Tình báo Mỹ ‘lạc quan tếu’, và vì sao Joe Biden quyết rút khỏi Afghanistan
Taliban vào thứ Bảy 14/8 đã tiến vào thành phố Mazar-e-Sharif ở phía bắc Afghanistan, loại bỏ một trong những cơ sở kháng cự quan trọng cuối cùng.
Những người Afghanistan di tản ở Kabul, Afghanistan. Ảnh : 10/8/2021
Đây là trận thua mới nhất trong một loạt thất bại kinh hoàng sau quyết định hồi tháng 4 của Tổng thống Joe Biden về việc rút các lực lượng Mỹ khỏi Afghanistan.
Cần nhắc lại Tổng thống Donald Trump đã cam kết trong chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2016 rằng ông sẽ chấm dứt cuộc chiến của Mỹ ở Afghanistan.
Vào tháng 12/2018, Taliban thông báo họ sẽ gặp các quan chức Mỹ để cố gắng tìm ra "lộ trình tiến tới hòa bình".
Tháng Hai năm 2020, Mỹ và Taliban đã ký một "thỏa thuận mang lại hòa bình" cho Afghanistan sau hơn 18 năm xung đột.
Sau khi Joe Biden lên làm Tổng thống, Joe Biden xem lại chính sách, và thay vì rút quân Mỹ vào tháng Năm 2021, Biden cho phép đình hoãn tới trước ngày kỷ niệm 11/9.
Cho tới tận đầu tháng Bảy năm nay, Joe Biden còn khẳng định lực lượng Taliban với khoảng 75.000 chiến binh không thể sánh được với 300.000 lực lượng an ninh Afghanistan.Báo New York Times ngày 14/8 đăng bài tiết lộ những thông tin hậu trường về các bàn thảo của Nhà Trắng.
Quân đội Afghanistan yếu kém
Theo tờ báo, Lầu Năm Góc đã đưa ra những cảnh báo nghiêm trọng đối với ông Biden ngay cả trước khi ông nhậm chức về khả năng Taliban đánh bại quân đội Afghanistan. Nhưng tình báo Mỹ đánh giá sự sụp đổ chỉ có thể xảy ra trong 18 tháng chứ không phải vài tuần.Hoa Kỳ biết rõ các vấn đề của quân đội Afghanistan : tham nhũng sâu sắc, chính phủ không trả lương cho nhiều binh sĩ và cảnh sát Afghanistan trong nhiều tháng, tình trạng đào ngũ, những người lính được đưa ra mặt trận mà không có đủ thức ăn và nước uống.Báo New York Times dẫn nguồn các trợ lý của ông Biden nói rằng sự tồn tại dai dẳng của những vấn đề đó đã củng cố niềm tin của tổng thống rằng Hoa Kỳ không thể chống đỡ cho Afghanistan vĩnh viễn.Trong các cuộc họp tại Phòng Bầu dục vào mùa xuân 2021, ông nói với các phụ tá rằng việc ở lại thêm một năm, hoặc thậm chí 5 năm, sẽ không tạo ra sự khác biệt đáng kể và không đáng để mạo hiểm.
Lầu Năm Góc vận động
Theo New York Times, sau khi Biden nhậm chức, các quan chức hàng đầu của Bộ Quốc phòng đã bắt đầu một chiến dịch vận động hành lang để giữ một lực lượng chống khủng bố nhỏ ở Afghanistan trong vài năm nữa.Họ nói với tổng thống rằng Taliban đã mạnh mẽ dưới thời ông Trump hơn bất kỳ thời điểm nào trong hai thập niên qua.Ngay sau khi Lloyd J. Austin III tuyên thệ nhậm chức Bộ trưởng Quốc phòng vào ngày 22 tháng 1, ông và Tướng Mark A. Milley, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân, đã đề nghị với ông Biden rằng 3.000 đến 4.500 quân cần ở lại Afghanistan, gần gấp đôi con số 2.500 quân ở đó.
Vào ngày 3 tháng 2, một hội đồng do Quốc hội chỉ định do một tướng Thủy quân lục chiến 4 sao đã nghỉ hưu, Joseph F. Dunford Jr., đã công khai khuyến nghị rằng ông Biden bỏ thời hạn rút quân vào ngày 1 tháng 5 và chỉ giảm bớt lực lượng Mỹ khi các điều kiện an ninh được cải thiện.Nhưng theo New York Times trong bài báo ngày 14/8, ông Biden đã hỏi vài nghìn quân Mỹ có thể làm gì nếu Kabul bị tấn công. Các trợ lý cho biết Biden nói với họ rằng sự hiện diện của quân đội Mỹ sẽ chỉ làm chính phủ Afghanistan càng phụ thuộc Mỹ.
