Trọng Thành, RFI, 27/08/2021
Vụ khủng bố kép của Daesh tại sân bay Kabul ngày 26/08/2021, khiến ít nhất 85 người chết, gần một tuần lễ trước hạn chót rút quân Mỹ khỏi Afghanistan, khiến uy tín của Tổng thống Hoa Kỳ càng sụt giảm mạnh, trong bối cảnh chiến dịch di tản của Mỹ khỏi Afghanistan bị chỉ trích là thiếu chuẩn bị, thiếu phối hợp. Tuy nhiên, theo báo chí Hoa Kỳ, có nhiều diễn biến cho thấy Tổng thống Biden không thể làm khá hơn, do kế hoạch di tản phụ thuộc chặt chẽ vào Kabul.
Tổng thống Mỹ Joe Biden trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng, Washington, Hoa Kỳ, ngày 26/08/2021. AP - Evan Vucci
Khủng hoảng Afghanistan - di sản của nhiều đời tổng thống Mỹ, bắt đầu bằng quyết định sai lầm của tổng thống G. W. Bush đưa quân can thiệp và ở lại quốc gia này từ năm 2002 - đã trở thành thử thách nghiêm trọng nhất đối với tổng thống thứ 46 của nước Mỹ, kể từ khi ông lên nắm quyền tháng 1/2021. Vụ khủng bố đẫm máu khiến 85 người chết, trong đó có 13 quân nhân Mỹ, khiến cuộc di tản hàng không chưa từng có trong lịch sử này trở thành một thất bại đau đớn với tổng thống Biden, theo nhiều nhà quan sát.
Ina Bremmer, chủ tịch Eurasia Group, công ty tư vấn về chính trị quốc tế, ghi nhận với AFP, "đây là một cuộc khủng hoảng lớn" của nhiệm kỳ tổng thống Joe Biden, "một thất bại về tình báo, thất bại trong việc lập kế hoạch, thất bại về truyền thông và thất bại về phối hợp với các đồng minh". Tổng thống Joe Biden cũng từng thừa nhận đã "không dự kiến trước" sự sụp đổ quá nhanh chóng của quân đội Afghanistan, được Washington tài trợ và đào tạo trong hai thập niên.
Vài giờ sau vụ khủng bố kép gần sân bay Kabul, tổng thống Mỹ 78 tuổi không giấu vẻ đau thương. Nước mắt lưng tròng, ông Biden vinh danh những người lính ngã xuống trong vụ tấn công được coi là đẫm máu nhất nhắm vào quân đội Mỹ kể từ tháng 8/2011. Trong cuộc họp báo sau vụ tấn công, Joe Biden mắt nhắm, đầu cúi xuống khi nghe một nhà báo của kênh truyền thông bảo thủ Fox News chất vấn về "các trách nhiệm" của tổng thống trong cuộc tháo chạy trong hỗn loạn này.
Tại Hoa Kỳ, đối lập ngay lập tức lên án tổng thống đương nhiệm. Hôm qua, 26/08, cựu tổng thống Donald Trump khẳng định "Thảm kịch này đáng lẽ không thể để xảy ra". Nghị sĩ Cộng hòa Elise Stefanik nhấn mạnh là "Giờ đây bàn tay Joe Biden thấm máu", và kêu gọi ông Biden từ chức. Joe Biden bị chỉ trích từ mọi phía, kể cả nhiều người trong chính hàng ngũ đảng Dân Chủ cầm quyền, vì đã không tổ chức các cuộc di tản sớm hơn, về việc tình báo đã không dự báo được sự sụp đổ quá nhanh chóng của Kabul, khiến quân đội Mỹ phải vội vã gửi hàng ngàn quân tăng viện để quản lý cuộc di tản bằng cầu không vận chưa từng có, trong tình thế vô cùng nguy hiểm, khi Taliban chiếm Kabul và tay chân Daesh trà trộn khắp nơi.
Một số nhà quan sát cũng so sánh cuộc rút lui khỏi Afghanistan trong không khí hỗn loạn với vụ tấn công đại sứ quán Hoa Kỳ tại Benghazi, Libya, năm 2012, khiến viên đại sứ thiệt mạng. Vụ tấn công đó đã phủ bóng lên nhiệm kỳ thứ hai của tổng thống Barack Obama. Trả lời AFP, Mark Rom, giáo sư chính trị học Đại học Georgetown, không chắc là uy tín của tổng thống Joe Biden sẽ bị "suy yếu lâu dài", nhưng dự đoán "phe Cộng hòa chắc chắn sẽ làm mọi cách để điều này trở thành sự thật".
Với độ lùi thời gian, sẽ có thêm nhiều thông tin để soi tỏ biến cố lịch sử này. Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden có trách nhiệm đến đâu trong cuộc di tản khổng lồ diễn ra trong vội vã này. Trách nhiệm của giới tướng lĩnh, giới tình báo ra sao ? Một tuần sau khi Kabul thất thủ, nhật báo New York Times có bài tường thuật đáng chú ý về "những gì diễn ra trong hậu trường của thất bại" này. Để hiểu được nguồn cơn câu chuyện, cần trở lại với thời điểm đầu tháng 5/2021, ít ngày sau khi chính quyền Mỹ lên phương án rút lui khỏi Afghanistan.
Theo đòi hỏi của giới bảo vệ nhân quyền và kể cả người thân cận với tổng thống Biden, Washington cần phải nhanh chóng sơ tán khẩn cấp – không cần visa – khoảng 100.000 người Afghanistan, gồm những người từng cộng tác với Hoa Kỳ và gia đình của họ, có nguy cơ bị Taliban trả thù. Nhưng vào thời điểm đó, chính quyền Kabul đã kịch liệt phản đối một chiến dịch di tản ồ ạt như vậy, bởi điều đó sẽ là một tín hiệu xấu đối với quân đội Afghanistan đang chiến đấu chống Taliban. Ngày 26/06, trong cuộc gặp lần cuối với tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden tại Nhà Trắng, nguyên thủ quốc gia Afghanistan, Ashraf Ghani, một lần nữa yêu cầu Mỹ không tổ chức di tản ồ ạt thường dân khỏi nước này, để không gây mất lòng tin trong dân chúng.
Ngày 11/08, ít ngày trước khi Kabul thất thủ, một nguồn tin Hoa Kỳ, dựa trên việc phân tích các tin tức tình báo, cho hay Washington sẵn sàng với ba khả năng. Thứ nhất, Taliban nhanh chóng chiếm Kabul, thứ hai là quân nổi dậy và chính quyền đạt được một thỏa thuận hòa bình và thứ ba là chiến sự kéo dài. Kịch bản thứ nhất rút cuộc đã thành sự thật. Một ngày trước khi Kabul thất thủ, tổng thống Afghanistan đã bí mật bỏ trốn. Chỉ một ngày trước khi bỏ trốn, ông Ashraf Ghani vẫn tiếp tục kêu gọi chống Taliban đến cùng.
Trọng Thành
Nguồn : RFI, 27/08/2021
**********************
Trọng Nghĩa, RFI, 27/08/2021
Hai vụ đánh bom tự sát bên ngoài sân bay Kabul vào hôm 26/08/2021 đã khiến ít nhất 60 người Afghanistan và 13 lính Mỹ thiệt mạng ngoài con số cả trăm người bị thương. Sau đó ít lâu, một nhóm mang tên Nhà nước Hồi giáo Khorasan (IS-K hay ISIS-K) hoạt động mạnh tại Afghanistan, đã tự nhận là tác giả vụ tấn công.
Chiến binh Taliban trước sân bay Kabul (Afghanistan) ngày 26/08/2021 sau hai vụ khủng bố tự sát mà nhóm Nhà nước Hồi giáo Khorosan IS-K đã nhận là thủ phạm. AFP – Wakil Kohsar
Theo hãng tin Mỹ AP, IS-K là một nhóm Hồi giáo gồm hàng trăm tay súng, được biết đến từ cách nay 6 năm, thuộc thành phần còn cực đoan hơn cả Taliban. Hình thành tại miền đông Afghanistan, nhóm này đã nhanh chóng phát triển thành một trong những mối đe dọa khủng bố lớn, là thủ phạm nhiều vụ tấn công cực kỳ đẫm máu, bất chấp nhiều năm trời bị liên quân do Mỹ lãnh đạo tìm diệt.
Ngay sau vụ tấn công ngay giữa đám đông, khiến hàng chục người chết và hàng trăm người bị thương tại Kabul vào hôm qua, các nhà quan sát đã tìm hiểu trở lại xem nhóm IS-K, tức là Nhà nước Hồi giáo Khorasan là gì, và bao gồm những phần tử nào.
Theo AP, nhóm IS-K (Islamic State of Khorasan) này là chi nhánh tại Afghanistan của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (tiếng Ả Rập gọi là Daesh, tiếng Anh là ISIS hay IS), đã từng hoành hành tại Syria và Iraq vào mùa hè năm 2014, chiếm lĩnh nhiều vùng lãnh thổ rộng lớn, và lập ra một đế chế Hồi giáo. Các chính quyền địa phương và lực lượng quốc tế phải mất 5 năm chiến đấu liên tục mới phá được "đế chế Hồi giáo" đó.
