Thanh Phương, RFI, 30/10/201
Hôm 29/10/2021, Hoa Kỳ đã kêu gọi chính quyền Việt Nam trả tự do cho 5 nhà báo công dân vừa bị kết án tù với tội danh "lợi dụng các quyền tự do dân chủ".
Phát ngôn viên bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price lên tiếng về quyền tự do báo chí tại Việt Nam. Ảnh ngày 18/08/2021. Andrew Harnik Pool/AFP
Hôm 28/10/2021, một tòa án ở tỉnh Cần Thơ đã tuyên án tù từ 2 năm đến 4 năm rưỡi đối với 5 nhà báo của trang Facebook "Báo Sạch", chuyên viết về các vấn đề xã hội nóng bỏng và nạn tham nhũng ở Việt Nam. Các nhà báo công dân này bị đưa ra xét xử với tội danh "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức cá nhân". Lãnh mức án nặng nhất là Trương Châu Hữu Danh, người sáng lập trang "Báo Sạch". Ngoài án tù, các bị cáo còn bị cấm hành nghề báo chí trong thời gian 3 năm kể từ khi mãn hạn tù.
Hoa Kỳ đã lên tiếng chỉ trích vụ xử này. Theo hãng tin AFP, hôm 29/10/2021, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Mỹ Ned Price cho rằng các bản án nói trên một lần nữa thể hiện một "xu hướng đáng lo ngại" ở Việt Nam, đó là bắt giam những người làm báo chí và mọi công dân "hành xử các quyền tự do ngôn luận và tự do báo chí".
Trong thông cáo, ông Ned Price nhấn mạnh : "Nhóm nhà báo này chuyên làm những phóng sự điều tra về nạn tham nhũng và việc này dĩ nhiên không phải là một tội ác". Thông cáo của phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Mỹ viết tiếp : "Hoa Kỳ kêu gọi chính quyền Việt Nam trả tự do cho 5 nhà báo này và cho tất cả những người bị bắt giam một cách bất công, đồng thời để cho mọi công dân ở Việt Nam được quyền bày tỏ quan điểm một cách tự do mà không sự bị trừng phạt".
Tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới, trụ sở tại Paris, cũng đã ra thông báo phản đối các bản án đối với các nhà báo của nhóm Báo Sạch. Theo ông Daniel Bastard, trưởng ban Châu Á-Thái Bình Dương của Phóng Viên Không Biên Giới, qua việc tuyên các án tù dài như vậy đối với năm nhà báo này, "nhà chức trách Việt Nam đã lại chứng tỏ quyết tâm ngăn chặn bất kỳ nỗ lực cung cấp thông tin một cách tự do".
Trong bản xếp hạng 2021 về tự do báo chí trên thế giới của Phóng Viên Không Biên Giới, Việt Nam đứng thứ 175 trên tổng số 180 quốc gia.
Đầu tháng 7/2021, một nhà báo công dân khác là ông Phạm Chí Thành cũng đã bị tòa án Hà Nội tuyên án tù 5 năm rưỡi về tội "Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu nhằm chống nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam", theo điều 117 Bộ luật Hình sự.
Thanh Phương
**********************
Hoa Kỳ lên tiếng về án tù mà Việt Nam tuyên đối với Nhóm Báo Sạch
RFA, 30/01/2021
Hoa Kỳ vào ngày 29/10 lặp lại kêu gọi Việt Nam bảo vệ những quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí đã được qui định trong Hiến Pháp Việt Nam. Kêu gọi từ phía Washington được đưa ra sau khi Tòa án tại huyện Thới Lai, Thành phố Cần Thơ vào ngày 28/10 tuyên án tù đối với năm thành viên Nhóm Báo Sạch.
Bốn trong số năm thành viên Nhóm Báo Sạch bị kết án tù. RFA edited
Thông cáo của Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Ned Price cho biết Nhóm Báo Sạch tập trung đưa tin điều tra về tình trạng tham nhũng nên đó không thể là một hành vi phạm tội. Những bản án đối với năm thành viên Nhóm Báo Sạch là các án tù mới nhất trong xu thế đáng quan ngại về tình trạng bắt giam và kết án giới phóng viên và công dân thực thi quyền tự do ngôn luận và tự do báo chí được Hiến định tại Việt Nam.
Do đó, Hoa Kỳ kêu gọi cơ quan chức năng Việt Nam hãy bảo vệ những quyền tự do đó và trả tự do cho năm phóng viên Nhóm Báo sạch và tất cả những ai bị bắt giữ một cách bất công ; đồng thời hãy cho phép mọi cá nhân tại Việt Nam được tự do bày tỏ quan điểm của họ mà không sợ bị trả thù.
Hoa Kỳ thúc giục Chính phủ Việt Nam hãy bảo đảm mọi hành động của họ nhất quán với các qui định về nhân quyền trong Hiến pháp Việt Nam cũng như các nghĩa vụ và cam kết quốc tế của Hà Nội.
Theo Hoa Kỳ, quyền tự do báo chí là nên tảng căn bản cho tính minh bạch và công tác quản trị đất nước có trách nhiệm. Giới viết văn, bloggers và phóng viên thường phải tác nghiệp trước những mối nguy lớn và Hoa Kỳ thúc giục Chính phủ Việt Nam và những chính phủ khác cũng như mọi công dân toàn cầu bảo đảm sự bảo vệ cho những người đó.
Vào chiều ngày 28/10 Tòa án Nhân dân huyện Thới Lai, Cần Thơ tuyên phạt năm nhà báo của Nhóm Báo Sạch tổng cộng 14 năm 6 tháng tù giam sau hai ngày xét xử và một ngày nghị án.
Những nhà báo độc lập này bị cáo buộc tội danh "lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức cá nhân" theo Khoản 2 Điều 331 Bộ Luật Hình sự.
Cụ thể, ông Trương Châu Hữu Danh bị tuyên bốn năm sáu tháng tù, ông Đoàn Kiên Giang và Lê Thế Thắng mỗi người ba năm tù ; ông Nguyễn Phước Trung Bảo và Nguyễn Thanh Nhã đồng mức án hai năm tù.
