Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

17/09/2021

Hiệp ước Mỹ-Anh-Úc ra đời trong hấp tấp báo hiệu điều gì ?

BBC - Trọng Thành, - Thu Hằng

AUKUS : Trung Quốc chỉ trích Hiệp ước Mỹ-Anh-Úc là 'vô trách nhiệm'

BBC, 17/09/2021

Trung Quốc đã chỉ trích hiệp ước an ninh lịch sử giữa Mỹ, Anh và Australia (Aukus) là "cực kỳ vô trách nhiệm" và "hẹp hòi".

aukus01

Với hiệp ước này, Mỹ và Anh lần đầu tiên cung cấp cho Australia công nghệ đóng tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân.

Hiệp ước này được coi là một nỗ lực nhằm chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc ở Biển Đông - điểm nóng trong nhiều năm và căng thẳng tại đây vẫn ở mức cao.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên nói rằng liên minh này có nguy cơ "gây tổn hại nghiêm trọng đến hòa bình khu vực ... và tăng cường cuộc chạy đua vũ trang".

Ông Triệu Lập Kiên chỉ trích cái mà ông gọi là "tâm lý ... Chiến tranh Lạnh lỗi thời" và cảnh báo ba nước đang "làm tổn hại lợi ích của chính họ".

Truyền thông nhà nước Trung Quốc đăng những bài xã luận tương tự lên án hiệp ước, và một bài trên Hoàn Cầu Thời Báo, nói rằng Úc hiện đã "tự biến mình thành kẻ thù của Trung Quốc".

Mỹ chia sẻ công nghệ tàu ngầm lần đầu tiên sau 50 năm, trước đó chỉ chia sẻ với Anh.

Điều đó có nghĩa là Úc giờ đây sẽ có thể đóng các tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân nhanh hơn và khó bị phát hiện hơn so với các hạm đội chạy bằng năng lượng thông thường.

Chúng có thể hoạt động ngầm trong nhiều tháng và bắn tên lửa ở khoảng cách xa hơn - mặc dù Úc cho biết họ không có ý định đưa vũ khí hạt nhân vào các tàu này.

Mối quan hệ đối tác mới, dưới tên Aukus, đã được công bố trong một cuộc họp báo online chung giữa Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden, Thủ tướng Anh Boris Johnson và người đồng cấp Úc Scott Morrison vào tối thứ Tư và sáng thứ Năm.

Và dù cái tên Trung Quốc không được đề cập trực tiếp, ba nhà lãnh đạo đã liên tục nhắc đến các mối quan ngại về an ninh khu vực mà họ cho rằng đã "tăng lên đáng kể".

"Đây là cơ hội lịch sử để ba quốc gia, với các đồng minh và đối tác cùng chí hướng, bảo vệ các giá trị chung, thúc đẩy an ninh và thịnh vượng ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương", thông cáo chung viết.

aukus2

Các nhà phân tích nhận định, liên minh Aukus có lẽ là thỏa thuận an ninh quan trọng nhất giữa ba quốc gia kể từ Thế chiến thứ hai.

Điều đó có nghĩa là Úc sẽ trở thành quốc gia thứ 7 trên thế giới vận hành tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân.

Chúng là một điểm quan trọng trong thỏa thuận, bên cạnh các thỏa thuận chia sẻ khả năng mạng và các công nghệ dưới đáy biển khác.

"Điều này thực sự cho thấy rằng cả ba quốc gia đang vạch ra một giới hạn để bắt đầu và chống lại các động thái gây hấn của [Trung Quốc]", Guy Boekenstein từ Asia Society Australia cho biết.

Ông Boris Johnson nói rằng hiệp ước sẽ "duy trì an ninh và ổn định trên toàn thế giới" và tạo ra "hàng trăm công việc yêu cầu kỹ năng cao".

Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace nói với BBC rằng Trung Quốc đang "bắt đầu thực hiện một trong những khoản chi tiêu quân sự lớn nhất trong lịch sử ... Các đối tác của chúng tôi ở những khu vực đó muốn họ có thể giữ vững lập trường của riêng mình".

Trong những năm gần đây, Bắc Kinh bị cáo buộc làm gia tăng căng thẳng ở các vùng lãnh thổ đang có tranh chấp như Biển Đông.

