Cho đến lúc này, có thể nêu ra hàng loạt sai lầm trong phòng chống dịch tại Việt Nam, và tìm ra câu trả lời hoàn toàn không khó khi đặt câu hỏi : Vì sao đang an toàn, dịch cúm lại hoành hành, chết chóc đến mức tàn khốc ? Câu trả lời là vì Duy Ý Chí và không có chuyên môn.
Duy ý chí chỗ nào ?
Trong chống dịch, có hai vấn đề nổi cộm : Test cộng đồng và phong tỏa. Vấn đề test cộng đồng bắt buộc và các dịch vụ test phái sinh khi trung ương và chính quyền địa phương ra các qui định vừa thiếu khoa học vừa chồng chéo, dẫn đến tình trạng bán que test với giá cắt cổ và test tràn lan, tạo ra những ổ dịch tiềm ẩn.
Khi việc test trở nên trầm trọng trong đời sống, nó thành sự bắt buộc và người dân không thể từ chối được ở các điểm test cộng đồng cũng như các giấy thông hành phải có chứng nhận test trong vòng 72 giờ đồng hồ thì mối nguy lạm phát bán que test cũng như giá chặt chém mỗi lần test đã hiện thực bằng chính các động thái của chính quyền. Hậu quả của việc này là có lúc giá một lần test lên đến 350.000 đồng, đây là mức giá đắt gấp hơn 15 lần so với giá một lần test trên thị trường khu vực và quốc tế.
Sức nặng của chi phí test đè nặng lên đôi vai kinh tế quốc dân và kinh tế mỗi gia đình. Một mặt ngân sách bị tiêu tốn quá nhiều cho việc test cộng đồng một cách tràn lan, không được khuôn giới trong một nhóm nguy cơ và nghi nhiễm, khiến cho việc test trở thành mối nguy cơ tiềm ẩn, các ổ dịch phát sinh từ các điểm test cộng đồng là một trong những mũi giáo đâm vào mảnh giáp an toàn còn sót lại khi chống dịch.
Bên cạnh đó, việc đi lại phải được bảo chứng bằng giấy test là tốt, hợp lý, nhưng việc quản lý thị trường que test dường như bỏ trống khiến cho các bộ kit nhảy vọt lên mức giá kinh hoàng đã đẩy kinh tế gia đình đến chỗ kiệt quệ. Sự kiệt quệ của kinh tế gia đình, sự chậm trễ và gián đoạn trong lưu thông hàng hóa đã nhanh chóng đẩy kinh tế quốc gia đến bên bờ vực.
Trong khi đó, nếu như không test tràn lan cộng đồng mà test giới hạn trong các nhóm nguy cơ, nhóm nghi nhiễm, số que còn lại chuyển sang hỗ trợ cho những người làm công việc vận chuyển, đảm nhiệm chức năng lưu thông hàng hóa… thì các chuỗi cung ứng sẽ không bị đứt gãy, kinh tế không đến nỗi trì trệ, người chết vì nhiễm dịch cộng với suy dinh dưỡng cũng không đến nỗi tràn lan. Nghiệt nỗi, dường như chống dịch bằng ý chí, duy ý chí chứ không căn cứ vào khoa học nên câu chuyện càng lúc càng trở nên tệ hại.
Cùng với việc test tràn lan là phong tỏa, các đợt phong tỏa kéo dài nhiều tháng trong một nền kinh tế chủ yếu dựa vào công nghiệp mới phát triển, công nghiệp bán khai, dựa vào các nhóm đầu tư nước ngoài sẽ dẫn tới tình trạng đói lương thực, bế tắc nguồn tiền và giảm dần sức sống ở những vùng người lao động bị phong tỏa. Bằng chứng của điều này là nơi nào phong tỏa mạnh tay, phong tỏa dài hạn thì nơi đó người chết tràn lan, Sài Gòn, Bình Dương là những ví dụ điển hình.
Không có chuyên môn chỗ nào ?
Đây là một kiểu chống dịch duy ý chí, không có phân tích thực tế và cũng không rút được kinh nghiệm từ thực tiễn gần hai năm dài va chạm, phòng chống dịch cũng như quan sát dịch bùng phát trên thế giới. Và cho đến thời điểm này, có những khắc phục cụ thể, ví dụ như gần đây nhất, Chính phủ ra các qui định mới nhằm cứu vãn tình thế.
Ngày 20 tháng 10 năm 2021, "Tại cuộc họp giữa Phó thủ tướng Lê Văn Thành với Bộ Giao thông vận tải, Bộ Y tế và các địa phương hôm nay, 20.10, đa số ý kiến đều bày tỏ quan điểm nên có những quy định y tế chặt chẽ hơn với hành khách khi tham gia giao thông bằng đường hàng không so với các loại hình vận tải khác trong giai đoạn hiện nay.
Theo đó, Bộ Giao thông vận tải hướng dẫn, trường hợp hành khách cư trú, lưu trú trước chuyến bay tại địa bàn có dịch ở cấp 4 hoặc cách ly y tế vùng (phong tỏa) hoặc hành khách trên chuyến bay xuất phát từ địa bàn có dịch ở cấp 4 hoặc cách ly y tế vùng (phong tỏa) hoặc hành khách trên chuyến bay xuất phát từ sân bay Tân Sơn Nhất, Cần Thơ : có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 (PCR hoặc test nhanh) trong 72 giờ.
Trường hợp hành khách khác cần đáp ứng một trong 3 điều kiện : tiêm đủ liều vắc xin (liều cuối cùng ít nhất 14 ngày và không quá 12 tháng), hoặc F0 khỏi bệnh không quá 6 tháng, hoặc có kết quả xét nghiệm âm tính (PCR hoặc test nhanh) trong 72 giờ.