Ngoài ra, tòa cũng phạt bổ sung cấm các nhà báo này hành nghề báo chí trong thời hạn ba năm sau khi chấp hành án phạt tù.
Trọng Nghĩa, RFI, 29/10/2021
Sau khi thông tin về vụ tòa án huyện Thới Lai ở thành phố Cần Thơ, miền Nam Việt Nam, vừa tuyên những bản án bị cho là quá nặng đối với năm nhà báo trong nhóm Báo Sạch được lưu hành trên mạng, tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới RSF (Reporters sans frontières) hôm 28/10/2021, đã lên tiếng phản đối.
Năm nhà báo bị tuyên án tổng cộng 15 năm tù tại tòa án Cần Thơ, Việt Nam. © @RSF
Trong một thông cáo báo chí, tổ chức bảo vệ nhà báo, trụ sở tại Pháp, đã nhấn mạnh Báo Sạch là một tờ báo điện tử chuyên đưa tin về tham nhũng và các vấn đề liên quan. Thế nhưng, 5 nhà báo tham gia tờ báo này đã bị kết án "tổng cộng gần 15 năm tù", cho thấy là chính quyền Việt Nam đang tăng cường đàn áp các phương tiện truyền thông độc lập trong nước.
Trích dẫn các phương tiện truyền thông nhà nước Việt Nam, Phóng Viện Không Biên Giới nhắc lại rằng ông Trương Châu Hữu Danh, người sáng lập và chủ bút của tờ Báo Sạch, đã bị kết án bốn năm rưỡi tù, trong khi các nhà báo còn lại là Đoàn Kiên Giang và Lê Thế Thắng bị mỗi người 3 năm tù, cùng với Nguyễn Thanh Nhã và Nguyễn Phước Trung Bảo lãnh án hai năm tù.
Năm nhà báo này bị kết án theo điều 331 của bộ luật Hình Sự, trừng phạt những công dân Việt Nam bị cho là đã "lợi dụng các quyền tự do dân chủ". Điều bất thường được RSF nhấn mạnh là tòa án cũng cấm các bị cáo không được có bất kỳ hoạt động báo chí nào trong thời gian ba năm sau khi mãn hạn tù.
Theo ông Daniel Bastard, trưởng bộ phận Châu Á-Thái Bình Dương của Phóng Viên Không Biên Giới, qua việc tuyên các án tù dài như vậy đối với năm ký giả của tờ Báo Sạch, "nhà chức trách Việt Nam đã lại chứng tỏ quyết tâm ngăn chặn bất kỳ nỗ lực cung cấp thông tin một cách tự do".
Ông Bastard nói thêm : "Tệ hơn nữa, bằng cách cấm họ hành nghề báo chí, các thẩm phán của tòa án Thới Lai (tên huyện đã tổ chức phiên tòa) đã cho thấy là các nhà lãnh đạo Việt Nam coi thường hoạt động báo chí". Theo Phóng Viên Không Biên Giới, "chỗ ở của năm nhà báo vừa bị kết án không phải là trong tù".
Trọng Nghĩa
Khi còn làm báo dù báo nhà nước hay báo tự do, báo sạch, Trương Châu Hữu Danh luôn tạo bất ngờ với những phát hiện tiêu cực chấn động và cung cách tác nghiệp sáng tạo. Hữu Danh đã phát hiện xe siêu sang bảng xanh ở Hậu Giang rồi lần hồi lằn mò ra Trịnh Xuân Thanh được luân chuyển ngoài luồng…, góp cho lò cụ Tổng thanh củi to tươi rói.
Đột phá góp củi cho lò !
Chuyện Công an Bình Chánh khởi tố chủ quán Xin Chào được thiếu tướng Phan Anh Minh Phó Giám Đốc Công an Thành phố Hồ Chí Minh đánh giá là "nhỏ như móng tay" nhưng Hữu Danh đã đeo đẳng điều tra, mở rộng đến toang hoác làm cả ban bệ lãnh đạo Công an và Viện Kiểm sát huyện Bình Chánh phải bị kỷ luật.
Danh đã phát hiên và ghi hình ảnh cận cảnh, toàn cảnh biệt phủ đồ sộ toàn gỗ quý của con gái Đại tá Trần Kỳ Rơi và hàng tá quan chức ở Tây Nguyên.
Nghệ thuật livestream thì Phương Hằng phải xếp manh mà lạy tôn Hữu Danh làm sư tổ. Phương Hằng ngồi phòng máy lạnh tru tréo cáo buộc người khác bằng nước bọt. Hữu Danh xông pha chạm mặt với công an, côn đồ, bảo vệ của hàng trăm BOT bẩn khắp bắc nam, livestream sống động với những cái dùi cui, tuýp sắt đập thẳng vào người, vào xe. Vũ khí của Danh chỉ có mớ tiền lẻ để kéo dài thời gian qua trạm và máy quay phim, điện thoại…
Lối nói, lối viết tưng tửng nửa thật nửa chơi vừa hài hước vừa ngạo nghễ của Hữu Danh không né tránh mà xỉa thẳng vào những quan tham cộm cán, đình đám bất kể là ở cấp nào. "Tiến sĩ chân vịt", "Giám đốc buôn chổi đót"… những xú danh mà Danh đặt cho quan chức sẽ còn sống mãi với thời gian.
Với Trần Văn Nam, cựu Bí thư Bình Dương, Hữu Danh đã đeo đẳng điều tra về những tiêu cực trong các dự án đất đai của tỉnh đến việc lấn chiếm đất ven sông xây biệt phủ hoành tráng. Nếu cụ Tổng ghi nhận thông tin của Hữu Danh thì đâu đến nổi một tân ủy viên Ban chấp hành trung ương, tân Bí thư Tỉnh ủy phải thành củi vào lò.
Thầy chùa ăn, thầy pháp phải đi tù
Trong phiên tòa xét xử Hữu Danh và nhóm Báo Sạch ba ngày vừa qua tại Tòa án Thới Lai Thành phố Cần Thơ báo chí chỉ trích doạn truyền hình ngắn và tường thuật bằng chữ nhưng một lần nữa làm người đọc ngạc nhiên về các cáo buộc mơ hồ của Viện Kiểm Sát, của Tòa và thán phục về cách hành xử, khẩu khí của Hữu Danh.
