Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

09/08/2021

Chống tham nhũng là để "đánh bóng" tên tuổi của mình ?

RFA tiếng Việt - Phạm Quý Thọ

Tổng Trọng lại mạnh miệng hô hào chống tham nhũng để "đánh bóng" tên tuổi?

RFA, 10/08/2021

Chống tham nhũng "không ngừng nghỉ"

"Phòng, chống tham nhũng thời gian tới phải làm mạnh hơn nữa, quyết liệt hơn nữa, hiệu quả cao hơn nữa, không ngừng, không nghỉ và chỉ có tiến lên".

npt1

Vụ tham nhũng buôn lậu liên quan tới Công ty Nhật Cường thu hút sự chú ý của đông đảo công luận. - RFA edited

Đó là tuyên bố của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại phiên họp thứ 20 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, diễn ra vào ngày 5/8 vừa qua.

Báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng trong sáu tháng đầu năm 2021, được nêu ra tại phiên họp, cho thấy ủy ban kiểm tra các cấp đã kỷ luật hơn 70 tổ chức đảng và hơn 8.000 đảng viên; trong đó có gần 180 đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng.

Báo cáo cũng cho biết có 1.850 vụ án mới bị khởi tố liên quan đến tham nhũng trong sáu tháng đầu năm 2021. Đồng thời, cũng đã xét xử kịp thời bốn vụ án tham nhũng trọng điểm: vụ tại Công ty cổ phần Hóa dầu và nhiên liệu sinh học dầu khí Ethanol Phú Thọ, Tổng công ty Xây lắp dầu khí Việt Nam; vụ tại Dự án cải tạo và mở rộng sản xuất giai đoạn 2 - Công ty Gang thép Thái Nguyên; vụ tại Bộ Công Thương và Tổng Công ty Bia-rượu-nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) liên quan đến dự án 2-4-6 Hai Bà Trưng, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh ; vụ Công ty Nhật Cường và một số đơn vị liên quan.

Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tại phiên họp, cho biết các cơ quan khẩn trương đưa ra xét xử năm vụ án trọng điểm khác trong năm 2021.

Trong vai trò chủ trì phiên họp lần thứ 20, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu công tác chống tham nhũng "phải làm mạnh hơn, quyết liệt hơn" và phải "nhân văn, nhân đạo, rất có lý, có tình, tâm phục, khẩu phục".

Trước đó tại phiên họp đầu tiên kỳ họp 11 của Quốc hội, diễn ra vào ngày 23/3, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết công tác phòng, chống tham nhũng ngày càng được triển khai quyết liệt và có hiệu quả, với phương châm "không có vùng cấm, không có ngoại lệ, đã tạo ra sức răng đe, cảnh tỉnh lớn".

Giới quan sát : "Hiệu quả chống tham nhũng là không hiệu quả"

Blogger Đỗ Ngà, một người theo dõi sát sao tình hình chính trị-xã hội Việt Nam, vào tối ngày 10/8, lên tiếng với RFA liên quan phát biểu cùng tuyên bố của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng về công cuộc chống tham nhũng do chính ông Trọng phát động từ năm 2016.

"Hiệu quả là không có hiệu quả. Bởi vì, xảy ra tham nhũng là bản chất của bộ máy công quyền này. Bản chất của một nhà nước nào không minh bạch thì tạo cơ hội cho tham nhũng. Trong khi đó, tất cả những số liệu mà người dân yêu cầu minh bạch thì không bao giờ họ minh bạch. Bộ máy từ thời các tổng bí thư trước đó cho đến bây giờ thì vẫn như vậy, có khác thì khác nhau về tham nhũng thôi".