Người Afghanistan chạy trốn từ các tỉnh phía bắc đến Kabul (10 tháng 8)
Joe Biden cương quyếtTổng thống nói với nhóm an ninh quốc gia của mình, bao gồm Ngoại trưởng Antony J. Blinken và cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan, rằng ông tin chắc rằng bất kể Hoa Kỳ làm gì, Afghanistan gần như chắc chắn sẽ rơi vào một cuộc nội chiến khác.Đến tháng Ba, các quan chức Lầu Năm Góc cho biết họ nhận ra rằng Joe Biden không lay chuyển.Vào cuối tháng Ba, bộ trưởng Austin và tướng Milley đã thực hiện một nỗ lực cuối cùng bằng dự báo những kết quả tồi tệ.
Nhưng tổng thống vẫn cương quyết.Các trợ lý cho New York Times biết Biden hỏi, nếu chính phủ Afghanistan không thể cầm chân Taliban lúc này, thì khi nào họ có thể làm được ?Không ai trong số các quan chức Lầu Năm Góc có thể trả lời câu hỏi.
Tình báo 'lạc quan tếu'
Vào sáng ngày 6 tháng 4, ông Biden nói với ông Austin và tướng Milley rằng ông muốn tất cả quân Mỹ phải ra đi trước ngày 11 tháng 9.Cho tới tận cuối tháng 6, các cơ quan tình báo Mỹ còn ước tính rằng ngay cả khi Taliban tiếp tục thắng thế, thì phải ít nhất một năm rưỡi nữa Kabul mới bị đe dọa.
Trước ngày 4 tháng 7, Hoa Kỳ đã bàn giao Căn cứ Không quân Bagram cho người Afghanistan, chấm dứt tất cả các hoạt động quân sự lớn của Hoa Kỳ tại nước này.
Đối với những người chỉ trích Biden, tổng thống đã đánh giá thấp tầm quan trọng của việc Mỹ nên duy trì lực lượng ít ỏi tại Afghanistan.
David H. Petraeus, tướng về hưu từng chỉ huy các lực lượng quốc tế ở Afghanistan, phê phán rằng chính phủ Biden không nhận thức được rủi ro của việc rút lui chóng vánh.Kết quả là các lực lượng Afghanistan trên bộ sẽ "chiến đấu trong vài ngày, và sau đó nhận ra rằng không có quân tiếp viện", ông này nói.Nhưng các quan chức chính quyền phản bác rằng quân đội Afghanistan có lợi thế hơn nhiều.
John F. Kirby, thư ký báo chí Lầu Năm Góc cho biết : "Họ có trang thiết bị hiện đại. Họ được hưởng lợi từ việc đào tạo mà chúng tôi đã cung cấp trong 20 năm qua. Bây giờ là lúc để sử dụng những lợi thế đó".
Tổng thống Mỹ nói với các phóng viên tại Nhà Trắng vào tối thứ Ba rằng : "Các nhà lãnh đạo Afghanistan phải tập hợp lại với nhau".
"Họ phải chiến đấu cho chính họ, chiến đấu cho quốc gia của họ", Joe Biden nói.Theo tờ Wall Street Journal hôm 14/8, hệ thống phòng thủ của Kabul sẽ dễ dàng bị xuyên thủng và các quan chức an ninh ước tính rằng hàng trăm chiến binh Taliban đã ở sẵn trong thành phố, sẵn sàng nổi dậy.
Giây phút suy tư ?
Sự tan rã của quân đội Afghanistan chỉ trong một vài tuần đang khiến quân đội và các nhà hoạch định chính sách của Washington suy ngẫm về những thất bại của họ trong suốt gần hai thập niên.
Trong một cuốn sách ra năm 2020, cựu bộ trưởng quốc phòng Mỹ Robert Gates nhận xét Mỹ lẽ ra cần rút sớm khỏi Afghanistan.
"Bắt đầu là một trong những chiến dịch quân sự nhỏ nhất, ít tốn kém nhất, ngắn nhất, thành công nhất trong lịch sử Hoa Kỳ, và rồi đã biến thành một cuộc xung đột kéo dài nhiều thế hệ, cuộc chiến dài nhất trong lịch sử của chúng ta".
"Mọi thứ trở nên sai lầm vì những lý do tương tự thời hậu Chiến tranh Lạnh : sự kiêu ngạo khi tin rằng chúng ta có sức mạnh để biến đổi một đất nước và nền văn hóa, những sai lầm chiến lược và sự yếu kém của các công cụ quyền lực phi quân sự của chúng ta, những thứ rất cần thiết cho cơ hội thành công".
