Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

27/07/2021

Sức khỏe của doanh nghiệp đang suy kiệt ?

Minh Phương

Đợt dịch lần thứ 4 có tác động tàn phá mạnh mẽ gấp nhiều lần so với các đợt dịch trước. Giới chuyên gia kinh tế đánh giá, kể cả ba đợt dịch lần trước cộng lại cũng không gây thiệt hại nặng nề bằng đợt này. Con số hơn 70.000 doanh nghiệp phải rời thương trường trong nửa đầu năm 2021 minh chứng điều đó.

dn1

Sức khỏe doanh nghiệp đã yếu dần, khó có thể trụ được lâu hơn nữa.

Doanh nghiệp suy yếu

Nếu như 6 tháng đầu năm 2021, số doanh nghiệp (DN) thành lập mới là hơn 67.000 doanh nghiệp thì con số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh lên tới 70.200 doanh nghiệp, lần đầu tiên, chúng ta chứng kiến số doanh nghiệp rời khỏi thương trường vượt xa số doanh nghiệp thành lập mới.

Điều này cho thấy những tác động tiêu cực của đợt dịch lần thứ 4 đã khiến cho cộng đồng doanh nghiệp suy yếu đến mức nào. Nói như Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), sức chịu đựng của cộng đồng doanh nghiệp trong cả năm 2020 vừa qua là rất kiên cường, nhưng cũng đã… tới hạn.

Trong đợt dịch lần này, khâu vận chuyển hầu như bị tê liệt do các địa phương thực hiện giãn cách, việc đi lại giữa các tỉnh là vô cùng khó khăn, chỉ một số loại phương tiện, hàng hóa mới được diện ưu tiên vào "luồng xanh", bởi vậy nhiều ngành sản xuất đã bị đình trệ, tê liệt do không thể lưu thông được hàng hóa, nguyên vật liệu cung ứng cho sản xuất.

Như trường hợp của ông Nguyễn Văn T. (Giám đốc một công ty sản xuất – cung ứng vật liệu xây dựng tại Hà Nội), sau ngày thứ 3 Hà Nội thực hiện Chỉ thị 16, các hoạt động sản xuất của công ty ông T đã đình trệ.

"Công nhân không quay lại được xưởng để sản xuất, nguyên liệu chở đến cửa ngõ vào thành phố là bị quay đầu, dây truyền sản xuất của công ty chúng tôi vốn làm việc cầm chừng nửa năm nay nhưng đợt dịch lần thứ 4 này có nguy cơ ngừng hẳn vì mọi thứ đều bị đình lại hết, từ người lao động cho đến hàng hóa nguyên vật liệu không thể kết nối được với nhau.."., ông T chia sẻ.

Thống kê của Hiệp hội Vận tải ô tô Hà Nội cho hay, so với trước dịch, doanh thu vận tải hàng hóa đã giảm sút 20-30%, số xe nằm liệt trên bãi có thời điểm lên tới 50%. "Đặc biệt, khâu vận tải hàng hóa lưu thông trên đường gặp nhiều khó khăn do các địa phương tăng cường biện pháp kiểm tra kiểm soát với lái xe và phương tiện lưu thông trên đường, các chi phí đội lên nhiều lần gây khó khăn lớn cho doanh nghiệp", ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Hà Nội cho biết.

Bàn giải pháp "cứu" doanh nghiệp

Chia sẻ với báo giới, ông Tô Hoài Nam, Phó chủ tịch Thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cũng nêu lên thực trạng khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp hiện nay. Theo ông Nam, ngày càng nhiều doanh nghiệp buộc phải tạm đóng cửa và phá sản dẫn tới hàng loạt lao động bị mất việc làm. Dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4 tiếp tục gây thêm nhiều khó khăn và buộc nhiều doanh nghiệp đứng trước thử thách rất khắc nghiệt.

Thống kê của Tổng cục Thống kê cũng cho thấy, làn sóng Covid-19 thứ 4 đã tác động tiêu cực tới 12,8 triệu lao động gồm mất việc làm, phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập…

Giới chuyên gia kinh tế nhận định, sức khỏe của cộng đồng doanh nghiệp đã suy yếu, khó có thể kéo dài được tình trạng này lâu hơn. Bởi vậy, nền kinh tế rất cần một gói hỗ trợ đủ mạnh. Những gói 26.000 tỷ đồng cũng như gói 62.000 tỷ đồng mà Chính phủ đưa ra đợt trước và đợt này, số doanh nghiệp tiếp cận được mới chỉ là một con số nhỏ. Ở đây, yêu cầu đặt ra là, không chỉ giúp người lao động, doanh nghiệp vượt khó mà còn tạo tiền đề để các doanh nghiệp có thể phát triển, bứt phá, thích ứng trong bối cảnh mới.

Bàn về giải pháp "cứu" cộng đồng doanh nghiệp vượt qua những khó khăn do Covid-19 gây ra, giới chuyên gia kinh tế cho rằng, bên cạnh việc thực hiện các chính sách tài khóa theo hướng miễn giảm và gia hạn các loại thuế phí, lãi suất, vốn vay... rất cần chú trọng yếu tố ổn định chính sách, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi hơn.

Vấn đề này không mới, đã được các chuyên gia nhấn mạnh nhiều lần, bởi nó thực sự vô cùng cấp thiết đối với các doanh nghiệp hiện nay. Theo ông Tô Hoài Nam, cần đẩy mạnh việc cắt giảm thủ tục hành chính nhằm hướng tới mục tiêu cắt giảm chi phí, giảm thời gian cho doanh nghiệp khi thực hiện các giao dịch để doanh nghiệp có thể yên tâm các hoạt động sản xuất kinh doanh. Như vậy mới có thể thực hiện tốt "mục tiêu kép" mà Chính phủ đặt ra trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay.

Với lĩnh vực xuất nhập khẩu hàng hóa, chuyên gia kinh Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, dịch làm gián đọan các giao thương truyền thống, cơ quan nhà nước cần đẩy mạnh hỗ trợ, giảm bớt các thủ tục như thủ tục hải quan, thuế, hậu kiểm... để có thể giúp các doanh nghiệp xuất nhập khẩu nhẹ gánh.

Minh Phương

Nguồn : Đại Đoàn Kết, 27/07/2021

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Minh Phương
Read 473 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)