Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

27/07/2021

Đóng góp quỹ vắc xin, một người tử tế ở Kiêng Giang

Nguyễn Thị Sen - Thới Bình

Đóng góp quỹ vắc xin : dân đen lại bị lừa ! ?

Nguyễn Thị Sen, VNTB, 27/07/2021

Đủ tiêm cho đối tượng ưu tiên rồi !

Cho đến hôm nay, Việt Nam đã được cam kết cung cấp 38,9 triệu liều vắc xin ngừa Covid từ các quốc gia phát triển trên thế giới theo cơ chế Covax. Bộ Y tế của nhà nước Việt Nam cho biết số lượng vắc xin này đã "đủ để tiêm cho 19,4 triệu người thuộc đối tượng ưu tiên", và do đó Bộ Y tế đề nghị không mua thêm vắc xin mà thực hiện "xã hội hóa".

quy1

Người dân đã phải tốn tiền lần thứ hai để mua vắc xin dich vụ mà không được phép chọn vắc xin, đã thế lại còn bị mắng là kén cá chọn canh.

Điều đó có nghĩa là trên 50 triệu dân của Việt Nam sẽ phải đóng tiền để tự mua vắc xin ngừa Covid cho mình !

VNVC đàm phán mua 30 triệu liều AstraZeneca, một số tỉnh thành cũng công bố ngân sách chi mua vắc xin cho dân như Hải Phòng, Quảng Ninh, Hà Nội, Bắc Ninh, Thành phố Hồ Chí Minh. Số này người dân phải trả tiền để được tiêm ngừa vắc xin. Số còn lại đang được đàm phán tìm nguồn mua và sau đó cũng sẽ "sử dụng cơ chế xã hội hóa, tức là tiêm dịch vụ (người được tiêm trả tiền), hoặc các tổ chức, cá nhân hỗ trợ tài chính để mua vắc xin…"

Quỹ vắc xin khi được nhà nước kêu gọi đóng góp đã bòn từng đồng của người già còn trẻ. Ông Phạm Minh Chính đã bơm cho quỹ này và tinh thần "mở hầu bao" của người dân bằng những lời có cánh : "Quỹ vắc xin Covid-19 là quỹ của sự nhân ái, tinh thần đoàn kết và trái tim kết nối trái tim".

Khi kêu gọi đóng góp ông Thủ tướng mới nhậm chức hùng hồn tuyên bố rằng "Đảng và Nhà nước thực hiện mục tiêu sớm tiêm vác xin miễn phí cho toàn dân nhằm đạt được sự miễn nhiễm cộng đồng và việc này cần duy trì hằng năm để sớm đưa cuộc sống trở lại bình thường. Tiêm vắc xin là giải pháp căn cơ, lâu dài, mang tính chiến lược và quyết định để thoát khỏi đại dịch".

Người dân đã nhận được tin nhắn kêu gọi đóng tiền, tổ dân phố đi thu tiền, công nhân viên nhà nước bị trừ ngày lương, trẻ em đập ống heo, người già rút tiền tiết kiệm… tất cả đều có chung một mong muốn là có được vắc xin cho mọi người và tin tưởng lời hứa được chủng ngừa vắc xin từ tiền đóng góp của chính bản thân mình và gia đình.

Qua đợt kêu gọi, quỹ vắc xin đã thu nhận được hàng nghìn tỷ đồng từ các doanh nghiệp, và dân thường. Số tiền này nhà nước Việt Nam cho đến nay gọi đó là tiền nhàn rỗi nên đã mang đi gửi ngân hàng để lấy lãi. Tuy nhiên Người dân không được biết số tiền lãi đó sẽ được dùng vào mục đích gì và lãi suất sẽ do ai quản lý.

Số huy động vào Quỹ Vaccine phòng, chống Covid-19 tính đến ngày 26/7 là 8.236 tỷ VND (đã bao gồm ngoại tệ quy đổi). Số tiền được mang đi gửi ở các ngân hàng theo thời hạn 1 tháng hay 3 tháng ở 4 ngân hàng khác nhau là 6.500 tỷ đồng. Số tiền còn lại được sử dụng làm gì, cũng không ai biết.

