Facebook bị tố là "công cụ tuyên truyền" của chính quyền Việt Nam
Thanh Phương, RFI, 26/10/2021
Theo hãng tin AFP, các nhà hoạt động ở Việt Nam hôm 26/10/2021, tố cáo mạng xã hội Facebook đã trở thành một công cụ tuyên truyền của chính quyền, sau khi có tin là chính giám đốc điều hành Mark Zuckerberg đã nhượng bộ trước yêu cầu của Hà Nội hạn chế các bài viết có nội dung "chống Nhà nước".
Logo Facebook trên điện thoại thông minh. Ảnh minh họa chụp ngày 06/01/2020. Reuters - Dado Ruvic
Theo thẩm định, hiện có hơn 53 triệu người sử dụng Facebook ở Việt Nam, chiếm hơn phân nửa dân số. Trong những năm gần đây, Facebook đã trở thành một diễn đàn mang tính thiết yếu đối với các nhà hoạt động dân chủ ở Việt Nam, nơi không hề có truyền thông độc lập.
Nhưng hãng tin AFP trích lời blogger Huỳnh Ngọc Chênh cho biết là Facebook "đã đối xử tệ với các nhà hoạt động, khi loại bỏ quyền tự do ngôn luận, tự biến mình thành một công cụ truyền thông của đảng Cộng Sản Việt Nam". Ông Huỳnh Ngọc Chênh cho biết tài khoản Facebook của ông đã bị đóng 2 lần, với lý do "vi phạm các tiêu chuẩn cộng đồng", nhưng không được cho biết là những bài viết nào vi phạm.
Vào năm ngoái, Facebook nhìn nhận đã gỡ bỏ các nội dung mà chính quyền Việt Nam xem là bất hợp pháp. Nhưng theo tin của tờ Washington Post, đích thân giám đốc điều hành Mark Zuckerberg đã ký quyết định đồng ý với các yêu cầu của Hà Nội, hơn là để Facebook bị loại khỏi một trong những thị trường quan trọng nhất ở Châu Á.
Hãng tin AFP trích lời nhạc sĩ và cũng là nhà hoạt động Tuấn Khanh nói rằng nhiều người Việt Nam thất vọng vì thấy Facebook coi trọng lợi nhuận hơn là các giá trị gắn liền với Hoa Kỳ, "một quốc gia đã chọn dân chủ và tự do".
Khi được yêu cầu bình luận về thông tin nói trên, một phát ngôn viên của Facebook đã từ chối trả lời hãng tin AFP.
Thanh Phương
********************
Facebook : Mark Zuckerberg 'đích thân ký với Việt Nam để chặn bài "chống nhà nước"'
BBC, 26/10/2021
The Washington Post hôm 25/10 viết rằng Mark Zuckerberg đã đích thân ký cam kết với "chính phủ độc tài của Việt Nam" để hạn chế những bài viết trên Facebook được gọi là "chống nhà nước".
Mark Zuckerberg và vợ tại Vịnh Hạ Long, Quảng Ninh năm 2011
Trả lời BBC hồi cuối năm 2020 về vấn đề này, Facebook thừa nhận phải chặn những nội dung 'bị chính phủ Việt Nam yêu cầu xóa', nhưng để cho người bên ngoài vẫn xem được.
Khi đó, một đại diện cho Facebook, bà Amy Sawitta Lefevre, Policy Communications Manager, thừa nhận tập đoàn này "không phải lúc nào cũng đồng ý với chính phủ Việt Nam về các vấn đề như quyền phát ngôn và quyền biểu đạt".
Bà Amy Sawitta Lefevre nói với BBC : "Hàng triệu người ở Việt Nam sử dụng dịch vụ của chúng tôi mỗi ngày để kết nối với gia đình và bạn bè và hàng nghìn doanh nghiệp dựa vào chúng để tiếp cận khách hàng. Không phải lúc nào chúng tôi cũng có cùng quan điểm với các chính phủ về các vấn đề như phát ngôn và biểu đạt, kể cả ở Việt Nam, nhưng chúng tôi làm việc cật lực để bảo vệ quyền này trên toàn thế giới".
"Trong vài tháng qua, chúng tôi đã phải đối mặt với áp lực gia tăng từ chính phủ Việt Nam trong việc hạn chế nhiều nội dung hơn, tuy nhiên, chúng tôi sẽ làm mọi điều có thể để đảm bảo rằng các dịch vụ của chúng tôi vẫn hoạt động để mọi người có thể tiếp tục thể hiện bản thân".
Theo BBC News tiếng Việt tìm hiểu thì đúng là đã có những trường hợp Facebook phải "hạn chế" nội dung tiếng Việt ở Việt Nam.
