Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

15/05/2017

‘Vành đai, Con đường’, tham vọng mới của Trung Quốc ?

Lê Đăng Doanh

Truyền thông Trung Quốc được chỉ thị chỉ nói về tầm quan trọng của chiến lược mang tên "Vành Đai Và Con Đường", một sáng kiến đưa ra bởi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào năm 2013 với tên gọi ban đầu là ‘Một Vành Đai, Một Con Đường’ mà không được đưa tin nói về số tiền mà Bắc Kinh bỏ ra để đầu tư ở những nước tham gia, tại Hội nghị Thượng đỉnh quốc tế 2017 tại thủ đô Bắc Kinh vào hai ngày 14 và 15 tháng Năm.

con1

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu tại cuộc họp báo tại diễn đàn Vành Đai Và Con Đường diễn ra tại Bắc Kinh, ngày 15 tháng 5 năm 2017. AFP photo

Liệu đây có phải là động thái mới của Trung Quốc ? Vai trò của Việt Nam như thế nào khi tham gia Vành đai và Con đường ?

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quan lý Kinh tế Trung ương, hiện là thành viên Ủy ban chính sách phát triển của Liên Hiệp Quốc, nhận trả lời phỏng vấn với Đài Á Châu Tự do về vấn đề này.

Trước tiên, ông nhận định về sáng kiến "Một vành đai, Một con đường" :

Trung Quốc đưa ra chiến lược Một vành đai, Một con đường là một chiến lược nhằm phát huy vai trò của Trung Quốc trong chiến lược kinh tế quốc tế và muốn khẳng định Trung Quốc là một đối tác có tầm cỡ thế giới, và có thể đóng góp quan trọng vào thương mại, xây dựng kết cấu hạ tầng của các nước, thúc đẩy quá trình thương mại và mua bán, cũng như đầu tư và xây dựng kết cấu hạ tầng.

Trung Quốc đã bỏ nhiều vốn để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng ở các nước xung quanh. Ví dụ như định xây dựng đường sắt ở Lào, định xây dựng con đường nối qua Malaysia…

Cát Linh : Khi được Trung Quốc mời tham gia dự án "Một vành đai, Một con đường", phản ứng của các quốc gia như thế nào, từ ban đầu cho đến ngày hôm nay, thưa ông ?

Lê Đăng Doanh : Các quốc gia có phản ứng ở các mức độ khác nhau. Các nước ở xung quanh Đông Nam Á thì muốn tận dụng tiền vốn của Trung Quốc để nâng cấp kết cấu hạ tầng. Còn một số nước khác, nhất là nước có nền kinh tế kiểng thì có thái độ dè dặt, và họ không biết rằng là Trung Quốc định làm hết, thì họ sẽ làm gì ? Vai trò của họ sẽ ra sao ? Ảnh hưởng của Trung Quốc cao lên nhiều thì họ sẽ phải phản ứng như thế nào ?

Thứ hai nữa, về Một vành đai, Một con đường, thì Trung Quốc cho đến nay cũng chưa có một kế hoạch rõ ràng là họ định làm gì ? Mà họ thương lượng được với nước nào cái gì thì họ làm cái ấy. Và nếu nhìn vào mỗi tỉnh hay mỗi doanh nghiệp của Trung Quốc thì mỗi tỉnh đều muốn tham gia vào Một vành đai, Một con đường trên cái góc độ là có lợi nhất cho tỉnh ấy.

Vì vậy cho đến nay, thực hiện chiến lược Một vành đai, Một con đường của Trung Quốc, một mặt đã đạt được những tiến bộ nhất định, nhưng mặt khác thì vẫn còn nhiều câu hỏi đang đứng đằng trước.

Cát Linh : Ông có thể cho biết thêm chi tiết về vấn đề, cụ thể như "nhiều câu hỏi đang đứng đằng trước" là những câu hỏi gì ?

Lê Đăng Doanh : Cho đến bây giờ thì Trung Quốc chưa nói rõ họ sẽ làm gì và các nước khác sẽ được lợi cái gì ? Họ sẽ thực hiện như thế nào ? Và cái cách mà Trung Quốc thực hiện là sử dụng ngân hàng AIIB, là Ngân hàng phát triển kết cấu hạ tầng Châu Á, rồi cho vay, huy động các công ty của Trung Quốc, lao động của Trung Quốc để xây dựng kết cấu hạ tầng. Điều ấy làm cho một số nước lo ngại, nếu nước ấy được lợi gì khi lao động của nước họ cũng không được sử dụng ? Sắt thép xi măng dư thừa của Trung Quốc được dùng để xây dựng ở đấy, và họ sẽ ôm một đống nợ lớn. Với câu chuyện đấy thì Trung Quốc làm như vậy có hiệu quả hay không ? Có thuyết phục hay không ?

Việt Nam mong đợi gì

3098915

Chủ tịch Việt Nam Trần Đại Quang tham dự diễn đàn Vành Đai Và Con Đường, tại Bắc Kinh, ngày 15 tháng 5 năm 2017. AFP photo

Cát Linh : Đối với tâm thế của Việt Nam về sáng kiến này, ngay từ lúc đầu cho đến nay, thực tế là Việt Nam đã tham gia được ở mức độ nào và tầm ảnh hưởng của Việt Nam đối với dự án này và ngược lại ra sao thưa ông ?