Còn tờ Washington Post ngày 14/8 dẫn lời Michèle Flournoy, một trong những kiến trúc sư của đợt tăng quân của Tổng thống Barack Obama ở Afghanistan vào năm 2010 : "Nhìn lại, Hoa Kỳ và các đồng minh đã thực sự sai ngay từ đầu. Tiêu chuẩn được thiết lập dựa trên lý tưởng dân chủ của chúng tôi, mà không dựa trên những gì bền vững hoặc khả thi trong bối cảnh Afghanistan".
Bà Flournoy cho hay ban đầu bà còn tưởng đợt tăng quân năm 2010 sẽ thành công.Nhưng khi đến Afghanistan, bà nhận ra tham nhũng diễn ra sâu hơn những gì họ hiểu trước đây và gây nguy hiểm cho chiến lược của Mỹ, vốn phụ thuộc vào việc xây dựng tính chính danh cho chính phủ Afghanistan.
Flournoy nói. "Chúng tôi đã đặt cược lớn chỉ để biết rằng đối tác địa phương của chúng tôi là thối nát".
Nguồn : BBC, 15/08/2021
******************
Afghanistan : Taliban tiến vào Kabul, Jalalabad thất thủ
Thu Hằng, RFI, 15/08/2021
Ngày 15/08/2021, Taliban tiến vào thủ đô Kabul sau khi đã dễ dàng chiếm được thành phố Jalalabad. Trước đó vài giờ, ngày 14/08, Mazar-i-Sharif, thành phố lớn thứ tư của Afghanistan có chung số phận.
Trực thăng của quân đội Mỹ bay phía trên đại sứ quán Mỹ ở Kabul, ngày 15/08/2021 trong khi Washington đang đưa người di tản khỏi Afghanistan. AP - Rahmat Gul
Theo Bộ Nội vụ Afghanistan, được Reuters trích dẫn, quân Taliban tiến vào Kabul từ mọi phía. Nhiều người dân cũng khẳng định thông tin này với hãng tin Pháp AFP. Tuy nhiên, một quan chức Taliban ở Doha khẳng định lính Taliban được lệnh đóng ở các cửa ô, tránh mọi bạo lực, không cản trở những người muốn rời đi, còn phụ nữ được yêu cầu trú ở nơi an toàn.Như vậy, chỉ trong vòng 10 ngày, quân Taliban đã kiểm soát được phần lớn đất nước, chiếm hết miền bắc Afghanistan. Chính quyền Kabul vẫn nắm một số thành phố nhỏ nhưng tản mát, cách xa thủ đô và không còn giá trị chiến lược quan trọng. Nhiều quân nhân Afghanistan đào ngũ, tìm cách vượt biên sang nước láng giềng Uzbekistan, trong đó có 85 người bị bắt ngày 15/08. Bộ Ngoại giao Uzbekistan ra thông cáo cho biết đang đàm phán với chính quyền Kabul để hồi hương những người này.
Chính phủ Afghanistan hứa chuyển giao quyền lực cho chính phủ chuyển tiếp
Một ngày sau khi tổng thống Ghani tham vấn để tìm một thỏa thuận chính trị tái lập hòa bình, trong một video đăng ngày 15/08, bộ trưởng Nội vụ trấn an người dân : "Kabul sẽ không bị tấn công và sẽ có chuyển giao quyền lực một cách hòa bình cho một chính phủ chuyển tiếp".
Tuy nhiên, chính quyền Afghanistan không còn được dân ủng hộ vì bản thân họ cũng quá mệt mỏi, sợ hãi, tìm mọi cách rời khỏi đất nước.
Thông tín viên RFI Sonia Ghezali tường trình từ sân bay Kabul sáng 15/08 :
"Chuyến bay đầu tiên của Turkish Airlines, kín người, đã khởi hành sáng nay, trong đó có rất nhiều gia đình mà chúng tôi gặp trong sảnh sân bay, như một cặp vợ chồng với cậu con trai 2 tuổi rưỡi. Người đàn ông nói : "Tôi đã quá mệt mỏi với cuộc chiến này. Nó đã kéo dài 20 năm mà tình hình vẫn như vậy. Tôi không còn chịu được những bạo lực mà chúng tôi phải hứng lấy". Người vợ đứng cạnh, mắt đỏ ngầu, kể cho chúng tôi là cô đã đau lòng chia tay người thân để ra nước ngoài vào sáng nay. Hành khách ra đi với những chiếc va li lớn nhỏ. Không khí rất nặng nề. Một người phụ nữ khóc nức nở vì phải ngừng nói chuyện điện thoại để lên máy bay. Tất cả những phụ nữ nhân viên ở sân bay khóc cầu xin chúng tôi giúp họ rời khỏi đất nước. Một trong số họ nói : "Quân Taliban sẽ giết chúng tôi". Một thanh niên có visa đi Anh cho biết : "Tôi cảm thấy đau lòng khi ra đi vì hàng nghìn người không có cơ hội này". Ngoài ra, còn có một quân nhân Afghanistan mà chúng tôi gặp ở bãi đậu xe sân bay Kabul, nói tiếng Pháp rất tốt và thường xuyên nghe đài RFI để luyện tiếng Pháp, từng là học viên trường quân sự Saint-Cyr. Anh đi tiễn một người bạn may mắn được rời đất nước. Giọng đầy xúc động, anh nói : "Tôi xấu hổ khi mặc bộ quân phục này. Quân đội đã không biết bảo vệ đất nước chúng tôi".
