Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

18/08/2021

Đánh "giặc dịch" hay đánh dân ?

Viết từ Sài Gòn

Cho đến lúc này, có thể nói rằng việc chống dịch, phòng dịch của Việt Nam đã thất bại, vấn đề còn lại là khắc phục hậu quả, khắc phục mọi rủi ro đã có và làm lại. Không thể nói khác được, bởi trước đây Việt Nam chủ quan, hào hứng và tự mãn bao nhiêu thì bây giờ, mọi chuyện trở nên tệ hại bấy nhiêu. Nghiệt nỗi, sự tệ hại, nghiệt ngã này đến từ cả hai phía : Nhân Dân và Nhà Nước.

phongchong1

Người dân chạy dịch về quê mỏi mệt và đói do di chuyển liên tục 2 ngày trên đường Hồ Chí Minh

Ngay cả việc phân chia hai phía gồm nhân dân và nhà nước đã thấy sự thất bại từ trứng nước của vấn đề. Bởi lẽ, một nhà nước thực sự của dân, do dân và vì dân, thì nhà nước đó phải là nhân dân thu nhỏ, là đại diện nhân dân và là nhân dân. Đơn giản, nhà nước và nhân dân là một, nhân dân sống thì nhà nước sống, nhà nước sống thì nhân dân sống. Nhưng bây giờ không phải là lúc bàn về chuyện này.

Vấn đề nằm ở chỗ giữa nhà nước và nhân dân có một ranh giới rất rõ giữa người ra lệnh và người vâng phục bất khả kháng. Nhưng, trong đợt dịch thứ tư này, cả người ra lệnh và người vâng phục (chữ vâng phục đã cho thấy điều gì ? Và sự ra lệnh cho thấy điều gì ? Chắc không cần bàn thêm !) đều sai lầm !

Người Việt có một điểm rất lạ là phần đông bất mãn cộng sản, cho đến lúc này, cả các đảng viên cộng sản cũng rất bất mãn, nhưng họ lại tin vào cộng sản một cách mù quáng và hầu như họ xem cộng sản là một loại vua chúa nào đó.

Bằng chứng của việc này là người dân tin vào mọi chính sách của cộng sản, ngay giữa tâm dịch, chỉ cần nhà nước tuyên bố an toàn thì nhà nhà đổ ra đường, người người ăn chơi, thậm chí sau đó, người ta mặc sức đi bầu, trong khi họ thừa biết việc đi bầu cử đó chỉ là hình thức. Rõ ràng, trước dịch bệnh, trước sự mất còn của tính mạng mà người ta vẫn có thể vui chơi, lạc quan khi nhà nước tuyên bố an toàn thì người ta không tin cộng sản thì tin ai đây ? ! Và người ta dám đánh cược tính mạng của mình với một lời tuyên bố chẳng có gì lấy làm cơ sở tin cậy, nếu không muốn nói là vu vơ, vô trách nhiệm thì là gì nếu không gọi là tin mù quáng ? !

Ngạc nhiên hơn là cho đến lúc này, vẫn có nhiều người từng học qua đại học, từng làm những công việc liên quan đến đầu óc, trí tuệ nhưng vẫn xem các khoản phúc lợi xã hội từ nhà nước là "lộc vua". Nghĩa là họ xem mọi khoản từ tiền từ tền trợ cấp, tiền cho người tàn tật, tiền người cao tuổi, tiền người nghèo là lộc vua. Mà cụ thể ở đây, vua chính là đảng cộng sản. Trong khi đó, về vấn đề các khoản phúc lợi xã hội, không có ông vua nào đứng ra ban ở đây cả mà chỉ có những con người phục vụ, bắt buộc phải phân phát một cách nghiêm túc, khoa học cho nhân dân từ chính đồng tiền của nhân dân. Bởi muốn có các khoản trợ cấp đó, người ta phải sống và làm việc, cống hiến, nộp thuế, chiết khấu thuế giá trị gia tăng, làm nghĩa vụ quân sự, dân sự ít nhất vài mươi năm cho chế độ, cho nhà nước. Và các khoản đã đóng góp của họ sẽ được điều tiết, phân phối một phần cho họ lúc tuổi già. Làm gì có ông vua nào ở đây !

Chính cái tâm lý dị đoan chính trị, mê tín chính trị và cách hiểu lệch lạc về bộ máy chính trị đã khiến đa số, phần rất lớn người Việt tự đẩy mình vào góc dân đen thấp cổ bé miệng, luôn trông chờ vào sự ban phát của nhà nước một cách nhu nhược và thiếu hiểu biết. Ngược lại, chính cái kiểu làm việc hống hách, cửa quyền và luôn đặt cho mình vị trí ban phát của giới đảng viên, cán bộ nhà nước đã khiến cho mọi chuyện trở nên tệ hại, dân khí bị tiêu trừ, dân trí còi cọc và dân sinh èo ọp.