Blogger Đỗ Ngà dẫn chứng các vụ án tham nhũng được phanh phui và khởi tố ngày càng nhiều chỉ là bề nổi của tảng băng ‘tham nhũng" tại Việt Nam. Bằng chứng là các vụ án tham nhũng càng ngày càng nghiêm trọng, với quy mô lớn hơn và có sự tham gia, dính líu của giới chức lãnh đạo cấp cao như các cựu Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn và cựu Thứ trưởng Nguyễn Văn Hiến…

"Thật sự ra, chống tham nhũng không hiệu quả bằng phòng tham nhũng. Giống như chúng ta ở trong một căn nhà thì phòng cháy vẫn tốt hơn chữa cháy. Chữa cháy thế nào thì căn nhà cũng rụi rồi. Cho nên phải nói đến tận gốc rễ, nói rộng hơn là thay đổi thể chế còn hẹp hơn là thay đổi những cơ chế nhỏ trong đó. Cả hai lĩnh vực này thì bộ máy của Đảng cộng sản Việt Nam đều chưa thực hiện được. Cho nên theo tôi nghĩ, chống tham nhũng xong thì bộ máy vẫn như xưa".

npt0

Quang cảnh phiên họp thứ 20 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, ngày 5/8/2021. Courtesy of vov.vn

Qua một lần trao đổi với RFA liên quan công tác phòng, chống tham nhũng tại Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Quang A, hồi hạ tuần tháng 4/2021 nói rằng để chống tham nhũng được hiệu quả thì Việt Nam phải cần xây dựng bốn thể chế quan trọng, đó là "thượng tôn pháp luật, tư pháp độc lập, báo chí tự do và có các tổ chức xã hội dân sự hoạt động lành mạnh và sôi động".

Trong cùng thời điểm hạ tuần tháng 4/2021, TS. Hà Hoàng Hợp nêu quan điểm của ông với RFA rằng chống tham nhũng ở Việt Nam phải kết hợp nhiều hoạt động. Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp nhấn mạnh một trong những hoạt động quan trọng nhất là nâng cao nhận thức của các bên liên quan; trong đó có người dân, hướng họ tới sứ mệnh phụng sự đất nước.

Theo ghi nhận của truyền thông Nhà nước Việt Nam, trong thực tiễn có không ít những trường hợp tố cáo tham nhũng lại bị trù dập, trả thù.

Đơn cử, trường hợp thầy giáo Đỗ Việt Khoa, một giáo viên được biết đến như là tấm gương chống tiêu cực trong ngành giáo dục, hồi trung tuần tháng 3/2021 đã chia sẻ với RFA :

"Tôi có thể thấy mặc dù chủ trương của chính quyền là bảo vệ khen thưởng người tố cáo, nhưng việc trả thù, trù dập người tố cáo diễn ra thường xuyên và chưa bao giờ chấm dứt. Chưa bao giờ người trả thù, vùi dập người tố cáo ấy mà bị xử lý thích đáng. Họ bao che bưng bít nhau, và tôi cũng thấy hiếm khi nào người đứng đầu quốc gia lên tiếng trừng phạt những người chuyên quyền đã vùi dập người đấu tranh tố cáo. Như trường hợp của tôi bị hiệu trưởng cũ vùi dập bảy năm không nâng lương, thuê xã hội đen đánh mình, làm đủ trò mặc dù mình là người được quan chức cả nước biết đến nhưng ông ấy vẫn thách thức, không hề bị xử lý".

Ông Trọng quyết tâm chống tham nhũng để "đánh bóng" tên tuổi ?

Blogger Đỗ Ngà đưa ra nhận định của ông về quyết tâm chống tham nhũng của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ nhằm mục đích "đánh bóng" tên tuổi :

"Thật ra, công tác phòng, chống tham nhũng của Việt Nam giống như là một công tác ‘quảng bá’ cho bản thân ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng thì đúng hơn. Tại vì, khi ông Trọng buộc tội hoặc đưa vào tù những quan chức này thì sẽ ‘lấp’ về những quan chức khác. Thực sự, những quan chức khác đó có tốt hơn những quan chức cũ hay không thì lại là một vấn đề nữa.

Rõ ràng từ trước tới giờ qua các thời tổng bí thư thì ông Trọng chống tham nhũng quyết liệt nhất. Tức là thành tích của ông Trọng, thành tích để tô hồng cho bản thân ông Trọng rất là ấn tượng. Nhưng mà sau khi ông Trọng chống tham nhũng thì bộ máy được sạch hơn hay không. Đó mới là vấn đề quan trọng, trong khi hầu hết người dân không quan tâm đến vấn đề sau chống".

Đài RFA ghi nhận một số nhà quan sát tình hình Việt Nam nhận định công cuộc chống tham nhũng do Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng phát động, thực chất là các cuộc "thanh trừng" phe nhóm nội bộ lẫn nhau.