Chi nhánh Afghanistan của Nhà nước Hồi giáo đã nổi lên vài tháng sau khi Daesh xuất hiện, lấy tên từ tỉnh Khorasan, một khu vực bao gồm phần lớn lãnh thổ Afghanistan, Iran và Trung Á thời Trung Cổ.
Được gọi theo tên tắt tiếng Anh là IS-K, thoạt đầu nhóm này chỉ có vài trăm chiến binh Taliban người Pakistan, đã chạy qua Afghanistan lánh nạn tại vùng biên giới với Pakistan sau các chiến dịch tấn công của Quân Đội Pakistan.
Sau đó, nhóm này đã kết nạp thêm nhiều phần tử cực đoan khác, cùng chí hướng, trong đó có cả những chiến binh Taliban người Afghanistan bất mãn với những hành động mà họ cho là quá ôn hòa của phong trào Taliban nói chung.
Trong bối cảnh Taliban đàm phán hòa bình với Hoa Kỳ trong những năm gần đây, ngày càng có nhiều phần tử Taliban bất mãn đầu quân vào tổ chức Nhà nước Hồi giáo cực đoan hơn, giúp IS-K gia tăng quân số. Hầu hết những phần tử bất mãn này dều cho rằng giới lãnh đạo Taliban sai lầm khi đàm phán với Mỹ vào lúc mà phong trào này đang trên đà chiến thắng về mặt quân sự.
Ngoài ra IS-K còn thu hút được một số lớn chiến binh đến từ Phong Trào Hồi giáo Uzbekistan, một nước láng giềng, từ tỉnh Hồi giáo Sunni duy nhất của Iran và các thành viên của Đảng Hồi giáo Turkistan trong đó có người Duy Ngô Nhĩ từ miền Tân Cương Trung Quốc.
Nhìn chung, các chiến binh IS-K đều bị hệ tư tưởng bạo lực và cực đoan của tổ chức Nhà nước Hồi giáo thu hút, cũng như lời hứa về một vương quốc Hồi giáo để thống nhất thế giới Hồi giáo, một mục tiêu mà lực lượng Taliban không hề tán thành.
Trong khi Taliban giới hạn cuộc đấu tranh của phong trào trong nội bộ Afghanistan, nhóm Nhà nước Hồi giáo ở Afghanistan và Pakistan đã hưởng ứng lời kêu gọi của tổ chức Nhà nước Hồi giáo mở thánh chiến trên toàn thế giới, chống lại những người không theo đạo Hồi.
Theo thống kê của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế CSIS tại Washington, IS-K là tác giả hàng chục cuộc tấn công vào thường dân ở Afghanistan và Pakistan, trong đó có cả người Hồi giáo hệ phái Shiite thiểu số. Nhóm này cũng đã có hàng trăm cuộc đụng độ với liên quân Afghanistan, Pakistan và Mỹ kể từ tháng 1 năm 2017.
Cho đến lúc này, IS-K vẫn chưa có cuộc tấn công nào ngay trên lãnh thổ Hoa Kỳ, tuy nhiên chính phủ Mỹ cho rằng IS-K là một mối đe dọa trường kỳ đối với các lợi ích của Hoa Kỳ và đồng minh ở khu vực Nam và Trung Á.
Trên hiện trường, IS-K đã trở thành kẻ thù của Taliban. Trong thời gian qua, lực lượng Taliban đã mở nhiều cuộc tấn công lớn, có phối hợp chống lại nhóm Nhà nước Hồi giáo ở Afghanistan. Chiến binh Taliban đôi khi đã kết hợp với cả quân đội Mỹ lẫn quân đội chính phủ Afghanistan được Hoa Kỳ hậu thuẫn để đánh bật nhóm Nhà nước Hồi giáo Khorosan ra khỏi các vùng phía đông bắc Afghanistan.
Một quan chức Bộ quốc phòng Mỹ xin ẩn danh từng tiết lộ với hãng tin Mỹ AP là sở dĩ chính quyền Trump tìm kiếm thỏa thuận rút quân năm 2020 với Taliban, đó một phần là vì hy vọng sẽ hợp lực với Taliban để triệt hạ tổ chức Nhà nước Hồi giáo, bị coi là mối đe dọa thực sự ngay trên lãnh thổ Hoa Kỳ.
Theo các chuyên gia phân tích, tổ chức Nhà nước Hồi giáo ngày càng trở thành một mối đe dọa to lớn đối với Hoa Kỳ, nhất là khi Mỹ không còn lực lượng tại chỗ để theo dõi và tiêu diệt đối thủ ngay khi phát hiện.
Trong một báo cáo của Trung tâm Chống khủng bố thuộc trường võ bị Mỹ West Point, hai nhà nghiên cứu Amira Jadoon và Andrew Mines đã lưu ý rằng, ngay cả khi Hoa Kỳ có quân đội, máy bay và máy bay không người lái vũ trang đóng trên mặt đất ở Afghanistan để theo dõi và tấn công Nhà nước Hồi giáo, các chiến binh của nhóm này vẫn có thể tiếp tục hoành hành dù đã có hàng nghìn người thương vong.
Việc Mỹ triệt thoái khỏi Afghanistan đang tước đi năng lực tấn công trên bộ của Hoa Kỳ ở nước này, đồng thời có nguy cơ làm suy yếu khả năng theo dõi Nhà nước Hồi giáo, cũng như các kế hoạch tấn công của tổ chức này.
Tuy nhiên, các quan chức chính quyền Biden cho rằng nhóm IS-K chỉ là một trong nhiều mối đe dọa khủng bố mà Mỹ phải đối phó trên toàn cầu, và nhấn mạnh rằng Washington hoàn toàn có thể giám sát tổ chức này bằng những phương tiện tình báo và quân sự đặt tại các quốc gia vùng Vịnh, trên tàu sân bay hoặc các địa điểm khác xa hơn.
Một trong những nỗi sợ hãi lớn nhất của Hoa Kỳ sau khi rút quân ra khỏi Afghanistan sau hai thập kỷ hiện diện là, dưới sự cai trị của Taliban, nước này một lần nữa trở thành lại trở thành thỏi nam châm thu hút các phần tử cực đoan từ khắp nơi trên thế giới, về đấy lập cứ địa để từ đó tung ra những cuộc tấn công vào phương Tây.
Trọng Nghĩa
Nguồn : RFI, 27/08/2021
Chống khủng bố : những lỗ hổng trong bộ máy an ninh của Pháp
Những "khiếm khuyết" trong hệ thống an ninh của Pháp và một loạt những câu hỏi bốn ngày sau vụ Sở Cảnh Sát Paris bị tấn công từ bên trong, một nhân viên ra tay sát hại đồng nghiệp và điều tra chuyển sang hướng khủng bố.
Sở Cảnh Sát Paris, Pháp, nơi một nhân viên ra tay sát hại bốn đồng nghiệp hôm 03/10/2019. Reuters
Pháp "choáng váng", cơ quan an ninh phải đối mặt với những thách thức vì "một mối đe dọa xuất phát từ bên trong", tựa lớn trên báo La Croix. Tờ Le Figaro thiên hữu xem vụ một nhân viên của Sở Cảnh Sát Paris giết chết bốn đồng nghiệp ngay tại sở làm vì lý do tôn giáo là một vụ "tấn công".
Nguy hiểm hơn nữa là vụ tấn công hôm thứ Năm 03/10/2019 cho thấy, một số các phần tử Hồi giáo cực đoan đã len lỏi vào được những cơ quan Nhà nước, kể cả một điểm huyết mạch nhất như Sở Cảnh Sát Paris mà không hề bị phát hiện. Thủ phạm làm việc tại phòng được coi là "cực kỳ nhậy cảm".
Bộ trưởng Nội vụ Pháp Christophe Castaner đã nói đến "khiếm khuyết", đến những "sơ hở" trong vận hành của ngành an ninh. Libération cánh tả, gọi hung thủ là "kẻ thù từ ở bên trong" và tờ báo phác họa lại chân dung một người đàn ông 45 tuổi, chuyên về tin học, làm việc tại Sở Cảnh Sát Paris từ năm 2003, được quyền tiếp cận với các hồ sơ thuộc diện bí mật quốc phòng. Trong mắt các đồng nghiệp, anh ta là một người kín đáo, hay giúp đỡ những người chung quanh, nhưng chỉ trong 7 phút, đã hiện nguyên hình là một con sói dữ, vô cùng tàn bạo, đâm chết bốn đồng nghiệp, trong đó có ba người làm cùng phòng với anh ta.
Tờ báo cánh tả này trong bài xã luận ví von : "Đây thực sự là một trận địa chấn đang làm rung chuyển cả cỗ máy chính trị-an ninh của Pháp. Có lẽ dư âm sẽ còn kéo dài (...). Thủ phạm đi theo phe Hồi giáo cực đoan, liệu đã hành động riêng lẻ, hay là thành viên của một nhóm khủng bố ? Liệu rằng anh ta có cung cấp những thông tin tình báo của Pháp về mảng chống khủng bố hay không ?".