Bắc Kinh ngày càng tăng cường củng cố những gì nước này nói là các quyền hàng thế kỷ đối với khu vực tranh chấp, và đã nhanh chóng xây dựng hiện diện quân sự trên Biển Đông để ủng hộ những tuyên bố đó.

Mỹ cũng đã tăng cường hiện diện quân sự của mình và đang đầu tư mạnh mẽ vào các mối quan hệ đối tác khác trong khu vực như với Nhật Bản và Hàn Quốc.

Các nhà phân tích nói rằng việc đóng các tàu ngầm ở Úc là rất quan trọng đối với ảnh hưởng của Mỹ trong khu vực.

Căng thẳng giữa Trung Quốc và Úc

Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Úc và trong quá khứ, hai bên đã duy trì mối quan hệ tốt đẹp.

Nhưng trong những năm gần đây, căng thẳng chính trị đã tạo ra rạn nứt sâu sắc, do Úc chỉ trích cách đối xử của Trung Quốc với người Duy Ngô Nhĩ, cấm một số công nghệ từ gã khổng lồ viễn thông Huawei và ủng hộ một cuộc điều tra về nguồn gốc của đại dịch Covid-19.

Các quốc gia phương Tây cũng đã cảnh giác với sự bùng nổ đầu tư cơ sở hạ tầng của Trung Quốc trên các đảo ở Thái Bình Dương, và đã chỉ trích các biện pháp trừng phạt thương mại nặng nề của Trung Quốc lên các nước như Úc. Năm ngoái Trung Quốc đã đánh vào rượu vang Úc với mức thuế lên tới 200%.

Hôm thứ Năm, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken cho biết Hoa Kỳ ủng hộ Úc trong việc phòng thủ chống lại Trung Quốc.

Ông nói : "Trong những tháng qua, Bắc Kinh đã chứng kiến rằng Australia sẽ không lùi bước và những lời đe dọa trả đũa và áp lực kinh tế đơn giản là sẽ không hiệu quả".

'Một nhát dao sau lưng'

Nhưng Pháp cũng đã phản ứng giận dữ với hiệp ước mới, bởi vì điều đó có nghĩa là Úc giờ đây sẽ từ bỏ thỏa thuận trị giá 50 tỷ đôla để đóng 12 tàu ngầm với Pháp trước đây.

"Đó thực sự là một nhát dao sau lưng", Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian nói với đài France Info. "Chúng tôi đã thiết lập mối quan hệ tin cậy với Úc, sự tin tưởng này đã bị phản bội".

Người đứng đầu chính sách đối ngoại của Liên minh Châu Âu, Josep Borrell cho biết ông hiểu lý do tại sao Pháp thất vọng với thỏa thuận này, đồng thời nói thêm rằng EU đã không được hỏi ý kiến về liên minh mới.

"Điều này buộc chúng tôi một lần nữa ... phải suy nghĩ về sự cần thiết phải đặt vấn đề tự chủ chiến lược của Châu Âu trở thành ưu tiên. Điều này cho thấy chúng tôi phải tự tồn tại", ông nói hôm thứ Năm.

Bộ trưởng Blinken cho biết Hoa Kỳ hợp tác "cực kỳ chặt chẽ" với Pháp và sẽ tiếp tục như vậy, đồng thời nói thêm rằng "chúng tôi đặt giá trị cơ bản cho mối quan hệ đó, cho mối quan hệ đối tác đó".

Nguồn : BBC, 17/09/2021

**********************

Ấn Độ-Thái Bình Dương : Mỹ thành lập liên minh chiến lược mới chống Trung Quốc

Thanh Hà, RFI, 16/09/2021

Trung Quốc trong tầm ngắm của liên minh an ninh mới vừa được Hoa Kỳ, Úc và Anh Quốc thành lập hôm 15/09/2021. Trong cuộc họp qua cầu truyền hình, lãnh đạo ba bên thông báo liên minh AUKUS tăng cường an ninh trong vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương. Tránh trực tiếp nêu đích danh Trung Quốc, tổng thống Biden nhấn mạnh thỏa thuận "lịch sử" này cho phép các bên "đối phó tốt hơn trước những mối đe dọa hiện tại và tương lai".

aukus3

Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Lloyd J. Austin (thứ hai, bên trái), trong một chuyến thăm Bộ Tư Lệnh Hoa Kỳ vùng Ấn Độ - Thái Bình Dương, ngày 30 tháng 4 năm 2021 tại căn cứ Trân Châu Cảng, Hickam phía tây Honolulu. (Ảnh minh họa) AP - Cindy Ellen Russell