Ngoài ra, hành khách phải thực hiện khai báo y tế theo quy định, hoàn thành cam kết và chuyển cho đại diện hãng hàng không khi làm thủ tục hàng không (check-in) tại điểm xuất phát. Hành khách không được tham gia chuyến bay khi có các triệu chứng ho, sốt, khó thở, đau mỏi cơ, đau rát họng, mất vị giác… Hành khách luôn đeo khẩu trang, thực hiện sát khuẩn tay, hạn chế tiếp xúc.
Tổ bay và tiếp viên có chứng nhận tiêm đủ liều vắc xin, hoặc F0 khỏi bệnh không quá 6 tháng, có kết quả xét nghiệm âm tính trong 7 ngày.
Thời gian áp dụng từ ngày 21/10 đến ngày 30/11. Trong vòng 15 ngày kể từ ngày áp dụng, Cục Hàng không Việt Nam đánh giá tình hình kiểm soát dịch bệnh tại các địa phương và trên toàn quốc để đề xuất phương án điều chỉnh tần suất khai thác và điều kiện đối với hành khách phù hợp…
Với đường sắt, hành khách chỉ phải xét nghiệm y tế trong các trường hợp có một trong các biểu hiện triệu chứng sốt, ho, mệt mỏi, đau họng, mất vị giác và khứu giác, khó thở...
Đối với tất cả các cấp độ dịch, chỉ yêu cầu xét nghiệm một trong các điều kiện sau : có nghi ngờ hoặc có chỉ định điều tra dịch tễ đến từ địa bàn có dịch ở cấp 3 ; đến từ địa bàn có dịch ở cấp 4 hoặc cách ly y tế (vùng phong toả), không yêu cầu xét nghiệm khi đi lại trong địa bàn.
Với người đã tiêm đủ liều vắc xin hoặc khỏi bệnh Covid-19, chỉ xét nghiệm khi có điều tra dịch tễ, với trường hợp cách ly y tế, theo dõi y tế và trường hợp đến từ địa bàn có dịch ở cấp 4 hoặc vùng phong toả…" (Trích từ báo Thanh Niên).
Phương án khắc phục cho thấy yêu cầu về vaccine khi đi máy bay không còn là qui định bắt buộc và qui định test Covied-19 khi đi tàu lửa cũng không còn bắt buộc với tất cả mọi người trước khi bước lên tàu mà giới hạn ở một nhóm có nguy cơ và nghi nhiễm. Trong "bình thường mới" này có vẻ dễ thở hơn so với trước.
Nhưng, có một vấn đề là hầu hết các chốt chặn ranh giới giữa các tỉnh còn vấp phải, đó là mặc nhiên thừa nhận giấy tiên vaccine hai lần có giá trị thay thế cho giấy xác nhận âm tính với Covid-19. Điều này chứng tỏ các cơ quan quản lý và kiểm soát y tế địa phương thiếu chuyên môn, hiểu không đúng về vaccine, xem việc tiêm vaccine như một bước chặn nhiễm dịch và người tiêm vaccine có thể hoàn toàn miễn dịch… Đây là cách hiểu sai, bởi người tiêm vaccine vẫn nhiễm dịch bình thường, chỉ khác chăng là hi vọng sống sót của họ cao hơn người chưa tiêm. Và ngay cả chuyện sống sót của người đã tiêm vaccine cũng chưa có cơ sở thực tế để khẳng định, xác tín.
Bên cạnh đó, vấn đề chồng chéo về thủ tục, cát cứ địa phương, mạnh ông nào ông nấy ra qui định, các qui định không dựa trên nguyên tắc và cơ sở khoa học mà chỉ dựa trên ý chí, trên sức tưởng tượng của các ông về dịch. Điều này dẫn đến trì trệ về hệ thống. Ví dụ như bỏ qui định tiêm vaccine khi đi máy bay nhưng để đến được sân bay, người ta phải có cái giấy chứng nhận đã tiêm, rồi khi ra khỏi sân bay, điểm đến cũng yêu cầu giấy chứng nhận vaccine (thẻ xanh) hoặc phải cách ly 14 ngày. Như vậy, các qui định mới trở thành cái bẫy với người dân.
Đó là chưa nói đến các giấy tờ ngoài luồng, vấn đề tiêu cực trong quản lý chống dịch dạng "vaccine ông ngoại". Có rất nhiều vấn đề bất cập khi các qui định cứ chồng chéo, rối như canh hẹ trong một chuỗi hối thúc khiến cho người dân nhắm mắt nhắm mũi tiêm vaccine Trung Quốc miễn phí nhưng kì thực nhà nước dùng ngân sách để mua và ngân sách là tiền thuế của nhân dân, là tiền của quốc dân, chẳng có gì là cho không cả. Người dân chỉ được mua một cách thụ động thứ người ta không muốn đưa vô người chứ làm gì có chuyện miễn phí !
Với kiểu chống dịch "Bắc cười Nam khóc" như vậy, tình hình rối ren sẽ còn dài dài. Và muốn vãn hồi trật tự, thiết nghĩ, Chính phủ cũng nên bắt mạch cho chính xác, có phương án tốt hơn để khắc phục. Nếu không, mọi thứ chỉ đi từ sai lầm này đến hỏng hóc khác, từ rối rắm này sang rối ren khác, không hơn không kém !
