Đinh La Thăng - người vẫn còn "trung ủy" sau khi mất "chính ủy" - sẽ được "hạ cánh mềm" hay phải "hạ cánh cứng" - là một dấu hỏi lớn mà nhiều giới trong xã hội Việt Nam đang đặc biệt chú ý. Tò mò có, hả hê có, thương hại cũng có, hoặc cũng muốn biết bàn cờ chính trị nội bộ xoay chuyển theo hướng nào…
Đinh La Thăng trong lần tiếp cựu ngoại trưởng Mỹ. (State Department photo/ Public Domain)
Buổi sáng Sài Gòn
Buổi sáng thứ Tư ngày 10/5/2017. Sài Gòn nắng nhẹ và đang vào mùa mưa. Các ủy viên bộ chính trị Nguyễn Thị Kim Ngân và Nguyễn Thiện Nhân đã không dự buổi kết thúc của Hội nghị trung ương 5, mà lại có mặt ở Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh cách Hà Nội gần hai ngàn cây số.
Đi cùng với họ là Đinh La Thăng, gương mặt đã mất hẳn vẻ tự tin cùng những câu "sấm" bán trời không văn tự, vừa bị 90% ủy viên trung ương nhất trí "cách" khỏi Bộ Chính trị.
Suốt cả tháng trời trước buổi sáng Sài Gòn ấy, người ta không nhận ra Bí thư Thành phố Hồ Chí Minh ồn ào hiện diện trên mặt báo chí như dĩ vãng gần. Cũng có tin cho biết ông Thăng thực ra đã được "điều" ra Hà Nội cả tháng trước khi Hội nghị trung ương 5 diễn ra.
Trong buổi sáng Sài Gòn ngày 10 tháng Năm năm nay, mọi chuyện đã diễn ra hết sức suôn sẻ và chóng vánh : thay mặt "tứ trụ", bà Kim Ngân trao quyết định điều động làm Bí thư thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh cho "người cũ" là Nguyễn Thiện Nhân, đồng thời đưa quyết định cho "người mới" là Đinh La Thăng nhận nhiệm vụ Phó trưởng ban tại Ban kinh tế trung ương.
Ngay khi đó đã phát ra một tiếng thở phào : Đinh La Thăng thoát tội rồi !
Những người bênh vực hoặc có thiện cảm với Đinh La Thăng không phải hiếm, bằng vào những ấn tượng mà ông Thăng đã tạo được nơi họ bằng một lối phát ngôn mạnh miệng hiếm muộn trong Bộ Chính trị. Không ít người đã chúc mừng "anh Thăng hạ cánh an toàn".
Nhưng chỉ ba ngày sau, công luận lại một lần nữa ồn ào như ong vỡ tổ. Nguyễn Phú Trọng - người còn có ý khen Đinh La Thăng vào nửa đầu năm 2016 nhưng lại đổi ý kỷ luật ông Thăng vào nửa đầu năm 2017 - đã bóng gió với cử tri Hà Nội rằng việc kỷ luật Đinh La Thăng mới chỉ là xử lý về mặt đảng, còn "hình sự ta đang làm".
Chỉ đến lúc này, những người chúc mừng quá sớm mới chợt nhận ra một tín hiệu là lạ : tại sao có quá nhiều bộ ngành, ban đảng và ban chỉ đạo mà Tổng bí thư Trọng chỉ chọn đúng Ban kinh tế trung ương để cho Thăng về làm cấp phó ?
Cái lồng
Cái cách điều động của Nguyễn Phú Trọng đối với Đinh La Thăng lại rất mạnh và nhanh : thậm chí không có được vài hôm chia tay "đồng bào đồng chí miền Nam", chỉ một ngày sau cái buổi sáng bùi ngùi ôm lấy Phó bí thư thành ủy Nguyễn Thị Quyết Tâm, ông Thăng đã phải có mặt ở Hà Nội để nhận bó hoa tươi thắm của Ban Kinh tế trung ương.
Ban Kinh tế trung ương ấy lại đang sở hữu một nhân vật đặc biệt mang chức trưởng ban : cựu thống đốc Ngân hàng nhà nước Nguyễn Văn Bình - từng một thời được xem là cánh tay mặt của "anh Ba Dũng".
Hình như "ông giáo làng" Nguyễn Phú Trọng đã quyết định chơi một đòn thâm nho. Bây giờ thì ai nhìn vào Ban kinh tế trung ương cũng hiểu ra rằng đó là nơi để "nhốt quyền lực vào lồng" - cụm từ mà theo một tác giả thì Tổng bí thư Trọng đã mượn của Tập Cận Bình Trung Quốc và rất sính dùng.
Trong thực tế công tác nhân sự ở Việt Nam, có không ít ban chỉ đạo về những lĩnh vực nào đó đã trở thành cái rốn để nhồi nhét những nhân vật hoặc bị thất sủng, hoặc chờ về hưu, hoặc bị kỷ luật.
