Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

25/07/2021

Vài điều hiểu lầm về các cuộc biểu tình ở Cuba

Nguyễn Quốc Tấn Trung

Lỗi không phải là do nước Mỹ.

hieulam1

Người biểu tình chống chính phủ ở thủ đô Havana, hô khẩu hiệu "Đảo đảo độc tài" và "Chúng tôi muốn tự do". Ảnh : Yamil Lage/AFP via Getty Images.

Vài tuần qua, hàng ngàn người dân Cuba ở khắp nơi đã xuống đường biểu tình để phản đối cách điều hành kinh tế của chính quyền nước này trong đại dịch. Có thể xem đây là cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất tại Cuba từ vài thập niên trở lại đây, với làn sóng biểu tình cũng được xem là lớn nhất trong suốt ba mươi năm qua.

Khủng hoảng chính trị và các cuộc biểu tình tại Cuba là một sự kiện ai cũng có thể thấy, ai cũng có thể xác nhận, nhưng không phải ai cũng có lời lý giải đồng nhất. Bài viết này nhằm trao đổi về một vài ngộ nhận liên quan tới cuộc khủng hoảng này.

Nước Mỹ là nguồn cơn của khủng hoảng ở Cuba ? 

Đáng chú ý là ngay cả Black Lives Matter Global Network Foundation (BLM), tổ chức dân quyền giàu kinh nghiệm hoạt động vì quyền của người da màu tại Hoa Kỳ cũng dường như rơi vào bẫy truyền thông của chính quyền Cuba và có các ngộ nhận thường gặp của những người ít tìm hiểu về tình hình chính trị thế giới.

Ngày 15/7/2021, BLM ra tuyên bố chính thức về khủng hoảng ở Cuba, cho rằng đây là kết quả của những chính sách vô nhân đạo của chính quyền liên bang Hoa Kỳ đối với người dân Cuba. Đường lối cấm vận của Hoa Kỳ, theo nhóm này khẳng định, là nguồn gốc chính yếu dẫn đến khủng hoảng, xâm phạm quyền tự quyết (self-determination) của người dân Cuba và nền độc lập chính trị của nhà nước Cuba.

Theo BLM, thất bại của chính quyền Cuba trên bình diện kinh tế và an sinh xã hội đều do Hoa Kỳ cấm vận mà ra. Nhiều người, như một số nhà hoạt động theo xu hướng "xã hội chủ nghĩa" tại Hoa Kỳ, cho rằng vì chính sách cấm vận và trừng phạt này, không quốc gia nào có thể giao thương hay viện trợ cho Cuba, từ đó dẫn đến khủng hoảng. (Lập luận này khá giống với lý luận của phía Việt Nam vào thập niên 1990.)

Có đủ bằng chứng để cho rằng các kết luận như trên về Cuba đều là ngộ nhận.

Đầu tiên, kể từ sau khi Tổ chức các Quốc gia Châu Mỹ (Organisation of American States – OAS) dỡ bỏ lệnh cấm vận đối với Cuba vào năm 1975, hầu như mọi đồng minh thân cận với Hoa Kỳ (cũng như các quốc gia khác) đều có quan hệ giao thương với đảo quốc này.

Theo thống kê của The Observatory of Economic Complexity (OEC) vào năm 2019, ba quốc gia đứng đầu bao gồm Trung Quốc, Ý, và Tây Ban Nha đều có quan hệ thương mại trị giá hàng tỷ Mỹ kim với Cuba. Không thể không nhắc rằng cả Ý lẫn Tây Ban Nha đều là những thành viên chiến lược quan trọng với Hoa Kỳ trong nội bộ khối NATO.

Thêm vào đó, Liên Hiệp Châu Âu (EU) cũng là đối tác thương mại lớn thứ hai của Cuba.

Đại đa số các đồng minh thân thiết nhất với Hoa Kỳ, như Canada hay Vương quốc Anh, đều có hoạt động xuất nhập khẩu nhộn nhịp với đất nước vùng Caribe này (hai nước trên có tổng mậu dịch song phương với Cuba lần lượt là 1 tỷ Mỹ kim và 100 triệu bảng Anh).

Không cần nói đâu xa, chính ở Hoa Kỳ, có đến hơn 50 công ty Mỹ (với tổng trị giá thị trường hàng nghìn tỷ Mỹ kim) đang hiện diện tại Cuba, mang tiền bạc lẫn cơ hội kinh doanh cho cả hai bên. Các ngành nghề, theo thống kê của Hội đồng Thương mại và Kinh tế Hoa Kỳ – Cuba, cũng rất đa dạng với hàng không, thương mại, giáo dục, du lịch và dịch vụ đi kèm, xuất nhập khẩu nông sản, bảo hiểm và y tế, v.v.

Như vậy, có thể thấy luận điểm "Hoa Kỳ cấm vận và bao vây kinh tế khiến cho nền kinh tế Cuba lẫn đời sống người dân kiệt quệ" không chỉ sai, mà có thể còn được lan truyền với ý đồ thao túng dư luận.

hieulam2

Từ Cuba tới Mỹ là một khoảng cách rất gần. Ảnh : cubatrade.org.

Ai cấm vận Cuba ? Và cấm vận những gì ? 

Dầu vậy, không thể phủ nhận rằng Hoa Kỳ áp đặt một hệ thống trừng phạt kinh tế rất hoàn thiện lên đảo quốc xã hội chủ nghĩa ngay bên cạnh họ.