Viết từ Sài Gòn
Nguồn : RFA, 26/10/2021 (VietTuSaiGon's blog)
Cực kỳ lạ và… hấp dẫn vụ "cắt ghép" các file ghi âm cuộc nói chuyện của Đại tá Đinh Văn Nơi
Nguyễn Hữu Vinh (Ba Sàm), RFA, 05/10/2021
Cái "cực kỳ lạ" ở đây là từ sự "tài ba" của… "đối tượng xấu" nào đó, cho tới sự kém cỏi, lúng túng đến độ không thể giải thích nổi của chính quyền An Giang trong vụ việc được gọi là "cắt ghép file ghi âm đại tá Đinh Văn Nơi ". Còn "hấp dẫn" là từ đây thấy nổi lên những bí ẩn đằng sau nó.
Đại tá Đinh Văn Nơi - Giám đốc Công an tỉnh An Giang - Công an Nhân Dân
Tóm tắt vụ việc
Trong hai ngày qua, một số báo cho biết trên mạng xã hội lan truyền mộtđoạn ghi âm, dài 6 phút , gây xôn xao dư luận. Đó là "cuộc nói chuyện" điện thoại giữa hai người, được cho là Đại tá Đinh Văn Nơi, Giám đốc Công an An Giang, và một "cựu bí thư" (trên mạng cho đó là Thiếu tướngBùi Bé Tư , cựu Bí thư tỉnh ủy, cựu Giám đốc Công an tỉnh An Giang).
Trong trao đổi đó có đả động tới Chủ tịch tỉnh An giang, với nhận xét bất lợi, rằng ông"không cho rước, đón người dân" từ Thành phố Hồ Chí Minh về giữa đại dịch.
Ban thường vụ Tỉnh ủy An Giang đã rất nhanh chóng "khẳng định" thông tin trên file ghi âm đó là "cắt ghép, gây chia rẽ đoàn kết nội bộ".
Vụ việc nghiêm trọng tới độ, trong khi mới điều tra, chưa rõ các đối tượng, nhưng đã được báo cáo ngay lên Trung ương để xin ý kiến chỉ đạo.
Báo chí cũng được thông báo là "nghi can" đã được triệu tập. Và chiều nay, một số báo đưa tin đã xác định rõ đối tượng.
Do có báo cho biết "Công an tỉnh yêu cầu người dân không chia sẻ, phát tán những thông tin sai trái này, ai cố tình vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm theo pháp luật", nên xin không đưa đoạn ghi âm đó lên đây (độc giả nào muốn nghe, để góp sức giúp cơ quan chức năng có vẻ đang lúng túng xử trí, thì chỉ cần sớt trên mạng Facebook từ khóa "đinh văn nơi ghi âm" là ra ngay hàng loạt).
Báo chí làm được gì
Truyền thông không phải là cái… máy ghi âm chỉ quay một hướng, rồi phát ra loa, viết thành bài. Ở đây, các báo đưa tin hoàn toàn theo thông tin của Đảng, chính quyền An Giang, không có những câu hỏi thắc mắc để làm rõ thêm vấn đề, không có thông tin từ các mạng xã hội, như Facebook, YouTube. Đặc biệt hoàn toàn không phỏng vấn vị "cựu Bí thư".
Phía báo chí cũng không được nghe đoạn ghi âm, để có thể trích ra vài câu, và phân tích biểu hiện "cắt ghép" nó ra sao.
Vì thế, mà độc giả không biết một chút chi tiết nào trong nội dung cuộc nói chuyện, làm sao phán xét đúng sai. Ngay cả danh tính "nghi can" bị triệu tập cũng không hề có. Từng báo là những mảnh ghép của vụ việc, độc giả tự ghép lại, vẫn không đủ, rồi phỏng đoán. Càng kích thích tính tò mò để tìm ra sự thực.
Và chưa hết, điểm qua thông tin trên các báo, thấy đầy dẫy mâu thuẫn, khó hiểu. Xin nêu tiếp trong phần dưới đây.
"Đối tượng xấu" quá tài
Trước hết, phải khẳng định rằng, qua nhiều báo cho biết, đoạn clip ghi âm không phải là tiếng nói của người khác, hoặc dùng phần mềm để giả giọng, mà chính là của ông Nơi và vị "cựu Bí thư".
Vấn đề chỉ là nó bị "cắt ghép" thôi, tức là lấy đoạn ghi âm này ghép với (những) đoạn ghi âm khác, tạo nên một cuộc nói chuyện bình thường. Làm được vậy, "đánh lừa" được người nghe, thì quả là kỳ tài.
Thêm nữa, dễ hiểu là để ghi âm "trộm" được một cuộc điện thoại của một đại tá giám đốc công an là vô cùng khó. Nếu ghi trực tiếp qua hệ thống điện thoại thì phải có trình độ công nghệ rất cao, còn ghi âm bên ngoài, thì phải đặt máy nghe trộm trong phòng một trong hai nhân vật trên, khi họ nói chuyện ở chế độ speaker/mở loa. Quá kinh !
Vậy kẻ đó là ai ? Tìm đỏ mắt qua các báo… Thì có báo cho biết người "liên quan đến vụ cắt ghép này" là một "cán bộ đã nghỉ hưu ", nhưng lại có đoạn"một đối tượng đứng tại khu vực cửa ngõ vào tỉnh An Giang để livestream", rồi "nhóm đối tượng ở nước ngoài sử dụng hình ảnh này để cắt ghép với file ghi âm bịa đặt về phát biểu của đại tá Đinh Văn Nơi".
