Phải ‘khóa miệng’ người đọc, nếu như không muốn đi tù !
Hoài Nguyễn, VNTB, 29/10/2021
Các bị cáo, thành viên của Báo Sạch bị tòa tuyên cùng về tội "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích, Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân" theo khoản 2, điều 331 Bộ luật hình sự.
Tòa nhận định các bài viết của các bị cáo đã làm cho nhiều người đọc bình luận tiêu cực, qua đó xúc phạm danh dự, uy tín của nhiều người, cơ quan, tổ chức.
Tòa tuyên phạt bị cáo Trương Châu Hữu Danh 4 năm 6 tháng tù, Lê Thế Thắng và Đoàn Kiên Giang mỗi bị cáo 3 năm tù ; Nguyễn Phước Trung Bảo và Nguyễn Thanh Nhã mỗi bị cáo 2 năm tù, đồng thời phạt bổ sung cấm các bị cáo hoạt động trong lĩnh vực báo chí thời hạn 3 năm.
Đáng chú ý về phần luận tội, Tòa nhận định các bài viết của các bị cáo đã làm cho nhiều người đọc bình luận tiêu cực, qua đó xúc phạm danh dự, uy tín của nhiều người, cơ quan, tổ chức.
Nhận định này của Tòa án nhân dân huyện Thới Lai, thành phố Cần Thơ đang tạo ra một tiền lệ nguy hiểm, vì đơn giản là nó cảm tính, và không tuân thủ các quy định hiện hành.
Pháp luật đã có quy định những hành vi bị cấm trong việc sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng, trong đó có việc lợi dụng việc sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng để đưa thông tin xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân.
Cụ thể được quy định tại điểm d khoản 1 Điều 5 Nghị định 72/2013/NĐ-CP về Quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng.
Điều 5. Các hành vi bị cấm
1. Lợi dụng việc cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng nhằm mục đích :
d) Đưa thông tin xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân ;
[…]
Nghị định 72/2013/NĐ-CP cũng quy định về quyền và nghĩa vụ của người sử dụng dịch vụ mạng xã hội đang hoạt động tại Việt Nam, trong đó có điều khoản quy định người sử dụng dịch vụ mạng xã hội phải chịu trách nhiệm về nội dung thông tin do mình lưu trữ, cung cấp và truyền đưa trên mạng xã hội, phát tán thông tin qua đường liên kết trực tiếp do mình thiết lập.
Điều 26. Quyền và nghĩa vụ của người sử dụng dịch vụ mạng xã hội
Ngoài quyền và nghĩa vụ của người sử dụng Internet quy định tại Điều 10 Nghị định này, người sử dụng dịch vụ mạng xã hội còn có quyền và nghĩa vụ sau đây :
[…]
4. Chịu trách nhiệm về nội dung thông tin do mình lưu trữ, cung cấp, truyền đưa trên mạng xã hội, phát tán thông tin qua đường liên kết trực tiếp do mình thiết lập.
Pháp luật cũng có quy định về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác.
Cụ thể điểm a khoản 1 Điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12-11-2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội… quy định :
Điều 5. Vi phạm quy định về trật tự công cộng
1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây :
a) Có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác ;
[…]
Thứ hai, nếu hành vi xúc phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm người khác còn có thể truy cứu trách nhiệm hình sự về "Tội làm nhục người khác" quy định tại Điều 155 của Bộ luật hình sự. Nếu nhận thấy hành vi bình luận bậy bạ đó xúc phạm nghiêm trọng, ảnh hưởng đến danh dự nhân phẩm của đương sự nào đó, thì về nguyên tắc, đương sự ấy có thể tố cáo người đó tới cơ quan công an cấp quận, huyện nơi người đó cư trú về hành vi làm nhục người khác theo Điều 155 Bộ luật hình sự.
Như vậy một ai đó khi bình luận sai lệch, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm danh dự và uy tín của cá nhân X.Y.Z, thì cụ thể người ấy sẽ phải tự chịu trách nhiệm về toàn bộ nội dung đó – kể cả bị bắt bỏ tù, chứ không thể buộc tội tác giả của bài báo, bài viết ấy như với vụ án ‘Báo Sạch’ vừa xử hình sự sơ thẩm ở Tòa án nhân dân huyện Thới Lai, thành phố Cần Thơ.
Hoài Nguyễn
Nguồn : VNTB, 29/10/2021
********************
Năm nhà báo nhóm Báo Sạch bị tuyên 14 năm 6 tháng tù giam
RFA, 28/10/2021
Những nhà báo độc lập này bị cáo buộc tội danh "lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức cá nhân" theo Khoản 2 Điều 331 Bộ Luật Hình sự.
5 nhà báo bị đưa ra xét xử trong liên tục 2 ngày - Vietnamnet
Cụ thể, ông Trương Châu Hữu Danh bị tuyên bốn năm sáu tháng tù, ông Đoàn Kiên Giang và Lê Thế Thắng mỗi người ba năm tù ; ông Nguyễn Phước Trung Bảo và Nguyễn Thanh Nhã đồng mức án hai năm tù.
Ngoài ra tòa cũng phạt bổ sung cấm các nhà báo này hành nghề báo chí trong thời hạn ba năm sau khi chấp hành án phạt tù.