Khi kêu gọi đóng góp, nhà nước Việt Nam dự định phải mua và tiêm cho 75 triệu dân cần 150 triệu liều vaccine với kinh phí là 25.200 tỷ đồng. Như vậy thì cho đến nay nhà nước đã kêu gọi đóng góp đủ cho 1/3 số tiền cần thiết để mua vắc xin, hay 35% hay 25 triệu người.

Cơ chế Covax đã viện trợ cho các nước nghèo để đảm bảo sự công bằng trong tiếp cận vắc xin cho Việt Nam đủ tiêm cho 1/5 dân số, tức 20%. Cộng lại, thì từ người dân và các chính phủ đế quốc, thực dân, số liều vắc xin đã đủ tiêm cho 55% dân số, tức vào khoảng 45 triệu người.

Chính phủ Việt Nam phải xuất hầu bao ra để tiêm cho 30 triệu người dân còn lại theo như cam kết thực hiện mục tiêu tiêm vắc xin miễn phí cho toàn dân để đạt được miễn nhiễm cộng đồng.

Nói cho đúng, chính phủ đã tiêm miễn phí cho 20% dân số – 19,5 triệu người – là những đối tượng ưu tiên, chắc chắn phần lớn là cán bộ đảng viên trong khối dân sự và quân sự cộng thêm người nhà, cháu ngoại, ông anh, chú em… bằng các loại vắc xin "xịn" của Covax.

Chờ vắc xin nội địa đi !

Nhưng Bộ Y tế và chính phủ ngó chừng lại muốn ẵm trọn luôn tiền đóng góp của người dân khi đề nghị "không mua tiếp vắc xin từ nguồn ngân sách, đề nghị chuyển sang cơ chế xã hội hóa" mà ai cũng hiểu là tức là tiêm dịch vụ hay là người dân phải trả tiền để mua vắc xin cho bản thân mình cho số 30 triệu liều mà VNVC đã đàm phán mua được.

Nếu diễn giải theo cách tính đơn giản của con buôn thì đủ tiêm cho 15 triệu người nữa. Cộng với 19,5 triệu người nhà nước, người thân, người quen, người nổi tiếng, thì ước tính có 35 triệu người được tiêm vắc xin Anh Mỹ. 40 triệu người còn lại sẽ có cơ hội được tiêm bằng vắc xin nội địa mà Việt Nam đang nghiên cứu sản xuất và sẽ đệ trình cấp có thẩm quyền cho phép lưu hành sau khi thử nghiệm lâm sàng.

Báo chí nhà nước đã có nhiều bài viết dạy dỗ người dân không nên kén cá chọn canh đối với vắc xin ngừa Covid. Họ viện ra nào là thời gian vàng, hay được tiêm là mừng rồi chớ còn kén chọn gì nữa.

Ông đại biểu quốc hội Trần Hoàng Ngân (Thành phố Hồ Chí Minh) lại còn có cao kiến hơn, mở tiêm dịch vụ và sử dụng vắc xin nội địa dự định sẽ sản xuất khoảng 7/7,5 triệu liều mỗi tháng.

Ông dân biểu này gợi ý "cùng với ý kiến của hội đồng khoa học, hội đồng y khoa, cần mời thêm chuyên gia nước ngoài để thẩm định, trường hợp vắc xin đảm bảo an toàn rồi thì có thể bỏ qua một số công đoạn trong quy trình phê duyệt để sớm có vắc xin của Việt Nam, sớm đạt được miễn dịch cộng đồng".

Đây rõ ràng là chiêu bài tính toán không chỉ của một cá nhân nào mà là sự tính toán có tính hệ thống của nhà nước Việt Nam. Người dân được tiêm bằng loại vắc xin rẻ tiền, nhà nước Việt Nam được tiếng và rồi lại rộ lên những lời ca ngợi " tự hào quá vắc xin Việt Nam ơi" mà đó có thể lại là sân sau của một ai đó.

