Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

08/08/2021

Vùng biển Hoa Đông sục sôi mùi thuốc súng

Trọng Nghĩa - Thu Hằng

Trung, Nga tái lập tập trận rầm rộ vào lúc quan hệ căng thẳng với Mỹ

Trọng Nghĩa, RFI, 08/08/2021

Hơn 10.000 binh sĩ Trung Quốc và Nga dự kiến sẽ tham gia một cuộc tập trận kéo dài 5 ngày kể từ ngày mai 09/08/2021 tại một căn cứ huấn luyện chiến thuật ở khu tự trị Ninh Hạ miền tây bắc Trung Quốc. Giới quan sát cho rằng, cuộc tập trận này cho thấy Bắc Kinh và Matxcơva đang đẩy mạnh nỗ lực học hỏi lẫn nhau trong cách đối phó với Mỹ.

hoadong1

Tập trận Nga - Trung ngoài khơi tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc, ngày 19/09/2016. Reuters/Stringer

Theo ghi nhận của nhật báo Hồng Kông South China Morning Post, đây sẽ là cuộc tập trận chung đầu tiên do Trung Quốc tổ chức kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng lên. Trong khi bộ Quốc Phòng Trung Quốc cho biết là cuộc tập trận sẽ tập trung vào việc chống khủng bố và bảo đảm an ninh, nội dung rèn luyện cũng bao gồm việc thành lập một trung tâm chỉ huy chung cũng như nâng cao khả năng trinh sát chung, cảnh báo sớm, tấn công điện tử và thông tin, cũng như các tập dượt tấn công chung khác. 

Không chỉ thế, trong một thông báo gần đây, bộ Quốc Phòng Trung Quốc cho biết là vào cuối tháng Tám này, khu vực Tân Cương ở miền tây bắc Trung Quốc cũng là nơi tổ chức ba cuộc thi trong khuôn khổ Đại Hội Thể Thao Quân Đội Quốc Tế do Nga chủ xướng. Quân Đội Trung Quốc dự kiến sẽ cùng với Nga, Belarus, Ai Cập, Iran, Venezuela và Việt Nam trau dồi kỹ năng vận hành phương tiện chiến đấu, phóng tên lửa phòng không di động và trinh sát hạt nhân, sinh học và hóa học.

Vào tháng Chín tới đây, Trung Quốc dự kiến kết hợp một lần nữa với Nga, lần này cùng với Ấn Độ, Pakistan và các quốc gia Trung Á như Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan và Uzbekistan, trong một cuộc tập trận chống khủng bố của Tổ Chức Hợp Tác Thượng Hải.

Được đặt tên là "Sứ mệnh hòa bình-2021", cuộc điễn tập của Tổ Chức Hợp Tác Thượng Hải sẽ diễn ra tại khu huấn luyện Donguz ở vùng Orenburg phía tây nam nước Nga.

Theo Vasily Kashin, một chuyên gia về quân sự và Trung Quốc tại Trường Kinh Tế Cao Cấp, một trường đại học nghiên cứu ở Matxcơva, các cuộc tập trận kể trên sẽ diễn ra sau giai đoạn Bắc Kinh và Matxcơva cùng giảm quy mô các hoạt động quân sự chung vì đại dịch. Thế nhưng, ngay cả trong thời kỳ đại dịch, Trung Quốc đã cố gắng tham gia cuộc tập trận chỉ huy chiến lược Kavkaz-2020 ở Nga vào năm ngoái, một cuộc diễn tập chiến lược thứ ba của Nga mà Trung Quốc tham gia, sau Vostok-2018 và Tsentr-2019.

Trọng Nghĩa

Nguồn : RFI, 08/08/2021

*********************

Seoul quyết định vẫn tập trận với Mỹ bất chấp cảnh cáo của Bình Nhưỡng

Thu Hằng, RFI, 08/07/2021

Cuộc tập trận Bộ Chỉ huy Liên hợp (CCPT) Mỹ - Hàn sẽ vẫn diễn ra như dự kiến từ ngày 16 đến ngày 26/08/2021 bất chấp cảnh cáo từ phía Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, theo một số nguồn tin ngày 08/08, quy mô của cuộc tập trận mùa hè sẽ được thu nhỏ do đại dịch Covid-19.

hoadong2

Quân đội Hàn Quốc triển khai xe tăng tại Paiju, gần giới tuyến hai miền, tham gia tập trận chung với Mỹ ngày 07/03/2016. Reuters/Hwang Ki-sun/News1

Một nguồn tin của chính phủ cho Yonhap biết là Hàn Quốc "đang nghiên cứu để tổ chức cuộc tập trận như dự kiến. Đây là cuộc tập trận thường xuyên và cần thiết cho sự phối hợp". Seoul "duy trì các cuộc tham vấn chặt chẽ với Hoa Kỳ về vấn đề này""Cuộc diễn tập sắp tới sẽ có quy mô tối thiểu về các nhóm tham gia, thậm chí còn nhỏ hơn so với cuộc tập trận mùa xuân và không dự kiến bất kỳ cuộc tập trận bên ngoài nào", với lý do là vào ngày 06/08, bộ Quốc Phòng Hàn Quốc đã quyết định kéo dài các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt chống dịch Covid đối với toàn bộ lực lượng quân sự cho đến ngày 22/08.