Nhưng Ban Kinh tế trung ương thậm chí còn có thể phải rước lấy một thân phận tồi tệ hơn cả các ban chỉ đạo trên : trong xu thế tinh gọn hóa bộ máy và tiến tới nhất thể hóa giữa hai khối đảng và chính quyền vào cuối năm 2017, sang năm 2018, người ta hoàn toàn có thể sáp nhập ban bị xem là "yếu" này với một vài bộ ngành bên chính phủ ; hoặc tồi tệ hơn thì giải tán "cái lồng" đó.
Để khi đó, nói như dân gian, cả Trưởng ban Nguyễn Văn Bình và Phó ban Đinh La Thăng đều không còn mảnh đất cắm dùi.
Tuy vậy, khả năng ban bị giải tán và nhân sự đương nhiên mất ghế vẫn còn là "hạ cánh mềm". Còn với cách nói nửa úp nửa mở "sẽ còn nữa" của Tổng bí thư Trọng, không ai trong hai nhân vật Thăng và Bình được hiểu là sẽ hoàn toàn an toàn để nghỉ ngơi an dưỡng mà chẳng phải lo đến "hậu sự".
Quy trình 5 bước ?
"Hậu sự" ấy lại quá mong manh. Nếu đúng như một lối nói úp mở khác gần đây của cây viết Huy Đức - người đã tung ra đến 3 bài trước Hội nghị trung ương 4 vào tháng 10/2016 để "đánh" Đinh La Thăng, cùng hăm he sẽ phanh phui đến cùng cựu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, những hồ sơ về Tập đoàn Dầu khí Việt Nam mà Ủy ban Kiểm tra trung ương đặt lên bàn Hội nghị trung ương 5 để phục vụ cho việc kỷ luật ông Thăng mới chỉ là "những mẩu con con", trong khi một mớ hồ sơ dày gấp nhiều lần đang được sở hữu bởi "cơ quan chức năng".
Mà như vậy, quy trình xử lý đảng và xử lý chính quyền chỉ là "chuyện nhỏ". Chuyện ghê gớm hơn hẳn mới là quy trình tố tụng hình sự. Có nghĩa là Đinh La Thăng, đến một lúc nào đó, sẽ phải đối diện với các cơ quan điều tra pháp luật. Việc đối mặt này cũng là bước 2, sau bước 1 bị loại khỏi Bộ Chính trị và mất chức bí thư thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh.
Ở bước 2, nếu không được thần may mắn phù trợ, ông Thăng sẽ chắc chắn phải "ra tòa" một lần nữa. "Tòa án" vẫn lại là Ban chấp hành trung ương. Nhưng thay vì chỉ bỏ phiếu kỷ luật như lần trước, các ủy viên trung ương sẽ phải bấm bụng quyết định để ông Thăng không còn là "đồng đảng" của mình theo ý chỉ của Bộ Chính trị.
Nếu mất cả chức ủy viên trung ương, Đinh La Thăng sẽ phải đối mặt với một nỗi nguy hiểm lớn hơn - bước 3. Vào lúc này và nếu lại không được thần may mắn phù trợ, ông Thăng còn có thể bị tước cả đảng tịch, tức bị khai trừ khỏi đảng "vinh quang và đời đời bất diệt", sau đó đương nhiên bị bãi miễn tư cách đại biểu quốc hội.
Đó chính là một tiền đề của quy trình tố tụng hình sự : một quan chức đã bị khai trừ đảng và mất ghế đại biểu quốc hội thì đương nhiên không còn "quyền bất khả xâm phạm". Để khi đó, cơ quan điều tra pháp luật có thể "tùy nghi xâm phạm" - tức sang bước 4.
Trong trường hợp tồi tệ, Đinh La Thăng Việt Nam có thể trở thành Bạc Hy Lai Trung Quốc.
Năm 2012, Bí thư Trùng Khánh Bạc Hy Lai bị cách chức, để sau đó đã bước đi tuần tự, "đúng quy trình", bị bắt giam và cuối cùng phải ra tòa nhận án đến chung thân.
Bước 5, cũng là khả năng tồi tệ nhất đối với Đinh La Thăng, là như vậy. Tức nếu ai đó quên bẵng hứa hẹn "đánh người chạy đi, không đánh kẻ chạy lại", ông Thăng có thể sẽ bị bắt để điều tra về vụ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cùng một lô lốc vụ việc khác mà bên đảng không bỏ qua. Và nếu vận may vẫn không một chút an ủi, ông sẽ phải đối diện với một tòa án thật sự chứ không còn nằm trong ngoặc kép.
Cùng với những "người quen cũ" của ông…
Khi đó, chỉ còn cầu trời cho vận may cuối cùng : án treo.
Nhưng ngoài cái án kỷ luật đảng đã nhận, 4 bước còn lại vẫn chỉ là giả thiết ở thì tương lai. Có lẽ đã đến lúc ông Thăng cần một chút xác tín tôn giáo để cầu nguyện cho tai qua nạn khỏi…
Phạm Chí Dũng
VOA, 19/05/2017
Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng hôm 13/5 vừa qua đã nói rằng việc kỷ luật ông Đinh La Thăng, nguyên ủy viên Bộ chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, cho thôi chức vụ trong bộ Chính trị và cách chức Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh mới là xử lý vi phạm về mặt Đảng, còn xử lý hình sự thì "đang làm".