Nhưng lại có mấy báo khác cho biết thêm một đối tượng nữa (mà không hề đả động đến "cán bộ đã nghỉ hưu", cũng không rõ có quan hệ với vị này và người livestream không). Đó là "Hoàng Văn Dũng, chủ Facebook Hoàng Dũng", định cư ở Mỹ, "phản động"…
Chính quyền quá lúng túng
Lúng túng trước tiên là sự vào cuộc có vẻ như không phải của công an, với các thao tác điều tra, giám định để đi đến kết luận, mà lại là của… Thường vụ Tỉnh ủy, với một "cuộc họp khẩn", rồi "nghe đại tá Nơi trình bày ". Một quy trình ngược ? Đã thế, lại không nghe nói có mời vị "cựu Bí thư" tới để làm rõ hay không.
Câu hỏi đầu tiên là tại sao không khởi tố vụ án ? Bởi đây là một vụ nghiêm trọng, lén theo dõi, ghi lại, phát tán nội dung công việc của một VIP công an, với mục đích "xấu", lại liên quan tới đại dịch.
Khi nhanh chóng phát hiện "nghi can" lại không công bố danh tính (ít ra là tên viết tắt, ở địa phương nào…) như bao nhiêu vụ việc tương tự khác.
Khi chưa làm tới nơi tới chốn những việc có thể làm ngay được, trong quyền hạn, khả năng của mình mà đã phải "báo cáo", xin "chỉ đạo" từ trung ương thì quả là quá kém.
Cuối cùng là qua những thông tin cho báo chí hôm nay, thấy rõ vụ này liên quan tới nhiều đối tượng trong/ngoài nước, trong/ngoài bộ máy nhà nước"câu kết" với nhau vô cùng nguy hiểm… lại càng rõ thêm sự cần thiết phải khởi tố vụ án.
Nhận định "tai hại"
Có thể một phần do cách làm trên, đem tới nhiều thắc mắc thêm trong dư luận, nên đã tạo điều kiện thuận lợi cho những phỏng đoán, bình luận phong phú trên mạng xã hội.
Người ta đoán rằng, có thể do chính phía công an làm việc này (cuộc gọi giữa một đương, một cựu công an, đề cập cả một thứ trưởng công an với lời khen ngợi), với mục đích nhắm vào ông chủ tịch tỉnh và đề cao công an. Hoặc do phía muốn nhắm vào ông Nơi đã thực hiện. Hoặc do tổ chức đảng địa phương, muốn "lấy điểm", để dân "hạ nhiệt" giữa tình hình dịch bệnh căng thẳng, v.v.
Với chính quyền, đó là những bình luận tai hại, nguy hiểm ; còn đối với người dân, thì không hẳn.
Cũng cần phải nhắc tới một yếu tố góp phần cho câu chuyện thêm hấp dẫn trên mạng, là về nhân vật chính, Đại tá Nơi. Trong thời gian gần đây, ông khá nổi tiếng về nhiều mặt, điển hình là vụ có kẻdùng 20 tỉ đồng để "bứng ghế" ông đi.
Dù sao thì vụ việc vẫn còn tiếp diễn. Xem sẽ có thêm những kỳ lạ, hấp dẫn nữa không.
Nguyễn Hữu Vinh (Ba Sàm)
Nguồn : RFA, 05/10/2021
**********************
Ông Hoàng Dũng phủ nhận việc cắt ghép lời nói của Đại tá Đinh Văn Nơi
RFA, 06/10/2021
Báo chí Nhà nước Việt Nam hôm 5/10 đồng loạt đăng tải các bài báo khá giống nhau cho rằng đoạn ghi âm cuộc nói chuyện giữa Giám đốc Công an tỉnh An Giang, Đại tá Đinh Văn Nơi và một cựu bí thư tỉnh này hôm 3/10, đã bị cắt ghép và quy kết ông Hoàng Dũng - một trong những người sáng lập Phong trào Con đường Việt Nam là người phát tán lên mạng.
Đại tá công an Đinh Văn Nơi - Sài Gòn Giải Phóng
Cho đến nay báo chí dưới quyền của Ban Tuyên giáo vẫn chưa đưa ra đoạn ghi âm "thực sự" để chứng minh cho đoạn âm thanh mà người dân đưa lên Facebook là cắt ghép.
Tuy nhiên, hôm 6/10 (giờ Việt Nam) trên trang Facebook cá nhân ông Dũng phủ nhận đã làm chuyện này :
"Cũng có một vài anh chị hỏi có cắt ghép không. Mình trả lời là không. Ít nhất là về phía mình. Mình đã chứng minh bằng video phát trực tiếp quay đoạn file ghi âm có trong tin nhắn đó. Có thế nào mình phát như thế.
Cắt ghép hình ảnh để giỡn nhau cho vui thì mình đã từng làm nhiều. Nhưng mình chưa từng cắt ghép cái gì với mục đích để hại người khác. Nhất là cắt ghép chỉnh sửa video, âm thanh thì mình chịu. Món này mình không có phương tiện cũng như trình độ để làm" - ông Dũng viết sau khi đăng tải tin nhắn Messenger của ai đó gửi cho ông đoạn ghi âm này.
Đoạn ghi âm dài 6 phút 38 giây ghi lại cuộc nói chuyện của một người đàn ông lớn tuổi có vẻ từng làm lãnh đạo trong công an tỉnh An Giang gọi cho Đại tá Đinh Văn Nơi để bày tỏ bức xúc về việc người dân ở tỉnh này về quê nhưng lại không được đón nhận.
"Có một cái là ông ấy (ám chỉ Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình) phát biểu kêu quân đội, công an ra, xách súng xách đạn ra. Tôi không làm đó thì anh làm cái gì tôi ?".