Theo hãng tin Anh Reuters, AUKUS cho phép Anh, Mỹ và Úc chia sẻ những công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực phòng thủ, quốc phòng, kể cả trong lĩnh vực công nghệ đóng tàu ngầm hạt nhân và chế tạo tên lửa. Trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng cùng với thủ tướng Anh và Úc qua cầu truyền hình, tổng thống Mỹ, Joe Biden giải thích Washington sẽ cùng với Canberra và Luân Đôn "tăng cường khả năng của mỗi bên" về công nghệ quốc phòng. Theo lời một quan chức tại Washington, hiệp định AUKUS còn bao hàm cả các lĩnh vực "từ trí thông minh nhân tạo đến an ninh mạng".

Về phần thủ tướng Úc, ông Scott Morrison nhấn mạnh đây là đối tác giữa ba quốc gia tôn trọng những giá trị "tự do và luật pháp" góp phần bảo đảm an ninh khu vực trong vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương. Giới quan sát cho rằng lời lẽ này trực tiếp nhắm vào Trung Quốc. Tuy nhiên mục tiêu mà Canberra đang nhắm tới là là hợp tác với Mỹ trong lĩnh vực công nghệ đóng tàu ngầm sử dụng năng lượng nguyên tử. Sau quyết định hợp tác với Hoa Kỳ, Úc đã hủy hợp đồng mua tàu ngầm quy ước với Pháp, trị giá gần 90 tỷ đô la Úc (60 tỷ đô la Mỹ).

Cũng trong cuộc họp qua cầu truyền hình hôm qua với hai lãnh đạo Anh và Mỹ, thủ tướng Úc thông báo mua tên lửa Tomahawk của Mỹ.

Về phần thủ tướng Anh, Boris Johnson nhìn nhận AUKUS là một thỏa thuận "gắn kết ba quốc gia liên quan đến nhiều thế hệ". Kể từ sau thỏa thuận duy nhất ký với Anh Quốc năm 1958, Hoa Kỳ chưa ký thỏa thuận chia sẻ công nghệ tàu ngầm hạt nhân nào với nước khác.

Hợp tác về an ninh giữa Anh, Úc và Mỹ mặc nhiên đẩy Pháp ra ngoài khu vực. Thủ tướng Úc không đả động đến việc hủy hợp đồng mua tàu ngầm của Pháp. Riêng Hoa Kỳ xoa dịu Paris với tuyên bố vẫn muốn "làm việc chặt chẽ" với Pháp, "đồng minh then chốt" của Washington trong vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương.

Không chắc phủ tổng thống Pháp hài lòng với những lời lẽ khéo léo này của chủ nhân Nhà Trắng. Trên đài RFI sáng nay, bộ trưởng Quân Lực Pháp Florence Parly đánh giá việc Úc hủy hợp đồng quân sự với Pháp là một quyết định "nghiêm trọng về phương diện địa chính trị và chính trị quốc tế". Qua việc này, Paris thấy rõ cách "cư xử của Mỹ với cách đồng minh".

Tuy nhiên mọi chú ý hướng về phía Bắc Kinh : Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên sáng nay tuyên bố AUKUS "đe dọa ổn định và hòa bình của khu vực" đồng thời đẩy Châu Á vào một cuộc "chạy đua vũ trang". Vẫn theo quan điểm của Bắc Kinh, việc ba nước Anh, Mỹ và Úc tăng cường khả năng phòng thủ, trang bị tàu ngầm nguyên tử là một động thái "vô trách nhiệm". 

Thanh Hà

**********************

Liệu Anh Quốc có đủ phương tiện để chuyển trục qua Ấn Độ-Thái Bình Dương ?

Minh Anh, RFI, 16/09/2021

Ngày 04/09/2021, hàng không mẫu hạm HMS Queen Elizabeth của Hải quân Hoàng gia Anh ghé thăm cảng quân sự Yokosuka của Nhật Bản. Đây cũng là chặng dừng cuối cùng trước khi tham gia cuộc tập trận đầu tiên với các đồng minh trong vùng Ấn Độ - Thái Bình Dương. Với những chiến dịch này, phải chăng Anh Quốc đang định hình những mục tiêu chiến lược mới cho tầm nhìn "Global Britain" được công bố hồi tháng 3/2021 ?