Ảnh ghép ông Đinh La Thăng (trái) và Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. AFP photo
Có khả thi hay chỉ là "đầu voi đuôi chuột" ?
Mạng báo Thanh niên hôm 13/5 đã trích nguyên văn lời Tống bí thư Nguyễn Phú Trọng trong một cuộc tiếp xúc cử tri ở quận Ba Đình, Hà Nội : Vừa rồi động đến một Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, lớn đến như thế. Đây mới là xử lý theo kết quả kiểm tra dấu hiệu vi phạm về mặt Đảng, còn về hình sự thì cơ quan chức năng đang làm.
Trước phát biểu trên của người đứng đầu Đảng cộng sản Việt Nam, luật sư Trần Quốc Thuận, Nguyên phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nhận xét rằng việc xử lý hình sự một Uỷ viên trung ương Đảng như ông Đinh La Thăng rất khó do những thủ tục phức tạp :
Ông Đinh La Thăng bị kỷ luật cảnh cáo và thôi chức vụ ủy viên bộ Chính trị, đồng thời cũng là thôi nhiệm vụ Bí thư thành ủy thành phố Hồ Chí Minh. Ông ấy còn một chức vụ quan trọng là Uỷ viên trung ương Đảng. Muốn xử lý hình sự một ủy viên trung ương Đảng thì nhiều thủ tục, nhiêu khê lắm, và dĩ nhiên phải được sự đồng ý của bộ chính trị. Bộ chính trị quyết định kỷ luật ông Đinh Lan Thăng như vậy là thảo đáng hợp tình hợp lý rồi. Cho nên nói là sẽ xử lý hình sự thì nói vậy thôi chứ để vượt qua những ràng buộc, những văn bản của ban Bí thư Bộ chính trị như chỉ thị 15 thì cũng không đơn giản.
Chỉ thị 15 mà luật sư Trần Quốc Thuận đề cập được Bộ chính trị ban hành ngày 7/7/2007 dưới thời tổng bí thư Nông Đức Mạnh, theo đó, những vụ án tham nhũng lớn liên quan đến đảng viên phải do nội bộ đảng xử lý trước. Lực lượng công an chỉ được điều tra sau khi có quyết định chính thức của đảng cộng sản. Hồi giữa năm 2016, dư luận từng xôn xao vụ việc Tướng Phan Anh Minh, phó giám đốc công an Thành phố Hồ Chí Minh nói tại hội nghị tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí năm 2015, rằng lý do trinh sát không phát hiện được tham nhũng là do phải tuân theo chỉ thị 15. Ông Minh nói thêm rằng hầu hết đối tượng thực hiện hành vi tham nhũng là đảng viên mà công an thì không được quyền tổ chức trinh sát đảng viên.
Tuy theo đánh giá của luật sư Trần Quốc Thuận rằng khả năng ông Đinh La Thăng bị xử hình sự là gần như không có, nhưng ông phân tích rằng xét về mặt pháp lý, tội danh gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng vì những thiệt hại lớn mà ông Đinh La Thăng gây ra, có thể phải chịu án tù từ 20 năm đến 30 năm.
Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ISEAS cũng cho rằng việc xử lý hình sự ông Đinh La Thăng là không thể bởi vì theo ông những sai phạm thời ông Thăng lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam PVN có liên quan đến cả bộ Chính trị lúc bấy giờ :
Tập đoàn dầu khí từ năm 2007-2011 được gọi là Tổng công ty 91, là công ty quan trọng nhất của Nhà nước và trực thuộc thẳng sự chỉ đạo bộ Chính trị và giao cho Thủ tướng chính phủ theo dõi trực tiếp không qua một Bộ nào hết. Tất cả các quyết định chiến lược của Tập đoàn này trong thực tế là pải được sự đồng ý của Bộ chính trị. Bây giờ mà kỷ luật hình sự ông Thăng thì chắc chắn sẽ phải kỷ luật Bộ chính trị lúc bấy giờ. Và lúc đó Tổng bí thư là ông Nông Đức Mạnh và Chủ tịch quốc hội là Nguyễn Phú Trọng.
Nhà báo Phạm Thành, cũng là chủ trang blog Bà Đầm Xòe cũng đồng quan điểm cho rằng khả năng xử lý hình sự ông Đinh La Thăng, biến thành một vụ án để khởi tố, điều tra và ra trước tòa là rất thấp. Theo ông, những lời nói của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ mang tính chất làm yên dân :
Bản thân ông Trọng có chiêu thức đánh chuột không vỡ bình. Mà vỡ bình tức là ông ấy phải xử lý vụ việc đến nơi đến chốn, đáng tội gì là phải xử lý đúng tội đấy theo luật Việt Nam. Nhưng ông Trọng không bao giờ làm chuyện đó mà chỉ tước bỏ quyền lực rồi xử lý kỷ luật đến mức đấy là thôi.