Vào tháng 4 năm 2020, Facebook đã đưa ra một quyết định vô cùng khó khăn trong việc hạn chế nhiều nội dung hơn ở Việt Nam sau khi có thông tin rõ ràng rằng nếu không làm như vậy sẽ dẫn đến "việc các dịch vụ của chúng tôi bị chính quyền Việt Nam đóng cửa hoàn toàn".
Công ty này cho hay họ luôn minh bạch về các hành động đó, và những tin như vậy được các hãng truyền thông quốc tế đăng tải.
Tháng 8/2019, VietnamNet đăng tin "Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn đẩy mạnh việc trao đổi, yêu cầu Facebook, Google hợp tác ngăn chặn, gỡ bỏ các thông tin sai sự thật, trái với quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước".
Tháng 8/2018 , báo Nhân Dân nói Facebook "đã gỡ bỏ hàng trăm tài khoản theo yêu cầu của Việt Nam" trong lúc Facebook nói với BBC rằng họ "chỉ gỡ bỏ nội dung vi phạm chính sách của chúng tôi".
Báo cáo của 17 hãng tin Mỹ tiết lộ gì ?
Facebook mới đây công bố lợi nhuận công ty trong quý gần đây đã tăng lên hơn 9 tỷ đôla - tức tăng 17% - và số người dùng Facebook tăng lên 2,91 tỷ.
Công bố của Facebook được đưa ra hôm 25/10, chỉ vài giờ sau khi một nhóm gồm 17 công ty truyền thông Mỹ tung ra một loạt các báo cáo cho thấy Facebook đã ưu tiên tăng trưởng hơn sự an toàn của người dùng.
Báo cáo mới công bố của họ dựa trên các tài liệu nội bộ của Facebook bị rò rỉ, được gọi là Facebook Papers, do người tố giác Frances Haugen thu được.
Các báo cáo đổ lỗi cho Giám đốc điều hành Mark Zuckerberg đã phục tùng chính quyền Việt Nam để kiểm duyệt các tiếng nói bất đồng trên Facebook. Đồng thời lưu ý rằng Facebook cho phép đăng các lời lẽ kích động thù địch trên toàn thế giới do thuật toán còn thiếu sót, góp phần thúc đẩy sự phân cực độc hại trên mạng, theo Bangkok Post .
Chính cá nhân Zuckerberg là người quyết định rằng Facebook sẽ cúi đầu trước áp lực từ chính phủ Việt Nam để kiểm duyệt những tiếng nói bất đồng chính kiến, ba nguồn tin nói với The Washington Post .
Mark Zuckerberg với các quan chức Việt Nam năm 2011 tại Quảng Ninh
"Những tài liệu này nhấn mạnh rằng ban lãnh đạo Facebook thường xuyên phớt lờ những cảnh báo nội bộ nghiêm trọng, chọn đặt lợi nhuận lên trên con người", Thượng nghị sĩ Mỹ Richard Blumentha được Bangkok Post trích lời.
The New York Times, The Washington Post và Wired là một trong số những hãng tin có quyền truy cập vào bộ tài liệu nội bộ của Facebook mà Haugen ban đầu tiết lộ cho chính quyền Hoa Kỳ, và là cơ sở của một loạt bài trên Wall Street Journal.
Facebook công nhận báo cáo này là công bố có chọn lọc từ một số nghiên cứu nội bộ của mình, với mục đích khiến mạng xã hội được hàng tỷ người.
Haugen, người làm chứng trên mạng xã hội trước các nhà lập pháp Vương quốc Anh hôm 25/10, đã nhiều lần nói rằng Facebook đặt sự tăng trưởng và lợi nhuận lên trên sức khỏe và sự an toàn của người dùng.
Bà nói với các nhà lập pháp rằng "Facebook không sẵn lòng chấp nhận dù chỉ hy sinh một ít lợi nhuận vì sự an toàn, và điều đó là không thể chấp nhận được," và rằng nội dung tức giận hoặc kích động thù địch "là cách dễ nhất để phát triển" nền tảng truyền thông xã hội.
Facebook từng bị ảnh hưởng bởi các cuộc khủng hoảng lớn trước đây, nhưng quan điểm hoạt động hiện tại của họ đã thúc đẩy việc các hãng tin tiến hành một loạt các báo cáo gay gắt và sự điều tra của các nhà lập pháp Hoa Kỳ.
Một báo cáo từ Politico tiết lộ các cuộc trò chuyện nội bộ của nhân viên về sự thống trị toàn cầu của Facebook.
