Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

07/08/2021

Vắc-xin Trung Quốc : không nên xem thường mạng sống người dân

Nguyễn Ngọc Già - Diễm Thi

Cuộc đời con người không nên là thí dụ

Nguyễn Ngọc Già, RFA, 07/08/2021

Dịch virus Trung Quốc hoành hành dữ dội và chưa hề được đẩy lùi như mong muốn của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam.

cuocdoi0

Cuộc đời con người không nên là thí dụ - Ảnh minh họa 

Những khó khăn chồng chất gây ra từ chủ trương "chống dịch như chống giặc" của Thủ tướng Phạm Minh Chính vẫn chưa có dấu hiệu lui bước bằng thông tin "Hàng triệu tấn nông, thủy sản đang chờ được khai thông" do báo VnEconomy cho biết vào ngày 6 tháng Tám năm 2021. Nội dung bài báo cho thấy, tất cả các ngành nông nghiệp đang lao đao chưa từng có với [1] "Trị giá hàng hóa ước tính lên tới chục nghìn tỷ đồng đang rất cần được tiêu thụ và hỗ trợ tiêu thụ trong bối cảnh thực hiện Chỉ thị 16".

Trong dòng người tháo chạy tán loạn ra khỏi vùng dịch Thành phố Hồ Chí Minh, báo Dân Trí, hôm 7 tháng Tám năm 2021 có bài [2] "Được đón về từ vùng dịch bằng máy bay, một số người dân cố tình gây khó dễ". Trong bài báo này cho hay, UBND tỉnh Hà Tĩnh, Sở Lao động, thương binh và xã hội tỉnh Hà Tĩnh cùng Hội đồng hương Hà Tĩnh tại Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức 5 chuyến bay từ 6 - 8/8, đón khoảng gần 1.000 công dân là người Hà Tĩnh đang thực hiện giãn cách xã hội tại Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh phía Nam. Cách đưa tin cho thấy, mọi sai trái vẫn thuộc về người dân. Bài báo cũng cho biết thêm, sẽ "xử lý nghiêm" người dân, như bấy lâu nay.

Dù camera ghi lại rất rõ ràng về cuộc đuổi bắt bất thành của đại úy công an Phan Tấn Tài đối với công dân Hứa Hán Võ nhưng anh Võ vẫn bị khởi tố và bắt tạm giam [3] về tội "chống người thi hành công vụ" với sự diễn giải của báo giới gọi là "ép ngã xe" mà ban đầu, anh Võ bị gán cho hành động "đạp vào đầu xe" gây ra cái chết của viên công an.

Ba thông tin nói trên cho thấy triết lý đã trở thành hằng số "quản lý không được thì cấm đoán" và mọi sai trái xảy ra đều thuộc về người dân gây ra.

Bên cạnh vấn đề an sinh nói trên, việc chủng ngừa đang tạo ra tình trạng băn khoăn và bất an đối với người dân, dù trang unicef.org cho biết [4] "Việt Nam đã tiếp nhận 7.493.300 liều vắc-xin Covid-19 với bốn lô hàng từ Cơ chế Covax bao gồm 5.000.100 liều vắc-xin Moderna do Chính phủ Hoa Kỳ hỗ trợ và 2.493.200 liều AstraZeneca" tính đến ngày 24 tháng Bảy năm 2021.

Trong dòng người được ghi nhận đông đảo đi chích ngừa, vốn không khác mấy so với đi bầu cử, giới nghệ sĩ nổi tiếng và giới nhà báo luôn "động viên" người dân hãy nhanh chóng tiêm phòng để cứu bản thân và gia đình, bất chấp đó là loại hãng nào bào chế với lời mật ngọt "có còn hơn không, có còn hơn không". Nhiều người đã vặn hỏi lại những người nổi tiếng đã chích ngừa từ hãng dược phẩm nào bào chế. Đáp lại là cách nói bâng quơ, khiến thiên hạ càng cười nhạo và cợt nhã trước lời khuyên ra vẻ rất đỗi thành tâm của giới này.

Những lời khuyến khích, khuyên nhủ của giới nghệ sĩ, giới nhà báo như vẽ ra thuốc chủng ngừa virus Trung Quốc trở thành "thuốc tiên" mà không thụ hưởng ngay, trở thành "lỡ làng duyên phận" (!). Mới nhất, báo Tuổi Trẻ ngày 7 tháng Tám năm 2021 cho hay [5] "Một tình nguyện viên điểm tiêm vắc xin dương tính, Khánh Hòa xét nghiệm cho cả ngàn người". Tình nguyện viên này được biết là nam sinh viên của một trường cao đẳng trên đường Trần Phú, Vĩnh Nguyên, Thành phố Nha Trang, đã tham gia phục vụ tại điểm tiêm vắc xin được nêu trong hai ngày 5 và 6 tháng 8 vừa qua. Trước khi được công nhận làm tình nguyện viên, người thanh niên này đã được chích mũi Một và được xét nghiệm âm tính đối với virus Trung Quốc. Thông tin mới nhất này đã bác bỏ hoàn toàn hình ảnh "thuốc tiên" mà giới nghệ sĩ, giới nhà báo vẽ ra.

