Người nghèo Việt Nam đói vì phong tỏa
Sarah Johnson and Nhung Nguyen, VNTB, 14/09/2021
Sau khi lệnh phong tỏa nghiêm ngặt nhất cho đến nay được áp dụng tại Thành phố Hồ Chí Minh, Trần Thị Hảo (*), một công nhân nhà máy, cho biết rằng chính phủ sẽ cung cấp thực phẩm cho cô và gia đình đầy đủ – nhưng hai tháng nay họ chỉ ăn ít hơn cơm với nước mắm.
Việt Nam từng chống Covid thành công nhưng khi người dân không thể rời khỏi nhà ngay cả để mua thức ăn vì phong tỏa gần đây khiến hàng chục nghìn người bị đói.
Cô đã bị cho nghỉ việc không lương vào tháng 7, trong khi chồng cô là thợ hồ không có việc làm nhiều tháng nay. Cô đang thiếu tiền thuê nhà và tiền thuê tháng tiếp theo cũng sắp tới hạn phải trả.
Cô nói : "Tôi đang cố gắng cầm cự càng lâu càng tốt nhưng tôi không biết chuyện gì sẽ xảy ra nữa, Tôi không biết làm sao để diễn đạt cảm xúc của mình thành lời. Tôi muốn hỏi tại sao không có hỗ trợ".
"Chính phủ nói rằng họ sẽ giúp đỡ những người như tôi nhưng không có gì hết. Tất cả mọi người quanh tôi đều đang chật vật".
Cô Hảo không phải là người duy nhất. Thành phố lớn nhất của Việt Nam đang bị phong tỏa, người dân không được phép ra khỏi nhà ngay cả khi đi mua đồ ăn Các hạn chế hiện tại có thể kéo dài đến ngày 15 tháng 9 với đề xuất nối lại hoạt động kinh tế .
Ngay cả trước khi có lệnh ở nhà vào ngày 23 tháng 8, Hảo cũng như hàng triệu người khác, đã lâm vào cảnh nợ nần chồng chất. Chính phủ đã hứa sẽ cung cấp thức ăn cho người dân và điều quân đội để giúp cung cấp thực phẩm và vặt dụng cần thiết cho dân, nhưng rất nhiều người không nhận được gì. Tuần trước, báo chí Việt Nam đưa tin rằng hơn 100 người ở một quận đã biểu tình phản đối vì không được cứu trợ.
Việt Nam đã được ca ngợi là sự thành công trong việc chống dịch trên toàn cầu. Khi các quốc gia trên thế giới thương tiếc những người đã chết và áp đặt các lệnh cấm vận trên toàn quốc, chính phủ Việt Nam đã ngăn chặn virus nhờ các biện pháp kiểm dịch nghiêm ngặt, truy tìm nguồn liên hệ và phong tỏa địa phương. Đến đầu tháng 5, Việt Nam ghi nhận dưới 4.000 ca nhiễm và 35 ca tử vong .
Giờ đây, biến thể Delta đang gây náo loạn ở Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận. Tháng rồi ghi nhận 299.429 ca mắc mới và 9.758 ca tử vong trong nước. Tại Thành phố Hồ Chí Minh, số người chết chiếm 4,2% ; mỗi ngày thành phố có hơn 200 người chết và 5.000 ca nhiễm mới. Tỉnh Bình Dương cũng có con số tương tự.
Khi các quy định hạn chế chặt chẽ hơn dần được áp dụng kể từ đầu tháng 6, người nghèo là đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Các nhà máy và chợ phải đóng cửa kéo theo hàng nghìn người thất nghiệp. Tài xế taxi, người bán hàng rong, công nhân nhà máy và thợ hồ vốn đã cận nghèo đã không thể kiếm tiền nhiều tháng trời và ở trong những khu nhà ở chật chội và đông đúc ở các điểm nóng Covid.
Số liệu thống kê chính thức cho biết chỉ riêng tại Thành phố Hồ Chí Minh đã có 3-4 triệu người đã rơi vào tình trạng khó khăn về tài chính do đại dịch.
Các tổ chức xã hội dân sự nhận với hàng chục nghìn yêu cầu cứu trợ thực phẩm mỗi ngày và không thể đáp ứng đủ nhu cầu. Ngân hàng thực phẩm Việt Nam, một doanh nghiệp xã hội do doanh nhân Nguyễn Tuấn Khôi điều hành, đang hỗ trợ 10.000 người mỗi ngày. Trang web và các kênh truyền thông xã hội của Ngân hàng Thực phẩm nhận được yêu cầu trợ cấp nhiều gấp đôi hoặc gấp ba lần.
Ông Khôi cho biết số yêu cầu trợ cấp bắt đầu tăng từ tháng trước, nhưng tăng vọt trong hai tuần qua, "Đại dịch này đã ảnh hưởng đến khả năng phục hồi của người dân. Việc phong tỏa hoàn toàn đã khiến nguồn cung cấp thực phẩm bị gián đoạn. Chúng tôi và các tổ chức từ thiện khác đang gặp khó khăn trong việc tiếp cận những người cần giúp đỡ. Nhu cầu cần được trợ cấp là rất lớn".
Trong 20 năm làm từ thiện nhưng ông Khôi chưa bao giờ trải qua chuyện như vậy. Ông nói : "Người Việt Nam đã trải qua những ngày khó khăn nhất trong vài tuần qua. Tôi chưa bao giờ thấy số lượng người chết và mất mát như vậy và tôi nghĩ sẽ không bao giờ chứng kiến điều đó. Trước đại dịch, chúng tôi có đói nghèo, nhưng ít ra nhiều cũng cũng dễ mua được đồ ăn. Tôi sinh ra sau chiến tranh, vì vậy những khó khăn vì chết chóc và cái đói là điều chúng tôi chỉ nghe và đọc trong sách. Giờ tôi mới hiểu được sự vất vả".
Saigon Children, nơi giúp đỡ những thanh thiếu niên có hoàn cảnh khó khăn được học hành và đi làm,cũng bị cuốn vào. Damien Roberts, giám đốc tổ chức từ thiện, nói : "Thông thường chúng tôi xây dựng trường học, thực hiện những nhu cầu đặc biệt. Bây giờ 90% công việc của chúng tôi là cứu trợ Covid. [Cái đói] đang lan rất rộng trong lúc này.
"Tôi không biết con số nhưng chúng tôi đã giúp được 16.000 người trong tám tuần qua và chúng tôi hầu như chỉ mới chạm một chút vào phần nổi".
Ứng dụng nhắn tin Zalo và SOSmap.net mỗi ứng dụng đưa tin hàng chục nghìn người cần trợ giúp trên toàn thành phố.
Chính quyền thành phố, kể từ ngày 26 tháng 8, đã cung cấp gói hỗ trợ bao gồm 1,2-1,5 triệu đồng và một túi thực phẩm thiết yếu cho hơn 1,2 triệu người gặp khó khăn. Thành phố đang đề xuất chi thêm 9,2 tỷ đồng để hỗ trợ người dân bị phong tỏa.
