Chống khủng bố : những lỗ hổng trong bộ máy an ninh của Pháp
Những "khiếm khuyết" trong hệ thống an ninh của Pháp và một loạt những câu hỏi bốn ngày sau vụ Sở Cảnh Sát Paris bị tấn công từ bên trong, một nhân viên ra tay sát hại đồng nghiệp và điều tra chuyển sang hướng khủng bố.
Sở Cảnh Sát Paris, Pháp, nơi một nhân viên ra tay sát hại bốn đồng nghiệp hôm 03/10/2019. Reuters
Pháp "choáng váng", cơ quan an ninh phải đối mặt với những thách thức vì "một mối đe dọa xuất phát từ bên trong", tựa lớn trên báo La Croix. Tờ Le Figaro thiên hữu xem vụ một nhân viên của Sở Cảnh Sát Paris giết chết bốn đồng nghiệp ngay tại sở làm vì lý do tôn giáo là một vụ "tấn công".
Nguy hiểm hơn nữa là vụ tấn công hôm thứ Năm 03/10/2019 cho thấy, một số các phần tử Hồi giáo cực đoan đã len lỏi vào được những cơ quan Nhà nước, kể cả một điểm huyết mạch nhất như Sở Cảnh Sát Paris mà không hề bị phát hiện. Thủ phạm làm việc tại phòng được coi là "cực kỳ nhậy cảm".
Bộ trưởng Nội vụ Pháp Christophe Castaner đã nói đến "khiếm khuyết", đến những "sơ hở" trong vận hành của ngành an ninh. Libération cánh tả, gọi hung thủ là "kẻ thù từ ở bên trong" và tờ báo phác họa lại chân dung một người đàn ông 45 tuổi, chuyên về tin học, làm việc tại Sở Cảnh Sát Paris từ năm 2003, được quyền tiếp cận với các hồ sơ thuộc diện bí mật quốc phòng. Trong mắt các đồng nghiệp, anh ta là một người kín đáo, hay giúp đỡ những người chung quanh, nhưng chỉ trong 7 phút, đã hiện nguyên hình là một con sói dữ, vô cùng tàn bạo, đâm chết bốn đồng nghiệp, trong đó có ba người làm cùng phòng với anh ta.
Tờ báo cánh tả này trong bài xã luận ví von : "Đây thực sự là một trận địa chấn đang làm rung chuyển cả cỗ máy chính trị-an ninh của Pháp. Có lẽ dư âm sẽ còn kéo dài (...). Thủ phạm đi theo phe Hồi giáo cực đoan, liệu đã hành động riêng lẻ, hay là thành viên của một nhóm khủng bố ? Liệu rằng anh ta có cung cấp những thông tin tình báo của Pháp về mảng chống khủng bố hay không ?".
Về tranh cãi đang bùng lên chung quanh trách nhiệm của bộ Nội vụ, Libération cho rằng, không nên tất cả mọi lỗi lên một mình bộ trưởng Christophe Castaner, nhưng chí ít thì ông này cũng đã vụng về nếu không muốn nói là nhanh nhảu đoảng khi vội vã bác bỏ khả năng đây là một vụ khủng bố chỉ vài giờ sau khi nhân viên của Sở Cảnh Sát Paris thiệt mạng. Cũng chính vì vội vã gạt bỏ giả thuyết khủng bố, bộ trưởng Nội vụ Pháp bị các đảng phái đối lập cáo buộc "muốn tìm cách che giấu thông tin" như ghi nhận của Le Monde.
Pháp và chính sách nhập cư
Vẫn liên quan đến thời sự nước Pháp, hôm nay, Quốc hội thảo luận về chính sách đón nhận người nhập cư. Tất cả các tờ báo Paris đều chờ đợi, Pháp siết chặt chính sách nhập cư.
La Croix lưu ý độc giả, tổng thống Macron không có ý định cho ra đời một bộ luật mới về nhập cư, thay thế cho bộ luật đã được thông qua từ mùa hè năm 2018. Nhưng với việc đem hồ sơ nhậy cảm này ra thảo luận tại Quốc hội, rồi hai ngày sau đến lượt bên Thượng Viện, là bằng chứng cho thấy nguyên thủ Pháp đưa vấn đề này lên thành một ưu tiên hàng đầu, bởi đây là mối quan tâm lớn của một phần công luận trong nước. Le Figaro không vòng vo cho rằng tổng thống Macron đang chuẩn bị cho các cuộc bầu cử thành phố vào mùa xuân năm tới và nhất là cho khả năng tái tranh cử vào năm 2022.