444444444444444444444

Hàng không mẫu hạm Anh, HMS Queen Elizabeth, trong đợt tập trận Hải quân "cuộc tấn công Gallic", ngoài khơi Toulon, đông nam Pháp, ngày 03/06/2021. AFP – Christophe Simon

Hãng tin Anh Reuters ngày 06/09/2021 cho rằng sự kiện hàng không mẫu hạm Anh lần đầu tiên cập cảng quân sự Nhật Bản sau một thập niên "đánh dấu bước khởi đầu một sự hiện diện quân sự thường trực tại một vùng đang nỗ lực kềm hãm đà đi lên thành cường quốc của Trung Quốc".

"Global Britain" : Tham vọng cường quốc của Luân Đôn

Đương nhiên, trước những thông tin này, Bắc Kinh đã nhanh chóng có phản ứng. Phiên bản tiếng Anh của tờ Hoàn Cầu Thời Báo, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng Sản Trung Quốc đã có lời mỉa mai cho rằng Luân Đôn đã có những tuyên bố "phóng đại", "cường điệu". Bởi vì "sự hiện diện thường trực quân sự" đó của Hải quân Anh chỉ là để lại hai chiếc tầu tuần tra "khả năng chiến đấu thấp", không được trang bị tên lửa, sau khi hàng không mẫu hạm rời khu vực.

Vẫn theo trang mạng này, "Vương Quốc Anh thời kỳ hậu Brexit có tham vọng "Global Britain" (tạm dịch là Nước Anh toàn cầu) và đang nỗ lực thực hiện giấc mơ này. Đó chẳng qua là vì Anh Quốc xem Ấn Độ - Thái Bình Dương như là một trung tâm kinh tế và tâm điểm của trò chơi quyền lực lớn. Chính vì điều này mà Anh Quốc quyết tâm chứng tỏ sự tồn tại và vai trò của mình trong khu vực".

Câu hỏi đặt ra : Anh Quốc thật sự muốn gì khi gởi hàng không mẫu hạm đến Ấn Độ - Thái Bình Dương ? Liệu nước Anh có đủ phương tiện để thực hiện những tham vọng như Trung Quốc chỉ trích ?

Đối với nhà nghiên cứu Georgina Wright, phụ trách chương trình Châu Âu, Viện Montaigne, trước hết việc HMS Queen Elizabeth đến thăm Nhật Bản và tham gia tập trận với các đồng minh Mỹ, Nhật, Hàn và Úc là không chỉ mang tính biểu tượng cao, mà còn xác định mối quan tâm của Luân Đôn đối với khu vực.

Hồi tháng Ba năm 2021, chính phủ Anh Quốc đã cho công bố một tập tài liệu dài 114 trang, có tựa đề "Global Britain in a Competitive Age". Bản "tầm soát tổng thể về an ninh, quốc phòng, phát triển và đối ngoại" này, lần đầu tiên đưa ra khái niệm về tầm nhìn "Global Britain" (Nước Anh trên toàn cầu), nhằm khẳng định tham vọng cường quốc thế giới của Luân Đôn.

"Sách Trắng" quốc phòng này của Anh, như cách gọi của nhiều chuyên gia, ấn định những ưu tiên địa lý mới, khi cho chuyển trục sang vùng Ấn Độ - Thái Bình Dương. Chính phủ thủ tướng Boris Johnson đánh giá khu vực này sẽ là "tâm điểm địa chính trị mới của thế giới".

Nếu như mối quan tâm này của nước Anh đối với khu vực được thể hiện rõ qua việc cụm từ "Ấn Độ - Thái Bình Dương" được đề cập đến hơn 30 lần trong Sách Trắng và được nhắc rất nhiều trong nghị trường Anh, thì chuyên gia về Châu Âu, bà Georgina Wright, trên đài France Culture, nhận thấy rằng Anh Quốc hiện vẫn chưa có một chiến lược rõ ràng trong khu vực này.