Các ông bà nhà báo nhà nước nói ngon lắm, các ông bà thuộc 11 đối tượng ưu tiên rồi, mùa dịch vẫn múa bàn phím kiếm ăn được, vẫn được phép ra ngoài đi tác nghiệp, lại được ưu tiên tiêm vắc xin ngay từ đầu. Món ngon dọn sẵn tận miệng thì các ông bà có phải kén chọn gì đâu ?

Ông dân biểu nói nghe cũng hay lắm. Các ông các bà cũng đã được tiêm chủng gần hết cả rồi ; 435/499 đại biểu quốc hội đã được tiêm vắc xin, chắc chắn là cũng là vắc xin viện trợ từ Mỹ, Anh, Nhật, Úc… chứ chả có ai phải tiêm vắc xin Sinopharm hay vắc xin nội địa.

Các ông bà đã an toàn, nên muốn phán sao mà chẳng được. Người dân đã phải tốn tiền lần thứ hai để mua vắc xin mà không được phép chọn vắc xin, đã thế lại còn bị mắng là kén cá chọn canh.

Đợt dịch thứ 4 với nhiều thiệt hại về tiền và của cho các tỉnh phía Nam. Người dân và doanh nghiệp đã kiệt quệ, niềm tin đối với chính phủ cũng sụt giảm theo tỷ lệ thuận. Chưa có bao giờ mà lại có những ngăn cách, phân biệt, bất công nhiều đến như thế ! 

Ngân sách là tiền thuế do dân đóng, chứ chẳng phải tiền riêng gì của các ông. Vắc xin do Covax viện trợ là để cho người nghèo được tiếp cận vắc xin chứ chẳng phải cho một nhóm nhỏ của các ông được hưởng đặc quyền. Đừng lừa dân nữa ! Hãy nhìn sang Cuba khi đến lúc người dân không còn biết sợ vì đói, vì dịch bệnh nữa thì họ sẽ nổi loạn lên thôi.

Nguyễn Thị Sen

Nguồn : VNTB, 27/07/2021

**********************

Có một người tử tế ở Kiên Giang

Thới Bình, VNTB, 25/07/2021

Ở vùng sâu, vùng xa, người ta đất ít, trồng ít được 1 bó rau, mớ hành cũng phải để cho dân chở đi bán, để ở nhà 2, 3 ngày rau cải hư hỏng hết. Người có nông sản bán được thì người mua mới có để mà mua.

quy2

Làm sao để có tiền cho chuyện ‘đi chợ mua đồ ăn, thức uống, đi chợ nào, mua cái gì là quyền của dân’

 Hôm 23/7, tại cuộc họp giao ban trực tuyến của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Kiên Giang, theo ghi nhận của báo chí thì ông chủ tịch tỉnh này có những phát biểu hết sức tử tế.

Xin được lược thuật đến quý bạn đọc trang Việt Nam Thời Báo về việc Chủ tịch tỉnh Kiên Giang Lâm Minh Thành xuất phát từ cuộc sống của người dân mà chống dịch, chứ không máy móc với các biện pháp cấm đoán cực đoan.

Ông Thành nói rằng cứ xe chở hàng hóa là được qua chốt kiểm soát phòng chống dịch.

"Tôi đề nghị không áp dụng danh mục hàng hóa khi kiểm soát các xe tải qua chốt, nếu có thì chỉ nên tham khảo thôi. Chốt ở đây là để kiểm soát, ngăn chặn những người cố tình đi lại không cần thiết, còn người ta lưu thông hàng hóa thì ngăn cản làm gì.

Nếu các ngành, các địa phương cứ ngồi cân nhắc xem mặt hàng nào thiết yếu, mặt hàng nào không để đưa vô danh mục thì biết tới khi nào mới đủ. Chưa kể, khi ban hành danh mục hàng hóa thiết yếu, hàng hóa dễ hư hỏng rồi áp dụng làm sao, các chốt không lẽ cứ phải dò từng món trong mấy chục, mấy trăm món hàng lưu thông ngoài thị trường" – ông Lâm Minh Thành biện luận cho quan điểm quản lý của mình.