Theo quan sát của nhà báo Phạm Thành thì nếu ông Đinh La Thăng bị xử lý hình sự thì ông Thăng sẽ phanh phui hàng loạt các vụ tham nhũng khác trong Đảng. Như vậy "chiếc bình" của Tổng bí thư sẽ bị vỡ :
Quan chức Việt Nam có ông nào không tham nhũng. Ông nào ở vị trí lớn thì tham nhũng được nhiều tiền. Ông nào vị trí thấp hơn thì tham nhũng được ít hơn. Bà Phó chủ tịch Quốc hội cũng từng nói rồi là quan chức ăn không từ một thứ gì của dân. Vừa rồi một ông đại biểu quốc hộ nào đó có nói rằng nếu không tham ô tham nhũng sẽ bị người ta cô lập đến chỗ chỉ còn mình mình.
Truyền thông Việt Nam hôm 7/5 cho biết, Tại Hội nghị Trung ương 5 khóa 12 của Ban chấp hành trung ương của Đảng Cộng sản Việt Nam, ông Đinh La Thăng đã nhận hình thức kỷ luật cảnh cáo của Đảng và sau đó bị cho thôi các chức vụ Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh.
Hiện tại ông Đinh La Thăng được điều về làm Phó Ban kinh tế Trung ương.
Còn ai bị "lên thớt" ?
Cũng tại cuộc tiếp xúc cử tri ở quận Ba Đình, Hà Nội hôm 13/5, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nói rằng một loạt các nhân vật khác cũng đang được xem xét hình sự và kỷ luật về mặt Đảng.
Nhà báo Phạm Thành nhận định rằng việc xử lý hình sự các quan chức khác giống như lời Tổng bí thư nói cũng là điều khó có thể xảy ra. Ông nói rằng những quan chức cấp thấp như ông Trịnh Xuân Thanh, hiện đang trốn ở nước ngoài và bị truy nã, chỉ là Phó chủ tịch một tỉnh, thì có thể sẽ bị xử lý hình sự nếu bắt được. Tuy nhiên, những quan chức cấp cao như Bộ trưởng, ủy viên Bộ Chính trị, theo ông Phạm Thành, khả năng gần như không có.
Họ không dám làm. Làm thì nát bét luôn. Các phe cánh sẽ dồn lại, và đánh nhau loạn tung bành. Ông Trọng có thể không biết. Bên Trung Quốc họ mớm cho ông ấy đường lối này để ông ấy làm. Ông ấy chỉ vặt một cái râu đến vậy là xong, để dọa các đồng chí của ông ấy, nhằm mục đích củng cố quyền lực và yên dân rằng trên trung ương cũng nghiêm như vậy đấy, để che mắt những người dân không hiểu rõ họ sẽ thấy hả hê.
Theo quan điểm của Luật sư Trần Quốc Thuận thì so với Trung Quốc việc xử lý hình sự các quan chức tham nhũng của Việt Nam chưa hiệu quả và triệt để bằng. Ở Trung Quốc nhiều trường hợp quan chức cấp cao tham nhũng bị đi tù nhưng chưa có trường hợp nào như vậy ở Việt Nam. Ông lấy ví dụ như vụ việc sai phạm của ông Đinh La Thăng xảy ra giai đoạn 2009-2011, nhưng sau đó ông này vẫn được vào Trung ương X, XI, XII và vẫn được làm Bộ trưởng Giao thông Vận tải và được chọn vào bộ Chính trị. Chính vì vậy theo quan điểm cá nhân của ông, việc xử lý các quan chức khác cũng là điều khó xảy ra :
Việc xử lý hình sự các cán bộ cao cấp mà hiện sau khi kỷ luật vẫn còn là Đảng viên, ủy viên Trung ương, tiến tới một bước nữa là xử lý hình sự, thì khả năng đó, theo ý kiến cá nhân tôi, là không có !
Vụ việc kỷ luật ông Đinh La Thăng trong thời gian qua đã gây nhiều tranh cãi trong dư luận. Nhiều ý kiến cho rằng Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đang thực hiện chính sách chống tham nhũng "đả hổ diệt ruồi" của ông chủ tịch kiêm Tổng bí thư Đảng cộng sản Trung Quốc, và trong trường hợp này con hổ lớn là ông Đinh La Thăng.
Lan Hương, phóng viên RFA
Nguồn : RFA, 15/05/2017
Doanh nghiệp Nhật bất an vì vụ Đinh La Thăng ? (BBC, 15/05/2017)
Ông Đinh La Thăng được điều động ra Hà Nội làm Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương
Một tờ báo Nhật Bản cho rằng việc ông Đinh La Thăng mất chức bí thư thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh có thể "đem lại hậu quả tiêu cực cho doanh nghiệp Nhật".
Nikkei Asian Review hôm 14/5 đăng bài lấy tựa "Nhật Bản mất một người bạn ở Thành phố Hồ Chí Minh".
Theo báo này, ông Đinh La Thăng, nguyên là ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh trong một thời gian ngắn ngủi, là người "thân thiện, hợp tác" với Nhật.
"Nay ông ra đi, có thể các công ty Nhật có ít hợp đồng hạ tầng hơn, cũng như ít hợp đồng kinh doanh nói chung", tờ báo viết.
