Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

27/08/2021

Sau Afghanistan, cuộc chiến chống khủng bố chưa chấm dứt với Hoa Kỳ

Trọng Thành - Trọng Nghĩa

Khủng bố ở sân bay Kabul : Thất bại đau đớn của Biden

Trọng Thành, RFI, 27/08/2021

Vụ khủng bố kép của Daesh tại sân bay Kabul ngày 26/08/2021, khiến ít nhất 85 người chết, gần một tuần lễ trước hạn chót rút quân Mỹ khỏi Afghanistan, khiến uy tín của Tổng thống Hoa Kỳ càng sụt giảm mạnh, trong bối cảnh chiến dịch di tản của Mỹ khỏi Afghanistan bị chỉ trích là thiếu chuẩn bị, thiếu phối hợp. Tuy nhiên, theo báo chí Hoa Kỳ, có nhiều diễn biến cho thấy Tổng thống Biden không thể làm khá hơn, do kế hoạch di tản phụ thuộc chặt chẽ vào Kabul.

hoaky1

Tổng thống Mỹ Joe Biden trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng, Washington, Hoa Kỳ, ngày 26/08/2021. AP - Evan Vucci

Khủng hoảng Afghanistan - di sản của nhiều đời tổng thống Mỹ, bắt đầu bằng quyết định sai lầm của tổng thống G. W. Bush đưa quân can thiệp và ở lại quốc gia này từ năm 2002 - đã trở thành thử thách nghiêm trọng nhất đối với tổng thống thứ 46 của nước Mỹ, kể từ khi ông lên nắm quyền tháng 1/2021. Vụ khủng bố đẫm máu khiến 85 người chết, trong đó có 13 quân nhân Mỹ, khiến cuộc di tản hàng không chưa từng có trong lịch sử này trở thành một thất bại đau đớn với tổng thống Biden, theo nhiều nhà quan sát.

Thất bại trong việc lập kế hoạch

Ina Bremmer, chủ tịch Eurasia Group, công ty tư vấn về chính trị quốc tế, ghi nhận với AFP, "đây là một cuộc khủng hoảng lớn" của nhiệm kỳ tổng thống Joe Biden, "một thất bại về tình báo, thất bại trong việc lập kế hoạch, thất bại về truyền thông và thất bại về phối hợp với các đồng minh". Tổng thống Joe Biden cũng từng thừa nhận đã "không dự kiến trước" sự sụp đổ quá nhanh chóng của quân đội Afghanistan, được Washington tài trợ và đào tạo trong hai thập niên.

Vài giờ sau vụ khủng bố kép gần sân bay Kabul, tổng thống Mỹ 78 tuổi không giấu vẻ đau thương. Nước mắt lưng tròng, ông Biden vinh danh những người lính ngã xuống trong vụ tấn công được coi là đẫm máu nhất nhắm vào quân đội Mỹ kể từ tháng 8/2011. Trong cuộc họp báo sau vụ tấn công, Joe Biden mắt nhắm, đầu cúi xuống khi nghe một nhà báo của kênh truyền thông bảo thủ Fox News chất vấn về "các trách nhiệm" của tổng thống trong cuộc tháo chạy trong hỗn loạn này.

"Thảm kịch không đáng xảy ra"

Tại Hoa Kỳ, đối lập ngay lập tức lên án tổng thống đương nhiệm. Hôm qua, 26/08, cựu tổng thống Donald Trump khẳng định "Thảm kịch này đáng lẽ không thể để xảy ra". Nghị sĩ Cộng hòa Elise Stefanik nhấn mạnh là "Giờ đây bàn tay Joe Biden thấm máu", và kêu gọi ông Biden từ chức. Joe Biden bị chỉ trích từ mọi phía, kể cả nhiều người trong chính hàng ngũ đảng Dân Chủ cầm quyền, vì đã không tổ chức các cuộc di tản sớm hơn, về việc tình báo đã không dự báo được sự sụp đổ quá nhanh chóng của Kabul, khiến quân đội Mỹ phải vội vã gửi hàng ngàn quân tăng viện để quản lý cuộc di tản bằng cầu không vận chưa từng có, trong tình thế vô cùng nguy hiểm, khi Taliban chiếm Kabul và tay chân Daesh trà trộn khắp nơi. 