So với những bị cáo là quan chức cấp cao vòi vọi từng địt ra khói, nói ra lửa khi ra tòa nhũn như chi chi, người báo bệnh, kẻ xin xỏ kêu oan, dáng đứng thẳng, ngẩng cao đầu, nói chuyện khoan thai, đỉnh đạc của Hữu Danh làm người xem càng choáng ngợp. Hình ảnh và vài clip ngắn trích đoạn cho thấy Hữu Danh có cầm giấy, có lẽ cũng đã chuẩn bị dàn ý cho các câu trình bày của mình nhưng khi nói, bị cáo ngẩng đầu nhìn thẳng về phía Hội đồng chứ không gầm đầu vào trang giấy đánh vần từng chữ như các vị lãnh đạo Việt Nam phát biểu trước quốc dân.
Các bản tin rập khuôn của báo chí lề phải như một bản thống kê những việc Hữu Danh hay bất cứ một nhà báo nào đều phải làm mà không thấy nêu ra được sai phạm nào mang tính hình sự. Cáo buộc của tòa lại nhắm vào hành động của người đọc bình luận bài viết của Hữu Danh
- Hội đồng xét xử đánh giá tội của Hữu Danh như sau :
…."Bị cáo dù không sử dụng hình ảnh câu chữ nhưng qua những nội dung mà bị cáo đề cập, bị cáo muốn dư luận tin vào những nội dung mà bị cáo nêu trong những bài viết đó là đúng nên nhiều người đã vào bình luận bày tỏ cảm xúc, chia sẻ.
Đa số bình luận là công kích, chửi bới, sử dụng ngôn từ khó nghe đối với tổ chức Đảng, Nhà nước.
Từ đó, bị cáo thể hiện ý đồ mục đích tuyên truyền xúi giục, lôi kéo các đối tượng xấu tham gia bình luận chống phá đường lối chủ trương của Đảng, Nhà nước. Hành vi của bị cáo gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến vai trò lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương, gây hoang mang, tạo sự bất ổn trong xã hội" (1).
Đọc qua những câu chữ rối rắm, lủng củng về văn phong, văn phạm, người ta lờ mờ hiểu rằng, Hữu Danh không viết sai sự thật, cũng không bôi xấu chế độ hay cá nhân lãnh đạo. Tội ở đây là những ý kiến bàn luận của công chúng về những bài viết ấy.
Nguyên tắc chung của luật hình sự trên toàn thế giới là cá hể hóa trách nhiệm, cáo buộc hành vi trực tiếp phạm tội của cá nhân. Ở đây, tòa đã xác định "Bị cáo dù không sử dụng hình ảnh câu chữ" những người bình luận mới "công kích, chửi bới, sử dụng ngôn từ khó nghe đối với tổ chức Đảng, Nhà nước".
Lẻ ra phải xử lý những kẻ trực tiếp chửi bới, sử dụng từ khó nghe với lãnh đạo thì mới đúng ! Sao không phạt kẻ đốt nhà mà đi kết tội người hút gió ? Nói theo dân gian đây là chuyện thấy pháp ăn trộm mà bắt thầy chùa phải đi tù !
Kêu thay cho dân mất đất, giúp tiền người nghèo !
Luật sư Phùng Thanh Sơn thuộc đoàn luật sư Thành phố Hồ Chí Minh từng là nhà báo đã phải kêu lên trên fb cá nhân : "Cuối cùng thì các bài viết mà nhóm "Báo Sạch" viết sai chỗ nào ? Không đúng sự thật chỗ nào ? ...chẳng thấy báo nào nói !" (2).
Đúng là cáo buộc tội quá mơ hồ ngược lại qua thẩm vấn thì công của Hữu Danh quá rỏ. Theo báo chí tường thuật, Hữu Danh thừa nhận bản thân mình thực hiện 36 bài viết (status) trên trang Facebook cá nhân liên quan đến việc thu hồi đất thực hiện dự án khu đô thị mới Thới Lai. Xin nói thêm là h Dự án này được quy hoạch ở ấp Thường Thới A nhưng khi thực hiện lại giải tỏa nhầm thêm ấp Thường Thới B khiến hàng trăm hộ dân uất ức khiếu kiện, có nhiều người bị bắt giam. Hữu Danh đã thông tin về những sai phạm này cũng như thực trạng đau khổ của những người dân vừa bị mất đất, mất nhà vừa bị đi tù.
Hữu Danh khai rằng mình viết các bài này là do có quen biết với Nguyễn Hoàng Trung Kiên, một hộ dân khiếu nại việc thu hồi đất. "Bị cáo viết là do bản thân thấy Trung Kiên oan ức và viết bài trên trang cá nhân không vì mục đích tiền bạc. Kiên có đưa cho bị cáo phong bì, nhưng bị cáo không biết thứ gì bên trong và không có nhận" Ở một đoạn khác, Hữu Danh khẵng định "với Nguyễn Hoàng Trung Kiên ở Thới Lai, bị cáo tuyệt đối không nhận tiền mà còn bỏ tiền túi, vận động cho thêm người này số tiền hơn 53 triệu đồng" (3).
Rõ ràng đối với vụ khu đô thị Thới Lai, với nhà nước, Hữu Danh có công vạch ra tiêu cực, quan chức làm sai chiến đất của dân. Với người dân, Hữu Danh không chỉ nói thay cho họ mà còn lấy tiền túi và vận động giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn. Đây không phải là cá biệt mà Hữu Danh đã từng làm với nhiều người cụ thể vụ người kế toán bị đở tội oan ở Tiền Giang từng thu hút hàng chục luật sư bào chữa.
Tiết lộ với Viện Kiểm sát nhân dân tối cao các hồ sơ vụ án bị đánh cắp : công hay tội ?