Tờ này ghi nhận việc ông Thăng là Chủ tịch Hội hữu nghị Nhật - Việt, và đã "xây dựng quan hệ gắn bó" với Sứ quán Nhật ở Việt Nam, cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản và nhiều công ty Nhật.
"Một đại diện của một công ty thương mại Nhật nói ông Thăng là người trung gian vì ông đặt ưu tiên cho chi phí tổng quát của một dự án phát triển hạ tầng, xem xét công nghệ và việc duy tu, hơn là chỉ quan tâm đến giá trị đầu tư ban đầu".
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nói việc kỷ luật ông Đinh La Thăng chỉ mới về mặt Đảng
Hôm 7/5, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Đinh La Thăng nhận kỷ luật của Đảng với mức cảnh cáo và không còn trong Bộ Chính trị.
Hôm 10/5, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân được Bộ Chính trị Đảng Cộng sản phân công thay ông Đinh La Thăng làm Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh nhiệm kỳ 2016-2021.
Ông Đinh La Thăng nay được điều động ra Hà Nội làm Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương.
Sự kiện ông Đinh La Thăng bị giáng chức đã gây ra nhiều đồn đoán và nhận định trong và ngoài Việt Nam.
Hôm 13/5, gặp cử tri ở Hà Nội, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nói về việc kỷ luật ông Đinh La Thăng.
"Vừa rồi động đến một Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, lớn đến như thế. Đây mới là xử lý theo kết quả kiểm tra dấu hiệu vi phạm về mặt Đảng, còn về hình sự thì cơ quan chức năng đang làm, các vụ khác cũng đang làm".
Nhận định về vụ 'xem xét kỷ luật' Bí thư Thành phố Hồ Chí Minh Đinh La Thăng (BBC, 27/04/2017)
"Diễn biến rất lớn" xảy ra khi Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng xem xét, thi hành kỷ luật đối với Ủy viên Bộ Chính trị Đinh La Thăng.
Ủy viên Bộ Chính trị Đinh La Thăng đang là Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh
Đó là nhận xét với BBC hôm 27/4 của Giáo sư Zachary Abuza, Học viện Quân sự Quốc gia (National War College), Hoa Kỳ.
"Trước đây có vẻ như ông Thăng được cơ cấu cho những vị trí to hơn", ông Abuza nói sau khi hôm 27/4 Ủy ban Kiểm tra Trung ương nói ông Đinh La Thăng "chịu trách nhiệm người đứng đầu" về các vi phạm, khuyết điểm của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) trong giai đoạn 2009 - 2011.
Ông Thăng từng là Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch Hội đồng Thành viên PVN.
Tiến sĩ Abuza nhận định : "Nhiều vụ xử hay điều tra tham nhũng gần đây liên quan tay chân hay đệ tử của ông Thăng".
"Đây đúng là nguyên tắc của chính trị Việt Nam : Nếu đối thủ quá mạnh, anh nhắm vào người của họ".
"Cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã sống sót qua các vụ thua lỗ và bê bối tham nhũng còn lớn hơn, nhưng vẫn tồn tại được".
"Ông Dũng có vốn chính trị nhiều hơn, có mạng lưới lớn hơn để vây quanh và bảo vệ ông ta".
"Quan trọng hơn, ông Dũng còn có những đảng viên lão thành bảo vệ, vì tôi đoán họ cho rằng nếu ông Dũng đổ thì sẽ gây hại cho tiến trình và tầm mức cải tổ".
Ông Abuza cho rằng trường hợp ông Đinh La Thăng khác.
Hai ông Nguyễn Tấn Dũng và Nguyễn Phú Trọng
"Ông Thăng có thể bị cho xuống mà chẳng ảnh hưởng đến tương lai chương trình cải tổ kinh tế. Ban lãnh đạo hiện nay họ quyết tâm có thêm cải cách".
"Đảng Cộng sản rõ ràng lo ngại về tham nhũng. Đó là nhược điểm của Đảng, họ biết".
"Nhưng nếu họ không cho truyền thông có tự do, thì cứ phải dùng biện pháp cổ điển 'rung cây dọa khỉ', tức là chọn vài cá nhân mà chém".
Chuyên gia Zachary Abuza cũng lưu ý Hội nghị Trung ương 5 sắp diễn ra đầu tháng Năm.
"Thời điểm loan báo hôm nay không phải là tình cờ. Nó là một phần của chuyện to hơn".
"Tôi không tin rằng đây chỉ là một vụ điều tra tham nhũng thông thường", ông Abuza nói.
******************
Bí thư Đinh La Thăng 'bị đề nghị kỷ luật' (BBC, 27/04/2017)
Thông báo đưa ra vài ngày trước lúc Hội nghị Trung ương 5 diễn ra đầu tháng Năm.
Ông Đinh La Thăng bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng đề nghị kỷ luật, Thông báo của Ủy ban nói sau kỳ họp thứ 14, diễn ra trong thời gian 24-26/4/2017.
Ông Thăng hiện đang giữ chức Ủy viên Bộ Chính trị và Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh.