Người đàn ông lớn tuổi sau đó cho biết, con ông (dưới quyền của ông Nơi) được điều động đi khi chưa kịp thắp nhang đám giỗ ông nội, ông này cũng cho hay là đã bảo con không được đàn áp người dân.
Giọng của người đàn ông được cho là Đại tá Đinh Văn Nơi cho rằng đã gọi cho Thứ trưởng Bộ Công an để xin hướng dẫn về việc đưa người dân về quê.
Giọng của Đại tá Đinh Văn Nơi cũng chê trách về công tác an sinh xã hội của Thành phố Hồ Chí Minh bỏ đói dân, để cho dân bạo loạn... và là nguyên nhân để người dân bỏ thành phố về quê.
Nguồn : RFA, 06/10/2021
*********************
Giám đốc công an và cựu bí thư An Giang nói gì qua điện thoại về chủ trương của ‘ổng’ ?
Trân Văn, VOA, 05/10/021
Ông Lưu Vĩnh Nguyên – Trưởng Ban Nội chính của Tỉnh ủy An Giang - vừa thay mặt Ban Thường vụ Tỉnh ủy, công bố với báo giới, rằngCông an An Giang đã xác định được nghi can tổ chức ghi âm, cắt ghép và phát tán đoạn ghi âm giữa Đại tá Đinh Văn Nơi – Giám đốc Công an An Giang với một người được cho là cựu Bí thư An Giang... nhằm hạ uy tín lãnh đạo tỉnh(1).
Ông Đinh Văn Nơi (trái) tặng quà cho người dân. (Hình : CTV via Thanhnien.vn)
Trước đó chưa đầy một ngày, hệ thống truyền thông chính thức đồng loạt loan báo : Đoạn ghi âm dài khoảng sáu phút đang lan truyền trên Internet, được cho là một phần cuộc trò chuyện trên điện thoại giữa ông Nơi với cựu Bí thư An Giang là bịa đặt, cố ý gây hiểu nhầm, kích động chia rẽ Công an An Giang đang xác minh để xử lý và yêu cầukhông chia sẻ những thông tin sai trái này, nếuviphạm sẽ bị xử lý nghiêm khắc (2).
***
Có thể nghe trực tiếp nội dung cuộc trò chuyện giữa người được cho là ông Đinh Văn Nơi – Đại tá, Giám đốc Công an An Giang - với cựu Bí thư An Giang tại đây (3), xin tạm lược thuật thế này về nội dung cuộc trò chuyện đang làm dư luận xôn xao.
- M. ! Có gì đâu mà bỏ dân mình dậy ! Không lẽ để họchết ở cửa ngõ T2, để các thế lực thù địch lôi kéo như vậy sao được. Tui nói với anh, ổng không cho nhưng từ sáng giờtui giải quyết hơn hai ngàn rồi, ổng nói trên báo chí kệ ổng.
- Anh đề nghị với em nên chọnmỗi xã mộtấp, sơ tán dântrong ấp đó đi, đưa bà con về cách ly ở đó theo đúng qui định, rồi mình góp với nhau tương, chao, gạo cho bà con sống. Chớ mình bỏ sao được.
- Tụi em biết chuyện đó rồi. Tụi em sẽ viết công văn báo cáo Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, chớ tự dưng bỏdân mình sao được.M. ! Toàn người già, con nít, rồi phụ nữ mang thai... chạy xe mấy chục, mấy trăm cây số, về, bỏ ở đó, ngủ ngoài mưa, ngoài nắng, cả đêm. Nhiềuthứ làm tụi tui quạu, muốn đập bàn luôn chớ không phải chuyện đơn giản. Có điều ổng cứ phát biểu, kêu công an, quân đội xách súng đạn ra. Tui không làm đó ổng làm gì tui.
Tui nói với anh. Đem súng đạn nàynọ ra hả ? Tui tui ra lệnh không cho thằng nào được quyền trấn áp dân.Đ.M thằng nào giỏithì ra đó làm đichớ dân người ta về quê có conm. gì đâu. Mình có cả hệ thống y tế, đẩy mạnh công tác an sinh xã hội, quản lý chặt chẽ về y tế là tốt rồi.
Địa phương nào yếu thì mình huy động người, anh em công an, quân đội, y tế tập trung xuống tiếp đón. Có gì đâu, áp lực trong vòng năm, mười ngày là hết thôi, chứ không lẽ năm này sang năm nọ sao mà xạo dựvậy. Trời đất ơi, ổng cứ lên báo, không cho về, ổng ngăn đầu này, ổng cản đầu kia, sáng giờ ổng chửi tui tan nát hết trơn... Kệm. nó ! Tới đâu hay tới đó, chớ không lẽ bỏsao được.
- Anh nói với em một câu nữa. Hồi trưa thằng con anh về quê giỗ ông nội nó. Chưa kịp thắp nhang là em lịnh cho nó đi. Anh nói với nó : Nè con. Ai lịnh con trấn áp dân thì không được phép nghe. Anh nói với nó như vầynữa nè : Con người ta không lẽ thua con vật, cáo chết ba năm còn quay đầu về núi. Cố gắng hoàn thành nhiệm vụ nhưng mà phải tỉnh táo. Từ sáng tới giờ anh suy nghĩ, muốn điện cho em để nói suy nghĩ, tâm tư của mình. Rất mừng vì thấy em có suy nghĩ, ứng xử rất là tốt.