Lê Đăng Doanh : Việt Nam đã nhiều lần bày tỏ là Việt Nam rất muốn tham gia, có thiện chí, và hiện nay chủ tịch nước Trần Đại Quang đang thăm Trung Quốc và sẽ tham dự hội nghị thượng đỉnh đó, thể hiện thiện chí của Việt Nam. Việt Nam cũng hoan nghênh các đầu tư và cũng có đề nghị Trung Quốc có thể cho Việt Nam vay.

Tuy vậy, tất cả các dự án về Một vành đai, Một con đường, cho đến nay không có một dự án nào ở Việt Nam cả. tức là dự án đường sắt thì chạy qua Lào ; Campuchia thì Trung Quốc đã thuê 92km bờ biển, thuê cảng Sihanouk 99 năm, Trung Quốc sẽ có cơ sở, căn cứ hải quân ở Campuchia. Cho đến nay thì chúng ta Trung Quốc chưa làm một cái gì cả cho Việt Nam. Vậy thì ‘Một vành đai, Một con đường’ đó sắp tới đây đối với Việt Nam được cái gì và sẽ hoạt động như thế nào ? chúng ta có thể thấy là nếu như Một vành đai, Một con đường được hoàn tất năm 2020 thì tất cả hàng hoá của Trung Quốc sẽ chạy qua Việt Nam chứ không chạy vào Việt Nam, tránh Việt Nam và đi vòng sang nước khác.

Đấy là một vấn đề mà những người nghiên cứu như tôi đang nêu lên và suy nghĩ rằng vậy Trung Quốc muốn gì với ‘Một vành đai, Một con đường’ đối với Việt Nam ?

Cát Linh : Theo những phân tích trên thì thấy rõ đó là một bất lợi cho nền kinh tế Việt Nam. Vậy nếu Việt Nam nhất định tham gia thì nguy cơ nào sẽ xảy đến với nền kinh tế Việt Nam ?

Lê Đăng Doanh : Việt Nam sẽ tham gia với hy vọng Trung Quốc sẽ có dự án nào đấy để cho Việt Nam tham gia. Đó là điều mà cho đến nay Việt Nam vẫn có đầy đủ thiện chí và mong đợi. Bởi vì Việt Nam muốn xây dựng kết cấu hạ tầng, trong khi đó nguồn vốn của Việt Nam là hạn chế. Cho nên Việt Nam mong muốn vay thêm của Nhật Bản, và Trung Quốc. Việt Nam hiện nay là nền kinh tế có thu nhập trung bình, thì vốn ưu đãi của Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển Châu Á sắp tới đây sẽ phải giảm đi, và Việt Nam sẽ phải tìm những nguồn vốn mới để có thể xây dựng kết cấu hạ tầng và phát triển nền kinh tế của mình.

Cát Linh : Truyền thông Trung Quốc được chỉ thị là không đề cập đến số tiền Bắc Kinh đầu tư ở các nước khác và bên cạnh đó, dự án này được gọi là ‘Vành đai, Con đường’ chứ không phải là ‘Một vành đai, Một con đường’. Theo ông vì sao có sự thay đổi này và nó mang một ý nghĩa gì ?

Lê Đăng Doanh : Đầu tiên thì ông Tập Cận Bình đưa khái niệm là ‘Một vành đai, Một con đường’. Nhưng có lẽ bây giờ Trung Quốc muốn có nhiều vành đai, nhiều con đường chứ không phải chỉ có một vành đai, một con đường. Vì vậy, họ đã đổi.

Điều đó, chứng tỏ chưa có một kế hoạch cụ thể, không biết tổng thể như thế nào, lúc nào thì được cái gì và lúc nào thì không được cái gì ? Cho nên chúng tôi đang muốn theo dõi thượng đỉnh sắp tới có thay đổi được gì hoặc giải quyết được gì hay không ?

Cát Linh : Có những ý kiến cho rằng sáng kiến ‘Một vành đai, Một con đường’ thách thức một trật tự do Hoa Kỳ đã nắm giữ và lãnh đạo. Theo quan điểm của ông thì thế nào ?

Lê Đăng Doanh : Rõ ràng nên kinh tế Trung Quốc đang xuất hiện trên thế giới như một siêu cường mới và muốn áp đặt những luồng hàng của mình, và muốn qua đó phát huy vị thế của mình. Đấy là điều rất rõ ràng.

Vấn đề ở đây là trước sự phát triển đó của Trung Quốc, các nước khác sẽ có cách ứng xử như thế nào ? Nếu theo những dự báo sắp tới đây thì nền kinh tế Trung Quốc sẽ vượt nền kinh tế Mỹ trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Điều chúng ta mong đợi là với nền kinh tế lớn nhất thế giới, Trung Quốc sẽ ứng xử một cách có trách nhiệm và tôn trọng pháp luật quốc tế, theo đuổi nguyên tắc hai bên cùng có lợi chứ không phải chỉ có Trung Quốc là có lợi.

Cát Linh : Xin cảm ơn Tiến sĩ Lê Đăng Doanh.

Cát Linh, phóng viên RFA

Nguồn : RFA, 15/05/2017

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Lê Đăng Doanh
Read 808 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)