Một vấn đề khác được nêu từ giai đoạn điều tra, truy tố và xét xử nhưng nêu để biết chứ chưa xét tội tại phiên tòa này là việc hữu Danh đã tiết lộ tài liệu mật vụ Hồ Duy Hải. Điều khó hiểu là những tài liệu được gọi là mật hoàn toàn không liên quan đến bí mật quốc gia mà thuần túy là những tài liệu chứng cứ của vụ án hình sự đã được đưa vào hồ sơ vụ án, được đánh số bút lục. Dó là những tài liệu bắt buộc phải công khai với những người tham gia tố tụng. Thế nhưng từ phiên tòa Giám đốc Thẩm trở về trước, Đoàn Giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Luật sư, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đều không được biết đến các tài liệu này. Sau phiên tòa Giám Đốc Thẩm, Hữu Danh đã tung lên mạng biên bản lời khai của cựu Thiếu tá công an Đinh Văn Còi xác nhận người thanh niên trong Bưu Điện Cầu Voi không phải là Hồ Duy Hải, một số biên bản ảnh hiện trường cho thấy cái thớt thật dính máu nằm ngay dưới đầu nạn nhân, hình ảnh thực nghiệm hiện trường cho thấy Hải dắt dao vào bụng khi gây án… Đây là những bằng chứng quan trong cho thấy Hải ngoại phạm và bị dàn ụng ép cung. Việc ai đó đóng dấu mật và rút các tài liệu này ra khỏi hồ sơ vụ án là vi phạm nghiêm trọng tố tụng. Hữu Danh đã cung cấp toàn bộ các tài liệt mật này cho Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đây là những chứng cứ ra61t quan trong để các cơ quan trách nhiệm xem xét lại vụ án.
Hội đồng xét xử hỏi về nguồn gốc của các tài liệu mật liên quan đến vụ án Hồ Duy Hải. Hữu Danh trả lời tất cả tài liệu có đóng dấu "Mật", "Tối mật" liên quan vụ án này được người lạ gửi đến tận nhà thông qua bưu điện, hoặc shipper.
Hữu Danh thừa nhận viết hơn 200 bài về vụ án Hồ Duy Hải . "Bị cáo là người tiếp cận vụ án này ngay từ đầu, do đó bị cáo muốn viết phản biện với mong muốn vụ án này sớm được sáng tỏ. Bị cáo không đánh vào nền tư pháp, mà thời gian qua có Ủy ban Tư pháp Quốc hội, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cũng có kiến nghị về vụ án này"
Với thực trạng đã nêu, việc Hữu Danh có công hay có tội trong hành vi tiết lộ hồ sơ mật còn phải chờ đến khi làm sáng tỏ vụ án Hồ Duy Hải. Về hình thức thì Hữu Danh đã vi phạm nhưng hồ sơ ấy được xác lập là mật có đúng cơ sở pháp lý hay không ? Nội dung, tính chất của nó có phải là hồ sơ mật hay không lại là chuyện khác. Liệu đến lúc nào đó cơ quan chức năng xác định đó không phải là tài liệu mật mà là bằng chứng vô tội của Hồ Duy Hải và cũng là bằng chứng của hành vi làm sai lệch hồ sơ vụ án hoặc một tội phạm xâm phạm tư pháp khác. Liệu có lúc nào đó người rút các tài liệu này ra khỏi hồ sơ vụ án và đóng dấu Mật phải ra đứng trước vành móng ngựa. Vì vậy với tình tiết này, Hữu Danh vẫn đứng giữa dòng công tội mà chừng như công nhiều hơn là tội (3).
Cố ý nói xấu vì nghĩ rằng người đó xấu
Điều bất ngờ nhất trong phiên tòa là cách nhận tội hiên ngang khí phách của Hữu Danh. Hiếm có bị cáo nào thẳng thắn và mạnh mẽ nhận tội theo cung cách của Hữu DanhHữu Danh nói "có các cơ quan, đơn vị, cá nhân mà bị cáo đã vô tình xâm phạm". Song, Hữu Danh cũng thừa nhận, "thực tế có một số trường hợp bị cáo không vô tình ; bị cáo nghĩ họ xấu nên xâm phạm".Hữu Danh cũng xin lỗi đến 4 người bạn của mình là các bị cáo Nhã, Giang, Bảo, Thắng. "Tại vì họ chơi với bị cáo nên bây giờ gánh tội giống như bị cáo" (4). Đặc biệt trên một tờ báo khác còn ghi nhận Hữu Danh "Xin lỗi những người dân đã đặt niềm tin quá nhiều vào bị cáo" (5). Đó là lời xin lỗi hào hùng của một người nhiệt huyết dấn thân đấu tranh cho quyền lợi người dân.\Một nguyên tắc thành tuyên ngôn trong mỗi bản án hình sự Việt Nam là nhằm để trừng trị thích đáng hành vi phạm pháp đối với cá nhân và đồng thời là biện pháp răn đe giáo dục phòng ngừa chung.
Đảng ghét, dân thương !
Vậy với phiên tòa, với bản án trừng phạt nặng nề người có công mà không có tội như Trương Châu Hữu Danh nhà nước việt Nam muốn đưa ra thông điệp gì ? Phải chăng là tuyệt đối im lặng phục tùng, phải câm nín chịu đựng mọi sự tham nhũng lộng quyền của các quan chức ? Vạch mặt chỉ tên quan chức cướp đất bắt dân, phát hiện tố cáo vi phạm tố tụng, làm sai lệch hồ sơ vụ án thì phải đi tù !
Điều đặc biệt nhà nước cộng sản rất sợ các đoàn thể, tổ chức dân sự độc lập nằm ngoài hệ thống chính tri của đảng. Báo Sạch chỉ có 5 thành viên đã làm rúng động dư luận nên phải tiêu diệt là tất yếu. Không ghép tội này thì tội khác.
Phản ứng của dư luận thì như thế nào ? Trên Fb nhiều đồng nghiệp đã nhắn gởi danh cho Hữu Danh và các thành viên Báo Sạch những lời thương yêu, những hẹn hò chờ đợi. Cựu nhà báo Đoàn Quý Lâm viết "Ra tù lên núi cuốc đất với tao nha Hữu Danh, Kiên Giang, Thanh Nhã. Thế gian này làm đoé gì có báo sạch !" (6). Nhà báo Bùi Phụ từng là sếp của Hữu Danh ở báo Nông Thôn Ngày Nay thì rủ rê khi ra tù hãy về với anh cùng nhau đi bán báo như xưa.