Song song với nạn đói là hệ thống y tế trở nên quá tải. Bệnh viện đang thiếu nhân sự, không đủ thuốc men, ôxy chỉ có cầm chừng. Trên mạng xã hội tràn ngập chuyện người kêu cứu mà không nhận được cứu trợ, và những bức ảnh và video đáng lo ngại về hàng xe dài ở lò hỏa táng và những người đổ gục trên đường phố.
Bác sĩ Trần Hoàng Đăng Khoa, bác sĩ hồi sức tích cực của một bệnh viện điều trị những ca bệnh nặng nhất của Covid, phụ trách 14 bệnh nhân trong mỗi ca và đã kiệt sức. Ông nói, 700 giường luôn kín chỗ, mỗi ngày lại có thêm nhiều ca hơn ; một nửa trong số những người mà anh chữa trị đã chết.
"Hệ thống y tế của chúng tôi không được chuẩn bị cho điều này và chúng tôi chưa đạt đến đỉnh dịch", ông nói. "Chúng tôi thiếu thốn mọi thứ – nhân viên, thuốc men và máy thở – nhưng tôi không biết phải đổ lỗi cho ai".
Theo Tiến sĩ Nguyễn Thu Anh, chuyên gia y tế công cộng của Viện Nghiên cứu Y khoa Woolcock tại Hà Nội, tình hình hiện nay cũng phản ánh sự chậm trễ đối với chương trình tiêm chủng của Việt Nam. Bà nói : "Tỷ lệ chấp nhận tiêm vắc xin cao, nhưng chúng tôi không có đủ vắc xin trong nước. Bất kể cam kết từ các nhà cung cấp vắc xin, cũng như Covax, số lượng vắc xin đến thực tế thấp hơn so với dự kiến".
Theo Bộ Y tế, đến ngày 1 tháng 9, Việt Nam đã triển khai 20 triệu liều vắc xin Covid-19 . Chỉ 3,6% trong số 75 triệu người trưởng thành đã nhận hai mũi tiêm. Tại Thành phố Hồ Chí Minh, với dân số ước tính từ 10 đến 13 triệu, 5,8 triệu người trưởng thành đã tiêm mũi đầu tiên và 337.134 người đã tiêm cả hai mũi. Theo một tuyên bố của Bộ Y tế hồi tháng 6, chương trình tiêm chủng bị chậm trễ là do bộ máy quan liêu cồng kềnh bao vây .
Các nỗ lực đang tập trung vào Thành phố Hồ Chí Minh, nhưng như bà Thu Anh nói, virus đã lây lan. "Vấn đề là chúng tôi đang cố gắng phân bổ vắc xin cho Thành phố Hồ Chí Minh. Số lượng phân bổ cho các tỉnh khác là khá ít, vì vậy đó là một thách thức khác".
Ở các thành phố khác, dịch vụ chăm sóc sức khỏe và cơ sở hạ tầng còn tồi tệ hơn nhiều, và các bác sĩ cũng như chuyên gia lo ngại về ảnh hưởng của Covid đối với các cộng đồng ở đó.
Trong căn phòng 15 mét vuông ở Thành phố Hồ Chí Minh, Hảo cùng chồng và đứa con trai tám tuổi phải ở luôn trong một khu nhà có hàng trăm công nhân nhà máy khác. Cô rất muốn được quay lại làm việc. Kỳ học mới sắp bắt đầu trực tuyến nhưng cô không có máy tính và hiện giờ việc học của con cô sẽ phải tạm ngưng lại.
"Tôi thậm chí không thể nghĩ về việc học của con tôi bây giờ, "cô nói. "Tôi đang phải lo kiếm ăn ngày mai và lo tiền thuê tháng này".
Bên kia thành phố, Nguyễn Lâm Ngọc Trúc, 21 tuổi, cũng cần đi kiếm tiền trở lại. Cô sống trong một khu ổ chuột bên bờ sông cùng với 30-40 gia đình khác. Trúc bán hàng rong cho sinh viên nhưng đã phải ở nhà từ tháng 6. Bố mẹ và anh trai cô cũng bị thất nghiệp. Họ sống được nhờ được gạo và mì gói của các tổ chức từ thiện và hàng xóm.
Trong khu phố cô sống có rất nhiều người dân nhập cư, nhiều người không có hộ khẩu/đăng ký và do đó không được quản lý và vô hình đối với chính quyền.
"Chính phủ nên giữ lời hứa sẽ hỗ trợ người dân", cô nói. "Họ nên cung cấp thực phẩm cho mọi người dân. Không ai nói cho chúng tôi biết chuyện gì đang xảy ra".
Sarah Johnson & Nhung Nguyen
Nguyên tác : ‘Hunger was something we read about’ : lockdown leaves Vietnam’s poor without food, The Guardian, 08/09/2021
Khánh An dịch
Nguồn : VNTB, 14/09/2021
(*) Tên đã được thay đổi để bảo vệ danh tính
*********************
Thành phố Hồ Chí Minh có tỷ lệ tử vong do Covid cao nhất trong khu vực
VNTB, 14/09/2021
Khi chính phủ chật vật ngăn chặn đợt bùng phát virus corona nguy hiểm nhất trong khu vực, người dân và các công ty nước ngoài tại thành phố lớn nhất Việt Nam đang chuẩn bị cho việc gia hạn các hạn chế mà họ đang phải tuân thủ kể từ ngày 31 tháng 5. Chính quyền sẽ sớm quyết định liệu có nên kéo dài thời hạn phong tỏa nghiêm ngặt thêm sau thời hạn ban đầu là ngày 15 tháng 9 hay không.
Thành phố Hồ Chí Minh có tỷ lệ tử vong do Covid-19 là 4,95%, cao hơn mức trung bình của cả nước và các quốc gia Đông Nam Á.
Theo số liệu của Nikkei Asia tổng hợp, tỷ lệ tử vong trong ngắn hạn ở Thành phố Hồ Chí Minh là 4,95% vào thứ Tư, so với 2,6% của Việt Nam nói chung. Đây là tỷ lệ giữa số ca tử vong do Covid-19 trung bình trong bảy ngày so với số ca tử vong trung bình trong bảy ngày của 10 ngày trước đó.
Tỷ lệ tử vong của thành phố cao nhất khu vực. Tỷ lệ tử vong ngắn hạn ở Campuchia là 2,38% trong khi Thái Lan là 1,34% mặc dù vương quốc này đang chống chọi với đợt bùng phát virus tồi tệ nhất cho đến nay, với khoảng 15.000 ca mắc mới mỗi ngày, theo Our World in Data.
Tính đến thứ Sáu, Thành phố Hồ Chí Minh đã tổng cộng tích lũy có 11.472 ca tử vong do Covid-19 trên tổng số 14.745 ca tử vong trên toàn quốc. Nhìn chung, thành phố này chiếm khoảng 78% số ca tử vong do Covid của cả nước kể từ cuối tháng 4 khi làn sóng hiện tại xảy ra.