Nhận định về bản án này, nhà báo độc lập Đường Văn Thái cho biết :
"Bản án này đối với người làm báo như Trương Châu Hữu Danh như vậy thì nó quá là nặng và áp khung hình phạt theo Điều 331 thì cái này đối với trường hợp anh này thì quá nặng - bốn năm sáu tháng tù.
Cái án như vậy đối với một người đưa tin ở một đất nước độc tài thì họ đã muốn tiêu diệt một ai đó thì họ đã đưa một mức án cao.
Thực sự với chế độ cầm quyền cộng sản Nhà nước Việt Nam thì họ không muốn lắng nghe bất cứ tiếng nói trái chiều, phản biện, họ chỉ thích khen, không thích chê, không thích tiếp thu ý kiến mới nên ai đó có ý kiến phản biện thì họ có tư thù và luôn muốn trù dập.
Họ sẽ không có nương tay với những người bất đồng chính kiến và họ luôn tăng mức án rất cao. Đấy là cách trả thù đơn giản nhất đối với nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam".
Theo như nhà báo này nhận xét, bản án đối với nhóm Báo Sạch và ông Trương Châu Hữu Danh có thể xuất phát từ đấu đá nội giữa các lãnh đạo cộng sản khi ông Danh đăng các bài về Đại học Tôn Đức Thắng và cựu Bí thư tỉnh ủy Đắk Lắk Bùi Văn Cường, nay là Tổng thư ký Quốc hội Việt Nam.
Mạng báo Dân Trí dẫn lời đại diện Viện kiểm sát cáo buộc giữa phiên tòa :
"Các bị cáo đã lợi dụng mạng xã hội, tự do báo chí, tự do ngôn luận để viết nhiều bài viết xúc phạm, xâm phạm đến nhiều cá nhân là lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ ngành trung ương và địa phương ; xâm phạm đến các quyền tự do dân chủ, qua đó xâm phạm đến nhiều cá nhân, cơ quan, tổ chức…".
Trong phần tự bào chữa, các nhà báo này cho rằng nếu bản thân bị truy tố theo Khoản 2 Điều 331 Bộ luật hình sự là quá nặng và đề nghị Hội đồng xét xử giảm nhẹ.
Ông Trương Châu Hữu Danh trong lời nói sau cùng được cho là đã gửi lời xin lỗi đến một số cán bộ lãnh đạo mà ông cho rằng mình đã "xâm phạm".
Tổ chức Phóng viên không biên giới RSF thời điểm các nhà báo này bị bắt đã lên tiếng yêu cầu trả tự do cho các thành viên Báo Sạch và chấm dứt việc săng lùng các nhà báo đang cung cấp thông tin độc lập đến với người dân.
Tổ chức Sáng kiến Pháp lý Việt Nam (cơ quan chủ quản của Luật Khoa tạp chí và The Vietnamese Magazine) trước phiên tòa cũng lên án việc chính quyền Việt Nam hình sự hóa các hoạt động của nhóm Báo Sạch và năm thành viên của nhóm.
*********************
Phóng viên Không Biên giới (RSF) chỉ trích những bản án tuyên cho năm thành viên Báo Sạch
RFA, 28//10/2021
Tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF) ra thông cáo lên án việc Tòa tại Thới Lai, Thành phố Cần Thơ tuyên tổng cộng 14 năm sáu tháng tù đối với năm thành viên nhóm Báo Sạch hôm 28/10.
Các thành viên Báo Sạch tại phiên tòa ở Tòa án Nhân dân huyện Thới Lai, Cần Thơ, hôm 26/10/2021 - Pháp Luật
Theo RSF, những phóng viên Báo Sạch bị kết án chỉ vì có những bài biết chuyên mảng tham nhũng và những vấn đề liên quan tại Việt Nam. Qua biện pháp bỏ tù như thế, cơ quan chức năng Việt Nam tăng cường đàn áp giới truyền thông độc lập.
Nhà báo Trương Châu Hữu Danh bị án cao nhất với bốn năm sáu tháng tù, Hai nhà báo Đoàn Kiên Giang và Lê Thế Thắng mỗi người ba năm tù ; hai nhà báo Nguyễn Phước Trung Bảo, Nguyễn Thanh Nhã mỗi người hai năm tù giam. Năm người còn bị cấm hoạt động báo chí ba năm sau khi mãn án.
Ông Daniel Bastard, Trưởng đại diện khu vực Châu Á- Thái Bình Dương của RSF cho rằng "việc áp đặt những án tù dài như thế đối với năm thành viên nhóm Báo Sạch, cơ quan chức năng Việt Nam tạo thêm bằng chứng về cương quyết đàn áp mọi nỗ lực cung cấp tin tức và thông tin một cách tự do. Tệ hơn nữa, hình phạt cấm tác nghiệp báo chí đối với họ mà các thẩm phán tòa án Thới Lai đưa ra cho thấy lãnh đạo Việt Nam xem nhẹ báo chí đến thế nào. Năm nhà báo không thể phải ở tù".
Theo RSF, quyết định ra những án tù nặng như thế đối với năm phóng viên thuộc nhóm Báo Sạch là sự tiếp nối biện pháp hà khắc hơn của Chính phủ Việt Nam đối với giới truyền thông độc lập. Biện pháp như thế tiếp diễn sau khi ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam, thành công để ra đường lối bảo thủ cứng rắn tại Đại hội Đảng lần thứ 13 vào đầu năm 2021.
Theo Chỉ số Báo chí Thế giới của RSF, Việt Nam xếp hạng thứ 175 trên tổng số 180 quốc gia.