Về tranh cãi đang bùng lên chung quanh trách nhiệm của bộ Nội vụ, Libération cho rằng, không nên tất cả mọi lỗi lên một mình bộ trưởng Christophe Castaner, nhưng chí ít thì ông này cũng đã vụng về nếu không muốn nói là nhanh nhảu đoảng khi vội vã bác bỏ khả năng đây là một vụ khủng bố chỉ vài giờ sau khi nhân viên của Sở Cảnh Sát Paris thiệt mạng. Cũng chính vì vội vã gạt bỏ giả thuyết khủng bố, bộ trưởng Nội vụ Pháp bị các đảng phái đối lập cáo buộc "muốn tìm cách che giấu thông tin" như ghi nhận của Le Monde.
Pháp và chính sách nhập cư
Vẫn liên quan đến thời sự nước Pháp, hôm nay, Quốc hội thảo luận về chính sách đón nhận người nhập cư. Tất cả các tờ báo Paris đều chờ đợi, Pháp siết chặt chính sách nhập cư.
La Croix lưu ý độc giả, tổng thống Macron không có ý định cho ra đời một bộ luật mới về nhập cư, thay thế cho bộ luật đã được thông qua từ mùa hè năm 2018. Nhưng với việc đem hồ sơ nhậy cảm này ra thảo luận tại Quốc hội, rồi hai ngày sau đến lượt bên Thượng Viện, là bằng chứng cho thấy nguyên thủ Pháp đưa vấn đề này lên thành một ưu tiên hàng đầu, bởi đây là mối quan tâm lớn của một phần công luận trong nước. Le Figaro không vòng vo cho rằng tổng thống Macron đang chuẩn bị cho các cuộc bầu cử thành phố vào mùa xuân năm tới và nhất là cho khả năng tái tranh cử vào năm 2022.
Libération cảnh báo đa số cầm quyền tại Pháp, chớ nên rơi vào bẫy của bên đảng cánh hữu và cực hữu với tinh thần bài ngoại. Le Monde nhìn vấn đề ở một góc độ khác : tổng thống Emmanuel Macron muốn đem đề tài này ra thảo luận trước Quốc hội lưỡng viện, vì ông ý thức được rằng, ngay cả trong hàng ngũ đảng Cộng Hòa Tiến Bước, có nhiều thành viên không tán đồng các biện pháp cứng rắn của chính phủ trong việc tiếp nhận người nước ngoài.
Brexit : Bão tố chờ đợi thủ tướng Boris Johnson
Nhìn sang phần thời sự quốc tế, báo kinh tế Les Echos và Le Monde chú ý nhiều đến vương quốc Anh trước viễn cảnh Brexit. Dưới hàng tựa "Một tuần lễ để thoát khỏi bế tắc", nhật báo Le Monde tiết lộ thủ tướng Boris Johnson dường như sẵn sàng yêu cầu Liên Hiệp Châu Âu hoãn lại ngày chia tay.
Với giọng điệu châm biếm tác giả bài báo cho rằng, có nhiều khả năng ông Johnson chơi trò ú tim. Một mặt năn nỉ Bruxelles hoãn ngày Brexit, mặt khác hô hào với cử tri trong nước rằng "thà chết còn sướng hơn" là phải ở lại Liên Hiệp Châu Âu sau ngày 31 tháng 10. Nhưng trong bụng thì thầm khấn các đấng linh thiêng phù hộ để mọi người cùng tin vào màn ảo thuật này của ông ta.
Trang nhất báo Les Echos đăng ảnh thủ tướng Anh đầu tóc bù xù, bên cạnh là hàng tựa nổi bật "Brexit : Bão tố sắp ập đến với Boris Johnson". Một chục ngày trước thượng đỉnh Châu Âu về Brexit, chính quyền Anh vẫn "trống đánh xuôi kèn thổi ngược" về tiến trình đàm phán với Bruxelles. Trong khi đó thì thị trường chứng khoán Luân Đôn đang "điên đảo" trước viễn cảnh ra đi tay không, trong trường hợp Brexit no deal.
Quyền lực mềm và ảnh hưởng của Nga
Cũng về quan hệ quốc tế, Alain Barluet trên tờ Le Figaro chú ý đến ảnh hưởng ngoại giao của nước Nga từ giữa những năm 2000 tới nay. Theo tác giả, Moskva đã có hẳn cả một chính sách "quyền lực mềm" nhưng đấy không nhằm tô điểm hình ảnh của đất nước mà chủ yếu nhằm mục tiêu làm suy yếu các đối thủ của nước Nga.
Giám đốc cơ quan nghiên cứu Carnegie tại Moskva, ông Dmitri Trenine đánh giá rằng "từ năm 2014, ảnh hưởng của Nga liên tục được mở rộng trên thế giới, từ về mặt chính trị đến quân sự và thông tin. Điều này đã được kiểm chức tại Ukraine, ở Cận Đông, Châu Phi, Châu Á và một phần tại Châu Mỹ Latinh". Thế nhưng trong bảng xếp hạng do nhóm nghiên cứu Portland thực hiện về "30 quốc gia có quyền lực mềm hiệu quả nhất", nước Nga của tổng thống Putin chỉ đứng hạng thứ 28. Moskva ý thức được nhược điểm của mình và lo ngại thấy tinh thần bài Nga còn rất mạnh tại các nước phương Tây.
Theo phân tích của giáo sư Evguenia Obitchkina, Học viện Quan hệ Quốc tế Nga, một trong những ưu tiên của nền ngoại giao Nga là mở rộng ảnh hưởng và sức mạnh trên trường quốc tế. Từ sau khi Liên Xô sụp đổ, Moskva bị Mỹ và Liên Hiệp Châu Âu cướp mất hào quang đó. Có điều đối với điện Kremlin, thanh thế trên trường quốc tế là một lá bùa hộ mạng và để củng cố quyền lực ở trong nước. Đến giữa những năm 2000, khi Ukraine và Gruzia muốn gia nhập khối NATO, Nga nhất quyết phản đối vì trông thấy ảnh hưởng của mình bị thu hẹp lại với các nước láng giềng sát cạnh. Trong nhãn quan của Vladimir Putin đó là mầm mống đe dọa đến "chủ quyền và ổn định của nước Nga".
Vậy đâu là công cụ quyền lực mềm của Putin ? Le Figaro nhắc lại, thuật ngữ soft power chỉ xuất hiện trên các văn bản chính thức từ năm 2012, nhưng trước đó năm 2007 ông Vladimir Putin đã thành lập hẳn một quỹ để quảng bá tiếng Nga mà ông gọi là "tài sản quốc gia" của nước Nga.
Cũng chủ nhân điện Kremlin coi việc bảo vệ ngôn ngữ, bảo vệ những cộng đồng nói tiếng Nga là một ưu tiên, thể hiện "tình yêu đối với nước Nga". Do vậy theo giáo sư Học viện Quan hệ Quốc tế Nga, Moskva đã phản ứng mạnh mẽ vào năm 2014 khi Quốc hội Ukraine đòi cấm giảng dậy tiếng Nga. Chính quyền Putin cho rằng Kiev đã "vượt qua lằn ranh đỏ".
Có điều Moskva không chỉ dùng quyền lực mềm để chinh phục thế giới. Ukraine và Syria là những trường hợp điển hình cho thấy các phương tiện truyền thống để phô trương thanh thế vẫn còn tính thời sự. Chuyên gia Pháp thuộc trung tâm nghiên cứu CERI – trường Khoa học Chính trị Paris, bà Anne de Tinguy cho rằng "yếu tố quân sự vẫn chiếm một vị trí trung tâm trong chính sách đối ngoại" của nước Nga.
Sau cùng giám đốc trung tâm nghiên cứu Carnegie tại Moskva cho rằng, "cái mà Nga gọi là quyền lực mềm, thực ra khá giống với các chiến dịch tuyên truyền để thuyết phục cộng đồng quốc tế về tầm nhìn của nước Nga, và qua đó phá vỡ những lập luận của các đối thủ". Đặc biệt là từ giai đoạn 2012-2013, đài truyền hình Russia Today trở thành công cụ tuyên truyền của Nga ở hải ngoại. Một nhà triết học Nga nói với báo Le Figaro : "chính sách tuyên truyền của Moskva không nhằm củng cố thêm hình ảnh tích cực của nước Nga mà chủ yếu nhắm vào các lực lượng chính trị phương Tây mà điện Kremlin đánh giá là những đối tượng thù nghịch".
Quyền lực công nghệ cao trong tay 3 người đàn bà
Cũng về quyền lực mềm, nhưng trong lĩnh vực công nghệ cao Les Echos bình chọn 3 phụ nữ thế lực nhất. Cả ba đã từng là chủ nhân các công ty khởi nghiệp, và sau một thời gian hoạt động, nay các start up của họ đã trở thành những con "kỳ lân", ngựa một sừng trong thần thoại Châu Âu, với số vốn hơn 1 triệu đô la.
Người thứ nhất là Fatoumata Ba, 32 tuổi. Cách nay 6 năm, với công ty khởi nghiệp Jumia, bà tiên phong trong lĩnh vực mua bán trên mạng tại Châu Phi. Thành công vượt bực, giờ đây bà quyết định đem vốn ra giúp đỡ các mầm non start up khác của Châu Phi.