Một số thông tin về ông Đinh La Thăng
Sinh 10/09/1960, quê Nam Định
1983-1988 : Thủy điện Sông Đà : các chức vụ kế toán, Đảng uỷ, Công đoàn
1989-1994 : Ủy viên Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Min
1995-3/2001 : Bí thư Đảng uỷ, Phó Tổng giám đốc kiêm Chủ tịch Công đoàn Tổng công ty Sông Đà
4/2001-10/2003 : Đại biểu Quốc hội Khoá XI, Ủy viên Ủy ban Đối ngoại Quốc hội
11/2003-12/2005 : Phó Bí thư Tỉnh ủy Thừa thiên-Huế
1/2006-12/2008 : Bí thư Ban cán sự Đảng, Chủ tịch Hội đồng Thành viên PetroVietnam, Ủy viên Trung ương Đảng
2011-2016 : Đại biểu Quốc hội khóa XIII, Bộ trưởng Giao thông Vận tải
Từ 1/2016 đến nay : Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, Đại biểu Quốc hội khóa XIV
Trước đó, ông từng đảm nhiệm các vị trí Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) trong thời gian từ 2009 đến 2011.
Lý do khiến ông bị đề nghị kỷ luật lần này, theo nội dung Thông báo, liên quan tới vai trò của ông trong thời gian lãnh đạo PVN.
Các sai phạm tại PVN bị Ủy ban xem xét diễn ra từ 2009 đến 2015, gồm việc thiếu trách nhiệm của dàn lãnh đạo PVN trong việc chỉ đạo, kiểm tra giám sát, quản lý người, đặc biệt là trong công tác luân chuyển cán bộ đối với các cá nhân gây thua lỗ, hoặc thậm chí vi phạm pháp luật.
Trong số các sai phạm lớn của PVN được nhắc tới có việc làm thất thoát vốn đầu tư gần 900 tỷ đồng, mà chủ yếu là do việc góp vốn vào Ngân hàng Cổ phần Đại dương (OceanBank), mất 800 tỷ đồng.
Việc một công ty con của PVN là Tổng công ty cổ phần xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) thua lỗ nghiêm trọng cũng bị Ủy ban điều tra, với trách nhiệm nay được kết luận là do ban lãnh đạo Đảng của PVN "chấp hành không nghiêm ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng".
Trách nhiệm cá nhân
Riêng cá nhân ông Đinh La Thăng bị quy trách nhiệm về việc ký quyết định 'chỉ định nhiều gói thầu trái pháp luật', 'tham mưu, đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho chỉ định nhiều gói thầu không bảo đảm các điều kiện theo quy định của pháp luật', và 'vi phạm quy chế làm việc' trong vụ để PVN tham gia OceanBank.
Ông Thăng cũng bị gắn trách nhiệm với các hoạt động thua lỗ của PVC, do ông đã cho phép công ty này 'được miễn bảo lãnh thực hiện hợp đồng đối với công trình, dự án' mà PVC được chỉ định thực hiện, theo nội dung Thông báo.
Hiện chưa rõ đề nghị "bị kỷ luật" liệu ông Đinh La Thăng "có hạ cánh" thế nào ?
Ngoài ra, ông Thăng bị nhắc tới trong việc "có vai trò trong các sai phạm" ở một số công ty con khác của PVN, và bị quy trách nhiệm cá nhân trong việc 'ban hành chủ trương, quyết định đầu tư phân tán, dàn trải', nguyên nhân chính dẫn đến việc đầu tư không hiệu quả hoặc thua lỗ, thất thoát, 'gây hậu quả rất nghiêm trọng'.
Ủy ban Kiểm tra Đảng nay "đề nghị Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng xem xét, thi hành kỷ luật đối với đồng chí Đinh La Thăng theo thẩm quyền", Thông báo viết.
Ngoài ông Đinh La Thăng, Ủy ban cũng đề nghị kỷ luật, cách chức đối với bốn quan chức cao cấp khác của PVN.
*******************
Chức bí thư của Đinh La Thăng lung lay do sai phạm quá khứ ? (VOA, 27/04/2017)
Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh Đinh La Thăng. (Ảnh tư liệu)
Một ủy ban của Đảng Cộng sản Việt Nam hôm 27/4 đã ra thông cáo nói họ đề nghị các cơ cấu cấp cao nhất của đảng xem xét kỷ luật ông Đinh La Thăng do có những sai phạm khi còn đứng đầu một tập đoàn lớn của nhà nước.
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, một chuyên gia am hiểu kinh tế và chính trị Việt Nam, nhận định động thái này đe dọa lớn đến chức vụ hiện nay của ông Thăng là Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh.
Thông cáo trên trang web của Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho hay ủy ban đã họp từ 24 đến 26/4 về các sai phạm ở Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN), nơi ông Thăng từng là bí thư đảng ủy và chủ tịch hội đồng thành viên từ 2009-2011.