Covid-19 bùng phát ngay cả khi Việt Nam đang cố đẩy nhanh quá trình tiêm chủng. Tính đến thứ Hai, theo số liệu của Bộ Y tế Thành phố Hồ Chí Minh đã tiêm chủng đầy đủ cho 8,6% dân. Con số này cao hơn cả con số 3,5% của cả nước. Mặc dù vậy, tỷ lệ tử vong của thành phố vẫn cao nhất nước.
Tỷ lệ tử vong gia tăng đã khiến chính quyền phải triển khai các lực lượng như quân đội, tại Thành phố Hồ Chí Minh kể từ ngày 23 tháng 8 để thực thi các hạn chế nghiêm ngặt về Covid. 9 triệu dân thành phố được yêu cầu "ở đâu ở yên đó " cho đến ít nhất là ngày 15 tháng 9, thời điểm đó chính quyền trung ương ở Hà Nội hy vọng sẽ kiểm soát được dịch.
Tuy nhiên, tình hình tại Thành phố Hồ Chí Minh không mấy có dấu hiệu cải thiện. Thành phố đã có 7.539 ca nhiễm mới vào thứ Sáu, trong tổng số 13.306 ca trên toàn quốc. "Thành phố Hồ Chí Minh vẫn là tâm dịch lần này, với số ca mắc tích lũy chiếm khoảng 48,3% tổng số ca bệnh trên toàn quốc. Tổ chức Y tế Thế giới cho biết trong "Báo cáo tình hình Covid-19 ở Việt Nam", số ca mắc trung bình hàng ngày tăng 21,3% so với tuần trước, với trung bình 5.746 ca được báo cáo mỗi ngày trong tuần".
"Delta đang chiếm ưu thế hơn trong các đợt dịch bùng phát gần đây", WHO cho biết, đồng thời đổ lỗi cho chủng virus có khả năng lây truyền cao lần đầu tiên được phát hiện ở Ấn Độ gây ra đại dịch đang hoành hành ở Thành phố Hồ Chí Minh.
"Chỉ có 5% quốc gia và khu vực trên thế giới có tỷ lệ tử vong cao như vậy ", Tuan V. Nguyen, một thành viên tại Nghiên cứu Y tế và Sức khỏe Quốc gia Australia, nói với Nikkei Asia hôm thứ Năm.
Ông Tuấn cho biết, mạng lưới bệnh viện của thành phố đã bị quá tải do bệnh nhân Covid-19 khi lý giải cho việc số ca tử vong ở Thành phố Hồ Chí Minh cao hơn so với các thành phố khác. Ông nói thêm : "Tôi nghĩ rằng việc thiếu phối hợp trong hệ thống chăm sóc sức khỏe và thiếu các nguồn lực góp phần làm tăng số ca tử vong có thể ngăn ngừa được.
Mặc dù chương trình tiêm chủng của thành phố đã được đẩy nhanh kể từ ngày 21/6, nhưng vẫn phải cần thời gian để vắc xin có hiệu lực, ông Tuấn nói.
Với việc thành phố bị phong tỏa kể từ ngày 31 tháng 5, sự lo lắng ở người dân thành phố Hồ Chí Minh đang gia tăng. Tại một sự kiện phát trực tuyến hiếm có vào thứ Hai, Chủ tịch UBND Thành phố mới, ông Phan Văn Mai, đã nói chuyện với người dân đang phải đối mặt với một thiếu lương thực do phong tỏa nghiêm ngặt.
"Ông yêu cầu dân ai ở đâu ở yên đó, nhưng không cung cấp thức ăn. Chúng tôi chỉ hít không khí sống thôi sao ?", Thuy Huynh cho biết trên Facebook.
"Thưa ông chủ tịch, tại sao số vụ mới cứ tăng, thay vì giảm ? Các biện pháp hạn chế có hiệu quả không ? Nếu không, điều gì sẽ diễn ra tiếp theo ?", Van Vu, một người dân khác, nói trong sự kiện phát trực tiếp.
"Ông Mãi ơi, làm sao mà mỗi ngày có 7.000 hay 8.000 ca mới được báo cáo ? Khi nào tôi có thể đi làm ? Giờ tôi đang chết đói rồi", một người dân khác là Hương Đỗ Văn nói.
Nhà chức trách sẽ sớm quyết định có gia hạn phong tỏa sau ngày 15 tháng 9 hay không. Đặng Tâm Chánh, một nhà phân tích chính trị tại Thành phố Hồ Chí Minh, cho rằng họ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc âm thầm nới lỏng các quy tắc, từng bước một. Ông nói : "Người dân phải hạ thấp mức sống, trong khi nỗi lo về Covid-19 vẫn còn".
Theo ông Dương Quốc Chính, một chuyên gia chính trị tại Hà Nội, thành phố có thể dỡ bỏ một phần các hạn chế ở một số quận có ít ca nhiễm hơn. Việc dỡ bỏ lệnh giới nghiêm được áp dụng kể từ ngày 26 tháng 7 cũng là một khả năng. Nhưng cũng có thể sẽ kéo dài phong tỏa thêm ít nhất hai tuần sau ngày 15 tháng 9. Ông nói : "Cần có thời gian để [Thành phố Hồ Chí Minh] tiêm liều vắc xin đầu tiên cho hơn 80% người dân trên 18 tuổi".
Ông Chính cảnh báo, phong tỏa kéo dài có thể tạo ra bất ổn xã hội. "Tầng lớp lao động Thành phố Hồ Chí Minh không có thói quen tiết kiệm. Nhiều người trong số họ chỉ có thể sống một tuần mà không có thu nhập hàng ngày,"ông nói. Người nghèo có thể xuống đường.
Trong khi đó, các doanh nghiệp như các nhà sản xuất nước ngoài đang hoạt động tại Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận bị gián đoạn hoạt động. Đại diện các công ty Hoa Kỳ bày tỏ quan ngại về khả năng duy trì hoạt động của họ tại Việt Nam trong cuộc gặp với Thủ tướng Phạm Minh Chính vào ngày 4/9 tại Hà Nội.
Thông tin chi tiết của cuộc đàm phán không được tiết lộ nhưng những người tham gia, như hãng sản xuất chip Intel và công ty đồ thể thao Nike, đã nêu ra một số vấn đề liên quan đến chuỗi cung ứng, vận chuyển và an sinh cho người lao động, theo truyền thông nhà nước. Dahiya Tripti, một quan chức của Intel Products Việt Nam, từ chối bình luận về cuộc đàm phán.
Tại buổi làm việc, Thủ tướng Chính phủ đã tìm cách trấn an doanh nghiệp, ông nói : "Đây chỉ là những khó khăn tạm thời. Tôi đã giao các cơ quan liên quan nghiên cứu, xây dựng phương án khôi phục kinh tế để thích ứng an toàn với đại dịch trên tinh thần sản xuất phải an toàn thì mới sản xuất an toàn".
Nhóm doanh nghiệp Châu Âu cũng bày tỏ lo lắng tương tự. Hôm thứ Năm, các thành viên của EuroCham Việt Nam đã tổ chức một cuộc họp với chính phủ, với Chủ tịch Alain Cany nói "Các thành viên của chúng tôi bị ảnh hưởng rất lớn vì các biện pháp [Covid-19] hiện tại… đặc biệt là việc phong tỏa ở miền Nam".