Luật sư Trần Hồng Phong, người hổ trợ pháp lý kêu oan cho Hồ Duy hải đã dành lời vàng ghi công cho Hữu Danh trước khi tòa tuyên án
"Chiều nay 28/10/2021, năm thành viên của nhóm Báo Sạch sẽ bị tuyên án. Báo chí sẽ rầm rộ đồng loạt đưa tin. Đó là chuyện pháp luật.
Còn chuyện tình người, Trương Châu Hữu Danh là người em mà tôi đã quen biết từ rất lâu, và luôn dành cho em tình cảm thương, quý. Danh là người thuần nam bộ, phong cách hơi phớt đời, ẩn sau khuôn mặt luôn vui vẻ, mang nét trẻ thơ là một tấm lòng nhân ái, một tinh thần dũng cảm, khí khái, quân tử.
Trong vụ án Hồ Duy Hải, có thể nói Danh là người có công rất lớn. Mọi người hãy vào facebook của Danh, hiện vẫn còn, để đọc rất nhiều bài viết, để thấy Danh đã bỏ biết bao công sức, chấp nhận rủi ro, mạnh mẽ và kiên định bày tỏ quan điểm kêu oan cho Hồ Duy Hải như thế nào. Danh là người đã đón và dẫn tôi lần đầu ghé nhà chị Loan năm 2011 ; đặc biệt là đã cung cấp cho tôi nhiều tài liệu về vụ án sau phiên tòa giám đốc thẩm tháng 5/2020 (mà các luật sư trước đó chưa từng được tiếp cận, dù luật không cấm).
Danh và nhóm Báo Sạch đã bỏ rất nhiều công sức, không chút vụ lợi, để hàng triệu người quan tâm biết thêm, thêm đồng cảm với hành trình kêu oan cho con của gia đình Hồ Duy Hải. Thật đáng trân trọng, quý trọng" (7).
Cũng theo dòng suy nghĩ ấy, nick Khanh Nguyen đã chỉ trích nghiêm khắc bản án của tòa "Kết thúc ngày kết án những người viết báo tự do, điều đọng lại là hình ảnh về một người mẹ quằn quại đến cùn mòn, một người làm báo quyết đeo đuổi nỗi oan khiên suốt 13 năm để tìm sự thật.
Xúc phạm lãnh đạo ất ơ nào đó, có thể chịu những án tù dài.
Nhưng xúc phạm sự thật và trơ tráo với công lý của một quốc gia, dân tộc thì đôi khi, lại có thể mặt dày leo cao
Là người Việt Nam, phải nhớ ! (8)
Gió Bấc
Nguồn : RFA, 29/10/2021
1. https://nld.com.vn/phap-luat/truong-chau-huu-danh-va-dong-pham-nhom-bao-...
2. https://www.facebook.com/thanhson.phung.1/posts/4628565693831789
3. https://tuoitre.vn/xet-xu-truong-chau-huu-danh-cung-thanh-vien-nhom-bao-...
4. https://vietnamnet.vn/vn/phap-luat/ky-su-phap-dinh/truong-chau-huu-danh-...,(0)
5. https://tuoitre.vn/toa-tuyen-an-truong-chau-huu-danh-4-nam-6-thang-tu-20...
6. https://www.facebook.com/eco.law.3/posts/4457881664325829
7. https://www.facebook.com/khanhtuanng/posts/10158635337643181.
8. https://www.facebook.com/quylam.doan/posts/300798920282279
Hoài Nguyễn, VNTB, 29/10/2021
Các bị cáo, thành viên của Báo Sạch bị tòa tuyên cùng về tội "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích, Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân" theo khoản 2, điều 331 Bộ luật hình sự.
Tòa tuyên phạt bị cáo Trương Châu Hữu Danh 4 năm 6 tháng tù, Lê Thế Thắng và Đoàn Kiên Giang mỗi bị cáo 3 năm tù ; Nguyễn Phước Trung Bảo và Nguyễn Thanh Nhã mỗi bị cáo 2 năm tù, đồng thời phạt bổ sung cấm các bị cáo hoạt động trong lĩnh vực báo chí thời hạn 3 năm.
Đáng chú ý về phần luận tội, Tòa nhận định các bài viết của các bị cáo đã làm cho nhiều người đọc bình luận tiêu cực, qua đó xúc phạm danh dự, uy tín của nhiều người, cơ quan, tổ chức.
Nhận định này của Tòa án nhân dân huyện Thới Lai, thành phố Cần Thơ đang tạo ra một tiền lệ nguy hiểm, vì đơn giản là nó cảm tính, và không tuân thủ các quy định hiện hành.
Pháp luật đã có quy định những hành vi bị cấm trong việc sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng, trong đó có việc lợi dụng việc sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng để đưa thông tin xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân.
Cụ thể được quy định tại điểm d khoản 1 Điều 5 Nghị định 72/2013/NĐ-CP về Quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng.
Điều 5. Các hành vi bị cấm
1. Lợi dụng việc cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng nhằm mục đích :
d) Đưa thông tin xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân ;
[…]
Nghị định 72/2013/NĐ-CP cũng quy định về quyền và nghĩa vụ của người sử dụng dịch vụ mạng xã hội đang hoạt động tại Việt Nam, trong đó có điều khoản quy định người sử dụng dịch vụ mạng xã hội phải chịu trách nhiệm về nội dung thông tin do mình lưu trữ, cung cấp và truyền đưa trên mạng xã hội, phát tán thông tin qua đường liên kết trực tiếp do mình thiết lập.
Điều 26. Quyền và nghĩa vụ của người sử dụng dịch vụ mạng xã hội
Ngoài quyền và nghĩa vụ của người sử dụng Internet quy định tại Điều 10 Nghị định này, người sử dụng dịch vụ mạng xã hội còn có quyền và nghĩa vụ sau đây :
[…]
4. Chịu trách nhiệm về nội dung thông tin do mình lưu trữ, cung cấp, truyền đưa trên mạng xã hội, phát tán thông tin qua đường liên kết trực tiếp do mình thiết lập.
