Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

15/05/2017

Xử lý hình sự ông Thăng chỉ là kế sách yên dân ?

Lan Hương

Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng hôm 13/5 vừa qua đã nói rằng việc kỷ luật ông Đinh La Thăng, nguyên ủy viên Bộ chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, cho thôi chức vụ trong bộ Chính trị và cách chức Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh mới là xử lý vi phạm về mặt Đảng, còn xử lý hình sự thì "đang làm".

yendan1

Ảnh ghép ông Đinh La Thăng (trái) và Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. AFP photo

Có khả thi hay chỉ là "đầu voi đuôi chuột" ?

Mạng báo Thanh niên hôm 13/5 đã trích nguyên văn lời Tống bí thư Nguyễn Phú Trọng trong một cuộc tiếp xúc cử tri ở quận Ba Đình, Hà Nội : Vừa rồi động đến một Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, lớn đến như thế. Đây mới là xử lý theo kết quả kiểm tra dấu hiệu vi phạm về mặt Đảng, còn về hình sự thì cơ quan chức năng đang làm.

Trước phát biểu trên của người đứng đầu Đảng cộng sản Việt Nam, luật sư Trần Quốc Thuận, Nguyên phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nhận xét rằng việc xử lý hình sự một Uỷ viên trung ương Đảng như ông Đinh La Thăng rất khó do những thủ tục phức tạp :

Ông Đinh La Thăng bị kỷ luật cảnh cáo và thôi chức vụ ủy viên bộ Chính trị, đồng thời cũng là thôi nhiệm vụ Bí thư thành ủy thành phố Hồ Chí Minh. Ông ấy còn một chức vụ quan trọng là Uỷ viên trung ương Đảng. Muốn xử lý hình sự một ủy viên trung ương Đảng thì nhiều thủ tục, nhiêu khê lắm, và dĩ nhiên phải được sự đồng ý của bộ chính trị. Bộ chính trị quyết định kỷ luật ông Đinh Lan Thăng như vậy là thảo đáng hợp tình hợp lý rồi. Cho nên nói là sẽ xử lý hình sự thì nói vậy thôi chứ để vượt qua những ràng buộc, những văn bản của ban Bí thư Bộ chính trị như chỉ thị 15 thì cũng không đơn giản.

Chỉ thị 15 mà luật sư Trần Quốc Thuận đề cập được Bộ chính trị ban hành ngày 7/7/2007 dưới thời tổng bí thư Nông Đức Mạnh, theo đó, những vụ án tham nhũng lớn liên quan đến đảng viên phải do nội bộ đảng xử lý trước. Lực lượng công an chỉ được điều tra sau khi có quyết định chính thức của đảng cộng sản. Hồi giữa năm 2016, dư luận từng xôn xao vụ việc Tướng Phan Anh Minh, phó giám đốc công an Thành phố Hồ Chí Minh nói tại hội nghị tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí năm 2015, rằng lý do trinh sát không phát hiện được tham nhũng là do phải tuân theo chỉ thị 15. Ông Minh nói thêm rằng hầu hết đối tượng thực hiện hành vi tham nhũng là đảng viên mà công an thì không được quyền tổ chức trinh sát đảng viên.

Tuy theo đánh giá của luật sư Trần Quốc Thuận rằng khả năng ông Đinh La Thăng bị xử hình sự là gần như không có, nhưng ông phân tích rằng xét về mặt pháp lý, tội danh gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng vì những thiệt hại lớn mà ông Đinh La Thăng gây ra, có thể phải chịu án tù từ 20 năm đến 30 năm.

Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ISEAS cũng cho rằng việc xử lý hình sự ông Đinh La Thăng là không thể bởi vì theo ông những sai phạm thời ông Thăng lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam PVN có liên quan đến cả bộ Chính trị lúc bấy giờ :

Tập đoàn dầu khí từ năm 2007-2011 được gọi là Tổng công ty 91, là công ty quan trọng nhất của Nhà nước và trực thuộc thẳng sự chỉ đạo bộ Chính trị và giao cho Thủ tướng chính phủ theo dõi trực tiếp không qua một Bộ nào hết. Tất cả các quyết định chiến lược của Tập đoàn này trong thực tế là pải được sự đồng ý của Bộ chính trị. Bây giờ mà kỷ luật hình sự ông Thăng thì chắc chắn sẽ phải kỷ luật Bộ chính trị lúc bấy giờ. Và lúc đó Tổng bí thư là ông Nông Đức Mạnh và Chủ tịch quốc hội là Nguyễn Phú Trọng.