Ông Cany chỉ ra động thái của một số công ty ở Việt Nam dịch cuyển sang nước khác, và cho biết : "Dữ liệu của chúng tôi cho thấy cho đến nay gần 1/5 số công ty đã chuyển một số hoạt động sản xuất ra nước ngoài, 16% công ty nữa sẽ cân nhắc làm như vậy trong tương lai".
"Nhiều lao động nhập cư từ các tỉnh đã bỏ việc, rời Thành phố Hồ Chí Minh", ông Dương Quốc Chính nói.
Thành phố Hồ Chí Minh chiếm 22,3% tổng sản phẩm quốc nội của Việt Nam và đóng góp 27,5% vào ngân sách nhà nước từ năm 2011 đến năm 2019.
"Hậu quả về kinh tế và xã hội [của Covid-19] sẽ gây ra bất ổn và làm mất uy tín về mặt chính trị của chính phủ", ông Dương Quốc Chính cảnh báo.
Nguồn : Nikkei Asia Review
**********************
‘Thẻ xanh, thẻ vàng’ : Biến tướng giấy đi đường mùa dịch Covid-19 ?
Diễm Thi, RFA, 14/09/2021
Thành phố Hồ Chí Minh dự kiến áp dụng ‘thẻ xanh, thẻ vàng Covid-19’ để kiểm soát mức độ tham gia xã hội của người dân, doanh nghiệp khi mở cửa, phục hồi kinh tế. Thẻ xanh sẽ cấp cho người đã khỏi bệnh hoặc người tiêm đủ hai mũi vắc xin dưới 65 tuổi, không bệnh nền ; người đã khỏi bệnh hoặc người đã tiêm đủ hai mũi vắc xin trên 65 tuổi, có bệnh nền, suy giảm miễn dịch. Thẻ vàng được cấp cho người tiêm một mũi vắc xin.
Một con đường ở Hà Nội bị chặn để ngăn ngừa sự lây lan Covid-19 - AFP
Các chuyên gia cho rằng việc đưa tiêu chí tiêm vắc xin vào cấp thẻ xanh, thẻ vàng là hợp lý, nhưng việc đưa tiêu chí bệnh nền và suy giảm miễn dịch là bất hợp lý, bởi làm sao thực hiện một quy định chung đối với việc xác định bệnh nền hay suy giảm miễn dịch ?
Lên tiếng với truyền thông Nhà nước, Phó Giáo sư Tiến sĩ Đỗ Văn Dũng, Trưởng Khoa y tế công cộng, Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh, nhận định :
"Không nên đưa tiêu chí bệnh nền hoặc suy giảm miễn dịch vào việc phân loại nhóm nguy cơ để hạn chế hoạt động của người dân khi bình thường mới. Thứ nhất, rất khó để có thể thực hiện một quy định cứng đối với việc xác định bệnh nền hay suy giảm miễn dịch. Thứ hai, bệnh nền hay suy giảm miễn dịch là chuyện cá nhân của mỗi người, Nhà nước không nên quản họ khi họ đã tự nguyện tiêm chủng đầy đủ. Đừng vì họ có bệnh này bệnh kia, dù đã tiêm chủng mà ra quy định làm ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của họ".
Với người dân, họ không tin chính quyền có thể làm được điều mà chính quyền vừa công bố, bởi Nhà nước đã mất kiểm soát từ nhiều phía. Bà Th., Phó giám đốc và là Trưởng ban phòng chống dịch bệnh của một công ty dệt may ở Thành phố Hồ Chí Minh, nêu kinh nghiệm thực tế từ cá nhân bà để chứng minh Nhà nước thực sự không kiểm soát được ai đã tiêm một mũi vắc xin, ai đã tiêm đủ hai mũi vắc xin.
Bà kể, bà được tiêm mũi một theo chỉ tiêu của công ty. Sau đó doanh nghiệp tạm đóng cửa theo Chỉ thị 16 nên bà tiêm mũi hai theo tiêu chuẩn của phường. Khi kiểm tra dữ liệu trên hệ thống, nơi tiêm ngừa mũi hai hoàn toàn không có thông tin bà đã tiêm mũi một. Bà kết luận :
"Người thì ở đây mà chích ở phương trời nào đó thì làm sao mà khai báo được ? Mà đã không khai báo được thì làm sao có thẻ ? vậy thì họ sẽ bắt người ta xếp hàng khai báo để ra cấp một tờ giấy khác chứ còn làm sao nữa, bởi không làm được bằng computer thì sẽ làm bằng tay. Thì lúc đó lại lây lan dịch bệnh.
Hàng bao nhiêu triệu người được chích mũi một, mũi hai thì sẽ có từng đó con người có thẻ xanh, thẻ vàng. Vài ba bữa nữa phải có chốt để kiểm soát. Rồi chừng đó con người dồn ứ tại hàng trăm chốt chặn. Như thế lại bùng lên một đợt dịch nữa.
Vấn đề người dân được ra ngoài không phụ thuộc vào việc được chích bao nhiêu mũi vắc-xin. Cấp cho người ta cái thẻ xanh, thẻ vàng không thay đổi được cục diện chống dịch, mà thay đổi là có kiểm soát được dịch bệnh hay không. Cho thẻ xanh nhưng không kiểm soát được dịch thì lại thu lại thẻ à ? Từ hôm dịch bùng phát đến nay cứ như thế".
Bà Th. tin rằng, chỉ vài hôm nữa, chính quyền lại ‘đẻ’ ra thêm một cái thẻ khác rồi mọi người lại chen lấn khai báo để được cấp.
Chốt chặn khắp nơi. Ảnh minh họa. AFP
Theo kế hoạch của Thành phố Hồ Chí Minh, việc phục hồi kinh tế sẽ trải qua ba giai đoạn. Giai đoạnmột dự kiến từ 16 tháng 9 đến 31 tháng 10, người có thẻ xanh được tham gia tất cả hoạt động xã hội, trừ các hoạt động giải trí. Người có thẻ vàng được tham gia một số lĩnh vực.
Giai đoạn hai dự kiến từ 31 tháng 10 năm nay đến 15 tháng 1 năm 2022, thành phố sẽ mở rộng các hoạt động được phép cho người có thẻ xanh gồm : trung tâm thương mại ; trung tâm tập luyện thể dục thể thao ; hoạt động vui chơi giải trí ngoài trời ; dịch vụ ăn uống có quy mô nhỏ và đảm bảo giãn cách theo quy định.
Đến giai đoạn ba dự kiến sau 15 tháng 1 năm 2022, thành phố mở cửa tất cả hoạt động nền kinh tế. Đối với hoạt động karaoke, vũ trường, quán bar, massage, bắt buộc người tham gia phải có thẻ xanh.