Thu Hằng
***************
Taliban tiến vào thủ đô Afghanistan
VOA, 15/08/2021
Các chiến binh Taliban hôm 15/8 đã tiến vào thủ đô Kabul của Afghanistan và cho biết dự kiến sẽ nắm quyền trong vòng vài ngày tới, đồng thời hứa hẹn sẽ kiềm chế sự cai trị Hồi giáo hà khắc, trong khi các nhà ngoại giao nước ngoài và nhiều người dân địa phương tìm cách rời đi.
Chiến binh Taliban ở Kabul.
Các nhà ngoại giao Mỹ đã được sơ tán khỏi đại sứ quán bằng trực thăng sau cuộc tiến công chớp nhoáng của các chiến binh, những người đã sẵn sàng điều hành Afghanistan một lần nữa 20 năm sau khi bị lật đổ bởi các lực lượng do Mỹ dẫn đầu sau cuộc tấn công ngày 11 tháng 9 vào Hoa Kỳ.
Các chiến binh Taliban đã tiếp cận thủ đô "từ mọi phía", một quan chức cấp cao của Bộ Nội vụ Afghanistan nói với Reuters. Tuy nhiên, không có báo cáo về giao tranh.Phát ngôn viên của Taliban, Zabihullah Mujahid, cho biết nhóm này đang đàm phán với chính phủ được phương Tây hậu thuẫn về việc đầu hàng trong hòa bình.
Ông này cho biết trong một tuyên bố : "Các chiến binh Taliban sẽ túc trực ở tất cả các lối vào của Kabul cho đến khi đạt được một thỏa thuận về một sự chuyển giao quyền lực một cách hòa bình và thỏa đáng".
Ali Ahmad Jalali, một học giả tại Hoa Kỳ và là cựu Bộ trưởng Nội vụ Afghanistan, có thể được chỉ định là người đứng đầu chính quyền lâm thời ở Kabul, ba nguồn tin ngoại giao cho biết, mặc dù không rõ liệu Taliban có đồng ý hay không.
Việc Taliban dễ dàng tiến công, cho dù Hoa Kỳ và các nước khác đã chi hàng tỷ đôla để xây dựng lực lượng chính phủ Afghanistan tại địa phương, đã khiến cả thế giới sửng sốt.Mới tuần trước, ước tính của tình báo Mỹ cho biết Kabul có thể cầm cự trong ít nhất ba tháng.
Không có thông báo ngay lập tức về hiện trạng của Tổng thống Ashraf GhaniMột quan chức phủ tổng thống cho biết ông đang đàm phán khẩn cấp với đặc phái viên hòa bình Hoa Kỳ Zalmay Khalilzad và các quan chức liên minh NATO.
Theo Reuters
****************
Mỹ triển khai thêm 2.000 quân ở Kabul, tổng thống Biden đe dọa Taliban
Trọng Nghĩa, RFI, 15/08/2021
Tình hình xấu đi rất nhanh tại Afghanistan đã buộc chính quyền các nước phương Tây xem xét lại kế hoạch sơ tán. Hoa Kỳ, vào hôm qua, 14/08/2021 đã thông báo gửi thêm quân đến Kabul để bảo vệ công cuộc di tản người Mỹ cũng như hàng ngàn người Afghanistan đã làm việc cho Hoa Kỳ.
Đại sứ quán Mỹ tại Kabul, ngày 14/08/2021, một ngày trước khi quân Taliban tiến vào thủ đô Afghanistan. AP - Rahmat Gul
Từ New York, thông tín viên Loig Loury giải thích :"Gần 5.000 lính Mỹ sẽ sớm được triển khai tại sân bay Kabul, so với 3.000 người đã đề cập trước đó. Tổng thống Joe Biden đã cho biết như trên vào hôm qua trong một thông báo. Phần lớn quân tăng viện dự kiến có mặt tại chỗ ngay cuối tuần này để đảm bảo việc di tản. Phần còn lại sẽ đến từ nơi đóng quân ở Koweit trong trường hợp khẩn cấp. Điều này cho thấy mối lo ngại của Mỹ trước đà tiến của Taliban.
