Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

28/08/2021

Tài liệu của quân đội Pháp về hoạt động tình báo Việt Minh

Michel Bodin, Thanh Hà

Chiến tranh Đông Dương : Tài liệu của quân đội Pháp về hoạt động tình báo Việt Minh

Tình báo Việt Minh là một "mạng lưới tinh vi", được "tổ chức chặt chẽ", đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng "theo khuôn mẫu của Liên Xô và Trung Quốc". Một số tài liệu được giải mật của quân đội Pháp trong chiến tranh Đông Dương cho phép nhà sử học Michel Bodin kết luận như trên trong bài nghiên cứu "Les services de renseignements Viet Minh (1945-1954)" - Các cơ quan tình báo của Việt Minh (1945-1954) đăng trên tạp chí quân sự Guerres Mondiales et Conflits Contemporains - số 191/1998.

vietminh1

Chiến tranh Đông Dương : Lực lượng Việt Minh trên cầu Long Biên-Hà Nội. Ảnh ngày 12/10/1954.  © AFP

Theo các tài liệu của viện lưu trữ Ban Sử Học Lục Quân của Pháp (SHAT), Trung Quốc đã giúp Việt Nam Dân Chủ Cộng hòa thành lập một lực lượng quân đội hiện đại và ngay cả trong ngành tình báo cũng đã có sự can thiệp của nước láng giềng sát cạnh phương bắc của Việt Nam. Trong mắt những người lính thuộc Lực Lượng Viễn Chinh của Pháp, tình báo Việt Minh đã trở thành một vũ khí "rất lợi hại".

Là một trong những nhà nghiên cứu Pháp hiếm hoi quan tâm đến tình báo Việt Minh, phân tích tài liệu của bên quân đội, Michel Bodin đã trình bày cặn kẽ về "cách tổ chức, cơ cấu và phương thức hoạt động" của ngành tình báo Việt Minh. Trở lại với chương trình Việt ngữ RFI ông phân tích về sự hình thành, về lôgic và những chuyển biến cũng như về hiệu quả với kết cuộc mà chúng ta đã biết của mạng lưới tình báo Việt Nam trong giai đoạn chiến tranh Đông Dương 1945-1954.

RFI : Kính chào Michel Bodin, RFI tiếng Việt rất hân hạnh lại được tiếp chuyện với giáo sư. Sách vở và các bài nghiên cứu nói về ngành tình báo Pháp trong chiến tranh Đông Dương thì nhiều, nhưng hiếm thấy những bài viết về ngành tình báo của Việt Nam. Vì sao vậy thưa ông ?

Michel Bodin : Lý do đầu tiên là vấn đề Đông Dương rất phức tạp và các nhà nghiên cứu căn cứ vào những tài liệu gián tiếp được ban sử học quân đội lưu trữ. Đó là những tài liệu tịch thu được trong các chiến dịch quân sự, là những báo cáo của các trưởng đồn, hay báo cáo từ các cuộc hỏi cung. Trên thực thế có rất ít những nhân chứng trực tiếp. Lý do thứ nhì là công luận Pháp không quan tâm đến Đông Dương và trong ký ức, thì chiến tranh Algeri đã nhanh chóng chôn vùi cuộc chiến Đông Dương. Sau chiến tranh Đông Dương thì những hình ảnh trong cuộc chiến chống Mỹ của Việt Nam gây nhiều ấn tượng hơn. Cuối cùng phải mất một thời gian dài các kho lưu trữ liên quan đến chủ đề này mới được mở ra cho công chúng. Đừng quên rằng trong ngành ‘tình báo, mật vụ’ sẽ có những điều ‘bí mật’ không bao giờ được tiết lộ cho công chúng. 

RFI : Ngoài những khó khăn liên quan đến khả năng tiếp cận với tài liệu lưu trữ bên quân đội – cần nhắc lại là đến nay mới chỉ có một số đã được giải mật, tuy nhiên với những tài liệu đã được phổ biến thì ngành tình báo của Việt Minh đã được tổ chức như thế nào và đã hoạt động ra sao ?

Michel BodinChiến tranh bên Việt Minh phát động là một cuộc chiến toàn diện. Điều đó có nghĩa là tất cả mọi khía cạnh, từ mặt quân sự đến xã hội, tâm lý đều phải được quân đội nhân dân nắm rõ. Điểm thứ nhì cuộc chiến này phải huy động được toàn dân, có nghĩa là tất cả mọi người đều có thể bị quân đội nhân dân huy động. Đó là một tổng thể chung. Về cơ bản, mật vụ hoạt động theo ba nguyên tắc : thu tập thông tin tình báo, phân tích - khai thác những thông tin đó và công tác phản gián. 

Đây là những tổ chức vô cùng phức tạp với rất nhiều thay đổi theo thời gian. Điều bất di bất dịch duy nhất là tất cả phải được đặt dưới sự lãnh đạo của đảng cộng sản.