Pháp luật cũng có quy định về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác.
Cụ thể điểm a khoản 1 Điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12-11-2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội… quy định :
Điều 5. Vi phạm quy định về trật tự công cộng
1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây :
a) Có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác ;
[…]
Thứ hai, nếu hành vi xúc phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm người khác còn có thể truy cứu trách nhiệm hình sự về "Tội làm nhục người khác" quy định tại Điều 155 của Bộ luật hình sự. Nếu nhận thấy hành vi bình luận bậy bạ đó xúc phạm nghiêm trọng, ảnh hưởng đến danh dự nhân phẩm của đương sự nào đó, thì về nguyên tắc, đương sự ấy có thể tố cáo người đó tới cơ quan công an cấp quận, huyện nơi người đó cư trú về hành vi làm nhục người khác theo Điều 155 Bộ luật hình sự.
Như vậy một ai đó khi bình luận sai lệch, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm danh dự và uy tín của cá nhân X.Y.Z, thì cụ thể người ấy sẽ phải tự chịu trách nhiệm về toàn bộ nội dung đó – kể cả bị bắt bỏ tù, chứ không thể buộc tội tác giả của bài báo, bài viết ấy như với vụ án ‘Báo Sạch’ vừa xử hình sự sơ thẩm ở Tòa án nhân dân huyện Thới Lai, thành phố Cần Thơ.
Hoài Nguyễn
Nguồn : VNTB, 29/10/2021
********************
Năm nhà báo nhóm Báo Sạch bị tuyên 14 năm 6 tháng tù giam
RFA, 28/10/2021
Những nhà báo độc lập này bị cáo buộc tội danh "lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức cá nhân" theo Khoản 2 Điều 331 Bộ Luật Hình sự.
5 nhà báo bị đưa ra xét xử trong liên tục 2 ngày - Vietnamnet
Cụ thể, ông Trương Châu Hữu Danh bị tuyên bốn năm sáu tháng tù, ông Đoàn Kiên Giang và Lê Thế Thắng mỗi người ba năm tù ; ông Nguyễn Phước Trung Bảo và Nguyễn Thanh Nhã đồng mức án hai năm tù.
Ngoài ra tòa cũng phạt bổ sung cấm các nhà báo này hành nghề báo chí trong thời hạn ba năm sau khi chấp hành án phạt tù.
Nhận định về bản án này, nhà báo độc lập Đường Văn Thái cho biết :
"Bản án này đối với người làm báo như Trương Châu Hữu Danh như vậy thì nó quá là nặng và áp khung hình phạt theo Điều 331 thì cái này đối với trường hợp anh này thì quá nặng - bốn năm sáu tháng tù.
Cái án như vậy đối với một người đưa tin ở một đất nước độc tài thì họ đã muốn tiêu diệt một ai đó thì họ đã đưa một mức án cao.
Thực sự với chế độ cầm quyền cộng sản Nhà nước Việt Nam thì họ không muốn lắng nghe bất cứ tiếng nói trái chiều, phản biện, họ chỉ thích khen, không thích chê, không thích tiếp thu ý kiến mới nên ai đó có ý kiến phản biện thì họ có tư thù và luôn muốn trù dập.
Họ sẽ không có nương tay với những người bất đồng chính kiến và họ luôn tăng mức án rất cao. Đấy là cách trả thù đơn giản nhất đối với nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam".
Theo như nhà báo này nhận xét, bản án đối với nhóm Báo Sạch và ông Trương Châu Hữu Danh có thể xuất phát từ đấu đá nội giữa các lãnh đạo cộng sản khi ông Danh đăng các bài về Đại học Tôn Đức Thắng và cựu Bí thư tỉnh ủy Đắk Lắk Bùi Văn Cường, nay là Tổng thư ký Quốc hội Việt Nam.
Mạng báo Dân Trí dẫn lời đại diện Viện kiểm sát cáo buộc giữa phiên tòa :
"Các bị cáo đã lợi dụng mạng xã hội, tự do báo chí, tự do ngôn luận để viết nhiều bài viết xúc phạm, xâm phạm đến nhiều cá nhân là lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ ngành trung ương và địa phương ; xâm phạm đến các quyền tự do dân chủ, qua đó xâm phạm đến nhiều cá nhân, cơ quan, tổ chức…".
Trong phần tự bào chữa, các nhà báo này cho rằng nếu bản thân bị truy tố theo Khoản 2 Điều 331 Bộ luật hình sự là quá nặng và đề nghị Hội đồng xét xử giảm nhẹ.
Ông Trương Châu Hữu Danh trong lời nói sau cùng được cho là đã gửi lời xin lỗi đến một số cán bộ lãnh đạo mà ông cho rằng mình đã "xâm phạm".
Tổ chức Phóng viên không biên giới RSF thời điểm các nhà báo này bị bắt đã lên tiếng yêu cầu trả tự do cho các thành viên Báo Sạch và chấm dứt việc săng lùng các nhà báo đang cung cấp thông tin độc lập đến với người dân.
Tổ chức Sáng kiến Pháp lý Việt Nam (cơ quan chủ quản của Luật Khoa tạp chí và The Vietnamese Magazine) trước phiên tòa cũng lên án việc chính quyền Việt Nam hình sự hóa các hoạt động của nhóm Báo Sạch và năm thành viên của nhóm.
*********************
Phóng viên Không Biên giới (RSF) chỉ trích những bản án tuyên cho năm thành viên Báo Sạch
RFA, 28//10/2021
Tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF) ra thông cáo lên án việc Tòa tại Thới Lai, Thành phố Cần Thơ tuyên tổng cộng 14 năm sáu tháng tù đối với năm thành viên nhóm Báo Sạch hôm 28/10.
Các thành viên Báo Sạch tại phiên tòa ở Tòa án Nhân dân huyện Thới Lai, Cần Thơ, hôm 26/10/2021 - Pháp Luật
Theo RSF, những phóng viên Báo Sạch bị kết án chỉ vì có những bài biết chuyên mảng tham nhũng và những vấn đề liên quan tại Việt Nam. Qua biện pháp bỏ tù như thế, cơ quan chức năng Việt Nam tăng cường đàn áp giới truyền thông độc lập.