Facebook vừa phục hồi sau các vụ bê bối khác như vụ liên quan đến Cambridge Analytica, một công ty tư vấn của Anh đã sử dụng dữ liệu cá nhân của hàng triệu người dùng Facebook cho mục đích quảng cáo chính trị.
Zuckerberg đã phải đến Washington để xin lỗi và Facebook đã đồng ý một thỏa thuận trị giá 5 tỷ đôla với các cơ quan quản lý của Mỹ.
Mark Zuckerberg 'bị cô lập' ?
Giám đốc điều hành Facebook Mark Zuckerberg đã trở nên cô lập hơn trong chính công ty của mình, The Washington Post đưa tin các nhân viên cũ cho biết, khi ông vật lộn với những lời chỉ trích ngày càng tăng và thất bại từ Facebook Papers.
Các cựu nhân viên nói rằng Zuckerberg chủ yếu truyền đạt các quyết định cho một nhóm nội bộ gọi là "Nhóm nhỏ" và một nhóm lớn hơn một chút của các nhà lãnh đạo công ty được gọi là "M-Team" hoặc "Mark's Team".
Báo cáo của The Washington Post đã phác thảo phong cách quản lý của Zuckerberg dựa trên các cuộc phỏng vấn với các nhân viên cũ của Facebook và thông tin thu thập được từ Facebook Papers. The Post cho biết, công ty kiểm soát chặt chẽ thông tin về Zuckerberg cũng như thông tin mà anh ta nhận được.
Facebook phản đối việc Zuckerberg bị cô lập, The Washington Post cho biết.
Các cựu nhân viên nói với The Washington Post rằng Zuckerberg có tầm ảnh hưởng lớn tại công ty, vượt xa những gì được công chúng biết đến.
Ngoài việc thống trị việc ra quyết định ở cấp cao, Zuckerberg dường như vẫn còn thời gian để quản lý cấp vi mô. The Washington Post đưa tin hai nguồn tin nói rằng ông ta đã tự tay thiết kế bảng màu và bố cục cho khung hình "Tôi đã tiêm phòng" của Facebook mà người dùng có thể sử dụng.
************************
Facebook đã góp sức với Hà Nội để đàn áp người dân Việt Nam
Như Hồ, SaigonnhoNews, 26/10/2021
Ngay sau nhiều tờ báo như Insider, Washington Post… đồng loạt đưa tin về việc công ty Facebook lâu nay đã bí mật hợp tác với công an Cộng sản Việt Nam trong việc kiểm duyệt và chống lại người dùng trong nước vì quan điểm chính trị, giới phóng viên nước ngoài đang thường trú tại Việt Nam đã làm những cuộc khảo sát và phỏng vấn nhiều người. Nhiều bài viết bình luận về việc này cũng xuất hiện ngay trên mạng Facebook.
Glen Carrie/Unsplash
Cựu Giám đốc sản phẩm và nhà phân tích dữ liệu của Facebook, bà Frances Haugen, đã tiết lộ nhiều thông tin quan trọng. Theo đó thì vào cuối năm ngoái, Mark Zuckerberg phải đối mặt với một lựa chọn : Tuân theo yêu cầu của Đảng cộng sản cầm quyền Việt Nam trong việc kiểm duyệt những người bất đồng chính kiến hoặc có nguy cơ bị ngăn chận không thể thu lợi tại Việt Nam, một trong những thị trường Châu Á được coi là béo bở nhất của Facebook.
Đây là một bộ mặt khác của Mark. Ở Mỹ, CEO này có vẻ là người rất dứt khoát để bảo vệ cho quyền tự do ngôn luận, xóa các tin giả gây hiểu lầm khỏi nền tảng. Nhưng tại Việt Nam, Facebook đang ngày càng hiện rõ việc lùi sâu vào các thỏa thuận của nhà cầm quyền, đổi lại mạng xã hội kiếm được hơn 1 tỷ USD doanh thu hàng năm, theo ước tính năm 2018 của Tổ chức Ân xá Quốc tế.
Vì vậy, dù trên bề mặt có vẻ là giằng co cho quyền con người, nhưng cá nhân Mark dường đã quyết định rõ rằng Facebook sẽ tuân thủ các yêu cầu của Hà Nội. Các tài liệu rò rỉ cho thấy Hà Nội đã liên tục đưa ra các yêu sách, và Mark đã nhóm họp nội bộ của mình để tìm cách chấp hành trơn tru.