Nhà báo Nguyễn Ngọc Già cho rằng, cách đưa vào sử dụng thẻ xanh, thẻ vàng này hoàn toàn bất khả thi. Giả sử 99% người dân được cấp thẻ xanh thì điều quan trọng nhất là họ cũng không thể nào vượt qua khỏi hàng trăm chốt chặn để kiểm tra. Như vậy thì nó sẽ gây ách tắc và ngưng trệ mọi hoạt động của một thành phố. Hơn nữa, thẻ vàng cấp cho người chỉ mới được tiêm một mũi vắc xin. Đây là trách nhiệm của Nhà nước. Không lo đủ thuốc cho dân cần, lại đẩy trách nhiệm và cái khó cho dân là một Nhà nước vô trách nhiệm. Ông phân tích :
"Cái cách đưa ra ý tưởng thẻ xanh thẻ vàng chỉ là biến tướng của một loại giấy đi đường mới chứ không giải quyết được gì hết. Bởi cái quan trọng nhất là lưu thông, giao thông trong thành phố. Cái tư tưởng của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam nó gây ra cái nghịch lý như vậy do cái tư duy của họ. Họ nhìn Thành phố Hồ Chí Minh như một cái xác chết chứ không phải một cơ thể sống theo đúng như hai yếu tố quan trọng nhất của triết học, đó là mọi sự vật và hiện tượng đều phải vận động và tác động lẫn nhau và tác động đa chiều.
Từ cái đó, cộng thêm cái tư duy chia nát thành phố, chốt chặn khắp nơi cho thấy tầm nhìn của họ không qua nổi cánh cổng một làng quê nông nghiệp cách đây cả trăm năm. Áp dụng vào cho ngày hôm nay là hoàn toàn bất khả thi và tôi nhìn thấy sự thất bại.
Nói một câu ngắn gọn thì cách chống dịch nói chung và việc đề ra thẻ xanh thẻ vàng nói riêng là một cách làm việc phản khoa học, chống lại quy luật phát triển của xã hội loài người".
Tuy Thành phố Hồ Chí Minh đang nghiên cứu cơ chế cấp thẻ xanh, thẻ vàng Covid cho người dân nhưng tại buổi tọa đàm Kiểm soát dịch bệnh tối 12 tháng 9, Phó chủ tịch ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Dương Anh Đức thừa nhận, sau 15 tháng 9 thành phố chưa thể nới lỏng giãn cách xã hội theo thẻ xanh, thẻ vàng.
Trong khi Thành phố Hồ Chí Minh chưa thể kiểm soát dịch bệnh thì tại Hà Nội, ủy ban Nhân dân thành phố này hôm 6 tháng 9 ban hành Công điện số 20, đặt mục tiêu trước ngày 15 tháng 9 phải kiểm soát tình hình dịch bệnh Covid-19 nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Hà Nội bị cho là đang lập lại sai lầm của Thành phố Hồ Chí Minh khi cho toàn dân thần tốc xét nghiệm cũng như chích ngừa. Theo thông tin từ trang web của Chính phủ, để hoàn thành mục tiêu lấy mẫu xét nghiệm và tiêm chủng vắc xin ngừa Covid-19 cho người dân, các quận, huyện trên địa bàn Thành phố Hà Nội với sự hỗ trợ của 11 tỉnh thành, đơn vị, đã thần tốc vào cuộc. Tính đến trưa ngày 11 tháng 9, nhiều địa phương hoàn thành hơn 50% mục tiêu, cá biệt có quận đã lấy xong 100% số mẫu theo kế hoạch đưa ra.
Diễm Thi
Nguồn : RFA, 14/09/2021
************************
Lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh thật là dân chi phụ mẫu
Nguyễn Minh Quân, RFA, 14/09/2021
Ngày 15/9, theo chủ trương trước kia, lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh cho biết là thời điểm có thể mở cửa lại một số hoạt động kinh tế của TP, song song với việc áp dụng thẻ đi đường vắc-xin tương ứng (thẻ xanh, thẻ vàng). Hiện Thành phố Hồ Chí Minh đã gần bao phủ mũi một vắc-xin, mũi hai cũng đã chiếm… nên người dân và doanh nghiệp cực kỳ mong chờ nới lỏng để có thể ra đường đi làm kiếm tiền.
Hình chế của người dân. Facebook
Bất quá : Cái ảnh chế hài hước ở trên thay thế đủ cho thông báo của lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh vào hai ngày cuối cùng trước khi hết hạn đợt giới nghiêm lần thứ hai này (lần một từ 23/8 đến… ; lần 2…). Nhiều người cười òa, nhiều người thì bật… chửi !
Nhớ lại "tin đồn" mới vừa khoảng 10 ngày trước, người dân không thể không cảm thán : "Đồn thật đúng… như lời".
Tin đồn đó nói gì ?
Nó nói Thành phố Hồ Chí Minh sẽ mở cửa dần dần nhưng không thể trước cuối tháng 9, tuy vậy sẽ chỉ thông báo tiếp tục kéo dài phong tỏa từng hai tuần một để người dân đỡ sốc. Trước mắt đến 15/9 sẽ thí điểm mở cửa lại một số hoạt động.
Vào ngày 05/9, Phó Ban chỉ đạo phòng chống dịch Thành phố Hồ Chí Minh, ông Phạm Đức Hải lên báo phủ nhận "tin đồn" này. Chỉ sau đó vài ngày, Chủ tịch Thành phố Hồ Chí Minh trả lời chính thức trong buổi live stream với người dân Thành phố chủ trương đó là có thật.
Chủ tịch Thành phố Hồ Chí Minh trả lời chính thức trong buổi livestream với người dân Thành phố sẽ mở cửa dần dần nhưng không thể trước cuối tháng 9 là có thật.
Vài ngày nay, tất cả các phường xã ráo riết tiêm vắc-xin cho người dân. Mọi giấy tờ trước đó đều được bỏ qua hết, không cần tin nhắn, chứng minh nhân dân, hộ khẩu thường trú hay tạm trú, có bảo hiểm y tế hay không… người dân được thông báo đến các địa điểm công cộng để tiêm nhanh chóng.
Động thái này càng khiến nhiều người tin vào lời hứa sau 15/9 sẽ được cấp thẻ xanh và thẻ vàng vắc-xin để tái kiến thiết.
Rồi đến hôm qua thì cũng chính Chủ tịch Thành phố Hồ Chí Minh nói "sẽ giãn cách thêm một thời gian".
Lời nói theo đúng nguyên tắc sandwich (tin dễ nghe trước, tin khó nghe ở giữa, cuối cùng lại là một lớp khen ngợi động viên), rất uyển chuyển :
Theo dõi các động thái của lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh, tôi cảm tưởng các vị xem người dân là con trẻ, lúc nào cũng lo sợ chúng không đủ hiểu biết nên người làm lãnh đạo thành phố phải chu toàn lo giùm, nghĩ giùm, tính toán giùm. Hơn thế còn phải chặn trước chặn sau để người dân khỏi bị tổn thương tinh thần. Kiểu như thông báo cái rẹt sẽ tiếp tục phong tỏa một tháng nữa thì trái tim non nớt của đồng bào sẽ vỡ tan rỉ máu mất, nên phải dùng chính sách nước ấm nấu ếch để huấn luyện từ từ. Con ếch bị luộc trong nồi nước ấm dần lên nên không nhận thấy nguy hiểm, cứ an tâm ngồi yên cho đến lúc bị luộc chín.