Nhà báo Trương Châu Hữu Danh bị án cao nhất với bốn năm sáu tháng tù, Hai nhà báo Đoàn Kiên Giang và Lê Thế Thắng mỗi người ba năm tù ; hai nhà báo Nguyễn Phước Trung Bảo, Nguyễn Thanh Nhã mỗi người hai năm tù giam. Năm người còn bị cấm hoạt động báo chí ba năm sau khi mãn án.
Ông Daniel Bastard, Trưởng đại diện khu vực Châu Á- Thái Bình Dương của RSF cho rằng "việc áp đặt những án tù dài như thế đối với năm thành viên nhóm Báo Sạch, cơ quan chức năng Việt Nam tạo thêm bằng chứng về cương quyết đàn áp mọi nỗ lực cung cấp tin tức và thông tin một cách tự do. Tệ hơn nữa, hình phạt cấm tác nghiệp báo chí đối với họ mà các thẩm phán tòa án Thới Lai đưa ra cho thấy lãnh đạo Việt Nam xem nhẹ báo chí đến thế nào. Năm nhà báo không thể phải ở tù".
Theo RSF, quyết định ra những án tù nặng như thế đối với năm phóng viên thuộc nhóm Báo Sạch là sự tiếp nối biện pháp hà khắc hơn của Chính phủ Việt Nam đối với giới truyền thông độc lập. Biện pháp như thế tiếp diễn sau khi ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam, thành công để ra đường lối bảo thủ cứng rắn tại Đại hội Đảng lần thứ 13 vào đầu năm 2021.
Theo Chỉ số Báo chí Thế giới của RSF, Việt Nam xếp hạng thứ 175 trên tổng số 180 quốc gia.
Ngày 20/4/2021 có ba người là thành viên một nhóm có tên là Báo Sạch bị bắt, với tội danh lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích nhà nước, quyền lợi, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Đây là điều số 331 trong bộ luật hình hình sự của Việt Nam hiện nay.
Ba thành viên nhóm Báo Sạch bị bắt
Nhóm Báo Sạch này hoạt động trên Facebook, thu hút rất đông đảo người xem, nhất là khi họ viết về vụ án Hồ Duy Hải tại Long An. Độc giả theo dõi các bài viết về vụ án này trên Báo Sạch sẽ nghĩ rằng hung thủ giết người có liên quan đến một "ông kẹ" cấp trung ương nào đó, nên mọi tội lỗi (án tử hình) bị đổ vấy cho anh Hồ Duy Hải. Các trang báo chí của nhà nước cũng xác nhận rằng những bằng chứng tội phạm được các viên công an điều tra mua ngoài chợ thêm vào hồ sơ.
Các trang báo nhà nước đưa tin vụ Báo Sạch này theo đúng "hướng dẫn" của công an, rất ít bình luận.
Các trang báo có trụ sở ở hải ngoại có nhiều bài viết thu thập ý kiến bình luận. Tuyệt đại đa số các ý kiến này chỉ trích rằng nhà nước cộng sản Việt Nam đang chà đạp lên tự do ngôn luận.
Tuy vậy cũng có những ý kiến từ một số không ít người thạo tin cho rằng nhóm Báo Sạch đưa tin theo kiểu làm lợi cho một phe phái chính trị nào đó trong nội bộ Đảng cộng sản Việt Nam. Một số nhân vật chủ chốt của nhóm này biến mất khỏi không gian mạng xã hội sau khi đại hội đảng 13 của Đảng cộng sản Việt Nam kết thúc. Theo các ý kiến này, nhân vật "ông kẹ trung ương" chính là Nguyễn Hòa Bình, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao, vẫn giữ được ghế ủy viên Bộ Chính trị, vì thế hậu quả tất yếu là "Báo Sạch" phải được dẹp đi.
Ta đánh giá thế nào về sự việc này ? Báo Sạch có làm thiên chức của nhà báo là phơi bày sự thật ? Có. Việc họ đưa tin về những khuất tất trong vụ án Hồ Duy Hải chứng minh điều đó. Họ có tấn công một phe nào đó vì lợi ích của phe khác trong nội bộ Đảng cộng sản Việt Nam hay không ? Có thể, và chúng ta có thể cũng không bao giờ biết được chuyện gì đã xảy ra trong đầu các nhà báo này. Hơn nữa vụ bắt bớ lại đang diễn ra trong bối cảnh dường như là một chiến dịch bắt bớ hàng loạt trong mấy tháng gần đây, mà đa số người bị bắt cũng không có mấy tiếng tăm, không hoạt động gì mấy.
Và đây không phải là trường hợp đầu tiên mà làn ranh trắng đen không được minh định trong lĩnh vực thông tin truyền thông nói riêng, xã hội Việt Nam nói chung trong giai đoạn hậu cộng sản.
Hậu cộng sản và làn ranh xám
Tôi quan niệm rằng hậu cộng sản là thời kỳ bắt đầu từ khi Đảng cộng sản Việt Nam cho phép kinh tế thị trường hoạt động. Đảng cộng sản Việt Nam chỉ còn là cái tên theo góc nhìn ý thức hệ. Họ cũng giống như tất cả các đảng phái, nhân vật độc tài khác trên thế giới, có thể khác là cách họ độc tài được kế thừa từ những biện pháp toàn trị rất có hiệu quả từ thời cộng sản.
Vụ Báo Sạch không phải là lần đầu tiên một nhóm truyền thông phi chính thống tấn công một ông kẹ nào đó, ở các lần đại hội đảng trước đây, các nhân vật như cựu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, chủ tịch Nguyễn Xuân Phúc, các đại biểu quốc hội, các viên tướng công an… đều đã từng bị tấn công, trực tiếp hơn, nặng nề hơn với hàng trăm trang gọi là "chứng cứ" không biết đường nào mà lần.
Một "sân chơi" rất được ưa thích của các nhóm quyền lực khác nhau trong Đảng cộng sản Việt Nam lại chính là giới hoạt động bất đồng chính kiến.