Sự bất an trong dân chúng còn đến từ cách chích ngừa không theo quy định rõ ràng trình cho người dân phải thấy loại thuốc hãng nào, trước khi chích. Thay vào đó, người dân nhìn thấy hàng loạt ống chích được chuẩn bị sẵn sàng và hầu hết đều "nhắm mắt đưa tay" mà không thắc mắc với lý do : Quá đông người chích, nên e ngại làm phiền các nhân viên y tế đang thực hiện bổn phận của họ. Những hình ảnh như vậy được chia sẻ rộng trên mạng xã hội.

Dù nhiều nước trên thế giới được biết đang nỗ lực tối đa, để ngăn chặn đại dịch gây chết chóc và thiệt hại chưa tính nỗi cho tới nay nhưng nhiều loại biến thể được cho là được phát hiện thêm, với trường hợp mới nhất từ Nhật Bản, đã ghi nhận biến thể Lambda [6] đầu tiên vào hôm 6 tháng Tám năm 2021 từ một phụ nữ khởi hành tại Peru đi về Nhật Bản.

Đại dịch gây khủng hoảng toàn diện trên toàn thế giới do virus Trung Quốc gây ra, khiến người người bất an vô cùng, nhà nhà hoang mang cực độ. Ngay tại Thành phố Hồ Chí Minh, người ta loay hoay hỏi nhau mọi thông tin xoay quanh nó để phòng ngừa, để cẩn trọng trong sinh hoạt, để tự chữa bằng những phương pháp dân gian, từ nồi lá xông thấm mùi thuốc Nam đến tô cháo hành "của Thị Nở" xưa kia... tất cả như là những quốc hồn quốc túy từ ông bà để lại nhưng bị "vùi dập" quá lâu, bởi đời sống hiện đại ngày nay, có vẻ sính "hàng hiệu" và "hàng ngoại" nhiều hơn là tìm về "hồn Việt" xa xưa.

Một thắc mắc lớn quanh thuốc chủng ngừa virus Trung Quốc, khi giới quan sát hầu như không thể tìm thấy thông tin, trước khi thử nghiệm trên con người, giới chuyên môn luôn dùng chuột để thí nghiệm bất kỳ loại thuốc mới nào. Bởi chuột có bộ gene gần giống với loài người và loài gặm nhấm này được gọi là "linh vật" [7] trong tất cả các loài động vật, bởi nó luôn "hy sinh" để giải cứu loài người trước nhiều căn bệnh hiểm ác.

Đời người sống chỉ có một lần, dù nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã thi vị hóa bằng nhạc phẩm "Thí Dụ" [8] với những câu hát :

Thí dụ bây giờ tôi phải đi, tôi phải đi

Tay chia ly từ đời sống này

Có chiều hôm đưa chân tôi

Về biên giới mới

Nghe ra

Quanh tôi đêm dài

Có còn ai trong yên vui về yêu dấu

Ngồi rơi lệ ru người từ đây...

Trong những ngày buồn hiu hắt với thành phố ảm đạm, cùng không khí rờn rợn của những giờ giới nghiêm rất sớm, ở đâu đó trên những con hẻm hẹp téo và tăm tối, bất chợt tiếng ai đó nghêu ngao "Thí dụ bây giờ tôi dính virus Trung Quốc", chắc là nghe rất lạ mà lại rất quen...

Dù sao, không nên xem thuốc chích ngừa vẫn còn đầy hoài nghi và bất an, để làm một "thí dụ" cho bản thân mình. Tôi tin chắc như vậy.

Nguyễn Ngọc Già

Nguồn : RFA, 07/08/2021

[1] https://vneconomy.vn/hang-trieu-tan-nong-thuy-san-dang-cho-duoc-khai-tho...

[2] https://dantri.com.vn/xa-hoi/duoc-don-ve-tu-vung-dich-bang-may-bay-mot-s...

[3] https://congan.com.vn/vu-an/bat-tam-giam-ke-thao-chay-ep-nga-xe-khien-da...

[4] https://www.unicef.org/vietnam/vi/th%C3%B4ng-c%C3%A1o-b%C3%A1o-ch%C3%AD/...