Tiến sĩ-Bác sĩ Đinh Đức Long, người tuyên bố từ bỏ Đảng cộng sản Việt Nam từ năm 2014, nêu lên quan điểm của ông với RFA hồi cuối tháng 12/2020 rằng:

"Một khi cương lĩnh chính trị của Đảng là cao nhất, hơn cả Hiến pháp, thì mọi hành vi chống tham nhũng dưới bất kỳ hình thức nào, bất kỳ thời gian nào cũng chỉ là để bảo vệ lợi ích của Đảng, chứ không phải là bảo vệ lợi ích của Dân".

Một báo cáo của Tổ chức Minh bạch Quốc tế (Transparency International) về Chỉ số Nhận thức Tham nhũng toàn cầu năm 2018, đã xếp Việt Nam hạng 117/180. Hạng này tụt 10 bậc so với năm trước đó. Tuy nhiên, chỉ số này năm 2020 của Việt Nam tăng lên 104/180. Tổ chức Hướng tới Minh bạch (Towards Transparency) nhận định Chỉ số Cảm nhận Tham nhũng (CPI) của Việt Nam có xu hướng cải thiện khá tích cực, cho thấy Việt Nam đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng nhưng cần phải quyết liệt và mạnh mẽ hơn.

Nguồn : RFA, 10/08/2021

*********************

Đảng chống tham nhũng trong bối cảnh chủ nghĩa tư bản thân hữu nghiêm trọng

Phạm Quý Thọ RFA, 09/08/2021

Chống tham nhũng có liên quan với chủ nghĩa tư bản thân hữu đang ngày càng nghiêm trọng. Làm rõ mối liên hệ này là yêu cầu thực tế để cải cách chính trị.

dang1

Một banner cổ động cho Đảng Cộng sản Việt Nam trên đường phố Hà Nội hôm 25/1/2021 -Reuters

Cựu Chủ tịch Hà Nội ông Nguyễn Đức Chung, người đã bị phạt tù năm năm về tội "chiếm đoạt tài liệu bí mật Nhà nước" vào cuối năm 2020, mới đây vào ngày 26/7/2021 lại bị đề nghị truy tố trong vụ án xảy ra tại Sở Kế hoạch và đầu tư Thành phố Hà Nội với tội danh "lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" can thiệp trái pháp luật vào hoạt động đấu thầu gói thầu số hoá hồ sơ đăng ký doanh nghiệp năm 2016 tại Sở Kế hoạch và đầu tư. Cùng với ông Chung, nhiều bị can khác cũng bị truy tố như cựu Chánh Văn phòng Thành ủy, Giám đốc Sở, cựu Chánh văn phòng ; cựu Phó giám đốc, cựu Trưởng phòng đăng ký kinh doanh Sở Kế hoạch và đầu tư và hai lãnh đạo doanh nghiệp tư nhân Công ty trách nhiệm hữu hạn Đầu tư và phát triển Đông Kinh. Vụ án này được tách ra từ vụ án xảy ra tại Công ty Nhật Cường và một số đơn vị liên quan. Đây là vụ án điển hình xảy ra gần đây nhất phản ánh tình hình chống tham nhũng trong bối cảnh chủ nghĩa thân hữu nghiêm trọng.

dang0

Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung phát biểu tại chuyến thăm một nhà máy ở Pháp hôm 26/10/2019. AFP

Thuật ngữ "chủ nghĩa tư bản thân hữu" (tiếng Anh : crony capitalism) đầu tiên được sử dụng vào những năm 1980, để mô tả nền kinh tế Philippines dưới chế độ độc tài của Ferdinand Marcos. Nó được sử dụng để mô tả các quyết định của chính phủ có lợi cho tay chân của các quan chức chính phủ. Thuật ngữ chủ nghĩa tư bản thân hữu đã tạo ra một tác động đáng kể trong công chúng như một lời giải thích về cuộc khủng hoảng tài chính Châu Á năm 1997 như ở Thái Lan và Indonesia. Theo khái niệm chung, chủ nghĩa tư bản thân hữu còn gọi là tư bản thân tộc, tư bản lợi ích nhóm, hay đôi khi doanh nghiệp sân sau, là thuật ngữ dùng để miêu tả nền kinh tế dựa trên mối quan hệ khắng khít giữa doanh nghiệp và quan chức chính phủ để chiếm đoạt, tham nhũng hay trục lợi. Trong kinh tế thị trường những hình thức ân huệ, ưu đãi và nhiều kiểu trợ giúp kín đáo, tinh vi khác của quan chức chính quyền được dành cho các nhóm thân quen, nhóm lợi ích mà các doanh nghiệp bên ngoài khác không thể tiếp cận được.