- Em nói thiệt với anh.M. làm gì cũng có tổ chức, có kỷ luật nhưng có điều ổng cứ chống đối. Hồi sáng em gọi điện báo cáo Thứ trưởng Bộ Công an. Mấy ảnh nóiĐ.M bây giờ mày tiếp nhận đi, không có gì đâu. Saunày có gì BộCông an chịu trách nhiệm. Giờ chơi liều. ổng lên báo, ổng nói, ổng không tiếp nhận người tự ý đi về này kiacác thứ. Trời Phật ơi, trong lúc dầu sôi lửa bỏng, chết tới nơi, mà ổng bỏ dân như vậy sao được trời ! Đâu phảitự nhiên mà người ta về...
- Đúng ! Chưa chết vì Covid mà chết vì đói, chết vì khổ
- Trên trển có ai lo đâu, tui nói thiệt với anh...Đ.M nói bằng cái miệng, thật ra trên Saigon nói bằng cái miệng, chứ có ai mà lo.Đ.M bỏ chết bờ, chết bụi, rồi nói bạo loạn, thế này thế kia. Người ta có ăn, có mặc thì ai về đây làm gì ?M. cuối cùng người ta chạy về thì mình tập trung mà lo bằng nhiều cách, Dân của mình có 2.600 chứ nhiêu, công an điểm danh hết rồi. Bây giờ tập trung lo y tế, an sinh xã hội, cách ly, mình cố gắng làm tốt trong mười ngày thì xong thôi. Có con m. gì đâu mà ổng làm quá anh ơi.Đ.M tôi nói thiệt, tui cũng buồn. Sáng giờ ổng chửi um. Chửi thì chửi, bình thường thôi. Chửi quá thì tắt điện thoại. Làm conm. gì. Làm sao bảo vệ cho dân là được rồi, sợ gì.
***
Trong sự kiện vừa đề cập, có vài yếu tố rất đáng chú ý. Thứ nhất, dẫu người được cho là Giám đốc Công an An Giang liên tục chửi thề nhưng trên mạng xã hội, gần như không có ai trong số người đã nghe file ghi âm mà kẻ viết bài này vừa tạm lược thuật nội dung, chê trách ông Đinh Văn Nơi. Thậm chí, không ít người khẳng định, họ không ưa chửi thề nhưng nghe cuộc trò chuyện, họ thấy ông Nơi chửi thề là thỏa đáng, là dễ thương (4).
Thứ hai, trong mắt dân chúng, hình ảnh viên chức nói chung, công an nói riêng vốn đã méo mó. Cách hành xử của hệ thống công quyền và lực lượng vũ trang trong đợt dịch Covid-19 lần thứ tư đã khiến ác cảm đối với viên chức và công an gia tăng, song cuộc đối thoại được ghi âm và phát tán vừa kể đã giúp cải thiện một phần nhận thức lẫn tình cảm của công chúng, khi họ nhận ra, ngay cả những sĩ quan công an cao cấp như ông Nơi và ông Thứ trưởng nào đó ở Bộ Công an vẫn còn nhân tính, lương tâm chưa mù lòa !
Thứ ba, yếu tố thứ hai... không quan trọng ! Trong bối cảnh hỗn loạn, nhân tâm ngao ngán, bất bình như hiện nay, điều làm hệ thống chính trị, hệ thống công quyền bận tâm nhiều nhất vẫn không phải là dân nghĩ gì về nhân tính của những cá nhân thi hành công vụ, mà là uy tín lãnh đạo và đoàn kết nội bộ !
Khi file ghi âm cuộc trò chuyện của ông Nơi lan truyền trên Internet, thay vì thực hiện giảo âm rồi công bố kết quả, Công an An Giang chỉ khơi khơi khẳng định đó là cắt ghép, bịa đặt vì hàng ngày, Giám đốc Công an tỉnh tiếp nhận rất nhiều cuộc gọi. Có thể từ những cuộc điện thoại mang tính chất trao đổi cá nhân (không phải chủ trương hay chỉ đạo) đã được các đối tượng xấu cố ý ghi âm, cắt ghép rồi tung lên mạng !So với công dân, ở Việt Nam, thân phận của khoa học và kỹ thuật hình sự cũng đáng thương không kém !
Bất kể tình hình dịch bệnh thế nào, dân chúng ra sao, đặc biệt là nạn dân đang lũ lượt hồi hương cần được hỗ trợ về đủ mọi mặt, Ban Thường vụ Tỉnh ủy An Giang vẫn tổ chức riêng một cuộc họp chỉ để phủ nhận :Trước nay, ông Nguyễn Thanh Bình,Chủ tịch An Giang không hề phát biểu chuyện không đón công dân. Ông Bình luôn đi đầu trong việc phòng chống dịch, đi đầu trong an dân, chăm lo xã hội lúc đại dịch và việc đón người dân tự về quê. Khẳng định như thế có khác gì đã chích cả thuốc liều và chích quá dose !
Trước đó chỉ ba ngày – hôm 1/10/2021 – hệ thống truyền thông chính thức từng loan báo :Chủ tịch An Giang Nguyễn Thanh Bình cho biết, hiện nay, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp. Do đó, An Giang sẽ không tiếp nhận các trường hợp người dân ở các tỉnh, thành tự phát trở về địa phương. Không riêng ông Bình, ông Lê Hồng Quang, Bí thư An Giang cũng nhấn mạnh :An Giang vẫn giữ nguyên quan điểm "không có chủ trương tiếp nhận người dân từ các tỉnh, thành tự phát trở về địa phương" thời gian tới. Trên tinh thần "dân chủ, tập trung", An Giang thống nhất chỉ tiếp nhận người dân về đến cửa ngõ tỉnh trong tối 30/9/2021, rạng sáng 1/10/2021(5).
