Những tranh luận không dứt về sức mạnh của đồng tiền và giới hạn của đạo đức.
Đa số chúng ta có thể tạm chấp nhận việc bỏ tiền để đến thẳng "lối đi ưu tiên" ở cửa an ninh sân bay mà không cần phải xếp hàng. Tuy nhiên, việc tạo ra một lối đi ưu tiên về vaccine cho những người có nhiều tiền và quyền lực hơn là điều khó chấp nhận. Vậy làm sao để phân định ranh giới của những thứ tiền mua được và không ?
***
"Tập đoàn Vingroup đóng góp 480 tỷ đồng vào quỹ vaccine thì cho họ mượn 5.000 liều vaccine là chuyện hợp tình hợp lý, có gì đâu mà phải tranh cãi hay so đo".
Đây là một bình luận phổ biến mà tôi bắt gặp trong những ngày qua trong cuộc tranh luận xung quanh sự việc một công ty chen hàng để người lao động của mình được tiêm chủng trước. Lập luận kiểu nhà giàu thì tất nhiên được ưu tiên rất hay gặp ở những người tôn vinh nền kinh tế thị trường hoàn hảo – nơi hàng hóa được cung cấp theo mức độ sẵn lòng chi tiền của người mua mà không có bất cứ phán xét nào về hành vi con người.
Bỏ qua thực tế rằng Việt Nam vốn không tồn tại một nền kinh tế thị trường đúng nghĩa, khi bàn tay của chính phủ và chủ nghĩa thân hữu vẫn đang chi phối cách thức xã hội vận hành, niềm tin tuyệt đối vào chân lý "mạnh vì gạo, bạo vì tiền" luôn cần bị chất vấn.
Chúng ta luôn phải đặt ra vấn đề, có phải tiền là thước đo duy nhất để định giá một điều gì đó ? Khi thực hiện một cuộc mua bán, ngoài câu hỏi "bao nhiêu tiền ?", chúng ta còn phải trả lời những câu hỏi nào khác ? Có thứ gì mua được bằng tiền nhưng không thể dùng tiền để mua không ? Đâu là giới hạn đạo đức của thị trường ?
Bạn có thể bắt gặp những câu hỏi hóc búa trên trong cuốn sách "Tiền không mua được gì ?" (tựa gốc : "What money can’t buy : The moral limits of markets") của Michael J. Sandel, một giáo sư ngành triết học chính trị tại Đại học Harvard, Mỹ. Cuốn sách là một cuộc giằng co cân não giữa quy luật thị trường với sự chi phối của đồng tiền và những lập luận bảo vệ giá trị đạo đức của con người.
Nội dung sách là một chuỗi những tình huống, buộc người đọc phải tư duy và tham gia tranh luận để tìm ra ranh giới giữa những thứ mua được bằng tiền và không.
Có thứ gì mua được bằng tiền nhưng không thể dùng tiền để mua không ? Ảnh minh họa
Thách thức thị trường
"Trả tiền cho phụ nữ triệt sản" là ví dụ minh chứng cho thấy rõ hạn chế về đạo đức của lập luận thị trường. Năm 1997, tổ chức từ thiện Project Prevention tại Mỹ đề nghị trả 300 USD cho mỗi phụ nữ nghiện ma tuý để họ triệt sản. Mục đích của dự án là nhằm ngăn chặn tình trạng các em bé sinh ra đã nghiện ma túy.
Tuy thừa nhận rằng nhiều phụ nữ dùng tiền có được từ chương trình để mua ma túy, người sáng lập của dự án vẫn tin rằng đây là cái giá hợp lý phải trả để đạt được mục đích của chương trình. "Tại sao quyền sinh sản của phụ nữ lại quan trọng hơn quyền được có cuộc sống bình thường của các bé gái ?", người sáng lập đặt vấn đề.
Chương trình "trả tiền cho phụ nữ triệt sản" bị chỉ trích gay gắt. Dư luận đánh giá "đây là một đề xuất ghê rợn".
Xét trên quan điểm thị trường, ý tưởng này không nên bị lên án vì đáp ứng hai lập luận của thị trường : tôn trọng tự do cá nhân và tối đa hóa phúc lợi xã hội.