Tấm lòng đó không phải của người làm cha mẹ, một mực phụ mẫu chi dân thì là cái gì ?
Nói trên báo điện tử Zing ngày 14/9/2021, Phó Giáo sư Tiến sĩ Đỗ Văn Dũng ở Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng : "trước khi mở cửa nền kinh tế, Thành phố Hồ Chí Minh cần có hệ thống giám sát dịch - 'chiếc đồng hồ đo tốc độ' để biết lộ trình mở cửa của Thành phố có phù hợp hay không".
Ông Dũng đưa ra một số ví dụ về các chỉ dấu đánh giá tình hình. Ví dụ yếu tố quan trọng để kiểm soát ca tử vong là thành phố phải đảm bảo hệ thống điều trị, khám chữa bệnh đáp ứng được sự gia tăng số ca bệnh ở một mức độ nào đó.
Ông Dũng cho biết theo kinh nghiệm quốc tế, tỷ lệ giường trống an toàn là 25%, hay nói cách khác, số bệnh nhân nhập viện chỉ chiếm 75% năng lực của ngành y tế. Khoảng trống còn lại là để xử trí các tình huống bất ngờ phát sinh.
Và con số 75% là năng lực của ngành y tế Thành phố Hồ Chí Minh trong điều kiện làm việc bình thường, không phải vay mượn nhân lực từ nơi khác, cũng không phải vắt kiệt sức như hiện tại.
Số giờ làm việc của nhân viên y tế trực tiếp điều trị trong các bệnh viện điều trị Covid-19 tại Thành phố Hồ Chí Minh vào khoảng 6-8 tiếng/ngày. Đây là điều kiện làm việc rất lao lực vì họ phải trùm bộ đồ bảo hộ kín bưng trong thời tiết nóng ẩm, không thể cởi ra để ăn uống hay thực hiện các nhu cầu vệ sinh. Vì mỗi lần cởi là một lần khử khuẩn nghiêm ngặt từ đầu đến chân, vứt bỏ bộ đồ bảo hộ giá vài trăm ngàn đồng. Đồ bảo hộ thì không hề dư dật, nhiều bệnh viện vẫn liên tục xin quyên góp từ cộng đồng, doanh nghiệp và người dân mới có.
Cả nước Việt Nam hiện tại cứ mỗi ngày mắc thêm 11.000-12.000 ca bệnh, chết khoảng 200-300 người, tỷ lệ tử vong cao hơn trung bình của thế giới. Cho nên dù ngành y tế không cho biết cụ thể khả năng chịu đựng của họ nhưng chắc chắn đây là con số quá tải nhiều lần.
Đó là chưa kể Bộ Y tế đã nắm được con số thật hay chưa. Số bệnh nhân chết ở ngoài bệnh viện có được đưa vào hệ thống thống kê hay không, không ai biết.
Đã quá tải nhiều lần thì chắc chắn vẫn còn phải phong tỏa nghiêm ngặt để tránh lây lan ra nhiều nữa, khiến hệ thống y tế hoàn toàn sụp đổ.
Đồng hồ tốc độ như ông Dũng nói, về y tế, tức phải xác định rõ với nhân lực, trang thiết bị, thuốc men… của các địa phương trọng điểm như Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ… thì tối đa chịu đựng được bao nhiêu ca nhiễm, ca tử vong. Con số nào thì nằm trong khả năng kiểm soát ? Con số nào là báo hiệu nguy cơ, từng mức độ nguy cơ đến đâu ? Bao nhiêu thì mở hết, mở một phần, hạn chế toàn bộ, phong tỏa, giới nghiêm… tương ứng với xanh, vàng, da cam, đỏ ?
Đấy là nói rất đại khái về y tế.
Về sức chống chịu của nền kinh tế cũng phải minh bạch từng ngành, từng địa phương tương tự như vậy.
Trên cơ sở đó, Nhà nước lập ra một bản đồ cảnh báo dịch đi kèm với các biện pháp xã hội tương ứng công khai để doanh nghiệp và người dân ai cũng theo dõi, tự tính toán và dự phòng cho cuộc sống và công việc của mình.
Đáng tiếc là chẳng ai cho người dân và doanh nghiệp biết các con số ấy cả.
Dường như trong dịch bệnh này, dù đã kéo dài hai năm trường thì vẫn chỉ có các nhân viên y tế trực tiếp điều trị bệnh là nhân tố hoạt động mạnh mẽ nhất. Còn các bộ ngành chủ quản mọi mặt khác, họ không liên quan thì phải. Một Bộ giao thông vận tải cho đến tháng thứ tư cách ly xã hội vẫn dồn hết tâm lực bận bịu với QR code, luồng xanh, chốt giao thông mỗi tỉnh một phách rối bời. Một Bộ nông nghiệp, một Bộ Công thương loay hoay làm được việc tăng sức mua mãnh liệt cho các "chợ đen" trên mạng, nâng giá thực phẩm ở thị trường tiêu thụ trọng điểm lên hai ba lần, song song đó đạp giá nông sản ở vùng sản xuất xuống sát đất. Một Bộ thông tin truyền thông chỉ cung cấp những thông tin tươi vui lên báo chí, khiến người dân muốn biết tình hình thực tế thì loạn xà ngậu không biết tìm ở đâu, tin vào nguồn nào. Một Bộ quan trọng nhất là Bộ Y tế và đặc biệt là Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh thì như mới hút cần xong, tham mưu những chủ trương chống dịch cách xa thực tế đến không biết đường nào nói, thậm chí nói dối không chớp mắt "chưa thấy tình hình thiếu ô-xy ở người bệnh trong cộng đồng". Một dàn lãnh đạo quận huyện, thành phố (trừ một số rất nhỏ) thậm chí không hề biết địa phương mình có đặc điểm dân cư, kinh tế, xã hội ra sao để đề ra các quyết sách chống dịch trên địa bàn, cho mãi đến khi cấp trên dẫn theo đi "thị sát" mới ồ lên hóa ra dịch lây ở trong ngõ hẻm, hóa ra nên phát túi thuốc cho người dân tự điều trị ở nhà khi triệu chứng nh ẹ. Một bộ máy công quyền cồng kềnh với đủ các ngành, các lĩnh vực từ trung ương đến tận phường xã, nhưng mọi vấn đề nhỏ bằng cái tăm đều được đẩy ngược lên trực tiếp các phó thủ tướng và thủ tướng.
Ấy vậy mà họ vẫn lên báo chí chỉ đạo hết sách lược nọ đến sách lược kia.