Một số nhà quan sát cũng so sánh cuộc rút lui khỏi Afghanistan trong không khí hỗn loạn với vụ tấn công đại sứ quán Hoa Kỳ tại Benghazi, Libya, năm 2012, khiến viên đại sứ thiệt mạng. Vụ tấn công đó đã phủ bóng lên nhiệm kỳ thứ hai của tổng thống Barack Obama. Trả lời AFP, Mark Rom, giáo sư chính trị học Đại học Georgetown, không chắc là uy tín của tổng thống Joe Biden sẽ bị "suy yếu lâu dài", nhưng dự đoán "phe Cộng hòa chắc chắn sẽ làm mọi cách để điều này trở thành sự thật".

Với độ lùi thời gian, sẽ có thêm nhiều thông tin để soi tỏ biến cố lịch sử này. Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden có trách nhiệm đến đâu trong cuộc di tản khổng lồ diễn ra trong vội vã này. Trách nhiệm của giới tướng lĩnh, giới tình báo ra sao ? Một tuần sau khi Kabul thất thủ, nhật báo New York Times có bài tường thuật đáng chú ý về "những gì diễn ra trong hậu trường của thất bại" này. Để hiểu được nguồn cơn câu chuyện, cần trở lại với thời điểm đầu tháng 5/2021, ít ngày sau khi chính quyền Mỹ lên phương án rút lui khỏi Afghanistan.

Chính quyền Kabul phản đối kế hoạch sơ tán thường dân

Theo đòi hỏi của giới bảo vệ nhân quyền và kể cả người thân cận với tổng thống Biden, Washington cần phải nhanh chóng sơ tán khẩn cấp – không cần visa – khoảng 100.000 người Afghanistan, gồm những người từng cộng tác với Hoa Kỳ và gia đình của họ, có nguy cơ bị Taliban trả thù. Nhưng vào thời điểm đó, chính quyền Kabul đã kịch liệt phản đối một chiến dịch di tản ồ ạt như vậy, bởi điều đó sẽ là một tín hiệu xấu đối với quân đội Afghanistan đang chiến đấu chống Taliban. Ngày 26/06, trong cuộc gặp lần cuối với tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden tại Nhà Trắng, nguyên thủ quốc gia Afghanistan, Ashraf Ghani, một lần nữa yêu cầu Mỹ không tổ chức di tản ồ ạt thường dân khỏi nước này, để không gây mất lòng tin trong dân chúng.

Ngày 11/08, ít ngày trước khi Kabul thất thủ, một nguồn tin Hoa Kỳ, dựa trên việc phân tích các tin tức tình báo, cho hay Washington sẵn sàng với ba khả năng. Thứ nhất, Taliban nhanh chóng chiếm Kabul, thứ hai là quân nổi dậy và chính quyền đạt được một thỏa thuận hòa bình và thứ ba là chiến sự kéo dài. Kịch bản thứ nhất rút cuộc đã thành sự thật. Một ngày trước khi Kabul thất thủ, tổng thống Afghanistan đã bí mật bỏ trốn. Chỉ một ngày trước khi bỏ trốn, ông Ashraf Ghani vẫn tiếp tục kêu gọi chống Taliban đến cùng.

Trọng Thành

Nguồn : RFI, 27/08/2021

**********************

Tổ chức Nhà nước Hồi giáo ở Afghanistan IS-K nguy hiểm tới mức nào ?

Trọng Nghĩa, RFI, 27/08/2021

Hai vụ đánh bom tự sát bên ngoài sân bay Kabul vào hôm 26/08/2021 đã khiến ít nhất 60 người Afghanistan và 13 lính Mỹ thiệt mạng ngoài con số cả trăm người bị thương. Sau đó ít lâu, một nhóm mang tên Nhà nước Hồi giáo Khorasan (IS-K hay ISIS-K) hoạt động mạnh tại Afghanistan, đã tự nhận là tác giả vụ tấn công.