Tổng thống Mỹ cũng cảnh báo : "Bất kỳ hành động nào gây nguy hiểm cho công dân hoặc sứ mệnh của Mỹ sẽ gặp phản ứng quân sự nhanh chóng và mạnh mẽ". Joe Biden tuy nhiên nhắc lại rằng sẽ không thay đổi quyết định triệt thoái khỏi Afghanistan.
Bị chỉ trích rộng rãi ngay tại Mỹ trước một sự kiện ngày càng giống như một sự bỏ đi vội vã sau 20 năm chiến tranh, chủ nhân Nhà Trắng một lần nữa biện minh cho quyết định của ông : "Dù người Mỹ có ở lại thêm 1 hay 5 năm nữa, tình hình vẫn không có gì khác biệt, khi quân đội Afghanistan không thể hoặc không muốn bảo vệ đất nước của họ".
Trọng Nghĩa
********************
NATO duy trì hiện diện ở Kabul bất chấp đà tiến của Taliban
VOA, 15/08/2021
NATO đang duy trì sự hiện diện ngoại giao ở Kabul và giúp duy trì hoạt động của sân bay tại thành phố này, một quan chức NATO nói với Reuters hôm 15/8 trong khi các chiến binh Taliban tiến vào thủ đô Afghanistan.
Hình ảnh binh sĩ NATO ở Afghanistan năm 2020.
"NATO liên tục đánh giá các diễn biến ở Afghanistan", quan chức này cho biết, đồng thời nói thêm rằng việc đảm bảo an ninh cho các nhân viên của liên minh là điều tối quan trọng và NATO sẽ tiếp tục điều chỉnh khi cần thiết.
Quan chức này không trả lời câu hỏi về việc liệu NATO có dự định tổ chức một cuộc họp khẩn để thảo luận về tình hình ở Afghanistan hay không.Lực lượng nổi dậy của Taliban đã tiến vào Kabul hôm 15/8 và cho biết họ dự kiến sẽ nắm quyền trong vòng vài ngày tới.
Sau gần hai thập kỷ, NATO vào mùa hè này đã hoàn thành các hoạt động quân sự ở Afghanistan và rút hầu hết binh lính khỏi nước này.Liên minh này vẫn điều hành một cơ quan đại diện ngoại giao ở Kabul. Khi được Reuters hỏi, một phát ngôn viên của NATO hôm thứ Sáu đã từ chối cung cấp chi tiết về cơ quan đại diện này, với lý do lo ngại về an ninh.
Với trụ sở chính đặt tại Brussels, NATO cũng đóng vai trò như một diễn đàn để phối hợp các biện pháp mang tầm quốc gia ở Afghanistan, chẳng hạn như việc sơ tán công dân đã được các đại sứ NATO thảo luận vào thứ Sáu.
Theo Reuters
*********************
Afghanistan : Taliban tiến vào Kabul, tổng thống bỏ chạy
BBC, 15/08/2021
Tổng thống Afghanistan nói ông ra đi để tránh cuộc tắm máu
Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani đã rời khỏi đất nước, chạy sang Tajikistan, tin tức nói.
Tổng thống Ashraf Ghani nói ông đã phải ra một quyết định khó khăn là rời khỏi đất nước khi Taliban tiến quân, nhằm tránh cuộc tắm máu tại thủ đô, nơi có sáu triệu dân.
Ông Ghani viết bình luận tại một post đăng trên Facebook gửi tới nhân dân Afghanistan. Đây là những bình luận đầu tiên của ông kể từ khi ông rời khỏi đất nước.Một số tường thuật nói ông đã tới Tajikistan.
Chiến binh Taliban được lệnh tiến vào thủ đô Kabul để ngăn cảnh cướp phá, hôi của, phát ngôn viên Taliban nói
Các nhân chứng nói phe Taliban hầu như không gặp phải sự kháng cự nào khi tiến quânTaliban ra lệnh cho các tay súng kiềm chế, không gây bạo lực và tạo hành lang an toàn cho bất kỳ ai muốn ra đi đều có thể đi.
Hoa Kỳ bắt đầu sơ tán nhân viên khỏi Tòa Đại sứ ở KabulKhoảng 600 lính Anh đang được triển khai tới nơi nhằm giúp các công dân Anh và những người khác rời khỏi Afghanistan.
Thành phố lớn cuối cùng ở miền bắc, Jalalabad, sụp đổ mà không có sự kháng cự nàoTổng thống Hoa Kỳ Joe Biden bảo vệ quyết định rút khỏi Afghanistan, nói ông không thấy việc 'hiện diện mãi mãi của người Mỹ' tại đây là thỏa đáng
Có những tường thuật nói có tiếng súng nổ tại sân bay Kabul, theo một cảnh báo an ninh do Tòa Đại sứ Hoa Kỳ đưa ra.Các quan chức đã chỉ thị cho công dân Mỹ tại khu vực vào nơi trú ẩn, do "tình hình an ninh tại Kabul đang thay đổi nhanh chóng".Bất kỳ người Mỹ nào vẫn cần hỗ trợ để rời khỏi Kabul nay đều được yêu cầu đăng ký online, sau khi hoạt động tại Tòa Đại sứ đã chấm dứt.