Giới quan sát cho rằng những động thái mới nhất này cho thấy Đảng Cộng sản đang nỗ lực làm trong sạch bộ máy vào lúc kinh tế Việt Nam phát triển chậm lại một phần vì nạn tham nhũng và sự thao túng của các nhóm lợi ích. (Ảnh tư liệu)
Ủy ban này xác định rằng Ban Thường vụ Đảng ủy của PVN trong những năm từ 2009-2015 đã có nhiều yếu kém trong lãnh đạo và quản lý cả về mặt đảng lẫn điều hành doanh nghiệp. Một số sai phạm nghiêm trọng được nêu ra là lãnh đạo tập đoàn và các đơn vị thành viên chỉ định nhiều gói thầu trái pháp luật ; nhiều đơn vị thua lỗ trong nhiều năm, để mất vốn đầu tư gần 900 tỷ đồng, trong đó góp vốn vào Ngân hàng Cổ phần Đại dương (OceanBank) mất 800 tỷ đồng ; nhiều cán bộ, lãnh đạo các đơn vị mắc vi phạm, khuyết điểm không bị kỷ luật, thậm chí có trường hợp được bổ nhiệm chức vụ cao hơn.
Riêng về ông Đinh La Thăng, Ủy ban khẳng định ông có những sai phạm gồm ký một nghị quyết của Đảng ủy Tập đoàn hồi năm 2009 "không phù hợp với quy định pháp luật" để tập đoàn và các đơn vị thành viên chỉ định nhiều gói thầu "trái pháp luật" ; hành động quá quyền hạn khi ký thỏa thuận góp vốn hồi năm 2008 với Oceanbank ; quyết định đầu tư tràn lan nhưng lại thiếu kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện, dẫn đến hiệu quả đầu tư thấp ; một số dự án bị dở dang, thua lỗ kéo dài, gây hậu quả rất nghiêm trọng. Ủy ban dẫn ra trong số đó có dự án nhà máy sản xuất xơ sợi Polyeste Đình Vũ và các dự án nhiên liệu sinh học.
Một số cựu lãnh đạo khác của PVN cũng là mục tiêu của Ủy ban Kiểm tra. Thông cáo nói các cựu phó bí thư Phùng Đình Thực và Đỗ Văn Hậu, cũng như các cựu bí thư Nguyễn Xuân Sơn và Nguyễn Quốc Khánh trong những giai đoạn khác nhau từ 2008 đến 2015 đã có những vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng.
Hai ông Thực và Hậu vi phạm trong công tác cán bộ khi nhận xét về ông Trịnh Xuân Thanh để ông này chuyển về Bộ Công thương.
Ông Thanh bị cáo buộc gây ra thua lỗ hơn 3.000 tỉ đồng ở một công ty thành viên của PVN. Ông đã bị truy tố hồi năm ngoái khi đang giữ chức Phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang, song ông đã tuyên bố từ bỏ đảng và trốn ra nước ngoài. Đến nay ông Thanh vẫn chưa bị bắt.
Theo thông cáo của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, trong giai đoạn 2010- 2015, cựu bí thư Sơn từng có lúc là người đại diện vốn của PVN tại Oceanbank. Ông đã lợi dụng chức vụ quyền hạn, cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế, gây hậu quả rất nghiêm trọng. Hiện nay ông Nguyễn Xuân Sơn đang bị Bộ Công an tạm giam để điều tra.
Cũng trong giai đoạn 2010-2015, cựu bí thư Khánh bị xác định có dính líu đến những quyết định trái luật về chỉ định thầu xây lắp một số nhà máy nhiệt điện, cũng như có trách liên quan đến những vi phạm tại dự án nhà máy xơ sợi Đình Vũ và các dự án nhiên liệu sinh học.
Khẳng định rằng những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Đảng PVN và các cá nhân nêu trên là "rất nghiêm trọng, ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng", Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã ra quyết định "cách chức Bí thư Đảng ủy Tập đoàn PVN nhiệm kỳ 2010-2015" đối với ông Phùng Đình Thực ; "cách chức Phó Bí thư Đảng ủy Tập đoàn PVN nhiệm kỳ 2010-2015" đối với ông Đỗ Văn Hậu ; "khai trừ" đảng đối với ông Nguyễn Xuân Sơn ; "cảnh cáo" đối với ồn Nguyễn Quốc Khánh.
Riêng về ông Đinh La Thăng, hiện cũng là một ủy viên Bộ Chính trị, Ủy ban Kiểm tra đề nghị Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương Đảng - hai cơ cấu quyền lực cấp cao nhất của đảng - "xem xét, thi hành kỷ luật" đối với ông Thăng.
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, người am hiểu về chính trị và kinh tế Việt Nam, nhận xét với VOA về diễn biến mà ông gọi là "rất đặc biệt" này :
"Đây là lần đầu tiên trong nhiệm kỳ đại hội này [của đảng cộng sản], và cũng là lần đầu tiên của nhiều nhiệm kỳ đại hội, có một đương kim ủy viên Bộ Chính trị bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng xem xét kỷ luật. Điều này chứng tỏ rằng tình hình kém hiệu quả, sử dụng lãng phí và các sai phạm khác nữa đã trở nên rất nghiêm trọng cho nên đã có những hình thức kỷ luật đến cấp cao như vậy. Theo tôi đấy là điều đáng mừng. Và điều này cần kết hợp với cải cách cả về thể chế".