hoaky2

Chiến binh Taliban trước sân bay Kabul (Afghanistan) ngày 26/08/2021 sau hai vụ khủng bố tự sát mà nhóm Nhà nước Hồi giáo Khorosan IS-K đã nhận là thủ phạm.  AFP – Wakil Kohsar

Theo hãng tin Mỹ AP, IS-K là một nhóm Hồi giáo gồm hàng trăm tay súng, được biết đến từ cách nay 6 năm, thuộc thành phần còn cực đoan hơn cả Taliban. Hình thành tại miền đông Afghanistan, nhóm này đã nhanh chóng phát triển thành một trong những mối đe dọa khủng bố lớn, là thủ phạm nhiều vụ tấn công cực kỳ đẫm máu, bất chấp nhiều năm trời bị liên quân do Mỹ lãnh đạo tìm diệt.

Ngay sau vụ tấn công ngay giữa đám đông, khiến hàng chục người chết và hàng trăm người bị thương tại Kabul vào hôm qua, các nhà quan sát đã tìm hiểu trở lại xem nhóm IS-K, tức là Nhà nước Hồi giáo Khorasan là gì, và bao gồm những phần tử nào.

Tổ chức Nhà nước Hồi giáo Khorasan là gì ?

Theo AP, nhóm IS-K (Islamic State of Khorasan) này là chi nhánh tại Afghanistan của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (tiếng Ả Rập gọi là Daesh, tiếng Anh là ISIS hay IS), đã từng hoành hành tại Syria và Iraq vào mùa hè năm 2014, chiếm lĩnh nhiều vùng lãnh thổ rộng lớn, và lập ra một đế chế Hồi giáo. Các chính quyền địa phương và lực lượng quốc tế phải mất 5 năm chiến đấu liên tục mới phá được "đế chế Hồi giáo" đó.

Chi nhánh Afghanistan của Nhà nước Hồi giáo đã nổi lên vài tháng sau khi Daesh xuất hiện, lấy tên từ tỉnh Khorasan, một khu vực bao gồm phần lớn lãnh thổ Afghanistan, Iran và Trung Á thời Trung Cổ.

Được gọi theo tên tắt tiếng Anh là IS-K, thoạt đầu nhóm này chỉ có vài trăm chiến binh Taliban người Pakistan, đã chạy qua Afghanistan lánh nạn tại vùng biên giới với Pakistan sau các chiến dịch tấn công của Quân Đội Pakistan.

Sau đó, nhóm này đã kết nạp thêm nhiều phần tử cực đoan khác, cùng chí hướng, trong đó có cả những chiến binh Taliban người Afghanistan bất mãn với những hành động mà họ cho là quá ôn hòa của phong trào Taliban nói chung.

Trong bối cảnh Taliban đàm phán hòa bình với Hoa Kỳ trong những năm gần đây, ngày càng có nhiều phần tử Taliban bất mãn đầu quân vào tổ chức Nhà nước Hồi giáo cực đoan hơn, giúp IS-K gia tăng quân số. Hầu hết những phần tử bất mãn này dều cho rằng giới lãnh đạo Taliban sai lầm khi đàm phán với Mỹ vào lúc mà phong trào này đang trên đà chiến thắng về mặt quân sự.

Ngoài ra IS-K còn thu hút được một số lớn chiến binh đến từ Phong Trào Hồi giáo Uzbekistan, một nước láng giềng, từ tỉnh Hồi giáo Sunni duy nhất của Iran và các thành viên của Đảng Hồi giáo Turkistan trong đó có người Duy Ngô Nhĩ từ miền Tân Cương Trung Quốc.

Kẻ thù không đội trời chung của Taliban

Nhìn chung, các chiến binh IS-K đều bị hệ tư tưởng bạo lực và cực đoan của tổ chức Nhà nước Hồi giáo thu hút, cũng như lời hứa về một vương quốc Hồi giáo để thống nhất thế giới Hồi giáo, một mục tiêu mà lực lượng Taliban không hề tán thành.

Trong khi Taliban giới hạn cuộc đấu tranh của phong trào trong nội bộ Afghanistan, nhóm Nhà nước Hồi giáo ở Afghanistan và Pakistan đã hưởng ứng lời kêu gọi của tổ chức Nhà nước Hồi giáo mở thánh chiến trên toàn thế giới, chống lại những người không theo đạo Hồi.

