Thật vui mừng, thật hứng khởi được sống giữa thủ đô Paris khi chế độ chính trị của nước Pháp, từng đi đầu thế giới trong cuộc Cách Mạng Dân Chủ hơn 200 năm trước, nay lại quyết định tự trẻ hóa mình qua một cuộc thay hẳn giòng máu mới.
Lễ duyệt binh ngày nhậm chức của tân tổng thống Emmanuel Macron, trên đại lộ Champs Elysees. (AP Photo/Michel Euler)
Cách đây 2 năm, trong nền chính trị Pháp không ai biết Emmanuel Macron là ai. Đến tháng 6/2009, khi 32 tuổi, E. Macron được tuyển làm công chức với chức vụ Phó Văn phòng tổng thống F.Hollande. Tháng 8/2014, E. Macron được cử là Bộ trưởng Bộ kinh tế - công nghiệp và kỹ thuật số. Tháng 4/2016, E. Macron đứng ra thành lập phong trào En Marche – EM – Tiến Bước. Tháng 8/2016, ông từ nhiệm chức Bộ trưởng để tập trung xây dựng phong trào, chuẩn bị cho cuộc bầu Tổng thống năm 2017.
Chỉ trong vài tháng phong trào EM lan rộng khắp Thủ Đô, rồi lan rộng ra khắp nước. Chỉ trong 4 tháng đã có 70 nghìn người tham gia, phần lớn là từ các tổ chức dân sự, trí thức, sinh viên học sinh, nghề tự do. Cuộc bầu cử vòng đầu, các cơ quan thăm dò dư luận lúc đầu đều dự đoán bà Le Pen của Đảng Mặt Trận Quốc Gia (FN-Front National) sẽ dẫn đầu. Một sự bất ngờ xảy ra, kết quả bầu vòng 1 / ngày 23/4/2017, E. Macron vượt lên dẫn đầu với tỷ lệ 24,01%, Le Pen chỉ đạt 21,30%.
Sang vòng 2, ngày 7/5, thắng lợi của EM càng thêm rạng rỡ : 66,10% so với 33,90% của FN.
Một Tổng thống mới hơn 39 tuổi, E. Macron là Tổng thống trẻ nhất lịch sử nước Pháp, là Tổng thống trẻ nhất thế giới qua bầu cử dân chủ, là một nét son tươi của thế giới văn minh hiện đại. Cả nước Pháp tưng bừng mở hội chào đón vị Tổng thống trẻ măng, thông minh, hoạt bát, giữa lúc nước Pháp đứng trước biết bao vấn đề nan giải, từ nạn thất nghiệp vẫn cao một cách dai dẳng, nạn khủng bố đe dọa ngày đêm, Liên Minh Châu Âu nghiêng ngả khi nước Anh rút chân ra, khi giới nông dân nổi giận, vấn đề dân nhập cư và an ninh xã hội nhức nhối, tuổi trẻ bất an, xã hội thiếu niềm tin.
Theo E. Macron, phong trào Tiến Bước là một cuộc cách mạng, là phá cái cũ cổ lỗ, là xây cái mới, thật mới.
Chế độ cũ hình thành hơn 200 năm đã bị phá đổ, với gạch ngói vỡ nát ngổn ngang. Xưa nay người ta hay gọi chế độ chính trị Pháp là chế độ 2 đảng thay thế nhau cầm quyền, khi thì là đảng phái hữu như đảng Cộng Hòa hoặc tiền thân của nó, khi thì là đảng phái tả như Đảng Xã Hội. Cũng có khi là chế độ chung sống, liên minh các đảng tả hữu, nhưng vẫn là một đảng tả hay hữu cầm chịch.
Sắp tới các đảng tả và hữu truyền thống đều sa sút, hàng ngũ phân tán, rã rời. Đảng LR – Les Républicaíns – sẽ không thể giành lại thế đa số trong Quốc hội, vì đã có một số nòng cốt bỏ đảng để gia nhập REM – République En Marche, Nền Cộng Hòa Tiến Bước, là tên mới của phong trào En Marche. LR vỡ ra từng mảnh, nhóm Juppé, nhóm Sarkozy, nhóm Fillon, nhóm trẻ F. Baroin đang cố hàn gắn thất bại.
