10/2021