Vào năm 2009, vụ bắt bớ các ông Trần Huỳnh Duy Thức, Lê Công Định, Nguyễn Tiến Trung, Lê Thăng Long làm chấn động dư luận trong và ngoài nước. Đây là một nhóm trí thức được cho là đang vận động để chuyển nước Việt Nam sang chế độ đa nguyên, đa đảng. Một người hiểu trực tiếp vụ việc, mà tôi xin giấu tên, nói rằng nhóm các trí thức này rơi vào vòng xoáy của cuộc đấu tay đôi giữa ông Trương Tấn Sang và ông Nguyễn Tấn Dũng vào thời điểm đó, và chính ông Dũng ra lệnh bắt nhóm này. Điều đó không có nghĩa là những trí thức nói trên làm việc cho ông Sang, nhưng có thể là họ nhận được sự ủng hộ tinh thần nào đó. Nhưng quan trọng hơn hết là nhóm của ông Dũng muốn dựng câu chuyện trở thành một đe dọa chính trị nghiêm trọng đối với chế độ và dán điều đó vào ông Trương Tấn Sang.
Một nhân vật rất nổi tiếng khác trong giới hoạt động bất đồng chính kiến, hiện đang ở tù, cũng được xem là hoạt động cho phe ông Sang vào khoảng những năm 2013-2014.
Trong vụ án Đinh La Thăng và tập đoàn dầu khí cũng có những tình tiết làm cho người ta đặt dấu hỏi về làn ranh màu xám giữa công lý và cuộc đấu đá phe phái nội bộ. Liên tục trước khi ông Đinh La Thăng bị bắt, hàng chục trang chứng cớ về sai phạm của ông được một nhà báo nỗi tiếng tung ra. Các chứng cớ này là những phân tích kinh tế tài chính rất chi tiết. Một nhà hoạt động xã hội tại Việt Nam, hiện đã bị bắt, nói với tôi rằng những phân tích tài chính như thế không thể được nhà báo nọ, người hoàn toàn không có chuyên môn kinh tế tài chính, viết ra. Hơn nữa những thông tin này khi được tung ra vẫn nằm dưới dạng được dùng cho các nhà chuyên môn, chứ không phải được phổ cập cho dân chúng qua ngòi bút nhà báo.
Một trường hợp mà tôi cho là rất tiêu biểu cho làn ranh xám là một trường đại học, mà tôi gọi tắt là T. Những vị sáng lập trường này nghĩ rằng họ sẽ thành lập một đại học phi lợi nhuận cho Việt Nam, nhưng vì khái niệm này quá mới nên họ đề ra một mô hình lai, có nghĩa là vừa phi lợi nhuận vừa có cổ đông, vì theo họ, nếu không làm thế thì không ai sẽ cung cấp tài chính cho trường hoạt động, và họ sẽ tìm cách khống chế mức cổ tức hàng năm, để cho tính "phi lợi nhuận" được tiệm cận nhất có thể.
Cái chết của mô hình này đã được hình thành cùng lúc nó sinh ra. Nhóm chiếm cổ đông đa số, những nhà kinh doanh không liên quan đến giáo dục, đòi quyền lợi tối đa cho mình, và thế là đổ vỡ.
Sau khi đại học T được thành lập ít lâu, có một nhà quan sát bên trong nước nói với tôi rằng đại học T là một nhóm lợi ích.
Có những thành phần nào trong ban quản lý và cổ đông của đại học T ? Khi liệt kê họ ra, ta sẽ thấy bức tranh khảm rất thú vị của Việt Nam thời hậu cộng sản : các nhà giáo nhiệt thành vì sự nghiệp giáo dục của nước nhà, các nhà buôn hy vọng vào cổ máy giáo dục siêu lợi nhuận, các viên chức cộng sản bỏ chính trị làm kinh doanh, các trí thức từ hải ngoại thế hệ phản chiến lẫn thế hệ thuyền nhân, các trí thức lớn lên trong nước sau năm 1975… Trong số họ, có cả những người có quan hệ thân cận với một cựu tứ trụ triều đình cộng sản.
Nói T là một nhóm lợi ích quả không ngoa, nhưng phải nói chính xác là những nhóm lợi ích rất phức tạp. Bên cạnh hiệu quả từ việc đào tạo nhân lực cho Việt Nam, T cũng bị chỉ trích những vấn đề liên quan đến lương bỗng quá hậu hĩnh của cơ quan điều hành, cả chuyện gia đình trị nữa. T là một sự pha trộn nhiều hệ giá trị khác nhau, bao gồm những khuynh hướng tự do học thuật của nền dân chủ phương Tây cho đến những kiểu cách nhuốm màu chính trị cộng sản, từ những mong muốn phục hưng đất nước theo kiểu Đông Kinh nghĩa thục cho đến những thèm khát lợi nhuận thời tư bản hoang dã.
Tuy nhiên mô hình T đã thất bại. Nó thất bại có thể vì mâu thuẫn giữa lý tưởng dân chủ và làn ranh màu xám hậu cộng sản ?
Tuy nhiên người ta có thể biện luận rằng làn ranh màu xám tồn tại ở bất cứ xã hội nào, hoàn cảnh kinh tế chính trị nào. Các tập đoàn tư bản vẫn vận động hành lang, tác động sâu sắc đến các đảng phái chính trị phương Tây đấy thôi.
Điều đó không sai, nhưng tình hình Việt Nam có lẽ nặng nề hơn khi guồng máy chính trị, theo thiết kế và quán tính vẫn chạy một cách rất bí ẩn.
Các nhà báo của Báo Sạch, có thật sự sạch hay không, có thể chúng ta mãi mãi không có câu trả lời, nhưng chúng ta có thể chắc rằng kỳ đại hội đảng năm năm nữa (nếu còn) ta sẽ lại chứng kiến một vụ Báo Sạch mới. Trong khi đó, sự phát triển, hoặc chết đi của các nhóm, các khuynh hướng giá trị trong đại học T sẽ như thế nào thì chưa ai biết, mà đó là màu xám mờ mịt nhất của tương lai Việt Nam.
Nguyễn Khoa
Nguồn : Viet-studies, 26/04/2021