Nhân vật thứ nhì là chủ nhân công ty khởi nghiệp Mỹ Branch : Madalina Seghete lớn lên tại nước Romania cộng sản. Nhờ có học bổng của Mỹ, Mada được vào trường đại học Cornell danh tiếng của Hoa Kỳ... Năm 2012 Mada cũng với một vài bạn học cũ lập ra một công ty khởi nghiệp, cho phép các thương hiệu theo dõi khách hàng sử dụng sản phẩm của mình... Chỉ 5 năm sau Branch huy động được 242 triệu đô la để phát triển. Madalina là một trong số 37 phụ nữ điều hành một "con kỳ lân" !
Người thứ ba là Jessica Scorpio sáng lập viên Getaround công ty chuyên cung cấp dịch vụ cho thuê xe hơi. Sinh ra tại Canada, lớn lên tại Mỹ nhưng lại chọn Pháp là nơi đất lành chim đậu, Jessica tin rằng tương lai của nền công nghệ cao thế giới đang trong tay phụ nữ.
Thanh Hà
Daesh : Sáu mặt trận chống khủng bố chưa hồi kết trên thế giới
Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS), tưởng như thất trận ở Syria và Iraq, vẫn còn chân rết ở khắp nơi, nhờ những "con sói đơn độc". Trở lại vụ tấn công tại New York, trang nhất của Libération đưa hàng tựa lớn "Daesh, hậu Daesh", với nhận định : "Cuộc tấn công hôm thứ Ba (31/10/2017) nhắc lại rằng sự sụp đổ của "quốc gia Hồi giáo califa" tại Iraq và Syria vẫn không phá vỡ được chiến dịch reo rắc sợ hãi của tổ chức Nhà nước Hồi giáo, vẫn hiển hiện ở nhiều vùng khác nhau, từ khu vực Sahel (Châu Phi) đến Đông Nam Á".
Cờ của tổ chức Nhà nước Hồi giáo được phô trương trong làng Akhtarin, phía bắc Aleppo (Syria). Ảnh minh họa Reuters/Khalil Ashawi
Nhật báo Libération liệt kê 6 mặt trận chưa có hồi kết trên khắp thế giới :
Các nước "kẻ thù" : Tấn công ngay khi có thể
Không oanh kích như tại Raqqa hay Mosul, không có chi nhánh ở phương Tây, nhưng những kẻ thánh chiến có thể ra tay ngay khi có điều kiện. Từ giữa năm 2014, các thành viên tổ chức Nhà nước Hồi giáo từ Syria hoặc Iraq trở về, những "con sói đơn độc" ra tay theo lời kêu gọi của Daesh, dù chưa một lần đến "vương quốc Hồi giáo" tự xưng, đã tấn công Bruxelles, Luân Đôn, Manchester, Berlin, Paris, Marseille, Nice hay Magnanville (ngoại ô Paris).
Họ tấn công với những dụng cụ có trong tay, từ một con dao đến xe hơi hoặc xe tải để "giết người bằng bất kỳ cách nào" theo lời kêu gọi của cựu phát ngôn viên của Daesh, Mohammed al-Adnani, ngay từ tháng 09/2014. Tính đến tháng 02/2017, Daesh đã thực hiện hoặc truyền cảm cho hơn 140 vụ tấn công tại 29 nước, không kể Syria và Iraq, và giết chết ít nhất 2.000 người.
Daesh không sáng tạo ra gì hết mà chỉ áp dụng lý thuyết của al-Qaeda, có nghĩa là tấn công không ngừng nghỉ các nước phương Tây, đặc biệt là bằng những cuộc tấn công quy mô nhỏ, để làm người dân mệt mỏi và đẩy họ chống lại người Hồi giáo và từ đó sẽ xảy ra một cuộc nội chiến.
Syria và Iraq : Vương quốc "califat" tự xưng
Lãnh thổ của vương quốc Hồi giáo "califat" tự xưng vào tháng 06/2014 tại Iraq và Syria rộng bằng diện tích của Bồ Đào Nha. Nhưng hiện giờ, Daesh chỉ còn chiếm khoảng 10% diện tích nằm gọn trong thung lũng sông Euphrat, sát biên giới với Syria. Vài nghìn chiến binh, địa phương và nước ngoài, đang cố thủ tại đây trước cuộc phản công của lực lượng Iraq bắt đầu từ tuần trước để chiếm lại al-Qaim và các khu vực lân cận nhằm chấm dứt sự hiện diện của Daesh ngay trên quê hương của tổ chức này. Được liên quân quốc tế yểm trợ, cuộc tấn công có vẻ tiến triển nhanh.
Đông Nam Á : Khủng hoảng Rohingya, "bánh thánh" cho Daesh
Hoạt động khủng bố của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tại Châu Á dường như đang được kiềm chết : Thủ lĩnh Isnilon Hapilon của Daesh tại Đông Nam Á bị quân đội Philippines triệt hạ ; ảnh hưởng của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tại Indonesia đã bị kiềm chế sau loạt khủng bố tại Jakarta ; sự bành chướng của các cơ sở Daesh tại Bangladesh bị ngăn chặn sau vụ khủng bố đẫm máu ở Dacca (07/2016).
Tuy nhiên, làn sóng người Rohingya Miến Điện theo Hồi giáo đang phải trốn sang Bangladesh có thể là đối tượng mới cho tuyên truyền thánh chiến. Dù quân nổi dậy Rohingya khẳng định không có bất kỳ quan hệ nào với các tổ chức thánh chiến, nhưng các nhóm nước ngoài đang cố biến bang Rakhin thành một "Palestine mới" và bắt đầu chiêu quân dưới danh nghĩa này. Tháng 09/2017, bộ trưởng quốc phòng Malaysia đã lên tiếng báo động : "Nếu chúng ta bỏ mặc người Rohingya trong thất vọng, các nước trong vùng sẽ phải trả giá".
Trung Á : Trung Quốc và Nga trong tầm ngắm của Daesh ?
Uzbekistan, quê hương của kẻ tấn công tại Manhattan ngày 31/10/2017, không phải là một vùng đất của Daesh. Tuy nhiên, rất nhiều người Uzbekistan gia nhập tổ chức Nhà nước Hồi giáo tại Syria và Iraq. Theo nhà nghiên cứu Pháp Didier Chaudet, thuộc Viện Nghiên cứu Trung Á, "Daesh đang chuyển sang phía Trung Á" với việc thánh lập chi nhánh mang tên "tỉnh Khorassan" ở Afghanistan từ cuối năm 2014. Dù không cử lãnh đạo sang, nhưng Daesh có được sự liên minh của các cựu chiến binh Taliban, thanh niên Afghanistan và Pakistan - những tín đồ của thánh chiến mang quy mô quốc tế, trong khi Taliban chỉ tìm cách chiếm lại quyền ở Afghanistan. Tuy nhiên, Daesh không gặp thuận lợi trong việc mở rộng tại đây, hiện chỉ hoạt động ở vài huyện của tỉnh Nangarhar, nằm sát biên giới với Pakistan.
Châu Phi : al-Qaeda và Daesh vẫn hoành hành
Tại Châu Phi, Daesh nhắm đến Libya và đây là nước duy nhất Daesh cử lãnh đạo sang để xây dựng và tổ chức chi nhánh thánh chiến. Tuy nhiên, sau hai năm, lực lượng Daesh tại đây bị phân tán, yếu thế và buộc phải rút vào hoạt động bí mật.
Ngoài ra, còn phải kể đến một số chi nhánh khác của Daesh tại Châu Phi : Boko Haram tuyên thệ trung thành với tổ chức Nhà nước Hồi giáo, dù hiện chưa có bất kỳ yếu tố nào cho thấy có sự phối hợp hành động giữa hai bên ; tổ chức Những binh sĩ của Vương quốc Hồi giáo tại Algeria, tổ chức Đại Sahara hoạt động tại Mali, Burkina Faso và Niger.
Bên cạnh đó, al-Qaeda vẫn hoạt động mạnh trong vùng : tổ chức Shebab tại Somalia, tổ chức ủng hộ Hồi giáo vào người Hồi giáo (Jamaat Nosrat al-Islam wal-Mouslimin) tại vùng Sahel…
Ai Cập : Người du mục Bedouin tuyên thệ trung thành với Daesh
Trên bán đảo Sinai, một nhóm thánh chiến địa phương, gồm khoảng 1.000 đến 2.000 thành viên, chủ yếu người du mục Bedouin, đã tuyên thệ trung thành với Daesh vào năm 2014 và đã sát hại vài trăm cảnh sát và quân nhân Ai Cập. Lực lượng Daesh địa phương cũng nhắm vào người theo đạo chính thống với vụ khủng bố đẫm máu vào đúng mùa Phục Sinh 2017 khiến 29 người chết. Sự hiện diện của Daesh trên bán đảo Sinai cũng khiến Israel lo ngại.
Sau vụ tấn công tại New York, tổng thống Mỹ gia tăng kiểm soát nhập cư
Sau vụ tấn công bằng xe tải khiến 8 người chết ở New York mà thủ phạm là một người gốc Uzbekistan, tổng thống Mỹ Donald Trump kêu gọi bãi bỏ việc rút thăm "thẻ xanh" (giấy phép thường trú) mà 50.000 nước ngoài được hưởng mỗi năm.