[5] https://tuoitre.vn/mot-tinh-nguyen-vien-diem-tiem-vac-xin-duong-tinh-kha...

[6] https://dantri.com.vn/the-gioi/nhat-ban-ghi-nhan-ca-nhiem-bien-chung-lam...

[7] https://tuoitre.vn/vi-sao-chuot-tro-thanh-linh-vat-trong-nghien-cuu-khoa...

[8] https://www.youtube.com/watch?v=Aq8Ybfv5ayw

**********************

Vì sao hầu hết dân phản đối tiêm vắc-xin của Trung Quốc ?

Diễm Thi, RFA, 03/08/2021

Những quan điểm trái chiều

Hôm 31 tháng 7, thành phố Hồ Chí Minh đã tiếp nhận một triệu liều vắc-xin Sinopharm của Trung Quốc trong tổng số năm triệu liều đặt mua của hãng này. Đây là lô vắc-xin nhập khẩu đầu tiên do Công ty TNHH một thành viên Dược Sài Gòn (Sapharco) đàm phán, thương thảo và ký hợp đồng mua của Sinopharm theo sự uỷ quyền của UBND thành phố Hồ Chí Minh.

cuocdoi2

Một nhân viên y tế chuẩn bị một liều vắc xin Sinopharm chích cho người dân Colombo, Sri Lanka vào ngày 30 tháng 7 năm 2021. AFP

Trong khi đó, các văn bản được lan truyền trên mạng xã hội có nội dung cho thấy lãnh đạo, cán bộ địa phương được phân loại chích vắc xin theo thứ tự Pfizer, Moderna, Astra Zeneca mà không hề thấy có Sinopharm. Điều này khiến người dân cho rằng, khi phía Nhà nước có sự phân biệt vắc- xin như thế thì làm sao thuyết phục người dân tiêm vắc- xin Trung Quốc ?

Cách đây hai hôm, báo điện tử VietNamNet có thông tin về chất lượng vắc- xin Covid -19 của Trung Quốc cho hay, hai vắc- xin Sinopharm, Sinovac do Trung Quốc sản xuất, sử dụng công nghệ vi-rút bất hoạt truyền thống đã được WHO phê duyệt, và hiện là một trong những vắc-xin ngừa Covid-19 phổ biến nhất thế giới.

Là một nghiên cứu sinh chuyên ngành về truyền nhiễm và chống nhiễm khuẩn, Bác sĩ Phạm Ngọc Thắng cho rằng, số lượng vắc- xin về Việt Nam hiện nay như ‘muối bỏ bể’. Muốn có hiệu quả thì phải chích ngừa kết hợp với lây nhiễm cộng đồng. Ông nêu quan điểm về vắc- xin với RFA : 

"Theo quan điểm của tôi, đã là vắc- xin thì Astra Zeneca, Sinopharm, Pfizer, Moderna hay Sputnik đều có hiệu quả. Tất nhiên mỗi loại có uy lực riêng, mỗi loại cũng có tai biến riêng. Cho y tế cộng đồng thì nếu có vắc- xin cộng với lây nhiễm tự nhiên, lây nhiễm bầy đàn thì nó sẽ tạo miễn dịch cộng đồng".

Đa số người dân không tin vào vắc- xin do Trung Quốc sản xuất vì họ không tin ‘ông bạn vàng’ của Nhà nước Việt Nam, nhưng cũng có người chấp nhận Sinopharm vì ‘có còn hơn không’. Cô Thu Trà bày tỏ quan điểm của mình rõ ràng trên Facebook cá nhân của cô rằng, nếu được chọn vắc- xin để tiêm thì cô sẽ không chọn vắc- xin Trung Quốc, nhưng nếu không có sự lựa chọn nào khác thì cô đồng ý tiêm vắc- xin Trung Quốc. Lý do được cô giải thích là vì Trung Quốc đã khống chế được dịch cũng bởi chính vắc- xin Trung Quốc. Điều đó cho thấy tính hiệu quả dù không cao như vắc- xin của Mỹ, Anh nhưng vẫn có tác dụng.

Cô Lan, một người dân quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh cho hay, khu cô ở rất nhiều người bị dương tính với vi-rút corona. Bản thân cô không dám ra đường nên chỉ mong được chích vắc- xin càng sớm sàng tốt, nhưng cô từ chối chích vắc- xin Trung Quốc. Cô nói :

"Ai cũng được chích ở phường hết. Tổ trưởng họ vô tận nhà hỏi mình rồi đăng ký cho mình luôn. Khi thuốc về thì phường sẽ gọi tổ trưởng rồi tổ trưởng gọi tổ viên ra phường chích.