Chủ nghĩa tư bản thân hữu tồn tại dưới các hình thức và mức độ nghiêm trọng khác nhau. Ở mức độ thấp nhất, đó là sự cấu kết giữa các bên tham gia thị trường được chính phủ chính thức chấp nhận hoặc khuyến khích. Mặc dù có thể là cạnh tranh "nhẹ" với nhau, nhưng họ cùng tham gia trong các hiệp hội thương mại hoặc công nghiệp để yêu cầu trợ giúp pháp lý hay trợ cấp trong những tình huống khẩn cấp từ chính phủ. Chủ nghĩa tư bản thân hữu cũng tồn tại dưới hình thức khi các tập đoàn tư nhân thống trị toàn bộ nền kinh tế hoặc các ngành công nghiệp có giá trị nhất trong một nền kinh tế kiểu như các Cheabol ở Hàn Quốc.

Đối với Liên bang Nga, nền kinh tế dựa vào tài nguyên, một chế độ dân quyền siêu giàu có và trung thành với sự tồn tại của chủ nghĩa độc tài là nét đặc trưng. Nhà kinh tế học người Thụy Điển Anders Åslund trong cuốn "Chủ nghĩa tư bản thân hữu của Nga : Con đường từ kinh tế thị trường đến chế độ tập quyền" (2019) đã khám phá rằng Tổng thống Nga V. Putin, bằng cách bổ nhiệm các cộng sự thân cận của mình làm người đứng đầu các doanh nghiệp nhà nước và trao quyền kiểm soát cơ quan an ninh và tư pháp cho những người bạn của mình từ KGB, từ quê hương Saint Petersburg để họ làm giàu bằng các giao dịch ưu đãi của chính phủ.

Đối với Trung Quốc, chế độ chính trị tương đồng với Việt Nam, chủ nghĩa tư bản thân hữu đã ăn sâu vào đời sống xã hội. Mối liên hệ quyền lực và doanh nghiệp chằng chịt, phức tạp ở các cấp chính quyền đã được mô tả bởi GS Bùi Mẫn Hân (Pei Minxin) trong tác phẩm "Tư bản thân hữu Trung Quốc", năm 2016 (đã được dịch và phát hành ở Việt Nam năm 2018 bởi Nhà xuất bản Hội nhà văn.) Trước đó 10 năm, GS Ngô Kính Liễn (Wu Jinglian) nhà kinh tế hàng đầu của Trung Quốc, người ủng hộ quá trình chuyển đổi sang thị trường tự do, đã chỉ ra kết cục khó tránh khỏi.

Ở Việt Nam chủ trương Đổi mới, tương tự như chính sách "Cải cách và Mở cửa" ở Trung Quốc, đã khuyến khích phát triển kinh tế tư nhân và đầu tư nước ngoài. Chuyển đổi kinh tế sang thị trường đã thúc đẩy chủ nghĩa tư bản về thực chất. Quá trình tích luỹ "nguyên thuỷ" và làm giàu ở Việt Nam mang những đặc trưng riêng. Nhiều người Việt học tập và làm việc ở Đông Âu trong bối cảnh hệ thống xã hội chủ nghĩa đang sụp đổ trước và sau năm 1990 có vai trò nhất định trong việc tạo "vốn - tư bản" kết hợp với lao động, đất đai, tài nguyên trong nước nhờ những quan hệ thân hữu để trở thành "các nhà tư sản dân tộc". Họ đã tạo ra một con đường riêng đến chủ nghĩa tư bản thân hữu. Một thời như vậy, "hoang dã" và "hỗn loạn", đã được tác giả Nam Nguyên mô tả khá cụ thể trong "Đông Âu Anh hùng truyện" (2020). Tuy nhiên, một số người trong họ đã thành công và có tên trong tạp chí nổi tiếng Forbes, ghi danh những người giàu nhất trên khắp thế giới.