Câu chuyện bắt đầu với việc lãnh tụ Fidel Castro dùng "bạo lực cách mạng" lật đổ chính quyền thân thiết với Hoa Kỳ tại Cuba vào năm 1959.

Ba năm sau, sau khi các nỗ lực bình thường hóa quan hệ bất thành, chính phủ Hoa Kỳ do Tổng thống Kennedy đứng đầu chính thức đặt lệnh cấm vận với Cuba, không cho phép hàng hóa có nguồn gốc từ Cuba hay đã quá cảnh qua Cuba được nhập và tiêu thụ tại Hoa Kỳ. Lệnh này không nhắc đến chiều ngược lại, và cũng chỉ có tầm ảnh hưởng trong phạm vi lãnh thổ Hoa Kỳ. Các quốc gia nước ngoài muốn làm ăn với cả Hoa Kỳ lẫn Cuba đều không phải chịu chế tài gì cụ thể.

Cũng trong năm 1962, Hoa Kỳ thành công trong việc thuyết phục đủ số thành viên của Tổ chức các Quốc gia Châu Mỹ xem xét và loại trừ tư cách thành viên của Cuba sau nhiều năm tranh cãi.

Và cũng phải hai năm sau đó, OAS mới có thể tìm được tiếng nói chung trong việc đưa ra các biện pháp trừng phạt kinh tế dành cho đảo quốc.

Lý do, phải nói rõ, không phải vì Hoa Kỳ muốn. Nhiều quốc gia Châu Mỹ Latin đồng lòng trừng phạt Cuba chủ yếu vì các hoạt động đào tạo quân sự và vận chuyển chiến binh trái phép của Fidel Castro tới Venezuela nhằm lật đổ chính quyền hợp pháp tại đây (những hoạt động này còn kéo dài liên tục cho đến đầu thập niên 1970).

Có thể thấy, Cuba không yêu chuộng hòa bình và tuân thủ các nguyên tắc không can thiệp trong pháp luật quốc tế như nhiều người thường nghĩ.

Dù vậy, từ năm 1975, Hoa Kỳ không còn ở thế chủ động trong nội bộ OAS. Các tiếng nói khác như Chile, Costa Rica bắt đầu tạo nên bầu không khí chính trị có lợi cho Cuba. Với nghị quyết "Freedom of Action", OAS chính thức dỡ bỏ các ràng buộc trước đó, cho phép các quốc gia Châu Mỹ bình thường hóa quan hệ ngoại giao cũng như giao thương với Cuba.

Tuy nhiên, đến lúc này thì chính Cuba không còn mặn mà muốn tham dự OAS. Nhiều nhà quan sát cho rằng lý do là bởi Cuba lo ngại hàng loạt các quy định và tiêu chuẩn khu vực về nhân quyền được ghi nhận trong các công cụ pháp lý của OAS.

Như vậy, có thể khẳng định Hoa Kỳ là quốc gia duy nhất còn chủ động duy trì một số biện pháp cấm vận kinh tế dành cho Cuba, với một số ảnh hưởng nhất định đến các công ty quốc tế.

Năm 1992, sau khi Liên Xô sụp đổ, cơ quan lập pháp Hoa Kỳ thông qua Đạo luật Dân chủ Cuba (Cuban Democracy Act). Một trong những điểm đáng chú ý của đạo luật này là các thương thuyền lớn từng cập cảng Cuba trước đó 180 ngày (hay 6 tháng) sẽ không được dừng tại bất kỳ hải cảng nào khác của Hoa Kỳ. Đạo luật này cũng đưa ra các biện pháp để đối phó với các công ty con của Hoa Kỳ lập ra ở hải ngoại với mục tiêu kinh doanh tại Cuba.

Năm 1996, Tổng thống Bill Clinton ký thông qua Đạo luật Helms-Burton. Đạo luật này trộn lẫn nhiều yếu tố, như mở đường cho kinh doanh viễn thông ở Cuba, nhưng cấm việc cung cấp bất kỳ dịch vụ tín dụng nào có liên quan đến các tài sản bị chính quyền Castro quốc hữu hóa và trưng thu.

Qua ba đời tổng thống Hoa Kỳ gần đây nhất là Barack Obama, Donald Trump và Joe Biden, chính sách cấm vận Cuba có nhiều biến đổi đột ngột và không nhất quán. Obama dỡ bỏ một số cấm vận, Donald Trump tái thiết lập một số, và Biden cho đến nay cũng ngại ngần khi đụng đến di sản này. Người viết khó có thể tổng hợp một cách chính xác liệu Hoa Kỳ đang có bao nhiêu lệnh cấm vận dành cho Cuba và hiệu lực, hiệu quả thực tế của chúng đến đâu (bạn đọc có thể tham khảo các văn bản tại đây).

Tuy nhiên, các chỉ dấu gần đây cho thấy chính quyền Hoa Kỳ đang chuyển hướng cấm vận sang các mục tiêu "có tóc". Nói thẳng ra, họ nhắm đến việc đóng băng và hạn chế giao dịch tài chính đối với tài sản của chính phủ Cuba ở nước ngoài, cấm và hạn chế việc kinh doanh thương mại của các doanh nghiệp nhà nước (như công ty du lịch lữ hành do chính phủ Cuba kiểm soát), thay vì "trùm mền" toàn bộ nền kinh tế Cuba như trước đây.

Nguyễn Quốc Tấn Trung

Nguồn : Luật Khoa, 25/07/2021

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Nguyễn Quốc Tấn Trung
Read 532 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)