Nhà báo Phạm Thành, cũng là chủ trang blog Bà Đầm Xòe cũng đồng quan điểm cho rằng khả năng xử lý hình sự ông Đinh La Thăng, biến thành một vụ án để khởi tố, điều tra và ra trước tòa là rất thấp. Theo ông, những lời nói của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ mang tính chất làm yên dân :

Bản thân ông Trọng có chiêu thức đánh chuột không vỡ bình. Mà vỡ bình tức là ông ấy phải xử lý vụ việc đến nơi đến chốn, đáng tội gì là phải xử lý đúng tội đấy theo luật Việt Nam. Nhưng ông Trọng không bao giờ làm chuyện đó mà chỉ tước bỏ quyền lực rồi xử lý kỷ luật đến mức đấy là thôi.

Theo quan sát của nhà báo Phạm Thành thì nếu ông Đinh La Thăng bị xử lý hình sự thì ông Thăng sẽ phanh phui hàng loạt các vụ tham nhũng khác trong Đảng. Như vậy "chiếc bình" của Tổng bí thư sẽ bị vỡ :

Quan chức Việt Nam có ông nào không tham nhũng. Ông nào ở vị trí lớn thì tham nhũng được nhiều tiền. Ông nào vị trí thấp hơn thì tham nhũng được ít hơn. Bà Phó chủ tịch Quốc hội cũng từng nói rồi là quan chức ăn không từ một thứ gì của dân. Vừa rồi một ông đại biểu quốc hộ nào đó có nói rằng nếu không tham ô tham nhũng sẽ bị người ta cô lập đến chỗ chỉ còn mình mình.

Truyền thông Việt Nam hôm 7/5 cho biết, Tại Hội nghị Trung ương 5 khóa 12 của Ban chấp hành trung ương của Đảng Cộng sản Việt Nam, ông Đinh La Thăng đã nhận hình thức kỷ luật cảnh cáo của Đảng và sau đó bị cho thôi các chức vụ Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh.

Hiện tại ông Đinh La Thăng được điều về làm Phó Ban kinh tế Trung ương.

Còn ai bị "lên thớt" ?

Cũng tại cuộc tiếp xúc cử tri ở quận Ba Đình, Hà Nội hôm 13/5, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nói rằng một loạt các nhân vật khác cũng đang được xem xét hình sự và kỷ luật về mặt Đảng.

Nhà báo Phạm Thành nhận định rằng việc xử lý hình sự các quan chức khác giống như lời Tổng bí thư nói cũng là điều khó có thể xảy ra. Ông nói rằng những quan chức cấp thấp như ông Trịnh Xuân Thanh, hiện đang trốn ở nước ngoài và bị truy nã, chỉ là Phó chủ tịch một tỉnh, thì có thể sẽ bị xử lý hình sự nếu bắt được. Tuy nhiên, những quan chức cấp cao như Bộ trưởng, ủy viên Bộ Chính trị, theo ông Phạm Thành, khả năng gần như không có.

Họ không dám làm. Làm thì nát bét luôn. Các phe cánh sẽ dồn lại, và đánh nhau loạn tung bành. Ông Trọng có thể không biết. Bên Trung Quốc họ mớm cho ông ấy đường lối này để ông ấy làm. Ông ấy chỉ vặt một cái râu đến vậy là xong, để dọa các đồng chí của ông ấy, nhằm mục đích củng cố quyền lực và yên dân rằng trên trung ương cũng nghiêm như vậy đấy, để che mắt những người dân không hiểu rõ họ sẽ thấy hả hê.