dang2

Bà Nguyễn Thị Phương Thảo, CEO của Vietjet phát biểu tại một hội nghị ở Dubai hôm 10/11/2015. Bà Thảo là một trong những tỷ phú ở Việt Nam từng học ở Đông Âu

Chủ nghĩa tư bản thân hữu nghiêm trọng ở Việt Nam được phơi bày, như một hệ quả nhưng cũng đồng thời là nguyên nhân của tình hình "bất ổn kinh tế vĩ mô và thể chế" trong những năm 2010s. Trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, tình trạng sở hữu chéo, quản lý rủi ro lỏng lẻo, các tổ chức tín dụng này bị chi phối bởi một nhóm cổ đông, "nhóm lợi ích" giữ chức danh lãnh đạo. Họ đã biến nhiều ngân hàng để phục vụ các công ty sân sau của mình, dẫn đến nợ xấu. Trong lĩnh vực nhà đất, các dự án đầu tư công, kể cả các đề tài khoa học cấp nhà nước, cấp bộ hay tương đương… "cơ chế xin – cho" đối với tài sản công đã khiến "bộ phận không nhỏ" các quan chức "hư hỏng". Hơn thế, thực trạng "lợi ích nhóm" và "nhóm lợi ích" trong giai đoạn này là "đáng báo động" và "có nguy cơ lan rộng", kể cả ở "những nơi mà xưa nay trong tiềm thức xã hội là nơi luôn trang nghiêm, trong sạch", như lời "bộc bạch" trên báo mạng Tuoitre.vn năm 2015 của ông Vũ Ngọc Hoàng, nguyên Phó ban Tuyên giáo Trung ương nhiệm kỳ 2011-2016.

Tình hình đến nay vẫn còn diễn biến phức tạp bởi chính thực chất vấn đề. Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng trong báo cáo tổng kết đánh giá bảy năm hoạt động (2013-2020) đã chỉ ra trong số hàng chục nghìn cán bộ đảng viên bị xử lý kỷ luật, kể cả các lãnh đạo thuộc diện trung ương quản lý, thì các vụ án về tội danh tham nhũng và lợi dụng chức quyền chiếm tỷ lệ không nhỏ. Mới đây, Ủy ban Kiểm tra trung ương tại kỳ họp thứ 5 của ngày 4/8/2021 cho biết chỉ trong sáu tháng đầu năm 2021, trên 70 tổ chức đảng, trên 8.000 đảng viên vi phạm bị trừng phạt, trong đó có gần 180 đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng, cố ý làm trái, và hơn 20 đảng viên bị kỷ luật do vi phạm về kê khai tài sản, thu nhập… Cũng tại kỳ họp này có bốn Phó chủ tịch, nguyên Phó chủ tịch Hà Nội có quyết định bị kỷ luật và hai nguyên Phó chủ tịch Thành phố Hồ Chí Minh bị đề nghị Ban Bí thư kỷ luật…

Chủ nghĩa tư bản thân hữu, một thuật ngữ không sử dụng thuật ngữ trong các văn bản chính thống do "nhạy cảm" chính trị, nhưng đó là một thực tế đòi hỏi giới lãnh đạo nhìn thẳng vào sự thật và giới nghiên cứu để tâm hơn. Chủ nghĩa tư bản thân hữu là một xu hướng không tránh khỏi và một đặc điểm của chủ nghĩa tư bản, có liên quan đến quyền lực của Đảng và Nhà nước. Chống tham nhũng trong bối cảnh chủ nghĩa tư bản thân hữu như hiện nay bằng quyền lực tuyệt đối chỉ nên coi là giải pháp cấp bách, dù có quyết liệt nhưng chứa đựng nhiều rủi ro. Cải cách thị trường dựa vào các quy luật, nguyên tắc vận hành của nó và kiểm soát quyền lực bằng đối trọng và cơ chế giám sát bởi người dân cần được cho là chính sách căn cơ cần được ưu tiên cho vấn đề.

Phạm Quý Thọ

Nguồn : RFA, 09/08/2021

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFA tiếng Việt, Phạm Quý Thọ
Read 718 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)