"Thật ra điều này chẳng có gì là ngạc nhiên cả. Đây là một khu vực mà đối với Luân Đôn có một vị trí mỗi lúc một lớn trên phương diện kinh tế và an ninh, nhất là do sự trỗi dậy của Trung Quốc. Thế nên, người ta mới thấy chiếc HMS Queen Elizabeth trong vùng. Dù sao đi nữa, tôi cũng cho rằng Anh Quốc vẫn còn lâu mới có một chiến lược cụ thể đối với vùng Ấn Độ - Thái Bình Dương. Vẫn còn một câu hỏi lớn được đặt ra trong nội bộ Nghị Viện Anh : Một cách cụ thể, việc có một sức mạnh, một sự hiện diện trong vùng Ấn Độ - Thái Bình Dương có ý nghĩa gì ? Và ngoài việc gởi chiếc hàng không mẫu hạm đến đó, quý vị sẽ phải làm gì nữa ?"

"Global Britain" và chiến lược tái bố trí ngân sách

Trở lại với những mỉa mai của tờ Global Times, bài viết còn cho rằng chính sách "hiện diện quân sự thường trực ở Ấn Độ - Thái Bình Dương" của Anh khó mà trụ được lâu dài do nguồn ngân sách và công nghệ hạn hẹp. Hải quân Anh không thể triển khai dài hạn bất kỳ tầu sân bay nào trong số hai chiếc đang có ở nước ngoài. 

Về điểm này, tờ Le Figaro của Pháp có nhắc lại, hồi tháng 11/2020, thủ tướng Anh đã thông báo tăng thêm 16,5 tỷ bảng Anh (22 tỷ đô la) trong bốn năm tới cho ngân sách quốc phòng. Đây là mức tăng cao nhất kể từ sau Đệ nhị Thế chiến kết thúc. Thế nhưng, trong ngắn hạn, bộ quốc phòng Anh sẽ cắt giảm một tỷ bảng Anh vào năm 2022. Điều đó có nghĩa là quân đội Anh sẽ giảm bớt 10 ngàn binh sĩ, từ 80 xuống còn 70 ngàn quân nhân.

Ngược lại, nhiều phương tiện bổ sung sẽ cho phép hiện đại hóa Royal Air Force, đầu tư vào Nghiên cứu và Phát triển và như vậy trả lại cho nước Anh vị thế cường quốc hải quân hàng đầu ở Châu Âu. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc "không còn gởi binh sĩ thi hành nhiệm vụ ở nước ngoài thường xuyên và lâu hơn". Một hình thức tái triển khai các phương tiện quân sự, theo như quan điểm của bà Georgina Wright.

"Ở đây cho thấy có một chiếc lược mới trong chi tiêu quốc phòng của Nghị Viện Anh. Đúng là có một khoản cắt giảm lớn trong quân đội nhưng lại đầu tư nhiều trong công nghệ mới, mạng tin học. Trở lại với vấn đề Ấn Độ - Thái Bình Dương, chúng ta phải chờ xem để có thể biết được những tham vọng cụ thể cho khu vực này. Nhưng tôi tin rằng các đồng minh và các đối tác Châu Âu trong khu vực sẽ tự hỏi : Điều đó có nghĩa là gì ? Đâu là các khả năng để thực thi các chiến lược đó ? Do vậy tôi cho là còn quá sớm để mà đưa ra các đánh giá !"

555555555555555555555

Hàng không mẫu hạm Anh HMS Queen Elizabeth tại căn cứ quân sự Nhật Bản, Yokosuka, tỉnh Kanagawa ngày 06/09/2021. AFP – Kiyoshi Ota

Trung Quốc, đối thủ cạnh tranh nên "dàn xếp"

Vậy, trong tầm nhìn mới này, Anh Quốc có cái nhìn như thế nào về Trung Quốc ? Trái với Nga, vẫn bị xem như là kẻ thù chính yếu, thậm chí còn bị xếp vào diện "mối đe dọa tích cực", nước Anh của thủ tướng "Bojo" tỏ ra dè dặt hơn với Bắc Kinh. Trong báo cáo, Trung Quốc được mô tả như là một "thách thức hệ thống" hơn là một "kẻ thù truyền kiếp", bất chấp những căng thẳng giữa hai nước trong các hồ sơ Hồng Kông, người Duy Nghô Nhĩ, hay mạng 5G. Vì sao Anh Quốc có thái độ "hòa dịu" như vậy với Trung Quốc ? Chuyên gia về Châu Âu, Viện Montaigne giải thích :

"Điểm đáng ngạc nhiên ở đây là Luân Đôn có một lập trường về Trung Quốc rất gần gũi với Liên Hiệp Châu Âu hay nhiều nước Châu Âu khác. Nhất là người ta có thể hợp tác với Trung Quốc để đối phó với những vấn đề lớn của thế giới như biến đổi khí hậu. Người ta khó thể phớt lờ và phải phối hợp với Bắc Kinh. Nhưng bên cạnh đó, cũng phải có một sự cứng rắn, mạnh mẽ về tất cả những gì có liên quan đến nhân quyền. Do vậy, tôi cho rằng Anh Quốc có một lập trường về Trung Quốc hòa dịu hơn so với Hoa Kỳ".