Theo quan điểm của Luật sư Trần Quốc Thuận thì so với Trung Quốc việc xử lý hình sự các quan chức tham nhũng của Việt Nam chưa hiệu quả và triệt để bằng. Ở Trung Quốc nhiều trường hợp quan chức cấp cao tham nhũng bị đi tù nhưng chưa có trường hợp nào như vậy ở Việt Nam. Ông lấy ví dụ như vụ việc sai phạm của ông Đinh La Thăng xảy ra giai đoạn 2009-2011, nhưng sau đó ông này vẫn được vào Trung ương X, XI, XII và vẫn được làm Bộ trưởng Giao thông Vận tải và được chọn vào bộ Chính trị. Chính vì vậy theo quan điểm cá nhân của ông, việc xử lý các quan chức khác cũng là điều khó xảy ra :

Việc xử lý hình sự các cán bộ cao cấp mà hiện sau khi kỷ luật vẫn còn là Đảng viên, ủy viên Trung ương, tiến tới một bước nữa là xử lý hình sự, thì khả năng đó, theo ý kiến cá nhân tôi, là không có !

Vụ việc kỷ luật ông Đinh La Thăng trong thời gian qua đã gây nhiều tranh cãi trong dư luận. Nhiều ý kiến cho rằng Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đang thực hiện chính sách chống tham nhũng "đả hổ diệt ruồi" của ông chủ tịch kiêm Tổng bí thư Đảng cộng sản Trung Quốc, và trong trường hợp này con hổ lớn là ông Đinh La Thăng.

Lan Hương, phóng viên RFA

Nguồn : RFA, 15/05/2017

************************

Doanh nghiệp Nhật bất an vì vụ Đinh La Thăng ? (BBC, 15/05/2017)

yendan2

Ông Đinh La Thăng được điều động ra Hà Nội làm Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương

Một tờ báo Nhật Bản cho rằng việc ông Đinh La Thăng mất chức bí thư thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh có thể "đem lại hậu quả tiêu cực cho doanh nghiệp Nhật".

Nikkei Asian Review hôm 14/5 đăng bài lấy tựa "Nhật Bản mất một người bạn ở Thành phố Hồ Chí Minh".

Theo báo này, ông Đinh La Thăng, nguyên là ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh trong một thời gian ngắn ngủi, là người "thân thiện, hợp tác" với Nhật.

"Nay ông ra đi, có thể các công ty Nhật có ít hợp đồng hạ tầng hơn, cũng như ít hợp đồng kinh doanh nói chung", tờ báo viết.

Tờ này ghi nhận việc ông Thăng là Chủ tịch Hội hữu nghị Nhật - Việt, và đã "xây dựng quan hệ gắn bó" với Sứ quán Nhật ở Việt Nam, cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản và nhiều công ty Nhật.

"Một đại diện của một công ty thương mại Nhật nói ông Thăng là người trung gian vì ông đặt ưu tiên cho chi phí tổng quát của một dự án phát triển hạ tầng, xem xét công nghệ và việc duy tu, hơn là chỉ quan tâm đến giá trị đầu tư ban đầu".

yendan3

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nói việc kỷ luật ông Đinh La Thăng chỉ mới về mặt Đảng

Hôm 7/5, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Đinh La Thăng nhận kỷ luật của Đảng với mức cảnh cáo và không còn trong Bộ Chính trị.

Hôm 10/5, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân được Bộ Chính trị Đảng Cộng sản phân công thay ông Đinh La Thăng làm Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh nhiệm kỳ 2016-2021.

Ông Đinh La Thăng nay được điều động ra Hà Nội làm Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương.

Sự kiện ông Đinh La Thăng bị giáng chức đã gây ra nhiều đồn đoán và nhận định trong và ngoài Việt Nam.

Hôm 13/5, gặp cử tri ở Hà Nội, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nói về việc kỷ luật ông Đinh La Thăng.

"Vừa rồi động đến một Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, lớn đến như thế. Đây mới là xử lý theo kết quả kiểm tra dấu hiệu vi phạm về mặt Đảng, còn về hình sự thì cơ quan chức năng đang làm, các vụ khác cũng đang làm".

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Lan Hương
Read 833 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)