Theo nhật báo kinh tế Les Echos, thêm một lần nữa "tổng thống Donald Trump lại gây tranh cãi về vấn đề nhập cư" vì đây không phải là lần đầu tiên ông chỉ trích chương trình cấp thẻ xanh bằng cách rút thăm có từ những năm 1980. Tháng 08/2017, chủ nhân Nhà Trắng đã ủng hộ dự luật của hai thượng nghị sĩ Cộng Hòa muốn thắt chặt quy định đoàn tụ gia đình và lập một hệ thống dựa trên thành tích để đạt mục đích cuối cùng là hạn chế một nửa số người nước ngoài vào Mỹ.
Theo bài xã luận của Libération, vụ tấn công tại New York cho thấy điểm yếu của các biện pháp hạn chế tự do trong cuộc chiến chống khủng bố : Không phải cứ khép cửa biên giới là có thể hạn chế được nguy cơ tấn công. Hiệu quả phòng ngừa phụ thuộc vào hoạt động của các cơ quan tình báo và cảnh sát theo khuôn khổ luật pháp và đặc biệt là cần phương tiện và quân số.
Bài xã luận của La Croix nhận định vụ tấn công ngày 31/10 một lần nữa cho thấy Hoa Kỳ không được trang bị kỹ trước nguy cơ khủng bố. Tổng thống Trump yêu cầu gia tăng kiểm soát người nước ngoài muốn vào Mỹ, thế nhưng, thủ phạm vụ tấn công lại sống ở Hoa Kỳ từ 2010, hơn nữa cách hành động dường như không cần quá trình chuẩn bị kỹ lưỡng.
Vắng Mỹ, 11 nước Thái Bình Dương tìm cách khôi phục TPP
Chuyển sang khu vực Châu Á, nhật báo Le Figaro đưa tin "11 nước vùng Thái Bình Dương làm tái sinh thỏa thuận mà Trump bác bỏ".
Thủ tướng Nhật Bản đã tiếp đón 11 nước cam kết phê chuẩn thỏa thuận tự do mậu dịch xuyên Thái Bình Dương (TPP) tại thành phố Urayasu (ngoại ô Tokyo). Như các nhà lãnh đạo khác, ông Abe cho rằng TPP là cơ hội duy nhất để cải cách và hiện đại hóa Nhật Bản, đặt biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp.
TPP sẽ mở ra những thị trường mới cho các doanh nghiệp Nhật, trong bối cảnh thị trường nội địa bị thu hẹp vì tình trạng lão hóa dân số. Ngoài ra, thỏa thuận này còn giúp Nhật Bản trở thành "thủ lĩnh trong vùng", vị trí mà xứ hoa anh đào chưa từng nắm giữ dù nền kinh tế phát triển mạnh mẽ từ sau Thế Chiến II.
Nhưng liệu các nước trong vùng có hiểu được nhau hay không nêu không có đầu tầu Mỹ ? Đây là câu hỏi của Le Figaro. Vì từ lâu, Hoa Kỳ đóng vai trò trung gian, vừa về thương mại lẫn quân sự, trong vùng. Ngoài ra, thị trường Mỹ luôn là một nguồn cơ hội dồi dào, đặc biệt cho các nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam. Các nước còn lại muốn đạt được một thỏa thuận vào tháng 11, trước khi gửi đến Hoa Kỳ để thuyết phục Chú Sam trở lại.
Tổng thống Pháp cải cách quy định trao Bắc Đẩu Bội Tinh
Ngày 02/11/2017, Hội đồng Bộ trưởng Pháp sẽ xác nhận một số thay đổi liên quan đến việc trao huân chương Bắc Đầu Bội Tinh. Hai thay đổi quan trọng là giảm số lượng huân chương được trao và căn cứ theo tiêu chí công lao.
Tổng thống Pháp muốn "khôi phục giá trị" của Huân chương Bắc Đẩu Bội Tinh ra đời năm 1802 dưới thời hoàng đế Bonaparte. Vì vậy, ông Macron muốn giảm rõ rệt số người được trao tặng, mà ví dụ điển hình là chỉ có 101 người (trong đó có 51 phụ nữ) được trao huân chương danh giá này nhân dịp Quốc khánh Pháp 14/07 vừa qua.
Quyết định mới này có thể sẽ làm xáo trộn một số "tục lệ", như trao ruy băng đỏ cho một số người nổi tiếng : các cựu bộ trưởng, thành viên Viện Hàn Lâm và cựu đại sứ. Lực lượng quân nhân, hiện chiếm khoảng 40% số lượng huân chương, cũng sẽ bị tác động.
Trang nhất các nhật báo
Trừ Le Monde ra số đúp nhân lễ Các Thánh (Toussaint), bốn nhật báo Pháp còn lại ra ngày 02/11/2017 đề cập đến bốn chủ đề khác nhau trên trang nhất. Le Figaro quan tâm đến những quy định mới về việc trao bắc đẩu bội tinh mới được tổng thống Pháp Macron ban hành. Nhật báo kinh tế Les Echos đưa tin "Châu Âu vượt Hoa Kỳ về tăng trưởng". Với truyền thống ngày lễ Toussaint, tại Pháp là dịp tảo mộ, nhật báo công giáo La Croix nhận định : "Cái chết không còn là chủ đề cấm kị", vì 2/3 người dân Pháp nghĩ đến cái chết của chính mình hoặc của người thân.
Thu Hằng
Một cuộc không kích của Nga đã giết chết khoảng 40 chiến binh Nhà nước Hồi giáo, trong đó có 4 chỉ huy cấp cao, gần thành phố Deir al-Zor của Syria, Reuters dẫn nguồn Bộ Quốc phòng Nga cho biết hôm 8/9.
Các lực lượng dân chủ Syria tại tỉnh Deir al-Zor ngày 21/2/2017.
Bộ này cho biết trên trang Facebook rằng cuộc không kích, do máy bay ném bom Su-34 và chiến đấu cơ Su-35 thực hiện, được tiến hành sau khi có một báo cáo tình báo hôm 5/9 tiết lộ rằng các chỉ huy cấp cao IS đang họp trong một hầm bí mật ở Deir al-Zor.
Trong số những người bị giết có Abu Muhammad al-Shimali, là chỉ huy các chiến binh nước ngoài của IS, thông báo cho biết thêm.
Bộ Quốc phòng Nga nói họ có bằng chứng cho thấy Gulmurod Khalimov, "bộ trưởng chiến tranh" của Nhà nước Hồi giáo, cũng có mặt tại cuộc họp trong hầm bí mật và đã bị thương chí mạng trong cuộc không kích, rồi được sơ tán đến khu vực al-Muhasan, cách 20 km (13 dặm) về phía đông nam Deir al-Zor.
Khalimov, chỉ huy lực lượng đặc nhiệm của Tajikistan được Mỹ đào tạo, đã đào ngũ và theo Nhà nước Hồi giáo vào tháng 4 năm 2015.
Khalimow sau đó đăng tải một phát biểu bằng video, hứa sẽ trở về nước để thiết lập luật sharia tại quốc gia Trung Á và đưa thánh chiến đến Nga và Hoa Kỳ.
Một giới chức hàng đầu cơ quan an ninh quốc gia Tajikistan cho hãng thông tấn RIA của Nga biết rằng Moscow đã yêu cầu cung cấp chi tiết bằng chứng việc đào thoát của Khalimov.
Hôm thứ Ba (5/9), các lực lượng chính phủ Syria, với sự hỗ trợ của các cuộc không kích và phóng tên lửa hành trình của Nga, đã tiếp cận được khu vực Deir al-Zor bị IS bao vây trong nhiều năm. Đây cũng là cứ địa cuối cùng của IS ở Syria.
Trung Quốc ủng hộ Philippines trong cuộc chiến chống phiến quân IS (RFA, 12/06/2017)
Trung Quốc tuyên bố ủng hộ chiến dịch chống khủng bố của chính phủ Philippines, nhằm chống lại các phiến quân Tổ chức Nhà nước Hồi giáo ISIS.
Quân đội Philippines dùng máy bay tấn công quân khủng bố trong thành phố Marawi trên đảo Mindanao miền Nam nước này hôm 25/5. AFP
Bộ Ngoại giao Trung Quốc lên tiếng hôm thứ Hai 12 tháng 6 sau khi các lực lượng đặc biệt của Hoa Kỳ hỗ trợ quân đội Philippines.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng nói trong một cuộc họp báo thường kỳ rằng : "Chủ nghĩa khủng bố là kẻ thù chung của nhân loại. Trung Quốc hiểu và ủng hộ mạnh mẽ tổng thống Philippines Rodrigo Duterte và chính phủ của ông này họ trong cuộc chiến chống khủng bố".
AFP dẫn lời ông nói rằng "Chúng tôi ủng hộ các cuộc hành quân chống khủng bố này".
Phát biểu của ông Lục Khảng được đưa ra khi được hỏi quan điểm của Trung Quốc về việc Hoa Kỳ hỗ trợ cho quân đội Philippines trong chiến dịch chống phiến quân ISIS đang diễn ra.
Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Manila cho biết, hôm thứ Bảy cuối tuần qua, lực lượng đặc biệt Mỹ đang trợ giúp quân đội Philippines trong những cuộc hành quân đang diễn ra ở thành phố Marawi, nơi các phần tử nổi dậy tấn công hồi ngày 23 tháng năm vừa qua.
*******************
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte hôm 11/6 cho biết rằng ông không nhờ Washington hỗ trợ chấm dứt cuộc vây hãm của các chiến binh Hồi giáo tại một thành phố của nước này.
Theo Reuters, tuyên bố này được đưa ra một ngày sau khi Hoa Kỳ thông báo đã giúp đỡ Philippines theo lời đề nghị của chính phủ nước này.
Trao đổi tại một cuộc họp báo ở cách thành phố bị vây hãm là Marawi khoảng 100 km, ông Duterte nói rằng ông "chưa bao giờ tiếp cận" Mỹ để xin giúp đỡ.
Khi được hỏi về sự hỗ trợ của Mỹ trong cuộc chiến chống lại các chiến binh thân Nhà nước Hồi giáo tại Mindanao, ông Duterte nói rằng ông "không hay biết về chuyện đó cho tới khi tới nơi [họp báo]".
Theo Reuters, sự hợp tác giữa hai đồng minh là điều đáng chú ý vì ông Duterter, sau khi lên nhậm chức năm ngoái, đã có quan điểm không mặn mà đối với Washington, và thậm chí còn tuyên bố đưa hết các huấn luyện viên và các cố vấn quân sự khỏi nước mình.
Hiện chưa rõ là liệu phe quân nhân thân Mỹ có tự ra quyết định mà không cần ý kiến của ông Duterte hay không.
Quân đội Philippines hôm 10/6 nói rằng các lực lượng của Mỹ chỉ hỗ trợ kỹ thuật và không có binh sĩ tại thực địa.
Phe quân nhân xác nhận một tuyên bố của đại sứ quán Mỹ ở Manila về việc chính phủ Philippines đã đề nghị giúp đỡ.
*************************
Đặc nhiệm Mỹ yểm trợ quân đội Philippines ở Marawi (RFI, 10/06/2017)
Theo thông báo của đại sứ quán Hoa Kỳ tại Manila hôm nay, 10/06/2017, lực lượng đặc nhiệm của Mỹ đang yểm trợ cho quân đội Philippines trong các trận đánh tại Marawi, miền Nam Philippines, nhằm giải phóng thành phố này khỏi tay của lực lượng Hồi Giáo cực đoan.
Quân đội Philippines truy lùng chiến binh thánh chiến tại Marawi ngày 7/06/2017. Reuters
Tuy nhiên, theo lời phát ngôn viên quân đội Philippines, lực lượng Mỹ chỉ hỗ trợ về mặt kỹ thuật, chứ không trực tiếp chiến đấu chống lực lượng trung thành với tổ chức Nhà nước Hồi giáo, hiện vẫn kiểm soát một phần thành phố Marawi.
Washington đã triển khai lực lượng đặc nhiệm ở Mindanao vào năm 2002 để huấn luyện và cố vấn cho các đơn vị Philippines chiến đấu chống các chiến binh của nhóm Hồi Giáo cực đoan Abou Sayyaf. Chương trình này đã chấm dứt từ năm 2005, nhưng một đơn vị nhỏ vẫn ở lại để hỗ trợ về hậu cần và kỹ thuật.
Việc lực lượng đặc nhiệm Mỹ hỗ trợ quân đội Philippines ở Marawi diễn ra sau nhiều tháng căng thẳng giữa Hoa Kỳ và Philippines. Tổng thống Rodrigo Duterte đã từng tuyên bố là ông muốn quân Mỹ rút hết khỏi Philippines.
Trong khi đó, theo một phát ngôn viên quân sự trong cuộc họp báo hôm nay tại Marawi, đã có thêm 13 lính thủy quân lục chiến Philippines thiệt mạng trong các trận giao tranh với lực lượng Hồi giáo. Như vậy, là tính từ ngày 23/05, khi phe Hồi giáo cực đoan tiến vào Marawi, đã có 58 quân nhân Philippines tử trận. Theo chính phủ, bên phía lực lượng Hồi giáo đã có ít nhất 138 người thiệt mạng. Ngoài ra còn có 20 thường dân tử vong trong các trận giao tranh.
Thanh Phương
********************
Đặc nhiệm Mỹ giúp Philippines giải vây Marawi (BBC, 10/06/2017)
Đặc nhiệm Hoa Kỳ đang giúp quân đội Philippines lấy lại thành phố Marawi từ tay dân quân liên quan tới IS.
Máy bay giám sát P3-Orion của Mỹ xuất hiện trên vùng trời ở Marawi hôm thứ Sáu 09/06
Tuy nhiên lực lượng này chỉ trợ giúp kỹ thuật mà không tham chiến, quân đội Philippines cho biết.
Trong giai đoạn quan hệ hai bên căng thẳng, Tổng thống Rodrigo Duterte từng đe dọa sẽ không cho phép quân Mỹ đóng tại nước này.
Lực lượng dân quân bao vây thành phố phía nam từ cuối tháng Năm. Trận giao tranh gần đây nhất khiến 13 hải quân Philippines thiệt mạng.
Hàng trăm dân quân, những người trưng cờ đen của IS (Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng) và được dẫn dắt bởi đô đốc tự phong là IS, Isnilon Hapilon, cùng hai anh em theo nhóm Maute, Omar và Abdullah, vẫn đang chiếm giữ một phần thành phố.
Số quân Philippines bị thiệt mạng đã lên tới 58 người. Ít nhất 138 dân quân và 20 thường dân cũng đã bị giết, theo chính quyền nước này.
Quân đội Philippines khám xét ở Marawi
Marawi nằm ở đảo Mindanao, có cộng đồng theo Hồi giáo rất lớn tại quốc gia mà đa số theo Công giáo. Đây cũng là vùng có các nhóm Hồi giáo ly khai nổi dậy trong nhiều thập niên qua.
Hãng tin Reuters trước đó dẫn lời Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Manila xác nhận sự hiện diện của lực lượng Hoa Kỳ. Tuy không nêu rõ chi tiết, nhưng nguồn tin này nói lực lượng Hoa Kỳ tới trợ giúp theo yêu cầu của chính phủ Philippines.
Chương trình tư vấn cho quân đội Philippines chống lại dân quân Abu Sayyaf đã bị ngừng từ năm 2015 nhưng quân đội Hoa Kỳ vẫn có sự hiện diện nhỏ ở Philippines, chủ yếu là ở mảng hậu cần.
Một lễ trao vũ khí giữa quân đội Hoa Kỳ với quân đội Philippines hôm 05/06
Ông Duterte, thường có những phát ngôn mạnh miệng, đã lớn tiếng chỉ trích Hoa Kỳ kể từ khi lên nắm quyền từ tháng 6/2016, khiến quan hệ với quốc gia đồng minh lâu năm trở nên căng thẳng.
Tuy nhiên phía Mỹ cho biết ông Duterte đã trò chuyện qua điện thoại "rất thân thiện" với Tổng thống Trump hồi tháng Tư, và nói ông có quan điểm khác biệt với Hoa Kỳ trong thời chính quyền Obama.
Vị trí thành phố Marawi ở Philippines
Người phát ngôn quân đội Philippines, Chuẩn Tướng Restituto Padilla Jr hứa quốc kỳ Philippines sẽ lại được giương cao tại Marawi vào thứ Hai 12/06.
Các quan chức nói trong số dân quân ở khu vực này có nhiều người mang quốc tịch nước ngoài từ những quốc gia như Saudi Arabia, Indonesia, Malaysia, Yemen, Ấn Độ và Chechnya.
*******************
Hình ảnh đáng sợ về tội ác của phiến quân Nam Philippines (VietnamNet, 09/06/2017)
Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) vừa tung ra hình ảnh gây sốc về cảnh phiến quân ở miền nam Philippines hành quyết người Công giáo.
Các lực lượng vũ trang Philippines đã chiến đấu nhằm giải phóng thành phố Marawi khỏi tay phiến quân hơn 2 tuần qua nhưng họ vẫn bị chống cự ở một số địa điểm.
Chiến binh trung thành với IS hành quyết người Công giáo ở Marawi. (Ảnh : Rumiyah)
Phiến quân gồm các thành viên của tổ chức Abu Sayyaf, Maute cùng một số nhóm khác trung thành với IS đã tập kích và chiếm Marawi từ cuối tháng 5. Chúng đốt phá nhiều nhà thờ và trường học, bắt người Công giáo làm con tin và giết hại những người không trả lời được các trích đoạn trong kinh Hồi giáo Quran.
"Các chiến binh Khilafah ở Đông Á đã tập kích vào Marawi, thành phố nằm trên đảo Mindanao ở nam Philippines, đánh đuổi cảnh sát và binh sĩ, và giương cờ Nhà nước Hồi giáo", báo Daily Caller trích dẫn thông điệp đăng trên số ra mới nhất của Rumiyah, một ấn phẩm của IS.