Kết quả đó, được thể hiện rất rõ trên bề mặt của Facebook tại Việt Nam. Theo các nhà hoạt động và những người ủng hộ tự do ngôn luận, trước thềm Đại hội đảng Cộng sản của Việt Nam năm ngoái, Facebook đã tăng cường kiểm duyệt đáng kể các bài đăng "chống nhà nước", giúp chính phủ kiểm soát gần như toàn bộ nền tảng này. Mark nhiệt tình thể hiện quyết tâm làm hài lòng các quan chức Hà Nội bằng cách đặt thêm một tầng thống trị kỹ thuật số, bên cạnh bộ máy đàn áp bằng nhà tù và các điều luật mơ hồ của nhà nước. Thậm chí Mark đã không ngần ngại phản bội lại các tuyên bố về việc bảo vệ giá trị tự do ngôn luận hay nhân quyền mà anh ta đã từng nói trước Quốc hội Mỹ. Các cuộc phỏng vấn với hơn một chục nhân viên cũ đã tập hợp chung với hồ sơ tố giác từ bà Frances Haugen.
Trong bản tin mới nhất, AFP đã thực hiện nhiều cuộc phỏng vấn với người Việt Nam về sự kiện này. Thật ngạc nhiên, khi hầu hết những người có tiếng nói trên các trang mạng đều không mấy ngạc nhiên về tiết lộ này. Với tất cả những gì mà người Việt Nam đã chứng kiến về Facebook suốt bao nhiêu năm nay, mạng xã hội này đã không còn là một người bạn, mà chỉ còn là một phương tiện giải trí.
Ông Huỳnh Ngọc Chênh, từ Hà Nội nói rằng ông không có gì nghi ngờ, và khẳng định "Facebook đã tự biến mình thành công cụ truyền thông tuyên truyền cho Đảng cộng sản Việt Nam".
Còn với Tuấn Khanh, ký giả của Sài Gòn Nhỏ, thì nói "Nhiều người dân trong nước đã thất vọng khi thấy Facebook chọn lợi nhuận thay vì bảo vệ những giá trị của một công ty đến từ Hoa Kỳ, nơi của một quốc gia chọn dân chủ và tự do".
Mark đã ngày càng lộ rõ quyết tâm bắt tay với công an Cộng sản Việt Nam, khi đưa ra vô số quyết định kiểm duyệt và hết sức cứng rắn đối với quyền tự do ngôn luận của người Việt Nam trên mạng xã hội này. Phát biểu về trò chơi hai mặt ở Việt Nam, đại diện công ty nói với tờ The Post rằng lựa chọn kiểm duyệt của Facebook là hợp lý "để bảo đảm các dịch vụ của chúng tôi luôn khả dụng cho hàng triệu người tin cậy vào chúng mỗi ngày", theo một tuyên bố được cung cấp cho tờ The Post.
Theo mô tả của Washington Post, thì cũng có đôi lúc Mark cân nhắc về việc có nên cho phép tăng cường kiểm duyệt ở Việt Nam hay không. Vì trong một cuộc họp, Mark đã cảnh báo rằng việc phục vụ cho một chế độ đàn áp có thể gây tổn hại đến danh tiếng toàn cầu của Facebook, nhưng rồi cũng rất nhanh sau đó, anh ta tự lập luận rằng việc mạng xã hội này bị ngăn chận hoàn toàn ở Việt Nam, cũng sẽ gây tổn hại lớn hơn đến quyền tự do ngôn luận trong nước.
Mark Zuckerberg, 37 tuổi, thành lập Facebook cách đây 17 năm trong phòng ký túc xá đại học của mình, hình dung ra một cách mới để các bạn cùng lớp kết nối với nhau. Ngày nay, Facebook đã trở thành một tập đoàn bao gồm WhatsApp, Instagram và một doanh nghiệp phần cứng. Mark là Chủ tịch hội đồng quản trị và kiểm soát 58% cổ phần có quyền biểu quyết của công ty, khiến quyền lực của anh gần như bao trùm trong nội bộ công ty và hội đồng quản trị.
Marc Goldstein, người đứng đầu nghiên cứu của Institutional Shareholder Services (tạm dịch : Dịch vụ Thể chế Cổ đông) tại Hoa Kỳ, nhận định "Cho đến thời điểm này, Facebook là công ty lớn nhất tập trung toàn bộ quyền lực vào tay một người".
Bên cạnh những lời chỉ trích, cũng có những nhận xét từ nhiều người làm việc tại Facebook, giấu tên, cho biết rằng Mark lâu nay bị ám ảnh bởi các chỉ số đo lường, tăng trưởng và tìm cách vô hiệu hóa các mối đe dọa cạnh tranh. Và để đạt được mục đích của mình, những bước chân của Mark đã không ngại giẫm lên quyền tự do ngôn luận và quyền con người.
Như Hồ
Nguồn : SaigonnhoNews, 27/10/2021