***
Ông Nơi đã lên tiếng phủ nhận những phát biểu mà vì tin là suy nghĩ thật, tâm trạng thật của ông nên thiên hạ vừa khen ông không tiếc lời, vừa cảm kích, thậm chí họ lo cho sự nghiệp của ông khi ông khẳng khái như thế !.. Ngoài chuyện liên lạc với báo chí để giải độc dư luận, Ban Nội chính của Tỉnh ủy An Giang cho biết.Đã báo cáo về Trung ương để chỉ đạo làm rõ mục đích, ý đồ của nhóm người lợi dụng tình hình dịch bệnh chống phá nội bộvì Ban Thường vụ Tỉnh ủy An Giang đã có chủ trương điều tra, xử lý nghiêm theo quy định, bởi đây không còn là chuyện cá nhân nữa mà trở thành chuyện của tỉnh.
Người Việt muốn có một thoáng rung động về nhân tính, về chân tình mà các viên chức hữu trách trong hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam dành cho đồng bào, rõ ràng là không dễ. Hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam chỉ muốn đồng bàorèn luyện cảm xúc qua những thứ kiểu như loạt bài"Covid-19 : Những quyết định mang tầm chiến lược vì tính mạng và sức khỏe nhân dân" (1) mà báo điện tử của chính phủ đang đăng để ca ngợi Thủ tướng nói riêng và chính phủ nói chung đã đáp ứng một cách linh hoạt với đợtdịch Covid-thứ tư, xoay chuyển được tình thế ! Vậy thôi !
Trân Văn
Nguồn : VOA, 05/10/2021
Chú thích :
(1) https://tuoitre.vn/trieu-tap-nghi-can-cat-ghep-file-ghi-am-dai-ta-dinh-van-noi-20211004202748594.htm
(3) https://www.facebook.com/tiengdanbao/videos/1309662852799955/
(4) https://www.facebook.com/thuy.cuc.3/posts/10224004882383209
(5) https://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/an-giang-khong-tiep-nhan-nguoi-dan-tu-phat-tro-ve-779638.html
Cho đến lúc này, có thể nói rằng việc chống dịch, phòng dịch của Việt Nam đã thất bại, vấn đề còn lại là khắc phục hậu quả, khắc phục mọi rủi ro đã có và làm lại. Không thể nói khác được, bởi trước đây Việt Nam chủ quan, hào hứng và tự mãn bao nhiêu thì bây giờ, mọi chuyện trở nên tệ hại bấy nhiêu. Nghiệt nỗi, sự tệ hại, nghiệt ngã này đến từ cả hai phía : Nhân Dân và Nhà Nước.
Người dân chạy dịch về quê mỏi mệt và đói do di chuyển liên tục 2 ngày trên đường Hồ Chí Minh
Ngay cả việc phân chia hai phía gồm nhân dân và nhà nước đã thấy sự thất bại từ trứng nước của vấn đề. Bởi lẽ, một nhà nước thực sự của dân, do dân và vì dân, thì nhà nước đó phải là nhân dân thu nhỏ, là đại diện nhân dân và là nhân dân. Đơn giản, nhà nước và nhân dân là một, nhân dân sống thì nhà nước sống, nhà nước sống thì nhân dân sống. Nhưng bây giờ không phải là lúc bàn về chuyện này.
Vấn đề nằm ở chỗ giữa nhà nước và nhân dân có một ranh giới rất rõ giữa người ra lệnh và người vâng phục bất khả kháng. Nhưng, trong đợt dịch thứ tư này, cả người ra lệnh và người vâng phục (chữ vâng phục đã cho thấy điều gì ? Và sự ra lệnh cho thấy điều gì ? Chắc không cần bàn thêm !) đều sai lầm !
Người Việt có một điểm rất lạ là phần đông bất mãn cộng sản, cho đến lúc này, cả các đảng viên cộng sản cũng rất bất mãn, nhưng họ lại tin vào cộng sản một cách mù quáng và hầu như họ xem cộng sản là một loại vua chúa nào đó.
Bằng chứng của việc này là người dân tin vào mọi chính sách của cộng sản, ngay giữa tâm dịch, chỉ cần nhà nước tuyên bố an toàn thì nhà nhà đổ ra đường, người người ăn chơi, thậm chí sau đó, người ta mặc sức đi bầu, trong khi họ thừa biết việc đi bầu cử đó chỉ là hình thức. Rõ ràng, trước dịch bệnh, trước sự mất còn của tính mạng mà người ta vẫn có thể vui chơi, lạc quan khi nhà nước tuyên bố an toàn thì người ta không tin cộng sản thì tin ai đây ? ! Và người ta dám đánh cược tính mạng của mình với một lời tuyên bố chẳng có gì lấy làm cơ sở tin cậy, nếu không muốn nói là vu vơ, vô trách nhiệm thì là gì nếu không gọi là tin mù quáng ? !
Ngạc nhiên hơn là cho đến lúc này, vẫn có nhiều người từng học qua đại học, từng làm những công việc liên quan đến đầu óc, trí tuệ nhưng vẫn xem các khoản phúc lợi xã hội từ nhà nước là "lộc vua". Nghĩa là họ xem mọi khoản từ tiền từ tền trợ cấp, tiền cho người tàn tật, tiền người cao tuổi, tiền người nghèo là lộc vua. Mà cụ thể ở đây, vua chính là đảng cộng sản. Trong khi đó, về vấn đề các khoản phúc lợi xã hội, không có ông vua nào đứng ra ban ở đây cả mà chỉ có những con người phục vụ, bắt buộc phải phân phát một cách nghiêm túc, khoa học cho nhân dân từ chính đồng tiền của nhân dân. Bởi muốn có các khoản trợ cấp đó, người ta phải sống và làm việc, cống hiến, nộp thuế, chiết khấu thuế giá trị gia tăng, làm nghĩa vụ quân sự, dân sự ít nhất vài mươi năm cho chế độ, cho nhà nước. Và các khoản đã đóng góp của họ sẽ được điều tiết, phân phối một phần cho họ lúc tuổi già. Làm gì có ông vua nào ở đây !