Không ai trong số những vị ấy dốt cả. Họ đều học cao, được đào tạo ở tây, nhiều năm phấn đấu lăn lộn trong chính trường mới có thể được bổ nhiệm trọng trách. Sở dĩ họ quan liêu, (giả vờ) mờ mịt như vậy là vì để yên thân. Đi họp đầy đủ, cấp trên nói gì cứ dạ đều, nhưng bước ra khỏi cuộc họp cái gì cũng không làm. Không làm thì không có lỗi. Khiển trách vài câu chứ cách chức được sao ? Còn người nào hăng hái, có trách nhiệm, có lương tâm công chức nhảy vào cái chảo lửa chống dịch lăn lộn thì chắc chắn làm mười việc cũng có một việc không đúng, lúc ấy chẳng phải để hở cái ghế thơm ngon cho một đám thèm thuồng đang đợi đã lâu sao ?
Đáng tiếc, lớp con cái lại không thấu được nỗi khổ tâm đó. Chúng một mực không tin.
Mở cửa quán ăn cho bán mang đi ư ?
Không làm !
Tiền đâu xét nghiệm cứ ba ngày một lần, nhà cửa đâu để nuôi nhân công "ba tại chỗ", shipper đâu để mà giao hàng đi ? Thực phẩm thì vừa khó mua vừa đắt. Đã thế chỉ cho giao đi nội trong quận. Một món ăn đội lên chi phí gấp ba lần, tô bún bò đến tay người ăn giá trung bình 100.000 đ, một ngày liệu bán được mấy tô mà cả gan mở ra bán ?
Nên thôi các quan bác nói gì thì nói, chúng em nằm yên nín thở tiếp cho qua con trăng này. Xin gạo nhà nước ăn với nước mắm cũng được, chờ bao giờ các bác thực sự ban lệnh cho ra đường kiếm ăn thì chúng em nhúc nhích. Chứ đánh bạc với các bác, đảm bảo cả nhà chúng em thua.
Lại nói về tấm lòng phụ mẫu.
Nhìn vào con số nhiễm vẫn đến bốn năm ngàn ca, số tử vong tuy giảm nhưng vẫn còn giữa 200-250 ca mỗi ngày, người nào theo dõi tư duy chống dịch của Việt Nam đều hiểu chắc chưa thể 15/9 này mở cửa thẻ xanh thẻ vàng gì ráo trọi. Là vì hai con số nói trên vẫn ở mức quần cho nhân viên y tế chạy ná thở. Lực lượng y tế cả nước vào chống dịch giúp Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Tiềng Giang… đã nhiều tháng, giờ họ phải rút dần về để giữ sức. Lại đưa lực lượng các vùng khác vào để thay thế.
Bà Lê Thị Hờ Rin, Bí thư quận 6, vừa chia sẻ về quyết định "xé rào" của Quận 6 bằng một câu cực đỉnh : Không thể thấy có cách cứu dân mà không làm.
Và đó là quyết định chủ động phát thuốc kháng viêm, kháng đông cho F0 điều trị tại nhà vào thời điểm Sài Gòn có số ca tử vong rất cao và chưa hề có hướng dẫn dùng thuốc cho F0 điều trị tại nhà.
Đúng quy trình thì nữ bí thơ sẽ chờ quy trình. Để nếu có gì sai còn có cái "đúng quy trình" mà vin.
Nguyễn Minh Quân
Nguồn : RFA, 14/09/201)
*************************
Sự hỗn loạn do Covid-19 châm ngòi cho những công phẫn tại Việt Nam
RFA, 13/09/2021
Ngọc Hà thấy vô cùng bực mình. Ai đó đã dựng thêm một lớp rào chắn khác bên ngoài ngôi nhà của chị ở trung tâm Hà Nội, kèm với cái rào chắn đã được chính quyền địa phương dựng lên vài ngày trước. Lớp rào kép chặn lối chính vào tổ dân phố nơi chị và hàng chục hộ dân đang sinh sống.
- AFP
Không ai dám vượt rào chắn vì mọi người đều biết chỉ cách đó vài trăm mét có một chốt kiểm tra - nơi các tình nguyện viên trẻ kiên quyết yêu cầu những người đi đường dừng lại và trình giấy phép. Những người không có giấy phép đi đường sẽ bị phạt tới hai triệu đồng (chừng 90 đô la).
Và vì thế, lớp rào chắn tự làm bằng ván gỗ cũ và các tấm nhựa sóng và bìa cứng nằm nguyên dưới cơn mưa rào tháng 9 như một sự nhắc nhở không vui vẻ về cuộc khủng hoảng Covid-19 đang diễn ra ở Hà Nội.
Chị Hà thật may mắn khi được làm việc tại nhà. Trong cùng khu của chị, có hàng trăm người khác phải làm việc ở bên ngoài. Rất khó khăn họ mới có được giấy phép đi đường và rồi mỗi sáng, họ phải len lỏi qua chốt kiểm soát, chen chân trước khu vực rào chắn và chấp nhận rủi ro có thể bị lây nhiễm chéo.
Hà Nội đang được phân chia thành các "vùng" với nhiều màu sắc khác nhau. Trong "vùng xanh" – vùng không phát hiện ca Covid nào - người dân vẫn có thể đi lại tự do nhưng ở "vùng đỏ" - nơi có các trường hợp Covid như nơi Hà sống, mọi thứ đều bị hạn chế. Cô chỉ có thể ra ngoài mua đồ ăn ba lần một tuần và tổ dân phố nơi cô ở, giờ đây, ở một góc độ nào đó, đã trở thành một trại tù.
Bà mẹ hai con ngoài 50 tuổi, hiền lành, đã gần như phải hét vào mặt lãnh đạo tổ dân phố : "Nếu có cháy thì sao ? Hay cấp cứu ? Các vị có nghĩ rằng người ốm sẽ ra khỏi cáng và nhảy qua được cái rào chắn này ?".
Đợt bùng phát Covid mới
Chị Hà không phải là người duy nhất tức giận và thất vọng về cách chính phủ chống dịch.
Hà Nội đang gánh chịu đợt bùng phát Covid mới – đợt dịch thứ 4 - với hàng chục ca bệnh mỗi ngày. Kể từ cuối tháng Tư năm nay, 3.700 người dân thủ đô đã có kết quả xét nghiệm dương tính với vi-rút SARS-CoV-2. Số ca nhiễm bệnh của cả nước hiện đã vượt quá con số 600.000, trong đó một nửa là từ Thành phố Hồ Chí Minh - tâm dịch lớn nhất. Số người chết đã vượt quá 15.000 người so với 35 ca cách đây khoảng một năm.
Việc tiêm chủng đang diễn ra với tốc độ rất chậm, chủ yếu là do thiếu vắc-xin. Tính đến ngày 9/9/2021, chỉ có 3,9% dân số đã tiêm đủ cả hai mũi.
Làn sóng Covid thứ tư này đặc biệt đáng lo ngại vì sự xuất hiện của biến thể Delta rất dễ lây lan. Nó cũng cho thấy sự thiếu chuẩn bị của toàn bộ hệ thống trong việc đối phó với một trong những thảm họa y tế cộng đồng cấp bách và nghiêm trọng nhất trong thời hiện đại.
"Chúng ta đã trở nên quá tự mãn sau những đợt bùng phát ban đầu [năm ngoái]" - một bác sĩ kỳ cựu ở Thành phố Hồ Chí Minh nói. Vị bác sĩ này muốn giấu tên này để tránh gặp rắc rối với chính quyền.