Em đã đăng ký rồi nhưng nếu họ kêu đi chích em sẽ hỏi thuốc đó là thuốc gì rồi mình nhận diện. Nếu thuốc của Nhật, Anh, Mỹ thì chích, còn thuốc Trung Quốc em sẽ không chích. Mình đã biết Trung Quốc là một nước quá độc ác. Nó hại nhiều nước chứ không chỉ hại nước Việt Nam mình nên không thể tin Trung Quốc được".

Là một tài xế xe tải, anh Minh có dịp tiếp xúc với nhiều người. Anh cho biết tất cả đều từ chối chích vắc- xin của Trung Quốc. Bản thân anh cũng thẳng thừng từ chối :

"Không, không, không, dứt khoát là không chích vắc- xin Trung Quốc. Thứ nhất, không thể tin cái ông vừa ‘sản xuất’ và có thể phát tán ra con vi-rút này, vừa sản xuất ra thuốc ngừa để bán. Cá nhân tôi và rất nhiều bạn bè của tôi không tin vắc- xin Trung Quốc. Không thể tin được ‘ông bạn vàng’ này. Thứ hai là tâm lý cảm thấy không công bằng khi các loại thuốc nổi tiếng về thương hiệu và hiệu quả thì lại được dùng để tiêm cho cán bộ, cho quan chức, thậm chí cả người nhà của quan chức.

Bây giờ nhập đến năm triệu liều vắc xin Trung Quốc về Sài Gòn để tiêm cho ai ? Tôi chở hàng nên gặp gỡ nhiều người. Ai cũng bảo dứt khoát không tiêm vắc- xin Trung Quốc dù trước đó có ký đơn tự nguyện tiêm".

Khó cho chính phủ ?

Thống kê cho thấy tính đến tối ngày 3 tháng 8, tổng số liều vắc-xin ngừa Covid-19 đã được tiêm tại Việt Nam là 6.959.197 ; trong đó có 6.246.333 liều tiêm mũi thứ nhất, 1.712.864 liều tiêm mũi thứ hai.

Việc người dân từ chối chích vắc- xin của Trung Quốc sẽ khó cho Chính phủ đạt mục tiêu 70% dân được chích ngừa. Ngoài việc người phản đối chích Sinopharm do không tin bất cứ sản phẩm nào từ Trung Quốc và tâm lý ‘bài Hoa’, người dân phản đối còn vì lý do không công bằng giữa dân và cán bộ. Thêm vào đó là những thông tin về vắc-xin Trung Quốc được báo chí quốc tế loan tải và Việt Nam dẫn lại.

Theo thông tin từ báo Công an nhân dân hôm 11 tháng 4 năm 2021, ông Gao Fu, Giám đốc Trung tâm Phòng chống dịch bệnh (CDC) Trung Quốc xác nhận vắc-xin ngừa Covid-19 do nước này chế tạo có tỷ lệ bảo vệ không cao và các chuyên gia đang cân nhắc kết hợp các mẫu vắc xin khác nhau để tăng hiệu quả.

Cũng trong tháng 4, báo Tuổi trẻ có bài viết "Chile bị Covid-19 'nhấn chìm' vì ỷ lại vào vắc xin Trung Quốc". Theo đó, dù nằm trong top đầu thế giới về tỉ lệ tiêm chủng nhưng Chile vẫn bị Covid-19 nhấn chìm, do hoàn toàn ỷ lại vào vắc- xin. Vắc xin CoronaVac của Trung Quốc đang chiếm tới 93% lượng vắc xin được triển khai cho chương trình tiêm chủng của Chile.

Gần đây nhất, tờ The Star đưa tin Giám đốc Sở Y tế bang Kelantan của Malaysia, ông Zaini Hussin, cho biết Kelantan sẽ ngừng tiêm vắc- xin Sinovac và thay bằng vắc-xin Pfizer-BioNTech tại tất cả các điểm tiêm chủng từ cuối tháng 7 năm 2021. Vị Giám đốc sở này từ chối đưa ra lý do ngưng sử dụng loại vắc- xin trên, dù khẳng định vấn đề không liên quan tới việc thiếu nguồn cung.

Truyền thông Nhà nước Việt Nam vào ngày 3 tháng 8 trích lời ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh trong buổi họp báo cung cấp thông tin về phòng, chống dịch Covid-19 ở thành phố rằng người dân có quyền từ chối tiêm vắc-xin Sinopharm của Trung Quốc mà không bị phạt. Vắc-xin này vẫn chưa được tiêm cho người dân Thành phố Hồ Chí Minh trong đợt tiêm mới nhất bắt đầu từ ngày 3 tháng 8 năm 2021.

Diễm Thi

Nguồn : RFA, 03/08/2021

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Nguyễn Ngọc Giàn Diễm Thi
Read 620 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)