Taliban chiếm Dinh Tổng thống
Taliban nói họ đã chiếm dinh tổng thống tại Kabul.Tổng thống Ghani đã rời đi vào đầu giờ ngày Chủ Nhật, nhưng tình hình chính xác tại dinh tổng thống hiện thời vẫn chưa được tường thuật rõ ràng.
Theo phóng viên địa phương Bilal Sarwary, người đã nói chuyện với hai người Afghanistan tham gia vào các cuộc thương thuyết trực tiếp, thì một phần của thỏa thuận có nội dung là ông Ghani sẽ tham gia lễ chuyển giao quyền lực tại dinh, nhưng thay vào đó, ông và các phụ tá cao cấp đã rời khỏi đất nước.
"Tin tức nói các nhân viên sau đó được yêu cầu rời đi, và dinh tổng thống bị bỏ trống", các phụ tá nói.Sau đó, Taliban nói với Reuters rằng họ đã chiếm tòa nhà.Hiện chưa có xác nhận từ phía các quan chức chính phủ.
Ngoại trưởng Mỹ Blinken : 'Đây không phải là Sài Gòn'
Ngoại trưởng Anthony Blinken nói rằng Hoa Kỳ đang chuyển Tòa Đại sứ Mỹ tới sân bay Kabul.
Ông nói với hãng tin ABC News : "Đó là lý do vì sao chúng tôi có lực lượng trong tay - để đảm bảo là chúng tôi có thể làm được điều này một cách an toàn và trong trật tự. Tại khu vực tòa nhà đại sứ quán, mọi người đang rời khỏi đó để tới sân bay".
Ông nói thêm rằng Tòa Đại sứ đã có danh sách những người cần thoát khỏi nguy hiểm và đang nỗ lực gấp đôi để làm việc này.
Ông cũng bác bỏ bất kỳ so sánh nào giữa tình hình hiện thời với sự sụp đổ của Sài Gòn hồi 1975, và nói rằng sứ mệnh của Hoa Kỳ tại Afghanistan đã "thành công"."Đây không phải là Sài Gòn", ông nói.
Thủ tướng Anh Boris Johnson triệu tập cuộc họp Cobra
Thủ tướng Anh Boris Johnson triệu tập cuộc họp Cobra vào cuối ngày Chủ Nhật để thảo luận về tình hình đang xấu đi nhanh chóng tại Afghanistan.
Cobra là ủy ban phản ứng khẩn cấp, với thành phần gồm các bộ trưởng, nhân viên dân sự và các nhân sự khác có chức trách liên quan tới chủ đề cần bàn thảo.Quốc hội Anh sẽ được triệu tập họp vào thứ Tư, 18/8, Hạ Viện xác nhận.
Taliban chiếm thế áp đảo một cách nhanh chóng, bất ngờ
Hôm 8/7, Tổng thống Joe Biden đã dội nước lạnh lên giả thuyết Taliban có thể nhanh chóng chiếm lĩnh Afghanistan.
"Khả năng Taliban tràn lên chiếm toàn bộ đất nước là rất khó xảy ra", ông nói tại Tòa Bạch Ốc hồi tháng trước.Thế nhưng chỉ vài tuần sau tuyên bố trên, chỉ còn rất ít nơi nằm trong tay chính phủ Afghanistan.
Taliban tiến vào Kabul 'để chặn cảnh cướp phá'
Taliban đã ra lệnh các tay súng của mình tiến vào một số nơi tại Kabul để ngăn chặn cảnh cướp phá, phát ngôn viên Taliban, Zabihullah Mujahid, được mạng lưới truyền hình Afghanistan Tolo dẫn lời, nói.
Do các lực lượng an ninh đã rời khỏi một số nơi trong thành phố và các chốt kiểm soát, các lực lượng Taliban tiến vào nhằm ngăn chặn tình trạng cướp phá, ông này nói thêm.Trong một thông cáo, Taliban kêu gọi người dân không nên sợ hãi các tay súng của họ.
Tổng thống Ashraf Ghani đã rời khỏi Afghanistan
Tin tức dẫn lời các quan chức Afghanistan nói Tổng thống Ashraf Ghani đã rời khỏi đất nước.
Tin loang ra vào lúc Taliban đã tiến tới ngoại vi Kabul.
Tin cho hay Phó Tổng thống Amrullah Saleh cũng đã bỏ chạy.