Nói một cách khác, nước Anh xem Trung Quốc như là một đối thủ cạnh tranh, nên biết "dàn xếp, điều đình". Trước Quốc Hội, khi công bố chiến lược mới, ông Boris Johnson cảnh báo : "Những ai kêu gọi một cuộc chiến tranh lạnh với Trung Quốc hay tách biệt hoàn toàn nền kinh tế chúng ta ra khỏi Trung Quốc là đã bị nhầm : Chúng ta phải tìm kiếm một thế cân bằng và có một mối quan hệ sáng suốt với quốc gia này".

Anh chuyển trục từ Âu sang Á ?

Nếu như trong báo cáo "Global Britain in a Competitive Age" vẫn nhấn mạnh đến vai trò "sáng lập" của NATO đối với chính sách quốc phòng và an ninh đất nước, Vương Quốc Anh dự tính triệt thoái các đội quân ra khỏi một số nước Bắc Âu, do việc chính quyền Luân Đôn đánh giá rằng nhiều nước khác, như Đức chẳng hạn, giờ đã có thể thay thế Anh Quốc.

Câu hỏi đặt ra : Phải chăng với ý định này, Anh Quốc đang thật sự chuyển trục từ Âu sang Á ? Nhà nghiên cứu Georgina Wright tin rằng là chưa phải là lúc.

"Khi đọc kỹ tài liệu này, đúng là Anh Quốc có tham vọng trở thành một cường quốc thế giới, nhưng trước hết đó phải là cường quốc Châu Âu. Việc bảo đảm an ninh tại Châu lục này vẫn là rất quan trọng. Chúng ta còn nhớ là Pháp đã 11 lần, Đức 7 lần nhắc đến việc xích lại gần hơn giữa NATO và Liên Hiệp Châu Âu, về sự hiện diện quân sự ở Sahel nữa.

Khi nhìn thấy những gì diễn ra ở Afghanistan, người ta nghĩ là Anh Quốc sẽ hiện diện thường xuyên hơn, một cách tích cực hơn và sẽ tìm cách nói chuyện nhiều hơn với các đối tác Châu Âu. Do vậy, tôi cho là đây chưa hẳn là một sự chuyển trục hoàn toàn sang Ấn Độ - Thái Bình Dương, đó mới chỉ là chuyện phát biểu mà thôi, còn phải chờ những việc được thực hiện trong những tháng, những năm sắp tới, để biết xem có những thay đổi quan trọng thực sự từ Châu Âu sang Châu Á hay không ? Riêng tôi, tôi cho rằng Anh Quốc vẫn cần Châu Âu nhiều hơn là Châu Á".

Trước những động thái này của Anh Quốc, Hoàn Cầu Thời Báo một mặt chế nhạo Luân Đôn vẫn còn bị giam hãm trong nỗi tiếc nuối về một thời kỳ ngoại giao bằng "họng súng", một thời kỳ đã qua. Mặt khác, Bắc Kinh cảnh cáo, Trung Quốc ngày nay không phải của 100 năm về trước và dọa rằng nếu Vương Quốc Anh dám có những hành động khiêu khích nào ở Biển Đông, những biện pháp đáp trả của Trung Quốc sẽ khiến nước này phải rút lấy kinh nghiệm về hậu quả của những hành động hấp tấp.

Trước những thách thức to lớn như vậy, nhà nghiên cứu Georgina Wright tự hỏi, trên phương diện thực hành, đâu là những năng lực, nguồn lực để Vương Quốc Anh thực thi những chiến lược được vạch ra ? Đồng minh của nước Anh là ai ? Bởi vì ngay chính bản thân các nước đồng minh của Anh, do những hạn chế về khả năng và nguồn lực, cũng đang gặp khó khăn khi đưa ra các chọn lựa và những ưu tiên cụ thể !

Minh Anh

Nguồn : RFI, 16/09/2021

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: BBC tiếng Việt, Trọng Thành, Thu Hằng
Read 499 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)