Libération cảnh báo đa số cầm quyền tại Pháp, chớ nên rơi vào bẫy của bên đảng cánh hữu và cực hữu với tinh thần bài ngoại. Le Monde nhìn vấn đề ở một góc độ khác : tổng thống Emmanuel Macron muốn đem đề tài này ra thảo luận trước Quốc hội lưỡng viện, vì ông ý thức được rằng, ngay cả trong hàng ngũ đảng Cộng Hòa Tiến Bước, có nhiều thành viên không tán đồng các biện pháp cứng rắn của chính phủ trong việc tiếp nhận người nước ngoài.
Brexit : Bão tố chờ đợi thủ tướng Boris Johnson
Nhìn sang phần thời sự quốc tế, báo kinh tế Les Echos và Le Monde chú ý nhiều đến vương quốc Anh trước viễn cảnh Brexit. Dưới hàng tựa "Một tuần lễ để thoát khỏi bế tắc", nhật báo Le Monde tiết lộ thủ tướng Boris Johnson dường như sẵn sàng yêu cầu Liên Hiệp Châu Âu hoãn lại ngày chia tay.
Với giọng điệu châm biếm tác giả bài báo cho rằng, có nhiều khả năng ông Johnson chơi trò ú tim. Một mặt năn nỉ Bruxelles hoãn ngày Brexit, mặt khác hô hào với cử tri trong nước rằng "thà chết còn sướng hơn" là phải ở lại Liên Hiệp Châu Âu sau ngày 31 tháng 10. Nhưng trong bụng thì thầm khấn các đấng linh thiêng phù hộ để mọi người cùng tin vào màn ảo thuật này của ông ta.
Trang nhất báo Les Echos đăng ảnh thủ tướng Anh đầu tóc bù xù, bên cạnh là hàng tựa nổi bật "Brexit : Bão tố sắp ập đến với Boris Johnson". Một chục ngày trước thượng đỉnh Châu Âu về Brexit, chính quyền Anh vẫn "trống đánh xuôi kèn thổi ngược" về tiến trình đàm phán với Bruxelles. Trong khi đó thì thị trường chứng khoán Luân Đôn đang "điên đảo" trước viễn cảnh ra đi tay không, trong trường hợp Brexit no deal.
Quyền lực mềm và ảnh hưởng của Nga
Cũng về quan hệ quốc tế, Alain Barluet trên tờ Le Figaro chú ý đến ảnh hưởng ngoại giao của nước Nga từ giữa những năm 2000 tới nay. Theo tác giả, Moskva đã có hẳn cả một chính sách "quyền lực mềm" nhưng đấy không nhằm tô điểm hình ảnh của đất nước mà chủ yếu nhằm mục tiêu làm suy yếu các đối thủ của nước Nga.
Giám đốc cơ quan nghiên cứu Carnegie tại Moskva, ông Dmitri Trenine đánh giá rằng "từ năm 2014, ảnh hưởng của Nga liên tục được mở rộng trên thế giới, từ về mặt chính trị đến quân sự và thông tin. Điều này đã được kiểm chức tại Ukraine, ở Cận Đông, Châu Phi, Châu Á và một phần tại Châu Mỹ Latinh". Thế nhưng trong bảng xếp hạng do nhóm nghiên cứu Portland thực hiện về "30 quốc gia có quyền lực mềm hiệu quả nhất", nước Nga của tổng thống Putin chỉ đứng hạng thứ 28. Moskva ý thức được nhược điểm của mình và lo ngại thấy tinh thần bài Nga còn rất mạnh tại các nước phương Tây.
Theo phân tích của giáo sư Evguenia Obitchkina, Học viện Quan hệ Quốc tế Nga, một trong những ưu tiên của nền ngoại giao Nga là mở rộng ảnh hưởng và sức mạnh trên trường quốc tế. Từ sau khi Liên Xô sụp đổ, Moskva bị Mỹ và Liên Hiệp Châu Âu cướp mất hào quang đó. Có điều đối với điện Kremlin, thanh thế trên trường quốc tế là một lá bùa hộ mạng và để củng cố quyền lực ở trong nước. Đến giữa những năm 2000, khi Ukraine và Gruzia muốn gia nhập khối NATO, Nga nhất quyết phản đối vì trông thấy ảnh hưởng của mình bị thu hẹp lại với các nước láng giềng sát cạnh. Trong nhãn quan của Vladimir Putin đó là mầm mống đe dọa đến "chủ quyền và ổn định của nước Nga".