Số phận Đảng Xã Hội còn bi đát hơn, gần như nát vụn, khi ở vòng đầu chỉ đạt 6% số phiếu. Nguyên Thủ tướng M. Valls hạ mình xin theo REM, bị nhã nhặn khước từ. Ông bị đảng Xã Hội chê là phản bội khi sớm đầu quân cho E. Macron.
Sắp tới qua 2 vòng bầu cử Quốc hội sôi nổi, quyết liệt ngày 11 và 18/6 sẽ quyết định bộ mặt chính trị của nước Pháp trong tương lai gần. So sánh lực lượng giữa các phe phái sẽ thay đổi lớn, và hiện ra rõ ràng.
Trước hết cần chú ý cuộc ra quân của người chiến thắng, của REM, của Tổng thống mới E. Macron vừa tuyên thệ nhận chức hôm nay Chủ nhật 14/5/2017.
Nước Pháp có 577 khu bầu cử ; 289 ghế là đa số trong Quốc hội.
Ban lãnh đạo REM đã xét duyệt hồ sơ của 19.000 thành viên của mình, và sơ bộ lựa chọn 428 người, 214 nữ, 214 nam ra tranh cử tại 577 khu bầu cử. Trong số này có khoảng 40 người thuộc MoDem – Mouvement Démocratique của François Bayrou, từng liên minh với Phong Trào EM trong vòng 2.
Theo thể lệ bầu cử Quốc hội, trong vòng một, ai được đa số trên 50% phiếu bầu sẽ trúng cử, với điều kiện phải có ít nhất trên 25% cử tri đi bầu.
Nếu phải sang vòng 2, chỉ được tham gia tiếp ai đạt trên 12,5 % trong vòng 1, và ai có số phiếu cao hơn là trúng cử.
Theo thăm dò dư luận của các hãng thăm dò chuyên nghiệp, dự phóng kết quả tranh cử vào Quốc hội tháng 6 tới sẽ có thể là :
Đảng PS Xã Hội : từ 40 đến 60 ghế ;
Đảng LR Những Người Cộng Hòa : từ 120 đến 150 ghế ;
Đảng FN Mặt trận quốc gia của Le Pen : từ 50 đến 70 ghế ;
Đảng France Insoumise của Melenchon (cực tả) : từ 60 đến 80 ghế.
Phong trào REM (Républicain En Marche) Cộng Hòa Tiến Bước, liên minh cùng MoDem : từ 200 đến 240 ghế.
Chỉ còn gần một tháng là bầu Quốc hội vòng một. Các đảng chính trên đây sẽ ráo riết thực hiện các cuộc tranh cử rộng lớn ở cơ sở khắp cả nước. Sẽ có những cuộc thay đổi lựa chọn mới của mỗi người. REM sẽ nỗ lực để đạt con số quá bán 289 ghế.
Đã có một số nhân vật nổi tiếng tuyên bố gia nhập REM như nhà luật học, thẩm phán Eric Halphen, nhà toán học Cédric Villani đoạt giải Fields, hay nhà ngoại giao Bernard Kouchner, nhà văn hóa Jack Lang cũng tỏ tình thân với Tổng thống trẻ Macron. Tổng thống F. Hollande cũng tỏ ra ưu ái người kế vị mình.
Rất đáng chú ý là có đến 52% - quá nửa số ứng cử của REM – đảng của Tổng thống – là thuộc xã hội dân sự, chưa một ai có vết hình sự, chưa hề làm viên chức nhà nước, xa cách với nếp làm việc quan liêu bàn giấy, tràn ngập giấy tờ đã thành cố tật của nước Pháp. Tuổi từ 22 đến 70.
Đó chính là giòng máu mới trẻ trung, tươi đỏ đang được truyền vào cơ thể của nước Pháp đang đứng thẳng dậy, khoát tay nhau bước tới trước, với niềm tin mới, sức cường tráng, sáng tạo mới. Với đà này REM liên minh với MoDem nuôi hy vọng có thể đạt đa số trong Quốc hội, tạo thuận lợi cho việc cầm quyền, khi Tổng thống cùng có đa số trong Quốc hội. Liên minh 2 đảng sẽ gọn, thuận lợi, không cần đến một Chính Phủ Liên Hiệp quá rộng, nặng nề phức tạp. Tuy là kết hợp liên minh 2 tổ chức nhưng về danh xưng vẫn chỉ là REM – Nền Cộng Hòa Tiến Bước. Đường lối chính trị của REM là gần với đường lối Xã Hội – Dân Chủ, tuy tự nhận không tả, không hữu, kết hợp từ mọi phía, trừ 2 cánh cực hữu và cực tả.