"Chính phủ nghĩ rằng việc ngăn chặn vi-rút lần này cũng dễ dàng. Chúng ta đã có cả năm nhưng không có sự chuẩn bị nào về nguồn lực y tế và mua sắm vắc-xin" – ông nói tiếp và thêm rằng :
"Nó thực sự cho thấy Chính phủ không có hiểu biết đầy đủ về con vi-rút này cũng như về đại dịch".
Kết cục là chính quyền các cấp ban hành các chính sách chậm trễ, không đầy đủ và thường rối rắm. Không thể không từng nghe thấy rằng một chỉ thị được ban hành vào cuối buổi chiều và được rút lại ngay trong đêm hôm đó. Hoặc những mệnh lệnh không được cân nhắc thấu đáo khiến người dân bối rối.
Phân bua về một số sai lầm chính sách gần đây, Chủ tịch Hà Nội Chu Ngọc Anh cho rằng tình hình hiện nay là "mới và chưa từng có tiền lệ" nhưng "chúng tôi sẽ tiếp tục lắng nghe và điều chỉnh".
Ngày 29/8/2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính dường như đã phát tín hiệu rằng Việt Nam sẵn sàng chuyển hướng từ chiến lược "Không Covid" đã lạc hậu sang một cách tiếp cận mới phù hợp hơn. Phát biểu tại một cuộc họp của Chính phủ, ông nói : "Chúng ta xác định cuộc chiến này còn lâu dài, phải sống chung với dịch bệnh, không thể khống chế tuyệt đối".
Mười ngày sau, vẫn chưa có gì thể hiện chính sách "sống chung với Covid" của Thủ tướng Chính.
Không Covid ?
Các nhà chức trách trên khắp cả nước vẫn đang theo dõi và truy vết các ca dương tính cũng như tiến hành xét nghiệm trên quy mô lớn tại các điểm nóng nhằm "tách các F0 ra khỏi cộng đồng" - đây là ngôn từ chính thức được sử dụng để chỉ các trường hợp nhiễm Covid đã được xác nhận.
Truy vết và cách ly - các biện pháp đã đóng góp vào thành công ngăn chặn dịch bênh Covid của Việt Nam vào năm ngoái - vẫn còn đang được sử dụng phổ biến. Tuy nhiên, giờ đây, chúng đã dẫn đến sự bất bình rộng rãi của công chúng.
Một video clip được gửi đến Đài Á Châu Tự do (RFA) ghi lại hình ảnh một người đàn ông ở thành phố Cà Mau bị cảnh sát mặc sắc phục khống chế và đưa lên ô tô để chở đi vì ông này không chịu làm xét nghiệm. Người đàn ông dẫy đạp và la hét : "Gãy tay tôi rồi ! Bộ tôi cướp của giết người hay gì ?".
Trong một đoạn clip khác, người dân ở một khu vực ở quận Bình Tân, Thành phố Hồ Chí Minh phản đối nỗ lực phong tỏa toàn bộ một xóm trọ vì được cho là có khoảng 100 trường hợp F0 ở đây. Một người đàn ông được nghe nói : "Mấy anh tính giết hết người dân trong này ?".
Trong một trường hợp nghiêm trọng hơn, chính quyền địa phương ở huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa, đã quyết định khóa cổng nhà của gần 400 người dân thuộc một làng trong 14 ngày chỉ vì một số người trong số họ đã tiếp xúc với những người đã tiếp xúc với các ca nghi nhiễm.
Theo vị bác sĩ kỳ cựu tại Thành phố Hồ Chí Minh, các biện pháp kiềm chế dịch bệnh nghiêm ngặt và "không tôn trọng người dân" hiện vẫn đang được áp dụng.
Đại biểu quốc hội Lưu Bình Nhưỡng, được báo chí trong nước dẫn lời cảnh báo rằng các nhà chức trách "đừng lấy lý do vì phòng chống dịch mà đi ngược lại với quan điểm của nhà nước pháp quyền, các quy định của Hiến pháp, Pháp luật. Điều này người dân không đồng thuận".
Ông Nhưỡng kêu gọi các cơ quan chức năng cải thiện phúc lợi của người dân và hỗ trợ những người đang gặp khó khăn vì Covid. Phong tỏa được thực hiện ở nhiều nơi, người dân đã và đang kêu ca về việc thiếu thức ăn và các dịch vụ thiết yếu. Nhưng việc phân phối nguồn cung cấp có vấn đề, thậm chí ở ngay cả trong các cơ sở cách ly và điều trị Covid do Chính phủ điều hành.
Những hình ảnh gây sốc từ một bệnh viện dã chiến ở tỉnh Bình Dương, gần Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy hàng trăm bệnh nhân Covid đang tranh giành thức ăn. Là một trong những bệnh viện dã chiến lớn nhất Việt Nam, được xây dựng sau khi các bệnh viện chính thống trở nên quá tải, nhưng bệnh viện này cũng bị thiếu điện và nước.
Quân đội được huy động
Hai tuần trước, lần đầu tiên kể từ khi chiến tranh Việt Nam kết thúc, quân đội đã được đưa đến Thành phố Hồ Chí Minh để hỗ trợ những người dân đang bị cách ly của thành phố. Bộ đội và công an đã và đang giúp tiếp tế các nhu yếu phẩm nhưng đồng thời cũng thực thi quy định yêu cầu người dân không ra khỏi nhà.
Việc triển khai quân đội được các nhà phân tích đánh giá là một bước đi thông minh vì lực lượng được sự tín nhiệm và tin cậy cao ở Việt Nam - một quốc gia đã trải qua nhiều cuộc chiến tranh. Tuy nhiên, sự hiện diện của quân phục và súng ống trên đường phố cũng có thể cho thấy chính quyền nhận thức được sự bất bình ngày càng tăng của công chúng.
Tình trạng bất ổn là cực kỳ hiếm xảy ra ở Việt Nam và Chính phủ nước này rất tự hào về việc duy trì ổn định chính trị và xã hội. Nhưng khi số trường hợp mắc Covid có dấu hiệu giảm, mặc dù còn chậm, cần gia tăng quan tâm tới những người đã mất kế sinh nhai vì đại dịch.
"Đêm khuya, ở những góc phố vắng, gầm cầu, cổng bệnh viện, đã lại xuất hiện những người vô gia cư với dáng vẻ còn tiều tụy hơn trước nhiều lần. Xẩm tối và tảng sáng, Hà Nội đã xuất hiện những chợ cóc kiểu du kích, nơi mà người bán và người mua vừa vội vã vừa lén lút tranh thủ đến từng phút" - một người viết chuyên mục nổi tiếng, Phạm Gia Hiền, viết trên tờ báo mạng nổi tiếng VnExpress về những gì anh thấy những ngày này ở Hà Nội.
"Đó là những giọt nước đầu tiên sánh ra khỏi miệng ly [chứa đựng sự kiên nhẫn của người dân]".
Nguồn : RFA, 13/09/2021