Theo thống kê của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế CSIS tại Washington, IS-K là tác giả hàng chục cuộc tấn công vào thường dân ở Afghanistan và Pakistan, trong đó có cả người Hồi giáo hệ phái Shiite thiểu số. Nhóm này cũng đã có hàng trăm cuộc đụng độ với liên quân Afghanistan, Pakistan và Mỹ kể từ tháng 1 năm 2017.

Cho đến lúc này, IS-K vẫn chưa có cuộc tấn công nào ngay trên lãnh thổ Hoa Kỳ, tuy nhiên chính phủ Mỹ cho rằng IS-K là một mối đe dọa trường kỳ đối với các lợi ích của Hoa Kỳ và đồng minh ở khu vực Nam và Trung Á.

Trên hiện trường, IS-K đã trở thành kẻ thù của Taliban. Trong thời gian qua, lực lượng Taliban đã mở nhiều cuộc tấn công lớn, có phối hợp chống lại nhóm Nhà nước Hồi giáo ở Afghanistan. Chiến binh Taliban đôi khi đã kết hợp với cả quân đội Mỹ lẫn quân đội chính phủ Afghanistan được Hoa Kỳ hậu thuẫn để đánh bật nhóm Nhà nước Hồi giáo Khorosan ra khỏi các vùng phía đông bắc Afghanistan.

Một quan chức Bộ quốc phòng Mỹ xin ẩn danh từng tiết lộ với hãng tin Mỹ AP là sở dĩ chính quyền Trump tìm kiếm thỏa thuận rút quân năm 2020 với Taliban, đó một phần là vì hy vọng sẽ hợp lực với Taliban để triệt hạ tổ chức Nhà nước Hồi giáo, bị coi là mối đe dọa thực sự ngay trên lãnh thổ Hoa Kỳ.

Nguy cơ trước mắt đến từ IS-K là gì ?

Theo các chuyên gia phân tích, tổ chức Nhà nước Hồi giáo ngày càng trở thành một mối đe dọa to lớn đối với Hoa Kỳ, nhất là khi Mỹ không còn lực lượng tại chỗ để theo dõi và tiêu diệt đối thủ ngay khi phát hiện.

Trong một báo cáo của Trung tâm Chống khủng bố thuộc trường võ bị Mỹ West Point, hai nhà nghiên cứu Amira Jadoon và Andrew Mines đã lưu ý rằng, ngay cả khi Hoa Kỳ có quân đội, máy bay và máy bay không người lái vũ trang đóng trên mặt đất ở Afghanistan để theo dõi và tấn công Nhà nước Hồi giáo, các chiến binh của nhóm này vẫn có thể tiếp tục hoành hành dù đã có hàng nghìn người thương vong.

Việc Mỹ triệt thoái khỏi Afghanistan đang tước đi năng lực tấn công trên bộ của Hoa Kỳ ở nước này, đồng thời có nguy cơ làm suy yếu khả năng theo dõi Nhà nước Hồi giáo, cũng như các kế hoạch tấn công của tổ chức này.

Tuy nhiên, các quan chức chính quyền Biden cho rằng nhóm IS-K chỉ là một trong nhiều mối đe dọa khủng bố mà Mỹ phải đối phó trên toàn cầu, và nhấn mạnh rằng Washington hoàn toàn có thể giám sát tổ chức này bằng những phương tiện tình báo và quân sự đặt tại các quốc gia vùng Vịnh, trên tàu sân bay hoặc các địa điểm khác xa hơn.

Một trong những nỗi sợ hãi lớn nhất của Hoa Kỳ sau khi rút quân ra khỏi Afghanistan sau hai thập kỷ hiện diện là, dưới sự cai trị của Taliban, nước này một lần nữa trở thành lại trở thành thỏi nam châm thu hút các phần tử cực đoan từ khắp nơi trên thế giới, về đấy lập cứ địa để từ đó tung ra những cuộc tấn công vào phương Tây.

Trọng Nghĩa

Nguồn : RFI, 27/08/2021

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Trọng Thành, Trọng Nghĩa
Read 373 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)