Theo đó, chương trình trả tiền cho người triệt sản là một dạng thỏa thuận tự nguyện của cá nhân, nhà nước không tham gia vào quá trình này. Người phụ nữ làm chủ bản thân họ và có quyền tự do mua bán khả năng sinh sản của mình. Việc mua bán không ảnh hưởng đến quyền lợi của người khác.
Thỏa thuận này tăng phúc lợi xã hội vì đảm bảo rằng người nghiện sẽ không sinh ra một em bé nghiện ma túy bẩm sinh nào nữa. Đồng thời, thỏa thuận còn có hiệu quả về mặt kinh tế. Nó đã phân bổ hàng hóa – ở đây là biện pháp tránh thai cho người nghiện – đến với người sẵn lòng trả giá cao nhất cho hàng hóa đó (tức người sáng lập).
Dù phù hợp với quan điểm thị trường, chương trình bị phản đối gay gắt và bị xem là "tội lỗi về đạo đức".
Lập luận phản đối thứ nhất cho rằng một phụ nữ đồng ý triệt sản để có tiền là không hoàn toàn tự nguyện. Người nghiện ma túy hầu hết là người nghèo nên họ buộc phải triệt sản để có 300 USD.
Lập luận phản đối thứ hai cho rằng đây là hành vi hối lộ để triệt sản. Để dễ hiểu, chúng ta có thể liên hệ hành vi một người hối lộ quan chức để thu lợi bất chính. Dù hai bên đều tự nguyện và có lợi nhưng xã hội không cho phép hành vi này diễn ra vì cả hai đã mua bán những thứ không nên đem ra trao đổi.
Tương tự, hành vi "trả tiền để triệt sản" là hối lộ vì người mua và người bán đã đánh giá hàng hóa theo cách sai lầm, bán một thứ không nên bán. Ở đây, hành vi này bị lên án vì coi năng lực sinh sản của phụ nữ là một công cụ kiếm tiền chứ không phải một món quà của tạo hóa hoặc một trách nhiệm.
"Cái gì là hàng hóa và cái gì không ?" là câu hỏi lớn xuyên suốt chưa tìm ra hồi kết trong các tranh luận về vấn đề mại dâm, mua bán nội tạng người, mang thai hộ hay mua bán trứng và tinh trùng.
Thứ gì tiền không mua được ?
Dù hâm mộ cơ chế thị trường đến đâu, bạn và các tỷ phú trên thế giới cũng phải thừa nhận rằng có nhiều thứ tiền không thể mua được, từ những thứ trừu tượng như danh dự, tình bạn, tình yêu đến cả những cái hữu hình như giải thưởng Nobel.
Bạn không thể, hay không được phép, dùng tiền mua giải Nobel, và giả sử họ có bán thì thứ bạn mua cũng không thật. Việc trao đổi, mua bán trên thị trường làm mất đi giá trị của giải thưởng này. Trong trường hợp này, tiền làm xói mòn giá trị của hàng hóa.
Tuy nhiên, không phải lúc nào mọi thứ cũng đơn giản như vậy. Trong nhiều tình huống, chúng ta phải trả lời một câu hỏi hóc búa hơn : có thứ gì tiền mua được nhưng không nên mua bằng tiền ?
Thận người là một loại hàng hóa có thể mua được, nhưng việc mua bán đang gây tranh cãi về đạo đức. Bán thận là hành vi bị cấm ở nhiều nơi trên thế giới. Khác với giải Nobel, khi bỏ tiền ra mua thận, chúng ta không làm xói mòn giá trị của quả thận đó. Nó vẫn có đầy đủ các chức năng, thậm chí, còn có thể cứu mạng người khác.
Những người ủng hộ cơ chế thị trường cho rằng hàng ngàn người chết do không được ghép thận. Nguồn cung cấp thận sẽ dồi dào hơn, nhiều sinh mạng sẽ được cứu sống nếu tồn tại một thị trường tự do để trao đổi thận. Thêm nữa, bán thận là quyền tự do cá nhân, mọi người có quyền bán những bộ phận thuộc về mình.