Trở lại vấn đề dịch bệnh, hầu như người dân bị cuốn theo dòng xoáy tự hào, tự mãn, tự khen của nhà nước sau hai đợt chống dịch 1 và 2. Trong khi đó, ở hai đợt dịch này, người ta quên mất rằng sở dĩ Việt Nam chống dịch thành công là nhờ vào mặt trận nhân dân. Bởi Việt Nam sống sát sườn Trung Quốc, người Việt quá ngán ngẫm mọi thứ thuộc về Trung Quốc nên khi nghe tin dịch cúm Vũ Hán xuất phát từ Trung Quốc thì liền sau đó, người dân nói không với Trung Quốc, phải nói là đại đa số người dân nói không với Trung Quốc. Và mặt trận nhân dân hết sức sôi động, khó có người Trung Quốc nào có thể lọt lưới mà trụ lại trên đất Việt khi nhân dân soi tìm. Hàng trăm vụ bắt giữ, trả người về Trung Quốc đều do mặt trận nhân dân phối hợp. Nhưng khi kể công thì chỉ có mỗi đảng cộng sản khoe mình thành công.

Đến đợt dịch lần 3, và lần 4 đang tiếp diễn, khó mà tránh khỏi. Bởi lúc đó người dân quá chủ quan, thành trì an toàn bị vỡ, nhà nước tạo lớp đệm cho bầu cử bằng cách mở các ngày 30 tháng 4 và ngày 1 tháng 5 cho dân đi chơi. Còn nhân dân thì có cơ hội thả bung mình ra sau nhiều ngày đề phòng, phòng thủ, dường như cả nước ăn chơi, sau đó rồng rắn, xúm xít đi bầu. Mặt khác, người ta bắt đầu làm du lịch trở lại, tiếp tay đưa người Trung Quốc chui lậu sang Việt Nam, mặt trận nhân dân gần như tan rã. Và hệ quả của nó là ngày hôm nay.

Nhưng, chưa dừng ở đó, ở đợt dịch thứ 4 này, mặt trận nhân dân và mặt trận đảng chia làm hai phía rất rõ. Nhân dân bị đẩy vào cô lập, không lối thoát, nhân dân bị khuôn giới trong những hàng rào kẽm gai, các tảng bê tông, hàng rào sắt hàn bịt kín lối và thậm chí không được ra khỏi nhà. Nói là giãn cách xã hội nhưng kỳ thực là giới nghiêm tuyệt đối. Còn mặt trận đảng, nhà nước thì thỏa sức bố ráp, đưa nhân dân vào những chuồng trại tại chỗ. Hậu quả của trận tuyến kì quái này là nhân dân vừa chết vì đói, vừa chết vì dịch, vừa chết vì lo sợ, mất sức Đã có hàng chục ngàn cái chết trên đất nước này trong đợt dịch lần thứ 4 này, đặc biệt tại Sài Gòn, số lượng người chết tăng nhanh đến mức các lò hỏa táng làm việc không kịp, xác chồng chất xác.

Và để đảm bảo cho "thành tựu" của mình, nhà nước tiếp tục chính sách dồn dân, nhốt dân mà các nhà khoa học đều cho rằng không có cách nào khiến nhân dân nhanh chết hơn cách này. Bởi giãn cách xã hội chỉ có ý nghĩa khi người ta sống trong một không gian mở, gần với thiên nhiên và đảm bảo lương thực tự nhiên khi cần thiết nhằm hạn chế tương tác giữa người với người. Ngược lại, dồn dân vào mấy mét vuông người giáp mặt người, nhà giáp tường nhà, thiếu ăn, rên xiết vì đói khổ, thiếu thốn, mất vệ sinh thì khác nào làm cho nhân dân nhanh chết hơn ? !

Thế nhưng mọi chuyện vẫn chưa được nhìn lại, xét lại mà có vẻ như tình hình ngày càng trở nên xám xịt hơn, người chết vẫn chưa giảm, vùng lây lan ngày càng rộng và tài chính ngày càng kiệt quệ Thật là khó nói khi mà mọi vấn đề liên quan đến mạng sống, sức khỏe của nhân dân lại được điều hành, quyết định bởi những bộ não chả dính một chút kiến thức nào về y học và mỗi quyết định đưa ra đều có tính chất phản khoa học, phản y tế và vô tâm trước nỗi đau của nhân dân !

Cho đến lúc này, thật khó mà phân biệt cho rành rõi rằng nhà nước, chính phủ đang đánh giặc dịch hay đánh dân ? !

Viết từ Sài Gòn

Nguồn : RFA, 18/08/2021 (VietTuSaiGon's blog)

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Viết từ Sài Gòn
Read 532 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)