Nhiều nhà bình luận tỏ ra lạc quan tuy còn thận trọng. Ngày bàn giao chức Tổng thống diễn ra sôi nổi, nhân dân nô nức tập họp dọc đại lộ Élysées, quanh Khải Hoàn Môn, trước Tòa Thị Chính, với số lượng vượt các cuộc bàn giao trước đây.
Ngay sau ngày nhậm chức, Tổng thống E. Macron lên đường sang Berlin gặp bà A. Merkel để bàn về quan hệ Pháp – Đức và vấn đề củng cố khối Liên Âu.
Vấn đề mọi người chờ đợi trưa nay là Tổng thống chọn ai làm Thủ tướng và Chính Phủ mới – chừng 15 Bộ Trưởng, là những ai. Chính phủ mới sẽ làm việc ngay cho đến sau bầu Quốc hội tháng 6, sẽ có Chính Phủ mới nữa khi được Quốc hội mới phê chuẩn. Hiện mới chỉ biết cố vấn đặc biệt của Tổng thống về chiến lược và truyền thông là Tiến sĩ khoa học chính trị Ismail Émelien, 30 tuổi, Chánh Văn phòng tổng thống là Alexis Kohler, 44 tuổi.
Hôm nay Thủ tướng là Édouard Philippe 46 tuổi, hiện là Thị trưởng thành phố Cảng Le Havre từ năm 2010, thuộc đảng LR, cánh Juppé, cũng tốt nghiệp 2 trường lớn Sciences-Po - Khoa Học Chính Trị, và ENA – Quốc Gia Hành Chánh. Một sự lựa chọn mạnh dạn, quả đoán, vô tư, không thiên vị, theo tiêu chuẩn ‘’có kinh nghiệm cầm quyền, có khả năng điều hành trọng trách này." Trong lễ bàn giao, mọi người thấy Tổng thống mới choàng tay ôm ông E. Philippe đứng cạnh ông Bayrou, và ông E. Philippe xúc động đến rớt nước mắt.
Tháng 6 tới, sau cuộc bầu Quốc hội, sẽ có một Quốc hội mới, trẻ hơn, tư duy hiện đại, tác phong hoạt bát, khẩn trương do đã thay giòng máu mới.
Hai trăm năm trước, năm 1814 quy định ra ứng cử Quốc hội phải đủ 40 tuổi. Năm 1830, hạ xuống thành 30 tuổi. Năm 2000 lại hạ xuống là 23 tuổi, năm 2011, hạ hẳn xuống 18 tuổi.
Năm 2012 tuổi trung bình của Quốc hội Pháp là 54.5 tuổi. Bắt đầu quy định là các đại biểu đến 72 tuổi thì nghỉ hưu. Năm 2015 có 50 Nghị sĩ và 35 Dân biểu về hưu, chiếm 14% Thượng Viện và 6% Hạ Viện. Quốc hội trẻ hẳn ra.
Trước đó từng có Nghị sĩ cao tuổi nhất là cụ Marcel Dassault tham chính đến 94 tuổi. Hiện tượng này sẽ không còn.
Chắc chắn vào tháng 6 tới, sẽ xuất hiện hàng loạt bộ mặt mới trẻ hơn trong bộ máy cầm quyền cao nhất của nước Pháp, hài hòa với Tổng thống trẻ nhất. Bộ máy Nhà Nước sẽ được thay giòng máu mới, với tác phong trẻ khỏe, thông minh, sáng tạo, nhanh nhạy lan rộng ra khắp nước Pháp thời hồi sinh.
Thấy mà thèm ! Mong sao nước Việt hiện theo một chế độ kỳ quặc cổ lỗ không giống ai, sẽ đến lúc thay mới giòng máu chính trị dân chủ để tiến kịp thế giới đang thay máu mới. Các tổ chức xã hội dân chủ trong nước đang đi tiên phong cho cuộc thay giòng máu tất yếu này.
Bùi Tín
Nguồn : VOA, 15/05/2017