Chính cái tâm lý dị đoan chính trị, mê tín chính trị và cách hiểu lệch lạc về bộ máy chính trị đã khiến đa số, phần rất lớn người Việt tự đẩy mình vào góc dân đen thấp cổ bé miệng, luôn trông chờ vào sự ban phát của nhà nước một cách nhu nhược và thiếu hiểu biết. Ngược lại, chính cái kiểu làm việc hống hách, cửa quyền và luôn đặt cho mình vị trí ban phát của giới đảng viên, cán bộ nhà nước đã khiến cho mọi chuyện trở nên tệ hại, dân khí bị tiêu trừ, dân trí còi cọc và dân sinh èo ọp.
Trở lại vấn đề dịch bệnh, hầu như người dân bị cuốn theo dòng xoáy tự hào, tự mãn, tự khen của nhà nước sau hai đợt chống dịch 1 và 2. Trong khi đó, ở hai đợt dịch này, người ta quên mất rằng sở dĩ Việt Nam chống dịch thành công là nhờ vào mặt trận nhân dân. Bởi Việt Nam sống sát sườn Trung Quốc, người Việt quá ngán ngẫm mọi thứ thuộc về Trung Quốc nên khi nghe tin dịch cúm Vũ Hán xuất phát từ Trung Quốc thì liền sau đó, người dân nói không với Trung Quốc, phải nói là đại đa số người dân nói không với Trung Quốc. Và mặt trận nhân dân hết sức sôi động, khó có người Trung Quốc nào có thể lọt lưới mà trụ lại trên đất Việt khi nhân dân soi tìm. Hàng trăm vụ bắt giữ, trả người về Trung Quốc đều do mặt trận nhân dân phối hợp. Nhưng khi kể công thì chỉ có mỗi đảng cộng sản khoe mình thành công.
Đến đợt dịch lần 3, và lần 4 đang tiếp diễn, khó mà tránh khỏi. Bởi lúc đó người dân quá chủ quan, thành trì an toàn bị vỡ, nhà nước tạo lớp đệm cho bầu cử bằng cách mở các ngày 30 tháng 4 và ngày 1 tháng 5 cho dân đi chơi. Còn nhân dân thì có cơ hội thả bung mình ra sau nhiều ngày đề phòng, phòng thủ, dường như cả nước ăn chơi, sau đó rồng rắn, xúm xít đi bầu. Mặt khác, người ta bắt đầu làm du lịch trở lại, tiếp tay đưa người Trung Quốc chui lậu sang Việt Nam, mặt trận nhân dân gần như tan rã. Và hệ quả của nó là ngày hôm nay.
Nhưng, chưa dừng ở đó, ở đợt dịch thứ 4 này, mặt trận nhân dân và mặt trận đảng chia làm hai phía rất rõ. Nhân dân bị đẩy vào cô lập, không lối thoát, nhân dân bị khuôn giới trong những hàng rào kẽm gai, các tảng bê tông, hàng rào sắt hàn bịt kín lối và thậm chí không được ra khỏi nhà. Nói là giãn cách xã hội nhưng kỳ thực là giới nghiêm tuyệt đối. Còn mặt trận đảng, nhà nước thì thỏa sức bố ráp, đưa nhân dân vào những chuồng trại tại chỗ. Hậu quả của trận tuyến kì quái này là nhân dân vừa chết vì đói, vừa chết vì dịch, vừa chết vì lo sợ, mất sức Đã có hàng chục ngàn cái chết trên đất nước này trong đợt dịch lần thứ 4 này, đặc biệt tại Sài Gòn, số lượng người chết tăng nhanh đến mức các lò hỏa táng làm việc không kịp, xác chồng chất xác.
Và để đảm bảo cho "thành tựu" của mình, nhà nước tiếp tục chính sách dồn dân, nhốt dân mà các nhà khoa học đều cho rằng không có cách nào khiến nhân dân nhanh chết hơn cách này. Bởi giãn cách xã hội chỉ có ý nghĩa khi người ta sống trong một không gian mở, gần với thiên nhiên và đảm bảo lương thực tự nhiên khi cần thiết nhằm hạn chế tương tác giữa người với người. Ngược lại, dồn dân vào mấy mét vuông người giáp mặt người, nhà giáp tường nhà, thiếu ăn, rên xiết vì đói khổ, thiếu thốn, mất vệ sinh thì khác nào làm cho nhân dân nhanh chết hơn ? !
Thế nhưng mọi chuyện vẫn chưa được nhìn lại, xét lại mà có vẻ như tình hình ngày càng trở nên xám xịt hơn, người chết vẫn chưa giảm, vùng lây lan ngày càng rộng và tài chính ngày càng kiệt quệ Thật là khó nói khi mà mọi vấn đề liên quan đến mạng sống, sức khỏe của nhân dân lại được điều hành, quyết định bởi những bộ não chả dính một chút kiến thức nào về y học và mỗi quyết định đưa ra đều có tính chất phản khoa học, phản y tế và vô tâm trước nỗi đau của nhân dân !
Cho đến lúc này, thật khó mà phân biệt cho rành rõi rằng nhà nước, chính phủ đang đánh giặc dịch hay đánh dân ? !
Viết từ Sài Gòn
Nguồn : RFA, 18/08/2021 (VietTuSaiGon's blog)