Phe ủng hộ thị trường vấp phải hai lập luận phản đối gay gắt. Lập luận thứ nhất là về tính công bằng. Thị trường bán thận thường nhắm vào người nghèo. Dưới vỏ bọc của cái gọi là "quyền tự do quyết định đối với cơ thể mình", những người bán thận thường không có nhiều lựa chọn. Đối với họ, bán thận gần như là lựa chọn cuối cùng và đầy đắng cay để nuôi sống gia đình. Nếu đủ tiền sống qua ngày, bạn có sẵn sàng bán đi một bộ phận cơ thể của mình để có nhiều tiền hơn ? Trả lời câu hỏi đó, bạn sẽ nhận ra thực chất, bán thận không phải là sự tự nguyện hoàn toàn như những người ủng hộ thị trường nói.
Ông Hồ Văn Tranh, một người nghèo ở Cần Thơ vì nợ nần phải bán thận với giá 120 triệu đồng vào năm 2014. Ảnh : Báo Người Lao Động.
Sự bất công còn thể hiện ở chỗ nếu tồn tại một thị trường tự do về thận, người bán luôn là người nghèo còn người mua lại là những người có tiền. Những bệnh nhân nghèo đang cần một quả thận sẽ nhận đủ thiệt thòi. Chuyện gì sẽ xảy ra với những người cần ghép thận nhưng không có tiền để mua thận ? Giả sử, bạn là bác sĩ của hai bệnh nhân chờ ghép thận. Trong đó, một người có đủ điều kiện kinh tế, nhưng tình trạng của người này không nguy cấp bằng bệnh nhân còn lại, vốn không có tiền mua thận. Vậy bạn trao thận cho người nguy cấp về tính mạng hơn hay trao nó cho người có khả năng chi trả ?
Cũng giống như câu chuyện "triệt sản cho phụ nữ", những người phản đối mua bán thận đưa ra lập luận thứ hai về suy đồi đạo đức. Theo đó, người mua và người bán đang trao đổi thứ không nên được mang ra bán. Ở đây, việc coi một bộ phận trong cơ thể mình là hàng hóa và đem ra mua bán khiến giá trị của con người suy giảm. Nội tạng người nói riêng và cơ thể con người không nên bị coi là một thứ hàng hóa để mua bán.
Như vậy, nếu không có sự chi phối về đạo đức hay niềm tin vào sự công bằng, khi một người bán quả thận, thị trường mặc nhiên đưa ra câu hỏi "bao nhiêu tiền ?". Thị trường không chỉ vào người bán thận và bảo "không được". Khác với cơ chế thị trường, chúng ta có niềm tin vào sự công bằng và tin vào giá trị, phẩm giá con người. Đó là lý do việc bán thận, hay các phần của cơ thể con người, luôn vấp phải nhiều sự phản đối.
Nếu tin rằng việc mua bán một loại hàng hóa sẽ làm hư hỏng, suy thoái hàng hóa thì chúng ta sẽ có cách nhìn khác để đánh giá giá trị của nó. Có những lúc chúng ta sẽ rơi vào các cuộc tranh cãi khó có hồi kết để vạch ra những giới hạn và bảo vệ lập luận đạo đức của mình. Đặt ra câu hỏi và tranh luận luôn là điều cần thiết, nhất là khi chúng ta thấy quy luật thị trường làm thay đổi tính chất của một sự việc hiện tượng nào đó.
***
Có ý kiến cho rằng tập đoàn Vingroup đóng góp nhiều vào hoạt động phòng chống dịch nên có quyền "mượn" vaccine. Ảnh minh họa : AFP/ Finance Vietnam/ RFA.
Đọc lại cuốn sách "Tiền không mua được gì ?" trong bối cảnh của vụ Vingroup, tôi nhận ra rằng những tranh luận dai dẳng về hành vi chen hàng của người giàu là điều nên được khuyến khích. Tranh luận có nghĩa là chúng ta không đồng tình với một xã hội nơi mọi thứ đều mua và bán được bằng tiền. Hơn thế, tranh luận là để bảo vệ những giá trị đạo đức mà chúng ta theo đuổi.
Quyển sách có thể sẽ không giúp bạn trả lời được câu hỏi "người có tiền thì có nên được ưu tiên vaccine" hay không. Nhưng nó sẽ giúp bạn hiểu thêm về quan điểm và luận điểm của các bên, từ đó rút ra được kết luận của riêng mình.
Nguyen Minh
Nguồn : Luật Khoa, 27/07/2021