Vậy đâu là công cụ quyền lực mềm của Putin ? Le Figaro nhắc lại, thuật ngữ soft power chỉ xuất hiện trên các văn bản chính thức từ năm 2012, nhưng trước đó năm 2007 ông Vladimir Putin đã thành lập hẳn một quỹ để quảng bá tiếng Nga mà ông gọi là "tài sản quốc gia" của nước Nga.
Cũng chủ nhân điện Kremlin coi việc bảo vệ ngôn ngữ, bảo vệ những cộng đồng nói tiếng Nga là một ưu tiên, thể hiện "tình yêu đối với nước Nga". Do vậy theo giáo sư Học viện Quan hệ Quốc tế Nga, Moskva đã phản ứng mạnh mẽ vào năm 2014 khi Quốc hội Ukraine đòi cấm giảng dậy tiếng Nga. Chính quyền Putin cho rằng Kiev đã "vượt qua lằn ranh đỏ".
Có điều Moskva không chỉ dùng quyền lực mềm để chinh phục thế giới. Ukraine và Syria là những trường hợp điển hình cho thấy các phương tiện truyền thống để phô trương thanh thế vẫn còn tính thời sự. Chuyên gia Pháp thuộc trung tâm nghiên cứu CERI – trường Khoa học Chính trị Paris, bà Anne de Tinguy cho rằng "yếu tố quân sự vẫn chiếm một vị trí trung tâm trong chính sách đối ngoại" của nước Nga.
Sau cùng giám đốc trung tâm nghiên cứu Carnegie tại Moskva cho rằng, "cái mà Nga gọi là quyền lực mềm, thực ra khá giống với các chiến dịch tuyên truyền để thuyết phục cộng đồng quốc tế về tầm nhìn của nước Nga, và qua đó phá vỡ những lập luận của các đối thủ". Đặc biệt là từ giai đoạn 2012-2013, đài truyền hình Russia Today trở thành công cụ tuyên truyền của Nga ở hải ngoại. Một nhà triết học Nga nói với báo Le Figaro : "chính sách tuyên truyền của Moskva không nhằm củng cố thêm hình ảnh tích cực của nước Nga mà chủ yếu nhắm vào các lực lượng chính trị phương Tây mà điện Kremlin đánh giá là những đối tượng thù nghịch".
Quyền lực công nghệ cao trong tay 3 người đàn bà
Cũng về quyền lực mềm, nhưng trong lĩnh vực công nghệ cao Les Echos bình chọn 3 phụ nữ thế lực nhất. Cả ba đã từng là chủ nhân các công ty khởi nghiệp, và sau một thời gian hoạt động, nay các start up của họ đã trở thành những con "kỳ lân", ngựa một sừng trong thần thoại Châu Âu, với số vốn hơn 1 triệu đô la.
Người thứ nhất là Fatoumata Ba, 32 tuổi. Cách nay 6 năm, với công ty khởi nghiệp Jumia, bà tiên phong trong lĩnh vực mua bán trên mạng tại Châu Phi. Thành công vượt bực, giờ đây bà quyết định đem vốn ra giúp đỡ các mầm non start up khác của Châu Phi.
Nhân vật thứ nhì là chủ nhân công ty khởi nghiệp Mỹ Branch : Madalina Seghete lớn lên tại nước Romania cộng sản. Nhờ có học bổng của Mỹ, Mada được vào trường đại học Cornell danh tiếng của Hoa Kỳ... Năm 2012 Mada cũng với một vài bạn học cũ lập ra một công ty khởi nghiệp, cho phép các thương hiệu theo dõi khách hàng sử dụng sản phẩm của mình... Chỉ 5 năm sau Branch huy động được 242 triệu đô la để phát triển. Madalina là một trong số 37 phụ nữ điều hành một "con kỳ lân" !
Người thứ ba là Jessica Scorpio sáng lập viên Getaround công ty chuyên cung cấp dịch vụ cho thuê xe hơi. Sinh ra tại Canada, lớn lên tại Mỹ nhưng lại chọn Pháp là nơi đất lành chim đậu, Jessica tin rằng tương lai của nền công nghệ cao thế giới đang trong tay phụ nữ.
Thanh Hà