Ông Ghani đã bị áp lực phải từ chức ngày càng mạnh, do các thành phố chính của Afghanistan đã rơi vào tay các tay súng Taliban trong thời gian ngắn, chỉ 10 ngày.
Taliban đã kiểm soát hầu hết Afghanistan
Bản đồ dưới đây cho ta thấy mức độ tiến quân nhanh tới đâu của Taliban - từ việc chỉ nắm giữ những vùng nằm rải rác trong thời gian đầu tháng Bảy cho tới kiểm soát hầu như toàn bộ đất nước tính đến thời điểm giữa tháng Tám.
Taliban : Đỏ - Chính phủ Afghanistan : Xanh - Vùng đang tranh chấp : Vàng
Taliban là ai ?
Lực lượng này nổi lên khi Afghanistan bùng nổ nội chiến sau khi Liên Xô rút quân hồi năm 1989, chủ yếu kiểm soát vùng tây nam và các vùng giáp biên với Pakistan.
Họ cam kết chiến đấu chống tham nhũng và cải thiện an ninh, nhưng cũng áp dụng hình thức luật Hồi giáo Sharia cực kỳ hà khắc.
Đến năm 1998, họ đã nắm quyền kiểm soát hầu hết lãnh thổ đất nước.Họ diễn giải luật Hồi giáo Sharia theo cách riêng và đưa ra những biện pháp trừng phạt tàn bạo. Đàn ông buộc phải để râu còn phụ nữ phải che kín mặt bằng khăn choàng burka. TV, âm nhạc và điện ảnh đều bị cấm.Sau khi bị lật đổ, họ đã tái nhóm tại các vùng giáp biên với Pakistan.
Với lực lượng có đến 85 ngàn chiến binh, vào lúc này họ được cho là mạnh hơn bao giờ hết kể từ 2001 đến nay.
Các chiến binh Taliban đi xe trên đường phố tại tỉnh Jalalabad hôm 15/8/2021
Hoa Kỳ đã sử dụng các trực thăng quân sự để đưa các quan chức, các nhà ngoại giao từ khu Tòa Đại sứ được canh phòng cẩn mật ở Kabul tới sân bay.
Tổng thống Biden đã ra lệnh triển khai thêm 1.000 lính Mỹ để hỗ trợ việc sơ tán người, ngoài số 3.000 quân đã được triển khai trong những ngày gần đây.
Ước tính có khoảng 1.400 nhân viên làm việc tại Afghanistan, và truyền thông Mỹ đưa tin là một nhóm nòng cốt các nhà ngoại giao dự tính sẽ tiếp tục ở lại Afghanistan cũng đang được đưa tới một địa điểm mới, an toàn.
Kabul sẽ không bị tấn công ?
Quyền Bộ trưởng Nội vụ Afghanistan đã xuất hiện trong một video, được phát trên kênh truyền hình địa phương Tolo TV, nói rằng sẽ có một "sự chuyển giao quyền lực một cách hòa bình" cho một chính phủ chuyển tiếp. Ông nói Kabul sẽ không bị tấn công.
Hãng tin AP dẫn lời một quan chức Afghanistan cho biết, các nhà đàm phán của Taliban đang tiến tới dinh tổng thống để chuẩn bị cho một cuộc "chuyển giao" quyền lực.Taliban trước đó cho biết họ đã hướng dẫn các chiến binh đợi ở cửa ngõ thành phố.
Taliban : 'Chúng tôi đang chờ đợi việc chuyển giao quyền lực hòa bình'
Một phát ngôn viên Taliban nói với BBC rằng "sẽ không có chuyện báo thù" đối với người dân Afghanistan.
"Chúng tôi đảm bảo với nhân dân Afghanistan, đặc biệt là tại thủ đô Kabul, rằng tài sản, tính mạng của họ đều được an toàn - sẽ không có chuyện báo thù đối với bất kỳ ai".
"Chúng tôi là đầy tớ của nhân dân và của đất nước".
"Các nhà lãnh đạo của chúng tôi đã ra lệnh cho các lực lượng chúng tôi phải duy trì tại cổng vào Kabul - không tiến vào thành phố. Chúng tôi đang chờ đợi một cuộc chuyển giao quyền lực hòa bình".
Ông cũng nói toàn bộ người Afghanistan sẽ đều tham dự vào chính quyền Hồi giáo, tức là người dân Afghanistan không phải là Taliban cũng sẽ được tham gia chính quyền.
Suhail Shaheen, phát ngôn viên của Taliban, đã gọi điện vào chương trình truyền hình phát sóng trực tiếp của BBC để nói rằng sẽ "không có chuyện báo thù đối với người dân Afghanistan"
Tại Anh Quốc, lãnh đạo phe đối lập ra thông cáo nói các dân biểu cần phải hủy bỏ kỳ nghỉ hè và quay trở lại Hạ Viện để thảo luận về các kế hoạch của chính phủ nhằm tránh để xảy ra một thảm họa nhân đạo trong khu vực.