Số báo ra mới nhất này tập trung mạnh vào chiến dịch ở Marawi, do vậy chính phủ Philippines tin rằng đây là nỗ lực của IS nhằm thiết lập được một thành trì khủng bố Hồi giáo cực đoan ở Đông Nam Á. Trong những bản tin mà Rumiyah có nhiều hình ảnh chưa từng thấy về cảnh hành quyết nạn dân.
Quân đội Philippines tiếp tục siết vòng vây ở Marawi. (Ảnh : AP)
Quân đội Philippines vẫn đang tiếp tục tập kích và không kích nhằm vào các vị trí phiến quân ở Marawi. Nhưng đà tiến của họ khá chậm vì phải đối mặt với phiến quân bắn tỉa và các loại vũ khí chống tăng. Chúng tích trữ quân lương, ẩn náu trong những căn hầm chống đạn và dùng lá chắn người với tinh thần sẵn sàng liều chết để cố thủ.
Tình hình càng trở nên phức tạp khi phiến quân được cho là đang cầm giữ khoảng 100 con tin.
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã ban bố thiết quân luật ở miền nam Philippines.
"Tôi không yêu cầu các bạn thực hiện nghĩa vụ thông thường. Tôi ra lệnh cho các bạn nghiền nát kẻ thù. Tôi nói nghiền nát chúng, có nghĩa là các bạn phải phá hủy mọi thứ, kể cả mạng sống", ông Duterte nói với binh lính Philippines.
Quân đội Philippines dự định sẽ quét sạch phiến quân và kết thúc chiến sự ở Marawi trong vài ngày tới.
Thanh Hảo
*******************
Quân đội Phi yêu cầu Facebook đóng tài khoản của phiến quân (RFA, 09/06/2017)
Quân đội Philippines ngày 9/6 đã yêu cầu Facebook khóa hàng chục tài khoản có liên quan đến phiến quân Hồi giáo trong vụ tấn công thành phố Marawi vì cho rằng các tài khoản này đang được sử dụng với mục đích tuyên truyền.
Quân đội phát hiện 63 tài khoản Facebook liên quan đến phiến quân
Hãng tin AFP dẫn lời phát ngôn viên quân đội Trung tá Jo-ar Herrera tại một cuộc họp báo ở thành phố Marawi cho biết họ đã phát hiện ra 63 tài khoản Facebook liên quan đến phiến quân, nói thêm rằng những tài khoản như thế có thể ảnh hưởng đến suy nghĩ của người dân Philippines.
Xin nhắc lại mới hôm 7/6 Philippines cũng yêu cầu các công ty truyền thông xã hội bao gồm cả Facebook gỡ bỏ một đoạn video có cảnh các chiến binh đập phá, xúc phạm các biểu tượng thiêng liêng tại một nhà thờ Công giáo vì e ngại rằng có thể gây ra thù hằn và chiến tranh tôn giáo.
Cảnh báo nguy cơ khủng bố Hồi giáo, Trung Quốc chuẩn bị dư luận (RFI, 13/03/2017)
Từ khi một đoạn video với những chiến binh Duy Ngô Nhĩ trong hàng ngũ Daesh ở Iraq và Syria được công bố trên mạng, chính quyền Trung Quốc liên tục cảnh báo về khả năng thánh chiến xâm nhập để khuynh đảo chế độ. Tuyên truyền "bản sắc Trung Hoa", phát động "chiến tranh nhân dân" là những biện pháp được cổ vũ để chống lại nguy cơ này.
Cảnh sát bán quân sự tham gia tập huấn chống khủng bố ở Ashgar, vùng tự trị Tân Cương, ngày 27/02/2017. REUTERS/Stringer
Theo AP ngày 13/03/2017, các quan chức Trung Quốc đều tỏ ra lo ngại về khả năng Daesh tập trung vào địa bànTrung Quốc một khi bị đánh đuổi ra khỏi Iraq và Syria.
Sharhat Ahan, quan chức đặc trách chính trị và pháp lý ở Tân Cương, cảnh báo diễn tiến tình hình chống khủng bố quốc tế sẽ gây bất ổn cho Trung Quốc và ông kêu gọi "phát động chiến tranh nhân dân" như là giải pháp đối phó.
Tân Cương đúng là một lò lửa, vì có đông đảo cộng đồng Duy Ngô Nhĩ nói tiếng Thổ Nhĩ Kỳ và rất bất bình trước chính sách "Hán hóa" và phân biệt đối xử của chính quyền Trung Quốc. Trong những năm vừa qua, nhiều cuộc xung đột đã xảy ra, làm hàng trăm người chết. Điển hình là vụ bạo loạn năm 2009 đã làm chủ tịch Hồ Cẩm Đào phải bỏ một cuộc họp quốc tế ở Roma, khẩn cấp về nước.
Tuy không đưa ra bằng chứng, chính phủ Trung Quốc luôn lên án người Duy Ngô Nhĩ liên kết với Al Qaida và , Daesh. Cuối tháng 2, Daesh cho loan truyền một đoạn video 28 phút, trong đó các chiến binh nói tiếng Hoa, được huấn luyện tại Syria và Iraq, dọa sẽ tấn công vào Hoa lục trong nay mai.
Chính quyền ở Ninh Hạ cũng có những tuyên bố lo ngại Hồi giáo cực đoan. Theo AP, cộng đồng người Hồi ở vùng tự trị Ninh Hạ có truyền thống ôn hoà, không chủ trương ly khai hay tranh đấu bạo lực như ở Tân Cương. Thế mà, tuần trước, trong cuộc hội thảo về tôn giáo mà báo chí quốc tế được tham dự, ông Lý Kiến Hoa, bí thư đảng Cộng sản ở Ninh Hạ, dựa vào sắc lệnh nhập cư của tổng thống Mỹ Donald Trump để lập luận : tốt hay xấu không biết, nhưng tổng thống Mỹ phải tìm cách chận Hồi giáo cực đoan xâm nhập văn hóa Mỹ. Một cựu quan chức đặc trách tôn giáo vận ở Ninh Hạ là Ngô Thế Dân cho rằng cần phải làm công tác "tuyên truyền bản sắc Trung Hoa trong cộng đồng người Hồi" .
Vài ngày trước khi Daesh công bố đoạn đe dọa, Bắc Kinh tăng viện cho Tân Cương 10.000 quân để "phản công toàn diện" chống khủng bố, không rõ là ngẫu nhiên hay dự phòng.
Theo giải thích của Sharhat Ahan, những động thái biểu dương lực lượng, mít-tinh chính trị là nhằm mục đích "tuyên chiến với khủng bố, phô trương quyết tâm của chính phủ và sức mạnh của đại cường Trung Quốc".
Vì sao chính quyền Trung Quốc đột nhiên tỏ thái độ lo âu một cách công khai và đưa ra những giải pháp như "tuyên truyền, hạn chế đi lại và chiến tranh nhân dân" ? Cho đến nay, chế độ do Mao lập ra vẫn xưng là "vô thần" và nghi kỵ tôn giáo. Bắc Kinh rất khắc nghiệt với người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, một phần vì dân cư địa phương có ngôn ngữ riêng, văn hóa riêng và cũng vì một phong trào đòi độc lập. Nhưng cùng lúc đó, chính quyền Trung Quốc tỏ ra bao dung với người Hồi ở Ninh Hạ.
Theo giới phân tích, những tuyên bố báo động trên đây của cấp lãnh đạo đảng Cộng sản địa phương phản ảnh tâm lý lo ngại của chính quyền trung ương đối với đạo Hồi nói chung. Để ban hành những biện pháp trấn áp, Bắc Kinh cần chuẩn bị dư luận.
Michael Clark , một chuyên gia về Tân Cương của Úc, thẩm định Trung Quốc đã trở thành mục tiêu hù dọa của Daesh. Còn Bắc Kinh thì sợ thánh chiến lập "sào huyệt" sát biên giới Afghanistan-Tân Cương.
Xu hướng lo sợ Hồi giáo chính trị đang lan rộng trong giới lãnh đạo Trung Quốc. Liệu chủ tịch Tập Cận Bình, luôn lo ngại uy thế độc tôn của đảng bị tôn giáo cạnh tranh, sẽ "nhẹ tay" trong nhiệm kỳ hai ?
Tú Anh
******************
Trung Quốc có thật sự muốn hòa bình ? (RFI, 12/03/2017)
Trung Quốc phô trương máy bay không người lái tầm trung Dực Long (Wing Loong), trong lễ diễu binh ở Bắc Kinh, ngày 03/09/2015 - REUTERS
Với việc tăng ngân sách quốc phòng một cách khiêm tốn, phải chăng Trung Quốc đang chứng tỏ là thật sự muốn có hòa bình ? Chuyên gia Valerie Niquet, phụ trách mảng Châu Á, thuộc Quỹ Nghiên Cứu Chiến Lược FRS trên trang blog của báo mạng HuffingtonPost cho rằng không hẳn là như thế. RFI Tiếng Việt giới thiệu bài viết này.
Tại phiên khai mạc khóa họp thường niên Đại Hội Đại Biểu Toàn Quốc (Quốc Hội), bà Phó Oánh (Fu Ying) phát ngôn viên của khóa họp Quốc Hội hàng năm đã thông báo tỉ lệ tăng ngân sách quốc phòng trong năm 2017 giới hạn trong "khoảng 7%". Trái với những tin đồn đã lan truyền trước đó, mức tăng này chỉ nhỉnh hơn mức dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2017 một chút (6,5%) và tiếp tục đà giảm được khởi đầu từ năm 2016.
