Nhiều năm sau khi hình ảnh chiếc trực thăng bốc người di tản từ nóc toà đại sứ Hoa Kỳ ở Sài Gòn vào ngày cuối tháng 4/1975, tác giả Nguyễn Tiến Hưng viết cuốnKhi Đồng Minh Tháo Chạy kể lại chuyện Việt Nam Cộng hoà đã bị bạn Mỹ bỏ rơi ra sao.
Quang cảnh dân chờ di tản tại phi trường quốc tế Kabul, Afghanistan ngày 15/08/2021.
Trong lời nói đầu, Tiến sĩ Hưng, người từng là Tổng trưởng Kế hoạch và cố vấn cho Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, viết :
"Ngày 10 tháng ba, 1975 quân đội Bắc Việt đánh chiếm Ban Mê Thuộc. Đến ngày 30/4 đã tiến vào Sài Gòn. Tốc độ như vũ bão, vỏn vẹn chỉ có 52 ngày ?
"Không lẽ một cuộc chiến kéo dài tới hai mươi năm, đến khi kết thúc lại nhanh như vậy ?
"Rồi cuộc di tản tiếp theo. Trước hết lạ thời gian di tản, sao nó quá ngắn ngủi ? Tuy hai cuộc chiến năm 1954 và 1975 kết thúc trong những hoàn cảnh khác hẳn nhau, ta vẫn có thể hỏi tại sao khi Pháp rút khỏi Miền Bắc, thời gian được quy định là 300 ngày.
"Bây giờ đến lúc Mỹ rút hết khỏi Miền Nam thì không có quy định gì hết, cuộc di tản chỉ kéo dài được vỏn vẹn năm ngày !".
Hơn 46 năm sau, Hoa Kỳ lại bỏ rơi Afghanistan sau hai thập niên đưa quân vào nước này để rồi lực lượng Taliban chỉ mất có 10 ngày để kiểm soát toàn bộ đất nước từ một vài tỉnh họ chiếm được lúc đầu.
Tổng thống Ashraf Ghani rời đi hôm 15/8, cũng là ngày quân Taliban tiến vào thủ đô. Hiện ông vẫn giữ chức danh ‘Tổng thống Cộng hoà Afghanistan’ trên tài khoản Twitter nơi ông có gần 900.000 người theo dõi. Trước đó vài ngày ông cònhọp với các lãnh đạo lưỡng viện quốc hội cùng những chính trị gia chủ chốt khác và tuyên bố quyết tâm bảo vệ đất nước. Những người ủng hộ ông nói ông ra đi để tránh một cuộc đổ máu.
Tôi có một cựu đồng nghiệp trước đây làm ở ban tiếng Pashto, ngôn ngữ phổ biến thứ hai ở Afghanistan sau tiếng Dari, giờ làmGiám đốc Đài Phát thanh Truyền Hình Afghanistan. Không rõ anh có tin thật không nhưng cho tới tận hôm 14/8 anh cònviết trên Twitter rằng "Kabul sẽ không sụp đổ". Chức danh trên tài khoản Twitter của anh cũng vẫn là giám đốc cơ quan phát thanh truyền hình quốc gia. Lâu rồi tôi không giữ liên hệ với anh nhưng cầu mong anh và gia đình an lành.
Có lẽ hình ảnh biểu tượng của sự tháo chạy khỏi Afghanistan của Hoa Kỳ sẽ là cảnh rất đông người Afghanistan chạy theo chiếc phi cơ của Không lực Hoa Kỳ đang lăn bánh rời sân bay ở Kabul. Hình ảnh cho thấy sự hỗn loạn, hoảng hốt và vô tổ chức của một cuộc rút quân bỗng biến thành cuộc tháo chạy giống ở Sài Gòn năm nào.
Người dẫn chương trình của BBC, Yalda Hakim,đăng video lên Twitter kèm theo bình luận : "Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken nói sứ mệnh ở Afghanistan đã thành công. Vậy thất bại trông thế nào ? #Kabul". Bản thân cô Hakim, năm nay 38 tuổi, sinh ra ở Kabul và cha mẹ cô đưa cô rời khỏi đất nước vào năm 1983 giữa lúc Liên Xô giao chiến với các lực lượng ở Afghanistan. Lúc đó cô mới vài tháng tuổi và ba năm sau gia đình được định cư tại Úc.
Cho tới nay phía Taliban có vẻ khá khôn khéo về ngoại giao. Người phát ngôn của họ còn gọi điện trực tiếp cho cô Yalda Hakim khi cô đang dẫn chương trình và tuyên bố bảo vệ tài sản và tính mạng cho người dân. Ông Suhail Shaheen,người có trên 336.000 người theo dõi trên Twitter, cũng nói với cô Hakim rằng Taliban là "đầy tớ" của nhân dân.
Nhưng sự tháo chạy của người dân Afghanistan cho thấy họ không tin vào những điều ông Shaheen nói. Bốn sáu năm sau khi Sài Gòn sụp đổ, người dân Việt Nam vẫn phải chịu gông cùm tư tưởng của những người cộng sản thuộc "phe thắng cuộc". Khó có hy vọng vào một tương lai tươi sáng cho Afghanistan.
Còn để hiểu điều gì có thể xảy ra sau khi Kabul sụp đổ, chúng ta có thể nghelời kể của cố Tướng Lê Minh Đảo, người bị "cải tạo" 17 năm sau khi chiến tranh kết thúc : "Họ tiêu diệt chúng tôi một cách rất là tinh vi, thế giới không biết được đâu. Nhìn qua Pol Pot thấy giết, tắm máu này kia. Việt Nam ở ngoài nhìn không thấy tắm máu nhưng thật sự ra máu của chúng tôi từ trong cơ thể rỉ xuống chân, nó nhiễm xuống đất lan tràn mà không ai thấy. Chết đủ cách. Đói rét. Đói chết, bệnh tật chết, bị hành hạ vì lao động chết. Nội cái thời tiết khắc nghiệt tôi ngủ mà tôi phải lấy nhật trình, cái giấy báo đó, tôi quấn quanh mình tôi".
Dù có học được chút ít từ cuộc chiến Việt Nam nên người Mỹ chỉ mất gần 2.500 binh sĩ ở Afghanistan so với trên 58.000 trong Cuộc chiến Việt Nam, Hoa Kỳ vẫn một lần nữa khiến các đồng minh mất niềm tin vào họ.
Các chuyên gia quân sự đã nói rằng Hoa Kỳ nên giữ số quân ít ỏi còn lại, từ 2.500-3.500, ở Afghanistan để duy trì thành quả xây được trong 20 năm qua. Nhưng Tổng thống Joe Biden đã quyết rút quân bằng được trước kỷ niệm 20 năm cuộc tấn công khủng bố ngày 11/9/2001 vào Hoa Kỳ. Ông sẽ đi vào lịch sử với quyết định để lại màn tháo chạy hỗn loạn thứ hai trong vòng nửa thế kỷ của Hoa Kỳ.
Nguyễn Hùng
Nguồn : VOA, 17/08/2021