Trong chuyến thăm Moscow vào năm 1991, thành viên Tổ chức Quốc gia Cuba-Mỹ đã có một cuộc gặp bí mật với lãnh đạo KGB. Diego Suarez, người có mặt tại cuộc họp đó, nói với tôi tuần trước qua điện thoại từ Miami rằng, theo ý kiến của người nhân viên KGB này, bộ máy nội an của Havana tinh vi hơn Điện Kremlin.
Người biểu tình biết rằng họ sẽ phải bị đàn áp tàn bạo nhưng họ đã xuống đường để đòi tự do.
Một cựu quan chức cấp cao của Hoa Kỳ nói với tôi hôm thứ Tư rằng khi ông và những người khác gặp cũng vị lãnh đạo KGB ấy- ông Oleg Kalugin – tại Washington vào năm 2001, ông Oleg Kalugin nói với họ rằng bộ máy kiểm soát nhà nước của cảnh sát Cuba "hiệu quả" hơn so với hệ thống của Liên Xô cũ.
Lời chứng này đáng để suy ngẫm trong bối cảnh các cuộc biểu tình chống chính phủ chưa từng có diễn ra trên khắp Cuba vào tuần trước. Giới thượng lưu cầm quyền giàu có đã dành hàng chục năm xây dựng một cấu trúc an ninh nhà nước quái dị, tàn nhẫn cho những trường hợp như thế này. Giờ đây, hệ thống này gây ra một làn sóng kinh hoàng ở Cuba mà Stalin cũng phải hổ thẹn vì thua kém.
Chứng kiến Bộ Nội vụ và quân đội làm công việc bẩn thỉu của họ, thật khó tin là nhà nước sắp sụp đổ. Tuy nhiên, các cuộc biểu tình vào tuần trước đã áp đảo một mạng lưới được cho là cực kỳ chặt chẽ. Sự lan rộng của cuộc nổi dậy để lộ một quốc gia đang ở điểm tan vỡ. Bất kỳ vẻ bề ngoài nào còn sót lại của tính chính danh của chế độ này đã bị tan biến – ở trong và ngoài nước.
Vào ngày 11 Tháng 7 vừa qua, một nhóm các nhà hoạt động vì dân chủ ở khu hành chính San Antonio de los Baños, cách Havana 22 dặm, tổ chức một cuộc biểu tình. Cuộc biểu tình này khác xa so với cuộc biểu tình đầu tiên. Chuyên mục này đã ghi lại công việc của các nhà bất đồng chính kiến ở Cuba trong hơn hai thập niên. Nhưng vào ngày chủ nhật đó, điều mới mẻ đã xảy ra.
An ninh nội chính của Cuba được xây dựng theo các vòng tròn đồng tâm. Ở cấp độ khu phố, có "ủy ban bảo vệ cách mạng", có gián điệp ở mọi ngóc ngách và thưởng cho họ vì đã tiêu diệt được "bọn phản cách mạng". Tiếp theo, là nhà hoạt động của nhà nước và "các lữ đoàn phản ứng nhanh" để đối phó và trừng phạt bất cứ ai dám phản đối.
Theo Maria Werlau, giám đốc điều hành của Cơ quan lưu trữ Cuba, tỷ lệ cảnh sát chìm trên dân số cao hơn so với Stasi ở Đông Đức. Cảnh sát quốc gia, lực lượng phản ứng nhanh và các nhóm quân sự tinh nhuệ được huấn luyện kỹ lưỡng là một lớp phòng thủ khác.
Anh Hai hiện diện ở khắp mọi nơi nên người dân Cuba học cách phải run sợ trước cường quyền và không thể hiện suy nghĩ bất đồng. Tuy nhiên, trong nháy mắt vào ngày hôm đó, rất đông thường dân Cuba đã quyết định lên tiếng phản đối những kẻ áp bức họ. Sự phản đối đột ngột lan rộng. Biện pháp gây sợ hãi đã thất bại.
Nhà nước đã mất cảnh giác. Đáng lẽ không nên như vậy. Cuba âm ỉ bất bình từ trước năm 2020, nhưng Covid-19 đã khiến tình trạng thiếu thốn thường xuyên tồi tệ hơn và phơi bày rõ hơn sự bất công của hệ thống khi Đảng Cộng sản được hưởng những đặc quyền xa hoa và mọi người dân khác phải lần mò cơm thừa canh cặn.
Một yếu tố chưa từng có nữa xảy ra : Những gì đang xảy ra ở San Antonio de los Baños không dừng lại ở đó. Hình ảnh những người Cuba hô vang "tự do" và "đả đảo chủ nghĩa cộng sản" đã lan truyền mạnh mẽ. Trong vòng vài giờ, hàng nghìn người đã diễu hành tại hơn 30 thành phố. Một số bài báo nói rằng các cuộc biểu tình lan đến 60 thị trấn và thành phố trực thuộc trung ương.
Lãnh đạo độc tài Miguel Díaz-Canel đã cho xe chở đầy côn đồ quân đội mặc thường phục, mang theo côn sắt và gậy gộc đến tấn công người biểu tình. Người dân bị truy đuổi, đánh đập và kéo lê trên đường phố. Cả người thi hành công vụ mặc đồng phục, và một số mặc đồ chống bạo động, cũng được sử dụng. Súng đã nổ. Một người đàn ông đã thiệt mạng.
Hậu quả của các cuộc biểu tình là bị truy lùng tận nhà để tìm kẻ thù của cách mạng. Những người ủng hộ dân chủ Cuba cho biết khoảng 5.000 người đã bị bắt và gần 200 người vẫn mất tích. Những người bị bắt là những nhà lãnh đạo bất đồng chính kiến quan trọng như José Daniel Ferrer, Luis Manuel Otero Alcántara, và nhà báo Henry Constantin.
Nhiều người biểu tình còn trẻ. Họ biết rằng đòi hỏi của họ sẽ bị đàn áp tàn bạo. Dẫu vậy, họ vẫn xuống đường vì tuyệt vọng, và hy vọng rằng ai đó đang nắm quyền sẽ nghe
Một số người đã lắng nghe. Cháu trai của tướng Luis Alberto Rodríguez López-Calleja, giám đốc tập đoàn du lịch quân đội, đã đăng tải một video vào tuần trước lên án đàn áp và kêu gọi thay đổi. Một số trí thức và nghệ sĩ đã cắt liên hệ với nhà nước như đạo diễn phim Carlos Lechuga, trên Facebook ông đã gọi chủ tịch Cuba là kẻ sát nhân. Nhiều người đồn đoán rằng gia đình của tầng lớp cầm quyền đang rời bỏ Cuba.
Cựu tổng thống tham nhũng Brazil, Lula da Silva, đổ lỗi cho lệnh cấm vận thương mại của Hoa Kỳ về các sự kiện này. Điều đó là ngu ngốc hoặc xấu xa. Người Cuba muốn tự do và công lý.
Máu sẽ còn đổ nhiều hơn. Nhưng nhà chức trách kiệt quệ tài chính lẫn đạo đức sẽ không thể nuôi sống bộ máy an ninh vô thời hạn.
Lời nói dối hơn 60 năm rằng cách mạng đã tạo ra hạnh phúc và công bằng đã bị lột trần. Những gì mà người dân Cuba – và thế giới – đã chứng kiến không thể mất đi được.
Mary Anastasia O’Grady
Nguyên tác : "Resistance and Repression in Cuba", The Wall Street Journal, 18/07/2021
Anh Khoa dịch
Nguồn : VNTB, 25/07/2021