Cũng liên quan tới việc áp dụng giãn cách theo chỉ thị 16, ông Thành nói rằng sao lại cần đến việc phát phiếu như thời tem phiếu bao cấp. Bởi rất đơn giản, việc đi chợ nào, mua cái gì, mua bao nhiêu là quyền của người dân. Họ phải ăn, uống mới sống được. Đâu phải chợ nào cũng giống chợ nào. Có chợ ở phường này, xã này bán thứ này, chỗ khác bán thứ khác, cho nên không được cứng nhắc khi áp dụng, mà phải linh động, phải hiểu nhu cầu thực tế của người dân.

"Ở vùng sâu, vùng xa, người ta đất ít, trồng ít được 1 bó rau, mớ hành cũng phải để cho dân chở đi bán, để ở nhà 2, 3 ngày rau cải hư hỏng hết. Người có nông sản bán được thì người mua mới có để mà mua. Mình chống dịch chặt chẽ, nhưng không được ngăn sông cấm chợ", ông Lâm Minh Thành khẳng định quan điểm như vậy.

Những quyết sách nói trên của ông Lâm Minh Thành được đánh giá là hợp lòng dân, với một số ghi nhận khen – chê và không ít hoài nghi như sau :

"Phiếu dùng để đi chợ nhưng đặt trường hợp nhà tôi và chợ cách nhau một con sông và cái phiếu đó bị hiểu nhầm là "phiếu" dùng "để được đi qua chợ". Người này nói người khác nghe lại thêm vô một chữ, đến nỗi có người hỏi tôi "giấy đi chợ bán ở đâu" ? Lúc đó tôi giải thích phiếu không bán mà phát cho người dân, phiếu đó chỉ dùng đi vào chợ và không phải có cái phiếu đó rồi muốn đi đâu là đi là không đúng, lúc đó người hỏi mới hiểu ra" ;

"Khổ nhất là xuống tới địa phương, thì tinh thần của chủ tịch bị biến thể. Cán bộ địa phương hiểu theo 1 hướng khác và luôn làm khó các xe tải vận chuyển hàng. Rất mong trên tỉnh sẽ chỉ đạo chi tiết để địa phương hiểu đúng và thực hiện không rập khuôn" ;

"Đồng ý với ông, thiết yếu là nhu cầu thiết yếu cho mỗi tình huống cụ thể mà không ai có thể xác định trước.

Ví dụ : Đi mua bánh mì khi người ta đói và trên địa bàn không có chỗ nào bán bánh mì hoặckhông có món nào khác vừa với túi tiền như bánh mì. Đi bán nông sản thu hoạch được vừa là để cung cấp sản phẩm cho người khác, vừa có thể là nguồn thu của nông dân để trang trải chi phí cho những nhu cầu khác để sống qua ngày. Vậy thì tại sao chúng ta có thể hời hợt gọi đó là nhu cầu không thiết yếu hay ra đường vì mục đích không thiết yếu ? Các văn bản được đưa ra cần đi sâu và cụ thể hơn về vấn đề này" ;

"Có bán mới có người mua mà cấm mua hàng hóa thiết yếu thì sẽ ế hàng và hư hỏng, rất lãng phí và cứng nhắc qui tắc" ;

"Tôi nuôi cá, cá đã quá lứa, nhưng không bán được vì đội thu hoạch chở lưới đến ao của tôi thì bị chốt đuổi về. Thương lái chán nản nên gọi mãi không ai thèm tới mua cá của tôi, tôi phá sản. Tôi ước có chủ tịch như tỉnh Kiên Giang"…

Người viết lược thuật này thì chỉ mong muốn mỗi điều vầy thôi : làm sao để có tiền cho chuyện ‘đi chợ mua đồ ăn, thức uống, đi chợ nào, mua cái gì là quyền của dân’ như lời của chủ tịch tỉnh Kiên Giang.

Thới Bình

Nguồn : VNTB, 25/07/2021

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Nguyễn Thị Sen, Thới Bình
Read 573 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)