Vấn đề đặt ra hiện này là cuộc tập trận chung mùa hè của hai đồng minh sẽ gây phản ứng như thế nào đối với Bình Nhưỡng. Trước đó, Kim Yo Jong, em gái của lãnh đạo Bắc Triều Tiên, từng cảnh cáo các cuộc tập trận Mỹ-Hàn sẽ ảnh hưởng đến bầu không khí hòa giải sau khi hai miền tái lập đường dây nóng.

Thu Hằng

Nguồn : RFI, 08/08/2021

***********************

Biển Đông : Trung Quốc bắt đầu hàng loạt cuộc tập trận, Việt Nam lên tiếng phản đối

Trọng Nghĩa, RFI, 06/08/2021

Đúng vào lúc diễn ra Hội Nghị Ngoại Trưởng ASEAN lần thứ 54 với vấn đề Biển Đông và những yêu sách chủ quyền "phi pháp" của Trung Quốc được đề cập đến trong nhiều cuộc họp có Mỹ tham gia, Trung Quốc đã loan báo một loạt cuộc tập trận trong khu vực, trong đó có hai cuộc tập trận mở ra vào hôm nay 06/08/2021. Một số hoạt động tập trận của Bắc Kinh trong vùng biển có tranh chấp với Việt Nam đã lập tức bị Hà Nội phản đối.

hoadong3

Ảnh minh họa ngày chụp ngày 20/08/2013 - Các thủy thủ Trung Quốc trên tàu khu trục tên lửa dẫn đường Thanh Đảo (phải) tại cảng quân sự ở Thanh Đảo (Qingdao), Sơn Đông, Trung Quốc.  AP

Như thông lệ, Trung Quốc tiết lộ thông tin về các cuộc tập trận thông qua các kênh báo chí và các thông báo cấm tàu thuyền qua lại đăng trên trang web của Cục Hải Sự.

Tờ Hoàn Cầu Thời Báo Trung Quốc vào hôm qua cho biết là một cuộc tập trận trên Biển Đông sẽ được tiến hành kể từ ngày 06/08, và kéo dài cho đến ngày 10/08. Theo tờ báo, "một số nhà quan sát" cho rằng cuộc tập trận lần này cũng giống như một cuộc tập trận được tiến hành vào năm ngoái, trong đó Quân Đội Trung Quốc được cho là đã tiến hành bắn thật loại tên lửa đạn đạo chống hạm gọi là "sát thủ tàu sân bay".

Trích dẫn thông báo của Cục Hải Sự Trung Quốc ngày 04/08 và một số nguồn tin báo chí khác, Hoàn Cầu Thời Báo cho biết là khu vực tập trận trải rộng từ vùng biển ngoài khơi phía đông nam đảo Hải Nam đến phần lớn vùng biển xung quanh quần đảo Tây Sa, tức là quần đảo Hoàng Sa mà Trung Quốc đã chiếm trọn từ Việt Nam năm 1974.

Bên cạnh cuộc tập trận dài ngày đó là một loạt cuộc diễn tập quân sự quy mô nhỏ và ngắn ngày hơn tại Vịnh Bắc Bộ, phía gần Trung Quốc, hay tại khu vực phía bắc Biển Đông.

Việt Nam phản đối

Sự kiện Trung Quốc cho tập trận tại khu vực gần quần đảo Hoàng Sa đã bị Việt Nam phản đối. Phát ngôn viên bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng, ngày 05/08, đã tố cáo Trung Quốc vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, và cuộc tập trận "đi ngược lại lại tinh thần tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông, gây phức tạp tình hình, không có lợi cho quá trình đàm phán hiện nay giữa Trung Quốc và ASEAN về Bộ Quy Tắc Ứng Xử giữa các bên ở Biển Đông…".

Và "Việt Nam yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa ; chấm dứt, và không tái diễn hoạt động vi phạm tương tự làm phức tạp thêm tình hình ở Biển Đông".

Thách thức Mỹ và đồng minh

Đối với các nhà phân tích, các cuộc tập trận mà Bắc Kinh khởi động trên vùng Biển Đông là những động thái thách thức, không chỉ đối với các láng giềng Đông Nam Á đang bị Trung Quốc tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông, mà cả đối với Mỹ và nhiều nước khác đã chỉ trích các đòi hỏi chủ quyền bị cho là "phi pháp" của Bắc Kinh về vùng biển này.

Gần đây nhất là các tuyên bố của ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken trong khuôn khổ các cuộc họp tại Hội Nghị Ngoại Trưởng ASEAN lần thứ 54, nhắc lại việc Washington bác bỏ những yêu sách phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông, theo phán quyết năm 2016 của Tòa Trọng Tài Thường Trực La Haye.

Ngoài Hoa Kỳ, ngày 03/08, New Zealand là nước mới nhất gởi công hàm lên Liên Hiệp Quốc để bác bỏ yêu sách lịch sử (của Trung Quốc) ở Biển Đông và khẳng định giá trị chung cuộc và ràng buộc của phán quyết của Tòa Trọng Tài về Biển Đông năm 2016.

Trọng Nghĩa

Nguồn : RFI, 06/08/2021

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Trọng Nghĩa, Thu Hằng
Read 716 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)