Kể từ sau năm 1950 mạng lưới tình báo Việt Minh bao gồm 6 ngành, chúng hoạt động một cách bổ sung cho lẫn nhau. Trước hết, bên Tình Báo hoạt động cả tại Việt Nam lẫn tại Pháp. Nhân viên tổ tình báo này có liên lạc với khối Đông Âu và cũng rất có thể là cả với một tổ chức bí mật của đảng cộng sản Pháp. Thứ nhì là Quân Báo chỉ hoạt động tại Việt Nam và được đặt dưới sự chỉ huy của tướng Võ Nguyên Giáp. Nhóm thứ ba được biết đến là bên Trinh sát với sứ mệnh thăm dò và thu thập những thông tin cần thiết để chuẩn bị cho các trận hành quân. Trong toán thứ tư công việc quan sát được giao phó cho dân, đúng theo tinh thần huy động toàn dân vào một cuộc chiến. Mỗi người dân đều là tai, mắt của Việt Minh và của quân đội nhân dân Việt Nam để theo dõi phía Pháp, theo dõi những người có lui tới và có quan hệ với Pháp, với những cộng tác viên của quân đội Pháp. Tổ chức thứ năm là bên Công An với nhiệm vụ là kiểm soát dân tình và trừ khử những kẻ phản bội. Sau cùng, Phòng Địch Vận thuộc về mảng chiến tranh tâm lý với mục đích vận động, tuyên truyền kêu gọi địch đào ngũ. Để đạt được hiệu quả, thì bên Địch Vận phải có những thông tin chính xác về những đối tượng nhắm tới do vậy, bản thân tổ chức này cũng có những bộ phận riêng đặc trách về tình báo, về công tác phân tích thông tin và các hoạt động phản gián. 

RFI : Trong bài viết đăng trên tạp chí quân sự Guerres Mondiales et Conflits Contemporains năm 1998 giáo sư trích dẫn rất nhiều những trường hợp cụ thể về hoạt động, về nhiệm vụ của các toán, các tổ tình báo. Chẳng hạn như "Đại đội 198 ở Hải Phòng có trọng trách theo dõi các hoạt động trên cảng và tại các khu lân cận () như theo dõi trại lính Bouet, hay căn cứ BOTK". Có những nhóm được phân công với một nhiệm vụ cụ thể như là đếm xem bên địch có bao nhiêu xe bọc thép, có bao nhiêu khẩu đại bác, kích cỡ là bao nhiêu Ngành tình báo của Việt Minh ban đầu hoạt động một cách thô sơ nhưng càng lúc càng bài bản hơn phải chăng là để đáp ứng với nhu cầu quân sự càng lúc càng thúc bách ?

Michel Bodin : Để đáp ứng hai nhu cầu một là về mặt quân sự và hai là chủ đích huy động toàn dân. Đây chính là nguyên tắc của chiến tranh nhân dân mà ở đó mọi người đều phải tích cực tham gia tùy theo hoàn cảnh và khả năng. Nguyên tắc ấy có nhiều lợi thế : một là có nhiều nguồn tin để bảo đảm rằng không một thông tin nào bị bỏ sót, thứ hai nữa là đảng cộng sản Việt Nam qua đó có thể kiểm soát được toàn dân. Chính nhờ mạng lưới tình báo tinh vi này mà năm 1951 bên Việt Minh phá vỡ được chiến dịch Tourbillon của quân đội Pháp (Long Xuyên, Đồng Tháp Mười năm 1951). Mạng lưới tình báo của Việt Minh đã lập những thành tích rõ rệt nhưng bên cạnh đó thì cũng có một số thất bại chẳng hạn như trong trận đánh ở Nà Sản (1952) bộ phận trinh sát của Việt Nam không lường trước được là phía Pháp huy động đội ngũ lê dương yểm trợ cho chiến dịch này. Nà Sản là một thất bại ê chề đối với phía Việt Minh. 

RFI : Trong bài viết ông đã nêu lên những thí dụ rất cụ thể cho thấy hoạt động trong ngành tình báo Việt Nam từ khi hình thành đã có nhiều chuyển biến tùy theo thời gian. Mạng lưới lưới này lại được tổ chức rất chặt chẽ với nguyên tắc các tổ hoạt động một cách biệt lập với tránh để ‘bị lộ’. Tuy nhiên ở đây ra vấn đề là các toán điệp viên, tình báo đó đôi khi dẫm chân lên lẫn nhau. Một điểm khác nữa là do quá tỉ mỉ trong việc khâu thu thập thông tin nhưng liệu rằng mức độ hiệu quả có bị ảnh hướng vì những thủ tục rườm ra, vì cỗ máy quá cồng kềnh đó hay không ?

Michel Bodin : Đương nhiên. Nhưng ngoài ra còn có một yếu tố khác nữa đó là tất cả nhân viên tình báo Việt Minh không được đào tạo. Họ có thể đếm số xe tải đi qua, xe có bao nhiêu bánh… Nhưng phía Việt Nam thiếu các nhà phân tích những dữ liệu thu thập được do vậy Việt Minh cũng đã phải đối mặt với nhiều thất bại. Đó là sự hạn chế trong tổ chức tình báo của phía Việt Nam. Ngành tình báo của Việt Minh là một tổ chức rất thứ tự lớp lang, với cấu trúc chặt chẽ, tỉ mỉ và luôn dựa trên nguyên tắc chiến tranh nhân dân tức là với sự tham gia của mọi người dân, của mọi nhà.

Số đông đó vừa là một lợi thế, nhưng cũng là cũng là một nhược điểm. Mô hình hoạt động của ngành tình báo Việt Minh đi theo phương pháp của Liên Xô và Trung Quốc có nghĩa là tất cả phải được đặt dưới sự chỉ huy của đảng cộng sản. Chung cuộc thì mô hình đó đã đem lại chiến thắng và đã cho phép Việt Nam xây dựng xã hội chủ nghĩa. 

RFI : Xin chân thành cảm ơn giáo sư Michel Bodin, chuyên gia về lịch sử quân sự chiến tranh Đông Dương. Ông là tác giả của nhiều công trình nghiên cứu về Lực Lượng Viễn Chinh Đông Dương. Trong chương trình kỳ tới, chúng ta sẽ cùng đề cập đến số phận những người lính từ những vùng thuộc địa ở Châu Phi mà Pháp đã huy động sang Đông Dương để chinh phục trở lại và duy trì ảnh hưởng ở Viễn Đông.

Thanh Hà thực hiện

Nguồn : RFI, 28/08/2021

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Michel Bodin, Thanh Hà
Read 472 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)