"Tình thế tại Afghanistan vô cùng gây sốc và có vẻ như đang xấu đi từng giờ", Sir Keir Starmer nói.
"Ưu tiên ngay lúc này phải là việc đưa toàn bộ nhân sự Anh và các nhân viên hỗ trợ ra khỏi Kabul một cách an toàn".
"Chính phủ đã im lặng trong khi Afghanistan sụp đổ, điều - cần làm rõ điều này - sẽ có những hậu quả xấu cho chúng ta tại đây, tại Anh Quốc này".
"Chúng ta cần quốc hội được triệu tập họp để chính phủ có thể cập nhật cho các dân biểu về các kế hoạch phối hợp với đồng minh nhằm tránh một cuộc khủng hoảng nhân đạo, tránh việc trở lại những ngày Afghanistan là căn cứ cho những kẻ cực đoan, những người có mục tiêu là đe dọa tới các lợi ích, giá trị và an ninh quốc gia của chúng ta".
BBC được biết Quốc hội Anh sẽ nhóm họp vào thứ Tư để thảo luận tình hình, và phản ứng của chính phủ Anh bị các lãnh đạo phe đối lập cho là quá chậm trễ.
Thậm chí ngay một số thành viên đảng Bảo thủ cầm quyền cũng không hài lòng về thái độ của Anh trong vấn đề Afghanistan.
Dân biểu bảo thủ Tom Tugendhatnói với BBC rằng nước Anh "đã bỏ rơi nhân dân Afghanistan".
Sir Keir Starmer, lãnh đạo đảng Lao động đối lập tại Anh
Người dân ở Kabul đã bỏ chạy khỏi thủ đô khi có tin về cuộc tiến công của Taliban.
Nghị sĩ Afghanistan Farzana Kochai, người mà chúng tôi đã nói chuyện trước đó, mô tả cảnh tượng : "Tôi đang ở trong nhà của mình và nhìn những người đang cố gắng chạy".
Bà nói tiếp : "Tôi không biết họ đang cố gắng đi đâu, ngay cả trên đường phố và từ nhà của họ, túi họ đang mang ... và tất cả những thứ này. Thật đau lòng, bạn biết đấy".
Trước đó, Pakistan cho biết họ đang đóng cửa khẩu biên giới Torkham với Afghanistan sau khi dân quân chiếm giữ biên giới phía Afghanistan.
Điều này có nghĩa là Sân bay Quốc tế Kabul là nơi duy nhất để rời khỏi đất nước.
"Một số người đã để cả chìa khóa trong xe và bắt đầu đi bộ đến sân bay", một người dân nói với Reuters.
Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden trong một tuyên bố hôm thứ Bảy, một ngày trước khi Taliban tiến vào Kabul, nói rằng :
"Sự hiện diện quân sự của Hoa Kỳ thêm một năm hay năm năm nữa cũng sẽ không tạo nên sự khác biệt nào nếu như quân đội Afghanistan không thể hoặc sẽ không giữ được đất nước của chính mình. Và sự hiện diện mãi mãi của Hoa Kỳ ở giữa một cuộc nội chiến của một quốc gia khác là điều không thể chấp nhận được đối với tôi".
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Pakistan Zahid Hafeez Chaudhry được Reuters dẫn lời, nói trên kênh truyền hình Geo News : "Chúng tôi quan ngại về tình hình xấu đi nhanh tại Afghanistan... Chúng tôi vẫn chưa đưa ra bất kỳ quyết định nào về việc đóng đại sứ quán của mình".
Báo Anh The Guardian dẫn nguồn phóng viên an ninh của CNN, Kylie Atwood, nói Hoa Kỳ sẽ đưa toàn bộ các nhân viên Đại sứ quán và nhân viên an ninh của mình ra khỏi Afghanistan trong vòng 72 giờ đồng hồ.
Một phóng viên của BBC ở Kabul đã mô tả tâm trạng trong thành phố.
Nhiều cửa hàng và chợ đóng cửa, và một số người nói rằng họ "chưa bao giờ lo lắng như vậy".
Một số văn phòng chính phủ cũng đóng cửa với việc quân đội và cảnh sát rời các chốt trực của họ ở các nơi.
Một số khu vực đã nghe thấy những tiếng súng nổ nhỏ nhưng không rõ là từ lực lượng nào.
Trên mạng có tin đồn rằng các tay súng Taliban đã vào Kabul. Tuy nhiên, một phát ngôn viên của Taliban cho biết các chiến binh đã được yêu cầu ở lại cổng thành và không tấn công.