Tiến sĩ Doanh, nguyên viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương, nhận định hội nghị của Ban Chấp hành Trung ương vào tháng 5 sắp tới, còn gọi là Hội nghị Trung ương 5, sẽ bàn đến hình thức kỷ luật đối với ông Thăng. Ông Doanh đưa ra tiên liệu chiếc ghế hiện nay của ông Thăng :
"Theo tôi nghĩ, với những hình thức kỷ luật ở mức độ nhất định, có lẽ vị trí bí thư thành ủy thành phố Hồ Chí Minh sẽ không còn thích hợp. Và có lẽ sẽ có những sự sắp xếp về vị trí công tác khác cho ông Đinh La Thăng. Và chắc chắn sẽ có một người khác về làm bí thư thành ủy thành phố Hồ Chí Minh".
Giới quan sát cho rằng những động thái mới nhất này cho thấy Đảng Cộng sản đang nỗ lực làm trong sạch bộ máy vào lúc kinh tế Việt Nam phát triển chậm lại một phần vì nạn tham nhũng và sự thao túng của các nhóm lợi ích.
Hồi cuối tháng 2 năm nay, tại một hội nghị về kiểm tra, giám sát của đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh "vì sự tiến bộ chung … chúng ta phải kỷ luật ; kỷ luật một vài người để cứu muôn người".
*******************
Ủy viên Bộ Chính trị nào ở Việt Nam từng bị kỷ luật ? (BBC, 27/04/2017)
Trong hệ thống chính trị của Việt Nam sau 1975, thành viên Bộ Chính trị là những nhân vật cao cấp nhất của Đảng Cộng sản cầm quyền và việc kỷ luật họ là rất hiếm khi xảy ra.
Kỷ luật các lãnh đạo cao nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam là điều rất hiếm khi xảy ra
Vì vậy, dư luận rất quan tâm việc hôm 27/4 Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng xem xét, thi hành kỷ luật đối với Ủy viên Bộ Chính trị Đinh La Thăng.
Tuy vậy, kể từ Đại hội 6 của Đảng cầm quyền ở Việt Nam năm 1986 cũng đã có một số trường hợp ủy viên Bộ Chính trị nhận những hình thức kỷ luật khác nhau.
Trần Xuân Bách
Tại Đại hội 6 của Đảng Cộng sản năm 1986, ông Trần Xuân Bách được bầu làm Ủy viên Bộ Chính trị. Ông cũng là Trưởng ban Đối ngoại Trung ương.
Nhưng tại Hội nghị Trung ương lần thứ tám năm 1990, ông nhận quyết định cách chức Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương, Uý viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng "vì đã vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc tổ chức và kỷ luật của Đảng, gây ra nhiều hậu quả xấu".
Cuốn sách Nguyễn Văn Linh - Tiểu sử (NXB Chính trị Quốc gia Hà Nội 2007) cho biết thêm hội nghị này "xử lý kỷ luật đối với đồng chí Trần Xuân Bách" "vì đã tuyên truyền quan điểm đa nguyên, đa đảng, vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc tổ chức và kỷ luật của Đảng, gây nhiều hậu quả xấu".
Ông Nguyễn Văn Linh là Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam từ 1986 đến 1991.
Nguyễn Hà Phan
Ông Nguyễn Hà Phan từng là Phó Chủ tịch Quốc hội và trở thành Ủy viên Bộ Chính trị năm 1993, được phân công làm Thường trực Ban Bí thư.
Nhưng trước khi Đại hội Đảng diễn ra năm 1996, xuất hiện đơn thư tố cáo ông Hà Phan "đã từng khai báo nghiêm trọng" khi bị bắt năm 1958 trong thời chiến tại miền Nam.
Ngày 17/4/1996, Trung ương Đảng họp biểu quyết khai trừ ông Nguyễn Hà Phan ra khỏi Đảng.
Trương Tấn Sang
Ông Trương Tấn Sang được bầu vào Bộ Chính trị năm 1996, giữ chức Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh.
Năm 2000, ông trở thành Trưởng ban Kinh tế Trung ương.
Năm 2001, ông tiếp tục vào Bộ Chính trị và giữ chức Trưởng ban Kinh tế Trung ương.
Nhưng tại Hội nghị Trung ương 7 năm 2003, ông bị kỷ luật "bằng hình thức khiển trách".
Thông cáo chính thức khi đó nói việc kỷ luật là vì "trong thời kỳ làm Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh (khóa VI) chưa làm tròn trách nhiệm trong việc chỉ đạo điều tra, ngăn chặn những hoạt động tội phạm của Trương Văn Cam cùng đồng bọn và có những khuyết điểm trong công tác cán bộ".
Tuy vậy, đến Đại hội Đảng X năm 2006, ông tiếp tục được bầu vào Bộ Chính trị, giữ chức Thường trực Ban Bí thư.
Tại Đại hội XI năm 2011, ông tiếp tục ở trong Bộ Chính trị, trở thành Chủ tịch nước.
Năm 2016, ông xin không tái cử tại Đại hội XII và thôi chức Chủ tịch nước.