Có một chi tiết thú vị khác – và mới– trong thông báo trên là trái với thói quen được áp dụng từ nhiều năm qua, phát ngôn viên đã không đưa ra một con số chính thức nào, dù rằng nhiều phát biểu không chính thức có nêu ra con số 151 tỷ đô la.
Nhiều yếu tố có thể giải thích mức tăng khiêm tốn cũng như việc không làm rùm beng về tổng ngân sách quốc phòng.
Làm ra vẻ biết điều
Yếu tố đầu tiên là sự thay đổi trong chiến lược thông tin tuyên truyền và xác định lập trường của Trung Quốc trên trường quốc tế. Đối mặt với một chính quyền Trump có vẻ thất thường và liên tục có những tuyên bố khiêu khích, thì ngược lại, giới lãnh đạo Trung Quốc đã quyết định tỏ vẻ khiêm tốn trên bình diện kinh tế cũng như là chiến lược.
Tại Davos, chủ tịch Tập Cận Bình (Xi Jinping) trong bài diễn văn đáng chú ý đã bảo vệ chính sách toàn cầu hóa và mở cửa, chống lại các ý muốn bảo hộ mậu dịch. Giờ đây, khi nhấn mạnh đến việc kìm giữ ngân sách quốc phòng ở mức thấp, "dưới 1,3% tổng sản phẩm quốc nội", theo như lời bà Phó Oánh, Trung Quốc một lần nữa tự đặt mình vào vị thế một tác nhân biết điều, trái ngược với một nước Mỹ của Donald Trump bị cáo buộc làm gia tăng căng thẳng khi đề xuất tăng 10% cho ngân sách quốc phòng và củng cố sự hiện diện ở vùng Biển Đông.
Trấn an trong khu vực
Yếu tố thứ hai là ý muốn trấn an trên phạm vi khu vực. Ngân sách cho quốc phòng Trung Quốc rất mờ ám, về tổng số tiền thực sự cũng như các khoản dự chi trong ngân sách này. Trung Quốc nuôi tham vọng có một quân đội hiện đại, làm chủ công nghệ cao và "sẵn sàng chiến đấu" theo như đúng những lời phát biểu của chủ tịch Tập Cận Bình, để làm tăng lòng tin vào việc thực hiện "giấc mơ hồi sinh Trung Hoa". Giấc mơ đó phải được thực hiện bằng cách khẳng định uy lực ở cấp độ khu vực, nhất là trên các vùng biển.
Trong bối cảnh đó, từ nhiều năm nay, các phát biểu của Trung Quốc về quốc phòng đều nhấn mạnh đến việc tăng cường năng lực của Quân Đội Giải Phóng Nhân Dân APL), bởi vì mục tiêu là "khua chiêng gõ mõ" sức mạnh mới của Bắc Kinh. Lúc đó, Trung Quốc dường như đã từ bỏ chiến lược ẩn mình chờ thời tích tụ đủ phương tiện thực hiện các tham vọng của mình do ông Đặng Tiểu Bình đề xướng.
Nhưng giờ đây, trước việc toàn thể các nước láng giềng có những phản ứng rất lo ngại, nếu không muốn nói là thù nghịch, Bắc Kinh quyết định nắm lấy cơ hội mà một nước Mỹ hoàn toàn bất khả định đã ban tặng, bằng cách quay trở lại giọng điệu nhấn mạnh đến tính chất hiếu hòa trong chiến lược đối ngoại của mình. Như một nhà phân tích quân sự thuộc đại học Thượng Hải nhận định, "việc tăng ngân sách quốc phòng có chừng mực chứng tỏ sự thành thực của Trung Quốc chỉ mong muốn hòa bình trên thế giới".
Một thực tế mập mờ hơn nhiều
Tuy nhiên, không có gì cho phép khẳng định là việc hãm tăng ngân sách quốc phòng là có thật. Vả lại, mặc dù giảm bớt mức tăng, ngân sách này hiện nay đã đứng hàng thứ hai trên thế giới, chỉ đứng sau Hoa Kỳ, nhiều gần gấp hai ngân sách quốc phòng Nga và cao hơn rất nhiều so với ngân sách quốc phòng của các nước láng giềng lớn xung quanh Trung Quốc, trong đó có Nhật Bản ; ngân sách quốc phòng của Tokyo tuy tăng lên những năm gần đây, nhưng không vượt quá 51 tỷ đô la.
Trên thực tế, việc thiếu sự minh bạch cho phép Bắc Kinh làm chủ được việc cung cấp thông tin ra bên ngoài tùy theo những ưu tiên chiến lược do chế độ vạch ra, do vậy, những thông tin này không nhất thiết phản ánh những thay đổi thật sự. Khi muốn thể hiện sức mạnh để tăng cường khả năng hăm dọa và ngăn cấm, Trung Quốc có thể gia tăng các con số mà họ thông báo, ngược lại, như lúc này đây, khi lựa chọn một chiến lược hòa dịu, Trung Quốc có thể gia giảm tổng số tiền thực sự trong ngân sách quốc phòng của mình.
Đáp ứng các mong đợi của quân đội
Thế nhưng, cho dù các con số này đúng sai ra sao, thì việc tăng ngân sách quốc phòng ở mức khiêm tốn như được thông báo không làm cho giới tướng lĩnh trong quân đội và nhất là những phe cánh có tư tưởng chủ nghĩa dân tộc hài lòng. Những người này đã rất mong đợi thông báo tăng ngân sách quốc phòng ở mức hai con số "nhằm đối phó với những mối đe dọa và bảo vệ các lợi ích của Trung Quốc".
Nhất là quân đội Trung Quốc đã bị tác động mạnh mẽ bởi chiến dịch chống tham nhũng do chủ tịch Trung Quốc đưa ra hồi năm 2013. Nhiều tướng lĩnh cao cấp nhất cũng như hàng chục sĩ quan cấp dưới bị liên lụy và bị kết án. Cùng lúc, chính sách cải cách quân đội đưa ra năm 2015, nhất là việc cho xuất ngũ 300.000 quân nhân, làm dấy lên mối lo âu và bất bình. Nhiều cuộc biểu tình của quân nhân giải ngũ đã diễn ra tại Bắc Kinh trong tháng 2/2017 vì họ lo lắng về việc trả lương hưu và khả năng chuyển đổi nghề nghiệp.
Trong bối cảnh khó khăn này, quyết định mang tính chiến lược của ông Tập Cận Bình chỉ thông báo tăng ngân sách quốc phòng ở mức hạn chế còn là dấu hiệu cho thấy khả năng áp đặt ý chí của ông mà không gặp chút phản đối nào, kể cả trong quân đội. Vào lúc mà đại hội đảng Cộng Sản lần thứ XIX sắp diễn ra vào tháng 10 năm nay, động thái thể hiện uy quyền này càng củng cố thêm quyền lực của Tập Cận Bình.
RFI tiếng Việt
*****************
Tập Cận Bình muốn thúc đẩy phát triển công nghệ trong quân đội (RFI, 13/03/2017)
Phiên khai mạc kỳ họp Quốc hội Trung Quốc ngày 05/03/2017. REUTERS/Thomas Peter
Quân đội Trung Quốc cần phải coi đổi mới công nghệ là "chìa khóa" để cải tiến và hiện đại hóa lực lượng. Trong phiên họp thường niên của Quốc Hội ngày 12/03/2017, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nhấn mạnh với các đại biểu quân đội rằng phải cố gắng hết sức để hỗ trợ về mặt khoa học và công nghệ cho Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc.
Ông Tập Cận Bình, kiêm tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc và chủ tịch Quân ủy Trung ương, có tham vọng hiện đại hóa toàn diện lực lượng quân sự của Trung Quốc thành một lực lượng lớn mạnh nhất thế giới, gồm có chiến đấu cơ tàng hình, tên lửa chống vệ tinh và tầu ngầm tối tân, để có thể tung lực lượng ra bên ngoài lãnh thổ.
Theo Tân Hoa Xã, để có thể đạt được mục tiêu đó, ông Tập Cận Bình nhấn mạnh "đã đến lúc cấp bách thúc đẩy đổi mới về khoa học-công nghệ và tiến lên phía trước với sự kiên định và lòng quyết tâm". Ông nói thêm rằng "cần phải cải thiện hợp tác quân sự và dân sự trong việc huấn luyện quân nhân có chất lượng cao", vì vào năm 2015, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thông báo cắt giảm khoảng 300.000 binh lính.
Cũng trong phiên họp ngày 12/03, các đại biểu Quốc Hội Trung Quốc đã đưa ra 126 điểm sửa đổi trong dự luật Dân sự đang được thảo luận và dự định được thông qua vào năm 2020. Theo một trong các điểm sửa đổi, những ai vu khống, xâm phạm đến tên tuổi, chân dung, tiếng tăm và danh dự của "các vị anh hùng dân tộc và những người hy sinh vì lý tưởng" của đảng Cộng Sản sẽ bị kết tội.
Thu Hằng